Về Miền Ký Ức
DongSaBang 12.08.2016 21:50:33 (permalink)
Về Miền Ký Ức

“Ha, ngủ linh.”
“Nghe cái giọng mày là biết ngủ đình hay ngủ bụi chứ ngủ linh gì! Lật ra mày.”

Trong căn nhà sang trọng nằm trên bờ sông Potomac tại thị trấn Colonial Beach, tiểu bang Virginia, tiếng cười chiến thắng đè trên ánh mắt không hồn chen lẫn trong không khí vui nhộn lại tiếp tục trên sòng bài; Và ngoài kia trời đã quá hai giờ đêm! Những khuôn mặt non choẹt cách đây 35 năm với mái tóc đen thui, nay đã bạc trắng, đang trở lại miền ký ức của những ngày cùng chung sống dưới mái nhà 47 West Durham ở ngoại ô thành phố Philadelphia.

Tôi bắt nồi nước để đun sôi một vĩ hột gà lộn và một vĩ hột vịt lộn, xong ra vườn cắt đủ các loại rau thơm, dấp cá, hành hẹ, xà lách, rau muống,...đem nhét hết vào hai túi nilon. Trở vào bếp thì nồi luộc trứng dzịt lộn đang sôi sùng sục, vài trứng chịu không nổi sức nóng đã vỡ tung ra. Tôi để lại vài ba trứng cho Vinh và má nó, ôm cái mền ngủ (sleeping bag) và một bộ đồ để thay, xong chỏi mặt lên lầu nói: “see you và con ngày mai nhe em.” Tôi bước ra xe trong tiếng nói nửa thức nửa ngủ của má thằng Vinh.

Vô xe tôi lôi điện thoại cầm tay ra hỏi thằng google chỉ đường đến địa chỉ 291 Pearson Drive, Colonial Beach, VA. Thế là anh chàng này lên bản đồ, rồi còn đoán đường đi thuận tiện, không kẹt xe kẹt xiếc, và nói một tiếng rưởi sau tôi sẽ đến đó. Nghĩ cũng quá hiện đại, với mắt mũi lem nhem, đường đi ngoằng ngoèo, và một miền quê xa xôi mà không có giọng nói dễ thương của cô nàng ngồi bên cạnh dẫn đường tôi đi, thi có lẽ đến khuya tôi mới tới nơi!

Nhưng thật ra hơn một nửa đường là con đường ngày xưa hằng ngày tôi lái xe đi làm. Hơn mười lăm năm nay tôi mới trở lại con đường xưa này. Ra khỏi nhà tôi bắt vào beltway 495, rồi từ đó tẻ ra đường số 5 South để về Dahlgren, nơi có căn cứ trung tâm thí nghiệm và điều chế vũ khí hải quân mà ngày xưa tôi làm việc. Con đường số 5 nối tiếp vào 301 đi ngang qua thành phố Waldorf và Laplata trước khi qua cầu sông Potomac. Waldorf và Laplata ngày xưa là hai thành phố tương đối nghèo nàn, đó đây hai bên đường là những nông trại, và có nhiều thổ dân Amish di cư từ Đức Quốc Xã. Phần lớn thổ dân Amish được tìm thấy ở vùng Lancaster, bang Pennsylvania. Họ sống riêng biệt theo tập quán cổ truyền ngày xưa, không theo đời sống văn minh ngày nay, đàn ông con trai để tóc dài, họ di chuyển bằng xe ngựa, không tin và không dùng điện thoại, tv. Họ sống biệt lập trong cộng đồng riêng của người Amish. Họ tự nuôi gia cầm và sống bằng nghề nông. Những người Việt nơi đây thường về vùng Waldorf và Laplata để tìm mua dê ngỗng gà vịt sống đem về làm tiết canh!

Mười lăm, hai mươi năm về trước vùng Waldorf có nhiều cửa hàng bán súng, tiệm rượu. Nơi đây thường có những vụ buôn bán ma tuý, cần sa và có nhiều nhà nghỉ đơn sơ được dựng lên dọc hai bên đường số 5 và 301 để trao đổi cần sa ma tuý, và những cuộc tình qua đường. Ngày nay hầu hết những nhà nghỉ này bị chính quyền địa phương đóng cửa. Hôm nay tôi đi trở lại, thành phố Waldorf có nhiều thay đổi, những khu buôn bán, nhà cửa khang trang nổi lên nhiều nơi hai bên mặt đường. Nhưng những tụ điểm của một thời hoang lạc, những tiệm súng, những quán bar nay bị bỏ hoang, cỏ mọc trông tiêu điều như những dãy phố hoang tàn đổ nát trong những bộ phim cao bồi ở miền trung nước Mỹ, của thời Wild Wild West sau những trận tranh hùng của những tay súng ngoài vùng pháp luật (outlaw)! Hôm nay trở lại, những cảnh cũ hai bên đường làm lòng tôi, ít nhiều, cũng bồi hồi về những ngày xưa hằng ngày tôi đi qua đây.

Cách đây không lâu, sự ra đi đột ngột của anh Nghi, một người anh em trong gia đình 47 West Durham đã làm mọi người bàng hoàng. Sự vô thường cuộc đời đã nhắc nhở những người anh em và bạn bè của 47 West Durham còn lại, và chúng tôi hẹn hò để tìm đến nhau trong cái tuổi đời ngắn ngủi này. Rồi thư đi thư lại, kẻ mang dép, người mang mùng mền, chiếu, gối; Kẻ ra vườn bức hết rau cỏ, người đi tìm gà đi bộ, bắt cua bắt ốc. Nghĩ đến gặp lại bạn bè năm xưa, rồi ăn nhậu, rồi bài bạc mua vui, tán dóc, cười đùa như những ngày xưa tôi lại hăng say lên, như rượu chưa uống mà đã say! Tôi đi tìm người Amish mua vài con dzịt sống để làm tiết canh, đi ra chợ Miên lôi về vài vĩ hột dzịt lộn. Mà mỗi lần nghe đến hột dzịt lộn là tôi nhớ lời rao văng vẳng của cô gái bán hột dzịt lộn năm nào trong cái hẻm lao động ở Kho 11. Cứ chiều chiều là...aiiiiii...dzịt...lồ...ộnnn hôn, mà cười sặc máu họng luôn! Nhưng hôm nay tự nhiên tui thèm tiết canh dzịt muốn chết đi được! Tui gọi thằng Dư: “Mày biết làm tiết canh dzịt hông?” Nó nói biết nhưng nó không dám cắt cổ dzịt! Tui hỏi mày thích ăn hông, nó nói anh làm thì tui ăn. Tui nói trong bụng thằng này biết ăn nhưng không muốn làm. Tui gọi anh Hoành hỏi tìm mua dùm mấy con dzịt để lam tiết canh, ảnh nói không biết ăn tiết canh. Tui nói anh uống như trâu mà không biết ăn tiết canh dzịt thì coi như chết nửa đời người rồi. Tui ngồi mơ về dĩa tiết canh. Tui hỏi thằng youtube nó chỉ hết từ A đến Z, từ cắt cổ dzịt tới đánh tiết bằng cái lông…dzịt. Nó chỉ làm chén tiết xong rồi để đó, luộc dzịt chín, xong cắt hết thịt dzịt ra nho nhỏ cùng với bộ đồ lòng, băm rau răm, rau thơm nho nhỏ, đâm đậu phụng đừng nát quá, xong lấy nước luộc dzịt pha vào tiết dzịt cho được nhiều, mà nước luộc còn nóng cho tiết nó chín, xong bỏ thịt dzịt bằm nhỏ vô dĩa, bỏ tau răm lên mặt, rãi đậu phung lên luôn, rồi múc nước tiết dzịt rưới lên cho đều. Để 10 đến 15 phút là tiết nó đông lại. Xong. Vậy mà cuối cùng tui không tìm được đến một cái lông…dzịt để mà làm tiết! Ui! Cái xứ gì đâu mà chán ngắc!

Xe chạy boong boong trên quốc lộ 301 một hồi thì đến bờ sông Potomac, bên đây bờ sông là trạm thu tiền mãi lộ mà ngày tôi còn đi làm dưới này chưa có. Bên cạnh trạm thu mãi lộ là nhà máy phát điện Morgantown của công ty điện lực Pepco, công ty đầu tiên tôi làm việc khi vừa ra trường. Bên kia bờ sông, đối diện nhà máy Morgantown là trung tâm nghiên cứu và thiết kế vũ khí của hải quân Hoa Kỳ, một phần của bộ quốc phòng mà tôi đã làm việc trên mười năm dài trước khi ra đi. Từ trên cầu Potomac River nhìn xuống trước mặt là căn cứ hải quân Dahlgren, chếch về tay trái với building màu đỏ gạch là nơi tôi từng làm việc. Nơi đây đã từng thiết kế những khẩu đại bát có đường kính 16 inches để gắn trên tàu hải quân. Mỗi buổi sáng khoảng 9 đến 10 giờ là khúc sông Potomac này được ngăn chặn tàu bè không cho lai vãng, và những cuộc bắn thử súng đại bát bắn thẳng vào con sông này, những tiếng đại bát nổ vang rung chuyển cả những cửa sổ nơi đây! Nơi đây tôi đã tham gia chương trình thí nghiệm, thiết kế và thử nghiệm hệ thống CEC, Cooperative Engagement Capability, là một chương trình hợp tác thiết kế giữa US Navy và Johns Hopkins University. CEC là một hệ thống radar trực tuyến kết nối và đưa tin giữa những thành phần tham chiến từ trên không, biển và đất liền. CEC là hệ thống giám sát hiện đại nhất của bộ quốc phòng hiện nay, được gắn trên máy bay trinh thám EP-3 mà có lần va chạm với một chiến đấu cơ J-8 của Trung Cộng. Trong cuộc va chạm này đã gây một phi công J-8 tử vong và EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam; Trung Cộng tìm mọi cách để tịch thu và ăn cắp kỷ thuật này khi EP-3 còn nằm trên đảo Hải Nam, nhưng Mỹ nhất quyết không cho Trung Cộng rờ tay vào và đã mang nó trở lại với mọi giá! Hôm nay từ trên cầu nhìn về building màu gạch đỏ mà lòng đầy tự hào của một thời trai trẻ.

Những hoài niệm một thời chạy lên chạy xuống nơi đây, với những công trình và bạn bè trong Navy rồi cũng mờ dần theo bánh xe lăn. Qua khỏi căn cứ Dahlgren nàng gú-gồ dẫn tôi vào con đường làng mang tên 218, từ đây tôi phải đi theo nàng tuyệt đối. Con đường vắng vẻ, cây che rợp bóng tôi cứ tưởng mình đang đi trên đường Duy Tân với cây cao bóng mát. Hai bên đường là những nông trại với những đám bắp xanh tươi ngút ngàn. Dân cư nơi đây còn thưa thớt và cảnh vật rất bình yên như một miền quê của thời xa xưa tôi lớn lên.

Và cuối cùng nàng gú-gồ nói: “Đó đó cái nhà anh muốn đến nằm bên tay trái đó.” Tôi tấp xe vô lề dớn dác tìm số 219 thì thấy thằng Đáng đâu trong xe chui ra, miệng nó cười to hơn cái bát, ngoắc ngoắc tay tôi: “Vô đây, vô đây anh Mười.” “Uả! Đây hả.” Tui nói con nhỏ gú-gồ này giỏi thiệt! Hang cùng ngõ ngách nào nó cũng biết ráo. Tôi quẹo vô sân. “Sao không thấy ai hết vậy Đáng?” “Ông chủ nhà Thể và mấy chả đi chợ rồi.” Tui lụi hụi xách vài bịch rau và ổ dzịt lộn vô, quay qua nói mẹ nó lật đật đi quên cha hai bịch rau răm để ăn hột dzịt lộn rồi! Thằng Đáng nói không sao em có bức một mớ sau vườn đây, rồi nó chìa bịch rau răm cho tui xem. Ô! Tốt quá, sao mi giỏi vậy! Thằng Đáng lôi bàn ghế trong xe ra, tui xách bịch rau sống đi ra bờ sông ngồi lặc.

Nhìn ánh nắng ban mai chiếu lên cầu tàu dài đưa thẳng vào lòng sông, cảnh trí nơi đây thật tuyệt vời để lẫn trốn đô thị nhộn nhịp trong những ngày cuối tuần. Nắng ban mai, gió biển và dòng sông êm đềm trôi cũng đủ tạo nên khung cảnh lảng mạng cho ngày hội ngộ. Tôi đang đưa mắt nhìn xa xa ngoài dòng sông thì Sơn, Hùng, Phương, Bình và người nhà đến. Tay bắt mặt mừng chưa hết thì gia đình anh Khoan chị Thảo, rồi Dư, Hoành, Thể đi chợ về; Tòng, chị Thảo chị Phương và ông xã cũng vừa đến. Rồi Quang S. Bình, Huy và vợ con cùng vợ chồng chị Thư lần lược cũng có mặt. Ngày hôm sau vợ chồng Thái mới đến và trong cuộc hội ngộ này thiếu anh Tuấn, và một số bạn bè ở xa như Bách, Chánh, Năng, Thành râu, Chương, Diệp, vv…là những người một thời gắn bó với căn nhà 47 của năm xưa. Có người đã hơn 35 năm nay mới gặp lại, có những bông hồng một thời làm say đắm những anh chàng thư sinh của Philadelphia ngày xưa.

Rồi những món ăn quen thuộc trong một buổi tiệc được dọn ra, những tiếng cười nói hàn huyên và những cái choàng cổ như ngày xưa thân ái làm lòng người ấm lại. Lâu lắm rồi tui vẫn nhớ thằng Hùng có trứng dzịt lộn ung là nó thầu hết; Thằng Sơn thì mỗi lần đến phiên nó nấu ăn là ôi thôi chỉ có mấy trứng gà mà nó chế biến như nhà hàng, còn thằng Thái thì thầy cãi; Có nhiều khi cãi nhau một hồi thì nó cãi lại chính nó! Thằng Dư thì nó đớp một lúc cả vĩ trứng gà luộc hơn chục trứng, ôi toàn là những nhân vật ngoại hạng! Anh Hoành thì đêm nào đánh bài là ổng cũng nấu sẵn một nồi cháo gà.

Hôm nay ngoài cầu tàu những người bạn cũ quây quần bên chai rượu mạnh, miếng mồi nhậu cánh gà nướng được cắt nhỏ ra móc vào lưỡi câu và quăng ra xa trên dòng sông Potomac. Chị Thảo cũng nhấm một ly cho ấm lòng. Họ về đây nhiều khi chỉ để được nhìn nhau, trò chuyện vài ba câu chuyện nhỏ, đôi khi cũng chẳng có gì để nói, nhưng thấy rất ấm cúng. Lâu lâu vài con cá ngát lại cắn câu! Đêm về, trên bếp nồi cháo gà đang cho lửa thấp, những tiếng sát phạt nhau trên bàn đã đưa không gian trở về ngôi nhà 47 của 35 năm về trước. “Ê thằng Sơn binh thùng lũng nữa kìa, lật đít nó ra.” Những tiếng cười lại nổi lên trong đêm vắng.

Và:

Dòng Tô Mắc (*) say nhừ điểm mặt
Khách giang hồ lay lắt dừng chân
Ba mươi năm thăng trầm trôi nổi
Chợt một chiều tóc bạc như vôi.

Về đây hử ta ngồi đếm lại
Vóc hình hài ai gọi cố nhân
Này bạn hữu mấy lần tao ngộ
Cạn ly vào sóng vỗ lâng lâng.

Rồi mai kia vạn nẻo đường trần
Hẹn có lần gặp lại bạn thân
Giờ bạn cũ hân hoan cất bước
Vui sông hồ mược bóng thời gian.

PS. (*): Sông Potomac

Đồng Sa Băng
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9