Câu Chuyện Ngày Xưa
DongSaBang 12.08.2016 21:57:31 (permalink)
Câu Chuyện…Ngày Xưa


“Ông cần phải tập thể dục, ít nhất là đi bộ để tim và cơ thể trong người ông tốt hơn.” Lời căn dặn của vị bác sĩ làm tôi giựt mình, tôi đứng dậy rời khỏi bàn làm việc và bước đến thang máy. Ra khỏi cơ quan tôi lội bộ trên một lối đi nhỏ, và buổi chiều cũng vừa ngã bóng. Chân bước đi mà đầu óc tôi nhớ lại lờ nói, có vẻ “trách móc” của vị bác sĩ, là: “Sao lâu quá ông không đến đây!?” Tôi nhìn vị bác sĩ với đôi mắt thiện cảm, và nói rằng: “Tôi đâu muốn gặp bác sĩ, cực chẳng đã tôi mới đến đây, xin bác sĩ hiểu dùm cho.” Vị bác sĩ hỏi tôi tại sao? Tôi nói vì gặp bác sĩ tức là tôi thuộc thứ bị bịnh, mà tôi đâu muốn bị bịnh! Vị bác sĩ cười, nhìn tôi nói: “Bạn có biết tình trạng của bạn bi đát đến đâu không?” Tôi nhìn ông, mỉm cười mà không trả lời.
Tôi bước đi với những ý nghĩ về cuộc đời thoáng đến và cũng vội bay đi, vì hơi đâu mà suy nghĩ cho mệt!
Con đường nhỏ càng lúc càng rời xa cơ quan, xa dần những suy tư về những tò mò, thắc mắc để khắc phục những công trình tôi đang nhúng tay vào, hay có lẽ để thỏa mãn những đói khát của đầu óc tôi. Nhiều khi sự đam mê công việc đã đưa tôi đến tình trạng quên luôn cả bản thân! Nhưng hôm nay tôi đã vứt bỏ được một thứ đam mê, và đang hít thở cái không khí trong lành của một buổi chiều cuối Thu. Tôi đến bên cạnh một bờ hồ với bãi cỏ thênh thang. Tiếng gió rì rào thổi lên mặt hồ tạo nên những gợn sóng lăn tăn, và những tia nắng rọi xuống mặt nước làm lóe lên những tia sáng lấp lánh. Tôi bước đi và tâm hồn dường như tách rời khỏi thế giới nơi đây.
Làn gió mát hôn nhẹ lên mắt và tóc, tôi nhìn những ngọn cỏ đang uốn mình trong cơn gió, làm tôi nhớ những buổi chiều đi trên cánh đồng nơi quê tôi!
Hình ảnh những bông lúa chín vàng nối đuôi nhau đùa giỡn trước làn gió, và tiếng gió rì rào xuyên qua tai với cảm giác mát lạnh trên cánh đồng một buổi chiều cuối thu, cũng giống như hình ảnh nơi đây và lúc này. Nhưng hình như chưn tôi không còn bước đi nơi đây, mà đã về với quê hương của những ngày xa xưa! Nơi đó tuổi thơ tôi đã sống trong những ngày bình an và…chiến tranh. Và cũng nơi đó đã có một thời người dân quê tôi dường như tự chế biến mọi thứ đồ dùng cho cuộc sống hằng ngày.
Quê tôi thuộc quận Nghĩa Hành, một quận cận sơn. Từ thời nhà Nguyễn, nội cố tôi là Tri Phủ Nguyễn Mậu Thụ đã khai phá và lập nghiệp ở xã Hành Thịnh ngày nay. Và từ đây những thế hệ chúng tôi nối tiếp chào đời. Nằm trong thung lũng, bao bọc bởi núi rừng và có con sông Vệ hiền hoà uốn quanh sau làng, quê tôi cũng là quê hương của nhà cách mạng Lê Khiết cùng thời và cùng khoa với nội cố tôi.
Mãi đến những năm đầu thập niên 1960 người dân quê tôi hoàn toàn sống bằng nghề nông, và cho đến bây giờ cũng không thay đổi. Nhưng lối sống và phương tiện thì đã khác. Bây giờ đời sống tiện nghi hơn, người dân sung sướng hơn. Nhưng mỗi lần nghĩ về quê tôi vẫn luôn nhớ những ngày xa xưa với chân lấm tay bùn của cha ông. Sống theo nghề nông tức là gắng liền với ruộng đồng lúa thóc, với cây cày cái cuốc, và khi hoa màu làm nên, thu hái về thì phải biết chế biến để dùng. Và quá trình tạo nên chén cơm manh áo cũng chỉ do bàn tay và khối óc của người dân chân lấm tay bùn mà ra.
Thuở thanh bình cuộc sống nơi miền quê tôi rất em ả nhưng cũng rất nhộn nhịp, mọi thứ hòa hợp với nhau và rung rinh di chuyển từng ngày. Tiếng người, tiếng trâu bò kéo nhau ra đồng; Trong khi sâu thẳm trong khóm tre làng, lại là những tiếng chày nện đều trong cối giả gạo, tiếng xay lúa, tiếng đe tiếng búa của lò rèn ông Lộng, tiếng máy gạo của ông Hậu Viên Hầu, và tiếng đóng vồ từ bộng dầu của ông Thơ, vân vân... nổi lên từng hồi. Dường như mọi thứ đồ dùng đều do người dân trong làng làm lấy, và có lẽ đó chính là giá trị và kỷ niệm sâu lắng trong tâm hồn của người dân miền quê.
Từ khi lớn lên và bắt đầu bước chân theo cha ra đầu ngõ, rồi từ từ đi xa hơn chút nữa là con đường cái quan và cánh đồng trước làng, là tôi đã nghe tiếng đe vang lên từ nhà ông Lộng. Ông Lộng không là người sinh ra trong ngôi làng này, ông đến đây từ Quảng Nam. Ông xây căn nhà sát đường cái quan, trước làng, cho nên ai đi qua xã Hành Thịnh cũng đều đi ngang qua nhà ông Lộng. Căn nhà có sân trước khá rộng và chung quanh nhà được bao bọc bởi hàng dậu bằng cây dâm bụt và những bụi tre già rợp bóng. Mùa Hè hoa dâm bụt nhà ông Lộng nở đỏ rực bên đường cái quan, là nơi những cô gái thường đến hái hoa và xem những chàng trai đá banh. Và đặc biệt nữa là mảnh ruộng bên cạnh nhà ông Lộng trở thành “sân vận động” của lũ trẻ con trong làng trong những ngày nóng cháy của mùa Hè. Những trái banh được thét bằng lá chuối khô hay trái bòng trái bưởi là niềm vui vô bờ trên đám ruộng khô, nức nẻ trơ gốc rạ!
Trong sân nhà ông Lộng có giếng nước và một vài cái lu nước vàng cháy nằm bên hiên. Nhà ông Lộng có ba gian, gian lớn nhất được dùng làm lò rèn. Giữa gian nhà rộng là hai ống thụt hơi, một bể nướng và hòn đe to lớn cùng với những thanh sắt và những cái búa xồi nằm ngổn ngang. Ông Lộng không có lấy một mảnh ruộng, gia đình ông chỉ sống bằng nghề thợ rèn.
Từ cái dao, cái rựa, lưỡi liềm cuốc xẻng cho đến mũi lưỡi cày người dân trong làng dùng cũng đều được làm từ lò rèn ông Lộng. Quanh năm suốt tháng ông Lộng chỉ lanh quanh trong nhà nên ít khi nào người ta thấy mặt ông. Có lẽ vì thế mà da ông trắng hơn so với những người nông dân nơi đây. Ngay cả cô con gái ông Lộng cũng thành con gái nhà "kín cổng cao tường". Giữa căn nhà rộng là hai ống thụt hơi nằm sát bên nhau, có hai ống nhỏ bắt ra, cách mặt đất chừng một gan tay, gắng vào bể nướng. Cô con gái với thân hình mảnh mai đứng trên cái bục sau lưng hai ống thụt hơi, tay kéo lên đẩy xuống hai piston tạo ra gió thổi vào bể lửa. Ông Lộng đưa thanh sắt vào bể lửa nướng đến khi đỏ hồng thì một tay ông mang thanh sắt để lên hòn đe, một tay dùng búa đập cái cắt rồi nhắc tay lên, người con trai đứng đối diện đưa búa đánh xuống cái bụp. Cứ thế những tiếng cắt bụp nổi lên rất đều đặng trong khi hai ống thụt hơi thổi liên tục vào bể lửa. Sau khi thanh sắt đã được uốn thành hình, nó được nướng lại một lần chót cho thật đỏ xong đem nhúng vào chậu nước để tôi. Thời gian tôi phải được tính rất kỷ, tùy theo chất lượng loại sắt, và đây cũng là bí quyết của người thợ rèn. Tôi quá non thì đồ dùng dễ mếu máo, nhưng tôi quá già thì đồ dùng dễ bể hoặc gãy. Cuối cùng là tra cái cán. Cán thường làm bằng cây lồng mức, một loại cây thẳng, thân mềm, dẽo. Nhưng trước khi tra cán dao, cán rựa ông Lộng phải làm cái khoen tròn để ôm cái cán cho khỏi bị nứt, và dao rựa cũng khó sút ra khỏi cán. Sau cùng là cắt răng (nếu là lưỡi liềm), mài dũa, cho bén trước khi dùng.
Sống bằng nghề nông thì cái cày, cái bừa, cuốc xẻng là những vật dùng không thể không có. Răng bừa đôi khi làm bằng sắt, nhưng răng bừa cũng làm bằng thanh tre chuốt nhọn. Mỏ cày thì người nhà nông đẻo từ thân cây to lớn như cây mít, nhưng quan trọng là mũi cày phải được bao bằng sắt, và đây là sản phẩm của lò rèn ông Lộng. Mỗi mùa, ruộng được tháo nước vào để cày nẻ đất lên, xong bừa cho nhuyễn trước khi cấy lúa.Trong lúc làm ruộng người ta dùng cái rựa bờ để chặt bờ cho sạch sẽ. Cái rựa bờ cũng là vật làm từ lò rèn, nó dài như cây mã tấu, to lớn, hơi cong một chút và nặng gấp mấy lần cái rựa gốc (rựa chặt gốc mía). Sau khi cày bừa xong cha tôi vát trên vai cái rựa bờ to tổ chảng, ổng đi dọc theo bờ ruộng, đưa cái rựa bờ cao lên khỏi đầu xong “phập” xuống một cái! Là cỏ, đất lởm chỡm xung quanh bờ ruộng đều bay đầu rơi xuống như sung rụng! Khi đi hết chu vi mảnh ruộng thì bờ ruộng bây giờ sạch bách như mái tóc nhà binh vừa cắt! Bấy giờ những bó mạ được rãi đều từng hàng chờ những người thợ cấy ra tay. Hình ảnh những người phụ nữ đầu đậu nón lá, chân bước đi nhịp nhàng, gò lưng, tay rút lên cắm xuống cứ di chuyển như những thỏi máy, đã tô thêm vẽ đẹp của cánh đồng.
Dường như suốt cuộc đời ông Lộng gắn bó với nghề thợ rèn. Mùa Hè thì quá nóng nực, Đông thì khô khan nức da. Có lẽ vì tiếp xúc với lửa với cái nóng bức quá lâu mà sau này ông Lộng lâm bịnh ho ra máu, rồi chết đi.
Ngoài lò rèn ông Lộng ra trong làng còn có những ngành nghề khác mà người dân làm để chế biến những sản phẩm nhà nông thành thực phẩm. Những việc làm lớn như dựng bờ xe nước, lập nhà máy nước, nhà máy gạo, chòi mía, trồng dâu nuôi tằm, vân vân… thì có lần tôi đã viết qua. Riêng một việc nữa là bộng dầu. Ngày nay trở lại quê nhà ít nghe ai nhắc đến bộng dầu.
Bộng dầu ở đây là bộng ép đậu phụng thành dầu ăn.
Ngoài những ruộng nước trên đồng Sa Băng, xã Hành Thịnh còn có nhiều đất nằm ven bờ sông Vệ, và một số đất gò dưới chân núi Vàng dùng để trồng đậu phụng. Đậu phụng sau khi nhổ lên hái trái đêm về. Một số lớn đem phơi khô, bóc võ ra đem bán cho nậu buôn. Để cho hột đậu khỏi bị nát, người ta bỏ đậu phụng khô trong cái rổ, dùng hòn đá cà cho dập võ xong dùng tay bóc võ cho sạch. Đậu phùng bóc sạch võ bán có gia cao. Một số còn lại người ta đêm đi ép thành dầu ăn.
Ngày xưa bộng ép dầu là một tiểu công nghệ, chỉ đủ lớn để phục vụ cho dân làng hoặc trong gia đình. Quê tôi ngày xưa có bộng dầu ông Thơ nằm ở thôn Xuân Đình. Bộng dầu làm bằng gỗ như gỗ mít hay gỗ bìn nin. Cây dùng làm bộng phải lớn, già và chắc để chịu nổi sức ép. Những cây mít và bìn nin thường tìm thấy trên nguồn như Súi Bùn, Ba Tơ. Khi đốn cây mang về người ta để nguyên thân cây dài khoảng bốn năm thước rồi khoét lỗ tròn từ trong bụng cây. Lỗ khoét lớn chừng bằng 2/3 đường kính cái bánh tráng, chạy dài theo thân cây. Dưới bụng lỗ khoét có đục một rảnh và dùi lổ nhỏ để dầu chảy qua. Bộng dầu có thể đục bốn lỗ, hai lỗ ở mỗi đầu, dùng để gắn bốn chân; hoặc đặt bộng dầu trên mặt đất.
Dụng cụ cần thiết để ép dầu, ngoài cái bộng chính ra, còn có nêm, vồ, rổ và nồi hấp đậu phụng. Vồ gồm một cái lớn dùng để đóng nêm và hai ba cái nhỏ để tháo nêm ra.
Khi đậu phụng đem về, sau khi phơi khô người ta bỏ vào cối đá giả cho dập sơ ra trước khi mang lên bộng. Tại bộng dầu, đậu phụng được “nấu” sơ qua một lần theo kiểu chưng cách thủy. Lò chưng đậu phụng được xây bằng gạch và vữa đất sét. Nồi chưng có thể bằng nhôm hay nồi đồng. Bên trong nồi có một lớp lồng đan bằng thanh tre, chung quanh bên ngoài lồng được trét một lớp cám để giữ hơi, đáy lồng được đan thưa để hơi dưới nồi có thể xông lên. Đậu phụng sau khi hấp cách thủy cho dẻo sẽ được xây thành từng bánh tròn. Người ta dùng rơm hay rạ đã được phơi khô lót thành một lớp, xong bỏ đậu phụng lên và xây thành hình cái bánh. Rạ được tóm lại và bẻ cúp vào giữa bánh. Tại giữa bánh người ta dùng tay vê những sợi rạ lại với nhau, như cái rún, để giữ đậu phụng bên trong. Mỗi lần ép dầu ông Thơ xây chừng vài ba chục bánh đậu phụng xếp vào bộng. Khi bánh đã nằm ngay thẳng trong bộng, ông Thơ dùng nêm nêm vào bộng rồi dùng vồ đóng vào nêm để ép những bánh đậu phụng lại với nhau. Khi nêm đã đóng chặt, người ta dùng vồ để tháo nêm ra và dời qua lỗ nêm khác; Và cứ thế người ta đóng vồ vào nêm để ép những bánh đậu phụng lại với nhau để lấy dầu. Khi nêm đóng cứng và những bánh đậu phụng không còn chỗ để đi nữa thì lúc đó dầu trong bánh coi như không còn ép ra được nữa. Dầu trong đậu phụng được ép chảy qua khe của bộng và được hứng vào chai.
Nếu muốn có dầu tốt, ít hôi mùi đậu phụng thì người ta qua một chu kỳ lọc. Lọc dầu bằng cách pha nước lạnh vào dầu xong đem đi nấu. Trong khi nấu người ta khuấy đều dung dịch dầu và nước. Dầu nhẹ sẽ nổi lên mặt, người ta lược để tách dầu ra khỏi nước, xong nấu lại lần nữa. Cuối cùng dầu sẽ được lọc sạch, có màu vàng óng ánh không còn nặng mùi đậu phụng. Thường thì ba bốn nừng đậu phụng khi đem đi ép sẽ được năm mười lít dầu. Và ở miền quê như quê tôi ngày xưa, dầu đậu phụng là loại dầu thường dùng nhiều nhất trong việc nấu nướng. Ngoài ra còn có dầu mè, nhưng dầu mè rất hiếm và chỉ để dành dùng làm bánh mức trong dịp Tết nhứt. Ngay trong đậu phụng dùng để ép dầu cũng có loại đậu phụng cho nhiều dầu có loại cho ít dầu. Đậu phụng trồng trong đất thịt, đất gò thường cho ra nhiều dầu và ngon hơn đậu phụng trồng trên đất cát. Cũng vì vậy mà ngày xưa xã Hành Thịnh thường trồng bắp ngoài bãi cát hơn là trồng đậu phụng.
Đậu phụng sau khi ép thành dầu phần còn lại là bánh đậu phụng. Bánh đậu phụng gồm có rơm rạ bao chung quanh, hình tròn gần bằng cái bánh tráng, dày chừng một đốt ngón tay, và rất cứng. Tuy đã ép nhưng vẫn còn sót lại một ít dầu trong bánh. Người ta dùng bánh đậu phụng để nấu cháo heo. Vì bánh đậu phụng ép rất cứng nên phải ngâm nước trước, hay đẻo thành miếng nhỏ để nấu thành cháo heo.
Đó là những việc mà cha ông ngày xưa phải làm để cống hiến cho đời sống. Nhưng ngoài những việc to lớn như trên còn có những việc làm nho nhỏ mà mang nhiều kỷ niệm khó quên. Xóm làng ngày xưa đâu đâu cũng trồng tre, có những con đường làng phủ rợp bóng tre. Tôi còn nhớ có hai loại tre là tre ngà và tre mở. Tre ngà to, đốt ngắn cơm dày và cứng. Tại thôn Ba Bình, trên bờ sông Vệ có lùm tre ngà ông Võ rất lớn. Tre ngà thường dùng để làm cột, vách nhà đất và bờ xe nước, vân vân… Ngược lại tre mở mỏng cơm, đốt dài, thường dùng để đan rổ, lờ, ràng, vân vân…
Có những buổi trưa cha tôi đốn vài ba cây tre mở, trãy nhánh sạch sẽ, chẻ ra và chuốt làm lạc để đan bẫy lồng. Với cái rựa đặt từ lò rèn ông Lộng, cha tôi mài thật bén. Cha tôi quấn trên ngón tay trỏ những sợi tre vụn vừa chuốt ra để khỏi bị đứt tay vì dằm khi chuốt lạc. Rồi ông lướt từng thanh tre qua ngóng tay trỏ (trái), và ngón tay cái (mặt) đè lên lưỡi rựa. Những thanh tre từ từ được chuốt mỏng lại, và bóng lóang lên. Ngồi dưới bóng mát bên lùm tre, cha tôi luồn những sợi lạc mong manh để đan cái cái bẫy gài chim cho anh em tôi. Sau khi đan xong lồng bẫy, cha tôi lại đan cái bững, chặt một nhánh tre nhỏ và dài để làm cần. Thế là xong một chiếc bẫy gài chim Chà Chiện! Rồi một buổi chiều mưa phùn gió bấc của tháng Mười Một, anh em tôi vác trên vai cái rựa đi rừng, và tay mang chiếc bẫy lồng. Tôi ngồi trên lưng trâu, chân thúc vào hông cho trâu đi lẹ. Đến gò Dạo anh em tôi giao trâu cho núi rừng! Tôi bươi một miếng đất nhỏ cho sạch cỏ, và lộ màu đỏ của đất sét ra. Em tôi đi lật mấy miếng phân trâu khô để bắt vài con sùng làm mồi. Rồi đặt bẫy xuống. Trong khi chờ đợi chim sập bẫy, anh em tôi lội qua suối, qua cấm Ông Thi chặt một khúc cây to bằng trái chân, dài chừng ba thước. Đẽo một đầu cây cho dẹp lại như cái xà-beng, xong mang về gò Dạo. Tôi tìm những bụi chà là cao và lớn, dùng cây chày vừa đẽo chọt vào gốc chà là. Khi gốc rung rinh, anh em tôi nắm một chùm nhánh chà là giựt một cái thật mạnh. Trối chà là bay ra khỏi gốc! Ôi! Những thanh non, dòn, ngon, ngọt và mát lạnh của trối chà là từ từ biến qua thực quản!
Những buổi chiều mưa phùn gió bấc của thánh Mười Một anh em tôi đi đuổi chim Chà Chiện cho bay về bẫy đã theo chân tôi đi vào ký ức…cho mãi về sau! Rồi tháng Mười Một sẽ qua cho tháng Chạp về. Tháng Chạp về mang theo Tết; Rồi bánh mức, rượu chè hoa quả, những lời chúc đẹp cho nhau. Xin chúc quý đồng hương Quảng Ngãi một mùa Xuân vui tươi, tràng đầy hạnh phúc bên tách trà và những trang sách về câu chuyện…ngày xưa!

Đồng Sa Băng
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9