Anh sẽ về trong ánh bình minh
Tết năm ấy, Giang được đơn vị cho về nghỉ phép tại quê nhà. Mẹ anh bảo: “Con đi bộ đội đã mấy năm rồi, chưa lần nào được về quê ăn Tết. Năm nay con cố gắng dành thời gian đi thăm bà con họ hàng, làng xóm. Vả lại, anh cũng phải tìm đem về cho bố mẹ một cô con dâu để bố mẹ yên tâm. Anh đã gần ba mươi rồi, có còn ít tuổi nữa đâu !”. Nghe lời mẹ, cả ngày mồng Một và mồng Hai Tết anh đều đi thăm họ hàng, bà con hàng xóm, láng giềng, vào nhà ai cũng nhận được tình cảm thân thương, nồng ấm dành cho người lính mang quân hàm xanh từ biển đảo trở về. Ai cũng khen anh cao lớn, chững chạc, lính Hải quân có khác ! Đến nhà bà Phượng, vừa bước vào sân, một cô gái da trắng, tóc dài ngang lưng đon đả tiếp anh:
- Em chào anh Giang, năm nay anh được về ăn Tết à ?
Anh ngạc nhiên:
- Em là…
Cô gái cười khúc khích, má ửng hồng:
- Anh Giang không nhận ra em sao? Em là Hà đây ạ.
- Trời! Giang sững người, cô gái xinh đẹp này là Hà sao ? - Em lớn nhanh quá, anh xin lỗi, không nhận ra. Mà bây giờ em đang học trường nào hay đã đi làm rồi ?
- Em học năm thứ 2 Trường cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh.
Giang chợt đứng lên bắt tay Hà: “Xin chào cô giáo tương lai” làm Hà đỏ mặt.
* * *
Thanh Giang và Thúy Hà là đôi bạn cùng trang lứa lại là người cùng làng nhưng ít gặp nhau, bởi vì khi Thanh Giang học trường trung học phổ thông thì Thúy Hà học trường tiểu học, trong tâm trí Giang, Hà là cô bé có mái tóc ngắn, con bà Phượng, ở cách nhà anh vài con ngõ nhỏ, tính Hà nhút nhát, hay e thẹn... thỉnh thoảng cũng giáp mặt nhau nhưng chưa một lần trò chuyện.Thế mà đã 8 năm anh ở bộ đội, còn Hà đang là sinh viên năm thứ 2, Cao đẳng sư phạm. Không còn sự nhút nhát của cô thôn nữ mới lớn, Hà kể cho anh nghe cuộc sống của sinh viên nghèo nơi phồn hoa đô thị, những ký ức về làng quê và cả những cảm nhận của Hà về anh mà anh chưa từng biết. Hà ríu rít nói chuyện như hai bạn thân thiết lâu ngày mới gặp lại, làm anh vừa vui vừa có cảm giác gần gũi, thân tình.
Đêm ấy, Giang thao thức, mãi không ngủ được. Nụ cười với chiếc răng khểnh trên khuôn mặt dịu hiền, vầng trán cao, đôi mắt to tròn, đen láy cứ ẩn hiện, ẩn hiện làm trào lên trong Giang niềm hy vọng về một mái ấm gia đình. Thì ra Hà đã có cảm tình với anh từ lâu, dõi theo anh từ những ngày anh mới vào quân ngũ. Bàn tay thon nhỏ của Hà nằm gọn trong bàn tay vạm vỡ, săn chắc của anh như có một làn sóng vô hình truyền sang, làm trái tim anh rạo rực.
Một năm sau Hà ra trường, được về dạy học ở trường trung học phổ thông trên phố huyện. Hè năm ấy Hà ra thăm Giang đóng quân ở Hải Phòng, dắt tay nhau đi dạo ven bờ biển, Giang đột ngột hỏi Hà: “Liệu em có chấp nhận một chàng lính Hải quân, quanh năm suốt tháng chỉ biết biển đảo là nhà, đất liền là quê hương?”. Hà không trả lời câu hỏi đó mà đặt lên môi Giang một nụ hôn nồng cháy, mãnh liệt hơn cả những con sóng đang dồn dập vỗ vào bờ.
Hà vuốt ve, mân mê bàn tay sạm nắng của anh lính Hải quân, nhỏ nhẹ: Cha em cũng là một quân nhân. Ngày mẹ sinh ra em, cha đang làm nhiệm vụ ở xa, không thể về bên mẹ, gần như một mình mẹ nuôi em khôn lớn. Suốt những năm dài đằng đẵng, lần nào cha về cũng như những làn gió thoảng qua. Mẹ không mong điều này sẽ lặp lại với con gái mẹ. Bởi vậy khi em kể với mẹ là chúng mình yêu nhau, mẹ đã lẳng lặng khóc thầm. Còn cha trầm ngâm bên tách trà nóng, nói với em: “Con yêu ai và lấy ai, cha mẹ đều không ngăn cản, vì con đã khôn lớn, biết làm chủ cuộc đời mình, nhưng khi quyết định lấy chồng bộ đội, con sẽ phải chấp nhận những thiệt thòi của vợ một quân nhân, nhất là vợ người lính Hải quân, quanh năm suốt tháng làm bạn với sóng gió ngoài biển khơi”.
Nghe cha mẹ nói vậy, em cũng suy nghĩ nhiều, nhưng em đã bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả. Em biết là làm vợ một người lính, nhất là người lính biển sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng hạnh phúc của em là được cùng anh đi suốt cuộc đời này, cùng nhau san sẻ những vui buồn, những khó khăn trong cuộc sống. Em nghĩ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Có những công việc mà ta phải chấp nhận, không chỉ vì yêu thích hay chức phận mà còn là nghĩa vụ với dân tộc, với bao thế hệ cha ông đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc!
- Nếu có kiếp sau, chúng ta vẫn sẽ là vợ chồng chứ ?
Hà đưa tay khẽ đặt lên môi anh:
- Anh ơi ! Đừng nói đến kiếp sau! Em chỉ biết rằng, chúng ta có duyên thành vợ chồng thì kiếp này chúng ta phải hạnh phúc, dù xa anh nhưng trái tim em luôn ở bên anh. Hạnh phúc của em là được làm vợ người lính biển !
- Anh cảm ơn em, tình cảm em dành cho anh đã tiếp thêm nghị lực và là nguồn động viên tinh thần rất lớn giúp anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cuối năm ấy đám cưới của Giang và Hà được tổ chức tại quê, họ chính thức trở thành vợ chồng. Cưới xong, Giang trở lại đơn vị, để lại sự nhớ nhung da diết cho người vợ trẻ nơi quê nhà. Nhiều đêm Hà tự ru mình “Khi chia tay anh dạo trên bến cảng, biển một bên và em một bên. Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên. Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người
(*).
* * *
Năm nay, biển Đông không bình yên, thế lực bành trướng lăm le, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc, anh không được nghỉ phép, Hà nhớ lắm, thương lắm, Hà tự làm mọi việc mà trước kia anh thường làm. Trong thâm tâm Hà nguyện cố gắng làm tốt mọi việc để anh được yên lòng.
Ngoài biển khơi, gió chưa lặng, sóng vẫn xô, những tham vọng của người láng giềng xấu bụng đã khơi dậy trong tiềm thức mỗi người dân Việt tấm lòng hướng về Tổ quốc, hướng về biển đảo, biên cương. Nằm bên con, vỗ về thiên thần bé nhỏ, món quà tuyệt vời của tình yêu, Hà khẽ thì thầm: “À ơi con ngủ cho ngoan. Ngoài kia là biển gọi, bố vẫn hiên ngang vượt lên giông bão để cho con có được giấc ngủ bình yên. Lớn lên con sẽ trở thành một người kiên trung như bố. Ngủ ngoan con nhé !”
Hà cầm điện thoại, nhắn tin vào số máy quen thuộc: “...Sóng yên, biển lặng, anh sẽ trở về trong ánh bình minh. Và khi đó, cả anh, em và con chúng mình sẽ lại được sống trong thanh bình”. /.