THAO THỨC VỚI “ĐÊM ĐÀN BÀ” CỦA TRÀ HOA NỮ
Lưu Lan Phương 02.09.2016 17:59:27 (permalink)
THAO THỨC VỚI “ĐÊM ĐÀN BÀ” CỦA TRÀ HOA NỮ
 

Lang thang trên Face book vài năm gần đây, có thể nói tôi tiếp xúc với rất nhiều bạn yêu thơ, nhà thơ chuyên nghiệp, nghiệp dư cũng có; có tay nghề thâm niên nửa thế kỷ có, mới cầm bút cũng có; từng nổi đình nổi đám có, mới xuất hiện như một sự kiện nóng có và cứ thầm lặng chìm nổi lẫn trong xứ sở “ra ngõ gặp nhà thơ” này cũng có. Thật khá thú vị khi Trà Hoa Nữ (THN) được một bạn trẻ giới thiệu với tôi. Thận trọng trước khi kết bạn, tôi sang trang cô đọc vài bài và phát hiện một tâm hồn nữ tính giàu tâm sự đang trở trăn, thao thức nhưng cũng khá vững chãi trên con đường song hành có cây cầu nối mật thiết là DẠY VĂN và LÀM THƠ. Được cô gửi tặng tập thơ do NXB Hội Nhà Văn cấp giấy phép ấn hành năm 2015, có cái tựa “ĐÊM ĐÀN BÀ” rất khơi gợi làm tôi không thể không thao thức cùng cô.
Đêm Đàn Bà” là tập thơ thứ 2 của nữ sĩ trẻ xứ Thanh (tên thật là Quách Lan Anh) sau “Khúc Ru Tình” (2013). Cái tên của tập thơ cũng là tên của một bài thơ trong tập mà quả thật là chỉ “cái tựa thôi” đã  làm độc giả muốn thao thức rồi. Tôi lật nhanh tìm ngay bài thơ. Nó đây rồi: “Anh có hiểu những đêm dài thổn thức/ Mắt môi này khao khát ngóng chờ ai/ Tự ru mình... thôi nhé... đợi ngày mai/ Người sẽ đến đốt cháy bùng nhung nhớ./ … / Đêm đàn bà... ôi tiếng lòng nức nở/ Mảnh trăng khuya vụn vỡ phía chân trời/ Bấu vào đâu cho hết chơi vơi/ Chăn đệm ấm... hồn chông chênh lạnh giá…”. “Đêm đàn bà” của THN tràn ngập bóng tối của hoang vu, đơn côi, chông chênh… đang dần trầm tích, kìm nén lại rồi “tan loang”… Người đàn bà trong đêm đang thổn thức nhớ, thổn thức ước mơ ánh ban mai hoặc ít nhất cũng là ngọn lửa nào đó đủ ấm thắp sáng tâm hồn thay cho “ánh trăng khuya” lạnh lẽo đang “vụn vỡ”. Tại sao phải là “Đêm” chứ không phải là gì khác? Bởi cuộc đời bao tất bật, lo toan. Ban ngày, những gánh nặng nghĩa vụ và trách nhiệm công việc ở cơ quan, trường học, gia đình, xã hội đã đặt lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ như một tất yếu được ngụy biện, được đánh bóng bằng cái tên mỹ miều “thiên chức”. Chỉ đêm về, khi nếu không quá mệt mỏi mà thiếp đi thì lúc ấy “bản năng yêu” mới sống dậy một cách mãnh liệt nhất. Tôi đoán nữ sĩ xứ Thanh chọn cái tựa “ĐÊM ĐÀN BÀ” vì lẽ ấy.
Nghiền ngẫm “ĐÊM ĐÀN BÀ” của THN tôi thấy sự trăn trở đấu tranh tâm lý vì tình yêu của người đàn bà là sợi chỉ đó xuyên suốt tập thơ. Không phải cô đang viết cho chính cô hay một hình mẫu chung nào đó thường thấy trong cuộc sống – “Người thiếu phụ có đôi mắt buồn rười rượi”… mà cô đang viết cho cuộc đời, cho “nỗi nhớ nhung”, cho “buổi ban mai sau những ngày mộng mị”, cho “mùa mới”… (Mỗi bài thơ là một bản tình ca). Dù “mỗi bài thơ” có thể nó không là một “bản tình ca” đẹp hay có hậu như những câu truyện cổ mà nó mang đủ màu sắc phản ánh chân thực cuộc sống xoay quanh những người đàn bà đương thời.
Người đàn bà trong thơ THN là ai? Họ chính là những người phụ nữ bình thường, họ cũng biết yêu và dám yêu: “Yêu nhau từ thuở cơ hàn/ Hai tay chèo chống gian nan với đời” (Ru anh). Họ cũng biết trách, biết hờn giận, biết khổ đau: “Vì yêu ai quá mất rồi/ Nên tim mới đập nghẹn lời trách ai/ Trách ai trong suốt canh dài/ Vô tâm hờ hững để ai xót lòng” (Giận)… Họ đã từng mơ ước về một tình yêu màu hồng nhưng sự thật đắng lòng khi vấp phải lại không chỉ xám ngoét mà còn tối đen như cái “tiền đồ” của chị Dậu…! Người đàn bà cảm thấy thất vọng, lung lay niềm tin, nghĩ rằng mình không thể yêu “nồng nàn” thêm nữa nhưng ánh lửa tình yêu vẫn âm ỉ, leo lét cháy rồi lại thổi bùng lên khi bắt gặp luồng sáng xa xa. Người đàn bà khao khát, nhưng “sợ” nên cứ ngập ngừng, do dự bởi “đã một lần đau”: “…Và tôi nhủ thôi đừng khao khát/ Biết mình yêu nhưng mãi chối từ…”. TÌNH YÊU trong ước mơ đàn bà của THN có thể chỉ là ảo ảnh như “Chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu không nhỉ? Thật thú vị vì nhà văn Võ Anh Minh đã viết Lời giới thiệu tập thơ này cũng có sự liên tuởng như tôi ở điểm này.
TÌNH YÊU của người đàn bà trong thơ THN không chỉ tồn tại mà còn là khát vọng bất diệt, luôn lung linh, thôi thúc… Mặc dù bên ngoài “nhẫn nhục” muốn “trốn chạy” nhưng “Cứ cồn cào da diết gọi yêu thương”. Dễ hiểu thôi, bởi nó cũng như ước mơ luôn tồn tại, hứa hẹn bùng nổ, dẫu cố quên cũng chẳng thể nào quên: “Ôi tình yêu! Có trốn chạy được đâu/ Dẫu vẫn biết ái tình là thuốc độc/ Giá có thể hóa thân thành thảo mộc/ Suốt bốn mùa mưa nắng được vô ưu” (Em đã cố quên). Chính vì thế, người đàn bà trong THN luôn trăn trở, có khi bất chợt tự hỏi “mình là ai trong mắt người yêu”: “Em là gì trong trái tim anh/ Là niềm thương hay niềm day dứt/ Là tình yêu trong đời duy nhất/ Hay chỉ là một thoáng đam mê” (Em là gì trong trái tim anh).  Người đàn bà có khi nhận ra mình chỉ là “Con ngốc, không có cả quyền được hờn ghen với người tình… nhưng vẫn khao khát được “một lần bùng cháy”: “Nhớ ai/ nhớ/ đến hao mòn/ Thương ai/ thương/ nát cả con tim này!” (Khát yêu). Người đàn bà trong thơ THN yêu say đắm, yêu đến dại khờ, nông nổi, có lúc “điên điên” khi “Tin vào điều hư ảo của tình yêu” nhưng cứ dùng dằng, lo sợ bị bỏ rơi, sợ chơi vơi lạc vào “biển động”… Sự giằng xé giữa thực tại và ước mơ khiến người đàn bà cứ luôn cảm thấy chông chênh muốn “mượn bờ vai” ai mà chẳng dám.
Người đàn bà trong thơ THN có lúc tưởng đâu đã vùng dậy phản kháng để tự giải thoát “Cho trăm năm chết một ngày”, “Không hối tiếc”: “Yêu-nghĩa là không bao giờ phải nói/ Rằng một thời hối hận đã quen nhau”. Người đàn bà ấy đi tìm tình yêu: “Em trầm tích bốn nghìn năm băng giá? Chốn hoang vu thơ thẩn mãi đi tìm”, rồi mạnh dạn hẹn hò: “Mai anh nhé ta sẽ về với biển/ Lặng im nghe sóng vỗ dưới chân mình/ Tay vuốt nhẹ làn tóc em gió thổi/ Tình yêu này có biển sẽ chứng minh” (Phục sinh). Hãy nghe tiếng mời gọi bản năng của tình yêu: “Chẳng bao giờ quá muộn đâu anh/ Bởi tình yêu không bao giờ có tuổi/ Hạnh phúc hư vô tháng ngày rong ruổi/ Gặp được nhau đâu phải dễ dàng” (Đừng); “Em xin người chỉ một lần thôi/ Cháy hết cả những đam mê cháy bỏng” (Xin chỉ một lần).
Nhưng rồi ngọn lửa tình yêu kia vẫn chưa đủ lớn, vẫn cảm thấy mong manh không đủ sức mạnh bứt nhân vật ra khỏi ràng buộc: “Từ độ ấy trái tim thôi mở cửa” (Em sợ lắm khi xuân về qua ngõ). Quyết định buông bỏ là quyết định đau đớn nhất với người đang yêu và càng đau hơn khi người đang yêu ấy là đàn bà: “Em tự biến trái tim thành tù ngục/ Nhốt đời mình trong vũng nhớ mênh mông/ Thôi anh ạ! Bây giờ em kiệt sức/ Em buông tay rồi/ Anh có đau không?” (Em buông tay rồi). “Cố tình quên lại vô tình gợi nhớ/ Em nghĩ đến anh trong từng hơi thở” (Gửi một người đã xa). Trong lúc tìm chưa ra hướng đi cho riêng mình, vẫn còn đang bộn bề, ngổn ngang giữa “chòng chành, vụn vỡ” thì cao cả hơn, người đàn bà lại phải động viên đối phương: “Đừng buồn anh, đừng ước chữ “giá như”/ Đời chẳng là thơ như mơ ước/ Nhưng hãy tin còn có em hiểu được/ Những tâm tình anh giấu tận đáy tim” (Đừng buồn anh). Có khi người đàn bà muốn đổi vai để thấu hiểu đối phương hơn nữa: “Ngang qua tuổi mình ta gặp lại người thương/ Ta đã thấy em từ trong tiền kiếp” (Đặt cược); - ; “Đêm đàn ông tiếng thở dài quằn quại/ Cáu bẳn quăng tàn… Khói chạy vòng quanh” (Nguyệt thực).  
Người đàn bà trong thơ THN tuy “Vẫn nhớ, vẫn mong quay quắt/ Vẫn trông chờ khao khát một nụ hôn” (Yêu thêm lần nữa) nhưng cuối cùng vẫn là người phụ nữ mang đậm dấu ấn văn hóa phương Đông truyền thống, dịu hiền và an phận nên đã lựa chọn quay về làm người phụ nữ của gia đình: “Cùng đi qua ngày nắng/ Cả những ngày bão dông” (Hạnh phúc giản đơn). Chính khi ấy THƠ là cứu cánh để người đàn bà bấu víu: “Tôi buồn ngã sấp vào thơ/ Tìm ai giữa chốn cơn mơ chập chờn” (Lập đông). THƠ cũng chính là nơi trang trải tâm sự ngổn ngang với đời, bởi THƠ luôn chân thành và biết lắng nghe: “Chỉ mình em đêm từng đêm rơi lệ/ Nhặt mảnh vỡ tim mình/ đem ghép những vần thơ” (Mảnh vỡ trái tim).
Thơ của THN không mượt mà, trau chuốt ngôn từ mà thẳng thắn đối diện với thách thức, phản ánh trực diện, mổ xẻ những góc khuất, những bấp bênh, những chông chênh trong tâm hồn người phụ nữ. Người đàn bà trong thơ của THN đầy khao khát, đam mê muốn phản kháng để vuơn tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ trong TÌNH YÊU, nhưng bởi chưa tìm thấy niềm tin vững chắc: “Anh đi rồi mới biết mình vụng dại/ Trao nhầm yêu cho kẻ lọc lừa”(Em-đàn bà) nên mãi trăn trở, giằng xé, day dứt, kiếm tìm. Chắc chắn thơ của cô sẽ được nâng niu trân trọng của nhiều FANS nữ bởi hầu như ai cũng thấy hình bóng mình trong đó. Tôi mong muốn sau tập thơ này, giọng thơ của nữ thi sĩ trẻ tài hoa này sẽ đổi mới hơn về chất, trên cơ sở phát huy vốn sống, học vấn văn chương có sẵn kết hợp với khả năng phân tích tâm lý sâu sắc, chắt lọc hơn trong một số ngữ cảnh và những thủ pháp liên tưởng, hình tượng giàu tính triết lý nhân sinh ngày càng xuất hiện nhiều hơn để cô không lặp lại người đi trước cũng như lặp lại chính mình.
Mong sao tình yêu với thơ của Trà Hoa Nữ không dùng dằng, an phận mà cứ lẳng lặng “Trầm tích” cho đủ nội lực rồi “Phục sinh” và “Bùng cháy” ngày càng mãnh liệt vượt qua mọi chướng ngại, tiếp tục lớn lên, vươn xa để cô lại “như sông dốc hết lòng ra biển”… 
 
Cần Thơ, ngày 20 tháng 9 năm 2015
    NGUYỄN THANH TOÀN
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9