MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ -Trần Củng Sơn -trandatrau sưu tầm, đả tự 2016
trandatrau 03.09.2016 22:57:09 (permalink)
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn -
 
***
 
Lời mở đầu
Tôi không phải là một ký giả chuyên nghiệp. Do tình cờ gặp gỡ đã đưa tôi đến theo dõi phiên tòa gây cấn này. Trong quán phở Đắc Phúc của San José, 3 nhà báo tên tuổi từ phương xa lại là Nguyễn Thanh Hoàng, Cao Thế Dung và Vũ Ngự Chiêu đang trò chuyện cùng vài thân hữu báo chí địa phương này. Khuôn mặt họ có thoáng tư lự và câu chuyện có đôi lúc lan man nhưng rồi cũng xoay quanh một chủ đề quan trọng : họ sắp phải ra tòa ngày hôm sau vì bị Mặt Trận thưa kiện qua mấy bài báo và cuốn sách đã xuất bản.
Một người quen rủ tôi đi xem tòa xử cho vui. Phiên tòa hai ba ngày đầu chỉ lơ thơ dăm ba khán giả, điều này làm tôi ngạc nhiên. Và chợt thấy mình phải có bổn phận tường thuật những lời khai quan trọng của các nhân chứng cho mọi người rõ. Có chút hiểu biết  người bên bị kiện và cũng từng để ý tới sinh hoạt cộng đồng mười mấy năm qua, trong đó có Mặt Trận, tôi thích thú theo dõi diễn tiến vụ xử. Mỗi khi tòa nghỉ giải lao hay mỗi chiều sau phiên tòa, tôi phải trò chuyện với những người trong cuộc để tìm hiểu thêm sự việc trước khi ngồi viết bài đưa tờ THỜI BÁO đem đi in kịp giờ. Tòa không cho quay phim và thu âm phiên xử, luật sư chất vấn có lúc hạ giọng và lại quay mặt hướng về nhân chứng nên rất khó nghe và một điều quan trọng đây là một tòa án Hoa Kỳ nên xử dụng tiếng Anh, mà bài báo tường thuật là tiếng Việt, vấn đề chuyển ngữ sao cho gọn gàng cũng phải suy nghĩ.
Được mấy bằng hữu báo chí dự khán phiên tòa giúp bổ túc ý kiến và cũng nhờ hiểu biết trước một số sự kiện nên mặc dù thời gian gấp rút, những bài báo tường thuật vụ án này vẫn ghi lại những nét chính tạm đủ. Sự đón nhận nồng nhiệt của người đọc các bài báo làm tôi càng cố gắng bám sát vụ xử suốt cả 2 tuần, bỏ bê công ăn việc làm chính.
Phiên tòa lịch sử của cộng đồng Việt hải ngoại đã có phán quyết chung cuộc. Tuy chỉ là một vụ kiện dân sự về sự vu khống phỉ báng cá nhân nhưng khi xử, tình tiết lại liên quan tới những vấn đề quan trọng như kháng chiến đấu tranh, thanh toán nội bộ, lường gạt tiền bạc, khủng bố, giết người và cả một lịch sử mười mấy năm của người Việt tha hương.
Cuốn sách này ra đời do bạn bè khuyến khích và cũng theo yêu cầu của một số độc giả muốn tìm hiểu thêm nội vụ. Nó cũng là món quà kỷ niệm đầu tiên cho đời cầm bút. Dĩ nhiên trong đời không có ai khách quan hoàn toàn khi kể lại sự việc, người viết cố hết sức để diễn tả trung thực câu chuyện biên bản của phiên tòa vẫn còn đấy để những ai muốn nghiên cứu.
Tác giả xin cám ơn những bằng hữu văn nghệ đã giúp đỡ ý kiến và phương tiện ấn loát, họ không muốn được nêu tên ra đây. Cám ơn ông Vũ Bình Nghi, chủ nhiệm THỜI BÁO SAN JOSE đã vui vẻ chờ tôi viết xong bài tới nửa đêm để có tin tức nóng hổi cho độc giả sáng hôm sau. Cám ơn bằng hữu lương y Tạ Hoàng Việt bốc cho mấy thang thuốc giúp tôi sức khỏe để hoàn tất mau chóng cuốn sách
Xin đón nhận những lời phê bình ưu khuyết điểm
 
San Jose, Cali.
Ngày đầu năm 1995
Trần Củng Sơn
 
**********
 
PHẦN MỘT
 
**********
 
Chương một
 
Vào chuyện
« Nghe tin anh theo đàn quân kháng chiến
Về Việt Nam giải phóng quê hương
Nghe tin anh tim bồi hồi sung sướng
Người trai hùng người tôi mến thương”
Lời ca của một bài hát vang lên trong 1 đêm văn nghệ yểm trợ cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam ( còn được gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh ), ở một thành phố nhỏ của Bắc Mỹ giữa năm 1983. Khán giả đông đảo, muôn trái tim xa xứ rộn ràng theo điệu nhạc hùng, cùng mơ về kháng chiến, về một ngày huy hoàng giành lại quê hương … Những tấm chi phiếu, những tờ đôla, những đồng xu nhét đầy các thùng quyên góp để gởi về cho vụ Tài Chánh của Mặt Trận ở California, Hoa Kỳ. Mười một năm trôi qua, bao nhiêu là thay đổi bây giờ là tháng 12 năm 1994, tại thành phố San Jose, bên trong tòa Thượng Thẩm hạt Santa Clara, 1 người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần, áo vét cà vạt chỉnh tề, ngồi trên bục nhân chứng trả lời những câu hỏi hóc búa của các luật sư về nội bộ Mặt Trận và vấn đề tiền bạc quyên góp của đồng bào. Người đàn ông đó tuy ít người biết mặt nhưng rất nổi tiếng với cái tên Phan Vụ Quang, vụ trưởng vụ Tài Chánh của Mặt Trận -người nắm giữ toàn bộ tiền bạc của tổ chức này. Phan Vụ Quang là bí danh của Hoàng Cơ Định, em ruột của Hoàng Cơ Minh chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Tại sao Hoàng Cơ Định phải ra hầu tòa trong một vụ xử kiện tụng dân sự, để phải khai ra những chuyện không có lợi cho chính ông ta và tổ chức như vậy ?
Câu chuyện như sau. Tòa đang xử một vụ mà bên nguyên đơn gồm 3 người lãnh đạo Mặt Trận là Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa kiện 3 ông Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Vũ Ngự Chiêu về sự vu cáo phỉ báng. Sự việc bắt nguồn từ 3 bài báo của Cao Thế Dung dưới 3 bút hiệu khác nhau đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong cuối năm 1990 và đầu năm 1991 do ông Nguyễn Thanh Hoàng làm chủ nhiệm. Ba bài báo này là :
-“Ai giết ký giả Lê Triết” (Lê Kính Dân)
-“Lý do nào khiến Mặt Trận Khiến Chán Mafia phải ra tay hạ sát cấp kỳ ký giả Lê Triết ? “(Lê Bằng Phong)
-“Sự thật về những lý do Mặt Trận ma Khiến Chán đã phải giết ký giả Lê Triết” (Chu Trích Lục)
nêu đích danh ba nhà lãnh đạo Mặt Trận chủ mưu vụ thảm sát vợ chồng ký giả Lê Triết vào đêm 22-9-1991- tại Virginia, Hoa Kỳ. Theo diễn đạt của nguyên đơn, bài báo còn đem ba cái tên Phan Vụ Quang, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa để diễu cợt, bêu xấu gọi là Phan Vụ Cu, Trần Xuân Hầu (khỉ) và Ngãi Nằm Vùng. Ngoài ra Cao Thế Dung còn là tác giả cuốn sách “Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể”. Trong cuốn sách này, ngoài những chi tiết về nội bộ Mặt Trận, ông còn cho họ là thủ phạm giết Lê Triết vào vợ. Cuốn sách được nhà văn Nguyên Vũ, tên thật là Vũ Ngự Chiêu, giám đốc nhà xuất bản Đa Nguyên, Văn Hóa ở Texas phát hành năm 1991.
Như vậy bên Mặt Trận đã đưa đơn kiện :
Năm 1991 :
-Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa kiện Nguyễn Thanh Hoàng, kiện Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong, Chu Tri Lục (tác giả 3 bài báo), kiện Cao Thế Dung.
-Hoàng Cơ Định kiện báo Văn Nghệ Tiền Phong.
Năm 1992 :
-Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh kiện Cao Thế Dung, kiện Vũ Ngự Chiêu, nhà xuất bản Đa Nguyên, Văn Hóa, Quốc Dân thời báo (do Vũ Ngự Chiêu làm chủ nhiệm)
Lý do kiện là bên bị đơn đã vu cáo phỉ báng bên nguyên đơn qua 3 bài báo và cuốn sách mà Cao Thế Dung là tác giả (Libel suit)
Tổng cộng có 3 đơn thưa kiện khác nhau nhưng tòa gom lại lại thành một vụ kiện để xét xử.
Phía nguyên đơn Mặt Trận do luật sư Paul Kleven ở San Francisco. Đại diện phía bên bị thì luật sư Richard Givens ở Redwood City cãi cho Nguyễn Thanh Hoàng chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong. Luật sư Nguyễn Tâm ở San Jose thay mặt cho Vũ Ngự Chiêu. Tác giả Cao Thế Dung không đủ tiền mướn luật sư nên tòa cho phép ông được tự biện hộ trước tòa. Hai bên luật sư đã cùng đi nhiều nơi để thẩm vấn (deposition) các nhân vật trong cuộc cùng những nhân vật liên quan tới nội vụ. Những lời khai này sẽ được ghi lại để trình trước tòa trong phiên xử. Vì đây là một vụ kiện dân sự nên đầu năm 1994 đã có một phiên tòa hòa giải ở San Jose. Kết quả bên nguyên đơn không đạt được mục đích và họ kháng án lên tòa Thượng Thẩm hạt Santa Clara yêu cầu được xử với bồi thẩm đoàn (Jury Trial). Như vậy sau những thủ tục pháp lý kéo dài 3 năm, tòa mới thật sự xét xử vụ kiện này vào ngày 05/12/1994.
Trong tuần đầu, tòa cùng các luật sư lựa chọn bồi thẩm đoàn và họ đã chọn được 12 vị trong danh sách gần 100 người. Không có người Mỹ gốc Á châu nào (dĩ nhiên không có người Việt Nam). Có mặt trong bồi thẩm đoàn gồm 8 phụ nữ, 1 ông da đen, 1 trung niên, 1 thanh niên, 1 ông lớn tuổi  và 1 bồi thẩm dự khuyết. Và cũng trong tuần thứ nhất luật sư Nguyễn Tâm và luật sư Richard givens đại diện bên bị đơn đã đạt một thắng lợi quan trọng, đó là việc tòa xác nhận ba người bên nguyên đơn là Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa là những khuôn mặt công chúng (Public figures) điều này có nghĩa là những khuôn mặt công chúng phải chịu mọi phê phán tốt xấu của dư luận, báo chí, sách vở Cũng nên nhắc lại là Hoàng Cơ Định (bí danh Phan Vụ Quang) nắm chức vụ trưởng Tài Chánh, Trần Xuân Ninh nắm vụ Hải Ngoại và Nguyễn Xuân Nghĩa (bí danh Nguyễn Đông Sơn) nắm vụ trưởng Tuyên Vận và tờ báo Kháng Chiến của Mặt Trận. Ba người này đều là những nhân vật chủ chốt của tổ chức được quần chúng Việt Nam hải ngoại biết tới nhiều
Để hiểu thêm tình tiết của vụ kiện, tưởng cũng nên biết qua về lịch sử của Mặt Trận, tên tắt của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Hoàng Cơ Minh làm chủ tịch vì ở hải ngoại có nhiều tổ chức có cái tên Mặt Trận, nên người ta gọi tổ chức này là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh để dễ phân biệt. Về sau này, vắn tắt hơn, dư luận gọi họ là Mặt Trận và trong phiên tòa, danh xưng đó dịch ra Anh ngữ là “THE FRONT”.
 
Dưới đây xin tóm tắt những sự kiện chính về Mặt Trận và nội vụ phiên tòa :
-24/5/1980 : Lực Lượng Quân Dân Việt Nam họp đại hội tại Hoa thịnh đốn kỳ II. Tướng Nguyễn Chánh Thi được bầu làm chủ tịch Hội đồng Trung ương Ủy viên.
-01/08/1981 : Lực Lượng Quân Dân Việt Nam giải tán.
-01/09/1981 : Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam được thành lập gồm 3 tổ chức kết hợp : Người Việt Tự Do + Tổ Chức Phục Hưng + Lực Lượng Quân Dân.
-08/03/1982 : Mặt Trận QGTNGPVN công bố cương lĩnh chính trị tại Hoa Kỳ.
Đề đốc Hoàng Cơ Minh : chủ tịch, lo lập chiến khu ở Thái lan.
Đại tá Phạm Văn Liễu : tổng vụ trưởng Hải Ngoại, lo đi vận động tuyên truyền đồng bào hải ngoại.
Tổ Chức Phục Hưng rút khỏi Mặt Trận.
Đại tá cảnh sát Trần Minh Công : phát ngôn viên chính thức của Mặt Trận QGTNGPVN.
-31/03/1982 : chương trình truyền hình CBS do Dan Rather phụ trách chiếu đoạn phim dài 4 phút giới thiệu Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.
-03/04/1982 : thành lập Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến (QGYTKC) do Phạm Ngọc Lũy (thuyền trưởng tàu Trường Xuân) làm chủ tịch.
Báo Văn Nghệ Tiền Phong với loạt bài “Đường về chiến khu” của ký giả Hoàng Xuyên ủng hộ Mặt Trận được độc giả khắp nơi theo dõi.
-16/04/1983 : chủ tịch Mặt Trận QGTNGPVN Hoàng Cơ Minh tuyên bố tại Nam California rằng ông ta có 10.000 quân kháng chiến.
-28, 29, 30/04/1983 : đại hội Chính Nghĩa do Phong Trào QGYTKC tổ chức tại thủ đô Hoa thịnh đốn, tiếp đón Hoàng Cơ Minh từ chiến khu trở về.
Tổ Chức Mặt Trận QGTNGPVN phát triển nhiều cơ sở và đoàn viên khắp hải ngoại.
Số tiền quyên góp của đồng bào hải ngoại ước lượng lên tới hàng triệu đôla.
Nội bộ Mặt Trận bắt đầu mâu thuẫn về vấn đề tài chánh.
-29/12/1984 : Hoàng Cơ Minh mở cuộc họp tại San Jose, công bố giải nhiệm Phạm Văn Liễu, đưa Nguyễn Kim Hườn thay thế, thành lập tổng vụ Hải Ngoại mới.
-cùng ngày : 2 tiếng đồng hồ sau, tại Orange County (Nam Cali), Phạm Ngọc Lũy, Trần Minh Công và Phạm Văn Liễu cũng họp đại hội Mặt Trận không công nhận quyết định trên.
Mặt Trận QGTNGPVN chia làm 2 nhánh.
-01/04/1985 : Phạm Văn Liễu họp báo tuyên bố từ chức, công bố việc lem nhem tiền bạc của vụ Tài Chánh Mặt Trận, bất tín nhiệm Hoàng Cơ Minh.
Báo Văn Nghệ Tiền Phong chuyển lập trường, Lê Triết là tác giả của nhiều bài báo đả kích Mặt Trận.
-28/08/1987 : hãng thông tấn UPI loan tin đài phát thanh Lào nói Hoàng Cơ Minh tử trận.
-28/10/1987 và 01/12/1987 : Mặt Trận xác nhận Hoàng Cơ Minh vẫn còn sống.
-02, 03, 04/12/1987 : tòa án cộng sản xử các kháng chiến quân của Mặt Trận tại Saigon. Đài Hà nội, báo Nhân Dân lập lại tin Hoàng Cơ Minh đã chết.
-22/09/1990 : hai vợ chồng Lê Triết bị bắn chết trước nhà.
-12/1990 1991 : Văn Nghệ Tiền Phong đăng 3 bài báo của Cao Thế Dung nêu đích danh Mặt Trận là thủ phạm.
Vũ Ngự Chiêu cho phát hành cuốn sách “Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể” nói Mặt Trận đã hạ sát Lê Triết.
Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa đưa đơn kiện Văn Nghệ Tiền Phong, Cao Thế Dung về sự vu khống phỉ báng.
-23/04/1991 : bốn nhân vật lãnh đạo Mặt Trận : Hoàng Cơ định, Nguyễn Kim Hườn, Phan Duy Cần, Nguyễn Tân Bình (bí danh Lê Văn Năm) bị truy tố về gian lận thuế má. Mỗi người phải đóng tiền thế chân 100.000 đôla để được tại ngoại hầu tra.
Biện lý Russelle trả lời ký giả : « chúng tôi không truy tố người đã chết” khi được hỏi về số phận Hoàng Cơ Minh.
-1992 : Hoàng Cơ định, Trần Xuân Ninh (không có Nguyễn Xuân Nghĩa) kiện Vũ Ngự Chiêu và Cao Thế Dung về cuốn sách đã vu khống, phỉ báng Mặt Trận.
-30/11/1994 : chương trình Nightline của hệ thống truyền hình ABC do Ted Koppel nói về đề tài “Các ký giả Hoa Kỳ của báo ngoại ngữ đã bị ám sát” trong đó có nhắc tới án mạng của các ký giả Việt Nam mà Lê Triết là một.
-05/12/1994 : tòa thượng thẩm Santa Clara tại San Jose bắt đầu xử vụ kiện.
-22/12/1994 : bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết chung.
 
VÀI DÒNG VỀ PHÍA BÊN BỊ ĐƠN
 
-Văn Nghệ Tiền Phong : được coi là tờ báo lớn nhất và cũng là đầu tiên của hải ngoại từ 1976. Trước 1975, Văn Nghệ Tiền Phong (VNTP) ở Việt Nam cũng là tạp chí có tên tuổi do Nguyễn Thanh Hoàng bút hiệu Hồ Anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút qua Mỹ, tờ báo lúc đầu được rất nhiều cây bút nhà nghề cộng tác và do đó uy tín tăng rất nhanh rồi với những bài viết chỉ trích mạnh mẽ từ đoàn thể tới cá nhân nổi tiếng, tờ VNTP có nhiều kẻ thù và báo cũng bán rất chạy khi loạt bài “Đường về chiến khu” của ký giả Hoàng Xuyên được đăng, số phát hành của báo lên tới khoảng 13.000 số và cho tới năm 1994 con số này giảm xuống còn gần 10.000 .
Ưu thế của VNTP là phát hành rộng rãi khắp hải ngoại tờ báo có những độc giả dài hạn ở những nơi hẻo lánh như Phi Châu, Trung Đông … Đối với những người Việt cô đơn này, tờ báo là gạch nối giữa họ và sinh hoạt cộng đồng Việt Nam thế giới. Dù đề cập tới nhiều vấn đề đời sống, đề tài kinh tế chính trị vẫn là chủ yếu của mỗi số báo VNTP. Vì có nhiều độc giả nên nhiều sản phẩm và cơ sở thương mại thích đăng quảng cáo trên bán nguyệt san này. Do đó giá tiền đăng quảng cáo được coi là cao nhất các báo tại hải ngoại, và cũng là lợi tức đáng kể của VNTP.
Vì có nhiều kẻ thù nên VNTP một lần đã bị ném bom lửa vào nhà (cũng là tòa soạn) ở Arlington, Virginia vào năm 1980, gây một số thiệt hại vật chất cỡ 100.000 đôla cá nhân. Nguyễn Thanh Hoàng cũng bị đe dọa mạng sống bởi thư từ, điện thoại và ông cũng có những biện pháp đề phòng từ hơn chục năm qua. Ngày 22/11/1989 Đỗ Trọng Nhân 56 tuổi, cựu sĩ quan VNCH, là người phụ trách trang trí, ấn loát cho VNTP bị bắn chết trong xe nhà chức trách không tìm ra hung thủ người ta nghĩ rằng đây là một lời cảnh cáo cho chủ nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, ký giả Lê Triết và nhân viên tòa soạn.
 
-Vụ thảm sát vợ chồng Lê Triết
Nhắc tới VNTP với đường lối chỉ trích thì phải kể tới ký giả Lê Triết, tác giả của nhiều bài báo, phiếm luận cay độc đối tượng VNTP phê phán rất nhiều, từ hội đoàn đến cá nhân, từ Đức Giáo Hoàng tới linh mục, thượng tọa, từ chính trị gia đến văn nghệ sĩ, từ quốc gia đến cộng sản độc giả tò mò thích đọc những bài nêu ra những mặt xấu (điều này có đúng sự thật hay không, tùy trường hợp, khó mà biết rõ), nhưng riêng về đối tượng bị khai thác thì dĩ nhiên không vui, nếu không nói là có người căm thù tờ báo và kẻ viết bài người ta đếm trong khoảng 400 số VNTP đã xuất bản, có tới hơn 500 cá nhân bị chỉ trích
Lê Triết với bút hiệu chính là Tú Rua và còn dùng mấy bút hiệu khác nữa trong tờ VNTP. Ông là ngòi bút trụ cột của tạp chí này. Năm 1982, khi ký giả Đạm Phong bị giết ở Houston, Texas thì cảnh sát tìm thấy một danh sách do tổ chức “Việt Nam diệt cộng Hưng Quốc Đảng” để lại, trong đó có tên Lê Triết và Nguyễn Thanh Hoàng. Cũng nên nhắc lại VNTP lúc đầu ủng hộ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, nhưng hai, ba năm sau lại chỉ trích lãnh đạo Mặt Trận lường gạt tiền bạc đồng bào … Những bài báo đa số là của Lê Triết lên án mạnh mẽ họ. Ông đã nhận được nhiều sự hăm dọa sẽ bị thanh toán.
Và cuối cùng, vào đêm 22/09/1990, ký giả Lê Triết cùng vợ đi dự một buổi tiệc tối trở về. Kẻ sát nhân rình chờ sẵn và bắn chết hai người chết trước cửa nhà, tại Bailey Crossroads, Virginia, Hoa Kỳ. Cho tới nay, cảnh sát vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Tờ VNTP ngay sau đó có treo giải thưởng cho ai chỉ điểm tìm ra hung thủ và liên tục đăng 3 bài báo nêu tên kẻ chủ mưu là lãnh đạo Mặt Trận.
Khi Mặt Trận đưa đơn kiện VNTP và tác giả 3 bài báo là Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong và Chu Tri Lục thì mới vỡ lẽ ra Cao Thế Dung chính thật là tác giả. Trước đây, VNTP cũng đã bị thưa ra tòa bởi bà Lê Thị Anh, nhà thơ Vi Khuê và một bác sĩ ở Texas nhưng cuối cùng cũng giải quyết êm xuôi và tờ báo chỉ tốn ít tiền cho án phí của tòa và luật sư
Nhưng đây là một vụ kiện sôi nổi vì bên nguyên đơn là Mặt Trận, một tổ chức có tiền, có nhân lực và sự vu khống phỉ báng có liên quan tới án mạng giết người, chứ không phải là lời chỉ trích thông thường. Nếu bị thua kiện, tờ VNTP sẽ bị mất uy tín nặng nề và phải bồi thường thiệt hại cho bên nguyên đơn cùng án phí lên tới bạc triệu đôla. Không chỉ riêng 3 bài báo mà Cao Thế Dung tự nhận mình viết, VNTP mấy năm trước đã có những loạt bài công kích Mặt Trận nặng nề do đó, phán quyết của tòa về vụ kiện này đối với dư luận cộng đồng người Việt rất quan trọng cho tờ báo.
 
-về Cao Thế Dung
Ở hải ngoại, Cao Thế Dung được độc giả biết tới qua một số sách với đề tài văn hóa, chính trị đã được xuất bản. Trước 1975, cuốn sách nổi tiếng “làm thế nào để giết một tổng thống” của tác giả Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng (chính là Cao Thế Dung). Ông cũng viết nhiều báo có lúc lấy tên thật, có lúc lấy bút hiệu.
Qua Mỹ, ông ghi danh học hàm thụ một trường đại học tư không mấy nổi tiếng, đã tình luận án tiến sĩ năm 1980 với đề tài “Vai trò của thương buôn người Hoa trên thị thường lúa gạo Việt Nam”. Kẻ ghét Cao Thế Dung vẫn hay chế giễu về cái bằng “tiến sĩ giấy” của ông họ gọi là bằng tiến sĩ CETA, tên một trường dạy nghề cho những người hưởng trợ cấp.
Cao Thế Dung có tham gia Mặt Trận Hoàng Cơ Minh vào những năm 1982 – 1984, có viết cho báo Kháng Chiến của Mặt Trận với bút hiệu Vương Chí Nhân. Khi Mặt Trận chia rẽ làm 2 phe bởi Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu, Cao Thế Dung rút ra khỏi tổ chức. Năm 1987, dư luận biết tới một vụ ám sát hụt Cao Thế Dung tại tư gia. Tin này do ông loan ra các báo. Năm 1991 - 1992, ông viết cuốn sách “Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể” do nhà xuất bản Đa Nguyên của Vũ Ngự Chiêu phát hành. Cuốn hồi ký này kể những sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại trong thập niên 80. Với bố cục không theo thời gian rõ ràng, những sự kiện không được sắp xếp phân loại, độc giả rất khó nắm vững sự việc chỉ có những người trong cuộc hoặc độc giả am tường sinh hoạt cộng đồng mới có thể phán đoán những điều Cao Thế Dung viết trong sách có trung thực hay không
 
-về Vũ Ngự Chiêu
Là sĩ quan nhảy dù trước 1975, là nhà văn với bút hiệu Nguyên Vũ qua những tiểu thuyết nói về đời lính. Qua Mỹ, sau 1975, học lấy bằng tiến sĩ Sử tại đại học Winconsin năm 1984, ông chuyển sang viết sách nghiên cứu sử và văn hóa Việt Nam. Có bút hiệu khác là Chính Đạo. Vũ Ngự Chiêu chủ trương nhà xuất bản Đa Nguyên và Văn Hóa, chủ nhiệm tờ Quốc Dân Thời báo tại Texas. Đã phát hành nhiều sách của chính ông viết và của các tác giả khác ở hải ngoại cũng như ở trong nước (như các tác phẩm của Dương Thu Hương, hồi ký tướng Trần Văn Trà  … ), luôn cả cuốn “Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể” của Cao Thế Dung.
 
Đọc tới đây, độc giả cũng đã am hiểu phần nào những tình tiết của vụ kiện Tuy trong lá đơn kiện chỉ có 3 cá nhân Hoàng Cơ định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa đại diện cho Mặt Trận cáo buộc 3 ông Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng, Vũ Ngự Chiêu vu khống phỉ báng họ, nhưng khi theo dõi phiên tòa, dư luận đã tổng quát vấn đề là :
vụ xử Mặt Trận Hoàng Cơ Minh kiện báo chí.
 
Có một số nhà báo khác không thích 3 đồng nghiệp trên, bảo là 3 người này không đại diện cho báo chí nói chung. Điều này cũng đúng mà cũng không đúng vì phán quyết của tòa về vụ kiện có liên quan tới một vấn đề quan trọng : tự do báo chí và trách nhiệm của người cầm bút
Trong tuần lễ đầu từ 05/12/1994 đến 09/12/1994, phiên tòa không có báo chí theo dõi tường thuật vì chỉ có tính cách thủ tục pháp lý nhưng bắt đầu vào tuần thứ 2 từ 12/12/1994, khi các nhân chứng ra khai trước bồi thẩm đoàn và được nhật báo Thời Báo ở San Jose kể lại trên trang đầu với những cái tựa hấp dẫn, thì cộng đồng Việt Nam mới thật sự xôn xao bàn tán. Các bài đó do Trần Củng Sơn ghi từng ngày của các phiên tòa và được đăng tải vào hôm sau trên Thời Báo, được CBA News của nhà báo Chử Bá Anh ở Virginia chuyển bài đi khắp hải ngoại, rồi các đài phát thanh tiếng Việt như Saigon Radio với giọng Mai Hân Sao Biển, đài Mẹ Việt Nam của như hảo đọc lại trong bản tin càng làm tin tức vụ xử trở nên chuyện thời sự hấp dẫn.
Thành phố San Jose với cái tên mỹ miều “Thung lũng hoa vàng”, thủ phủ cộng đồng người Việt Bắc Cali với hơn 200.000 đồng hương cư ngụ, là một trung tâm sinh hoạt quan trọng của cộng đồng hải ngoại. Nơi đây cũng là bản doanh của những nhà lãnh đạo Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Do đó vụ kiện được xử tại tòa án địa phương, tòa Thượng Thẩm hạt Santa Clara nằm trên đường Market, trung tâm thành phố San Jose.
Người ta bàn tán xôn xao về những vấn đề tưởng đã chìm sâu vào lớp bụi quá khứ, nay được khơi lại. Nào là chuyện có chiến khu hay không, nào chuyện tiền quyên góp của đồng bào cho Mặt Trận đi về đâu, nào chuyện đề đốc Hoàng Cơ Minh còn sống hay chết, nào chuyện những ký giả Việt Nam bị giết ai là thủ phạm, nào chuyện các lãnh đạo Mặt Trận bị truy tố ra tòa về tội gian lận thuế má … Nào chuyện nhân vật cao cấp của Mặt Trận là Nguyễn Xuân Nghĩa không bị truy tố trong vụ lem nhem tiền bạc này, rồi sau đó rút ra khỏi tổ chức, bị nghi ngờ có cộng tác với cơ quan điều tra FBI … Nào chuyện tờ Văn Nghệ Tiền Phong hay chửi bới nay đụng phải thứ dữ quyết đưa ra tòa ăn thua đủ … Nào chuyện báo chí hải ngoại vô trách nhiệm khi loan tin thất thiệt hoặc viết bài mạ lỵ người khác … Nào chuyện chuyện ký giả thường dấu tên thật, phải dùng nhiều bút hiệu khác nhau để trốn tránh trách nhiệm về bài viết của mình … Nào chuyện lần này Mặt Trận kiện 3 ông nhà báo ra tòa để xảy ra việc vạch áo người Việt Nam cho người Mỹ xem lưng, khơi ra những chuyện không tốt đẹp trong cộng đồng  (nói theo lời của một vị cao niên là khui hủ mắm thúi ra làm gì cho hôi hám).
Người ta hồi hộp thích thú theo dõi từng ngày của phiên xử và không biết bên nào sẽ thắng kiện. Đành rằng là có tự do báo chí, nhưng trong vụ này người viết báo đích danh bên nguyên đơn là chủ mưu giết người. Vấn đề rất đặc biệt. Dư luận chờ đợi phán quyết, coi thử phe bị đơn biện hộ ra sao hai bên đều có luật sư Mỹ đại diện và luật sư Nguyễn Tâm (đại diện Vũ Ngự Chiêu), một luật sư trẻ, từng tham gia nhiều sinh hoạt  ở San Jose trước đây, đã cố gắng tìm kiếm những nhân chứng quan trọng như Phạm Văn Liễu, nhân vật số 2 của Mặt Trận trước 1984, chủ nhiệm báo dân tộc Nguyễn Xuân Phác từng có những bài phê phán Mặt Trận, một số cựu đoàn viên của tổ chức này … càng làm phiên tòa trở nên gay cấn.
9 bài báo của Trần Củng Sơn tường thuật 9 ngày của phiên tòa đăng trên Thời Báo được viết một cách gấp rút, cô đọng những nét chính cho kịp thời gian xuất bản ngày hôm sau, đã được nhiều người đón đọc và được coi như là một tài liệu báo chí để tham khảo về phiên tòa lịch sử của cộng đồng người Việt hải ngoại năm 1994.
Những trang sách kế tiếp kể về vụ xử án, dựa trên 9 bài báo đã đăng, người viết cuốn sách này sẽ bổ túc nhiều chi tiết để độc giả hiểu thêm nội vụ.
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
**********
PHẦN HAI
**********
Chín ngày phiên tòa
 
Trước khi đọc chuyện kể về 9 phiên tòa, người viết xin lưu ý độc giả vài điều như sau :
-tác giả đăng lại nguyên bản các bài thường thật từng ngày đăng trên tờ Thời Báo San Jose.
-sau đó bổ túc thêm một số chi tiết trong phiên tòa : LỜI KỂ THÊM.
-và sau cùng là những nhận xét, những câu chuyện bên lề tòa án, những tìm hiểu thêm riêng của người viết về nội vụ để độc giả hiểu rõ hơn câu chuyện : THÊM CHUYỆN BÊN LỀ.
Với cách trình bày như vậy độc giả sẽ không bị lẫn lộn giữa các sự kiện đã xảy ra trong phiên tòa và ý kiến riêng của người viết, cùng những sự việc khác bên ngoài. Xin nói rõ thêm là tất cả nhân chứng đều nói tiếng Anh, chỉ có Nguyễn Thanh Hoàng, nhân chứng Vũ Hữu Dũng và Cao Thế Dung là nói tiếng Việt, có người thông ngôn tiếng Anh. Riêng Cao Thế Dung chỉ có 2 lần duy nhất cầm bài viết sẵn bằng Anh ngữ rồi đọc đó là lúc ông đóng vai « luật sư » đọc « Opening statement » lời bào chữa ban đầu và lời biện hộ cuối cùng (Closing argument).
Tất cả có 9 ngày phiên tòa, người viết xin đặt theo thứ tự để dễ phân biệt những lời khai của các nhân chứng và nguyên đơn, bị đơn rất dài, người viết chỉ nêu ra những điều chính để độc giả dễ theo dõi
 
**********
 
Chương hai
 
 Phiên tòa 1 : tòa San Jose bắt đầu xử vụ Mặt Trận kiện VNTP, Cao Thế Dung và Nguyên Vũ
 
San Jose (tcs) -mặc dù tòa thượng thẩm Santa Clara đặt tại San Jose tiến hành thủ tục xử hôm 05-12-94, nhưng đến ngày thứ hai 12-12-94, phiên tòa mới thực sự bắt đầu với một bồi thẩm đoàn 12 người và dưới quyền chủ tọa của chánh án Joseph Biafore Jr.
Giáo sư Cao Thế Dung vừa là bị cáo nhưng cũng được quyền tự biện hộ với một lý án được soạn trước, ông đọc với sự xúc động diễn tả về cái chết thảm của vợ chồng ký giả Lê Triết mà ông tin thủ phạm là Mặt Trận như trong các bài viết đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong năm 1990. Ông nêu lên tiểu sử của mình là giáo sư (có bằng tiến sĩ), là nhà văn với một số sách đã xuất bản, là một nhà hoạt động chính trị … Luật sư Nguyễn Tâm đại diện cho nhà văn Nguyên Vũ -Vũ Ngự Chiêu- cũng mô tả thân chủ của ông là một sử gia có bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ, đã từng được hai học bổng Fullbright và đã có một số công trình nghiên cứu về văn hóa và sử Việt Nam nghiêm túc, và Vũ Ngự Chiêu đã suy nghĩ kỹ trước khi cho xuất bản cuốn « Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể » của Cao Thế Dung để rồi bị Mặt Trận đưa ra tòa vì cuốn sách này. Tới phiên ông Hoàng Cơ Định tức bên nguyên đơn với cái tên Phan Vụ Quang, người nắm giữ tiền bạc của Mặt Trận. Luật sư của ông tức Paul Kleven hỏi và ông đã trả lời. Ông nêu lên cái danh giá của dòng họ ông có nhiều khoa bảng trí thức mà chính ông có bằng tiến sĩ hóa học ở Âu châu. Ông Hoàng Cơ Định cho là các bài viết của Cao Thế Dung đã gây nhiều tổn hại cho cá nhân ông và Mặt Trận. Tới phiên luật sư Richard Givens của ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm báo VNTP, chất vấn ông Hoàng Cơ Định về các tên ông đã xử dụng : Dean Nakamura trong sổ thông hành (passport), tên Phan Vụ Quang trong Mặt Trận và tên cha mẹ đặt Hoàng Cơ Định. Sau đó luật sư Givens cũng hỏi về vấn đề tài chánh của Mặt Trận mà ông Định nắm giữ sổ sách.
Ngoài bồi thẩm đoàn, chánh án, luật sư và hai bên nguyên đơn và bị đơn, chỉ rải rác dăm ba người dự kiến phiên tòa.
Ngày thứ ba 13-12-94, luật sư Nguyễn Tâm sẽ chất vấn ông Hoàng Cơ Định. Sắp tới, sẽ có nhiều cựu đoàn viên Mặt Trận ra tòa làm nhân chứng, đặc biệt là đại tá Phạm Văn Liễu với cái tên Trần Trung Sơn, từng là nhân vật số 2 nắm chức tổng vụ trưởng tổng vụ hải ngoại và đã rút khỏi Mặt Trận năm 1984.
San Jose 12/12/94
 
Lời kể thêm
Theo thủ tục của phiên tòa đầu tiên, các luật sư lên nói lời mở đầu (Opening statement). Người thứ nhất là luật sư Paul Kleven, bên nguyên đơn Mặt Trận, nói rằng các bài báo và cuốn sách đã vu khống thân chủ của ông đã chủ mưu giết người, rồi mở tiệc ăn mừng. Điều đó rất oan ức và gây thiệt hại cho 3 người lãnh đạo Mặt Trận.
Rồi tới phiên luật sư Richard Givens, đại diện cho bị đơn Nguyễn Thanh Hoàng, đưa ra lý luận là 3 ông Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa là những khuôn mặt công chúng (public figures), ông nói về quyền tự do báo chí, ngôn luận và về yếu tố luật pháp rất tế nhị đặc biệt trong trường hợp này.
Khi Cao Thế Dung đứng lên, lúc này ông đóng vai « luật sư » biện hộ cho chính ông, hai tay nắm lại để trước bụng, nở nụ cười nhẹ, khẽ cúi đầu chào quan tòa joseph biafore và bồi thẩm đoàn 12 người để lấy cảm tình rồi cao giọng đọc bài viết bằng Anh ngữ Ông lên án mạnh mẽ Mặt Trận và ba người bên nguyên đơn đã chủ mưu giết vợ chồng Lê Triết vì ký giả này đã viết khoảng 40 bài báo trên VNTP nêu ra những việc làm sai trái của Mặt Trận Cao Thế Dung nói ông đã từng tham gia Mặt Trận, làm việc chung với Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và biết rõ nội tình của họ câu cuối cùng của bài « diễn văn mở đầu » là cái chết oan khiên của người vợ Lê Triết bởi tay sát thủ nhà nghề Ông nhấn mạnh rằng công việc giết người đó gọn gàng mau lẹ, được ra lệnh bởi Mặt Trận
Và luật sư Nguyễn Tâm nói ngắn gọn như đã tường thuật ở trên bài báo, chấm dứt phần khai mạc phiên xử.
Người đầu tiên lên bục nhân chứng là Hoàng Cơ Định. Hoàng Cơ Định khai với luật sư Kleven là ông làm trưởng khoa hóa học của đại học kỹ thật Phú Thọ, sau đổi qua bộ Tài Chánh. Qua Mỹ 1975, ông Định có bằng sáng chế về một loại phân bón gì đó, mở công ty sản xuất rồi được anh ruột là Hoàng Cơ Minh mời giữ chức vụ trưởng tài chánh cho Mặt Trận năm 1981. Tới phiên luật sư Givens hỏi Hoàng Cơ Định, ông có ghi thêm cái tên Vụ Quang trên bảng, bên cạnh tên Hoàng Cơ Định, Phan Vụ Quang, Dean Nakamura vì chữ Vu Quang không có dấu nên không biết rõ đó là Vũ Quang hay Vụ Quang. Trong cuốn sách nói về Mặt Trận của Cao Thế Dung, nhiều người cứ lầm tưởng đó là Vũ Quang, một đại tá ngành Tâm lý chiến VNCH. Ở trước tòa hôm nay, ông Định giải thích Vụ Quang là tên căn cứ kháng chiến thời chống Pháp của Phan Đình Phùng. Luật sư Givens hỏi về việc Mặt Trận tuyên bố có 10.000 quân thì ông Định nói là chỉ liên lạc được với nhiều nhóm kháng chiến và ước lượng những nhóm này có tới con số nhân sự như trên mà thôi. Ông Định bảo tiền quyên góp của đồng bào dành trọn cho chiến khu. Ông chối là Mặt Trận không có mua tàu đánh cá. Ông định nghĩa danh từ « hải ngoại » là ngoài VN, « quốc nội » là ở trong VN theo các văn kiện của Mặt Trận. Khi luật sư cứ hỏi xoáy vào tình hình của kháng chiến quân Mặt Trận thì Hoàng Cơ Định cảnh cáo luật sư phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của những người này đang ở vùng nào đó thuộc Đông Nam Á. Nhắc tới vấn đề tiền bạc, luật sư Givens hỏi Hoàng Cơ Định có khai thuế cho Mặt Trận không thì ông trả lời lời không. Ông nói rằng ông không biết tổ chức của ông phải có bổn phận khai thuế. Luật sư đưa ra chứng cớ việc Phan Vụ Quang viết chi phiếu rút tiền ở trương mục Mặt Trận ra, dưới góc ghi chú « phở Hòa » thì Hoàng Cơ Định bảo là số tiền đó cho « phở Hòa » vay.
 
Thêm chuyện bên lề
-Cái cảm tưởng rõ rệt nhất của phiên xử đầu tiên là 2 phe nguyên đơn và bị đơn đều khoe cái trí thức của mình trước chánh án và bồi thẩm đoàn. Nào là tiến sĩ Cao Thế Dung, tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, tiến sĩ Hoàng Cơ Định, bác sĩ Trần Xuân Ninh … Có thể đó là một chiến thuật muốn chứng tỏ uy tín và nhân cách hầu mong gây cảm tình và làm tòa tin những lời khai của họ là sự thật. Nhưng cũng là điều đáng buồn và nhục nhã vì bồi thẩm nhân dân kia là những người bình thường, họ có biết gì về nội bộ sinh hoạt của cộng đồng VN đâu mà xử. Người viết đã có ý định đặt thêm cái tựa hấp dẫn cho bài báo là « Hai bên đều khoe bằng tiến sĩ trước tòa » nhưng cuối cùng bỏ vì thấy xỏ xiên quá và chưa biết phản ứng độc giả ra sao về vụ kiện này.
-để độc giả biết thêm về những lời khai của Hoàng Cơ Định, xin trích ra vài điểm chính trong biên bản thẩm vấn tháng 3/93 và 3/94 của luật sư Givens :
-Hoàng Cơ Định đổi tên Dean Nakamura khi nhập quốc tịch Hoa Kỳ năm 1983.
-Hoàng Cơ Định có liên lạc với Hoàng Cơ Minh năm 1994 nhưng chỉ biết ông ta ở Đông Nam Á.
-Hoàng Cơ Định khai tài chánh của Mặt Trận có 3 nguồn từ :
*nguyệt liễm
*thân hữu ủng hộ
*các đoàn viên cho mượn
Và ông Phạm Văn Liễu (nguyên tổng vụ trưởng Hải Ngoại) thì cho là có 9 nguồn tài chánh :
1/nguyệt liễm
2/tiền yểm trợ từ cơ sở
3/tiền quyên góp của ủy ban yểm trợ kháng chiến
4/lon yểm trợ
5/đóng góp trực tiếp của đồng bào qua ngân hàng
6/tiền vay thân hữu và đoàn viên để kinh tài
7/sổ số
8/dịch vụ băng, phim, sách, lịch
9/các tiệm phở, tàu đánh cá, sửa xe, nhập cảng đồ khô
-Hoàng Cơ Định khai nhiều lần qui trách nhiệm tài chánh cho Phạm Văn Liễu (trong khi đó Phạm Văn Liễu bảo rằng ông đã có 14 lần yêu cầu Hoàng Cơ Định tình bày rõ ràng vấn đề tài chánh).
-Hoàng Cơ Định nói là ông không có nghe dư luận nghi Mặt Trận là thủ phạm các vụ khủng bố.
-Hoàng Cơ Định nói bài chỉ trích của Lê Triết còn nhẹ so với những người khác.
-Hoàng Cơ Định trả lời bằng tiếng Anh các câu hỏi, rất nhanh lẹ chứng tỏ đã thuộc lòng và có chuẩn bị sẵn sàng.
Qua sự việc ông ta có tới 4 cái tên khác nhau nói lên những ẩn tình của một con người có nhiều điều muốn che dấu với công chúng.
Rồi bị đơn Cao Thế Dung cũng xài tới 3 bút hiệu khác nhau là Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong và Chu Tri Lục trong 3 bài báo cũng biểu hiệu một sự thiếu quang minh chính đại trong trách nhiệm của người cầm bút.
Và quan tòa cùng bồi thẩm đoàn đã bắt đầu được dẫn vào một câu chuyện dài rối rắm, không biết đâu là hư, là thực.
-trong phòng xử, ngoài quan tòa, có 3 luật sư, bồi thẩm đoàn 12 và 1 dự khuyết, 1 thư ký, 1 người đánh máy tốc ký biên bản phiên tòa, 1 cảnh sát lo bảo vệ bồi thẩm đoàn. Bên bị đơn gồm Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Vũ Ngự Chiêu. Bên nguyên đơn gồm Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa. Kẻ đi xem rải rác vài người.
-buổi đầu thấy có ký giả Trần Đệ của San Jose Mercury News, 1 nữ ký giả Hoa Kỳ hai người này biệt tăm luôn những ngày kế tiếp.
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
Chương ba
Phiên tòa 2 : ông Hoàng Cơ Định và Trần Xuân Ninh khai trước tòa : « tôi nghĩ rằng Hoàng Cơ Minh vẫn còn sống … »
 
San Jose (TCS) -phiên tòa xự vụ các ông Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa kiện báo VNTP, chủ nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, ông Cao Thế Dung và nhà văn Nguyên Vũ bước qua ngày thứ hai với phần chất vấn của luật sư Nguyễn Tâm, biện hộ cho nhà văn Nguyên Vũ, với người nắm giữ hầu bao, tiền bạc của Mặt Trận là ông Hoàng Cơ Định.
Trong phần tranh cãi về tên gọi trong một bài viết bị tố cáo là vu khống mạ lị của gs Cao Thế Dung, ông Định còn có một biệt danh khác là Phan Vụ Quang mà ông cho rằng tờ VNTP đã viết trại thành Phan Vụ Cu. Chữ « Cu » theo ông Định hàm ý mô tả ông như là bộ phận sinh dục của đàn ông. Nhưng luật sư Tâm trong dịp này đã bổ túc thêm vài ý nghĩa khác, ý muốn nói ngôn ngữ Việt Nam quả thật phong phú, muốn hiểu sao cũng được. Theo luật sư Tâm, Cu còn có nghĩa là con chim cu, hoặc là tên gọi các chú bé một cách dễ thương như cu Tí, cu Tèo, không có gì đáng chê trách cả. Cũng trong ý nghĩ ấy, ls Tâm xin được phép xem qua bằng lái xe của ông Định và cho rằng có sự khác biệt giữa hai cái tên trong hai chứng từ bằng lái và thông hành đi lại. Trong thẻ thông hành, ông Định có tên là Dean Nakamura mà ông Định xác nhận rằng ông dùng tên đó vì lý do an ninh cá nhân. Ông cũng xác nhận ông chưa hề đặt chân tới những địa điểm cho rằng có lực lượng kháng chiến quân của ông Minh đồn trú. Được hỏi về lực lượng kháng chiến, ông trả lời không biết hoặc tránh né vì lý do bảo mật.
Khi ls Tâm đưa ra bức hình chụp thi thể tướng Hoàng Cơ Minh bị bắn chết tại Hạ Lào do các báo đăng tải năm 1987, hỏi ông Định có xác nhận được là hình ai không, ông Định trả lời không. Với câu hỏi « Ông Hoàng Cơ Minh còn sống hay chết », ông Định trả lời rằng ông nghĩ rằng Hoàng Cơ Minh còn sống, và hiện ở nơi nào đó ở Đông Nam Á, nhưng ông không có liên lạc.
Những vấn đề khác thuộc về tài chánh của Mặt Trận cũng đã được nêu ra, như các vụ mua tàu đánh cá, mở hệ thống bán phở để kinh tài, chuyện sổ sách điều hành tiền bạc, v.v..
Điểm đặc biệt trong phiên tòa này là khi ông Hoàng Cơ Định đã phủ nhận hoàn toàn vai trò của ông Cao Thế Dung trong Mặt Trận. Ông ta nói rằng ông chỉ loáng thoáng gặp Cao Thế Dung đâu đó trong hai cuộc họp mà thôi. Trong khi đó, ông Cao Thế Dung, trong các tài liệu phổ biến công khai, đã luôn xác nhận rằng ông ta là một trong những thành viên sáng lập, là thành phần nồng cốt của Mặt Trận. Để chứng tỏ, ông Dung đã xuất trình một văn thư xác nhận chức vụ của ông trong Mặt Trận văn thư này do ông Phạm Văn Liễu, nhân vật thứ hai nắm giữ chức vụ tổng vụ trưởng tổng vụ Hải Ngoại ký tên, nhưng ông Định vẫn cho rằng ông không hề thấy văn kiện này trước đó.
Phiên tòa được tiếp tục với các lời khai của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và bác sĩ Trần Xuân Ninh. Bác sĩ Ninh vẫn khẳng định rằng hiện ông Minh vẫn còn sống, trong khi ls Tâm tiếp tục chất vấn nhiều chi tiết đi sâu vào nội tình của Mặt Trận, nhưng đã bị luật sư phía nguyên đơn phản đối khiến phiên tòa phải đình trệ nhiều lần để họp riêng với vị chánh án.
Phiên xử ngày mai Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ khai trước tòa. Ông Nghĩa từng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Mặt Trận từ năm 1984 và là nhân vật được mô tả là am tường rất nhiều mặt trong tổ chức kháng chiến qui mô nhất hải ngoại này. Tuy nhiên, vào năm 1992 ông đột nhiên rút lui khỏi Mặt Trận. Điểm đặc biệt là dù ông Nguyễn Xuân Nghĩa từng nắm giữ những chức vụ cột trụ trong Mặt Trận, nhưng cá nhân ông lại không liên hệ gì đến vụ 5 người lãnh đạo Mặt Trận từng bị chính quyền Liên Bang truy tố về các vụ xử dụng tiền bạc của tổ chức cho mục đích cá nhân và các vấn đề liên quan đến thuế khóa.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi nội vụ để tường trình cùng bạn đọc vào số báo tới.
 
San Jose, ngày 13/12/1994
 
Phần kể thêm
-trước khi Hoàng Cơ Định khai với luật sư Tâm thì thông dịch viên Nguyễn Kiển Thiện Ân được bên nguyên đơn đưa lên bục nhân chứng để xác nhận sự chuyển ngữ Việt sang Anh của ông trong các tài liệu trình tòa vụ kiện này là đúng. Luật sư Nguyễn Tâm liền chất vấn ông Ân, luật sư viết Nguyễn An cái tên tắt thường dùng ở xứ Hoa Kỳ này và hỏi ông ta An nghĩa là gì. Ông Ân trả lời An nghĩa là hòa bình (peace). Luật sư Tâm hỏi tiếp chữ Ân thì ông ta bảo nghĩa là ban ơn. Rồi luật sư viết tên Trần Xuân Hau, bảo Hau không có nghĩa gì cả vì thiếu dấu do đó tên tiếng Việt khi viết sang tiếng Anh không có dấu đã làm sai lạc ý nghĩa rất nhiều.
-luật sư Tâm hỏi tiếp chữ Phan Vụ Cu (Cu là âm đọc của chữ Q), ông Ân bảo Cu có nghĩa là bộ phận sinh dục đàn ông và con chim.
-luật sư đưa ra chữ Cu Tí thì ông Ân đồng ý là có thêm nghĩa thứ ba nữa rồi ông ta mới nhớ ra Hầu còn có nghĩa hầu hạ và tước hầu nữa.
-cuối cùng Nguyễn Kiển Thiện Ân xác nhận ông không tốt nghiệp trường thông ngôn nào và do đó ông không có thẩm quyền để phê phán việc chuyển ngữ Việt sang Anh.
-luật sư Tâm còn hỏi ông Ân tên của luật sư đại diện cho Nguyễn Thanh Hoàng là Richard Givens, có nickname là « Dick » nghĩa là gì, ông Ân ngơ ngác thì luật sư trả lời là « con cu ».
-tới phiên luật sư Tâm chất vấn Hoàng Cơ Định thì như đã thuật ở bài báo có 2 sự kiện nổi bật. Thứ nhất, luật sư xin phép tòa được coi bằng lái xe của ông Hoàng Cơ Định rồi bảo ông đánh vần tên Hoàng Cơ Định cho mọi người nghe. Như vậy giấy thông hành tên là Dean Nakamura còn tên bằng lái xe là Hoàng Cơ Định. Sự kiện thứ hai gây xúc động cho người dự khán là lúc luật sư Tâm đưa tấm hình phóng lớn của thi thể Hoàng Cơ Minh trước mặt Hoàng Cơ Định thì Định thản nhiên trả lời đấy chỉ là bức ảnh tuyên truyền của cộng sản.
-tiếp tục là nhân chứng Nguyễn Ngọc Bích từ thủ đô Hoa thịnh đốn về San Jose theo lời yêu cầu của bên nguyên đơn Mặt Trận. Ông Bích xuất hiện trước tòa như là một chuyên viên có thẩm quyền nhận định về các sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam. Ông kể về quá trình học vấn của mình, có học chương trình tiến sĩ nhưng không trình luận án nên chưa có bằng tiến sĩ. Ông Bích cũng đưa ra quá trình hoạt động trong chính giới Hoa Kỳ. Ông nói tỏ vẻ nghi ngờ về giá trị bằng cấp « tiến sĩ » của Cao Thế Dung. Ông nhận định là tờ VNTP hay thêm thắt câu chuyện và thường chỉ trích người khác. Tới đoạn này, các luật sư bên bị đơn xin tòa bác bỏ thẩm quyền phê phán của Nguyễn Ngọc Bích. Tòa đồng ý và phần khai của ông Bích chấm dứt.
-rồi bác sĩ Trần Xuân Ninh, vụ trưởng Tuyên Truyền của Mặt Trận, cũng là một trong ba người đứng đơn trong vụ kiện này lên bục nhân chứng. Bác sĩ Ninh là chuyên gia về nhi khoa giải phẫu. Sau 1975, ông bị đi cải tạo 2 năm. Trên đường vượt biển có đứa con bị chết. Bác sĩ Ninh đang hành nghề ở Chicago. Ông trả lời với luật sư Klevens là ông rất giận dữ khi bị bài báo vu cáo ông đã chủ mưu giết người. Tới phiên luật sư Klevens hỏi bác sĩ Ninh có biết chuyện nhà ông Lâm Tôn ở Chicago bị đốt không, Trần Xuân Ninh bảo Lâm Tôn đi về Việt Nam, trở lại Mỹ bị vợ bỏ, nhà bị cháy. Câu trả lời mỉa mai này làm luật sư Givens bất bình : « Ông bác sĩ nè, ông trả lời như vậy hả ? » rồi luật sư Nguyễn Tâm tiếp tục chất vấn ông Ninh. Luật sư nhắc lại cuộc phỏng vấn tháng 7/89 trên đài VOA, bác sĩ kể thành tích của Mặt Trận chống kinh tài, du lịch thành công. Luật sư Tâm hỏi Trần Xuân Ninh có thù cộng sản khi đứa con của ông chết trên biển cả thì câu trả lời là không.Khi đưa tấm hình Hoàng Cơ Minh chết thì ông Ninh cũng giống như Hoàng Cơ Định cho là Việt cộng tuyên truyền
-vẫn chuyện hơn 10 năm trước, Mặt Trận tuyên bố có 10.000 quân thì hôm nay khi bị chất vấn, ông Ninh bảo là Hoàng Cơ Minh chỉ nói kết hợp được nhiều nhóm kháng chiến quân trong nước, con số ước lượng là có 10.000 tay súng. Luật sư Tâm đặt 1 câu hỏi như có vẻ lạc đề là bác sĩ Ninh có thân nhân kẹt lại VN không thì ông ta bảo là còn người anh trong nước đang lao động khó nhọc. Và bác sĩ Ninh chỉ nhờ bà con ở Mỹ liên lạc và giúp đỡ tiền bạc chứ ông không trực tiếp. Tới đó, luật sư Tâm bỗng kết thúc phần chất vấn Trần Xuân Ninh.
 
Thêm chuyện bên lề
Phần khai của bác sĩ Trần Xuân Ninh chẳng có gì sơ xuất, theo lời của luật sư Richard Givens, ông Ninh là một nhân chứng tuyệt hảo có lẽ câu hỏi về giúp đỡ thân nhân của Trần Xuân Ninh muốn nhắc người ta nhớ tới lập trường của Mặt Trận là kêu gọi đồng bào hải ngoại không nên gởi tiền và quà cho người thân còn ở VN vì làm như vậy, theo Mặt Trận là tiếp sức cho chế độ. Câu hỏi này đặt bác sĩ tổng vụ phó Hải Ngoại vào một tình thế khó khăn. Nếu trả lời là không giúp đỡ cho người anh thì bị dư luận cho là con người tàn nhẫn. Nếu trả lời có giúp đỡ thì đi ngược lại chủ trương của Mặt Trận mà chính ông Ninh đã góp phần soạn thảo.
Những câu trả lời của bác sĩ Ninh tuy bình thường nhưng luật sư Tâm đã khéo léo kết hợp lại để đưa ra hình ảnh hai mặt trái ngược về con người Trần Xuân Ninh.
-Nguyễn Kiển Thiện Ân từng làm thứ trưởng kinh tế VNCH được mấy tháng thời nội các Nguyễn Văn Lộc. Ông đang làm nghề thông ngôn tòa án trong những trường hợp người Việt Nam không biết nói tiếng Anh. Sự kiện viết những tên riêng của VN ra tiếng Mỹ không có dấu, rồi nhiều lúc bỏ đi chữ lót làm mọi người dễ lẫn lộn. Từ Nguyễn Kiển Thiện Ân biến thành « An Nguyễn », điều này cộng đồng VN nên có tiếng nói với người Mỹ là nên để ý phần nào cái bản sắc của văn hóa Việt chữ lót (middle name) không thể thiếu khi gọi tên một người.
-ngày trước Hoàng Cơ Minh tuyên bố hùng hồn rằng Mặt Trận có 10.000 quân. Báo Kháng Chiến và các báo thời đó còn đăng rõ ràng như vậy. Hồ sơ trong Quốc hội Hoa Kỳ số 129 19/5/1983 cũng ghi lại lời tuyên bố đó. Thế mà hôm nay trước tòa, các ông lãnh đạo Mặt Trận cứ « chơi chữ » bảo là chỉ có liên lạc được 36 nhóm và ước lượng là khoảng 10.000 người (chứ không phải 10.000 quân). Đúng là « cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo ».
-vì Hoàng Cơ Định còn đang bị truy tố ngày 23/4/1991 về tội trốn thuế, lem nhem tiền bạc của Mặt Trận nên phiên tòa xử vụ kiện dân sự này không cho phép các luật sư hai bên được nhắc tới vấn đề này vì nói ra sẽ làm cho bồi thẩm đoàn thiên vị bên bị đơn. Nói một cách khác, bồi thẩm đoàn không biết gì về chuyện đó. Họ chỉ xem xét một vấn đề duy nhất là 3 bài báo và cuốn sách có vu khống phỉ báng 3 người nguyên đơn hay không ?
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
Chương bốn
Phiên tòa 3 :
-Nguyễn Xuân Nghĩa : tôi không biết Hoàng Cơ Minh còn sống hay chết.
-Cao Thế Dung : tôi đốt bằng tiến sĩ trước mộ mẹ tôi.
 
San Jose (Thời Báo) –ngày 14/12/94 phiên tòa bước sang ngày thứ ba với ông Nguyễn Xuân Nghĩa lên bục nhân chứng dù ông đã rút ra khỏi Mặt Trận năm 1991 vì lý do cá nhân nhưng vẫn đứng tên chung với hai ông Hoàng Cơ Định và Trần Xuân Ninh kiện ông Cao Thế Dung, báo VNTP và nhà xuất bản Đa Nguyên về tội mạ lỵ trong 3 bài báo và 1 cuốn sách mà ông Dung là tác giả. Luật sư Paul Kleven bên nguyên cáo hỏi ông Nghĩa về tiểu sử của ông là người học thường cao đẳng kinh tế ở Pháp, về nước làm phụ tá thứ trưởng kinh tế, sau đó trở lại Pháp năm 1980. Ông kể lại sự việc trước đây Cao Thế Dung có viết 1 bài phỏng vấn Hoàng Cơ Minh mà trong đó ông Dung vừa đặt câu hỏi vừa trả lời nên ông Nghĩa không cho đăng trên báo Kháng Chiến.
Tới phiên luật sư nguyễn Tâm bên bị cáo chất vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông Nghĩa khai rằng sau 1975 ông không bị đi cải tạo vì cộng sản muốn khai thác hiểu biết của ông về ngành ngân hàng của VNCH. Ông nói ông và Mười Cúc tức tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ có họ hàng rất xa. Là một trong những nhân vật cao cấp của Mặt Trận lo về kế hoạch, ông Nghĩa thố lộ ông đôi lúc có những bất đồng ý kiến về đường lối với ban lãnh đạo. Chẳng hạn như về chuyện chống các tổ chức kinh tài Việt cộng. Khi luật sư Tâm hỏi ông Nghĩa về định nghĩa thế nào là kinh tài cho cộng sản thì ông Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ ra lúng túng. Du lịch ? Gởi tiền ? Ông ra dấu phân bua với tòa và không trả lời rõ ràng. Ông xác nhận về việc tàu đánh cá nhưng cho rằng đó chỉ là sở hữu của một số đoàn viên Mặt Trận chứ không phải của Mặt Trận.
Một câu hỏi đặc biệt liên quan tới số phận của tướng Hoàng Cơ minh, ông Nghĩa bảo có gặp tướng Minh vào khoảng tháng 7/1987 ở San Francisco. Sau đó ba, bốn tháng thì các hãng thông tấn quốc tế loan tin vị lãnh đạo Mặt Trận đã tử trận. Ông Nghĩa nói ông đã không tin đó là sự thật. Và luật sư Tâm nhấn mạnh câu hỏi : « Bây giờ thì ông nghĩ Hoàng Cơ Minh còn sống hay chết ? », ông Nghĩa trả lời : « Tôi không biết.»
Với những câu hỏi xoáy sâu vào những chi tiết quan trọng của nội tình Mặt Trận, ông Nghĩa rất bối rối vì câu trả lời của ông có khác biệt với ông Hoàng Cơ Định hôm trước.
Tòa nghỉ trưa giải lao, và buổi chiều luật sư Tâm bỗng ngưng chiến thật chất vấn dồn dập, chỉ hỏi hai, ba câu lấy lệ rồi thôi.
Tới phiên phe bị cáo lên bục nhân chứng. Đầu tiên là giáo sư Cao Thế Dung và do luật sư phía nguyên cáo đặt câu hỏi. Có một thông dịch viên chuyển ngữ Anh sang Việt cho ông Dung. Ông Dung nói rằng ông có bằng tú tài năm 1953, bằng cử nhân Việt Hán 1967. Năm 1974 ông đỗ bằng tiến sĩ ở một trường bên Pháp tên « Ecole universelle de Paris ». Ông trình bày xuất thân từ gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, phải đi chăn trâu. Bà mẹ nuôi ông muốn ông đỗ đạt, phải lấy cho được cái bằng tiến sĩ. Ông phải vừa học vừa đi làm rất vất vả. Vì thế khi đạt được mục đích, ông đem cái bằng tiến sĩ tới trước mộ mẹ, đốt cúng dâng bà. Và sau đó, ông xin lại bản sao.
Chiến thuật của luật sư Paul Kleven là muốn hạ uy tín ông Cao Thế Dung trước tòa qua vấn đề bằng cấp của ông. Chẳng hạn năm 1974 ông Dung mới có bằng tiến sĩ thế mà ông khai đã dạy các đại học ở Saigon từ năm 1969. Ông Dung trả lời tình trạng đại học VN là như thế đấy, ngay cả giáo sư Nguyễn Ngọc Bích chưa có bằng tiến sĩ mà cũng đi dạy đại học. Một vài câu hỏi của luật sư liên quan tới giá trị các bằng tiến sĩ của ông Cao Thế Dung và ông nói rằng bài báo của bên Mặt Trận chê ông là « tiến sĩ giấy ». Ông nói với con ông dù sao cái bằng tiến sĩ của ông cũng có giá trị « book-rate ? » (book-grade ?) mà người thông dịch viên chuyển sang tiếng Anh là « Fourth Class ».
Sau đó luật sư chuyển sang trọng tâm của buổi chất vấn là ba bài báo do ông Cao Thế Dung viết, ký bút hiệu là Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong, Chu Tri Lục đăng trên báo VNTP sau khi vợ chồng ký giả Lê Triết bị bắn chết. Ba bài báo lên án các nhà lãnh đạo là thủ phạm. Ông Dung nói ông thu thập các dữ kiện từ 48 nhân chứng và ông là người viết đúc kết lại thành bài báo, chịu trách nhiệm hoàn toàn. Ông nói ông không nêu rõ đích danh các nhà lãnh đạo Mặt Trận để cho độc giả tự hiểu. Ông đã dùng những từ ngữ đẹp để kêu các người đó thí dụ như Trần Xuân Hầu, chữ hầu theo ông Dung là một chức tước trong công, hầu, bá, tử, nam
Vì mỗi lần luật sư hỏi, phải dịch sang tiếng Việt. Ông Dung trả lời bằng tiếng Việt rồi chuyển sang tiếng Anh nên rất mất thời giờ Vả lại, đôi lúc ông Dung không trả lời thẳng vào câu hỏi mà giải thích dài dòng như muốn đối phó lại chiến thuật của luật sư nhằm buộc bị cáo phải trả lời Yes hay No vì khi trả lời Đúng hay Sai hoài, có lúc trái ngược nhau và tạo một sơ hở để luật sư chứng minh bị cáo là gian dối và như thế coi như thua kiện.
Dĩ nhiên lời khai của giáo sư Cao Thế Dung rất quan trọng vì ông là tác giả của bài báo và cuốn sách. Báo VNTP và nhà văn Nguyên Vũ là phụ vì họ chỉ đăng và in lại tác phẩm của ông Dung. Có thể giáo sư Dung nhờ thông dịch viên vì muốn đầu óc tập trung trả lời bằng tiếng Việt để khỏi sơ hở nhưng cũng vì thế một số ý tưởng đã không được dịch sang tiếng Anh chính xác trong thời gian mau lẹ.
Cuộc chất vấn tạm ngưng và tiếp tục vào ngày hôm sau 15/12/94.
 
Chuyện bên lề
Người dự khán phiên tòa rải rác buổi chiều thấy sự có mặt của Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Công Hoan, Vũ Thế Ngọc, Hà Túc Đạo, Phạm Văn Liễu, Vũ Huynh Trưởng, Nguyễn Hữu Liên, và lúc nào cũng hiện diện mấy nhân viên FBI.
Giờ giải lao, mấy tay kéo nhau ra ngoài hút thuốc, tán gẫu một anh cười đùa « tôi thấy trong đám bồi thẩm có một ông Mỹ đen làm thợ rèn, làm sao mà nó hiểu nổi mấy chuyện rắc rối của vụ kiện này ? » Anh em cùng đồng ý rằng người dự khán muốn hiểu, ngoài vốn liếng tiếng Anh ra còn phải có một quá trình theo dõi sinh hoạt chính trị của cộng đồng mười năm qua đến nỗi ký giả Trần Đệ của San Jose Mercury News cũng sai lầm khi viết cựu đại tá Nguyễn Xuân Nghĩa kia mà.
Nguyễn Bá Trạc tiếc rẻ dùm cho thính giả của Bắc Cali vì anh đã nghỉ làm ở đài Mẹ Việt Nam nếu không thì trong bản tin buổi chiều anh sẽ tường thuật sôi nổi các phiên tòa lịch sử này.
Nhìn quanh quẩn chỉ có độc nhất Trần Củng Sơn làm nhiệm vụ thông tin cho độc giả qua tờ Thời Báo. Trung sĩ cảnh sát Douglas Zwemke tỏ ý ngạc nhiên vì vụ xử quan trọng đối với cộng đồng hải ngoại như thế mà không thấy phóng viên ký giả rầm rộ săn tin.
Quý vị muốn có tài liệu của vụ xử cứ xin tòa, mỗi trang tốc ký giá 3 đôla, một ngày có khoảng 150 trang, vị chi là 450 đôla, tha hồ dựa vào đó mà nghiên cứu viết sách.
Những nụ cười đấu láo bên ngoài làm giảm bớt căng thẳng của phiên tòa hai bên nguyên đơn và bị cáo. Có người từng quen biết nhau. Một vị nào đó than thở : « toàn dân khoa bảng trí thức của Việt Nam cả, kéo nhau ra tòa tố nhau thật nhục và buồn ». Anh em nhắc lại chuyện ông Dung nói bằng tiến sĩ của ông dù sao cũng có giá trị « book-rate ?» (book-grade ?), ý ông muốn nói là giá trị sách vở nhưng cô thông dịch viên dịch là « Fourth Class » làm mọi người tức cười. Bằng nào cũng là bằng cả ! Không biết ông Dung nói « book-grade ?» hay « book-rate ?» vì ông phát âm không rõ. Lúc ông  Dung nói : công, hầu, bá, tử, nam làm cô thông dịch lúng túng. Không có tự điển trong tay phải dịch ngay tức khắc chỉ có thánh mới làm nổi. Ôi thật buồn cho những ai kém Anh văn ra tòa phải nhờ vào thông dịch. Ông Dung nói « tôi bị Mặt Trận tung chiến dịch bôi xấu … » Ông nói « tôi bị Mặt Trận » rồi ngưng làm cô đó chẳng biết dịch bốn chữ này ra sao.
Bên Mặt Trận nghĩ cái tên Trần Xuân Hầu chỉ Trần Xuân Ninh giống khỉ vì hầu theo nghĩa Hán Việt là khỉ, nhưng tiếng Việt vốn không rõ ràng. Ông Dung giải nghĩa thật đẹp : đó là tước hầu, ngoài ra còn có nghĩa hầu hạ, hầu như, hầu bao, …
Ngoài trời mưa gió não nề, « chiều mưa San Jose » loáng thoáng bài hát của Trần Chí Phúc lãng mạn con đường Market nên thơ của thành phố mưa bay, nhưng bên trong tòa nhà chốn công đường đang gay go, đấu nhau từng  câu nói
Chuyện đất nước, chuyện đấu tranh, chuyện người đã hy sinh, chuyện bao tấm lòng nô nức một thời mơ về kháng chiến. Rồi chuyện phản bội, lường gạt, giết chóc, bạn hóa ra thù. Tất cả quyện vào nhau một mớ rối rắm. Những mái đầu đã bạc. Mười năm hơn trôi qua. Ai có thể xử chuyện này ? Có thể tin vào phán quyết của dăm ba người bản xứ xa lạ ? Chợt nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trước khi uống thuốc độc tự tử vì đã dính líu vụ đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1960 :
« Không ai có quyền xét xử tôi cả, đời tôi sẽ do lịch sử xử.»
 
San Jose 14/12/94
 
Lời kể thêm
Khi luật sư Nguyễn Tâm chất vấn, ông Nguyễn Xuân Nghĩa có khai là Mặt Trận trả lương ông 1.500, sau đó tăng lên 1.700 mỗi tháng. Trong khi trả lời, ông Nghĩa có vẻ ngần ngừ. Ngày hôm trước ông Định phủ nhận việc Mặt Trận mua tàu đánh cá thì hôm nay ông Nghĩa bảo là của đoàn viên Mặt Trận. Ông Nghĩa bảo « quốc nội » gồm luôn Lào + Thái lan, trong khi hôm trước Hoàng Cơ Định định nghĩa « quốc nội » là ở Việt Nam.
Khi tòa tuyên bố nghỉ trưa thì Nguyễn Xuân Nghĩa đứng thẫn thờ, ngay bục nhân chứng có vẻ không muốn bước ra phòng xử trông ông thật tội nghiệp, hình như phải miễn cưỡng lắm mới thốt lên những lời khai đó những câu trả lời khác biệt của ông (từng là nhân vật cao cấp trong ban lãnh đạo Mặt Trận) với lời khai của Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh nói lên mâu thuẫn nội bộ ba người với nhau. Suốt mấy ngày hầu tòa, Nguyễn Xuân Nghĩa ngồi riêng không hề thấy trò chuyện gì với hai người kia. Phải chăng đó là lý do mà luật sư Nguyễn Tâm buổi chiều bỗng ngưng không chất vấn Nguyễn Xuân Nghĩa nữa. Cũng xin đính chính một chi tiết đã viết trong bài báo là Nguyễn Xuân Nghĩa không có tên trong đơn kiện Vũ Ngự Chiêu năm 1992. Lý do là Nghĩa đã rút ra khỏi Mặt Trận năm 1991.
-ông Dung nói có bằng tú tài 1953, đó là bằng tú tài Việt Minh và được coi tương đương là bằng tú tài của VNCH sau này để được học lên cử nhân. Đó là lý do tại sao có người bảo là ông không có bằng tú tài (thật).
-khi luật sư Kleven cứ chất vấn cái tên trường đại học ở Pháp nơi ông lấy bằng tiến sĩ thì ông Dung phân bua ông nghèo có vợ con phải học hàm thụ một trường không nổi tiếng chứ không may mắn như Hoàng Cơ Định con nhà giàu được học trường ngon lành.
-khi ông nói « tôi khinh Hoàng Cơ Định » thì chữ « khinh » cô thông ngôn dịch là « underestimate » làm những người dự khán tỏ vẻ phản đối, liền sau đó cô này sửa lại là « look down », có người góc cuối phòng nhao nhao « despise, despise » nhưng cô thông ngôn không nghe rõ.
-lúc ông nói « công, hầu, bá, tử, nam » cô lúng túng, thì ông nhắc lại « prince, duke, … ». Chữ « duke » ông phát âm không rõ, nghe giọng như « duck » (con vịt) cô thông ngôn trong giây phút vội vàng cũng lập lại chữ « duck » làm bồi thẩm đoàn có vẻ ngơ ngác trong số khán giả có vài người không nhịn nổi tiếng cười.
-vì Cao Thế Dung bảo là ông có trong Mặt Trận trong khi Hoàng Cơ Định phủ nhận việc này, nên lúc luật sư Kleven hỏi bằng tiếng Anh rằng « Ông Dung có ở trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam không ? » (National United Front for the Liberation of Vietnam), nhưng cô thông ngôn dịch ra tiếng Việt là Mặt Trận giải phóng miền Nam (tên một tổ chức của cộng sản thành lập năm 1960 do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch nhằm lật đổ chính quyền  VNCH). Và ông Dung mặc dù biết cô này dịch sai nhưng cũng phải nói « không » vì ông nghĩ rằng ông phải trả lời dựa trên câu nói của cô thông ngôn chứ không phải dựa trên câu hỏi của luật sư kleven và quan tòa cùng bồi thẩm đoàn lại thêm một lần ngơ ngác
-lúc Cao Thế Dung lúng túng nhất là câu hỏi về ba bài báo của ba tác giả lê kính dân, lê bằng phong và chu tri lục có lúc ông trả lời ông viết hết, có lúc ông nói ông sửa chữa, có lúc ông nói ông viết lại hoàn toàn sở dĩ câu trả lời khó hiểu này là trước đây Cao Thế Dung gởi một lá thư riêng cho Nguyễn Thanh Hoàng bảo rằng ba bài báo đó ông chỉ viết có một bài, còn hai bài kia là của hai người khác đưa cho ông dung, cho ông toàn quyền xử dụng lá thư bí mật ông Nguyễn Thanh Hoàng đưa cho luật sư richard givens làm tài liệu để biện hộ, và phía bên Mặt Trận biết được nên mới chất vấn
-rồi luật sư Mặt Trận hỏi việc ông đi các tiểu bang để điều tra nhân chứng về vụ thảm sát Lê Triết, ông cũng trả lời lòng vòng, khi thì nói đi điều tra, khi thì nói đi chữa bệnh cho người khác bằng dinh dưỡng,   cũng xin nhắc lại là luật sư khi chất vấn nhân chứng dựa trên lời khai lúc thẩm vấn (deposition) trước đó và ông dung ra trước tòa trả lời, có đôi điều mâu thuẫn với lời khai cũ nên luật sư cứ hỏi vặn hoài với lối trả lời dài dòng, lại phải qua thông ngôn nên cũng chẳng ai hiểu rõ vấn đề chỉ có một điều rõ ràng nhất là bồi thẩm đoàn đã thấy một cái gì uẩn khúc, thiếu minh bạch trong lời khai của Cao Thế Dung ai mà biết họ đang nghĩ gì : ông dung không thành thật thiếu chứng cớ rõ ràng cho bài báo hay quyền lực vô hình của Mặt Trận quá ghê gớm để mọi chuyện xảy ra cứ như xinê
-luật sư Nguyễn Tâm và luật sư richard givens và bên bị đơn có vẻ lo âu sau lời khai thiếu tự tin của Cao Thế Dung, tác giả bài báo và cuốn sách nêu tên Mặt Trận là thủ phạm giết Lê Triết
 
Thêm chuyện bên lề
-trong giờ giải lao buổi chiều, một người bạn văn nghệ đang đứng với Nguyễn Xuân Nghĩa trước tòa thượng thẩm kêu tôi lại trò chuyện. Tôi cầm máy ảnh chụp một, hai tấm thì Nghĩa giơ tay che mặt nói « xin tha cho tôi đi ». Nghĩa kể ông ta không muốn dính vào vụ kiện này vì đã rút tên ra khỏi Mặt Trận rồi, nhưng vì bài báo nêu tên Nghĩa trong nhóm chủ mưu giết Lê Triết nên người cựu vụ trưởng Tuyên vận Mặt Trận này đành phải nhờ tòa án can thiệp làm cho ra lẽ trắng đen. Cũng nên hiểu thêm là Nguyễn Xuân Nghĩa đang giữ mục bản tin kinh tế cho một tờ báo ở Nam Cali do Nguyễn Đức Quang là chủ. Nghĩa vừa mới viết chung với Tạ Chí Đại Trường trong một cuốn sách nói về VN với cái nhìn từ bên trong (nước) và từ bên ngoài.
Cũng là người có máu đào hoa, từng là bạn tình của nữ danh ca Thái Thanh, bây giờ lại đang sống chung với nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ dương cầm Quỳnh Dao.
Từng làm phụ tá thứ trưởng kinh tế đặc trách ngân hàng, sau 1975 không bị học tập cải tạo, rồi qua Mỹ giữ chức vụ cao cấp trong Mặt Trận Hoàng Cơ Minh với bí danh Nguyễn Đồng Sơn, rút ra tổ chức này mà không bị truy tố về tội gian lận thuế má, tiền bạc như các nhân vật cao cấp khác, rồi tới bây giờ đóng vai một ký giả kinh tế, một người trong giới văn nghệ. Quả thiệt, Nguyễn Xuân Nghĩa là con người khó hiểu.
-tác giả Cao Thế Dung vừa đóng vai bị đơn lên bục nhân chứng vừa đóng vai « luật sư » ngồi chung bàn với các luật sư kia. Cũng tham dự những lần họp kín với chánh án Joseph Biafore, cũng cao giọng đọc bài diễn văn mở đầu và diễn văn biện hộ cuối cùng bằng tiếng Anh giọng đầy vẻ tự tin. Và Cao Thế Dung cũng lên bục nhân chứng trả lời bằng tiếng Việt nhờ cô thông ngôn dịch tiếng Anh. Sự diễn xuất của ông trước tòa đầy vẻ kịch tính, rất phong phú. Hình ảnh một trí thức nổi tiếng của VN, một giáo sư khả kính, một nhà văn tên tuổi, một ông già tóc bạc nghèo khó, với thái độ khiêm cung hai tay nắm lại cúi đầu chào quan tòa và bồi thẩm đoàn mỗi lần tới phiên ông trình bày.
Cao Thế Dung cũng là hình ảnh một diễn giả hùng hồn, một ký giả can đảm kết tội lãnh đạo Mặt Trận thảm sát Lê Triết và đe dọa đồng bào, và cũng là bị đơn bối rối ấp úng, lời khai lòng vòng khi bị luật sư chất vấn về những bằng chứng đã đưa ra để bảo vệ luận cứ 3 bài báo của mình.
Hình như Cao Thế Dung và Nguyễn Ngọc Bích có ác cảm với nhau nên khi luật sư Mặt Trận hỏi ông Dung dạy đại học mà không có bằng tiến sĩ thì ông Dung chỉ tay về hướng ông Bích đang ngồi ở hàng ghế dự khán bảo là tình trạng Nguyễn Ngọc Bích cũng giống như ông. Trong cuốn sách « Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể » trang 18 tập I, Cao Thế Dung đã ghi chú một tấm hình là « giáo viên » Nguyễn Ngọc Bích đang thông dịch cho Hoàng Cơ Minh trong một cuộc họp ở Hoa thịnh đốn ngày 27/4/83.
Câu chuyện ông kể đi chăn trâu rồi học có bằng tiến sĩ làm một số độc giả thích thú, và hình ảnh ông đem đốt cái bằng tiến sĩ cúng trước mộ mẹ cũng là đề tài bàn tán của những người theo dõi phiên tòa.
Những chi tiết thú vị đó đã làm giảm bớt phần nào cái không khí căng thẳng của phòng xử, nghe cũng là lạ vui vui. Nó có đúng sự thật như cuộc đời của Cao Thế Dung không ? Nào ai biết, nhưng điều này không quan trọng vì chẳng ảnh hưởng tới nội vụ.
Và quan tòa cùng bồi thẩm đoàn thêm một dịp để biết về những mảnh đời VN.
Bây giờ có người hiểu chuyện bảo rằng rằng ông Dung vẽ ra chuyện chăn trâu là để xỏ xiên ông Nguyễn Ngọc Bích có ông nội cũng đi chăn trâu. Nếu đúng như thế thì người viết cũng xin chào thua trước cái ẩn ý sâu xa.
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
Chương năm
 
Phiên tòa 4 : vụ xử Mặt Trận kiện cáo báo chí bất ngờ gay cấn
-Phạm Văn Liễu : trong thâm tâm, tôi tin Mặt Trận là thủ phạm.
-Nguyễn Thanh Hoàng : tôi bệnh nặng sắp chết, không nhớ gì cả.
 
San Jose (Thời Báo) -phiên tòa bước sang ngày thứ bốn tức thứ năm 15/12/94 với nhiều diễn tiến sôi động.
Buổi sáng, luật sư Paul Kleven của Mặt Trận tiếp tục chất vấn ông Cao Thế Dung. Tất cả đều xoáy vào 3 bài báo do ông Dung viết đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong kết án Mặt Trận giết vợ chồng ký giả Lê Triết. Ông Dung trình bày thêm là có nói với cựu đại tá Phạm Văn Liễu về vụ này. Ông Dung kể là ông Liễu « không có nói » đích danh Mặt Trận nhưng trong cách phát biểu, ông Liễu có vẻ ngụ ý như vậy. Ngày hôm trước, ông Dung có đưa ra con số 48 nhân chứng mà ông đã tiếp xúc để viết nên 3 bài báo đó.
Tới phiên ông Phạm Văn Liễu được mời lên để xác nhận điều ông Dung vừa khai đầu tiên. Ông Liễu than phiền riêng với quan tòa là người thông dịch viên hôm nay cho ông Dung (khác với cô hôm qua) đã làm vai trò nhân chứng cho bên Mặt Trận mấy bữa trước về cách dịch nghĩa chữ Cu. Ông Liễu ngại rằng người này sẽ mất đi tính trung thực khi phiên dịch. Và một điều quan trọng nữa là trong câu trả lời của ông Cao Thế Dung trước đó có mấy chữ « Tôi không có nói … » đã không được chuyển ngữ. Sau đó bằng một giọng chững chạc, ông Liễu trả lời thẳng bằng tiếng Anh những câu hỏi của luật sư Mặt Trận. Ông nói ông biết Hoàng Cơ Định trong ba năm làm việc chung với nhau lúc ông còn là tổng vụ trưởng nhưng quần chúng không rõ ông Định là ai. Ông giải nghĩa chữ hầu là chức tước, là con khỉ và là người phục vụ người khác.
Ông Liễu khai rằng ông không có nói Mặt Trận giết vợ chồng Lê Triết nhưng « trong thâm tâm, tôi tin rằng Mặt Trận là thủ phạm ». Ông giải thích : chỉ có hai phe có khả năng giết Lê Triết, một là Việt cộng, hai là một tổ chức có thế lực tiền tài và nhân sự như Mặt Trận.
Tới phiên luật sư Nguyễn Tâm bên bị đơn đặt câu hỏi với ông Phạm Văn Liễu nhưng mỗi lần luật sư Tâm đào sâu vào một vài chi tiết của nội bộ Mặt Trận liền bị luật sư bên kia đứng lên phản đối liên tục và quan tòa phải kêu họp riêng các luật sư với nhau. Vì ông Liễu được bên kia mời lên chỉ để xác nhận việc ông nói chuyện riêng với Cao Thế Dung vụ Lê Triết nên tòa không cho luật sư Tâm hỏi nữa.
Được biết ông Liễu sẽ còn ra tòa vào những ngày kế tiếp để làm nhân chứng cho bên bị đơn. Và chắc chắn những bí mật về nội bộ Mặt Trận sẽ được ông bật mí đây cũng điều người Việt hải ngoại đang háo hức đón chờ vì ông Phạm Văn Liễu là một trong những người sáng lập ra Mặt Trận vào những năm đầu thập niên 80. Ông được coi là nhân vật số 2 sau Hoàng Cơ Minh, chủ tịch Mặt Trận. Chính ông Liễu là người đi khắp nơi để vận động tuyên truyền đồng bào hải ngoại ủng hộ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Việc ông rút ra khỏi tổ chức năm 1984 làm các đoàn viên Mặt Trận phân hóa rất nhiều. Sau 10 năm im lặng, ông xuất hiện trước tòa để nói lên sự thật mà bao người muốn nghe.
Kế tiếp là ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm kiêm chủ bút Hồ Anh của báo VNTP lên bục nhân chứng. Tưởng cũng nên nhắc lại tờ VNTP là tờ báo Việt đầu tiên ở hải ngoại từ mười mấy năm qua, phát hành rộng rãi khắp mọi nơi với những bài viết chuyên nêu ra những mặt xấu hoặc chỉ trích những nhân vật nổi tiếng của cộng đồng đã làm nhiều người không hài lòng, nhưng lại là yếu tố để báo bán rất mạnh.
Lúc đầu, tờ VNTP ủng hộ Mặt Trận với một loạt bài của ký giả Hoàng Xuyên tức Hoàng Xuân Yên, mô tả đường về chiến khu với lực lượng kháng chiến. Nhưng về sau tờ báo lại chuyển lập trường, quay sang chống đối Mặt Trận. Ký giả Lê Triết, bút hiệu Tú Rua, là tác giả của nhiều bài báo công kích Mặt Trận nặng nề. Vào khoảng tháng 10/90, vợ chồng Lê Triết bị bắn chết trước nhà khi trở về từ một buổi tiệc tối cho đến nay, cảnh sát chưa tìm ra sát thủ nhưng VNTP cho là Mặt Trận hành xử qua 3 bài báo đã kể.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng trả lời tiếng Việt rồi được thông dịch tiếng Anh các câu hỏi luật sư bên Mặt Trận. Ông cho biết số phát hành của VNTP mỗi ấn bản là 10.000.
Luật sư Kleven đưa ra bản chụp 3 bài báo chất vấn. Ông Hoàng bảo thường thì ông đọc kỹ các bài trước khi cho đăng, ngoại trừ trường hợp 3 bài báo của Cao Thế Dung lý do là lúc đó ông nằm bệnh viện nên chỉ đọc qua loa. Luật sư hỏi vặn về lời tòa soạn giới thiệu cho bài báo này thì ông Hoàng sau khi đọc lại lời đó, ông bảo là đó không giống lối hành văn của ông. Câu trả lời rất mâu thuẫn và không rõ ràng làm cử tọa khó hiểu và luật sư Mặt Trận nhân cơ hội tấn công tới tấp.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng nói rằng ông bị 2 lần giải phẫu. Ông nói « tôi bị bệnh nặng sắp chết nên không nhớ gì cả.»
Cuối cùng thì ông xác quyết rằng ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đăng bài báo đó. Ông thêm rằng bài viết của Cao Thế Dung phù hợp với những nhân chứng, nguồn tin mà ông thu thập và ông tin 100% chính Mặt Trận là thủ phạm. Nhưng ông không ám chỉ riêng cá nhân người lãnh đạo nào của Mặt Trận vì có nhiều người ông không biết. Ông bảo lúc đăng bài báo, ông không biết ông Hoàng Cơ Định là ai, nhưng bây giờ thì ông rõ.
Cuộc chất vấn Nguyễn Thanh Hoàng còn tiếp tục ngày hôm sau 16/12/94 và nhà văn Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu kế tiếp.
Bên lề tòa án
Theo luật sư Nguyễn Tâm cho biết, ngày thứ sáu 16/12/94, phe bị đơn sẽ hoàn tất lời khai của ba người là Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu trước tòa, và luật sư sẽ làm 1 thỉnh đơn lý án để xin quan tòa chấm dứt vụ xử với lý do như sau :
1.bên nguyên đơn là những khuôn mặt công cộng, do đó họ phải chịu lời phê phán tốt xấu của dư luận.
2. muốn thắng kiện, phe nguyên đơn phải chứng minh được cả hai điều :
                     a-phe bị đơn biết rõ điều mình viết là không đúng sự thật.
                     b-mà sau đó vẫn cứ tiếp tục viết.
Cả hai điều kiện đó theo luật sư Tâm bên nguyên đơn chưa chứng minh được. Tuy nhiên, cơ hội để quan tòa chấp nhận thỉnh đơn lý án này rất ít. Nếu bị bác đơn, vụ án còn kéo dài qua tuần thứ hai.
Trong cuộc phỏng vấn chớp nhoáng bên lề, luật sư Nguyễn Hữu Liêm cho rằng sau lời khai mâu thuẫn của ông Nguyễn Thanh Hoàng, có thể làm bồi thẩm đoàn không hiểu rõ mọi việc và do đó sự quyết định của họ xử thắng phe nào sẽ rất là may rủi.
Quí vị nào muốn xem phiên xử, xin đến Superior Court nằm trên đường Market, góc St. James, phòng D11, lầu 4.
 
San Jose 15/12/94
 
Lời kể thêm
Ngày hôm nay 15/12/94 người thông ngôn cho ông Cao Thế Dung là ông Nguyễn Kiển Thiện Ân khác với bà Tô Hà ngày hôm trước.
Luật sư Paul Kleven cứ hỏi vặn về ba bài báo ký tên là Lê kính dân, Lê Bằng Phong và Chu Tri Lục mà Cao Thế Dung tự nhận là tác giả.
Vì luật sư Kleven đã có thẩm vấn Cao Thế Dung (deposition) nên hôm nay trước tòa lời khai của ông Dung lại có phần khác biệt với biên bản luật sư đang nắm trong tay. Do đó câu chất vấn cứ lòng vòng mấy chi tiết đó. Người dự khán muốn hiểu rõ hơn phải đọc trước biên bản thẩm vấn. Không biết bồi thẩm đoàn có nắm vững câu chuyện không ? Nào ai biết.
Rồi tới phiên Phạm Văn Liễu (ông nói thẳng tiếng Anh không cần thông ngôn) bảo là Nguyễn Kiển Thiện Ân đã làm vai trò nhân chứng cho bên nguyên đơn Mặt Trận nên có thể không làm tròn công việc thông ngôn cho bên bị đơn.
Khi luật sư Givens của bên bị đơn đưa ra vài câu hỏi thì ông Liễu trả lời làm cử tọa khó hiểu như :
-Ông có nói với Cao Thế Dung là Mặt Trận giết Mặt Trận không ?
-Không.
-Ông có nghe dư luận nói Mặt Trận giết Lê Triết không ?
-Không.
Cuối cùng ông xác nhận với tòa một điều quan trọng là trong thâm tâm ông tin Mặt Trận là thủ phạm.
Rồi Nguyễn Thanh Hoàng lên bục làm nhân chứng. Người dự khán chú ý hơn tới con người thầm lặng này. Tờ VNTP do ông làm chủ đã gây sóng gió trong làng báo hải ngoại từ hơn mười năm trước và cũng là tờ báo có nhiều độc giả nhất. Tuy nổi tiếng nhưng cũng ít người biết mặt ông. Người ta chờ đợi ông ứng biến ra sao trước những câu hỏi hóc búa của luật sư về 3 bài báo nêu đích danh Mặt Trận và ba nhân vật lãnh đạo đã chủ mưu giết cây bút trụ cột của VNTP là Lê Triết. Ai cũng hiểu là đơn kiện nhắm thẳng vào tờ báo và chính ông. Nếu nguyên đơn chứng minh được tờ VNTP đã vu khống phỉ báng họ thì tờ báo mất hết uy tín, bao nhiêu bài đả kích Mặt Trận từ bấy lâu nay coi như không có căn cứ, và vấn đề bồi thường thiệt hại cũng sơ sơ vài trăm ngàn. Cao Thế Dung thì nghèo, Vũ Ngự Chiêu cũng chẳng dư giả, riêng ông thì có chút tài sản.
Vì mỗi câu hỏi và trả lời đều được nghe tới hai lần bằng Anh ngữ và Việt ngữ, ông Nguyễn Thanh Hoàng lại nói chậm rãi và ngắn gọn nên mọi người đều nắm vững câu chuyện. Thế mà rốt cuộc cử tọa lại không hiểu gì hết. Chẳng hạn ông Hoàng nói ông không để ý bài báo thứ 2 có bút hiệu khác với bài báo thứ nhất. Ông nghĩ ba bài báo là của Cao Thế Dung, đến khi bị Mặt Trận kiện thì ông mới vỡ lẽ ra là có ba bút hiệu khác nhau (tức Lê Kính Dân, Lê Bằng Phong, Chu Tri Lục) nhưng một đằng ông lại nói độc giả khi đọc ba bài báo họ hiểu là của ba tác giả khác nhau.
Khi luật sư Paul Kleven đưa ra lá thư của Cao Thế Dung gởi cho Nguyễn Thanh Hoàng (lá thư này kể là hai bài báo đó người khác viết đưa cho Cao Thế Dung) chất vấn thì ông Hoàng trả lời rất dài dòng, Nguyễn Kiển Thiện Ân dịch rất khó khăn làm quan tòa và bồi thẩm đoàn càng rối rắm.
Cuối cùng Nguyễn Thanh Hoàng trổ tuyệt chiêu ra : ông bảo bệnh nặng sắp chết nên không nhớ gì cả, chống đỡ mọi ngón võ hiểm hóc của luật sư đối phương.
 
Thêm chuyện bên lề
-Thật ra tới bây giờ không ai biết rõ tại sao lời khai của Nguyễn Thanh Hoàng đầy mâu thuẫn như vậy ? Trong một cuộc họp mặt báo chí ở San Jose trước khi tòa xử, ông Hoàng bảo là ông không quen nói chuyện trước công chúng và ông rút ra tờ giấy viết sẵn đọc lời phát biểu.
Có thể là đầu óc ông mệt mỏi do tuổi đời chồng chất vì đã gần 70 và theo lời ông thì căn bệnh hiểm nghèo đang hành hạ thân xác có thể là vấn đề quá phức tạp và nghiêm trọng.
Ba bài báo đăng 3 kỳ với ba  bút hiệu khác nhau do Cao Thế Dung gởi đến cho VNTP. Rồi ông Dung lại gởi riêng một lá thư nói rõ nội tình. Lá thư lại bị đối phương biết. Rồi ông lại sửa đổi tên các nguyên đơn Phan Vụ Quang thành Phan Vụ Cu, Trần Xuân Hầu và « Ngãi nằm vùng » để ám chỉ họ là thủ phạm.
Có thể ông không còn nhớ rõ các chi tiết. Có thể ông trả lời theo một cách có lợi ích cho ông nhưng cuối cùng để lộ sơ hở và rối rắm. Cũng có thể đó là sự thật vì cái lối làm báo Việt Nam cứ hay luồn lách, nói bóng nói gió, người viết ký tên cả chục bút hiệu, tự mình biến thành nhiều nhân vật khác nhau để ca tụng hay chửi bới nhằm đạt mục đích nào đó.
Trong một cuộc phỏng vấn bên lề tòa án, ông Nguyễn Thanh Hoàng trả lời là ông không nhớ gì cả. Ngay cả lời tòa soạn do chính tay ông viết mà bây giờ đọc lại ông không nhận ra cách hành văn của mình.
-Biên bản tốc ký phiên tòa vẫn được lưu trữ. Mọi câu hỏi và trả lời đều được ghi chép đầy đủ bằng Anh ngữ. Nhưng có một điều quan trọng là những câu nói bằng tiếng Việt đã bay vào không gian xa tít. Không có thu âm, quay phim làm sao ai nhớ, những câu nói ấy chỉ được dịch qua tiếng Anh mà khả năng của người thông ngôn giới hạn, có khi dịch không đầy đủ hoặc sai. Cho nên nếu căn cứ tuyệt đối vào biên bản đó thì không nên.
 
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
Chương sáu
 
Phiên tòa 5 : ngày thứ năm của vụ xử Mặt Trận kiện báo chí
-Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu muốn được đối chất với Hoàng Cơ Minh trước tòa.
-đầu tuần tới, chánh án sẽ quyết định : tiếp tục hay hủy bỏ vụ kiện.
 
San Jose (Thời Báo) –sáng thứ sáu 16/12/94 phiên tòa với luật sư paul kleven bên Mặt Trận tiếp tục chất vấn ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm báo VNTP như đã biết, hôm trước ông Hoàng nói là bị bệnh sắp chết nên hôm nay luật sư Kleven hỏi ông có đủ sức khỏe để nghe và trả lời các câu hỏi và ông Hoàng gật đầu. Nội dung cũng xoáy vào ba bài báo của Cao Thế Dung. Nào là ba bút hiệu Lê Bằng phong, Lê Kính Dân, Chu Tri Lục là một người hay ba người khác nhau ? Nào là sự quen biết giữa ông Hoàng và ông Dung ra sao ? Nào là ông Hoàng có đọc kỹ nội dung trước khi cho đăng báo hay không ? …
Luật sư Mặt Trận bằng một chiến thuật đặt những câu hỏi dài dòng khó hiểu, quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu ý nhằm khai thác sơ hở từ trí nhớ mệt mỏi của ông Nguyễn Thanh Hoàng. Rồi thông dịch viên cũng với một lối chuyển ngữ từ Anh sang Việt luộm thuộm. Rồi không biết ông Hoàng có hiểu hết các câu hỏi đó hay không, đến khi ông trả lời cũng không rõ ràng, đầy những mâu thuẫn và sơ hở. Chẳng hạn ông bảo ông quen Cao Thế Dung cả 15 năm nhưng chưa đọc một tác phẩm hay bài báo nào của ông Dung bao giờ. Qua bao câu trả lời khó hiểu, cuối cùng ông Hoàng khẳng định được một điều là ông tin vào nội dung của ba bài báo đó vì nó giống với những nguồn tin ông thu thập được qua vụ thảm sát vợ chồng ký giả Lê Triết.
Tới phiên ông Cao Thế Dung ra khai, ông bảo sức khỏe kém nên tai không nghe rõ ràng luật sư Kleven hỏi về một lá thư nào đó và ông trả lời lòng vòng khó hiểu.
Tòa nghỉ giờ trưa.
Tới phiên nhà văn Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu lên bục nhân chứng. Bằng thái độ điềm tĩnh, nói tiếng Anh giọng cứng nhưng lưu loát, ông đã trả lời một cách tự tin các câu hỏi của luật sư Mặt Trận. Ông bảo chỉ in cuốn sách « Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể » có 1.000 ấn bản mà thôi. Luật sư Kleven hỏi ông có thắc mắc gì về quá trình học vấn của Cao Thế Dung hay không, thì ông bảo rằng người nhỏ tuổi hơn, với phong tục Việt Nam ông không thể bất lịch sự để hỏi về cái bằng tiến sĩ của ông Dung. Cũng như ông biết luật sư Kleven có bằng cấp J.D. (tiến sĩ luật khoa) là đủ, không lẽ phải hỏi thêm chi tiết là được cấp ở trường nào hay sao ? Rồi Nguyên Vũ chê rằng tài liệu luật sư Kleven đang nắm trong tay, dịch từ Việt sang Anh có chỗ sai lầm.
Khi các câu hỏi xoáy vào nội dung cuốn sách do Cao Thế Dung viết mà ông xuất bản, như có thiên vị bên nào không, tài liệu chứng cớ có khả tín không, thì nhà văn Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu, nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ sử học, kể ra rằng ngay cả sách của tổng thống Nixon, ngoại trưởng Kissinger, học giả Douglas Pike cũng có những điểm sai kia mà. Ông cho rằng cuốn sách của Cao Thế Dung không phải là sách giáo khoa sử, đó chỉ là một cuốn hồi ký chính trị. Vũ Ngự Chiêu tin vào uy tín viết lách của Cao Thế Dung, rồi cộng thêm những nghiên cứu hiểu biết riêng của ông về sinh hoạt Mặt Trận nên ông quyết định xuất bản cuốn sách đó.
Là bị đơn phải trả lời các câu hỏi của luật sư nguyên đơn, nhưng Vũ Ngự Chiêu đã dành thế chủ động phát biểu mạnh mẽ quan điểm của ông chỉ trích Mặt Trận. Ông bảo Mặt Trận không kháng chiến, mà họ làm việc khác là tổ chức thương mại với cách kiếm tiền nhanh chóng. Ông nói thêm Mặt Trận đã tạo nên một bầu không khí khủng bố trong cộng đồng Việt hải ngoại. Ông bảo các nhà lãnh đạo Mặt Trận đã kiện ông và ông muốn được đối chất với chủ tịch Hoàng Cơ Minh trước phiên tòa này. Vũ Ngự Chiêu nhấn mạnh : « là một sử gia được huấn luyện về phương pháp nghiên cứu là phải nghi ngờ mọi tài liệu chứng cớ nhưng cũng là một người Mỹ gốc Việt đã sống gần 20 năm xứ này, là người Việt tỵ nạn tôi thật lòng tin tưởng vào nội dung cuốn sách mà tôi xuất bản và chịu hoàn toàn trách nhiệm. »
Luật sư Kleven vẫn cố bám vào chữ « nghi ngờ » (doubt) mà Nguyên Vũ phát biểu, và nhà văn bảo rằng từ ngữ đó rất mơ hồ, xin luật sư định nghĩa rõ ràng để ông trả lời câu hỏi. Và Kleven đã bỏ lửng câu hỏi, trở về chỗ ngồi với ẩn ý tạo một dấu hỏi lớn trong đầu bồi thẩm đoàn. Vào giây phút quyết liệt đó, luật sư Nguyễn Tâm đại diện cho bị đơn Nguyên Vũ bước lên hỏi tiếp « theo ông chữ « nghi ngờ » có nghĩa là sự thắc mắc trong phương pháp nghiên cứu hay sự nghi ngờ về nội dung cuốn sách ? » thì nhà văn lập lại câu nói trên một lần nữa.
Phe bị đơn có vẻ lên tinh thần sau đợt trả lời của Vũ Ngự Chiêu, khác với không khí nặng nề lúc Nguyễn Thanh Hoàng và Cao Thế Dung trên bục nhân chứng.
Trong giờ giải lao, trung sĩ Douglas Zwenke khen Vũ Ngự Chiêu đối đáp hay, tạo cho ông ta một sự thích thú.
Như thế bên bị đơn gồm 3 người đã hoàn tất phần khai và như đã tường thuật hôm trước, luật sư Nguyễn Tâm và luật sư Richard Givens trình lên quan tòa một thỉnh đơn lý án (motion for non-suit) xin được hủy bỏ vụ kiện với lý do :
1. các dữ kiện của bài báo và cuốn sách không có sai.
2. bên bị đơn không có ác ý.
3. bên nguyên đơn hiểu lầm sự bôi nhọ về các tên của họ.
4. không thấy thiệt hại nào cho bên nguyên đơn.
Nhưng luật sư Paul Kleven bên Mặt Trận tranh luận với lý lẽ ngược lại. Cuối cùng quan tòa Joseph Biafore nói ông sẽ suy nghĩ để quyết định vào sáng thứ hai 19/12/94 là có chấp nhận thỉnh đơn lý án này không.
Nếu chấp nhận, coi như vụ kiện bị hủy bỏ. Trong trường hợp này, phe nguyên đơn có quyền kháng cáo lên tòa phá án và như thế vụ kiện sẽ mất thời gian, xử đi xử lại tốn phí rất nhiều.
Nếu quan tòa bác bỏ, vụ xử sẽ tiếp tục trong tuần thứ hai.
 
Chuyện bên lề
Luật sư Richard Givens của Nguyễn Thanh Hoàng bảo rằng cơ hội để có sự hủy bỏ vụ kiện này là 50/50. Rất ít khi quan tòa muốn lấy đi quyền quyết định của bồi thẩm đoàn.
Phiên tòa hôm nay đông người dự hơn mấy hôm trước, có lẽ vì bài báo vừa rồi có ghi địa chỉ của tòa thượng thẩm. Tuy nhiên, cho đến giờ này, Thời Báo vẫn là cơ quan truyền thông duy nhất có phóng viên đến theo dõi vụ xử.
Chính tại tòa thượng thẩm này, cách đây hơn 100 năm (1893), một chánh án đã ra lệnh cho tờ San Jose Mercury News, mà ông Charles Shortridge làm chủ, không được đăng tải những lời khai trong một vụ kiện ly dị. Tuy số tiền phạt về việc bất tuân lệnh chỉ có $100 nhưng ông Shortridge nhất định từ chối và kháng án lên tòa thượng thẩm tiểu bang. Việc đó đã đưa đến sự kiện hệ thống pháp lý California chấp nhận quyền nhà báo được tường thuật những lời khai trong các phiên xử của tòa án. Và sự tranh đấu này của một tờ báo Mỹ địa phương góp phần vào việc tự do báo chí mà báo giới Việt Nam có quyền được hưởng ngày hôm nay. Sự kiện có ít ký giả phóng viên theo dõi vụ án đáng làm cho mọi người suy nghĩ.
 
San Jose 16/12/94
 
Lời kể thêm
Việc ông Nguyễn Thanh Hoàng trả lời đầy sơ hở và trái ngược nhau làm luật sư của ông là Richard Givens cứ lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng do cách chuyển ngữ Anh Việt - Việt Anh của thông ngôn Nguyễn Kiển Thiện Ân không gọn gàng, cộng thêm lối đặt câu hỏi dài dòng với giọng nói khó nghe của luật sư Paul Kleven, rồi câu trả lời đầy mâu thuẫn lòng vòng của Nguyễn Thanh Hoàng qua một câu chuyện phức tạp nên cuối cùng chẳng ai hiểu rõ ràng gì cả.
Tới phiên Cao Thế Dung khai, luật sư Mặt Trận đưa ra lá thư ông Dung gởi riêng cho Nguyễn Thanh Hoàng để chất vấn và ông Dung cũng dùng chiến thuật nói dài dòng tránh né, người thông ngôn cố gắng dịch để rồi mọi chuyện cứ lòng vòng làm mọi người nghe buồn nản.
Nhưng lúc Nguyên Vũ - Vũ Ngự Chiêu lên bục nhân chứng thì không khí phòng xử khác hẳn. Những câu trả lời rõ ràng, có tính lý luận của một nhà văn kiêm sử gia nghiên cứu có bằng tiến sĩ thật làm cử tọa nghe thích thú. Cứ mỗi lần luật sư Paul Kleven đặt câu hỏi thì Vũ Ngự Chiêu trả lời và thừa dịp tấn công đối phương, đả kích Mặt Trận.
 
Thêm chuyện bên lề
Trong câu chuyện bàn tán về cách trả lời của sử gia Vũ Ngự Chiêu, một luật gia bảo rằng câu ông nói vế đầu có « nghi ngờ » về tài liệu cuốn sách Cao Thế Dung trong phương pháp nghiên cứu, nhưng sau bảo là thật lòng « tin tưởng » với tư cách là một người Việt Nam am hiểu sinh hoạt cộng đồng : câu này, đối với dân trí thức thích lý luận chấp nhận nhưng đối với bồi thẩm đoàn 12 người mà trình độ trung bình thì câu nói ấy là con dao 2 lưỡi, có thể có lợi mà cũng có hại. Vì cái vế đầu chữ « nghi ngờ » gieo ấn tượng mạnh nên chữ « tin tưởng » của vế sau khó có thể tẩy xóa cái ý nghĩ ban đầu. Cũng nên nói rõ theo luật định, nếu đã có ý nghi ngờ nội dung cuốn sách vu khống phỉ báng người khác mà vẫn cứ xuất bản thì không đượ. Theo luật gia này thì không cần đưa chữ « nghi ngờ », Vũ Ngự Chiêu chỉ nên nói mình là sử gia nghiên cứu và ông tin tưởng vào nội dung cuốn sách để ấn hành nó.
Cách tình bày ý tưởng của tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu vẫn hàm chứa một sự quá tự tin, hay nói cách khác là có chút gì kiêu hãnh về học vấn của ông ta đó là chỉ là lời suy luận cho vui. Nào ai biết bồi thẩm đoàn nghĩ gì về câu nói đó.
-lời khai rối rắm của Nguyễn Thanh Hoàng và Cao Thế Dung tạo một sự khó hiểu trong đầu óc bồi thẩm đoàn vấn đề trở ngại ngôn ngữ qua thông dịch làm những câu chất vấn hóc búa của luật sư Mặt Trận trở nên vô hiệu. Những vị bồi thẩm kia như lạc vào mê hồn trận của câu chuyện Việt Nam quá khứ, đầy những tình tiết ly kỳ. Té ra xài tiếng Việt trước tòa như Cao Thế Dung và Nguyễn Thanh Hoàng trong trường hợp lại có lợi. Tòa sẽ không biết rõ là hai ông trả lời không rõ hay lỗi tại chuyển ngữ mù mờ.
-người viết có nói chuyện với Hoàng Cơ Long mấy câu hỏi lý do tại sao Mặt Trận đâm đơn kiện để xảy ra tình trạng Việt Nam lôi nhau trước tòa bôi xấu nhau, thì Hoàng Cơ Long trả lời là hết cách rồi, chỉ mong luật pháp Hoa Kỳ phán xét nội vụ. Người em sinh đôi của đề đốc Hoàng Cơ Minh, chủ tịch Mặt Trận, khuôn mặt cũng giống phần nào, lời nói nhỏ nhẹ kể về gia thế của dòng họ ông. Đại khái là thân phụ tên Hoàng Huân Trung, làm quan có hai vợ. Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Long, Hoàng Cơ Định và Hoàng Cơ Trường, Hoàng  Thị Châu thuộc dòng thứ, người nào cũng học hành đàng hoàng, có danh phận bác sĩ, luật sư thời VNCH. Nhưng có học hay không có học, ra trước tòa cũng như nhau. « Vô phước đáo tụng đình » : phải khai mọi điều, phải ngồi im được cho phép nói mới nói, rồi hồi hộp chờ phán quyết của mấy người xa lạ chẳng hiểu ất giáp gì. Thật nhục. Ôi, còn đâu thời quá khứ lẫy lừng !
-việc luật sư bị đơn làm thỉnh đơn hủy kiện (motion for non-suit) cho có lệ và chánh án Joseph Biafore bảo thứ hai tuần tới mới trả lời cho thấy là ông sẽ không chấp thuận. Tội gì lãnh trách nhiệm vào người để rồi nguyên đơn còn lý do kháng án lên tòa trên. Cứ để bồi thẩm đoàn quyết định.
-lý do tại sao có ít ký giả phóng viên theo dõi phiên tòa này được nhiều người giải thích như sau :
1. báo chí ở San Jose toàn là báo biếu, sống nhờ quảng cáo. Do đó không có tiền để trả cho ký giả đi đến tòa lấy tin tức. Đa số là báo tuần, chủ bút, chủ nhiệm, viết bài cũng là một người, không có thì giờ để bám sát vụ xử kéo dài mấy tuần.
2. nhiều báo cũng ngại đụng tới Mặt Trận, và tuy là trong giới họ cũng không bênh tờ VNTP và Cao Thế Dung. Họ muốn đứng bên lề, không nghiêng bên nào.
3. vấn đề cũng không có gì mới đối với người ở hải ngoại lâu năm. Đối với người định cư sau này, họ không biết gì về nội vụ cả.
Những chuyển biến của tình thế quốc tế và bên trong Việt Nam đã làm chuyện Mặt Trận kiện VNTP không còn quan trọng như cách đây 10 năm.
-chiều thứ sáu rồi, 16/12/94, còn một tuần nữa là ngày Giáng sinh. Thiên hạ đua nhau mua sắm, chuẩn bị tưng bừng đón mùa nghỉ ngơi trọng đại nhất thì ở phiên tòa này chỉ thấy đầu óc nặng trĩu với hận thù, với lời lẽ chửi bới nhau.
Tội nghiệp cho 12 người bồi thẩm đoàn, có phải chuyện của họ đâu mà phải ngồi nghe chuyện nhức đầu.
Đã văng vẳng câu hát thánh ca : « Vinh danh thiên chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm », trong phòng xử tìm đâu cho ra người bình an ?
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
Chương bảy
 
Phiên tòa 6 : tuần thứ hai của vụ xử Mặt Trận kiện báo chí
Bên bị đơn tăng cường nhân chứng, phản công nguyên đơn.
Phạm Văn Liễu : Tôi hối hận và xấu hổ vì đã cộng tác với gia đình Hoàng Cơ Minh.
 
San Jose (Thời Báo) –như đã trình bày bài trước, bên bị đơn xin được hủy bỏ vụ kiện chiều thứ sáu và sáng thứ hai 19/12/94 chánh án Joseph Biafore trả lời không chấp thuận. Phiên tòa tiếp tục qua tuần thứ 2.
Bên bị đơn gồm tác giả Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng -chủ nhiệm VNTP và là Nguyên Vũ- Vũ Ngự Chiêu -chủ nhà xuất bản Đa Nguyên, với hai luật sư Richard Givens và luật sư Nguyễn Tâm tới phiên của họ phải tìm cách thuyết phục quan tòa và bồi thẩm đoàn 12 người là họ không cố ý mạ lỵ bên nguyên đơn.
Nhân chứng đầu tiên bên bị đơn đưa ra là ông Vũ Hữu Dũng, cựu trưởng đoàn văn nghệ Kháng Chiến Bắc Cali gồm khoảng 250 đoàn viên. Đoàn văn nghệ này đã tổ chức nhiều buổi ca hát nhằm dấy lên một phong trào chống cộng sản ở hải ngoại và mục đích thứ hai là quyên tiền đồng bào để yểm trợ cho Mặt Trận.
Ông Dũng nói ông không bao giờ đụng tới tiền bạc. Tất cả những thùng tiền quyên góp đều gởi thẳng cho vụ Tài Chánh. Ông kể một chi tiết là vào khoảng năm 1984 khi đang có sự rạn nứt trong nội bộ giữa tổng vụ trưởng Phạm Văn Liễu và chủ tịch Hoàng Cơ minh cùng mấy an hem họ Hoàng Cơ, trong một cuộc họp đông đảo giữa hội trường, ông Hoàng Cơ Định có nói tới quan niệm về quyền lực của machiaveli, và vừa cầm một khẩu súng gõ lên mặt bàn như hàm ý đe dọa một cá nhân nào đó ( khi nghe đoạn khai này của Vũ hữu dũng, Hoàng Cơ Định mỉm cười, nụ cười hiếm hoi từ đầu vụ xử tới giờ) Ông dũng nói tiếng Việt có một cô thông dịch tiếng Anh
Nhân chứng thứ hai rất quan trọng, có thể là cứu tinh của bên bị kiện và cũng là người mật mí những sự thật mà bao người đang chờ đó là cựu đại tá Phạm Văn Liễu, nguyên tổng vụ trưởng tổng vụ Hải Ngoại của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Luật sư Richard Givens đặt những câu hỏi về tiểu sử, ông liễu trả lời tiếng Anh chậm rãi kể chuyện đời xưa. Ông sinh năm 1929 tại  Hànội, năm 1945 học xong Trung học. Việt Nam Quốc dân đảng gởi ông sang Tàu học để muốn có một lớp người trẻ lãnh đạo. Ở Tàu 4 năm, ông về nước 2 ngày trước khi Mao Trạch Đông nắm chính quyền. Sau đó ông học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, rồi vào quân đội. Chia đôi đất nước 1954, ông với chức vụ đại úy vào Nam. Cuộc đời binh nghiệp thăng tiến. 1956 đi Mỹ học một năm rồi sau đó lên tới chức đại tá. Cùng tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1960, thất bại, chạy sang lánh nạn ở Cam bốt. Năm 1963 các tướng lãnh lật đổ ông Diệm, Phạm Văn Liễu được về nước. Chức vụ ông nắm cao nhất trong đời quan tước là tư lệnh Cảnh sát Quốc gia năm 1965 – 1967. Kế vị ông chức vụ này là tướng Nguyễn Ngọc Loan người đã đi vào tài liệu báo chí với bức hình cầm súng bắn vào đầu một tù binh VC. Năm 1967, có cuộc bầu cử tổng thống, ông Liễu lúc đó đang chỉ huy một trường huấn luyện quân đội, ông bảo họ được tự do lựa chọn, riêng cá nhân ông bầu cho một liên danh dân sự. Vì lời tuyên bố này, ông bị rắc rối rồi bị cho giải ngũ. Ông bảo các tướng lãnh không thể lãnh đạo đất nước vì họ dễ độc tài.
Suốt cả buổi sáng, đại tá Phạm Văn Liễu dẫn cử tọa vào cuộc đời binh nghiệp thích thú của ông, một người đã nắm giữ những chức vụ quan trọng của VNCH trước đây. Sự thăng trầm của ông cũng như những thay đổi đất nước mấy chục năm trước làm mọi người lắng nghe, nhất là chánh án Joseph Biafore. Có lẽ quan tòa Hoa Kỳ này sau vụ xử sẽ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam rất nhiều cùng những sinh hoạt cộng đồng Việt hải ngoại.
Tòa nghỉ trưa.
Vào buổi chiều, ông Liễu bắt đầu vào đoạn đời hải ngoại sau 1975. Ông về ở Sacramento năm 1979. Năm 1981 ông cùng một số người thành lập lực lượng dân quân kháng chiến mà trung tướng Nguyễn Chánh Thi được bầu làm chủ tịch, Phạm Văn Liễu và Hoàng Cơ Minh là ủy viên trung ương. Sau khi tướng Thi rút khỏi tổ chức năm 1982 thì hai ông cộng tác thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Vì xứ Thái lan do tướng lãnh cầm quyền nên Mặt Trận cần có một vị có chức tước ngang hàng, do đó đề đốc Hoàng Cơ Minh được cử làm chủ tịch, đi về Thái lan lo tổ chức tuyển mộ quân kháng chiến. Riêng ông Phạm Văn Liễu là đại tá, ông quen biết nhiều, có tài ngoại giao nên ở lại Mỹ, giữ chức tổng vụ trưởng tổng vụ Hải Ngoại để đi khắp nơi vận động, tuyên truyền đồng bào yểm trợ kháng chiến. Ông khai trước tòa là cuốn phim quay cảnh chiến khu thật sự chỉ có khoảng 20 người Việt Nam, số còn lại là người Lào được thuê để đóng phụ thêm.
Kể tới đây, luật sư Paul Kleven của Mặt Trận đứng lên phản đối nhưng quan tòa bảo ông liễu cứ tiếp tục. Ông nói cảnh chiến khu trong phim là ở biên giới Lào và Thái lan, nhưng khi tuyên truyền với đồng bào thì chỉ nói tổng quát là ở Đông Nam Á để ai muốn hiểu ở đâu cũng được. Khi cuốn phim được trình chiếu khắp nơi, bạn bè ông Liễu điện thoại chất vấn bảo trong đó có nhiều kháng chiến quân không phải là người Việt Nam.
Tháng 3 năm 1982, Phạm Văn Liễu đi Thái lan lần đầu thăm trại kháng chiến, mướn của xứ này. Ông bảo Hoàng Cơ Định không có gởi tiền cho trại. Có một chàng trẻ tuổi khóc nhiều lần với ông Liễu, xin ông giúp cho được trở về Nhật vì ông Hoàng Cơ Minh giữ luôn giấy tờ thông hành không cho về, bảo là chỉ có một đường đi Thái lan, không có đường trở lại. Năm 1983, Mặt Trận có tổ chức Đại hội Chính nghĩa ở thủ đô Hoa thịnh đốn tiếp đón chủ tịch Hoàng Cơ Minh từ chiến khu Thái lan trở về. Trong dịp này, ông Minh tuyên bố kết hợp được 36 nhóm kháng chiến gồm 10.000 quân. Ông Liễu tâm sự với tòa là điều tuyên bố đó của Hoàng Cơ Minh làm ông xấu hổ. Hai ông tranh luận với nhau. Ông Minh bảo nói như vậy để đồng bào cho thêm tiền. Lúc này, tiền bạc Mặt Trận có rất nhiều, và ông Liễu đã nhiều lần hỏi ông Hoàng Cơ Định tức Phan Vụ Quang về sổ sách tài chánh thì không được trả lời đầy đủ. Ông Liễu bảo số tiền thu được của đồng bào đã không gởi cho kháng chiến quân mà dùng để mở hệ thống Phở Hòa, nhập cảng thực phẩm khô từ Thái lan và mở ra nhiều cơ sở thương mại khác.
Trong một cuộc họp quan trọng, do yêu cầu mấy anh em Hoàng Cơ Minh trình bày rõ ràng vấn đề tài chánh nhưng không được, ông Phạm Văn Liễu từ chức vào tháng 8 năm 1984. Ông nói Hoàng Cơ Minh có mời ông qua Thái lan để giải quyết nội bộ nhưng ông Liễu không đi. Ông kể thêm là trước đó, ông Minh có cho ông Liễu xem một tấm hình xử tử một kháng chiến quân tên là Hùng, hai tay bị trói đàng sau lưng. Nghĩ tới chuyện này, ông e ngại bảo rằng nếu ông đi chuyến đó thì có thể hôm nay không còn ngồi đây để khai trước tòa.
Được hỏi tới ba nhân vật lãnh đạo của Mặt Trận đứng nguyên đơn trong vụ kiện là Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông mô tả Hoàng Cơ Định rất khôn ngoan và có thể làm bất cứ chuyện gì để bảo vệ quyền lợi cá nhân. Bác sĩ Trần Xuân Ninh là một người tốt, nhưng từ khi vượt biển có đứa con bị chết thì mỗi lần nghĩ tới ông trở nên hung dữ. Ông bảo bác sĩ Ninh có hai khuôn mặt khác nhau, một bên là dễ thương, còn mặt khác là lạnh lùng và quá khích. Riêng Nguyễn Xuân Nghĩa là người có tài, phụ tá phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo trước đây lo về ngân hàng. Khi mời Nghĩa  giúp việc, bạn bè khuyên ông Liễu nên cẩn thận vì anh ta rất mưu mô.
Ông cay đắng thố lộ, sau khi từ chức tổng vụ trưởng tổng vụ Hải Ngoại năm 1984, ông cảm thấy xấu hổ, hối hận vì đã tin và cộng tác với mấy anh em Hoàng Cơ Minh. Nếu biết trước, ông sẽ không bao giờ làm như vậy. Từ 1985 1990, ông rút vào im lặng cho tới khi vợ chồng ký giả Lê Triết bị giết. Năm 1990, ông kể có nói chuyện với Cao Thế Dung, ông Liễu không bảo Mặt Trận chủ mưu vụ này vì không có bằng cớ rõ ràng, nhưng trong thâm tâm ông vẫn tin họ là thủ phạm. Suốt 5 năm nuôi vợ bệnh nặng cho tới khi bà qua đời, ông chán chường, mệt mỏi. Được hỏi lý do tại sao ông ra làm nhân chứng vụ kiện này cho bên bị đơn, ông bảo Mặt Trận có rất nhiều tiền, khoảng 20 triệu đôla, ỷ giàu có để kiện một người nghèo như Cao Thế Dung, một người sắp chết như Nguyễn Thanh Hoàng. Rồi chính luật sư Nguyễn Tâm, một người trẻ tuổi dám đại diện cho thân chủ Vũ Ngự Chiêu không sợ thế lực của Mặt Trận, điện thoại mời ông làm ông cảm động. Rồi linh hồn vợ ông bảo suốt đời ông dám nói lên lẽ phải, không sợ áp lực nào … Đó là các lý do khiến ông ra tòa khai hết sự thật.
Tới phiên luật sư Tâm lên hỏi, đưa ra tấm hình chụp thi thể Hoàng Cơ Minh hỏi ông Liễu có nhận ra là ai thì ông Liễu bảo đó là hình của vị chủ tịch Mặt Trận đã chết, chôn rồi lật mộ lên để chụp hình.
Rồi luật sư Paul Kleven bên Mặt Trận chất vấn với nhiều câu hỏi về tiểu sử của ông nhằm gây ấn tượng cho bồi thẩm đoàn là đại tá Phạm Văn Liễu vốn hay bất mãn, từng tham gia đảo chánh ở Việt Nam trước đây, rồi ra hải ngoại cũng muốn đối chọi với Hoàng Cơ Minh để lập một Mặt Trận mới … Với giọng nói trầm xuống, đôi lúc nghe không rõ, lối đặt câu hỏi khó hiểu đã làm ông Liễu nhiều lần yêu cầu lập lại to hơn. Luật sư Mặt Trận làm ông Liễu phải nhíu mày nghĩ ngợi trước khi trả lời, để tạo một sự không tin tưởng của 12 bồi thẩm viên. Luật sư đưa ra cuốn The long Road to Freedom của Michael L. Faber nói về tổ chức kháng chiến để chất vấn ông Liễu về một vài điểm nào đó …
Coi như suốt ngày thứ hai 19/1294 nhân chứng Phạm Văn Liễu đã chiếm hết thì giờ. Cuộc chất vấn ông Liễu chấm dứt lúc 4 giờ 30 chiều.
Rồi ông Nguyễn Xuân Phác, chủ nhiệm báo Dân Tộc ở San Jose lên bục nhân chứng.
Tòa nghỉ xử để ngày hôm sau tiếp tục lời khai của ông Phác.
San Jose 19/12/94
 
Lời kể thêm
Khi Vũ Hữu Dũng khai xong với luật sư Givens thì luật sư Mặt Trận Paul Kleven hỏi ông Dũng là hội thường đó dài bao nhiêu. Ông Dũng trả lời là dài gấp đôi phòng xử luật sư tỏ ý nghi ngờ Vũ Hữu Dũng ngồi hàng ghế sau cùng nên không thể thấy được Hoàng Cơ Định cầm súng hay cầm vật gì trong tay.
Và như đã kể trong bài báo, nhân chứng Phạm Văn Liễu đã lôi cuốn cả phiên tòa vào câu chuyện cuộc đời của ông hình ảnh một sĩ quan từng tham gia đảo chánh một tổng thống, một người từng là xếp sòng cảnh sát của một nước (ông Liễu khôn khéo nhắc tới tướng Nguyễn Ngọc Loan, người mà cả thế giới biết tới qua tấm hình lịch sử năm 1968 để hấp dẫn bồi thẩm đoàn Hoa Kỳ). Ông Liễu còn nhắc tới sự cộng tác và quen biết giữ ông với một vị tướng Hoa Kỳ thời còn chiến tranh Việt Nam hầu tạo một không khí gần gũi giữa người kể chuyện và người nghe xử án. Rồi câu chuyện quá khứ chuyển sang đề tài về Mặt Trận Ông xử dụng chữ « Hoàng family » nhiều lần để nói về mấy anh em Hoàng Cơ Minh nắm độc quyền lãnh đạo Mặt Trận.
Nhắc tới Hoàng Cơ Định, có lần ông nói là Định lúc làm trưởng khoa hóa học của trường đại học kỹ thuật Phú thọ, Sàigòn, trước 1975 có tham nhũng hối lộ nên bị đuổi. Khi luật sư Mặt Trận hỏi lý do ông Liễu lại tin Hoàng Cơ Định để ông định nắm giữ vụ tài chánh thì ông Liễu trả lời khoảng thời gian đầu mới thành lập Mặt Trận, số tiền đóng góp của đồng bào còn ít nên ông không để ý lắm. Tới khi ông Liễu -tổng vụ trưởng Hải ngoại- đi khắp nơi vận động đồng hương yểm trợ Mặt Trận kháng chiến thì tiền bạc mọi nơi gởi về ào ạt cho Phan Vụ Quang,vụ trưởng vụ Tài chánh. Lúc đó ông mới yêu cầu Hoàng Cơ Định trình bày sổ sách kế toán thì đã không được đáp ứng.
 
Thêm chuyện bên lề
Những điều Phạm Văn Liễu kể không có gì mới mẻ đối với những người đã từng theo dõi sinh hoạt chính trị của cộng đồng Việt. Mười năm trước ông cũng đã từng họp báo tuyên bố về chuyện lem nhem tài chánh của Mặt Trận. Nhưng ở giữa công đường tòa án Hoa Kỳ, nơi mà quyền tư pháp được tôn trọng ngang hàng với lập pháp và hành pháp, lời nói của ông đã ghi vào biên bản phiên tòa, là một tài liệu để công chúng  tham khảo. Một điều quan trọng là ông chính thức thú nhận cuốn phim quay cảnh chiến khu Thái lan có mướn người Lào để đóng vai khánh chiến quân. Hơn mười năm trước, khi cuốn phim được trình chiếu ở đài truyền hình CBS rồi khắp mọi nơi trong cộng đồng hải ngoại, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về giá trị sự thật của nó. Nhưng ở trong một cơn lốc cuồng nhiệt mơ chuyện kháng chiến, đa số mọi người đều không muốn soi mói thêm vào chuyện đó. Hôm nay trước tòa, sự thật « lịch sử » đã được phơi bày. Hơn mười năm trước Phạm Văn Liễu tức chiến hữu Trần Trung Sơn đã say sưa thuyết phục đồng bào, vẽ ra chuyện đấu tranh mộng ảo thì giờ đây với mái tóc bạc phơ ngồi trên bục nhân chứng, cay đắng và can đảm nói lên những điều phũ phàng.
Có người chê trách ông xuất hiện trước tòa làm gì để khai ra những điều mà ông đã từng lừa dối đồng bào. Nhưng cũng có người bảo ông đã trả sự thật về cho lịch sử. Lịch sử của cộng đồng Việt Nam hải ngoại này mới có 20 năm, và cũng cần nhiều đóng góp của những « sự thật » để cộng đồng phát triển.
Một tạp chí văn nghệ của một tác giả đã có bài tường thuật tả cảnh 2 ông Hoàng Cơ Định và Phạm Văn Liễu về già ngồi đánh cờ tướng ở công viên phố tàu San Francisco. Hai người đã từng cộng tác thành lập Mặt Trận, rồi bất đồng ý kiến chia tay, nay cuối cuộc đời ngẫm nghĩ chuyện năm cũ làm bạn già lại với nhau.
Nhà văn đó có đi nghe phiên tòa và than thở là không ngờ kết cuộc của vở tưồng lại bi đát như vậy.
-Ông Nghĩa trước tòa có nói chữ « Ngãi » Nằm Vùng cùng một nghĩa với nghĩa (Nguyễn Xuân Nghĩa). Nhưng điều giải thích đó chưa đầy đủ vì « ngãi » và « nghĩa » giống nhau chỉ trong câu « già nhân ngãi, non vợ chồng » (ngải là vật dùng để trù ếm, như chữ bùa ngải, luyện ngải, củ ngải, ngải cứu …). Như vậy ông cho rằng Nguyễn Xuân Nghĩa được viết trại ra thành Nguyễn Xuân Ngãi và 2 cái tên này chỉ 2 người khác nhau vì ở San Jose có bác sĩ chuyên khoa về tim tên Nguyễn Xuân Ngãi, đương kim chủ tịch hội y sĩ VN hải ngoại. Nguyễn là họ, Xuân Ngãi nghĩa là … mùa xuân trên đất Quảng Ngãi (theo lời giải thích của bác sĩ này).
Thế mới biết đụng tới ngôn ngữ Việt Nam, tìm hiểu nghĩa của cái tên đặt cho con người, không dễ dàng.
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
**********
Chương tám
 
Phiên tòa 7 : vụ xử Mặt Trận kiện báo chí đến hồi quyết liệt
 
-Trung sĩ Douglas Zwemke : Cảnh sát và FBI đang điều tra về việc làm phi pháp của Mặt Trận.
-Cô đoàn viên Trần Diệu Thanh : tôi vào Mặt Trận vì yêuthương và nhân đạo …
 
San Jose (Thời Báo) –sáng thứ ba 20812/94, nhân chứng Nguyễn Xuân Phác tiếp tục lời khai trước tòa qua luật sư Nguyễn Tâm. Chiều ngày hôm trước, ông kể rằng ông là một trung tá VNCH, ở San Jose từ 1976, từng là chủ nhiệm tuần báo Dân Tộc, rồi nhât báo Dân Việt, rồi Người Việt Bắc Cali. Là bạn học cùng trường với chủ tịch Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Năm 81 – 82, ông Minh có mời ông Phác tham gia tổ chức nhưng ông từ chối bảo là muốn cầm bút hơn là cầm súng. Với kinh nghiệm quân đội, ông Phác tỏ ý nghi ngờ về cuốn phim tuyên truyền đoàn quân kháng chiến của Mặt Trận và chuyện họ có 10.000 tay súng. Vì thế, tuần báo Dân Tộc đã có những bài viết nêu vấn đề đó của độc giả, nhưng Mặt Trận im lặng không trả lời. năm 1984, khi có sự rạn nứt trầm trọng trong nội bộ bởi việc tổng vụ trưởng Hải ngoại Phạm Văn Liễu rời khỏi Mặt Trận thì báo Dân Tộc đăng những bài viết về sự lem nhem tiền bạc quyên được của đồng bào trích ra từ tài liệu họp báo của ông Liễu. sau đó, theo lời ông Phác, Mặt Trận đã trả lời bằng cách gọi điện thoại, gởi thư hăm dọa, lục lọi phá phách tòa soạn. Những thân chủ quảng cáo đã nói với ông Phác là họ không dám đăng quảng cáo trên báo của ông vì ngại bị phiền lụy.
Ông Phác bảo từ 1981 đến 1984, những nhà lãnh đạo Mặt Trận là Hoàng Cơ Minh, Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công, nhưng từ 1984 trở về sau thì Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa cầm đầu. Ông kể có quen bác sĩ Trần Xuân Ninh, hai người có lần thăm viếng nhau, và mô tả ông Ninh có 2 bộ mặt khác nhau : lúc là một bác sĩ dễ thương, lúc thì lạnh lùng tính toán.
Ông phê bình cuốn sách « Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể » của Cao Thế Dung là đã dám nói lên sự thật, những sự thật được tiết lộ tới những người bên trong. Luật sư Tâm hỏi về nguồn tin Hoàng Cơ Minh đã chết thì ông Phác nói là ông tin điều này đúng.
Tới phiên luật sư Paul Kleven của Mặt Trận chất vấn ông Phác tại sao không liên lạc trực tiếp với Mặt Trận để phỏng vấn, viết báo thì ông phác bảo Hoàng Cơ minh thì ở thái lan, Phạm Văn Liễu thì đi khắp nơi, không có địa chỉ hoặc điện thoại chính thức của Mặt Trận. luật sư nêu thắc mắc về sự cộng tác của ký giả Nguyễn Tâm 10 năm trước (tức luật sư Nguyễn Tâm bây giờ) với báo dân tộc và được trả lời là ký giả Nguyễn Tâm lúc đó chỉ lâu lâu gởi bài thôi.
-Sau đó tòa mời ông Hoàng Cơ Định lên bục nhân chứng để luật sư Givens của Nguyễn Thanh Hoàng chất vấn về sổ sách tiền bạc mà ông Định là vụ trưởng Tài chánh với cái tên Phan Vụ Quang. Ông Định có nói thỉnh thoảng đồng bào gởi chi phiếu đề tên ông và ông đã bỏ vào trương mục của Mặt Trận. Khi luật sư Paul Kleven Mặt Trận hỏi thì ông Định phản công ông Nguyễn Xuân Phác là Mặt Trận có địa chỉ và điện thoại trên báo Kháng Chiến. Báo Dân Tộc và Dân Việt có nhiều kẻ thù khác như một số người trong cộng đồng Công giáo, cộng đồng Việt Nam quá phức tạp khó mà biết ai là kẻ gây nên chuyện hăm dọa …
-Màn gây cấn nhất của phiên tòa là trung sĩ mật vụ Douglas Zkemwe thuộc ban điều tra tội ác trong cộng đồng Việt Nam có được ra tòa làm nhân chứng hay không ? Hai bên luật sư tranh cãi kịch liệt. Trong lúc này, 12 viên bồi thẩm được mời ra khỏi phòng xử để không bị ảnh hưởng đến phán quyết của họ. Cuối cùng chánh án Joseph Biafore dung hòa ý kiến là Douglas Zwemke lên bục nhân chứng trình bày với cử tọa những tài liệu của cuộc điều tra Mặt Trận và xin lưu ý là bồi thẩm đoàn không có mặt lúc Douglas khai. Viên cảnh sát này nói rằng cơ quan an ninh đã có những chứng cớ về việc lem nhem tiền bạc của một số người lãnh đạo Mặt Trận, về việc các đoàn viên có vũ khí để hăm dọa người khác, về việc gian lận thuế má sổ sách … và vì cuộc điều tra đang tiến hành nên ông không thể tiết lộ nhiều. Zwemke bảo rằng ông theo dõi Mặt Trận hơn 10 năm nay, ông học tiếng Việt để tiếp xúc với nhiều nhân chứng trong cộng đồng …
Sau khi nghe viên cảnh sát trình bày, quan tòa tuyên bố là lời khai của Phạm Văn Liễu và Nguyễn Xuân Phác đã quá đủ để cho bồi thẩm đoàn suy nghĩ về Mặt Trận như thế nào. Vì đây là một vụ kiện dân sự, nếu để Douglas Zwemke khai với 12 bồi thẩm viên thì họ sẽ thiên về phía bị đơn, bất lợi cho nuyên đơn, phán quyết sẽ thiếu công bằng.
-Sau đó Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu một lần nữa lên để trả lời các câu hỏi, chẳng có gì mới mẻ cả, nội dung giống tuần trước. Chỉ có thêm là Nguyên Vũ giơ cao tờ báo Metro ấn hành tại San Jose 1989 có hình chụp Hoàng Cơ Minh với tựa đề MISSING ? (MẤT TÍCH ?). Ông bảo nếu còn sống thì sau 7 năm sao không nghe thấy tin tức gì về ông Minh cả ?
Buổi chiều bên Mặt Trận phản công trở lại. Họ đưa ra 2 nhân chứng. Người đầu tiên là cô Trần Diệu Thanh lên kể về tiểu sử học hành tốt nghiệp đại học San Jose, đang làm việc cho một hãng Mỹ. Cô bảo cô vào Mặt Trận từ 1983 với lý do vì yêu thương, nhân đạo, bác ái … Cô có tham gia đoàn văn nghệ Mặt Trận trong những buổi trình diễn ca nhạc, văn hóa. Cô không thấy Mặt Trận chủ trương bạo lực  mà chỉ thấy đường lối hòa bình. Mặc dù Trần Diệu Thanh đã nhiều lần được nêu tên trong các bài phỏng vấn trên báo San Jose Mercury News, nhưng khi luật sư Tâm hỏi cô có phải là phát ngôn viên của Mặt Trận thì cô trả lời là không. Cô nói cô không biết người phát ngôn viên là ai. Cô kể một số thành tích của Mặt Trận như đã vận động được với vị dân cử tiểu bang Cali đặt thêm điều kiện nhân quyền khi bang giao với Việt Nam.
Người kế tiếp là Ngô Đức, 36 tuổi, cũng ra trường kỹ sư ở Hoa Kỳ. Ông Đức nêu lý do gia nhập Mặt Trận vì muốn đấu tranh với cộng sản. Ông kể những hoạt động của nhóm đoàn viên (trong đó có ông) là trình diễn văn hóa, tuyệt thực cho nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc …
Hình ảnh Trần Diệu Thanh và Ngô Đức, 2 đoàn viên trẻ trung ca ngợi hoạt động của Mặt Trận, đối nghịch lại những lời cáo buộc của bên bị đơn gồm những mái đầu đã bạc đang làm 12 viên bồi thẩm phân vân.
Như thế là phần lấy lời khai của 2 bên đã xong. Ngày thứ tư 21/12/94 các luật sư sẽ đúc kết sự kiện và tranh luận trước quan tòa cùng bồi thẩm đoàn một lần cuối (closing argument) rồi bồi thẩm đoàn sẽ họp riêng để ra phán quyết chung cuộc bên nào thắng, bên nào thua.
Đây là một vụ xử dân sự (Hộ), Mặt Trận kiện tác giả Cao Thế Dung (về 3 bài báo và một cuốn sách nói về Mặt Trận) về tội mạ lỵ nhưng khi đăng đường, nội vụ đã trở thành một vụ hình sự (Hình) liên quan tới giết người, khủng bố, lường gạt, trốn thuế … Báo chí có quyền phê bình các khuôn mặt công cộng, nhưng phải đưa ra chứng cớ rõ ràng. Bên bị đơn gồm Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Vũ Ngự Chiêu chưa làm được điều đó. Nhưng bên Mặt Trận với những vấn đề phức tạp về luật pháp trong cộng đồng Việt hơn 10 năm qua đã ghi nhận chưa giải tỏa được.
Trong cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Hữu Liêm bên lề tòa án thì rất khó đoán bồi thẩm đoàn quyết định ra sao. Tỉ lệ không thua kiện của Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu -người xuất bản cuốn sách là 70%. Tỉ lệ của Nguyễn Thanh Hoàng -chủ nhiệm VNTP đăng 3 bài báo là 60%. V tỉ lệ của Cao Thế Dung là 55%.
 
San Jose 20/12/94
 
Lời kể thêm
Ông Nguyễn Xuân Phác là người nói tiếng Anh trôi chảy và giọng nói rõ nhất trong các nhân chứng VN lớn tuổi xuất hiện trước tòa. Dáng dấp cao ráo, máitóc cũng bạc trắng như Phạm Văn Liễu, thái độ của người chủ nhiệm tuần báo dân tộc San Jose này rất tự nhiên trả lời những câu hỏi của các luật sư. Ông Phác bảo là đang dịch tin tức cho một đài phát thanh và truyền hình ở San Jose. Qua 3 tờ báo ông đã làm là Dân Tộc 1983 – 1986, Dân Việt 1986 – 1987, và cuối cùng là Người Việt Bắc Cali 1987 – 1988. Khi luật sư chất vấn ông Phác, luật sư lôi ra chuyện tiệm vàng Nhan Thành San Jose bị các đoàn viên Mặt Trận và một số người biểu tình chống đối (vì bà Nhan Thành về VN rồi qua Mỹ lại) mà tờ báo ông có tường thuật. Câu chuyện không có ăn nhập gì tới lời khai của ông Nguyễn Xuân Phác về chuyện Mặt Trận phá tờ báo Dân Tộc, nhưng cử tọa ngầm hiểudụng  ý của luật sư Tâm là muốn lấy bằng cớ về việc Mặt Trận chống kinh tài và du lịch cho cộng sản để xử dụng cho bài biện hộ của ông sau này.
Rồi tới Hoàng Cơ Định lên bục nhân chứng trở lại. Luật sư Givens hỏi ông Định có lấy tiền của Mặt Trận xài riêng cho cá nhân không, thì người vụ trưởng Tài chánh này trả lời nhiều lần là « không ». Nhưng có 2 lần Hoàng Cơ Định xác nhận là có lấy ra để trả tiền lươngcho ông và sau khi ông định hoàn thành 1 công việc nào đó. Ông ta bảo là có lãnh lương của Mặt Trận.
Bên bị đơn sau khi đưa ra 2 nhân chứng Phạm Văn Liễu và Nguyễn Xuân Phác để tấn công bên Mặt Trận nguyên đơn, còn muốn đưa thêm 1 nhân chứng quan trọng khác, đó là trung sĩ cảnh sát (sergeant) Douglas Zwemke. Cũng nên biết là Zwemke đã xuất hiện trong chương trình NightLine của ABC ngày 30/11/94 do Ted Koppel phụ trách với đề tài : « Các ký giả Hoa Kỳ của các báo ngoại ngữ đã bị sát hại ». Xin giải thích thêm về vụ cảnh sát bắt 1 số đoàn viên Mặt Trận có vũ khí. Chuyện như sau : vào cuối năm 1984, khi ông Phạm Văn Liễu họp nội bộ Mặt Trận thì có 2 đoàn viên ngồi ngoài xe có mang súng để canh chừng hầu bảo vệ vì sợ phe Hoàng Cơ Minh thanh toán. Cảnh sát bắt 2 người này nhưng không truy tố với điều kiện phải giúp họ điều tra về Mặt Trận. Douglas Zwemke cũng tham gia Mặt Trận và có đóng góp tiền cho tổ chức. Từ tấm chi phiếu được trả về từ nhà băng, cảnh sát đã truy ra 1 số trương mục bí mật khác mà những nhà lãnh đạo Mặt Trận đã chuyển tiền 1 cách bất hợp pháp, kinh doanh mua bán, … Cũng xin tường thuật là khi tòa xử vụ kiện dân sự về sự vu khống phỉ báng này, ngoài dăm ba người đi nghe, lúc nào cũng hiện diện mấy nhân viên FBI để theo dõi phiên tòa.
Cũng xin nhắc lại sự kiện 23/4/91 Hoàng Cơ Định và vợ cùng 3 nhân vật lãnh đạo Mặt Trận bị truy tố về tội gian lận thuế má và đang được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân là 100.000 đôla mỗi người.
Chương tình NightLine của Ted Koppel đã làm các nhân chức cap cấp ngành an ninh cảnh sát Hoa Kỳ để ý tới nội vụ và đã chỉ thị nhân viên điều tra kỹ càng hơn nữa.
Khi Vũ Ngự Chiêu lên bục nhân chứng trở lại như đã tường thuật ở bài báo trên, luật sư Tâm đưa ra tờ báo nhân dân của  cộng sản trong nước ngày 04/12/87 có đăng tin và hình Hoàng Cơ Minh đã chết. Vũ Ngự Chiêu với cái nhìn của một sử gia, ông nói ông không tin là HCM còn sống.
Như vậy bên đơn đã hoàn tất lời khai của các nhân chứng. Họ bị bên Mặt Trận cáo buộc là đã viết báo, sách vu khống phỉ báng, nhưng họ đã phản công ngược lại, tố cáo Mặt Trận bao nhiêu là chuyện xấu : nào là lường gạt đồng bào về vụ chiến khu không có thật ở Thái lan, nào là lem nhem tiền bạc đóng góp, nào là đe dọa khủng bố người cầm bút, …
Và tới phiên phe nguyên đơn Mặt Trận chống đỡ những lời tố cáo ấy với lời khai của Trần Diệu Thanh và Ngô Đức. Nhân chứng duy nhất phụ nữ là Trần Ngọc Diệu Thanh, 1 cô gái hoạt động tích cực cho sinh hoạt cộng đồng và cũng là đoàn viên Mặt Trận. Cô cùng mấy chị em trong nhà, là con ông Trần Tế Hồng, cháu kêu nhà văn Chu Tấn là chú ruột, đều góp mặt đầy đủ trong các công tác của Mặt Trận địa phương San Jose. Cách đây 4 năm, Mặt Trận ngầm hổ trợ thành lập Tổng hội sinh viên Bắc Cali và Diệu Thanh cũng là 1 ủy viên. Với dáng xinh xắn, lại hăng say hoạt động nên cô khá nổi tiếng trong vùng này. Nói tiếng Anh lưu loát, và với những điều hầu như thuộc lòng, Diệu Thanh ca ngợi Mặt Trận là 1 tổ chức đầy lý tưởng. Ngô Đức cũng nói lên hoạt động tích cực của Mặt Trận.
Phiên tòa chấm dứt các lời khai. Ngày mai cũng rất là quan trọng với các lời biện hộ và cáo buộc của luật sư 2 bên (closing argument).
 
Thêm chuyện bên lề
Cách đây hơn 10 năm, tuần báo Dân Tộc được coi là mạnh nhất của Thung lũng Hoa Vàng San Jose được nhiều cây bút trong vùng cộng tác. Nhưng ông Phác cùng với chủ bút Hà Túc Đạo vốn có khuynh hướng « lội ngược dòng » nghĩa là thường đăng những bài báo đưa ra ý kiến trái ngược lại dư luận đương thời. Và dĩ nhiên cái thời mà quần chúng ủng hộ Mặt Trận lên cao nhất, tờ Dân Tộc cũng có bài đặt vấn đề 1 số sự kiện tuyên truyền của tổ chức này. Rồi cho đến tờ Dân Việt (thời Nguyễn Đạt Thịnh từ Hawai về làm chủ bút) cũng dính dáng vào sự tranh chấp nội bộ của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại San Jose. Rốt cuộc các tờ báo của ông Phác vì cái ý kiến « lội ngược dòng » đó nên cũng có đụng chạm quyền lợi của 1 số phe nhóm. Và tòa soạn bị phá, ăn trộm, các thùng bán báo bị đập và trét phân, chủ bút Nguyễn Đạt Thịnh bị 1 kẻ nào liệng đầu chó trước nhà kèm theo lá thư hăm dọa, cá nhân Nguyễn Xuân Phác cũng bị điện thoại, thư từ cảnh cáo, …
-Trong phòng xử thấy có mặt Nguyễn Đạt Thịnh bay từ Hawai về để chuẩn bị làm nhân chứng cho bên bị đơn. Ông Thịnh trước 1975 là chủ bút 1 tờ báo quân đội. sau khi thôi làm chủ bút tờ Dân Việt ở San Jose năm 1987, ông được mời cộng tác với tờ Quân Đội nhưng chỉ được mấy số báo rồi cũng đình bản. Nguyễn Đạt Thịnh cũng xuất bản cuốn tiểu thuyết « di sản » nói lên sự khủng bố của Mặt Trận đối với 1 số người.
Sự kiện cái đầu chó liệng trước nhà ông lúc còn làm cho tờ Dân Việt ở San Jose được ghi vào tuyển tập Anh ngữ « Silence : the unsolved murders of immigrant journalists » do Ủy ban bảo vệ Ký giả ấn hành. Tập tài liệu đã ghi sai nơi xảy ra sự việc là houston.
-Lúc tòa nghỉ giải lao, ông Phạm Văn Liễu bảo tôi rằng : cũng vào ngày tháng này của 10 năm trước, cuối tháng 12/1984 đã xảy ra chuyện đổ vỡ của Mặt Trận giữa ông và Hoàng Cơ Minh. Và 10 năm sau kéo nhau ra tòa cũng lôi chuyện cũ. Chắc đây là lần cuối vì chẳng có chu kỳ 10 năm tái diễn, chắc gì còn sống tới lúc đó. Ông đùa rằng Ngô Đình Diệm lên án tử hình ông và Hoàng Cơ Minh cũng muốn làm vậy. Nhưng ông còn sống tới giờ mà 2 người kia đã không còn.
-Trung sĩ cảnh sát Douglas Zwemke có vài phút trao đổi với tôi và ông nói ông tin là bên bị đơn sẽ không thua kiện qua những diễn tiến của các ngày phiên tòa. Có 1 điều khó hiểu là Douglas Zwemke nói ông nghĩ rằng Hoàng Cơ Minh vẫn còn sống. Một người bạn của viên cảnh sát mật vụ này kể cho ông ta nghe là đã gặp vị chủ tịch Mặt Trận này ở 1 bữa cơm tối tại 1 quán ăn bên Nhật. Tôi bảo nếu chính mắt Zwemke thấy thì còn có thể tin, chứ nghe qua 1 người bạn kể thì cái chuyện đồn đãi tai này qua tai kia đã có quá nhiều rồi. Và tôi vẫn cứ thắc mắc về điều Zwemke nói vì ông là cảnh sát mật vụ, nói chuyện qua loa với 1 người không quen như tôi, chẳng có điều gì bí mật để thố lộ. Và ông đưa ý kiến đó với mục đích gì, nào ai biết.
-Cách đây 4 năm, người viết có tập hát đồng ca cho Diệu Thanh và các bạn sinh viên. Giờ đây gặp nhau ngoài hành lang tòa, cô ngạc nhiên vì không ngờ tôi đang làm công việc của 1 ký giả tường thuật vụ xử. Diệu Thanh trách móc chuyện ông Liễu ngày xưa tuyên truyền cho Mặt Trận, bây giờ ra trước tòa nói ngược lại. tôi hỏi cô nghĩ gì về cuốn phim quay ở chiến khu có nhờ người Lào đóng vai kháng chiến quân theo lời Phạm Văn Liễu khai thì Diệu Thanh trả lời có nhiều cuốn phim tài liệu quá cô chẳng nhớ là cuốn nào. Cô bày tỏ ý nghĩ là cô cùng các bạn đồng lứa đọc cái tin Cao Thế Dung đốt bằng tiến sĩ trước mộ mẹ mà thấy kỳ cục. Cái bằng tiến sĩ có là cái quái gì đâu mà phải quan trọng, cái tư tưởng trọng bằng cấp quá mức của người Việt cần phải sửa đổi.
Sự xuất hiện của Trần Diệu Thanh trước tòa cũng là nét nổi bật. Một cô gái trẻ, nói tiếng Anh lưu loát mà ngày hôm sau trong lời biện hộ, luật sư Tâm đã nhắc lại là « a beutiful lady with perfect English ». Lời phát biểu đầy tính lý tưởng của cô về Mặt Trận nghe cũng ngọt tai. Vóc dáng nữ tính bên cạnh những khuôn mặt già nhân chứng đàn ông già nua, rồi những từ ngữ yêu thương nhân đạo của cô cũng hiếm hoi so với những lời khai đầy hận thù, căng thẳng giữa 2 phe suốt cả vụ xử án. Do đó Trần Diệu Thanh trở thành  1 nhân vật là lạ, tuy không quan trọng nhưng khán giả sẽ nhớ mãi sau khi xem xong vở tưồng « Mặt Trận kiện báo chí » này.
 
MẶT TRẬN KIỆN BÁO CHÍ
-Vụ án lớn nhất ở hải ngoại-
-Trần Củng Sơn-
 
***
 
Chương chín
 
Phiên tòa 8 : phiên tòa lịch sử sắp kết thúc
-luật sư Mặt Trận đòi bồi thường 550.000 đôla.
-cảnh sát tăng cường an ninh phòng xử.
-lời biện hộ của luật sư Nguyễn Tâm làm bồi thẩm đoàn cảm động.
 
San Jose (Thời Báo) –như đã tường thuật, ngày thứ tư 21/12/94, luật sư 2 bên cùng tranh luận trước bồi thẩm đoàn (closing argument) gồm12 người để thuyết phục họ. Tất cả những lời khai các nhân chứng, tài liệu được đúc kết.
Vì đây là 1 vụ kiện dân sự nhưng nội vụ rất phức tạp lại liên quan tới vấn đề hình sự nên quan tòa muốn lời biện hộ của các luật sư chỉ giới hạn trong việc các bài báo và cuốn sách có mạ lỵ 3 người bên nguyên đơn là Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa cà Trần Xuân Ninh hay không ?
Phòng xử chật kín người, đặc biệt các đoàn viên Mặt Trận có mặt rất đông, khác hẳn mọi hôm trước. Không khí hồi hộp, có 1 vẻ gì hơi căng thẳng nặng nề. Không thấy Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa từ 2 ngày nay. Hoàng Cơ Định cùng vợ, Hoàng Cơ Long thì lúc nào cũng túc trực.
Bên này dãy ghế, Cao Thế Dung vừa là bị đơn vừa tự biện hộ nên được ngồi chung bàn với các luật sư Nguyễn Tâm, Richard Givens và Paul Kleven. Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu húng hắng ho nhiều lần. Nguyễn Thanh Hoàng ngồi yên đọc với cuốn sách trên tay. Phạm Văn Liễu đến từ Texas, sau lời khai quan trọng hôm thứ hai vẫn nán lại chờ kết quả.
Luật sư Paul Kleven của Mặt Trận phát biểu đầu tiên. Lần này ông cầm micro để mọi nghe rõ. Ông lý luận rằng chuyện 3 bài báo của Cao Thế Dung kết tội 3 người lãnh đạo Mặt Trận chủ mưu giết ký giả Lê Triết không có bằng cớ, rồi Nguyễn Thanh Hoàng (chủ nhiệm báo VNTP) không chịu nghiên cứu kỹ trước khi cho đăng, rồi Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu (chủ nhà xuất bản Đa Nguyên) có nghi ngờ về tài liệu cuốn sách « Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể » mà vẫn cứ in. Ông đòi bồi thường cho thân chủ của ông như sau :
-Hoàng Cơ Định 150.000 đôla,
-Nguyễn Xuân Nghĩa 150.000 đôla,
Trần Xuân Ninh 250.000 đôla.
Luật sư Paul Kleven nói rất dài, kéo cho tới giờ trưa.
Tòa ra lệnh tạm nghỉ. Khi chánh án Joseph Biafore vừa đi khỏi, mọi người chuẩn bị ra khỏi phòng xử thì 1 đoàn viên Mặt Trận tên là Đoàn Thê bước tới hàng ghế của Phạm Văn Liễu ngồi, lấy ngón tay dí mạnh vào ngực ông và hằn học la lớn : « Sao anh không kéo Nguyễn Bích Mạc theo. Đem theo mấy con « dog » này làm gì ? Mấy con chó này yếu lắm, » ám chỉ những người ngồi xung quanh ông ta. Tức thì sau đó, ông Liễu trình bày sự việc với viên cảnh sát trực ở tòa.
Vì lý do đó, mở đầu phiên tòa ông chánh án có mấy lời nói với người dự khán là hãy giữ thái độ lịch sự và tôn trọng kỷ luật của phiên tòa. Hai viên cảnh sát được tăng cường, đứng 2 bên đề phòng mọi tình huống chúng tôi xảy ra.
Rồi tới phiên luật sư Richard Givens, đại diện cho Nguyễn Thanh Hoàng lên bục. Những điều ông trình bày có tính cách pháp lý :
-bên nguyên đơn là những khuôn mặt công chúng (public figures), do đó phải chịu mọi sự phê phán tốt xấu của dư luận.
-họ không chứng minh được rõ ràng những dữ kiện của bên bị đơn đưa ra là sai hoặc có tính khả nghi (serious doubt).
-những độc giả trung bình khi đọc 3 bài báo và cuốn sách không hiểu rõ là nói xấu 3 người nào.
-không thấy có sự thiệt hại vật cất về phía nguyên đơn.
Rồi Cao Thế Dung vừa là bị đơn vừa là « luật sư » được tòa cho phép tự biện hộ. Ông kính cẩn chào chánh án và bồi thẩm đoàn, rồi cao giọng đọc bài « diễn văn biện hộ » soạn sẵn. Ông nói, ông 62 tuổi, đã trốn lánh cộng sản để tìm tự do nơi đất hứa Hoa Kỳ này. Nhưng bất hạnh thay cho ông và những người đồng hương đang bị 1 đám mây mù của sự sợ hãi bao phủ. Đó là Mặt Trận, 1 quyền lực khủng bố vô hình đang muốn dập tắt tiếng nói của kẻ yếu thế. Ông cố giữ sự im lặng vì an ninh cho gia đình ông. Nhưng sau khi vợ chồng ký giả Lê Triết bị giết thì ông quyết định cất cao tiếng nói tố cáo. Cao Thế Dung kể : ông đã phỏng vấn nhiều nhân chứng, tìm kiếm tài liệu, và ông tin rằng những nhà lãnh đạo Mặt Trận đã chủ mưu vụ thảm sát này. Và ông phải nói lên sự thật, phá vỡ sự im lặng sợ hãi để người Việt đồng hương có thể sống an lành. Mặc dù không có tiền thuê luật sư, nhưng ông không thất thế bởi vì « sự thật là lời biện hộ, và công lý là quan tòa ».
Ông kết thúc bài « diễn văn biện hộ » với lời chúc giáng sinh vui vẻ cho mọi người.
Tòa nghỉ giải lao.
Rồi luật sư Nguyễn Tâm, đại diện cho Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu bước lên bục. Người dự khán Việt Nam có vẻ chú ý hơn, có lẽ muốn thử nghe 1 luật sư Việt Nam ở 1 phiên tòa Hoa Kỳ biện hộ ra sao trong 1 vụ kiện tình tiết gay cấn như phim ảnh.
Với giọng nói từ tốn, cử chỉ dịu dàng, luật sư Tâm bảo rằng bồi thẩm đoàn dù chỉ trong 8 ngày nhưng được nghe kể 1 câu chuyện trong hơn 10 năm qua với những sự kiện thích thú tả về sinh hoạt chính trị của cộng đồng hải ngoại và đất nước Việt Nam. Vụ xử không phải chỉ thắng kiện hay thua kiện mà là 1 con đường đi tìm tự do và liên quan tới Mặt Trận (ghép chữ của cuốn sách « The long Road to the Freedom » và cuốn sách « Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể »).
Luật sư nói những điều mà bên bị đơn đã làm với niềm tin thật sự của họ và tới giờ này bên nguyên đơn vẫn chưa đưa ra những bằng cớ để chứng minh ngược lại. Ông nhắc tới trường hợp báo chí, tin tức đã loan tải Hoàng Cơ Minh chết nhưng Mặt Trận cứ tuyên truyền là còn sống. Ông nhấn mạnh về quyền phê phán của đồng bào đối với lãnh đạo Mặt Trận và có tinh thần đòi hỏi lãnh đạo Mặt Trận phải chịu chơi, chấp nhận sự phê phán này. Luật sư bênh vực cho người viết là dù có thể có sự cẩu thả đáng trách nhưng những vị này không dám viết thì còn ai dám viết nữa ?
Luật sư đặt thêm 1 nghi vấn nữa về sự không  thành thật của Mặt Trận. Như ngày hôm trước, cô đoàn viên dễ thương Trần Diệu Thanh lên bục nhân chứng bảo rằng cô vào Mặt Trận vì lý do yêu thương và nhân đạo, ngược hẳn với cương lĩnh của Mặt Trận là lật đổ chính quyền cộng sản, phá vỡ tổ chức kinh tài cho cộng sản. Luật sư Tâm nói việc đòi bồi thường thiệt hại cho Hoàng Cơ Định 150.000 đôla, Nguyễn Xuân Nghĩa 150.000 đôla, Trần Xuân Ninh 250.000 đôla (2 người này vắng mặt) không đáng kể bằng sự thiệt hại to tát mà bị đơn và cộng đồng Việt Nam đã gánh chịu. Ông nói thêm nhân chứng Phạm Văn Liễu sở dĩ ra tòa khai vì muốn trả sự thật về cho lịch sử.
Cuối cùng, khác hẳn với thái độ điềm tĩnh nãy giờ, luật sư Nguyễn Tâm bỗng hùng hồn linh động hẳn lên, kể cho bồi thẩm đoàn 12 người nghe 1 câu chuyện ngụ ngôn. Rằng ở 1 làng kia, có 3 chàng thanh niên tinh nghịch, 1 ngày nọ tìm đến gặp vị kỳ  lão để thử tài. Một chàng để trong bàn tay con chim nhỏ bé và nắm tay lại, đố ông già thông thái rằng con chim dễ thương kia sống hay chết ? Ông mỉm cười trả lời : « Này cậu ơi, nếu cậu muốn nó chết thì hãy bóp chặt bàn tay, còn nếu cậu muốn nó sống thì hãy mở bàn tay ra cho nó được tự do bay đi, vì câu trả lời nằm trong tay cậu ». Luật sư Tâm trong giây phút diễn tả xuất sắc đã tha thiết mời gọi, ví bồi thẩm đoàn là kỳ lão kia hãy giúp cho bàn tay cậu thanh niên mở ra để con chim tội nghiệp được tự do bay bổng lên bầu trời xanh ngắt. Luật sư nắm bàn tay rồi từ từ mở ra theo giọng nói cảm động. Một vài phụ nữ trong bồi thẩm đoàn rươm rướm nước mắt.
Có tới 8 người đàn bà, 1 ông Mỹ đen, 1 thanh niên, 1 ông già, và 1 trung niên ngồi ghế bồi thẩm, sẽ quyết định ai đúng ai sai, ai thua ai thắng.
Sau khi nghe chánh án Joseph Biafore hướng dẫn thủ tục pháp lý, bồi thẩm đoàn 12 người sẽ họp riêng để thảo luận. Theo luật tòa, 1 ý kiến phải được ít nhất 9 vị chấp thuận trở thành phán quyết tối hậu chung cuộc.
Vì ngày Giáng Sinh gần kề, có lẽ ngày thứ năm hoặc chậm nhất là ngày thứ sáu 23/12/94 bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra kết quả.
 
San Jose 21/12/94
Trần Củng Sơn.
 
 
 
Lời kể thêm
Xin nói rõ phòng xử có khoảng 50 ghế dành cho người dự khán và nhân chứng ngồi. Hôm nay là ngày quan trọng (closing argument), con số đoàn viên Mặt Trận tới ủng hộ phe họ gần 30 người, và gồm những nhân vật cao cấp trong tổ chức này.
Vũ Ngự Chiêu tỏ vẻ lo ngại là không biết Mặt Trận đang giở trò gì đây, có thể là có bạo động xảy ra vì không khí có vẻ nặng nề, thù hận. Tòa cử tới 1 nhân viên an ninh để canh chừng. Lúc Đoàn Thê tới xỉ vả ông Liễu, những người ngồi gần bất ngờ, cứ tưởng 2 người là bạn. Đoàn Thê với bí danh là Nguyễn Đoàn, là ủy viên thường vụ X-113 tức xứ bộ Mặt Trận Bắc Cali. Nguyễn Bích Mạc được nhắc tới là 1 nhân vật có tài ngoại giao, là đàn em của Phạm Văn Liễu. Và Đoàn Thê là đàn em của Hoàng Cơ Minh. Khi ông Liễu tường trình sự việc cho viên cảnh sát ở tòa, rồi phàn nàn với luật sư Paul Kleven của Mặt Trận là Hoàng Cơ Định đã chỉ thị người của ông ta tới nhục mạ thì ông Định đứng gần đó phản đối là không đúng.
Lời cáo buộc của luật sư Mặt Trận tóm gọn lại là mấy ý như đã trình bày ở bài báo trên.
Lời biện hộ của luật sư Richard Givens bào chữa cho VNTP có tính cách chuyên môn pháp lý. Mặc dù bài báo và cuốn sách buộc tội Mặt Trận mà không có chứng cớ rõ ràng, nhưng ngược lại bên Mặt Trận cũng không chứng minh được những điều bên bị đơn đưa ra (như khủng bố, lem nhem tiền quyên góp của đồng bào, không dám nhìn nhận sự thật, tuyên truyền dối trá, …) là sai. Và độc giả bình thường khi đọc cái tên Phan Vụ Cu, Trần Xuân Hầu, Ngãi Nằm Vùng cũng không hiểu rõ 3 người này là ai. Và bác sĩ Trần Xuân Ninh vẫn phây phây đi diễn thuyết chính trị. Nguyễn Xuân Nghĩa tà tà viết báo. Hoàng Cơ Định thì cũng bình thường (không hiểu bồi thẩm đoàn có biết chuyện Hoàng Cơ Định và vợ đang bị truy tố ra tòa về tội trốn thuế và gian lận tiền bạc mà tòa đại hình sẽ xử vụ này vào tháng 4/1995 hay không ?). Chả thấy người nguyên đơn bị thiệt hại gì cả.
Lúc Cao Thế Dung đóng vai « luật sư » tự biện hộ cho mình thì rất phấn khởi hùng hồn. Khi đọc tới đoạn tố cáo 3 nhà lãnh đạo Mặt Trận, ông lấy tay chỉ thẳng về hướng Hoàng Cơ Định đang ngồi ở hàng ghế dự khán (Trần Xuân Ninh và Nguyễn Xuân Nghĩa vắng mặt). Bài « diễn văn biện hộ » mang đầy xúc cảm và tự tin của Cao Thế Dung về những điều ông đã viết ra trên 3 bài báo cùng 1 cuốn sách.
Và luật sư Nguyễn Tâm xuất quân sau cùng, đúc kết lại những sự kiện chính qua các lời khai nhân chứng, nêu lên quyền tự do báo chí, và cũng kêu gọi tình cảm của bồi thẩm đoàn trước khi phán quyết tối hậu.
Theo thủ tục của tòa, luật sư Paul Kleven của bên nguyên đơn được nói thêm 1 lần nữa, và ông cũng chỉ lập lại những ý chính đã nói lúc đầu.
 
Thêm chuyện bên lề
-việc 1 đoàn viên Mặt Trận có thái độ kém lịch sự đối với Phạm Văn Liễu ngay trong phòng xử làm nhiều người bất bình. Đã nhờ tòa án xét xử thì phải tôn trọng luật chơi. Muốn tố cáo, chỉ trích đối phương thì tha hồ nói khi luật sư chất vấn trước quan chánh án và bồi thẩm đoàn. Ở chỗ công đường mà còn hung hăng như vậy, thử hỏi với thế lực, tiền bạc và nhân sự hùng hậu thì Mặt Trận dễ gì nương tay với những kẻ chống đối họ trong quá khứ ? Nhưng cũng có thể đó là hành động tự phát riêng tư của cá nhân đoàn viên đoàn thê mà cấp lãnh đạo Mặt Trận không kiểm soát nổi. và cuối cùng thì tổ chức này phải chịu trách nhiệm về việc làm tốt hay xấu của đoàn viên mình.
-ở Việt Nam trước đây, trong các vụ kiện về vu khống phỉ báng, có trường hợp tòa chỉ xử người thua bồi thường cho kẻ thắng 1 đồng danh dư. Nhưng ở Hoa Kỳ, ít có xử theo kiểu này vì người Mỹ rất thực tế. Một phiên tòa làm tốn kém biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân. Lương chánh án, nhân viên tòa, thì giờ kéo dài cả năm cả tháng, 12 bồi thẩm bỏ công ăn việc làm để ngồi nghe nội vụ, … Và nếu có bị vu khống thì uy tín sẽ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại cho thể xác, tinh thần, và công việc thương mại làm ăn. Do đó, luật sư phải kèm theo sự bồi thường thiệt hại là vài trăm ngàn, vài triệu đôla cho bên thắng kiện. Đòi càng nhiều càng tốt, nếu tòa có giảm xuống thì số tiền vẫn còn lớn cho khỏi bõ công vác mặt hầu tòa và luật sư cũng kiếm thêm tiền hoa hồng mấy chục phần trăm.
Khi luật sư Paul Kleven đưa ra con số 550.000 đôla đòi bồi thường thì cử tọa có 2 ý nghĩ. Một là số tiền quá lớn đối với Cao Thế Dung và Nguyên Vũ. Hai là số tiền này quá ít so với tiền tổn phí vụ kiện cho cả 2 bên đã kéo dài mấy năm. Với số tiền đòi bồi thường như vậy, bồi thẩm đoàn nhìn ông già nghèo Cao Thế Dung, nhà văn sử gia Vũ Ngự Chiêu, rồi ông già bệnh hoạn Nguyễn Thanh Hoàng, hẳn 8 nữ bồi thẩm kia khó có thể phán quyết bên bị đơn thua kiện để phải còng lưng trả nợ cho bên nguyên đơn Mặt Trận giàu có bạc chục triệu đôla.
Suy luận tới đây đã thấy lợi điểm cho phe báo chí rồi.
 
-phe nguyên đơn Mặt Trận khi chống đỡ những lời tố cáo của phe bị đơn đã thiếu chuẩn bị kế hoạch chu đáo. Họ đã đưa ra 2 đoàn viên trẻ, nhiệt tình, ca ngợi tổ chức của chính họ. « Mèo khen mèo dài đuôi » làm sao những lời khen đó thuyết phục được bồi thẩm đoàn là vô tư. Theo lời bàn của 1 số người dự khán, phe Mặt Trận nên đưa ra 3 nhân chứng tiêu biểu sau :
-vợ Hoàng Cơ Định hay vợ của 2 người kia lên khai với tòa rằng từ ngày đọc 3 bài báo và cuốn sách tố cáo chồng là sát nhân thì bà ta đâm ra khinh bỉ, lạnh nhạt và đau khổ, từ đó sinh ra  bệnh tật, bỏ bê làm ăn … Hậu quả của bài báo và cuốn sách làm cả vợ lẫn chồng đều bị thiệt hại vật chất và tinh thần.
-1 thương gia hay 1 người nào đó có chút tiếng tăm khai rằng ông ta vẫn đóng góp tiền bạc cho Mặt Trận đều đều, dù chỉ có 5 đôla một tháng vì tin tưởng vào tổ chức này.
-1 tù nhân chính trị nào đó mới định cư tại Mỹ khai rằng ở trong nước có nghe đài phát thanh kháng chiến, và đã giúp ông ta vững niềm tin mà sống trong tù đến ngày được tha.
Với 3 nhân chứng « giả định » có vẻ « vô tư » này may ra có thể làm cán cân thăng bằng trở lại. Và cũng lời bàn đó, đưa thêm nhận xét có thể là bộ tham mưu Mặt Trận đã thiếu sáng suốt, hoặc chủ quan khinh thường phe bị đơn, nghĩ rằng phe ta nguyên đơn nắm chắc phần thắng trong tay.
-1 khán giả của phiên tòa, cũng là luật sư, khen lời biện hộ của luật sư Tâm xuất sắc, đã khơi động tình cảm của bồi thẩm đoàn về con chim tượng trưng cho báo chí được tự do bay trên bầu trời. Nhưng người này chê luật sư Paul Kleven đã không biết phản công hữu hiệu lúc lên nói thêm lần nữa sau khi luật sư Nguyễn Tâm dứt lời. Hay hơn cả, thay vì cứ lập lại lời cáo buộc cũ, luật sư Mặt Trận cũng nên nương theo cái cảm xúc về con chim tội nghiệp và lý luận đại ý như sau : vâng, chúng ta ca ngợi tự do báo chí, nhưng tự do này phải đi đôi với trách nhiệm, không thể lợi dụng tự do để viết báo vu cáo tội sát nhân cho người khác … Và luật sư Paul Kleven đã không có tài hùng biện, với giọng nói chẳng có gì hấp dẫn lại khó nghe, ông ta chỉ biết « vạch lá tìm sâu », chú ý vào những chi tiết nhỏ, không cần thiết so với những sự kiện quan trọng của nội vụ. Có thể ông ta giỏi về tìm kiếm tài liệu, con số thích hợp trong những vụ kiện về thương mại. Đằng này, tuy là vụ kiện dân sự nhưng lại liên quan tới hình sự với bao vấn đề ghê gớm. Có thể tổ hợp luật sư mà Mặt Trận nhờ đã không tiên liệu được diễn tiến của nội vụ nên mới cử Paul Kleven ra.
-hai luật sư Richard Givens và Nguyễn Tâm phối hợp công thủ chặt chẽ. Khi luật sư bên kia dùng « lý » để cáo buộc bên này thì luật sư Richard Givens cũng dùng « lý » để chống đỡ. Và 2 cao thủ đang đấu « lý » giằng co ngang ngửa thì luật sư Nguyễn Tâm dùng hết nội lực tung ra 1 chưởng « tình cảm » đánh bung luật sư Paul Kleven văng ra để chiếm trọn cảm tình bồi thẩm đoàn.
Nhìn những đôi mắt rướm lệ với cảm xúc tội nghiệp còn vương vấn trên khuôn mặt họ, những người dự khán đã cảm nhận được bồi thẩm đoàn sẽ phán quyết nghiêng về phe nào rồi.
-trước đây mấy ngày, ông Nguyễn Thanh Hoàng tiết lộ là luật sư Paul Kleven của Mặt Trận đề nghị với VNTP là nếu chịu viết bài xin lỗi trên báo thì họ sẽ bỏ vụ kiện, nhưng ông Hoàng từ chối. Ông bảo nếu làm thế thì báo VNTP sẽ bán cho ai ?
 
( Xin coi tiếp CHƯƠNG MƯỜI, và PHẦN HAI )
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9