Lưỡi Kiếm của Thần Shiva
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 5 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 62 bài trong đề mục
Quang11 08.09.2016 04:31:12 (permalink)
0
Giới thiệu của người dịch: 
 
Lưỡi Kiếm của Thần Shiva, tên nghe giống như một truyện thuộc loại Tiên Hiệp hay Kiếm Hiệp, nhưng thật ra đây là một truyện thuộc loại ‘Quân Sự-Kỹ Thuật’ (tạm dịch từ chữ technothriller) của tác giả Jeff Edwards. Jeff Edwards là một cựu sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ. Sau khi rời Hải quân, ông đã viết bốn-năm cuốn sách thuộc loại technothriller, cuốn sau cùng vừa xuất bản vào tháng 6 năm 2016. Ngoài việc viết sách, ông làm tư vấn cho Hải quân Hoa Kỳ.
 
Truyện có vẻ thích hợp với tình trạng hiện tại ở biển Đông vì kể về một cuộc đụng độ giữa hải quân Trung quốc và Ấn Độ, với những vũ khí tân tiến nhất. Truyện được viết năm 2012 nên có vài tình tiết thời sự không được chính xác.
 
Truyện này do tôi tự dịch và đã đăng trên Tàng Thư Viện, nay đăng lên VN Thư Quán để góp vui.
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.09.2016 00:21:05 bởi Quang11 >
#1
    Quang11 08.09.2016 04:35:13 (permalink)
    0
    Thay lời tựa:
     
    Nếu ánh sáng của một ngàn thái dương
    Cùng bùng sáng trên bầu trời,
    Đó cũng giống như sự hoa lệ của đấng vĩ đại.
    Ta là Tử Vong,
    Kẻ hủy diệt thế giới.

    Chúa Shiva, Hủy Diệt Thần của Ấn giáo
    (Kinh Bhagavad Gita)


    #2
      Quang11 08.09.2016 04:38:03 (permalink)
      0
      Chương Mở Đầu
      Cao Nguyên Thanh Tạng, Vùng Tự Trị Tây Tạng
      Thứ Ba, ngày 18 tháng 11; 16:49, giờ địa phương.
       
      Jampa dán sát người vào mặt đất gần đông cứng và cảm thấy sự rung động của đoàn tàu đang đến gần thấu vào lồng ngực hắn. Bao tử hắn co rút lại trong căng thẳng. Tiếng tim đập thình thịch muốn át cả tiếng của mấy chiếc đầu máy xe lửa sắp đến.
       
      Đây là giai đoạn mà hắn ghét: chờ đợi. Lát nữa, khi bắt đầu tấn công, sẽ không còn thời gian để sợ hãi nữa. Hắn sẽ quá bận rộn tiến hành kế hoạch. Cố gắng sinh tồn và đào tẩu. Mọi sự hoài nghi sẽ bị gạt sang bên bởi hành động và tốc độ. Nhưng trong những khoảnh khắc bất động cuối cùng này, tâm trí hắn có thời gian miên man đến những sự bất lợi có thể xảy ra, đủ mọi cách chết mà hắn và đồng đội có thể gặp phải, hay tệ hơn nữa, bị bắt sống.
       
      Hắn đã cẩn thận lựa chọn địa điểm. Đường ray nằm cách hắn hai mươi mét. Đoàn xe lửa sẽ chạy qua hắn ở một khoảng cách an toàn. Mặc dù vậy, hắn vẫn không buông bỏ được cái cảm giác rằng con quái vật cơ giới kia đang xông thẳng vào nhóm người hắn.
       
      Sự rung động tăng mạnh lên, dâng lên từ mặt đất đông cứng làm răng hắn va vào nhau lập cập và tai hắn ù đến đau đớn. Jampa tưởng tượng con tàu vùng lên khỏi đường ray như một con rồng sắt khổng lồ. Hắn cố nén sự thôi thúc ngẩng đầu lên, để lén nhìn đoàn tàu đang xông tới, để kiểm rõ rằng nó đã không rời khỏi đường ray và những bánh sắt nặng nề kia không lăn thẳng đến để nghiền nát hắn và đồng đội vào mặt đất đông cứng.
       
      Hắn ghìm gò má xuống một nhúm cỏ đông teo ngắt và sờ tới khẩu súng phóng tên lửa 80 mm nằm cạnh bên hông. Ống phóng làm bằng sợi thủy tinh trơn láng và lạnh lẽo dưới các ngón tay đeo bao tay của hắn.
       
      Đây là một khẩu súng phóng tên lửa chống thiết giáp PF-89 dành cho bộ binh, được chế tạo để chống xe tăng cho Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QGPNDTQ). Nó đã được mua chợ đen từ một sĩ quan tiếp liệu tham ô của QGPND. Điều này làm Jampa có một cảm giác nhân-quả thế nào ấy, khi hắn nghĩ đến giờ đây nó sắp được dùng để phá hủy một đoàn xe lửa chở bộ đội Trung quốc.
       
      Bên phải, cách Jampa vài mét là Nima và Sonam, hai thành viên còn lại của nhóm xung kích, đang nằm. Nếu họ tuân theo lệnh của hắn, thì họ đang nằm sát mặt đất, trên người đắp áo choàng bằng vải thô để che giấu dáng người của họ trong đám cỏ khô của cao nguyên Tây Tạng.
       
      Nima không phải là vấn đề. Lão là một người ‘dropka’, một trong những du mục lang thang trong thảo nguyên và dưới chân dãy Hi Mã Lạp Sơn, trông nuôi bò yak và cừu, và giành giật một cuộc sống nghèo nàn nơi cái vùng mà người nước ngoài gọi là ‘mái nhà của thế giới’.
       
      Tinh thần sắt đá của lão du mục được rèn luyện qua cả một đời kham khổ. Lão có đầy đủ kiên nhẫn và chịu nghe chỉ thị. Jampa không hoài nghi rằng Nima đang nằm im rơ, duy trì ngụy trang cho đến khi lão nhận được mệnh lệnh tấn công.
       
      Sonam thì không được kỷ luật như vậy. Gã là một chiến sĩ giỏi, nhưng gã còn trẻ và quá cứng đầu để hoàn toàn chịu chấp hành mệnh lệnh. Có thể gã đang nằm im theo lệnh của Jampa. Nhưng cũng có thể gã đã đứng xổm lên rồi, nôn nóng bắn phát súng đầu tiên vào mục tiêu.
       
      Sonam lớn lên trong trại tị nạn Dharamsala rộng lớn như một thành phố, trong vùng núi phía bên Ấn Độ. Gã đã sống suốt cả cuộc đời trong cảnh lưu vong. Đối với gã, Tây Tạng không phải là quê hương, mà là lý tưởng.
       
      Gã chiến đấu một cách không sợ hãi chống lại bọn Trung quốc xâm lược đã chiếm đóng đất nước của cha ông. Có lẽ ‘quá mức’ không sợ hãi. Sonam không chỉ sẵn sàng chiến đấu, gã hoan nghênh chiến đấu. Gã không hài lòng làm một sĩ binh đột kích. Gã muốn làm một dũng sĩ và sự nôn nóng chiến đấu làm gã thiếu thận trọng.
       
      Trên chuyến xe lửa này, có hơn hai trăm quân sĩ và ngược với lời phủ nhận thường xuyên của Sonam, QGPND có kỷ luật, được huấn luyện bài bản và nguy hiểm. Gần như chắc chắn là một số trong hai trăm quân sĩ ấy sẽ sống sót sau vụ đột kích. Chúng sẽ chẳng tốn bao lâu để tập nã những kẽ đã tấn công chúng. Cách tốt nhất để sống sót là đánh chuyến xe lửa một đòn thật mạnh, mà không để lộ một dấu hiệu cảnh báo nào, rồi biến mất trước khi quân địch kịp hồi phục.
       
      Nếu Sonam nghe theo chỉ thị của hắn, hi vọng trốn thoát vào cỡ 50-50. Nếu gã chiến sĩ trẻ làm điều gì ngu xuẩn, tỷ lệ có thể giảm xuống số không.
       
      Jampa đã khổ sở giải thích cho Sonam hiểu vụ tập kích này có thể hỏng dễ dàng như thế nào, nếu mọi người không làm đúng theo kế hoạch. Hắn hi vọng một ít lời giải thích đã xuyên thấu vào cái sọ dày đặc của Sonam, nhưng hắn thật không có cách nào biết được.
       
      Jampa đè nén ý muốn ngẩng đầu lên để kiểm tra. Nếu Sonam lột bỏ ngụy trang sớm, họ chỉ đành phải thích nghi với hậu quả. Jampa không thể nào cải thiện hoàn cảnh bằng cách vi phạm mệnh lệnh của chính mình được và tự mình lột bỏ ngụy trang.
       
      Tiếng sấm sắt thép vang lớn lên. Jampa chờ đợi bằng một sự kiên nhẫn mà hắn không cảm thấy muốn chút nào. Chỉ có một cơ hội thôi. Nếu hắn ước tính thời gian sai lầm…
       
      Tiếng sấm dường như đạt tới điểm cao, tiếng xe lao vun vút như đều với nhịp đập điên cuồng của con tim hắn. Chiếc đầu máy đầu tiên trong ba chiếc đầu máy có lẽ đang lao qua hắn ngay lúc này đây. Chưa được. Chưa… Được…
       
      Hắn duy trì ngụy trang trong khoảng 6-7 nhịp tim. Rồi… Ngay bây giờ đây! Hắn gạt tấm vải choàng dày nặng qua một bên và đứng nhổm dậy, vừa đảo ống phóng tên lửa lên cao, vừa quát “Shi Yag!” (Chết!)
       
      Hắn thấp thoáng thấy Nima và Sonam ném vải choàng đi và nhỏm vào tư thế khai hỏa, nhưng hắn không quan sát hai người thuộc hạ. Hắn đã đưa ống phóng lên vai phải, bàn tay phải nắm vào tay nắm, phần cao su mềm của ống nhắm dán vào mắt phải.
       
      Ống kính phóng đại mục tiêu, làm cho chiếc xe lửa như còn gần hơn nữa. Các toa xe bỗng trở nên khổng lồ và có vẻ như lướt qua ngay trước mặt Jampa. Mặc dù hắn đã tập nhìn qua ống nhắm, cảnh tượng này vẫn lạ lẫm và làm hắn giật mình. Hắn đảo ống phóng sang trái vài độ và chợt nhận ra mình đang nhìn qua một khung cửa sổ ngay vào mắt một gã quân sĩ Trung quốc trẻ.
       
      Thời gian chỉ có thể là một thoáng, nhưng khái niệm thời gian của Jampa đã bị méo mó bởi hoóc-môn adrenaline và sự hủy diệt mà hắn biết sắp xảy ra. Mỗi giây thời gian đã trở nên mềm dẻo và bị kéo dài thành phút, hay cả giờ không chừng.
       
      Trong cái khoảnh khắc bị đình chỉ lại đó, hắn thấy vẻ mặt của gã quân sĩ trẻ chuyển từ bất ngờ, đến chợt hiểu, rồi khiếp sợ. Jampa đã từng là giáo viên môn Khoa Học, trước khi quân Trung quốc thiêu hủy ngôi trường của hắn. Hắn hiểu được khối óc của con người hoạt động như thế nào, đủ để hiểu rằng hắn không thể nào thấy và nhận định được bấy nhiêu chi tiết trong một phần giây. Cái này chắc chắn là do trí tưởng tượng của hắn rồi, chắc là cảm giác tội lỗi về việc mà hắn sắp làm, nhưng nó có vẻ thật quá. Nó cho cảm giác thật quá. Cái cảm giác như đang giết người.
       
      Khung cửa sổ vụt qua và khuôn mặt của gã quân sĩ biến mất, để cho Jampa nhìn chằm chằm vào thành các toa xe đang chạy qua. Ngón tay hắn đặt trên cò súng, nhưng dường như hắn không thể nào bấm xuống.
       
      Thuộc hạ của hắn cũng không khai hỏa. Họ đang chờ hắn bấm cò trước, có lẽ cho rằng thủ lãnh của họ có một lý do chiến thuật chính đáng nào đó mà quyết định trì hoãn.
       
      Các toa xe tiếp tục chạy qua, nhưng khuôn mặt của gã binh sĩ đó đã in xâu vào trí nhớ của Jampa. Gã trẻ quá, không hơn gì một đứa con nít.
       
      Nhưng rồi hắn nhớ lại ngôi trường nhỏ bé của hắn ở Amchok Bora. Hắn nhớ lại những khuôn mặt ở Chopa, Dukar, và các học sinh khác của hắn khi dân làng lôi những cái xác cháy đen của những đứa con trai nhỏ từ đống đổ nát còn bốc khói của ngôi trường. Hắn nhớ lại những bộ quân phục màu xanh ô-liu của binh sĩ QGPND khi chúng leo lên xe tải và rời đi. Những chiếc xe tải đã khuất dần nơi phương xa và không một binh sĩ nào quay đầu lại nhìn. Không một tên binh sĩ nào thèm nhìn lại những trẻ thơ đã chết và đang hấp hối, hay các dân làng đang gào khóc đau thương.
       
      Và giờ đây, cách nơi Jampa đang đứng hai mươi mét là một chuyến tàu chở hơn hai trăm tên côn đồ mặc quân phục của cái gọi là QGPND. Lại một nhóm côn đồ chai lì, được chở từ Trung quốc xuống để thêm sức áp bức dân chúng Tây Tạng. Lại thêm một đám đốt trường học không có linh hồn, đến để tăng viện cho quân xâm lăng đang nghiền ép sức sống khỏi Tây Tạng.
       
      Một làn hơi nóng phả qua mặt Jampa. Người hắn hơi thụt lại khi quả tên lửa vụt ra khỏi ống phóng. Hắn không nhớ đã nhấn cò khi nào, hay có quyết định nhấn cò hay không, nhưng hắn quả thật đã nhấn cò rồi. Hắn cũng chẳng biết đã nhắm quả tên lửa vào đâu nữa.
       
      Quả tên lửa 80 mm lao vụt đi, kéo theo một dây khói mỏng, đâm vào bên dưới một toa xe chở người ngay bên trên nhóm bánh sắt. Phát nổ xảy ra ngay lập tức và mãnh liệt hơn là Jampa dự liệu. Phần đầu của toa xe nảy lên khỏi đường ray; khói đen phủ trùm và một cụm lửa bốc lên hình nấm.
       
      Bên phải Jampa, hai dây khói khác cho thấy lão Nima và gã Sonam cũng đã tiến hành.
       
      Chiếc toa xe đang vùng vẫy trong phát nổ đầu tiên, liền bị thổi ngang trong một bể tia lửa và tiếng kim loại bị xé toác. Nó thoáng chập choạng trên nhóm bánh sắt phía bên kia, rồi hoàn toàn rời khỏi đường ray và đổ nghiêng ra.
       
      Mười tám toa phía sau vẫn lấn tới với tốc độ hơn 100 km/giờ. Hằng ngàn tấn lực biến các toa xe này thành như búa nện, tiếp tục xông tới trước không khoan nhượng. Chiếc toa khách trúng đạn vẫn đang cháy, nện vào mặt đất như lưỡi cày, bới lên cả núi đá và đất đông cứng. Sức ép khiến toa xe bằng thép và sợi thủy tinh thun lại.
       
      Không còn nơi nào để đi và vẫn bị số toa còn lại đẩy tới, chiếc toa kế tiếp đổ nghiêng ra khỏi đường ray, gập cong lại ở phần giữa và cày vào đất như chiếc trước, để rồi sụp xuống thành đống phế thải.
       
      Thoát khỏi phần lớn gông cùm, ba chiếc đầu máy phóng vọt đi, kéo lê theo hai toa chở khách tàn phá. Phía sau, vụ trật đường ray đã biến thành phản ứng dây chuyền. Khi mỗi toa xe trợt khỏi đường ray và dập vào mặt đất đông lạnh như giấy nhôm bị vò nát, các toa xe sau tiếp tục lao lên và tiếp tục trình tự lật nhào. Hết toa này đến toa khác dập vào đất và biến thành từng đống đổ nát không còn hình dạng gì.
       
      Trong cả quá trình này, ngọn lửa xông lên. Đường ray Thanh-Tạng nằm trên độ cao hơn bất cứ đường xe lửa nào khác. Có nhiều chỗ, đường ray nằm 5.000 mét trên mực biển. Để tránh cho hành khách bị chứng say núi cấp tính ở các đoạn đường cao nhất, xe chở khách được ép không khí như máy bay chở khách vậy. Mỗi toa xe đều có hệ thống ép khí oxy và thùng chứa khí oxy ép riêng. Dưới nhiệt độ và lực lượng kinh khủng khi dập vào đất, các thùng khí oxy nổ tung, tạo thành từng cụm lửa suốt chiếu dài các toa xe bị lật.
       
      Jampa im lặng nhìn tất cả, hai tai ù điếc vì những tiếng va đập và nổ mạnh liên tục, tâm trí hắn không thể nào hiểu được thảm họa đang diễn ra trước mắt. Thảm họa mà chính hắn đã tạo ra. Hắn mù mờ lắc lắc đầu. Hắn muốn trả thù. Nhưng không phải cái này…
       
      Có ai đó nắm cánh tay hắn. Hắn chậm rãi quay đầu sang. Là lão Nima. Lão đang giật giật tay áo Jampa và kêu cái gì đó. Tiếng kêu của Nima nghe như tiếng xì xào. Jampa không nghe hiểu được lão du mục này đang nói gì, hoặc là vì hai tai hắn vẫn chưa hồi phục, hoặc đơn giản là do tâm trí hắn không thể thông hiểu được ngôn ngữ loài người nữa.
       
      Sonam xuất hiện bên cạnh lão Nima, vừa múa may vừa la hét, nhưng hắn vẫn chẳng hiểu gì hơn.
       
      Sương mù dần tan biến khỏi tâm trí Jampa và ý nghĩa của các lời nói và cử chỉ bắt đầu thấm vào tâm thức hắn. Đã đến lúc đào tẩu! Chiếc xe tải cũ kỹ được giấu phía bên kia một ngọn đồi nhỏ cách đó vài trăm mét. Nếu muốn có chút hi vọng thoát thân, thì họ phải bỏ chạy ngay lập tức.
       
      Nhóm nhân viên lái tàu chắc đã phải gọi cầu cứu rồi. Máy bay trực thăng sẽ sớm xuất hiện và còn có những chiếc xe chạy nhanh hơn chiếc xe tải cũ nhiều. Muốn thoát thân thì cách duy nhất là càng chạy xa trước khi cuộc truy lùng bắt đầu, càng tốt. Bọn họ phải chạy được nửa đường đến biên giới Ấn Độ trước khi người Trung quốc kịp tổ chức phản ứng hữu hiệu.
       
      Jampa gật đầu và buông lỏng các ngón thả ống phóng tên lửa rơi xuống đất. Hắn đảo mắt nhìn chung quanh để xác định vị trí, rồi bắt đầu chạy chậm về chỗ giấu chiếc tải. Sau khi loạng choạng vài bước, hắn bắt đầu chạy nhanh, lão Nima và gã Sonam vài bước đằng sau.
       
      Hắn chạy được nửa đường đến chỗ giấu xe thì nghe một tiếng nổ nhỏ như tiếng máy xe hơi bị ngộp xăng ở nơi xa. Tiếng nổ vang thật nhỏ trong tai đang ù của hắn. Phải chăng lại là một tiếng nổ từ một toa xe? Hay đầu óc mụ mị của hắn đang mơ ra?
       
      Nhưng khi hắn và lão Nima chạy đến đỉnh ngọn đồi nhỏ, Sonam không còn bên cạnh họ. Jampa ngoái đầu nhìn lại và thấy gã chiến sĩ trẻ cuồng nhiệt kia nằm sấp trên mặt đất.
       
      Jampa đang định chạy ngược lại thì lão Nima đã nắm cánh tay hắn và lôi hăn về chiếc xe tải. Lão Nima lại gào lên cái gì đó nhưng Jampa vẫn chưa thể nghe rõ được lời của lão. Tuy nhiên hắn vẫn hiểu lão muốn nói gì. “Đi! Ngay lập tức! Chúng ta không thể quay lại được!”
       
      Jampa nhìn gã Sonam giây lâu, không để ý đến lão Nima đang kêu gào. Sonam không nhúc nhích.
       
      Cuối cùng, Jampa gật đầu và để mặc cho lão Nima đẩy hắn về phía chiếc xe tải.
       
      Khi họ lái đi xa, hắn không quay lại nhìn lần nào nữa…
       
      #3
        Quang11 08.09.2016 04:41:15 (permalink)
        0
        Chương 1
        Khu Trục Hạm USS Towers (DDG-103)
        Nam Biển Nhật Bản
        Thứ Tư, ngày 19 tháng 11
        13:41, giờ địa phương
         
        Nửa giây sau khi trúng phi đạn, đèn trên trần tắt phụt, làm cho Combat Information Center (1, xem chú thích) (CIC) tối đen. Tiếng rơ-le điện kêu lách tách. Đèn khẩn cấp đỏ mờ bật lên thay thế ánh đèn chiến đấu xanh lam.
         
        Tiếng ồn trong phòng hành quân CIC giảm xuống nhiều decibel sau khi gần phân nửa số màn ảnh điện tử trong phòng tắt phụt vì mất điện. Những chiếc quạt làm giảm nhiệt cho máy móc từ từ ngừng lại, tiếng rít của những hộp cung cấp điện cao thế tụt dần vào im lặng. Cả tiếng rầm rì của máy điều hòa không khí cũng nhạt đi khi máy nén hơi ở phòng bên cạnh dừng lại.
         
        Những dấu hiệu cảnh báo đỏ và vàng bắt đầu nhấp nháy trên các màn ảnh điện tử còn hoạt động, báo cáo chi tiết các hư hại trong hệ thống điện tử và tín hiệu đang biến mất dần. Các màn ảnh khổng lồ của hệ thống chiến đấu Aegis (2) nhấp nháy lia lịa với những ký hiệu tác chiến hỗn loạn, rồi biến thành những đường sọc khi mất tín hiệu.
         
        Trong bóng tối, hai-ba thủy thủ bị thương đang đau đớn rên siết. Đâu đó bên ngoài vách tường sắt của phòng hành quân CIC, còi báo động vang rền rĩ và những nhóm khống chế hư hại đang kêu gọi nhau. Vì khoảng cách xa, cùng với vách ngăn thép và mặt nạ bảo hộ, âm thanh của họ trở nên những tiếng xì xào vô nghĩa.
         
        Tiếng nói của hạm trưởng Bowie xuyên qua bóng tối đỏ âm u: “Sĩ quan chỉ huy CIC, báo cáo thiệt hại cho tôi, lập tức! Tôi muốn biết chúng ta trúng phi đạn vào đâu và thiệt hại thế nào!”
         
        Bowie không chờ viên trung úy trẻ đáp lời, đã ra mệnh lệnh tiếp: “TAO (3), báo cáo kiểm kê tất cả vũ khí và hệ thống cảm biến của ta. Chúng ta còn thấy được gì và còn thứ gì để chiến đấu?  Khi nào tra được, tôi muốn biết còn lại bao nhiêu Bogies (4) và chúng đang ở đâu!”
         
        Viên sĩ quan Tác Chiến lập tức trả lời: “Hạm trưởng, ra-đa SPY đang hoạt động bằng nguồn điện phụ, nhưng Aegis không hoạt động vì máy điện toán đang khởi động lại. Pháo tháp 51 sẵn sàng chiến đấu và có vẻ như khẩu CIWS (5) phía sau bị hỏng. Khẩu CIWS phía trước thì còn tốt. Đề nghị chúng ta quay mũi về hướng mấy chiếc bogies còn lại và để khẩu CIWS phía trước phòng vệ phi đạn cho đến khi chúng ta bắt đầu thấy lại được.”
         
        Bowie chỉ thoáng ngập ngừng, rồi: “Làm đi!”
         
        Ngay lúc này, sĩ quan chỉ huy phòng hành quân CIC, trung úy Westfall báo cáo: “Hạm trưởng, tôi liên lạc được với CCS (6). Chỗ trúng đạn phỏng định là bên phải, ngay giữa thân tàu, gần mép nước. Cả hai máy bên phải đều hỏng và nhóm phòng máy báo cáo lửa cấp Bravo (7) ở phòng Máy số một. Chúng ta đang ngập nước tại nhiều khoang và phòng Tổng Đài số 2 bị hỏng vì nước ngập.” Sau khi thoáng ngừng: “Báo cáo thương vong là… CCS ước tính 41 người chết và khoảng gấp đôi bị thương, thưa Hạm trưởng. Sĩ quan chỉ huy phòng máy đã chết. Phó hạm trưởng bị thương ở đầu, có thể bị vỡ sọ và đang bất tỉnh.”
         
        Bowie gật đầu: “Đã hiểu.”
         
        Một giọng nói vang lên trong loa treo trên trần. “TAO, đây là phòng lái. Thủy thủ canh gác phía trước báo cáo nhìn thấy ba máy bay ở bên trái phía trước, vị trí ba-năm-bảy độ. Tốc độ tiếp cận rất nhanh.”
         
        Bowie nhìn trung tá Silva.
         
        Viên trung tá đang đứng, hai tay nhét sâu vào túi của bộ áo liền quần màu xanh dương đậm, dáng người thẳng tắp và nhanh nhạy, mắt nhanh chóng chuyển từ vị trí chiến đấu này qua cái khác. Nàng chạm ánh mắt với Bowie, rồi chuyển đi nơi khác. Nàng đang thu thập tất cả, như một cái máy quay phim ghi nhớ tất cả dữ liệu, mà không nhả ra lại bất cứ thứ gì.
         
        “Đám bogies đang lao tới nhanh và thật thấp.” Bowie nói. “Chúng chuẩn bị tập kích chúng ta bằng một đợt phi đạn khác.”
         
        Trung tá Silva gật đầu, nhưng không trả lời.
         
        Bowie quay đầu đi. “TAO, tình trạng Aegis thế nào rồi?”
         
        “Máy vi tính đã kích hoạt xong, thưa hạm trưởng.” Viên sĩ quan Tác Chiến nói. “Phải vài giây nữa ra-đa SPY mới liên kết và khóa cứng mục tiêu được.”
         
        “Chúng ta không có vài giây nào hết.” Bowie nói. “Lệnh cho pháo tháp 51 xạ kích đám Bogies dùng video từ máy thu hình trên cột tàu. Lệnh cho nhóm Phòng Thủ Chống Tiểu Thuyền (8) xạ kích mọi mục tiêu bằng đại liên 12,7 mm ở phía trước, và cả hai khẩu đại bác nhẹ nữa.”
         
        Bowie im lặng nghe viên TAO truyền đạt mệnh lệnh của hắn cho các vị trí súng. Đây là một bước tuyệt vọng. Khẩu pháo lớn 127 mm ở pháo tháp 51 trên boong trước có lẽ có khả năng tiêu diệt một máy bay đang lao tới nếu được ra-đa điều khiển. Muốn hạ ba chiếc máy bay địch mà chỉ dùng máy thu hình đen-trắng sao? Khó hơn nhiều! Nếu kể cả những hư hại của chiếc tàu, thì coi như vô vọng.
         
        Mấy khẩu đại liên 12,7 mm ư? Có cầu nguyện cách mấy cũng chẳng hi vọng gì. Hai khẩu 25 mm cũng không hơn bao nhiêu. Bắn tán loạn có lẽ cũng chỉ tốn đạn thôi, nhưng chẳng lẽ họ cứ ngồi đó rung đùi mà không làm gì sao?
         
        Chiếc USS Towers là một chiếc khu trục hạm hiện đại nhất. Đây là một chiếc chiến hạm tiên tiến từ đáy tàu được thiết kế bằng máy điện toán, cho đến chóp xéo của cột tàu. Nó được thiết kế và chế tạo cho tốc độ, hỏa lực và khả năng tàng hình. Trong khoảng thời gian hoạt động vài năm ngắn ngủi, nó đã trải qua số thực chiến nhiều hơn tổng số của bất cứ hai chiến hạm nào khác trong Hải Quân Mỹ.
         
        Bowie mỉm cười hung tợn. Nếu chiếc Towers phải đắm, thì nó sẽ vừa đắm vừa chiến đấu.
         
        Hắn rời ánh mắt khỏi những màn ảnh đã hỏng, đảo mắt tìm trong bóng tối đỏ cho đến khi hắn thấy dáng khổng lồ của một gã trung sĩ.
         
        Chuyên viên tác chiến cấp hai Kenfield đã lớn lên trong một nông trại ở tỉnh Gordonsburg, tiểu bang Tennessee. Tên gã là Bruce, nhưng thủy thủ đoàn gọi gã là Ruộng Đồng Thênh Thang, một phần vì khổ người đáng kể của gã mà phần khác là vì giọng nói đặc sệt vùng quê miền Nam của gã. Trong thủy thủ đoàn vẫn lưu truyền câu chuyện đùa rằng Ruộng Đồng Thênh Thang không cần xe cày hay trâu bò để cày ruộng nhà gã; gã chỉ cần dùng sức lực khủng khiếp tự mình kéo cày và dùng hai tay sắn đất.
         
        Hạm trưởng Bowie hất đầu về phía gã. “Này Ruộng Đồng Thênh Thang … hát cho chúng ta nghe một bài đi.”
         
        Không khí trong CIC thật căng thẳng, nhưng gã thủy thủ khổng lồ vẫn nhe răng cười trắng ởn trong bóng tối đỏ. “Có phải là mệnh lệnh không, hạm trưởng?”
         
        “Chứ còn gì nữa?” Bowie đáp.
         
        Gã thủy thủ càng cười toét hơn nữa. “Aye-aye (9), hạm trưởng!”
         
        Gã tằng hắng đầy kịch tính, rồi phát ra bài hát duy nhất mà người ta từng nghe gã khổng lồ này ca: một tiếng gầm rống chấn động.
         
        Trung tá Silva còn chưa quen thuộc với nếp sinh hoạt của chiến hạm này, suýt nhảy nhỏm khi nghe tiếng gầm phá không gian này. Nhưng nhân viên trong phòng hành quân CIC đã có kinh nghiệm lâu rồi. Họ đã biết rõ gã Ruộng Đồng Thênh Thang này ca hát như thế nào. Trước khi dư âm tiếng rống tắt đi, họ đã thêm vào tiếng gào riêng của họ. Nam hay nữ, trẻ hay trung niên, già dặn hay non nớt, tiếng gào rú của họ cùng dâng lên, như một sự phản kháng chống lại những chiếc máy bay địch đang lao đến tấn công chiến hạm của họ.
         
        Họ là một thủy thủ đoàn. Họ là một thể. Họ sẽ cùng chiến đấu. Họ sẽ chết cùng nhau. Mẹ nó chứ! Chiếc Towers là chiến hạm của họ!
         
        Trung tá Silva ngắm nhìn các thành viên của phòng hành quân CIC. Vẻ mặt của nàng lộ rõ cảm nghĩ của nàng. Nàng là một sĩ quan từng trải, với hơn mười bảy năm trong quân ngũ. Nàng đã sống gần suốt quảng đời người trưởng thành ngoài đại dương và nàng đã thấy qua hầu hết những gì đại dương có thể cống hiến. Nhưng suốt những năm sống trong Hải quân, nàng chưa từng thấy qua cái gì như cái này. Thật là điên rồ. Thật là những cử chỉ vô ích. Nhưng Mẹ nó! Thật là đáng nể.
         
        Silva hé môi, có lẽ để góp phần vào cuộc gầm thét, nhưng chưa kịp làm gì thì đã bị tiếng nói trong loa treo trên trần cắt ngang. “TAO, nhóm Điều Khiển Vũ Khí báo cáo. Aegis đã hoạt động. Có 5 Vipers (10), rất gần và đang tiếp cận! Lặp lại, 5 phi đạn đang tiếp cận, ước tính 20 giây trước khi bị trúng đạn.”
         
        Tiếng reo hò lập tức ngưng bặt khi mọi người khẩn trương làm việc. Hai mươi giây quá ngắn để có làm gì hữu hiệu, nhưng điều đó không làm cho thành viên phòng hành quân CIC ngừng cố gắng.
         
        Giọng nói của viên sĩ quan Tác Chiến xuyên qua mạng liên lạc: “Mọi vị trí chiến đấu, đây là TAO. Năm Vipers đang tiếp cận! Tôi lặp lại, có nhiều phi đạn đang tiếp cận! Nhóm Điều Khiển Vũ Khí, chuyển hệ thống Aegis qua tự động hoạt động. Cho CIWS tự động khai hỏa. Break (11). EW (12), cho tôi biết đường đi tốt nhất để giảm tối đa hình chiếu ra-đa (13), và chuẩn bị phóng chaff (14).”
         
        Tiếng vâng dạ và những mệnh lệnh phụ thuộc lan truyền trên các mạng tác chiến. Phân nửa vị trí trong phòng hành quân CIC vẫn chưa hoạt động. Chiếc tàu đã tàn phế rồi. Một phần ba thủy thủ đoàn đã chết hay đang hấp hối, và tệ nhất là thời gian đã hết. Nhưng họ vẫn còn chiến đấu. Vẫn còn phản kích.
         
        Giọng nói của viên sĩ quan chỉ huy nhóm Điều Khiến Vũ Khí vang lên trong loa. “Mọi vị trí chiến đấu, đây là nhóm Điều Khiển Vũ Khí. Chuẩn bị! Ước tính phi đạn sẽ trúng trong sáu… năm… bốn…”
         
        Bowie khoanh tay và dựa vào một màn ảnh ra-đa đã hỏng. Hắn huýt sáo nhẹ qua kẽ răng, trong khi tiếng đếm ngược tiếp tục.
         
        “Ba… Hai… Một…” Chữ cuối cùng gần như là một tiếng hét. “Trúng!”
         
        Căn phòng đột nhiên sáng trưng lên khi dòng điện tràn vào các ngọn đèn.
         
        Một giọng nói khác vang lên trên loa. “Mọi vị trí, đây là Tổng Huấn Luyện viên. Huấn luyện kết thúc. Lặp lại, huấn luyện kết thúc. Cho phần mềm ngưng lại. Ngưng đồng hồ. Bật điện lên, cho mọi hệ thống trở lại hoạt động bình thường. Huấn luyện chấm dứt lúc 13 giờ 25 phút 9 giây.”
         
        Các thành viên trong phòng hành quân CIC chớp chớp mắt và che mắt chống lại ánh đèn bất ngờ. Khắp trong phòng, các nhân viên đã “chết” hay “bị thương” đứng dậy, phủi bụi trên quân phục và bắt đầu kích hoạt lại các máy móc.
         
        Một trung sĩ tháo sợi dây tròng nơi cổ xuống và ngắm tấm bìa cứng màu vàng. Trên đó có dòng chữ in to: “Phòng hành quân CIC thương vong số 6 – phỏng vì điện giật, hôn mê do va chạm vật cứng, tử thương.”
         
        Gã đưa tấm bìa cho một người mặc đồng phục màu cam, một thành viên trong nhóm Huấn Luyện. “Đây này, tôi không cần cái này nữa. Tôi hết chết rồi.”
         
        Gã quan sát viên mặc đồ cam kẹp tấm bìa vào một sấp bìa tương tự, nói: “Hoan nghênh bạn trở về cõi sống. Nhưng nếu tôi là bạn, tôi sẽ tiếp tục chết cho đến giờ cơm. Như vậy, bạn sẽ không phải tốn cả buổi chiều quét dọn CIC.”
         
        Gã chuyên viên Tác Chiến cấp Ba mỉm cười: “Ài, nếu giả chết có thể miễn lao động được thì tốt rồi! Có chết cũng không tránh khỏi lao động quét nhà đâu.” Nhún vai, nói tiếp. “Ít ra họ cho tôi chết sớm. Tôi cũng chợp mắt được một lúc trong khi mọi người khác còn đang cố gắng cứu tàu.”
         
        Cách đó khoảng mười bộ, đại tá Bowie đang trò chuyện cùng trung tá Silva gần chỗ ngồi của viên sĩ quan Tác Chiến. Bowie nhướng mày. “Trung tá thấy sao?”
         
        Silva gật đầu. “Đáng nể lắm, thưa đại tá. Tôi chưa từng thấy qua cái gì như thế này. Ông có một thủy thủ đoàn thật là giỏi đó.”
         
        Bowie tủm tỉm cười: “Nói thật ra, họ quả thật rất đáng nể. Tôi hãnh diện được phục vụ chung với từng người bọn họ. Mỗi người nam hay nữ trên chiếc tàu này đều cống hiến 120% sức lực của mình.”
         
        Hắn lắc đầu. “Nhưng mà họ chẳng còn là thủy thủ đoàn của tôi bao lâu nữa, phải không? Họ sẽ thuộc về cô chỉ trong khoảng hai tuần nữa mà thôi, trung tá.”
         
        Mắt hắn đảo quanh phòng hành quân CIC, thật chậm, cố gắng thu nhận từng chi tiết như thể hắn sẽ không bao giờ thấy được quang cảnh tráng lệ như vậy nữa. Mà điều đó sẽ là sự thật trong chẳng bao lâu nữa. Lễ bàn giao chỉ cách đó 16 ngày nữa. Sau đó, chiến hạm này sẽ không còn là của hắn nữa.
         
        Sau khi hai người chào nhau lần cuối trong buổi lễ bàn giao ấy, Đại tá Samuel Harland Bowie sẽ trở thành Chỉ Huy Phó hạm đội khu trục hạm số 15. Cùng lúc ấy, Trung tá Katherine Elisabeth Silva sẽ trở thành Hạm trưởng Silva, chỉ huy trưởng mới của chiếc USS Towers.
         
        Quảng thời gian bi tráng nhất và quan trọng nhất trong quân nghiệp của Bowie sẽ chấm dứt. Ngay từ bây giờ, hắn đã biết là không gì có thể lắp đầy cái khoảng trống ấy trong cuộc đời của hắn. Và qua cả quá trình ấy, hắn sẽ phải tươi cười, với những phát biểu lịch sự, giả vờ rằng hắn vui lòng giao quyền lãnh đạo chiến hạm của hắn cho một người gần như xa lạ.
         
        Khốn nạn! Thật khốn nạn! Hắn chậm rãi thở ra.
         
        Hắn quay sang trung tá Silva, người lãnh đạo kế tiếp của chiếc USS Towers. “Chúng ta xuống phòng ăn đi. Chúng ta có thể uống một ly cà phê trong khi chờ đợi nhóm Huấn Luyện viết xong báo cáo.”
         
        Silva bước theo hắn ra cửa. Bowie thả chậm bước để nàng tiến lên bên cạnh hắn. “Bạn bè gọi cô là Kate sao?”
         
        Trung tá Silva mỉm cười. “Chỉ có bố tối là được quyền gọi như vậy thôi. Mọi người khác đều gọi tôi là Kat.” (trùng âm với ‘cat’, con mèo)
         
        “Với chữ K chứ?”
         
        “Đúng rồi. Với chữ K.” Nàng lại cười. “Đây là một câu chuyện dài.”
         
        Bowie mở cánh cửa có thể ngăn nước (để phòng ngập lụt lan tràn nếu tàu bị nước vào) và ra hiệu cho nàng đi vào. Khi họ đã bước qua cửa, hắn lại gài cửa lại cẩn thận, rồi họ mới tiếp tục đi.
         
        “Còn anh thì sao?” Silva hỏi. “Bạn bè gọi anh là Sam hả?”
         
        Viên đại tá lắc đầu. “Không. Họ kêu tôi là Jim.”
         
        Silva thoáng ngưng bước. “Họ gọi anh là Jim Bowie (15) sao? Thật vậy à?”
         
        Đại tá Bowie ngoác miệng cười. “Thật mà!” Hắn lại tiếp tục đi về phía phòng ăn. “Đây cũng là một câu chuyện dài.”
        -=-=-=-=-=-
        Chú Thích:
        (1) Combat Information Center (CIC): phòng hành quân trên tàu chiến Mỹ, trong hải quân Hoàng gia Anh quốc thì được gọi là Action Information Centre. Là trung tâm chỉ huy và kiểm soát của tàu chiến hoặc cả hạm đội dưới quyền. Từ bây giờ, dịch giả sẽ dùng ‘phòng hành quân CIC’ nếu nói về hải quân Mỹ. Không nên lầm với phòng điều khiển hay lái tàu.
         
        (2) Hệ thống chiến đấu Aegis là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, được bắt đầu trang bị cho hải quân Mỹ vào thập niên 1980 và được không ngừng cải tiến cho đến ngày nay. Hệ thống này dung hợp thông tin từ các loại hệ thống thông tin, ra-đa, sonar trên tàu, của cả hạm đội và từ mọi nguồn khác (vệ tinh, phi cơ, v.v.), phân chia cho các chiến hạm trong hạm đội các công tác tấn công và phòng thủ chống tất cả các loại nguy cơ trên và dưới mặt biển, trên không và cả ngoài khí quyển. Gần đây, hệ thống còn được triển khai trên đất liền để phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và phi đạn hành trình, cũng như mọi mối đe dọa trên không khác. Xem thêm: vi.wikipedia.org/wiki/Hệ_thống_Chiến_đấu_Aegis
         
        (3) Tactical Action Officer (TAO): sĩ quan Tác Chiến phụ trách hệ thống tác chiến của chiến hạm. Đây là một nhiệm vụ chỉ có trong hải quân. Quân đội Mỹ có thói quen dùng từ viết tắc trong khi nói chuyện để tiết kiệm thời giờ.
         
        (4) Bogie hay bogey: tiếng lóng thường dùng trong quân đội Mỹ để chỉ máy bay hay phi đạn địch. Vì là tiếng lóng chuyên dụng, dịch giả sẽ không dịch.
         
        (5) CIWS (phát âm là Xi-uy-zơ) hay Close-In Weapon System là hệ thống tự vệ chống phi đạn, tầm cực ngắn. CIWS bắt nguồn từ hải quân Mỹ vào những năm 1980, nhưng ngày nay nhiều quốc gia cũng có các hệ thống tương tự. CIWS của Mỹ có tên Phalanx gồm một khẩu súng 20 ly 6 nòng có thể bắn 4.500 viên/phút, có tầm hữu hiệu cỡ 2.000 mét; nhiệm vụ là tầng bảo vệ cuối cùng chống phi đạn nếu lọt lưới qua các hệ thống phòng thủ khác. Súng được tự động điều khiển bởi một hệ thống ra-đa độc lập. Gần đây, có vài hệ thống CIWS sử dụng phi đạn tầm ngắn thay thế súng, có lợi thế là tầm xa hơn và có thể đối phó nhiều phi đạn cùng lúc, nhưng mắc tiền hơn và số lượng lần bắn ít hơn (thể tích lớn hơn). Trên một chiến hạm Mỹ, thường có một khẩu ở phía trước và một khẩu phòng thủ phía sau, mỗi khẩu có thể xoay chuyển khoảng 240 độ. Gần đây, hệ thống phalanx được sử dụng trên bộ (Afghanistan) để phòng thủ các căn cứ chống tên lửa, đại bác và súng cối, cực kỳ hữu hiệu. Người Mỹ thường viết tắc nhưng cụm từ chuyên môn dài, rồi đọc luôn như một từ mới; trong trường hợp này, CIWS được phát âm thành Xi-Uy-Zơ.
         
        (6) CCS là Crew Coordination System: dữ liệu về thủy thủ đoàn được lưu trữ trong hệ thống điện toán của tàu. Nhân viên điều hành có thể tùy thời kiểm tra và tổng hợp tình trạng thủy thủ đoàn theo từng ban ngành, vị trí, v.v.
         
        (7) Bravo: Bắt đầu từ những năm 1950, để báo cáo qua điện đài một cách chính xác và tránh nhầm lẫn vì nghe lầm, quân đội Mỹ và đồng minh áp dụng cách phát âm chữ cái thống nhất cho quân đội như sau: A – Alpha, B – Bravo, C – Charlie, D – Delta, E – Echo, F – Foxtrot, G – Golf, H – Hotel, I – India, J – Juliet, K – Kilo, L – Lima, M – Mike, N – November, O – Oscar, P – Papa, Q – Quebec, R – Romeo, S – Sierra, T – Tango, U – Uniform, V – Victor, W – Whiskey, X – X-ray, Y – Yankee và Z – Zulu. Thí dụ: “Báo cáo, phát hiện 2 chiếc MIG, mike-india-golf (đánh vần để tránh nghe lầm), đang bay về hướng…”
         
        (8) Phòng Thủ Chống Tiểu Thuyền: khu trục hạm Mỹ có vài đội thủy thủ có nhiệm vụ bảo vệ tàu chống lại những mục tiêu nhỏ và quá gần để sử dụng pháo 127 mm (pháo tháp 51) một cách hữu hiệu, như ghe nhỏ. Tàu được trang bị một số đại liên 12,7 mm (tầm hữu hiệu khoảng 1,000-1,500 mét) và hai khẩu súng máy 25 mm M242 Bushmaster có thể bắn 500 viên/phút (tầm hữu hiệu tối đa 3,000 mét). Có thể miễn cưỡng dùng chống máy bay hoặc phi đạn.
         
        (9) Aye-aye: Thưa vâng. Đây là từ ngữ chỉ dùng trong hải quân Anh và Mỹ (và có thể Úc và các nước nói tiếng Anh khác) có nghĩa là “Thưa vâng!” hay “Dạ!” Chữ Aye có nghĩa là Yes (vâng) được dùng từ đầu thế kỹ 17, đến nay vẫn còn được dùng ở Tô Cách Lan, nhưng không rõ vì lý do gì lại biến thành chuyên dùng trong hải quân. Vì là từ ngữ chuyên dùng, dịch giã sẽ để nguyên.
         
        (10) Viper: rắn độc. Tiếng lóng chỉ phi đạn địch. Tiếng lóng chuyên dụng sẽ không được dịch.
         
        (11) Break: đứt, gãy. Trong khi liên lạc bằng điện đài, quân đội Mỹ dùng từ “break” này để cho biết rõ người nói đang chuyển đề tài. Thí dụ như ra lệnh cho đội một xong, “break” chuyển đến ra lệnh cho đội hai, rồi “break” chuyển đến lệnh cho đội ba. Tiếng lóng chuyên dụng sẽ không được dịch.
         
        (12) Electronic Warfare (EW): đội phụ trách vũ khí điện tử. Thí dụ máy phát sóng phá rối tia laser, liên lạc điện đài của địch, ra-đa của địch, v.v….
         
        (13) Hình ra-đa: mặt phẳng có diện tích càng lớn thì sẽ phản chiếu tia ra-đa càng mạnh, và do đó càng dễ trở thành mục tiêu cho phi đạn được ra-đa điều khiển. Một chiến hạm muốn giảm diện tích ra-đa có thể phản chiếu thì phải hướng mũi tàu về phía ra-đa, mà tránh để ra-đa chiếu vào hông tàu. Ngoài ra, các máy bay hay chiến hạm ‘tàng hình’ có thể giảm hình ra-đa bằng cách thiết kế hình dáng bên ngoài theo những góc độ đặc biệt để làm tia ra-đa bị trợt đi, thay vì dội ngược lại; và sơn một lớp sơn, hay lắp những tấm vật liệu có tính cách hấp thu tia ra-đa.
         
        (14) Chaff: một loại đạn phòng thủ chống ra-đa, bên trong đầu đạn chứa hằng vạn sợi kim loại chiều dài bất đồng. Khi được bắn ra, đạn nổ cách chiến hạm không xa và hằng vạn sợi kim loại được tung ra thành một vầng mây kim loại phản chiếu đủ loại làn sóng ra-đa (do chiều dài bất động của sợi kim loại), làm nhiễu loạn ra-đa của địch. Nếu thành công, ra-đa của địch sẽ tỏa định vào một sợi kim loại nào đó và bay lạc hướng khỏi chiến hạm. Chaff cũng thường được dùng để bảo vệ máy bay chống phi đạn.
         
        (15) Jim Bowie là một anh hùng hi sinh trong trận đánh phòng vệ thành Alamo, tiểu bang Texas trong cuộc cách mạng Texas, năm 1836. Đây là lúc Texas tách ly khỏi Mexico và trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ. James (gọi tắt là Jim) Bowie là một trong hai viên chỉ huy lực lượng phòng thủ Alamo, gồm khoảng từ 180 đến 257 người. Số người này gồm một ít quân đội và phần còn lại là chiến sĩ tự nguyện khác kể cả David Crockett, một nhân vật truyền kỳ khác. Họ đẩy lui 2 đợt tấn công của 1800 quân chính quy Mexico, giết chết khoảng 600 người, trước khi thất thủ trong đợt tấn công thứ ba. Có từ 5 đến 7 quân phòng thủ bị bắt sống, nhưng bị hành quyết ngay lập tức. Jim Bowie còn là người chế ra loại dao chiến đấu mang tên ông, “dao Bowie”. Tuy chiều dài lưỡi dao có thể từ 13 phân đến 60 phân, đặc điểm của dao này là sống dày, rất bén, có hình dáng hơi giống đao dùng trong võ thuật Trung Hoa nhưng lưỡi thẳng. Ngày nay, loại dao Bowie vẫn còn là loại dao thường thấy nhất trong dao dã ngoại.
         
        (16) Bầy Sói (wolfpack): chiến thuật sử dụng tàu ngầm do đô đốc Karl Donitz của Quốc Xã Đức đề xuất trong đệ nhị Thế Chiến, tiếng Đức là Rudeltaktik. Trước kia, tàu ngầm được sử dụng riêng lẻ. Nhận thấy từng chiếc tàu ngầm bị lần lượt phát hiện và đánh chìm, đô đốc Donitz đề xuất cho cả toán tàu ngầm (có khi cả mấy chục chiếc) bao vây và tấn công các đoàn tàu tiếp tế qua lại từ nước Anh qua Mỹ, và gọi nó là chiến thuật Bầy Sói. Chiến thuật này cực kỳ hữu hiệu làm phân tán lực lượng phòng vệ cho đoàn tàu quân đồng minh.
         
         
        #4
          Quang11 08.09.2016 08:04:27 (permalink)
          0
          Chương 2
           
          Quảng Trường Barkhor, Thành phố Lhasa, Tây Tạng
          Thứ Tư, ngày 19 tháng 11, 15:34, giờ địa phương
           
          Chiếc trực thăng bay đến thấp và nhanh, chỉ cách các mái nhà vàng kim, được trang trí tỉ mỉ của chùa Jokhang 4-5 mét. Bay gần kiến trúc cổ 1300 năm này như thế đã vi phạm cả chục điều luật và sắc lệnh một cách trắng trợn. Bất cứ chiếc máy bay nào khác mà dám bay như vậy đã bị cưỡng ép đáp xuống, hoặc đã bị bắn rơi bởi không quân hay bộ binh rồi. Hôm nay, mọi điều luật hay sắc lệnh gì cũng miễn hết. Miễn áp dụng cho chiếc trực thăng này.
           
          Đó là một chiếc HC-120 Colibri có vẻ tầm thường, phòng hành khách tròn trịa rõ ràng phong cách Âu châu, nhưng màu sơn và huy hiệu thì rõ ràng là Trung quốc. Tuy nhiên mọi sĩ quan công an hay quân đội đều biết ai đang ngồi trên ghế hành khách của chiếc trực thăng này và không một người nào điên khùng đến nổi muốn chất vấn cái gì.
           
          Viên phi công đã được lệnh phải đáp càng nhanh càng tốt và sử dụng đoạn đường ngắn nhất. Gã đang thành thật chấp hành chỉ thị này. Gã áp xuống gắt, gần như phớt qua đỉnh bia đá cao dựng ở cổng chùa.
           
          Bia đá bên trên hình tròn, cũng gần cổ xưa bằng chính ngôi chùa. Nó được vua Relpachen cho dựng lên vào năm 822, để kỷ niệm hòa ước Trung-Tạng đã cam kết rằng Trung Hoa và Tây Tạng sẽ vĩnh viễn tôn trọng biên giới giữa hai nước. Mặc cho bao thế kỷ mưa, gió và tuyết bào mòn, những dòng chữ khắc trên mặt đá xám vẫn còn đọc được. Bản tuyên dương của Trung Hoa về quyền tự chủ của Tây Tạng vẫn còn rõ rành rành cho cả thế giới đọc được. Mĩa mai thay, lực lượng chiếm đóng của Trung quốc không chú ý gì tới. Tuy vậy, dân bản địa Tây Tạng thì sẽ không dễ quên như vậy.
           
          Một bãi đáp đã được dọn sạch sẽ giữa quảng trường Barkhor. Đám đông khách du lịch, hành hương và người bán hàng thường thấy ở đây đã bị đẩy dạt ra bên rìa quảng trường. Họ chỉ có thể nhìn từ xa sau những rào gỗ, có hàng trăm binh sĩ Trung quốc kiểm soát với vẻ khắc nghiệt.
           
          Nơi trung tâm khu trống tạm thời này, chiếc trực thăng hạ xuống vài mét cuối cùng, lắc lư trong một ngọn gió thổi tạt qua, rồi đáp xuống mặt sân lót đá. Động cơ chỉ mới chạy chậm lại thì một chiếc xe quân dụng màu xanh đã trờ tới bên cạnh. Một viên thiếu tá bộ binh nhảy xuống xe, khom người tránh cánh quạt còn đang quay và nhỏ bước chạy đến cửa bên phía hành khách của chiếc trực thăng.
           
          Chiếc xe này là một chiếc Dongfeng EQ2050, hầu như sao y nguyên bổn của chiếc xe Mỹ Humvee. Chính thức được gọi là một sản phẩm được Trung quốc hoàn toàn thiết kế và sản xuất từ các bộ phận chế tạo tại Trung quốc. Trên thực tế, khoảng phân nửa số bộ phận được nhập từ hãng Mỹ AM General, ở thành phố South Bend, tiểu bang Indiana – hãng chế tạo chiếc Humvee gốc. Chi tiết này được mọi người lãng quên để tránh gánh lấy sự không vui của đảng.
           
          Cửa trực thăng mở ra và viên thiếu tá đứng nghiêm.
           
          Người đàn ông bước ra trong cơn lốc do cánh quạt trực thăng không có vẽ lợi hại đặc biệt nào. Lão vào khoảng 65 tuổi, gầy mà khỏe mạnh; mái tóc đen nhánh và da mặt trơn láng như rút bớt nhiều năm tuổi. Bộ com-lê sậm màu và chiếc sơ-mi trắng ủi thẳng được cắt may khéo léo, nhưng hàng vải không phải thuộc hạng đắt tiền lắm. Lão chỉ có một điểm trưng diện là chiếc cà-vạt bằng lụa đỏ thắm. Trông lão như một thương gia giàu có vừa phải, mặc một bộ com-lê khá thông thường.
           
          Gió lốc từ cánh quạt thổi tung tóc lão. Lão không buồn để ý tới, chỉ bước nhanh đến chiếc xe. Lão cũng không cúi đầu khi đi dưới cánh quạt. Lão đi với dáng thẳng tắp. Có lẽ lão tự tin rằng không có một cái gì trong quân đội Trung quốc dám tổn thương cái đầu của lão. Hay là, tâm trí lão đang đặt ở nơi xa xôi và lão không để ý đến nguy hiểm của cánh quạt trực thăng.
           
          Lão tên là Lu Shi và là đệ nhất phó Chủ Tịch của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trên nguyên tắc, điều này cho thấy rằng lão là người hùng mạnh thứ hai trong chính phủ Trung quốc, chỉ dưới Chủ Tịch Xiao Qishan mà thôi. Trên thực tế, vai trò thuộc hạ cho Chủ Tịch Xiao của lão Lu chẳng qua chỉ là một tấm bình phong trang nhã mà thôi.
           
          Chủ Tịch Xiao đã không còn trẻ nữa rồi và sức khỏe của lão cứ suy thoái dần sau lần đau tim sau cùng kia. Con mãnh long già này đã đạt được địa vị Chủ Tịch của lão và các tôn vinh của cái địa vị đó. Lão Lu vui lòng để lão Xiao tiếp tục mang cái chức vị ấy trong những tuần hay tháng còn lại. Tuy nhiên không một ai trong cao tầng của đảng có chút hoài nghi nào rằng ai mới là người nắm quyền trên đất nước này.
           
          Mà cho dù có ai hoài nghi chăng nữa, lão Lu là Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Quân Sự. Trên thực tế, chức vị này làm lão trở thành Tổng Tư Lệnh của toàn bộ quân đội Trung quốc. Khi mọi bình phong được gở xuống, lão Lu Shi không đứng dưới bất cứ ai cả.
           
          Hơi thụt phía sau Phó Chủ Tịch Lu là hai gã đàn ông vạm vỡ, mặc com-lê xanh dương đậm y như nhau. Mặt họ không có biểu tình gì, mắt đảo qua đám đông và nhóm quân đội với cùng vẻ ngờ vực như nhau. Đây là hai viên hộ vệ của lão Lu.
           
          Lu Shi chui vào khoang xe sau, hai viên hộ vệ theo sau, rồi viên sĩ quan cũng vào xe. Đám đông chung quanh chu vi rào gỗ tò mò nhìn, nhiều người thắc mắc không hiểu người thương gia đầy quyền thế bay trực thăng đến là ai. Lão già này là ai mà có thể chấn nhiếp quân đội và công an như thế? Đối với phần đông những kẻ đang nhìn, thắc mắc của họ sẽ không bao giờ có đáp án.
           
          Bọn lính dời một số rào gỗ đi, trông chừng đoàn xe cho đến khi chúng đã rời khỏi quảng trường và biến mất trong dòng xe cộ trong thành phố Lhasa.
           
          Cánh quạt của chiếc trực thăng lại tăng tốc. Hai-ba phút sau, nó bốc lên bầu trời. Sau khi nó bay mất dạng, bọn lính bắt đầu thu gom lại các rào gỗ. Lại thêm vài phút nữa, bọn lính cũng bỏ đi mất và dân chúng lại ùa vào quảng trường. Ngoài trừ những lời bàn tán tò mò của đám đông, chẳng còn dấu vết gì của sự việc bất thường đã diễn ra.
           
          *****
           
          Qua cửa sổ xe, Lu Shi nhìn đường phố Lhasa một cách xa vắng. Các màu sắc và hình ảnh chạy thoáng qua tầm nhìn của lão mà không để lại một cảm nhận nào trong tâm trí lão. Mắt lão không có tiêu cự, mà tư duy của lão cũng vậy.
           
          Với một người có trí thông minh gần như trong thần thoại, sự nhạy bén yếu ớt như thế gần như chưa từng nghe qua. Lần đầu tiên trong đời, Lu Shi không cách nào cưỡng ép mình suy nghĩ được. Mà hơn nữa, lão cũng không muốn suy nghĩ.
           
          Một trong các bánh xe to quân dụng lọt vào một ổ gà. Dàn nhún cứng rắn của chiếc xe không giảm xóc được bao nhiêu, làm cho cú xóc nảy truyền qua ghế hành khách thẳng vào cột sống của từng người. Đoạn đường không bằng phẳng chút nào; mà ghế xe thì lại không êm ái như loại xe sang trọng mà Lu Shi thường sử dụng. Nhưng lão không để ý.
           
          Các ngón tay lão lơ đảng đùa nghịch chiếc cà-vạt bằng lụa đỏ. Đó là một món quà từ nhiều năm trước do Lu Jianguo tặng lão. Vừa nghĩ đến tên con trai làm tay lão run lên.
           
          Những hình ảnh xông vào óc lão ngoài ý muốn. Những bức hình chụp các toa xe cháy đen và cong queo… Những đoạn phim quay lại hiện trường… Những lọn khói còn bốc lên từ những toa xe chở khách cháy rụi. Binh sĩ và nhân viên cấp cứu đang khiêng những băng-ca chở thi thể của những người chết và bị thương.
           
          Lu Shi nhắm nghiền mắt lại để hi vọng chặn lại những hình ảnh máu me và thịt nát.
           
          Không một bức hình nào hay đoạn phim nào mà lão đã xem chứa mặt mày của Lu Jianguo cả. Lão thầm tạ ơn trời là lão không phải nhìn hình ảnh thân thể tàn hủy của nhi tử lão. Tuy nhiên Lu Jianguo quả thật đã ở nơi ấy, trong số những người chết và bị thương, không được nhóm cấp cứu xuất hiện đầu tiên tại hiện trường nhận ra. Khi ấy, đối với đám lính và nhân viên y tế, gã chỉ là một người bị thương khác, một nạn nhân khác trong vụ thảm họa ấy mà thôi.
           
          Ở một nơi sâu xa trong tâm trí của Lu Shi, bên dưới tầng ý thức, những sự sợ hãi, phẫn nộ và đau đớn đang vờn quanh như những con cá mập hung ác. Nhưng hiện tại, mọi xúc động của lão cũng bị tê liệt như khả năng suy luận của lão vậy.
           
          Các ngón tay của lão cứ kéo thẳng cà-vạt, thắt chặt gút lại, vuốt thẳng vải lụa, rồi lại nới lỏng nó ra một chút, rồi lại bắt đầu mọi thao tác lại từ đầu.
           
          Một lúc lâu sau, một bàn tay chạm vào vai lão. “Thưa đồng chí Phó Chủ Tịch, chúng ta đã đến nơi rồi.”
           
          Lu Shi ngước lên, cố gắng trấn tỉnh lại. Chiếc xe đang ngừng trước cửa một tòa nhà quét vôi trắng có cửa kính hình vòm. Lão liếc nhìn tấm biển để xác nhận rằng đây quả thật là bệnh viện nhân dân Tây Tạng, rồi đảo mắt đi. Các ngón tay lại tìm đến chiếc cà-vạt lụa đỏ.
           
          Cửa xe sau mở ra và Lu Shi theo gã thiếu tá ra khỏi xe, vượt qua một lề đường ngắn, đi qua cửa kính đôi đến tiền sảnh.
           
          Một nhóm nhân viên bệnh viện mặc y phục trắng cung kính cúi đầu và tiến đến đón lão. Có lẽ có vài người là bác sĩ hay giám đốc của bệnh viện, nhưng hai tên cận vệ của Lu Shi không để ý. Chúng tiến lên tạo thành một bức rào giữa lão Phó Chủ Tịch và những người kia.
           
          Hai gã cận vệ không nói một lời, nhưng vẻ mặt và tư thế của chúng cho thấy rõ ràng nếu bất cứ kẻ nào dám vượt qua một chu vi vô hình nào đó quanh người được chúng bảo vệ, chúng sẽ không ngần ngừ hạ sát thủ.
           
          Gã thiếu tá ngẫu nhiên chỉ một người mặc y phục trắng. “Ông này! Đưa chúng ta lên phòng đi!”
           
          Người đàn ông kia vội vã gật đầu, miệng lắp bắp không rõ ràng.
           
          Lu Shi, hai tên cận vệ và viên thiếu tá đi theo người đàn ông vào hành lang và vào thang máy. Sau khi đi lên ba tầng, gã đàn ông đưa họ ra khỏi thang máy, vòng qua một bàn làm việc tròn của y tá đến cửa một căn phòng. Gã mở cửa phòng và nép qua bên nhường lối cho lão Phó Chủ Tịch và đám thủ hạ.
           
          Lu Shi đứng yên trước cửa phòng. Lão đang ở ngưỡng cửa, trên nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Chính là nơi này. Lão đã đến nơi mà tiềm thức của lão cứ cố gắng trì hoãn hay hoàn toàn chối bỏ.
           
          Các giác quan của lão đã bị sự mệt mỏi mài mòn, nay bắt đầu ngo ngoe. Khung cửa, các vách tường và cả người lạ mặc y phục trắng từ từ hiện lên rõ nét hơn. Lúc trước, thính giác của lão đã lọc đi phần lớn các tiếng động chung quanh, nay bắt đầu trở về. Lão bắt đầu nghe được những mẫu đối thoại xì-xào nơi xa, những tiếng máy điện âm ỉ và – lão thật không muốn nghe cái này – âm thanh xì-xì của máy hô hấp.
           
          Cái âm thanh này vừa ghê tởm, lại vừa như thôi miên người ta. Tiếng rít ở tần số cao khi máy cưỡng ép hít vào, rồi tiếng róc-rách khi máy hút hơi ra, rồi lại tiếng rít ép hít vào của chu kỳ kế tới. Cái khái niệm một cái máy bơm hơi vào phổi người ta rồi lại hút ra, có vẻ tục tỉu làm sao ấy.
           
          Lu Shi rùng mình một cách vô ý thức, rồi chợt nhận ra là khứu giác của lão cũng đã trở về. Cũng với những hình ảnh và âm thanh tràn về, một dòng thác mùi vị ào xuống. Mùi cồn sát trùng cay mũi. Mùi máu tanh chất đồng. Mùi thối của con người đau đớn.
           
          Sự tê tái bắt đầu rút đi, nhưng lão chưa sẳn sàng để nó biến mất. Lão chưa chuẩn bị xong để suy nghĩ, cảm nhận và chắc chắn là lão chưa sẳn sàng bước qua khung cửa ấy. Lão chợt ý thức được các ngón tay đang nghịch với chiếc cà-vạt và lão thả tay xuống.
           
          Không ai nói một tiếng nào.
           
          Hai tên cận vệ đứng bên cạnh lão như đôi sư tử bên cổng chùa, sẳn sàng phản ứng trong nháy mắt hay chờ đợi ngàn năm, bao giờ cũng trên ranh giới hành động sấm sét.
           
          Viên thiếu tá cũng chờ đợi. Gã là một loại chiến sĩ khác. Thân thể và tư duy của gã không được huấn luyện để hành động trong nháy mắt. Là một binh sĩ, gã sẳn sàng chiến đấu hay hi sinh khi đến lúc hay đến nơi mà gã cần phải chiến đấu hay chết. Nhưng hiện tại không phải là lúc ấy và nơi này không phải là nơi đó. Hiện tại, nhiệm vụ của gã là chờ thượng cấp làm hành động kế tiếp, hay phát ra mệnh lệnh kế tiếp.
           
          Người đàn ông mặc y phục trắng cũng đứng yên, không nói năng gì. Gã không có cái kỷ luật kinh người của hai tên cận vệ hay của tên thiếu tá. Nhưng gã không phải là một người ngu. Gã sẽ đứng đó, giữ cánh cửa mở rộng. Gã sẽ không nói một lời; gã sẽ không nhúc nhích; mà chắc chắn là gã sẽ không để cho cánh cửa xập vào mũi vị Phó Chủ Tịch của nước CHNDTH.
           
          Cảm giác mất phương hướng tan biến một cách nhanh chóng, thay thế bằng một sự chờ đợi đầy lo sợ.
           
          Lu Shi cũng đã phải tranh đấu để giành quyền thế hiện có, mà sự tranh đấu này cũng không phải là nhẹ nhàng gì. Lão không xa lạ gì đấu đá và nghịch cảnh. Lão không dễ gì sợ hãi, nhưng lão lo sợ cái mà lão sẽ gặp phải bên kia khung cửa.
           
          Lão cố đè xuống sự nô nức muốn quay lưng và bỏ chạy. Lão thở ra thật chậm, trấn định lại tâm thần. Trước khi kịp đổi ý, lão bước nhanh tới, xuyên qua khung cửa.
           
          Căn phòng này rõ ràng được thiết kế cho ba bệnh nhân, nhưng nay chỉ chứa một người thôi. Mấy cái giường kia có lẽ đã được nhét vào một phòng chứa đâu đó, để dành chỗ cho nhi tử của Phó Chủ Tịch Lu. Nhân viên bệnh viện đã hiểu rõ rằng đây là bệnh nhân quan trọng nhất mà bệnh viện được săn sóc, bây giờ và cả trong tương lai nữa.
           
          Chiếc giường duy nhất được kê gần cửa sổ, chung quanh đầy những giá treo ống truyền máu, dụng cụ đo đạc và nhiều máy móc khó nhận diện khác. Tất cả những thứ này được gắn chồng chéo nhau bằng ống cao su, dây điện và những ống hơi trong suốt.
           
          Trên giường, dưới một tấm ga xanh lục, có một dáng người. Trong khi tiến tới giường, Lu Shi tránh nhìn cái dáng người này. Lão chưa chuẩn bị sẳn sàng. Vẫn chưa. Lão tập trung chú ý vào những máy móc y khoa bí hiểm. Gần như mỗi chiếc máy này đều có một sợi dây hay một cái ống chạy ngoằn ngoèo trên mặt đất, rồi biến mất bên dưới tấm ga xanh lục. Bệnh nhân – Lu Shi vẫn chưa chịu nhìn nhận là cái thân thể im lìm kia là con trai lão – bị gắn đầy ống và dây điện như con chuột trong một cuộc thử nghiệm kinh tởm nào đó vậy.
           
          Cuối cùng, Lu Shi cố tự ép mình nhìn suốt chiếc giường, ghi nhận mọi chi tiết. Lão thoáng dừng mắt lại khi nhìn đến chỗ đầu gối, hay đúng hơn là chỗ mà đáng lý phải có đầu gối. Chiếc ga nằm bẹp vào nệm giường. Không có một chỗ nhô lên hay hình dáng của đôi chân.
           
          Lu Shi thoáng cảm thấy nghẹn. Lão đã nghe qua báo cáo về thương tích của con trai lão, nhưng nghe là một chuyện, nhìn thấy sự thật lại là chuyện khác hẳn.
           
          Mắt lão tiếp tục tiến lên cao hơn, lướt qua hai khối nhô lên cho thấy lớp băng bó nơi đôi chân bị cưa. Khi lên đến phần thân, cánh tay trái được đặt bên trên tấm ga, được băng bó nhưng coi như toàn vẹn, ít ra là ở bề ngoài. Lớp băng bên tay phải thì dày hơn nhiều và giống như đôi chân, lớp băng ngưng lại bên trên cổ tay.
           
          Lu Shi lại nhìn lên hơn nữa, vào khuôn mặt, nếu khối thịt bầy nhầy và sưng vù ấy có thể được gọi là mặt. Một cái đai dày giữ cái cổ cứng lại, làm cho cái đầu hơi ngửa ra sau, để một đám ống nhựa luồn vào lỗ mũi và miệng.
           
          Mắt phải và lỗ tai phải được quấn băng, những phần có thể nhìn thấy của gương mặt sưng vù, bầm tím và ngang dọc những vết chỉ may. Con mắt trái mở to, nhìn lên trần phòng một cách mờ mịt.
           
          Khi lão nhìn chăm chú vào con mắt ấy, Lu Shi cảm thấy một sự nhìn nhận mà lão rất khó chấp nhận. Bệnh nhân trong đúng lứa tuổi: khoảng từ 35 đến 40; nhưng Lu Shi lập tức quyết định rằng cho dù có cùng tuổi cũng không chứng minh điều gì. Lão không muốn nhận ra khuôn mặt này. Lão muốn rằng đó là khuôn mặt của một kẻ lạ; phải là kẻ lạ!
           
          Một tia hi vọng vẫn lập lòe ở một nơi sâu xa trong tâm lão, chỉ một tia… Đây có thể không phải là Lu Jianguo mà. Có thể là một sự nhầm lẫn lý lịch kỳ lạ nào đó. Có lẽ người nào đó đã nhận lầm kẻ khốn khổ này là nhi tử của lão. Và có lẽ, ở đâu đó Lu Jianguo vẫn đang an toàn, toàn vẹn và sống khỏe.
           
          Lu Shi chợt cảm thấy lệ nóng trên má. Cầu mong là thế. Ôi, cầu mong là thế… Cầu mong rằng con người tàn phế này là bất cứ ai khác hơn là Lu Jianguo.
           
          Nhưng rồi niềm hi vọng cuối cùng của lão tắt lịm. Lão cảm thấy cái tia hi vọng nhỏ xíu ấy bị bóng tối chôn vùi. Gương mặt của người đàn ông nằm trên giường đã bị tàn phá và méo mó, nhưng không phải là gương mặt của một người lạ. Những sự từ chối cuối cùng bị giật ra khỏi lão như bởi một cơn gió lốc. Cái vật này… Cái khối thịt người này… chính là Lu Jianguo rồi.
           
          Tận nơi sâu thẳm trong lòng Lu Shi, một cái gì đó chợt đứt gãy, một cái gì không thể định nghĩa được và vô cùng dễ vỡ. Lão không biết gọi nó là gì và lão cũng không biết nó là gì. Nhưng lão biết ngay lão đã mất nó và lão không chút hoài nghi là không thể nào gắn liền nó lại được nữa. Mọi thứ đã không còn như xưa.
           
          Lão nhìn xuống con vật đã từng là nhi tử của lão. Lụa đỏ của chiếc cà-vạt thật mềm mại trong các ngón tay chới với của lão.
           
          Khi còn nhỏ, Lu Jianguo đã tặng cho phụ thân của gã thật nhiều món quà của trẻ nít… những cái gạt tàn thuốc lá tự tay hắn làm… những món đồ trưng bày làm bằng giấy đủ màu… những khung ảnh đính vỏ xò… Biết bao vật vô giá mà trẻ con làm cho cha mẹ chúng. Nhưng chiếc cà-vạt thì lại khác, chẳng những vì nó đắt tiền mà còn vì sự cẩn thận hắn bỏ ra khi lựa chọn nó cho lão. Nó là lần đầu tiên Lu Jianguo cố gắng tìm hiểu ý thích và sự mong mỏi của phụ thân. Nó là hành vi nam nhân đầu tiên của đứa bé trai. Khi ấy, Lu Jianguo mới có chín tuổi.
           
          Khi ấy, Lu Shi biết rằng lão đã chọn đúng tên cho con rồi. Jianguo (Kiến Quốc) có nghĩa là ‘xây dựng quốc gia’. Nhìn vào đôi mắt của nhi tử, Lu Shi đã thấy mình khôn khéo làm sao khi chọn cái tên ấy vì Lu Jianguo thật sự sẽ xây dựng đất nước. Và khi ấy, Lu Shi đã không hề hoài nghi là lão đang đứng trước vị lãnh tụ tương lai của Trung quốc.
           
          Lu Shi nháy mắt và ký ức của cái ngày xa xưa ấy tan biến. Ngày ấy, lão đã tin chắc rằng lão đã biết được tương lai của Trung quốc… tương lai của nhi tử.
           
          Giờ đây, nhìn vào cái thân hình được đắp tấm ga xanh của Lu Jianguo, Lu Shi không còn biết cái gì là chắc chắn nữa. Sau suốt đời người hoạch định và chuẩn bị cho tương lai, Lu Shi chợt khám phá ra là không có tương lai gì cả. Chỉ có những giấc mơ và kế hoạch có thể sụp đổ mà không có một tiếng báo động nào. Tương lai đã bị cướp mất từ trong tay của Lu Shi, của Lu Jianguo và của Trung quốc nữa. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Lu Shi không màng đến ngày mai.
           
          Lão chợt nhận ra rằng đôi mắt lão đã trở về chỗ tấm ga phẳng phiu trên giường, phủ nơi chân cụt của con trai lão. “Chúng đâu rồi?” Lão thản nhiên hỏi.
           
          Người đàn ông mặc y phục trắng nhìn theo ánh mắt của Lu Shi. Gã lo lắng tằng hắng. “Đôi chân của ông ấy, phải không ạ? Thưa đồng chí Phó Chủ Tịch, tôi… tôi thật sự không rõ. Một cái đã bị đứt trước khi ông ấy được đưa đến đây. Còn cái kia…”
           
          Lu Shi trừng mắt nhìn người đàn ông làm gã câm nín. “Không phải chân con tôi!” Lão rít lên. Lão quay sang viên thiếu tá.
           
          Gã này cứng người lại. “Vâng, thưa đồng chí Phó Chủ Tịch?”
           
          “Những kẽ đã làm ra việc này đâu?” Lu Shi hỏi. “Những tên tội phạm…” Lão chợt dừng, rồi lại nói tiếp gần như thì thào. “Những tên khủng bố… đã làm ra việc này… Chúng đâu rồi?”
           
          Viên thiếu tá nuốt ực nước miếng rồi mới đáp. “Chúng tôi… À… Chúng tôi nghĩ rằng chúng định vượt qua núi sang Ấn Độ. Với thời tiết hiện nay, có lẽ chúng sẽ đi qua sơn đạo Nathu La.”
           
          “Thì ra là vậy.” Lu Shi nói nhẹ. “Như vậy là anh không biết chúng ở đâu?”
           
          Viên thiếu tá lắc đầu. “Chưa biết, thưa đồng chí Phó Chủ Tịch. Tướng quân Zhou đã cho người và máy bay càn quét mọi sơn đạo từ đây đến biên giới Ấn Độ. Tướng quân đã hạ lệnh tăng cường kiểm tra bằng vệ tinh ở mọi con đường chúng có khả năng dùng để đào tẩu nhất. Chúng ta sẽ tìm được bọn khủng bố, thưa đồng chí. Chúng không thể trốn tầm mắt chúng ta mãi đâu.”
           
          Lu Shi chậm rãi gật đầu. “Còn tên tù thì sao? Tên khủng bố mà các anh đã bắt được ấy… Nó đã bị bẻ gãy chưa?”
           
          “Chưa, thưa đồng chí.” Viên thiếu tá đáp. “Nhưng nó sẽ.”
           
          Lu Shi đảo mắt trở lại chiếc giường. “Thông báo cho tướng quân Zhou là quân đội phải giao tên tù nhân cho bộ An Ninh Quốc Gia ngay lập tức.”
           
          Viên thiếu tá nói với giọng thản nhiên, nhưng mặt nhăn nhó. “Thưa đồng chí Phó Chủ Tịch, cái đó không cần đâu. Tôi xin cam đoan là các chuyên viên thẩm tra của chúng tôi sẽ lấy được tin tức chúng ta cần.”
           
          Lu Shi không thèm nhìn gã. “Tôi không đề nghị với anh đâu, thiếu tá. Tôi trực tiếp hạ lệnh cho anh. Không phải tôi muốn sẽ sớm được biết tin tức ấy. Mà tôi muốn nó ngay bây giờ. Anh hiểu chưa?”
           
          Viên thiếu tá đứng nghiêm và đưa tay chào theo quân lễ. “Dạ, thưa đồng chí!”
           
          Gã quay ngoắc đi và bước nhanh ra khỏi phòng.
           
          Sau khi gã đi khỏi, Lu Shi đứng yên lặng nhiều phút. Âm thanh duy nhất trong phòng là tiếng rít và róc-rách của máy hô hấp. Cuối cùng, lão ngẩng đầu lên và nhìn vào mắt người đàn ông mặc đồ trắng. “Tháo máy đi.”
           
          Mặt gã kia như trướng lên vì hoảng sợ. “Đồng chí Phó Chủ Tịch, chúng ta không thể làm thế! Những máy móc này tối cần thiết để duy trì sự sống. Nếu chúng ta tắt chúng đi, con trai đồng chí sẽ chết đó!”
           
          Lu Shi quay nhìn lại chiếc giường. “Có bao giờ hắn sẽ không cần đến các máy móc này nữa không? Hắn có thể hồi phục để rời khỏi cái giường này không?”
           
          Người đàn ông co rụt lại khi nghe giọng nói nghiêm khắc của Lu Shi. “Cái đó… Cái đó có lẽ không thể nào, thưa đồng chí. Con đồng chí đã bị thương rất nặng trong óc rồi.” Gã nuốt nước miếng. “Tôi… Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ hoàn toàn không cần đến máy hỗ trợ.”
           
          Giọng nói của Lu Shi thật trầm thấp và lạnh lùng. “Như vậy thì con trai tôi đã chết rồi. Tháo máy đi.”
           
          #5
            Quang11 08.09.2016 08:07:46 (permalink)
            0
            Chương 3
            Nhà tù Qushui
            Khu Tây Nam thành phố Lhasa, Tây Tạng
            Thứ Tư, ngày 19 tháng 11, 19:34, giờ địa phương
             
            Có âm thanh gì đó bên kia cánh cửa. Trong căn phòng tối lù mù, Sonam đang bị trói vào một cái ghế tỉnh dậy ngay tức khắc.
             
            Gã đang trôi dạt trong cái trạng thái lạ lùng giữa ý thức và vô thức. Nỗi đau đớn vẫn liên tục và thôi thúc làm gã không thể nào ngủ được; nhưng gã có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi để mình chìm vào một sự mơ màng.
             
            Mặt và phần trên thân thể của gã đau nhừ vì những pha đánh đập liên tiếp và những phát chấn động bởi roi điện. Ít nhất có hai thanh xương sườn của gã đã gãy và mỗi lần hô hấp lại đem đến nỗi đau xé thịt. Lỗ đạn nơi đùi trái đau nhói theo nhịp tim của gã. Bọn khốn kiếp này đã băng bó chân trái của gã rất tốt; gã phải nhìn nhận điều này. Viên đạn đã được gắp ra; vết thương được khâu lại gọn gàng và chúng thay băng sạch đều đặn. Dĩ nhiên, chúng làm thế không vì nhân đạo. Quân đội Trung quốc đâu có màng gì tới sức khỏe của gã? Chúng chỉ muốn gã tiếp tục sống tốt để chúng có thể thẩm tra thôi.
             
            Nhóm người thẩm tra Sonam đã tránh đụng đến vết thương của Sonam. Chúng chỉ tập trung vào phần thân thể phía trên của gã thôi. Điều này vẫn còn chừa cho chúng khối nơi để hành động và chúng đã hành động một cách cực kỳ thô bạo.
             
            Âm thanh lại vang lên và lần này, Sonam đã nhận ra nó: tiếng đế giày lê trên nền xi-măng. Ngay tiếp theo là tiếng chìa khóa được tra vào ổ, rồi chốt cửa được mở ra ken-két. Bọn lính lại đến nữa rồi.
             
            Sonam chợt cảm thấy hốt hoảng, cùng với một cơn buồn tiểu hay buồn ói, hay cả hai. Gã cố gắng ép mình hít thở chậm lại.
             
            Gã có thể chịu được. Gã sẽ vượt qua một đợt đánh đập nữa. Gã sẽ sống sót qua một bửa roi điện nữa. Gã sẽ nghiến chặt hàm răng và dùng ý chí để vượt qua. Gã tự nhủ hết lần này qua lần kia rằng gã sẽ không trả lời các câu hỏi của chúng. Gã sẽ không bao giờ phản bội dân tộc mình, mặc cho bọn súc vật Trung quốc này làm gì gã.
             
            Nếu bọn thẩm tra tiến đến quá gần, gã sẻ nhổ vào mặt chúng. Nếu gã may mắn, chúng sẽ điên tiết lên và đánh gã bất tỉnh luôn.
             
            Cánh cửa mở ra và, sau không biết bao lâu trong bóng tối mờ, chỉ một chút ánh đèn mờ từ ngoài hành lang cũng đủ làm Sonam ứa nước mắt và chớp mắt liên hồi. Phải mất vài giây gã mới nhận ra rằng lần này không phải lại đối diện với bọn lính. Lần này khác hẳn.
             
            Người đàn ông đứng nơi khung cửa có dáng nhỏ bé và sạch sẽ. Hắn cũng là người Trung như bọn lính, nhưng chỉ giống nhau chừng đó thôi. Hắn mặc thường phục và không có cái dáng kiệt ngạo của bọn lính. Nhìn hắn không có gì là thô bạo cả. Nhìn hắn như một tên thơ ký văn phòng, hay một viên chức cấp thấp. Mắt hắn không có sự sống, như mắt của một con búp bê vậy. Ngũ quan của hắn thật bình thường và thái độ có vẽ hờ hững.
             
            Nheo mắt nhìn người đàn ông thấp nhỏ tầm thường này, Sonam tự hỏi phải chăng hắn đi nhầm phòng.
             
            Gã còn đang thắc mắc thì một người đàn ông khác tiến vào phòng, tay cầm một túi nhựa đen có khóa kéo và một cái bàn xếp nhỏ bằng gỗ. Cũng như tên thơ ký văn phòng, người này mặc thường phục. Y nhanh chóng dựng cái bàn, đặt túi nhựa lên mặt bàn, rồi rời căn phòng, đóng cánh cửa lại.
             
            Tên thơ ký không nhìn đến cái túi, nhưng Sonam cảm thấy mắt của chính mình dán chặt vào nó. Mặt nhựa trầy sướt và đường may chung quanh sờn cũ đổi sang màu xám. Gã chợt hiểu rằng người đàn ông thấp nhỏ có vẽ mặt dửng dưng này không phải là một tên thơ ký gì cả, và gã cũng chợt nhận ra là gã không muốn biết chiếc túi đựng những gì bên trong.
             
            Người đàn ông thấp nhỏ nói thẳng. “Tôi sẽ hỏi anh vài câu.”
             
            Giọng nói của hắn thấp và đều đều. Hắn nói tiếng Tạng hợp cách, không như biết bao người Trung khác. Không như âm Tạng của Sonam bị ảnh hưởng của tiếng Ấn vùng Dharamsala, người đàn ông này nói tiếng Tạng không có tạp âm nào cả.
             
            Sonam im lặng nhìn hắn.
             
            “Anh sẽ trả lời các câu hỏi của tôi.” Người đàn ông thấp nhỏ nói. “Anh phải hiểu rằng không phải tôi khoe đâu, cũng không phải lời tiên đoán gì. Đây chỉ là sự thật thôi. Anh sẽ trả lời các câu tôi hỏi.”
             
            Sonam vẫn không nói gì cả.
             
            Người đàn ông đi đến chiếc bàn xếp và kéo dây khóa mở bao ra. Hắn ngước nhìn Sonam, vẽ mặt vẫn hờ hững. “Anh có thể lựa chọn ngay bây giờ, một cách dễ chịu, hay sáu tiếng sau, khi mà anh không còn ngón tay, hòn d**, con mắt nào nữa và khi mà cổ họng anh đã rách toang vì gào rống.”
             
            Sonam biết ngay rằng đây không phải là đe dọa rỗng tuếch. Giọng nói của người đàn ông kia không có gì là tàn nhẫn, nhưng cũng không có một chút nhân từ nào.
             
            Người đàn ông thò tay vào túi và lấy ra một cái kềm có cán dài và cái đầu vuông vức nặng nề.
             
            “Tôi sẽ hỏi anh vài câu hỏi.” Hắn lại nói. Hắn mở rồi đóng cái kềm vài lần, như thể đang thử xem cái kềm có hoạt động trơn tru hay không. “Lần đầu tiên mà anh không trả lời, tôi sẽ kẹp cái kềm này vào ngón trỏ phải của anh và tôi sẽ kẹp nó thành tương máu.”
             
            Hắn nhìn thẳng vào mắt Sonam. “Anh hiểu chưa?”
             
            Đầu của Sonam suýt tự động gật, nhưng gã chợt nhận ra và giữ cứng các bắp thịt cổ lại. Gã quyết không trả lời, dù chỉ bằng bất cứ một cử chỉ nào.
             
            Người đàn ông thấp nhỏ tiến đến cạnh chiếc ghế. Sonam nhớ đến dự định sẽ nhổ vào mặt những kẻ tra tấn gã. Người đàn ông đến đúng tầm rồi, nhưng miệng của Sonam đã khô khốc. Gã không tìm đâu ra được một giọt nước miếng nào cả.
             
            Gã rụt người lại khi người đàn ông chộp bàn tay phải của gã. Gã cố giật bàn tay đi, nhưng cổ tay và khuỷu tay gã đã bị cột cứng vào cánh tay ghế rồi.
             
            Hai gọng kềm lạnh ngắt khép quanh ngón tay gã, ở khớp xương giữa lóng thứ hai và ba. Gã cảm thấy hơi khó chịu khi mặt răng nghiến vào da, nhưng người đàn ông thấp nhỏ điều chỉnh vị trí của kềm và cảm giác khó chịu biến mất.
             
            Sonam trố mắt nhìn người đàn ông hơi gồng người lên rồi bóp mạnh hai cán kềm. Đau đớn xé người Sonam, xuyên sâu vào thân gã như viên đạn trước kia của quân Trung quốc vậy. Xương ngón tay gã vở vụng trong tiếng răng rắc ghê người mà gã nghe và cảm nhận rõ ràng. Tầm nhìn của gã thu hẹp lại và đổ sụp xuống cho đến khi gã chỉ còn thấy một chấm đỏ chói như máu tươi.
             
            Miệng gã đắng chát. Thế mà hai gọng kềm vẫn tiếp tục tiến đến nhau, nghiền vỡ xương, thịt, gân và da thành một đám bầy nhầy.
             
            Hai gọng kềm đụng vào nhau. Chỗ ngón tay ấy của gã đã biến thành tương. Nhưng thanh kềm vẫn còn chưa dừng lại. Nó xoắn và kéo, hai gọng mở ra và đóng vào như miệng cá sấu đang tìm một tư thế để nuốt con mồi một cách gọn gàng hơn. Hai gọng kềm chạy lên chạy xuống từ vị trí đầu tiên, tìm tòi những phần ngón tay còn chưa dập nát, tìm đến những đầu xương gãy nham nhở để nghiền tất cả.
             
            Ngón tay của Sonam, cái vật đã từng là ngón tay của gã, bây giờ đã trở thành trung tâm của cả vũ trụ. Nó che lấp tất cả. Không còn thứ gì khác tồn tại. Không còn sinh mạng. Không còn thế giới. Không còn tư duy. Chỉ còn hai gọng kềm tham lam và sự thống khổ vô bờ.
             
            Phải cả phút sau gã mới ý thức ra rằng gã đang gào rống. Tiếng thét cao vút nghe giống như của thú vật hơn là con người. Lại phải tốn cả một, hai phút nữa gã mới cố ngừng tiếng hét được. Cuối cùng, khi gã đã ngừng lại, gã đã gục trên ghế, nức nở khóc.
             
            Từ nơi xa xôi, xuyên qua cơn đau đớn, gã nghe tiếng nói của người đàn ông thấp nhỏ.
             
            “Tôi thích biểu diển nho nhỏ như thế. Một màn nhỏ đủ để anh chú ý, nhưng cũng nhỏ đủ để anh có thể hồi phục nếu anh chịu hợp tác.”
             
            Giọng nói của người đàn ông vẫn không có gì tàn nhẫn cả. Không một sự đe dọa nào, không có sự thích thú nào. Đây không phải là giọng nói của một người ngược đãi người khác vì sở thích. Đây là giọng nói của sự tự tin tuyệt đối và ý chí kiên định. Và Sonam hiểu rằng hắn sẽ tiếp tục công việc cho đến khi mục đích đã đạt được. Hắn sẽ không đánh đập nạn nhân đến bất tỉnh và hắn sẽ không phạm phải bất cứ một sai lầm ngu xuẩn nào. Hắn sẽ làm việc một cách hệ thống và tỉ mỉ, và hắn sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi hắn lấy được tin tức mà hắn muốn. Công việc này sẽ chấm dứt ngay bây giờ khi mà thân thể của Sonam còn có hình người, hay sau vài giờ nữa khi thân thể của gã chỉ còn lại mãnh vụn và thống khổ.
             
            “Chúng ta bắt đầu lại nhé.” Người đàn ông thấp nhỏ nói. “Tôi sẽ hỏi anh vài câu và anh sẽ trả lời. Anh hiểu chứ?”
             
            Sonam gật đầu.
             
            “Tốt lắm.” Người đàn ông nói. “Chỗ tôi biểu diễn kế tới là hòn d** bên trái của anh. Nếu anh nói dối hay nếu anh lại không chịu trả lời, tôi sẽ nghiền nát hòn d** của anh như ngón tay vậy. Anh hiểu chưa?”
             
            Sonam lại gật đầu. “Tôi…” Tiếng gã khản đặc. “Tôi sẽ… nói hết… cho ông những gì ông muốn biết.”
             
            “Phải.” Người đàn ông nói. “Tôi biết anh sẽ nói hết.”
             
            #6
              Quang11 08.09.2016 08:11:34 (permalink)
              0
              Chương 4
              Khu trục hạm USS Towers (DDG-103)
              Quân Cảng Hoa Kỳ, tỉnh Yokosuka, Nhật Bản
              Thứ Sáu, ngày 21 tháng 11, 13:21, giờ địa phương
               
              Một tầng mây dày bao phủ hải cảng Yokosuka. Nhiệt độ ở khoảng 13 độ, nhưng gió từ vịnh Tokyo thổi tới làm người ta cảm thấy lạnh hơn. Mùa đông thật sự vẫn còn cách vài tuần lễ nữa và cái rét trong không khí chỉ dự báo trước thời tiết sắp tới thôi.
               
              In dáng trên nền trời Nhật Bản âm u, chiếc tàu khu trục Mỹ nhìn trông góc cạnh một cách khác thường. Lớp sơn quang hợp ngụy trang của chiếc tàu đã chuyển sang màu đá xám đậm, rất tiệp với màu sóng biển đang vỗ lên mạn thép của nó.
               
              Trung tá Silva đứng nơi đuôi tàu và đang tưởng tượng chiếc tàu sẽ trông ra sao trong hai tuần lễ nữa, khi những tấm thảm đỏ được trải xuống và những trang trí ca ngợi đất nước được treo lên. Các dây an toàn bên mạn tàu sẽ được treo băng đỏ, trắng và xanh dương. Lá cờ Hoa Kỳ đang tung bay trên cột cờ sẽ được thay thế bằng lá cờ “lễ hội” to lớn được dành riêng cho các ngày Chủ Nhật và các dịp đặc biệt khác.
               
              Những trang trí và cờ lễ hội đó tượng trưng cho truyền thống hằng mấy trăm năm của hải quân. Chiếc USS Towers sẽ diễn ra buổi lễ bàn giao, chuyển quyền điều hành con tàu từ hạm trưởng này qua hạm trưởng kế tới.
               
              Buổi lễ này, chỉ cách 14 ngày nữa, là đỉnh điểm của tất cả sự cố gắng của Silva. Sau nghi lễ Hải quân long trọng, nàng sẽ tiến lên bục và tuyên bố đảm nhiệm quyền chỉ huy của chiến hạm này. Sau khi trao đổi những nghi thức và quân lễ ngắn gọn, chức vị của nàng sẽ chuyển từ Trung Tá sang Hạm Trưởng. Nàng sẽ trở thành sĩ quan chỉ huy của một trong những chiến hạm tiên tiến nhất mà loài người chế tạo.
               
              Và cũng cùng lúc ấy, Đại Tá Bowie sẽ từ bỏ quyền chỉ huy của chiến hạm. Khi quân lễ của hai người chấm dứt, một thời đại sẽ chấm dứt và một thời đại khác sẽ bắt đầu. Bowie sẽ chào từ giả các nhân viên nam và nữ đã phục vụ dưới quyền hắn.
               
              Một số trong thủy thủ đoàn là người mới trên chiếc Towers, mới nhận được lệnh phục vụ trên chiến hạm này cách đây không lâu, cũng như chính Silva vậy. Nhưng nhiều người khác đã có mặt trong chuyến ra biển trước đây với Bowie khi mà chiếc khu trục hạm đã phải chạm trán với một chiếc tàu ngầm tà nghịch bên dưới biển băng Nga. Một vài người còn từng phục vụ với Bowie trong lần ra khơi trước đó nữa, khi mà chiếc Towers truy sát một nhóm tàu ngầm loại xung kích hoạt động theo kiểu ‘bầy sói’ (16) từ bên này qua bên kia vịnh Ba Tư. (Chú thích của dịch giả: tác giả có viết hai tác phẩm trước về khu trục hạm USS Towers)
               
              Họ đã chiến đấu và đổ máu cho Bowie. Một số trong thủy thủ đoàn còn đã bỏ mạng cho hắn. Để đáp lại, Bowie đã mang lại cho họ chiến thắng. Mà quan trọng hơn nữa, hắn đã cho họ cơ hội cứu mạng hàng triệu người đồng hương. Hắn đã khiến cho mỗi thành viên của thủy thủ đoàn, từ gã thủy thủ thấp nhất cho đến sĩ quan cao nhất, cảm thấy mình là một chiến sĩ. Và bây giờ, hắn rời đi.
               
              Trong mấy ngày qua, Silva đã thấy biểu cảm trên các gương mặt của thủy thủ đoàn khi sự ra đi của hạm trưởng của họ đã dần dần thành sự thật. Chiếc tàu dĩ nhiên sẽ có một hạm trưởng mới. Silva sẽ là vị hạm trưởng ấy. Nhưng hạm trưởng của họ sẽ đi mất và Katherine Silva sẽ chỉ gắng gượng ngồi vào vị trí của vị hạm trưởng đã biến họ thành những anh hùng mà thôi.
               
              Một giọt mưa rơi xuống má của Silva và lăn xuống như một giọt lệ. Tiếp đó là hàng trăm hàng ngàn giọt mưa khác vùi dập bến cảng.
               
              Silva chạy vào cánh cửa kín nước gần đấy nhất và ngước nhìn trời một lần cuối trước khi đóng sập cửa lại. Mây xám xịt đã sậm hơn và đầy đe dọa.
               
              Nàng cầu Thượng Đế rằng đó không phải là một điềm xấu.
               
              #7
                Quang11 08.09.2016 08:14:06 (permalink)
                0
                Chương 5
                Khu kiến trúc thuộc bộ Quốc Phòng
                Tòa nhà ‘Ngày Một Tháng Tám’
                Bắc Kinh, Trung quốc
                Thứ Sáu, 21 tháng 11, 19:53, giờ địa phương
                 
                Có tiếng gõ cửa nhẹ. Phó Chủ Tịch nhà nước Lu Shi không ngước mặt lên khỏi xấp văn kiện trên bàn làm việc.
                 
                Cũng không phải lão đang đọc các văn kiện đó. Đúng ra, mắt lão không hề tập trung vào các văn kiện ấy chút nào. Tâm trí lão vẫn còn đặt trong căn phòng bệnh viện ở Lhasa, mắt chăm chăm vào cái thân xác đáng thương đã từng là nhi tử của lão… nhìn thân thể của Lu Jianguo đang bị xâm phạm bởi những cái ống và dây điện từ những cái máy khốn nạn kia.
                 
                Tiếng gõ cửa lại vang lên, lần này hơi to hơn. Lu Shi cưỡng ép tâm trí mình trở về hiện tại. Lão chớp mắt nhiều lần, cố gắng định hướng lại nơi chiếc ghế lão đang ngồi, cái bàn làm việc, căn phòng. “Vào đi!”
                 
                Cánh cửa mở ra và thơ ký riêng của lão, Miao Yin, bước vào phòng. Nàng là một thiếu nữ xinh đẹp khoảng 25 tuổi, ngũ quan thanh tú được bao quanh bởi mái tóc ngắn cắt khéo léo theo kiểu đang thịnh hành trong hàng ngũ công nhân viên nữ. Ánh mắt to đen lánh của nàng chạm vào mắt Lu Shi và nàng khẽ cúi đầu. “Xin lỗi đã quấy rầy ngài, thưa đồng chí Phó Chủ Tịch. Bộ trưởng Shen yêu cầu được gặp ngài. Ông ấy không có hẹn trước nhưng cam đoan với tôi là ông ấy cần được nói chuyện khẩn cấp với ngài.”
                 
                Lu Shi nhìn cô thơ ký một cách xa vắng. Không như phần đông quan viên cao cấp Trung quốc, lão không hề ngủ với nữ nhân viên dưới quyền nào, tuy rằng điều đó không ngăn được lão thưởng thức vẽ đáng yêu của Miao Yin. Thông thường, chỉ cần nhìn nàng cũng đủ làm lão cảm thấy nhẹ nhõm.
                 
                Tuy nhiên những ý tưởng như vậy đã bị cái bóng đen trong tim lão làm lu mờ hết rồi. Sự hiện hữu của Miao Yin chỉ hơi xuất hiện trong ý thức của lão thôi. Lão không để ý gì đến nhan sắc của nàng và đã quên mất khái niệm sắc đẹp là gì. Tâm trí lão cứ bị kéo trở về căn phòng bệnh viện ấy. Cái mùi thuốc tẩy trùng gay mũi ấy. Cái dáng hơi giống loài người bên dưới tấm ga xanh. Gương mặt của nhi tử, băng bó hết phân nửa, có một con mắt mơ hồ nhìn thẳng lên trần phòng.
                 
                “Đồng chí Phó Chủ Tịch?” Miao Yin nói khẽ, nhưng tiếng nói của nàng làm lão giật mình.
                 
                “Hả?”
                 
                Viên thơ ký lại hơi cúi người xuống. “Bộ trưởng Shen… Ông ấy đang chờ ở phòng ngoài.”
                 
                Lu Shi vuốt gò má và cảm thấy râu cứng cọ vào lòng bàn tay. Lão đã quên cạo râu rồi.
                 
                “Bộ trưởng Shen…” Lão nói. Lão tằng hắng và ngồi thẳng lên. “Ờ, phải rồi. Cho ông ấy vào đi.”
                 
                Miao Yin thụt lùi khỏi phòng và vài giây sau, bóng dáng nàng đã được thay thế bởi thân hình to lớn của Shen Tao, bộ trưởng Quốc Phòng.
                 
                Shen Tao thoáng dừng ở ngưỡng cửa để bày tỏ sự tôn kính, rồi nện bước vào phòng. Lúc mới nhìn, cái thân thể to như cái thùng của gã có thể bị lầm là mập béo, nhưng thật ra cái thân thể của gã Shen đầy cơ bắp. Gương mặt của gã cũng dễ tạo ra sự lầm lẫn như thế. Phía dưới ngũ quan và vẽ mặt yên lặng không bắt mắt là một bộ óc nhanh nhẹn.
                 
                Lu Shi phất tay về phía một chiếc ghế.
                 
                Gật đầu cám ơn, vị bộ trưởng Quốc Phòng kéo cái ghế về phía trước nửa mét, rồi đẩy nó qua phải vài phân, trước khi đặt mông xuống.
                 
                Đây là một hành động vô ý thức, Lu Shi tin chắc như thế. Cái này cũng là phương thức làm việc đặc thù của Shen. Gã nhận tất cả, từ sự mời mọc của chủ nhà cho đến mệnh lệnh, hay mọi thử thách, bằng cách thức riêng của gã. ‘Vâng, tôi sẽ nhận chiếc ghế mà ông mời, nhưng tôi sẽ xê dịch nó đến vị trí mà tôi thích.’
                 
                Vào ngày nào khác thì Lu Shi tán thưởng tính cách ấy. Hôm nay thì lão không có kiên nhẫn với cái loại tranh hơi này. Lão cũng không có kiên nhẫn nghe những câu xin lỗi khách sáo, hay những nghi thức xã giao mà Shen sắp tuông ra ào ạt. Lu Shi chặn đứng mọi sự khách sáo bằng cách mở miệng trước.
                 
                “Tôi được biết là tên khủng bố đã khuất phục rồi, phải không? Anh biết được những gì?”
                 
                Cái từ ‘tên khủng bố’ là từ Lu Shi dùng để chỉ tên sát nhân trẻ tuổi ngu ngốc đã bị tóm sau vụ phá hoại đoàn tàu Thanh-Tạng.
                 
                Shen gật đầu. “Đồng chí nói đúng. Đương sự bây giờ đã rất phối hợp với cuộc điều tra…”
                 
                Lu Shi cảm thấy sự phẫn nộ bốc lên. “Nó không phải là một đương sự. Nó là một thằng khủng bố, một kẻ giết người hàng loạt. Và nó không có phối hợp với cuộc điều tra gì cả. Các anh đã tra tấn nó và nó đã khuất phục. Rồi, bây giờ chúng ta có thể ít tốn thời giờ nói quanh co được chưa?”
                 
                Lão nhìn chằm chằm vào mắt của viên bộ trường Quốc Phòng và lặp lại. “Anh biết được những gì?”
                 
                Khá khen cho Shen; gã không nao núng hay dời mắt đi, nhưng giọng nói của gã đã không còn tự tin như trước. “Đương sự… Ơ… Tên khủng bố tên là Sonam Dawa. Nó là một thành viên của nhóm phản động Tạng tự gọi là Gingara, một từ dường như có thể dịch là ‘người đưa tin’. Nó thuộc một tổ ba người được chỉ huy bởi một người tên Jampa Dorjee, cũng là thành viên của Gingara. Còn người thứ ba…”
                 
                Lu Shi nôn nóng phất tay. “Được, được rồi. Người thứ ba là một lão dropka chăn cừu tên là Nima. Tôi đã biết những cái này từ mấy giờ trước rồi. Anh còn biết gì thêm nữa? Bọn khủng bố đi đâu mất rồi? Kế hoạch đào tẩu của chúng như thế nào? Chúng nó đang ở đâu?”
                 
                Shen chớp mắt. “Kế hoạch của bọn chúng là… À… trốn đi qua sơn đạo Nathu La qua phía bên Ấn Độ của dãy Hi Mã Lạp sơn.” Gã nuốt nước miếng. “Chúng tôi chưa phát hiện được hai tên còn lại của tổ khủng bố, nhưng từ hôm xảy ra vụ tấn công, chúng đã có ba ngày thời gian để vượt qua biên giới rồi. Có lẽ giờ đây chúng đã an toàn ở bên phía kia của dãy núi, thuộc về Ấn Độ rồi.”
                 
                “Bên phía của Ấn Độ thì có thể lắm.” Lu Shi nói. “Nhưng còn an toàn hay không, thì còn phải xem lại.”
                 
                Lão dựa vào lưng ghế. “Chúng ta có biết đích đến sau cùng của chúng không, đồng chí bộ trưởng?”
                 
                Shen gật đầu. “Dạ có, thưa đồng chí Phó Chủ Tịch. Nhóm này, nhóm Gingara này, đặt căn cứ trong một ngôi làng nhỏ tên là Geku, cách biên giới khoảng 40 cây số bên Ấn Độ.” Gã thoáng dừng rồi lại nói. “Có phải đồng chí đang tính một hành động mật? Cho một nhóm nhỏ qua Ấn Độ để bứng gốc bọn khủng bố?”
                 
                Lời của gã như nước chảy trên lá môn; tâm trí của Lu Shi đang quay trở về căn phòng bệnh viện ở Lhasa. Cái khối không ra nhân dạng của nhi tử vô cùng anh tuấn của lão, bên dưới tấm ga xanh…
                 
                Lão lắc đầu thật mạnh. “Không! Không có hành động mật gì hết. Chúng ta sẽ đáp trả trận công kích hèn hạ này bằng một trận công kích của chúng ta.”
                 
                Bộ trưởng Shen nhướng mày. “Tôi không hiểu, thưa đồng chí Phó Chủ Tịch. Chúng ta không trả đũa sao?”
                 
                Lu Shi cảm thấy sự phẩn nộ rút đi, để lại một quyết tâm mãnh liệt làm lão gần như muốn lảo đảo. “Chúng ta sẽ trả đũa.” Lão nói. “Chúng ta sẽ tiêu diệt bọn chúng.”
                 
                “Bọn khủng bố sao?”
                 
                “Không phải.” Lu Shi nói. “Cái ngôi làng ấy tên là gì nhỉ? Geku à? Chúng ta sẽ tiêu diệt tất cả bọn chúng. Chúng ta sẽ cho chúng thấy chứa chấp kẻ thù của Trung quốc có nghĩa là gì.”
                 
                Mặt Shen chuyển từ chấn động sang vẽ khó tin. “Đồng chí Phó Chủ Tịch… Chúng ta không thể làm thế… Cộng đồng thế giới…”
                 
                “Chúng ta làm được.” Lu Shi nói. “Và chúng ta sẽ làm.”
                 
                Giọng lão nhẹ xuống. “Shen Tao, lão bằng hữu. Tin tưởng tôi đi. Cộng đồng thế giới sẽ không làm gì đâu.”
                 
                “Chúng ta không thể chắc chắn điều đó.” Shen nói.
                 
                “Tôi biết chắc.” Lu Shi nói. “Lịch sử cận đại cho chúng ta một thí dụ tốt nhất. Nghĩ lại mà xem. Trong suốt cả chục năm qua, Hoa Kỳ đã dùng phi đạn tập kích biết bao trại khủng bố ở Pakistan và Afghanistan đến nổi những vụ tập kích đó gần như không còn lọt vào các bản tin thế giới nữa.”
                 
                Lão chồm người tới trước và đặt hai tay lên mặt bàn. “Nước Mỹ đã làm mẫu. Chúng ta chỉ làm rập khuôn mà thôi. Chúng ta sẽ sử dụng phi đạn để tập kích một căn cứ quân khủng bố trong núi, phía bên Ấn Độ.”
                 
                Giọng lão cứng rắn lại. “Nhưng mà chúng ta sẽ không ngưng tay cho đến khi ngôi làng ấy hoàn toàn biến mất. Không để lại một kiến trúc nào. Không một căn nhà, không một cái chòi, hay bất cứ thứ gì còn sống.”
                 
                “Ủy Ban Trung Ương…” Shen nói. “Một cuộc tập kích quân sự tầm vóc này sẽ không bao giờ được chấp thuận đâu.”
                 
                “Tôi không cần sự chấp thuận của Ủy Ban Trung Ương.” Lu Shi đáp. “Ủy Ban Thường Trực có quyền lực trực tiếp ưng chuẩn một hành động quân sự.”
                 
                Bộ trưởng Shen không đáp. Ủy Ban Thường Trực của bộ Chính Trị là cơ cấu có quyền quyết định mạnh nhất trong Trung quốc. Trong số chín thành viên của ủy ban, một người chính là Lu Shi; một người khác là Chủ Tịch nhà nước Xiao, ngày nay do sức khỏe suy nhược thường làm theo các đề nghị của vị Phó Chủ Tịch này. Ít nhất là bốn người trong số bảy người còn lại đã bán linh hồn cho Lu Shi. Nói rằng Lu Shi thao túng Ủy Ban Thường Trực có lẽ không được đúng, nhưng Shen biết rằng lời nói của lão rất có trọng lượng trong những cuộc bàn thảo của ủy ban.
                 
                Lu Shi nhìn xuống đồng hồ đeo tay. “Sáng mai, tôi sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn của Ủy Ban Thường Trực.”
                 
                Mắt lão chậm rãi đảo trở về mặt của Shen. “Và hành động này sẽ được thông qua, anh Shen à. Tôi hứa với anh đó.”
                 
                Lão hất đầu về phía cánh cửa. “Anh đi đi. Chuẩn bị lực lượng phi đạn của anh đi. Sáng mai anh sẽ nhận được mệnh lệnh chính thức.”
                 
                Viên bộ trưởng Quốc Phòng đứng dậy và choáng váng bước tới cửa trong im lặng. Trước khi gã kịp mở cửa, Lu Shi lại nói. “Hãy nhớ đấy, đồng chí bộ trưởng… Không được để lại một căn chòi nào cả. Không được để lại một người sống nào trong làng ấy hết.”
                 
                #8
                  Quang11 08.09.2016 08:17:05 (permalink)
                  0
                  Chương 6
                  Quá trình phát triển của phi đạn hành trình
                  (trích từ bài viết của tiến sĩ David M. Hardy cho viện Phân Tích Chiến Lược Quốc Gia)
                   
                  Phi đạn hành trình… Những từ này gợi lên hình ảnh chiến tranh bằng kỹ thuật cao và độ chính xác siêu đẳng của những vũ khí đánh trúng ngay vào những mục tiêu cách xa hàng trăm (hay hàng ngàn) cây số. Đối với nhiều người Mỹ, lần đầu tiên họ biết đến phi đạn hành trình là vào đầu những năm 1990, khi mà các phương tiện truyền thông bắt đầu chiếu các đoạn phim chiến đấu trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc và những cuộc đột kích đầu tiên của quân đội Mỹ vào nước Iraq.
                   
                  Từ ngày 16 tháng Giêng năm 1991, hằng triệu khán giả truyền hình được xem những đoạn phim bi tráng của những quả tên phi đạn Tomahawk (17) được phóng lên từ những thiết giáp hạm, tuần dương hạm và khu trục hạm của Mỹ. Do những sự khó khăn về kỹ thuật có thể mường tượng được, không có khúc phim nào chiếu cảnh tên lửa được phóng từ tàu ngầm đang lặn trong hoàn cảnh thực chiến. Tuy nhiên, các tàu ngầm tấn công của Mỹ trong vùng biển Ba Tư và Hồng Hải đã tham gia tập kích bằng phi đạn ngay từ những giây phút đầu của cuộc chiến.
                   
                  Người dân Mỹ được lôi cuốn bởi cái khái niệm về vũ khí ‘thông minh’, thông minh đủ để bay dọc theo một con đường trong thành phố bên trên xe cộ đang giao thông, quẹo trái tại đúng một góc đường nào đó, rồi ngoằn ngoèo quanh những hàng quán hay căn hộ để nhận diện và tiêu hủy một kiến trúc đã được chỉ định, chứ không phải một kiến trúc nào khác.
                   
                  Đại tướng Norman Schwarzkopf, Tổng Chỉ Huy Trưởng Địa Vực Trung Ương (18) từng nhận xét rằng phi đạn Tomahawk chính xác đến độ người ta có thể chọn lựa cho phi đạn bay vào cửa sổ nào của căn kiến trúc bị chỉ định là mục tiêu.
                   
                  Sau cuộc chiến, kết quả đánh giá thiệt hại cho thấy rằng Đại tướng Schwarzkopf quả nhiên không nói khoác. Phi đạn BGM-109 Tomahawk quả thật chính xác như thế đấy.
                   
                  Chiến dịch Bão Táp Sa Mạc là lần thực chiến đầu tiên cho thấy sự hữu hiệu khủng khiếp của vũ khí thông minh. Chính phủ và quân đội Iraq hoàn toàn thiếu chuẩn bị đối với sự chính xác và khả năng của các binh khí mới nhất của Mỹ.
                   
                  Khi quần chúng trở nên hiểu biết hơn về các binh khí này, nhiều từ ngữ mới bắt đầu len lỏi vào ngôn ngữ thông dụng. Những cụm từ như Terrain Contour Matching (TERCOM) (19) (so sánh địa hình) và Digital Scene-Matching Area Correlation (DSMAC) (20) (so sánh hình ảnh được chụp dùng kỹ thuật số), mặc dù không đi vào ngôn ngữ hàng ngày, nhưng cũng biến thành từ ngữ kỹ thuật thông dụng khi nói về binh khí hiện đại.
                   
                  Từ sau chiến dịch Bão Táp Sa Mạc, vô số hình ảnh báo chí, cộng thêm đồ hình và những lời bình phẩm trên truyền hình, có lẽ đã cho người dân bình thường cái cảm tưởng sai lầm rằng mình đã hiểu rõ các kỹ thuật liên quan đến phi đạn hành trình rồi. Mặc dù tác giả không muốn hạ thấp ai, nhưng chủ yếu những gì số đông người bình thường hiểu về phi đạn hành trình có thể tóm gọn trong ba câu sau đây:
                   
                  1. Phi đạn hành trình có thể được phóng đi từ đủ loại tàu bè, xe cộ và máy bay đến những mục tiêu cách xa hàng mấy ngàn cây số.
                   
                  1. Do bay sát mặt đất và lộ trình quanh co, ra-đa rất khó dò ra được phi đạn hành trình; muốn đánh chặn còn khó hơn nữa.
                   
                  1. Các vũ khí kỳ diệu này là thành quả của những ngành kỹ nghệ tiên tiến nhất.
                   
                  Hai câu đầu coi như đúng. Câu thứ ba nghe có vẻ đương nhiên và không thể chối cãi, thật ra là sai.
                   
                  Mặc dù phi đạn hành trình được cải tiến nhờ cái kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật cơ bản của nó không phải mới mẻ. Thật ra, lịch sử của phi đạn hành trình kéo dài từ tận Thế Chiến thứ Nhất.
                   
                  Tuy nó có khả năng kiệt xuất, cái mà hiện nay được gọi là ‘binh khí cho thế hệ tới’ đã trải qua một thế kỷ phát triển rồi. Và câu chuyện đời của nó cũng hấp dẫn như chính nó vậy.
                   
                  -=-=-=-=-=-
                  Chú Thích:
                  (17) Tomahawk BGM-109: phi đạn hành trình được hải quân Mỹ sử dụng từ cuối những năm 1970, cho đến ngày nay sau nhiều đợt nâng cấp. Phi đạn nặng 1.300 kg, có tầm xa tối đa 2.500 km (phiên bản tấn công mặt đất) hay 460 km (chống hạm). Động cơ phản lực, tốc độ bay 880 km/giờ. Có nhiều loại đầu đạn kể cả hạt nhân (không còn sử dụng từ trước 2013), đầu đạn đơn (450 kg), đầu đạn phụ, v.v. Hình ảnh kèm theo được chụp trong một vụ thử nghiệm tập kích một phi trường địch, cho thấy độ bay cao của phi đạn; mục tiêu là một chiếc máy bay cũ.
                   
                  (18) Địa Vực Trung Ương: United States Central Command (USCENTCOM or CENTCOM) là một cơ cấu của bộ quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm về mọi hoạt động quân sự của mọi binh chủng cho ‘địa vực Trung Ương’. Địa vực này bao gồm tất cả vùng Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á, đặc biệt là Afghanistan và Iraq. Có tất cả 9 khu vực, không chỉ bao gồm địa vực mà còn cả lãnh vực quân sự. Đó là: USAFRICOM (địa vực Phi châu), USCENTCOM (địa vực Trung Ương), USEUCOM (địa vực Âu châu), USNORTHCOM (địa vực Bắc Mỹ châu), USPACOM (địa vực Thái Bình Dương), USSOUTHCOM (địa vực Trung và Nam Mỹ châu, kể cả quần đảo Ca-Ri-Bê), USSOCOM (lãnh vực Đặc Nhiệm toàn cầu), USSTRATCOM (lãnh vực Chiến Lược toàn cầu) và USTRANSCOM (lãnh vực Vận Chuyển toàn cầu)
                   
                  (19) Terrain Contour Matching (TERCOM): tên của một phương pháp định vị được dùng cho phi đạn hành trình. Phương pháp này dùng ra-đa trên phi đạn để đo cao độ của địa điểm mà phi đạn đang bay qua, so sánh với cao độ của từng giai đoạn trên tuyến đường phải bay qua (đã được ghi vào bộ nhớ của phi đạn trước khi được bắn). Nhờ đó mà phi đạn luôn bay trên tuyến đường đã định trước một cách cực kỳ chính xác. Tuy nhiên điều này đỏi hỏi phải có chi tiết cao độ chính xác của toàn bộ lộ trình. Ngày nay, TERCOM được thay thế bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS.
                   
                  (20) Digital Scene-Matching Area Correlation (DSMAC): phương pháp định vị dùng cho phi đạn hành trình hay tên lửa đạn đạo. Hình ảnh của một số địa điểm dọc theo tuyến đường của phi đạn (được vệ tinh chụp bằng kỹ thuật số từ trước) ghi vào bộ nhớ của phi đạn khi tuyến đường đến mục tiêu được chọn. Khi bay đến những địa điểm đã được chọn (như núi, sông, …), máy hình trên phi đạn sẽ so sánh những gì đang thấy với hình ảnh đã có sẵn của các địa điểm ấy để xác định vị trí; do đó hành trình của phi đạn luôn được điều chỉnh chính xác nhất.
                   
                  #9
                    Quang11 08.09.2016 08:19:43 (permalink)
                    0
                    Chương 7
                    Phía tây tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc
                    Thứ Bảy, ngày 22 tháng 11, 20:30, giờ địa phương
                     
                    Sâu bên trong hộp chứa máy điện toán điều khiển bộ phận khai hỏa, một mạch điện khép lại và dòng điện được nhả ra. Khoảng hai giây sau, lớp vỏ che phía sau ống phóng phi đạn bị dòng khí nóng của phi đạn hòa tan. Trong tiếng gầm điếc tai, chiếc phi đạn xuyên qua khỏi nắp che mưa gió ở phía trước ống phóng, rồi lao vào trời đêm làm cho vùng đồi núi bên cạnh thoáng đỏ rực lên.
                     
                    Trong một khoảng thời gian, chiếc xe tải lớn tám bánh bị khói bao phủ. Trước khi gió núi thổi tan cụm khói ấy đi, hai ống phóng khác trên xe đã phóng thêm hai quả phi đạn khác vào bầu trời đêm lạnh lẽo.
                     
                    Nhiệm vụ của chiếc xe tải đã được hoàn thành rồi. Cả ba ống phóng của nó đã trống trơn. Nó không còn vũ khí gì để đe dọa ai, không còn một sứ giả tử thần nào khác để thả vào không trung. Tuy nhiên không phải chỉ có một mình nó.
                     
                    Có tất cả 35 chiếc xe tải như vậy. 35 chiếc xe tải chở ống phóng có thể dựng thẳng, được đậu rời rạc 1,000 mét phía tây mặt đường. Màu sơn ngụy trang mờ làm chúng hòa vào màu cỏ chung quanh. Nhưng những cột lửa phóng ra từ những chiếc xe tải kỳ quái này đã phá hủy lớp ngụy trang của chúng.
                     
                    Các phi đạn được nhanh chóng phóng ra, vọt lên cao, rồi biến mất dạng về phía tây.
                     
                    Đợi đến khi mặt trăng ló ra khỏi rặng Hi Mã Lạp Sơn, cả khu vực này đã vắng hoe rồi. Các chiếc xe tải kia đã biến mất, chỉ để lại những vết cháy xém trên mặt đất và vết bánh xe khổng lồ của chúng.
                     
                    Tại một địa phương nào đó trong màn đêm, 105 quả phi đạn đang bám sát vách núi lồi lõm, bay theo lộ trình đã được thiết kế rõ ràng trên những bản đồ chỉ cao độ cực kỳ chính xác, để lao đến mục tiêu chung của chúng: một ngôi làng nhỏ trong dãy Hi Mã Lạp Sơn, bên kia biên giới Ấn Độ.
                     
                    #10
                      Quang11 08.09.2016 08:22:03 (permalink)
                      0
                      Chương 8
                      Làng Geku, miền Bắc Ấn Độ
                      Thứ Bảy, ngày 22 tháng 11, 19:17, giờ địa phương
                       
                      Jampa đứng ở khung cửa đang mở của căn nhà của người chăn cừu, ánh đèn dầu mờ nhạt phía sau lưng, mặt hướng ra ngoài, lặng nhìn màn đêm. Hắn biết hắn phải đóng cửa lại; hơi nóng từ cái lò nhỏ đang thoát bên người hắn, vào màn đêm. Nhưng hắn vẫn muốn đứng lâu thêm một chút nữa, hưởng thụ cái buốt của gió lạnh trên gò má và ngắm nhìn ánh trăng mờ êm ả trên con đường.
                       
                      Làng Geku trải rộng trước mắt hắn, một đám nhà và kiến trúc nhỏ nằm hỗn độn dưới bầu trời sao. Thật là một địa phương xinh đẹp, một khoảnh thiên đường nhỏ gắn vào những ngọn núi trên ‘mái nhà của thế giới’. Khắc nghiệt. Khó khăn. Đôi lúc tàn bạo. Nhưng luôn xinh đẹp.
                       
                      Phần lớn dân làng đã ngủ rồi. Người dân ở đây sống một cuộc sống đầy đủ, nhưng đơn giản. Jampa cảm thấy thèm được sống như họ.
                       
                      Nơi đây, bên phía Ấn Độ, đời sống tự do. Không phải là tự do vô bờ, nhưng ít ra dân địa phương có thể sống yên ổn mà không phải lo sợ nhà cửa của họ bị quân Trung quốc bố ráp. Trường học và đền thờ của họ sẽ không bị ai đốt rụi, hay bị nghiền nát dưới gót quân xâm lược.
                       
                      Jampa cảm thấy mắt mình bị lôi kéo về phương đông, nơi mà quê hương của chính hắn nằm phía bên kia dãy núi. Bọn Trung quốc gọi nơi ấy là Khu Tự Trị Tây Tạng, một mánh khóe thông dụng của tuyên truyền cộng sản. Dân chúng nơi quê nhà của Jampa không có tự trị gì cả. Họ cũng không có tự do. Đã không có tự do từ hơn nửa thế kỷ nay rồi, từ khi cái gọi là QGPNDTH tràn qua sông Kim Sa vào năm 1950 để chiếm đóng Tây Tạng.
                       
                      Quân Trung quốc xâm lược chỉ tốn có 13 ngày để chiến thắng quân đội Tây Tạng ít hơn chúng xa. Chỉ 13 ngày để biến một trong những quốc gia tự chủ cổ xưa nhất thành một tỉnh của đế quốc Trung Hoa.
                       
                      Dĩ nhiên, ngày nay bọn Trung quốc đã trở nên kín đáo hơn nhiều, ít ra là ở bề ngoài. Sự thô bạo của quân Trung quốc chiếm đóng đã nhường chỗ cho thủ đoạn lắc léo hơn. Con đường sắt Thanh-Tạng liên tục đưa đến từng chuyến xe đầy người Hán, để giành và khai khẩn đất đai, buộc dân địa phương trở thành dân tộc thiểu số. Nếu không có ai chặn đứng sự di dân trái tự nhiên này, người dân Tây Tạng sẽ bị ép đến biến mất, chỉ trong vòng vài chục năm nữa mà thôi.
                       
                      Môi Jampa thoáng nở nụ cười. Hắn đã ngăn chặn nó, ít nhất trong một khoảng thời gian. Hắn, lão Nima và gã Sonam đã chặn chuyến xe lửa ấy. Họ cho nó nổ văng ra khỏi đường ray.
                       
                      Nụ cười của Jampa nhạt đi khi hắn nhớ lại ánh mắt của tên lính Trung quốc trẻ, ngay trước khi hắn nhấn cò khẩu phóng tên lửa đã trộm từ bọn Trung quốc. Cảnh tượng lại tràn ngập tâm trí hắn: cụm lửa nóng bức, màn khói đen, âm thanh kim loại rên siết khi các toa xe bị nghiền nát.
                       
                      Hắn không muốn sát hại tên lính ấy. Hắn không muốn giết ai cả. Hắn chỉ muốn phá hủy chuyến xe lửa để ngăn chận làn sóng người Trung quốc xâm lược không ngừng tràn vào.
                       
                      Hắn cảm thấy một thoáng hối hận, nhưng nó nhanh chóng bị xua khỏi tâm trí hắn bởi ký ức của một ngọn lửa khác. Luồng khói bốc lên từ đống đổ nát của ngôi trường nhỏ của hắn ở làng Amchok Bora. Gương mặt của Dukar, Chopa và các học sinh khác của hắn khi dân làng lôi thân xác cháy xém của chúng từ trong đống gạch vụn của ngôi trường.
                       
                      Khi ấy, Jampa là một giáo viên. Một người học thức. Một người có tri thức khoa học trên một mảnh đất khan hiếm giáo dục. Dân làng Amchok Bora đã tôn kính hắn. Hắn được họ xem là một người từng trải và thông thái.
                       
                      Bây giờ, Jampa không thấy mình thông thái chút nào cả. Hắn cảm thấy phẫn nộ và mệt mỏi. Nếu quả thật trước kia hắn có một chút gì là từng trải hay thông thái, nó đã biến mất rồi, thay thế bởi một quyết tâm duy nhất: giải phóng đất nước của hắn khỏi sự áp bức của Trung quốc.
                       
                      Hắn tự hỏi bây giờ gã Sonam đang ở đâu. Hắn cảm thấy tội lỗi khi bỏ lại đồng bạn bị thương sau vụ tấn công ấy. Hắn hi vọng rằng, vì chính bản thân Sonam, gã chiến sĩ trẻ này đã thiệt mạng vì trúng đạn trước khi bọn Trung quốc tóm được gã.
                       
                      Hắn thoáng tưởng tượng cảnh bọn tạp chủng vô nhân đạo kia đã làm gì để buộc gã khai. Cái rùng mình của hắn bị một cơn gió đêm lạnh lẽo làm càng mạnh hơn nữa.
                       
                      Rùng mình xong, Jampa chợt ngáp, rồi lại ngáp. Hắn cố xua đuổi mọi ý nghĩ về gã Sonam bị bắt bớ ra khỏi óc. Hắn không thể làm gì giúp Sonam được nữa rồi. Hoặc là gã đã chết, hoặc là gã đang bị bọn Trung quốc nhốt trong một phòng giam nào đó. Dù sao đi nữa, muốn giúp đỡ Sonam cũng ngoài khả năng của Jampa, hay của bất cứ ai trong tổ chức Gingara.
                       
                      Jampa lại ngáp. Hắn còn một chút thời gian để đọc vài trang sách trước khi ngủ. Ngày mai, có lẽ hắn và lão Nima lại lên kế hoạch cho một chuyến tập kích khác chống lại bọn xâm lược.
                       
                      Hắn bắt đầu khép cửa, nhưng chợt dừng lại giữa chừng. Âm thanh gì vậy nhỉ?
                       
                      Jampa nghiêng đầu, cố tập trung vào cái âm thanh văng vẳng. Cái âm thanh này bắt đầu thật thấp, nhưng lớn lên thật nhanh. Nó làm hắn nghĩ đến một sự pha trộn kỳ dị của tiếng mũi tên bay và hơi nước bắt đầu sôi trong một cái ấm nước. Cái âm thanh này mặc dù kỳ dị, lại không phải hoàn toàn xa lạ. Hắn đã nghe qua âm thanh này rồi, hay một âm thanh rất giống như vậy.
                       
                      Ký ức của vụ đột kích đường ray Thanh-Tạng bằng tên lửa lại thoáng qua óc hắn. Hắn thấy lại hình ảnh của chính hắn nâng cái ống phóng tên lửa làm bằng sợi thủy tinh lên vai phải. Cảm thấy nút phóng lún xuống dưới ngón tay bấm của hắn. Nghe tiếng rít khi quả tên lửa chống tăng vọt ra khỏi ống phóng và lao đến hông chiếc toa xe.
                       
                      Cái tiếng rít đang lớn dần lên… Nó gần như là cùng tiếng rít ấy, nhưng lớn hơn. Lớn hơn nhiều. Nó…
                       
                      Suy nghĩ của Jampa bị cắt đứt khi một bóng đen khổng lồ bay thoáng qua vùng trời của khung cửa hé mở, lướt dọc theo con đường đến trung tâm ngôi làng. Không khí bị cái vật bay ấy cuống tốc lên, ụp vào người Jampa cùng với một cái mùi hóa chất làm hắn liên tưởng đến mùi dầu cháy.
                       
                      Cái vật này, không hiểu là cái gì mà chỉ bay ở độ cao ngang tầm ngực người ta. Nó kéo theo một tiếng rít giống như huýt sáo, bây giờ đã to đến làm đau nhức lỗ tai.
                       
                      Có phải là một loại tên lửa nào đó không? Không thể nào! Nó quá to. To gần như một cây cột điện vậy.
                       
                      Jampa bị hất văng sang bên khi vật lạ bay đến trung tâm ngôi làng và nổ tung, làm màn đêm tóe ánh lửa và tàn phá một khu vực tròn chung quanh.
                       
                      Jampa nằm trên mặt đất, đầu óc choáng váng ý thức rằng cái vật khổng lồ ấy quả thật là một loại tên lửa nào đó. Tai hắn còn đang ù sau phát nổ, nhưng hắn vẫn có thể nghe cụm lửa gầm rú và tiếng hô hoán của người ta bị chợt đánh thức từ giấc ngủ say. Hắn cũng nghe được thứ khác nữa: lại tiếng rít-huýt sáo kia. Không phải chỉ một cái mà nhiều cái.
                       
                      Điên thật. Ai lại phóng tên lửa vào một ngôi làng Ấn Độ nhỏ tý chứ? Ai thèm làm thế chứ? Ai mà thèm hao phí cái loại binh khí mắc tiền như vậy vào một nơi mà hầu như không ai nghe nói qua?
                       
                      Rồi chợt Jampa biết ra đáp án. Hắn hiểu tất cả một cách rõ ràng. Hắn khổ sở đứng dậy, lảo đảo đi ra cửa. Cánh cửa đã bị gãy một bản lề, đã gần đổ xuống.
                       
                      Đây là lỗi của hắn. Tử thần đang đến làng Geku và tất cả do lỗi của hắn.
                       
                      Ý đồ của hắn đơn giản và dễ hiểu biết bao. Tập kích vào các mục tiêu Trung quốc bên kia rặng núi phía Tây Tạng, rồi rút lui về bên này biên giới phía Ấn Độ. Chính quyền Trung quốc sẽ không bao giờ dám truy đuổi một nhóm phiến quân qua biên giới của một quốc gia lớn khác.
                       
                      Mà rất nhiều cư dân ở các tỉnh vùng Bắc Ấn ủng hộ lý tưởng giải phóng Tây Tạng. Các dân làng người Ấn sẵn lòng chứa chấp Jampa, lão Nima và các anh em trong tổ chức Gingara.
                       
                      Kế hoạch này luôn thành công, cho đến nay. Mọi cuộc truy nã của quân Trung quốc luôn dừng lại ở biên giới Ấn Độ.
                       
                      Tại sao lần này lại khác chứ? Có gì đó đã thay đổi. Một cái gì thật lớn. Jampa không biết điều kiện chính trị đã thay đổi như thế nào, nhưng rõ ràng là mọi quy tắc cũ đã thay đổi một cách bất chợt và triệt để rồi. Không cần biết tại sao quy tắc lại đổi đi, nhưng cái tai họa đang diễn ra tại đây là để đáp trả lại vụ tập kích của Jampa vào chuyến xe lửa khốn nạn ấy.
                       
                      Một phát nổ khác ném Jampa vào khung cửa. Đầu hắn va vào khung gỗ vang lên tiếng rắc đau đớn. Đầu gối hắn khuỵu xuống. Hắn đang quỵ xuống đất thì quả phi đạn vọt ra từ màn đêm và đâm sầm vào căn nhà nhỏ.
                       
                      Jampa chỉ ở cách đầu đạn 2 mét khi nó nổ tung. Hắn không còn thấy gì nữa, không còn nghe gì nữa, mà cũng không còn tồn tại nữa…
                       
                      Và người bắn phát súng đầu tiên khởi mào chiến tranh, đã không còn ở đó để chứng kiến đợt phi đạn đang tiếp tục lao xuống từ bầu trời.
                       
                      #11
                        Quang11 08.09.2016 08:24:23 (permalink)
                        0
                        Chương 9
                        Bộ Quốc Phòng
                        Thủ đô New Delhi, Ấn Độ
                        Thứ Bảy, ngày 22 tháng 11, 19:32, giờ địa phương
                         
                        Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, Sanjay Nehru đang nói điện thoại thì cửa phòng làm việc của lão bật tung ra. Tấm cửa dày nặng mở nhanh, chạm vào ván ốp chân tường bằng gỗ sồi và bật trở lại; khi cửa gần đóng, vị khách không mời giơ tay ra cản lại.
                         
                        Nehru giật mình quay lại nhìn. Lão không quen cảnh người ta xông vào phòng làm việc của mình như thế. Khi Nehru nhận ra kẻ xông vào, vẽ chấn động đổi ngay thành bực dọc. Chính là tên đại úy trẻ, sĩ quan phụ tá cho tướng Singh. Tên ngốc này tên là gì nhỉ? Kumar à? Katari sao? Đại khái tương tự như vậy.
                         
                        Gã đại úy trẻ đang hít thở nặng nề, như thể gã vừa chạy vậy. Gã chấp hai tay dưới cằm, cúi đầu thi lễ thật nhanh. “Namaste (chào), thưa ngài bộ trưởng. Tôi xin lỗi đã quấy rầy ngài, nhưng tướng Singh yêu cầu ngài đến phòng kế hoạch càng sớm càng tốt. Chúng tôi không gọi ngài bằng điện thoại được, cho nên…”
                         
                        Nehru đã không để ý đến tiếng tít-tít của máy điện thoại báo hiệu có một cú gọi đang chờ. Lúc này đã quá giờ làm việc trong ngày thứ Bảy từ lâu rồi; mà sau nửa ngày ngụp lặn trong đám văn kiện, lão đang muốn trò chuyện với đứa cháu nội mà lão cưng nhất. Lão dùng tay che ống nói. “Thì đừng có đừng ì ở đó.” Lão gắt. “Có gì mà khẩn cấp như vậy?”
                         
                        Gã sĩ quan trẻ ngưng thoáng một giây để lấy hơi. “Mới nhận được báo cáo.” Gã nói. “Có phi đạn tập kích…”
                         
                        Nehru gác điện thoại, mọi tư tưởng về đứa cháu đã bay biến mất. “Phi đạn tập kích à? Ở đâu? Anh muốn nói là chúng ta đang bị tấn công à?”
                         
                        Viên đại úy gật đầu. “Dạ phải, thưa ngài bộ trưởng. Tới nay, chúng ta chỉ biết có một mục tiêu là làng Geku, một ngôi làng nhỏ ở Hi Mã Lạp Sơn. Theo phân tích đầu tiên, khoảng một trăm phi đạn từ một điểm phóng chưa được xác định ở Tây Nam Trung quốc.”
                         
                        Nehru choáng váng. Trung quốc? Không hợp lý. Thật là điên rồ.
                         
                        “Chắc phải có một sự nhầm lẫn nào đó.” Lão nói. “Chắc ra-đa sai lầm, hay báo cáo lộn xộn làm sao đó.”
                         
                        “Tôi không nghĩ vậy, thưa ngài.” Viên sĩ quan nói. “Chúng ta có hình ảnh vệ tinh. Có vẽ như cả ngôi làng đã bị tiêu hủy. Không có dấu vết của người nào sống sót.”
                         
                        Bộ trưởng Quốc Phòng Nehru nhìn gã sĩ quan trẻ chằm chặp. “Tại sao người Trung quốc lại tập kích một ngôi làng nhỏ như con ruồi bên phía nước ta chứ? Có một sự khiêu khích nào không?”
                         
                        Viên đại úy lắc đầu. “Thưa ngài, chúng tôi không được biết đến sự khiêu khích nào cả. Mà cũng chẳng có gì có tính cách chiến lược trong khu vực ngôi làng ấy, theo như chúng tôi thấy.”
                         
                        “Vậy thì tại sao bọn Trung quốc lại tấn công chúng ta?”
                         
                        “Xin ngài bộ trưởng thứ lỗi.” Viên đại úy nói. “Chúng tôi không biết. Tướng Singh yêu cầu…”
                         
                        Nehru gật nhanh và phất tay về phía cửa phòng. “Được. Tốt. Bảo tướng Singh rằng tôi sẽ đến ngay. Và thông báo cho ông ấy rằng tôi muốn nghe ban tham mưu báo cáo toàn diện trong vòng 10 phút.”
                         
                        “Dạ, thưa ngài.” Viên đại úy nói. Gã quay nhanh đi và ra khỏi phòng.
                         
                        Nehru với tay nhấc điện thoại. Lão phải gọi cho Thủ Tướng ngay tức khắc. Tay lão chợt dừng trước khi đụng vào điện thoại. “Này, đại úy!”
                         
                        Viên sĩ quan trẻ ngừng lại và ngoái đầu. “Dạ, thưa ngài bộ trưởng?”
                         
                        “Bảo tướng Singh hạ lệnh tổng báo động. Điều động mọi lực lượng không, hải và bộ. Chuẩn bị cao nhất.”
                         
                        Giọng lão lắng xuống, cứng như thép. “Nếu những gì anh nói là thật, Trung quốc đã vô cớ thực thi một hành động chiến tranh đối với nước cộng hòa Ấn Độ.” Lão nói. “Tôi không biết bọn ngốc ấy muốn làm gì. Nhưng nếu chúng muốn đánh trận, chúng sẽ được một trận đánh.”
                         
                        #12
                          Quang11 08.09.2016 08:28:39 (permalink)
                          0
                          Chương 10
                          Phi đội trưởng
                          Phi Đoàn 303 Hắc Báo, Hải Quân Ấn Độ
                          Vịnh Bengal, phía tây quần đảo Andaman
                          Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11, 05:12, giờ địa phương
                           
                          Sau này nhìn lại, không ai biết được tại sao Trung Úy Ajit Chopra lại nhấn cò. Cho dù là nguyên nhân nào đi nữa cũng đã cùng chết với gã khi chiếc Mig-29K (21) thuộc hải quân Ấn do gã lái nổ tan nát trên bầu trời vịnh Bengal.
                           
                          Trong những ngày và những tuần lễ sau ‘trận hải chiến vịnh Bengal thứ nhất’, hằng đám ký giả đã liên tiếp cố gắng liên kết hành động của Chopra với vụ phi đạn tập kích làng Geku tối hôm trước. Do số tuổi tương đối trẻ của viên phi công này và truyền thuyết về mãnh lực của con tim, vài bình luận gia trong giới báo chí đã suy đoán rằng Chopra đã gặp gỡ và có lẽ đã yêu một thiếu nữ sống trong ngôi làng này, mà thiếu nữ này đã thiệt mạng trong vụ tập kích ấy.
                           
                          Thế là tin đồn bắt đầu nổi lên trên mạng internet, còn xác định là người yêu của Trung Úy Chopra là một thiếu nữ nghèo nhưng xinh đẹp tên là Mira. Câu chuyện tình bi tráng của Ajit và Mira trở thành câu chuyện tình Romeo-Juliet của thời mạng hiện đại, được truyền đi bằng hàng ngàn, rồi trăm ngàn bức email bởi vô số kẻ lãng mạn.
                           
                          Truyền thuyết trong internet có khuynh hướng tự phát triển khi lưu hành và câu chuyện hấp dẫn của đôi tình nhân tuyệt vọng này cũng thế. Càng ngày càng có những dòng email dài dặc mô tả cảnh tử vong của nàng Mira khi mà những quả phi đạn Trung quốc lao xuống từ trời cao để nổ nát căn nhà nhỏ (nhưng sạch sẽ) của nàng. Lại có những bài văn bóng bảy mô tả tâm trạng tuyệt vọng của chàng Ajit khi chàng nhắm chiếc máy bay tiêm kích do Nga chế tạo vào một chiến hạm Trung quốc và với đôi mắt nhòa lệ, đã thay nàng Mira yêu dấu trả thù bọn người hiếu chiến vô thần.
                           
                          Cho dù có bao nhiêu bài viết hoành tráng hoa lệ đi nữa, không ai tìm được một dữ kiện nào để xác thực câu chuyện ấy cả. Không có chứng cứ nào là nàng Mira đã từng tồn tại; ngay cả sự liên hệ, về tình cảm hay thứ gì khác, giữa Trung Úy Chopra và ngôi làng Geku đã bị hủy cũng không được xác thực.
                           
                          Các phân tích sau trận chiến chỉ xác định những sự kiện sau đây. Sáng chủ nhật, ngày 23 tháng 11, Trung Úy Chopra là phi đội trưởng của một đội bốn chiếc Mig-29, cất cánh từ tàu sân bay INS Vikrant (21*) của Ấn Độ. Lúc 05:12 sáng, mặc dù không được lệnh, Chopra quay mũi máy bay về phía chiếc khu trục hạm tên lửa Zhuhai (Chu Hải) của Trung quốc. Khoảng 10 giây sau đó, viên phi công Ấn trẻ mở chốt an toàn và phóng hai quả Kh-35U ‘Switchblade’ (22) tên lửa chống hạm về phía chiến hạm Trung quốc này. Cả hai phi đạn hoạt động tốt, bay dưới tốc độ âm thanh đến mục tiêu.
                           
                          Phản ứng của thủy thủ đoàn Trung quốc rất nhanh, nhưng không nhanh đủ. Ra-đa kiểu 360S Doppler dùng tần số E/F nhận dạng được hai viên phi đạn khi chúng còn cách khoảng 17 km.
                           
                          Như số đông đồng bạn trên tàu, viên sĩ quan trưởng phụ trách vũ khí trên chiếc Zhuhai đã được huấn luyện hải chiến trong suốt sự nghiệp của hắn. Nhưng ngoài huấn luyện và thao diễn ra, hắn chưa trải qua thực chiến bao giờ. Hắn chưa từng bắn một viên đạn vào một kẻ địch người thật nào, mà chắc chắn là hắn chưa từng hứng chịu một cuộc tấn công như thế này bao giờ. Khi cảnh báo phi đạn xuất hiện trên màn ảnh, viên sĩ quan vũ khí này ngập ngừng vài giây trong khi óc hắn còn đang xác nhận rằng đây không phải là một lần thao dợt: có kẻ nào đó thật sự đang muốn mạng hắn đây mà.
                           
                          Hắn lắc đầu thật mạnh, rồi nhấn cái nút khiến hệ thống điều hành chiến đấu ZJK-4 Thomson CSF (23) tự hành. Hệ thống điều hành chiến đấu lập tức kích hoạt hệ thống phòng không tầm ngắn HQ-7. Cái dàn 8 ống phóng tên lửa lập tức quay qua mạn tàu phải chỉa về hướng phi đạn địch.
                           
                          Viên sĩ quan phụ trách vũ khí chỉ ngần ngừ rất nhanh. Điều này có thể hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên hắn không kịp hối hận.
                           
                          Được mệnh danh là Harpoonski vì giống y như phi đạn Mỹ AGM-84 Harpoon do hãng Boeing sản xuất, hai quả Kh-35U bay sát mặt biển với tốc độ Mach 0,8 (Mach 1 = tốc độ âm thanh), hay khoảng 274,6 mét mỗi giây. Mỗi quả mang đầu đạn thuộc loại khối nổ lõm nặng 145 kg. Hai quả dập vào mạn phải của chiếc Zhuhai với 80% tốc độ âm thanh.
                           
                          Như một màn ảo thuật, chiếc khu trục hạm Trung quốc biến mất trong một cụm lửa và khói đen. Khi màn khói tan đi, chiếc chiến hạm chỉ để lại một mãng dầu đang lan rộng, bên trong lởm chởm những mẫu vụn còn cháy.
                           
                          Kế tiếp chỉ có thể mô tả là hỗn loạn.
                           
                          ***
                           
                          Mạng thông tin của hải quân Ấn lập tức tràn ngập tiếng người nhốn nháo khi mọi viên phi công, sĩ quan phòng hành quân và nhân viên truyền tin cùng cất tiếng, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Không rõ có tiếng nói của Trung Úy Chopra trong đó hay không, cho dù là có đi chăng nữa, nó cũng đã bị những giọng nói tức tối và hoang mang của đồng đội che lấp rồi.
                           
                          ***
                           
                          Hai chiếc khu trục hạm nhỏ Ma’anshan (Mã An Sơn) và Wenzhou (Ôn Châu) có nhiệm vụ hộ tống chiếc Zhuhai, không đợi một lời giải thích nào cả. Cả hai khai hỏa vào bốn chiếc Mig-29K của Trung Úy Chopra và đồng đội.
                           
                          Trong vòng vài giây ngắn ngủi, bầu trời trên vịnh Bengal ngang dọc những dây khói của những quả tên lửa hải-không Trung quốc bay lên hướng các chiếc Mig của hải quân Ấn và của những viên Kh-35U do các phi công Ấn phản kích.
                           
                          Lúc mà những phi đạn đầu tiên trúng vào mục tiêu, một phi đội khác đã cất cánh từ tàu sân bay INS Vikrant rồi.
                           
                          Toàn bộ cuộc chạm trán chỉ mất chưa đến 20 phút. Khi tất cả xong xuôi, cả ba chiến hạm trong nhóm hành động Trung quốc đã chìm nghỉm. Bảy chiếc máy bay của Hải Quân Ấn Độ bị bắn hạ và ba chiếc khác bay khập khiểng về chiếc tàu sân bay mang theo ít nhiều hư hại. Mặt biển đầy xác thủy thủ đã chết hay bị thương.
                           
                          Thế là trận Hải Chiến Vịnh Bengal Thứ Nhất đã chấm dứt. Chém giết thật sự thì còn chưa bắt đầu.
                           
                          -=-=-=-=-=-
                          Chú Thích:

                          (21) Mig-29K là phiên bản Mig-29M được cải biến để dùng với tàu sân bay. Khung xương và bộ phận bánh đáp được chế tạo cứng chắc hơn để có thể đáp trên tàu sân bay. Mig-29K chỉ được hải quân Nga và Ấn Độ sử dụng. Ấn Độ bắt đầu sử dụng từ năm 2010.
                           
                          (21*) INS Vikrant: tàu sân bay do Ấn Độ tự sản xuất, có lượng giản nước 40.000 tấn, chiều dài 262 m, rộng 60 m. Tổng số nhân viên kể cả nhân viên phi hành là 1.400 người. Số lượng máy bay gồm 30 tiêm kích Mig-29K và 10 trực thăng Kamov Ka-31 hay Westland Sea King. Tàu được hạ thủy năm 2013 và đến năm 2016 còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dự trù chính thức vào biên chế năm 2018.
                           
                          (22) Kh-35U, tên gọi của khối NATO là Switchblade (dao xếp): phi đạn chống hạm, có đầu đạn nặng 145 kg, tầm xa 260 km, có thể tự phát hiện mục tiêu (ra-đa) cách 50 km. Bắt đầu được Nga sử dụng từ năm 2003. Việt Nam bắt đầu được trang bị năm 2009 (17 quả), rồi 16 quả năm 2010; sau đó, tự sản xuất bắt đầu từ 2012. Được quân đội Mỹ gọi đùa là Harpoonski vì nó rất giống phi đạn AGM-84 Harpoon (cả bề ngoài lẫn đặc tính kỹ thuật) do hãng Boeing chế tạo và được sử dụng từ năm 1977. Người Mỹ thường ghép thêm vần –ski sau 1 từ thì lập tức biến từ đó thành Nga Sô, để chế nhạo Nga Sô hay sao chép các sản phẩm Mỹ; điều này làm nhiều người Ba Lan bực bội vì người Ba Lan mới thường hay mang họ có vần –ski ở đuôi chứ không phải người Nga, mà người Ba Lan lại thù ghét Nga Sô đã chiếm đóng nước họ sau Thế Chiến Thứ Hai và cưỡng ép Ba Lan thành một nước chư hầu trong khối Warsaw.
                           
                          (23) ZJK-4 Thomson CSF là hệ thống điều hành chiến đấu của Pháp, được sử dụng chung với hệ thống tên lửa tầm ngắn HQ-7. HQ-7 là tên của Trung quốc dành cho hệ thống tên lửa Crotale của Pháp. Vào năm 1978-1979, Trung quốc mua Crotale của Pháp để trang bị cho chiến hạm. Sau này, Trung quốc tự sản xuất và gọi là HQ-7. Hệ thống này có thể ghi nhận 30 mục tiêu cùng lúc và điều khiển phi đạn chống lại 12 mục tiêu cùng lúc. Mỗi dàn HQ-7 có 8 ống phóng tên lửa; sau khi bắn hết có thể tự động nạp 8 viên khác mỗi lần. Tên lửa có tầm tối đa 15 km và tối thiểu 500 m (gần hơn, ra-đa không điều khiển được).
                           
                           
                           
                          #13
                            Quang11 08.09.2016 08:30:57 (permalink)
                            0
                            Chương 11
                            Phòng Tình Huống Nhà Trắng
                            Thủ Đô Washington, DC
                            Thứ Bảy, ngày 22 (ngày 23 tại Á châu) tháng 11
                            18:21, giờ địa phương
                             
                            Tổng thống Dalton Wainright theo chân một gã nhân viên Sở Mật Vụ qua cửa căn phòng Tình Huống. Khi tổng thống tiến đến chiếc ghế dành cho ông ta ở đầu cái bàn dài bằng gỗ đào, gã cận vệ thuộc Sở Mật Vụ dừng lại ở góc phòng bên phải cửa vào; từ chỗ này, gã có thể quan sát nguyên căn phòng mà không cần nhúc nhích gì hết.
                             
                            Trước kia, khi các màn hình phải được chiếu hình từ những máy phóng ảnh LCD gắn trên trần phòng, phòng Tình Huống phải nằm trong cảnh tranh tối tranh sáng. Ngày nay, máy phóng ảnh đã được thay thế bằng sáu máy TV dẹp lớn đặt dọc theo hai bên chiều dài căn phòng và một TV khổng lồ chiếm nguyên vách tường đối diện với ghế dành cho tổng thống. Không còn máy phóng ảnh, không có lý do gì để tắt bớt đèn, nên căn phòng sáng trưng.
                             
                            Tuy nhiên tổng thống Wainright sẽ không nhìn nhận với bất cứ ai, kể cả chính ông, là ông thích cảnh tối mờ của xưa kia hơn. Không phải là ông nhớ nhung gì cái vẻ thần bí của cảnh tranh tối ấy, mà là cái tính cách ẩn nặc, cái cảm giác giả tạo nhưng dễ chịu rằng mình đang vô hình mà đôi khi người ta cảm thấy khi đang xem phim trong bóng tối ấm cúng của một rạp chiếu phim.
                             
                            Wainright không thấy thoải mái chút nào trong cái công việc của mình. Ông không phải là người đầu tiên trong cái chức vị này cảm thấy như thế, nhưng cái cảm giác bất ổn của ông không có cùng nguồn gốc với những người khác. Biết bao chính trị gia đã cực khổ cả đời để được lọt vào phòng Bầu Dục (Oval Office, tên gọi văn phòng tổng thống), để rồi khám phá ra rằng công việc này quá lớn, quá nhiều thử thách và không béo bở gì để phải tốn bấy nhiêu công sức.
                             
                            Cái đó không phải là trường hợp của Wainright. Như phần đông những người làm chính trị, đôi khi ông cũng từng mơ đến cái ghế tổng thống, nhưng chỉ là mơ mộng chơi thôi. Ông chưa từng có ý định biến các giấc mơ ấy thành sự thật; và vì thế, ông không hề bất ngờ khi phát hiện ra chức vụ tổng thống làm ông chới với như bị ngập trong nước sâu.
                             
                            Ông đã rất hài lòng với vị trí thượng nghị sĩ ít thâm niên hơn của tiểu bang Maine (chú thích: mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sĩ), vui lòng khi nghĩ rằng sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh điểm. Lời mời tham gia vào liên danh ứng cử tổng thống chung với Frank Chandler đã làm ông thật ngạc nhiên. Wainright đã nhận lời ứng cử chức vị phó tổng thống, không phải vì ông tin Chandler sẽ đắc cử mà là vì ông cảm thấy đây là một cách hợp lý để kết thúc sự nghiệp chính trị của mình.
                             
                            Có lẽ ngoại trừ Chandler ra, không ai bị chấn động hơn Wainright khi cuộc vận động tranh cử của đảng Cộng Hòa đối lập với họ bỗng nhiên sụp đổ sau một vụ tai tiếng về tình dục bị làm ầm ỉ lên. Phản ứng dữ dội của dư luận đã đưa Frank Chandler tọt vào phòng Bầu Dục, cùng với Dalton Wainright còn khá sửng sờ bám theo đuôi áo.
                             
                            Giờ đây Chandler cũng đã rời khỏi, bị sự công phẩn của quần chúng truất phế, sau vụ thất bại lớn ở Kamchatka và vụ phi đạn tập kích Trân Châu cảng (được tường thuật trong một tác phẩm trước). Sự ra đi của lão ta đã biến Dalton Wainright thành vị phó tổng thống thứ nhì trong lịch sử Mỹ được tiến vào phòng Bầu Dục sau khi tổng thống tại vị từ chức.
                             
                            Trong nhiệm kỳ của ông ở Thượng Nghị Viện, một ký giả của tờ Washington Post đã từng mô tả Wainright là ‘giỏi dắn, chăm chỉ, nhưng không nổi bật”. Ngồi dưới ánh đèn sáng trưng của căn phòng Tình Huống, Wainright đang tự hỏi phải chăng cái khen ngợi nhỏ nhoi ấy là quá lời. Mặc dù không sáng rực, ông cũng đã xứng với cái ghế thượng nghị sĩ của ông. Khi ấy, ông cũng biết mình đang làm gì và đã đảm đương được mọi thử thách.
                             
                            Còn chức vị tổng thống là một chuyện khác. Ông vẫn xứng với hai từ ‘chăm chỉ’ và ‘không nổi bật’, nhưng ông thật hoài nghi mình có giỏi dắn đủ để ngồi ở vị trí cao nhất trong quốc gia hay không.
                             
                            -***-
                             
                            Đúng theo nghi thức, sáu-bảy người quanh chiếc bàn dài đang đứng nghiêm. Wainright ra hiệu cho họ ngồi xuống và ông cũng ngồi xuống ghế của mình.
                             
                            Viên sĩ quan trực phòng Tình Huống, một vị đại tá Không quân với gương mặt nghiêm khắc, đeo kính gọng viền sắt, vẫn đứng ở cuối bàn. Hắn gật đầu chào vị tổng tư lệnh. “Xin chào buổi tối, ngài tổng thống.”
                             
                            Wainright mở tấm bìa cứng màu xanh đặt trước mặt, đựng tài liệu sẽ được thuyết trình và ngước nhìn vào mắt viên đại tá. Ông gật đầu nhanh đáp lễ. “Bắt đầu đi.”
                             
                            Viên sĩ quan trực chỉ cây điều khiển về phía cái màn ảnh khổng lồ đối diện Wainright. Nền ảnh xanh lơ cùng với huy hiệu tổng thống biến mất khỏi cái màn ảnh rộng cả vách tường và được thay bằng bản đồ của một phần châu Á, bên trên có hằng trăm ký hiệu chiến thuật khó hiểu. Sáu màn ảnh nhỏ hơn dọc theo hai vách tường lập tức chiếu hình ảnh những chiếc chiến hạm, máy bay tiêm kích, tàu ngầm, trực thăng và hệ thống phi đạn.
                             
                            Viên sĩ quan trực quay sang màn ảnh chính và nhấn một cái nút để biến cây điều khiển thành con trỏ laser. Điểm đỏ của ngọn laser dừng lại trên một vùng nước phía đông Ấn Độ, vịnh Bengal; nơi đây, có một đám ký hiệu nhiều màu lộn xộn dường như để biểu thị một nhóm tàu và máy bay.
                             
                            “Thưa ngài tổng thống,” viên sĩ quan nói, “cuộc đụng độ giữa Trung quốc và Ấn Độ đang leo thang nhanh chóng. Cả hai bên đang điều động quân cụ từ đủ mọi nơi và cả hai đều đã chứng minh rằng họ sẵn sàng đụng chạm quân sự.”
                             
                            Bộ trường Quốc Phòng Mary O’Neil-Broerman lên tiếng. “Tình hình ở đó đã tuột vào vực thẳm rồi đó, thưa ngài.”
                             
                            “Tôi thấy được chứ.” Wainright nói. “Tôi muốn biết là tại sao.”
                             
                            Ông lập tực hối hận đã dùng giọng gay gắt như thế. Ông có khuynh hướng trở nên nóng nảy khi ông không tự tin, mà hiện tại ông đang cực kỳ không tự tin.
                             
                            Từ cái ngày mà ông thừa hưởng chức vị tổng thống, mỗi ngày ông đều bắt đầu bằng một lời cầu nguyện thật đơn giản, có lẽ ông nhắm vào toàn thể vũ trụ vì lời cầu xin của ông không hướng đến một vị thần linh nhất định nào cả. “Xin đừng để xảy ra chuyện gì mà tôi không ứng phó nổi.”
                             
                            Cho đến nay, ông vẫn lò mò qua ngày mà không gây ra tai họa nào cả, phần lớn là do lão Frank Chandler đã để lại cho ông một nhóm nhân viên rất tài giỏi có thể giúp ông vượt qua các tình huống khó khăn. Nhưng mà ông cũng đã rất may mắn. Định mệnh chưa trao cho ông một vấn đề nào vượt qua khả năng của ông.
                             
                            Vận may của Wainright không thể nào cứ kéo dài như thế mãi được. Ông biết thế. Sớm hay muộn mà thôi. Ông sẽ đụng phải một thử thách hay tai họa nào đó quá lớn đối với ông. Thế là người dân Mỹ sẽ biết ngay mọi chuyện có thể tệ hại như thế nào khi mà cái tên ngồi trên cái ghế cao vời ấy lại không đủ khả năng.
                             
                            “Thưa ngài tổng thống, chúng tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi của ngài phần nào thôi ạ.” Viên sĩ quan trực nói. “Căn nguyên có lẽ là vụ lật xe lửa ở Tây Tạng hôm thứ Ba, vụ tấn công đường xe lửa Thanh Hải bằng tên lửa ấy mà. Khói của vụ lật xe còn chưa tan, Trung quốc đã kêu đó là một vụ khủng bố. Dường như họ đã tra ra đám khủng bố ở ngôi làng Geku, trên Hi Mã Lạp Sơn bên phía Ấn Độ. Quân Giải Phóng Nhân Dân trả đủa bằng một vụ tập kích khổng lồ bằng phi đạn đã xóa ngôi làng khỏi bản đồ.”
                             
                            “Không thể nào!” Ông tổng thống nói. “Người Trung quốc đâu có ngốc, mà cái đó là phản ứng quá mức rồi. Đâu có thể nào trả đủa một hành vi khủng bố địa phương bằng cách tập kích một quốc gia khác với quy mô lớn như thế được chứ.”
                             
                            Bà bộ trưởng Quốc Phòng chồm người ra phía trước. “Thưa ngài tổng thống, xin thứ lỗi, cái đó cũng không nhất định là đúng. Nước Mỹ đã từng làm như vậy nhiều lần rồi. Thí dụ đầu tiên là vào tháng 8 năm 1998, khi mà tổng thống Clinton ra lệnh phóng phi đạn hành trình Tomahawk vào Afghanistan và Sudan. Chuyện này là để trả đủa hai vụ đặt bom tòa sứ quán của ta ở Kenya và Tanzania. Khi ấy, chúng ta cùng lúc phóng khoảng 75 phi đạn vào hai quốc gia nằm ở hai châu khác nhau.”
                             
                            Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Gregory Brenthoven, lắc đầu. “Mặc dù tiên đề của bà là đúng, nhưng mà thí dụ của bà không khớp với rắc rối hiện tại ở Á châu.”
                             
                            Hắn quay sang tổng thống. “Khi cựu tổng thống Clinton hạ lệnh phóng phi đạn, ông ấy biết rằng cả Afghanistan lẫn nước cộng hòa Sudan nằm cách nước Mỹ một khoảng cách xa. Khoảng 10-11 ngàn km gì đó. Tổng thống Clinton còn biết là cả hai nước ấy đều không có hỏa lực hay phương tiện để phản kích vào đất Mỹ. Nói cách khác, khả năng leo thang lên chiến tranh toàn diện coi như không.”
                             
                            Brenthoven chỉ về phía bản đồ Á châu trên màn ảnh chính. “Vụ rắc rối Trung-Ấn này không cùng tình huống ấy, thưa ngài. Không phải Trung quốc phóng phi đạn vào một nước thuộc đệ tam thế giới nằm phía bên kia trái đất. Mà họ đã khiêu khích một đối thủ cỡ lớn đang cạnh tranh quân sự với họ, mà còn là một nước hạt nhân nữa, nằm ngay ở biên giới phía nam của họ. Và cái này không hợp lý chút nào cả. Đúng như ngài đã nói, thưa ngài tổng thống, người Trung quốc không ngốc. Nếu có ai dám đấm Ấn Độ vào ngay lỗ mũi, mình nên cược tới đồng đô-la cuối cùng là Ấn Độ sẽ trả đủa bằng cả hai quyền ấy chứ. Người Trung quốc biết điều đó. Vậy mà họ vẫn làm thế.”
                             
                            Ông tổng thống ngước nhìn bản đồ. “Tại sao họ lại làm thế chứ? Tại sao họ lại liều lĩnh ngu xuẩn như vậy?”
                             
                            “Chúng tôi chưa biết, thưa ngài.” Viên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia nói. “Nhưng ngay bây giờ, chúng ta phải trả lời một câu hỏi lớn hơn. Chúng ta phải làm gì đây?”
                             
                            “Tôi đã nói chuyện với chủ tịch của hội đồng Tham Mưu trưởng Liên Quân rồi.” Bà bộ trưởng Quốc Phòng nói. “Ông ấy đang soạn một bản thuyết trình chiến thuật đầy đủ. Khi làm xong, ông ấy sẽ bàn thảo chi tiết, nhưng nói chung, ông ấy đề nghị chúng ta cho một chiếc tàu sân bay đến vùng ấy càng sớm càng tốt. Ý định là để thiết lập một sự hiện diện và hi vọng là có thể tạo thành một lực lượng cân bằng cho vùng này.”
                             
                            Ông tổng thống chậm rãi gật đầu. “Ai đang ở vị trí tốt nhất?”
                             
                            Tham mưu trưởng Hải quân, Đề Đốc Robert Casey, tằng hắng. “Thưa ngài tổng thống, đó là nhóm của chiếc USS Midway, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản.”
                             
                            Tổng thống quay sang vị đề đốc. “Mà chiếc Midway sẵn sàng ra khơi chứ?”
                             
                            “Thưa ngài, vâng.” Viên đề đốc đáp. “Chiếc Midway chính là chiếc hàng không mẫu hạm sẵn sàng của chúng ta (chú thích của dịch giả: Hải quân Mỹ luôn có hạm đội luân phiên trong trạng thái nghỉ ngơi và sẵn sàng ở mỗi khu vực trên thế giới; nên bao giờ HQ Mỹ cũng có thể tham chiến tại mọi nơi sau một thời gian chuẩn bị cực ngắn). Nó có đủ số tàu hộ vệ và tất cả có thể khởi hành trong vòng vài giờ.”
                             
                            “Tốt lắm.” Tổng thống nói. “Làm như vậy đi. Cho các chiếc tàu đó khởi hành đi. Chúng ta sẽ tính toán chi tiết sau, trong khi chúng đang trên đường.”
                             
                            Ông ngắm nhìn cái màn ảnh chiếm cả vách tường, tràn ngập những ký hiệu kỳ quái và ông bắt đầu thắc mắc phải chăng hôm nay là ngày mọi chuyện bắt đầu hỏng bét.
                             
                            #14
                              Quang11 08.09.2016 08:33:19 (permalink)
                              0
                              Chương 12
                              Quảng trường Barkhor
                              Thành Phố Lhasa, Tây Tạng
                              Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11, 09:24, giờ địa phương
                               
                              Cho dù sau này chính phủ và báo chí Trung quốc có nói gì đi nữa, thì đó cũng không phải là một vụ bạo loạn.
                               
                              Mục sư Bill McDonald nhìn xuống từ cửa sổ phòng khách sạn ở tầng hai khi dân chúng bắt đầu tụ tập trên quảng trường bên dưới. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ sư sải mặc cà sa tím. Hắn tự hỏi phải chăng họ đến đây để tụng kinh, hay thiền hay chỉ đơn giản là để gặp gỡ và trò chuyện tại cửa của ngôi chùa Jokhang nổi tiếng.
                               
                              Nhưng chẳng bao lâu sau, dân chúng mặc thường phục cũng nhập đoàn và nhiều người hơn nữa xuất hiện từ những con đường bên cạnh hoặc từ những ngỏ hẽm, bắt đầu tiến vào quảng trường. Nhóm người nhỏ mau chóng biến thành nhóm người lớn; và nhóm người lớn trở thành một đám đông. Vậy mà dòng người vẫn còn không dứt. Dần dần các màu sắc đỏ, xanh dương, vàng, trắng và xanh lục của lá cờ ‘Tuyết Sư’ của Tây Tạng bắt đầu xuất hiện, đôi khi được vung vẫy bên trên một tấm biểu ngữ, đôi khi quấn quanh thân một người nào đó như một tấm áo choàng.
                               
                              Khi các lá cờ lộ ra, McDonald hiểu ngay rằng hắn đang chứng kiến một sự kiện không bình thường rồi. Lá cờ Tuyết Sư biểu tượng cho sự độc lập của Tây Tạng và điểm tập kết của các hoạt động giành độc lập. Do vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đưa ra dùng vào năm 1912, lá cờ này vẫn là cờ chính thức của Tây Tạng cho đến khi vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vượt thoát khỏi sự chiếm đóng của Trung quốc qua Ấn Độ năm 1959. Ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau, nó đã trở thành biểu hiệu cho sự tự trị của Tây Tạng, một cách nhắc nhở đến những ngày tháng trước cuộc xâm lăng của Trung quốc và một hứa hẹn tự do trong tương lai.
                               
                              Người Trung quốc thì coi lá cờ Tây Tạng như một huy hiệu của khủng bố và hỗn loạn. Họ đã cấm chỉ hành vi sở hữu lá cờ này trong lãnh thổ được Trung quốc kiểm soát, kể cả Tây Tạng. Trưng bày lá cờ nơi công cộng sẽ bị trừng trị nhẹ nhất là tù tội.
                               
                              Tuy nhiên, đứng ở cửa sổ, McDonald có thể thấy ít nhất là 50 lá cờ này. Đám đông trên quảng trường Barkhor đang công khai vi phạm lệnh cấm này. Đây rõ ràng là một cuộc biểu tình phản kháng cở lớn. Lúc này đã có khoảng gần ngàn người trên quảng trường rồi, nhưng vẫn còn nhiều người hơn nữa đang gia nhập.
                               
                              Cửa sổ của hắn đang đóng kín, nhưng hắn vẫn nghe được âm thanh từ đám đông, hàng trăm người đang cùng hô hò khẩu hiệu. Không la hét, không đe dọa. Chỉ cùng hô khẩu hiệu một cách trầm bổng. Tiếng hô nghe thật kỳ quái, thê lương mà mạnh mẽ, nhưng hoàn toàn yên bình.
                               
                              Sự hiện diện của McDonald tại Tây Tạng không có liên quan gì đến chính trị hay báo chí cả. Hắn không phải đến đây để thu thập tư liệu về tình trạng dân chúng Tây Tạng hay để chất vấn gì sự chiếm đóng của Trung quốc trên mảnh đất đã từng tự chủ này. Ngoài ý đồ mở mang đầu óc của mình ra, hắn không có ý đồ nào khác. Hắn đến đây chỉ là để học hỏi với các nhà sư và tìm hiểu xem cái đạo của họ có giúp ích gì cho chính hắn trên con đường tìm đạo của mình hay không.
                               
                              Trong thời chiến tranh Việt Nam, hắn đã từng là một xạ thủ và trưởng phi hành đoàn trong đại đội 128 Trực Thăng Tấn Công của Lục quân Hoa Kỳ. Hắn đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến công tác, thường là ngồi vắt vẻo bên cánh cửa của chiếc trực thăng Huey với một khẩu đại liên M-60 kẹp giữa đôi chân. Hắn đã từng bị bắn hạ hai lần, bị thương do đạn địch một lần và, quan trọng hơn cả, là hắn đã được thay đổi.
                               
                              Bill McDonald đã trở về từ Việt Nam với một huy chương Distinguished Flying Cross (huy chương Thập Tự chứng nhận chiến tích phi hành), một huy chương Sao Đồng (Bronze Star chứng nhận chiến đấu anh dũng), 14 huy chương Phi Hành (Air medal) và một huy chương Tử Tâm (Purple Heart, trao tặng cho chiến binh bị thương trong chiến trận; mỗi lần bị thương, được trao tặng một Tử Tâm); nhưng trên chuyến bay trở về Hoa Kỳ, hắn đã mang theo một thứ còn quan trọng hơn tất cả các huy chương đang được cất giấu cẩn thận trong túi hành trang quân dụng. Hắn mang theo một tài sản tâm linh sâu sắc của riêng hắn.
                               
                              Giữa nỗi kinh hoàng của chiến tranh, hắn đã phát hiện ra sự liên kết của riêng hắn với vũ trụ. Hắn đã trở thành thứ mà hắn gọi là “chiến sĩ tâm linh”. Hắn không còn suy nghĩ về chiến thắng quân địch. Hắn chỉ còn tập trung tinh thần để chiến thắng tâm hồn của chính mình và tìm hiểu chỗ đứng của mình trong vũ trụ tâm linh.
                               
                              Nếu hắn không sai về tâm tính của chính phủ Trung quốc, chính quyền sẽ phản ứng vừa nhanh vừa hung bạo. Suốt vài chục năm qua, hắn đã cố gắng né tránh chính trị và bạo lực, nhưng giờ đây hắn vô tình đang ngồi ở vị trí tốt nhất để mục kích cả chính trị lẫn bạo lực.
                               
                              Một phần trong hắn muốn quay đi khỏi cái cửa sổ để hắn khỏi bị lôi kéo vào cuộc xung đột sắp diễn ra, dù rằng chỉ với tư cách khán giả. Nhưng một phần khác của hắn lại hiểu rằng con đường tầm đạo cũng là tìm hiểu sự thật. Không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra tại quảng trường Barkhor sáng nay, sau đó chính phủ Trung quốc sẽ dùng mọi quyền lực để chi phối dư luận quần chúng.
                               
                              Dù muốn dù không, mục sư William (Dịch giả: Bill là viết tắt cho William) H. McDonald sắp trở thành chứng nhân của lịch sử. Nếu mà sự thật cần được phơi bày từ sự kiện sáng nay, hắn phải mang cái trách nhiệm đó.
                               
                              Bill tháo cây gài cửa sổ và mở cửa sổ hé ra vài phân. Khi khe hở mở rộng ra hơn, tiếng hô hò của đám đông lớn hơn và rõ hơn.
                               
                              Hắn tìm được chiếc điện thoại di động và mò mẩm tìm được cái hình biểu tượng cho máy thâu hình. Hình ảnh trên màn ảnh di động rõ nét và sáng sủa. Hắn không biết bộ phận thu âm nhỏ xíu có thâu nổi âm thanh dội lên từ phía dưới hay không. Hắn không biết làm sao để kiểm tra hay điều chỉnh mức thâu, cũng không biết máy có khả năng điều chỉnh hay không nữa. Hắn bèn quyết định kèm vào lời trần thuật, để cho khúc video dễ hiểu hơn, trong trường hợp âm thanh quá nhỏ hay quá rè để có thể hiểu được.
                               
                              “Tên tôi là William H. McDonald.” Hắn nói. “Bây giờ là khoảng chín giờ ba mươi sáng, thứ Bảy, ngày 23 tháng 11. Tôi đang đứng ở cửa sổ của phòng tôi trên tầng hai, một khách sạn trước quảng trường Barkhor, thành phố Lhasa ở Tây Tạng.”
                               
                              Hắn chậm rãi đảo máy quay phim sang phải, rồi sang trái, cố gắng thu hình cả đám đông. “Như quý vị có thể thấy, một đám người đông đảo, tôi đoán từ khoảng vài trăm đến ngàn người, đang tụ tập trên quảng trường. Họ đang hô hào khẩu hiệu, nhưng tôi chỉ biết lỏm bỏm vài từ Tây Tạng, nên tôi không rõ họ đang nói cái gì. Nhưng tôi muốn nói rõ đây là một cuộc tụ tập yên bình. Không có dấu hiệu bạo động nào, hay hành vi phá phách nào. Đây không phải là một đám hỗn tạp. Đây là một cuộc biểu tình hòa bình và có trật tự.”
                               
                              Hắn dừng lại vài giây, phân vân không biết có nên nói gì thêm nữa không.
                               
                              “Tôi không biết máy thâu hình của tôi có thâu được tiếng của họ hay không.” Hắn tiếp. “Tôi hi vọng nó thâu được, vì tiếng hô hò này, hay ca hát… hay là gì đó… thật là hay. Tôi chưa từng được nghe thứ gì như vậy…”
                               
                              Hắn thôi nói, nhưng tiếp tục đảo máy qua lại để thu hình đám đông từ mọi khía cạnh mà khung cửa sổ cho phép. Hắn tính đi xuống quảng trường để có thể thu được nhiều hơn, nhưng lại quyết định thôi không đi. Có lẽ chỗ này cho hắn tầm nhìn tốt hơn và, nếu công an xuất hiện hay đúng hơn, khi công an xuất hiện, chúng sẽ tịch thu máy thu hình của hắn ngay khi nhận ra nó là thứ đồ gì. Nếu hắn ở lại phòng, hắn tin rằng hắn rất có hi vọng đem máy và hình ảnh đã thu được ra khỏi nước.
                               
                              Lực lượng công an xuất hiện không bao lâu sau và McDonald cẩn thận thu hết.
                               
                              “Tôi thấy ba chiếc xe tải chạy đến quảng trường.” Hắn nói. “Mỗi chiếc chứa khoảng 30, hay có thể là 50, người được vũ trang, dường như ăn mặc và trang bị chống bạo động. Tôi không nhận ra được đây có phải là quân đội hay cảnh sát chiến thuật đặc biệt nào đó, nhưng họ quả thật được trang bị nặng.”
                               
                              “Họ đang leo xuống xe, lập trận hình ở ba nơi. Trông không giống như họ đang thiết lập một chu vi hay đang bao quanh đám đông.” Hắn lại dừng. Hắn lắng nghe suốt nhiều giây tiếng hô hò khẩu hiệu nhịp nhàng, không ngừng của đám đông. Những người trong quảng trường đã thấy các nhóm quân vũ trang lập trận hình, nhưng họ không có vẻ gì là muốn chống cự hay tháo chạy cả.
                               
                              Đám đông dường như đứng khít vào nhau hơn như để tăng thêm can đảm và quyết tâm cho nhau. Giọng hô hò hơi xao động nhưng không tắt đi. Nhịp hô rất nhanh lại đều trở lại.
                               
                              McDonald vừa đang định nói lên các nhận xét của hắn thì nghe tiếng bụp-bụp của những quả lựu đạn hơi cay. Hắn thấy nhiều lon khói rơi vào đám đông, rồi đám đông tản ra khỏi các cụm khói trắng phun ra từ các lon ấy.
                               
                              Khói cay! Hắn đã gặp phải thứ này trong các buổi huấn luyện chiến tranh hóa học thời còn ở quân trường và đã từng thấy nó được sử dụng trong thực chiến nhiều lần ở Việt Nam. Hắn lại trông thấy hình ảnh quen thuộc của những người vừa ôm mặt, vừa nôn ọe khi hít phải một ngụm khói trắng, rồi lảo đảo thụt lùi tránh cụm khói. Đám đông có trật tự bỗng biến thành một đám nhốn nháo và sợ hãi.
                               
                              “Họ dùng đạn khói.” McDonald nói. “Tôi đoán là khói cay. Không rõ là thứ gì, nhưng chắc chắn có hiệu quả rồi. Tôi nghĩ…”
                               
                              Nhưng hắn không bao giờ thu được những cảm nghĩ của hắn nữa, vì sự chú ý của hắn chợt bị tiếng súng phá tan, tiếp theo là những tiếng rú kinh hoàng và đau đớn.
                               
                              Hắn thoáng cảm thấy buồn nôn khi hóoc-môn adrenalin chợt cuộn tràn trong mạch máu, phát ra hiệu lệnh cổ xưa thôi thúc hắn bỏ chạy trước nguy hiểm. Hắn cảm thấy lòng bàn tay ứa mồ hôi và một âm thanh leng-keng kỳ lạ nơi tai không liên quan gì với âm vang tiếng súng.
                               
                              Hắn nhanh chóng đảo mắt nhìn quanh, cố gắng tìm nguồn gốc của tiếng súng. Hắn thấy nhiều người trong số lính chống bạo động đã tháo súng khỏi vai. Hắn đưa vội máy thu hình trong chiếc di động qua và kịp thời thu được cảnh cả chục người mặc đồng phục đang khai hỏa vào đám dân thường nhốn nháo. Tiếng súng nổ dòn dã, từng tràng ba viên đúng theo phương pháp tác chiến.
                               
                              Bao nhiêu ý định bình luận gì đó đã bay khỏi đầu óc của Bill McDonald rồi. Hắn thấy một số lớn người biểu tình bật người và loạng choạng khi trúng đạn. Máu văng tung tóe. Người ta ngã xuống đất. Mọi thứ được bao trùm trong tiếng súng vang nhanh và tiếng rú. Đây đầu phải là chống bạo động gì. Đây là thảm sát. Nhưng tại sao chứ?
                               
                              Không phải mọi tên lính hay công an đều nổ súng. Đúng ra, phần đông không hề nổ súng. Có phải là họ đã được lệnh nổ súng, nhưng nhiều người không nghe lệnh? Hay là họ không hề được lệnh, nhưng một số đã tự mình quyết định khai hỏa? Thật là không hợp lý gì cả.
                               
                              McDonald nhớ là có nghe tin tức trên truyền hình về một vụ tấn công một chuyến xe lửa chở lính Trung quốc cách đây vài ngày. Đây có phải là một sự trả đủa cho cuộc tấn công ấy không? Một sự trừng phạt chính thức? Hay một vụ phục thù đột xuất… Lính Trung quốc đang sẵn căm hận, lại đụng phải đám người Tây Tạng biểu tình phản đối ngay trước họng súng…
                               
                              Càng suy nghĩ, Bill McDonald càng cái ý nghĩ sau là đúng. Cuộc biểu tình chỉ mới diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ. Chừng đó không đủ thời gian cho các nhân vật cao tầng của Trung quốc quyết định và ưng chuẩn một kế sách dùng đòn sát thủ với đám đông này. Ngoài ra, trận này bắt đầu bằng khói cay. Cái đó cũng đã đủ cho đám đông tản đi rồi. Bằng không, nếu ý đồ là tận diệt đám phản kháng này, thì cách làm khôn ngoan nhất là quây họ lại, để có thể tập trung hỏa lực vào.
                               
                              McDonald tiếp tục quét máy thu hình qua lại. Quảng trường đã gần như vắng người rồi, chỉ còn những người đã ngã gục, không còn đi đâu được nữa. Sau khi súng bắt đầu nổ, nhóm người vũ trang cũng không hề ngăn cản dân chúng trong cuộc biểu tình bỏ chạy. Điều này cũng tăng trọng lượng cho cái quan điểm rằng vụ nổ súng này không có kế hoạch từ trước, mà là do lòng căm phẫn và bạo lực trong nhất thời.
                               
                              Đây là thứ mà hắn muốn lánh xa trong khi quyết định lên đường tầm đạo. Mọi khó khăn trên thế giới này không thể nào dùng súng để giải quyết được. Mà các thi thể dưới kia, khoảng 80 hay 100 thi thể, là minh chứng cho điều đó.
                               
                              Ngay cả bọn lính cũng có vẻ sững sờ vì những gì đã xảy ra. Chúng chỉ đứng chộn rộn tại chỗ cả phút, rồi mới bắt đầu khó nhọc tiến đến các thi thể, kiểm tra xem có còn người sống hay không.
                               
                              McDonald tắt máy thu hình và thụt lùi khỏi khung cửa sổ. Qua một lúc rất ngắn nữa, không chừng chỉ vài giây, bọn lính sẽ thoát ra khỏi sự sững sốt và bắt đầu truy tìm các nhân chứng. Một người nước ngoài mang theo một máy thâu hình sẽ thật không ổn nếu bị chúng bắt gặp.
                               
                              Hắn nhét chiếc di động vào túi quần và rời khỏi khách sạn đến một ngõ hẻm, từ một cánh cửa phía đối diện với quảng trường. Mười phút sau đó, hắn đã ở cách đó 6 con phố, giả vờ ngắm nghía hàng hóa trong một cửa tiệm chuyên bán cho du khách. Hắn chẳng cần hay muốn một món quà kỷ niệm nào cả, nhưng nơi này đã cách hiện trường đủ xa rồi, và hắn nhất định không xuất hiện trên đường phố cho đến khi mọi thứ đã được dọn dẹp xong và nhóm lính chống bạo động kia đã rời khỏi.
                               
                              Hai bàn tay của hắn vẫn còn run lẩy bẩy và hắn phải nhét chúng vào túi quần. Chiếc điện thoại di động đụng vào tay hắn, mang lại cảm giác trơn láng và ấm áp. Ngoài hắn ra, không ai có thể biết chiếc di động chứa những gì trong bộ nhớ. Hắn dự tính sẽ đợi đến lúc hắn đã ở thật xa khỏi lãnh thổ Trung quốc rồi mới tiết lộ cái mãnh vụn lịch sử chứa trong đó.
                               
                              Theo bản năng, ý tưởng đầu tiên của hắn là tìm một chuyến bay rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt, nhưng đó có lẽ không phải là việc làm khôn ngoan. Tốt hơn là nên đợi ba ngày và cứ theo cái lộ trình mà hắn đã định từ trước. Nếu hắn đột nhiên thay đổi lộ trình, chính quyền Trung quốc có thể sẽ thắc mắc tại sao gã du khách Mỹ này lại khẩn trương rời khỏi lãnh thổ của họ như thế. Tốt nhất là kiên nhẫn. Như thế sẽ an toàn hơn.
                               
                              Đến khi hắn đặt chân được đến vùng đất bạn, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có lẽ đã thi hành biện pháp quản lý chặt chẽ mọi thông tin rồi. Dựa theo lịch sử, hầu như chắc chắn chính phủ Trung quốc sẽ hoàn toàn che đậy sự kiện vừa rồi, phủ định rằng đã từng có một vụ tắm máu. Mà cho dù có công nhận rằng có vụ nổ súng, có lẽ họ cũng sẽ cố gắng che đậy tầm vóc của cuộc biểu tình và con số thương vong. Họ sẽ tuyên bố rằng các báo cáo về thương vong chỉ là sự thêu dệt của bọn phản động mà thôi. Họ còn có thể đổ tất cả lên đầu dân chúng trong cuộc biểu tình, tố cáo là họ đã có hành vi bạo lực đối với công an hoặc quân đội.
                               
                              Nhưng mà, cho dù là thẳng thừng phủ nhận hay tung tin vịt, gần như chắc chắn là chính quyền Trung quốc sẽ làm tất cả để che giấu sự thật khủng khiếp đã xảy ra hôm nay ở đây. Đoạn phim trong chiếc di động của McDonald là bằng chứng tuyệt đối sẽ làm tan nát mọi sự phủ nhận hay thoái thác của bọn chúng. Nếu chúng tìm được nó, hắn không hoài nghi gì rằng bọn chúng sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để hắn im miệng.
                               
                              Kế hoạch không dính líu gì đến chính trị của hắn có vẻ như không xong rồi, nhưng có lẽ đây là vận mệnh. Có lẽ, tại thời điểm này trong cuộc đời của hắn, vận mệnh của hắn là ‘không được’ xa lánh cuộc sống nhân loại mà phải là kẻ đưa sự thật ra ánh sáng.
                               
                              Hắn sẽ nghiền ngẫm và cầu nguyện. Thường thì suy ngẫm và cầu nguyện sẽ làm tâm trí của hắn sáng tỏ hơn và kiên định hơn.
                               
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 5 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 62 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9