Những sự tích về tết trung thu NHỮNG SỰ TÍCH VỀ TẾT TRUNG THU Huỳnh Toàn Sưu tầm
-
14.09.2016 17:03:08
Những sự tích về tết trung thu
NHỮNG SỰ TÍCH VỀ TẾT TRUNG THU
Huỳnh Toàn Sưu tầm
Tết Trung thu đúng vào ngày rằm tháng 8, giữa một mùa đẹp nhất, trăng thanh. Vì vậy, mà còn được gọi là “Tết trông trăng”. Tết Trung thu năm 1946, Bác Hồ đã viết "Trung thu trăng sáng như gương Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng " Vầng trăng của rằm tháng 8 đã gắn liền với các thần thoại, huyền thoại, chuyện cổ tích lưu truyền cho tới ngày nay.
Câu chuyện Thỏ Ngọc là câu chuyện thật cao đẹp và cảm động. Thời đó nhiều năm mùa màng thất bát, người và vật ăn thịt nhau để tranh giành sự sống. Thỏ là loài vật yếu đuối không đi được xa để kiếm ăn đành rủ nhau quay quanh bên đống lửa để chống chọi với đói và rét. Trước cảnh khổ ải, khó khăn như vậy, một con thỏ đã nhảy vào đống lửa, thui mình làm thức ăn cho đồng loại của mình, mong tồn tại giống nòi. Khi đó Tây Vương Mẫu đi qua, thương cảm vì nghĩa khí của con vật, người đã nhặt đám xương tàn của con thỏ đó, phù phép cho nó thành hình hài bằng ngọc và được trường sinh bất tử trên cung trăng.
Câu chuyện thứ hai, con thiềm thứ (con lân hoặc hổ phù) chính là Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ vua xứ Hữu Cung có tài bắn tên giỏi. Thiềm thứ hơi giống con cóc nhưng lại có sừng mềm, bụng có một dấu vết chữ bát màu đỏ. Hậu Nghệ được Giao Trì Vương mẫu ban cho viên thuốc trường sinh bất tử. Khi chàng vắng nhà, vợ chàng nuốt trộm thuốc rồi bay lên mặt trăng xin Thái Âm thần nữ chở che. Về nhà thấy mất thuốc và cả vợ, Hậu Nghệ tức quá quyết đi tìm vợ mình. Lúc bấy giờ có tất cả 10 mặt trời, chàng ngỡ vợ mình trốn ở đó liền bắn rơi 9 mặt trời và chỉ để lại 1 lấy ánh sáng ban ngày cùng với mặt trăng để có ánh sáng ban đêm dùng cho mình đi tìm vợ. Chàng có ngờ đâu Hằng Nga, vợ chàng đã đội lốt con thiềm thứ náu ở cung trăng.
Ngoài 2 con vật trên, cung trăng còn có Cây Quế đỏ. Sự tích như sau: Cây quế này cao 105 thước, đường kính 3 trượng, gỗ và vỏ cứng đanh như thép. Có một người tên là Ngô Cương đã tu luyện đắc đạo trên thượng giới, nhưng sau đó không trung với đạo Trời, làm nhiều điều càn rỡ nên bị Ngọc Hoàng đày xuống cung trăng bóc vỏ cây quế đỏ, nhưng vỏ cây quế cứng quá, do vậy đến nay mỗi khi chúng ta nhìn lên mặt trăng thì thấy bóng người hơi gù bóc vỏ cây quế, người đó chính là Ngô Cương. Phải chăng Ngô Cương đã dối đạo bị Trời đày nên thành “Thằng Cuội” trong ca dao của ta:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời...
Song, đấy là những câu chuyện thần thoại. Thực chất, Tết Trung thu là đoạn ngắt của chuỗi chu kỳ liên tục tháng, năm. Theo âm lịch, mỗi năm có 24 tiết; đó là quy luật tự nhiên xoay chuyển của Thái dương hệ. Từ đó, trong dân gian có kinh nghiệm tiên đoán, tiên tri trông trăng rằm tháng 8 để đoán thời tiết, thắng thua mùa vụ.
Tỏ trăng mười bốn được tằm
Đục trăng hôm rằm thì tốt lúa chiêm.
Hay còn xem trăng quầng và khi có nguyệt thực, cho rằng mặt trăng đã bị gấu ăn nên gõ mâm, chậu để xua đuổi điều rủi ro. Nhất là công việc sản xuất của người nông dân rất gắn bó với trăng, theo dõi rất sát nông lịch để cấy trồng theo thời vụ...
Trung thu từ bao đời đã trở thành ngày tết của cả trẻ thơ và người lớn. Ngày Tết Trung thu bày cỗ trông trăng, nam nữ hát đối đáp nhau, trẻ em rộn rã trong đám múa lân và rước đèn.
Ngày nay, Tết Trung thu, cùng với ánh trăng còn có ánh điện hòa cùng. Tâm hồn của thế hệ trẻ, những khát khao rộng mở, với tri thức hiện đại, ước mơ một ngày không xa sẽ có những con tàu đưa con người tới du lịch mặt trăng để thưởng ngoạn.
Tết Trung Thu Việt Nam
Trung thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch.
Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Nhà văn Toan Ánh trong quyển "Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam Quyển Hạ" cho rằng: Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết Trông Trăng
Cúng trăng (Tế nguyệt)
Trong đêm 15 tháng 8 âm lịch hằng năm, khi trăng rằm tỏa sáng, lễ tế thần mặt trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng còn gọi là bánh "đoàn viên", bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu không khí ấm áp của đêm rằm đến với mọi nhà.
Ngắm trăng (Thưởng nguyệt)
Thú ngắm trăng dịp Trung thu trở nên thịnh hành, thể hiện nhiều trong thơ ca thời này. Nhưng đến đời Tống, lễ hội ngắm trăng mới chính thức trở thành Tết Trung thu. Tục lệ ăn bánh hình mặt trăng (bánh nướng, bánh dẻo) trong dịp Tết Trung thu cũng bắt đầu từ thời này.
Tết Trung Thu là tết của trẻ em. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.
Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.
Thi cỗ và thi đèn
Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô.
Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.
Hát Trống quân
Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.
Múa Sư tử (múa lân)
Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.
Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v. Người Trung Hoa không có phong tục này.
SỰ TÍCH CHÚ CUỘI CUNG TRĂNG
Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng,
Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
- Trời ơi! Cây này chính là cây có phép "cải tử hoàn sinh" đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.
Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được.
Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.
Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: "Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!". Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.
Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....
HUYỀN THOẠI VỀ CHỊ HẰNG
Các em thân mến! Hình ảnh Chú Cuội, chị Hằng trong những câu chuyện cổ tích của Bà, của mẹ chắc hẳn đã trở thành thân thuộc với mỗi chúng ta. Cứ mỗi đêm rằm, trèo lên sân thượng hoặc bắc chõng ngoài sân, nằm ngửa mặt lên trời đếm trăng sao, chúng ra không khỏi thú vị và vui thích với hình bóng mờ ảo của hai vị thần tiên mộc mạc và gần gũi đó hiện trên mặt trăng. Trung Thu sắp đến rồi, YA xin gửi đến các em một trong những sự tích về chị Hằng nhé!
Ngày xưa, có một đôi vợ chồng trai tài gái sắc hết đỗi yêu thương quấn quýt nhau là Hậu Nghệ và Hằng Nga. Hậu Nghệ c hính là người anh hùng đã cứu loài người khỏi nạn thiêu đốt của mặt trời. Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời, cùng thiêu đốt mặt đất, khiến đất đai nứt nẻ, biển hồ khô cạn. Loài người đói khát bệnh tật triền miên và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Đau xót trước nỗi thống khổ của nhân dân, Hậu Nghệ quyết tâm tiêu diệt mặt trời. Không quản hiểm nguy, chàng trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, đem lại cuộc sống bình yên no ấm cho mọi người. Còn vợ chàng, Hằng Nga là một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, dịu dàng, đôn hậu và tốt bụng. Bởi vậy, hai vợ chồng họ có một cuộc sống thật ấm êm hạnh phúc trong tình yêu thương và kính trọng của dân làng.
Một hôm, Hậu Nghệ bỗng nhớ một người bạn thân, chàng bèn du ngoạn đến núi Côn Lôn thăm bạn. Trên đường, chàng gặp Vương mẫu nương nương. Cảm tình với chàng trai tài giỏi và đức độ, Vương mẫu tặng chàng thuốc trường sinh bất tử. Thuốc này uống vào sẽ lập tức bay lên trời thành Tiên. Nhưng Hậu Nghệ còn yêu mến trần gian xinh đẹp và ấm áp tình người nên chưa muốn rời đi.Vì vậy chàng bèn đưa thuốc cho vợ cất mà không nói cho nàng biết là thuốc gì.
Không ngờ trong đám học trò của Hậu Nghệ có một kẻ tâm địa không tốt tên là Bồng Mông. Việc Hằng Nga đang cất giữ thuốc bất tử đã bị Bồng Mông biết được.
Hôm sau, nhân lúc Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông giả vờ lâm bệnh, xin ở lại nhà. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi khỏi, Bồng Mông đột nhập vào hậu viện, rút kiếm ép Hằng Nga phải đưa thuốc cho hắn. Trong lúc nguy cấp, không thể để thuốc lọt vào tay kẻ ác, Hằng Nga mở hộp lấy thuốc cho vào miệng nuốt. Nuốt thuốc xong, Hằng Nga bỗng nhiên nhẹ rời mặt đất, hướng về phía cửa và bay lên trời. Tuy nhiên do lòng vẫn quá nặng tình lưu luyến với chồng, với trần gian nên nàng đã bay đến Mặt trăng, là nơi gần nhất với nhân gian.
Khi Hậu Nghệ về đến nhà thì vợ đã bay đi mất. Trong lúc đau khổ, chàng ngửa cổ lên bầu trời đêm thăm thẳm, thống khổ gọi tên vợ hiền. Bỗng nhiên, mặt trăng trở nên đặc biệt sáng ngời và trên mặt trăng xuất hiện một bóng người lay động trông giống Hằng Nga. Đau khổ, Hậu Nghệ sai người lập hương án, thắp nén hương gửi lên Hằng Nga nơi cung trăng những món ăn và đồ vật mà nàng yên thích.
Nghe tin Hằng Nga đã bay lên cung trăng thành tiên nữ, dân làng đều lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái Nguyệt” vào tết trung thu được truyền đi trong dân gian.
SỰ TÍCH THỎ NGỌC
Tương truyền vào thời xa xưa, có một cặp thỏ tu luyện ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Chúng có bốn chú thỏ con trắng tinh và đáng yêu. Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế triệu kiến thỏ chồng lên thiên cung. Khi đến Nam thiên môn, nhìn thấy Thái Bạch Kim Tinh dẫn theo thiên tướng áp giải Hằng Nga đi ngang.
Sự tích Thỏ Ngọc 1:
Tương truyền có ba vị thần tiên hóa thành ba ông lão tội nghiệp đi xin ăn của cáo, khỉ và thỏ. Cáo và khỉ đều có sẵn thức ăn để cứu giúp, chỉ có thỏ trong tay không có gì. Sau đó, thỏ nói: “Mọi người hãy ăn thịt của tôi đi!”, rồi liền nhảy ngay vào lửa, tự nướng chín mình. Các vị thần vô cùng cảm động, và đã đưa thỏ lên cung trăng, trở thành Thỏ Ngọc
Sự tích Thỏ Ngọc 2:
Tương truyền vào thời xa xưa, có một cặp thỏ tu luyện ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Chúng có bốn chú thỏ con trắng tinh và đáng yêu. Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế triệu kiến thỏ chồng lên thiên cung. Khi đến Nam thiên môn, nhìn thấy Thái Bạch Kim Tinh dẫn theo thiên tướng áp giải Hằng Nga đi ngang. Thỏ tiên không biết đã xảy ra chuyện gì, liền hỏi một vị thần gác cửa. Sau khi nghe xong hoàn cảnh của Hằng Nga, Thỏ tiên cảm thấy Hằng Nga chỉ vì giải cứu bách tính mà vô tình chịu tội, nên rất thương cảm. Nghĩ đến Hằng Nga một mình bị nhốt ở cung trăng, cô đơn đau khổ, nếu có người ở với nàng thì thật tốt, chợt nghĩ đến bốn con của mình, Thỏ tiên đã lập tức bay trở về nhà.
NGUỒN GỐC CỦA BÁNH TRUNG THU
Trung Thu là lễ thức nông nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đối với người Hoa, ngày tết Trung thu có đốt đèn, lồng đèn hình cá chép, lễ vật cúng trăng gồm bánh Trung thu, bưởi, khoai môn và đậu phộng.
Ở nước ta, từ lâu, tết Trung Thu đã trở thành ngày Tết của thiếu nhi. Trẻ em được ăn bánh ngọt và vui chơi trong đêm với nhiều loại lồng đèn có hình dáng, màu sắc sặc sỡ khác nhau.
Người Việt bị ảnh hưởng bởi tục lệ của người Hoa nhưng lễ cúng thần Thái Âm đơn giản hơn nhiều. Lễ vật cúng gồm có trà, bánh, hương hoa, không có bưởi hay khoai môn và đậu phộng như lễ vật của người Hoa.
Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm. Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn Nguyệt Bính sẽ là vô nghĩa.
Về mặt ngôn ngữ, người ta lại liên kết cái ý niệm “Tròn” (viên) của Trăng với cảnh quây quần đoàn tụ của gia đình, qui tụ ăn mừng để thưởng Trăng. Rồi từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng “Nguyệt lão” chắp mối tơ hồng để cho đôi trai gái.
Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý Âm, thuộc về người phụ nữ, nên vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ Trung Quốc thường bầy tiệc cúng Trăng với hương đèn và mâm ngũ quả cùng Nguyệt Bính, đặc biệt nếu cúng dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tỉa thành hình hoa sen (vì kiêng cữ ý niệm “phân qua” tức là chia rẽ phân ly). Tục lệ này được truyền qua Việt Nam, ngoài Bắc trở thành tục bày cỗ thưởng nguyệt với bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả trong mùa, đặc biệt phụ nữ trong nhà có dịp trổ tài khéo léo bằng cách gọt đu đủ thành các thứ hoa nhuộm phẩm sặc sỡ hay nặn bột thành những con giống như tôm, cua, cá.
Một điểm đặc biệt là trên nắp các hộp bánh Trung Thu bán ở thị trường thường vẽ những bức hoạ như Hằng Nga bay lên Quảng Hàn cung hay Đường Minh Hoàng du Nguyệt Điện để thể hiện những huyền thoại liên quan đến mặt trăng.
Ở Việt Nam từ xưa đến nay, bánh Trung Thu gồm hai loại: dẻo và nướng.
Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường với nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ thường hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn là chiếc bánh Trung Thu mang sắc thái Việt Nam hơn bánh nướng. Theo khẩu vị Hà Nội, bánh dẻo thường ngọt sắc hơn so với trong Nam. Đường kính của bánh thường rất lớn, có thể gần bằng chiếc mâm, để thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn, có màu trắng ngà và là biểu tượng của ý nghĩa “giai đình đoàn viên” và nhất là tình yêu khắng khít vợ chồng.
Cách làm Bánh nướng Trung Thu hầu như vẫn là bí quyết chế biến của người Việt gốc Hoạ Hình dáng bánh nướng thường vuông hay tròn, đựng vừa khít bốn chiếc trong một chiếc hộp giấy vuông. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân thì có thể làm bằng đậu xanh, khoai môn, hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy một hay hai tròng đỏ trứng vịt muối có mùi vani hay sầu riêng hoặc có nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao.
Những chiếc bánh nướng Trung Quốc mà chúng ta quen ăn ở Việt Nam hay mua tại những tiệm Hoa ở nước ngoài chính là thừa hưởng từ hình dáng và khẩu vị của vùng Quảng Đông bên Trung Quốc với những đặc điểm sau: vỏ bánh có vị ngọt, bánh đúc từ khuôn gỗ, còn về nhân thì thập cẩm bao gồm đến 200 loại vô cùng phong phú.
Khi thưởng thức, bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng mà phải chờ ba ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới mềm ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon. Mặc dù người ta quảng cáo bánh có thể bảo quản lâu đến một tháng nhưng với điều kiện khí hậu bình thường thì bánh chỉ nên ăn trong vòng hai tuần là tối đa nếu không thì bánh sẽ hỏng và làm đầy bụng.
Về sự tích bánh trung thu còn được kể lại như sau:
Huyền thoại thứ nhất: Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu ban cho viên thuốc trường sinh để sống lâu bảo vệ thế gian. Nhưng Hằng Nga lại lén ăn cắp viên thuốc này và bay lên mặt trăng. Trên mặt trăng, Hằng Nga làm bạn với một con thỏ ngọc đứng dưới gốc cây. Không khí trên mặt trăng vốn lạnh buốt nên do đó được gọi là Quảng Hàn cung. Hằng Nga bị lạnh nên bị ho làm viên thuốc trường sinh văng ra khỏi họng. Nàng bèn nghĩ đến việc lấy viên thuốc này giao cho con thỏ giã nhỏ ra thành bột mà rắc xuống thế gian mà để thiên hạ cũng được trường sinh.
Huyền thoại thứ hai là về ông vua Đường Minh Hoàng là người rất muốn luyện phép tu tiên. Tục lệ treo đèn và bầy cỗ vào đêm rằm tháng Tám xuất phát từ việc đó là ngày sinh nhật của ông nên truyền cho thiên hạ khắp nơi phải làm thế để mừng cho ông. Chính vào đêm rằm này, ông ra lệnh cho viên đạo sĩ La Công Viễn phải làm phép để ông du hồn lên chơi trên mặt trăng. Truyền thuyết kể rằng đạo sĩ này đã cho ông uống một liều thuốc gì đó rồi nói vua kê đầu vào một cái gối đặc biệt trong một khung cảnh mờ ảo có đốt hương trầm phảng phất. Quả nhiên, nhà vua trong chốc lát thấy hồn mình nhẹ nhàng bay bổng lên vùng Nguyệt Điện rồi chứng kiến một bày tiên nữ lả luớt nhảy múa ca hát trong những bộ xiêm y theo bảy sắc của cầu vồng. Lúc tỉnh dậy, nhà vua bèn nhớ lại bắt chước mà sáng tác ra khúc nhạc Nghê Thường Vũ Y Khúc (Nghê là cái cầu vồng, Thường là cái xiêm váy). Khúc nhạc này trở nên rất nổi tiếng và lưu dấu trong thi văn hậu thế , vua Đường Minh Hoàng đầy nghệ sĩ tính lại được giới nghệ thuật ca vũ Trung Quốc đời sau suy tôn là “Thánh tổ” của nghề nghiệp của họ.