TIẾNG BOM HÒA BÌNH
Lương_Hiền 16.09.2016 12:51:34 (permalink)
TIẾNG BOM HÒA BÌNH
 
                      Giải A cuộc thi truyện ngắn Tạp chí
                   Văn nghệ Quân đội -1984
 
          Câu chuyện ở bán trà
          Một buổi tối cuối tháng 12 năm 1981, trong một chuyến đi công tác đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình. tình cờ gặp hội nghị tổng kết cuối năm về công tác quân sự địa phương của tỉnh, đại úy Nguyễn Lư được mời dự bữa liên hoan cuối cùng. Sau bữa tiệc, vào khoảng 7 giời tối, mọi người đang ngồi quây quần uống nước trà trong phòng khách thì thượng úy Hảo, chủ nhiệm công binh tỉnh, dẫn hai đại biểu ăn mặc dân sự ở buồng bên cạnh đến gặp Lư và giới thiệu:
          - Báo cáo phó chủ nhiệm, đây là anh Tự, phó tổng công ty thủy điện, trưởng ban quân sự bảo vệ công trường và là trung đoàn trưởng. Còn đây là anh Hải, trợ lý quân sự ban tham mưu trung đoàn tự vệ sông Đà. Lư đứng bật dậy bắt tay hai người. Và Hảo tiếp tục giới thiệu Lư với khách rồi nhấn mạnh thêm:
          - Báo cáo anh Tự và anh Hải, thủ trưởng tôi đây là “Cây phá bom” thời chống Mỹ đấy!
          Lư ngỡ ngàng không hiểu có chuyện gì mà nói đến “bom đạn” vào lúc này. Dẫu sao anh cũng chống chế mấy câu: “Không có gì đâu” cho đỡ ngượng rồi cũng chỉ ghế mời khách ngồi.
          Tự chừng 50 tuổi, người cao to, quắc thước, rất có dáng con nhà chỉ huy quân sự. Mãi sau này Lư mới biết, anh vào bộ đội thời chống Pháp, là cán bộ chính trị trong quân đội, được phong quân hàm đại úy và chuyển ngành từ năm 1958. Từ khi bắt đầu làm thủy điện Thác Bà, từ cán bộ cơ sở sản xuất, Tự lên đến chủ nhiệm công ty xây lắp và bây giờ làm phó chủ nhiệm tổng công ty, trực tiếp làm ba bốn cái trưởng ban như Hảo vừa giới thiệu.
          Còn Hải khoảng ngoài 30, dáng nhỏ, vẻ thư sinh, vậy mà đã ở chiến trường B hơn chục năm, mãi sau giải phóng miền Nam, anh mới được chuyển ngành từ Quân khu 7 về thẳng đây với quân hàm trung úy bộ binh.
          - Chúng tôi vừa nghe tin anh đến đây, mừng quá, vội đến gặp anh! – Tự rất vồn vã nói với anh Lư.
          - Dạ, có việc gì vậy anh? – Lư hỏi.
          - Vâng. Có một việc muốn báo cáo anh về tình hình quả bom. Chúng tôi đã có báo cáo, chắc anh đã biết.
          - Quả bom nào cơ ạ? Tôi chưa biết gì cả.
          Hảo chen vào:
          - Công trường đang thi công gặp bom chưa nổ, phải dừng lại. Gần hai tháng nay chưa giải quyết được, tiến độ thi công bị đình đốn.
          - Công trường chúng tôi rất sốt ruột – Tự tiếp – Nhất là các đồng chí chuyên gia càng sốt ruột hơn, bởi vì mỗi một ngày phải dừng một chiếc tàu hút bùn cỡ lớn, mất đi một hiệu suất đào đất trị giá 40 ngàn đồng. Đã vậy, tiến độ thi công không những của âu tàu bị chậm, mà còn kéo lùi toàn bộ công trường chậm theo. Một hôm, đồng chí kỹ sư trưởng đã hỏi tôi: “Liệu các anh có phá được quả bom không? Nếu không thì để chúng tôi thiết kế một âu tàu khác tránh đi qua quả bom này ạ”. Nói là làm, các đồng chí đã đang khảo sát một tuyến âu khác rồi. Nếu ta không phá được, thì có lẽ đầu tháng sau các đồng chí sẽ đề nghị chuyển tuyến khác. Nếu chuyển đi là bỏ cái âu đang đào dở, còn tốn phí hàng chục triệu bạc và thời gian càng chậm thêm. Trên Bộ và Chính phủ cũng đang sốt ruột về việc này.
          Lư quay sang hỏi Hảo:
          - Tại sao gần hai tháng nay mà các anh không báo cáo lên Quân khu?
          - Dạ, chúng tôi có báo cáo đấy chứ ạ?
          - Sao tôi không biết?
          - Lần thứ nhất, tôi lên trực tiếp báo cáo mồm, lần đó anh đi vắng, đang xuống thi công ở công trường Phả Lại, tôi chỉ gặp anh Sa chủ nhiệm. Tôi báo cáo và đề nghị Quân khu giúp đỡ. Anh Sa trả lời là: “Cứ theo kinh nghiệm cũ mà làm, không có lực lượng chi viện đâu. Mà bộ đội công binh bây giờ có còn ai biết phá bom đâu, ngay cả bọn mình cũng chẳng hơn gì dân quân của các cậu cơ mà ”. Lần thứ hai tôi làm công văn do chỉ huy trưởng đại tá Điện ký hẳn hoi, đề nghị Quân khu chi viện, cho đồng chí Cộng trực tiếp cầm lên. Lần này thì anh lại cùng cơ quan bận diễn tập chiến dịch, lại chỉ gặp mỗi anh Sa ở nhà. Sau khi nghe đồng chí Cộng đọc công văn, anh liền lấy bút phê vào góc công văn: “Kính chuyển Bộ tư lệnh công binh, đề nghị giúp đỡ vì Quân khu không có phương tiện gì cả”. Rồi anh lại bảo với đồng chí Cộng: “Tớ cũng chẳng hơn gì các cậu, chỉ có hai bàn tay thì làm gì được”.
          Rồi Hảo rút túi ra một tờ giấy đánh máy đưa Lư xem và nói tiếp:
          - Đây, công văn vẫn còn đây. Chữ anh Sa phê đây. Tôi cũng chẳng đưa lên Bộ tư lệnh công binh nữa,vì các anh ấy cũng đang xuống làm rồi.
          Bỗng Tự hất đầu về phía Hảo và xen vào với giọng nghi vấn xen chút mỉa mai ý nói với Lư:
          - Như vậy là ý kiến và công văn anh đưa chưa đúng chỗ phải không ạ?
          - Không! – Lư đỡ lời – Anh Hảo đưa đúng chỗ nhưng chưa phải hết chỗ. Thôi chuyện đó rút kinh nghiệm lần sau – Lư gạt đi – Xin các anh kể tiếp cho tôi nghe chuyện quả bom, may ra tôi góp được một ý nhỏ gì chăng?
 
          Tình huống lúc 16 giờ 10
          Chiếc tàu hút bùn cỡ lớn mang số hiệu 224 do tàu trưởng Nguyễn Văn Tê và đội trưởng chuyên gia Va-tu-xép chỉ huy, đang tăng tốc độ ở những giờ cuối ca làm việc. Nguyễn Văn Tê và Va-tu-xép đều muốn đưa mũi khoan phá sâu vào lòng đất, đào một hàm ếch sâu, rồi đánh sập xuống, tạo thế cho đội bạn ở ca sau làm việc được thuận lợi hơn. Con số năng suất của ca này có khả năng vượt mức kế hoạch được nửa giờ.
          Đây là công trình âu tàu một hạng mục của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nằm vuông góc với dòng sông, có kích thước thiết kế rộng 100m, dài 300m và sâu 7 mét dưới mặt nước, bảo đảm cho tàu có trọng tải 10 ngàn tấn ra vào để bốc trả hàng ở cảng trên âu, hoặc ở lại tu sửa, bảo quản, sửa chữa tàu trong âu.
          Phương pháp thi công âu bằng tàu hút bùn, là một phương pháp hiện đại và hợp lý nhất. Toàn bộ phần đất ngập dưới nước và trên bờ đều được mũi khoan guồng cỡ lớn có đường kính 2 mét dũi vào đánh tan, tạo thành thể lỏng trong môi trường nước, hút qua một hệ thống đường ống có đường kính 60cm, dài 300 – 400 mét, đưa ra bãi thải ở giữa sông, tạo nên một bãi bồi lớn, chờ đến mùa mưa lũ sẽ bị dòng nước cuốn đi. Chiếc tàu hút bùn này đã từng hút cát từ lòng sông dẫn vào bờ, tạo thành những núi cát khổng lồ cao 15-20 mét giữa trung tâm công trường, tưởng chừng như những núi cát tự nhiên ở bờ biển Quảng Bình hay Nha Trang vậy. Xe ben, máy húc vận chuyển cát tỏa đi các ngả được thuận tiện như con thoi.
          Âu tàu đã được khởi công phần đào đắp hút bùn được bốn tháng nay, nhờ các chuyên gia nước bạn giúp đỡ và phối hợp, các cán bộ và công nhân Việt Nam đã đào được một phần ba chiều dài của âu, họ đang phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ.
          Lúc đó vào khoảng 16 giờ 10 phút ngày 26 tháng 11, con tàu hút bùn 224 đang lầm lũi làm việc không mệt mỏi; những tảng đất, đá cao 4-5 mét trên mặt nước đổ rầm rầm xuống, bắn nước lên tung tóe. Bỗng có tiếng kêu lớn át cả tiếng máy nổ;
          - Có bom! Bom! Bom!
          Mọi người trên tàu dồn mắt về phía tay một công nhân đang chỉ về phía vách-ta-luy; một quả bom lộ ra một nửa thân, hơi nghiêng, chúc xuống, đầu nó cách mặt nước khoảng 50 cm, đuôi cách mặt đất khoảng 3 mét, cánh đuôi bom đã bị mất.
          Ngay sau đó, những tiếng kêu, tiếng la bằng cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt: “Bom!...Có bom!...”. Nhưng bàn tay giơ lên, giơ xuống, những nét mặt lo âu, những cử chỉ sợ hãi. Kẻ chạy đi, người chạy lại với những tiếng la hét sợ hãi. Một số người nhao lên bờ rồi chạy ra xa nơi nguy hiểm, tìm chỗ trú ẩn.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tê vội vàng ra lệnh tắt máy.
Kỹ sư trưởng Ni-xa-lốp đang nghiên cứu địa hình ở phía cuối mặt bằng âu, bỗng thấy tiếng la hét ầm ĩ và tiếng máy bỗng nhiên ngưng bặt, đoán có sự cố về kỹ thuật hay tai nạn, ông vội chạy về phía tàu. Đến nơi, ông được mọi người báo cáo là có bom. Ông tiến đến gần vách cụt nhìn cho rõ hơn. Đúng là quả bom thật và nhớ lại đã có một lần cách đây khoảng 20 năm, ông chỉ huy một con tàu hút bùn trên một công trường thủy lợi. Mũi khoan tình cờ xuyên vào một quả bom của phát xít Đức chưa nổ nằm trong lòng đất mà không ai hay biết. Bỗng một tiếng nổ rùng rợn làm chiếc tàu bị phá hủy, 8 công nhân bị hy sinh và nhiều người bị thương, trong đó có ông.
Bài học xương máu đó, Ni-xa-lốp còn nhớ mãi. Khi sang Việt Nam, ông vẫn luôn luôn cảnh giác trong khi thi công vào những vùng có chiến tranh. Mà ở Việt Nam có chỗ nào thần chết của chiến tranh không dòm ngó đến. Chính ở nơi đây, trên công trường nhà máy thủy điện, những người sang trước có kể lại là bộ đội công binh Việt Nam đã tháo gỡ hoặc phá được một số bom của Mỹ và cả của thời Pháp để lại.
Ông nhìn lại hiện trường. Không khí hoạt động ồn ào náo nhiệt là thế, bỗng nhiên ngừng bặt lại, im lìm. Không khí chết chóc đâu đây như đang bò đến bao trùm lên khu vực âu tàu. Hầu hết cán bộ và công nhân của ông ở đây đều chưa trải qua chiến tranh. Gần 40 năm nay trên đất nước ông, họ chỉ biết bom đạn qua phim ảnh, tranh, truyện và báo chí thế giới. Cho nên khi họ nhìn thấy bom thì làm sao tránh khỏi lo ngại, và có người sợ sệt. Nhất là khi họ được nghe nói loại bom từ trường là loại nguy hiểm nhất. Liệu cái khối sắt thép khổng lồ của con tàu và các mũi khoan to lớn rung động kia tránh sao khỏi phát ra những vùng từ ảnh hưởng tới quả bom, nghĩa là nếu máy móc tiếp tục hoạt động có thể gây cho quả bom nổ bất kỳ lúc nào, không ai có thể lường trước được.
Thấy được mối nguy cơ đó, trước khi báo cáo lên Tổng Công ty và Đoàn trưởng chuyên gia, kỹ sư trưởng Ni-xa-lốp đã kịp thời lệnh cho lùi con tàu ra xa, tít ngoài bờ sông để đảm bảo an toàn. Đó là một hành động tinh khôn và chính xác. Các công nhân Việt Nam đã có ít nhiều hiểu về bom từ trưởng đã đề xuất phương án, dùng sào từ từ đẩy tàu ra xa, không được nổ máy; đó là những kinh nghiệm của các thủy thủ, công binh và giao thông trong những năm chiến tranh lại được áp dụng ở  đây.
Mãi gần 7 giờ tối, con tàu đồ sộ, nặng nề mới rời khỏi khu vực nguy hiểm, cách quả bom trên 100 mét. Còn quả bom, một vật rất nhỏ bé so với con tàu, nhưng lại có sức phá hoại ghê gớm, vẫn nằm ỳ tại vách ta-luy phía bắc đầu âu, chứa đựng bao nhiêu điều bí ẩn ở nó
 
Quả bom chạy trốn
Sau khi phát hiện quả bom, tức là bọn giặc Mỹ đã bị lộ mặt nham hiểm của chúng ra ở đây, âm mưu xảo quyệt của chúng đã bị phơi bày, không những chúng thả bom nổ ngay giết hại nhân dân ta, chúng còn thả bom nổ chậm gài lại hàng chục, hàng trăm năm sau.
Một sự tác hại ghê gớm, một mối đe dọa nguy hiểm cho mấy chục con người và chiếc tàu, cho những ngôi nhà và xe máy qua lại xung quanh công trường. Nhưng cán bộ, công nhân và chuyên gia tàu 224 kịp thời phát hiện. Bàn tay vấy máu của giặc Mỹ đã bị ngăn chặn ở đây, sau gần 15 năm ẩn náu và mai phục chờ đợi. Phát hiện được kẻ thù, ngăn chặn được tội ác của chúng, cứu nguy được tình huống hiểm nghèo không xảy ra.
Nhưng quả bom vẫn nằm ỳ ở đó, mối đe dọa chết chóc đổ vỡ vẫn còn tồn tại. Làm sao phải tiêu diệt được nó như tiêu diệt một chiếc máy bay, một chiếc xe tăng hay một tên Mỹ, hơn thế nữa, một đội quân giặc Mỹ đang ẩn náu trong lòng quả bom, tức là phải phá vỡ quả bom hoặc bịt mồm nó lại không cho nó nổ, triệt tiêu được uy lực tàn phá của nó, kéo nó ra khỏi mặt âu tàu, tiếp tục thi công thực hiện đúng theo kế hoạch?
Đối với một chiến sĩ công binh dũng cảm thì sự việc đó thật đơn giản, như một người thợ bắt rắn thò tay vào các hang rắn, bắt hàng đàn rắn độc quấn đầu người mà đi chợ, hoặc như một nữ tài tử xiếc cưỡi hổ đi chơi phố. Chiến sĩ công binh quen thuộc chỉ cần cho quả bom này ăn 2 kg thuốc nổ là tự nó nổ tung ngay, hoặc chỉ cần hai thỏi 4 lạng thuốc nổ cũng phá được đầu nổ của nó, làm mất tác dụng của bom tức là bịt được mồm nó. Hoặc khôn ngoan hơn, những người không hiểu về bom thì chỉ cần lấy dây chão buộc vào cổ bom rồi đóng cọc ghìm lại, dùng cây đóng xung quanh gòng lại, như kiểu ta bắt được một tên giặc phải trói buộc, gông ghìm nó lại, chờ xét xử sau. Nhưng đáng tiếc, những điều nói trên không xảy ra kịp thời, nên đã để quả bom chạy trốn mất, gây bao nhiêu khó khăn phức tạp về sau.
Quả bom trốn đi đâu?
Trong khi ngồi ở bàn trà, Tự đã kể lại cho Lư rằng sau khi phát hiện bom, do thiếu kinh nghiệm, công trường đã lúng túng không có biện pháp xử trí kịp thời, nên đến buổi chiều ngày hôm sau, đất tiếp tục sụt lở và quả bom bị tụt xuống lòng âu sâu 7 mét nước và bị đất lấp vùi lên khoảng ba, bốn mét.
Đến khi lên công trường, Nguyễn Lư được nghe anh em công nhân kể lại là khi phát hiện bom, công nhân kêu ca trưởng, ca trưởng kêu đội, đội kêu đoàn, đoàn kêu công ty, công ty kêu tổng công ty, tổng công ty gọi ban quân sự, ban quân sự điện sang thị đội, thị đội lại điện lên tỉnh. Mặt khác, tổng công ty báo cáo lên Bộ chủ quản. Mỗi người, mỗi cơ quan đều chỉ thấy trách nhiệm của mình là phải báo cáo lên trên, còn việc chính mình, tự mình phải làm gì, thì ít người nghĩ đến, bàn đến, thậm chí có người không nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến. Có chăng thì chỉ là nghĩ đến việc lo sao bảo đảm an toàn cho người, cho xe máy, cho nhà cửa. Biện pháp duy nhất là nhanh chóng sơ tán và cắm một cái biển về đầu lâu có dòng chữ:
“Nguy hiểm, có bom nổ chậm!”
 
 
 
Những tờ trình
Hàng trăm bức điện khẩn bằng vô tuyến điện, bằng điện thoại, bằng điện báo, điện lên, điện xuống, điện sang, điện về, giữa các cơ quan trên, dưới, ngang, dọc, liên tục hàng tuần lễ vẫn chưa có các biện pháp gì để giải quyết quả bom. Công việc cứ tiếp tục đình đốn. Các cơ quan đều sẵn sàng cử những cán bộ có thẩm quyền, có năng lực, cấp tốc hành quân, như là mệnh lệnh chiến đấu xuống công trường, bằng mọi phương tiện, xe đạp, xe máy, xe ô tô con, ô tô to, có khi cả xe ben đến nữa. Nhưng nhiều nhất vẫn là xe con từ tỉnh, từ Bộ, từ Hà Nội, từ trung ương đến. Người xem xét nhanh nhất là một thiếu úy trợ lý tham mưu thị đội Hòa Bình, rồi một đại úy sĩ quan dự bị trung đoàn phó trung đoàn tự vệ tổng công ty và một số người khác ở gần đó. Họ kịp xem khi quả bom còn ở trên vách ta-luy, nhưng đều chỉ đứng từ bên kia bờ âu tàu nhìn sang quả bom, tức là còn cách quả bom trên dưới 100 mét. Còn phần lớn đều đến sau khi quả bom đã tụt xuống đáy sông, chỉ còn đứng trên bờ mặc niệm một vùng nước mênh mông mà thôi.
Ai cũng phân tích, cũng phê phán, cũng bàn phương án. Nhà khách công trường đã nấu hàng trăm suất cơm khách nhưng vẫn chưa có một phương án nào được thực hiện. Chỉ có một phương án được bàn mà ai cũng thống nhất là công trường cần phải làm những “tờ trình” để gửi lên các cơ quan có thẩm quyền để có căn cứ quyết hoặc căn cứ thực hiện phương án này, phương án khác, sau này còn có chứng cứ thanh, quyết toán, chứ những bức điện thì không thể là văn bản chính thức được.
Và thế là công trường lại làm hàng loạt văn bản, tờ trình gửi đi các cơ quan đề nghị giải quyết hoặc giúp đỡ. Và cứ mỗi đoàn đến kiểm tra, nghiên cứu, cũng lại có những văn bản, tờ trình kiến nghị các phương án xử lý gửi đi các nơi có liên quan, mục đích chủ yếu đều giống nhau, đại ý là:
“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo kịp thời từ ngày….rồi, còn giải quyết chậm hay nhanh là do cấp trên”.
“Phúc đáp công văn (hoặc tờ trình) của các đồng chí, chúng tôi đã cử đoàn X, đoàn Y xuống nghiên cứu kịp thời và đề biện pháp xử lý ngày…giờ…rồi. Còn có làm kịp hay không là do công trường (hoặc do cơ quan cấp trên nữa).
“Chúng tôi đã kịp làm tờ trình chuyển lên cấp trên rồi.”
Nghĩa là các cơ quan đều đã hoàn thành trách nhiệm của mình là báo cáo, truyền đạt, trình bày, kiến nghị.
Nếu tính đến khi phá được quả bom, chỉ những công văn giấy tờ làm văn bản, tờ trình, phương án, kiến nghị cũng đã đầy một cái hòm sắt bảo mật. Nếu tập hợp tất cả các cơ quan đem cân lên cũng phải đến vài chục ki-lô-gam giấy, đem đốt cũng đủ nhiệt độ kích thích cho quả bom nổ.
Trong câu chuyện bàn trà ở Bộ chỉ huy tỉnh , sau khi trình bày tình hình về quả bom, đại úy Nguyễn Lư nhận lời xem xét. Tự, trung đoàn trưởng tự vệ, hỏi lại:
- Vậy chúng tôi có cần phải làm lại tờ trình gửi lên Quân khu để anh có điều kiện xuống công trường không?
- Ồ không. Anh quên lề lối làm việc quân sự rồi sao? Điện, lời nói mồm giữa các cấp trên với cấp dưới cũng đều là mệnh lệnh. Đã là mệnh lệnh thì, bằng mồm hay bằng điện, bằng văn bản đều phải chấp hành như nhau.
- Nhưng ở đây là công trường bên ngoài.
- Thì quân đội cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trường chứ? Anh nói chuyện hôm nay ở bàn trà này cũng đủ điều kiện để chúng tôi nhận trách nhiệm về việc này rồi. Anh cứ yên tâm, khỏi lo vẽ chuyện, tất nhiên chúng tôi sẽ có báo cáo với cấp trên bằng điện thoại hoặc trực tiếp.
 
Những con sào và mảng nứa
Phó chỉ huy Ban quân sự thị xã Hòa Bình, thượng úy Nguyễn Văn Đường thường trực chỉ huy ngày 27 tháng 11, nhận được điện thoại của công trường báo cáo: “Có bom nổ chậm, đề nghị thị đội cử người sang phá gỡ”.
Đường cho người gọi thiếu úy Lê Hài, trợ lý thông tin của thị đội, vừa được giao thêm nhiệm vụ kiêm trợ lý công binh, vì đồng chí trợ lý công binh cũ đã được giải quyết cho ra quân từ bốn tháng nay. Thiếu úy Hài trước đây là chiến sĩ súng cao xạ, nhưng vì thiếu người hiểu biết về thông tin, nên được cử đi dự một lớp tập huấn thông tin ngắn ngày ở tỉnh rồi về trợ lý  thông tin của thị đội, rồi trợ lý công binh và cả trợ lý hóa học nữa. Lúc đó Hài đang đi vắng. Đoán chắc là Hài về nhà. Đường cho người về Phố Chợ tìm Hài nhưng Hài lại tranh thủ đi rừng lấy củi cho gia đình chưa về.
Đường đành phải cử trợ lý tác chiến là thiếu úy Tiện xuống công trường xem sao. Thiếu úy Tiện là lính mới nhập ngũ sau hòa bình, chưa biết bom đạn Mỹ nó rơi như thế nào, hình dạng nó ra sao, nên khi được chỉ định đến hiện trường, Tiện cũng chỉ dám đứng ở bờ bên kia âu để quan sát bằng ống nhòm (!) rồi vội vàng về báo cáo lại với thượng úy Đường như sau: “Tôi đã đến tận nơi và sờ thấy quả bom ”
Ba ngày hôm sau, trung úy Cộng, trợ lý công binh của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình, được cử xuống để nghiên cứu việc phá gỡ bom. Trong những năm chống Mỹ, Cộng đã là chiến sĩ một đơn vị công binh ở chiến trường, đã có kinh nghiệm phá bom từ trường. Sau khi xem xét hiện trường, theo kinh nghiệm cũ, Cộng lập một dự trù, đề nghị công trường và thị đội cho mua 5 mảng nữa, mỗi mảng có thể chứa được 3 – 4 người đứng và 10 cây sào tre dài 5 – 7 mét.
Kinh nghiệm đó của Cộng đúng, nhưng đó chỉ là trước đây, khi bom từ trường vừa mới thả, tức là khi tác dụng từ trường vẫn còn hiệu lực, thời hạn của bom còn giá trị, đầu nổ còn tác dụng, hay nói cách khác là thời hạn của nguồn pin còn tác dụng. Bởi vì thời hạn của bom từ trường phụ thuộc đầu nổ, đầu nổ phụ thuộc nguồn điện. Mà nguồn pin của các loại bom này của Mĩ chỉ có giá trị trong 6 tháng mà thôi. Tức là những quả bom từ trường này nếu thả từ thời chống Mỹ thì không còn giá trị từ trường nữa, vì đã quá ít nhất 8 – 10 năm rồi, nó chỉ còn giá trị cơ học, cho nên hoàn toàn có thể dùng các loại phao thuyền bằng sắt để làm phương tiện thăm dò phá gỡ nó. Nhưng nguyên lý này có lẽ do các giáo viên hay cán bộ công binh trước đây đã không dạy cho Cộng rõ hoặc do Cộng đã không học hoặc đã quên. Anh chỉ còn nhớ kinh nghiệm: “Dạo đó chúng tôi phải làm mảng nứa, không được dùng một tý sắt nào cả”. Cái kinh nghiệm đó lại thuyết phục được tất cả các cán bộ khoa học kỹ thuật, kể cả các kỹ sư điện của công trường, bởi cái lẽ đơn giản là “anh Cộng đã phá gỡ bom ở chiến trường”.
Chúng ta không hề trách anh Cộng được. Với trình độ văn hóa lớp 6 của anh, anh không thể nhớ công thức từ trường được. Lúc đó anh chỉ là chiến sĩ tham gia tháo gỡ bom, chứ chưa phải là cán bộ phụ trách hoặc cán bộ kỹ thuật. Vả lại sau hòa bình, anh đã xuất ngũ về quê làm ruộng, lấy vợ, đẻ con, chăm lo cuộc sống gia đình.
Dự trù của Cộng được thượng úy Đường ký, đóng dấu và đưa sang ban quân sự của công trường, ban quân sự lập dự trù sang ban vật tư, ban vật tư lập dự trù sang ban tài vụ. Mặc dầu ở thị xã, trên bến dưới sông đều có rất nhiều nứa, nhưng vì không được chi tiền mặt, phải làm thủ tục chuyển séc, và phải thông qua nhiều thủ tục dự trù kế hoạch giữa công trường với công ty lâm sản nên mãi gần 10 ngày sau công trường mới mua được 100 cây nứa và 10 cây sào lại phải mất hai ngày nữa một số anh em thuộc đại đội tự vệ công binh mời đóng xong bè.
Mặc dầu ở hiện trường có rất nhiều phao bằng sắt loại thuyền LPP của giao thông, phao tròn của tàu hút bùn và có rất nhiều thuyền gỗ lại không tận dụng, vì theo kinh nghiệm của trung úy Cộng thì bom từ trường nên các loại sắt thép đều phải cho tránh xa, nếu không bom sẽ bị nổ.
 
Cuộc truy tìm hung thủ
Thế là cuộc truy tìm hung thủ bắt đầu. Một đại đội tự vệ công binh, dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung đoàn trưởng Tự, trung đoàn phó Y, trợ lý tham mưu Hài, và dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của thiếu úy Hải, trung úy Cộng và thượng úy Đường.
Ngày đầu ra quân thật là sôi nổi. Công trường quyết định cho ăn bồi dưỡng mỗi “lao động phá bom” là 16 đồng một ngày, trong đó có một bát phở bữa phụ trị giá 5 đồng. Ngoài ra còn bồi dưỡng chè thuốc tại hiện trường. Công đoàn, Đoàn thanh niên, một số cơ sở còn vận động đến úy lạo “chiến sĩ trên mặt trận phá bom” nước chè xanh, dứa, cam, quýt…
Mọi người, ai cũng hồ hởi, phấn khởi và tin tưởng. Họ tin rằng chỉ ngày một ngày hai là xong, thậm chí có người còn nghĩ rằng chỉ một chốc một lát là xong thôi. Nhất là thượng úy Đường, anh tin vào phương án của Cộng. Vả lại trước đây anh cũng được một vài lần xem anh em công binh người ta dùng các mảng nứa để rà phá rồi. Bởi vậy khi phương án của Cộng đưa ra, được anh tán thành ngay và anh liền ký tên, đóng dấu hẳn hoi, coi như đó là một phương án của ban chỉ huy quân sự thị xã, trước khi đưa cho công trường và báo cáo lên tỉnh.
Hôm nay ra quân anh phấn khởi thực sự. Chính anh đã đứng ra động viên anh em tự vệ công binh, trao nhiệm vụ cho anh em phải hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Anh cũng tin như thế nên anh đã thầm chuẩn bị một bản báo cáo thật kêu, anh sẽ phát biểu ở công trường, trên đài trên loa của thị xã, của tỉnh, anh sẽ đi báo cáo ở tỉnh, ở quân khu rằng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban chỉ huy quân sự thị xã, lực lượng tự vệ công trường đã phá gỡ được bom từ trưởng của giặc Mỹ, đã giải phóng mặt bằng thi công âu. Rằng, lực lượng dân quân tự vệ thị xã là nòng cốt tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện lớn như thế nào. Rằngvân vân và vân vân…
          Sau khi làm thủ tục ra quân, anh hội ý với thiếu úy Hài, rồi xin phép công trường ra về, với lý do anh bận họp một cuộc họp quan trọng. Thực ra là anh vội về để còn kịp chuẩn bị sẵn cái bản báo cáo mà anh đang suy nghĩ. Và còn một lý nữa là, anh phòng xa vậy, “nhỡ có làm sao, thì không có mặt anh ở đấy, anh không bị tai vạ, và trách nhiệm cũng không liên quan gì đến anh.
          Thiếu úy Hài năm nay mới 22 tuổi. Khi máy bay giặc Mỹ bắn phá thị xã Hòa Bình, Hài ngồi dưới hầm đến bom nổ, và nhảy lên nóc hầm reo khi một chiếc máy bay bị ta bắn cháy. Giờ đây đối với Hài, mọi việc đều đơn giản: phá bom có gì là khó, người như anh Cộng còn tham gia phá được hàng chục bom. Hài không ngờ cái chức trợ lý công binh kiêm nhiệm ấy đến hôm nay lại có một việc làm rất nổi tiếng: “phá bom”. Phương án đã có anh Cộng, chỉ huy đã có công trường, Hài rất phấn khởi và tin tưởng. Đúng là niềm tin của tuổi trẻ. Anh hăng hái lao đến hết bộ phận này đến bộ phận khác, lặn xuống sông, giữ mảng, chọc sào thăm dò, đôn đốc canh gác, gọi người mang nước uống.Hầu như chỗ nào cũng thấy có mặt Hài.
          Sau một ngày dàn quân thành hàng ngang đứng trên mảng chọc sào tre thăm dò hết lượt này đến lượt khác khắp cả đoạn âu đã đào, vẫn chưa tìm thấy bom Cộng kiên trì đề nghị cho làm lại một ngày nữa. Vẫn không thấy.
          Hài lặn xuống sông, rồi Cộng cũng lặn xuống sông, nhiều chiến sĩ tự vệ cũng lặn xuống sông thay nhau mò. Nhưng trời rét, nước buốt quá, vả lại nước sâu quá, tới 7 mét, không thể lặn tới được. Những tay giỏi cũng chỉ xuống đến nơi sờ được đến bùn, bất cứ chỗ bùn nào đó, rồi lại phải trồi lên ngay.
          Họ bèn làm thêm thuốn sắt cắm vào đầu sào tre để đứng trên bè cắm xuống. Đối với Cộng, đưa sắt vào bãi bom lúc này là liều, nhưng anh cũng phải liều, anh không còn tin tưởng ở phương án của mình nữa.
          Ngày thứ 3 không thấy. Ngày thứ 4 số người ra làm chỉ còn một nửa. Ngày thứ 5 số người làm chỉ còn một phần tư. Ban chỉ huy trung đoàn tự vệ không có ai thường trực chỉ huy cả. Cộng và Hài vẫn kiên trì chọc, lặn, mò.
          Một số công nhân và chuyên gia nước bạn một vài ngày đầu vẫn đến xem và theo dõi, nhưng những ngày sau thì cũng chẳng ai đến xem nữa. Duy chỉ có kỹ sư trưởng Ni-xa-lốp hàng ngày vẫn một hai lần theo dõi.
          Một tuần trôi qua. Hiện trường bãi bom lại phẳng lặng như tờ. Duy chỉ còn tấm biển “cấm đường, có bom nguy hiểm” vẫn đứng trơ trơ.
*
*        *
          Tình hình rà phá bom được điện báo lên tỉnh. Và công trường lại một lần nữa lên cầu cứu tỉnh.
          - Được các đồng chí cứ về đi. Chúng tôi sẽ cử cán bộ có kinh nghiệm nhất của tỉnh xuống. Cứ yên trí trong chiến tranh, tỉnh đã phá hàng ngàn quả bom, chứ một quả của các đồng chí thấm vào đâu.
          Đồng chí trung tá Văn Thứ, chỉ huy phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trả lời với đồng chí cán bộ của công trường như vậy. Rồi đích thân đồng chí Văn Thứ cùng thượng úy Hảo, chủ nhiệm công binh tỉnh, đánh xe lên công trường ngay. Sau khi nghe báo cáo tình hình cụ thể tại hiện trường, anh giao nhiệm vụ cho chủ nhiệm công binh ở lại, lập phương án và trực tiếp chỉ huy rà phá.
          Thượng úy Hảo đã lâu năm làm trợ lý công binh tỉnh Hà Sơn Bình. trong chiến tranh biên giới Tây – Nam, anh đã được điều vào làm phó chủ nhiệm công binh tỉnh An Giang. Hai năm sau, khi trở về anh được bổ nhiệm làm trưởng ban công binh tỉnh thay đồng chí thiếu tá Tiền nghỉ hưu. Anh có kinh nghiệm về bảo đảm giao thông, về phá gỡ bom thông thường trong chống Mỹ và chống quân Pôn Pốt ở Tây – Nam. Riêng về bom từ trường thì cũng chỉ mới tham gia, chứ chưa trực tiếp phá hoặc chỉ huy phá lần nào. Với cái vốn văn hóa lớp 5 làm anh rất ngại học tập kỹ thuật; những lớp huấn luyện, tập huấn kỹ thuật, chiến thuật của tỉnh, của quân khu, anh đều tìm lý do để từ chối. Các tài liệu, sách vở về bom đạn địch anh rất ngại đọc. Với cái tuổi 42 của mình và 18 năm tuổi quân, anh cho là đủ rồi, chẳng học hành làm gì nữa, lo củng cố lại gia đình. Tuy vậy, anh rất hăng hái trong mọi công việc. Bất kỳ một việc gì mà tỉnh giao, đi tuyển quân, làm đường, xây nhà cửa, vận động sản xuất ở nông thôn, v.v, nghĩa là những việc gì có tính chất phong trào, đốc chiến, thì anh làm rất hăng, còn động đến kế hoạch, kỹ thuật, đến vẽ vời, văn kiện, công tác tham mưu thì anh rất ngại.
          Việc phá bom ở công trường, anh đã xung phong lên ngay. Nhưng vì bận công tác tuyển quân, nên đồng chí tham mưu trưởng chưa cho anh lên, mà chỉ giao cho trung úy Cộng. Anh cũng đã dặn Cộng tỉ mỉ mọi việc theo kinh nghiệm của anh.
          “Vì sao lại chưa tìm thấy bom? Chắc có lẽ vì làm chưa đúng bài bản thôi. Chẳng còn phương án nào khác. Trước hết là phải tìm thấy bom đã, rồi mới nói đến chuyện phá nó được chứ?” – Anh quyết định làm lại từ đầu theo đúng trình tự bài bản hơn. Nhưng lại phải mất gần một tuần nữa mới làm lại được. Bởi lẽ, những mảng nứa, những cây sào bỏ ở lại bãi bom chẳng có ai bảo quản, một số bị đứt dây trôi theo dòng sông, một số do dân chài đi qua nhặt nhạnh hết. Lại phải làm một bộ mảng mới, thuốn mới. Lại phải kế hoạch, lại dự trù, lại cắt séc và điều động nhân lực đến mua sắm và đóng mảng.
          Công trường cũng thấy xót  xa với số tiền mua sắm và bồi dưỡng lao động mấy tuần qua. Hàng chục ngàn rồi mà vẫn chưa thấy kết quả gì, nên lần này thì ít người hào hứng. Tưởng có phương án gì mới, chứ vẫn phương án thô sơ, cổ điển này thì chẳng có hy vọng gì. Một vài người trêu chọc cho đó là một trò hề.
          Mặc kệ cho những lời bán ra tán vào, thượng úy Hảo cùng các đồng chí Cộng, Hài và cả thượng úy Đường vẫn kiên trì thay nhau lặn lội thăm dò hết ngày này đến ngày khác. Các thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng thỉnh thoảng thay nhau lên xem xét và động viên họ cố gắng.
          Nhưng một tuần nữa lại trôi qua. Người bàn ra, kẻ tán vào. Có kẻ đồn đại là quả bom đã chui xuống tận âm ty. Có kẻ bảo nơi đó có “cái ma của người Mường” ở đó nó giấu quả bom rồi. Hay chính quả bom ấy là con ma nó hiện hình đấy, làm gì có bom đâu. Bà con dân bản ở gần đó, và rồi nhiều người ở công trường cũng nửa tin nửa ngờ.
          Và hiện trường bãi bom lại một lần nữa im lặng. Chỉ còn cái cọc báo nguy hiểm vẫn đứng trơ trơ.
          Những kỹ sư và chiếc máy
          Sau một trận thăm dò thứ 2 bị thất bại, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh mới làm một tờ trình do đại tá Điền chỉ huy trưởng ký, gửi lên Bộ tư lệnh quân khu và Bộ tư lệnh công binh. Đó là cái công văn mà thượng úy Hảo đã giơ ra cho đại úy Nguyễn Lư  xem ở bên bàn trà sau này trong đó đại tá Trần Sa, chủ nhiệm công binh quân khu đã ghi ở góc “Kính chuyển Bộ tư lệnh công binh đề nghị giúp đỡ, Quân khu không có phương tiện và kinh nghiệm gì cả”. Đại tá Trần Sa ghi như vậy thật là nhẹ nhàng, hết trách nhiệm.
          Cũng đến mãi thời gian đó, sau khoảng một tháng thì những tờ trình cũng đã vòng vèo xuống đến Bộ tư lệnh công binh. Cục B. liền giao cho phòng V. Phòng V. liền cử 2 kỹ sư, thượng úy Giàng và thượng úy Oánh đem theo một chiếc máy dò bom của Tây Đức, loại hiện đại nhất hiện nay. Binh chủng công binh mới chỉ có hai chiếc máy này, đều để ở cơ quan do phòng V. trực tiếp quản lý sử dụng. Các kỹ sư Oánh và Giàng cũng như trung tá trưởng phòng Lê Sự, đều đã được đào tạo ở nước ngoài và sang Đông Đức học sử dụng loại máy tối tân này.
          Trong những năm chiến tranh, các anh còn đi học chưa trực tiếp tiếp xúc với bom đạn. Khi về nước thì đất nước đã hòa bình được vài năm, việc khắc phục bom đạn cũ đã cơ bản làm gần hết ở những nơi nhân dân sinh sống làm ăn. Trừ những nơi xa xôi hẻo lánh hoặc địa hình phức tạp chưa động đến, như ở bờ sông, khu vực Hòa  Bình. này. Các anh cũng đã thăm dò một vài nơi ở quanh khu vực Hà Nội hoặc đô thị khác. Đây là lần đầu tiên các anh được cử đi xa và thăm dò ở nơi địa hình rừng núi. Kỹ sư Oánh và kỹ sư Giàng đều háo hức muốn được thực hành ngay, muốn được cống hiến sức lực và kiến thức của mình cho Tổ quốc, để bù lại những ngày chiến tranh các anh chưa được tham gia. Sau khi được lệnh, các anh vội vã chuẩn bị máy lên công trường ngay. Công trường cử trung úy Hài đem một xe con lên hiệp đồng và đón các kỹ sư về công trường.
          Cuộc đón tiếp các kỹ sư ở công trường thật nồng nhiệt, ai cũng khấp khởi và tin khi nghe giới thiệu các kỹ sư và nghe nói về chiếc máy dò bom kỳ diệu này. Họ cứ tiếc mãi là tại sao đến tận bây giờ trên Bộ mới cử kỹ sư xuống. Và họ ân hận là, giá biết thế thì đi lên thẳng bộ tư lệnh công binh báo cáo và xin các kỹ sư về từ đầu có hay hơn không? Một vài người tỏ vẻ trách móc trung đoàn trưởng Tự và Ban quân sự đã không tìm đúng nguồn, đã làm cho thời gian ngừng trệ kéo dài để một số bộ đội địa phương thị đội, tỉnh đội, dùng lối cổ điển thô sơ như làm trò hề. Họ xuýt xoa tiếc vài chục ngàn chi tiêu mà chẳng được tích sự gì. Ừ, phải có máy móc hiện đại thế này mới được chứ!
          Các kỹ sư của chúng ta rất khiêm tốn, chỉ mỉm cười trước những lời tán dương, và hăng hái bắt tay vào làm việc ngay. Chiếc máy Tây Đức quả là tinh vi thật. Các anh chỉ cần đứng trên bờ thao tác một lát là phát hiện ra ngay vị trí bom, yêu cầu người cầm sào cắm xuống đánh dấu. Nhưng chỉ lát sau, khi làm lại, thì vị trí bom lại bị xê dịch. Cứ như thế, các anh làm đi làm lại nhiều lần vẫn không chỉ được một vị trí chuẩn xác.
          Người xem đến vòng quanh xúm đông xúm đỏ. Có cả chỉ huy công trường, có cả công nhân, cán bộ, nhân dân. Và cả một số chuyên gia cũng đến bàn tán nói chuyện với Oánh và Giàng bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt. Các anh nói cho họ biết đây là loại máy tối tân có thể phát hiện bom một cách dễ dàng. Nhưng đến lúc này thì mồ hôi các kỹ sư toát ra như tắm, mặc dầu trời đang rét buốt. Họ nghi ngờ máy hỏng, kiểm tra lại. Không. Máy tốt! Họ nghi ngờ nguồn điện yếu. Công trường cho về khiêng hòm ắc-quy tốt ra. Vẫn như thế. Vị trí bom lúc chỗ này lúc chỗ khác. Buổi chiều họ mượn phao thuyền bơi vòng quanh âu, phát máy thăm dò. Vẫn không ổn định được.
          Ngày hôm sau, công trường phải cho xe đưa các kỹ sư về Hà Nội báo cáo. Thấy tình hình như vậy, kỹ sư trưởng phòng V., trung tá Lê Sự phải xuất tướng.
          Tình trạng báo của máy vẫn như hôm đầu. Ngay cả các kỹ sư đều không còn tin vào máy của mình nữa. Không lẽ lại bỏ cuộc về không? Trung tá Lê Sự cố gắng đo lại nhiều lần để tìm lấy một chỗ đáng ngờ nhất để cắm tiêu vào đó và công bố là đã dò thấy bom đúng ở vị trí cây sào đã cắm.
          Và như thế là tổ kỹ sư đã hoàn thành nhiệm vụ, rút về Hà Nội.
          Công trường đề nghị các anh phá bom giúp, nhưng trung tá Lê Sự từ chối, với lý do: Các anh chỉ làm nhiệm vụ dò bom, chứ không có nhiệm vụ phá. Vả lại dò được bom, xác định được vị trí mới là cái quan trọng bậc nhất thì các anh đã làm cho rồi. Còn việc phá gỡ thì có gì khó khăn, công trường tự làm lấy thôi. Sau đó các anh vội vàng về Hà Nội, để mặc các đồng chí trong Ban chỉ huy quân sự và công trường nhìn nhau.
 
       Vì sao họ bỏ cuộc?
          Kỹ sư Giàng đọc lại các tài liệu học tập ở bên Đức. Người ta đã tổ chức những công trường dò gỡ bom để khắc phục hậu quả từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 lại đây. Những chiếc máy dùng phương pháp nam châm và từ trường để định hướng đã xác định được vị trí bom. Sau đó họ dùng các biện pháp đào bới để lôi quả bom đó lên, rồi vận chuyển đưa đi một nơi xa, bảo đảm an toàn mới phá. Còn việc phá bom tại chỗ, ngay ở hiện trường này thì không thấy tài liệu nói. Vả lại, đó là những loại bom thông thường của đại chiến lần thứ 2, dùng phương pháp cơ học, chứ chưa nói đến loại bom từ trường của Mỹ như ở đây. Tuy rằng các anh đã đọc, tìm hiểu về bom từ trường, và biết rằng chúng đã hết tác dụng từ, nhưng vẫn nghi ngại chưa dám khẳng định. Vì biết đâu một hiện tượng từ nào đó đột nhiên còn tác dụng thì sao? Cứ cho nó là xác suất của 1 phần 1 vạn đi nữa, nhưng cái xác suất ấy nó lại xảy đến với các anh thì sao? Nghĩa là cái thần tượng về bom từ trường mà bọn đế quốc Mỹ tuyên truyền rùm beng vẫn còn ám ảnh các kỹ sư trẻ tuổi của chúng ta từ những ngày ngồi ở ghế nhà trường.
          Mặt khác, việc tổ chức đào bới để tìm và kéo một quả bom bị vùi lấp từ dưới lòng sông sâu 7 mét lên như thế này thì đối với các anh quả là phức tạp, có lẽ còn khó khăn hơn việc trục một chiếc tàu đắm ở giữa sông hay ngoài biển.
          Theo ý kiến của các cán bộ có kinh nghiệm phá bom như thượng úy Hảo, trung úy Cộng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đề nghị cho phá trực tiếp ngay tại hiện trường, bằng phương pháp bộc phá như trước đây các anh đã từng tham gia làm. Nhưng khối lượng bộc phá, cự ly an toàn cho các công trình xung quanh thì đề nghị các kỹ sư tính toán hộ, vì các anh cũng chưa biết tính toán ra sao. Họ chỉ có thể đảm nhận việc gói buộc lượng nổ, đặt vào vị trí bom và gây nổ, vì đó là nghề công binh của họ. Nhưng yêu cầu phải sờ thấy bom như họ đã từng làm trước đây, trong chiến tranh và ở chiến trường.
          Tình hình hiện trường, xe máy vật tư để xung quanh hố móng âu khá nhiều, phía thượng lưu giáp một dãy nhà kho lớn cách đó 120 mét, phía hạ lưu cách bờ âu 96 mét là một ngôi nhà lớn để thí nghiệm vật liệu. Họ khẳng định rằng, nếu quả bom nổ, thì nhất định các công trình xung quanh sẽ bị ảnh hưởng, có thể bị phá hủy hoặc bị rạn nứt.
          Kỹ sư Giàng đã về tìm đọc các tài liệu, và tìm được công thức tính toán lượng nổ gây kích thích để phá bom. Anh xin xuống lại công trường để nghiên cứu phương án phá.
          Sau khi tham khảo ý kiến chung của các cán bộ công binh, thị đội và công trường, Giàng đề nghị một phương án: Dùng một lượng nổ đặt trực tiếp vào bom để phá (theo công thức tính toán). Muốn vậy, phải có máy lặn cho thợ lặn xuống đào bới cho lòi quả bom ra, rồi mới đặt thuốc nổ để phá. Yêu cầu công trường cho di chuyển toàn bộ xe máy, trang thiết bị vật tư cách xa đó 300 mét và cho dỡ toàn bộ nhà thí nghiệm phía hạ lưu để bảo đảm an toàn.
          Phương án đó được mọi người thảo luận và cũng có nhiều ý kiến. Nhưng cuối cùng công trường tôn trọng phương án của kỹ sư Giàng. Chả gì đồng chí ấy cũng đã từng học ở nước ngoài về, một chuyên gia về bom, có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm. Sau đó công trường đi vào chuẩn bị cụ thể dự trù và cấp phát thuốc nổ, dây kíp, máy điểm hỏa, v.v. Điều động bốc chuyển một số xe máy, vật tư ra xa. Riêng khu nhà thí nghiệm và xưởnng cơ khí, cho chuyển hết máy móc bên trong, còn vỏ nhà cho phép bị hư hại.
          Ban chỉ huy trung đoàn tự vệ và Ban quân sự thị xã hiệp đồng với lực lượng công an, bàn các phương án  ngăn đường, cấm sông.
          Quy định thời gian cho tàu hút bùn 22-4 rời khỏi vị trí đang chờ đợi để sửa chữa.
          Kế hoạch, thời gian cụ thể đã được thông báo cho toàn công trường và các cơ quan, nhân dân địa phương, đồng thời đã công bố trên đài, loa: Sau hai ngày nữa, tức là vào lúc 7 giờ sáng ngày thứ 3, sẽ tiến hành phá.
          Kỹ sư Giàng xin phép về Hà Nội báo cáo thông qua phương án. Mọi việc phải chờ anh xuống mới tiến hành vì còn phải đưa thêm máy móc theo dõi, kiểm tra, và ít ra cũng phải mời một vài nhà báo hoặc phóng viên nhiếp ảnh của báo Quân đội, báo binh chủng xuống nữa, đây là một trận chiến đấu hiếm có.
          Nhưng tiếc thay chiếc xe con đưa kỹ sư Giàng về Hà Nội, sáng hôm sau trở lại công trường không có kỹ sư nào đi theo cả.
 
          Phương án bị bác bỏ
          Thì ra khi kỹ sư Giàng đưa phương án về báo cáo với phòng V. trung tá trưởng phòng Lê Sự liền gạt đi, không thể chấp nhận được với mấy lý do sau:
          Một là: Hiện nay chưa sờ được bom thì không thể nói việc phá bom được.
          Hai là: Khu vực xung quanh không an toàn, khu kho, nhà thí nghiệm có thể đổ, hư hại nhiều. Nếu phá được bom mà bị hư hại nhiều thì cũng còn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu không phá được bom thì sẽ ra sao? Mà cái máy này Tây Đức tại sao lần này lại chập chờn như vậy. Cái vị trí mà anh đã cho cắm đó, chưa thật đáng tin cậy lắm. Cứ cắm để cho họ yên tâm là mình đã tìm thấy bom chứ chưa dám chắc đó là vị trí bom thật. Còn phải kiểm tra lại. Phải có thợ lặn, phải có thuốc, v.v.
          Tóm lại là chính bản thân trung tá Lê Sự cũng không tin vào sự xác định của nhóm kỹ sư. Vậy thì tốt nhất là không nên phá. Phá không thành công sẽ ảnh hưởng tai tiếng đến cơ quan kỹ thuật và tiếng tăm của trung tá Lê Sự. Cứ đánh đu theo nó, bao nhiêu tiếng xấu dồn về anh, cái ghế trưởng phòng ở cái đất Hà Nội này có thể bị lung lay. Một lý do nữa, nếu cứ lao vào quả bom thì còn bị sa lầy nhiều, có khi phải kéo dài hàng tháng trời trên cái đất khỉ ho cò gáy trong mùa đông rét mướt. Mà năm hết tết đến, sắp đến nơi rồi, anh còn phải ở Hà Nội để chạy vạy xoay xở lo cho con cái, gia đình một cái tết đã.
          Anh quyết định chấm dứt cái trò mạo hiểm của kỹ sư Giàng:
          - Này, bảo họ tìm cách đào bom lên, rồi chúng ta hãy xuống phá giúp.
          - Vậy phương án đào bom bằng cách nào?
          - À, đấy là việc của họ.
          - Thế thì đánh đố họ rồi còn gì!
          Kỹ sư Oánh nói xen vào:
`        - Thì cậu không thấy là cái máy của ta chập chờn đấy hay sao? Ai dám tin cây sào cắm là vị trí bom? Bọn mình hãy để lại để tiếp tục nghiên cứu xem sao đã, làm vội vàng nhỡ thất bại thì hỏng bét!
          Thế là cái hăng hái của kỹ sư Giàng bị tụt xuống sâu quá đáy hố máng âu. Anh nhận ra sai lầm hấp tấp của mình dựa vào một điểm chưa đáng tin cậy mà dám lập phương án phá thì cũng liều thật. Anh lại thấy ý kiến của Lê Sự, của Oánh là sáng suốt, đã gỡ cho anh một bàn thua trông thấy. Nhưng biết ăn nói với công trường làm sao đây? Mọi việc đã chuẩn bị rồi chỉ còn chờ anh xuống. Anh đành nói với đồng chí lái xe con của công trường về báo cáo lại với anh Tự trung đoàn trưởng tự vệ là: “Còn chờ duyệt phương án, đề nghị công trường tạm hoãn lại chờ đã”.
          Chờ một ngày, hai ngày, rồi ba ngày cũng không thấy các kỹ sư Hà Nội đâu cả. Trên thúc, dưới thúc, trưởng ban quân sự Tự ruột nóng như lửa đốt. Anh cử Hải, trợ lý tham mưu đánh xe lên Hà Nội hỏi và đề nghị các anh ấy khẩn trương xuống giúp đỡ. Khi xe Hải đến phòng V, trung tá Lê Sự tránh mặt để khỏi bị chất vấn, mà theo anh thì bẽ mặt. Anh đề nghị kỹ sư Oánh tiếp Hải. Kỹ sư Oánh báo cho Hải biết ý kiến trưởng phòng Lê Sự là: Công trường cho người đào bới đưa bom lên, rồi báo chúng tôi sẽ xuống phá giúp.
          - Bằng cách nào được? – Hải băn khoăn hỏi.
          - Dùng máy lặn, cho người xuống đào, rồi móc cáp vào kéo bom lên.
          - Nhưng công trường không có máy lặn.
          - Thì đi thuê, các công ty cầu hoặc cảng đều có.
          - Bộ tư lệnh công binh có thể giúp đỡ một tổ thợ lặn được không?
          - Khó lắm, các đơn vị đều bận cả.
          Thực ra, kỹ sư Oánh cũng chẳng biết họ có bận không. Nhưng tốt hơn hết là không để một đơn vị công binh nào dính vào đây, để lộ những yếu điểm của cơ quan phòng V. ra.
          Hải cố gặng hỏi thêm:
          - Vậy còn cách nào nữa không?
          - Còn chứ! Các anh có thể dùng tàu hút bùn đắp ngăn khúc sông nối với âu lại, rồi cho máy bơm tát cạn đi và cho người đào cạn tìm bom.
          - Anh nói sao? Đắp ngăn khúc sông lại rồi bơm nước ư? Phải mất đến năm tháng và tốn kém biết bao nhiêu. Thế thì bằng đánh đố chúng tôi!
          - Ồ, anh chưa biết đấy. Ở bên Đức người ta phá một quả bom có khi mất hàng năm trời ấy chứ! Còn tốn kém, làm sao tránh khỏi được? Nếu không, phải đào một âu mới khác cũng thế thôi. Chỉ cần các anh đào được bom lên thì chúng tôi sẽ xuống phá giúp các anh ngay.
          Đến lúc này thì Hải không nén được trước cái giọng dạy đời đều đều của kỹ sư Oánh:
          - Nếu đã đào được bom lên thì chúng tôi chả cần đến các anh! Thôi cảm ơn, chào các anh!
          Hải bực tức bước lên xe phóng đi.
          Ở hiện trường bãi bom, các dụng cụ chuẩn bị phá bom lại được dọn về. Chỉ còn lại hố móng im lặng, đầy bí ẩn và thách thức với cái bảng cấm vẫn đứng trơ trơ.
 
          Chuyến xe đêm gõ cửa
          Sau câu chuyện ở bàn trà giữa phó chủ nhiệm tổng công ty Phạm Văn Tự và đại úy Nguyễn Lư, mấy ngày hôm sau, vào một đêm mùa đông, trời giá buốt, một chiếc xe con đóng kín mít cửa, lao vun vút từ Hà Nội về phía Phủ Lý. Thượng úy Hảo, chủ nhiệm công binh tỉnh Hà Sơn Bình. và trung úy Hải đang đi đến nhà đại úy Nguyễn Lư.
          Chả là sau chuyến đi đón chuyên gia bị hụt của Nguyễn Hải về, tức là sau cái buổi nói chuyện của kỹ sư Oánh với Nguyễn Hải ở phòng V., ban chỉ huy công trường thấy bế tắc, kể cả nhóm bộ đội tỉnh, thị đội cũng vậy. Tưởng các kỹ sư học từ nước ngoài về, với những máy móc tối tân hiện đại của Bộ tư lệnh công binh, có thể giải quyết được nhanh gọn. Không ngờ lại càng bế tắc thêm.
          Lại một lần nữa chuyên gia nước bạn đề nghị cho chuyển vị trí công trình, mở âu ở tuyến khác để kịp thi công kẻo bị muộn thời gian với tổng tiến độ chung của nhà máy.
          Không lẽ có một quả bom này mà đành phải chịu bất lực ư? Vậy thì danh dự của Bộ đội công binh để đâu? Danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng để đâu? Thượng úy Hảo liền xung phong lên trực tiếp gặp Bộ tư lệnh công binh một lần nữa. Anh đến thẳng cơ quan Bộ tư lệnh và xin gặp đồng chí Tư lệnh trưởng để báo cáo và đề nghị chi viện. Nhưng đồng chí Tư lệnh đi họp tận thành phố Hồ Chí Minh. Các Phó tư lệnh cũng không có ai ở nhà. Một đồng chí Cục trưởng cục kinh tế tiếp Hảo và Nguyễn Hải. Sau khi chăm chú nghe Hảo và Hải trình bày mọi lẽ và ghi chép đầy đủ Cục trưởng đi bàn với các cơ quan. Mãi đến buổi chiều Cục trưởng mới lại tiếp Hảo và Hải.
          - Như thế là các đồng chí cần phải ký một bản hợp đồng kinh tế về việc phá bom. Còn hôm nọ mới chỉ là làm bước hợp đồng về dò bom mà cũng chưa có văn bản. Khi nào công trường cử người đến ký hợp đồng kinh tế xong, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ tư lệnh cử người xuống nghiên cứu thực hiện.
          “Chà, không ngờ lại còn tình huống này nữa!” – Hảo và Hải đều nghĩ như vậy.
          - Dạ, việc ký hợp đồng thì không có gì khó, chúng tôi có thể thay mặt công trường ký ngay với các đồng chí được, chỉ yêu cầu làm càng sớm càng hay. Đã gần hai tháng nay rồi. Các kỹ sư ở đây cũng đang nghiên cứu dở dang đề nghị cho tiếp tục giúp đỡ công trường.
          - Việc chậm lại hai tháng nay là do các đồng chí không đến đây sớm. Dù sao thì cũng phải làm đầy đủ thủ tục đã rồi mới tiếp tục làm được. Thôi thế này nhé, hôm nay là… Đồng chí Cục trưởng nhìn lên quyền lịch treo trên tường – Hôm nay là thứ Bảy, đến tuần sau, sáng thứ ba, mời các đồng chí đến đây để làm thủ tục hợp đồng. Chúng tôi cũng còn phải mời các cơ quan kế hoạch, kỹ thuật, tài vụ, vật tư đến đông đủ mới bàn bạc giúp đỡ các đồng chí được. Chà, việc phá bom phức tạp lắm, chứ có phải chơi đâu!
          Nói xong, đồng chí Cục trưởng vội vàng đứng dậy bắt tay xin phép về. Lúc này đã là 5 giờ chiều thứ bảy rồi, Cục trưởng tuy về nhà có bị muộn một tý nhưng ông thấy rất vui, vì cái hợp đồng kinh tế sẽ ký vào tuần sau.
          Quả bom này cũng có thể kiếm lãi bạc triệu đấy chứ chả chơi! Nhưng ông lại không biết rằng các kỹ sư sẽ được giao nhiệm vụ để kiếm lời lãi ấy, đã bị thất bại và đang tìm cách trốn tránh quả bom đó.
          Thượng úy Hảo dẫn Hải quay về cơ quan bộ chỉ huy quân sự tỉnh , chờ mãi đến sau buổi xem ti-vi, các anh mới gặp được đại tá Điền và báo cáo lại tình hình. Nghe xong, đại tá bảo:
          - Thôi, không chờ đợi gì nữa! Các cậu chạy xuống tìm anh Lư đi. Nghe đâu anh ấy đang nghỉ phép ở Phủ Lý. Đề nghị với anh ấy giúp. Mình tin rằng Lư sẽ có cách nào đó. Trong chiến tranh mình thấy anh ta chưa chịu bỏ cuộc lần nào đâu.
          - Vậy bây giờ chúng tôi đến xin ý kiến anh ấy xem sao. Hôm nọ anh ấy cũng đã dặn tôi là: Bộ tư lệnh công binh đang làm thì cứ để các anh ấy làm. Khi nào có khó khăn gì thì điện hoặc đến tìm mình Phủ Lý, phố… Mình đang nghỉ phép để sửa nhà.
          Buổi tối thứ bảy hôm đó, tại nhà riêng của đại úy Nguyễn Lư khá đông khách. Sau chuyến đi vùng quanh bờ biển và các tỉnh trong quân khu để kiểm tra việc xây dựng các công trình phòng thủ, Nguyễn Lư khá mệt, anh muốn về nhà nghỉ, tắm giặt rồi đi nghỉ sớm theo kế hoạch đã xin phép đồng chí Tư lệnh quân khu. Từ ngày mai anh sẽ nghỉ phép, sửa chữa lại căn nhà đang bị dột nát hàng chục năm nay mà chưa năm nào anh được nghỉ phép trọn vẹn để “nhìn” đến nó. Lần này anh quyết bố trí thời gian nghỉ, thuê thợ và nhờ anh em bà con giúp đỡ sửa lại. Ăn cơm chiều xong, đồng chí lái xe đánh xe về, lên xưởng X10 thăm người bạn và anh cũng định đi nằm. Bà vợ cũng đã xua bọn trẻ con đi chơi để cho bố nghỉ sớm. Nhưng rồi khách khứa kéo đến. Lúc đầu là một số anh em hàng xóm láng giềng, lâu ngày mới thấy anh về thì ghé sang chơi uống nước. Sau nữa là mấy người thợ đến bàn về công việc sửa nhà từ ngày mai. Rồi anh em bộ đội thuộc xưởng X10 - đơn vị của bà vợ đang công tác - đến chơi. Mãi đến 11 giờ đêm, anh mới được đi nằm. Vừa tắt đèn, lại có tiếng còi ô tô ngoài ngõ và có tiếng gọi. Anh miễn cưỡng trở dậy. Thì ra ông giám đốc trại giống lúa Đồng Văn, vốn thán phục anh về tài tổ chức xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, mới thân quen nhau mấy năm trước.
          - Nghe tin anh bị ốm nặng phải không?
          - Tôi bị hơn một tuần nay. Cũng đỡ đỡ rồi.
          - Chả là tuần trước được nghe anh hát trên đài, may sao tôi lại cắm băng cát-sét ghi ngay được giọng hát của anh. Mãi lúc này, bọn trẻ chúng nó đi xuống thị xã chơi về, nói thấy xe anh về. Buồn quá, tôi gọi mấy anh chị em xuống chơi thăm anh và cho anh nghe lại giọng hát của anh.
          - Xin cảm ơn anh.
          Thế là lại trà thuốc, để thưởng thức cái băng nhạc và giọng hát của mình, do cái cát-sét to tướng của giám đốc trưởng trại giống phát ra. Người lại kéo đến chật nhà. Mãi đến hơn 2 giờ sáng khách khứa mới rút lui để chiếu cố đến ông chủ đang mệt mỏi.
          Một lát sau lại có tiếng xe và bà vợ dậy mở cổng. Nhận ra tiếng gọi hấp tấp của thượng úy Hảo và Hải, Lư lại vùng dậy tiếp khách. Lúc đó là 2 giờ 40 phút. Sau khi nghe hai người nói lại yêu cầu của công trường, của đại tá Điền, anh đề nghị các anh khẩn trương về trước, cho một tổ công binh của tỉnh lên làm một số công tác chuẩn bị và sẽ đón anh ở công trường vào đêm nay.
          Chiếc xe của Hảo vừa quay đầu ngược về Hà Nội thì Nguyễn Lư cũng lấy xe đạp, khoác áo mưa, đạp lên xưởng X10 cách đó 3 ki-lô-mét. Bà vợ vốn biết tính chồng, chẳng hề phàn nàn. Chị quấn thêm cho anh cái khăn len vào cổ và đưa chiếc đèn pin cho anh rồi khép cổng đứng nhìn theo chồng đạp xe trong đêm mưa phùn mù mịt. Nguyễn Lư lên xưởng X10 nhờ điện thoại gọi về báo cáo Quân khu rồi viết một cái điện ngắn, nhờ trực ban tác chiến Quân khu chuyển xuống trung đoàn công binh N13: “Lệnh cho một tổ trinh sát mang theo phương tiện rà phá bom. 22 giờ đêm nay có mặt tại Ban chỉ huy quân sự thị xã Hòa Bình., gặp đồng chí, Lư nhận nhiệm vụ”. Sau đó anh tìm gặp lái xe, giao nhiệm vụ chuẩn bị xăng, xe và hiệp đồng thời gian.
          Xong xuôi mọi việc, anh đạp xe về. Đến nhà đã là 4 giờ 30 sáng. Vợ anh vẫn đứng ở cổng phấp phỏng ngóng chồng. Đang mệt bã bời, thấy vợ còn đứng giữa mưa đêm chờ mình, anh cảm động, quàng tay ôm lấy vợ mặc cho chiếc xe đạp dựa vội vào khoảng không đổ kềnh ra giữa lối ra vào cổng.
 
           Lục tìm hồ sơ
          Sau khi nhận được điện của Nguyễn Lư, đại úy Đào Minh Nhật, trợ lý vật cản của cơ quan chủ nhiệm công binh Quân khu Ba, liền lục lại tủ hồ sơ lưu trữ để tìm lại tấm bản đồ “bom rơi” trong đó ghi chép đầy đủ số lượng bom, số bom đã nổ và chưa nổ những nơi bị máy bay Mỹ bắn phá. Tấm bản đồ này do các trợ lý bom mìn Võ Văn Triệm, Nguyễn Xuân Điền và Nguyễn Văn Hoàng đã thay nhau theo dõi và ghi chép từ những ngày đầu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hiện nay Triệm và Điền đã về hưu từ mấy năm trước, còn Hoàng thì đi biên giới Tây – Nam từ năm 1977 và chuyển ngành ra Ty giao thông An Giang.
          Có một lần, vào khoảng đầu năm 1979, nhân dịp chuẩn bị chiến tranh chống bọn bành trướng Trung Quốc, cơ quan chuẩn bị tư thế giảm nhẹ biên chế và hồ sơ, hàng đống giấy cũ đã được thiêu hủy. Chính Nguyễn Lư đã lôi được tấm bản đồ bom rơi này trong đám lửa xuýt cháy mà đại tá Trần Sa đã cho hủy với lý do hết chiến tranh rồi, giữ làm gì cho nặng. Nguyễn Lư đã giao bản đồ này cho Đào Minh Nhật, yêu cầu cất vào tủ hồ sơ lưu trữ. Dạo đó, Nhật cũng chỉ biết làm như một cái máy: người bảo bỏ đi, người bảo giữ lại. Cuối cùng anh cũng chỉ vứt vào một bó giấy loại xếp ở một xó tủ, không có đăng ký trong mục lục hồ sơ, do đó đến nay anh phải tìm mãi gần hết một ngày trời, mở hàng chục hòm tủ mới thấy lại được tấm bản đồ.
          Đến lúc này Nhật mới thấy những ký hiệu và con số trên tấm bản đồ đã nói rõ: Khu vực thị xã Hòa Bình, Thịnh Lang, Phà Thia – máy bay giặc Mỹ đã đánh 12 trận bom nổ ngay và 2 trận bom từ trường. Trận thả bom từ trường thứ nhất vào hồi 10 giờ sáng ngày 14-6-1967 và trận thứ hai vào hồi 12 giờ 05 phút ngày 7-8-1967. Mỗi đợt thả một vệt bom 12 quả loại 500 bảng. Đã phá nổ và tự hủy 4 quả.
          Đào Minh Nhật vội vàng ghi chép vào một mảnh bản đồ khu vực Hòa Bình. và lập tức đem lên công trường theo thời gian quy định của Nguyễn Lư.
          Người năm trước
          Trong khi Đào Minh Nhật dang lục tìm hồ sơ ở cơ quan Quân khu thì Nguyễn Lư đã đến công trường thủy điện Hòa Bình. Anh ghé qua Ban chỉ huy quận sự thị xã để thông báo và nhờ chỉ đường cho anh em công binh N13 vào công trường gặp anh, khi họ đến. Sau đó anh qua sông.
          Mặc dầu đã hiệp đồng thời gian với Hải, trợ lý tham mưu của công trường, nhưng anh không gặp ai đón cả. Anh hỏi thăm tìm đến nhà ở của Tự thì cửa đóng kín. Tự đi xem phim trong rạp chiếu bóng. Anh đến rạp lại được một công nhân chỉ đường đến nhà khách. Đến nhà khách, sau khi chờ gặp cô quản lý, một cô gái Mường khá kháu khỉnh còn sặc mùi lính, anh liên hệ chỗ ngủ, gửi ba lô vào phòng khách để chờ đến giờ “hành chính”, ngày hôm sau mới gặp được lãnh đạo. Anh đành hỏi thăm đường đi tìm một người quen ở làng gần đó.
          Bằng con đường trơn lầy lội, anh mò mẫm mãi mới tìm được đến nhà Thanh Nhã - “Người năm xưa” của anh. Nhưng thôi, hãy tạm gác chuyện cũ của anh chị lại đã.
          Mục đích của tối hôm nay anh muốn tìm một người nào đó trong làng biết về những trận bom, có liên quan đến quả bom ở hiện trường. Sau những giây phút ngỡ ngàng, mừng mừng tủi tủi của gần 15 năm xa cách, nay mới gặp lại nhau, phải mất đến hơn một giờ sau, Nguyễn Lư mới cắt ngang được dòng chuyện kỷ niệm xa xưa tưởng chừng không bao giờ hết, để nói rõ mục đích của chuyến đi này cho Nhã nghe, và nhờ cô cùng góp sức với mình để phá quả bom ở dưới âu tàu.
          - Em thì còn làm gì được nữa! – Nhã trả lời, rồi chị bỗng ngước nhìn như xuyên vào mắt Lư, giọng nhỏ và chậm một cách buồn chán – Mọi việc đã qua rồi, đã lùi vào dĩ vãng như những quả bom ấy, làm sao đào bới lên được nữa?
          Lư hơi nhăn mặt lại, cố ghìm nỗi đau từ những kỷ niệm nhói lên ở lòng mình, anh nói tuế tóa:
          Ồ, cô chỉ huy du kích gan dạ ngày xưa, nay đã chôn vùi hết cả dũng khí rồi sao?
          Nguyễn Lư cũng nhìn thẳng vào mắt Nhã, đọc những nỗi đau thầm kín trong đôi mắt ướt trong ánh lửa đang long lanh nhìn anh như dò hỏi và chờ đợi. Anh nói tiếp, giọng thì thầm như chỉ nói với riêng mình:
          - Chả lẽ cứ để quả bom nổ chậm đến lúc nào đó nó sẽ nổ tung ra, phá tan tất cả những gì đã làm được ở công trường này ư?
          - Nhưng làm sao mà đào bới được dĩ vãng. Còn minh chứng nào thừa nhận, ai tin được?
          Bỗng nhiên cả hai đều ngồi im lặng. Chỉ có ngọn lửa bếp bập bùng soi vào ánh mắt họ. Một lúc sau, Nguyễn Lư lại phá tan sự im lặng đó:
          - Bây giờ em hãy bình tĩnh nhớ lại, kể cho anh nghe cái quy luật hoạt động của máy bay giặc Mỹ những năm đó: Chúng từ phương nào đến, bổ nhào từ đâu đến đâu. Có phải chúng thường lấy ngọn núi Ba Vành làm chuẩn không? Thời gian thả bom thường từ lúc mấy giờ. Có trận bom vào ban đêm nào không? Mỗi đợt bao nhiêu quả, đã nổ mấy quả.
          - Ôi, sao anh lại hỏi kỹ thế? Những cái đó để làm gì cơ chứ? Có ích gì cho việc phá bom không?
          - Có chứ sao lại không? Những tài liệu sống của em và của bà con địa phương sẽ cùng với những tài liệu trên bản đồ cũ sẽ giúp anh xác định được chính xác có phải bom từ trường hay không, kiểu loại gì, nằm theo hướng nào, độ sâu bao nhiêu? Rồi còn phải xác định bao nhiêu quả rơi xuống sông, bao nhiêu quả trên đất, phạm vi mặt bằng âu còn bao nhiêu quả nữa, để tính toán kế hoạch phá một cách toàn diện và triệt để, chứ đâu có phải chỉ phá một quả này? Phải phá tận gốc tất cả những khả năng và mầm mống nguy hiểm của nó, chứ không nên chỉ làm đâu hay đấy!
          - Vâng, em hiểu.
          Trong ánh lửa, Thanh Nhã bỗng nhìn thẳng vào anh và một nụ cười cũng long lanh như sóng xô ào ạt vào bờ.
 
 
          Những ghi nhận đầu tiên
          Ngay sáng sớm hôm sau, mặc dầu trời còn đang mưa rét, Nguyễn Lư cùng Đào Minh Nhật đã leo lên cao điểm 426 mét, nghe Thanh Nhã kể lại những trận ném bom và đánh trả máy bay giặc Mỹ của dân quân Thịnh Lang trước đây. Sau đó họ cùng đi đến từng vị trí đã được xác định để xem xét, đo đạc, tính toán.
          Căn cứ vào sự hiểu biết về tính năng tác dụng các kiểu máy bay, các kiểu loại bom đạn Mỹ, và nhất là quy luật hoạt động ném bom phá hoại của giặc Mỹ với những kinh nghiệm phá gỡ bom của mình trong thời gian chiến tranh ở các chiến trường, Nguyễn Lư cùng Đào Minh Nhật đã nhanh chóng xác định được tọa độ, kích thước dài rộng của các vệt bom, vẽ được sơ đồ bãi bom trên hiện trường thi công của nhà máy thủy điện, tính toán được số bom đã nổ, số bom đã tháo gỡ và còn tồn tại trên vùng đất này là bao nhiêu!
          - Đây là chỗ anh Mùi, xã đội trưởng hy sinh!
          Thanh Nhã kể rằng trước đây nó là một khe suối ở bìa rừng, nhưng bây giờ là một chiếc cầu trên một con đường lớn, mặt bê tông chạy suốt công trường, sau này sẽ là một đại lộ chính của thành phố thủy điện.
          Nhã dẫn Lư và Minh Nhật đi đến gần trưa mới về nhà. Trong suốt cả buổi sáng nay, chị không nói riêng được điều gì với anh cả. Có lúc chị muốn hỏi, muốn nói, muốn gợi ý thăm dò nhưng thấy nét mặt anh đăm chiêu và sự chú ý tìm các vệt bom một cách bận rộn nên chị lại thôi. Chị đành im lặng và chờ đợi, cho đến lúc chia tay ra về, hình như anh cũng không quan tâm gì đến sự bịn rịn của chị, chị ngập ngừng muốn nói một điều gì đó, nhưng anh vẫn đang bàn với Nhật. Chị lặng lẽ quay đi, đi lầm lũi một mình, trong lòng nặng trĩu những hình ảnh, những kỷ niệm xưa, những ý nghĩ đang giày vò chị.
          Về đến nhà, chị bỗng chạy vào giường, ngã vật ra và òa khóc nức nở. “Ôi, chắc anh ấy cũng lại quên rồi,còn gì nữa ”.
          Hải Thiên, con gái riêng của chị, đang học cấp 3 vừa đi học về thấy mẹ khóc. Cô linh cảm thấy một điều gì đó, vội chạy lại ôm lấy mẹ và rụt rè hỏi:
          - Mẹ ơi, có phải bố con về không?
          Nhã không trả lời, lại càng khóc òa lên làm Hải Thiên cũng ôm mẹ khóc theo.
*
*   *
          Càng gần về trưa, trời càng mưa nặng hạt hơn, gió rét buốt hơn. Nguyễn Lư và Minh Nhật đi đi lại lại trên khu vực bờ âu tàu để chờ tất cả những cán bộ mà theo báo cáo đã “ nhìn tận mắt” và đã “sờ tận tay” thấy bom đến, để họ chỉ vị trí và hình dáng quả bom. Đó là thiếu úy trợ lý tác chiến thị đội Nguyễn Văn Tiện, đại úy sĩ quan dự bị trung đoàn phó tự về Lê Văn Y và một vài người khác nữa.
          Đứng trước mặt Nguyễn Lư và Minh Nhật, họ thấy không đủ lý lẽ để khẳng định sự thật và buộc phải thú nhận là họ đã đứng từ xa mà nhìn thôi, chứ chưa ai sờ đến bom cả.
          Trong chiến tranh đã có trường hợp một người nào đó nhìn thấy vỏ một quả bom đã được sử dụng làm kẻng của một đơn vị nào đó hành quân đánh rơi trên xe xuống, hoặc nặng quá bỏ lại ở một xó rừng ven đường. Do sợ hãi, cũng la lớn lên, rồi người nọ truyền người kia là có bom. Rồi đến tai những nhà chức trách và lập tức có điện, công văn cầu cứu. Rồi một đơn vị công binh cấp tốc được điều đến để dò gỡ  một cái kẻng! Những việc của Lư và Minh Nhật từ hôm qua đến nay chính là để không lặp lại trường hợp như trên mà chính Lư đã gặp không phải ít lần.
          Còn ở đây, bây giờ Nguyễn Lư đã có đủ tài liệu khẳng định đó là một quả bom thật, quả bom từ trường của giặc Mỹ, tuy đã mất tác dụng từ trường, nhưng nó vẫn còn tàng trữ một sức phá hoại ghê gớm như một đội quân mai phục. Anh bỗng nhớ đén một trận độn thổ chính anh đã cùng đồng đội của anh, cả một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 320, đã độn thổ nằm dưới hầm suốt ba ngày đêm phục kích, tiêu diệt một đoàn xe trên 100 chiếc của giặc Pháp. Nhưng những quả bom của giặc Mỹ ở đây nó còn lì lợm hơn sức chịu đựng của con người, nó âm ỷ và nguy hiểm lâu dài và tác hại của nó không ai lường trước được
 
          Nguyên nhân của sai lầm
          Theo báo cáo của Nguyễn Hải, trợ lý tham mưu, vị trí chính xác của quả bom đã được các kỹ sư của Bộ tư lệnh công binh và chiếc máy bay Tây Đức xác định. Đó là cây sào tre cắm ở giữa lòng âu cách bờ khoảng 10 mét. Họ đã chọc thấy quả bom, bây giờ chỉ còn việc cho máy lặn xuống đào và kéo bom lên thôi. Anh đề nghị đại úy Nguyễn Lư cho tiến hành ngay từ điểm đó.
          Trung úy Nguyễn Kiểm dẫn đầu tổ trinh sát của Trung đoàn N13 đến công trường từ nửa đêm qua, được lệnh lặn xuống kiểm tra ở độ sâu 7 mét nước. Kiểm dùng thuốc thăm dò, không động thấy bom. Chiến sĩ khác thay anh lặn xuống, rồi lại đến lượt Kiểm lặn lại, vẫn không thấy bom. Đào Minh Nhật phát máy kiểm tra khu vực đó. Có tín hiệu,nhưng báo rất yếu ớt. Nguyễn Lư dùng cả hai phương tiện thăm dò.
          Trung úy Nguyễn Kiểm lại được lệnh lặn xuống. Và sau nửa giờ đào bới, anh đã rút lên được một đầu thuốn bằng sắt tròn 16 ly dài 2 mét. Đó là lần thăm dò thứ nhất, một đầu thuốn cắm vào sào tre bị tuột khỏi sào và cắm lại mà các kỹ sư ở Hà Nội đã đem máy Tây Đức đến đã bị lầm lẫn bởi cái đầu thuốn bằng sắt này. Đào Minh Nhật nôn nóng hỏi Nguyễn Hải:
          - Sao anh bảo anh đã chọc thấy bom?
          Hải đỏ mặt vội chữa lại:
          - Không phải tôi. Cậu Hoàn đội trưởng tự vệ công binh.
          Nhật cho người tìm Hoàn cũng đang làm việc ở gần đó.
          - Không phải em. Cậu Kỳ nó báo cáo thế.
          Nhật lại cho tìm Kỳ.
          - Ấy là em nghe anh Hải nói là đã chọc thấy bom, chứ không phải em
          Mọi người bỗng phá lên cười một cách mỉa mai.
          - Thôi, thôi cái vòng luẩn quẩn ấy đi! – Nguyễn Lư ngắt lời – Ta bắt đầu làm lại từ đầu theo phương án của ta.
          Nguyễn Lư, Đào Minh Nhật và Nguyễn Kiểm đã vạch một phương án dò theo từng bước cơ bản và có dự kiến nhiều tình huống xảy ra. Dùng máy để định hướng; dùng thợ lặn để xác định độ sâu; dùng phương pháp toán hình học xác định vị trí của quả bom.
          Phương tiện khí tài đã cũ lại thêm trời mưa gió, rét buốt, các bình điện, đầu dây đều bị nhiễu, chập. Các số liệu đều phải kiểm tra, làm đi, làm lại nhiều lần.
          Đến tối mịt không thể làm được nữa, Nguyễn Lư và các chiến sĩ mới về. Ăn vội miếng cơm nguội tanh, lạnh ngắt xong, họ xúm ngay lại trên bảng vẽ của Nguyễn Lư. Căn cứ vào tình hình địa chất, thủy văn và địa hình mặt bằng, mặt cắt của âu, bằng các số liệu đã đo, tính được ở hiện trường, Nguyễn Lư đã dùng phương pháp hình học để xác định vị trí của quả bom. Anh cùng Đào Minh Nhật và Nguyễn Kiểm tranh luận khá lâu. Cuối cùng, lập luận của Nguyễn Lư đã có cơ sở vững chắc được chứng minh bằng toán học.
          - Hay lắm! Đây là một phương pháp rất mới. Hoan hô thủ trưởng! Một sáng kiến hay lắm! – Nguyễn Kiểm bỗng reo lên hồ hởi làm các chiến sĩ đang ngủ bừng tỉnh cả dậy.
          - Sao, cái gì đấy? Xác định được rồi à?
          - Rồi, rồi. Ngày mai chỉ cần kiểm tra lại một lần nữa bằng máy cho chắc chắn thôi.
          - Đề nghị anh sáng mai cho chuẩn bị cả hai việc; một bộ phận kiểm tra và cắm tiêu vị trí bom, một bộ phận chuẩn bị thuốc nổ! – Kiểm nói.
          - Hãy khoan. Chúng ta mới chỉ xác định được vị trí bom thôi.
          Còn việc phá bằng cách nào, lại phải bàn đã. Nào, mời các đồng chí lại đây!
          Thế là mấy cái đầu lại xúm vào bản vẽ quanh Nguyễn Lư.
          Những ý kiến trao đổi lúc to lúc nhỏ.
          Cô Thảo, nhân viên thường trực phục vụ nhà khách bỗng tỉnh giấc vì những tiếng tranh luận ồn ào ở gian buồng của các anh bộ đội. Xem đồng hồ mới 2 giờ sáng “Sao họ dậy sớm thế nhỉ? Họ định ra bãi bom ngay bây giờ chắc? Hay có chuyện gì?”. Cô phân vân và chạy sang buồng khách. Qua khe cửa, cô nhìn thấy họ ngồi quây bên một tờ giấy to và vạch vạch vẽ vẽ lên bàn, lúc suy tư, lúc ồn ào. “Thì ra họ vẫn chưa ngủ”. Cô bỗng rùng mình vì gió lạnh và chạnh lòng trước những mái đầu trong buồng khách. Cô về buồng xách một phích nước nóng và một gói chè, rồi gõ cửa buồng bước vào.
 
          Đêm trắng và ban mai
          “Phá bom bằng cách nào để đạt được thời gian nhanh nhất và bảo đảm an toàn nhất?” - Đó là câu hỏi mà nhóm chủ trì kỹ thuật của toán thứ 3 này đang thảo luận sôi nổi ngay trong đêm ấy, cái nửa đêm về sáng, rạng ngày 28 tết rồi.
          - Giá mà phá được xong trước tết thì cả công trường sẽ rất vui mừng và ăn tết rất to đấy, các anh ạ!
          Đó là ý kiến của người thứ tư cùng thức trong căn phòng khách này. Cô Thảo, nhân viên phục vụ nhà khách đêm nay thường trực ở đây.
          - Chính chúng tôi cũng đang phấn đấu như vậy đấy cô bé ạ! – Nguyễn Lư trả lời.
            - Liệu có đào được bom lên không hay phá tại chỗ các anh?
          À, thì ra máu lính trong cô gái này vẫn còn bùng lên. Cô là chiến sĩ của sư đoàn 326 biên giới Lai Châu mới hết nghĩa vụ chuyển ngành về đây. Cô ta nhập cuộc vào nhóm thảo luận phương án phá bom một cách tự nhiên và cũng giòn giã như bàn chuyện sắm tết vậy.
          Căn cứ vào sơ đồ mặt cắt lòng âu, vị trí quả bom đã bị lấp vùi sâu dưới đất trên 4 mét và dưới độ sâu mặt nước 7 mét, việc đào bới dòng sông không thể làm nhanh được. Vả lại bộ áo lặn lại rách, không thể lặn lâu vài ba giờ được. Nguyễn Lư quyết định cho phá tại chỗ.
          Bây giờ đặt ra hàng loạt vấn đề phải tính toán. Một là, lượng thuốc phải dùng bao nhiêu để phá được bom? Hai là cự ly an toàn cho các công trình xung quanh. Sau đó là phương pháp đào hố dưới nước, rồi cách gói buộc lượng nổ, biện pháp phòng nước và đưa lượng nổ tới vị trí bom. Mọi việc đều phải làm dưới nước, làm trong lòng nước không nhìn thấy quả bom mà động tác phải chính xác, không được sai lệch.
          - Cứ như thầy mo bắt ma ấy mà! – Kiểm pha trò cho bớt căng thẳng – Riêng một việc phòng ẩm, chống nước thấm cũng đã phức tạp. Làm sao không để nước thấm vào lượng thuốc, nhất là thấm vào kíp nổ, kíp sẽ bị ẩm tịt, thuốc sẽ không nổ hoặc dây điện bị nước làm chập mạch cũng không nổ. Và khi đã không nổ thì biện pháp xử trí kéo lên sẽ ra sao? Một lượng thuốc nặng hàng vài tạ nhưng lại phải “nâng như nâng trứng” thì mới đảm bảo an toàn được.
          Đến 4 giờ sáng, cô gái đã đi xuống bếp đun nước chuẩn bị phục vụ khách vào buổi sáng. Trung uý Nguyễn Kiểm ban ngày lặn nhiều, khá mệt nên đã ngủ ngồi ngay trên ghế tựa. Nguyễn Lư lấy chăn khẽ choàng lên người Kiểm và bảo Nhật:
          - Thôi, để yên cho nó ngủ. Tội nghiệp chú bé đang sức ăn sức ngủ, thức với cánh ta chịu sao nổi!
          Chỉ còn lại Nguyễn Lư và Minh Nhật tính toán và bàn các biện pháp kỹ thuật. Mọi chi tiết đều được cả hai ghi lên bản sơ đồ một cách tỷ mỷ, chính xác.
          Khi cô gái nhà khách gõ cửa “mời các anh dạy ăn sáng cho nóng” thì bản phương án phá bom cơ bản đã hoàn thành. Minh Nhật vứt bút xuống bàn, thở một hơi dài khoan khoái như trút được một gánh nặng trên vai.
          - Nào, dậy đi các tướng ơi! Định ăn Tết ở công trường hay sao mà còn ngủ kỹ thế?
            Nguyễn Lư cũng đang ra ngoài sân làm động tác khởi động. Một đêm trắng, nhưng anh lại thấy khoẻ mạnh khác thường.
 
          A-lô S.Đ đâu?
          Chiếc xe Toyota của kỹ sư Ni-xa-lốp chạy nhanh về phía nhà khách. Ông tìm gặp Phạm Văn Tự và Nguyễn Lư, đề nghị cho lui thời gian đến 14 giờ chiếc tàu 22-4 mới rút ra khỏi âu được. Đây là lần thứ hai ông xin hoãn thời gian. Theo quy định của công trường, 10 giờ các tàu thuyền, xe máy đều phải rút ra xa khỏi vị trí nguy hiểm trong đó đoàn tàu 22-4 phải kéo ra sông ngược về thượng lưu 200 mét. Nhưng đến 10 giờ Ni-xa-lốp đã đến xin hoãn đến 12 giờ, và bây giờ lại xin đến 14 giờ.
          Số là trong thời gian chờ đợi phá bom, kỹ sư Ni-xa-lốp đã tranh thủ thời gian cho sửa chữa thay mũi khoan và bảo dưỡng tàu – hạn thời gian một tuần lễ xong. Đang làm dở thì có lệnh dừng lại để sơ tán phá bom. Nhưng tàu trưởng Nguyễn Văn Tế không tin vào toán thứ 3 này. “Lại như những toán trước, chỉ làm mất thời giờ”, và do đó anh cứ cho anh làm. Cả công nhân Việt Nam và công nhân nước ngoài vẫn đủng đỉnh theo tiến độ bình thường.
          Sáng nay, nghe thông báo, Nguyễn Văn Tê cũng không tin, nên đáng lẽ đừng lắp mũi khoan mới thì lại cứ lắp, đã lắp thì phải mất nhiều thời gian hàn mới mang nổi được. Mãi đến khi thấy các chiến sĩ công binh vác thuốc nổ ra hiện trường, vác rất nhiều và làm công tác chuẩn bị thực sự thì Nguyễn Văn Tê mới cuống lên. Anh vội vàng huy động thêm máy hàn, thêm thợ để làm nhưng vẫn bị chậm. Kỹ sư Ni-xa-lốp không hài lòng về hành động của Nguyễn Văn Tê, một mặt ông đề nghị xin lui thời gian, một mặt ông huy động tất cả công nhân và chuyên gia của con tàu ra tập trung cùng làm với đội của Nguyễn Văn Tê cho nhanh. Nhưng cũng vẫn không kịp, Ni-xa-lốp hét toáng lên ở trên tàu. Và lại một lần nữa đề nghị Nguyễn Lư cho lui lại đến 16 giờ. Nguyễn Lư cũng rất sốt ruột, vì nếu chậm thì tình huống bất trắc xảy ra, trời về đêm, việc xử trí rất khó khăn, nhất là về mặt bảo đảm an toàn.
          Con tàu 22-4 vẫn bị chậm. Một tình huống ngoài dự kiến. Nguyễn Lư cũng rất thông cảm với nỗi bực dọc của ông bạn chuyên gia Ni-xa-lốp và anh cũng phải lo cho công việc của anh. Nhưng không còn cách nào khác, đành phải chậm vậy.
          Anh gọi Đào Minh Nhật và Nguyễn Văn Hảo bàn biện pháp xử trí bom về ban đêm. Yêu cầu công trường cho bắt một loạt đèn pha rọi vào khu vực bãi bom, đồng thời cho kiểm tra lại toàn bộ hệ thống bảo đảm an toàn bổ sung các tín hiệu bằng đèn vào ban đêm thay cờ hiệu.
          Trong thời gian chờ đợi, anh cho các bộ phận diễn tập thao tác lại một vài lần nữa cho thành thạo, nhất là số anh em dân quân tự về đang phối hợp để chuẩn bị cho những đợt phá gỡ sau này.
          Mãi đến 16 giờ kém 10 phút con tàu 22-4 mới bắt đầu nổ máy và ỳ ạch kéo cần khoan lên vị trí hành tiến, rồi quay đầu kéo theo cả đoàn phao ống hút bùn dài loằng ngoằng như con rắn, về phía thượng lưu sông. Kỹ sư Ni-xa-lốp hướng về phía Nguyễn Lư, giơ tay vẫy vẫy như báo hiệu: “Chúng tôi đã xong. Gửi lời chào tin tưởng ở các bạn”. Nguyễn Lư cũng giơ tay vẫy lại và lướt mắt kiểm tra lại toàn bộ hiện trường. Anh đi về vị trí chỉ huy, ra lệnh phát tín hiệu: “Chuẩn bị”.
          Ba phát tín hiệu vàng bay vụt lên trời. Những chiếc ca-nô tuần tra trên sông rú máy hối hả lao về các vị trí quy định.
          - A-lô, S.Đ. đâu? Phà Thia báo cáo: An toàn!
          - A-lô, cầu phao báo cáo: An toàn!
          - A-lô, cảng đâu? Cảng đâu, An toàn chưa?
          Từ các trạm cảnh giới, các máy bộ đàm hối hả liên lạc về trung tâm chỉ huy.
 
          Những con mắt nghi ngờ
          Lúc bấy giờ là 16 giờ 30 phút, mọi công tác kiểm tra bảo đảm an toàn trên bờ, dưới nước, trong âu, ngoài sông đều đã xong.
          Từ vị trí chỉ huy trên mỏm đất cao ở bờ âu, Nguyễn Lư quan sát ra xung quanh một lượt. Anh bỗng nhận thấy hàng trăm con mắt, hơn thế nữa, hàng ngàn con mắt từ xa đến gần, đang hướng về phía anh. Anh cảm thấy hồi hộp và nhìn lại một lượt nữa. Từ phía nam, hàng chục chiếc xe du lịch nhiều màu sắc đang dừng lại ở trạm gác. Rất nhiều người nước ngoài đang chen nhau chỗ đứng, nhìn về phía bãi bom. Hàng chục chiếc máy ảnh đang ngắm về âu. Đó là những công nhân và kỹ sư đang đi làm hết ca trở về, dừng lại. Đó là những người từ cơ quan và từ khu gia đình chuyên gia đổ ra, trong đó có cả đàn bà và trẻ em. Còn nhiều xe đang từ phía Thịnh Lang đi đến nữa.
          Quay về hướng bắc, Nguyễn Lư cũng nhìn thấy khá đông người đứng, ngồi trong những nhà kho và bãi vật liệu ngoài trạm gác. Tất cả đều như chăm chú, chờ đợi nhìn về phía âu. Những chiếc xe con của Bộ và của công ty cũng đã đậu ở gần đó. Vì xa không nhìn rõ mặt, nhưng Nguyễn Lư đoán chắc trong số đó có Phạm Văn Tự và các đồng chí trong Ban quân sự công trường. Có thể có hầu hết các đồng chí trong Ban giám đốc Tổng công ty nữa. Họ là những người đang sốt ruột nhất trong vụ bom ngừng trệ công việc. Trong suốt mấy ngày nay tuy họ không ra mắt với toán phá bom thứ 3 này, nhưng tai mắt họ vẫn thường xuyên theo dõi với thái độ nghi ngờ và chờ đợi.
          Còn bây giờ, họ không ra mắt với lý do “đã phân công cho trưởng ban quân sự” rồi. Họ là cánh dân sự biết gì bom đạn mà ra hiện trường(!). Còn trưởng ban quân sự giờ này cũng không có mặt vì lý do còn bận kiểm tra bảo đảm an toàn ở phía sau. Nguyễn Lư đã từng gặp những trường hợp này trong chiến đấu và thời bình ở nhiều nơi. Những nhà lãnh đạo “khôn ngoan” thường không ra mắt vào những lúc khó khăn, nguy hiểm, để đề phòng khi có tình huống bất trắc xảy ra như thương vong, tai nạn thì họ không phải xử trí và không liên đới trách nhiệm. Hoặc như công việc có thất bại thì họ cũng có lý do, vì không có mặt, để rồi họ được dịp dạy khôn cho cấp dưới: “Đấy, tớ đã bảo mà! Làm như thế không được đâu”. (Thực ra thì họ chưa bảo gì bao giờ). Họ cũng được dịp trốn tránh trước cấp trên: “Dạ, vâng, thưa anh, lúc đó tôi bận quá nên chưa kịp ra chỉ đạo anh em cụ thể được, nên thất bại anh ạ! Để tôi xin kiểm tra lại xem sao”. Và, khi thành công thì họ sẽ đến sớm nhất để động viên chúc mừng và khẳng định: “Thắng lợi này là nhờ có lãnh đạo sáng suốt”.
          Nhưng phần lớn số người đứng trên bãi vật liệu nhìn ra là anh em công nhân ở công ty, các thủy thủ tàu hút bùn số 224 – những người trực tiếp lo lắng cho tiến độ thi công trong âu. Trong những con mắt của họ, có lẽ đang dò hỏi nửa tin nửa ngờ “để xem xem sao”. Điều đó cũng là lẽ tất nhiên, vì hai toán trước đã làm họ thất vọng.
          “Xin cảm ơn, cảm ơn mọi người đã quan tâm đến chúng tôi” – Nguyễn Lư thầm nói một mình, và anh càng thấy không thể phụ lòng tin của mọi người. Anh tự nhủ: “Phải thận trọng, không được để một sai sót kỹ thuật”. Người lính công binh trong khi phá bom không được phép sai số, dầu chỉ một phần vạn, một phần triệu, bởi vì tính mạng của họ, cuộc sống của họ buộc họ phải tuyệt đối chính xác. Còn ở đây, hôm  nay trên hiện trường bãi bom này, ngay cả trong công tác chuẩn bị khi chưa tiếp xúc với bom, Nguyễn Lư cũng không cho phép mình được sai số, bởi vì nếu kiểm tra không kỹ, chỉ còn một đầu dây điện bị đoản mạch hoặc máy điểm hỏa bị trục trặc phải làm lại, thời gian phải kéo dài, sẽ có nhiều tiếng xì xào xung quanh, làm cho các chiến sĩ công binh mất tinh thần, sẽ gây thêm những lúng túng trong động tác về sau.
          Nhìn vào đám người dưới mái nhà kho, Nguyễn Lư cảm thấy buồn buồn không vui, liền quay về phía tây – bên kia bờ sông. Nhân dân đứng rất đông, nhìn sang bên này chờ đợi. Ở phía Đông, trên tuyến đường lớn, nhiều xe ben-la chở đất cũng dừng lại. Các chàng lái xe trèo lên nóc ca-bin nhìn ra. Cả ở phía trong làng Thịnh Lang, nhiều trẻ em trèo cây, các cụ già và dân bản đứng lố nhố ở dưới. Một người đàn bà, rồi cả một cô gái đang như đuổi nhau từ trong làng lao về phía bãi bom, bóng dáng rất quen thuộc: “Hình như mẹ con Nhã?”.
          Nhưng còn rất xa, anh không thể tin chắc là mẹ con chị và bỗng nhiên bật lên những tiếng gọi thầm: “Nhanh lên Nhã ơi! Tiếng bom này liệu có phá tan được nỗi oan ức và tủi nhục trong lòng em không?. Anh thấy vui vui và có cảm giác như có một nguồn động viên trước những giờ ra trận năm xưa. Anh mỉm cười một mình, rồi quay lại đội hình phân đội phá bom đang đứng nghiêm, sẵn sàng chờ lệnh.
 
          Trái bom đã nổ
          Ba phát pháo hiệu đỏ bay lên.
          Theo đội hình đã bố trí sẵn và diễn tập thử, các chiến sĩ công binh lần lượt đưa các lượng nổ vào vị trí. Đợt 1, họ đặt một loạt lượng nổ dọc theo tuyến song song với thân bom theo tính toán. Các lượng nổ này kích thích gián tiếp cho đầu nổ của bom nổ, có hai nhiệm vụ: Đầu nổ nổ thì bom sẽ nổ – nếu là đầu nổ cơ học. Còn nếu là đầu nổ từ trường hoặc đầu nổ cơ học đã bị câm thì bom không nổ. Nên nhiệm vụ thứ hai của các lượng nổ này là, đào bóc đi một lớp đất, tạo thành một đường hào có mặt cắt hình phễu sâu 1,5m. Như vậy, đáy phễu sẽ còn cách thân bom 1,5 đến 2 mét nữa, tạo thế cho đợt 2.
          Đợt 1, lượng nổ lớn ở dưới đáy hình phễu tiếp cận gần thân bom. Lượng nổ đợt 2 có nhiệm vụ kích thích (gián tiếp) cho bom nổ. Trường hợp bom bị câm do thuốc nổ trong bom bị ẩm hoặc bị hủy do biến chất làm bom không nổ kích thích được, thì uy lực của lượng nổ đợt 2 đủ sức phá tung quả bom thành mảnh vụn bốc lên cao.
          Để đảm bảo an toàn và chắc chắn, Nguyễn Lư đã tính toán cho số thuốc nổ có đương lượng gấp đôi quả bom rồi. Vấn đề cần chú ý nhất hiện nay là các hành động thao tác của các chiến sĩ. Tất cả đều đặt ngầm dưới mặt nước, mà phải phòng ẩm không để bị nước ngấm vào thuốc, kíp hoặc đầu dây.
          Các sĩ quan Nhật, Hảo, Cộng, Kiểm đều trực tiếp tự mình vác thuốc nổ đặt vào vị trí theo sự chỉ huy thống nhất của Nguyễn Lư, mặc dầu các anh đều có nhiều kinh nghiệm và đã thành thạo trong việc phá bom, nhưng Nguyễn Lư vẫn không được phép chủ quan, anh rất nghiêm túc và khắt khe trong từng động tác nhỏ. Sau khi đặt xong các lượng nổ, anh tự mình trực tiếp xuống kiểm tra cẩn thận rồi mới hô cho bộ đội về vị trí điểm hỏa. Nguyễn Lư kiểm tra lại hệ thống đài quan sát bom bổ. Tất cả đã sẵn sàng. Theo kinh nghiệm, Nguyễn Lư đã bố trí hệ thống quan sát bom nổ bằng nhiều cách, kết hợp giữa thô sơ và hiện đại. Một bộ phận chuyên nghe tiếng nổ, theo kinh nghiệm phá bom, trong bất cứ tình huống nào, khi phá bom gián tiếp thì thế nào cũng có hai tiếng nổ khác nhau, độ vị sai rất nhỏ, nhưng càng ở xa càng phân biệt rõ – nên có bộ phận ở gần và bộ phận ở xa.
          Một bộ phận chụp ảnh và quan sát cột nước và cột đất. Cột đất của khối thuốc nổ bao giờ cũng lên trước, cột đất của bom nổ lên sau một chút.
          Một bộ phận quan sát và nghe mảnh bom. Nếu bom nổ tất có mảnh bắn lên nghe có tiếng rít của mảnh, và một lát sau hết tầm sẽ rơi xuống đất.
            Và cuối cùng, bộ phận dùng máy dò bom kiểm tra hiện trường.
          Ở vị trí điểm hỏa, bộ đội đã về đủ. Nguyễn Lư quan sát rất nhanh xung quanh. Tất cả đều im lặng. Hàng nghìn trái tim đang hồi hộp chờ đợi.
          Một hồi còi dài vang lên, Nguyễn Lư hô to:
          - Nạp điện!
          Từ phía sau, thượng úy Nguyễn Văn Hảo trực tiếp quay máy nạp điện và đáp lại:
          - Báo cáo: Nạp điện xong!
          - Điểm hỏa!
          Bốn cột nước đồng thời tung thành một hàng ngang, tiếp sau là một tiếng nổ lớn âm dưới lòng đất vang lên.
          Một lát sau, khi tiếng nổ vừa dứt, chỉ còn nước và đất ào ào rơi xuống, Nguyễn Lư hô to:
            - Bom chưa nổ. Tất cả bình tĩnh. Tiếp tục theo phương án 2!
          Các chiến sĩ đều nhanh chóng chạy về vị trí lòng âu để kiểm tra hố phễu và chuẩn bị đặt lượng nổ đợt 2. Trung úy Cộng nhanh nhẹn nhảy xuống thuyền, cầm sào đo chiều sâu các hố phễu và lần lượt hô to:
          - 1,45 mét, 1,52, 1,49, 1,55 mét.Báo cáo: Hết!
          Được. Nhóm ghép mảng xuống chuẩn bị!
          Những toán người đứng xem ở xung quanh các trạm gác bỗng ồn ào hẳn lên. Có cả tiếng nước ngoài xen lễn tiếng Việt. Một số người chưa biết bom, đạn, nhầm tưởng là bom đã nổ nên reo lên ngay lúc có tiếng nổ. Nhưng sau khi nghe Nguyễn Lư hô bom chưa nổ, để thông tin cho họ biết, thì nhiều người lại chán nản. Những tiếng xì xào bàn ra tán vào ngày một nhiều. Có tiếng cãi nhau, văng tục.
          - Lại hỏng bét rồi! Chẳng ăn thua mẹ gì cả, toi công!
          - Lại thất bại rồi!
          - Bình tĩnh đã nào! Cậu chẳng hiểu đếch gì cả? Đây mới là lượng nổ đào hố, hiểu chưa? Cậu không thấy họ đang khênh những lượng nổ lớn đến kia à? Cứ theo phương án của tay đại úy này, thì bom có chui xuống tận âm ty cũng phải nổ! Không khéo đến cả đáy âu cũng nổ nữa chứ, đừng nói gì bom!
          - Nghe đâu họ còn làm phương án rà phá toàn bộ bãi bom này đấy, chứ không phải chỉ phá riêng quả này đâu.
          Nguyễn Lư nhìn vào khu vực nhà kho. Một vài chiếc ô tô đã nổ máy về công trường. Trời đã gần tối, bóng đêm đang nhanh chóng bao trùm lên hiện trường.
          Thanh Nhã lao vào bãi bom, chạy đến gần Nguyễn Lư, giọng đầy lo lắng, hỏi:
          - Sao? Bom chưa nổ à, anh?
          - Chưa. Đầu nổ bị câm
          - Đầu nổ bị câm tức là có thể khẳng định đây là bom từ trường, phải không anh?
          - Đúng! Thêm một chứng cứ nữa để ta khẳng định đây là bom từ trường.
          - Ôi, thế thì đúng là vệt bom nổ chậm từ trường rồi! Cha mẹ ơi, thế mà bao nhiêu năm nay tôi không giải thích được. Không ai tin tôi cả!
          Bỗng Thanh Nhã vừa như khóc vừa như cười, chạy như bay về vị trí canh gác của nhóm dân Thịnh Lang. Chị bỗng vui hẳn lên, nói cười hớn hở trước sự ngơ ngác của cô con gái ở bên cạnh.
 
          Những con cá chết
            Một tình huống bất ngờ xảy ra mà Nguyễn Lư và các chiến sĩ trong tổ phá bom không lường trước được. Hàng chục chiếc thuyền nan bỗng từ đâu xuất hiện sau tiếng nổ. Họ lao vào lòng âu, thi nhau vớt cá - những con cá bị tiếng nổ chấn động làm vỡ bọng bóng chết, có con bắn cả lên bờ. Từ bờ bên kia sông, còn nhiều thuyền khác cũng bơi sang để vớt cá.
            T 3 đâu? T 3 đâu? Quay xuồng vào đây vớt cá. Nhanh lên!
          Thiếu úy Nguyễn Hài, trợ lý công binh thị đội đang chỉ huy các tổ cảnh giới trên sông, cũng phấn hứng lên, quên cả nhiệm vụ, thét vào máy bộ đàm cầm tay, gọi chiếc xuồng T 3 của Công an thị xã đang gác trên sông vào vớt cá.
          Thượng úy Đường, chỉ huy phó thị đội, cũng lao ra nhặt những con cá bắn lên bờ, rồi xuống sát mép nước gọi mỗi thuyền lấy mấy con, xâu thành một xách nặng rồi len lén rời khỏi vị trí cảnh giới đi về thị đội, bỏ mặc mọi người trên bãi bom.
          Nguyễn Lư và các chiến sĩ phá bom đành chịu bất lực trước sự tấn công ồ ạt của các thuyền vớt cá, có thuyền của dân, bộ đội, công an, tự vệ công trường đang đảo lộn quây quần trong lòng âu, tranh nhau vớt cá. Quả là nhiều cá, bởi lẽ những đàn cá kéo nhau vào âu nước phẳng lặng để nghỉ đêm và kiếm mồi ở nơi đất mới xả, còn hăng, nhiều vi khuẩn, côn trùng. Nguyễn Lư cũng là tay kiếm cá sành sỏi, trông thấy nhiều cá cũng thích. Nhưng lúc này anh không thể xuống được, anh xuýt  xoa. Đành phải kéo dài thời gian cho bà con vớt cá, kẻo tiếng nổ sau sẽ làm những con cá này nát vụn mất. “Hàng tạ cá chứ ít đâu!”. Anh nghĩ bụng.
          Bỗng đèn công trường bật sáng. Những pha đèn được bố trí từ trước, rọi vào lòng âu. Nguyễn Lư lệnh cho các tổ cảnh giới xua hết các thuyền và người ra khỏi bãi bom. Thời gian bị chậm lại mất 30 phút, trời tối, việc tác nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Sau khi hội ý nhắc nhở và quy định lại những điều cần thiết cho cán bộ và chiến sĩ, Nguyễn Lư thổi còi cho các bộ phận về vị trí tiếp tục chiến đấu.
          Ở xung quanh các trạm gác, số người tụ tập theo dõi việc phá bom vẫn đông. Nhiều người quên cả đói mệt, chờ xem bom nổ, trong số đó có nhiều kỹ sư và công nhân nước bạn, các chuyên gia của công trường. Họ vẫn quây quần bên những chiếc xe du lịch, xe ca. Người nhai kẹo, kẻ ăn bánh, nói nói cười cười rất vui vẻ. Một số bà con trong bản vẫn ngồi trên bờ để theo dõi.
          Thanh Nhã đang giải thích cho mọi người nghe thế nào là bom từ trường, và vì sao bom chưa nổ? Các anh công binh đang tiếp tục đợt 2 như thế nào? Rồi chị nói như khẳng định:
          - Chỉ một lát nữa thôi, nhất định bom sẽ nổ! Dân quân chúng ta sẽ học tập và tiếp tục phá lấy những quả nằm trong khu vực làng ta!
          Tuy trời tối, không nhìn rõ hết những người ở xung quanh, nhưng Nguyễn Lư và các chiến sĩ phá bom vẫn cảm thấy những ánh mắt đang dõi theo và khích lệ họ. Gió rét, nước buốt mà họ vẫn thấy ấm áp
.
          Niềm tin
          Cuối cùng, việc đưa khối thuốc nổ lớn đợt 2 vào vị trí dưới đáy âu, gần sát quả bom, tuy khó khăn phức tạp vì trời tối, cũng đã hoàn thành. Trung úy Cộng cùng hai chiến sĩ đã lặn xuống dưới nước giá buốt để đặt cho đúng vị trí và kê chèn chắc chắn, không để sóng làm xô lệch.
          Trong đời Nguyễn Lư đã phá gỡ nhiều bom, vậy mà chưa lần nào anh cảm thấy hồi hộp như lần này. Nhiều lần trong chiến đấu còn nguy hiểm, khẩn trương cấp bách hơn nhiều. Còn ở đây, trong thời bình, mọi việc đều có thời gian chuẩn bị chu đáo, không ai thúc bách gấp gáp như trong chiến tranh, việc bảo đảm an toàn cũng được tổ chức chặt chẽ, các công tác kỹ thuật đều đã được tính toán, kiểm tra chính xác. Anh rất tin tưởng vào động tác của các cán bộ và chiến sĩ cấp dưới, cũng như anh tin vào chính bản thân mình. Không còn điều gì đáng nghi vấn cả. Vậy mà anh vẫn cảm thấy hồi hộp và lo lắng.
          “Tất nhiên không ai lường trước được hết tất cả. Cuộc đời người lính ra trận làm sao mà tính hết được”. Nếu lần này bom không nổ thì lòng tin sẽ bị tiêu tan, uy tín của các chiến sĩ công binh, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng cũng sẽ bị đổ vỡ hết. Và ngay chính lòng tự tin của mình cũng sẽ không còn nữa, mọi phán đoán, mọi tính toán và các kinh nghiệm xương máu cũng tan tành hết.
          Anh bỗng rùng mình trước cơn gió lạnh. Tính thận trọng, tỷ mỷ của người lính công binh lại kéo anh xuống lòng âu kiểm tra lại một lần nữa. Về vị trí chỉ huy, lần này anh đứng sát hố bom hơn để nhìn cho rõ. Một tiếng nổ rung trời dậy đất làm chính Nguyễn Lư giật mình. Anh đã từng phá những quả bom 3000 bảng. Anh đã từng cho nổ những khối thuốc hàng tấn, hàng chục tấn để mở đường, lấp sông, vậy mà chưa lần nào anh thấy tiếng nổ to như lần này. Một quả bom 500 bảng với trên 2 tạ thuốc, cộng lại cũng chỉ bằng một quả bom 2000 bảng lại nổ sâu dưới lòng đất. Phải chăng vì quá hồi hộp nên tiếng nổ đã nhân lên trong lòng anh? Và, do đó anh không phân biệt được một hay hai tiếng nổ. Nhưng anh đã nhìn rõ hai cột nước và đất bùng lên, chênh lệch nhau về thời điểm và biên độ dưới những ngọn đèn pha cực mạnh của công trường.
          Cột đất bùng lên cao đến trên 100 mét, đã phá tan tất cả những gì ẩn náu trong lòng đất quả bom xảo quyệt, tên giặc phục kích ngầm đã bị xé xác tan nát. Nguyễn Lư đang mừng rỡ vì bom nổ, anh định lao ngay vào hố bom thì những tiếng đất đá từ trên trời rơi xuống rào rào. Anh nghe thấy cả tiếng rít của mảnh bom. Sờ trên đầu lúc này, anh chỉ có chiếc mũ mềm, anh vội lùi lại, chui vào ngồi trong ống cống đúc bằng bê – tông ở trên bãi, mà anh đã chọn sẵn làm vị trí ẩn nấp khi chỉ huy. Chờ cho tiếng đất đá rơi hết, anh mới ra và chạy nhanh về bãi bom.
          Các chiến sĩ phá bom hò reo vang dậy ở hiện trường:
          - Nổ rồi! Bom nổ rồi!...
           Tiếng “hoan hô” và tiếng “Ura” xen lẫn nhau vang lên ầm ầm ở xung quanh.
          Một lát sau, trong khi các chiễn sĩ đang thu dọn khí tài thì Phạm Văn Tự từ trong mái nhá kho chạy ra bãi. Vẻ mặt anh tươi tỉnh, nụ cười phấn khởi, anh chạy lại nắm chặt lấy tay Nguyễn Lư, lắc lắc:
          - Tôi nghe rõ hai tiếng “Ùng.ục” mà! Bom nổ rồi phải không anh?
          Nguyễn Lư chưa kịp trả lời, thì từ đâu Nguyễn Hải chạy đến chen vào:
          - Báo cáo hai anh: Đây, mảnh bom rơi xuống mái nhà tôn, tôi nhặt được đây này! – Anh giơ một mảnh bom nhỏ bằng ngón tay cho hai người xem.
          Phạm văn Tự cầm lấy xem rồi nói:
          - Ừ nhỉ, hãy còn nong nóng, anh ạ!
          Bộ phận rà bom của Nguyễn Kiểm nhanh chóng đưa máy ra kiểm tra. Các chiến sĩ làm đi làm lại nhiều lần xung quanh âu. Nguyễn Lư mời Phạm Văn Tự và Nguyễn Hải cùng theo dõi máy kiểm tra. Một lát sau, không thấy còn nghi ngờ chỗ nào nữa, Nguyễn Hải reo lên:
          - Thế là hết bom thật rồi! Thủ trưởng Tự ơi, ngày mai phải khao quân thôi! Đề nghị Tổng công ty năm nay phải cho ăn Tết thật ra trò vào!
          Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tê và một số thủy thủ tầu 22 – 4 chạy lại xem hố bom cũng reo lên:
          - Hay quá! Chỉ có hai ngày mà toán công binh này đã làm xong. Đã nhanh, lại một công đôi việc: vừa phá được bom, lại đào sâu lòng âu, đánh sập tới hàng ngàn khối đất đá chứ chẳng chơi!
          - Chỉ việc hút đổ đi, đỡ được bao nhiêu công khoan phá!
          - Khéo đào sâu vào được đến vài chục mét nữa cơ đấy!
          Một chiếc xe từ trạm gác phía nam lách lên gần hố bom rồi dừng lại. Qua ánh đèn pha, nhìn rõ chiếc xe Toyota của kỹ sư Ni-xa-lốp chạy nhanh về các chiến sĩ công binh. Nguyễn Lư quay lại đón ông: Hai kỹ sư già ôm chầm lấy nhau, hôn nhau thắm thiết giữa những tiếng “hoan hô” cười nói reo vui bằng tiếng nước bạn, tiếng Việt và cả tiếng Mường nữa.
          - Hoan nghênh các bạn, các đồng chí! Chúng tôi đã bị ngừng trệ 60 ngày nay rồi - Ni-xa-lốp phấn khởi nói: - Ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục thi công ngay. Các đồng chí công binh rất giỏi! Cảm ơn các đồng chí!
          - Xin cảm ơn các đồng chí! – Nguyễn Lư tiếp lời: Các đồng chí đã sang giúp đỡ Việt Nam. Phá bom là nhiệm vụ của người lính chúng tôi. Đáng tiếc là chúng tôi đã để chậm trễ. Xin lỗi các đồng chí và xin cảm ơn các đồng chí!
          - Ồ không! Chúng tôi phải cảm ơn các đồng chí mới đúng. Các đồng chí đã tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và hơn nữa… - Ni-xa-lốp nhay nháy mắt, cười một cách hóm hỉnh – các đồng chí đã làm cho quả “bom nổ chậm về lòng tin” của chúng tôi âm ỷ 60 ngày đêm, đã bị nổ tung rồi!
          Ai đó thốt lên trong đám đông:
          - Thật là tiếng bom Hòa bình trên đất nước hòa bình của Việt Nam!
          - Tiếng cười nói vẫn vang bên hố bom, mặc gió rít từng cơn rét buốt. Nước trong lòng âu vẫn gợn sóng lăn tăn. Thỉnh thoảng một tảng đất bên vách hố bom ở thành âu bị rạn nứt đổ xuống rào rào, làm sóng lại cuộn lên ào ạt.
 
 
          Những quả bom nổ chậm:
          Đêm 28 Tết, mãi gần 10 giờ các chiến sĩ mới thu dọn xong đồ đạc từ hiện trường về nhà khách. Mâm cơm chiều lại nguội tanh. Không ai thấy đói cả. Họ rửa ráy, ăn uống qua loa rồi đi ngủ. Ai cũng thấm mệt. Suốt hai ngày hôm nay hầu như làm việc liên tục ở hiện trường. Nhưng khi lên giường nằm, họ lại không ngủ được.
          Nguyễn Lư cũng không ngủ. Anh cùng Đào Minh Nhật, Nguyễn Kiểm xem lại tấm sơ đồ bãi bom, trên đó ghi những quả bom còn chưa nổ nằm rải rác trên hiện trường âu và xung quanh mà sáng nay các anh đã căn cứ vào hồ sơ trên tấm bản đồ cũ và đưa máy đi dò, đã phát hiện được và đánh dấu lại. Sau đó họ bàn phương án phá những quả bom này.
          “Cần phải tổ chức phá ngay, đừng để nước đến chân rồi mới nhảy. Phá ngay từ trên đất liền thì đỡ phức tạp hơn để đến khi đào âu hoặc làm công trình đến nơi mới phát hiện gây thêm nhiều khó khăn rắc rối, thiệt hại tốn kém không thể lường hết như quả bom vừa rồi!”.
          - Các cậu biết không? Bọn Mỹ đã thả 14 triệu tấn bom ở Việt Nam, nhưng còn 300.000 tấn, tức là 1 phần 3 triệu tấn chưa nổ. Nhiệm vụ những người lính công binh còn nặng nề biết bao! Chứ đâu chỉ ở riêng sông này!
          Họ vừa truyện trò trao đổi vừa nhìn vào những ký hiệu quả bom trên bản đồ mà hình dung ra những sự tàn phá ghê gớm, trước mắt ngay trên công trường này. Và họ cũng thấy trách nhiệm của mình là phải tổ chức thế nào đây để phá được bom nhanh, giải phóng mặt bằng thi công sớm cho Nhà máy điện lớn này không bị ngừng trệ và thiệt hại.
          Ngày hôm sau, trong buổi liên hoan mừng thắng lợi, có gần đông đủ Ban giám đốc Tổng công ty và các xí nghiệp, nhà máy, cơ quan, đơn vị có liên quan, được tiến hành trọng thể trên hội trường tầng hai của nhà khách. Đại diện của Bộ cũng tham dự. Có đầy đủ lễ nghi lịch sự, diễn văn, đáp từ, nâng cốc chúc mừng. Nguyễn Lư không thể từ chối được, anh phải khẩn trương làm xong các “thủ tục ngoại giao” cần thiết, rồi nhanh chóng rút khỏi hội trường với lý do bị nhức đầu.
          Anh về phòng nằm, cũng không yên. Ở tầng trên, tiếng cốc chén va chạm và những tiếng ăn to nói lớn của cánh “rượu vào lời ra” làm anh nhức đầu thực sự. Anh bỏ ra ngoài, đi dạo quanh công trường.
          Trong chiến tranh, anh đã phá hàng trăm quả bom trên các chiến trường, gian khổ ác liệt là thế, nào có ai nhắc đến đâu. Bao nhiêu đồng đội hy sinh, những chiến sĩ phá bom của anh, Lê Thanh Sơn, Trần Ngọc Chinh đã ngã xuống. Vậy mà giờ đây, chỉ có một quả bom, đơn giản thế, có bao nhiêu người cũng làm chứ có một mình đơn độc như trước đâu. Anh có quyền gì để được hưởng ưu đãi, hưởng những lễ nghi trân trọng, những lời tán tụng như thế không? Tại sao?... Anh cứ bước đi và tự giằn vặt mình. Một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm lòng anh.
*
*        *
          Năm 1976, trong giai đoạn chuẩn bị khởi công làm công trình thủy điện này. Chủ nhiệm công binh tỉnh Hà Sơn Bình. lúc đó là đại úy Đinh Hữu Tiến, cùng các trợ lý công binh Nguyễn Văn Nghiêm, Phạm Văn Lũy, đã lên trực tiếp tháo gỡ được 5 quả trong bãi bom này. Lúc đó phá gỡ trên đất liền và địa hình chưa bị cày xới, xáo trộn nên thuận lợi hơn nhiều, không phải dùng nhiều phương tiện khó khăn phức tạp như thế này.
          Dạo đó, Nguyễn Lư đang chỉ huy thi công một công trình thủy lợi lớn ở miền Trung, nhưng anh vẫn quan tâm theo dõi công việc của nhóm phá bom Đinh Hữu Tiến. Một phần do máu nghề nghiệp công binh, một phần vì Tiến là Lư là những người bạn thân hàng chục năm lăn lộn trong chiến tranh, sống chết có nhau. Hơn nữa, Lư cũng đang có ý định sau này sẽ về nhận một phần việc trong công trình trọng điểm có ý nghĩa quốc tế và lịch sử to lớn này.
          Do đó Nguyễn Lư đã gợi ý cho Đinh Hữu Tiến cùng với công trường phải tổ chức phá gỡ một cách quy mô toàn diện cho hết bom ở quanh khu vực công trường này, trừ hết hậu quả của chiến tranh để lại, mới tạo thế thi công được dễ dàng.
          Nhưng ý kiến của Nguyễn Lư không được thực hiện. Theo Đinh Hữu Tiến cho biết, công trường nêu khó khăn vì không có kinh phí để làm lớn, nên chỉ làm đâu hay đấy vậy thôi. Mặt khác, những người chỉ huy quân sự của tỉnh, huyện, lúc bấy giờ cũng không quan tâm đến cho là không thuộc trách nhiệm của mình, đây là của công trường. Thực ra, nếu cả hai bên đều tích cực phối hợp với nhau, thì đâu còn tình trạng như thế này?
          Nguyễn Lư đã đem suy nghĩ đó trao đổi với Phạm Văn Tự. Tự xác nhận:
          - Đúng thế anh ạ! Ngay trong lãnh đạo công trường chúng tôi lúc bấy giờ cũng đơn giản, chủ quan, không nhận thức được vấn đề này. Thực ra, nếu làm ngay lúc bấy giờ thì có gì tốn kém lắm đâu. Có bao nhiêu anh em bộ đội vừa ở các chiến trường ra, còn sặc mùi thuốc súng, còn hăng hái lắm, anh ạ. Tổ chức làm là được ngay thôi.
          - Rất đáng tiếc!
          - Không ngờ càng để lâu - Phạm Văn Tự nói tiếp: không những địa hình biến đổi đã khó khăn, mà chuyển biến về tư tưởng và tâm lý con người cũng phức tạp. Hình như cứ mỗi ngày hòa bình được kéo dài thêm, thì dũng khí con người ta đối địch với chiến tranh ngày càng thu hẹp lại. Thì đấy anh xem, năm 1976, xung quanh đây vẫn là bãi bom, không những bom to mà còn nhiều bom bi, bom vướng nổ nữa. Vậy mà công nhân, bộ đội cứ lao vào khai phá, mở công trường, mở đường san bãi, chẳng ai biết sợ chết là gì? Thế mà bây giờ chỉ có một quả bom đã câm, mà có biết bao người sợ hãi, ngại ngùng, thậm chí không dám đến gần nhìn nó nữa!
          Nguyễn Lư quay về phía Phạm Văn Tự:
          - Phải kết hợp cả ba lực lượng, phải kết hợp cả hiện đại và thô sơ thì làm mới nhanh được, anh ạ!
          - Vâng, vâng. Tôi hiểu rồi - Trung đoàn trưởng Phạm Văn Tự nói: - Chính việc làm vừa qua của toán thứ 3 các anh đã làm tôi sáng tỏ được đường lối quân sự của Đảng ta đấy! Tôi đã được đi học tập huấn ở quân khu, ở tỉnh về đường lối quân sự, về cách đánh, vậy mà vẫn chưa hình dung ra hết. Chỉ trong một việc phá bom này cũng được coi là một trận đánh, mà phải nói là trận đánh với vũ khí phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nhất thời này nữa chứ có phải chơi đâu? Vậy mà đã chứng minh được hai phương thức chiến tranh rất rõ ràng.
          - Hay lắm! Anh cứ nói tiếp đi! – Nguyễn Lư tán thưởng và muốn để kiểm tra lại trình độ nhận thức của người trung đoàn trưởng này.
          Nếu chỉ dùng dân quân tự vệ với vũ khí thô sơ và kinh nghiệm cũ thì không thể phá được, như toán thứ nhất chúng tôi đã làm. Ngược lại, nếu chỉ dùng bộ đội chủ lực với trang bị hiện đại đơn thuần thì cũng không giải quyết xong, như toán thứ 2 các kỹ sư trên Bộ về làm. Do đó, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Kết hợp giữa vũ khí hiện đại (mặc dầu các anh không được hiện đại bằng của Bộ) và phương tiện thô sơ, thì vẫn phá được, như toán thứ 3 chúng ta đã làm. (Anh nhấn mạnh  chữ “chúng ta”). Hay nói cách khác, là phải kết hợp giữa chiến tranh của binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương thì mới thắng lợi được. Có đúng thế không nào, anh?
          - Hay lắm! Hay lắm! Hoan hô thủ trưởng Tự! – Các cán bộ và chiến sĩ tự vệ dân quân đứng xung quanh đang há hốc mồm nghe anh Tự nói, bỗng reo vang phấn khởi.
          - Còn một khía cạnh khác cũng cần được nêu lên nữa anh Tự ạ! – Nguyễn Lư nói, rồi hướng về tất cả mọi người xung quanh: - Ở mỗi con người chúng ta, cán bộ, chiến sĩ hay công nhân cũng vậy, nếu chỉ có nhiệt tình cách mạng mà không có kỹ thuật thì cũng không làm được. (Đó là toán thứ nhất – ai đó xen vào). Ngược lại, tuy có kỹ thuật giỏi, có trang bị tối tân, mà thiếu nhiệt tình cách mạng, thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, thì cũng làm không xong. (Đó là toán thứ 2 – lại có tiếng xen vào). Cho nên phải có cả hai thứ, tức là nhiệt tình cách mạng và khoa học kỹ thuật thì mọi việc mới thành công. (Toán thứ 3 đã chứng minh điều đó! – Phạm Văn Tự nói chen vào). Cho nên, mỗi con người chúng ta nếu chỉ có nhiệt tình cách mạng cao chưa đủ, mà còn phải giỏi khoa học kỹ thuật và ngược lại. Lê-nin đã khẳng định: “Sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt sẽ trở thành kẻ phá hoại cách mạng”. Vậy thì ở cương vị càng cao mà ngu dốt thì sự phá hoại càng lớn, có phải không các đồng chí?
          - Đúng lắm! Đúng lắm! Xin cảm ơn anh. Đây là một bài học rất thiết thực cho tất cả chúng ta! – Phạm Văn Tự nắm chặt tay Nguyễn Lư.
          Nguyễn Hải, trợ lý tham mưu trung đoàn tự vệ, xen vào:
            - Báo cáo thủ trưởng! Với cách vừa làm vừa hướng dẫn như vừa rồi, nhất định lực lượng tự vệ công trường sẽ làm được. Lại còn thủ trưởng Hảo tôi đây nữa!
          - Khi nào xong, nhớ điện tôi lên ăn mừng nhé!
          - Nhất định rồi!
          Phạm Văn Tự cười, nói tiếp:
          - Không những chúng tôi sẽ phá được bom nổ chậm bằng gang bằng thép của giặc Mỹ, mà cũng sẽ phá được cả những quả bom nổ chậm trong đời sống hàng ngày của công trường nữa, thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ đúng thời hạn, phát điện rực sáng cho cả nước. Phải không anh?
          Phạm Văn Tự và Nguyễn Lư cùng siết chặt tay nhau thắm thiết.
 
 
          Một chuyện tình được sáng tỏ
          Chuyện đó xảy ra vào khoảng 17, 18 năm về trước – khi đó Thanh Nhã là một cô gái trẻ, xinh đẹp và hăng hái trong mọi hoạt động chiến đấu và sản xuất. Cô có vóc người cao lớn nhưng cân đối và khỏe mạnh. Vì vậy, những việc xốc vác của con trai, cô đều làm được hết. Đi cày, đi bừa, đánh cá bằng thuyền thúng và lưới bên trên sông, lặn mò, đào đất dưới bờ ao khi làm thủy lợi của đội 202 v.v.. Trong chiến đấu, cô bắn súng cao xạ 12,7 giỏi, mà phá gỡ bom đạn cũng không kém. Cô đã từng tham gia phá hàng chục quả bom, nhặt hàng gánh bom bi, bom vướng nổ Cô lại có giọng hát hay, nhiều lần được giải thưởng.
          Đại đội trưởng Nguyễn Lư gặp Thanh Nhã trong một hội diễn của quân khu. Tuổi trẻ và tiếng hát đã dẫn họ làm quen với nhau, từ tình bạn đến tình yêu. Chính vì yêu anh, nên Thanh Nhã đã trở thanh một học viên xuất sắc trong lớp tập huấn phá gỡ bom của quân khu do Nguyễn Lư là giáo viên chủ chốt. Và sau này, Nhã đã trở thành cô gái phá bom giỏi nổi tiếng của dân quân xã Thịnh Lang.
          Nhưng tình yêu của họ chớm nở chưa được bao lâu, thì Nguyễn Lư lên đường đi chiến trường trong điều kiện rất bí mật và khẩn trương. Họ không được gặp gỡ và chia tay nhau. Tuy nhiên, trên đường hành quân, Lư gặp một trợ lý dân quân tỉnh đội Hòa Bình, là thiếu úy Bằng, người gần thị xã , Lư biên vội lá thư nhờ Bằng chuyển tận tay cho Nhã. Trong một chuyến đi công tác xuống Thịnh Lang. Bằng gặp Nhã và bàng hoàng trước sắc đẹp và con người hấp dẫn của cô. Vốn là tay hám sắc và trác táng, Bằng liền xé là thư của Lư đi và tung tin nói xấu Lư: “Anh ta là một kỹ sư người Kinh, yêu gì một cô gái Mường. Chẳng qua đó chỉ là chơi bời thôi. Anh ta đã có vợ và hai con rồi. Anh ta chẳng đi chiến trường nào hết, chẳng qua là bỏ rơi cô nên mới bặt tin như thế”
          Lúc đầu Nhã không tin, nhưng rồi ngày một ngày hai, lần này lần nữa, Bằng luôn tìm cách xuống Thịnh Lang và tấn công cô, làm cô nghi ngờ, rồi tin, và đã thực sự thất vọng, đau khổ. Bằng lại luôn tìm cách gần gũi và an ủi cô. Trong một đêm liên hoan mừng dân quân bắn rơi máy bay Mỹ, Bằng đã ép Nhã uống rượu say và ngã vào vòng tay của Bằng. Khi Nhã có mang, Bằng đã tìm cách chạy trốn. Con người xảo quyệt, lừa đảo ấy đã ăn cắp một số tài sản của công, trốn về ở với vợ con ở Cao Bằng, rồi bị chết trong một chuyến đi buôn bị máy bay bắn phá.
          Xã đội trưởng Mùi, đã từ lâu yêu Nhã, nhưng không được Nhã yêu lại. Khi biết tin Nhã yêu Lư thì Mùi rất buồn và đau khổ. Anh trở nên thù ghét Nhã, trong công tác anh phân công cho Nhã những việc nặng nề nhất, trong chiến đấu anh giao cho cô những nơi nguy hiểm. Như thách thức với Mùi, Nhã càng hoàn thành tốt nhiệm vụ và càng yêu Lư, càng xa lánh Mùi, chọc tức Mùi. Mùi càng cay cú, tìm dịp trả thù. Khi Nhã bị Bằng lừa dối, tính đố kỵ ghen ghét, nỗi đau thất bại trong tình yêu đã làm Mùi tin dối trá của Bằng nói là Nhã đi chơi với Lư đang huấn luyện ở Xuân Mai.
          Thời cơ đã đến, Mùi đưa Nhã ra kiểm điểm. Và cô bị kỷ luật khai trừ Đảng, hạ tầng công tác từ xã đội phó xuống làm trung đội trưởng dân quân trực chiến.
          Trong một trận chiến đấu, bom Mỹ thả một vệt bom không nổ. Thanh Nhã vội đi kiểm tra và phát hiện ra dấu hiệu của bom nổ chậm từ trường. Lúc đó quân khu và tỉnh chưa có thông báo, phổ biến hoặc tập huấn, vì là loại bom mới, nhưng nhân đi họp Quân khu, Nhã đã được nghe và hỏi ở phòng Công binh. Tính ham tìm hiểu của cô đã không thừa. Ngược lại, xã đội trưởng Mùi tuy là một người chỉ huy rất kiên quyết, chiến đấu dũng cảm, hăng hái trong mọi công việc, khi đến trận địa nghe Nhã báo cáo là có bom từ trường, đề nghị báo cáo lên huyện, tỉnh cử người xuống phá, thì máu tự ái bốc lên, không muốn người khác bảo ban, dạy khôn mình, anh quát tướng lên:
          - Bom từ trường là cái gì, làm gì có bom từ trường. Học đâu được cái thói trứng khôn hơn vịt ấy. Cô sợ chết à? Sợ chết không dám vào phá? – Anh ta nhìn cái bụng lùm lùm của Nhã, nháy cái mắt và nói một cách cay độc: - Sợ chết mất giống “sướng ca” hả? Được. Thì cứ để tay này phá cho! Dân quân Thịnh Lang chưa chịu đầu hàng bọn giặc Mỹ bao giờ cả!
          Máu trong người anh bốc lên như uống rượu. Anh chạy sầm sầm vào hầm lấy mấy lạng thuốc nổ rồi chạy vào bãi bom. Thanh Nhã giơ tay chặn đường giữ Mùi lại:
          - Anh Mùi, bom từ trường thật đấy! Khoan đã phải nghiên cứu đã rồi mới phá. Đừng liều như vậy! – Cô túm lấy tay Mùi, nhưng Mùi giằng ra và hét toáng lên:
          - Xê ra, cô đã không hoàn thành nhiệm vụ lại còn ngăn cản người khác. Đồ hèn! Có sợ thì chui vào hầm mà ẩn!
          Xã đội trưởng Mùi lao đi. Uất ức quá, Thanh Nhã cũng lao theo, nhưng vì mệt mỏi nên chạy chậm chưa đuổi kịp Mùi. Một tiếng nổ hất cô ngã ngửa về phía sau, ngất đi. Khi tỉnh dậy, nhìn đến chỗ Mùi chạy lúc nãy chỉ còn một hố bom sâu hoắm và khét lại. Các chiến sĩ dân quân chạy đến, khóc lóc ầm ỹ và dìu Nhã về trận địa.
          Người ta tổ chức đám tang xã đội trưởng Mùi long trọng nhất như người anh hùng của xã Thịnh Lang. Nhưng sau cái chết của Mùi có nhiều lời đồn đại đến ghê sợ: “Cái chết của Mùi là do Nhã gây nên”. “Vì trả thù Mùi nên Nhã đã tháo một nửa bom ra, đến đoạn nguy hiểm rồi sợ bỏ lại, để Mùi vào tháo chứ làm gì có loại bom nào chưa đến đã nổ?” v.v Nói tóm lại, gia đình và họ hàng nhà Mùi càng cay cú về việc không lấy được Nhã, và nhân cái chết của Mùi muốn dùng lối “giết người không gươm” để giết Nhã cho bõ hờn, bõ oán. Những lời đồn đại không thể khẳng định cho Nhã và trị tội Nhã được, nhưng cô như người sống cũng dở, mà chết cũng dở. Cô bị ốm do áp lực bom làm chấn động thai, phải nằm liệt ở nhà hàng tháng trời và sau đó cô xin thôi công tác. Cũng chẳng ai thèm gọi cô nữa.
          Không hiểu có sức mạnh nào làm cô vẫn sống được với đứa con tội lỗi của mình. Phải chăng vì tình yêu của Lư, vì cô đã biết rằng Lư vẫn không bỏ rơi cô trước khi đi chiến trường. “Chắc hẳn anh vẫn hằng ngày nhớ đến em!”. Nhưng oan nghiệp thay đứa con tội lỗi trong bụng này sẽ ăn nói với Lư sao đây? Người Mường không được nạo thai. Vả lại dù sao cũng là giọt máu của mình, Nhã không có gan bỏ nó. Thôi thì “một liều ba bảy cũng liều”. Mọi công lao cống hiến đã mất hết rồi. Chỉ còn đứa con, nếu cũng mất nốt thì mình còn sống làm gì nữa? Hãy sống và chờ đợi, chỉ còn niềm tin mong manh cuối cùng là anh.
          Thế là Nhã đành cắn răng sống, sống trong tủi nhục đắng cay và oan uổng, sống trong niềm tin vô vọng. Lạ kỳ thay bé Hải Thiên ra đời, rất bụ bẫm và lớn lên ngày càng giống mẹ, riêng nước da đen đen lại giống nước da của Lư và sự ngộ nhận của dân làng lại là con của Lư. Chính Thanh Nhã cũng lấy những chuyện hay nhất, những việc làm đẹp nhất của Lư để dạy cho con về người bố lý tưởng của nó. “Bố con đi chiến trường đánh Mỹ”. Người bố anh hùng dũng sĩ đó vẫn là niềm tự hào của bé Hải Thiên. Thanh Nhã sống trong niềm ước ao như vậy.
          Tai ác thay! Những chuyện về Thanh Nhã qua lời đồn đại của dân làng lại đến với Nguyễn Lư ở chiến trường, qua các chiến sĩ tân binh xã Thịnh Lang đem đến. Nguyễn Lư thất vọng, đau khổ và buồn chán. Anh quyết lãng quên mối tình dang dở này đi, anh lao vào chiến đấu và công tác. Ngày tháng trôi qua “hình ảnh con người bội bạc” đã lãng quên trong anh.
          Hòa bình lập lại. Sau ngày giải phóng Sài Gòn ít lâu, anh trở về quê. Một mối tình già, muộn mằn đã đến với anh, nhưng vô cùng hạnh phúc. Anh được đi học và chuyển vùng công tác ở ngoài này.
          Hôm đầu tiên trở lại Thịnh Lang tìm đến nhà Thanh Nhã, hàng xóm nhìn anh và ngộ nhận là bố bé Thiên đã về, họ gọi bé Thiên ra chào bố. Trong phút chốc Nguyễn Lư ngỡ ngàng và bỗng nhận ra, anh vừa mừng vừa tủi. Sẵn lòng yêu trẻ, anh sẵn sàng làm cho đứa trẻ không bị thất vọng, anh kêu to vui vẻ:
          - Nào con gái của bố đâu, ra đây, bố đây mà!
          Cô gái Thiên bẽn lẽn thập thò trong buồng, nửa tin nửa ngờ, không dám ra ngoài.
          Và hôm nay, trong chuyện phá bom này anh không ngờ lại chính anh đã giúp Nhã phá tan nỗi oan ức hàng bao năm nay đối với dân làng và chính quả bom nghi ngờ đó trong lòng anh mang nặng từ chiến trường đến hôm nay mới được phá vỡ.
          Nguyễn Lư đang sắp bước lên xe hành quân về, bỗng từ xa Nhã lao tới. Chị vừa chạy vừa gọi. Lư bảo lái xe tắt máy. Anh chạy trở lại đón Nhã. Đến nơi cô vừa thở vừa vội vàng:
          - Anh không thể.ăn Tết với mẹ con em được thật ư?
            - Anh…Anh còn phải thường trực cơ quan ngày Tết mà!
          - Danh sách đã chỉ định và báo cáo rồi, không thể thay được nữa.
          Nhã đã trấn tĩnh lại, chị hỏi nhỏ:
          - Thế bao giờ anh lại lên?
          - Bao giờ em và các đồng chí trên này phá xong hết bom, anh sẽ lên kiểm tra và dự mừng công.
          - Anh lên thật chứ? – Nén một hơi thở dài, cô ngập ngừng nói tiếp như nói thầm với riêng mình. Đôi mắt ướt át nhìn thẳng vào mắt Lư: - Anh không khinh bỉ em chứ? Bao giờ em mới được minh oan? Chỉ có anh mới hiểu em, mới làm cho cuộc sống của em hết đau khổ.
          - Ừ, anh sẽ lên. Anh không quên em đâu. Chuyện của em đã bắt đầu được sáng tỏ rồi đấy!
          Tiếng xe nổ máy. Thanh Nhã vội giúi vào buồng lái cho chú lái xe một gói to vẫn ôm từ nãy.
          - A bánh nếp rồi!
          - Vâng, quà Tết của núi rừng đấy!
          Thảo, cô gái nhà khách, cầm một cành đào rất nhiều nụ, cũng từ trong nhà chạy đến:
          - Anh Chính ơi, còn cái này nữa! Hoa đào của công trường đây!
          Chính giắt cành đào vào đầu xe, rồi cho xe chuyển bánh.
          Nhã và Thảo ôm lấy nhau nhìn theo xe, Nguyễn Lư giơ tay vẫy chào Phạm Văn Tự và những người ra tiễn.
            Cành hoa đào rung rinh ở đầu xe như cành lá ngụy trang.
 
1-8-1983
 
­­­_____________  
Đã chuyển thành phim truyện: “Tiếng bom hòa bình”
Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất - năm1985
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9