RƯỢU QUỐC LỦI Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
Thân tặng anh Nguyễn Can
Có giai thoại kể rằng, sau khi ký tắt Hiệp đinh Paris về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đoàn ngoại giao ta mở tiệc ăn mừng. Ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Chính phủ Việt Nam mời ông Kit-sinh-giơ (Henry Kissinger) cố vấn và đoàn ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ dự tiệc. Ông Kit-sinh-giơ vui vẻ nhận lời và nói: “Người ta mách tôi là Việt Nam có rượu “Quốc lủi” ngon lắm. Chắc ngài sẽ cho chúng tôi được thưởng thức?”. Một chút ngạc nhiên bất chợt đến, ông Thọ không ngờ cái “con cáo ngoại giao lõi lọc” này lại am hiểu thị trường ẩm thực nước mình đến thế. Nhưng với bản lĩnh kín đáo của một người làm công tác tổ chức, nét mặt ông vẫn điềm nhiên mỉm cười và bắt tay Kit-sinh-giơ: “Cảm ơn ông về lời khen!”.
Ông Thọ gọi điện về Hà Nội, yêu cầu Trung ương gửi rượu sang Paris, ngoài số lượng dùng trong bữa tiệc, còn 5 lít để làm quà tặng Kit-sinh-giơ.
Ở tỉnh Thái Bình ngày ấy có một Hợp tác xã nông nghiệp, chuyên cấy những giống lúa đặc sản như nếp cái hoa vàng, ri hương, tám xoan (còn gọi là tám thơm) v.v…để phục vụ nhu cẩu của Trung ương.
Rượu “Quốc lủi” ngon nổi tiếng do nhiều nguyên nhân. như men rượu được làm bằng các vị thuốc bắc bí truyền, và kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm v.v… Nhưng phần quan trọng hơn cả vẫn là nguyên liệu dùng để trưng cất. Đó chính là những hạt gạo nếp cái hoa vàng trắng thơm ngào ngạt, giống lúa thuần den từ ngày xưa truyền lại.
Và quả nhiên, trong bữa tiệc ngoại giao trọng thể ấy, các vị thực khách từ Âu đến Á, từ Tây sang Đông, vị nào cũng tấm tắc hết lời khen ngợi.
Thế là một thứ rượu chui, rượu lủi ở trong nước luôn luôn phải âm thầm lẩn trốn các cơ quan pháp luật. Thì nay, bỗng chốc đã trở thành một thứ “nước thần nước thánh”, thiêng liêng như nước “cam lồ” của Phật để cứu độ chúng sinh vậy. Và hương thơm của nó đã cất cánh bay đi bốn phương, để bàn dân thiên hạ biết tên, biêt mùi, biết vị, biết ẩm thực Việt Nam!
Khi bản Hiệp đinh Paris được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước ký chính thức. Hội nghị Paris kết thúc. Nhưng mãi 20 năm sau quan hệ Việt - Mỹ mới trở lại bình thường. Vậy chẳng biết lấy đâu ra thông tin mà giai thoại tiếp tục kể rằng: Năm lít rượu “Quốc lủi” của Việt Nam, ông Kit-sinh-giơ đem về nước, ông ta chỉ bỏ ra hai lít để biếu Tổng thống và Phó tổng thống Hoa Kỳ, mỗi người chỉ được nửa lít. Và Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mỗi người cũng chỉ được nửa lít. Còn ba lít ông Kit-sinh-giơ giữ lại để uống.
*
* *
Cả hai kỳ họp, thứ 10 và 11, Quốc hội khoá X111, dự thảo Luật báo chí sửa đổi, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa nhất trí thông qua. Theo bài: “Vẫn còn những khoảng trống trong quản lý báo mạng” (Văn nghệ số 14, ngày 12/4/2016) cho biết: “Một bên thì cho rằng Nghị đinh 72 và 174 chưa đủ mạnh để quản lý loại hình truyền thông được cho là còn rất mới mẻ, song lại có sức mạnh lan toả vô cùng ghê gớm, thậm chí có thể tạo nên một hiệu ứng nhất định đến một bộ phận không nhỏ người dân hay nguy hiểm hơn là đe doạ trực tiếp đến vấn đề anh ninh quốc gia dân tộc…”.
Cũng bài báo trên còn viết tiếp: “…Và hậu quả của nó thì không lường hết. Lấy ví dụ gần đây nhất là hai trang mạng “Anh Ba Sàm” và “Dân Việt” đã cho đăng tải những bài viết kích động có nội dung chống Đảng, Nhà nước không chỉ gây nguy hại đến an ninh quốc gia mà còn gián tiếp lôi kéo làm lung lay ý chí phấn đấu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ở một bộ phận không nhỏ người dân…”.
Cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu bổ sung quy định về quản lý trang mạng xã hội vào dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Ông nói: “Trào lưu hiện nay là ít mua báo, trừ những nhà nghiên cứu, nhà này nhà kia thôi. Bây giờ người ta mở điện thoại ra, trên internet có hàng đống rồi. Cứ đàng hoàng mà làm, tôi tin là nhân dân ủng hộ. Các đồng chí bảo nó (các trang mạng,blog) không phải là báo thì là loại gì? Nó là loại đi đêm à? Nhưng nó như ban ngày rồi…”.
Còn bên không tán thành, mà tiêu biểu là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thì cho rằng: “Nếu đưa vào luật này thì vô hình chung công nhận trang tin điện tử, blog cá nhân cũng là báo chí. Blog cá nhân, mạng truyền thông xã hội là ngoài báo chí. Luật báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí, bởi chúng ta không chấp nhận tư nhân hoá báo chí rồi”.
Vâng! Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói đúng. Tuy nước ta có hàng nghìn tờ báo và các cơ quan truyền thông, từ trung ương xuống các tỉnh, các huyện, nhưng tất cả đều là của Đảng và Nhà nước. Kinh phí hoạt động của các cơ quan này đều do ngân sách Nhà nước cấp. Họ viết hay nói đều theo sự chỉ đạo của cơ quan Tuyên giáo. Ngay cả tờ báo được mang tên là báo “Nhân dân”, nhưng đó cũng là cơ quan ngôn luận của Đảng, do Đảng trực tiếp quản lý và điều hành, chứ không phải là báo của người dân.
Và từ thực tiễn này mà giữa Luật báo chí và Hiến pháp năm 2013 có điều mâu thuẫn trái ngược nhau. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định người dân được quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin. Nhưng như Bộ trưởng Nhuyễn Bắc Son đã nói: “ Blog cá nhân, mạng thông tin xã hội là ngoài báo chí. Luật báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí, bởi chúng ta không chấp nhận tư nhân hoá báo chí rồi”.
Như vậy thì rõ ràng là Luật báo chí đã vi Hiến. Nếu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son không công nhận sự thật này, mà vẫn cho Luật báo chí là đúng, thì vô hình chung chính Luật báo chí đã làm cho Điều 25 Hiến pháp năm 2013 thành ra cái bánh vẽ, trông thì ngon nhưng không ăn được!
Trong đời sống xã hội ta hiện nay còn tồn tại khá nhiều điều bất cập. Nói thì hay, làm thì dở. Nói một đằng, làm một nẻo, hay chỉ nói chứ không lảm. Có người còn cho rằng: “Xã hội ta không có vùng cấm”. Vậy, Luật báo chí không chấp nhận báo chí tư nhân, liệu có phải là một vùng cấm không?
Hay như chuyện đơn nguyên, đa nguyên cũng vậy. Tuy Đảng và Nhà nước không có chỉ thị cấm, nhưng tất cả các cơ quan thông tin, ngôn luận, cho đến người dân ở thôn cùng xóm vắng ai cũng hiểu đó là vấn đề được coi là “nhậy cảm”, không nên, hay nói cho thật đúng là không dám động chạm đến. Vậy đó có phải là vùng cấm không?...
Ngày xưa, khi phong trào “Nhân văn - Giai phẩm” nổi lên đòi quyền tự do sáng tác. Người ta đã kết tội các văn nghệ sĩ tham gia phong trào đó là: “Bọn chống Đảng”. Và bây giờ, nhờ công nghệ internet phát triển, một số trang mạng xã hội đã náu mình vào không gian ảo để nói những điều mà mình cho là có ích, để bạn bè cùng chia sẻ. Thì lại bị quy cho cái tội là: “Chống Đảng và Nhà nước”!
Hơn 400 năm trước đây, Secxpia (Wiliam Shakespeare 1546-1616) nhà thơ, nhà viết kịch vĩ đại của nước Anh và của cả nhân loại. Trong kho tàng tác phẩm đồ sộ của ông để lại cho hậu thế, có cả câu danh ngôn này: “Không có sự việc nảo tự nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm lý ta quyết định điều đó”.
Quả là chí lý! Cũng những con người ấy trong nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”, 30 năm trước họ bị coi là kẻ xấu, nhưng 30 năm sau họ không phải là kẻ xấu nữa.
Biết đâu, các trang mạng xã hội bị coi là xấu, phải đình chỉ hoạt động như “Anh Ba Sàm" và “Dân Việt”, hay cả anh “Quê Choa” nữa, rồi đây lại chẳng trở thành các nhà báo chân chính của đất nước ta?
*
* *
Năm 1986, nước ta chuyển đổi nền kinh tế Xã hội chủ nghiã sang kinh tế thị trường (định hướng Xã hội chủ nghĩa). Cho thành phần kinh tế tư nhân được phép hồi sinh. Và cũng từ ngày đó, mỗi khi phải nhắc đến nền kinh tế cũ, thì ai cũng gọi bằng một cái tên rất mới đầy hàm ý chê bôi, phê phán là: “Nền kinh tế quan liêu bao cấp”. Nhạt này bõ mặn ngày xưa. Đó cũng là chuyện thường tình. Khi nển kinh tế đó đã không đáp ứng được kỳ vọng của con người, bị vứt bỏ thì gọi nó là gì mà chả được.
Nhưng xin đừng ai quên rằng: Còn tất cả các mặt khác của đời sống xã hội thì hầu như vẫn giữ nguyên như cũ. Tức là Nhà nước vẫn độc quyền nắm giữ. Và kết quả là xí nghiệp quốc doanh được Nhà nước ưu tiên, ưu đãi đủ thứ, nhưng làm ăn thua lỗ không bằng xí nghiệp tư nhân. Rượu quốc doanh không ngon bằng rượu “Quốc lủi”. Báo chí quốc doanh không có thông tin nhiều chiều và không nhanh nhậy bằng báo mạng chui v.v…
Và có lẽ chính vì thế mà nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập tờ Petro Times, ngày 10/6/2016 vừa qua đã đăng một bài báo với cái tiêu đề rất “giật gân” là: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy”. Rồi ông lý giải rất hay về nghề phóng viên và con chó: “Trước hết phải nói đến những phẩm chất cao quý của con chó: Không có loài vật nào gắn bó với con người như con chó. “Con không chê cha mẹ khó/ Chó không chê chủ nghèo”. Chó tuyệt đối trung thành với chủ. Chó biết vui cùng chủ, buồn cùng chủ”.
Tuy nhiên, “…Chó muồn giỏi thì cũng phải nuôi dậy và phóng viên nhà báo muốn giỏi thì ngoài năng khiếu trời cho, cũng phải được dậy dỗ, rèn luyện tử tế…”.
Cũng bài báo này, nhà báo Như Phong còn cho biết: “Lại có một câu nữa cũng rất hay về nghề phóng viên, đó là cố Tổng thống Kennedy. Khi được hỏi, Tổng thống định nghĩa thế nào về nghề nhà báo, thì Kennedy trả lời rằng: “Nghề nhà báo là nghề viết ra một nửa những điều mình biết và che giấu đi một nửa những điều mình biết”.
Ôi chao! Nghề làm báo chẳng biết có đúng như ông Kennedy định nghĩa không? Nhưng nghe ở đâu đó lại có câu nói rằng: “Một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Nếu nghề làm báo chỉ viết ra một nửa những điều mình biết, còn nửa kia giấu đi, thì cái nửa viết ra đó đâu phải là sự thật. Và nếu vậy chẳng hoá ra nghề làm báo chỉ là một nghề nói dối?
Mà rất có thể đúng là như vậy. Ví dụ như vụ tự nhiên cá chết hàng loạt ở ven biển bốn tỉnh miền Trung đấy. Dư luận xôn xao và càng ngày càng bức xúc muồn biết nguyên nhân. Các nhà khoa học trong nước, ngoài nước hối hả bắt tay vào việc điều tra, nghiên cứu. Cả Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam và ông Phó Tổng thư ký Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng sẽ giúp đỡ Việt Nam nếu Việt Nam có nhu cầu. Nhưng Đảng và Nhà nước ta đều từ chối. Rồi Đài truyền hình Việt Nam chẳng biết moi ở đâu ra một người đàn ông mà họ gọi là nhà khoa học Nhật Bản, đưa đến trường quay ghi hình, ghi âm. Và nhà khoa học rất đáng ngờ đó đã cho khán gỉa xem truyền hình cả nước biết rằng, để xác định được đúng sự thật, thời gian điều tra nghiên cứu có trường hợp phải mất đến hàng năm!
Trong khi đó, vụ Nhà máy đường Hoà Bình xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi đổ về Thanh Hoá làm cá tự nhiên và cá lồng chết hàng loạt, xẩy ra sau vụ ở Hà Tĩnh thì chỉ mất có một tuần, Nhà máy đường đã nhận bồi thường cho các gia đình nuôi cá lồng trên sông Bưởi.
Hay như những vụ ngộ độc thực phẩm, thỉnh thoảng lại xẩy ra ở đâu đó làm nhiều người phải đi cấp cứu. Thậm chí có người không cứu được. Nhưng tất cả các vụ đó cũng chỉ một vài hôm người ta đã tìm ra nguyên nhân.
Vậy, tại sao vụ cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung lại phải mất gần ba tháng (84 ngày) Đài truyền hình Việt Nam mới công bố cho nhân dân cả nước biết thủ phạm là công ty Formosa – Hà Tĩnh? Chẳng lẽ việc tìm nguyên nhân con cá bị trúng độc lại khó khăn hơn con người bị trúng độc ư? Hay đúng như cố Tổng thống Kennedy đã nói: “Nghề nhà báo là nghề chỉ viết ra một nửa những điều mình biết và che giấu đi một nửa những điều mình biết”?...
Mà cũng chẳng riêng gì báo chí, truyền thông quốc doanh mới làm mất lòng tin của mọi người. Cả những ngành nghề khác như xuất bản, sân khấu, điện ảnh quốc doanh cũng rơi vào tình trạng ế ẩm như vậy.
Vừa qua, ở địa phương chúng tôi, nhân kỷ niệm ngày thành lập ngành, cơ quan Công an thành phố bỏ kinh phí ra mời Đoàn nghệ thuật kịch nói của tỉnh về biểu diễn miễn phí. Giấy mời các cơ quan, đoàn thể Công an đã gửi đi các nơi. Xe quảng cáo, loa phóng thanh đã phóng đi các ngả. Nhưng đến giờ mở màn, đếm đi đếm lại khán giả cũng chỉ có 18 người, trong đó có sáu đưá trẻ. Họ ngồi ở hàng ghế trước sân khấu, bên phải, bên trái và sau lưng họ là cả một khoảng trống mênh mông với các hàng ghế xi măng đặt từ trên cao xuống thấp tầng tâng lớp lớp.
Ban Tổ chức và các Nghệ sĩ quốc doanh đông hơn khán giả đến bốn năm lần. Nhưng đến giờ rồi vẫn phải mở màn và… diễn !
*
* *
Cả hai kỳ họp thứ 10 và 11, Quốc hội khoá X111, các đại biểu còn đang bàn thảo về các điều khoản bổ sung vào dự thảo Luật báo chí sửa đổi, để quản lý các trang mạng xã hội. Nhưng chưa bàn xong, thì một người Mỹ, bạn của Việt Nam, nhà văn, cựu phóng viên quốc tế Thời báo Washintong trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ đã khẳng định rằng: “Mạng xã hội là một sức mạnh để giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Chúng ta cần hiểu biết rất rõ ràng rằng, Trung Quốc không có quyền phá huỷ các rạn san hô mỏng manh ở quần đảo Trường Sa và quấy rối ngư dân ven biển trên biển Đông”. Ông còn đề nghị nên có một chiến dịch mạng xã hội, lấy tên là “Cứu biển Đông” (Văn nghệ số 17, ngày 23/4/2016, Hoàng Quốc Dũng thực hiện).
Chẳng biết lời đề nghị đó của bạn có được các nhà lãnh đạo Việt Nam đồng tình không? Nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận được, đó là các trang tin điện tử và blog cá nhân đang phát huy tác dụng tích cực và đang chiếm lĩnh thị phần truyền thông cả trong và ngoài nước./.
TP Uông Bí, ngày 28/7/2016
Tạ Hữu Đỉnh