Chương 33
Đại úy Hiền đang đứng giám sát việc lập biên bản bàn giao tội phạm cùng vật chứng trong phòng an ninh sân bay bỗng Nhân ở ngoài phóng vào. Nó nhào đến bên chân Hiền đuôi vẫy vẫy liên tục, miệng ngậm cứng cái xách tay. Đôi mắt như biết nói của nó toát ra một thứ ánh sáng kỳ lạ như thể nó vừa tìm ra được điều gì rất đáng giá. Nhận thấy Hiền đang bận việc nên một người đồng đội chạy lại định cầm cái xách tay nhưng nó không chịu buông.
Vừa lúc đó một đồng đội khác kéo túi hành lý thứ hai vào.
Anh ta chỉ Nhân cười lớn:_Nó mai phục cả ngày giờ mới bắt được một vố nên ngậm cứng ngắc. Anh Hiền coi thử xem nó tìm được gì mà hăm hở vậy?.. Hàng đã qua khỏi khâu kiểm thể, đánh lừa được máy rà soát mà không đánh lừa được Nhân, mày giỏi đó, sáng mai thưởng cho mấy ký xương ống gặm cho đã nhé!
Hiền quay lại hỏi:_Những đối tượng tình nghi đã bị tóm đúng như kế hoạch sao lại còn cái gì nữa đây?. Chà may quá! Tưởng đã xong xuôi ai dè …
Hiền bỏ lửng câu nói cúi xuống chạm tay vào túi xách. Nhân nhả xách tay ra rồi ngước nhìn Hiền phát ra những tiếng kêu ư ử nũng nịu. Hiền vuốt đầu Nhân hôn lên đôi mắt nó thì thầm:_Đói rồi phải không?. Nằm im mai phục không nhúc nhích cả ngày, giờ mới lập chiến công, Nhân của anh giỏi quá ta! Giờ Nhân về trước ăn gì đi đừng đợi anh kẻo đói!
Nói xong Hiền ra hiệu cho đồng đội đưa chó nghiệp vụ ra khỏi phòng. Anh quay lại hỏi: _Chủ nhân của hai túi hành lý xách tay này đâu ?
_Dạ bà ta xỉu ngay tại chỗ nên anh Hùng đưa đi cấp cứu rồi!
Ném túi xách lên bàn, Hiền lắc đầu than thở:_Lại đàn bà! Thôi mở cái túi hành lý lớn có bánh xe này trước đi đã!
Túi hành lý được mở banh. Đồ đạc được moi ra bày la liệt. Toàn quần áo, đồ lót hàng hiệu, thuốc dùng cá nhân.
Một người kêu lên:_Bà này quốc tịch Mỹ, chơi toàn hàng sang không à!. Sao chưa thấy gì vậy cà?. Có cả vớ y khoa nữa nè. Loại này mắc lắm đó nghen! Chu choa kính mắt này xịn quá bây ơi!
Hiền nhắc nhở:_Xem kỹ đi!
Túi hành lý đã được kiểm tra kỹ càng nhưng không thấy gì.
Hiền ra lệnh:_Xếp đồ đạc gọn gàng như cũ đóng hành lý lại cẩn thận, có lẽ hàng cấm chỉ giấu trong túi xách này thôi cũng nên.
Anh mở túi xách thò tay vào. Tay chạm vào cái gì cứng cứng vuông vuông. Anh lôi ra. Một chiếc hộp gỗ đã nhuốm màu thời gian được khóa chặt. Mùi hương thân quen tỏa ra. Tim anh đập thình thịch nghĩ thầm,thôi rồi đồng đội Nhân bị lầm vì mùi gỗ xá xị của cái hộp. Điều này càng kích thích trí tò mò. Hộp đã bị khóa tất phải có khóa. Anh lục tất cả các ngăn, có một xấp đôla tờ loại một trăm nhưng vẫn không thấy khóa. Anh cầm túi banh ra giốc ngược xuống, những thứ lỉnh kỉnh rơi trên mặt bàn. Lược, túyp dầu gội đầu, kem chống nắng, son môi…vẫn chưa thấy khóa!
Cuối cùng một cuốn sổ rơi nghe bịch một tiếng. Hiền cầm cuốn sổ lên ngắm nghía. Sổ còn mới toanh bọc da thuộc mềm. Hai dải bằng da nhìn như chiếc thắt lưng quàng ngang cuốn sổ.
Cuốn sổ bề ngoài giống như một ngôi nhà cửa đóng then cài đầy bí ẩn. Cũng có thể ví nó tựa như một người khoác áo măng tô da, được cài khuy bấm cẩn thận . Cũng đúng thôi vì ngay phía trước bìa sổ có một dòng chữ khắc nổi “Dear diary.”- Nhật ký yêu dấu.
Hiền ngần ngừ không biết có nên đọc cuốn sổ riêng tư này không?.
Anh quay lại nói với đồng đội:_Thôi mọi người ra tiếp tục công việc cho đến mười hai giờ khuya thì nghỉ. Còn cái xách tay này, tôi nghĩ có thể Nhân lầm lẫn. Tôi ngồi đây có sự chứng giám của camera sẽ coi lại kỹ càng, nếu không có gì, đích thân tôi sẽ mang hành lý lại trao tận tay hành khách, sẽ nói lời xin lỗi. Nếu cần, sẽ đền bù thiệt hại cho người ta.
Cho đến giây phút này kế hoạch vạch ra đã gần như hoàn tất nhưng đội đặc nhiệm của anh vẫn chưa ngừng hoạt động. Sân bay Tân Sơn Nhất đang còn trong giờ cao điểm. Máy bay cất cánh hạ cánh liên tục. Băng chuyền an ninh làm việc không ngưng nghỉ. Hiền ra lệnh cho một nhân viên hải quan khi nào rảnh soi chiếu lại chiếc hộp gỗ.
Trong lúc chờ đợi Hiền cứ nhìn cuốn sổ. Có một cái gì đó thôi thúc khiến cuối cùng không thể bình thản thêm được nữa anh nôn nóng gỡ khuy cài, tháo lỏng dây, từ từ mở cuốn sổ ra.
Những dòng chữ hiện lên. Hiền dán mắt vào đọc ngấu nghiến:
_Cám ơn con gái đã tặng mình cuốn sổ này nhân dịp sinh nhật. Hôm kia con gái thấy mình bỏ cuốn sổ vào túi xách đã tủm tỉm cười. Lúc nghe con gái hỏi nhỏ “ Mẹ hài lòng với quà tặng này phải không mẹ?”, mình không biết nói sao, chỉ thấy rưng rưng muốn khóc. Con là người sinh sau đẻ muộn, không biết gì nhiều về một quãng đời đã qua của mình nhưng có lẽ con lại là người hiểu mình nhất, thông cảm cho bệnh tình của mình, luôn luôn muốn mình viết.
Con gái thông minh dư sức biết mẹ muốn viết gì, sẽ và luôn viết gì. Con là người hiểu nỗi đau của mẹ, không như mọi người khác. Có lần khi nghe bà con họ hàng trách mình sao không chịu quên để mà sống?. Con gái đã bênh vực rằng “Mẹ con không đau ốm gì. Luôn nhớ thương quá khứ là chuyện đương nhiên không có gì bất thường.”
Đây là cuốn sổ thứ mười chẵn chòi. Chín cuốn sổ kia mình đã lấp đầy những trang giấy bằng những nhớ thương nuối tiếc không bao giờ vơi. Mình trút vào đó những tâm tư mình không thể nói cùng ai được. Thông thường người ta viết nhật ký về những điều đang xảy ra chung quanh mình. Nhưng mình lại khác. Mình ghi vào sổ những kỷ niệm, phần lớn những buồn vui của một thời đã qua. May mắn không ai đọc được nếu không họ sẽ lại bảo mình tâm thần. Cũng đúng đấy! Mình ghi nhật ký rất ít! Mình ngồi ở hiện tại nhưng luôn viết về một khoảng thời gian đã lùi xa. Lập đi lập lại cũng có bấy nhiêu đó. Vẫn từng đó cái tên, từng đó khuôn mặt, từng đó nỗi buồn niềm đau, chúng cứ trùng lắp chồng chất, đụng nhau chan chát. Giờ mình đã viết được đến cuốn sổ thứ mười.
Hình như bệnh mình lại tái phát, mình bắt đầu càm ràm rồi đây!. Nếu bác sĩ được phép đọc hết những cuốn nhật ký của mình ông ta sẽ nhận ra mình chưa hết bệnh. Cũng có thể mình chưa bao giờ hoàn toàn lành bệnh. Bệnh gì nhỉ?.
Bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt gì gì đó. Loại bệnh của những người bi quan hay bị ám ảnh bởi quá khứ nên không thể hướng về tương lai. Nói cho đúng, mình đâu có thờ ơ với hiện tại?. Mình vẫn thỏa mãn với cuộc sống ngày hôm nay. Mình đang có cuộc sống hạnh phúc không có gì để than thở, nên đâu cần gì phải viết về hiện tại.
Mình yêu Frank, anh ấy cũng nuông chiều chăm sóc mình hết mực. Con gái Bella thì khỏi phải bàn. Mình nghĩ nếu không có con gái, đời mình sẽ mất đi một nửa sự thi vị.
Khi giơ tay vẫy chào Frank cùng Bella ở phi trường Los- Angeles, quay lưng bước đi với hai túi hành lý nhỏ gọn, cảm giác thật lạ không giống như mọi lần về Việt Nam, khi có chồng con theo cùng. Lúc đó mình nghĩ mình sắp bay trên tuyến Hiện Tại- Quá khứ chứ không phải tuyến Los Angeles – Việt Nam.
Mình đang ngược dòng, tìm về nguồn, nơi khởi đầu những hạnh phúc cùng mất mát đau thương. Hành trang mình mang theo không phải quà cáp như bao người. Trong túi xách chất chứa toàn những hồi ức yêu dấu một thời. Mình đã lấy ra từ cõi nhớ , ghi lại trong những cuốn sổ cũ và giờ sẽ lần lượt chuyển vào cuốn sổ này. Chúng là những mảnh rời rạc vỡ vụn. Mình sẽ gom góp sắp xếp gọn gàng hơn trong không gian mới. Những buồn vui hạnh phúc từ một phần đời đã xa sẽ được cất giấu riêng tại đây. Trong đó hẳn có cuộc chia lìa bât ngờ không thể nào quên. Ký ức này muôn kiếp sẽ ngự trị trong lòng mình, sẽ mãi mãi hiện diện ở bất cứ nơi nào, dù đó là Việt Nam hay Mỹ, hiện tại hay tương lai. Dù cho các cuốn sổ có bị đánh mất, bị lấy cắp. bị thiêu rụi, ký ức ấy sẽ vẫn tồn tại đậm nét, nguyên vẹn hình hài trong lòng mình.
Những ngày mới tới đất Mỹ, nhất là sau biến cố 75 khi nhận được tin xấu dồn dập từ bên nhà, mình hoàn toàn sụp đổ. Sau đó việc tu nghiệp bị bỏ dở, phải vào ra bệnh viện tâm thần không biết bao lần. Chỉ có Frank luôn sát bên an ủi khuyên lơn. Nếu không có Frank kiên trì giúp đỡ chắc mình không còn sống đến ngày hôm nay. Ngàn lần xin tạ ơn Frank!. Hồi đó chính anh ấy chứ không phải bác sĩ phát hiện ra mình bị chứng Nostalgia, một chứng bệnh tâm lý.
Căn bệnh biểu hiện bằng những khắc khoải nhớ nhung nơi mình từ đó ra đi. Khi nhớ thương lên đến đỉnh, lòng mình quặn đau khó ngủ, lồng ngực như bị ép dồn không thể thở được. Triệu chứng cứ lập đi lập lại, mỗi lần vậy đau đớn khắp châu thân.
Thế nhưng khi khám, bác sĩ lại không tìm ra bệnh. Bênh cứ như giả đò. Từ Nostalgia bắt nguồn từ tiếng Hy lạp có nghĩa là nỗi đau. Tên bệnh tiếng Pháp (Mal du pays-nỗi đau quê hương), đồng danh tiếng Đức (Heimweh- vết thương vì quê nhà) còn người Tây Ban Nha đặc biệt mô tả trúng khớp với biểu hiện của mình khi đau (chứng nhói tim).
Đúng vậy, khi nghĩ về những điều yêu thương bỏ lại nơi quê nhà, tim mình nhói lên như bị một bàn tay vô hình bóp chặt.
Ngày qua ngày Frank chịu đựng mình, an ủi mình. Ngay khi Việt Nam tiến hành cải cách mở cửa, Frank tìm mọi cách xin visa làm hộ chiếu để đưa mình về lại quê nhà. Đây cũng là dịp để Frank quay lại nơi Frank đã từng làm việc với tư cách phóng viên.
Sau chuyến đi mùa hè năm đó, khi quay trở về, được Frank hứa hàng năm sẽ mang mình về Việt Nam, bệnh mình thuyên giảm dần cũng là lúc mình với Frank kết hôn.
Từ khi lấy Frank, có con gái Bella, mình sống trong hạnh phúc mới. Có lẽ nhờ mái ấm gia đình nên mình trở nên đằm hơn, bình tĩnh hơn, do đó người ngoài nhìn vào tưởng mình đã nguôi ngoai, đã quên quá khứ buồn đau, đã hoàn toàn khỏi bênh. Chỉ có mình hiểu nỗi đau vẫn còn đó nhưng giờ nó chỉ âm ỉ không bộc phát mạnh mẽ, mình có thể âm thầm chịu đựng được.
Quê hương như đã gần kề. Ngoài tiếng Anh –Hoa khi chuyển máy bay mình đã nghe lại tiếng mẹ đẻ, đã nhìn thấy các tờ báo Anh-Việt. Tiếng con nít khóc nheo nhéo đã dịu lại. Khoang máy bay chìm vào im lặng. Những tà áo dài màu đỏ huyết dụ của các cô tiếp viên hàng không lượn lờ qua lại trông sao đáng yêu quá!. Ông bạn đồng hành người Mỹ có bộ râu quai nón cứ xuýt xoa khen miết. Chưa đặt chân xuống đất mẹ vẫn còn trên không nhưng nhớ thương đã tràn dâng. Có lẽ trên máy bay mình có cảm giác này rõ hơn khi máy bay hạ cánh. Vì Việt Nam bây giờ áo dài không còn phổ biến trên đường phố. Áo dài hàng không gợi nhớ tha thiết một thời yêu dấu của đời mình.. Đời mình biến đổi theo màu áo...
Vũ ơi! Em sắp về thăm anh rồi.! Lần này em về một mình, em sẽ đến thăm mộ anh mỗi ngày một lần. Sẽ mặc lại những màu áo từ trắng, xanh,đỏ, vàng, tím. Những màu giờ chỉ còn là kỷ niệm cho cuộc tình ngắn ngủi bất hạnh của chúng ta.
Ngày mới yêu anh, em mặc áo trắng, tà áo trinh nguyên tuổi học trò. Tà áo chuyển qua màu thiên thanh khi tình yêu như một khúc nhạc từ từ vút cao khiến em lâng lâng tràn trề hy vọng. Trong ngày lễ Vu Quy em được khoác lên mình chiếc áo đỏ tươi, màu của hạnh phúc viên mãn. Khi em làm mẹ, anh tặng em màu áo vàng mỡ gà, màu dịu dàng không làm chói mắt con thơ. Sau khi anh mất, em làm góa phụ để tang anh trong tà áo tím.
Lần này về không chỉ thắp hương lâm râm gọi thầm, em sẽ gọi tên anh thật to sẽ tâm sự với anh thật nhiều. Em sẽ thay mỗi ngày một màu áo, em mong rằng ở bên kia thế giới anh hiểu và thông cảm cho em. Những lúc gần đây, năm nào em cũng về hẳn anh đã rõ. Phận anh ngắn ngủi đã đành, anh nằm đó trong lòng mộ sâu, em cũng đã chấp nhận.
Thế nhưng em vẫn hoang mang rã rời khi về lại quê hương thăm mộ anh nhưng lại thắc mắc không biết một phần xương thịt ruột rà em từng mang nặng đẻ đau đang chôn vùi nơi nao?. Cứ mỗi lần nghĩ đến điều này lòng em lại quặn thắt như có ai dày vò chà xát. Em có lỗi với anh và con. Nhưng em còn có thể làm gì hơn lúc đó?. Mất chồng khi còn quá trẻ, bên nội không có vì anh mồ côi nên khi đi tu nghiệp em đành phải gởi con về bên ngoại. Tất cả vì tương lai của con. Ngày ấy Frank cổ vũ việc tu nghiệp của em rất nhiều. Em còn nhớ rõ ngày cuối cùng trước khi xa con để lên đường đi Mỹ. Hôm ấy em mang con lên đồi thông bên hồ Than Thở. Giữa không gian trầm lắng, nghe tiếng thông reo mà ngỡ như nghe tiếng anh nói cười đâu đó. Ôm con giữa đất trời, nhìn con chập chững đi, bóng con và bóng mình đổ dài trên dốc vắng, em bịn rịn không biết có nên dứt áo ra đi?
Con đã mất cha chỉ còn mẹ là điểm tựa. Con còn nhỏ dại quá, nó nói chưa sõi còn ngọng nghịu.Nó chạy theo vờn tà áo em, mỗi khi nắm được chéo áo, con bật cười khanh khách. Nó chưa cảm nhận được nỗi bất hạnh mất cha nhưng có nhất thiết phải xa mẹ nữa không, cho dù sau này khi em tu nghiệp về có việc làm vững chắc, con sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn?. Em hoang mang em dằn vặt suốt buổi chiều hôm ấy.
Khi bóng hoàng hôn chỉ còn thoi thóp ở cuối chân đồi em vẫn còn bế con lang thang trên con đường heo hút. Khuôn mặt con úp vào vai. Em ôm siết con. Cổ em ấm lại, Hơi thở nhè nhẹ của bé phà vào cổ khiến em có cảm giác thật dễ chịu. Giống như mình đang được quàng ấm bởi một vòng hoa “baby breath” loại hoa màu trắng nho nhỏ thật dễ thương. Anh còn nhớ không, loại hoa em thường cắm chung khi anh tặng em hoa hồng nhung đó?. Lúc đó em mới hiểu tại sao hoa lại mang cái tên đáng yêu ấy!. Em thương con vô bờ bến, em cứ ôm ghì lấy con suốt cho đến khi không còn ôm được nữa mới thôi.
Tối hôm đó em phải đáp chuyến xe về Sài-gòn để mai lên máy bay bắt đầu chịu đựng nỗi xa con suốt mấy tháng ròng.
Cuộc đời em đã rẽ sang một ngả khác. Em đã có gia đình mới, có thêm con gái. Mọi người thân quen ai cũng khuyên giải để em có quyết định này.
Bản thân em cũng cần một người đi tiếp với mình để xây dựng cuộc sống trên đất lạ quê người, cùng lo toan chia sẻ những nhu cầu vật chất, tinh thần trong hiện tại. Chỉ có vậy em mới thoát khỏi “bóng ma quá khứ”, sẽ từ từ hòa nhập vào cuộc sống với bao hạnh phúc mới.
Thế nhưng dù bị đè nén bởi lớp lớp bụi thời gian, ngày ngày tháng tháng cứ chất chồng, sự nhớ thương đứa con bé bỏng vẫn không hề phai mờ vẫn trồi lên, bập bềnh lãng đãng bất kỳ lúc nào bất cứ nơi đâu ngay cả những lúc em hạnh phúc nhất."
Đại úy Hiền cúi đầu vào cuốn sổ đọc một cách chăm chú. Càng lúc các trang viết càng khơi gợi niềm cảm xúc gần như trùng khớp với những nỗi niềm luôn tiềm ẩn trong lòng anh. Những ẩn ức vô cớ cứ lập đi lập lại trong những giấc mơ nhưng lại phai mau nhạt nhòa vô nghĩa khi tỉnh thức? Có điều gì đó tưởng như rất mơ hồ ẩn sâu giờ hình như đang từ từ trồi lên?. Những đau thương không thể diễn đạt không thể gọi thành tên sau mỗi giấc mơ giờ hình như đang dần rõ nét qua những dòng viết của một người xa lạ. Nhịp tim anh đang cùng nhịp với người viết thì phải?. Anh đang đồng cảm đang thổn thức với người ta?.
Anh vội sang trang đọc tiếp.
"Bob, người bạn đồng hành cứ ngả đầu cựa bộ râu quai nón vào vai mình, thật khó chịu!. Cũng may ông ta không biết tiếng Việt cho nên có giương to cặp mắt ráng đọc cũng không đọc được gì. Ông ta hỏi tại sao mình không viết tiếng Anh, mình rành tiếng Việt đến thế sao?.
Mình trả lời trước đây mình làm phóng viên cho một hãng thông tấn ở Việt Nam. Hỏi kỳ cục, tiếng mẹ đẻ không viết rành sao được?.
Bob thấy mình viết không ngừng, ông ta không biết nói chuyện cùng ai nên vươn vai ngáp dài rồi mở màn hình xem phim.
Cuộc đời kể cũng lạ! Nếu lúc trước mình không là phóng viên, không đi dự picnic với cơ quan của Frank thì làm sao có những cuộc gặp gỡ hay chia ly?. Mình phải xa lìa ai đó có thể do cái duyên không còn, gặp ai đó cũng do định mệnh. Được Frank khuyến khích giúp đỡ, mình nhận được suất học bổng mới quyết định xa con để đi Mỹ.
Những ngày đầu tu nghiệp trên đất Mỹ mình không bao giờ nghĩ sẽ lưu lại đó lâu dài, để rồi Frank, người bảo lãnh tài trợ cho mình đã trở thành chồng mình. Nước Mỹ giờ là quê hương thứ hai.
Khi rời khỏi Việt Nam mình muốn khóa học tu nghiệp kết thúc nhanh chóng. Mình chẳng mong gì hơn được về gặp lại người thân, nhất là con trai bé bỏng của mình. Để con lại cho bên ngoại chăm sóc , cất bước ra đi lòng nặng trĩu, ngổn ngang trăm mối, mình đã khóc hết nước mắt.
Đi chưa được hai tháng, nỗi nhớ gia đình quê hương, nhớ con, luôn dày vò. Sau đó mình nhận được tin về biến cố bên nhà. Đất nước mình chiến tranh liên miên. Đâu đâu cũng bất ổn nhưng quả thật lúc ấy tình hình chiến sự quá căng thẳng!. Nếu Frank không cản mình, mọi người trong gia đình không khuyên lơn an ủi, cuộc đời mình sẽ khác?.
Có thể lắm chứ! Mình sẽ không mất con. Cũng vì mình quá nóng nẩy, thêm vào đó Frank muốn giữ mình lại, nên anh bàn bạc mình không nên về anh hứa sẽ liên lạc với tòa đại sứ để gởi nhờ bé cho một người bạn, mẹ con sẽ được đoàn tụ ở bên Mỹ. Chính điều ấy lại trở thành nguyên nhân khiến mình mất người thân mãi mãi. Phải chi lúc đó cứ để yên vậy, chưa chắc mình mất mát đớn đau như thế này!.
Mình không ngờ buổi chiều lang thang trên đồi vắng hôm nào lại trở thành kỷ niệm cuối cùng mình được ôm con trong lòng. Con đã tụt khỏi tầm tay. Con đã vùi xác nơi nào rồi hả con?.
Con trai bé bỏng ơi!. Khi chiến tranh kết thúc, được tin từ bên nhà, mẹ biết dì con làm theo lời dặn trong điện tín của mẹ sau khi phi trường Liên Khương ngừng hoạt động, trường Chiến Tranh Chính Trị cũng đang rút lui về Sài Gòn. Dì đành mang con theo đoàn người di tản đường bộ vòng qua Nha Trang rồi mới về Sài-gòn
Lần nào về, mẹ cũng đi dọc duyên hải nam trung bộ cố đoán xem dì và con gặp nạn tại đâu?. Mẹ ao ước được cầm trong tay một chút đất cát có phần xương thịt của hai dì cháu. Nhưng đất trời bao la làm sao mẹ biết máu thịt con hòa vào đâu rồi?. Cứ nghĩ đến đó lòng mẹ quặn xót tim nhói đau. Giang ơi! Em mang cháu đi đâu mà bặt tăm vậy em?. Em gái sống khôn thác thiêng phù hộ cho chị đi em!
Tay mình run quá. Lại bắt đầu khó thở, phải dừng lại một lát…"
Nhịp tim đại úy Hiền cứ đập thình thịch. Mặt anh nóng ran. Anh nghĩ đến cơn ác mộng mấy tuần trước. Một tiếng nổ kinh hoàng, biển lửa, có ai đó đè lên mình dặn dò mình. Khung cảnh giờ nhớ lại giống như mình đang kẹt giữa vùng giao tranh.
Anh buột miệng kêu trong vô thức: “Cháy!”.
Nghe chính tiếng mình vang lên thật thống thiết trong căn phòng vắng lặng, anh khựng lại lắc lắc đầu không biết mình đang mơ hay tỉnh?.
Lẽ nào đó là ký ức của mình?. Không thể! Mình có gia đình ba má hẳn hòi mà!. Đó chỉ là giấc mơ thôi!. Có lẽ trước đó mình đã coi những thước phim tài liệu chiếu về công cuộc giải phóng miền nam của đài truyền hình, trong đó có chiếu cảnh chạy loạn rối bời của quân dân miền nam nên bị ám ảnh chăng?.
Anh hồi hộp lật trang.
"Uống xong ly sữa tươi do cô tiếp viên đưa tới, mình đã ổn. Lại muốn viết nữa. Biết sao được?. Đây là độc thoại. Một sự cần thiết đối với tất cả mọi người nhất là với mình. Mình phải viết, phải nói. Điều này khiến mình cảm thấy con trai ở rất gần. Mình không bao giờ muốn dùng từ “chết” với con.. Mọi người thuyết phục để mình hiểu ra rằng con trai đã bỏ mạng trên đường di tản. Phải chấp nhận sự thật. Phải sống cho chính mình, đừng ảo tưởng nữa!.
Nếu con trai và em gái không mất tất đã về tới Sài-Gòn chứ còn đi đâu nữa?. Người ta bàn bạc có lý quá! Nhưng tôi xin mọi người hãy cho tôi được tưởng tượng. Tôi không chịu được nếu nghĩ rằng mình không bao giờ tìm được người thân. Ngày nào còn hơi thở ngày đó tôi còn gọi tên con tôi, tên em tôi!. Đối với tôi những người đó chưa bao giờ chết!.
Mấy người không biết đó thôi, có lần tôi đã hôn đất cát ở những đoạn đường tôi nghe nói đoàn người di tản năm 75 từng đi qua. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự mong ước khát khao được ôm lấy một phần xương thịt của người thân trong đó có con trai mình. Tôi vẫn tỉnh táo!.
Nhưng các người ơi! Tôi còn gì nữa đâu?. Lẽ nào tôi không được quyền ảo tưởng mơ ước?. Lẽ nào tôi không được dối lòng mình nếu điều đó làm tôi đắm chìm trong cảm giác được gần gũi yêu thương con trai dù tất cả chỉ còn là ký ức?. Lẽ nào khi mọi người đang học cách duy trì trí nhớ thì tôi phải học cách quên đi?.
Mỗi lần về lại nơi ghi dấu những kỷ niệm một thuở yêu đương, mình gọi thầm tên chồng con không biết bao lần. Mình nhớ lại buổi chiều cuối cùng bên con trai. Hai mẹ con bơ vơ giữa đất trời thênh thang. Thỉnh thoảng nghe tiếng gió lướt qua rừng thông, lại giật mình ngỡ tiếng Vũ gọi từ một cõi rất xa. Mình bế con đi giữa đồi hoang. Gió ngược nên tà áo bay tím cả khung chiều. Lá thông man mác rơi. Con dốc nằm đó, chênh vênh trăn trở giữa núi đồi heo hút như đợi bước chân ai?. Màu tím bay trên lối gió. Màu tím miên man trong nắng hanh hao đến cuối chân đồi. Mình để con xuống hôn lên đôi mắt thơ ngây, nhìn sâu vào đôi mắt ấy, muốn chia sẻ bao điều nhưng con còn bé quá . Cuối cùng mình ôm mặt khóc khi đành phải chấp nhận sự thật là Vũ sẽ không bao giờ còn có thể cùng đi với hai mẹ con nữa!
Ánh nhìn của con trai chiều hôm ấy sao trong veo ngơ ngác như búp non vừa hé đón ánh đương? Thương quá là thương. Cứ nghĩ ngày mai sẽ xa con. Rồi đây con sẽ nhớ lắm, sẽ khóc nhiều. Mình lại khóc rưng rức. Ánh mắt con trai bỗng dưng tối lại, ngân ngấn lệ, cuối cùng con cũng mếu máo ôm chầm lấy mình."
Hiền thở hắt ra như để vơi đi những gì đang trĩu nặng lồng ngực, mắt rưng rưng lệ. Sao giống khung cảnh trong mơ của mình vậy?. Núi đồi và hồ Than Thở là cảnh trong nam chứ không phải ngoài bắc. Đúng Đàlạt rồi!. Từ nãy giờ, đọc những dòng viết này, cảm xúc thường chỉ có trong mơ cứ dạt dào ùa về mặc cho Hiền còn tỉnh táo. Hình ảnh bắt đầu lung linh.
Hiền như thấy lại mình bé bỏng chấp chới chạy theo vạt áo, phía trước một triền dốc nhạt nhòa chập chờn cùng với cảm giác chơi vơi được ai bế bồng. Khuôn mặt ai đó lờ mờ, thật dấu yêu trong mơ nhưng mỗi khi thức giấc chỉ để lại những ẩn ức trong lòng mình?. Khuôn mặt ấy là nỗi nhớ, là nỗi buồn không tên?.
Hiền cúi xuống hối hả đọc tiếp.
Đời mình ứng với cái tên Lệ Hà . Mình trách bố mẹ sao đặt tên con buồn thế?. Lệ tuôn nhiều không bao giờ cạn. Bố mẹ nói Lệ Hà đâu phải dòng sông nước mắt, đó là một tên đẹp theo nghĩa Hán Việt.
Riêng mình, cuộc đời đã đổ quá nhiều nước mắt, khóc chồng, khóc con. Nước mắt đầy vơi qua năm tháng mỏi mòn chờ đợi. Nước mắt kìm nén không tuôn ra ngoài nên đã chảy ngược vào trong, lênh láng cõi lòng. Vũ đã từng nói tên hai đứa là định mệnh. Nên món quà cầu hôn của anh là một sợi dây chuyền với trái tim gỗ có khắc chữ đầu tên hai đứa. V và H lồng vào nhau, quấn quýt lấy nhau.
Anh bảo sông không có mưa thì sông sẽ cạn. Mình hỏi anh ấy lấy đâu ra một món quà lạ đến thế?. Anh bảo rằng mới ra trường còn nghèo chả có gì đáng giá tặng mình. Nhân một lần giải phẩu cho một bệnh nhân thành công không để lại di chứng, người ấy đã tặng một khúc gỗ quý để tỏ lòng biết ơn. Anh để đó không biết làm gì. Một người bạn thân có năng khiêu khắc chạm nghĩ ra cách đẽo thành một chiếc hộp gỗ, trong đó chứa hai sợi dây chuyền y hệt nhau lủng lẳng trái tim gỗ có khắc chữ V và H để tỏ lòng ngưỡng mộ tình yêu bền chặt kéo dài suốt năm năm trời của hai đứa."
Lúc này người Hiền run lẩy bẩy, mồ hôi hột lăn bên thái dương.
Anh cố gắng lấy lại bình tĩnh để đọc cho hết, lòng thầm nhủ thế gian sự trùng khớp cũng lẽ thường.
Anh cúi xuống dán mắt vào trang giấy
" Trái tim làm bằng gỗ xá xị thoang thoảng mùi hương ngọt ngào. Trong cái ngày đau đớn ấy trước khi tắt thở anh đã thều thào nói lên ước vọng để lại sợi dây chuyền cho con trai.
Không có anh là mưa bù lại sẽ có con là nắng. Nắng làm nước sông bốc hơi rồi mưa từ nguồn lại ào ạt đổ về sông.
Thế nhưng Nắng của chúng ta, bé Minh Dương lại vượt khỏi tầm tay em. Giờ em như dòng sông chết. Dòng sông đã cạn khô vì đợi chờ. Em chỉ còn lại mùi hương từ kỷ vật của chúng ta. Trái tim gỗ thơm mùi nhớ. Mùi hương vượt thời gian đi qua năm tháng giúp em lặng lẽ làm những cuộc hành trình ngược tuyến về lại quá khứ. Nhờ nó, những gì đã mất vẫn như hiện hữu, người đi xa nhưng sao rất gần?. Đôi khi em tự hỏi “Có thật mùi hương còn đó không hay chỉ là ảo giác?”
Hiền lôi trái tim gỗ ra khỏi áo ngắm nghía. Một loạt câu hỏi nảy ra trong đầu: “ Văn Hiền hay Vũ Hà?”.
Anh ngồi thừ ra nhắm nghiền mắt lại. Đầu óc sắp xếp kiểm lại những cảm giác khi cuộn mình trong chăn giữa đêm thâu. Mùi hương xá xị lặng lẽ toát ra dìu dịu ngọt ngào ấp ủ yêu thương khiến không thể cầm lòng được phải cúi xuống hôn thắm thiết mặt trái tim gỗ. Nhiều khi bật khóc mà không hiểu sao mình lại khóc?.
Đối với Hiền trái tim gỗ không chỉ đơn giản là món quà thôi nôi, trái tim gỗ gợi lên cho anh rất nhiều cảm xúc, chất chứa bao điều bí ẩn. Nó mang mùi hương vào trong cả những không gian xa lạ của giấc mơ. Những lúc ấy nó làm anh thảng thốt. Ba má cũng đã giải thích về “ Sự tích” của trái tim gỗ rất rõ ràng nhưng anh vẫn ngờ ngợ như có điều gì đó vô hình đang quẩn quanh. Càng lạ lùng khi sự nghi ngờ cứ lớn dần theo từng trang viết trong cuốn sổ này.
"_Từ ngày mình xây tổ ấm mới, người thân thuộc quen biết ai cũng ngăn không cho mình đeo trái tim gỗ nữa. Mình phải cất nó vào trong chiếc hộp gỗ. Dù không đeo bên người nhưng hương của nó vẫn thoang thoảng trong những giấc mơ như một thứ hương thầm thoang thoảng mà lại không bao giờ nhạt phai. Cũng như lúc này đây trên chuyến bay trở về quá khứ, khi nghe thông báo máy bay sắp hạ cánh mình lại đang nghe mùi hương của nó càng lúc càng ngọt ngào nồng nàn hơn đánh bạt mọi mùi mỹ phẩm linh tinh lang tang tỏa ra từ các túi hành lý và trên người của hành khách, mặc dù mình chưa đeo nó vào người, mình còn ủ nó trong hộp gỗ.
Tim ơi! Mẹ đang về với con đây. Mẹ muốn hôn lên phần đất nơi có một phần xương thịt của dì và con, nhưng mẹ không biết chính xác đó là đâu? Tim của mẹ nằm lại nơi đâu?Tim ơi! Tim ơi! Tim là tình yêu của bố mẹ. Tim, cái tên không thể nào quên được, cái tên gợi lại khoảnh khắc khi tình yêu lên ngôi, khi hai trái tim rạo rực cùng một nhịp. .Tim yêu quý, hơi thở lẽ sống của bố mẹ, con có nghe gì không?. Hãy lên tiếng đi con!.
Anh ơi! hãy giúp em tìm con chúng mình đi anh!"
Những từ “Tim ơi!” “ Tim ơi!” nhỏ bé trên trang giấy nhưng lại có âm vang thống thiết, lập tức đập vào mắt Hiền. Như một nguồn lực vô hình đẩy bật những gì ẩn ức tắc nghẽn khiến các mạch như được khai thông, anh đứng bật dậy, nhìn quanh quất ngỡ ngàng như một người vừa tỉnh sau cơn mê.
Cánh cửa bật mở.
Một nhân viên an ninh bước vào chìa hộp gỗ đã được bật tung giải bày:_ Đại úy Hiền về phạt chó nghiệp vụ của mình đi nhé!. Nó đánh hơi lần này trật lất. Khám xét kỹ rồi, vẫn chả có gì cả! Giờ bên anh lo khắc phục hậu quả chứ tụi em không chịu trách nhiệm đâu nhé!.
Hiền không trả lời,trố mắt nhìn sợi dây chuyền trong hộp gỗ. Nó giống sợi dây Hiền đang đeo như một cặp sinh đôi. Hiền chộp lấy chiếc hộp gỗ phóng ra ngoài chỉ kịp quay đầu nói vọng lại:_Được rồi chính tôi sẽ chịu trách nhiệm về sự lầm lẫn này!
(Còn tiếp)