Lụt Huế - Hàng Bè
Hàng Bè 09.11.2016 07:10:19 (permalink)

LỤT HUẾ



Cả gia đình mười bốn người ngồi rút chân lên cái phản gỗ kê giữa nhà, ngay cửa chính đi thẳng vào. Cái tấm phản bằng gỗ gụ vững chắc bóng loáng, ngày còn bé đối với tôi rộng thênh thang, vốn là nơi Mệ Nội hay ngồi nhai trầu, tay cầm cây quạt phe phe, phẩy phẩy khi trời nóng, và xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau, miệng hít hà “ui chao lạnh quá” bên cạnh chiếc lồng ấp khi mùa đông giá lạnh trở về. 
Nước sông Hương mỗi ngày một dâng cao. Mới tuần trước đây, nước còn ve vãn hàng cây, bụi cỏ ven bờ. Không lâu, nước tràn ngập trên mặt cỏ, rồi thừa thắng xông lên, từ từ tiến vào phủ mặt đường chính nối từ cầu Gia Hội tới cầu Đông Ba. Chậm rãi bò dần dần, tôi thấy nước giống như sinh vật biết bò, hấp dẫn quá! Mãi mê theo dõi, quan sát, rõ ràng mực nước đã lên, lên cao dần trên từng bậc tam cấp trước nhà tôi mỗi ngày. Buổi chiều đi học về, tôi liệng nhanh cái cặp vào tủ, xắn quần thiệt cao, ngồi trên hàng hiên coi nước lụt tràn vô. Lòng vui như hội, không cần đo bằng thước, nhưng chỉ bằng đôi mắt "sành sõi" về lụt, tôi biết mỗi ngày nước đã lên cao bao nhiêu. 
… Mấy hôm đầu, khi nước sông Hương vượt qua ranh giới ven bờ sông, tiến vô con đường tráng nhựa của thành phố, là bọn con nít chúng tôi bắt đầu ngồi reo hò hí hửng mỗi khi có xe cộ chạy ngang qua. Nước tóe ra, rẻ làm hai mảng như cánh quạt khi những chiếc xe đạp lướt chầm chậm trên đường. Thỉnh thoảng có vài xe đạp hối hả chạy nhanh, thiệt là cả một màn hoạt cảnh hấp dẫn, nước tung toé văng tứ phía thật vui mắt. Tôi cùng với thằng Tú, bạn thân hàng xóm, học cùng lớp, ngồi la hét, vỗ tay tưng bừng. Rồi như nhờ thêm sức hút mạnh mẽ của ánh trăng khi đêm về, sáng sớm hôm sau, giòng nước Hương Giang mở màn "tổng tấn công", nghĩa là …ập thẳng một lèo vô trong nhà chúng tôi. Nước tràn ngập phòng trong của ba mẹ, phòng ngoài có giường ngủ của mệ nội, phòng lớn có tấm phản, rồi tới cái divan, bàn ăn, kệ, tủ ... Nước tràn đầy sân trước, sân sau. Nhìn tứ phía toàn là nước bao la. Cả nhà chúng tôi, vô phương chạy trốn, đành phải, đàn bà, con nít, cả nhà xúm xít ngồi rút chân lên tấm phản, leo lên mấy cái bàn cao, mấy thùng hàng lớn, mấy bao hàng nhỏ của mẹ để tránh nước lụt. 
Bên ngoài, ở cửa sân sau, cây khế sum sê mọi ngày, giờ đây hoa lá rơi rụng tơi tả. Hoa khế màu tím nhạt phủ đầy mặt nước, trôi bập bềnh như một tấm thảm nhung kỳ diệu. Tôi ngồi trong nhà, bó chân, bó cẳng, mà đôi mắt thì như thả lỏng chơi vơi theo tấm thảm hoa khế bồng bềnh trên mặt nước … chu du tận đâu đâu! Tiếc ghê, với bấy nhiêu hoa khế rơi rụng đầy trên mặt nước, phải chi nếu là ngày thường nắng ráo, chị em chúng tôi đã có thể hái gom lại để nấu chè hoa khế. Chè càng bán được biết bao nhiêu chén,càng kiếm thêm lời bấy nhiêu! 
đảNhớ lại... những buổi trưa hè, dưới gốc khế, với tầng cây rợp bóng mát, chị em chúng tôi cùng dì Dung mở quán chè, chơi trò buôn bán. Chén chè khế, ôi ngọt ngào làm sao! Một chén nhựa nhỏ xiú đầy nước trong, múc thêm một muỗng hoa khế hồng hồng tím tím, thật là hấp dẫn. Tay bưng chén chè trao cho khách, đon đả mời chào: 
- Mời bác... mời chị... thời chè 
Ôi chao ơi là vui ! 
Khách hàng thường là các bạn hàng xóm chị em chúng tôi; chị em thằng Tú ở cạnh bên phải nhà tôi, hoặc chị em con Tiên, con Cúc, hàng xóm bên trái...đám ni là khách hàng trung thành của quán nhưng đặc biệt có một cái tật hay nài nỉ xin thêm: 
- Múc thêm một chút đi chị 
- Bán rẻ rẻ một chút lấy lòng khách...lần sau tui còn trở lại. 
Cứ nghe họ òn ĩ, là cô em thứ hai của tôi với bản tính hiền lành dễ dãi càng vui vẽ múc thêm cho khách! Thế là khách được vui lòng và em tôi thì được tiếng khen có "tay buôn bán".
Cô em thứ ba thì mang bệnh suyễn kinh niên, suốt ngày đóng đô trên chiếc divan bóng láng, kế bên cạnh cửa sỗ trông ra sân sau, nơi có cây khế già là bản doanh của quán chè. Em tôi không khoẻ, thường Mạ và Mệ Nội ít cho ra ngoài, sợ bị "gió máy"... nên chỉ ngồi thở khò khè nhìn các chị em khác chơi đùa cho đỡ buồn.

Nghĩ lại, không biết nên vui hay nên buồn vào những ngày Huế bị lụt lội? Cả thành phố ngập dưới làn nước kiểu như ri đây, có mấy ai mà vui cho được. Trước nhất, mọi sinh hoạt đời sống đình trệ, không chợ, không đò. Nghề buôn bán, làm ăn kiểu như ba mẹ tôi thì hầu hết hàng hóa đều bị lèm nhèm, ướt nhẹp, phần thua lỗ như nắm chắc trong tay rồi! Mệ Nội buồn hiu, ba mẹ còn hiu hắt hơn. Chỉ có đám con nít chúng tôi vô tư chạy nhảy, sung sướng. Vì trường học phải đóng cửa, khỏi học bài, khỏi làm bài, khỏi áo tơi, khỏi nón, khỏi đi học trong lạnh lẽo! 

Phía trước nhà tôi có mấy cây bồ hòn, trái rớt xuống tròn quay, nhẳn thín. Người ta thường nói "khi thương thì trái ấu cũng tròn, khi ghét, bồ hòn cũng méo". Những ngày lụt chưa tới, ngồi trong nhà thấy trái bồ hòn rơi rụng tơi bời theo mưa, theo gió, từng đợt rớt xuống ào ào, tôi sung sướng vội vàng xắn quần lên cao, chạy ra lượm mớ bồ hòn đầy hai cái túi áo, đem vô nhà chia lại cho mấy em chơi đánh bi.
Tôi tuy là con gái, lớn nhất trong nhà mà lại nghịch ngợm nhất. Tôi thích làm ná bắn bồ hòn, cùng với cậu Út, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, chơi đánh giặc với hai anh em thằng Tú, bạn hàng xóm. Cậu Út tôi thua trận, sơ ý, bị tụi hắn bắn cho u đầu, ngồi khóc hu hu. Hai cậu cháu bàn nhau, tính kế trả thù hoài mà không thực hiện được. Tụi hắn thấy cậu tui khóc hu hu nên sợ quá, trốn biệt luôn, cho tới ngày nước lụt rút dần đi mới thấy anh em Tú ló đầu ra, cười tủm tỉm. Phần cậu Út tui vốn tính khí hiền lành, rồi cũng quên phéng luôn việc trả thù, lại cười vui giao tình hớn hở, chơi thân lại với tụi hắn.

Khi nước sông Hương bắt đầu rút xuống thềm cửa thì mọi người bắt đầu lau dọn. Rác thôi là rác, đủ thứ rác! Đủ thứ côn trùng lạ bò lằng ngoằng, eo ôi, khiếp quá. Cặp giò vẫn phải rút lên thiệt cao trên tấm phản để trốn. Lại còn nạn bùn lầy nữa! Cũng cần phải trốn để bước chân khỏi lội bùn mà đi! May mắn là gia đình tôi, vì ba mẹ buôn bán, hàng hóa nhiều nên trong nhà cũng có vài anh thanh niên giúp việc dọn nhà. Qua vài ngày thì dọn dẹp tạm ổn, phần nhiều hàng hóa bị hư hao, thiệt hại. Ba mẹ tôi buồn lắm, buồn dai dẵng… Rốt cuộc, chỉ có bầy con trẻ chúng tôi là hò reo chiến thắng khi nước lụt rút ra khỏi thềm nhà. Nay hồi tưởng, mới thấy rằng thời trẻ dại, cuộc sống vô tư, hạnh phúc, chẳng có chuyện chi làm vướng bận, băn khoăn trong tâm trí cả. 

Sau khi nước rút ra khỏi thềm, tôi nhìn thấy một hồ xà bông nổi bọt trắng xoá trước mặt nhà. Ngày đó, nhỏ dại chỉ biết ghi nhận hình ảnh vào ký ức mà không thể biết cách nào để so sánh với cái đẹp của hồ xà bong trắng do thiên nhiên tạo ra. Ngày nay, coi phim ảnh ngoại quốc thấy những bồn tắm sủi bọt xà bông trắng xoá, tôi mới chợt liên tưởng đến cái hồ xà bông đẹp tương tự mà mình đã từng được ngắm nghía trong những ngày lụt lội còn tiềm ẩn trong ký ức.

Hồi đó, những người thân quen trong gia đình cứ gọi trái bồ hòn là hột xà bông. Tôi đã thấy chị Nuôi, chị Sắt - mà Mệ Nội đã dắt theo từ làng quê cùng vô Huế - luôn luôn ngâm cả đống trái bồ hòn trong nước để làm xà bông giặt. Sau khi giặt đồ xong thì thấy quả là quần áo được trắng tinh. Tôi và con nhỏ Vân, vào những mùa nước lụt rút đi, cũng hay bóc trái bồ hòn để làm xà bông giặt khăn. Vừa ngồi chà xát tới lui cho tới khi cái khăn sủi ra cả đống bọt, vừa vui đùa ỏm tỏi với nhau. 
Rời xa Huế, tôi không còn có dịp thấy lại cây bồ hòn ở một thành phố nào khác. Nhưng mỗi lần có dịp nhìn thấy những bồn tắm sủi bọt, tôi lại nhớ tới mấy cây bồ hòn trước mặt nhà tôi, bên cạnh bờ sông Hương, muôn đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu, ngay cả trong những ngày lụt lội thê lương. 

Thú vui khác của tuổi thơ tôi trong mùa bảo lụt là "những ngày sau lụt". 
Khi nước rút xuống trở lại mấp mí bờ sông là tất cả thanh niên trai tráng kéo nhau "đi đoọc tôm". Vì khi nước rút, tôm cá bị lùa theo, chúng cố trốn lại trong mấy bụi cỏ ven bờ. Tôi không hiểu vì sao người ta không nói“đi bắt tôm”, “đi câu tôm” hay “mò tôm” mà lại gọi là "đi đoọc tôm"? Vui lắm! Vào độ 8, 9 giờ tối, sau khi ăn cơm xong, nhà này qua nhà khác, mấy thanh niên trai trẻ trong xóm, kêu réo nhau om sòm, mỗi người một cái túi, một đống que tre dài thòng thòng, vót nhọn như cây giáo, cùng nhau lội xuống sông. Thường thường chỉ có đàn ông con trai tham dự, lâu lâu cũng có vài thím, vài dì thích tôm cá tươi cũng cùng đi theo. Con nít tuyệt nhiên không có nhiều. 
Ở xứ Huế mình, người ta hay sợ "ma rà" kéo cẳng ban đêm lắm. Cả đoàn kéo nhau ra lội xuống sông, nguời cầm đuốc, kẻ phóng mấy cây tre nhọn vô các bụi cỏ tìm tôm. Tiếng reo hò rộn ràng vang dọc bờ sông. Sau mấy tiếng đồng hồ, cùng nhau ca khúc khải hoàn đem về một mớ tôm tươi nhảy tưng tưng. Có khi còn được vài con cá nữa. Thiệt đúng là "sau cơn bỉ cực tới hồi thái lai". Ngày hôm sau cả nhà ăn tôm rim, cá nướng thôi thì đã quá, cho bỏ những ngày cơ cực, ăn cơm chan nước mắm vì cái thành phố "chết do lụt" này, đã rất nhiều ngày không chợ, không búa. Không có tiếng rao hàng lanh lảnh ban đêm "trứng vịt lộn đây" để Mệ Nội ăn hằng đêm cho bổ dưỡng, như lời mẹ nói. Không có gánh bún bò giò heo, bánh canh Nam Phổ, bánh bột lọc, chè đậu ván, để ăn hàng ... Chỉ lâu lâu, có chú bán bánh mì lượn qua, với những ổ bánh mì nóng hổi dấu kín trong cái bao bố. Mẹ nghe rao, kêu vô, mua phân phát cho mỗi đứa một ổ, ăn dòn rụm. Ôi, hạnh phúc tuyệt vời!! 
Vậy đó mà mấy ngày lụt to, nước ngập bao la, đến nỗi chú bán "bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây" cũng biến đâu mất tiêu! 
Đó là chưa kịp kể, những ngày lụt lội buồn hiu hắt, có hôm còn ăn cơm chan với nước chè xanh nữa. Không biết cái món này do ai bày đặt ra mà suốt mấy ngày "trời hành cơn lụt mỗi năm", ăn cơm chan với nước chè xanh cũng thấy ngon và thơm chi lạ! 
Sau này kể lại cho mấy đứa bạn ở Huế, té ra tụi hắn đứa mô cũng có chan nước chè xanh vô cơm ăn trong mùa lụt lội cả. Hỏi có ngon không? Đứa mô cũng gật gật đầu, cười toe toét. 
Lúc lớn lên, nhiều khi ngồi nhắc chuyện đời xưa nghe chơi, tôi thắc mắc không biết cái món cơm chan nước chè xanh ni có phải từ bên Nhật, họ đem qua cho xứ mình vào cái thời mà quân đội Thiên hoàng qua đóng quân nước mình đó không?Lớn lên thêm, già hơn, chơi với đám bạn bè Nhật Bổn, nói tới cái gì cũng có "green tea". Món nào ngon, hấp dẫn cũng có green tea. Nào ga tô, bánh ngọt, nào cà lem, trà sữa. Vô mấy tiệm ăn Tây sang trọng, thỉnh thoảng trong tờ thực đơn cũng thấy lạc vào đôi món có dính hai chữ green tea hoặc thé vert ... 
Chị bạn thân tôi có một nhà hàng nhỏ xíu, cũng có máu "thời thượng", chẳng ngại đặt tên luôn cho hai món ăn đặc biệt của nhà hàng là green tea. Biết được, mấy cô mấy cậu khách hàng Nhật Bổn choai choai, chí cha chí chóe, xi xô xi xa kéo nhau vô nhà hàng nhỏ xíu ăn cơm Việt có trà xanh. Ăn xong, đi ra, cười híp mắt, như cảm thấy hạnh phúc đầy mình!! 

Trên đây là những kỷ niệm khó quên của thời gian lụt lội ở Huế trong đời tôi. Cái thuở thơ ngây, ngơ ngáo, sống vô tư, tuyệt vời! Lớn hơn thêm bốn năm tuổi, tới mùa mưa lũ lụt, bạn bè rũ nhau đi theo mấy anh, mấy chị trường Quốc Học - Đồng Khánh, xăn quần kaki, xắn quần xa xị lên, vén áo dài vải phin trắng nỏn, trùm áo len hiệu đủ màu, áo tơi đủ kiểu, cùng nhau đi lội nước lụt bên Đập Đá, VỹDạ. Ôi thôi, tụi tôi đua nhau lội tới lội lui, lội qua lội về, lội ngược lội xuôi ... chỉ để được thỏa mãn tò mò, coi mấy anh mấy chị lớn "nghễ nhau" thấy thiệt là hấp dẫn, vui lắm. Vì thuở đó, tụi tui cũng đã … gần hết ngây thơ rồi. Và chuyện đời mình thì lại bắt đầu trải dài ra … dài ra mãi … 

Đến khi lớn chững chạc, xa Huế thiệt rồi, ngàn vạn nhớ thương, ngàn trùng xa cách, nhìn lại đằng sau mới hiểu thấu hết cái khổ đau của dân tình mình sống trên giải đất khô cằn, ốm o, tội nghiệp. 
Hè tới: Ruộng cháy đồng khô, đất cày lên sỏi đá 
Mưa sang: Trời rằng Trời hành cơn lụt mỗi năm.
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. 

Tội nghiệp cho quê hương Việt Nam tôi, tội nghiệp cho dân tình miền Trung mình, cực khổ quá, hỉ!
Làm được chi đây??  

Hàng Bè 
10 / 2016
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.11.2016 07:19:34 bởi Hàng Bè >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9