Đam Mê Không hiểu người mang giòng máu đam mê được hưởng những gì nơi thú đam mê của họ, chứ ngữ tôi may mắn có được sự lầm lỡ nơi thú đam mê câu cá nên đã phải trần thân chịu nhiều điều khổ nhục. Nói như vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hãy còn may bởi cuộc đời không ưu đãi tôi về phương diện tài chánh do đó cũng đỡ tốn phí, vì có đâu mà tốn hoặc phí. Dĩ nhiên, rờ mòn cả vải, lục rách toang mấy chiếc túi vẫn không thấy tiền sao tôi có thể xài hoang hay tiêu bậy. Thế nên nhiều khi có lẽ cố tự an ủi, tôi cảm thấy lòng phần nào dâng niềm cảm hứng lâng lâng nhờ hơi hướng thân phận ít may mắn nơi một trong ba quyền lực hấp dẫn lòng người để cho rằng mình thuộc loại tốt lành. Thật tình tôi thuộc loại tốt lành như đã tự nghiệm nếu có tiền dư bạc đống nơi trường hợp được đời ưu đãi về phương diện tiền bạc chăng, điều này tôi không dám nghĩ tới nếu không muốn nói là cố tránh ngay nơi khung trời tưởng tượng. Tôi rất thực tế bởi vậy không thích bánh vẽ, dẫu chỉ được vẽ nơi tâm trí. Thử hỏi ai đã không ít là một lần cảm thấy hồ hởi về một chương trình hay mưu đồ nào đó giàn trận nơi ý nghĩ được mường tưởng đem lại thành quả như lòng hằng mong ước? Và thế rồi kết quả của những chiếc bánh vẽ này ra sao? Có người may mắn trở thành anh hùng, tay không tạo dựng cơ đồ. nhưng lại thiếu chi kẻ đổ nợ. Lẽ đương nhiên có rờ phải lửa mới biết lửa nóng, tôi đã ngu ngơ trở thành nạn nhân của mối tham vọng mường tưởng nên “Chưa thấy quan tài cũng đành chấp nhận nhỏ lệ” biến lòng mình thành chân lim móng đá tạm gọi bằng hai tiếng “thực tế.” tránh đeo đuổi những hình bóng mang quyền lực vạn năng hấp dẫn dù chỉ nơi ý nghĩ.
Số là thấy vài người quen có tàu đánh tôm, câu cá, thăm hỏi nhau về nghề nghiệp làm ăn nhắc đến những món tiền khổng lồ, nào vài chục ngàn sau một tháng lênh đênh đã là ít, hoặc trăm ngàn hơn hãy còn chưa ăn thua gì khiến lòng dạ tôi xốn xang. Tôi tự nghĩ, mình có bằng kỹ sư dầu hỏa, sau những năm tháng lê mòn ghế nhà trường, đến khi đi làm thì lương cả năm không bằng một chuyến hốt bạc của dân “Đâm hà bá.” Ấy, cái tham vọng mường tưởng mang quyền lực vạn năng mạnh mẽ làm sao. Cả mấy tháng trời, lòng dạ tôi ngập đầy hình ảnh của những xấp bạc ngay ngắn sau mỗi chuyến tàu vật lộn với biển giã đánh tôm bắt cá. Chưa hết, cũng từ nguồn tưởng tượng đó, tâm trí tôi vẽ ra một chân trời mới nơi viễn ảnh tương lai, thênh thang, tràn đầy thơ mộng. nào một căn nhà xinh xinh nhưng đồ sộ, quí phái, nằm giữa một miếng đất không cần chi lớn lắm, chỉ độ chừng bốn chục mẫu, có giòng suối quanh co róc rách đổ về chiếc ao từng đàn cá xôn xao bơi lội. Trồi lên khỏi mặt cỏ xanh tươi được cắt xén phẳng phiu, những thân cây sồi cổ kính lác đác đây đó vươn tàn che mát dăm bộ bàn ghế chờ đợi khách khứa thưởng lãm nét tĩnh mịch, thanh đạm hòa nhập cảnh thiên nhiên. Và nào những bữa cá nướng vừa câu lên khỏi hồ. nào mấy luống rau thơm, hành, ớt cung cấp gia vị làm tăng thêm sự khoái khẩu khi chiêu ngụm rượu lóng lánh màu cánh gián. Và nếu may mắn kiếm được miếng đất nằm ngay bên cạnh bờ sông tàu có thể vô được thì thật tuyệt vời. Chẳng những thế, cả mớ dự tính kèm theo như máy cày vừa cắt cỏ vừa làm vườn, hòn non bộ đứng cạnh bụi tre vươn cao gợi về hình ảnh cảnh cũ làng xưa, chiếc cầu chênh vênh bắc ngang giòng suối ươm tràn thơ mộng gợi lại những kỷ niệm ngày nào vợ chồng tôi mới quen nhau. Muôn ngàn hình ảnh tràn đầy quyến rũ liên miên ẩn hiện tạo thành chuỗi ước mơ hầu như hiện thực cuốn hút tâm trí tôi từng giây từng phút, dù ngay trong những giấc mộng cũng như tại văn phòng làm việc. Chúng biến công việc tính toán nơi nghề nghiệp trở thành nặng nề, chán ngán; ngược lại chúng thao diễn tạo nguồn năng lực thúc đẩy tôi bàn tính, thuyết phục bà xã. Và tôi đã dấn thân trên con tàu chập chững xông pha theo ước mộng làm giàu hy vọng biến niềm mơ thành sự thật. Và sự thật đã xảy ra! Chỉ một năm sau, con tàu tiếp tục lênh đênh theo ước mộng của người khác. Còn tôi, cháy tay do ngọn lửa mường tưởng thấy đỏ tưởng chín. tạo thành tâm tư đành chấp nhận ngồi văn phòng trước giàn máy, “cày” trả nợ.
Dẫu thế, tật chết vẫn không chừa, tôi vẫn đam mê với thú quanh quẩn những vùng sông nước; tôi mê câu cá. Ai đã từng trải qua mới có thể cảm nhận thực sự ngẫu hứng được diễn đạt qua câu lục bát, “Sướng nhất gặp cặp ngang trâu, thứ nhì con cá cắn câu cong cần.” Nghe kể, ngày xưa quí cụ có thú chọi trâu, khi nào có được hai con trâu chọi ngang sức thì diễn biến gay go khiến người coi thích chí. nhưng mặc dầu thế thú coi chọi trâu vẫn thua ngẫu hứng khi có cá lớn cắn câu. Tôi mê câu cá từ ngày còn nhỏ, mới bảy, tám tuổi đã biết chăm chỉ học tóm lưỡi câu, cuốc đất bắt giun làm mồi, và lẽo đẽo theo chúng bạn nay giòng suối này, mai hũng nước khác, chăm chăm chú chú theo dõi làn giây. trong những buổi chiều sau khi tan học nhiều lần không dám ăn trưa bởi e mẹ sai bảo điều gì. có thể lỡ cơ hội. Mặc dầu tôi thích câu cá nhưng cá chẳng bao giờ thích tôi. Cuộc đời thường lắm nỗi éo le; những gì làm mình mê say cũng thường lại là cội nguồn tạo cho mình lắm nỗi chua cay. Sau này có thày tướng số phán rằng tôi mang mạng hỏa tối kỵ với họ hàng con cái hà bá nên không sát cá. Có lẽ chính vì không sát cá, tôi để tâm theo dõi tính chất loài thủy tộc hầu thỏa mãn thú đam mê của mình. Nghe lóm đâu đó, có người nói mặc áo trắng cá dễ nhìn thấy bóng nên tránh xa. nhưng đối với tôi, dù mặc áo đen, cá vẫn cứ tránh. Tuy nhiên, thất bại là thày dạy tuyệt vời nhất đối với những người mang đầy mình tính chất đam mê. Tôi đã nghiệm được một số đặc tính của loài thở bằng mang. Ai lỡ không có duyên câu cá lại tốt lành không biết thú đam mê làm ơn nhớ kỹ vài ngón trước khi cùng vui bạn bè tạm đưa bước chân thử thời vận. Trước hết, cá ăn mồi theo giờ con nước và lệ thuộc chiều gió. Đứng nơi bờ cuối gió vừa khó quăng câu vừa tốn bia, tốn mồi. Cổ nhân để lại câu nói, “Tôm nha nhá, cá hừng đông” chỉ có thể áp dụng được tại vùng nào đó nơi Việt Nam chẳng khác gì sự xác thực của câu, “Bao giờ sấm trước có mưa.” Hơn nữa, ai đã từng câu sẽ nghiệm chứng tận mắt, vào thời điểm cá không cắn câu thì dù mồi gì chăng nữa, cá bơi đến ngửi mồi và lùng quăng bơi đi, càng cố câu càng nản. Bởi đó, phản ứng tốt nhất chỉ nên nhậu cầm chừng chờ tới thời điểm cá ăn mồi mới nên câu. Có người thích câu với phao để hưởng thú bập bềnh cảm giác khi có cá nhỏ rỉa mồi. Đa số dùng những viên chì nặng dễ quăng câu tới những nơi mình muốn. Tôi không dùng phao cũng không thích buộc chì. Câu với phao khiến mình ỷ y không để ý theo dõi sự hồi hộp với niềm vui của kẻ đứng trên bờ lừa cá bơi dưới nước. Đàng khác, những loại phao của thời văn minh cũng như những viên chì nặng khi rơi xuống mặt nước tạo tiếng động khá lớn khiến cá hoảng bơi đi nơi khác. Thêm vào đó, câu không dùng chì hoặc phao đòi hỏi dây câu mềm mại, cần nghệ thuật quăng câu và phải lựa theo chiều gió. Lẽ đương nhiên, bạn phải để tâm theo dõi sự diễn biến chuyển động của dây câu hầu có phản ứng kịp thời hưởng thú đam mê “cá cắn câu cong cần.” Bạn thử tưởng tượng, khi làn cước đang từ từ chìm, bất ngờ một sức mạnh kéo căng thì phản ứng của bạn sẽ thế nào. Nhiều lần vội vã giật để rồi ngơ ngẩn bởi con cá thổ hồn nào đó khôn hơn mình. mồi mất. và đồng thời những con cá sẩy đều là cá to. Sao thoát khỏi cảm giác tiếc nuối những bao nhiêu lần. thế nên lâu dần thành quen, tôi đành tập cho mình phản ứng lỳ lợm, cố cam tâm chịu đựng, đè nén “cái thú” phản ứng thường tình. Dĩ nhiên, cá lớn gặp mồi, đớp và lùng quăng bơi đi nơi khác trong khi nuốt. tất nhiên giật sớm hay muộn cũng như nhau. Ngược lại, muốn câu cá lớn, mồi cần phải to. mà người câu bao giờ không ước muốn bắt được những con cá bự kéo cong cần. Thế nhưng, nếu một con cá to lội mà những mấy người buông câu thì hầu như chỉ có những con cá nhỏ hơn lòng tưởng tượng đang chờ miếng mồi mình quăng xuống. Kể ra loài cá cũng khá khôn nhưng lại tham ăn nên dẫu gặp miếng mồi hơi lớn vẫn cứ gặm. và thế là do không kìm hãm được phản ứng bình thường. lại thêm con cá to nữa vuột mất. ăn năn thì đã muộn bởi loài họ hàng, con cháu hà bá chẳng ngu dại gì đùa giỡn với chiếc lưỡi câu nhọn hoắt chỉ lăm le móc ngập vô bất cứ gì, ngay cả mấy ngón tay nõn nà của kẻ đã tậu chúng.
Suy luận như thế, sau khi quăng câu tôi không khóa máy và nếu có thể đặt cần xuống nơi nào đó. vớ lấy ly rượu hoặc kiếm thuốc hút. Đi câu uống bia không thú vị gì mà bị hưởng thêm thú, “nhất. ngoài đồng, nhì lấy chồng quan” nhiều khi bực mình bởi cái thú này đồng thời điểm tranh giành ảnh hưởng với cái thú kia. Vào lúc cá ăn câu mà phải ngưng vì chuyện nào đó thì thà rằng câu cá bằng mồi giấy hợp tình hợp lý hơn. Đàng khác, nhâm nhi rượu thuốc giữa cảnh trời mây lộng gió bên bờ sông nước hoặc dưới bóng mát lùm cây cho lòng lâng lâng định tâm về hạ giới nơi đầu bên kia của làn dây cước mong tưởng tượng thêu dệt một viễn ảnh mập mờ với hy vọng đó là hiện thực nhưng không nghĩ rằng sự thực lại như thế, phỏng còn gì tuyệt hơn. Nói cho đúng, nếu chẳng được hưởng thú “cá cắn câu cong cần” thì chính sự định tâm lâu dần vẫn giúp mình kiến tạo nên lòng tự tại, một năng lực giúp con người chống chọi với mọi diễn biến bất thường nơi cuộc sống, nhất là loại diễn biến âm thầm, vô hình ảnh nhưng mang quyền lực vạn năng luôn luôn quấy động khiến lòng người chao đảo nơi trường hợp con người của tôi, con người hòa nhập trọn vẹn với những gì cần mang tính chất đam mê, mê câu và mê vợ. Tôi biết, cá không thích tôi mà chỉ thích mồi. Khi thấy làn dây cước bị kéo và xả dần, nhiều khi từ từ, nhẹ nhàng. chú cá nhỏ rỉa mồi. hoặc vũ bão xối xả. tôi cố kìm hãm nỗi lòng ngùn ngụt cảm ứng dẫu trong khi vội vàng vơ lấy cần câu. Tay này nhấc câu, tay kia khóa máy và cố lỳ thêm chỉ một hay hai giây nữa để dây câu vừa đủ độ căng. Vút. dẫu mồi to hơn miệng mà chú cá vẫn bướng bỉnh dành giật thì mồi có lẽ cũng đang ở cổ họng nhường khoảng trống cho lưỡi câu ghim vào mép. Tôi chỉ dám kể lại một nửa kết quả được thăng hoa. phần còn lại, cá vùng vẫy loăng quăng vướng gốc cây, bụi cỏ hay bất cứ gì dưới nước tất nhiên người câu sẽ được hưởng thú khác. Tuy nhiên, dẫu đam mê với thú câu cá để rồi phải học những bài học coi bộ ngớ ngẩn không ai cần học, cái thú đam mê khác dính liền và cắt đứt thú câu cá của tôi mới tàn bạo, gây mê, đau thương, nhưng cũng tuyệt vời làm sao. Đó là thú mê vợ.
Người đàn ông có vợ mà không biết hưởng thú mê vợ thì quả lạ lùng, lạ lùng hơn trường hợp người nơi hành tinh nào đó chẳng may bị rơi xuống trái đất này. Có lẽ bởi giống cái nơi hành tinh của họ chắc chắn mang hình dáng và tâm tính khác với phụ nữ đồng loại với chúng ta khiến họ không thể nào cảm nhận hoặc phát sinh rung cảm chẳng khác gì khi chúng ta thấy những viên đá hoặc gốc cây mục nát nhan nhản quanh mình. Tôi muốn giả sử người rơi từ hành tinh khác xuống đây phải là giống đực vì nếu không vậy, chẳng có gì để nói. Hình như các ông chồng không biết mê vợ đều mang những đặc tính khác với thế giới loài người. có lẽ họ chỉ là những cái vỏ thân xác biết đi và biết thở nhưng trong lòng rỗng tuếch nên bị phong tỏa bằng nỗi cô độc ngàn thu vời vợi, không cách nào khai phá. Và như vậy, họ không thể đam mê bất cứ gì ngoài sự gặm nhấm nỗi cô độc dằng dai cho cuộc đời tàn phai theo năm tháng. Lẽ thường và cũng là điều phải như vậy, không như vậy không được, đó là đàn ông thích đàn bà và đàn bà thích đàn ông. Thích sơ sơ phát sinh tự bản chất. Thích sâu đậm được gọi là mê. Nhiều lần suy nghĩ, tôi nhận thực được lòng đam mê “bà xã” nơi tôi đối nghịch với câu tục ngữ, “Cơm nhà, quà vợ.” Tôi không hiểu tại sao người đàn ông thường dùng ngôn từ “bà xã” để chỉ về vợ mình, nhưng đã quen thành lệ nên cứ tạm chấp nhận như thế. Cũng chính vì mê bà xã nên tôi bị hành hạ đủ chước đủ kiểu. Chẳng những thế, tôi còn phải moi tim, vắt óc suy nghĩ sao cho có được mưu thần chước quỉ hầu đủ năng lực chiến đấu với vợ mình e lỡ uổng mất thú đau thương.
Suy nghĩ về điểm này, hình ảnh vợ chồng chim sẻ lần nào đó tôi theo dõi chợt trở về nơi tâm trí. Nhìn cặp chim tí hon kêu lách chách, dễ thương. mọi người nhận biết chị chim mái bao giờ cũng có thân hình nhỉnh hơn chàng chim đực. Những khi tới mùa. đôi vợ chồng chim ấy đùa giỡn điệu gì kỳ cục. Chị mái nhảy chồm lên, đôi cánh giang rộng sấn tới, mỏ thì mổ, đôi chân tí hon đạp, đá lung tung khiến anh chàng té lăn quay rơi xuôi theo triền dốc mái nhà nhưng vẫn gượng dậy được nhờ đôi cánh bé bỏng quạt gió trong khi kêu la lách chách. Dẫu vùng lên tránh thoát nhưng nào có thể thoát, chị mái lại hùng hổ nhào tới chẳng khác gì chú diều hâu tí hon bay lượn trên trời lấy đà sà xuống táp con mồi. Và chuyện phải xảy đến, anh chồng lại bị đạp chúi xuống mái nhà. và lại lách chách kêu, lại gượng dậy, lại cố tình chạy trốn, và lại bị đạp. Bị đạp lăn tơi tả hãy còn đỡ, nhiều khi chị mái quặp ngay lấy anh chàng cho tiện bề đấm đá để rồi cả hai chiếc mỏ chí chóe kêu la và cùng lăn vòng vòng. Mấy nhà sinh vật học giải thích đây là luật tự nhiên, chú đực chỉ có thể chu toàn nhiệm vụ truyền giống với năng lực dồi dào nhất sau khi bị đấm đá tơi tả. Tất nhiên, giống đực nào không là giống đực, và giống cái nào không là giống cái dù thuộc loại nào. Thú đau thương nơi người chồng có thể nói chính là diễn trình của luật tự nhiên. Mà đã là luật tự nhiên, nó phải vậy, không vậy không được; bất cứ những gì nghịch lại luật tự nhiên, chẳng sớm thì chầy đều bị đào thải.
Luật tự nhiên đã là thế thì tôi phải bày mưu thần chước quỷ vì đam mê vợ nào có chi lạ! Có thể những đức ông chồng oai phong cho tôi là thiếu bề trượng phu bởi đã phải mưu mô tính toán phương cách hoặc thái độ đối xử với vợ con, hay những bậc mày râu nói tôi yếu kém chẳng đáng ngẩng mặt nhìn đời. tôi đành chấp nhận ngậm tăm cam chịu, không một lời ca thán, bào chữa, bởi “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận.” Tôi thậm phục Nguyễn Du nơi nhận thức, “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Nguyên tắc căn bản tôi hằng áp dụng lại là câu nói đơn giản có lần nghe bố tôi nói chuyện nơi bàn tiệc với mấy cụ quen biết “Ở đời này nào ai sợ ai nhưng nhịn đi cho êm cửa êm nhà,” khi mấy người thanh niên đang diễu diễu trong lúc rượu ngà ngà bàn về việc sợ vợ hay chiều vợ. Tôi không hiểu bố tôi biết được câu này từ đâu hoặc do chính ngài thức ngộ vì cả đời có bao giờ bố tôi được cơ hội cắp sách đến trường, chỉ có điều tâm tính ông chân thành, thật thà nhưng nóng nảy. Lắm lúc tôi định thẳng thắn và chân thành giãi bày sự thể với bà xã nhưng suy đi tính lại, tật xấu mình thời lắm, lỗi lầm lại cũng nhiều. hơn nữa không hiểu sao nhà tôi có trí nhớ tuyệt vời về những điều chẳng nên tôi đã vấp phạm, chẳng may ngứa mồm ngứa miệng châm ngòi thùng thuốc nổ thì chỉ càng khốn khổ thêm nên cứ lần lữa tìm phương, tính kế.
Cố lục lọi nơi những lời khôn ngoan cổ nhân để lại may ra vớ được chiếc phao truyền thống san sẻ ách thống khổ thân phận đối nghịch ý thích cá nhân, tôi tốn quá nhiều giờ suy tư câu nói, “Khôn nhà dại chợ.” Dù ông nào tai to mặt lớn đến đâu, anh hùng cách mấy, hoặc khôn ngoan đến bực nào cũng đành âm thầm thán phục lời khôn ngoan này. Các đấng mày râu lỡ hứng chí, lên mặt theo thói quen dương oai diệu võ ngoài xã hội nơi thái độ đối với bà xã để rồi bị chỉnh chỉ biết hiếp đáp vợ con hoặc khôn nhà dại chợ. họ chỉ còn cách chọn một trong hai phản ứng, lối thất phu, vô ý thức, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, gang mỏ xổ những lời hàng tôm hàng thịt, biến gia đình thành cảnh cá đối bằng đầu. chín người cũng như một chục, hoặc quặp râu nín nhịn vì lỡ dại, vô ý quăng tàn thuốc vào thùng pháo và kiếm cớ thực hiện diệu kế tam thập lục. Ngược lại, câu khôn ngoan này nói lên sự thực về đặc tính nữ giới ngoại trừ một số trường hợp bất thường. Truyền thống gia đình Việt Nam tuyên xưng các bà là nội tướng không khôn nhà là chi; thái độ đối nghịch với vị thế nội tướng lại chính là vẻ ôn nhu, e thẹn, nhã nhặn, khiêm cung, duyên dáng. của họ hàng nữ phái (ngoại trừ chim sẻ.) nơi công cộng. Kinh nghiệm sống nhan nhản minh chứng, các bà, các chị không bao giờ chấp nhận mình thuộc loại khôn nhà dại chợ mà chỉ âm thầm xử dụng quyền nội tướng. Tất nhiên, đối với nhận xét thô thiển này, những vị mày râu chưa hoặc không có vợ chẳng nên lên tiếng bởi nó thuộc loại nghiệm chứng, “ai có qua cầu mới hay.”
Tôi không bào chữa hoặc bênh vực hay thiên kiến về bất cứ phe nào, nam hoặc nữ. Tôi cũng không bêu riếu ai vì nhận thấy không ai bết bát hơn mình nơi đường tình trăm năm mịt mờ hạnh phúc. Quý vị hiểu sao cũng được, hạnh phúc giăng giăng mờ mịt hoặc hạnh phúc vẫn còn xa xăm mịt mờ, cả hai đều mờ mịt. Nơi lãnh vực gia đình, quý vị cảm nhận tâm tình tôi thổ lộ thế nào thì chính quý vị đang ngoi ngóp nơi trạng thái ấy, nhưng xin chớ dại hô hoán kẻo rơi vào bẫy “Lạy ông tôi ở bụi này” hoặc vô tình biến sự nhận định của mình thành “Gậy ông đập lưng ông” chắc chắn không ai có thể chen vào đỡ đòn dùm; mà kẻ nào ngứa nghề chen vào đều bị lãnh thẹo, “Phải đầu chẳng phải, phải tai.” hoặc rơi vào trường hợp “Tình ngay, lý gian.” Dĩ nhiên, cuộc đời này đâu ai thừa giờ “Ăn cơm nhà vác ngà voi” cho thiên hạ, ngoại trừ những tên ngà voi không vác, vác cả con voi để chuốc lấy thú đau thương. Vị nào lỡ dại, ráng ngậm bồ hòn làm ngọt chờ qua kiếp người. Lời chí tình tôi chỉ có thể nói được bấy nhiêu tạm gọi gá nghĩa tâm tư cùng kẻ đồng thuyền.
Tôi còn nhớ có lần nghe lỏm câu chuyện thật nhưng mang tính chất hài hước của một vị bác sĩ gây mê về vị thế của đấng trượng phu sao cho gia đình êm ấm. Vị bác sĩ có một số học trò cũng đã học xong y khoa chỉ dự thêm giờ thực tập lấy kinh nghiệm gây mê nơi phòng mổ. Hôm ấy trong khi dùng bữa trưa, có người học trò lên tiếng,
-Theo con được biết, thày đã lập gia đình những 37 năm. Qua mấy lần thăm viếng, con nhận thấy gia đình của thày khá hạnh phúc. Thày có thể chỉ cho tụi con nguyên tắc căn bản cho hạnh phúc gia đình theo kinh nghiệm hôn nhân của thày được không.
-Các anh nên nhớ, trong gia đình, người đàn ông là chủ, bởi đó chúng ta chỉ nên quyết định những chuyện lớn lao mà thôi. Những chuyện lặt vặt nên để bà xã toàn quyền xử lý cho đỡ phiền tâm tư. Nói cho đúng, sở dĩ tôi có được gia đình hạnh phúc vì qua gần bốn chục năm cưới bà ấy, tôi chưa thấy có chuyện gì lớn lao đáng cho tôi quyết định.
Có một số người quen nhỏ tuổi hơn, tài năng của họ ra sao tôi không biết vì ai dại chi soi mói vào đời tư người khác, họ cũng mang nỗi khổ tâm nhiều khi tôi được nghe chia sẻ may ra có được ý kiến nào giúp họ cải tiến thực trạng tình nghĩa vợ chồng cho khá hơn. Nghe, nêu lên nhận định, đề nghị, và theo dõi sự thể khiến tôi ngỡ ngàng. Họ quả là những đấng mày râu nhẵn nhụi. quả là người chủ gia đình. người chồng dẫu tuổi đời ba mươi mấy gần bốn chục, dăm ba đứa con mà vẫn còn quá non trẻ. Nơi một bữa nhậu bàn dân thiên hạ đang ngon trớn nâng ly, bất chợt tôi vô tình ghé qua.
-Chào anh Nhất, chị ấy đâu sao hôm nay vắng bóng?
-Lo gì anh, cái gì nó là của mình thì nó thuộc về mình. Nhất lên tiếng ra vẻ tự đắc, có lẽ mới học lóm được câu khôn ngoan này nơi đâu nên đem áp dụng để bày tỏ quan điểm bất cần.
Sao hôm nay Nhất lại có điệu bộ và lối ăn nói như thế này, bởi chợt cảm thấy thái độ của anh ta mang trọn vẹn ý nghĩa câu nói báo hiệu điềm giông bão “Cơm nhà, quà vợ,” tôi thầm nghĩ, chắc lại có chuyện gì xảy đến! Đã mấy lần anh tâm sự cùng tôi về những khó khăn nơi sự đối xử vợ chồng. Dĩ nhiên, cho dù học thức của một người khá đến đâu thì những lý thuyết kiến thức vẫn chỉ là những chiếc bánh vẽ do thiếu nghiệm chứng. Kiến thức nơi sách vở chẳng khác gì con heo hay con bò. chưa được làm thịt, phân định thành loại thực phẩm tươi để nấu những món ăn. Mà cho dù đã được sửa soạn, phân loại, người nấu bếp vẫn cần những thứ gia vị lẩm cẩm, lỉnh kỉnh pha chế, thêm bớt sao cho mỗi món ăn mang thi vị riêng của chúng. Không cần suy xét nhiều, dẫu chỉ một món thịt luộc cũng cần có nồi, cần nước, cần muối, ấy là chưa nói đến phải có dao để thái sau khi luộc. Nhất làm sở, bà xã coi cửa tiệm bán quần áo. Tôi đề nghị, thứ bẩy Nhất nên ra cửa tiệm phụ giúp công việc cho vợ hoặc ít nhất có mặt ở đó vài tiếng chứng tỏ mình lo lắng cho bà xã., ngày chủ nhật lo chở vợ và con cái đi ăn hoặc đi chơi đâu đó. Nhưng Nhất vẫn bận ngủ vì những sự hấp dẫn nơi TV, nơi internet., thế rồi nghe đâu chàng nào đó cũng có cửa tiệm cách dăm trăm thước nay bưng cơm cho chị Nhất, mai bưng bông mừng ngày sinh nhật, mốt bưng món này, ngày kia bưng quà nọ. và cũng nghe đâu đó chàng ấy muốn bưng chịï Nhất về nhà cho tiện bưng, đỡ tốn giờ đi tới đi lui. Ngày qua tháng lại, tốt dâu, dầy kén, thêm vào đó, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén trong khi xa mặt dễ cách lòng. Tất nhiên, chuyện phải đến sẽ đến, đâu phải những chuyện đổ vỡ bỗng nhiên xảy tới; những gì của mình chưa chắc đã thuộc về mình. mà coi chừng đồ của mình nếu không biết gìn giữ, người khác xài. Lẽ thường, vườn bông nhà mình tốt tươi, bàn dân thiên hạ người người chiêm ngưỡng, nhưng nếu cằn cỗi, mọi lỗi lầm lại do mình chẳng biết chăm lo.
Trông gương người phải nghĩ đến phận mình. Nhờ trời, tôi không thuộc loại ăn trên ngồi trốc nơi hãng xưởng nhưng cũng không bị ràng buộc giờ giấc như mọi kẻ làm thuê. Aên lương năm nơi sở nhà nước, chịu trách nhiệm và làm việc nhiều hơn những người làm công nên thời giờ đi về không hạn định., bởi vậy, mặc dầu mua xe tặng vợ nhân ngày sinh nhật của bà ấy nhưng tôi đành phải dụ khị ngon ngọt để được chở nàng tới sở khi đi làm và đón nàng về vào giờ tan việc với chiếc xe đã lão thành. Chẳng những tội cho miệng lưỡi phải uốn éo thế nào cho những lời phân bua hơn thiệt ngọt tai bà xã mà đầu óc tôi còn phải vận dụng, suy tính, dương đông, kích tây, nên nói lúc nào trong giới hạn và tiến lùi ra sao tùy thuộc thái độ cùng hoàn cảnh cũng như tâm tình của nàng hầu những lời nói của mình phù hợp lý luận đàn bà để nàng thuận ý chiều theo. Điều rõ ràng mọi người đều nhận thấy đó là tôi sớm già trước tuổi. Có những lần gặp người không quen biết, họ vô tình gọi tôi là ông và chào nàng bằng chị khiến lòng tôi càng cảm thấy xót xa âm thầm cảm nhận thú đau thương của người mê vợ. Tất nhiên, nhiều thứ lịch sự rởm của dân phù thủy mắt xanh, dầu không muốn tôi vẫn phải học đòi đến nỗi nhiều khi những chị em quen biết vô tình dùng kiểu cách nịnh đầm của tôi làm mẫu mực so sánh với những đức ông chồng của họ. Và rồi những anh chồng vô tình ấy gán ép cho tôi lắm danh hiệu chẳng hạn cưng vợ, chiều vợ, thanh lịch, anh nhì, dân tây. Họ gọi tôi “anh nhì” bởi có người cố tình đổi câu “Nhất vợ nhì trời” thành “nhất vợ nhì tôi” nơi một bữa tiệc gần tàn khi mọi người đã tới hồi sứa sứa. Còn cách nào hơn, tôi âm thầm không nhận mà cũng chẳng phản đối bởi nghiệm được câu, “Niềm vui của kẻ trí làm người ngu bực mình; trái lại niềm vui của kẻ ngu khiến người trí xót thương.”
Anh Phương, một người sức vóc, mạnh khỏe, nước da hơi ngăm đen, làm tàu đánh tôm đông lạnh, dài chừng gần trăm bộ. Nghề biển của anh rất khấm khá, nghe kể chuyện, bình thường mỗi năm trừ tiền trả ngân hàng anh đem về hơn kém hai trăm ngàn Mỹ kim. Từ khi lập gia đình, anh vay chạy bà con nội ngoại xuất vốn đóng tàu tới nay đã mười mấy năm. Ba cháu đã đang đi học nên năm năm trước anh Phương tậu một khu thương mại để chị coi sóc. Gần hai năm sau khi mua khu thương mại, một hôm bia bung đã sừng sừng, mấy anh em trong đó có tôi tham dự nêu lên những nhận định về tâm tính con người. Bàn qua tán lại, anh Phương lên tiếng,
-Trai tài, gái sắc, đó là điều ham muốn bình thường của con người như một định luật. Thử hỏi, đàn ông nào không thích đàn bà đẹp. không thế mà các ông chấp nhận cho các bà ấy nay đi căng da mặt, mai sửa mũi, mốt cắt mắt, viền môi, bơm mông, bơm ngực. Và cũng chính vì ham mê cái đẹp, đàn ông chúng ta thích xài của giả. Còn về phía đàn bà, các ông có nhớ câu ngạn ngữ vòng vo không, “Lửa thử vàng, vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông, đàn ông thử lửa.” Đàn ông nếu không liều mình thử lửa sao có đủ tiền cho bà xã sửa mắt viền môi, bơm mông, bơm ngực. Các ông có biết người Mỹ có câu gì không, “No money, no honey.” Còn tiền còn vợ, không tiền không vợ! Người ta nói, có tiền mua tiên cũng được. Cuộc đời này, gì cũng tiền và chỉ có tiền mới giải quyết được mọi sự êm đẹp.
Và rồi cũng nghe đâu mới vài tháng trước anh chị đã ra tòa làm giấy ly dị; anh ôm ba đứa con đem về gửi ông bà nội để tiếp tục lênh đênh với khoảng trời mây sóng nước. hầu nghiệm chứng quyền lực đồng tiền. Chị Phương tiếp tục công việc điều hành vì nhà cửa và khu thương mại đã được chuyển sang tên của chị từ hai năm qua. và lại cũng có người đàn ông không đông tài, chẳng lắm bạc, nhưng luôn luôn có mặt bên cạnh phục dịch chị những khi tối lửa tắt đèn.
Những chuyện chồng đi tàu đánh tôm hàng tháng mới về và khi về đến nhà thì vợ đã bồng bế con cái đi đâu không biết, hoặc cho người bạn ghe ở nhờ để rồi không hiểu ma đưa lối hay quỷ đưa đường, sau này bạn ghe ở lại với vợ và mình ôm con ra đi hoặc ra đi bất đắc dĩ trở lại kiếp độc thân buông mình xuôi theo giòng đời cùng với con tàu, hay hận đời đen bạc bán tàu bỏ đi nơi khác đã một thời gây xao động tâm trí họ hàng ngư phủ. Nhưng biết sao hơn, con người thì muôn đời vẫn mang tính chất và những nhu cầu tâm sinh lý của một con người. Nào có ai đã là thánh mà vẫn còn sống nên không bị những tính chất và nhu cầu con người khuất phục. Hơn nữa, cho dù ai đó quyết tâm chịu đựng chống chọi với những đòi hỏi thiết yếu nơi thân phận kiếp người thì sức người cũng chỉ có hạn. Ngày nao, khi trái banh đã bị dồn nén với sức ép quá mức tất nhiên sẽ nổ tung như chiếc pháo. Cổ nhân để lại câu nói, “Con giun xéo lắm nó cũng quằn” đâu phải chỉ được áp dụng nơi sự chèn ép trong sự va chạm cuộc sống mà thôi. Xét thế, con người cần phải được nhận thức một cách chín chắn và thâm trầm hơn. Thêm vào đó, có ai cam bề tự đàn áp, hy sinh chính mình để đem cảnh giới thiên đàng êm ấm cho người khác thì chính họ đã tự bó buộc sống đối nghịch với niềm vui và hạnh phúc họ đang hy sinh tạo dựng. Không ngờ bao năm trước, Pascal đã nhận thức, “Con người không phải là thánh, cũng chẳng phải là thú, nhưng trớ trêu thay, kẻ muốn làm thánh lại biến thành thú.” Nhận thức như vậy, chính tôi cũng không hiểu mình mê hay bị mê! Dĩ nhiên, dẫu tôi chẳng muốn làm thánh cũng là nạn nhân của thú mê vợ. Phỏng người đàn ông nào có được gia đình êm ấm mà không phải chịu như thế?
Không hiểu giới mày râu nghĩ sao về sự thể khó nói của nam giới! Riêng tôi, tìm kiếm được người để mình cưới làm vợ đã khó, mà sống, đối xử thế nào với vợ mong có được gia đình đầm ấm lại càng khó hơn. Người đời thường nói, “có còn hơn không” nhưng nếu xét về phương diện vợ chồng, chưa chắc có đã sung sướng, thảnh thơi hơn không; chỉ một điều chắc chắn, có vợ sẽ bị phiền hà nhiều hơn không. Ừ thì đàng nào cũng hơn! Có vợ, lo làm lụng sao cho gia đình được sung túc, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm mong sao dư dật chút đỉnh lỡ nếu cần đưa bà xã đi thẩm mỹ viện. nhưng quả là bất công; mình tốn tiền, thiên hạ chiêm ngưỡng, thế mới tức! Thôi thì cũng cam tâm ngậm trái bồ hòn cho mẹ nó vui. Đời thuở nào có thể xảy ra trường hợp, vợ chồng con cái đi chợ tết mà có người không hiểu cố ý hay vô tình hỏi tôi, “Chỉ có anh và mấy cháu gái sắm sửa đồ tết thôi ư? Vậy chị ấy bận việc gì?” À thì ra mình đã lão rồi! Có vợ, thời gian dường như trôi chậm lại trong khi thân xác muốn chạy nhanh tới nấm mồ, và bao mộng ước thời son trẻ đã tự âm thầm tan biến. Tại tôi đã vô tình lãng quên hay giòng đời thúc đẩy chúng ra đi? Nào có lạ gì, lòng người như chiếc bình chứa, khi có một lực lượng mạnh mẽ xông vào thì những gì còn đang được ấp ủ phải bị trào ra nhường chỗ. Con người là thế! Hầu hết những người có vợ đều phải chấp nhận tan vỡ mộng đời của thời son trẻ! Phỏng sự thể này là thực tại không thể tránh khỏi của thân phận đàn ông hay chỉ là nhận thức phiếm diện về cuộc sống? Tôi âm thầm suy tưởng và tự diễu bởi nhận ra mình vẫn còn ham hố muốn bắt cá hai tay, rồi tự nhủ, chuyện phải đến đã đến thì ráng vui với những gì trong tầm tay với. Những gì đã và sẽ không bao giờ đến cho dù ước mơ đến mấy vẫn chỉ là mộng tưởng. dù mộng ấy cao quý hay dễ thương, cuốn hút thế nào!
Trong số những người quen, anh Ban ngày đó ra trường với mảnh bằng kỹ sư điện. Bạn bè gọi anh là kỹ sư điên nặng bởi anh thường bày tỏ nhiều chương trình tương lai mang theo mộng ước lý tưởng. Dĩ nhiên do sự mường tưởng đời chỉ giống như những khuôn viên nhà trường mình vừa đạt thành nơi nấc thang cuối, người trẻ nào biết chấp nhận hài lòng với cuộc sống bởi chưa phải đối diện với những phũ phàng nơi kiếp nhân sinh. Những nhận thức triết lý, những lý tưởng xã hội, hòa với căn bản học thức nơi trường lớp chưa bị vấy bẩn do bụi nhơ thực tế chẳng những đã kiến tạo trong lòng người trẻ đầy nhiệt huyết lắm đỉnh cao mộng ước ngút ngàn, mà đồng thời cũng dàn sẵn muôn vàn triền dốc băng sơn trơn trượt không mốc điểm bám víu. Sau bẩy năm gồng mình đánh thuê nơi một hãng cung cấp điện cho dân chúng ở thành phố, anh không thể nào chấp nhận được những xô bồ tranh sống nhiều khi đến độ bất nhân giữa con người với con người. Anh nghỉ việc, gom góp tất cả tiền bạc đã dành dụm, mua ghe, hướng dẫn con tàu mong thực hiện phần nào ước mộng vẫn còn dang dở. Với kiến thức sẵn có, nghành nghề biển giã đem lại cho anh nhiều thắng lợi về tiền bạc. nhất là không bị lệ thuộc giờ giấc ngoài ý muốn cũng như có tự do quyết định đường đi nước bước giữa khoảng trời nước mênh mông. Dĩ nhiên, nơi cuộc sống mà mọi diễn biến và định ước xã hội lệ thuộc định giá tiền bạc thì khi có tiền, những ước mộng bình thường đều được giải quyết. Tuy nhiên kinh nghiệm đời minh chứng, dẫu mang quyền lực vạn năng nơi xã hội vật chất, vẫn còn nhiều thứ nơi nhiều phương diện và trường hợp, tiền bạc không mang giá trị mảy may. Tiền bạc có thể thay đổi lòng người nhưng không mua được tâm hồn kẻ bị nó khuất phục. Nơi lãnh vực tình nghĩa cũng thế, tiền bạc chỉ mang thân phận tôi đòi hoặc phương tiện chứ không thể biến lòng người thành nô lệ. Anh Ban dẫu có học thức, nghề nghiệp tự do vững chãi, và tiền bạc sung túc nhưng duyên số quá ư lận đận. Mãi mười năm sau ngày ra trường, anh mới cưới vợ.
Theo giòng đời trôi, những lý tưởng thơ mộng ngày nao của thời son trẻ đôi khi được bạn bè nhắc nhở, anh Ban thường lanh trí tảng lờ, lái câu chuyện xoay qua chiều hướng khác và diễn tiến thường được kết luận với vai trò tiền bạc ảnh hưởng nơi cuộc sống lứa đôi. Có lẽ do căn bản học thức thuận chiều vận số nghề nghiệp cùng với lòng vững tin về khả năng mưu sinh trong ngành nghề biển giã, đồng thời nhận thức phần nào ngõ cụt của những mộng ước ngày xưa tạo thành tâm tình bất đắc chí, chúng đã kiến tạo nơi anh ban thái độ tự mãn, chiều lòng chạy theo định giá cuộc đời tùy thuộc thành đạt nơi phương diện tiền bạc. Lẽ thường, điểm tới của ước muốn nơi một người đều là những gì chưa có hoặc có chưa đủ trong khi lại coi thường hay tự mãn với những gì đã đạt được nơi tầm tay. Anh Ban say mê kiếm và chăm giữ tiền bạc mong chẳng những bảo đảm cho những ngày sắp tới mà còn hầu giải quyết những khó khăn, bất trắc có thể xảy đến trong tương lai. Khi cháu nhỏ nhất vừa đủ tuổi được nhận vào lớp mẫu giáo, chị Ban cũng bắt đầu đi làm nơi một hãng cấu đầu tôm. Và những chuyển biến tình nghĩa cũng được bắt đầu không lâu tiếp theo thời gian ấy.
Thuở ban đầu khi mới nghe nói tới chiều hướng hay quan niệm nam nữ bình quyền, có lẽ những dân nhập cư nơi đất Hoa Kỳ đều cảm thấy ngỡ ngàng. Nam giới thường mang ý nghĩ phần nào bị mất bớt quyền hành trong khi thêm phần trách nhiệm. Đại khái vì không am hiểu thực chất của quan niệm bình quyền, người ta đã vội in trí về sự thua thiệt quyền hành hay mất vị thế của người đàn ông đã bao lâu nay được mọi người, nhất là giới mày râu, tự nhận nó phải thế như một định ước bất biến trong thế giới loài người. Hơn nữa, qua truyền thống và văn hóa người Việt, ý thức trách nhiệm của người đàn ông không những đối với gia đình nhỏ hẹp bao gồm vợ chồng, con cái, mà còn liên hệ tới đại gia đình, họ hàng thân thuộc khá nặng nề, quan niệm nam nữ bình quyền đã thẳng tay hạ cấp vai trò của gia trưởng. Vết thương chẳng nên đeo đẳng đã tạo lắm đòn hằn nơi tâm hồn con người chỉ vì quá vội mường tưởng do thiếu ý thức. Trái lại, quan niệm nam nữ bình quyền đã thực sự hạ cấp vai trò nữ tướng nơi gia đình cũng như gia tộc của phụ nữ nhưng lại được hiểu là thăng cấp họ ngang quyền với mọi người, nhất là đối với chồng. Thử hỏi các đấng mày râu, xưa nay có bao giờ các ông dám tự mình quyết định bất cứ chuyện gì nơi gia đình cũng như công việc làm ăn hoặc nơi ăn chốn ở mà không hội ý bà xã? Các ông muốn mua nhà mới, xe mới, muốn đi đâu, giờ giấc thế nào mà bà xã không thuận ý phỏng có gì được thành hình không? Ngược lại, khi bà xã đã quyết định điều gì, không sớm thì chầy, quý vị mày râu chỉ được phép chấp nhận một sự lựa chọn độc nhất và phải như thế, không thế không được đó là làm theo ý bả. Khổ nỗi, người ta chỉ vội hiểu bình quyền mang nghĩa đàn ông phải rửa chén, quét nhà như đàn bà. Ôi thực tế nghịch thường, có bà nào bắt ông chồng rửa chén đâu. hay chẳng bình quyền thì chính ông đã tự xung phong rửa chén. chẳng hạn trường hợp điển hình là chính tôi. Mình rửa chén cho mình, cho vợ mình, và cho con mình chứ có rửa mụ hàng xóm nào đâu mà thiệt. Và nếu có ai đó thay vì rửa chén nhà mình lại xung phong rửa mụ hàng xóm tất nhiên phải là chuyện động trời, bay nồi bay niêu, bay cả đến nóc nhà dù chúng không có cánh. Và chị Ban đã chấp nhận và được anh chàng Xì, tên đổ tôm cho nhân công nơi hãng, rửa, dẫu chị không cần bình quyền, dẫu gia đình chị tiền bạc không thiếu. Thế mới lạ đời!
Trung thực mà nói, sự thể chẳng ngờ nơi cuộc sống hôn nhân dưới mắt người ngoài cuộc chỉ là chuyện phải xảy đến đối với người trong cuộc như thành quả hay sản phẩm bắt nguồn từ sự nhận thức cá nhân được áp dụng nơi sự liên hệ tình nghĩa vợ chồng. Ai không khát khao hạnh phúc, và ai không thiết tha kiếm tìm hạnh phúc. Khổ nỗi, hạnh phúc là gì nếu không là sự thăng hoa mơ ước, cho dù niềm mơ ấy như thế nào, vì khi đã đạt được ước mơ, chính thành quả ước mơ đã giết chết lòng mơ ước. Thế nên, nỗi cô độc lòng người lại chính là thực thể con đẻ của niềm chán ngán không còn gì mơ ước. Có được gia đình êm ấm, vợ chồng con cái đuề huề, nghề nghiệp vững chãi, nhà cửa, xe cộ sẵn có, tiền của dư ăn, dư mặc lại được chuẩn bị phòng hờ cho tương lai, người phụ nữ nào dám mơ ước hơn? Thế nhưng, có lẽ đồng tiền không do công sức chính mình kiếm được sẽ không được nhận định giá trị đúng đắn của nó đối với người xử dụng. Hoặc do mặc cảm ăn bám, vô dụng, hay thứ mua vui cho kẻ đem tiền về tiêu xài, chị Ban thực sự nhận thấy mình mang một thứ giá trị mà đã bao lâu nay chưa bao giờ cảm nhận được. Từ ngày mới cưới, anh Ban, vì quá lo lắng cho tương lai gia đình, thường nhắc nhở cẩn thận về phương diện chi dụng khiến chị mang nỗi tự ty bị tù túng nơi dung cách tiêu pha. Cầm tiền do chính tay mình làm ra dẫu chẳng được bao nhiêu nếu so sánh với sự chi tiêu nơi gia đình và dẫu chị xử dụng một cách dè dặt nhưng nó mang năng lực tạo nguồn cảm ứng tự tin. Chị thực sự là một cái gì. Chị có khả năng tự lập. không cần lệ thuộc. Chị có tự do không ai có thể kiềm chế. Niềm cao vọng phát xuất bởi nhận ra thực thể giá trị con người khuyến khích tâm trí chị đặt lại nhiều vấn đề liên quan đến vị thế của mình nơi giòng đời. Lập gia đình với anh Ban khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ được hai năm, chưa bao giờ chị tự kiếm được dù chỉ vài xu làm của riêng. Nay chị bước vào cơ hội, một chân trời mới rộng mở đón chờ tâm hồn phơi phới dấn tới.
Cũng phải chân thành nói lên sự thiếu sót của phái nam, vấn đề này tôi chỉ có thể trình bày về lầm lỗi của chính mình, cầu mong các ông không ai mắc phải. Dĩ nhiên, phụ nữ thừa cảm nhận nhưng đã nhận định sự thiếu sót này với con mắt thiên kiến khác thành ra phần nào quá bất công với nam giới chúng tôi. Xét về nhân đức kiêu ngạo, bình thường, đa số người cầm bút rơi vào trường hợp văn mình vợ người cho dù mình viết chẳng ra cái quái gì (dĩ nhiên kẻ viết không ngoại lệ). Nơi cuộc sống lứa đôi, dẫu không bao giờ dám nói lên, thực thể cảm nghĩ “không ai xấu bằng vợ mình và chẳng ai đểu bằng chồng mình” luôn luôn mang năng lực thống trị tâm hồn mọi người. Phỏng ai không biết nằm lòng câu, “Đạo phu phụ tương kính như tân?” Cho dù chữ tân ở đây được hiểu theo nghĩa “mới cưới” hoặc “mới quen biết,” thiển nghĩ, áp dụng được một trong hai đã là quý hiếm lắm rồi, phương chi nói đến sự đối xử giữa vợ chồng giống như đối với quý khách đến thăm. Thế nhưng, lại chữ nhưng, thực tế minh chứng, mình càng yêu thương ai bao nhiêu, càng chỉ làm khổ người đó và chính mình bấy nhiêu. Vợ chồng chung sống qua bao ngày tháng, biết về nhau hầu hết đâu cần gì những hình thức rởm. thế nên cho rằng chỉ cần chân thành trao đổi những gì cần nói và nên được nói là quá đủ. Ai không chấp nhận thế! Lòng chân thành đã vô tình giết chết hoặc làm suy sụp tình nghĩa chồng vợ, nghịch lại với lời cổ nhân khuyên nhủ tương kính như tân. Vợ chồng anh chị Ban không thoát khỏi chiếc bẫy bình thường này như nó đã xảy ra nơi bao cặp vợ chồng khác.
Tương đối có dáng dấp khá hấp dẫn, người mình dây, thuộc diện trường túc trường mi và vì có chút nhan sắc thêm sự hấp dẫn nẩy nở của người đàn bà đã có chồng nên chị Ban được tên Xì, nghe đâu trẻ hơn chị hai tuổi với sức vóc mạnh khoẻ và hình dáng tương đối hấp dẫn nữ phái, để ý dành cho sự lưu tâm đặc biệt hơn những người khác. Với công việc làm khoán giá trả được tính theo sức nặng đầu tôm đã ngắt, ai may mắn gặp được những loại tôm lớn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn người ngắt đầu tôm loại nhỏ, tên Xì dành ưu tiên cho chị Ban nên chị luôn luôn được cung cấp với những loại tôm lớn nhất. đến nỗi những người làm cùng hãng để ý, tạo nên lời ong, tiếng ve, nửa đùa nửa thật, lại thêm kẻ nói vào, người nói ra, lâu ngày chầy tháng nhập tâm khơi động cảm nhận nơi lòng người phụ nữ trong lứa tuổi sồn sồn. Trung thực nhận định, sự cảm nhận được ưu đãi nơi chị Ban bắt nguồn có lẽ từ cuộc sống nhàm chán nơi sự liên hệ vợ chồng. Anh Ban đã có chút tuổi, tướng tá trở nên phục phịch. lại hơn vợ mười mấy năm. Lẽ tự nhiên với tuổi tác như thế, anh Ban dẫu nhận biết sự chênh lệch nhu cầu thiết yếu vợ chồng thì cũng không thể nào thỏa mãn lòng khát khao nơi người bạn đời chớm bước vào tuổi hồi xuân. Thêm vào đó, tâm tình tự cao phát xuất do nỗi lòng bất đắc chí đã khiến anh ù lỳ mơ tưởng chị vợ nhận thức và chấp nhận thực tại như mình. Và thế là chị Ban đã cuốn gói, bỏ chồng, bỏ con, mang thân xác tới cho tên Xì tha hồ rửa.
Xét người lại nghĩ đến ta. Những gương trước mắt bắt ép tôi phải suy nghĩ, đắn đo, bày mưu, tính kế bảo vệ hạnh phúc gia đình. Có ai cho rằng nhất vợ nhì tôi cũng được hoặc thờ bà cũng chẳng ăn nhằm chi, miễn sao êm cửa êm nhà. Bà ấy không thấy ai tử tế, có tình có nghĩa hơn mình thì hạnh phúc lứa đôi vẫn còn được bảo trì. Nói như thế nhưng đâu đơn giản thế! Những chuyện lẩm cẩm lỉnh kỉnh nhiều khi tôi phải thực hiện chẳng khác gì tên ngố cũng chỉ vì hai tiếng hạnh phúc đâu ai hiểu thấu. Tôi biết uống rượu, có thể nói thích đôi chút, bà ấy không cấm nên không bao giờ nghĩ tới chuyện chừa. Có lẽ bà ấy cũng hiểu. “Thứ nhất chén rượu ngà ngà, thứ nhì anh ở nơi xa mới về” nên cứ lờ đi chăng. Đến chuyện đam mê thú vui câu cá mà nhiều khi bị bả cằn nhằn khiến lòng rầu rĩ lắm phen mặc dầu vẫn cố tình lần lữa, tôi chưa có quyết định dứt khoát nên vẫn cứ dằng dai. Thực lòng không dấu diếm, đâu phải tôi đam mê vợ vì lòng mình không thể rung động với bất cứ ai khác. Quý vị nào lạ chi câu nói, “Sông bao nhiêu nước cho thừa, Trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng.” Dẫu tôi cũng chẳng còn trẻ gì nhưng con tim có bao giờ già; hơn nữa, cho dù mỗi con tim mang một tần số cảm ứng riêng thì cũng đâu thiếu chi những con tim khác cùng chung nhịp điệu. Tự cảm nghiệm nơi lòng mình, con người được sinh ra với lòng khát khao tiềm ẩn nào đó đã tạo nên những rung cảm con tim với tần số lạ lùng thường bị nhận định một cách sai lầm. Đâu thiếu gì đàn ông hình dáng bên ngoài không mang vẻ chi hấp dẫn mà có được người vợ duyên dáng cả về nhan sắc lẫn tính tình lại thương chồng tha thiết. Và cũng đâu thiếu gì bà chanh chua, mỗi lời nói thoát khỏi cửa miệng chẳng khác chi những chiếc lông con nhím đang sù lên chực chờ đâm vào cổ họng kẻ đấu khẩu, thế mà lại được đức ông chồng hòa nhã, thanh lịch quả là đối nghịch với vợ như nước cùng lửa và gia đình họ vẫn êm ấm đã bao nhiêu năm giữ trọn tình nghĩa phu thê cho tới già. Con tim mỗi người quả nhiên bí ẩn nhưng thường đã bị gán ép với lòng ham muốn nhục dục để rồi mỗi khi nghe nói đến tình yêu thì lắm kẻ đã vội liên kết ngôn từ thần thánh này với chiếc giường, một lầm lẫn con đẻ của sự thiếu nhận thức. Dĩ nhiên là một con người, tôi cũng có những rung động cảm ứng như mọi người. Nói như thế có nghĩa lòng tôi cũng chất chứa đầy ham muốn không khác chi bất cứ ai ngoại trừ mức độ tùy thuộc bản chất con người.
Một người bạn rất thông minh, lắm sáng kiến cùng lớp với tôi kể lại, có lần anh ta gặp một thày tu đã 92 tuổi nhân ngày sinh nhật của vị này. Anh bạn tôi giả đò ngớ ngẩn hỏi, “Thưa thày, năm nay thày đã 92 tuổi chắc là đã quá già so với những ngày còn trai trẻ. và như vậy thày có còn bị những ước muốn dục vọng bình thường thế tục ảnh hưởng nữa không?” Vị thày tu với giọng điềm nhiên trả lời kèm theo đôi mắt lộ vẻ tinh nghịch, “Năm nay thì chưa hết đâu, nhưng có lẽ sang năm.” Con người là thế và không như thế không phải là người bình thường. Nhận thức được thực trạng tâm sinh lý chung chung của con người như vậy, tôi rất cảm phục nhận định về vai trò hôn nhân nơi cuốn Những Bí Aån của Cuộc Đời, hôn nhân là môi trường tuyệt vời nhất cho con người hoàn thành những bài học họ phải trải qua để trở nên hoàn thiện. Nhận xét theo quan niệm Ấn học, nếu ai không chấp nhận hoàn thành bài học mình phải trải qua mà chỉ vì thiếu ý thức do ham muốn có cuộc đời theo ý mình, cho dù vùng vẫy, thay đổi cách mấy chỉ càng làm khốn khổ cho mình. Không lạ gì Phúc Âm nêu lên lời dạy đoan chắc, “Sự gì Thiên Chúa đã ràng buộc, loài người không được phân ly.” Quả thực lầm lẫn nếu chấp nhận câu này một cách vô ý thức bởi thiếu hiểu biết và không nghiệm chứng.
Lẽ tất nhiên, bài học tôi phải hoàn thành hoặc đoạn trường tôi phải trải qua nơi cuộc sống hôn nhân sẽ không giống bất cứ trường hợp nào của bất cứ ai do đó không nên đề nghị họ phải thế nào để hoàn thành kinh nghiệm họ cần phải học. Hơn nữa, mọi người đều khác nhau từ thể chất tới tâm tính, thế nên, có thể điều thích thú, ước mơ của người này lại là sự khổ ải đối với người khác. Phương diện nơi cuộc sống lứa đôi tôi muốn tìm hiểu chỉ được tóm gọn đâu là căn bản hoặc phương pháp con người nên thực hiện để hoàn thành kinh nghiệm hoặc bài học mình cần học, nên học, nói cho đúng, phải học chỉ vì chuyện đã được xảy đến tất nhiên có lý do nào đó mà mình chưa hoặc không hề nhận biết. Sự việc xảy đến nơi cuộc đời một người không thể nào coi đó là một lầm lẫn hoặc chẳng may. Chẳng hạn, chúng ta phải ăn để sống thì tất cả mọi sự trốn thoát, tránh ăn uống đều đem lại tai hại cho cuộc sống. Hôn nhân đã xảy đến và được hai người hoan hỉ chấp nhận để rồi cũng hai người đó do thực hiện cuộc sống hôn nhân một cách thiếu ý thức và không muốn tìm hiểu hoặc suy nghiệm để giải quyết vấn đề nên chấp nhận giải thoát bằng cách chạy trốn được gọi là ly dị tất nhiên đã tự đóng gông vào tâm tư mình. Thử hỏi những ai đã thực hiện ly dị phỏng có bao giờ họ xóa bỏ được sự kết án nội tâm không? Kinh nghiệm sống minh chứng, cho dù người khác kết án hoặc nhận định về mình ra sao cũng không thể nào so sánh với bản án lương tri ngàn đời ngự trị nơi mình.
Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân đâu phải chỉ lý thuyết suông, một chiều mà có thể giải quyết mọi vấn đề. Mặc dầu tuổi vợ chồng tôi xấp xỉ ngang nhau, nhưng vào giai đoạn hồi xuân của bà xã cũng khiến tôi khốn khổ không ít. Nào ai lạ chi tâm tính phụ nữ nơi lứa tuổi 45 đến 55. Tuy ở tuổi mà nhiều người đã được gọi bằng bà nội hay bà ngoại nhưng tâm tính họ lại tái diễn tính chất của thời còn măng trẻ. Mích lòng một chút, họ lẫy, họ hờn. Nhu cầu tình cảm của họ không khác chi những ngày hẹn hò, đòi được mơn trớn, vuốt ve chiều chuộng như thời thanh xuân. Dẫu thân xác thay đổi “đã toan về già” theo tuổi đời nhưng nơi phương diện tâm sinh lý, họ quay ngược trở lại. Ngoại trừ trường hợp bất thường, nhu cầu của người đàn bà mênh mông chẳng khác gì biển khơi, sức chứa không bao giờ đầy, lòng khao khát chẳng lúc nào vơi trong khi người đàn ông đã bị giới hạn theo sự tàn phai của năm tháng. Đâu phải chị sẻ mái muốn đạp, đá chàng trống. mà luật tự nhiên phải thế. Tôi âm thầm suy tính, mượn cớ thích nhâm nhi ly rượu thuốc, nay thang Minh Mạng, mai thang Nhất Dạ Lục Giao, rồi nào ngọc dương cách thủy tim sen, hột sen lấy sao cho được nước mẹ bồng con, táo tầu đen, hoài sơn, chi tử, khung phiến. nào thang Tự Đức, v.v. Đọc cuốn Rồng Xanh Ngục Đỏ thấy nói về canh lá Xuyên Điền Thất bồi bổ dương lực bị hao tán, tôi kiếm cho bằng được, nấu nướng đủ kiểu, đủ loại và ráng nuốt hết ngày này qua ngày khác. Nhà tôi không biết, nói qua nói lại sao không chịu thay đổi rau rợ. dẫu miệng lưỡi trơn tru nhưng sao tôi có thể giải thích! Có lần nghe người bạn nói về đặc tính vượng dương của vị Đằng quai, lá hẹ, và tôm tướng quân. Nếu có được cả ba thứ nấu thành món canh thì tuyệt vời. Lá hẹ quá dễ dàng, nơi chợ người Việt nào không bán. tôi cậy cục xin được ít giống về trồng. Trồng hẹ thì dễ mà kiếm loại đất nào, phân nào cho hợp và mang lại lợi ích cho chủ đích của mình thì ôi thôi cả là vấn đề nan giải. Thêm vào đó, tôi nào biết Đằng Quai là gì. Hỏi mấy thày thuốc bắc, thày nào cũng mập mờ phỏng đoán thứ này, thứ khác sao dám hốt về. và thế là lại phải kiếm cho ra người bạn. Nghe anh giải thích tôi mới vỡ lẽ. Đằng Quai, đằng khoai. nhan nhản trước mắt mà chỉ vì cái ngôn từ khốn khổ của người Đài Loan khiến tôi kiếm trợn mắt. Nào có chi đâu xa lạ, nó chính là củ Đương Quy được thái mỏng bán dẫy đầy nơi tiệm thuốc bắc mà các bà các chị nhà ta thường mua về nấu chè sâm bổ lượng. Quả thật rõ ngố. bây giờ tôi mới hiểu tại sao người ta gọi chè sâm bổ lượng. Phiền toái hơn và bổ béo đâu không thấy, nhưng tìm tòi moi móc làm thân với dân thuyền chài để kiếm mấy con tôm tướng quân mới khó khăn. Tôm nào chả là tôm nếu không vậy sao có câu ví “Họ hàng nhà tôm,” sao ông cứ nằng nặc nói về tôm tướng quân. Chẳng lẽ loài tôm cá dưới biển cũng có quân đội hay sao mà có tôm tướng. và đã là tướng sao lại còn gọi là tôm tướng quân. Vậy có con tôm nào đó vừa là tướng vừa là quân lẫn lộn thì sao mà biết. Một ông ngư phủ tay cầm lon bia Budweiser hình như hơi thấm chút ma men lên giọng chỉnh tôi. Cũng may, thế mà vẫn có người biết và tôi được giải thích, tôm tướng quân là con tôm lớn, nơi hai chiếc râu dài của nó có những hột trong khi các con tôm khác không có hột nơi râu như thế. Ông nhận lời để ý kiếm và khi có sẽ gọi lại. Nào đâu đã hết, phương này, cách kia, chạy bộ, tập thể dục thể thao, đi bơi, chạy xe đạp. chỉ có Yoga tôi không dám thử bởi nếu không biết mà dẫn khí chạy lòng vòng qua các kinh mạch trật đường sẽ bị tẩu hỏa nhập ma khiến mới thoạt nghe đã thấy lòng ớn lạnh, lỡ hạnh phúc đâu không thấy lại thấy cái quan tài thì bà nhà tôi để phần cho ai?
Đâu ai lạ gì câu nói, “Chân thành, thiện chí, năng hoạt động nhưng thiếu hiểu biết chỉ là phường phá hoại.” Thế nên, chịu khó làm ăn, thương yêu vợ, biết lo lắng cho gia đình nhưng thiếu hiểu biết về đặc tính nữ phái cũng như không chịu để ý tìm hiểu tính chất riêng biệt của vợ, người chồng có thể đã mất vợ ngay từ khi mới cưới. Những cố gắng tìm hiểu, tính toán, và thực hiện thuộc về phương diện cá nhân hầu tạo mức độ giao hòa nhịp sống nơi lãnh vực hôn nhân đều tùy thuộc cá tính cũng như tâm tính của người phối ngẫu. Vợ thích ăn cơm canh rau đay với cà ghém muối chua kèm theo món cá khoai lót rau răm kho khô mà chồng có được bữa nào nấu cơm giúp vợ thì chỉ những bê thui, nem thính bắc kỳ cho tiện thì bà nhà sẽ cảm thấy thế nào? Mà đâu phải chỉ một lần vô tình. cả ngàn lần vô tình. dẫu miệng lưỡi trơn tru đến mấy và dẫu những lời dịu ngọt cách nào thì sự in trí bị coi thường sao có thể gột rửa. Cổ nhân để lại nghe tục nhưng quá thâm trầm, “Cơm nhà, quà vợ” nhắc nhở những bậc râu mày để ý xét lại việc gối chăn. chắc có lẽ ít ai đặt vấn đề tại sao đã cơm mà lại còn quà!
Ông nào không mơ ước mình có được một người vợ dịu hiền, biết lo lắng chăm sóc cho gia đình để yên tâm vững chí làm ăn; bà nào không thao thức kiếm được người chồng lý tưởng, thế sao biết bao sự đổ vỡ xảy đến? Những người ở đấng bậc vợ chồng có bao giờ thử so sánh tâm tình của mình đối với người phối ngẫu khi chưa cưới hoặc khi mới cưới với hiện tại để dự đoán những gì có thể xảy đến hay không? Nếu cuộc đời con người là một trường chiến đấu liên lỉ thì hôn nhân tất nhiên phải là bãi sa trường. Ngược lại dân làm chính trị biết chuẩn bị cho thời chiến tranh khi đất nước đang thời thanh bình thịnh trị mà kẻ nơi sa trường hôn nhân ỷ y ngủ mê trong chiến thắng vì đã có được người yêu dấu! Quá non nớt nếu không muốn nói là đã bắt đầu thất bại ngay từ ngày vinh quang được mệnh danh bằng “ngày cưới.” Mọi người biết lo lắng chuẩn bị nghề nghiệp cho cuộc sống tương lai được hạnh phúc bằng cách học hỏi, cố gắng đạt bằng nọ, chức kia phải mất bao ngày tháng cần mẫn chăm chỉ theo đuổi học hành nơi nhà trường. Quả là quá ngây thơ, hạnh phúc gia đình đang được hưởng lại không biết tìm hiểu để bảo vệ. tới khi sự thể cơm không lành, canh không ngọt xảy đến, người này đổ lỗi cho người kia. và mình bao giờ cũng đúng chỉ người kia là sai. đâu ai dám đối diện với thực tại tâm lý, nếu muốn có người bạn đời toàn hảo thì chính mình phải là người toàn hảo trước hết. Nơi thân phận người chồng, tôi nhiều lần nghĩ tới câu chuyện kể về Aristote mà đôi khi cảm thấy lòng mình giao động khó bề áp dụng. Hôm ấy nhà hiền triết có người bạn đến thăm, hai người chuẩn bị thực phẩm và kéo nhau ra ngồi dưới gốc cây vừa nhậu vừa đàm đạo. Không hiểu chuyện gì xảy đến khiến vợ Aristote tức giận bưng luôn cả mâm thức ăn hất xuống đất trong khi hai người đang hứng chí. Người bạn ngỡ ngàng nhưng nhà hiền triết trầm tĩnh nói, giả sử khi chúng ta đang ăn nếu có con gà mái nhảy vô bới tung đồ ăn thức uống thì phản ứng của bạn sẽ thế nào? Đôi khi ý nghĩ đến với chính mình, thì bắt con gà mái đó làm thịt, nhậu tiếp. Chợt nghĩ lại, đến nhà hiền triết còn phải im hơi lặng tiếng chấp nhận thì ai có thể ăn thịt được con gà mái của ông. Cũng bởi có được bà vợ quá đa quá độ, hình như Aristote đã để lại câu khôn ngoan, nếu có được mụ vợ dữ dằn, người chồng sẽ trở nên một hiền nhân. Ai đâu không biết, riêng tôi, bà xã hiền hòa gấp trăm lần người vợ nhà hiền triết mà vẫn đang có ý định ra chợ mua cặp “mút” về đút nút lỗ tai.
Số là từ ngày mấy sòng bài nổi lên, bà xã tôi thấp thỏm nay dạm ra, mai dạm vô đi làm. Tôi phân trần tới lui, viện đủ mọi lý lẽ thế mà đài phát thanh cứ eo éo thông báo về dự án chẳng nên.
-Bao lâu nay chỉ mình anh đi làm cũng đủ lo cho gia đình. con cái chúng ta bốn đứa ra trường lại có công ăn việc làm vững chắc thì em đâu cần lo lắng chi về tiền bạc.
-Xưa nay em chưa bao giờ đi làm nên mang mặc cảm ăn bám chồng con.
-Em nên hiểu, công việc nội trợ, chăm sóc con cái và gầy dựng chúng nên người không thể định giá bằng tiền bạc. Em đã giúp con cái đạt được kết quả lớn lao như thế, chẳng những vậy, sự chăm sóc con cái ảnh hưởng một đời của chúng sao em không thể nhận ra mà lại cứ muốn đi làm cho cực khổ thân xác.
-Nhưng em muốn mình có thể tự lập, em không muốn đeo đẳng cái cảm nghĩ ăn bám nơi mình.
-Em thử tính toán về phương diện kinh tế coi. Mặc dầu bằng cấp của anh chỉ là kỹ sư dầu hỏa nhưng vị thế của anh thuộc loại thâm niên công vụ. lương của anh chỉ thua đại diện chủ hãng. Nếu em đi làm chỉ hao tốn thêm chứ không kiếm thêm được đồng nào vì thuế lũy tiến tính theo tỷ lệ lợi tức chứ không tính riêng từng người.
-Em bằng lòng trả số tiền khác biệt ấy.
. Và tôi phải đầu hàng, chẳng những chấp nhận ý thích của bà xã mà còn phải xin đơn, điền đơn, mời người quen có vị thế nơi sòng bài tới nhậu, rồi nào gửi gấm, nào dặn dò, năn nỉ. và bà ấy được nhận vào chân đứng coi quầy bánh trái.
-Em làm ơn nhớ kỹ, đi làm thuê và lương trả theo giờ giấc nên em cứ từ từ làm việc, không cần phải làm cho hết việc vì nếu hết việc hãng xưởng đâu cần thuê ai. miễn sao mình không đứng chơi hoặc trốn việc là được.
Dặn đi dặn lại bao nhiêu lần nhưng tôi vẫn phải banh tai để nghe những lời phàn nàn về thằng xếp này chia giờ không đúng ý muốn của bả, thằng xếp kia có chuyện gì cũng cứ nhè bà ấy mà kêu “help, help” trong khi người làm việc nơi quầy đó đứng giương mắt ngó. rồi nào con mẹ này lười lĩnh, cứ xớ rớ không chịu làm, con mẹ kia chanh chua nói chọc nói chạch. bà kỹ sư mà nay cũng phải dấn thân đi làm; nào cái giọng con mụ khác éo éo trù ẻo, “Bèo khoe bèo nổi trên mây, đến khi nước rút bèo dây với bùn.” Ôi thôi, muôn thứ vớ vẩn làm phiền vợ tôi thì ít mà chống chọi cặp tai tôi thì nhiều! Tôi có muốn làm hiền nhân đâu. Quá đủ, quá đủ nhưng thần thánh không có cặp tai, không phải nghe nên đâu hiểu bao nhiêu mới đủ khiến tôi cứ phải gồng mình chịu trận. được nghe nhưng không có quyền nói, lỡ miệng nói ra sẽ tan cửa nát nhà. Có phải những người thích làm tàu “freezer” cũng chỉ vì sợ chương trình radio sống động nên kiếm cớ chạy trốn để cả tháng mới bị có cơ hội tiếp nhận những lời ngọt ngào thương yêu?
Tôi có ông bạn quen, tuy đã có tuổi và mặc dầu vốn liếng học thức của ông ta chẳng được bao nhiêu nhưng thái độ chịu đựng và nhận định cũng như suy tư của ông quả trỗi vượt khỏi tư cách và lối suy nghĩ thường tình. Oái oăm thay, cuộc đời dẫn dắt ông vào kiếp hiền nhân dù ngày xưa nơi thời trai trẻ, lối sống ăn chơi của ông cũng chẳng kém cạnh gì so với những người đồng thời. Vợ chồng tôi hay ghé thăm và thường xuyên qua lại nên ông bà ta coi chúng tôi như anh em, không bị những hình thức cố hữu ràng buộc. ngay thái độ đón tiếp cũng như lời ăn tiếng nói đều chứng tỏ sự chân thành, bộc trực giữa đôi bên, không cần rào đón, e dè. Một hôm, ông bà mời vợ chồng tôi tới dùng bữa tối. Chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra và thế là bà bù lu bù loa vừa lúc chúng tôi bước chân tới cửa. Âu cũng lỗi tại tôi bởi đã quá quen tự tay mở cửa. Bà vừa khóc vừa la lối; ông ngồi sượng trân. Bí quá tôi làm ra vẻ tự nhiên lên tiếng,
-Chuyện chi đã xảy ra mà bà đấu tố ông ấy vậy?
-Nào có chi đâu, bà ấy hấp con cá mú có người mới cho chủ ý làm món đặc biệt để đãi khách, dặn tôi canh chừng tắt lò nướng trước khi ra nương hái rau cải non để cuốn bánh tráng. Tôi mãi đọc sách quên bẵng đi mất. Đây là lỗi tại tôi; tôi đã năm lần bảy lượt nhận lỗi mà bà ấy vẫn chưa tha. Ông bà nhìn xem, đấy kết quả đọc sách của tôi đáng giá chừng ấy. Giọng ông trầm tĩnh, chịu đựng, đưa tay chỉ chiếc lò nướng đang mở toang và trên ngăn song sắt đặt chiếc khay nhôm trong đó một con cá mú to, cháy khô phần ngoài, đen đúa há hốc miệng như muốn kêu trời.
-Ông nói thì hay lắm, mười voi không được bát nước xáo. chỉ được nước nói, nói, còn ở nhà thì hiếp đáp vợ con.
Tôi bật cười lấy giọng nửa đùa nửa thật lấp liếm cho qua nơi vị thế chẳng đặng đừng,
-Như vậy vợ chồng tôi bị làm quan tòa quyết định về phận số con cá. Không sao, tôi xin đại diện nhà tôi phân xét, hôm nay chúng ta sẽ nhậu món cá mú nướng khô. chỗ nào cháy không ăn, ăn chỗ không cháy. Quay lại bà xã, tôi nhắc nhở, nhờ mình thượng con cá lên bàn và xem món rau cải thế nào. Ồ quên, đưa chai rượu thuốc cho anh. Và cứ coi như không có chuyện gì xảy đến, tôi kiếm hai chiếc ly, rót rượu thuốc nhâm nhi cùng ông già.
Kể ra bà xã tôi cũng dễ thương, biết ông bạn già và tôi thích rượu thuốc nên nàng chuẩn bị sẵn cho tôi một chai để ở cốp xe. Không hiểu nàng kiếm đâu được chiếc chai có hình dáng khá đẹp, màu thủy tinh trong vắt, vừa vặn tay cầm. làm nổi bật mầu nâu thẫm của rượu thuốc. Vì quá thân hơn nữa những chuyện lẩm cẩm lỉnh kỉnh này xảy ra thường tình nên tôi cùng ông bạn già không gặp trở ngại chi khi bắt đầu câu chuyện. Ông lên tiếng phá tan bầu không khí còn vương đọng nét căng thẳng pha lẫn chút ngỡ ngàng.
-Hình như tôi có phận số không may, cứ mỗi lần gặp người thân quen đều bị trở thành cớ cho bà nhà tôi đấu tố.
Thế là bà nhà đế thêm,
-Làm ăn thì chẳng bao giờ được việc gì nên hồn lại còn cứ to miệng.
-Thôi ông ơi, hãy để tôi thưởng thức miếng rượu cho nó thông đồng bến giọt. Ông mà đổ thêm dầu vào lửa coi chừng nóng quá rượu bốc hơi lấy gì mà uống. Tôi cắt ngang và đổi đề tài qua những chuyện mưa nắng thường tình.
Sự xô xát nơi gia đình bình thường khởi đầu bằng những chuyện cỏn con. Tuy nhiên, không hiểu tại sao trời ban cho nữ giới trí nhớ tuyệt vời. mà chỉ nhớ những chuyện chẳng nên nhớ để rồi khi có cớ gì khơi mào. thế là liên miên bất tận. Bao nhiêu chuyện thiếu sót của người phối ngẫu từ thời thủy tổ chưa rụng rốn được các bà trình bày một cách cay cú ráp nối chuyện này với ý kia, thêm mắm thêm muối, thêm cả một kho tàng tưởng tượng tạo thành bản án kết tội chồng mình đáng được hưởng trường hợp khổ sai chung thân thay vì những lời yêu thương ngọt ngào. Khổ nỗi, thà rằng ai đó bới móc mình thì còn dễ tìm đường chống chế cho qua, đàng này chính người thân thiết nhất, đầu ấp tay gối đưa mình lên bàn mổ. Mà lạ kỳ, không hiểu các bà có để ý đến ngôn từ hay thái độ khi tố khổ chồng mình không. và cũng không hiểu những vị hiền nhân sẽ cảm thấy thế nào khi bị bà vợ đay nghiến. Riêng tôi, những lời nói kèm theo kiểu cách của vợ mình lúc ấy chẳng khác gì những mũi tên cùn cụt, ngắc ngứ từng hồi ray rứt dẫu khó khăn nhưng cố tình xuyên cho thủng con tim mình tạo thành sức ép ứ đọng đẩy qua mạch máu trào lên tới óc. Và thế là trời quay, đất cũng quay theo. phỏng vị hiền nhân nào có thể không nổi điên khi đầu óc khủng hoảng như vậy. Khổ nỗi, sao bà ấy nhớ dai và nhớ lắm thế, lại chỉ nhớ những điều chẳng nên nhớ. những chuyện tốt lành, thánh thiện. không dù một chút mảy may hiếng tới. để rồi cứ như chiếc radio tràn ngập nguồn năng lực của giòng điện liên miên bất tận phóng ra muôn ngàn lời cay đắng. Tẩu vi thượng sách. sau vài lần, tôi học được phương pháp hữu hiệu nhất là dọt. Âu đó cũng là cơ hội gặp gỡ và làm quen với ông bạn già.
Nữ thực như miêu, cỡ mười lăm phút sau hai bà đã ăn xong và vì đã quá quen với tính nết kề cà của người uống rượu, họ rủ nhau lái xe ra Walmart gần đó mua vài thứ lặt vặt. Khi tiếng giập cửa vang lên báo hiệu cảnh trời êm gió lặng, tôi lững lờ lặp lại lời của một câu hát nào đó, “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người.” Ông bạn già sau đôi phút trầm ngâm. lên tiếng,
-Nếu nhận thực được rằng kẻ thù độc hại và ghê gớm nhất của mình lại là chính mình thì cũng cần nhận thực một điều đó là kẻ đối địch mang quyền năng vô song của mình phải là người thân thiết nhất của mình. Trời bày lắm cảnh trớ trêu, nhốt con người nơi ngục tù yêu thích nhất và lại cũng khốn khổ nhất. Với 67 tuổi đời, tôi cảm thấy mình đã có cuộc đời đáng sống, lương tâm không hổ thẹn mà ngược lại, tận đáy lòng tôi thành thực cảm ơn trời đã ban cho tôi cuộc đời, ngay cả những lầm lỗi như những cơ hội cho tôi biết sống ý thức hơn. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy nản lòng bởi chính những điều tốt lành, chân thành của mình đã trở thành cớ chẳng những khiến người khác mà ngay cả người thân thiết nhất của mình vấp phạm. Tôi không hiểu sao con người lại phải mang nỗi thương tâm này.
-Ông dùng ngôn từ thương tâm quả đích xác. Thực ra, lòng chân thành thực hiện ý hướng ngay lành cho dù người khác hiểu hay không hiểu thì chính mình đã biết và lẽ tất nhiên mình không bị lương tâm dằn vặt. Nhưng mối thương tâm thì không thể nào tránh thoát được; không phải mình thương hại hay bất mãn cho chính mình mà đó là nỗi đau lòng khi nhìn thấy những sự khổ ải xảy đến cho con người như kết quả của sự thiếu nhận thức. Nhiều khi tôi tự đặt vấn đề, mỗi người có cuộc đời riêng thì phỏng sự phiền hà tâm tư nơi mình khi đối diện với những điều không nên hoặc không đáng xảy đến với người nào đó có phải tại mình đa đoan. Nhưng nghĩ lại, hình như tâm hồn mình mang tần số cảm nhận lạ kỳ nào đó có đặc tính móc nối và liên kết với thực tại diễn biến xung quanh nên bị ảnh hưởng nếu không muốn nói đó là đức độ. Theo tôi nghĩ, mối thương tâm này được gọi là lòng thương xót nơi Phúc Âm hoặc tâm bồ đề nơi Phật học. Còn vấn đề ảnh hưởng sâu đậm hay nông cạn nơi mức độ nào thì lại tùy thuộc tính chất hoặc đức độ nội tại từng cá nhân.
-Ông nói quá đúng, chẳng nói đâu xa, ngay như vợ chồng tôi, ông với tôi tình thân thiết không khác gì anh em ruột thịt nếu không muốn nói là quá hơn ruột thịt bởi dù anh em ruột thịt cũng khó lòng mà cảm thông với nhau như ông và tôi xưa nay đã từng nói chuyện. Dẫu chung sống với nhau gần năm chục năm trời mà tôi vẫn cảm thấy một khoảng cách biệt vô cùng rộng lớn dẫu tôi đã cố gắng suy tư, tìm hiểu hy vọng có được phương cách nào đó thăng tiến nhận thức ít ra nơi lãnh vực tình nghĩa vợ chồng. Tôi biết bà ấy rất thương tôi, đây là thiên tính đặc biệt trời ban cho người Việt mình. Có thể nói, tình nghĩa vợ chồng hoàn toàn dựa trên tấm lòng rộng rãi, bao la của người đàn bà. Tuy nhiên, lòng rộng rãi này lại lệ thuộc nhịp đập con tim của họ cho nên lắm khi tôi muốn bị điên để khỏi phải nhận biết nhưng không điên được. Tôi nói thế có thể ông cho là quá, nhưng nếu nhìn nhận chín chắn, giới đàn ông chúng ta sống vì nghĩa nhiều hơn vì tình bởi vậy diễn biến cuộc đời mình được đặt trên căn bản suy nghĩ và tính toán chứ không bồng bột theo tình cảm nhất thời, và cũng chính vì thế mình thường mang ước vọng, dự đoán và thực hiện những công việc chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Khổ một nỗi, đối nghịch với dự tính và chuẩn bị, cảm ứng nhất thời theo tình cảm, ý thích của người bạn đời nhảy vô khuấy động phá nát tất cả. Yêu ai nên tốt và ghét ai nên xấu đó là cá tính của đại đa số đàn bà. Một khi họ đã thích, đã muốn bất cứ điều gì thì có lẽ đến trời sập họ cũng không cần biết như ông thấy những chuyện xảy ra nhan nhản nơi các gia đình chung quanh. Thực ra, hơn bốn năm nay tôi theo dõi và nhận biết thêm được một điều đó là hình như nơi nào cuộc sống con người tương đối được bảo đảm thì họ chỉ xử dụng lý trí để tìm cách sao cho có được nhiều tiền, tưởng rằng có tiền là có tất cả. Quả thật đáng tội!
-Ông có nghĩ rằng chỉ tại họ quá tin tưởng nơi sự trường tồn của những gì họ đang nắm giữ?
-Nói rằng tin tưởng nơi sự trường tồn của những gì đang nắm giữ. Tôi phục ông là người thanh lịch và lễ độ. Tôi dùng tiếng lễ độ có nghĩa ông mang đức độ khiêm nhượng và tôn trọng con người vì họ là người. Xin lỗi ông cho tôi dám thực lòng trình bày cảm nhận của mình. Nói theo kiểu bình dân, ông muốn ám chỉ họ quá ỷ y bởi tưởng rằng cuộc đời chẳng có chi đáng cho mình để ý mà mọi giá trị đều được đặt trên căn bản tiền bạc, cho rằng có tiền là có tất cả. Điều đau lòng tôi muốn nói bắt nguồn từ sự ngây thơ, thiếu suy tư. Có câu nói nào đó tôi chỉ nhớ mang máng, suy nghĩ là kiến tạo, người suy nghĩ là người tạo dựng. Đàng này, họ không đặt vấn đề mà tin tưởng rằng những gì đang có sẽ cứ như thế thì đâu cần chuẩn bị, toan tính cho những gì có thể xảy tới; rõ ràng họ quá non nớt nơi trường hợp bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tôi nghĩ, có lẽ tại đã quá thâm nhập với lề lối sống được bảo vệ bởi một nền văn hóa cổ truyền, nơi mà nền luân lý công cộng được mọi người thừa nhận trong khi điều kiện xã hội khắt khe không ngõ ngách dung thân cho những người muốn vượt thoát, tâm tình này đã trở thành căn nguyên cho sự đổ vỡ. Tôi thử hỏi ông, nơi đất Việt ngày xưa, một người đàn bà bỏ chồng rồi sẽ đi đâu? Ai cho trú ngụ và kiếm đâu ra công việc làm thuê mướn. làm lẽ không chấp nhận, làm vợ không ai ngó tới, sống nơi làng xã thì bị khinh khi thì dù muốn bỏ chồng cũng không có cách nào bỏ. Và thế rồi do sự tha hóa, lạm dụng, hoặc ỷ lại, người ta đã bày ra những trò ca tụng nào trinh tiết, nào đức hạnh. để khỏi phải đối đầu với những nhận thức, ý thức. Đùng một cái như tự trời rơi xuống, sang đến đất nước này họ phải đối diện với một nền văn hóa khác biệt tạo thành bước nhảy vọt chất chứa một khoảng trống, không có dù chỉ một vài vết tích của sự biến chuyển. Một chân trời mở rộng cho con người phát triển về mọi mặt nhưng mình không có căn bản để hội nhập thành ra bị hụt hẫng, thế nên điều tốt lành, khôn ngoan của dân bản xứ thì không cần biết bởi muốn biết phải khổ công, nhưng những chuyện chẳng ra gì lại cứ hồ hởi áp dụng tưởng rằng như thế mới hợp thời, hợp cảnh, mới văn minh, tiến bộ. Dĩ nhiên, bất cứ môi trường xã hội nào cũng có những điều hay và đồng thời cũng chất chứa những khổ ải cho con người. mà càng suy nghĩ tôi lại càng cảm thấy đau lòng. không hiểu dân mình gặp may hay dân mình bị đày ải!
-Bài học nào không phải trả giá và ai nên khôn không khốn một lần. Tuy nhiên có những cái khốn chỉ một lần xảy đến đã làm bại hoại không những cho một mà cả nhiều người liên hệ. Nhiều lần suy nghĩ về trường hợp của chính mình và dẫu đã có cơ hội ngồi nơi trường lớp hơn năm năm trời ráng hội nhập vào lối suy tư cũng như phản ứng đối với những sự việc xảy đến nơi cuộc sống, tôi vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng. Lắm khi sự thể xảy đến khiến mình chới với, bao nhiêu kiến thức học hỏi, suy luận, kinh nghiệm trường đời có thể nói chỉ giống như những bản nhạc thời trang đã đi vào quên lãng, không thể nào giúp ích chi để giải quyết thực tại chẳng ngờ. Tôi cảm thấy mình chẳng khác gì con cá bị bỏ vô thùng dầu bắt buộc phải thở, phải bơi. Con cá Việt Nam bị bỏ vô thùng dầu văn hóa Mỹ thì dẫu cho loại dầu ngon đến mấy, quý đến mấy cũng chỉ chết ngộp thì nói gì đến chuyện bơi lội. Tôi không dám nghĩ tới thế hệ người Việt tiếp nối sẽ ra sao nơi đất nước này, chỉ cảm nhận được những gì đã và đang xảy đến chính là sản phẩm của cuộc giao tranh văn hóa mà kết quả phát sinh thế nào lại tùy thuộc sự nhận thức và phản ứng nơi mỗi người. Ông nói đến nỗi thương tâm về sự bất hạnh không đáng và càng không nên xảy đến nơi những gia đình người Việt. Ai mang giòng máu Việt không cảm thấy đau xót khi chỉ thoạt mới nghe đến gia đình nào đó tan vỡ, và càng cảm thấy thấm thía hơn khi có chút suy tư tìm hiểu lý do tại sao. Thế nên, vấn đề được đặt ra lại là phải làm thế nào để ngăn ngừa những chuyện không nên và không đáng xảy ra. có thể trờ tới. Phỏng những người trong cuộc họ đã nghĩ gì, có đã chuẩn bị và thực hiện những gì để bảo vệ hạnh phúc đã có và đang được hưởng hay không?
-Nói như vậy thì sự việc chẳng nên xảy đến tùy thuộc nhận thức của những người trong cuộc. Nếu không mở rộng tâm hồn đặt vấn đề về những gì đã và đang xảy ra để dự liệu chuyện có thể xảy tới với mình một ngày nào đó hầu tìm phương cách và chuẩn bị ngăn ngừa, tất cả những chuyện xảy đến đều do thái độ ỷ y của mình. Hèn chi trời không có tai vì nếu có tai chỉ cướp mất cơ hội thăng tiến của con người.
Tiếng xe tiến vào garage. và tiếng mở cửa cắt ngang lời ông bạn. Hai bà bước vô nhà líu lo chuyện mua bán. và cũng tới giờ vợ chồng tôi ra về nhường bầu không khí tĩnh mịch cho đôi vợ chồng già. Tôi ra xe nhưng tâm trí mãi tận đâu đâu không để ý những lời bà xã kể lể về chuyện mua bán. Bỗng có tiếng còi hụ phía sau và ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy rối lên. Mãi suy nghĩ mông lung, tôi đã vượt đèn đỏ nơi một ngã tư vắng xe cộ mà không để ý.
-Lái xe mà không để ý đèn đỏ.
-Ừ nhỉ, em nhìn thấy đèn đỏ sao không nói anh ngưng lại trước đó vài giây.
-Chỉ được nước cứ hếch mắt lên lại còn cãi cối.
Tôi nào dám cãi chi đâu, lòng thầm so sánh luật đi đường với thân phận con người trong thời giao mùa văn hóa. Những đèn đỏ nơi sự liên hệ vợ chồng đã không được nhìn thấy hay cố tình bị lãng quên thì giá phải trả là sự ly dị mang sầu hận cả một đời người. Nhưng khổ nỗi, loại đèn tiên báo tình nghĩa ẩn tàng không hình không sắc thì sao với con mắt bình thường có thể nhận thấy!
lmt