Re:Truyện Ngắn Lã Mộng Thường
-
21.11.2017 13:51:44
LÒNG TIN
(Những câu Kinh Thánh trích từ bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn, DCCT.)
Có câu nói, "Bất cứ ý tưởng lớn lao nào thuở ban đầu đều bị coi là phạm thượng." Dĩ nhiên, câu nói này không có nghĩa ngược lại vì những câu nói phạm thượng không thể nào trở thành ý tưởng vĩ đại. Có thể những ý tưởng lớn lao thuở ban đầu được cho là phạm thượng bởi đại đa số con người vào thời điểm ấy chưa thể hiểu nổi do tâm trí hay nhận thức chưa mở rộng đủ để chấp nhận, hoặc ý tưởng đó phần nào đe dọa có thể làm mất vị thế của một số người đang được những quan niệm, những hệ thống luân lý, giáo điều, xưa nay đã và đang ủng hộ. Cũng có thể vì e ngại ý tưởng ấy mở rộng chiều hướng nhận thức giúp con người thay đổi nhãn quan khi đối diện thực tại tạo nên ảnh hưởng làm thiệt hại những mối lợi thế tục của một số thành phần còn đang cố bám víu vào nhãn quan hạn hẹp đầy thành kiến, lỗi thời, nên e rằng sẽ bị thua thiệt, do đó đã lạm dụng vị thế hầu cả vú lấp miệng em mà lên án. Cũng có thể ý tưởng ấy thách đố sự thay đổi tất cả mọi chiều hướng tư duy, đe dọa làm đảo lộn hoặc phá bỏ lề lối suy tư cũ để thay thế vào đó những viễn ảnh mới đòi hỏi con người mở rộng cửa lòng dấn bước vào tiến trình hoàn toàn xa lạ, tạo nơi tâm tưởng mối e ngại mất gốc, chẳng có gì quen thuộc hòng nương tựa nên ngại ngùng đành chấp nhận chối bỏ mong có được nỗi an bình ru ngủ mà lòng thực sự chấp nhận sự trốn chạy đối diện với những thách đố thăng tiến tâm tư. Nếu chân thành nhìn nhận thực tại thẳm sâu nơi cõi lòng, càng ù lỳ không chịu cải thiện, càng trốn tránh đối diện với những phiền hà thao thức cần nhiều cố gắng tư duy, hoặc lạm dụng điều chẳng nên đang được chấp nhận như kết quả của vô minh nơi nhân thế, con người lại càng cảm thấy ray rứt, giẫy dụa vì thèm khát thoát khỏi hiện trạng cố tình che dấu hay cố tình chấp nhận cho qua do áp lực huyền nhiệm nào đó không ngừng nghỉ khuyến khích thức tỉnh, lột bỏ mặt nạ để nhận thực trạng huống bẽ bàng do đối diện sự thấp hèn nơi lòng mình như bước khởi đầu cho tiến trình thăng hóa tâm linh đang mời gọi. Còn lại là phần đông những tâm hồn không dám suy nghĩ, tránh nhận thức vì e ngại bị cho là sai lầm, chỉ miễn sao sống cho qua kiếp người thế nên chấp nhận hùa theo đại đa số một cách hình thức giống kiểu theo đóm ăn tàn, người ta sao mình vậy cho yên thân, nói rằng tin tưởng nơi một Đấng quyền năng nào đó nhưng thực sự vô thần bởi e sợ, kinh khiếp sự luận phạt chứ không cần biết mình là ai và tại sao phải chấp nhận những khuôn mẫu được vạch sẵn để rồi mu mơ cảm thấy mình sống cũng như chết do sự chấp nhận đã được sinh ra thì phải sống, sống vương vất cho qua ngày đoạn tháng, chấp nhận yêu đời mà sống lâu dần rồi cũng thành quen, một thói quen khổ ải thấm nhập tận xương tủy không có không thể sống nổi.
Con người nhận biết sự vật và sự việc chung quanh qua ngũ quan; sự nhận biết này dẫn đến nhận thức tùy thuộc kinh nghiệm để kiến tạo ý thức đồng thời phát sinh phản ứng trong mỗi trường hợp. Những sự kiện ghi lại nơi tâm trí kinh nghiệm và nhiều kinh nghiệm được tích trữ dần dần chuyển biến thành tiềm thức điều khiển thái độ và phản ứng của con người khi đối diện với những sự kiện xảy ra nơi các trường hợp khác nhau tiếp diễn trong cuộc sống. Như vậy, qua sự giao tiếp với ngoại vật, con người tự thiết lập cho mình hệ thống nhận thức, một phương cách tổng hợp và chọn lựa sự liên hệ của những dữ kiện tùy thuộc trường hợp và điều kiện để phát sinh ý thức, nhận định, quyết định, và phản ứng, v.v... lệ thuộc phần nào vào tiềm thức. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng sự nhận thức của con người, và lẽ đương nhiên, yếu tố đầu tiên dễ nhận biết là ngũ quan. Không ai có thể nhờ các cảm quan giải thích cho một người mù từ thuở sơ sanh cảm nhận và phân biệt được thế nào là màu xanh hay màu đỏ hoặc thông đạt cho người bị câm và điếc lúc mới lọt lòng mẹ cảm nhận được sự hòa hợp và nét quyến rũ tuyệt vời của âm nhạc. Thiếu yếu tố giác quan, con người không thể liên lạc với thế giới chung quanh; đồng thời, thiếu sự liên lạc này, con người không thể có ý niệm tạo nhận thức. Chẳng những thế, nếu ngũ quan nào đó bị sai lệch cũng ảnh hưởng sự cảm nhận về phương diện ấy và có khi gây thêm ảnh hưởng liên hệ đến toàn bộ nhận thức của con người.
Hơn nữa, sự nhận thức còn bị ảnh hưởng bởi bản chất cá nhân, những ý niệm, quan niệm, kinh nghiệm, giáo dục nơi xã hội v.v... Hầu hết ai cũng sợ rắn vì đã nghe về sự độc hại của nọc rắn mặc dầu có những loại rắn không có nọc độc mà chỉ giúp ích cho con người như king snake, màu đen dài thoòng trông thật đáng sợ ở Mississippi chỉ ăn chuột bọ và tiêu diệt các loại rắn khác có nọc độc. Đối với những người đã nếm mùi cay đắng, đau khổ vì tình phụ, thật khó lòng cho họ có lại được tình yêu đơn thuần, trọn vẹn với người khác phái, hay những người sinh trưởng trong một môi trường xã hội chèn ép, vô luân, và man rợ, không dễ chi giúp họ có được lòng tin tưởng nơi sự tốt lành của những người chung quanh. Xét về phương diện tâm lý, sự nhận xét, phán đoán thái độ, ý nghĩ của người khác, thường lại là phản ứng, ý nghĩ nơi chính bản thân mình vì thực ra những nhận xét này là kết quả tổng hợp phản ảnh được tạo nên do ảnh hưởng tâm lý, kinh nghiệm, điều kiện môi trường, của người nhận xét. Lẽ dĩ nhiên, đối tượng mang bản chất khác, có kinh nghiệm, tâm lý khác, được giáo dục, mang những ý niệm khác, nên dẫu bên ngoài có thái độ tương tự theo nhãn quan nhận xét của mình, chắc chắn không mang tâm tình như mình nghĩ.
Ngoài ảnh hưởng của ngũ quan, con người còn bị ảnh hưởng bởi ý niệm, quan niệm, cùng với dữ kiện tạo nên những nhận thức khác nhau; chính vì vậy, không ai lạ gì đã có những chủ thuyết duy tâm, duy vật, duy lý, duy sinh, duy linh, duy tịnh... Những chủ thuyết này đặt yếu tố nào đó làm căn bản, phân tích và biện chứng những ảnh hưởng của yếu tố ấy đến những cơ cấu khác nơi con người để rồi cho rằng con người chỉ lệ thuộc một yếu tố căn bản ấy mà thôi do đó mang nặng tính chất thiên kiến, không đạt tới được sự nhận thức toàn bộ. Con người đâu phải chỉ đơn giản có cuộc sống xác thân và chết là hết như duy vật chủ trương. Dẫu thế, chính ước muốn minh chứng con người thuộc duy vật đã không duy vật chút nào. Nhìn một cách bao quát, con người mang tính chất "duy đủ thứ," và tùy môi trường xã hội ảnh hưởng thể chất, tâm linh nên có khuynh hướng thiên nhiều về một duy nào đó hơn các duy khác. Như vậy, đã duy đủ thứ thì lại chẳng thể nào gọi là duy vì càng duy chỉ càng không thấy tính chất người.
Ảnh hưởng giáo dục, thói quen, phong tục tập quán lề lối của môi trường sống trong xã hội, đóng một vai trò lớn lao không những nơi tiến trình nhận thức của con người mà còn khuôn mẫu lề lối suy tư, cách ăn nết ở, và ngay cả tâm tính, phản ứng, trước một số sự kiện xảy đến theo những mô thức nhất định tùy thuộc thời gian và không gian mà tập đoàn con người tại thời điểm ấy chấp nhận được gọi là quy luật xã hội, sự bó buộc mọi người nơi xã hội ấy phải tuân theo như một định luật của sự sống còn nếu cá nhân muốn được hội nhập và chấp nhận, dẫu những quy luật này bắt nguồn vì bất cứ lý do nào hoặc bị một thiểu số lạm dụng hoặc vì lợi ích chung cho sự sinh hoạt hòa hợp của tất cả. Lý do gì khiến người Do Thái cho rằng heo là con vật nhơ uế? Tại sao một số dân Ấn thờ bò? Quyền lực nào ép buộc dân Việt có quan niệm môn đăng hộ đối nơi vấn đề hôn nhân của con cái, những nghi thức phải thế nọ, phải thế kia trong đình đám, tang ma?
Cuộc sống hữu hình tạo thành thói quen, khuôn mẫu quan niệm, và ảnh hưởng sự nhận thức nơi con người, đồng thời thiết lập những hàng rào ngăn cản nếu không muốn nói là giới hạn sự phát triển tri thức trong khuôn khổ nào đó. Thế nên, bất cứ ai dám nói lên những ý tưởng hoặc sống không phù hợp theo thói quen suy nghĩ và nhận định của đa số sẽ khó được chấp nhận và có thể nhiều khi bị lên án. Một thí dụ đơn giản, đi chân trần làm ruộng, rẫy, nơi đồng quê Việt Nam hoặc nơi buôn làng người Thượng là điều rất bình thường, ngược lại, nơi những tiệm ăn sang trọng, nào ai chấp nhận cho kẻ đi chân không bước vào! Cuộc sống ảnh hưởng sự khuôn mẫu hóa nhận thức, gò ép con người không dám suy nghĩ tự nhiên mà phải chấp nhận những gì mọi người chung quanh chấp nhận làm căn bản. Bởi dựa trên những nhận thức khuôn mẫu, sự suy tư của con người đã bị uốn nắn, ngăn chận, nên làm lệch lạc tiến trình nhận định thực thể sự việc. Chính vì vậy, chẳng lạ gì hầu hết mọi người đều không biết mình sống để làm gì, không thể nhận định rõ ràng mục đích của cuộc sống thân xác đã được sinh ra, và càng không thể hiểu nổi thực sự mình là ai. Nói cách khác, đầu óc con người đã bị khuôn mẫu hóa tạo nên kết quả là những ưu tư, u uất, khắc khoải trong sự chấp nhận đã được sinh ra thì phải sống mà không biết sống để làm gì nên cố tìm kiếm những niềm vui thế tục như mục đích của đời người. Chẳng lạ gì, con người đích thực đã bị những khuôn mẫu thế tục bao vây, và con đường đi tới đã bị lấp kín nên được tưởng chừng như xa xôi diệu vợi.
Thử đặt vấn đề, thân xác con người gồm đầu óc, tay chân, thân mình, tim, gan, phèo, phổi. Tuy được phân biệt như thế nhưng tất cả chỉ là một; không ai có thể cắt trái tim bỏ lên bàn mà thân xác và trái tim có thể sống tách biệt; tương tự như vậy, bộ óc, gan, phổi v.v... đối với thân xác cũng chỉ là một. Một người ngồi trước bữa ăn thịnh soạn gồm có những đĩa thịt quay, cá nướng, tôm kho, rau xào, mùi vị hấp dẫn. Những món ăn tuyệt hảo ấy được gắp bỏ vô miệng thưởng thức nhưng thay vì nuốt qua cổ họng xuống dạ dày, người ấy nhổ miếng ăn vừa nhai xong vào một chiếc chén khác. Chắc chắn rằng chính người đó không dám ăn lại miếng ăn vừa được nhổ ra vì cho là dơ, bẩn. Tại sao gọi là dơ bẩn, không ai giải thích được lý do. Thế nên nhận thức dơ bẩn này chỉ là kết quả của sự quen thói quan niệm vì miếng ăn dù nuốt xuống hay nhổ ra cũng chỉ là một... nuốt xuống được cho là sạch, tốt lành, mà vừa nhổ ra đã bị coi là dơ. Thời gian được chia thành ngày và đêm theo kinh nghiệm hiển nhiên; nhận thức thực tại này ai cũng có; ban ngày thì sáng bởi có ánh mặt trời; ban đêm thì tối bởi không có ánh mặt trời chiếu sáng. Giả sử một người dùng phi thuyền bay vào không gian cách xa trái đất... Nơi không gian vô tận, mặt trời luôn luôn chiếu sáng; trái đất quay vẫn quay... và sự phân biệt giới hạn ngày đêm không có trong vũ trụ vì lúc nào cũng như thế...
Qua ba mẫu dữ kiện thực tại đơn giản luôn luôn xảy ra trước mắt mọi người bất cứ lúc nào, phỏng ai dám nghĩ rằng những nhận thức về thực tại của mình luôn luôn đúng? Có lẽ phải nghĩ ngược lại! Những dữ kiện trước mắt mà con người đã nhận thức khác biệt với thực thể thực tại thì phỏng nhận thức suy tư lấy giá trị gốc gác nào làm căn bản. Dữ kiện đem đến nhận thức tạo thành và hỗ tương với tri thức để sinh ra ý thức đưa đến quyết định rồi được phản ứng. Nếu sự nhận thức đã không đạt tới thực thể dữ kiện, tất cả hành trình kiến tạo phản ứng, nói cách khác, sự nhận thức hòa hợp liên đới của con người và tạo vật chắc chắn sẽ càng ngày càng chỉ là khoảng cách lớn lao, tách biệt con người với thực thể vạn vật. Có thể nói, đây là cội rễ của nét buồn muôn thuở do lòng khát khao vô tận tìm về bản thể đích thực của con người nơi kiếp sống hữu hình bởi nhận thức về thực tại qua ngũ quan thiếu trung thực. Tất nhiên, nếu sự nhận thức đã thiếu trung thực, ý niệm, ý thức, nhận định, óc sáng tạo, v.v... sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền đưa đến những chủ thuyết, quan niệm không đúng đắn dẫn dắt tâm tưởng càng ngày càng đi vào lầm lạc xa dần sự nhận biết bản thể đích thực của mình.
Xưa nay, ai không nghĩ rằng câu nói: "Được chim quên ná, được cá quên nơm..." nơi tục ngữ nói lên tính chất của những kẻ vô ơn đồng thời ám chỉ lời khuyên luân lý mang nghĩa răn dạy người đời nên biết ơn những ai đã giúp mình. Tuy nhiên, nếu qua sông không rời đò để tiếp tục quãng đường còn lại sao một người có thể đi tới điểm định? Nếu đã nhận thức được ý tưởng mà còn lệ thuộc vào ngôn từ, cách diễn giải, để rồi giới hạn ý nghĩa của ngụ ngôn hoặc câu chuyện trong khuôn khổ hạn hẹp, gò bó, con người đã tự đóng tai, bịt mắt không chấp nhận những gì bị cho rằng không phù hợp theo quan điểm của mình, nói cách khác, đã không muốn tìm hiểu để thăng tiến. Bắn được chim, bắt được cá mà vẫn cứ khư khư ôm ấp cái ná, cái nơm thì sao có được bữa ăn hấp dẫn với món chim quay hay cá nướng? Thế nên, người được chim quên ná chưa chắc đã tỏ ra vô ơn với cái ná, và được cá quên nơm lại chính là điều nên không những trong lãnh vực thực tế mà còn được áp dụng trong lãnh vực suy tư.
Nhìn tổng quát hơn về thân phận con người, ai không thấy câu, "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro" là thực trạng của mọi sự vật trong tiến trình biến hóa của tạo vật. Dẫu cho bất cứ ai sống bao lâu chăng nữa cũng không thoát khỏi sự chết để rồi thân xác tan rã trở thành bụi đất, hoặc nếu thân xác ấy được đem tẩm liệm cách nào đó để giữ hình hài khỏi bị hư thối thì cũng chỉ là một thân xác vô tri, vô giác, bất động, không cảm nhận. Dẫu sự vật nào đó mang tính chất bền vững cách mấy thì cũng có ngày tan biến thành hư không, chẳng để lại hình hài dưới bất cứ dạng thức nào con mắt trần có thể nhìn thấy. Thế nên, nhận thức thực trạng con người được sinh ra có một thân xác chóng qua, có hình hài trong quãng thời gian giới hạn để rồi lại tan biến vào hư không đã tạo nên câu nói "con người là bụi tro và sẽ trở về tro bụi." Tuy nhiên, nếu chấp nhận đơn giản thực trạng như thế, con người đã thiếu sót hoặc quên không nhận định đầy đủ về con người. Chẳng hạn, con mắt nào được dùng để nhìn trong giấc mơ khi một người ngủ, lúc ấy đôi mắt thịt hoàn toàn ngưng hoạt động và đến ngay cả thân xác con người cũng bị tạm quên, không được nhận thức? Khoa tâm lý học, tâm lý bệnh học, trả lời đó là hiện tượng di ảnh của tiềm thức, gợi lại những sự việc đã qua nơi trí não. Nói như thế câu hỏi được đặt ra qua kinh nghiệm, ai cũng có một vài giấc mơ không lệ thuộc tiềm thức mà mãi một vài năm hoặc cả một thời gian ít chục năm sau sự kiện đã được mơ mới xảy đến khiến người mơ ngạc nhiên cảm thấy hình như đã thực sự gặp sự kiện này trong quá khứ; vậy sự nhìn thấy những hình ảnh trước khi xảy ra do con mắt nào? Hơn nữa, xét theo kinh nghiệm, con người chỉ có thể hiểu được hoặc cảm nhận được những sự kiện đối tượng như hiện tượng phản chiếu những dữ kiện đã trải qua trong quá khứ, nằm sâu nơi tiềm thức. Nói cách khác, những gì con người có thể nhận thức được thì đã được biết sẵn hoặc đã kinh nghiệm; những diễn tiến thực tại, những nhận thức có thể chỉ là sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu." Tuy nhiên, có những nhận thức một người chưa bao giờ có kinh nghiệm hoặc được học hỏi làm sao có thể coi được là đồng khí tương cầu? Câu trả lời dẫn con người tới ngưỡng cửa một thế giới lạ lùng vô thức, kho tàng huyền nhiệm chất chứa sẵn những tri thức ít được để ý nếu không muốn nói hầu hết không ai để ý. Từ những nhận định này, câu nói: "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro" đã chỉ mang ý nghĩa: hỡi người, hãy nhớ thân xác mình là tro bụi và nó sẽ trở về bụi tro. Con người không phải chỉ là xác thân chóng qua mà còn bao gồm một thực thể siêu linh có con mắt nhìn trong giấc mơ mà Phật học gọi là huệ nhãn hay tuệ nhãn; thực thể siêu linh này hàm chứa kho tàng vô thức, sự hiểu biết con người tự có sẵn làm căn bản cho những sự nhận thức nơi cuộc sống hữu hình.
Những nhận định trên minh chứng con người từ bản chất xác thân đến tri thức đã bị giới hạn do sự nhận thức không trung thực qua ngũ quan đối với thực tại hiện hữu, hữu hình và vô hình, cũng như thiếu sự nhận thực về bản thể đích thực của mình. Thực tại hữu hình minh chứng, con người không thể sống dưới nước như loài thủy tộc, không thể di chuyển tự do như loài chim muông trên bầu trời, và cũng chẳng có sức mạnh bản chất chống chọi với sự thay đổi của thời tiết, thiên nhiên bằng thú vật. Sự tự do nơi cuộc sống của con người bị giới hạn như con cá trong hồ, tha hồ vẫy vùng dưới nước, loanh quanh luẩn quẩn giữa sự bao vây của những bức thành không cho nước thoát, và khi nước hết, cá phải chết. Giới hạn thời gian của cuộc sống đã là nguồn gốc cho không biết bao nhiêu cố gắng của nhân sinh chống chọi với thần chết từ tâm tưởng đến hành vi. Bao nhiêu người chấp nhận sự chết như một lẽ thường, đã sinh ra thì phải chết! Bao nhiêu người e sợ cái chết để rồi đã trở thành công cụ của những tội ác làm hại nhân sinh, phải tuân theo những mệnh lệnh chính mình không muốn thực hiện. Tuy nhiên, dù cố gắng cách nào để kéo dài cuộc sống thì cuối cùng mọi người cũng phải bước qua ngưỡng cửa sự chết của xác thân. Phỏng con người được sinh ra để rồi chết? Phỏng sự chết là cùng đích của cuộc sống hay chỉ là phương tiện cho con người thăng tiến, phương tiện cho con người bước vào thế giới vô hình? Phỏng những người nghĩ rằng con người có tự do tuyệt đối với thân xác của mình có thể kéo dài thêm cuộc sống để chống đối sự tàn rữa của xác thân sau khi chết? Nếu chưa ai có thể nhân danh tự do tuyệt đối của con người đối với xác thân để có thể kéo dài thêm cuộc đời thì có lẽ sự tự do tuyệt đối nơi thân xác chỉ là sự tự do chấp nhận con người hữu hình giới hạn vì dẫu không chấp nhận, việc đến cũng sẽ đến, không đường tránh thoát.
Xét về giới hạn tư tưởng, tâm linh, tự do tư tưởng nếu chỉ được hiểu muốn nghĩ gì thì nghĩ, mơ ước chi thì mơ, chắc chắn vẫn còn bị lệ thuộc bởi những bản chất, tâm tính, nhận thức cá nhân, quan niệm, học thức do giáo dục đồng thời với sự ảnh hưởng của môi trường và điều kiện sống đã tạo nên thực thể là chính người suy tư. Điều đơn giản nhất ai cũng có thể nhận thấy, đó là ý thích hay lối nhìn đã ảnh hưởng khiến nhận định về cùng một sự kiện của hai người khác nhau. Có đôi vợ chồng xồn xồn thăm sở thú lộ thiên, thấy một chú nai xinh xinh đang ngơ ngác nhìn khách lãng du dạo bước, chị vợ cảm ứng nói với chồng, "Coi kìa anh, con nai vàng ngơ ngác dễ thương quá." Người chồng nhìn thấy con nai chợt buột miệng, "Ồ, con nai đó mà thái tái thì tuyệt" khiến chị vợ đang cảm nhận khung cảnh thơ mộng bị cụt hứng tức cảnh sinh tình...
Khi nhận thức đã bị ảnh hưởng bởi nhiều điều kiện sống, quan niệm, ý niệm, tư tưởng của con người cũng không tránh khỏi những sự ảnh hưởng này; như thế tư tưởng đã không còn được hoàn toàn tự do. Vì vậy, muốn thực sự có nhận thức, tư tưởng hoàn toàn tự do, mọi đầu mối ảnh hưởng, mọi quan niệm đã được nhồi sọ do giáo dục, do môi trường sống nơi xã hội cũng cần phải được gạt bỏ hầu con người tiếp nhận sự nhận thức thực tại không lệ thuộc bất cứ khuynh hướng, thành kiến, hay ý thích, ý niệm nào đã và đang ảnh hưởng tạo nên những cặp mắt kiếng kinh nghiệm khiến sự nhận thức bị thiên lệch. Lý do gì đã tạo nên hai phản ứng đối nghịch về chỉ một trái ớt. Người này cho rằng có ớt nhậu ngon hơn, món ăn trở thành đậm đà hơn, và kẻ khác lại không hề dám nhúng đũa nếu món ăn nào đó đã được thêm ớt cho cay. Vì đâu cũng cùng một câu truyện, người cho là ý vị, kẻ nói rằng vô duyên. Màu nào không là màu mà kẻ thích áo màu này, người không bao giờ mặc áo màu kia? Vì lý do gì đa số tín đồ tôn giáo đều cùng cho rằng Đấng Tạo Hóa mình tôn thờ là độc nhất mà Đấng Tạo Hóa độc nhất của tôn giáo này lại quan niệm không giống Đấng Tạo Hóa độc nhất của tôn giáo kia? Tại sao lại có những quan niệm cho rằng con người chỉ là duy tâm hoặc duy vật hoặc duy linh? Nhìn tổng quan, những ảnh hưởng do thể chất xác thân hoặc bất cứ quan niệm, ý niệm, chiều hướng, ước muốn nào đến sự nhận thức đều làm sai lệch tiến trình tâm linh, hành trình tìm về bản thể đích thực của con người. Nói cách khác, con người có tự do nhận thức thực sự chỉ khi nào không lệ thuộc bất cứ điều kiện nào sẵn có dù nội hay ngoại tại của chủ thể suy tư. Một người còn đang đầm mình nơi vũng lầy bùn xình nếu muốn được sạch, chỉ có một phương cách sao cho thoát ra khỏi vũng lầy mới không bị ảnh hưởng vương bùn bẩn thỉu.
Đâu là câu trả lời về con người là gì, như thế nào, có sự liên hệ với thế giới chung quanh, với vũ trụ ra sao? Tôi là ai? Vị thế, liên hệ, bản thể đích thực của tôi là gì? Tại sao tôi được sinh ra, có cuộc sống hữu hình và khi xác thân này chết, tan rã thành bụi đất hoặc được thiêu đốt trở thành làn khí hòa lẫn vào không gian tôi còn lại gì, đi về đâu? Từ những dữ kiện có thể cảm nhận được, tiên vàn, tôi có một thân xác hữu hình, sống động. Hòa hợp với thân xác này, tôi cũng có những khả năng vô hình như lý trí, nhận thức, suy tư, học vấn, kinh nghiệm, ước muốn, v.v... đồng thời có thêm những khả năng chuyển biến suy tư vô hình thành hữu hình chẳng hạn dùng bút để vẽ ý niệm hình sao bẩy cánh không đều nhau có thể nhìn thấy hoặc dùng ngôn ngữ để diễn đạt và truyền thông phần nào tư tưởng, ý nghĩ của mình cho người khác. Như vậy, tôi bao gồm phần hữu hình là xác thân hòa hợp với phần vô hình là tư tưởng có mối liên hệ không thể tách rời ra khỏi cuộc đời trong thời gian hữu hình. Mỗi phần dù hữu hình hay vô hình cũng gồm có nhiều thành phần khác liên kết lại và tất cả tổng hợp thành một thực thể phức tạp có cuộc sống.
Có định luật cao siêu nào đó sắp xếp và điều hành sự hòa hợp toàn bộ con người tôi. Điều lạ lùng nhưng lại xảy ra rất thường, định luật này cũng được áp dụng và điều hành sự hòa hợp nơi những con người khác. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt xảy ra vì lý do nào đó, mọi người đều có cặp mắt, một cái mũi, miệng, trong miệng có răng và lưỡi, phía dưới miệng là cằm... hai tai thì ở hai bên đầu đúng vị trí tương đồng trên mặt, v.v... hòa hợp với cơ thể bao gồm những thành phần khác biệt được cấu tạo quá ư phức tạp, mang những nhiệm vụ khác nhau mà tựu trung tất cả được xếp đặt hợp lý, hợp tình, tạo nên một cơ cấu hữu hình khó lòng hiểu nổi. Quyền lực hay định luật nào đã ảnh hưởng để mỗi phần của cơ thể được xếp đặt đúng vị trí trong sự liên hợp phức tạp tạo thành thân xác con người? Mỗi chi thể mang một nhiệm vụ và có cơ cấu riêng mà những chi thể khác không thể thay thế thay vì bổ túc. Tại sao cặp mắt không mọc ở sau lưng và cái miệng nơi đầu gối hoặc cái mũi nằm trên đỉnh đầu, mà mọi người, dẫu khác biệt màu da, ánh mắt, hoặc cơ thể lớn nhỏ không cùng cỡ, đều có thân xác rập theo một khuôn mẫu mặc dầu được sinh ra từ những người mẹ riêng biệt. Quyền lực này ảnh hưởng mọi thứ tự nơi thân xác trong cả cuộc đời của tôi vì da mặt không trở nên dày như da chân, cặp môi không bao giờ sinh móng như những ngón tay, hoặc cái lưỡi nếu mà mọc tóc thì có lẽ đã tạo nên lắm chuyện rắc rối. Cơ quan nào trong thân thể chu toàn nhiệm vụ ấy theo một thứ tự lạ kỳ khó mà hiểu nổi.
Không phải chỉ ở con người mới có định luật huyền nhiệm bao bọc mà nơi loài chim muông, thú vật, cũng như cây cỏ đều chứng tỏ có một động lực siêu việt nào đó sắp xếp theo mọi thứ tự tùy thuộc mỗi loài, mỗi nơi. Một con chim, con gà, đẻ trứng, và chỉ sau hơn kém hai mươi ngày ấp, chiếc trứng nở ra con chim, con gà, nhỏ bé có đầy đủ bộ phận sinh sống, cùng một khuôn mẫu thuộc loại của nó. Ít bữa sau, nó biết bay, biết hót, biết kêu quang quác... Con chim không kêu giống như con gà nhưng biết hót; nào có ai dạy nó hót đâu, thế mà âm thanh từ cái cổ bé chút xíu phát ra líu lo những cung nhạc của đồng loại. Tiếng chim hót khác biệt hẳn tiếng gà kêu, và con chó sủa lại khác loài bò rống. Điều lạ lùng ai cũng có thể nhận thấy đó là loài chó không bao giờ sinh ra con bò cũng như chưa con bò nào đẻ ra con cọp hay sư tử hoặc ngược lại.
Nhiều thế giới không kém lạ lùng là loài cây cỏ, côn trùng, cơ cấu và sự sống của những sinh vật dưới biển, vi khuẩn, đất đá, nguyên tử, phân tử, v.v... Dĩ nhiên, không thể nào do vô tình hoặc chẳng ngờ mà những cây cối cùng loại có cơ cấu giống nhau và sự sinh trưởng, truyền giống tùy thuộc điều kiện như nhau. Gỗ, da, lá, hoa, quả, của cây bằng lăng không giống gỗ, da, lá, hoa, quả, của cây ổi. Có những loài cá sinh con, không bao giờ đẻ trứng; ngược lại, có những loại cá chỉ đẻ trứng và không bao giờ sinh con. Loại cá hồi cứ tới mùa tự biết bơi ngược dòng sông tìm về nguồn nước ngọt để sinh sản mặc dầu phải vượt qua biết bao ghềnh thác trong khi suốt quãng đời của nó lớn lên ở biển cả. Những nhà nghiên cứu sinh vật còn chứng minh các loại nhệch nước mặn cho dù thuộc Á Châu, Âu Châu, Úc Châu, Phi Châu, hay Mỹ Châu, có tính chất và hình dạng hơi khác nhau đều được sinh sản tại quần đảo Bermuda. Các con nhệch nhỏ bé sinh ra tại đây không biết gì quê quán của cha mẹ chúng thế mà đã có thể bơi một mạch về đúng nơi đúng chỗ, giống nào về danh địa giống đó. Người ta không thể tìm thấy một con nhệch vùng biển, hồ, Việt Nam ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, và ngược lại, không bao giờ có loại nhệch Pháp lạc loài nơi vùng Đông Nam Á.
Trong thế giới loài vật, côn trùng, loài nào giống ấy có hình thể và cơ cấu riêng, và chỉ những loại cùng giống mới có thể hòa hợp cho lai giống. Những loại động vật hoặc côn trùng sinh sản rất mau lẹ nhưng lại bị một định luật nào đó giới hạn qua cơ cấu thân thể trong khuôn khổ nhất định nên đã không phát triển quá mức đến độ tràn lan khắp mặt đất. Máu thú vật không thể hòa hợp với máu con người cũng như nhiễm sắc thể nơi con người hoàn toàn khác biệt với con vật nên không thể nào có chuyện pha giống giữa người và thú vật hoặc giữa loài vật này với loài vật kia khác giống.
Các nhà nghiên cứu về vật lý nói rằng cơ cấu của một nguyên tử nhỏ đến độ con mắt trần không sao nhìn thấy bao gồm một dương điện tử ở trung tâm và những âm điện tử chạy chung quanh tương tự như cơ cấu lớn lao của hệ thống mặt trời hoặc cơ cấu của toàn thể vũ trụ bao la con người không sao dò thấu dù với những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất của khoa học ngày nay. Phỏng sự tương đồng cơ cấu này có thể được gọi là ngẫu nhiên? Quyền năng siêu việt nào đã kiến tạo vạn vật và an bài chúng chuyển biến tùy thuộc định luật huyền nhiệm quá sức tưởng tượng của trí óc loài người như thế? Phỏng vũ trụ, thái dương hệ, trái đất, ngẫu nhiên mà có, và rồi lại cũng ngẫu nhiên cây chanh không sinh trái hồng, hoặc cây mít không sinh ra bông mướp? Nếu ngẫu nhiên mà có được những sự cả thể từ nhỏ đến vĩ đại đối với con mắt loài người, chắc chắn sẽ có không biết bao cây chanh sinh trái mướp và những cây mướp cũng ngẫu nhiên sinh những trái chanh; con mắt sẽ ở lỗ tai và những cái mũi mọc nơi đỉnh đầu. Từ sự biến chuyển của nguyên tử hòa hợp thành đất đá, mây mưa, sự sống của vi khuẩn, cây cỏ, chim trời, cá biển, thú vật, con người, những hành tinh, định tinh luân chuyển nơi vũ trụ bao la đến không khí, ánh sáng, ý nghĩ, ý niệm, óc tưởng tượng... minh chứng có một Nguồn Động Lực Siêu Việt chan hòa nơi muôn vật muôn loài hữu hình cũng như vô hình. Nguồn Động Lực Siêu Việt này bao gồm tất cả và hiện thể nơi tất cả, từ sự chuyển động của các âm điện tử tới hành trình vận chuyển của các hành tinh. Động Lực này khiến chim biết hót; loài lươn biển biết tìm về quê quán của cha mẹ chúng; loài cá hồi biết trở về nguồn nước để sanh đẻ; lá cây có năng lực hấp thụ khí carbonic để tổng hợp nhựa sống, nhả khí oxygen và ngược lại; con người biết suy tư, nhận thức, v.v... Như vậy, Nguồn Động Lực Siêu Việt tràn ngập xác thân tôi, từ nơi những nguyên tử tạo thành các tế bào, sự sinh sản, hoạt động của chúng đến sự cấu tạo của các tế bào khác biệt tạo thành tim, óc, xương, thịt, da, tóc, tai, mặt, mũi, những phần hữu hình và cả những thành phần vô hình như tư tưởng, ý nghĩ nơi tôi. Nguồn Động Lực Siêu Việt này khiến con tim đập tự nó mặc dầu nhiều khi chịu ảnh hưởng tùy thuộc tâm tình của tôi không những đối với tâm lý, cảm tình, mà còn ngay nơi những giấc mơ, khiến mọi cơ phận nơi thân thể sinh hoạt hòa hợp và chịu sự sai khiến của bộ óc hay những phản ứng của các trung tâm thần kinh v.v... Nguồn Động Lực Siêu Việt chính là sự sống nơi tôi; sự sống này vĩnh cửu và biến thể. Khi sự sống lìa bỏ thân xác đó là lúc tôi chết và sự sống tiếp tục đi vào cõi vô hình... Vì thế, nỗi thao thức, khát vọng thầm kín nơi tôi, nơi mọi người, chính là lòng ước ao nhận ra bản thể đích thực của mình, nhận ra Sự Sống, Động Lực Siêu Việt, linh hồn, chân ngã, nơi mình. Nói cách khác, sự sống nơi tôi là một với Nguồn Động Lực Siêu Việt. Thế nên, tôi với toàn thể vũ trụ là một không thể tách rời. Thân xác tôi chính là sự sống hiện thể hữu hình ở một giai đoạn thời gian trong diễn tiến biến chuyển của Nguồn Động Lực, Sức Sống Vĩnh Cửu.
Lão học, Trang Tử, gọi Động Lực này là Đạo, Phật học gọi Thực Tại Siêu Việt; Ấn học gọi Đại Ngã, Thượng Đế học gọi là Thượng Đế, Hóa Công, Chủ Tể Vạn Vật, v.v... Thiên Chúa Giáo gọi Động Lực này là Thiên Chúa và thành quả chiêm nghiệm về sự liên lạc của con người với Nguồn Động Lực Siêu Việt được viết thành cuốn Kinh Thánh; phần đặc biệt nhất nói về quyền năng của Thiên Chúa nơi con người là bốn cuốn Phúc Âm. Phúc Âm gọi quyền năng này là lòng tin theo bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn. Người Công Giáo thường gọi là đức tin. Theo Phúc Âm, đức tin, lòng tin, là quyền lực của Thiên Chúa, của Thượng Đế, của Đại Ngã, của Thực Tại Siêu Việt, hiện thể ở con người nơi ý nghĩ, ước muốn. Nhờ có quyền lực, lòng tin này, con người mới có thể thăng tiến trên hành trình tâm linh để trở nên tốt lành, toàn hảo, rồi trở về với cội nguồn bản thể đích thực của mình là Thượng Đế. Chính vì con người ẩn chứa quyền lực của Thượng Đế, Đức Kitô đã mời gọi mọi người: "Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:48) và "Các ngươi hãy biết thương xót, như Cha các ngươi là Đấng thương xót" (Lc. 6:36). Đối với bản chất yếu hèn của thân xác trong kiếp nhân sinh, con người nhận thức sự vật qua giác quan nên lầm tưởng rằng mình chỉ là thân xác thành ra bị sự sinh sống xác thân, thế tục, lôi cuốn do đó dễ sa ngã, chiều theo những cảm giác chóng qua và tâm tình hòa hợp nơi xác thân, tiền tài, danh vọng, để rồi nhận chúng như những mục đích của cuộc đời. Chẳng những thế, bả vinh hoa, giầu sang, còn khiến con người tranh giành, mưu mô, lừa lọc, vì đối với cuộc sống, luật mạnh được yếu thua là lẽ thường tình. Với tính chất yếu hèn, đam mê, kèm theo sự cổ võ bởi những quan niệm và lối nhìn thế tục, làm sao con người có thể trở nên "như" Thượng Đế nếu không mang phần nào bản thể của Ngài. Nhận thức này ai cũng có thể kinh nghiệm vì dẫu cho người ta có thể tập luyện cho một con khỉ đánh đàn dương cầm tới mức tuyệt vời thì con khỉ cũng không thể nào trở nên một nhạc sĩ. Muốn trở nên trọn lành và biết thương xót như Thượng Đế phải có bản tính của Ngài nơi mình. Lòng tin chính là sự nhận thức thực sự quyền lực của Thượng Đế ở nơi con người.
Có câu nói: "Muốn là đã được một nửa." Tự ý định, ước mơ đã mang một năng lực kiến tạo hữu thể. Không ai lạ gì, những ý nghĩ, ý định ảnh hưởng tâm tưởng cũng như cảm giác của con người; những ý niệm không trung thực về sự vật dẫn suy luận đến những kết quả sai lầm; những ước muốn mạnh mẽ dẫn dắt con người đạt tới thành quả mau hơn. Nơi Phúc Âm Mathêu có viết: "Các ngươi đã nghe bảo: chớ ngoại tình. Còn Ta, Ta bảo các ngươi, phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng" (Mt. 5:27-28). Câu này nói lên năng lực của ý nghĩ. Ý nghĩ xấu đã tự kiến tạo một sự hiện hữu được gọi là sự xấu, một hữu thể vô hình, "Vì tự trong lòng thì xuất ra những suy tính xấu xa: những là giết người, ngoại tình, dâm bôn, trộm cắp, chứng dối, gièm pha. Đó là những điều làm người ta ra nhơ uế" (Mt. 15:19-20; Mc. 7:20-23). Tương tự, ý nghĩ tốt lành cũng đã tự kiến tạo hữu thể tốt lành, "Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì nước trời là của họ. Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Phúc cho những kẻ ưu phiền, vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy. Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc cho những ai tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa..." (Mt. 5:3-8; Lc. 6:20-23). Hơn nữa, theo Phúc Âm, ý định của một người cho dù đối với ai đều kiến tạo một thực thể vô hình ảnh hưởng chính mình, "Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những điều các ngươi sai lỗi" (Mt. 6:14-15). Chẳng những thế, ý định của mình còn có năng lực ảnh hưởng tới người khác: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời" (Mt. 18:18). Phúc Âm không nói sự cầm buộc bằng lề luật của một số người đặt ra mà nói "các ngươi," mang ý nghĩa từng người. Xét như trên, ý định, ước mơ, điều mong muốn đã tự có quyền lực tạo thành hữu thể vô hình ảnh hưởng đến con người. Nói cách khác, lòng tin, đức tin, chính là quyền lực của ý định, ước muốn nơi con người.
Quyền lực của lòng tin được Đức Kitô nói rất rõ nơi Phúc Âm trong trường hợp viên bách quản đến gặp Ngài xin cứu chữa người đầy tớ bị bịnh; Ngài nói, "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" (Mt. 8:13). Trường hợp con gái của người phụ nữ xứ Canaan được cứu sống Phúc Âm dùng "ước muốn" đồng nghĩa với lòng tin: "Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!" (Mt. 15:28). Câu trả lời của Đức Kitô mang tính cách xác định nguyên nhân đã tạo nên sự kiện người đầy tớ viên bách quản được khỏi bịnh và con người phụ nữ xứ Canaan được cứu sống, và nguyên nhân này là lòng tin, là ước muốn. Tại sao Phúc Âm không đặt vào miệng Đức Kitô câu nói "Ông đã tin vào tôi hay tin vào Thiên Chúa thì đầy tớ của ông được lành bịnh" hoặc "Vì bà tin nơi quyền năng của Thiên Chúa nên Ngài cứu sống hoặc tôi cứu sống con bà," hay "Hãy cầu xin Chúa chữa con ông, Chúa cứu con bà," mà chỉ ghi "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy," và "Lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!" Phỏng cho rằng tin sao, muốn sao, thì được như vậy mang tính chất vô thần vì không cần nhờ đến quyền năng của thần thánh nào giúp? Nếu cho rằng lối nói này mang tính chất không cần nhờ thần thánh nào giúp thì đồng thời chấp nhận điều hiển nhiên chính Đức Kitô chứng minh rõ ràng quyền năng tối cao của Thượng Đế đang có sẵn nơi con người nên không cần nhờ cậy đến bất cứ quyền lực nào khác. Phỏng vì thế có thể nói, lòng tin, ước muốn nơi tâm trí tự có quyền lực tạo thành sự việc? Và phỏng đây chính là điều mà Phật học gọi là "tâm sinh vật và vật sinh tâm?" Cho dù đặt ra những nghi vấn nào thì cũng dẫn tới nhận thức về lòng tin, ý định, hay ước muốn của con người tự có quyền lực kiến tạo thành quả, sự kiện nào đó.
Theo Phúc Âm, lòng tin còn mang năng lực chữa lành những bệnh tật thân xác cũng như sự đau khổ tâm hồn. Trong câu truyện người phụ nữ bị bệnh loạn huyết, Phúc Âm ghi rõ, người đàn bà nghĩ nếu chỉ chạm tới được áo của Đức Kitô thì sẽ khỏi bịnh và bà đã được chữa lành. Chẳng những thế, lòng tin của bà còn có tác động khiến Đức Kitô nhận ra đã có người chủ ý đụng đến mình. Khi bà thú nhận, Đức Kitô lại tuyên bố: "Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt. 9:22; Mc. 5:34; Lc. 8:48). Cùng một lối phát biểu ấy, Ngài bảo người mù thành Giêricô: "Hãy đi! Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Mc. 10:52). Phúc Âm Luca cũng ghi lại giống như Phúc Âm Marcô trong câu truyện người phung hủi xin chữa lành. Đức Kitô nói cho người được lành bệnh biết chính lòng tin là động lực cứu chữa anh ta, "Hãy chỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Lc. 17:19). Đức Kitô không những tuyên bố cho mọi người biết đức tin có năng lực chữa lành các bệnh tật thân xác mà ngay cả đến nỗi đau khổ tâm hồn của người thống hối, lòng tin cũng là động lực giải thoát con người như trong trường hợp người phụ nữ ăn năn vì đã có cuộc sống chẳng nên, "Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi. Hãy đi bằng yên!" (Lc. 7:49).
Điều đáng ngạc nhiên, đó là những câu truyện chữa lành này xưa nay thường được gọi là phép lạ Đức Kitô thực hiện thì Phúc Âm lại cứ đặt vào miệng Đức Kitô những lời giải thích rằng đó là kết quả của lòng tin nơi những người được chữa lành. Tại sao những chuyện xảy ra không được nói rõ là chỉ Đức Kitô mới có thể làm được hoặc Đức Kitô xác nhận Ngài làm phép lạ? Ngược lại, tất cả kết quả của mọi trường hợp dù đạt thành hay không, Đức Kitô đều nói tùy thuộc chính lòng tin của con người, và còn rõ ràng hơn, Ngài nói nếu ai tin, có thể thực hiện mọi chuyện Ngài đã làm hoặc làm những chuyện lớn lao hơn (Gioan 14:12). Lòng tin mạnh mẽ, chắc chắn khiến điều muốn xảy ra và khi những việc định thực hiện nhưng không được đều bị Đức Kitô cho là yếu lòng tin chẳng hạn câu truyện Phêrô rớt xuống nước vì nghi ngờ (Mt. 14:28-31). Phỏng như vậy, theo Phúc Âm, Đức Kitô muốn rao giảng cho mọi người nhận ra năng lực của điều mà Ngài gọi là lòng tin nơi bất cứ ai; năng lực này vượt hẳn mọi quyền lực thế tục mà ít người nhận ra? Phỏng dùng chữ "phép lạ" mang nghĩa những điều con người không thể thực hiện nổi để gán cho Đức Kitô có thể biểu hiệu sự từ chối không tin vào lời Đức Kitô giảng dạy, hoặc cho rằng Đức Kitô không nói đúng sự thật? Bao nhiêu người tuyên xưng tin vào Đức Kitô đã có thể thực hiện câu nói nơi Phúc Âm Gioan: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (14:12). Phúc Âm Gioan đặt nơi miệng Đức Kitô câu nói rõ ràng, minh bạch, ai đọc cũng hiểu; thế nhưng, những ai đã có thể thực hiện được và lý do tại sao? Phỏng thực trạng không ai có thể áp dụng câu nói này nơi cuộc sống chứng minh con người không tin điều Phúc Âm ghi chép, hoặc không tin vào Đức Kitô, hay không hiểu lòng tin mà Ngài rao giảng là gì và phương cách thực tiễn nào để thực hiện? Những ai đặt câu hỏi hoặc dám suy nghĩ tất nhiên đã tự có câu trả lời mình ở trạng thái nào.
Dĩ nhiên, dù một ý niệm đến nơi tâm trí con người đều được nhận thức tùy thuộc những ý niệm, quan niệm mà con người đã sẵn có. Chẳng những thế, ý niệm được thực hiện hay không lại tùy thuộc người mang ý niệm, hoặc muốn biến ý nghĩ, nhận thức, thành kết quả nào đó, hoặc biết chỉ để trau dồi kiến thức, biết để mà biết. Cũng một sự kiện, chẳng hạn có một căn nhà đề bảng bán đối với một người đang cần nhà ở và người khác đang sống ấm êm nơi một tòa lâu đài tiện nghi. Người đang sống nơi lâu đài biết có căn nhà đề bảng bán chỉ để mà biết vì không cần cũng như không có ý định mua thêm. Đàng khác, người đang cần nhà ở sẽ tìm hiểu và có những hành động cân nhắc hơn thiệt về giá cả cũng như điều kiện nơi chốn tùy thuộc nhu cầu sinh sống sao cho đạt được ý định đồng thời giải quyết nhu cầu cần nhà. Tương tự, trạng thái "tin" có một sự kiện nào, tin về chuyện gì, hoặc tin tưởng nơi ai, v.v... cũng có nhiều tâm trạng, mức độ, khác nhau. Tin có một Thượng Đế toàn năng, thông biết mọi sự, để ý đến mình, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ, v.v... đồng thời kinh nghiệm những sự kiện xảy ra trong cuộc sống và thấy lắm kẻ "xấu" chẳng những vẫn sống phây phây mà còn có phần khấm khá hơn lối sống theo khuôn phép hòng được thưởng sau này của mình... lâu dần sự tin tưởng trở thành niềm an ủi mỗi khi chẳng may hoặc cảm nghĩ phấn khởi khi gặp chuyện theo ý muốn, thái độ tin này chỉ đem lại niềm hy vọng yêu đời mà sống, lâu dần rồi cũng quen.
Câu nói, "Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm," mang nghĩa đòi hỏi hành động thực hiện sự việc chứ không phải chỉ tin theo nghĩa biết để mà biết hoặc tin để tự trấn an. Kẻ tin vào Đức Kitô, kẻ có lòng tin như Ngài rao giảng, kẻ thực hiện những điều Ngài chỉ dạy sẽ làm được những chuyện Ngài đã làm. Phúc Âm không nói chỉ mình Đức Kitô mới có thể làm được những điều được ghi lại mà bất cứ ai có lòng tin, bất cứ ai thực thi điều Ngài rao giảng sẽ làm được mọi điều người ấy muốn như Ngài đã đoan chắc "Mọi sự đều là có thể cho người tin" (Mc. 9:23). Thế nên, có sự khác biệt rõ ràng giữa lòng tin và điều mà chúng ta thường dùng được gọi là "tin." Chỉ tin rằng Đức Kitô có quyền phép không có nghĩa mình thực hiện được quyền phép đó. Tin rằng ông A, bà B, giầu có không có nghĩa mình giầu có như họ hoặc có tài năng làm tiền như họ. Ngược lại, ai có lòng tin như Đức Kitô nói sẽ thực hiện những sự được coi là phép lạ như Ngài đã làm. Như vậy, lòng tin Đức Kitô nói đến nơi Phúc Âm là quyền lực đạt thành bất cứ gì. Người có lòng tin sẽ thực hiện được những điều lạ lùng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển, mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì nó sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:22), và nguyên tắc để quyền lực lòng tin hoạt động chỉ là không nghi ngại mà hãy nghĩ là đã được, "Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:24). Có lòng tin là mọi chuyện đều có thể chứ không phải tin nhiều hay ít, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó! nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì" (Mt. 17:20). Nếu đức tin chỉ bằng hạt cải nhỏ bé mà đã mang quyền lực như thế thì sự khác biệt để sự việc thành hay không lại chỉ là có lòng tin hay không. Đến đây, vấn đề được đặt ra đó là những điều kiện nào Đức Kitô đã rao giảng phải có để đạt được lòng tin, và lý do tại sao lòng tin có quyền lực?
Ngay lúc bắt đầu thời kỳ rao giảng sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp, Đức Kitô khuyến cáo: "Thời buổi đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng" (Mc. 1:15). Sau đó khi người Biệt Phái thỉnh vấn, Ngài nói rõ: "Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền, người ta sẽ không nói được: 'Này ở đây' hay 'Ở đó,' vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:20-21). Ngôn ngữ chỉ diễn tả được phần nào ý nghĩa điều muốn nói; chẳng hạn trong trường hợp chữ "hối cải" dùng nơi Mc. 1:15. Bình thường, chữ hối cải muốn nói về hối lỗi và cải thiện sao cho con người sống tốt lành hơn. Tuy nhiên, chữ hối cải ở đây mang nghĩa hoàn toàn khác biệt mà lại phù hợp tương đồng với nghi thức thanh tẩy Gioan đã thực hiện nơi sông Yordan. Hối cải hoặc thanh tẩy chỉ sự xóa bỏ hết những gì không thuộc về mình. Ý nghĩa của hành động này cũng được Đức Kitô mạnh mẽ minh xác về tâm tình và thái độ cần phải dứt khoát với những ý niệm, quan niệm, và những ảnh hưởng tâm tư của con người qua những dụ ngôn nói về bỏ cha mẹ, vợ con, hoặc cầm cày không quay trở lại. Theo Phúc Âm, Đức Kitô quyết đoán con người không được ly dị, "Ai rẫy vợ mình và cưới người khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người vợ bị chồng rẫy cũng phạm tội ngoại tình" (Lc. 16:18). Thế nên câu Phúc Âm Lc. 14:26, "Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ, con cái, anh chị em mình và cả mạng sống nữa, ắt không thể làm môn đồ của Ta," hoặc Mt. 10:37, "Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta, ắt không xứng đáng với ta. Kẻ Yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng đáng với Ta," hay "Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lại sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa" (Lc. 9:62)... mang ý nghĩa bất cứ những gì dẫu thân thiết cách mấy nhưng làm cản trở hay ảnh hưởng con người về nhận thức tâm linh đều cần phải được thanh tẩy, cần phải cải thiện hoặc vứt bỏ. Ai cầm cày còn quay trở lại; ai đã nghe theo lời rao giảng của Đức Kitô mà còn vương vấn những ý niệm, quan niệm, sản phẩm của những bộ óc thế tục không thể nào nhận thức được Tin Mừng. Muốn am hiểu Tin Mừng, con người cần có tự do tư tưởng hoàn toàn, không bị lệ thuộc hay ảnh hưởng bởi bất cứ chiều hướng nào làm áp lực bắt con người phải suy nghĩ theo một lề lối riêng vì tư tưởng con người chỉ chân chính khi họ giải thoát khỏi ảnh hưởng bởi thành kiến và điều kiện bên ngoài. Nhận định này có thể được dùng làm căn bản để giải thích câu Phúc Âm, "Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời" (Mt. 18:3), hoặc "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha!" (Mt. 11:25). Trẻ em còn non nớt, bé mọn, chưa có kinh nghiệm sống, chưa được giáo dục theo bất cứ truyền thống đạo đức, văn hóa thế tục nên không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thành kiến, điều kiện và lề lối suy tư nào. Vì vậy, con người cần được thanh tẩy khỏi mọi ảnh hưởng tâm trí để có thể nhận thức đúng đắn về tâm linh do Đức Kitô rao giảng.
Không bị ảnh hưởng những quan niệm, ý niệm thế tục, con người mới có thể nhận ra "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:21); nói cách khác, "Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên" (Mc. 1:15). Nước Thiên Chúa chính là quyền lực của Thượng Đế xưa nay đã không được đích thực nhận ra. Con người có suy nghĩ, nhận thức khác biệt tùy theo ảnh hưởng của môi trường cuộc sống v.v... do đó đã có những quan niệm về Thượng Đế khác nhau. Những quan niệm này lệ thuộc cảm nghiệm liên hệ giữa con người và Thượng Đế. Cựu Ước, qua cảm nghiệm của dân Do Thái đã trình bày một Thiên Chúa mang đầy tính chất nhân sinh như hỉ, nộ, ái, ố... hòa hợp với quan niệm sống của dân Do Thái hơn hai ngàn năm về trước; một Thiên Chúa của riêng người Do Thái, chỉ chấp nhận và bênh vực họ, đứng về phe họ và đối nghịch với tất cả các dân tộc khác, thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ. Cựu Ước, theo lối nhìn của người Do Thái, chấp nhận có một Thiên Chúa tạo dựng muôn loài; mọi loài thoạt mới được tạo dựng đều tốt lành, nhưng con người chỉ vì kiêu ngạo muốn trở thành quyền năng như Thiên Chúa nên đã bị phạt. Hình phạt này được thể hiện nơi cuộc sống trần gian, "Ta sẽ gia tăng đau khổ cho ngươi trong việc thai nghén của ngươi! Trong đau đớn, ngươi sẽ sinh con đẻ cái. Với chồng ngươi, ngươi hăm hở đon đả. Nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi" (Kn. 3:16). Và, "Vì ngươi nghe theo tiếng vợ mà ăn cây Ta đã truyền cho ngươi rằng: Ngươi không được ăn, thì đất đai hãy là đồ chúc dữ vì cớ ngươi, có đau khổ ngươi mới nhờ được nó mà ăn mọi ngày đời ngươi" (Kn. 3:17).
Đức Kitô không những rao giảng một Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, cả kẻ lành lẫn người dữ, mà còn dạy nhân thế nên yêu thương hết mọi người, ngay cả kẻ thù của mình hầu trở nên trọn lành như Thiên Chúa là Đấng trọn lành: "Các ngươi đã nghe bảo: Hãy mến yêu thân nhân và hãy ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác... Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:43-45,48). Tiến xa hơn nữa, Đức Kitô còn dạy không nên xét đoán: "Đừng xét đoán, để khỏi bị đoán xét" (Mt. 7:1), hoặc "Các ngươi chỉ bằng vào xác thịt mà xét; phần Ta, Ta không xét xử ai" (Gioan 8:15). Chính ngay thái độ đối xử với con người, Ngài đã chẳng bao giờ lên án ai theo luân lý thế gian ngoại trừ những kẻ cố tình bám víu vào những lề lối thế tục, không chịu mở rộng lòng đón nhận con đường tâm linh (Mt. 23:13,15,25,26,29; Mc. 7:10-15; Lc. 11:42,43,52). Đối với Đức Kitô, kẻ khác luôn trổi vượt và cao quí hơn những gì mà người đương thời gán cho họ. Ngài không nói người phụ nữ Samaritan bên giếng Giacóp là người nhẹ dạ, ngu ngốc mà đến xin một bát nước và nói chuyện với bà ta (Gioan 4:7-9). Ngài không nói người phụ nữ tội lỗi là một loại gái hư đốn mất nết mà nói bà có nhiều may mắn để vào Nước Trời hơn những kẻ huênh hoang về nhân đức và hiểu biết của mình (Mt. 26:7-13; Mc. 14:3-9; Lc. 7:37-50). Ngài không lên án người phụ nữ ngoại tình mà chỉ nói: Ta không lên án con, hãy đi về và đừng phạm tội nữa (Gioan 8:3-11). Ngài không coi khinh các con trẻ ít hiểu biết mà yêu cầu để trẻ đến gần Ngài (Mt. 19:14; Mc. 10:14; Lc. 18:16) đồng thời khuyên mọi người nên bắt chước và trở nên như trẻ nhỏ trong phương diện đón nhận lời Ngài rao giảng (Mt. 11:25; 18:3)...
Thực ra, con người lỗi lầm chưa chắc đã vì lười biếng, có ý xấu, hay luôn hướng chiều về đường tội lỗi, mà vì vô tri về con đường tâm linh nên bất mộ, không nhận biết hoặc hiểu lầm, hoặc được dạy dỗ sai lầm nên bị mù lòa khi nhận thức do đó không nhận ra bản thể đích thực của mình. Do hiểu không đúng, không rõ hoặc được dạy dỗ sai, con người đã làm điều sai một cách vô ý thức, đã bóp méo, làm lệch lạc sự nhận thức thực thể sự việc và biến ý thức, nhận định thành chiếc máy nhai đi nhai lại những quan niệm hoặc nhận thức thế tục được cho rằng tốt lành hoặc đáng được cỗ võ theo đa số từ xưa đến nay. Chính vì vậy người ta đã chỉ chú trọng tới hình thức bên ngoài theo quan niệm xã hội. Hơn nữa, đa số con người hành động không ý thức nên chịu ảnh hưởng ngoại cảnh do đó luôn bất mãn, không thoải mái. Họ tự đóng kịch với chính mình thành thử khó nhận ra con đường phù hợp đáng theo vì vậy đành chấp thuận sống theo một lề lối, khuôn khổ không thích hợp. Hơn nữa, thực hiện những sự tốt lành đều phải chấp nhận thiệt thòi, nên người nói điều ngay chính đều bị chống đối bởi nhiều luận điệu, sản phẩm của những đầu óc vị kỷ. Lâu dần thành quen, con người cổ võ sáng kiến bới móc, vạch lá tìm sâu, và từ đó mang nặng óc chỉ trích. Thực ra, với óc chỉ trích, con người công kích tất cả, họ sẵn sàng bôi nhọ mọi đức hạnh, tìm sự sai quấy ở khắp mọi người để tưởng rằng mình tốt lành hoặc mong che giấu cá tính kiêu căng, tự phụ, một hình thức mù lòa do không nhận biết chính mình. Thực tế chứng minh, người ta không thể dậy bảo điều gì cho những cá nhân kiêu căng tự phụ bởi họ đóng mắt bịt tai khi đối diện với những điều phương hại cho hành trình thăng tiến tâm linh; từ đó họ dần dần tạo nên một tâm hồn chết nơi thân xác biết cử động để rồi chỉ làm gương mù bởi rập theo những khuôn mẫu được thế tục cổ võ. Dĩ nhiên, thái độ, hình thức bên ngoài cũng cần nhưng điều cần hơn lại là bề trong. Đọc kinh, đi nhà thờ, chưa chắc đã thực sự có lòng tin mà có thể vì khiếp sợ sa hỏa ngục, như thế chưa chắc đã chứng tỏ đủ là hữu thần. Theo tôn giáo, giữ những khuôn mẫu đạo hạnh tùy thuộc quan niệm người đời, sống đạo hình thức, có thể chỉ làm ý thức hành đạo lụt dần.
Từ nhận thức trên, không lạ gì khi thấy nơi Phúc Âm Đức Kitô đã minh xác: "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:21) đồng thời Ngài lại thường xuyên nhắc nhở: "Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông" (Mt. 3:2; 4:17; 10:17; 12:28; Lc. 10:9,11; 11:20) mà lại còn phải kêu gọi: "Vậy các ngươi chớ lo mà rằng: Ta sẽ ăn gì? ta sẽ uống gì? ta sẽ lấy gì mà mặc? Các điều đó, dân ngoại kiếm tìm. Nhưng Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, biết rõ các ngươi cần các điều ấy. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi" (Mt. 6:31-33). Đoạn Phúc Âm này nói lên điều ít ai để ý đó là có một động lực huyền nhiệm nào đó tự nơi con người liên hệ mật thiết với quyền lực của Thiên Chúa, của Nước Trời, bao trùm tất cả đến nỗi ngay những nhu cầu thiết yếu cho sự sinh sống hữu hình là của ăn và quần áo mặc đều thuộc thành phần thứ yếu. Động lực này chính là quyền lực của lòng tin, "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" (Mt. 8:13), hoặc "Lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!" (Mt. 15:28). Với sự nhận thức hữu vi của thế nhân, ai có thể chấp nhận ăn mặc là điều thứ yếu nơi cuộc sống hữu hình? Có lẽ chính vì vậy, đoạn Phúc Âm (Mt. 6:31-33) này đã bị nhận thức không được đúng đắn với ý nghĩa thực sự của nó để rồi bị coi thường hay giải nghĩa một cách sai lệch.
Nguyên nhân tạo nên quyền lực của lòng tin chính là quyền lực của Thiên Chúa ở nơi con người, nơi mỗi người được giải thích bằng lối nói: "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" hay "Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông." Có thể danh hiệu Emmanuel "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi" (Mt. 1:23) đã bị hiểu lầm bởi người Thiên Chúa Giáo thường gọi Đức Kitô là Thiên Chúa nên cho rằng danh hiệu này chỉ về sự hiện diện hữu hình của chính Ngài nơi trần thế. Hiểu như vậy có phần nào không phù hợp với thời điểm này, năm 1996, đã gần hai ngàn năm Ngài không hiện diện bằng xương bằng thịt như chúng ta. Đức Kitô rao giảng về lòng tin và đó là sự nhận thức thực sự Thiên Chúa, Thượng Đế, ở nơi mọi người, ở trong mọi người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta; con người ở trong Thượng Đế; con người, mọi vật đều mang sự sống nên là một trong Thượng Đế bởi tất cả cùng được chia sẻ sự hiện hữu, sự sống, là chính bản thể của Thượng Đế. Chính sự sống, bản thể này là quyền lực của lòng tin nơi con người, quyền lực của ý định, ước muốn, của sự tin tưởng. Con người dùng quyền lực này áp dụng vào ý nghĩ xấu tạo nên tội, áp dụng vào ý nghĩ tốt tạo nên phúc, ảnh hưởng hành trình tâm linh, hành trình trở nên thiện toàn như Thượng Đế của con người.
Con người là một với Thượng Đế, là một với vũ trụ, vạn vật, có cuộc sống bao gồm thân xác hữu hình và những thành phần vô hình phù hợp thân xác cùng với sự sống vĩnh cửu được chia sẻ do chính bản thể của Thượng Đế; từ đó suy ra, cuộc sống hữu hình này là một giai đoạn hiện thể trong sự biến dịch của sự sống vĩnh cửu nơi hành trình tâm linh, hành trình đức tin, lòng tin, để trở nên thiện toàn. Thân xác con người được sinh ra khởi đầu cho cuộc sống hữu hình và sự chết của xác thân là thời điểm để sự sống trở về thế giới vô hình. Như vậy, cuộc sống vô hình tiếp nối cuộc sống hữu hình thường được gọi là trời; cuộc sống hữu hình được gọi là đất... Xét thế, với quan điểm sự sống vĩnh cửu, đất và trời là một; tâm trí con người nơi cuộc sống hữu hình thế nào thì ở cõi vô hình cũng thế; nói cách khác, lòng tin, sức mạnh của tâm trí, ý định, luôn mang quyền lực ảnh hưởng con người, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời" (Mt. 18:18). Sự cầm buộc này là ước muốn, khát vọng, nơi con người bởi sự ao ước của con người ở nơi nào thì lòng dạ đều đặt vào đó. Chính những khát vọng, ước muốn của con người áp đặt chủ thể trở nên đối tượng mình muốn trở thành. Hơn nữa, mọi người là một với Thượng Đế, với vũ trụ không thể phân ly, và như vậy, những ước muốn cho mình cũng là ước muốn cho người do người với ta là một; cái nhìn về người là cái nhìn về chính mình; sự cầm buộc người khác cũng là sự cầm buộc chính mình, tạo hạnh phúc cho người cũng tạo hạnh phúc cho mình. Do đó, câu "Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những điều các ngươi sai lỗi" (Mt. 6:14-15) nói lên ý nghĩa rõ ràng của sự hợp nhất và ảnh hưởng của lòng tin, của quyền lực ý định, ước muốn, nơi mỗi người đối với thế nhân.
Điều hiển nhiên, bản chất con người bao gồm hữu hình và vô hình nhưng sự nhận thức lại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thành phần thân xác hữu hình sinh ra lối nhìn sai biệt đối với thực thể sự kiện. Nhân sinh thường quá quen với sự phân chia sự kiện thành hai phần đối nghịch như đúng với sai, phải với trái, tốt xấu... Thường gì những gì xảy ra phù hợp với lề lối suy tư, kinh nghiệm hoặc giống với quan niệm đại đa số đều được cho là đúng và những gì không giống hay khác thường với thói quen nhận định của con người dẫu chưa được đắn đo nhận thức đã bị vội cho là sai. Thực ra, trong cuộc sống đâu thiếu gì cảnh "thấy đỏ tưởng chín," và nhiều trường hợp, những điều tốt cho mình chưa chắc đã tốt cho người cũng như những việc được mọi người ngưỡng mộ lại chính là điều khổ ải cho mình. Thế nên, sự nhìn nhận thiếu đúng đắn sự việc đã là điều cản trở đầu tiên cho sự nhận thức của con người. Xét về mặt tâm linh, những điều tốt lành con người xưa nay ước mơ chưa chắc đã thực sự đem lại lợi ích cho hành trình thăng tiến nhân sinh. Ai không ngạc nhiên đối với câu Phúc Âm: "Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Đàng" (Mc. 10:25; Mc. 19:23-24; Lc. 18:24-25). Cũng có thể vì lý do ngôn ngữ thay đổi ý nghĩa tùy thời và tùy nơi nên câu Phúc Âm này có thể mang ý nghĩa "lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn là người đam mê giàu có của cải trần gian vào được nước thiên đàng" vì ước muốn của con người ở đâu thì lòng dạ của họ ở đó. Ai không muốn có cuộc đời thảnh thơi, nhàn hạ, hơn là cày sâu cuốc bẫm, tối mặt quần quật suốt ngày làm việc. Lại nữa, sự giàu có là phương tiện cho con người muốn gì được nấy nơi cuộc sống hữu hình, vật chất, mọi chốn mọi thời luôn luôn hiển hiện khiến con người qua sự nhận thức ngũ quan với ước muốn cải tiến cuộc sống nghĩ rằng nhân sinh chỉ bao gồm những sự việc hữu hình nên không để ý đến nhận thức và hành trình tâm linh do đó mọi nỗ lực đều được dành cho sự kiếm tìm hạnh phúc tùy thuộc vật chất đời này. Từ nhận thức hạn hẹp của ngũ quan được giới hạn trong vòng sinh sống thế tục, mọi ước muốn, ý định, đều lệ thuộc lối nhìn hữu vi, vật chất, vì vậy cuộc sống đời sau tiếp nối sẽ không được để ý, đó chính là cội nguồn của chủ thuyết duy vật... và như thế, quyền lực lòng tin, ý định, đã bị đóng kín, không còn cơ hội phát huy dẫn dắt tìm đường thăng tiến tâm linh. Nước thiên đàng đã bị chặn lối bởi lòng ham muốn sự giàu có thế tục qua nhiều hình thức.
Nhãn quan hữu vi chẳng những dẫn con người lầm lạc về giá trị và mục đích đời người mà còn ảnh hưởng sai lệch nhận thức về giá trị và hành động cũng như bản tính của con người do đó lề lối, tập tục, thói quen, giáo dục, v.v... được phát triển hòng khuôn mẫu hóa mọi người cho dễ bề nhận định, dễ phân biệt phải trái, đúng sai, hòa hợp, hay mâu thuẫn, dần dần biến con người thành bộ phận máy móc của xã hội; dẫu thế nào chăng nữa, ai không lệ thuộc vào hệ thống máy móc ấy đều bị lên án hoặc nghiền nát. Những hệ thống luân lý, văn hóa, giáo dục xã hội đã trở nên các lò đúc hoặc tay thợ tài ba chiết cây, ghép cành để có cây chanh sinh trái cam hoặc cây hoa hồng sinh bông huệ không cần biết thân huệ chẳng thể ráp vào cành hồng. Thế nên, thay vì tìm điều thiện nơi mọi người để nhận ra mọi sự phải có lý riêng của nó được điều động do sự thánh thiện và toàn hảo tuyệt đối của Thượng Đế, lối nhìn hữu vi, thế tục, đã rập theo những khuôn mẫu sẵn có để xét xử các thành phần nhân sinh. Bởi đó chẳng lạ gì, câu Phúc Âm "Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét" (Mt. 7:1; Lc. 6:37) mang giá trị tuyệt đối nơi hành trình tâm linh. Người với ta là một thì xét đoán người tất nhiên dùng quyền lực của ý định tự trói buộc mình trong vòng luận xử luẩn quẩn theo nhận định thế tục.
Làm thế nào để có nhận thức chính trực và đâu là khởi điểm cho hành trình tâm linh con người có thể nhận biết? Câu trả lời sơ khởi đương nhiên phải là sự nhận biết chính mình bởi không nhận ra con người mình thế nào sao có thể hiểu thực thể tạo vật chung quanh. Như vậy, tìm lại bản thể đích thực của con người chính là mục đích, là khát vọng vượt không gian và thời gian, âm ỉ nung nấu tâm hồn nhưng ít khi được để ý đến. Khát vọng này cũng chính là nguồn hạnh phúc con người ước mơ, nguồn hạnh phúc tìm về nguồn cội, tìm về Tạo Hóa. Từ đó, lề lối tư duy, hành trình tâm linh kiếm lại bản thể trở thành sự xóa bỏ dần dần những gì không thuộc về thực thể của mình, những ảnh hưởng thế tục vây bọc nhận thức để thoát khỏi sự lệ thuộc, để khỏi bị che khuất. Điểm khởi đầu này được Lão học đề xướng bớt và bớt, càng ngày càng bớt cho tới khi không còn gì để bớt. Không còn gì che khuất hoặc ảnh hưởng nhận thức, bản thể đích thực sẽ lộ ra và đó là sự sống nguyên thủy của Thượng Đế nơi con người, "Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Người đã dựng nên nó là nam là nữ" (Kn. 1:27). Ước mơ, lòng khát vọng hướng thượng, muốn trở nên toàn hảo, âm ỉ tự đáy tâm tư có thể là nguyên thể của tiếng nói lương tâm, là động lực thúc đẩy con người thăng tiến trên hành trình tâm linh: "Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn, mỗi người, phải dạy bảo nhau, mỗi người phải nói với anh em mình: 'Hãy biết Yavê!' Vì hết thảy chúng đều biết Ta" (Jer. 31:33-34). Quyền lực của ước muốn trở nên toàn hảo để trở về nguyên cội cũng chính là lòng tin nơi mọi người ở mọi thời. Nói cách khác, sự trở nên toàn hảo chính là mục đích của hành trình tâm linh, hành trình thực hiện lòng tin, là mục đích của cuộc đời con người nhưng ít được nhận ra.
Dĩ nhiên, nơi cuộc sống thế nhân, mỗi người được sinh ra với bản chất riêng biệt, được nuôi dưỡng trong những môi trường không giống nhau, cũng như tùy thuộc ảnh hưởng cơ thể cá nhân nên hấp thụ giáo dục chẳng đồng đều do đó tâm tính, chiều hướng suy tư, nhận thức sự việc lại càng không tương đồng, vì thế mỗi người có khuynh hướng, phương cách, và lề lối riêng biệt nơi hành trình tâm linh để tiến tới sự toàn hảo. Tất nhiên, cá biển không thể sống được nơi nước ngọt, hoặc cây cối không thể mọc trong vùng băng tuyết giá lạnh của bắc cực hay nam cực. Mỗi môi trường gồm có những điều kiện dành cho sự phát triển riêng biệt nào đó thì con người không thể bị đồng hóa theo bất cứ khuôn mẫu nào trên hành trình thăng tiến tâm linh bởi không ai có thể truyền bá cho bất cứ ai nhận thức cảm nghiệm về Thượng Đế cũng như không ai có thể học hỏi từ người khác về bản thể của mình vì sự nhận thức này đòi hỏi cảm nghiệm cá nhân và sự liên hệ tâm linh trực tiếp với Thượng Đế. Sự truyền bá, phổ biến chỉ là kiến thức, sản phẩm của nhận thức, kinh nghiệm, được giãi bày bằng luận lý qua ngôn ngữ trong khi ngữ bất tận ngôn và ngôn bất tận ý. Sự cảm nghiệm tâm linh phải do chính chủ thể chứ không do sự học hỏi bởi không ai cảm nghiệm về một sự việc giống ai hoặc không ai có thể trung thực diễn giải cảm nghiệm của mình do "Đạo khả đạo phi thường Đạo" (Lão Học), hay "Thiên Chúa là Đấng không thể dò thấu. Người ta chỉ có thể nói về những gì không phải là Thiên Chúa; còn những gì thuộc về bản thể Ngài, không ai có thể nói lên được" (Thomas Aquinas).
Kiếm tìm về nguồn cội, đạt tới mục đích của hành trình tâm linh, nhận ra mình là ai, đó là sự nhận biết bản thể đích thực của mình; đó cũng là đối diện với Đạo tại tâm, đối diện với Thượng Đế nơi cung lòng mình. Như vậy, cuộc sống hữu hình là cơ hội cho con người thực hiện hành trình tâm linh để trở nên thiện hảo; vì khi đã đối diện với Thượng Đế nơi nhận thức, con người thực sự nhận ra bản thể nhất nguyên, mình là một với Thượng Đế, nhận ra nguồn quyền lực của lòng tin, quyền lực của sự hiện hữu, sự sống. Xét thế, nguồn gốc của tất cả những sự nguy hại cho hành trình tâm linh chính là sự mù lòa của nhận thức do ngũ quan thân xác hoặc tham vọng che lấp nên không nhận biết về bản thể đích thực của con người, không nhận biết Thượng Đế nơi mình để rồi phân biệt mình với người, với Thượng Đế, và với vạn vật là những thực thể riêng biệt. Thế nên, không nhận biết quyền lực của lòng tin, của ước muốn, ý định, v.v... lại do chính sự không nhận ra "Đạo tại tâm," không nhận ra Thượng Đế và quyền lực của Ngài nơi con người.
Đức Kitô rao giảng một Thiên Chúa yêu thương mọi người không phân biệt giai cấp hay thiện ác, "Ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác... Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:45,48). Đấng trọn lành Đức Kitô gọi là Cha không xét kẻ này thiện hoặc kẻ kia ác mà làm tốt cho tất cả, yêu thương tất cả. Phỏng như vậy, một người "Đừng xét đoán, để khỏi bị đoán xét" (Mt. 7:1) không nhận xét những điều xấu theo con mắt thế nhân, không phân biệt thiện ác như mọi người chung quanh, và không nhận thức theo những quy luật xã hội nơi con người sinh sống, mà coi mọi sự như nhau, mỗi người được sinh ra có hành trình tâm linh riêng để đạt tới sự thiện toàn? Điều hiển nhiên, đã được sinh vào thế giới hữu hình thì sự chết của xác thân cũng là một thực thể không thể thiếu bởi giả sử tỷ năm, triệu năm về trước tới nay nếu không ai chết, phỏng còn khoảng trống nào cho một người đi đứng? Phỏng có thể nói, Thượng Đế cho con người có sự hiện hữu hữu hình thì lại cũng phải cất con người đi để cho hành trình biến dịch tiếp tục? Nhìn theo con mắt thế nhân, phỏng sinh được coi là thiện và chết được coi là ác vì không ai muốn, thì như vậy thiện ác nơi con mắt không xét đoán sẽ như nhau? Phỏng sự đúng, sai, phải, trái, nơi con người cần được đặt vấn đề lại để có nhãn quan phù hợp cho sự thăng tiến hành trình tâm linh? Phỏng nên lên án những con beo, hổ, sư tử, vì chúng giết và ăn thịt các con thú khác dẫu chúng không được sinh ra với những bộ phận tiêu hóa cỏ? Hơn nữa, nếu đặt vấn đề ngược lại, những điều được cho là tốt lành theo nhãn quan nhân thế phỏng đã thực sự tốt lành theo nhận xét tâm linh? Phỏng lửa không nóng thì lấy gì nấu thức ăn, và rượu uống không say liệu ai tốn tiền chuốc lấy? Mỗi sự vật đều có tính chất riêng; có thể nói đó là sự thiện toàn vì nó được sinh ra, được tạo dựng để trở thành tính chất ấy.
Riêng con người, Đức Kitô xác định rõ, "Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:48), và "Các ngươi hãy biết thương xót, như Cha các ngươi là Đấng thương xót" (Lc. 6:36). Vì có thể chất khác biệt hòa hợp với những ảnh hưởng tâm trí không đồng đều nên không thể có một khuôn mẫu chung để nhận định thực sự tâm hồn một người trên hành trình trở nên thiện toàn, trọn lành, theo hình thức, phong cách, và thái độ, bề ngoài; do đó con người cần chú trọng đến nhận thức tâm linh tùy thuộc bản chất riêng mình. Sự nhận thức tâm linh này ảnh hưởng chứ không bị lệ thuộc hình thức bên ngoài; có thể đó là lý do tại sao câu "Đạo tại tâm" bao gồm hai nghĩa, Thượng Đế ngự nơi chính mình, và hành trình trở nên trọn lành như Ngài phải được xuất phát tự tâm hồn chứ không phải là sự bắt chước hình thức một cách máy móc, "Nhưng giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Cha trong thần khí và sự thật vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Gioan 4:23-24). Dẫu phần nào ảnh hưởng, hoặc khơi động tâm tình hướng thượng, hoặc giảm bớt lòng mộ mến, hình thức, cách sống bên ngoài chỉ một phần nào biểu lộ chiều hướng, lòng thành, nội tâm. Nói cách khác, nội tâm kiến tạo hình thức ngoại tại mà nghi thức bên ngoài không thể là nguồn gốc cho lòng mộ mến bên trong. Nội tâm và hình thức được so sánh tựa tình yêu và thể xác; tình yêu phát sinh tự tấm lòng, yêu và muốn được hòa hợp với sự sống nơi con người chứ không ai muốn cưới một xác chết dẫu yêu thương đến cách mấy. Nơi hành trình tâm linh, Đức Kitô rao giảng lòng thành yêu thương tự tâm khảm dẫn dắt mọi thái độ trong sinh hoạt cuộc sống, "Vậy mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế: Lề luật và các tiên tri là thế" (Mt. 7:12; Lc. 6:36). Dĩ nhiên, ai không yêu thương chính mình không thể yêu thương bất cứ người nào khác; đồng thời, kẻ nào kinh tởm, hận thù chính họ cũng kinh tởm hận thù mọi người. Mặc dầu thế, xét trên phương diện cuộc sống, những gì tốt cho mình chưa chắc đã tốt cho người; cho nên, những gì mình nghĩ là tốt cho người chưa chắc đã phù hợp với họ, chẳng hạn trong việc ép duyên con cái. Lời mời gọi hãy làm cho người ta mọi điều mình muốn phải được đặt trên căn bản vị thế đối tượng chứ không phải chỉ nghĩ là sự việc nào đó tốt cho họ mà thôi.
Đức Kitô trình bày một Thiên Chúa hiện hữu mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt đất, trời, vì đất trời là một, "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:21), "Nước Thiên Chúa đã đến trên các ông" (Mt. 3:2; 4:17; 10:17; 12:28; Lc. 10:9,11; 11:20); đời này và đời sau cũng chỉ là một; sự tha thứ, kết án của con người tự có quyền lực ảnh hưởng chính mình (Mt. 6:14-15; 18:18) nên Ngài đã dạy các môn đồ: "Vậy các ngươi hãy cầu nguyện thế này: Lạy Cha chúng tôi, Đấng ngự trên trời, ước gì danh Cha hiển thánh, nước Cha trị đến, ý Cha thành sự dưới đất cũng như trên trời..." (Mt. 6:9-10). Nước Thiên Chúa đã đến và đang ở nơi con người thì "nước Cha trị đến, ý Cha thành sự dưới đất cũng như trên trời..." lại cũng chỉ tùy thuộc chính ý định, ý muốn, của con người. Như vậy, đời sau là cuộc sống vô hình tiếp nối cuộc sống hữu hình đời này; nói cách khác, đời này có ý định, ước muốn thế nào thì đời sau sẽ được tiếp diễn như vậy vì quyền lực của ý định, ước muốn, vẫn tồn tại và ảnh hưởng toàn bộ sự hiện hữu con người cho dù ở đời nào, "Mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời" (Mt. 18:18). Suy rộng hơn, người nào nơi cuộc sống hữu hình chỉ ước mơ của cải vật chất thì sau khi chết, hồn cũng chỉ luẩn quẩn với sự thèm khát vật chất chưa được thỏa mãn nên khó bề giải thoát; ai đặt ý định, ước muốn nơi tiến trình thăng hóa tâm linh, cuộc sống sau này sẽ không bị lệ thuộc vào khát vọng vật chất hữu hình. Phỏng nhận định này có thể diễn giải câu Phúc Âm, "Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Đàng" (Mc. 10:25; Mc. 19:23-24; Lc. 18:24-25)?
Xét thế, ý Cha, ý Chúa, ý định của Thượng Đế, trên phương diện lòng tin, là cùng đích, là sự trở nên toàn hảo, toàn thiện, của con người tùy thuộc ý định, ước muốn của chính con người... Phỏng xét theo nghĩa này câu "Ý dân là ý Trời" mang đầy đủ mãnh lực của ước muốn con người xưa nay? Và như vậy, con người có cả một gia tài quyền lực lòng tin nhưng không được nhận biết, không được tìm hiểu phương cách phát triển để xử dụng. Lẽ đương nhiên, ngoại trừ trường hợp bị ép buộc hay có bộ óc bất bình thường, mọi hành động đều tùy thuộc ý định, ước muốn của một người. Thế nên, tâm ý đóng vai trò quan trọng nơi hành trình tâm linh, "Lòng ứa đầy những gì, thì miệng nói ra. Người lành tự kho lành mà kéo ra điều lành; còn kẻ ác tự kho ác mà kéo ra điều ác" (Mt. 12:34-35; 15:19; Mc. 7:19-21; Lc. 6:45). Bởi vậy, Đức Kitô rao giảng về luật yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người cũng chỉ là một, "Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy: Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật cùng các tiên tri đều qui vào hai giới răn ấy" (Mt. 22:37; Mc. 12:30; Lc. 10:27). Sự bác ái và tha thứ đối với tha nhân phải tự đáy lòng, "Cũng vậy, Cha Ta, Đấng ngự trên trời sẽ xử với các ngươi, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha cho anh em" (Mt. 18:35). Vì thực ra, tha thứ cho người là tự giải thoát chính mình khỏi sự ràng buộc bởi ý định không tha thứ, cầm buộc: "Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ can án; ai mắng anh em là "đồ ngốc' thì can án trước công nghị; và ai mắng là 'đồ khùng' thì can án hỏa ngục lửa thiêu" (Mt. 5:21-22). Đức Kitô nhấn mạnh về tâm ý vì ý định phát sinh quyền lực và hành động; sống lệ thuộc hình thức hay lời nói buông trôi cho qua không mang lại giá trị tâm linh bởi không phát xuất tự tâm hồn nên chỉ là giả dối: "Không phải mọi kẻ nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa' là sẽ vào được nước trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời..." (Mt. 7:21-22). Chính tâm ý con người thế nào thì cuộc sống, hành động của họ sẽ theo chiều hướng ấy. Thế nên kẻ thực hành điều Ngài giảng dạy, mang tâm ý, mang lòng tin trở nên thiện toàn thì mới có thể thăng tiến trong hành trình tâm linh, "Tại sao các ngươi kêu với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa, mà điều Ta nói, các ngươi lại không làm?" (Lc. 6:46). Như vậy, lòng tin Đức Kitô rao giảng đòi hỏi tâm ý hướng chiều toàn thiện để dẫn dắt thái độ, hành động con người chứ không phải lời nói suông rằng tin thế này, tin thế kia cho qua. Nói cách khác, đó là lối sống thực hiện lòng tin, lối sống chứng nhân Thiên Chúa, Thượng Đế đang ngự trị nơi chính mình.
Thực hiện, giữ luật bác ái, yêu thương, không phải cứ làm bừa những gì không cấm nơi Mười Điều Răn nhưng tất cả những gì có hại cho hành trình thăng tiến tâm linh đều cần được tránh; bất cứ thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói chất chứa những điều bất lợi cho người khác đều mang quyền lực tự trói buộc mình. Có thể vị luật sĩ và vị tư tế đã làm ngơ đối với người bị cướp đánh gần chết bên đường (Lc. 30-37) vì họ tuân giữ đúng điều đã được dạy bảo và bởi trong Mười Điều Răn đã không có luật nào nói rằng không cứu người là có tội? Đức Kitô xác định rõ Ngài đến để kiện toàn lề luật, "Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn" (Mt. 5:17). Thật ra, giữ không làm điều xấu dễ, giữ tâm không nghĩ điều xấu mới khó, vì đòi hỏi nỗ lực; hơn nữa, thấy điều nên và cố gắng thực hiện lại càng khó hơn. Đây chính là luật bác ái, là sự thực thi hành động giải thích câu Phúc Âm: "Vậy mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế: Lề luật và các tiên tri là thế" (Mt. 7:12; Lc. 6:36). Được sinh ra với bản tính con người nhưng sự thăng tiến tâm linh sẽ như thế nào lại tùy thuộc sự thực hiện ý định, ước muốn, lòng tin, nơi chính mình. Như vậy, phỏng nói rằng Chúa định phải chăng chứng tỏ sự thiếu ý thức hoặc không nhận biết quyền năng hay đã chẳng sống lòng tin nơi mình? Tin rằng Đức Kitô cứu mình nhưng không thực thi điều Ngài giảng dạy, Ngài chỉ lối mà không dấn bước thì con đường cứu rỗi có rộng mở, kẻ tin suông cũng chẳng tiến tới đâu!
Nhận thức Thiên Chúa ngự trị nơi mình, từ những thành phần tạo nên tế bào để cấu tạo các bộ phận xác thân cho tới toàn thể con người bao gồm ý định, tư tưởng, và những sự liên hệ trong cuộc sống, đồng thời cũng nhận thực quyền lực huyền nhiệm của Thiên Chúa ở ngay chính mình, con người sẽ nhận ra vai trò của mình trong cuộc sống và mục đích của sự hiện hữu hữu hình nơi trần thế. Nhận thức này dẫn đến ý thức mình với Thiên Chúa là một, với tạo vật là một, và với mọi người là một vì tất cả đều là một trong Thiên Chúa. Quyền lực nơi ý định ước muốn của con người, do đó, chính là quyền lực của Thiên Chúa ẩn tàng dẫn dắt con người trong hành trình tâm linh được gọi là lòng tin để trở nên toàn thiện. Bởi đó, luật yêu thương, bao gồm kính mến Chúa và yêu thương người như chính bản thân mình là lẽ đương nhiên, và dựa trên lẽ tự nhiên này, xét đoán người trở thành trói buộc mình, có ý định cầm buộc hay tha thứ người tức là cầm buộc hay tha thứ mình. Sự cầm buộc hay tha thứ có quyền lực ảnh hưởng không những đời này và đời sau bởi đời sau chỉ là sự kéo dài cuộc sống đời này trong thế giới vô hình. Như vậy, sống và chết thuộc về lẽ biến đổi của sự sống, bản thể đích thực của con người làm một với Thiên Chúa, dưới dạng hữu hình hay vô hình trong diễn tiến của hành trình tâm linh để trở nên thiện toàn.
Đức Kitô không những giải thích về năng lực của lòng tin mà còn chỉ cho mọi người biết phương cách đạt được lòng tin này; những ai có lòng tin đều có thể làm được những điều Ngài đã thực hiện, "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12), và điều kiện đó chính là sự không nghi ngờ về ý muốn, ý định của mình; nói như vậy có nghĩa điều mình mong muốn thực sự cần thiết, không có không được. Điều kiện để có lòng tin đòi hỏi sự tin chắc chắn rằng điều mình muốn sẽ được toại nguyện như trong câu truyện cây vả bị chết khô: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này 'xê đi mà nhào xuống biển' thì sự cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được" (Mt. 21:21-22). Kinh nghiệm sống cho thấy, nếu ai thực sự muốn đạt tới điều gì, họ sẽ dùng mọi năng lực có thể để hoàn thành sự việc chẳng kíp thì chầy. Tuy nhiên, biết bao người muốn giầu có đồng thời lại thích thú tiêu pha hoang phí, hoặc vừa muốn có tiền vừa muốn có danh. Nếu người nào đó thực sự chỉ muốn có nhiều tiền, họ sẽ dùng mọi phương cách để có tiền dẫu rằng chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, ăn chắt để dành, không se sua, ganh đua, thèm khát xe mắc tiền, nhà cao cửa rộng, quần áo cho sang trọng mong được nở mày nở mặt do người khác nghĩ mình cũng thuộc loại tài giỏi, v.v... Và người nào thực sự muốn có danh tất nhiên họ dùng mọi tài cán, tiền bạc, nhiều khi phải bợ đỡ, luồn cúi nếu không có thực tài hầu cho người khác biết đến mình. Dĩ nhiên, có những người nức danh thơm thì cũng có những kẻ nổi tiếng xấu, nhưng thực sự muốn và không nghi ngại ý định trong lòng, họ sẽ đạt được điều ước mơ.
Nơi Phúc Âm Marcô ghi lại, Đức Kitô không những giải thích rõ ràng mà còn nhấn mạnh về tính chất của lòng tin đó là sự không nghi ngại khi mình thực sự muốn điều gì: "Kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển, mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì nó sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:22). Tại sao nói "Tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra" trong khi đã đưa ra điều kiện "Mà trong lòng không nghi ngại"? Phỏng Đức Kitô biết rõ mọi người đều nghi ngờ những điều Ngài rao giảng? Hai ngàn năm trước đây người ta đã cho rằng Đức Kitô phạm thượng vì nói về quyền lực của Thiên Chúa ở nơi con người; cho tới ngày nay, vẫn chưa thấy ai làm được những điều Ngài đã thực hiện; thực tại này là bằng chứng rõ ràng chẳng ai có lòng tin như lời Ngài đã được ghi chép lại trong Kinh Thánh. Phỏng con người đã hiểu lầm lòng tin, đức tin, Ngài rao giảng? Phỏng nói rằng chỉ cần tin có Thiên Chúa, có Thượng Đế, v.v... thì đã được Ngài nhắc nhở: "Không phải mọi kẻ nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa' là sẽ vào được nước trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời..." (Mt. 7:21-22)? Nếu chỉ cần nói rằng tin là đủ, tại sao Đức Kitô còn phải giải thích: "Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:24)? Lý do gì Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Kitô câu nói: "Ôi! Thế hệ cứng tin và tà vạy! Cho đến bao giờ nữa, Ta sẽ ở với các ngươi, và phải chịu đựng các ngươi?" (Lc. 9:41; Mt. 17:17).
Kitô hữu nào không tuyên xưng tin vào Đức Kitô, tin vào Thiên Chúa? Những người theo Đức Kitô ngày đó sống gần gũi với Ngài, chứng kiến những sự việc Ngài làm, nghe tận môi miệng Ngài những lời rao giảng phỏng họ không tin hoặc phỏng họ tin kém những người sau này trong suốt gần hai ngàn năm? Như vậy, phỏng câu Kinh Thánh "Các ngươi có nghe cho lắm mà cũng không hiểu, các ngươi cố nhìn lấy nhìn để, mà cũng không thấy. Vì lòng dân này đã ra chai lại: chúng đã nặng tai nghe, chúng đã nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, lòng hiểu được mà trở lại, và Ta lại chữa chúng lành" (Mt. 13:14; Mc. 4:12) ám chỉ sự mù lòa nhận thức của con người đã bao lâu nay? Vì lý do gì câu nói giống như ngớ ngẩn theo sự hiểu biết nơi trí óc loài người: "Ai có tai thì hãy nghe!" (Mt. 11:15; 13:9,44; Mc. 4:9,23; Lc. 8:8; 14:35) lại được Phúc Âm nhiều lần nhắc nhở bằng cách đặt vào miệng Đức Kitô? Ai là người không có tai để nghe mà còn cố tình thêm "thì hãy nghe"! Thử hỏi, ai có thể tin được câu nói: "Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó, nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì" (Mt.17:20) là sự thật có thể thực hiện? Ai có thể xử dụng được câu nói này trong cuộc đời? Phỏng có lòng tin sẽ không bất lực trước một điều gì chứng tỏ quyền năng siêu việt nào đó nơi con người được gọi là lòng tin? Những ai nói có lòng tin, có đức tin dám thử cảm nghiệm để minh chứng câu Phúc Âm này là sự thật trong cuộc đời mình?
Nơi Phúc Âm, Đức Kitô cũng đã hứa: "Và điều gì các ngươi xin nhân danh Ta, Ta sẽ làm... Và nếu các ngươi xin gì với Ta, nhân danh Ta, Ta sẽ làm" (Gioan 14:13); "Điều gì các ngươi xin cùng Cha, thì Người sẽ ban cho nhân danh Ta" (Gioan 16:23). Chẳng những thế, Đức Kitô nói rằng lòng tin mang năng lực chiến thắng cả sự chết, "Phục sinh và sự sống chính là Ta. Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ đang sống tin vào ta sẽ không phải chết bao giờ" (Gioan 11:25-26). Có lẽ, phải thêm nơi đây, "Ai có tai thì hãy nghe!" Kinh nghiệm chứng minh, ai cũng có tính tò mò muốn biết. Tuy nhiên, thực hành mới quan trọng chứ biết để làm gì!
Lòng tin, đức tin, không phải là vấn đề cho rằng hoặc tin rằng có Chúa hay không vì dù tin hay không tin có Chúa thì Chúa vẫn có. Chúa là thực thể vô hình, thần linh, cội nguồn của mọi năng lực hiện hữu, là chính sự sống nơi mỗi người. Lòng tin cũng không chỉ đơn giản nói lên tin có Đức Kitô thực sự hay không vì theo Phúc Âm, Đức Kitô không đòi hỏi phải nói tin Ngài là Thiên Chúa mà thực hiện những gì Ngài giảng dạy. Lòng tin chính là quyền lực sự sống, quyền lực ý định, ước muốn nơi mỗi người.
"Sao! Nếu có thể!... Mọi sự đều là có thể cho người tin!" (Mc. 9:23).
(Ghi chú: "Lòng Tin" được viết từ cảm nghiệm cá nhân; người viết chờ đợi ngày nào đó trong tương lai quyền lực này sẽ được chứng nghiệm do quí độc giả thức ngộ.)