“Bòn bon si cu la, bánh bao sữa hột gà, dầu cù là Mac-PhSu...”, câu hát quen thuộc của trẻ con miền Nam, Việt Nam, một thời đủ thấy sự thông dụng và nổi tiếng của thương hiệu dầu cao một thời vang bóng.
1
- CUỘC NỔI LOẠN CƯỚP NGÔI VUA HÀNG TRĂM NĂM TRƯỚC: Rất ít người Việt để ý đến một sự kiện ở Saigon (Việt Nam) có liên quan đến lịch sử Miến Điện (Myanma) ở giai đoạn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là sự lưu vong của Hoàng thái tử Myingun Min sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Miến Điện ở Mandaday (miền bắc Miến Điện) vào năm 1866.
Ông hoàng này được Pháp coi là có thể dùng sau này để tranh giành ảnh hưởng với người Anh ở Thái Lan. Hoàng thái tử Myingun Min trốn khỏi Miến Điện sau cuộc khởi loạn ở Mandalay vào năm 1866, ông ta giết chú mình là Kanaung (tức em của vua cha Mindon Min) được coi là kế vị vua và định giết hay phế vua để mình lên ngôi. Người chú bị đâm chết nhưng vua thoát được. Kế hoạch khởi loạn của Myingun thất bại và buộc phải trốn tránh chạy khỏi Mandalay.
Theo báo “Le Temps”, Myingun đến Sài Gòn vào đầu tháng 11/1889. Ông sống lưu vong 32 năm ở đây cho đến khi mất.
Hậu duệ của Hoàng thái tử Miến Điện ở Saigon
Theo niên giám Đông Dương từ 1908 và 1910 thì Myingun sống ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng). Nhưng niên giám 1911 và 1912 cho biết Myingun trú ngụ ở đường Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ)
Myingun Min có 3 vợ trong đó có 1 người Việt, ông để lại các con cháu ở Saigon khi ông mất tại đây vào ngày 20-9-1921.
2- CON GÁI HOÀNG TỬ LÀ CHỦ HÃNG DẦU CÙ-LÀ MAC-PHSU:
Mahasi Sayadaw – 1 nhà sư nổi tiếng của Miến Điện trong đầu thế kỷ 20 (1904 - 1982) có nói đến con cháu của hoàng tử Myingun ở Việt Nam như sau:
“Tôi và đoàn tùy tùng cũng đi thăm Việt Nam từ Cam-Bốt. Lý do cho chuyến thăm này là do lời mời của một người có tên là bà Daw Pyu, xuất thân từ Miến Điện…”
Daw Pyu là con gái của vị hoàng tử lưu vong Myingun. Bà là một thương gia có thế lực ở Việt Nam và rất giàu có. Bà lập gia đình với một người Việt Nam, có các con trai và gái và các cháu nội ngoại.
Bà sản xuất, phân phối và buôn bán dầu trị bệnh. Cũng giống như dầu “Tiger Balm” nổi tiếng, dầu (cù-là Mac-PhSu) của bà Daw Pyu được ưa chuộng ở khắp Đông Dương. Dầu “Tiger Balm” có màu đỏ, trong khi đó dầu của bà Daw Pyu ở Đông Dương có màu xanh lá cây."
Những người sống ở Saigon trong những năm xưa ở thập niên 1960 đều có biết đến dầu cù-là màu xanh hiệu “Mac-PhSu” cũng như dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín và dầu gió Nhị Thiên Đường rất phổ thông đuợc nhiều tầng lớp dân chúng dùng ở khắp miền Nam.
Sở dĩ dầu cù-là Mac Phsu được ưa chuộng là bởi công dụng trị bá bệnh của nó, từ chóng mặt, nhức đầu, ho, cảm, sổ mũi đến nhức mỏi tay chân, bị thương tích chảy máu, bị côn trùng cắn hay bị muỗi đốt… Đặc biệt không như nhiều loại dầu cù-là khác sử dụng chất salicylate làm cho dầu thơm nhưng độc, khiến dầu nóng hỗn và gây ngộ độc nếu uống, dầu cù-là Mac-PhSu chỉ gồm các tá dược tinh túy, đặc biệt tinh dầu khuynh diệp nhập về từ Bồ-Đào-Nha nên ai nhức răng, đau bụng uống vào thì an toàn và hết chứng bệnh ngay.
Dầu “cù-là” là dầu từ Miến Điện. Người Nam bộ xưa kia gọi nước Miến Điện là nước Cù-Là. Vào cuối thế kỷ 19 người Cù-Là (Miến Điện) đã đến miền Tây buôn bán. Ở gần Rạch Giá, có xóm gọi là xóm Cù-Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số… Xóm Cù-Là ở Rạch Giá ngày nay hãy còn tên.
Tổng đại lý của dầu cù-là Mac-PhSu tại Saigon trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 1), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình.
Dầu cù-là Mac-PhSu được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo chí, biển quảng cáo ở các chợ (như chợ An Đông, chợ Thái Bình,..), ở các hiệu buôn, hiệu thuốc. Dầu của bà Daw Pyu được quảng cáo là dầu cù-là, dầu gió hay dầu bạc hà chữa trị “tứ thời cảm mạo”.
Bà Daw Pyu mỗi lần đi quảng cáo dầu cù-là, có lúc lại dẫn theo một con voi, con voi này sau được giao cho thảo cầm viên sở thú Saigon. Tên con voi là Xà-Kum.
Hiệu dầu cù-là Mac Phsu từng được quảng cáo khắp Saigon
Một bảng quảng cáo dầu cù-là Mac-PhSu tại chợ An Đông
Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac-PhSu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài. Dầu cù là Mac-PhSu nay chỉ còn trong ký ức của những người Saigon cũ.
Sự liên hệ giữa Việt Nam và Miến Điện trong lịch sử không có nhiều và ít được đề cập đến, nhưng sự kiện ông Hoàng tử Myingun lưu vong ở Saigon và hậu duệ của ông đã có đóng góp một phần nhỏ vào đời sống kinh tế và văn hóa ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 cũng là một sự kiện đáng được nhắc đến.
* Nguồn: Trích Nguyễn Đức Hiệp (Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.12.2016 15:52:36 bởi Ct.Ly >