Những Kinh Sách Không Phải Phật Thuyết (Trưởng lão Thích Thông Lạc)
Quê Hương Mến Yêu 07.01.2017 19:56:42 (permalink)
Hỏi: Kính thưa thầy, thiền tông gọi Phật tánh. Phật tánh có phải là ý thức hay không? Công án thiền có câu chuyện thiền ngữ: "Con chó có Phật tánh không?" nếu có Phật tánh, tại sao lại chui vào cái đãy bẩn thỉu để làm gì cho khổ? Cầu mong thầy chỉ dạy cho con được rõ.
Đáp: Câu này, có hai câu hỏi, nhưng rất liên hệ với nhau (tuy hai mà một).

Câu hỏi một, trong tất cả kinh sách Đại thừa đã xác nhận ý thức, không niệm thiện niệm ác, là "Phật tánh", kinh Kim Cang dạy: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Bồ tát độ hết chúng sanh thì thành Phật", kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: "Tánh thấy, tánh nghe, tánh biết và chủ, khách", kinh Pháp Bảo Đàn dạy: "chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền", v.v...

Đó là, chỉ cho ý thức chẳng khởi niệm, kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông cho trạng thái đó là "Phật tánh". Cho nên câu công án "con chó có Phật tánh không?" Đó là công án của thiền sư Triệu Châu. Một hôm, có một thiền tăng đến hỏi Ngài: "Con chó có Phật tánh không?" Ngài đáp: "có" Vị thiền tăng lấy làm lạ hỏi lại: "Có Phật tánh tại sao nó lại chui vào đãy da bẩn thỉu để làm gì cho khổ?"

Phật tánh là một "tánh giác", tánh giác là tánh sáng suốt, không có si mê, thế mà không sáng suốt lại chui vào đãy da uế trược, hôi thúi. Nếu theo ý thức phân biệt thì đây là một điều vô lý hết sức.

Còn Thiền Tông, cách thức lập công án, có nghĩa là khiến cho người ta bặt đường suy nghĩ; bặt đường suy nghĩ, thì ý thức không hoạt động; ý thức không hoạt động thì niệm thiện niệm ác không có; niệm thiện niệm ác không có thì trạng thái đó Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa cho đó là Phật tánh. Mục đích câu công án trên giúp cho người tu thiền định không suy tư được để nhận ra gọi là "ngộ" trạng thái này thành Phật "kiến tánh thành Phật".
Ngược lại trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: "Ý thức thanh tịnh (chẳng niệm thiện niệm ác), không liên hệ năm căn, (vô phân biệt) thì hành giả rơi vào Không Vô Biên Xứ Định, một loại định tưởng vô sắc của ngoại đạo trong bốn loại định tưởng. Thời Đức Phật, Ngài đã được ngoại đạo dạy, và đã thực hiện được các loại định này đến nơi đến chốn , nhưng không tìm thấy có sự giải thoát gì trong đó và cũng không tìm thấy "Phật tánh" ở đâu , nên Ngài bỏ các pháp môn này, trở lại tìm lộ trình Tứ Thánh Định.

Cho nên Đức Phật đã xác định, chỗ không niệm thiện niệm ác không phải là Phật tánh, mà là Không Vô Biên Xứ Định Tưởng. Các nhà Đại Thừa và thiền Đông độ đã lầm lạc ở trạng thái này, nên dựng nó thành "Phật tánh, thần thức". Bồ Đề Đạt Ma gọi là "tâm", Lục Tổ Huệ Năng gọi là "bản lai diện mục".

Khi tu đến đây, các thiền sư Trung Hoa và các thiền sư thiền Trúc Lâm Yên Tử (Việt Nam) sau này không chấp nhận: "Vô tâm còn cách một lớp rào". Họ lấy tưởng thức làm Phật tánh, vượt qua trạng thái Không Vô Biên Xứ Định Tưởng nhập vào Thức Vô Biên Xứ Định Tưởng, ở trạng thái này họ tưởng, thấy các pháp chỉ là "một" chớ không hai (bất nhị) nên trong Thập Mục Ngưu Đồ gọi là " Phản bổn hoàn nguyên" hoặc còn gọi là"Bản thể vạn hữu". Bà La Môn Giáo cho đó là "Đại ngã" nhưng kinh sách Nguyên Thủy Phật giáo cho đó là "Thức Vô Biên Xứ Tưởng".

Như vậy Phật tánh chỉ là ý thức không niệm thiện niệm ác, nếu Phật tánh có thật đi nữa mà không làm chủ sanh, già, bịnh, chết, không chấm dứt được sự luân hồi tái sanh thì chúng ta cũng ném bỏ như Đức Phật đã ném bỏ các pháp ức chế thân tâm và bốn định vô sắc tưởng của ngoại đạo, như ném bỏ một chiếc giày rách.

Trong thế kỷ thứ hai mươi, thiền tông đã phát triển cao độ, người theo tu có hằng vạn triệu, nhưng nhìn lại ai là người đã tu tập thiền định này, mà đã làm chủ sanh, già, bịnh, chết, chấm dứt luân hồi chưa ? Nếu một loại thiền định tu tập mà không làm chủ sanh già, bịnh, chết, chỉ có đạt được trạng thái tĩnh lặng và khinh an cùng một số ngôn ngữ đối đáp lý luận và trực giác biết chuyện quá khứ vị lai của người khác, tu được như vậy để làm gì?

Thưa quý vị! Điều này quý vị cần suy ngẫm kỹ, thời gian là thước đo của sự xác chứng nghiêm chỉnh về sự chứng đắc của loại thiền định này, riêng chúng tôi có nói gì xin quý vị đừng tin mà hãy tự xét, tự kiểm lại mình trên bước đường tu tập.

***

Hỏi: Kính bạch Thầy, kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh, Phật Tánh tức là tánh giác, tánh giác ấy ban đầu diệu dụng sáng suốt, không có vật gì sánh bằng như do niệm minh, tánh sáng suốt đó trở thành điên đảo vô minh mà theo nghiệp báo luân hồi. Vậy con không hiểu lý do gì mà sự sáng suốt đó không còn hạn chế mà lại trở thành vô minh, xin thầy dạy rõ cho chúng con hiểu ý sâu mầu này?

Đáp: Kinh Thủ Lăng Nghiêm là kinh phát triển của Đại Thừa, do người sau viết ra mạo nhận là Phật thuyết, nên lối lý luận thiếu chân thật, không logic, thường mâu thuẫn v.v..

Kinh này chỉ dạy cho chúng ta thấy Phật Tánh thường hằng sáng suốt từ vô thủy cho đến nay. Tất cả chúng sanh từ loài côn trùng, cầm thú đến loài người đều có, có mà ngu như con bò, nên thường chịu khổ từ kiếp này sang kiếp khác, thà là chịu ngu như loài cầm thú còn hơn, có Tánh Giác mà lại ngu thì mới buồn cười cho loại kinh sách xảo ngôn, nhưng xét cho cùng chúng ta thấy rất nhiều cái sai trong kinh này như:

1 - Tánh nghe, tánh thấy, tánh biết, những tánh này thường hằng bất biến, thường nghe, thường thấy, thường biết, đó là cái sai thứ nhất, khi một người đang ngủ, cũng như một bịnh nhân đang gây mê để giải phẩu thì tánh nghe, tánh thấy, tánh biết có còn nghe, thấy, biết nữa hay không? Hay nó đã ngủ, đã mê không còn biết như thân tứ đại của nó vậy?

2 - Phật Tánh này đã có từ vô thủy diệu dụng sáng suốt không gì bằng, đó là cái sai thứ hai. Tại sao sáng suốt (tánh giác) mà bây giờ lại mê lầm để đến nổi sanh làm chúng sanh, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu biết bao nhiêu trong sự khổ đau sanh, già, bịnh, chết từ kiếp này đến kiếp khác. Đã nói là tánh giác thì có cần gì đến Đức Phật Thích Ca giảng dạy kinh Thủ Lăng Nghiêm này, nó cũng vẫn phải biết tánh thấy, tánh nghe, tánh biết của nó, vì nó là tánh giác. Cớ sao phải đợi đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm thì chúng sanh mới biết thì như vậy làm sao gọi là tánh giác có từ vô thủy cho đến nay. Vả lại, tất cả chúng sanh đều có tánh giác nhưng sao tánh giác lại ngu si quá vậy luôn luôn làm khổ mình khổ người, tạo biết bao nhiêu nhân ác để rồi thọ biết bao nhiêu quả khổ từ đời này sang đời khác, thế mà các nhà Đại Thừa gọi là tánh giác có từ muôn đời ngàn kiếp, như vậy cái tính giác này (Phật Tánh) có còn giác tánh hay không?

Kinh Thủ Lăng Nghiệm dạy: "Cái thể bản lai thanh tịnh bồ đề niết bàn thì như hiện nay cái tính bản minh thức tỉnh của ông (A Nan) sinh ra cái duyên mà lại bị bỏ rơi. Do các chúng sanh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo".

Đọc đoạn kinh này ta thấy hết sức vô lý và mâu thuẫn dù cho lời này là Phật Thích Ca Mâu Ni nói chúng ta cũng không chấp nhận mà tin được huống là Tổ nói. Người ta cứ nghĩ rằng cái gì của Phật, Tổ, Tiên, Thánh nói ra là đúng cả.

Đâu phải vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta: "Cái gì Ta nói cũng đừng nên tin mà hãy suy ngẫm cho kỹ, cái đó có mang đến sự an vui chân thật cho mình cho người hay không rồi mới tin". Đó không phải Đức Phật đã xác quyết lòng tin của chúng ta phải được ở nơi trí tuệ sáng suốt của mình, khi hành động của chúng ta tiếp xúc với các pháp mà kết quả đúng với đạo đức không làm khổ mình khổ người thì mới chấp nhận, còn ngược lại thì không chấp nhận.

Người tu sĩ Đạo Phật nhờ tri kiến giải thoát tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác, chứ không phải tri kiến giải thoát là tánh giác như trong kinh Đại Thừa đã dạy .

Tri kiến cái gì ở đây để được giải thoát? Và giải thoát cái gì? Tri kiến giải thoát có hai cách:

1 - Thứ nhất là "Tri kiến" duyên "sanh", sanh tức là các pháp, tri kiến tức là biết rõ, nghĩa là biết rõ các pháp "Vô thường, khổ, không, vô ngã" biết rõ các pháp như vậy, đồng thời dùng sức tỉnh thức để không bị lôi cuốn, chìm đắm, dính mắc trong các pháp. Do đó mới gọi là vô lậu, giải thoát, mới gọi là làm chủ được sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi.

2 - Thứ hai là tri kiến "luật nhân quả thiện ác" để ngăn ác diệt ác pháp, khởi thiện tăng trưởng thiện pháp, do ngăn ác diệt ác pháp, khởi thiện tăng trưởng thiện pháp, nên tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền; tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền là tâm đã thanh tịnh, tức là tâm không phóng dật; tâm không phóng dật tức là tâm nhập bất động tâm định; tâm nhập bất động tâm định là tâm vô lậu, người mà tâm vô lậu là người có tri kiến giải thoát hoàn toàn.

Cho nên tri kiến giải thoát của Đạo Phật là chánh niệm tỉnh thức trong bất động tâm định, do sự tu tập tỉnh thức và huân tập pháp như lý tác y để khắc phục tâm tham ưu mà có, chứ không phải là tánh giác như trong kinh Đại Thừa dạy .

Trong kinh Đại Thừa dạy Tánh giác đã có sẵn từ vô thủy mà bây giờ lại mê lầm vô minh, u mê tạo nhiều nhân ác, thọ nhiều sự khổ đau, chịu tái sanh luân hồi muôn kiếp, thì có vô lý hay không? Quý vị hãy suy ngẫm về kinh này có đáng tin thì quý vị tin, còn bằng không thì quý vị đem đốt sạch, đừng để những loại kinh này chẳng ích lợi gì.

Ví dụ: có một người đã thi đỗ Tiến Sĩ và ông cũng không bị một bịnh thần kinh nào, nhưng bỗng dưng bây giờ ông ta lại quên hết, giống như một người chưa từng đi học, việc này như vậy có thể xảy ra hay không? Chắc hẳn không bao giờ có, phải không quý vị?

Như chúng tôi đã từng tu tập và học hỏi Giáo Pháp của Đức Phật. Ngài đã dạy: từ vô minh sanh hành, hành sanh thức và tiếp tục sanh khởi các duyên, do các duyên hành thức tạo ra các pháp, từ các pháp sanh, diệt, vô thường đưa đến những sự đau khổ, ưu bi, phiền não, sanh, già, bịnh, chết và tiếp tục tái sanh luân hồi .

Muốn chấm dứt sự khổ đau của kiếp làm người thì phải đoạn diệt vô minh mà vô minh được đoạn diệt tức là phải có "minh", minh ở đây tức là trí tuệ tri kiến giải thoát, trí tuệ tri kiến giải thoát là một sự tu tập mà có, chứ không phải tánh giác có sẵn .

Ngược lại trong kinh Đại Thừa cho tánh giác là có sẵn, tánh giác đã có sẵn mà còn lại đi tìm tánh giác thì có vô lý hay không?

Một nhà bác học đã học và thông suốt mọi điều, bây giờ ông ta còn cấp sách đến học những điều ông đã thông suốt đó, thì đó có phải là một việc làm vô ích và vô lý hay không? Xin quý vị vui lòng suy ngẫm, đừng vội nghe chúng tôi nói mà tin.

Kinh Thập Nhị Nhân Duyên dạy rất rõ ràng: "con người sinh ra từ vô minh, nên lầm chấp dính mắc các pháp tạo ra một thế giới đau khổ (mười hai nhân duyên hợp lại thành thế giới đau khổ)", chớ không có một Phật Tánh, một Tánh Giác, một Bản Lai Diện Mục nào ngu si đến mức độ không tưởng tượng được, nhằm chỗ bất tịnh, ô trược, bẩn thỉu, hôi thúi mà lại chui vào để tái sanh luân hồi. Như vậy kinh Đại Thừa gọi tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, Tánh Giác từ vô thủy thì chúng ta có tin được không?

Đạo Phật rất thực tế không xây dựng thế giới siêu hình, con người chết là mất hết không có Linh Hồn, Thần Thức; không có Bản Lai Diện Mục, Phật Tánh nào cả, chỉ còn lại những hành động nhân quả thiện ác đã huân tập nhiều năm, tháng, nên đã trở thành nghiệp lực, nghiệp lực ấy là vô minh hoàn toàn, cho nên mọi người sanh ra trên trái đất này ngay cả Đức Phật cũng đều là vô minh. 

Xưa Đức Phật đã làm khổ mình khổ những người thân của mình, một bằng chứng hiển nhiên, khi Ngài bỏ ngai vàng, cha già, vợ trẻ, con thơ đã khiến cho những người này khổ đau vô cùng, sáu năm khổ hạnh không phải là Ngài đã tự làm khổ mình sao?

 
#1
    Quê Hương Mến Yêu 07.01.2017 19:59:00 (permalink)
    Từ vô minh sanh khởi các hành, các hành mới sanh ra thức, chớ không phải có cái thức này từ đâu mà đến đây được, cũng không phải nó có sẵn. Trong kinh A Hàm Đức Phật đã dạy: "Nếu còn một chút xíu thức như đất trong móng tay Ta thì con người không giải thoát và đạo Ta không ra đời".

    Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người, Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái đãy hôi thúi . Thiền Sư Triệu Châu trả lời cho một thiền tăng hỏi đạo: "biết mà cố phạm". Xưa Đức Phật cho những luận thuyết này là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn.

    Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy câu này thật là vô lý: "do các chúng sanh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tánh bản minh mà không tự giác". Xin hỏi cái tánh bản minh của chúng sanh với chúng sanh là một hay là hai? Nếu bảo rằng một thì làm sao gọi là bỏ rơi? Nếu bảo rằng là hai tức là có cái minh và cái vô minh, nhưng cái minh đã có từ vô thủy thì làm sao cái vô minh lại xen vào được. Đó là một điều hết sức vô lý của kinh sách Đại Thừa.

    Theo Đạo Phật cái vô minh đã có sẵn từ vô thủy vì nó là nghiệp lực, do sự tu tập của chúng ta đúng chánh pháp mới lần lần vén sạch màn vô minh tức là đập phá và diệt sạch nghiệp lực, nên gọi là minh.

    Trong Thập Nhị Nhân Duyên, chúng ta không thấy Đức Phật dạy có duyên minh bao giờ. Minh mà có được là do sự tu tập, vì vậy Tánh giác không thể có từ vô thủy được.

    Vô minh và minh như đêm và ngày cái này có thì cái kia không, cái này không thì cái kia có. Do đó nói có sẵn là không đúng, cũng như người có học thì mới biết chữ, không học thì không biết.

    Trong câu kinh Thủ Lăng Nghiêm này cũng cho chúng ta thấy chúng sanh và Phật Tánh là hai chứ không phải một, do Phật Tánh mê nên mới thành chúng sanh, nhưng Phật Tánh sao lại mê được? đó là một sự mâu thuẫn rõ ràng. Kinh này dạy Phật Tánh hằng giác, hằng sáng suốt từ vô thủy lẽ đâu lại mê muội mà thành chúng sanh?

    Kinh Đại Thừa còn dạy: "mê là chúng sanh, gíác là Phật", câu này đã xác định rất rõ ràng "chúng sanh tánh có trước Phật Tánh", vì chúng sanh mê muội nên phải tu tập lần lần giác ngộ thành Phật, cho nên Phật có sau chúng sanh. Câu kinh này đúng theo lời dạy của Đức Phật đã dạy, còn kinh sách Đại Thừa lập luận không nhất quán. Vì vậy xét ra chúng ta không thể hoàn toàn tin vào kinh sách Đại Thừa là Phật thuyết.

    Vả lại, chúng ta chưa từng chứng kiến một vị Tổ tu theo Đại Thừa mà thành tựu sự giải thoát sanh, già, bịnh, chết chỉ có những câu chuyện huyền thoại tự tại sanh tử trong kinh sách Đại Thừa mà thôi.

    Đức Phật đã từng dạy: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành", Từ chúng sanh tu tập thành Phật, chứ không phải Phật đã có sẵn trong chúng sanh, nếu Phật đã có sẵn trong chúng sanh thì chúng sanh đâu cần gì phải tu ; nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì vị Phật đó quá vô minh, sao gọi là tánh giác được? Nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì Thầy Tổ và chúng ta hôm nay đâu cần gì ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, niệm Phật, tụng kinh, bái sám v.v.. Nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh, thì chắc thế gian này không có con người sanh ra đời, vì kinh Phật đã dạy: "cảnh giới Ta Bà khổ! Ta Bà khổ!"

    Tánh giác này hay là Phật Tánh thì không bao giờ có trong Đạo Phật, đó chỉ là một sự tưởng tượng của các nhà Đại Thừa, khi họ tu tập lạc vào tưởng định, phát triển tưởng tuệ, nên tưởng giải ra Phật Tánh Tánh Giác, Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết v.v.. Từ đó mới có những loại kinh sách tưởng, trước Đức Phật ra đời cũng đã có những loại kinh sách này, nhưng không giúp ích gì cho loài người và còn làm cho người ta khổ thêm, Đức Phật ra đời bài bác sáu mươi hai luận thuyết của ngoại đạo và đập phá tan tành thế giới siêu hình để giúp cho con người thoát ra khỏi tả đạo bàng môn lừa đảo này.

    (Trích trong tập Kinh Sách Không Phải Phật Thuyết)
     
    (thuvienthaythonglac.net)
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9