Một góc nhìn Phật giáo về linh hồn
Quê Hương Mến Yêu 07.01.2017 20:16:12 (permalink)
QUAN ĐIỂM VỀ LINH HỒN
 
Ngoại trừ Phật giáo, hầu hết các tôn giáo ở Ấn độ đều chấp nhận có một linh hồn bất biến tồn tại trong mỗi con người. Ấn độ giáo cho rằng linh hồn bất biến ấy chính là Atman hay Purusa, Jiva, chính là cái Ta, cái Ngã hay là cái thực thể tuyệt đối trường cửu trong con người. Trong kinh Upanishad  đề cập nhiều ví dụ nói về linh hồn :

Chàndoya Upanishad  nói:

“Này con, nếu có ai chích vào rễ của một cây lớn thì cây sẽ chảy nhựa nhưng cây vẫn sống, thậm chí đốn ngang cây, thì cây vẫn sống, chặt hết đọt cây thì cây vẫn sống trong nó và cây tiếp tục dần dần hút nước và thức ăn từ lòng đất để tiếp tục đâm lá ra cành.

Nhưng nếu linh hồn sống rời bỏ một cành là cành ấy khô héo, rời bỏ hai cành là hai cành khô héo, và nếu rời bỏ cả cây thì cây ấy chết khô.

Giống hệt như vậy đó con trài à ! thân xác này chết, rời bỏ linh hồn sống; nhưng linh hồn thì không chết. Cái bản chất tinh anh nhất trong tất cả mọi vật tồn tại chính là linh hồn. Điều đó thật sự là chân lý”[8, 738]

Như vậy, bản chất linh hồn là vĩnh cửu, vô tận; dù thân xác có bị tiêu hủy nhưng linh hồn vẫn tồn tại từ kiếp này đến kiếp khác “Sau cái chết của thân xác, linh hồn đi về một trạng thái siêu việt khác mà phẩm chất của trạng thái đó được xác định tùy vào hành nghiệp (karma) quá khứ, trong đó bản chất nguyên thủy của tự ngã có thể được khám phá. Nhưng từ tình trạng siêu việt này, Atman có thể quay về thế giới vật chất nếu chưa thành tựu được thực tại tối hậu” [14, 48]

Trong The Bhagavad Gita có đề cập đến sự bất tử , vĩnh cửu của linh hồn:
“Này Ajuna, linh hồn đã hiện thân thì vĩnh cữu, vô hủy diệt, bất khả tri và vô tận chứ không tạm bợ như thân xác. Vậy thì hãy chiến đấu. Kẻ nào có thể cho rằng linh  hồn có thể giết được và kẻ nào có thể cho rằng linh hồn có thể bị giết, cả hai kẻ ấy đều ngu xuẩn. Linh hồn không thể giết được ai và cũng không hề bị giết. Linh hồn không sinh thì không tử. Linh hồn đã hiện hữu sẽ không ngừng hiện hữu. Linh hồn vô sinh, trường tồn vĩnh cửu, dù khi thân xác đã chết, linh hồn vẫn còn tồn tại……binh đao không thể đâm chém được linh hồn, lửa không thể làm khô héo được linh hồn. Linh hồn đã hiện thân không thể bị đâm chém, không bị thiêu hủy, không tan như nước, không khô héo. Linh hồn thường còn, linh hồn truyền sức sống vào vật, linh hồn bất biến, bền bỉ, là bất diệt”. [11,17]

Như vậy, Ấn độ giáo chủ trương có một linh hồn (Atman) bất biến, tồn tại sau khi chết “Atman không sinh ra và cũng không mất đi……khi con người chết nó không chết” [16, 36]. Chính linh hồn này tái sinh vào các cảnh giới khác nhau và chịu sự chi phối của luân hồi.

Phật giáo không chấp nhận quan điểm của Ấn độ giáo về Atman (linh hồn). Theo Phật “ý tưởng về linh hồn, về Ngã là một sự tin tưởng sai lạc, không có thực trong thực tại và nếu tin tưởng như thế sẽ phát sinh những tư tưởng bất thiện về “tôi”, và “của tôi”, dục vọng ích kỷ, kiêu căng ngã mạn, gây ra xung đột giữa cá nhân với cá nhân và giữa dân tộc này với dân tộc khác…” [21, 79]. Do đó, Phật đã tuyên thuyết rằng: tất cả vũ trụ vạn hữu trên thế gian này dù là vật chất hay phi vật chất đều vô ngã do duyên sinh, theo nguyên tắc sau:
“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt
Do cái này sinh nên cái kia sinh
Do cái này diệt nên cái kia diệt”.
Cho dù linh hồn-được hiểu đơn giản là phần phi vật chất trong con người cũng phải do duyên sinh. Đức Phật phân tích một người là tập hợp của năm yếu tố: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó sắc (thuộc vật chất), bốn cái còn lại(thuộc phi vật chất). Nói cách khác, ngũ uẩn là một hợp thể duyên sinh vô ngã, không có cái nào tồn tại vĩnh cữu. Muốn tồn tại được phải nhờ nhân duyên, chẳng hạn như khi thức tồn tại phải nhờ “sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa….Thức phát triển, hưng thịnh nhờ sắc. Thức tồn tại nhờ….thọ….tưởng….hành…. Nếu có ai nói tôi sẽ chỉ ra sự ra đi, sự đến, sự sinh, sự diệt của thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người ấy đã nói lên một điều không thực” [2].

Trong hệ thống kinh tạng Nikàya, khi nói đến Ngũ Uẩn, Phật thường hỏi các thầy Tỳ kheo : “Sắc này là thường hay vô thường ?
Bạch Thế Tôn ! Vô thường
Vô thường thì đưa đến khổ hay vui ?
Bạch Thế Tôn ! Khổ
Cái mà vô thường, khổ thì có hợp lý khi cho rằng cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi ?
Bạch Thế Tôn ! Không hợp lý
Tương tự đối với thọ, tưởng, hành, thức…… [2]

Hay có một cách phân tích khác nữa, chia sắc uẩn ra làm bốn yếu tố: địa, thủy, hỏa, phong; tập hợp các yếu tố phi vật chất lại thành một nhóm, gọi là thức. Như bài thơ của thiền sư Đạo Huệ thời Lý:
“Địa, thủy, hỏa, phong, thức
Nguyên lai nhất thiết không
Như vân hoàn tụ tán
Phật nhật chiếu vô cùng….”
“Đất, nước, lửa, gió, thức
Nguyên lai vốn rỗng không
Cũng như mây lúc tụ, lúc tán
Mặt trời Phật chiếu khắp nơi không hạn chế…”
Qua đây cho chúng thấy được linh hồn mà Ấn giáo cho là trường cữu, khi nhìn dưới lăng kính Duyên sinh và qua phân tích về Ngũ Uẩn, Ngũ Đại của Phật thì không còn thấy gì là Ngã, là  Tôi…chỉ là một thực thể vô ngã do nhân duyên nhóm lại mà thành, không có bất cứ cái gì tồn tại độc lập và vĩnh cửu.

Mặt khác, Đức Phật bác bỏ về linh hồn nhằm không muốn cho các đệ tử của Ngài mất thời gian tư biện về những vấn đề siêu hình. Theo Ngài những vấn đề này không liên quan gì đến mục đích phạm hạnh, không có ích trong việc diệt trừ khổ đau, thành tựu chánh trí và chứng ngộ niết bàn. Trong kinh Alagaddùpama Sutta thuộc Majjhimà Nikàya Phật dạy: “......Này các Tỳ kheo, ta không thấy một linh hồn nào mà nếu chấp nhận sẽ không còn phát khởi buồn sầu, bi thương, thống khổ, phiền muộn, đớn đau” 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9