MUA DANH
tahuudinhqn 15.02.2017 20:10:45 (permalink)

 MUA DANH
                                                                           Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
                                                                                     
Cần phải viết mấy lời giới thiệu để đưa cái truyện “Ngoại tình” của nhà văn Tạ Hữu Thiện lên mạng internet. Truyện này trước đây đã in trên báo “Trăm Hoa” của nhà thơ Nguyễn Bính. Nên trước khi viết, tôi vào mạng để tìm hiểu thêm về nhà thơ  và tờ báo của ông.
A…đây rồi! Sau mấy cái nhấn “chuột”, trên màn hình đã hiện lên rất nhiều dòng tiêu đề mang tên Nguyễn Bính, có đủ cả thân thế, sự nghiệp, cả vinh quang và cay đắng…Trong đó, đáng buồn nhất là mấy bài viết về cái chết của nhà thơ…
Khi đọc xong, bất chợt tôi nghĩ: Nguyễn Bính cũng từng bị “ăn đòn” trong vụ Nhân văn – Giai phẩm, và qua đời trước nhà văn Tạ Hữu Thiện ba năm, mà tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn còn đây. Vậy thử hỏi Google xem trên mạng có Tạ Hữu Thiện không?
Ôi chao! Sau mấy cái chớp trên màn hình, mắt tôi bỗng hoa lên. Vì hàng nghìn, hàng vạn chấm sao nhỏ bé li ti đang quay cuồng nhẩy múa trước mắt. Tôi vừa phải chớp mắt để chống lại sự choáng ngợp, lại vừa phải mở to mắt ra để nhìn cho thật rõ. Vì trên màn hình không phải chỉ có tên một nhà văn Tạ Hữu Thiện, và tiêu đề bài thơ “Tôi đi tìm em” của ông, mà còn những hai âm “Tạ” nữa. Là Tạ Hữu Đỉnh và tiêu đề bài “Tai nạn nghề nghiệp” của tôi. Rồi đến nhà thơ Tạ Hữu Yên, cùng nhiều tiêu đề các bải thơ của ông.
Người ta bảo: “Cái thằng ấy trúng xổ số, nó sướng run lên!”. Quả là không ngoa. Tôi không trúng xỏ số, nhưng người cũng run lên thật. Trong cái kiếp làm người của mình, sự vui sướng về tinh thần, thì đây là lần thứ hai tôi được trải nghiệm. Lần trước là khi được in cái truyện ngắn đầu tay: “Ông giáo Thanh” trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Khi mở tờ báo ra, trông thấy bài và tên mình, tay tôi cũng run và mắt cũng hoa lên như bây giờ.
Nhưng ở giữa hai lần vui sướng đó là quãng thời gian hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Điều đó chứng tỏ đời sống của tôi, niềm vui hiếm hoi chẳng khác gì ngọc trai ở bể sâu, hay kim cương ở trong núi cao, chẳng dễ dàng gì mà có được!
Thế rồi càng ngẫm nghĩ, tôi càng muốn thử vận may, muốn hỏi Google xem, biết đâu nhỡ mình cũng có trang mạng riêng thì sao?...Nhưng ý nghĩ đó vừa xuất hiện đã bị gạt đi ngay. Vì hiểu rằng mình chỉ là một cây bút nghiệp dư, không tên không tuổi, chẳng có tiếng tăm gì. Không biết do sơ xuất từ đâu mà tên mình lại rơi vào mạng nằm giữa hai “Ông Bự” kia, thì đã là “phúc cả mả dầy” rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa?
Sách Phật đã dạy rằng: “Nếu con thắng được một người thì con là người khoẻ. Nếu con thắng được mười người thì con là lực sĩ. Nhưng nếu con thắng được chính mình thì con là đại lực sĩ”.
Nhưng nào tôi có thật sự thắng được mình bao giờ đâu! Nếu thắng được thì tôi đã bỏ quách cái việc viết lách khồn khỏ này từ lâu rồi.
A…mà không! Đã có lần xuýt nữa thì tôi đoạn tuyệt được cái nghệp chướng này đấy!. Bó được đúng 23 năm, từ năm 1975 đến năm 1998. Còn làm dơn xin ra khỏi Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh hẳn hoi. Ấy thế rồi chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại cầm lấy cán bút? Hay là giời đày?...
Còn bây giờ, từ lúc trông thấy tên mình và tác phẩm của mình trên mạng internet bỗng nhiên tôi đã thành ra con bạc vừa trúng một số tiền lớn. Vậy tại sao lại không dàm mơ ước đến số tiền lớn hơn?
Tôi liền nhấn phím ghi tên mình vào trang Google rồi nhấn “chuột”. Ối trời đất! Đầy kín cả màn hình, với các dòng ghi tác phẩm và tên tôi:
- Bảo bối của anh kế toán, Tác giả Tạ Hữu Đỉnh - Truyện ngắn.
- Tác giả Tạ Hữu Đỉnh - Đọc sách trực tuyến…
- Người háng xóm, Tác giả Tạ Hữu Đỉnh - Truyện ngắn
- Tạ Hữu Đỉnh – Trang cá nhân / Facebook. vv…
Tôi nhấn “chuột” vào tiêu đề “Bảo bối của anh kế toán”, định đọc xem truyện có bị cắt xén gì không. Nhưng loáng lên một ánh chớp. Ô kìa! Ở giữa màn hình là một ô vuông mầu đỏ chót, khá to, mỗi cạnh phải đến mười phân (sau đây tôi tạm gọi các ô vuông này là biểu tượng). Tên truyện mầu trắng nằm ở giữa ô đỏ. Dưới đó là tên tác giả.
Niềm vui cứ trào lên, khiến tôi gần như ngạt thở, bàn tay lóng ngóng mãi mới lăn được thanh cuộn để chuyển màn hình. Dưới biểu tưởng có dòng chữ: “Cùng một tác giả”, và hai ô biểu tượng nhỏ, mỗi cạnh 6 phân, cũng mầu đỏ, ghi: “Nội dung và hình thức” và “Ngoan cố”, hai truyện ngắn của tôi.
Dưới đó là dòng chữ: “Cùng thể loại truyện ngắn”. Và 5 biểu tượng loại nhỏ ghi các tiêu đề: “Chí Phèo”, Tác giả Nam Cao, “Đồng hào có ma”, Tác giả Nguyễn Công Hoan, “Trinh tiết xóm chùa”, Tác giả Đoàn Lê, “Người sót lại của rừng cười, Tác giả Võ Thị Hảo.
Vừa sửng sốt, vừa vui mừng phấn khởi, lại vừa hoang mang, tôi đứng bật dậy,  chạy sang phòng bên gọi: “Bà Đỉnh ơi!”. Tôi nắm tay “bà xã” kéo đến trứơc màn hình: “Đây, bà xem đi! Có phải là tên tôi và tác phẩm của tôi không? Thế mà bao nhiêu năm nay mình cứ bị vợ con rẻ rúng, coi khinh như củ lạc thối ấy!”. “Bà xã”, à không! “nàng”! Nàng sung sướng cười tít mắt, vừa giơ tay bịt miệng tôi không cho nói nữa, vừa cắn vào vai tôi một cái như thầm bảo rằng, từ hơn nửa thế kỷ nay bao giờ ông cũng là chồng em chứ không phải là củ lạc thối!
Sau đó có mấy lần tôi vào mạng xem chùm truyện ngắn này, thì lại thấy cả cụ Nguyễn Tuân với “Vang bóng một thời”, Tô Hoài với “Vợ chồng A Phủ”, Phùng Gia Lộc với “Cái đêm hôm ấy…đêm gì?”. Và lạ lùng nhất là lần xem gần đây lại thấy cả Guy de Maupassant, nhà văn lừng danh của nước pháp, với truyện ngắn “Sợi dây chuyền kim cương”, “Viên mỡ bò” và một số truyện khác…
Theo tôi hiểu thì đây là những tác phâm có tính phản biện xã hội, mà ngày xưa ta gọi là “Văn học hiện thực phê phán”. Cho nên người ta để các tác giả có tác phẩm cùng một dòng vào với nhau, để tiện cho bạn đọc. Nhưng Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài, tên tuổi và sự nghiệp của họ sừng sững như ngọn Thái Sơn hùng vĩ. Còn tôi chỉ là một tác giả nghiệp dư, vô danh tiểu tốt, chẳng hiểu vì sao, vì nhầm lẫn ở đâu mà người ta lại làm cái việc trái khoáy ngược đời để tên tôi leo lên “chiếu trên” ngồi trước các Đại gia khả kính kia?
Mà không phải chỉ có thế, người ta còn sắp xếp để hai cái truyện: “Người hàng xóm” và “Bảo bối của anh kế toàn” của tôi thành ra hai cái “cổng”. Muốn đọc tác phẩm của tác giả nào thì người đọc cũng phải nhấn “chuột” vào một trong hai cái truyện của tôi. Cũng giống như khách đến chơi nhà ai thì cũng phải đi qua cổng nhà tôi rồi mới đến được nhà mình muốn đến.
Vì so sánh thân phận mình với các nhà văn lớn trên kia quá chênh lệch, cho nên tôi nghi ngờ sự sắp xếp đó là do sơ suất, chứ không dám tin đây là sự thật nghiêm túc,
Rồi để tìm lời giải đáp cho những băn khoăn thắc mắc đó, tôi nghĩ đến tác giả truyện “Trinh tiết xóm chùa”, nhà văn Đoàn Lê ở Hải Phòng. Chỉ biết tiếng chứ không quen biết nhà văn. Tôi nhờ người xin số điện thoại và gọi điện cho Đoàn Lê. Nhà văn trả lời: “Tôi hoàn toàn không biết có chùm truyện ngắn ấy. Cảm ơn anh đã cho biết tin. Để rồi tôi sẽ đọc”.
Thế là chẳng biết gì hơn! Tôi liền gọi điện cho nhà văn Phạm Ngọc Chiểu ở Hà Nội. Tôi quen biết ông từ năm 2003, khi được in tập truyện ngắn đầu tay: “Đường phố ngọt ngào”, ở Nhà xuất bản Lao Động, khi đó nhà văn là cán bộ biên tập. Tôi cũng nêu ra những băn khoăn thắc mắc như trên. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu trả lời:
- Diễn đàn Việt Nam Thư quán là tổ chưc tư nhân ở nước ngoài. Họ chỉ căn cứ vào văn bản của tác phẩm để đưa lên mạng, chứ chẳng bận tâm tác giả là ai. Mà cảm thụ văn chương thì mỗi người mỗi vẻ, chẳng ai giống ai. Họ thích anh nào thì để anh ấy lên trước chứ có so bì như ta đâu.
Cũng chẳng có gì sáng tỏ hơn! “Nước ngoài” là nước nào?
Kiểm lại, tôi chỉ gửi tác phẩm của mình đến hai địa chỉ: Trần Nhương com và Việt Nam Thư quán. Trần Nhương thì chỉ có mỗi động thái, nếu thấy bài dùng được thì đưa lên trang mạng “Bầu bạn góp cổ phần” là chấm hết. Còn Việt Nam Thư quán? Hoá ra đây là một tổ chức truyền thông ở nước ngoài ư?...
Nhưng thôi! Họ ở đâu thì mặc họ. Chỉ biết rằng ở trên đời chẳng có gì là bất biến, chẳng có gì là vĩnh cửu, chẳng có gì là muôn năm. Cái gì con người làm ra được, thì đến một lúc nào đó không cần nữa, người ta cũng phá bỏ đi được. Cho nên tôi phải in ngay chùm truyện ngắn này ra giấy trắng mực đen, để khi trên mạng người ta gỡ bỏ thì mình vẫn còn vật kỷ niệm.
Chùm truyện Tạ Hữu Đỉnh có năm cái, tôi in cả. Còn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Đoàn Lê, Võ Thị Hảo mỗi tác giả có ba truyện, nhưng chỉ in mỗi người một truyện. In trực tiếp từ máy tính ra một bản. Rồi phô tô thêm một bản nữa, tặng tủ sách của Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Uông Bí, vừa để báo tin vui, vừa là để khoe với bạn văn của mình.
Và do in ngay sau khi phát hiện ra trên mạng internet có chùm truyện ngắn này, cho nên bản in không có tên và tác phẩm của các tác giả mới xuất hiện sau như: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Phùng Gia Lộc và Guy de Maupassant.
Chùm truyện in xong. Nhân dịp đi họp Hội VHNT thành phố Uông Bí sơ kết 6 tháng, tôi đem đến tặng.
Trong bữa cơm hội nghị hôm ấy, anh Chính Viễn ngồi bên cạnh tôi vui vẻ cụng chén cười: “Chúc mừng anh. Như thế là anh trở thành nhà văn rồi đấy!”. Có lẽ do quý mếm tôi mà anh Viễn nói như vậy, chứ tôi không giám nghĩ vì có mấy cái truyện ở trên mạng mà mình trở thành nhà văn, nhưng cũng rất vui và cả một chút hãnh diện nữa.
Và cũng lúc đó, ở phía bên kia bàn, một bạn văn khác (tôi xin phép được giấu tên) nhỏ giọng hỏi: “Mất bao nhiêu tiền?”. Người tôi bỗng nóng ran lên. Tôi không uống được rượu, nên chỉ vài ngụm mặt đã đỏ bừng lên rồi. Giờ lại thêm cả sự xấu hổ nữa thì chắc mặt tôi đã tím tái đi, chứ chẳng phải là đỏ. Cũng may trong quán ăn lúc đó hơi ồn ào, và người hỏi cũng có dụng ý làm cho câu hỏi chỉ thoảng qua như câu nói bâng quơ với chính mình, chứ không phải là một câu hỏi thực sự rõ ràng, có chủ đích hẳn hoi. Cho nên tôi cũng dễ lờ đi, coi như không nghe thấy và không phải trả lời.
Nhưng rồi câu hỏi đó cứ trở đi trở lại mãi trong tâm trí tôi: Liệu đó có phải là câu hỏi của một người, hay của nhiều người?...
Ở xã hội ta đang sống, chuyện mua quan bán chức đang diễn ra hàng ngày. Cho nên tôi không trách anh bạn đã đưa ra câu hỏi đó. Song tôi thấy mình có bổn phận phải trả lời dư luận. Vậy tôi xin thưa rằng: Tôi không mua danh, với các lý do sau:
- Một là, tôi không biết địa chỉ của Diễn đàn Việt Nam Thư quán ở đâu.
- Hai là, tôi không có nhiều tiền.
- Ba là, tôi hiểu cái danh đích thực và chân chính thì không bao giờ có thể mua được, dù bằng rất nhiều tiền.
Tuyai l, nhiên, tôi cũng rất mong Diễn đàn Việt Nam Thư quán, hay cá nhân, tổ chức nào ở đâu đó đã có thiện tâm- mỹ ý đưa tác phẩm của tôi lên mạng, xin hãy lên tiếng minh oan dùm tôi, tôi xin vô cùng cảm tạ./.
 
                                                               TP Uông Bí, ngày 2/10/2016
                                                                             Tạ Hữu Đỉnh 

 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9