Truyện ngắn Ma Văn Kháng
conbo2 05.11.2005 16:35:06 (permalink)
Những truyện này lấy từ trang ttvnol.com
#1
    conbo2 05.11.2005 16:47:32 (permalink)
    Con nhà làm bún

    Ma Văn Kháng


    -Gái lùn! Gái lùn dậy. Dậy, sắp sáng rồi! Gọi, lay, đập tay, giật chân. Không khéo phải cấu véo, đấm đạp, dựng nó dậy nó mới dậy cũng nên. Phần đêm đang khép cánh. Mặt đất đã âm ấm khí dương. ừ thì con gái hai mươi tuổi là tuổi ăn tuổi ngủ, nhưng tuổi này cũng là tuổi làm lụng chứ. Không làm thì lấy gì mà ăn. Không bớt ăn bớt ngủ, dậy từ lúc này, khi thiên hạ còn ngủ cả; không lấy sự chịu thương chịu khó để bù lấp chỗ kém cỏi của số kiếp thì làm sao mà sống được đến bây giờ, làm sao năm giờ đã có hàng cho khách đến lấy kịp đón chầu ăn sáng của mọi người!

    - Gái lùn! Dậy, con!

    May, lần này bà Gái chỉ gọi giật hai câu ngắn, con bé đã vùng ngay dậy, ngáp dài một cái rồi gãi mớ tóc bù, vừa thò chân xuống quờ quờ tìm guốc. Tiếng guốc như một sinh vật rút từ bóng đêm ra sức sống mỗi lúc một to dần. Lát sau thấy tiếng nước trong chảo bột vỗ sóng óc ách. Rồi bốc lên mùi bột gạo ngâm chua khẳn và mùi than bén lửa khen khét, mùi của sự sống, trong bóng đêm đen nhờ.

    - Này, cẩn thận, lượt cho kỹ không bún giót như hôm qua. Mà xem lại cái khuôn đi, mẹ thấy không khéo nó thủng, con à.

    Tuy vậy bà Gái nói mà vẫn cảm thấy tiếng mình không thật. Nó vang đi đâu, trong căn nhà mái thấp đã mù mù hơi khói, hơi nước, chìm nghỉm bóng hai người đàn bà, một già là bà, một trẻ là con bà. Hóa ra ở đây, lúc này không cần ngôn ngữ. Lúc này, ngõ xóm khéo chỉ có hai mẹ con bà dậy bắt đầu công việc làm bún. Mọi người đang yên giấc. Không ngủ lúc này chỉ có ma, không ngủ lúc này họa chăng chỉ có kẻ trộm đang hành nghề. Thức giấc lúc này chỉ có hai mẹ con bà Gái. Hai mẹ con như hai cái bóng âm thầm, quờ quạng, cắm cúi vào công việc đầu tiên để chế tác ra sợi bún là gạn bột và nhóm lò.

    * * *

    Những sợi bún làm trong đêm đem lại lời lãi trông thấy. Một cân gạo làm được ba cân bún ngon. Nhưng khách chỉ được đổi có hai cân rưỡi. Làm bún tậu được ruộng, xây được nhà. Nhưng, đó là nói người có sức vóc và bỏ qua cái vất vả, cực nhọc của công việc này.

    Ôi, cái cực nhọc của công việc là trong bóng đêm, để biến hóa từ vật thể này sang vật thể kia nói sao cho thấu. Vì nó để lại di chứng ở ngay hình hài, vóc dáng, cung cách của hai mẹ con bà; người gì mà kiệm lời, mà cứ xo xo xúi xúi, cắm cắm cúi cúi, cấm có thấy gương mặt ngẩng lên trọn vẹn và hai bàn tay thì lúc nào cũng nhớt nhèo nhèo, trong khi các kẽ chân kẽ tay bị nước chua ăn mòn ngày qua ngày cứ lở loét bở bợt ra, trông thấy cả lớp thịt đỏ nhờ bên trong, như tay chân người hủi.

    Muốn có sợi bún đẹp, ngon, công việc phải tỉ mẩn ngay từ khâu chọn gạo, không phải là hạt gạo mới lắm nhựa mà là hạt gạo cũ bụng bạc kia. Gạo muốn thành bún tất nhiên trước hết phải sóc cho kỹ, rồi xay thành bột ướt và ngâm chua cho nó nở. Nóng thì một, hai ngày. Rét thì có khi phải ngâm tới bốn, năm ngày. Bột nở đủ độ là vớt, cho vào khăn, gói lại rồi lấy đá lèn. Lèn cho khô rồi đem bột nặn thành quả. Quả bột hình thành nhờ tay người trực tiếp, rồi cũng tay người trực tiếp cho nó vào quay, thả nó vào nồi luộc. Chà, đã tưởng luộc chín là xong, nào ngờ đôi tay vẫn chưa được nghỉ ngơi. Nhấc quả bột đã chín ở phần da bên ngoài ra còn phải cho vào cối giã, rồi sau đó cho vào bồn thấu cho nhuyễn. Thấu khó lắm, quá tay cho nước nhiều là nhão ngay. Ôi chao! Cái vất vả vẫn chưa buông tha. Vì bây giờ mới đến khâu lượt bột, tức cho bột vào cái lượt có hình cái túi làm bằng tơ lụa Hà Đông, bóp bằng tay thật kỹ cho bột mịn. Tuy nhiên dùng sức cơ bắp nhiều hơn là khâu vặn bún tiếp sau. Vặn thật mạnh để bột tuôn xuống nồi nước đang sôi, và trong mung lung hơi nước nhoè nhoẹt, bấy giờ khi bóng đêm đang tan, trong cái cảnh huống ba chìm bảy nổi, mới thấy được sợi bún lập lờ trong làn nước sôi cuộn.

    * * *

    Ôi, những sợi bún trắng muốt kết tinh từ trong bóng đêm lao động vừa dai vừa giòn, lại còn bóng bẩy ngon lành. Công phu, nhưng chỉ mới nhìn sợi bún đã muốn ăn. Vừa đặt vào môi đã thấy nó trôi vào cổ họng. Người ăn bún quen dạ chẳng cần nói cũng biết là đông, nhất là đàn bà. Người nghiện bún cũng không ít. Ngày xưa trong ngõ này thì có cụ Thượng họ Bùi, còn như bây giờ, hàng ngày vẫn có cả chục người đến chờ bún khuôn một, hay còn gọi là bún đầu nước ngay từ lúc tinh mơ. Bún đầu nước ít nhựa, dai giòn, ngon, một người ăn hết một cân bún rối là thường. Mà đấy chỉ là chấm nước mắm hay mắm tôm chanh ớt thôi đấy. Bún có nhiều loại. Sợi bún ở trong chậu lấy tay vóng lên, vuốt xuôi, rồi trở tay đặt xuống, sợi dài trông như con len tở, gọi là bún con bừa, con cúi. Bún nắm là vóng sợi bún lên tay, nắm cho nó kiệt nước, đặt xuống, to nhỏ theo ý mình, nhưng thích nhất là bún vẩy ốc, còn gọi là bún lá, bầy ở mẹt bún chả, mười lá trắng tinh đẹp như hoa nhài, nhìn đã thấy mê. Mê bún, nghiện bún ở ngõ xóm này xưa như đã nói là cụ Thượng họ Bùi. Bà Gái nhớ: Cụ Bùi Mỗ, người làng này, xưa học giỏi, tài cao, đức trọng, được thăng Thượng thư, vào nhậm chức ở Huế, nhớ bún quá, phải mời ông Quảng, anh giai bà vào chuyên làm bún cho cụ xơi. Sau ông Quảng già, trở lại cố hương, Bùi tiên sinh thưởng cho chức Trưởng bạ.

    Ngồi nghe mẹ kể chuyện mà cậu út Nhớn dửng dưng như không. Chỉ có Gái lùn là có vẻ lắng tai, nhưng lại nghếch mắt, lơ ngơ: "Thượng thư là chức gì, hả mẹ?" Bà Gái ngẩn mặt nghĩ : Thì thấy người ta nói vậy thì nói theo chứ nào có biết. Mà biết để làm gì?

    Biết chẳng để làm gì cả! Vì quanh năm suốt tháng, từ đời cụ kỵ ông bà cha mẹ chỉ một việc đơn thuần là làm ra sợi bún. Chỉ một nhịp sinh hoạt là ngày ngày trở dậy từ hai giờ sáng, hết gạn bột, lọc bột, giã bột lại đến thấu bột, lượt bột, vặn bún, khép kín một chu trình chế tác để đến sáu giờ giao hết hàng thì lăn ra ngủ. Ngủ đến hai giờ chiều là dậy chọn gạo, sóc gạo rồi mười giờ lên gường để hai giờ sáng lại bắt đầu vòng tuần hoàn mới là dồn sức làm. Làm, chỉ có làm, làm đến mức hai bàn tay nát nhừ như bùn vữa. Làm, cả năm cả tháng chỉ nghỉ độc một ngày mồng một Tết, là ngày miệng thiên hạ còn dành riêng ăn cỗ. Làm như một thói quen. Như mục đích là làm. Như không có nhu cầu gì. Không có sinh thú gì khác. Không quan tâm tới bất cứ một cái gì khác ngoài công việc vì đã chấp nhận sự an bài, không nề hà, không suy bì so sánh, không biết đến khổ ải, thiệt thòi. Cũng chẳng có yêu cầu gì cho riêng bản thân. Vì ngay đến cả cái tên gọi cũng không cần nữa là. Mẹ là bà Gái. Con trai là Nhớn. Con gái là Gái con, Gái chị, Gái em, hoặc Gái lùn, Gái cao tuỳ theo vóc dạc. Từ đời ông bà đã vậy. Nhà là xưởng sản xuất. Số kiếp đã định, lớn bé, nam nữ trong nhà thẩy đều là thợ chuyên nghề chế biến món thực phẩm dân gian phổ biến này. Có nhẽ phải đến đời này, chỉ đến đời này mới có chút ngoại lệ. Tức cậu út Nhớn con bà Gái, từ lúc còn ở tuổi thiếu niên mới không tham gia công việc cùng cha mẹ và các chị. Cậu út Nhớn được đi học. Cậu tách dần khỏi cái đời sống lầm than cực khổ của mẹ và chị cậu. Mẹ cậu, chị cậu, lấy ra từ bóng đêm nguồn sức mạnh tăm tối, còn cậu, chỉ tìm thấy ở đó lòng căm hờn và sự khinh miệt. Cậu bĩu môi, khinh bạc:

    - Sống như dưới địa ngục thế này mà cũng chấp nhận được!

    * *

    Cậu út Nhớn mười bảy tuổi dong dỏng cao, da trắng mịn, mặt xương, mũi dọc dừa, tóc dày rậm, rẽ ngôi giữa, thanh tao nhẹ nhõm như một mũi tên, trông vẻ ngoài đã thấy là cái tinh hoa vắt ra từ cuộc đời lam lũ của mẹ và chị. Nhưng trông sáng sủa vậy mà cậu học kém. Trượt vỏ chuối vào học cấp trung học, cậu ở nhà chơi nhởn đã hơn năm.

    Một hôm, tôi sang xưởng chế biến của bà Gái xin nước đãi bún, nước này có chất chua của bột lên men, rất rít, rửa bát sạch hơn nước chuyên dùng của Thái

    Lan, thì bà Gái níu lấy tôi:

    - Cô ơi, cô là hàng xóm, cô còn đi làm, cô quen thuộc nhiều, cô giúp thằng Nhớn nhà tôi kiếm công ăn việc làm mới. Tôi sợ nó bị lôi kéo...

    Nhưng tôi chưa kịp giúp cậu Nhớn nhà bà Gái được tý nào, đã thấy cậu vè vè cái xe Honda nữ hoàng đỏ chót đằng sau đèo một cô gái mặc váy cộc vào ngõ và mặt mày phớn phở khác thường.

    Cậu út Nhớn thực hiện một cú nhảy vọt. Cậu Nhớn đã có người yêu, đã có bồ bịch, nhân tình. Và còn hơn cả nhân tình nhân ngãi nữa. Vì từ hôm ấy cô gái nọ ăn ở với Nhớn ở nhà mẹ Nhớn, một căn buồng ở nách cái phân xưởng chế biến bún nọ như vợ chồng thật sự. Cô tên Mùa Đệm Kim, một cái tên kép giao duyên tân cổ, cô trạc ba mươi. Chỉ nhận ra cô ở độ tuổi ấy mỗi trưa cô trở dậy, tóc tai rũ rượi, đánh răng, xúc miệng òng ọc. Lúc ấy phấn son đã bong sạch, da mặt cô sàm sạm màu chì, lấm chấm nốt tàn nhang. Lúc ấy cô hiện thành một cô gái quê có đôi mắt trắng dã, ngực độc cái xu chiêng bọc hai đầu vú to dài thõng thẽo như hai quả đu đủ, dưới cái quần hoa lửng là đôi chân vòng kiềng khuệnh khoạng. Cô đứng vung tay vung chân làm vài động tác tập thể dục. Rồi ngáp. Rồi gãi nách, gãi sườn sồn sột. Rồi khịt mũi thấy mùi gạo ngâm, liền nhổ đánh phịch. Mùi đ. gì mà chua phát tởm thế, ông Nhớn? Cô Mùa dậy muộn lắm. Quãng hơn mười giờ cô mới cùng Nhớn vắt vẻo cái ví đầm đi ăn trưa. Họ ăn cơm trưa ở quán cơm bình dân về, xong lại đóng cửa buồng im ỉm. Đây mới là lúc họ làm khổ tai nhức óc những người hàng xóm. Họ cấu chí nhau. Họ đùa nghịch nhau. Họ la hét. Rồi thì thoảng lại vỏng vót lên tiếng ré chói tai của cô Mùa. Cô kêu: "Cắn đ. gì mà đau thế, bố ai chịu được." Cô chửi: "Tiên sư thằng nhãi, bà đã mệt phờ ra rồi mà mày còn hành bà à!"

    Chí chóe cho đến năm giờ chiều thì Nhớn mở cửa dắt xe máy ra. Chàng đèo nàng đi làm. Bây giờ thì thật là nàng vì nàng đã thoát hẳn cái lốt thô phàm quê mùa vốn dĩ. Nàng mặc váy cộc màu tím, hoa đỏ. Nàng mặc áo vai bồng, riềm cổ chờm tới rìa cặp vú phồng. Mặt nàng biến dạng hoàn toàn. Son phấn phủ một lớp dầy, trên đó một bàn tay thẩm mỹ đã vẽ lên một cái mặt nạ đàn bà mắt to thô lố, miệng cười toe toét, thần thái nồng nã, như thấy đàn ông là vồ lấy ngấu nghiến. Nách cắp cái ví đầm, nghiêng nghiêng mái tóc dính hờ cái mũ nồi đỏ cờ, tay cặp điếu thuốc, ngồi vắt vẻo ở sau xe, nàng rõ là một tiểu thư đài các đang đến công

    sở. "Thôi, đậu ở đây. Chờ em. Bai, bai." Nàng hôn vào bàn tay, rồi giơ lên xoa xoa ra hiệu tạm biệt chàng. Chàng quành xe, chạy một quãng rồi rẽ vào một quán nước. Đám người ngồi quán đang đánh bài, quay lại, nhay nháy mắt: "Nhớn, vớ được cô em thơm thịt nhẩy!", "con nhà làm bún chuyến này đổi đời thành công tử rồi. Cơm no bò cưỡi sướng chưa? Sao không mời chúng tao một chầu bia, mày?" Công tử Nhớn không nói, nhấc bao thuốc 555, rút một điếu, châm lửa, trả tiền rồi đi ra. Nổ máy xe, Nhớn cho xe chạy về nhà. Cậu đi qua sân, thấy mẹ và chị đang sóc gạo, không nói một lời, dựng xe, vào buồng xách cái làn đựng dầy quần áo nữ, quàng vào tay lái xe, đánh xe đi. Lát sau nghe tiếng xe cậu quay trở về, tôi nhìn sang thấy cậu đang dở từng cái áo quần đã qua máy giặt phất lên cái dây phơi giăng qua sân. Cái dây phơi như có đàn bướm sặc sỡ vừa đậu xuống. áo sơ mi các kiểu, may ô, váy dài, váy ngắn đủ màu và những chiếc nịt vú, quần lót đàn bà rung rinh trong gió, lấp cả lối qua lại của hai mẹ con bà Gái lúc này đang sửa soạn đồ nghề cho buổi sản xuất tinh mơ sớm mai.

    Hai mẹ con bà Gái đi ngủ từ lúc chập tối. Ti vi không có. Rađiô cũng không. Nhưng có họ cũng chẳng xem, chẳng nghe. Họ nhờ vào bóng đêm để tái tạo nguồn lực, để trở dậy lúc hai giờ sáng làm mẻ bún mới. Tuy vậy giấc ngủ của họ, kể từ ngày Nhớn kiếm đâu được chiếc xe và đèo cô Mùa về ăn ở, lại bị quấy rày. Mười một giờ rưỡi, chiếc Honđa nữ hoàng đỏ nổ máy ầm ầm. Đón được cô tình nhân về rồi, căn nhà còn ầm ĩ thêm một lúc nữa, cho đến tận lúc cô Mùa gắt: "Sao hôm nay gặp toàn bọn đểu thế không biết! Thôi đi! Đang nẫu cả ruột đây, đang mệt bỏ cha đây!"

    Ngày nào cũng như ngày nào, lịch trình sinh hoạt của cậu út Nhớn cứ đều đều diễn đi diễn lại như thế! Thật chẳng còn hiểu quan hệ của họ thuộc là kiểu cách gì. Vợ chồng thì không phải! Vì chẳng nhẽ Nhớn khinh bỉ mẹ cậu là con mẹ làm bún đần ngu không biết gì nên không thèm hỏi qua một câu. Không gì thì cũng phải ăn hỏi cưới xin đàng hoàng chứ. Mà xem cái cung cách con đàn bà đi đêm về hôm ở nhà người ta đến cả tuần mà không biết chào hỏi ai lấy một câu, lại có ý hợm của lên giọng hiếu sự mỉa mai, ăn nói chỏng lỏn, cợt nhả, thô lỗ thì đó hẳn không phải là con người tử tế đứng đắn rồi!

    Bà Gái, Gái lùn ngậm miệng làm thinh. Đã quen với một thế giới không ngôn ngữ. Đã nhận ra chẳng có thể thay đổi được tình hình. Hơi sức của họ chỉ còn đủ để hoàn thành chức trách của con người lao động là làm ra sản phẩm để nuôi thân thôi. Mặc dầu tôi biết là họ giận lắm và nếu giận cô Mùa một thì họ giận cậu Nhớn hai. Cậu Nhớn bám vào cô Mùa để vinh thân, để ra khỏi kiếp phận. Cậu rủng rỉnh đồng tiền tiêu pha. Cậu mặc áo sơ mi hãng Pie-Cácđanh, đi giầy Italia, đeo đồng hồ Seiko, hút thuốc ba số. Cậu chẳng đoái hoài gì đến mẹ và chị. Cậu quát: "Vứt mẹ nó cái nghề chết tiệt của các bà đi. Tởm đ. chịu được!"

    Cái phải đến cuối cùng cũng đến. Một trưa, đang đọc sách, bỗng nghe thấy tiếng la lối om sòm bên nhà bà Gái, động lòng tôi vội chạy sang.

    Bà Gái đang ngồi sàng gạo ở cửa căn buồng. Mặt gầm xuống cái sàng, bà không dám ngẩng lên vì tiểu thư Mùa mặc bộ đồ cộc, hở nách mỏng tang ở cạnh cái dây phơi la liệt váy áo, đang nhẩy chồm chồm, chao chát:

    - Cha tiên nhân đứa nào ăn không ăn hỏng lấy của tao cái đồng hồ Lông-din giá hơn mười vé nhá! Bà báo cho mà biết, duyên ai phận nấy chớ ghen mà nồng. ừ, bà là gái cave đấy! Bà thuê thằng Nhớn nó làm vệ sĩ cho bà, bà nuôi nó, bà cho nó tiền, để nó bồi dưỡng sức khoẻ để nó ôm ấp bà đấy. Này, đừng có nói bà đã chán chê mê mải vì khách chơi nó vầy vò, nay lại quyến rũ thằng Nhớn vì bà là con nặc nô dâm đãng chưa đã cơn thèm nhé! Cave là nghề của bà. Còn thằng Nhớn nó là tình nhân của bà. Hai việc khác nhau nhé!

    Bất nhẫn quá, có lẽ là vậy, dẫu là Mùa chửi nhau một mình, từ trong buồng, Nhớn vội nhao ra để can ngăn. Nhưng vệ sĩ vừa ra khỏi cửa, còn đang mắt nhắm mắt mở đã bị cô cave cản lại và thực hiện ngay một cú đánh nhà nghề, tay đẩy chân ngáng khiến cậu quay lơ ra đất.

    - Cả ông nữa. Ông còn liếc ngang liếc dọc con mắt xanh mỏ đỏ nào nữa thì tôi cho mẹ nó một nhát cho xong đời đấy, hiểu chưa? Chó nào, chủ ấy chứ! Đ. mẹ không có tao nằm ngửa ra thì lấy c. mà đổ vào nồi à! Nói cho mà biết, không có tiền của bà thì mày lấy đâu đồng hồ mà đeo, áo quần sang trọng mà mặc, xe máy mà đi. Mày mở mày mở mặt nhờ con cave này đấy, hiểu chưa? Chứ cái thứ con nhà làm bún như mày, chỉ đáng giặt xi líp cho bà thôi, con sãi ở chùa thì quét lá đa thôi, chứ tưởng của báu đấy, hả!

    Thấy mình hèn quá, Nhớn vận nội công bật dậy, định xông tới vả vào mồm cô cave nọ mấy cái, nhưng chưa kịp đã sững người há hốc mồm. Tiểu thư cave mặt hầm hầm quay lại đưa tay giật giật liên hồi quần áo phơi, rồi vào buồng xách làn nhựa ra, nhét đầy vào đó, đoạn đi tới cái xe Honđa đỏ chót ngồi lên, không cần thay quần áo, dận máy nổ ầm ầm.

    - Kim Mùa! Kim Mùa! Cho anh xin lỗi! Anh xin lỗi em mà!

    Không nơi nương tựa, Nhớn lại trở thành kẻ thất nghiệp ăn bám mẹ và chị. Nhưng một tháng sau, nhờ mẽ người cao ráo, xinh nhã cậu lại được làm vệ sĩ cho một ả cave khác. Cậu lại có xe máy đi, quần áo đẹp mặc và tiền tiêu rủng rỉnh. Nhưng lần vẫy vùng này để cố ra khỏi bóng tối của khuynh hướng thoái triển trong số kiếp cũng lại không ăn thua. Vẫn lại là kịch bản cũ và có thêm hồi kết thúc bi đát hơn. Trong một trận tranh giành quyền lực, Nhớn bị đối thủ tẩn cho trận bò kê bò càng. Phục thuốc ba tháng sau Nhớn mới lại sức. Bà Gái nói: " Thôi, con ở nhà làm bún với mẹ và chị đi. Vất vả, nhưng đồng tiền kiếm được nó chắc chắn vì nó lương thiện, con à." Thấy ông con im, bà liền hấp háy con mắt, phấn khởi: "Mẹ già, chị con cũng yếu rồi, giờ làm buổi đực buổi cái thôi, cần có con giúp đỡ trông nom cơ nghiệp này. Nếu con bằng lòng, mẹ sẽ đưa con ít tiền để con lo việc mua máy móc, vì mẹ nghe nói giờ người ta không làm bằng tay nữa, người ta đã chế tạo ra máy xay, máy nhào, máy vắt bún rồi." Mẹ vừa dứt lời, Nhớn liền nhổm dậy: " Mẹ có được bao nhiêu tờ?"

    Giờ thì Nhớn giữ chân gác khách sạn Rose ba sao tư nhân ở phố Q. Đó là những nỗ lực cuối cùng để giành lấy cái cậu không có, để đổi thay địa vị của cậu, nhưng buồn thay cậu khoe với tôi: phải mất năm vé đút lót mới được nhận vào việc ấy. Thấy tôi nhún vai, cậu liền mím môi cười lặng: Chị y hệt mẹ em. Nhưng chị ơi, chỉ cần một năm tiền boa là em lấy lại đủ vốn thôi.

    Rồi cậu con trai nhà làm bún ngả người, giang hai tay vênh vang một cách hồn nhiên và tôi đòi:

    Cứ sấp mặt xuống làm nên u tối có biết gì đâu. Cậu nói - Bây giờ mở mắt ra mới biết: Thiên hạ họ ăn chơi thật là khủng khiếp! Một bữa tiệc chi vài ba triệu là bình thường. Còn một tay giám đốc từ nơi khác đến, thuê khách sạn, cắp theo một con bồ như cỡ Kim Mùa bao cả tháng là thường xuyên. Thật hầu hạ bọn này cũng còn hơn ông bác em theo Cụ Thượng nào đó vào Huế làm bún cho cụ ăn, còn hơn đầu tắt mặt tối như mẹ em, chị em, chị ạ./.
    1999
    #2
      conbo2 05.11.2005 16:54:46 (permalink)
      Lít, người gác chắn can đảm

      Ma Văn Kháng


      Lít, em trai út của chị em chúng tôi từ bé đã là. đứa trẻ hiền lành, nhút nhát. Trong cái dòng đời sôi sục sự đua chen hiện thời, bạo tợn đáo để nhiều khi còn chẳng ăn ai, huống hồ... Thành ra, Lít là kẻ chịu nhiều thiệt thòi lắm. Ði học thì từ lớp mẫu giáo nó đã là kẻ thua chị kém em, bị bạn lấy mất khăn tay, kim băng, bị cô giáo mắng oan, bị đứa lớn bắt cung phụng quà cáp, cũng chỉ âm thầm chịu đựng, không dám hé răng đến cả với mẹ và chị. Lên cấp trung học, Lít to phộp nhưng cũng chẳng bạo dạn thêm tí nào. Trong lớp bị thầy chỉ định phát biểu ý kiến, hay gặp người lạ ở chốn đông người là mặt đỏ rửng như gấc chín, là gãi đầu gãi tai, sợ sệt lúng ta lúng túng, ăn không nên đọi, nói không lên lời. Mẹ tôi bảo: "Bao nhiêu cái khôn ngoan, sắc sảo chị em chúng mày lấy đi cả, để lại cái đần cái dại cho nó”. Mẹ tôi gọi Lít là thằng đần. Lít đần, đần thối đần nát thật. Chuyện người ta kể, xung quanh đã cười lăn cười lóc mà nó còn ngơ ngẩn, nghĩ mãi chưa ra. Mười lăm tuổi, cao một mét bẩy, nặng sáu mươi ki lô, hiền, đần, lại gan con thỏ, thấy vậy nên bố tôi phải cho nó đi học võ. ở lớp võ thuật Lít tập chạy mỗi buổi bốn cây số, tập nhẩy dây, tập đá cao, tập đấm bao cát và các miếng mẹo quyền cước tự vệ, tấn công. Cho Lít tập võ là nghĩ rằng lấy cái mạnh mẽ bên ngoài viện cho cái bên trong, để đuổi cái hèn yếu ở bên trong ra, để cải biến bản tính con người. Vậy mà sau mấy năm trời, Lít nguyễn y vân là. đứa em trai lành hiền, chậm chạp và nhát nhúa của chúng tôi.
      Thôi thì cha mẹ sinh con, trời sinh tính, chả nên đòi hỏi phải có được cái mà vốn Lít không có. Lít là con người tốt, thế là tốt rồi, còn đòi gì nữa. Vì tợn tạo, sắc cạnh, gai góc chắc gì đã hay.
      Lít lớn lên trong sự yên lòng của chúng tôi. Ðến tuổi đi làm, nó được bố tôi nguyên là một tài xế tầu hoả lâu năm xin cho vào làm nhân viên gác chắn ở ga N, một công việc khiêm tốn, giản dị, hợp với tính tình năng lực của Lít. Rồi ít lâu sau, theo quy luật của tạo hoá, như mọi người, cậu út của chúng tôi cũng lấy vợ và sinh con.
      Có vợ con, có công ăn việc làm rồi, đường đường một đấng nam nhi, một nhân viên nhà nước rồi, Lít đã trở thành mối yên tâm của chúng tôi. Hơn nữa Lít vẫn là Lít em út xưa kia của chúng tôi. Vì hàng ngày nó vẫn như cái bóng lùi lũi đi chẳng ai biết, về chẳng ai hay. Cũng chẳng thấy nó có bè bạn và chưa bao giờ thấy nó trò chuyện gì về công việc của nó. Cùng các mối quan hệ chắc chắn là không phải không có cái buồn phiền, nó cứ ru rú một mình một bóng, ngại ngùng, sợ sệt đến cả việc giao tiếp thông thường. Tổ dân phố mời họp, đi xin dấu chứng nhận của uỷ ban phường, đi xin đổi giấy chứng minh, hễ có việc tương tự là y như rằng thấy nó gãi cổ sồn sột, ngượng ngà ngượng nghịu dùn đẩy: “Chị Lan, đi giúp em việc này..." Thật buồn!
      Vậy mà một ngày nọ tôi bỗng nghe thấy tiếng vợ Lít chu chéo ở bên nhà. Vội chạy sang, tôi đã thấy vợ Lít béo lùn, áo quần tơi tả, tóc tai sũ sượi, một bên má bánh đúc tím bầm, đang nhẩy chồm chồm, xỉa bàn tay nhọn vào mặt Lít. Còn Lít lúc này to cao phền phễn, mặt mày xưng vếu như vừa bị ai đấm, đang lăm lăm cây sào phơi rập tướp một đầu trong tay.
      - Này, có giỏi thì đánh nữa đi! Khôn ngoan đến cửa quan mới biết. Giỏi thì đi đối đáp với người ngoài nhé! Chứ về nhà bắt nạt vợ con thì là. đồ hèn nhé! Thấy tôi, vợ Lít đang nồng nã liền áp tới, sồn sồn:
      - Chị xem, nó bị bọn đầu gấu chở xe bò cát đánh, chẳng dám chống lại. Bao nhiêu uất tức nó đem về trút hết cả lên đầu em. Em có tội tình gì! Hầu hạ nó còn hơn hầu hạ bố già. Thế mà, nó giận cá chém thớt. Chị xem nó quật em, nó đấm em này! Mà không chỉ có lần này.
      Thấy vợ chỉ tay vào vết bầm trên má, rồi quay lưng lại, vạch áo cho tôi xem những vết quật của Lít, Lít liền vứt tạch cây sào, mặt thì lì xì một hơi: "Thôi im đi, rõ lắm mồm!" rồi bỏ ra cửa.
      Hoá ra, vợ Lít không nói ngoa. Không chỉ là lần này. Mà là cả chục lần rồi. Không được tăng lương. Bị cắt thưởng. Mất lao động tiên tiến sáu tháng. Bị bạn bè quỵt tiền. Mất cắp... Bao nhiêu oan ức, tủi hổ Lít đều nén nhịn ở trong lòng rồi đem về trút cả lên đầu vợ. Nhẹ là tát tai, đấm đá. Còn thường xuyên là vớ được cái gì trong tay là phang là quật cái đó ngay lên người vợ. Cái thằng đã cục lại quá hèn!
      * * *
      Năm tháng trôi đi cho mọi người, nhưng dường như nó phớt lờ Lít. Lít vẫn vậy. Khác chăng là chút đổi thay bộ dạng do tuổi tác. Khác chăng, giờ đây, trên gương mặt tròn phính cố hữu của y có thêm một bộ ria đen rậm dài như một cái bàn chải. Và cùng với bộ ria này, cổ tay y có thêm vòng xích bạc trong khi cổ y quàng một sợi dây đồng lõng thõng một cây thánh giá treo. Nhìn những cái đó, nhất là bộ râu, người ta có thể nghĩ đến phép ngoại viện mà ông thân sinh ra y đã áp dụng khi ép y phải học võ lúc y còn ở tuổi thiếu niên: hãy dùng cái bên ngoài để hỗ trợ cải đổi cái bên trong còn hao khuyết. Vì chẳng phải là bộ ria đen sì đã gia cho gương mặt đầy đặn lành hiền của y vẻ phong trần lãng tử, vì bọn đầu gấu thành phố ít lâu nay vẫn thực hành lệ luật riêng là khinh bỉ ra mặt kẻ không râu đó hay sao!
      Lít đã vào tuổi ba mươi. Và như vậy là. đã hơn mười năm nay, y vẫn làm việc ở nơi chắn tầu có tên là N, thuộc tuyến đường sắt phía Nam này. Chắn tầu này là giao điểm của năm con đường bộ giao nhau. Vì vậy nơi đây ngày ngày phơi ra giữa thanh thiên tất cả sự sục sôi, tạp sắc, lắm bất ngờ và ngẫu sự. Cái ngã năm này vì vậy được người ta ví như một cuốn sách cổ điển, chi chít chữ và có một nhân vật lý thú là Lít, em út của chúng tôi.
      Lít xuất hiện trưa hè nắng bỏng ấy trong bộ quần áo xám nghiệp vụ, tay nắm hai lá cờ vàng đỏ cuốn chặt. Sau khi mắm môi mắm lợi đẩy cái chắn tầu chạy trên hàng bánh xe ròng rọc ra ngăn cấm sự lưu thông của năm ngả đường, để dành lối cho chuyến tầu hoả đi, y đứng ra cạnh cái trạm gác chóp nhọn, với vẻ mặt nghiêm trang của người thi hành công vụ. Tuổi ba mươi là tuổi thành thân. Trông Lít thật đẹp, thật oai nghi. Cao to, cân đối. Chân tay nở nang đều đặn. Ngực bụng gọn gàng. Ðứng lập nghiêm tay giơ cờ lệnh, y giống một pho tượng khí phách và rất đáng mặt nam nhi, nghĩa là không biết đến cái sợ hãi, nao núng, nghĩa là rất ngang nhiên. Tư thế ấy, vẻ mặt ấy, Lít quyết định phải giữ cho được ít nhất là năm phút đồng hồ, thời gian đủ cho đoàn tầu thông qua an toàn, theo quy định. Theo quy định, tối đa là năm phút, vì lâu hơn là gây ách tắc lớn cho đường bộ. Năm phút nghiêm nghị với trưa hè này có là quá dài hay sao mà Lít bỗng hạ tay cờ lệnh và giật mình quay lại. Chuông điện thoại réo gọi, báo tin: họ đã báo lầm tuyến đường tầu qua!
      - Trời ơi! Làm ăn tuỳ tiện thế, hả? Giam hãm chúng tôi giữa trưa nắng thế này, các người có còn lương tâm nữa không hả? Các người là một lũ ăn hại đái nát. Cút mẹ các ngươi về hót cứt cho chó, đuổi gà cho vợ đi!
      Chao ôi! Lít tối tăm mặt mũi về những lời rủa xả. Cay đắng quá, nhưng nào có phải lỗi lầm này là do y gây ra. Y không gây ra, nhưng bây giờ y phải hứng chịu, y phải cắn răng nhịn nhục nhoài người đẩy cái gác chắn chạy trên hàng bánh xe mở lối thông suốt cho năm ngả đường bị y bít chắn một cách vô lý hơn năm phút giữa trưa hè gay gắt.
      Gác chắn vừa mở, năm ngả đường như năm dòng suối bị ngăn như tức nước vỡ bờ. Người, xe đạp, xe mô tô, xe ô tô, xe công nông, xe bò, xe ngựa chen lấn, xô đẩy. Tiếng máy rống rú. Tiếng người rên rỉ, la thét, chửi bới, gào thét. Lại thêm một đám rước thì thùm tiếng trống cái và rèng rèng tiếng thanh la não nuột. Dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, tất cả đều biến dạng, hợp thành một hỗn âm mù mịt bát nháo và tràn đầy tinh thần khiêu khích, gây gổ.
      - Ð. mẹ mày nhé, thằng Lít! Mày định chơi đểu với bố mày, hả!
      Quả nhiên Lít đã nhận được một lời chửi cùng với một làn roi da quất véo xượt qua mặt khi vừa đẩy xong chiếc gác chắn. Y bật lui trở lại một bước. Và nhận ra ngay: đứng trên càng chiếc xe bò đầy ụ than cám vừa nhoai lên mặt đường sắt là một gã đ.àn ông cởi trần, đen cháy, tay đang lăm lăm sợi roi da.
      - Vút!
      Nhận ra ánh chớp loằng ngoằng của chiếc roi da trước mặt, Lít vội né người. Gã đ.àn ông đánh xe bò, tên gây sự vừa bổ roi trượt Lít, đầu bịt khăn đen, ngực để trần, hai cẳng chân lồm xồm lông thò ra dưới cái quần soóc bò gấu tua rua, mắt quýp, mũi diều hâu, hai cái dái tai chẩy dài, nào có phải là ai xa lạ! Tên vô lương ngang ngược này, tên đầu gấu nổi danh trộm cướp này, là kẻ vẫn thường xuyên qua lại nơi đây, và biết Lít là anh hiền lành hèn yểu nên đã có đến cả chục lần gây sự làm nhục Lít.
      Hành hạ, ăn hiếp kẻ yếu là cái khoái thú của bọn bất lương. Vậy thì lần này, có sẵn cớ, rồi hắn cũng sẽ làm nhục Lít đây. Tiên sư thằng gác chắn bị thịt! Mày làm bố mày xuýt chết nắng! Mày phải đền cho bố mày đi! Ð. mẹ mày! Ra đẩy xe cho ông đi, không ông cho ra bã bây giờ! Ðó, hắn ngoạc mồm ra chửi Lít. Hắn chửi thế, chứ chửi nữa Lít cũng chẳng biết đối đáp thế nào đâu. Bình thường đã vậy. Huống hồ lần này Lít rơi vào thế bất lợi. Lít là kẻ gây ra việc ách tắc này, Lít là kẻ có lỗi, nên Lít đ.ành ngậm miệng và lát sau lầm lầm Lít bước ra ngoài nắng, đặt tay vào đẩy chiếc xe bò chở than, theo yêu cầu của hắn.
      Thôi cho nó xong đi! Dồn sức đẩy chiếc xe bò chở than ăn cắp quá tải lên dốc, Tít nghĩ. Ðó là ý nghĩ bấy lâu nay Tít vẫn thường có. Nó khiến y nín nhịn, nó khiến cho mọi việc rắc rối đều trôi chẩy, dẫu y có chịu chút khổ nhục và mang tiếng là kẻ hèn.
      Dồn sức đẩy chiếc xe than quá nặng, Lít gằm mặt nhịn nhục. Tiếc thay, ngay sau đó, tình thế đã diễn ra quá bất ngờ, và Lít đã rơi vào tình huống bắt buộc phải đảo ngược ý định. Vì, khốn nạn quá, tồi tệ quá, thấy con bò già nhoai cổ, căng sức kéo mà chiếc xe chỉ nhúc nhích tí một, tên bất lương đánh xe liền rút ngay cái xẻng cắm trên nóc đống than. Rồi, cứ thế hắn nện côm cốp vào lưng con bò già.
      - Ðừng nên thế! Ngửng lên, nhận ra hành động dã man của tên đầu gấu, Lít quát to thất đảm. Nhưng không kịp rồi, bị một cú đánh hiểm vào giữa sống lưng, con bò thót mình, vận nội công kéo chiếc xe vọt lên và ngay sau đó, kiệt lực, nó liền loạng choạng, thụt chân trái vào kẽ hở giữa hai thanh ray. Chiếc xe đổ nghiêng cùng lúc Lít nghe thấy tiếng xương chân con bò gẫy đánh khục.
      - Mày dã man thế hả, đồ khốn kiếp!
      Bỏ chiếc xe, Lít nhẩy phắt lên phía trước. Y lạ với chính tiếng mình. Xưa nay, ngoài vợ y ra, chưa bao giờ y quát ai to như thế! Tiếng quát lạ lẫm với cả tên đầu gấu nên mặt hắn đang hùng hổ cũng ngây ra giây lát.
      - Làm cái đéo gì mà nhắng thế!
      - Tên đầu gấu văng vào mặt Lít:
      - Còn thân mày nữa đấy!
      - Mày nói cái gì?
      - Ð. mẹ. Muốn ăn đấm, hả!
      Tên đầu gấu nhẩy bịch xuống đất và quen thói du côn, lập tức giở vũ lực lấn át. Né mặt trong một phản xạ vô thức, Lít tránh được cú đấm bất thình lình của tên nọ. Và lui lại, ngực y phấp phổng niềm kiêu hãnh chưa từng có. Hoá ra cái gì đã có thì không thể mất. Bài học võ thuật ngày nào bị ông bố ép phải học còn như dòng chữ in đậm chưa phai trên tờ giấy trắng lập tức sống dậy hiện hình ngay thành tư thế phòng thủ với tính chất quan trọng nhất là sự thăng bằng từ nội lực đến hình thể ở Lít. Lớp rào đầu tiên đã vượt qua, không thể có sự lui bước. Tên đầu gấu cũng hiểu rằng, trước mặt hắn không còn là Lít hôm qua. Hắn xông lên tắp lự. Chống lại đòn áp đảo của tên hung đồ, Lít giật một cánh tay về sau, còn tay kia như một ánh chớp, phóng ra phía trước. Lít đã quyết định làm lại tiểu sử và tính cách mình. Nói một cách khác, y quyết định hé lộ con người mình. Vì Lít như rất nhiều người trong số người Việt chúng ta hằng ngày luôn luôn sống với cái vẻ khiêm nhường, yếu nhược, nhưng bên trong có khi im ngủ nấu nung cả một bầu nhiệt huyết quật cường. Mặt căng nhức nổi giẻ xương quai hàm, vệt ria mép đen sì rung rung tăng cường thêm cho Lít vẻ táo tợn, quyết liệt. Cánh tay đâm ra phía trước hết tầm ruỗi của Lít vừa cản ngăn đối phương nhập nội, vừa đánh lừa đối phương để tay kia tung ra một quả đấm không dự báo. Nghe một tiếng đánh bịch thật nặng, Lít như con tôm búng người bật lên, tung chân tụ lực vào mu bàn chân, ức bàn chân nhằm hạ bộ tên đầu gấu.
      Cú đá quá mạnh khiến Lít ngã đánh oach. Y vùng ngay dậy, vì tên côn đồ bị cú đá hiểm, ôm bụng dưới cay uất đã xô tới, mặt mũi đỏ rừ như đám cháy.
      * * *
      Tối ấy, ngõ xóm ồn ào tin Lít trừng trị tên đầu gấu đánh xe bò trộm cắp chuyên nghiệp và bị hắn đánh lại mặt xưng bằng cái thớt đại. Ầm ĩ khắp hai dẫy nhà bà con láng giềng. Người bảo: Sợ gì nó trả thù. Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Bị người đánh rồi mặt vàng như nghệ. Thằng cha kia thế là sợ thọt dái lên cổ rồi. Người nói: Cần báo công an để lấy giấy khám chứng nhận vết thương. Người can: Công an khu vực này lừng khừng như Tống Giang, nước mẹ gì mà báo với cáo!
      Tôi nằm bên nhà, nghe vợ Lít mếu máo:
      - Ai khiến ông đánh lại nó. Ðã không quen trò đấm đá thì nhường nhịn, chịu lép nó đi. Nó quen thói du côn du kề.
      Nó là thằng cổ cầy vai bừa. Ðánh sao được nó. Lần sau có bị nó đánh cứ nhịn rồi về trút hận lên đầu tôi đây này. Rõ khổ tôi chưa! Tự dưng tự lành bị nó đánh xưng hết cả mặt mày thế này à!
      Rồi tiếng Lít vùng vằng:
      - Mẹ nó chứ! Nó tưởng tôi lành tôi đụt. Chẳng qua là. đây thương con bò. Chẳng qua là. đây khinh, đây không thèm đối mặt thôi. Thôi, im cái mỏ quạ đi!./.
      #3
        conbo2 05.11.2005 16:59:22 (permalink)
        Chuyến xe đêm

        Ma Văn Kháng

        Chiếc xe dừng, lại hỏng.
        Lần này là lần thứ mấy, kể từ lúc nó rời biên giới? Ngồi ở băng ghế sau, người phụ nữ phương Tây xinh xắn không nhớ, nhưng khó chịu và buồn lo lộ ra mặt. Bởi vì lúc này trời đã tối. Trời tối ở một vùng đất xa lạ, còn ngổn ngang, bừa bộn vết tích của chiến tranh. Đất hoang lạnh, loang lổ những vệt cháy. Cây xém, ủ rũ cạnh những đống vỏ đạn pháo lớn và những vòng thép gai bò loằng ngoằng gớm guốc. Đường đã vắng từ lúc chập tối.
        Giờ thì chẳng còn sự sống trên mặt con đường gập ghềnh, lồi lõm hố đạn pháo. Không có xe đi ngược chiều và cùng chiều, kể cả những chiếc xe bò kéo, bánh xe to một cách cổ lỗ và như là vô lý của những người dân vừa ra khỏi cuộc chiến tranh đang tìm đường trở về quê cũ. Không có tiếng nó lăn lọc cọc đều đều trong hành trình giống như trong cuộc viễn du vô định.
        Giờ, chiếc xe trở nên cô đơn.
        Họ đã phải đổi xe ở biên giới. Chiếc Mátđa sang trọng được thay thế bằng chiếc Commăngca cũ kỹ mình đầy bụi, lam lũ, không biển số. Trông nó đã nao cả lòng, nhất là khi nghe người sĩ quan dặn người lái xe: "Chú ý: gặp ai, không được nói cho họ biết xe chở ai, đi đâu. Dọc đường, không cho bất cứ một ai đi nhờ xe".
        Người phụ nữ hiểu ngay từ lúc đó: tính mệnh của họ trên đất nước xa lạ này hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc xe và anh lái xe, một chiến sĩ Việt Nam nhỏ nhắn, hiền lành. Ôi chao! Chiếc xe thì quả là không tin cậy được. Giờ, nó lại chết máy giữa vùng đất mênh mang, nhìn đâu cũng chỉ thấy mờ mờ những cây thốt nốt cao lớn, chơi vơi trên vòm trời; chẳng có gì chơi vơi, chông chênh như loài cây ấy vào lúc này.
        Thấy xe hỏng, người đàn ông phương Tây ngồi cạnh người phụ nữ, từ nãy vẫn lim dim như hoài niệm cái gì đó, choàng tỉnh, đẩy cửa xe, chui ra. Đó là một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, bụng xệ. Cái bụng xệ không gây ấn tượng chậm chạp, nặng nề. Vì cái quần gin bó tôn người ông cao lên, rất hòa hợp với cái áo bu dông bó gọn thân trên và cái vẻ háo hức trẻ trung trên khuôn mặt dãi dầu, từng trải. Ông là phóng viên của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, quen với những khung cảnh chiến trường, nỗi hiểm nguy và những sự kiện mới mẻ sôi động của hành tinh.
        - Rôda, em cứ yên tâm.
        Người đàn ông ghé mặt vào cửa xe, an ủi người phụ nữ. Cạnh ông, chị nhỏ bé, non nớt như một cô em út. Họ mới lấy nhau. Và người đàn ông đã thuyết phục được vợ mới cưới thuận theo ý muốn phản ánh cái máu mê nghề nghiệp của mình: hưởng tuần trăng mật trên con đường thiên lý của nghề nhà báo, ở một đất nước xa xôi đầy bí hiểm. "Em có biết không? Bọn cai trị ở nước ấy bắt đàn ông, đàn bà phải sống cách biệt trong các trại tập trung. Chúng chỉ định người đàn bà này lấy người đàn ông kia. Chúng cũng tổ chức cưới cho họ. Cưới hàng chục cặp ghép đôi như ghép gà, ghép lợn rồi ai lại về trại nấy. Không ai được phép có một cái gương. Ai soi mặt dưới bóng nước, bắt gặp, chúng đập chết liền". Nghe người chồng nói vậy, người vợ rùng mình. Thật là kinh khủng và quái gở. Làm sao có thể tin được? Tính tò mò được khơi dậy, chị bằng lòng. Và, họ bay đến Việt Nam rồi bây giờ quá cảnh qua đây, vùng đất nước vừa thoát khỏi cái tai ương khủng khiếp vô nhân đạo nhất kia, mới có ít ngày.
        Được sự an ủi của chồng, người phụ nữ yên dạ. Chị gật đầu hơi nũng nịu. Và người đàn ông hôn vợ rồi đi lên phía đầu xe lúc này nắp ca-bô đã mở, hất lên; ở đó lúi húi bóng người lái xe nho nhỏ.
        - Xe làm sao thế, anh người Việt? - Người đàn ông hỏi, giọng cố tỏ ra không sốt ruột.
        - Thủng két nước, ông ạ - Người lái xe đáp khẽ, nhưng lại chợt giật mình chồm lên, gào vào trong xe lúc đó ánh đèn vừa lóe dậy vàng đục:
        - Tắt đèn! Tắt đèn đi, chị ơi!
        Người đàn ông quay đầu lại. ánh đèn trong xe vừa bật - chắc người phụ nữ định tìm gì đó - đã tắt ngấm. Người phụ nữ kêu lên thé thé, chừng như bực bội.
        Người đàn ông bước lại cửa xe, nhún vai. Trong xe im thin thít. Cả hai đều tự hiểu một cách sâu xa rằng, ánh sáng lúc này là mục tiêu của bao điều nguy hiểm. Tốt nhất là yên lặng trong đêm và chờ đợi. Nhưng mà chờ đợi bao lâu nữa? Thủng két nước giữa chốn này!
        Người đàn ông đứng tựa lưng vào cửa xe như che chở cho vợ, nhìn anh lái lúi húi ở đầu xe, chốc chốc lại thở dài vô vọng.
        Nhưng bỗng, thình! Nắp ca-bô xe đập xuống. Người đàn ông bước nhanh lên đầu xe. Người lái xe đang lau tay.
        Lát sau, ông quay lại, mở cửa xe, gieo mình xuống cạnh vợ, thở phào sung sướng:
        - Thủng két nước! Nhưng thật là kỳ diệu! Thật là kỳ diệu!
        - Chữa được rồi, Bốp? - Người phụ nữ níu vai chồng rối rít - Chữa xong thật rồi à! May quá!
        - Anh ta đã chữa. Bằng gì em có biết không? ở Cu-ba năm sáu mươi anh cũng gặp một ca như vậy. ở Ăng-gô-la vừa rồi chiếc xe chở anh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, người lái xe bít lỗ thủng bằng xà-phòng. Còn ở đây, bây giờ, anh lái xe người Việt này chít các lỗ thủng bằng cứt trâu! Thật là kỳ lạ!
        Thật là kỳ lạ! Lúc chiều tối, họ đã gặp những chiếc xe từ chiến trường về, đi ngược chiều với họ. Nhiều chiếc không kính. Có chiếc dùng đèn pin thay đèn pha và cả hai vợ chồng đã cười như nắc nẻ khi thấy một chiếc xe trên nóc buồng lái đặt một phuy xăng lớn. Xăng theo vòi cao su rỏ xuống đầu máy, chắc là bơm xăng hỏng. Họ đã băn khoăn tự hỏi: những người chiến sĩ kia, vì lẽ gì mà vất vả thế? Họ đem thân họ đến đất này đâu có phải là để giải phóng cho đồng bào họ? Ai cũng biết người Việt Nam trải qua hơn ba chục năm chiến tranh trên đất nước của mình rồi. Người phóng viên đã hỏi câu gì đó với một vị chỉ huy ở biên giới. Người chỉ huy nguyên là một thầy giáo dạy tiếng Pháp. Ông không trả lời thẳng vào câu phỏng vấn của nhà báo: "Theo chỗ tôi biết, trong ngôn ngữ tất cả các nước ở châu Âu đều có chữ tình.Tình yêu, tình bạn, tình gia đình, tình thầy trò - Ông nói điềm đạm - Nhưng trong tiếng Việt của chúng tôi, cạnh chữ tình còn có chữ nghĩa; nghĩa, về phương diện nào đó, là kết tinh của tình, nghĩa vợ chồng, nghĩa bè bạn, nghĩa xóm giềng lân bang...". Đó là một điều mới lạ với người phóng viên.
        Và bây giờ, khi xe đã chữa xong, tiếp tục lăn bánh, người phóng viên lại có cảm giác ngỡ ngàng, mỗi bánh xe lăn là một bước đi vào những điều chưa biết, từ cảnh quan tới không khí, khoảng trời.
        "Mùa khô kéo dài sáu tháng". Người đàn ông nhớ tới một trang sách trong cuốn sách khảo cứu về đất nước này mà ông đã được đọc rất kỹ trước khi qua đây. "Bạn có thể nhìn cây thốt nốt xa tít ở chân trời chỉ còn nhỏ bé, đơn côi như ngọn cỏ, đứng chơ vơ như chứng nhân từ tiền sử. Đất phù sa cổ khô, chờ mưa xuống sẽ xuê ra, tơi tả. Lúc ấy người Khơme sẽ sạ lúa, cứ mỗi mẫu là 60 cân hạt. Cây lúa lên cao, họ sẽ bừa ào đi. Cây yểu tự chết. Cây nào sống sót thì sống mạnh mẽ, mãnh liệt y hệt con người ở xứ sở này. Đất nước sống bằng gạo và khô cá này ngờ đâu đã có lịch sử 2.500 năm trước Công nguyên, đã trải qua các vương quốc, vương triều!...".
        Bánh xe chạm đánh kịch vào gờ một chiếc cầu, cắt đứt dòng suy tưởng của người đàn ông. Cả hai vợ chồng cùng hơi bị xô về phía trước. Và họ cũng nhìn thấy lố nhố trong bóng đêm ba bốn cái mũ sắt cùng mấy ngọn súng tiểu liên. Người lái xe ngoảnh ra cửa, đưa tay lên chào những người gác cầu, nói cái gì đó và chiếc xe lại lăn đi ngay.
        Sự gặp gỡ thỉnh thoảng một chiếc cầu và các trạm gác vừa làm cho hai vợ chồng người phóng viên yên lòng, lại vừa gây cho họ cảm giác phấp phỏng.
        Xe cách cầu được một quãng, người lái xe trẻ tuổi quay lại, vẻ như bâng quơ:
        - Không có bộ đội chúng tôi thì trong vòng một ngày, chiếc cầu sẽ bị bọn phỉ phá sập ngay.
        Người phụ nữ co người lại sau câu nói đó. Nhất là lúc này, đêm bỗng nhiên trở nên nhờ nhờ sáng, người đàn ông háo hức về nghề nghiệp, đã chuyển lên ngồi ở ghế trước và không khí trở nên hắt hiu khác thường. Đêm mờ càng hiện lên sự vắng vẻ, cái vắng vẻ chứa chấp những bất trắc khôn lường.
        - Một đất nước huyền thoại và trữ tình, Rôda ạ - Người chồng quay lại, đắm chìm trong suy tưởng, thoát khỏi cái hiện thực lạnh lẽo ngoài kia. Nhưng người vợ bíu lấy cổ chồng, giọng lạnh run:
        - Bốp, lạy Chúa! Sao chúng ta không đợi đến sáng mai hãy đi?
        - ờ, nghề nghiệp của anh! Rôda à, trong tĩnh lặng buổi đêm ta nhìn được chiều sâu của các sự kiện.
        - Lạy Chúa! Em vừa đọc xong "Chùm nho uất hận" của Stenbéc. Sao em có cảm giác chúng ta đang ngồi trong chiếc xe Hudson của gia đình Tôm đi về miền Caliphoócnia xa xôi vô định quá!
        - Đừng nghĩ u ám thế, Rôda!
        - Lạy Chúa, trong cuộc di cư tuyệt vọng ấy, thoạt đầu là ông nội Tôm chết, kế đó là bà nội Tôm...
        Người đàn ông lắc đầu im lặng. Cái rùng mình từ người phụ nữ lan sang ông, để lại trong ông một cảm giác lửng lơ. Và khi thấy xe chạy gần một tiếng đồng hồ nữa mà không gặp lại một chiếc cầu nào thì ông thấy nỗi lo sợ của người vợ là hợp lý. Ông cũng thấy như mình đang chờ đón một cái gì đó như là một sự may mắn, điều rủi ro, và các chức phận cảm giác của ông căng dần lên, làm cho ông khó chịu.
        Thấm nhiễm khắp không gian là cơn tê tái của những hãi hùng tưởng tượng mà hết sức đáng sợ. Trời đất trống tuênh, nhưng dường như ở bất cứ nơi nào đó cũng có thể xảy ra một cái gì đó rất bất ngờ, ngoài sự phỏng đoán của con người.
        Sự tương phản tình cảm ở trong xe, đối cực với trạng thái tâm lý của người phụ nữ và phần nào của người đàn ông, là trạng thái tinh thần của anh lái xe. Anh còn rất trẻ trong bộ quần áo lính, những bộ quần áo lính không bao giờ mới, nhưng bao giờ cũng làm cho người mặc trẻ ra. Chỉ độ hăm mốt hăm hai, anh có khuôn mặt không thật đặc sắc, nhưng dễ mến, nhìn bán diện, cái trán hơi dô, gò mũi cao và cái cằm thon lẹm, nhỏ, hệt cằm con gái. Song đáng chú ý nhất là con mắt. Xe chạy không đèn. Nhưng mắt anh là ngọn đèn. Hình như nó phát ra hai luồng ánh sáng. Và con người trẻ tuổi ấy lại diễn đạt sự bình tĩnh đến mức người đàn ông phương Tây đứng tuổi vốn có ưu thế ấy, phải ghen tỵ. Sự bình tĩnh thuần thục và tự nhiên làm sao. Đó không phải là sự lên gân cố tình, hay thái độ vô tư lự, không hiểu biết. Cũng chẳng phải vì sự phớt lờ, khinh bạc. Sự bình tĩnh vì từng trải, vì làm chủ được sự vật, hòa hợp một cách nhuần nhuyễn với cái gì đó như một bản lĩnh chiến sĩ, nó đáng được thể hiện lên hình hài cho một kiệt tác điêu khắc.
        Người phóng viên phương Tây cảm nhận điều đó không thật rõ ràng, nhưng ông muốn ghi lại hình ảnh này trong ký ức và ông tìm từ ngữ, phong điệu để định hình sự diễn đạt. Nhưng ông bị đột ngột.
        - Ông nên ngồi ra ghế sau đi.
        Người lái xe bỗng ngoảnh sang người phóng viên, nói khe khẽ, nét mặt không hề thay đổi, nhưng đó là một nét mặt khó miêu tả nhất, vì đằng sau cái thần thái tự nhiên ấy là cái mênh mang, sâu thẳm của tinh thần. Người phóng viên dò đoán, cố nắm bắt cái tinh thần ấy thì người lái xe đã thêm:
        - Ngồi trên ghế này nguy hiểm đấy, ông ạ.
        Lần này giọng nói của người lái xe có vẻ nghiêm trang. Lập tức, người phóng viên cảm thấy bị xúc phạm.
        - Tôi đã từng ở mặt trận Palestin. Tôi ở bãi biển Hirôn Cu-ba khi bọn Mỹ bị đánh trả tơi bời. Tôi vừa ở Apganistan về...
        Người lái xe quay lại, hai con mắt thông minh chớp chớp, anh hiểu ông nhà báo, nhưng hơi mỉm cười:
        - ở đây, bọn tàn quân Pôn Pốt nó ranh ma lắm, ông ạ. Phát súng đầu tiên chúng dành cho người lái. Phát sau là một quả B.41. Tháng trước có một ông bị vạ lây với tôi vì thế, may chỉ bị thương. Vả lại, đừng nên để bà ấy ngồi một mình.
        Cơn tự ái của người phóng viên tan ngay sau câu nói ấy. Ông hiểu rồi: không phải là lái xe coi thường ông. Nhân cách cao cả và lạ lùng: anh chỉ muốn một mình hứng chịu nỗi hiểm nguy!
        Xe dừng lại một chút để người đàn ông chuyển về hàng ghế sau. Và khi xe tiếp tục chuyển bánh ông lại rơi vào một trạng thái tâm lý dang dở, lưng chừng rất quen thuộc. Y như cái cảnh tranh tối tranh sáng nhuốm một vẻ bâng khuâng ở ngoài xe: đồng hoang trải rộng chập chờn những đám sương trắng mỏng manh như khói, ẩn giấu đâu đó nỗi khinh dị về những viễn tưởng yêu ma, quái đản.
        Xe lại gặp một chiếc cầu. Trên dặm đường thăm thẳm, đó là nỗi an ủi duy nhất của nó. Lần này trời sáng hơn. Và vì người lái xe xin thuốc lá người gác nên người phóng viên nhìn rõ gương mặt những anh bộ đội Việt Nam; những người lính rất trẻ, tỉnh táo và mắt lấp lánh nhiệt tình khi nhận ra trong xe có hai người phương Tây, nhất là lại có một người phụ nữ.
        Nhưng cuộc gặp gỡ như định kỳ ấy lại khiến người phụ nữ thấp thỏm. Về tâm linh, chị tinh tế hơn chồng. Sau phút yên lòng, chiếc xe đi vào nỗi bơ vơ, đơn chiếc. ở mỗi đoạn đường, hai cây cầu là hai điểm nương tựa, an toàn và chỉ có vậy thôi, còn khúc giữa, dằng dặc là dặm đường đầy bất hạnh khôn lường.
        Người phụ nữ níu tay chồng, dồn dập hơi thở:
        - Bốp! Thật là kinh khủng! Chỉ với cái không khí này em cũng đã hiểu bọn người xưa kia thống trị xứ sở này tàn ác như thế nào. Nhưng sao lại dấn thân vào đất này! Thật là mạo hiểm! Mà em cũng chẳng hiểu: Tại sao người Việt lại dính vào công việc ở đấy. Họ rỗi việc quá hay sao, nên thấy đám cãi nhau liền xô lại can?
        - Không phải! Bọn Pôn Pốt đánh họ đấy chứ! - Người đàn ông cải chính.
        Người phụ nữ lắc đầu:
        - Em không thích, Bốp à. Chúng ta sống yên ổn, thái bình và buôn bán với ai thỏa thuận với ta. Sao họ không như ta?
        Lần này người đàn ông không giải thích cho vợ nữa! Chị là một phụ nữ xinh đẹp, đảm, yếu ớt và ngây thơ. Vậy thôi. Nhưng, người lái xe sau khi nghe người đàn ông dịch lại câu nói của người phụ nữ, gần như nhoai nửa người qua lưng ghế, anh chỉ lái có một tay.
        - Chị chưa hiểu dân tộc tôi - Anh nói - Chị tôi, năm trước xung phong đi xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Hăm hở lắm. Nhưng vừa rồi tôi về phép thì gặp bà ấy bồng tất cả con cái về làng. Không phải bà ấy không chịu được khổ. Trên ấy sung túc là khác. Nhưng bà ấy về vì... nhớ quê. Cái làng quê Việt Nam giữ chặt chân người ta lắm. Người ta chẳng muốn rời khỏi làng mình, xã mình, huyện mình, tỉnh mình chứ đừng nói đi tới nước khác... ờ, vấn đề chính trị, ờ, đúng là bọn Pôn Pốt đã gây sự với chúng tôi... nhưng không phải chỉ có thế...
        Hình như lúng túng về cách diễn đạt, người lái xe trở lại tư thế bình thường, hai tay xoa nhè nhẹ vành tay lái:
        - Ông bà trông kìa, có giống cánh đồng ma không? Người Khơme có câu thành ngữ rất hay: "Người Tầu đuổi người Khơme, người Khơme đuổi ma". Đó, cầm đất cho người Tầu xong, người Khơme lại lặn lội đến các cánh đồng hoang, bắt đầu khai phá.
        "Anh ta hiểu biết vấn đề một cách sâu xa". Người phóng viên nghĩ. Nhưng, câu chuyện về tội ác của bọn người cai trị lẽ ra có thể kể được rất nhiều nữa đã bị dừng lại. Dường như không muốn gây những ấn tượng nặng nề cho người phụ nữ, cảnh ở ngoài xe đã đủ lắm rồi, anh lái xe sau một vòng cua hẹp, giọng bỗng trở nên nhẹ tênh:
        - Đến Cămpuchia, ông nên đưa bà ấy đi xem ăngco.
        - Anh đã đi chưa? - Người phóng viên hỏi.
        - Tôi đã đưa khách đến đó một vài lần. Chà! Thật là một kỳ quan. Mùa khô này, ông bà nếu xem ở phía đông, nên xem từ quãng tám giờ đến mười giờ sáng. Lúc ấy mặt trời vàng như mật ong, tượng các vũ nữ rực rỡ, lộng lẫy nét hình, đẹp hơn tượng trong hoàng cung nhiều. ừ, đẹp nhất là tượng phụ nữ. Mà phụ nữ Cămpuchia đẹp thật. Bà chị tôi, ba tám tuổi đã xồ xề. Phụ nữ dân tộc này bốn mươi vẫn thon gọn, vóc dáng đầy sức sống nữ tính - Anh lái xe hơi mỉm cười - Ông bà nên đến Ăngco. Đến đó, ông thử nghĩ, giả dụ ông có một người xóm giềng tài năng như thế...
        Người phụ nữ bị nỗi sợ hãi ám ảnh dày vò, không để ý tới ý tứ chứa đựng trong từng câu nói của anh lái xe, nghe chồng dịch lại chưa hết, đã lắc đầu quầy quậy:
        - Không! Không! Tôi chẳng đi đâu cả! Lạy Chúa! Đến Phnôm Pênh tôi mua vé máy bay bay về ngay nước tôi thôi. Bốp! Thôi đừng kể những chuyện khủng khiếp nữa!
        Những câu nói gay gắt của người phụ nữ làm không khí trong xe trở nên nặng nề. Không ai nói nữa. Và lúc này xe đang đi vào một vùng tối âm u. Bóng đen từ khu rừng cao su rậm tỏa ra, vệt đường trước kính xe chìm lẫn vào cõi mung lung.
        Mắt căng, rọi cái nhìn tập trung về phía trước, anh lái xe cho xe chạy chầm chậm như vừa chạy vừa dò đường. Người phụ nữ nép mình vào bên chồng, run rẩy. Chị lẩm nhẩm như đọc kinh: "Bốp! Chắc chắn là họ đã dò mìn cẩn thận rồi chứ!" "Bốp, sao mãi không đến một chiếc cầu nào!" "Bốp! Dừng lại ở trạm gác cầu sắp tới nhé! Em chịu không nổi nữa rồi!".
        Và nỗi sợ hãi của chị đã lên tới cực điểm, đã thành sự thật. Chị bỗng ôm lấy chồng, rú lên như một tiếng khiếp đảm và tắc nghẽn.
        Đoành! Đoành! Đoành! Đạn vừa nổ ba tiếng phá vỡ bóng đêm. Đó là tiếng súng bắn chiếc xe của bọn tàn quân.
        Người phóng viên chồm lên, hét một tiếng còn kinh hãi hơn tiếng rú của người phụ nữ, ông nhìn thấy người lái xe đập mặt xuống vành tay lái:
        - Trời!
        Ông run hết cả người, cảm thấy mất hết tự chủ. Cảnh tượng trước mắt ông là sự thật mà như ác mộng. Tên phỉ thiện xạ nào đó bắn thật chính xác, ba viên đạn xuyên qua ngực người lái xe phá chếch ở phía lưng anh. Anh gục xuống, lưng hơi cộm dậy, ở đó máu úa ra đen thẫm. Vậy là hết rồi! Hết rồi! "Phát đạn đầu chúng dành cho người lái xe. Phát thứ hai là một quả đạn B41". Bọn tàn quân vẫn giữ cái lối xử sự như thời chúng còn thống trị đất này: chúng không ưa bắt tù binh, không sử dụng trại giam. Chúng giết người ngay tại chỗ, gọn ghẽ và chóng vánh.
        Người đàn ông lảo đảo đứng dậy, mất hết tri giác. Nhưng ông bỗng nắm lấy lưng ghế trước. Sao lạ thế này? Trong cái phút hoàn toàn tuyệt vọng này, khi người vợ yêu quý đã chết ngất bên mình, kỳ lạ quá, người đàn ông bỗng thấy trọng lượng thân thể mình sụt xuống, ông hẫng người, chông chênh trong một cảm giác mờ mờ ảo ảo: ngoài cửa xe, cảnh bỗng chuyển dịch như các khuôn hình của một cuốn phim.
        "Xe vẫn chạy". Người đàn ông bàng hoàng khi thấy phía sau xe vụt qua một luồng hơi nóng ngột và một tiếng nổ lớn. Ông ngồi xuống nghiến chặt răng.
        Quả thật chiếc xe có khựng lại, nhưng chỉ một giây lát thôi. Và bọn tàn quân chưa kịp phóng quả đạn hủy diệt vào nó, nó đã tiếp tục lăn bánh.
        Chiếc xe không chết! Nó lao vùn vụt, tốc độ xem có phần nhanh hơn lúc nãy. Tựa như có một lực vô hình đẩy nó. Tựa như có một phép thần nào điều khiển nó. Tựa như trong nó vừa xuất hiện một bầu năng lượng mới chưa từng có. Bởi vì anh lái xe người Việt vẫn gục trên tay lái, máu càng lúc càng đẫm khoảng lưng áo. Bởi vì anh lái như đang ở trong giây phút hấp hối: thỉnh thoảng anh lại nghển lên như là quằn quại, nhìn về phía trước, rồi lại giụi mặt xuống tay lái, đau đớn hực hự thở hắt ra.
        Mười phút sau, chiếc xe đỗ lại ở một cây cầu có những người lính gác. Anh lái xe bất tỉnh, nhưng chân vẫn còn đặt hờ trên chân ga, tay vẫn nắm chặt vành tay lái.
        *
        Câu chuyện về chiếc xe vượt qua cõi chết vô cùng khó hiểu đã trở thành một trong những chuyện kỳ lạ của chiến tranh. Tính toán chi li thì với ba viên đạn xuyên qua phổi, anh lái xe người Việt coi như đã gục ngay tại chỗ rồi. Cũng không phải là chiếc xe đã chạy theo quán tính. Đường rừng ở đây ngoằn ngoèo, không theo một sơ đồ cố định nào. Vả lại, tính ra, nó đã chạy được tới gần mười cây số để tới sự sống an toàn.
        Câu chuyện gây xôn xao cho các bác sĩ và các phóng viên.
        Hai vợ chồng người phóng viên phương Tây đến bệnh viện. Anh lái xe người Việt chưa chết. Đến bên giường anh, người phụ nữ đặt bó hoa lên cái bàn nhỏ cạnh anh, nước mắt giàn giụa. Còn người đàn ông, thói quen nghề nghiệp lại hòa vào xúc động của ông.
        Ông nắm tay người lái xe trẻ tuổi, rưng rưng:
        - Thật là kỳ diệu! Vì sao có thể như thế được, anh người Việt ơi?
        Mặt nhợt đi vì mất máu, anh lái xe mấp máy đôi môi nhỏ:
        - Lúc ấy tôi như chết rồi. Nhưng ông bà là người tôi có trách nhiệm phải bảo đảm an toàn, ông bà như mọi người, cần phải sống. Ông bà lại mới lấy nhau. tôi như chết rồi. Nhưng chân ga chưa chết, mắt cũng như tay cố sống thêm, cố gắng để sống thêm...
        Ngước mắt lên nhìn người phụ nữ mi mắt đầy nước, anh lái nhoẻn cười, nụ cười in dấu cơn đau, méo xệch:
        - Ông bà nên đi thăm Ăngco đi. Đó mới là sự kỳ diệu...
        Anh nói thế đã là quá sức rồi. Người phóng viên ghi lại ngay những lời của anh. Vì đó có thể là những lời cuối cùng của một người đã tự biểu hiện bằng cách hết sức tự nhiên và khiêm tốn nhân cách dân tộc mình: một dân tộc vị tha, sống chết vì người khác; điều đó đã trở thành một đạo lý, một nguồn năng lượng vô tận của họ./.
        1981
        #4
          conbo2 05.11.2005 17:03:34 (permalink)
          Con bạc

          Ma Văn Kháng


          Lỏng khỏng những lóng xương khô, đứng thì trông như cái cây rủ lá, đi thì đầu đổ đằng trước, tay vẩy phía sau, nhưng công bằng mà nói, thủ trưởng Văn Chửng của tôi hao hao giống như một nhân vật công chức trong các truyện ngắn của Sêkhốp, nghĩa là có cái vẻ bí ẩn và sang trọng tỉnh lẻ, nếu thêm cái áo bành tô, cái nơ đen gài cổ. Nhìn ông hôm nay với cái vẻ cô thần ở khuôn mặt lưỡi cày có cái mũi quặp như mỏ diều hâu và cái vẻ khác người ở thần thái điệu bộ, chẳng ai có thể nghĩ, ông đã có thời gian hơn bảy năm tham gia bộ đội, mà là bộ đội tên lửa, tức binh chủng hiện đại bậc nhất trong chiến tranh kia. Tất nhiên lúc ấy, từ chức danh giáo viên ngoại ngữ đầu quân, ông chỉ là sĩ quan phiên dịch thôi. Năm mươi tuổi tròn, nhưng ông Văn Chửng như một kẻ chủ trương sống cuộc đời độc thân, hoàn toàn khép kín. Suốt một ngày dài, giam mình trong căn buồng trên cửa gắn biển chức danh phó chủ nhiệm, ông đọc sách, tìm nguồn tư liệu, soạn bài, duyệt bản thảo cho tờ chuyên san của chúng tôi - một chuyên san xã hội học, bàn toàn những vấn đề triết lý cao siêu, thuộc một lĩnh vực hẹp, ít người đọc, mỗi quý phát hành nhõm có một lần.
          Công việc của hơn chục nhân mạng già trẻ trong cơ quan vì vậy khá nhàn nhã. Nhàn nhã, nên nhịp điệu cuộc sống ở đây là rảnh rang đủng đỉnh, sớm chẳng vừa, trưa chẳng vội. Nhàn nhã nên cái tật nhòm ngó đời tư kẻ khác có cơ hội tha hồ khai triển. Công bằng mà nói, với công việc, ông Văn Chửng là một cán bộ mẫn cán. Hai năm nay, ông thay thế ông chủ nhiệm đã về hưu, nghĩa là đứng mũi chịu sào toàn bộ công việc của một cơ quan cấp vụ, nhưng vẫn chỉ được mang danh quyền chủ nhiệm, vậy mà ông vẫn chăm chỉ hết lòng với công việc và chẳng một lời thắc mắc, than vãn. Bấy giờ được một cán bộ như thế là tốt quá rồi. Lúc này, hống hách cửa quyền, thụt két là căn bệnh phổ biến của một số vị đứng đầu các cơ quan nhà nước. Lúc này, đồng tiền đi trước, công việc theo sau, khối anh tiếng là lãnh đạo mà bỏ bê công việc chỉ vì vài cái thiệt thòi vật chất nhỏ mọn thôi. Ông Văn Chửng không có những tính xấu đáng trách như thế. Còn như ông khác người ở sự độc thân, ở thái độ có vẻ như âm thầm tiết chế, cũng như ông có cái quan hệ rất lạ lùng với cô Bình, vợ một người đàn ông chột làm nghề cắt tóc ở cạnh cơ quan, thì cũng chỉ là đầu đề của những câu chuyện phiếm, vô hại, chẳng có quan hệ gì đến lợi ích cộng đồng mà trách cứ!
          Quả thật, ông Văn Chửng giống như một kẻ mắc căn bệnh ám thị giới nữ. Ông chẳng giao tiếp với ai, ngoài cô Bình ba mươi sáu tuổi, sống bằng nghề chân gỗ, chuyên ghi số đề. Cô Bình đã có hai con, nhưng còn sắc nước lắm. Cô Bình đít bồ câu, đầu chim ngói, mặt nhỏ như cái niêu đất, nhưng xinh xẻo, hai mắt lúc nào cũng lúng la lúng liếng, cứ như đang còn gái tơ vậy. Cô Bình quen biết ông Văn Chửng từ lúc nào? Chả ai biết! Chỉ biết rằng đã cả chục năm nay cô Bình giữ độc quyền ra vào cái căn buồng thủ trưởng của chúng tôi. Một mình cô thôi. Một mình cô, ngày nào cũng như ngày nào, cứ quãng mười một giờ là tay ve vẩy, tay xách cặp lồng cơm, cô đi qua dãy phòng làm việc của chúng tôi, vào buồng ông Văn Chửng. Cô Bình đem cơm cho ông Văn Chửng ăn. Rồi cửa đóng lại, cô Bình ở đó đến hai giờ chiều mới đi ra, lúc đó tóc tai đã gọn gàng, quần áo đã phẳng phiu. Thóc mách, có người nói họ quan hệ với nhau như vợ chồng thật. Nhưng, mấy ông đứng tuổi ở cơ quan tôi thì lắc đầu quầy quậy: Làm gì có chuyện ấy. Văn Chửng thuộc loại pê-đê, hai người ấy chỉ âu yếm nhau thôi.
          ấy thế, quanh cô Bình, ông Văn Chửng và quan hệ của họ luôn luôn có ý kiến trái ngược nhau. Kẻ bảo cô Bình là con đàn bà chuyên nghề đào mỏ, thấy anh chàng Văn Chửng độc thân là sán lăn vào lợi dụng; chứ anh chàng đực rựa này có gì mà hấp dẫn. Người ta nói: Văn Chửng khô chân gân mặt vừa đáng mặt đàn ông vừa có duyên thầm. Cái cô Bình thiếu là thiếu cái tình, cái tình lãng mạn và cái háo dục mà chồng cô không có. Liệu có thể tin được miệng lưỡi thiên hạ không? Chịu. Vì ngay như chuyện cô Bình giàu hay cô Bình nghèo, ý kiến cũng còn khác nhau lắm. Nhất trí với nhau, họa chăng là ở mấy anh em chúng tôi, mà cũng chỉ là nhận xét về mặt tính tình cô Bình thôi. Cô Bình đúng là tính khí hơi thất thường thật. Cô có tính đồng bóng. Lắm khi cô lên cơn ghen trắng trợn. Cứ như cô là vợ chính thức của ông Văn Chửng vậy. "Lại đi ăn bánh bao của con bỏ mẹ nào rồi, hả? Không ăn thì đổ cho chó nó ăn!". ấy là hôm cô đem cặp lồng cơm vào buồng, thấy ông Văn Chửng ôm bụng kêu no, không ăn được nữa. Tuy vậy, nóng là nóng xổi nóng thì vậy thôi. Lát sau lại thấy anh chị cười rúc rích, vô tình ngó vào còn thấy chị đè anh ra bón cho anh ăn nữa kia. Ông Văn Chửng được săn sóc từ miếng ăn đến manh áo mặc. Ông là kẻ vô lo. Vì từ việc lĩnh lương đến cái việc lĩnh nhuận bút ở các tờ báo, tạp chí mà ông cộng tác dịch thuật hay biên soạn, cô Bình lo hết. Đã cầm đến đồng tiền của nhau, tức quan hệ đến mức già nhân ngãi, non vợ chồng rồi. Quan hệ đến mức như vậy xét về nhiều mặt là rất chướng. Tuy vậy, phải nói ngay là cô Bình chẳng tỏ ra kín đáo ngại ngùng hay giấu giếm, che đậy gì hết. Đôi khi cô còn như là công khai đóng vai người vợ quyền uy, đáo để, lấn át cả ông nữa kia. "Rời tay con này ra ấy à thì rã họng. Như cứt chó phơi nắng bảy ngày ấy, có chó nó lấy mà bảo tôi kiềm chế". Thế đấy, đã có lúc cô Bình còn lu loa vậy.
          Lạ cái là anh chồng cô Bình, một gã đàn ông chột dựng gương đặt ghế cắt tóc ở vỉa hè trước cơ quan chúng tôi, trông dữ tướng ra phết, lại chẳng bao giờ có ý kiến về quan hệ này. Có họa là anh ta đui điếc, chứ tuyệt không phải là nhắm mắt, bịt tai làm ngơ. Vì làm ngơ thế quái nào được. Ngay trước mắt anh ta, ngày nào mà cô Bình chẳng một lần ton tót đi vào cổng cơ quan, leo lên gác, chui vào buồng ông Văn Chửng. Chưa kể nhiều hôm, cô Bình tay ôm cái làn đựng đầy hương hoa, đồ cúng, tay ôm eo ông Văn Chửng, ngồi trên chiếc Wave phóng như bay, thấy chồng chẳng hề lúng túng, ngượng ngập lại còn giơ tay vẫy vẫy, nói với lại: "Đi chùa Trấn Quốc đây. Không ăn cơm nhà đâu đấy!".
          Cái gì lạ lùng mà lặp đi lặp lại mãi cũng trở nên vừa tai, vừa mắt. Chả ai bình luận về họ nữa! Cuộc sống cứ tiếp tục đi theo lối quen. Ông Văn Chửng ngày ngày tới cơ quan, đóng cửa làm việc, đến trưa thì cô Bình mang cặp lồng cơm tới, rồi đầu giờ tầm chiều thì cô đi ra. Có lúc cô nổi giận đùng đùng. Có hôm tiếng cô cười vang rộn cả mấy gian buồng. Có buổi, cô xách cả một túi lớn giò chả và bia lon tới, xộc vào buồng chúng tôi, toang toang: "Này, ăn mừng hộ lão Văn Chửng đi! Hôm qua đề về con 38. Lão Chửng chơi 500 nghìn theo luật một ăn bảy mươi, xơi 35 triệu ngon ơ!". ấy thế, cô chơi đề, chơi xổ số hộ cả ông quyền chủ nhiệm của chúng tôi. Và như vậy, muốn hay không thì quan hệ giữa chúng tôi và cô Bình đã trở nên thân tình. Thân tình đến mức, khi chúng tôi trách cô sao cứ níu giữ, không cho ông Văn Chửng đi lấy vợ, thì cặp mắt một mí của cô long lên sòng sọc: "Đấy, cho tự do đấy! Có đứa nào nó rước hộ thì tôi đốt pháo ăn mừng". Thân tình nên đã có lúc cô hỏi thẳng chúng tôi: "Sao các cậu không đề nghị cấp trên cắt Q(*) cho lão ấy, cho lão ấy nhận chức chủ nhiệm chính thức đi, lão ấy có khuyết điểm gì đâu? Khổ! Sao đời lão ấy lại chịu nhiều thiệt thòi, buồn đau thế!". Nói câu sau cùng, đang vui vẻ là thế, mặt cô xịu ngay xuống. Còn cặp mắt cô lăn tăn ánh cười, thoáng cái đã lại sập xuống và hoe hoe đỏ như có điều gì uẩn khúc trong lòng không nói được ra.
          Tuy nhiên, điều đặc biệt ai cũng nhận ra là giữa những náo động do cô Bình tạo ra, ông Văn Chửng vẫn là một hòn đảo âm u mù mịt. Ông chẳng trò chuyện gì với chúng tôi. Mặt ông chẳng biểu lộ vui buồn. Âm thầm, ông chỉ biết chúi đầu vào công việc, và chỉ giao lưu với thế giới bên ngoài, qua mỗi cánh cửa mở là cô Bình, người đàn bà đa tạp, thất thường, có tình cảm đặc biệt với ông, người đã dẫn dắt và uốn nắn ông hàng chục năm nay.
          Ông Văn Chửng vẫn lặng lẽ một bóng hình hiền lành, đơn độc khác người. Cả tuần, ông không vắng mặt một buổi ở cơ quan, trừ ngày chủ nhật, và gần đây, khi chuyển sang tuần làm việc bốn mươi giờ, thì thêm ngày thứ bảy.
          Nhưng tuần ấy, vào đầu giờ chiều ngày thứ sáu, khác với thường lệ, mở cửa bước ra không phải chỉ có cô Bình. Có cả ông Văn Chửng. Ông Văn Chửng mũ cátkét che trán, áo dài da, tay cắp cặp, lần này tự đặc tả theo mẫu một nhân vật công chức tỉnh lẻ thời xưa, khiêm nhường và lễ độ, chờ cho cô Bình đi khuất mới dừng lại trước phòng hành chính, khe khẽ và trịnh trọng: "Các bạn! Tôi xin phép nghỉ sớm một buổi chiều nhé". Ông báo cho chúng tôi biết, theo phép lịch sự thôi, chứ ông là ông chủ ở đây, điều đó chính ông biết rõ.
          ***
          Nghỉ việc chiều thứ sáu đã là một việc chưa từng xảy ra đối với ông Văn Chửng. Vì con người này xưa nay vốn nghiêm túc về mặt thời gian lắm cơ. Tuy nhiên, điều đáng nghi ngại lại là sáng thứ hai, chúng tôi không thấy ông có mặt ở cơ quan. Ngong ngóng suốt buổi trưa, cho đến đầu giờ chiều thì chúng tôi lo ngại thật sự. Trước nay, ông quyền chủ nhiệm chưa bao giờ bặt vô tăm tích như thế.
          Hay ông Văn Chửng ốm? Câu trả lời có ngay là không, khi hai nhân viên cơ quan chúng tôi đèo xe nhau đến tận nhà ông ở phố Ngọc Linh và trở về nói là nhà ông khóa trái cửa. Hay là ông quyền chủ nhiệm về quê? Vừa đặt câu hỏi đã thấy ngay là vô lý. Bao nhiêu năm nay có bao giờ thấy ông Văn Chửng nói về quê hương bản quán. Ông không có quê. Nói cách khác, ở quê ông giờ chẳng còn ai thân thích, ông chẳng còn dây mơ rễ má gì ở cái làng quê ngoại thành của ông cả. Ông sống một thân một mình. Ông tứ cố vô thân. Hay là ông thủ trưởng của chúng tôi đèo cô Bình đi lễ chùa? Vừa có người nói vậy, chúng tôi đã reo ầm ầm. Chứ còn gì. Cô Bình chăm lễ bái lắm. Người đàn bà này xem ra cũng có nhiều u uẩn, khúc mắc. Mà bây giờ đang là tháng bảy ta, tháng xá tội vong nhân, chùa chiền đang mùa hương khói! Chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian... Quanh Hà Nội, có đến vài chục ngôi chùa đẹp nổi tiếng, đáng tiêu phí thời gian vào đấy lắm chứ. Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy rằng, giải thích như thế thật không thỏa đáng; ông Văn Chửng của chúng tôi đâu có phải là con người không đàng hoàng.
          Ngày thứ ba, buồng ông quyền chủ nhiệm vẫn im ỉm khóa. Bây giờ thì đám các ông nhiễu sự sau mấy ngày ngậm tăm mới phá lên cười: "Các chú thiếu nhạy cảm quá". Hiển nhiên là các ông nghĩ rằng, để che mắt anh chồng chột, dịp này hai anh chị dại gì mà không lợi dụng cơ hội nấp bóng chùa chiền, rủ nhau đi thật xa để tình tự cho thỏa tình thương nhớ. Lúc này là thời cởi mở, nhà trọ, khách sạn sẵn như quần áo secondhand, lại thông thoáng vô cùng.
          Không, ông Văn Chửng của chúng tôi quyết không phải là hạng người ấy. Chúng tôi, mấy anh em trẻ tuổi, nhất quyết phản bác lại ý kiến của đám người nọ. Và như để chứng minh rằng chúng tôi đúng, chiều ngày thứ ba ấy, từ đâu trở về, cô Bình xộc lên cơ quan chúng tôi vẻ hớt hơ hớt hải khác thường. "Lão Văn Chửng của các cậu đi đâu mất mặt từ chiều thứ sáu?". Nghe cô hỏi giật, nhìn hai con mắt bồ câu của cô ngơ ngác, chúng tôi cũng sững sờ. Cô Bình trước nay vẫn là người rất thành thật. Thành thật trong cả sự dan díu với ông Văn Chửng! Và bây giờ chính cô cũng không biết ông Văn Chửng đi đâu mấy ngày qua. Cô Bình còn không biết thì hỏi ai có thể biết ông Văn Chửng đi đâu. Chả lẽ ông Văn Chửng đã biến vào vô tăm tích?
          ***
          Ông Văn Chửng không biến vào vô tăm tích.
          Ông đã trở về, trở về đột ngột trong sự mong đợi của chúng tôi. Sáng bửng ngày thứ tư, chúng tôi đến cơ quan đã thấy cửa buồng ông mở và ông đang đánh răng rửa mặt ở cái vòi nước cạnh sân. Thấy chúng tôi, ông quay lại. Khác hẳn mọi khi, mặt ông tươi tỉnh, thái độ ông vui vẻ khác thường. Một linh hồn xa lạ đã nhập vào ông, đã biến cải gương mặt, giọng nói ông. Không còn nỗi niềm âm u, mờ mịt xa cách. Tất cả đều sáng láng, rõ ràng và gần gũi. Mặt ông giãn ra, trắng hồng. Giọng ông trong trẻo vang lộng và trẻ trung như của một người khác vậy.
          - Này! ở đây có cậu nào đã từng chơi tổ tôm chưa nhỉ? Chưa hả? Thế thì phải tập chơi đi thôi! Tập chơi đi!
          Ông nói dồn dập, đột ngột và cũng đột ngột ông tiến vào buồng làm việc của chúng tôi. Đang kéo ghế ngồi xung quanh bàn trà, chúng tôi cùng quay cả lại. Ngạc nhiên vì sự xuất hiện của ông một phần, lại càng kinh ngạc hơn vì bỗng dưng ông lại mở đầu câu chuyện về thú chơi tổ tôm.
          - Mời anh ngồi ạ.
          - Thôi, khỏi! Mình nói một tý rồi còn phải làm việc - Xua tay, nuốt nước bọt, ông Văn Chửng nhướng hai con mắt lớn, không hề biết đến sự kinh ngạc của chúng tôi, chành cái miệng rộng, tiếp - Trước hết, quan trọng nhất là phải hiểu: Chơi tổ tôm, đó không phải là đánh bạc. Đó là thú chơi tao nhã, thanh lịch và...
          - Có phải xưa các cụ vẫn gọi đó là đánh chắn không ạ?
          - Không phải! Chắn cạ là tổ tôm đàn bà. Tổ tôm chính ra là thế này. Cỗ bài nó có 120 quân, được chia thành 6 phần. Năm phần năm người cầm, một phần để bốc nọc. Cần nhắc lại ngay rằng, đây không phải là phạm trù cờ bạc. Đây là thú chơi cao cấp, lịch sự và thanh tao nên hạng thứ dân chỉ có thể ngồi chầu rìa. Và vì nó là cao cấp, sang trọng nên không có dính dáng gì đến tiền nong. Cao cấp vì nó có nhiều nước, nước ăn nước bốc, loại nào cũng lắm nước cao. Bởi vậy, có anh đánh đến bạc đầu còn chưa biết hết các nước cơ mà. Ui chà, được cái ù chi nảy, tức là ù to nhất, nghĩa là chờ mỗi con chi, nhưng lại không phải mình mà lại phải là người khác bốc cơ, thế nên mới phải vỗ đùi cười ha há, sướng như lên tiên. Nghĩa là mê hơn mê gái. Mê đến mức đánh từ chập tối đến năm giờ sáng mà không biết mệt là gì sất cả, các cậu ạ.
          - Thích nhỉ.
          - ấy thế! Nhưng tôi xin nhắc lại rằng: đó không phải là cờ bạc. Cho nên gom nó thành một cụm từ tổ tôm - sóc đĩa là sai. Tổ tôm là thú chơi dân tộc, cao sang. Anh em cứ để ý mà xem, anh nào chơi tổ tôm, phong thái nó tao nhã, tinh tế, ý nhị khác hẳn người thường.
          Lạ chưa! Chưa từng bao giờ chúng tôi được nghe ông Văn Chửng nói chuyện một cách cởi mở như thế, mà lại nói về tổ tôm với vẻ say sưa hăng hái như thế. Ông nhiệt liệt ca ngợi thú chơi tổ tôm. Ông nói, tổ tôm thuộc về dân tộc. Tổ tôm đã được xã hội hóa cao độ. Từ tổ tôm, chữ nghĩa nhảy ra ngoài đời vô khối rồi đấy. Ví dụ: chầu rìa, gàn bát sách, phỗng tay trên... Chà, chà! Nghe ông nói, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng mỗi một con người gần gũi với ta đây là cả một vùng bí ẩn hàm chứa bao điều chưa khám phá ra. Mới ngẫm ra rằng, chẳng bao giờ ta có thể giải tỏ được toàn bộ ẩn mật của chính ta và những người xung quanh ta.
          - Tôi nhắc lại, lần cuối - Ông Văn Chửng nhấn mạnh trước khi quay ra cửa buồng chúng tôi - Tổ tôm không phải là món cờ bạc, một trong tứ đổ tường đâu. Nó là một thú chơi giải trí có tầm vóc văn hóa dân tộc. Và tôi nói điều này, anh em kiểm chứng hộ xem có đúng không nhé: Con người hơn con vật ở cái chỗ là nó biết thưởng thức cái thú vui tao nhã đó.
          Kết luận một câu chắc nịch kèm một tiếng cười cụt ngủn, và giơ tay chào mọi người, ông Văn Chửng hấp tấp trở về buồng mình. Cũng đã đến giờ làm việc buổi sáng. Cũng là lúc, ở cầu thang có tiếng dép cô Bình.
          * * *
          Cô Bình xộc ngay vào buồng chúng tôi. Mặt hăm đỏ, mắt lóng lánh, môi mim mím, cô như đang nén cơn uất nghẹn.
          - Các cậu có báo hôm nay không?
          - Chị tìm báo gì?
          - Báo An ninh thành phố chứ còn báo gì! Báo họ đăng tin bắt được một vụ đánh bạc, con bạc toàn là cán bộ nhân viên nhà nước ở phường Ngọc Linh.
          - Cơ quan không đặt mua báo An ninh thành phố, chị ạ.
          Cô Bình bỏ ra cửa. Liền đó chúng tôi nghe thấy cánh cửa buồng ông Văn Chửng cạch mở, rồi sập đánh rầm, và từ trong khe cửa lọt ra tiếng rít chói tai của cô Bình:
          - Trời ơi! Ngu đâu có ngu đến thế, hở? Lại đi toe toe khoe với thiên hạ. Bị muỗi đốt ba đêm có sướng không? Giờ thì chó nó cắt Q cho. Thật là kiếm củi ba năm thiêu một giờ nhá! Thế có khổ thân tôi không!
          Cô Bình khóc. Cao điểm của trạng thái tinh thần là tiếng khóc. Tiếng khóc của cô Bình ai oán và đau đớn lắm. Nghe cô khóc mới nhận ra rằng, chỉ có những người ruột thịt, những người đã trao xương gửi thịt cho nhau, là vợ là chồng của nhau mới khóc như thế! Tiếng khóc của cô Bình giải tỏa nỗi niềm sâu kín của cô! Tiếng khóc của cô Bình, may thay, đã giúp chúng tôi giải mã toàn bộ bí mật của mối quan hệ giữa cô với thủ trưởng của chúng tôi. Thì ra, cô Bình trước đây đã từng là vợ có hôn thú của ông Văn Chửng. Ông Văn Chửng lấy cô Bình khi ông là giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở một trường trung học, còn cô là nhân viên cửa hàng lương thực. Chiến tranh, ông Văn Chửng nhập ngũ, làm sĩ quan phiên dịch trong một trung đoàn tên lửa có chuyên gia Nga. Cùng đơn vị, ông vào chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh. Ông đã hy sinh tại miền đất đỏ bazan này. Giấy báo tử báo vậy khi đơn vị ông chuyển quân sâu vào chiến trường phía nam. Cô Bình để tang chồng ba năm rồi mới lấy anh thợ cắt tóc thương binh hỏng một bên mắt.
          Chuyện này do chính anh thương binh treo gương đặt ghế mở cửa hàng cắt tóc ở trước cửa cơ quan chúng tôi kể. Anh chép miệng khi đọc báo và được biết, ông Văn Chửng của chúng tôi bị Công an gọi là con bạc, bị bắt quả tang trên chiếu tổ tôm và bị phạt hành chính hai triệu đồng:
          - Khổ! Con bạc gì! Anh ấy hiền lắm. Đã nhiều lần, tôi bảo anh ấy, hay là anh trở về sống với cô Bình đi, nhưng anh ấy không nghe. Anh ấy là con người cao thượng. Đây chẳng qua là chơi để giải buồn thôi, tội cho anh ấy quá. Tội cho anh ấy quá.
          Ôi, cái cuộc đời còn biết bao nẻo đường ngoắt ngoéo, có lắm chuyện cười dở, mếu dở, ít ai ngờ tới này!./.

          Chú thích
          (*) Một cách nói hài hước, tức chính thức làm Chủ nhiệm, không còn là Quyền chủ nhiệm.
          #5
            Ct.Ly 08.11.2005 02:40:30 (permalink)
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9