CỬA HÀNG BOM ( Truyện ngắn )
Lương_Hiền 26.03.2017 21:58:47 (permalink)
Năm, sáu quả bom câm to nhỏ khác nhau nằm lăn lóc trên bãi như lợn ! Quả thì còn đầu nổ tịt, quả thì còn nguyên thuốc, quả thì chì còn vỏ không, quả thì chỉ còn một nửa đã bị bổ dọc hoặc cưa ngang. Chẳng có hàng rào chắc chắn có cửa kéo hoặc dây chằng xung quanh như chợ trâu, cũng chẳng có biển vẽ đầu lâu báo nguy hiểm chết người ! Ấy thế mà ở đây lại có tên là của hàng mua bán bom, bom câm hoặc bom tịt cũng thế, mà cũng có khá nhiều người qua lại mua bán quan hệ hẳn hoi.
Cửa hàng trưởng “Hùng liều” cũng phải là một tay liều mới dám mở một cửa hàng như thế.
Người tìm bom thì có thể có nhiều, ông già bả cả, trẻ con người lớn, đều có thể biết và có thể tìm được bom. Nhưng còn người đào bom lên, thì không phải ai cũng dám đào bới, dám đụng vào, sờ vào quả bom, nên họ lại bán quả bom đó cho một số người có sức khoẻ và có gan đào bới bom, còn khâu dỡ bom, tức là: tháo đầu nỏ, rồi moi thuốc ra thì những người đào bom cũng
chịu. Cả vùng này chỉ có mỗi mình Hùng liều, mà Hùng thì lại không thể đi khắp mọi chỗ để tháo gỡ, anh chỉ hướng dẫn và cấp thuốc nổ cho họ phá triệt tiêu đầu nổ, thế là cánh đào bom lại khiêng bom về bán lại cho Hùng. Hùng tháo gỡ lấy thuốc nổ đem bán cho công trường. Công việc này được bảo đảm về mặt pháp lý hẳn hoi. Cái pháp lý đấy chính là cái hợp động kinh tế bán thuốc nổ bom cho công trường đã được ký kết.
Đầu tiên người ta làm theo kiểu khác. ấy là công trường đứng ra mua bom, rồi thuê Hùng đến phá tháo. Nhưng vì việc đó công trường bị lỗ, vì không ai có kỹ thuật, hiểu biết gì về bom, và việc quản lý cũng rất khó khăn phức tạp. Cán bộ công trường có khi mua lầm bom nọ với bom kia, tưởng cái này nhiều thuốc cái kia ít thuốc, có khi lại chỉ mua được vỏ bom không có thuốc. Chỉ một đợt đầu, công trường bị lỗ hàng trăm ngàn. Vì thế công trường mới tính nước khác, khôn hơn chắc chắn hơn, là lùa cái sự lỗ lãi ấy cho Hùng chịu, công trường chỉ làm hợp đồng mua thuốc với Hùng và đứng ra bảo đảm cho Hùng về việc mua bán, phá gỡ bom này với chính quyền địa phương. ấy thế nên mới có cái chuyện bãi bom, cửa hàng mua bán bom của Hùng, đầu tiên chỉ là cái chuyện vui đùa của cánh thanh niên, thế rồi dần dần quen mồm, bà con gần đấy cứ gọi như thế một cách rất tự nhiên, như những cửa hàng khác.
- Ấy, cô chờ tôi ở chỗ cửa hàng bom ấy nhé!
- Anh đi đâu đấy? Đi bán bom à? Có khá không? Khá hả? Chuyện họ đi bán bom cứ bình thường như đi bán lợn vậy.
Trong cái cửa hàng chợ trời mua bán bom của anh chàng Hùng liều ấy, người ta mua bán tất cả các loại bom và dùng vào nhiều thứ việc, với nhiều động cơ khác nhau. Người bán thì chỉ có một động cơ là vì tiền, nhưng người mua thì lại khác. Ngoài việc công trường mua thuốc nổ để đánh đá, còn có xưởng nông cụ mua gang đúc lưỡi cày, lưỡi bừa, hợp tác xã cơ khí mua nhôm mua gang về đúc nồi, đúc chảo và các loại dụng cụ khác. Các quầy xe đạp , xe kéo, thì mua bi của bom bi về làm bi xe đạp, xe cải tiến. Cũng có bà đi chợ mua vỏ bom bi mẹ về làm máng lợn cho đàn lợn sề của bà. Có hợp tác xã mua vỏ bom về làm kẻng. Có đơn vị, đến mua vỏ bom về làm học cụ, có xã mua về bày triển lãm thành tích phá gỡ bom, hoặc để vào bảo tàng truyền thống cho nó sinh động và mang tính chiến đấu, mặc dầu cái xã ấy chưa hề phá gỡ được một quả bom nào. Có ông đến mua vỏ bom bi về làm lọ hoa, có ông mua làm gạt tàn thuốc lá, lại có ông hâm hâm mua cả đầu nổ bom tịt về để trưng bày trong tủ ly, tủ buýp phê để khoe khoang chứng tỏ mình cũng đã từng là lính công binh.
Còn Hùng liều thì muốn bán hết, bán tuốt tuột, đắt cũng bán, rẻ cũng bán, anh là người thất nghiệp nên chỉ cần tiền.
Cái cửa hàng bom của Hùng liều, ấy thế mà lại có rất nhiều tác dụng tích cực. Nó đã kích thích việc thu nhặt bom rơi đạn vãi ở khu vực này, mà sau chiến tranh hàng chục năm nay các cơ quan quân sự địa phương ở đây tổ chức, kêu gọi mãi và chi phí bao nhiêu tiền của, vẫn chưa làm hoặc làm không hết, thỉnh thoảng lại một vụ bị thương vong, hoặc tai nạn cho trâu bò, lại điều tra, lại họp hành khẩn cấp, lại huy động lực lượng để đến xem những quả bom đã nổ, chi phí tốn kém rất nhiều không lường hết. Có cửa hàng của Hùng mọc lên, chỉ vài tuần sau, từ trong làng đến ngoài đồng, từ núi cao đến khe sâu, từ rừng thẳm đến đồi hoang, đâu đâu người ta cũng đào bới, moi móc, thu nhặt sạch sành sanh, mà nhà nước chẳng mất một đồng xu nhỏ nào cả. Cán bộ quân sự địa phương ung dung ngồi rung đùi uống rượu mà báo cáo với cấp trên về thành tích: dọn sạch bom đạn, giải phóng mặt bằng, sản xuất, loại trừ nguy cơ thương vong, bảo đảm truyệt đối an toàn cho khu vực toàn xã hoặc toàn huyện.
Cửa hàng thu mua bom đã khai thác hàng tấn thuốc nổ, bán (cung cấp) cho công trường nhà máy xi măng Đá Xanh để phá đá - Nhờ có số thuốc nổ, công trường đã sản xuất được hàng vạn mét khối đá, bảo đảm hoàn thành và vượt mức kế hoạch hàng quý hàng năm. Nhờ đó công nhân viên còn có công ăn việc làm, bảo đảm được thu nhập, bảo được đời sống thời gian qua.
- Nhờ có cái “cửa hàng bom” của cậu mà chúng tớ có công ăn việc làm đấy, hoan hô cậu ! công nhân xí nghiệp nói với Hùng liều như vậy. 
- Xuýt nữa chúng tớ không hoàn thành kế hoạch vì nhà nước không cấp đủ nguyên liệu. May mà có cái khoản vỏ bom của cậu mà chúng tớ đúc thêm được hàng ngàn lưỡi cày đấy. Nào mời cậu làm một chén. Một cán bộ xưởng nông cụ nói:
- Ông hỏi cánh tớ lấy nhôm đau mà đúc nồi ở cái xó này à? Thì đấy, của cái cửa hàng bom của cậu Hùng kia kìa. Hàng ngàn cái nồi, thau, chậu, mâm, thìa bát đĩa nhôm này cũng từ ấy mà ra đấy. Cứ chờ Công ty các ông cung cấp vận chuyển lên ấy à, có mà tết sang năm, dân khai hoang chúng tớ mới có – cánh thương nghiệp nói với nhau.
Còn mấy ông phụ trách ngành văn hoá thì bảo:
- Có mấy cái vỏ bom để bày ở các nhà bảo tàng mà hàng chục năm nay xin không được, tìm không ra. Thế mà chỉ vài tuần nay, các nhà truyền thống của mấy xã này đã trở lên đầy đủ nhất, đứng đầu toàn huyện.
Riêng Hùng liều, mặc dầu cơ quan tài chính xã, huyện đã quy định giá cả thống nhất kịp thời cho việc mua bán bom ,không đặt giá tự do tuỳ tiện như ở công trường đập Rú trước đây. Nhưng sau đợt thu mua phá gỡ bom trong vòng vài tháng này, Hùng cũng đã thu nhập được một số lãi kha khá, tới trên 30 ngàn đồng. Ngoài việc mua máy khâu cho Loan và cho Loan đi học may, sửa chữa lại nhà bà cụ già chủ nhà anh ở nhờ, đóng hai cái gường, một tủ, một bộ bàn ghế, mua một chiếc xe đạp thồ và một số đồ dùng may mặc ra, anh vẫn còn vài ngàn làm vốn đẻ tiếp tục làm ăn.
Công sức của anh bỏ ra đã được bù đắp lại. Cái việc lao động nặng nhọc đối với anh không quản ngại. Cái gay go nhất, vất vả nhất, ấy là những đêm không ngủ, ngày không ăn vì một cái đầu nổ lạ, vì một cái chốt an toàn của quả bom bi gẫy, vì một vòng đai của bom bi bẹp. Anh phải nghiên cứu, phải mò mẫm một mình ở kho bom, ở cửa hàng. Có khi suốt ngày một mình cặm cụi không kịp ăn uống gì cả. Có khi nửa đêm không ngủ, vùng dậy đọc sách, nghiên cứu các hình vẽ, lần mò từng li từng tí một. Có lúc toát mồ hôi, sôi nước mắt, có lúc run lên vì một vài động tác sai sót xuýt nữa thì chết. Có ngày bàng hoàng không dám nhìn đến bãi bom nữa. Mấy lần anh định thôi, bỏ nghề, giải tán cái cửa hàng éo le kỳ lạ và chết tiệt này, rồi lại làm, lại bỏ. Từng phút từng giây thần chết cứ luôn luôn bám sát anh, rình rập anh và bọn ma quỷ cứ xông vào đập phá làm anh hoa mắt nhức đầu, có lúc ngã quỵ gục xuống một quả bom. Rồi thần linh lại hiện ra, lôi anh dậy, và anh lại cầm lấy búa lấy kìm lại đục, lại vặn, lại kéo, lại lôi lại vần bom, kiên trì và lỳ lợm, một sự lỳ lợm đến kinh sợ.
Sự lỳ lợm của anh đã được trả giá. Trên 30 ngàn đồng đối với anh là cả một gia tài lớn, chưa bao giờ anh có được. Anh cũng bàng hoàng trước cả số tiền đó. Tuy nhiên sau khi tính toán chi ly, cân nhắc từng đồng từng món, và sau khi chi tiêu những thứ cần thiết nhất, thì cũng chẳng đáng là bao. Bây giờ anh mới biết nhu cầu cho cuộc sống của một gia đình hỗn hợp ba người này cũng không nhỏ.
Một người lính ra quân thất nghiệp chạy mãi vẫn không xin được việc làm,phải nương nhờ một người bạn nghèo đói,để đi làm thuê vác mướn,bữa có bữa không để sống qua ngày.Trong một đêm đi vác thuê về qua cầu Vực Thẳm ,bỗng thấy một bóng người nhảy xuống sông,anh vội lao xống cứu ,hóa ra là môt cô gái trẻ,lang thang, bị bọn cướp bắt, trấn lột,rồi hất từ trên xe xuống đầu cầu để chạy trốn.Cô bị chúng cưỡng hiếp và lấy hết tiền của,đau đớn,cùng quẫn quá cô liều nhảy xuống sông tự tử.Hùng đành phải cưu mang cô.Được anh bạn cho ít tiền tàu xe để đưa cô gái trốn lên miền rừng núi hẻo lánh.Lại đến nương nhờ ngôi nhà nhỏ giột nát của một bà cụ già không con cái,không người chăm sóc.Thế là những người cùng khổ dựa vào nhau để lần hồi kiếm sống …
Với số thu nhập kia, tuy đã giải quyết được cơ bản bước đầu nhưng chưa đủ. Anh còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, còn phải liều lĩnh nữa mới có thể tạo cho cuộc sống của anh được đầy đủ hơn. Làm gì vậy? Ngoài cái việc anh lại phải lao vào những bãi bom, lao vào những phút nguy hiểm, cầm cố cả tính mạng mình để kiếm lấy những đồng lương ,nếu những tiền công được trả trong hợp đồng, có thể gọi là lương - dù đó là những đồng lương ứng trước trả cho cái chết-“ những đồng lương khủng khiếp”(!)
                                                                                                                                                                              1990
                                                                                                                                                                                LH 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.03.2017 22:12:17 bởi Lương_Hiền >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9