Bầy Vịt và Thúng Lúa - MacDung
macdung 22.04.2017 00:00:11 (permalink)
Bầy Vịt và Thúng Lúa
***
                          
 
Chuyện xảy ra lâu rồi tôi không còn nhớ… Mãi đến một hôm trông thấy đàn vịt chạy theo cái thúng lúa của thằng cháu thì hồi tưởng mới sống lại… Và cái tên Bầy Vịt và Thúng Lúa mới hiện ra trong đầu…
Bạn nghĩ như thế nào về phận nghèo…!? Nghèo thì không ai muốn! Có cho tiền cũng không dám ham! Thế nhưng những từ theo nghĩa ghép ít làm ai chú ý. Chẳng hạn như: nghèo hèn, nghèo khổ, nghèo khó, nghèo mạt v.v…
Nghèo không ai ham, nhưng từ kèm theo nó có nghĩa hẳn hòi. Và thật sự, khi nghèo thì “trăm dâu đổ đầu tằm”…
Bất cứ quốc gia nào cũng theo Pháp Trị, bởi có pháp luật rõ ràng. Pháp luật để giữ: mạnh hiếp yếu, giàu lấn lướt kẻ nghèo, kẻ chức quyền ức hiếp thế cô… Và cuối cùng là Tham Nhũng.
Pháp luật là cái chung, cái lớn lao, vì vậy bao quát thì có, chứ không thể nào len lỏi vào hang cùng ngõ hẻm được. Được cái may mắn về Niềm Tin: Nó xảy ra nơi đâu chứ không phải Chỗ Tôi…!? Và… theo cách nhìn của các nhà chính trị: Là Thiểu Số!!!?
Ai cũng biết để quản lý con người có nhiều cách, và theo hiểu biết ít ỏi của tôi tốt hơn hết: Anh đi đâu phải trình. Ở nơi nào phải báo… là Rõ Ràng, Minh Bạch…
Bây giờ nói đến chuyện xử lý việc nhiều và việc ít. Việc ít lâu lâu mới xảy ra thì  thoáng cái đã xong. Còn việc nhiều lắm khi phiền phức. Bởi lúc xử lý công việc biết đâu có điện thoại: Tao Chờ Mày Ở Quán… chi chi đó…
Thêm nữa, việc ít Không Đáng Quan Tâm. Nhưng việc nhiều thì theo ông bà nói: Góp Gió Thành Bão…
Như vậy nếu người làm công tác hành pháp, chuyên trách xác nhận Tạm Trú, Thường Trú sẽ ra sao!?
Làm nhiều phải mệt chứ. Và đôi khi quạu quọ là thường tình… Nhưng kẻ nhiều tiền có biệt tài hay lắm. Đó là “Trà Đá”. Bất cứ ai đang nóng nảy trong mình khi được “Tiền Uống Trà Đá” thì mát dạ thôi…
Thế còn người nghèo khó, họ lấy gì để có Trà Đá nhỉ? A có cách rồi! Họ dùng lưỡi ấy. Cái lưỡi vốn mềm dẻo, uốn chiều nào cũng được, thôi thì xuống nước Năn Nỉ, Cầu Xin cho được việc…
Cái khó chịu nhất lúc mệt mỏi là gặp phải kẻ Nói Dai. Điều này không sai đâu! Nhưng… tội cho cái nghèo không Nói Dai sao được…!!! Vì vậy người nghèo thuộc diện: Kẻ Khó Chịu…!?
Quay lại cái chính của câu chuyện…
Làm thủ tục giấy tờ ai mà không trải qua, tôi cũng không ngoại lệ. Hôm làm hộ khẩu gia đình, tôi bỏ công việc đi chứng giấy với tinh thần “Không Có Gì Gấp Gáp”. Bởi làm công việc này ai mà gấp gáp sẽ Lên Huyết Áp ngay thôi. Được cái anh công an khu vực khi thấy tôi đã có tuổi nên vui vẻ hướng dẫn hồ sơ. Dĩ nhiên sau đó là ôm hồ sơ về làm lại… Những ghi chép trong hồ sơ phải Từng Li Từng Tí nhé! Độ chính xác của nó là Không Phải Bàn Cãi…
Mấy hôm sau tôi trở lại. Trông thấy chú công an khu vực đứng nói chuyện với bạn bè. Một công dân bước đến nhờ anh chứng giấy. Anh nhẹ nhàng nói: “Chị lại bàn đằng kia chờ. Ở đây đâu phải chỗ làm việc…”
Tôi ngẫm câu này cũng hơi lạ: Rõ ràng chỗ anh ta đứng đâu phải bàn làm việc. Nhưng nếu trong giờ làm việc thì anh công an phải ngồi vào chỗ để tiếp dân chứ…
Ngoảnh nhìn xung quanh, có rất nhiều người ngồi đợi. Họ nóng lòng và bắt đầu bước ra chỗ anh ta đứng…
Anh công an như không thấy số người ấy và bắt đầu “xem hoa ngắm cảnh” quanh khu vực cơ quan. Hết đi bên cơ quan công an lại vòng qua ủy ban, còn… phía sau là nhiều người tranh thủ, chỉ chờ anh đứng lại là: Chú ơi chứng giúp tôi… Anh ơi làm ơn… Bác… ơi v.v…
Nhìn anh ta đi trước với cái đuôi theo sau làm tôi liên tưởng đến Đàn Vịt và Thúng Lúa. Nếu như Con Vịt ăn cỏ thì đâu cần phải lệ thuộc cái Thúng Lúa. Nhưng… khổ nỗi Con Vịt cần lúa…
Khi xét lại thì những công dân đó thuộc diện Kẻ Khó Chịu như đã nói trên. Chứ có nhiều người theo tôi biết vẫn có thể hẹn công an ra quán cafe để làm việc kia… Bởi ở đó có nhiều thức uống Hạ Nhiệt đấy!
Nghĩ cũng lạ, khi chứng giấy tạm trú là nhằm chứng minh sự ngay thật của đương sự. Nếu khu vực xảy ra chuyện chẳng hay thì người quen kẻ lạ, công an đều nắm hết, đâu sai được… Còn như bọn trộm cướp thì đâu cần phải xin Tạm Trú chứ… Thế nhưng người đi làm giấy thường nhận một câu nói rất phổ quát: “Thủ tục không đủ nên không chứng được!” Thế là phải về nhà làm lại…
Phải như công an có thể chứng luôn câu: “Thủ tục không đủ nên không tiến hành làm tạm trú được” thì đó cũng là bằng chứng sự trung thực của đương sự rồi còn gì…
…Tôi đang nhìn cái Thúng Lúa với Niềm Tin Chắc Thắng vì đã Kinh Qua một lần… Sau khi nghe tôi trình bày, anh công an liếc ngang qua hồ sơ mà không thèm đọc, phán một câu cực kỳ nghiêm túc: “Anh không chính đương sự, tôi không chứng được! Bởi tôi đâu biết anh là ai…”
Tôi ra về với ý nghĩ: Sao lúc trước anh ta không nói luôn nhỉ!!!???
Nếu như việc chứng giấy Tạm Trú, Thường Trú là một thủ tục không bắt buộc,  người ta sẽ đến ít thôi. Nhưng khi trở thành luật lệ thì có thể Góp Gió Thành Bão với Tiền Trà Đá phải không nào?!
Sau này tôi nghe nhiều người nói: Thứ Nhất Công An, Thứ Hai Bệnh Viện… cũng chưa đồng tình. Bởi vì hằng đêm tôi vẫn thắp nhang vái Con Vịt không ăn lúa ấy…! Xem ra thịnh ý của tôi khó có thể thành toàn. Bởi suy cho cùng “Con Vịt thì ăn lúa”, còn “Con Người thì ăn thịt Con Vịt”! Con gì mà không ăn? Nhiều người còn triết thuyết hay hơn nữa: “Cái túi đâu khi nào quay miệng xuống hử nị…?”
Dù sao tôi cũng có chút an ủi với ý nghĩ: “Ừ, mình cũng phải ăn kia mà! Người khác cũng vậy thôi…!” Nhưng thật tình trong sâu thẳm, lời van vái của tôi đã lung lay. Lúc trước tôi vái Con Vịt đừng ăn lúa, để khỏi phải lệ thuộc cái Thúng Lúa. Bây giờ tôi lại ước: “Tôi Biết Ăn Cỏ” để biến đâu đó khỏi thực trạng con người. Thật bi đát…
Để kết thúc câu chuyện này, thử hỏi có bao nhiêu người thích “Ăn Cỏ” nhỉ?????????......................... Nhưng cầu mong chỉ một vài người đồng ý với tôi thôi. Bởi vì khi tất cả mọi người cùng đồng lòng “Ăn Cỏ” thì mọi việc lại đâu vào đấy…!!!
Hi… Một tối thư giãn với… trăn trở…
 
Saigon 21.4.2017
MacDung
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.04.2017 17:04:58 bởi macdung >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9