Bước Khẽ Thôi Em - DL Bui

Tác giả Bài
DLBui
  • Số bài : 14
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.01.2012
Bước Khẽ Thôi Em - DL Bui - 20.05.2017 23:35:20
Bước Khẽ Thôi Em
Truyện ngắn, tác giả DL Bui © 2017.

o

Một

Trong những ngày tháng vô cùng đen tối của đời tôi, lao đao vì bị đuổi việc đến mấy lần, tôi đi xem bói. Ông thầy bói mù ngồi trước cổng chùa Thầy, nói như đinh đóng cột rằng phải bước qua tuổi ba mươi thì công danh và sự nghiệp của tôi mới thực sự phất lên.

Một tháng trước ngày sinh nhật thứ ba mươi, tôi được nhận vào làm trong một công ty chuyên bán đồ gia dụng và điện máy, có một chuổi cửa hàng bán lẻ ở nhiều thành phố lớn. Tôi có bằng cử nhân kinh tế, nhưng phải gác qua một bên để làm trợ lý văn thư. Chỉ sau vài ngày làm việc, tôi thấy ngay mình chỉ là chân cho người khác sai vặt. Tôi không muốn lâm vào cảnh thất nghiệp khốn khố thêm một ngày nào nữa, đành phải cần mẫn làm những công việc hết sức dấm dớ và phải bỏ ngoài tai những lời nói hóng hách khó nghe của những người mà kiến thức và bằng cấp không được đến một nửa như tôi.

Đúng ngày sinh nhật thứ ba mươi, buổi sáng thức giấc tôi tự hỏi rằng sự nghiệp của tôi sẽ phất lên như thế nào đây. Tôi vào đến nơi làm việc, thấy trên bàn giấy của tôi có ai để một chiếc bánh kem và tấm thiệp mừng sinh nhật, ký tên Hạnh. Tôi soát lại trong đầu, thấy ở đây chỉ có hai người tên Hạnh. Một ở phòng kế toán, khoảng bốn mươi tuổi và một ở phòng nhân sự, còn trẻ.

Tôi vào phòng nhân sự, đến thẳng bàn giấy của Hạnh, giơ thiệp sinh nhật ra, hỏi ngay:

- Của cô phải không?

Hạnh khe khẽ gật đầu. Tôi nhìn Hạnh một lúc, hỏi tiếp:

- Cô thích tôi đúng không?

Hạnh hai má đỏ hồng, một lần nữa khe khẽ gật đầu.

Hạnh không đẹp, chỉ là loại gái hiền và ngoan. Đương nhiên Hạnh không phải là mẫu con gái tôi thích, dù chỉ để yêu đương nhăng nhít. Hạnh để ý đến tôi ngay từ lần đầu lúc tôi đến lấy đơn xin việc. Khi tôi bị trượt phỏng vấn vào một chức vụ ở phòng kế hoạch kinh doanh, Hạnh đã đề nghị với trưởng phòng nhân sự cho tôi vào vị trí trợ lý văn thư, cũng đang tuyển nhân sự. Hạnh làm được điều ấy vì bố của Hạnh là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. Tôi tiếp tục quen với Hạnh cũng chỉ vì điều ấy.

Ba tháng sau người anh cả của Hạnh cho cô thư ký riêng gọi tôi vào gặp mặt. Tôi theo cô thư ký đến phòng làm việc của ông anh cả của Hạnh, giám đốc bộ môn kinh doanh. Người anh cả của Hạnh ngồi chễm chệ trên ghế da, nhìn tôi bằng ánh mắt xoi mói và chỉ để tôi đứng trước bàn giấy chứ không mời tôi ngồi, dù cạnh bên tôi là chiếc ghế tróng. Bằng giọng trịch thượng, người anh cả của Hạnh lên tiếng:

- Cậu đừng nghĩ rằng bước vào già đình chúng tôi là việc dễ dàng!

Tôi đứng im, mắt nhìn vào bức tranh treo trên tường phía đối diện và chờ đợi để nghe phần còn lại.

- Cậu có tài cán gì chứ? Biết kinh doanh, biết cách để mang lợi nhuận về cho công ty không?

Thấy tôi vẫn đứng im lìm, người anh cả của Hạnh ném lên bàn giấy, ngay trước mặt tôi một tập hồ sơ. Tôi đưa tay giở trang đầu, nhận ra ngay là một bản kế hoạch kinh doanh. Tôi đứng đấy thêm một phút nữa rồi cầm tập hồ sơ, quay lưng đi ra mà không thèm nói một lời.

Theo tập hồ sơ, công ty có một cửa hàng bán lẻ điện máy ở thành phố Hải Phòng, nhưng đã hai năm qua vẫn chưa thu được lợi nhuận và cứ như thế thì có nguy cơ phải đóng cửa. Công ty đã hai lần cử người về Hải Phòng để chỉnh đốn, mong vực dậy cửa hàng nhưng đều thất bại.

Tôi nhận ra ngay đây là một cơ hội bằng vàng để tôi chứng tỏ tài năng của tôi. Tôi đưa tập hồ sơ cho Hạnh xem và nói với Hạnh tôi rất muốn đi Hải Phòng để vực dậy cửa hàng điện máy đang ế ẩm nầy. Tôi sẽ không thất bại như những người đã đi trước.

Hai tuần sau phòng kinh doanh cho gọi tôi vào để nhận một bản kế hoạch mới và chi phí công tác. Tôi lên đường đi Hải Phòng ngay sáng hôm sau.  

o

Hai

Theo bản kế hoạch, tôi sẽ ở lại Hải Phòng ba tháng với một khoảng công tác phí thật ít oi. Tôi thuê một căn phòng trọ giá rẻ, trên gác lững một căn nhà phố ở gần chợ. Căn phòng hẹp, tường vôi loang lổ, trần thắp, không có cửa sổ, chỉ có vài lổ tò vò để thông hơi và chỉ đủ chổ cho một chiếc giường đơn. Đã vậy, muốn lên phòng trọ phải đi nhờ cầu thang gỗ của căn nhà cạnh bên, còn nhà tắm và nhà vệ sinh thì dùng chung với chủ nhà ở tần dưới. Được ở chổ phòng trọ rất gần cửa hàng điện máy, tôi chỉ đi bộ chừng vài phút là đến.

Căn nhà cạnh bên mà tôi phải đi nhờ cầu thang có bà mẹ và hai cô con gái. Cả hai cô gái đều hệt như bà mẹ, thắp và thô người, gương mặt bành với chiếc mũi hếch thật vô duyên. Ngày đầu tôi đến trọ, gặp được cả hai cô gái đang đứng ngay thềm cầu thang. Cô em còn trẻ, cuối rạp người nói:

- Con chào chú ạ!

Cô chị quay qua mắng mỏ cô em:

- Con nầy láo thật, đã già lắm đâu mà gọi chú!

Rồi cả hai ôm nhau cười rũ rượi. Tôi chẳng cần chào hỏi, lẳng lặng xách túi hành trang đi vào phòng tôi.

Sau một tuần, tôi quen với những trận cãi vã chửi bới của ba mẹ con ở nhà cạnh bên, đôi khi kéo dài đến tận đêm khuya vì những chuyện rất cỏn con. Mọi người trong ngỏ ai cũng ngại hai cô gái ấy, tránh được thì tránh, còn tránh không được thì giả lã vài câu vô thưởng vô phạt, cho khỏi rước việc vào thân. Tôi cũng vậy, ngày ngày lên xuống thang gỗ chạm mặt hai cô gái và bà mẹ không biết đến bao nhiêu lần, nhưng tôi chưa bào giờ có ý chào hỏi, dù chỉ với một cái gật đầu.

Một trưa cuối tuần trong lúc chen nhau để mua kem dưới phố, tôi đụng độ với cô em. Cô gái đứng sau lưng tôi từ khi nào tôi chẳng biết, nhưng khi tôi chen được đến quày thì cô gái trường qua người tôi, đặt tiền lên quày và hét lớn như thể tôi đã tranh mất chổ của cô ta. Tôi không nhịn được, dùng cùi tay đẩy cô gái ra sau. Nhưng hành động ấy của tôi là một sai lầm chết người. Cô gái đưa tay ôm ngực và la toán lên đã bị tôi xàm xỡ trong lúc chen lấn.

Mọi người dãn ra và mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi và cô gái đang lu loa la khóc. Tôi vừa tức, vừa ngượng nhưng không cách nào để thoát ra khỏi bàn tay cô gái đang nắm chặt lấy cổ áo của tôi. Tôi đứng chịu trận như một kẻ phạm pháp bị bắt quả tang cho đến lúc anh nhân viên bán hàng bước ra để phân xử. Anh ta dứt tôi ra khỏi tay cô gái rồi đưa ra khỏi cửa hàng kem, chẳng nói năng gì, ra dấu cho tôi đi. 

Tôi lầm lủi đi theo con phố, đi mãi cho đến lúc thấy trước mắt một quán nhậu. Tôi dừng lại rồi vào quán. Tôi không phải là loại người thích rượu bia nhưng hôm nay tôi thấy phải uống, uống cho trôi hết những tai vạ không đâu vướng vào người, uống để xóa đi nỗi bực tức vì danh dự đã bị tổn thương bởi một đứa con gái đanh đá và trơ trẻn.

Tôi không nhớ đã uống bao nhiêu vại bia vào buổi chiều tai ương ấy, chỉ biết khi về đến nhà đã chến choáng say. Tôi lần theo từng bậc thang gỗ để lên phòng thì nghe có tiếng réo tên tôi. Tôi quay lại thấy bà mẹ của hai cô gái đứng dưới thang, gọi đích danh tôi để chửi, để rêu rao với mọi người, trưa hôm nay con gái của bà ấy đã bị tôi xàm xỡ như thế nào. Tôi rút nhanh vào phòng, khóa trái cửa và nằm vật ra giường. Đầu óc tôi lơ mơ quay cuồng, rồi tôi ngủ thiếp đi trong những tiếng chửi rủa của người đàn bà đanh đá.

Sáng hôm sau tôi ra khỏi phòng với tâm trạng sẽ đối phó tình huống xấu nhất. Tôi cẩn thận đội chiếc nón lưỡi trai, kéo xụp xuống che mặt để khỏi phải thấy mặt bất kỳ người đàn bà nào trong căn nhà cạnh bên. Tôi xuống thang yên ổn, không bị ai chặng lại để chửi bới.

Ông chủ nhà trọ có vẻ thông cảm với tôi, nói đấy là chuyện thường, không phải là lần đầu mụ Dậu tố con gái bị đàn ông xàm xỡ. Những ngày sau đấy tôi vẫn bình an lên xuống thang, nhưng tôi vẫn đội chiếc nón lưỡi trai kéo sụp xuống để che mặt, bất kể sáng trưa hay chiều tối.

Một tuần sau, tôi lại đụng với cô em ở nhà cạnh bên thêm một lần nữa. Nhưng lần nầy rất khác so với lần trước. Lúc tôi ngồi ăn ở hàng bún chả bên cạnh chợ thì cô em từ đâu xong đến kéo ghế ngồi trước mặt tôi. Cô gái thản nhiên gọi một dĩa bún chả, một ly sinh tố và ly cà phê đá. Khi thức ăn được mang ra, cô gái đẩy ly cà phê đá đến trước mặt tôi và nói trống không:

- Mời anh!

Nói xong cô gái cúi mặt xuống dĩa bún, vừa ăn vừa hít hà một cách khoái trá. Chỉ một loán cô gái đã ăn sạch dĩa bún, ngẩn mặt lên, đưa tay quẹt những giọt mồ hôi lấm tấm trên hai má. Sau đấy cô gái với lấy ly sinh tố và dùng ống hút sạch mọi thứ trong ly chỉ trong một chớp mắt.

Khi mọi thứ đã xong, cô gái đứng lên, lấy ra cọc tiền, lần tìm vài tờ để đưa cho bà chủ hàng. Tôi loáng thoáng nghe, biết cô gái tên Mẫn và đã trả luôn phần tô bún của tôi.

o

Ba

Cửa hàng điện máy mở ra ở vị trí rất tốt, ngay giữa khu buôn bán sầm uất, gần chợ. Trước cửa hàng có chổ giữ xe cho khách, bên trong rộng rãi và sạch sẽ, nhân viên bán hàng mặt đồng phục xanh đứng sau quày thật chỉnh chu. Nhưng chính sự chỉnh chu thái quá của cửa hàng làm cho tôi có cảm giác lạnh lẽo khi lần đầu bước chân vào. 

Quản lý cửa hàng là người đàn ông lớn tuổi, lúc nào cũng ra vẻ nghiêm nghị và không bao giờ miệng mở được nụ cười. Sau vài ngày xem xét tình hình mua bán, tôi đề nghị đưa một cô bán hàng ra đứng trước cửa để phát tờ quảng cáo, nhưng ông ta gạt ngang:

- Lần trước đã làm rồi, nhưng không có hiệu quả.

Dựa theo bản kế hoạch kinh doanh, tôi đưa ra một vài đề nghị nữa nhưng đều bị ông ta gạt ngang với cùng một lý do, lần trước đã làm rồi nhưng không có hiệu quả.

Sau đúng một tuần đương đầu với tay quản lý cửa hàng, tôi ném bản kế hoạch kinh doanh sang một bên, viết bức điện thư gửi về phòng kinh doanh của công ty, yêu cầu thay quản lý mới. Hôm sau phòng kinh doanh trả lời, không chấp thuận đề nghị của tôi và cũng chẳng đưa ra lý do.

Chiều hôm ấy theo lời hứa sẽ gọi mỗi tuần hai lần, tôi gọi điện để nói chuyện với Hạnh. Cuối buổi điện đàm kéo dài trong ba mươi phút, tôi khéo léo nói về những khó khăn tôi đang gặp phải với tay quản lý cửa hàng. Đúng như tôi mong đợi, ba ngày sau phòng kinh doanh gửi điện văn chấp thuận cho tôi thay quản lý mới, nhân tuyển do tôi toàn quyền quyết định.

Tôi không phải tìm đâu xa để có nhân tuyển thích hợp cho chức vụ quản lý. Chính là cậu nhân viên đứng bán ở quày điện thoại di động. Thoạt nhìn, đấy là cậu trai trẻ có vẻ ương ngạnh. Nhưng sau vài lần tiếp xúc, tôi thấy cậu ta thông minh và biết cách làm việc.

Tôi thông báo quyết định thay quản lý mới cho tất cả nhân viên của cửa hàng. Tôi đã từng nhiều lần bị đuổi việc nên không muốn đuổi việc một ai, đề nghị tay quản lý cũ đứng bán ở quày điện thoại di động. Nghe xong tay quản lý cũ đứng phắt lên, dõng dạc nói:

- Tôi xin nghỉ việc. Ngay bây giờ!

Với cậu quản lý mới, tôi không cần phải làm theo bản kế hoạch kinh doanh của công ty. Tôi chọn cô nhân viên trẻ nhất, thay bộ đồng phục xanh bằng bộ váy hoa gợi cảm, cho đứng trước cửa hàng mỗi ngày, tươi cười với mọi người để phát tờ quảng cáo.

Những cải tổ cho cửa hàng điện máy sau đấy thật dễ dàng và không hề tốn kém. Cậu quản lý cho lắp thêm đèn màu, đèn chớp nhấp nháy. Phòng thử máy hát karaoke được trang trí lại và bất kỳ một ai bước chân vào cửa hàng đều được nhân viên bán hàng mời vào hát thử.

Hai tuần sau tình hình của cửa hang điện máy vẫn không được như tôi mong muốn, không khí chẳng có vẻ gì nhộn nhịp. Doanh số bán ra vẫn không thay đổi, vẫn trì trệ như trước khi tôi đến.

Tôi buộc phải tính đến việc thuê một ban nhạc đến hát trong cửa hàng vào buổi chiều tối, dù chi phí có vượt qua mức dự kiến theo bản kế hoạch. Vài hôm sau tôi tìm được ban nhạc đúng như ý tôi muốn. Cô chị làm ca sĩ, cậu em trai đệm đàn điện, phong cách trình diễn thật xoàng xĩnh. Sau khi trình diễn vài bản nhạc cho tôi nghe, cô ca sĩ ỏng ẹo bước đến trước mặt tôi:

- Em hát như thế nào hở anh?

Tôi nhìn chăm chăm vào bộ ngực cân cân và hở han của cô ca sĩ, gật gù nói:

- Hát hay đấy!

Cô ca sĩ cười híp mắt:

- Ký hợp đồng với em nhé?

Tôi làm ra vẻ nghĩ ngợi rồi lại gật gù nói:

- Ừ. Ký hợp đồng!

Cô ca sĩ nhảy cẫn lên ôm lấy cổ tôi, bộ ngực ngồn ngộn của cô ta áp sát vào lòng tôi.

Có được ban nhạc với cô ca sĩ ăn mặc gợi cảm đến diễn vào buổi chiều tối, không khí cửa hàng điện máy nhộn nhịp hẳn lên. Sau hai tuần doanh số tăng lên đôi chút, nhưng vẫn không như tôi muốn. Tôi lại có thêm một điều phiền toái, cô ca sĩ cứ bám riết lấy tôi, chực có cơ hội là dí bộ ngực cân cân của cô ta vào mặt tôi.

Tôi hết sức tránh né những cơ hội gặp gỡ riêng tư với cô ca sĩ, tuyệt đối không cho cô ta đến phòng trọ tìm tôi dù với bất cứ lý do nào đi nữa. Loại gái nầy nhìn thì được nhưng đụng tay vào thì thật phiền toái, khó dứt ra.

Một đêm sau buổi điện đàm với Hạnh, tôi nghe tiếng động ngoài cửa phòng trọ. Tôi nghỉ ngay đến cô ca sĩ, cảm thấy bực vì cô ta dám cải lời, mò lên phòng của tôi. Tôi mở cửa, ngạc nhiên khi thấy Mẫn đứng bên ngoài. Tôi hỏi cộc lốc:

- Việc gì?

Mẫn bước vào phòng tôi, đặt lên giường dĩa bánh khoai nướng thơm lừng.

- Em mời anh.

Tôi vừa ăn bánh vừa nhìn Mẫn, không cách nào đoán ra được đứa con gái đanh đá nầy muốn gì ở tôi. Khi tôi ăn xong, Mẫn đón lấy chiếc dĩa từ tay tôi, không nói một lời, bước ra khỏi phòng. Sau đấy là những tiếng chân lừng khừng nặng nề của Mẫn đi xuống thang gỗ.

Những đêm sau đấy Mẫn mang lên phòng trọ của tôi khi thì bánh nướng, khi thì chè khoai và đứng chờ cho tôi ăn xong, Mẫn lại lặng lẽ gom lấy dĩa, quay xuống dưới nhà.

Một hôm tôi chỉ chiếc giường và nói với Mẫn:

- Ngồi đi.

Mẫn ngồi xuống giường cạnh bên tôi, tay vẫn còn cầm dĩa bánh nướng. Tôi đón dĩa bánh để qua một bên. Mẫn cúi đầu nhìn xuống sàn nhà, hai tay vân vê vạt áo. Người Mẫn tròn lẳng, ngực cũng cân cân như cô ca sĩ nhưng kín đáo sau chiếc áo phong cao cổ.

Tuy tôi không bao giờ ngu dại đụng tay vào cô ca sĩ, nhưng bộ ngực cân cân của cô ta cứ lởn vởn theo ám tôi hằng đêm trước lúc đi ngủ. Không nghĩ nhiều, tôi với tay tắt ngọn đèn trong phòng trọ. Trong bóng tối, tôi đưa tay xoa lên ngực Mẫn, trong đầu mường tượng đến bộ ngực cân cân của cô ca sĩ. Mẫn thở dồn dập, người nhũn ra, rồi ngã vào vòng tay ôm của tôi. Xem ra có vẻ đây là lần đầu, một đứa con gái xấu và đanh đá như Mẫn được đàn ông mó tay vào ngực.

Lúc mọi việc đã xong, tôi đốt một điếu thuốc, nghe tiếng Mẫn sờ soạng đi ra khỏi phòng. Sau đấy là những bước chân lừng khừng nặng nề của Mẫn xuống thang gỗ, vẫn như những lần trước.

o

Bốn

Thời hạng ba tháng của tôi đã qua mất một nữa nhưng doanh số bán ra của cửa hàng không như công ty đã vạch ra trong bản kế hoạch. Tôi nghĩ đến tay quản lý cũ, thấy lảo ta nói đúng. Những chiêu trò kinh doanh nầy đã được làm qua nhưng không có hiệu quả. Cần phải có một đột phá, bằng không là tôi thất bại.

Cuối cùng tôi nghĩ ra một phương án táo bạo nhưng cũng nhiều rủi ro. Tôi quyết phải thử.

Trong một tối gọi điện cho Hạnh, tôi tỏ ra ít nói đến độ Hạnh ngỡ tôi bị bệnh. Hạnh lo lắng hỏi dồn dập đến lần thứ ba thì tôi nói ra những gì cần phải nói với Hạnh. Hạnh đề nghị tôi nên trình phương án cho người anh cả của Hạnh hơn là gửi cho phòng kinh doanh. Hôm sau tôi gửi bản phương án đã soạn sẳn từ trước cho anh cả của Hạnh, giám đốc bộ môn kinh doanh.

Hai ngày sau phòng kinh doanh gửi điện văn chấp thuận phương án bán nữa giá cho tất cả mọi mặt hàng trong hai ngày cuối tuần. Dĩ nhiên trong phương án tôi có nêu rỏ, đưa hàng tồn kho ra bán trước, chỉ xen kẽ vài mặt hàng mới nhập.

Sau đợt bán nữa giá đầu tiên, tổng kết số doanh thu vượt quá mức tôi dự liệu dù chưa có lợi nhuận. Tôi gửi điện văn đề nghị chuyển những hàng tồn kho của công ty về Hải Phòng để tiếp tục bán giảm giá đợt hai. Đề nghị của tôi được phòng kinh doanh chấp thuận ngay trong ngày.

Đây là khoảng thời gian tôi làm việc cật lực, mười bốn tiếng mỗi ngày. Phần việc của tôi và một phần việc của cậu quản lý trẻ, vì xét về kinh nghiệm điều hành cửa hàng thì cậu ta hãy còn rất non tay.

Buổi tối tôi trở về phòng trọ rất trễ và Mẫn chỉ chờ cho tôi vào phòng là mang bánh nướng hay chè khoai cho tôi. Hôm nào tôi thích thì tắt đèn rồi lôi Mẫn lên giường. Hôm nào tôi mệt thì không ăn gì cả, khoác tay đuổi Mẫn đi ra. Buổi sáng xuống thang gỗ, tôi nhìn Mẫn xa lạ như người chưa quen.

Tôi vẫn sống kín tiếng trong con ngỏ nơi tôi thuê phòng trọ. Vài người biết tôi làm ở cửa hàng điện máy nhưng nghỉ tôi là một nhân viên bán hàng bình thường. Đôi lần Hạnh có ý định đi thăm tôi, nhưng tôi phải khéo léo nói tránh đi để Hạnh khỏi phải buồn lòng. Tôi quá bận rộn với công việc, gặp Hạnh trong lúc nầy là thêm một gánh nặng cho tôi.

Đến tuần lễ cuối cùng của thời hạn ba tháng, cửa hàng đã bán được bốn đợt giảm giá. Doanh số bán ra gấp đôi dự kiến tuy lợi nhuận không được như công ty mong đợi. Bước đầu được như vậy đã là thành công. Cậu quản lý trẻ dần thạo việc và những đợt bán giảm giá trong tương lai là chìa khóa để quảng bá và vực dậy danh tiếng của cửa hàng, rồi lợi nhuận sẽ đến sau.

Hai hôm trước khi hết hạn công tác, buổi tối tôi duyệt lại báo cáo tài chính của cửa hàng trước khi gửi về phòng kinh doanh. Gửi xong bản điện thư, tôi nghe tiếng gõ cửa phòng.

Tôi chợt nhớ ra hôm nay Mẫn đã không mang bánh nướng hay chè khoai lên cho tôi. Mở cửa phòng, tôi thấy chị của Mẫn đứng bên ngoài. Tôi nghỉ, không phải hết cô em rồi đến phiên cô chị muốn ngủ với tôi, định đóng cửa thì chị của Mẫn đưa tay chận lại. Ngập ngừng một lúc, chị của Mẫn lên tiếng:

- Mẫn nó cấn thai rồi đấy.

Tôi nghỉ mình đã nghe lầm, hỏi lại:

- Sao biết được?

Chị của Mẫn nói, giọng hơi rung:

- Mẫn nó đã thử que, sáng hôm nay đi viện để kiểm, bác sĩ nói thai đã sáu tuần.

Tôi đứng im, không thể tin nổi những gì đã nghe.

Chiều hôm sau tôi hẹn với Mẫn ở quán nước sau chợ. Mẫn đến từ trước, trên bàn có ly sinh tố đã uống cạn. Khi thấy tôi đến, Mẫn nhìn tôi với ánh mắt mừng rỡ. Tôi ngồi vào bàn, gạt ngang khi Mẫn định gọi cà phê cho tôi. Câu đầu tiên tôi nói với Mẫn, một cách thật gay gắt là:

- Cô có biết cách tránh thai không?

Mẫn cắn môi, rồi lắc đầu. Tôi tức điên lên, không ngờ con người lăn lộn đứng bán hàng chợ như Mẫn lại ngu ngốc đến như vậy. Tôi nói thật quyết liệt:

- Do cô mà ra. Cô hảy giải quyết cho xong đi!

Tôi ấn vào tay Mẫn tất cả số tiền mà tôi có thể xoay được vào buổi sáng hôm ấy. Mẫn nắm xấp tiền trong tay, nói lạc giọng:

- Anh muốn em bỏ đứa con hở?

Tôi dứt khoát gật đầu.

Không muốn nhìn thấy bộ dạng cùng gương mặt của Mẫn thêm một phút nào nữa, tôi đứng lên và đi nhanh ra khỏi quán nước. Tối hôm ấy cửa hàng tổ chức buổi tiệc liên hoan để tiễn tôi. Mờ sáng hôm sau tôi ra bến xe, đón chuyến xe đầu tiên trong ngày để về Hà Nội.

o

Năm

Hai tuần sau khi trở về Hà Nội, tôi nhận chức vụ phó phòng chiến lược kinh doanh của công ty. Nhân đấy, tôi công khai việc hẹn hò với Hạnh cho mọi người được biết.

Sau những gì tôi đã làm ở Hải Phòng, đoan chắc không một ai dám buông lời gièm pha vì hẹn hò với con gái của chủ tịch hội đồng quản trị mà tôi có được chức vụ như hôm nay. Mỗi sáng tôi bước vào công ty, mặt ngẩn cao, ngay cả với ông anh cả của Hạnh, để cho mọi người biết tôi là người có thực tài.

Tôi chưa bước hẳn vào gia đình của Hạnh, nhưng những buổi tiệc chiêu đãi của gia đình Hạnh tôi đều được mời tham dự. Bố của Hạnh, một người đàn ông ngoài sáu mươi, tướng mạo sang trọng, giọng nói sang sảng, tỏ ra rất quý mến tôi và ông anh cả hách dịch của Hạnh cũng đã phải đổi giọng, ôn hòa với tôi hơn trước đây.

Một hôm sau buổi hợp ở công ty, bố của Hạnh giữ tôi lại để nói chuyện riêng. Ông nói tôi là người rất có thực tài, rồi đây những chức vụ cao nhất trong công ty sẽ dành cho tôi cùng với sự đãi ngộ là một phần năm số cổ phần của công ty. Ông thấy thật tiếc nếu tôi bỏ lở cơ hội để tiến thân mà ông thấy là tôi nên có và sẽ có nếu tôi muốn.

Một khoảng lặng trôi qua, ông thong thả nhồi thuốc vào tẩu, chăm lửa hút, nhả ra những làn khói xanh nhạt. Rồi đột nhiên ông hỏi tôi đã quen với Hạnh được bao lâu. Tôi nói đã gần một năm. Ông hỏi như vậy đã đủ chưa. Tôi gật đầu thay cho câu trả lời và cũng để kết thúc cho cuộc thương lượng ngấm ngầm giữa ông và tôi.

Một người sắc bén như ông và đã qua ba đời vợ, hẳn nhiên ông phải thấy là Hạnh rất yêu tôi nhưng tôi thì không yêu Hạnh và thấy rỏ dụng ý của tôi khi hẹn hò với Hạnh. Dù biết tôi là vậy nhưng ông vẫn tôn trọng con người tôi, điều nầy làm cho tôi thấy nể phục ông và cái giá thật hào phóng ông đưa ra để mua lấy hạnh phúc cho đứa con gái duy nhất của ông, cho tôi thấy ông đúng là một người cha tốt.

Mỗi tuần dù bận rộn đến đâu tôi vẫn hẹn với Hạnh ra ngoài vào chiều thứ bảy. Hạnh thích đến những nơi có hàng quán bình dân và cách Hạnh đi mua sắm cũng rất bình dân. Tôi cũng thích như vậy, vì tôi đã quá mệt với những buổi chiêu đãi sang trọng của công ty hay của gia đình Hạnh.

Một chiều thứ bảy như bao nhiêu chiều thứ bảy khác, tôi hẹn với Hạnh đi ăn bún óc ở Hồ Tây. Trong lúc hai đứa ngồi nhìn ra cảnh hồ mông lung trong bóng đêm, tôi khẽ nắm tay Hạnh. Hạnh tỏ một chút ngạc nhiên, vừa cười vừa nói:

- Hôm nay tình tứ thế hở anh?

Tôi nắm tay Hạnh thật chặt, nhìn vào mắt Hạnh, nói khe khẽ:

- Mình tổ chức đám cưới nhá?

Hạnh không trả lời, chỉ nhìn tôi với nụ cười mãn nguyện trên môi.

Một tuần sau công ty có cuộc sắp xếp lại nhân sự trong bộ môn kinh doanh. Tôi từ chức phó phòng được đề bạt lên chức trưởng phòng chiến lược kinh doanh và có cả thư ký riêng. Tôi không để mất thời gian, trình ngay cho ban giám đốc kế hoạch mở cửa hàng điện máy mới ở Sơn La cùng với chiến lược bán giảm giá như đã làm ở cửa hàng Hải Phòng. Kế hoạch của tôi được ban giám đốc duyệt và chấp thuận một tuần sau đấy.

Thời gian nầy tôi làm việc mười hai giờ mỗi ngày và gần như quên đi mình đã cầu hôn với Hạnh. Hạnh và mẹ của Hạnh đã lo liệu tất cả cho đám cưới, từ việc chọn ngày cho đến phát thiệp mời khách dự. Tôi bận đến nỗi Hạnh phải cho người mang áo cưới đến tận công ty để cho tôi chọn.

Tôi ngồi nhìn Hạnh thử những bộ váy cưới sang trọng nhưng trong đầu tôi không ngừng nghỉ đến những việc cần phải làm, nghỉ đến buổi hợp chiều nay. Khi Hạnh thử đến chiếc váy cưới cuối cùng, tôi đứng lên, đi một vòng quanh Hạnh và nói chiếc váy cưới nầy hợp với Hạnh nhất. Hạnh nhìn tôi, mở nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc. Hạnh nói cũng thích bộ váy nầy nhất, nên để dành lại sau cùng cho tôi xem. Tôi nghĩ đến những năm tháng sắp đến, tôi sẽ thản nhiên như ngày hôm nay, mang hạnh phúc đến cho Hạnh để có được những thứ tôi muốn và phải có.

Trước ngày cưới một tuần, cô thư ký riêng của tôi cho biết Hạnh muốn hẹn tôi ra ăn trưa. Dù rất bận nhưng tôi vẫn gác qua công việc để ăn trưa với Hạnh. Tôi gặp Hạnh trong một cửa hàng ăn gần công ty, thấy Hạnh có vẻ đăm chiêu và thay vì gọi hai phần ăn trưa, Hạnh chỉ gọi nước uống.

Tôi còn chưa hết thắc mắc thì Hạnh đưa ra trước mặt tôi một lá thư. Tôi đón lấy lá thư, đọc xong mà không tin vào mắt mình. Thư viết tay của lảo quản lý cũ của cửa hàng điện máy ở Hải Phòng, vắn tắt nhưng lời lẽ rõ ràng, báo cho Hạnh biết tôi có đứa con với Mẫn và Mẫn đã chết ngay sau khi sinh đứa bé. Bây giờ ý nguyện của gia đình Mẫn là tôi về nhìn mặt đứa bé. Cuối thư, lảo ghi địa chỉ của gia đình Mẫn và địa chỉ của chính lảo ta, để tỏ ra đây không phải là thư nặc danh vu cáo vu vơ.

Sau một lúc im lặng, tôi lấy được bình tỉnh để kể cho Hạnh rỏ về Mẫn, từ chuyện vu họa cho tôi ở hàng kem cho đến việc Mẫn đã trơ trẻn tìm đến phòng tôi hằng đêm và ngay cả đứa bé Mẫn sinh ra chưa chắc là con của tôi. Cuối cùng, tôi nói với Hạnh giọng đầy quả quyết:

- Em phải tin anh. Không bao giờ anh quen với loại người lăng loàn như thế! Không đời nào!

Hạnh không nhìn tôi, đăm chiêu một lúc lâu, rồi nói:

- Cô ấy đã mất rồi nên anh với cô ấy có như thế nào không còn là điều em phải bận tâm. Nhưng đứa bé nếu qua xét nghiệm y khoa đúng là con anh, anh phải nhận lại nó!

Nói xong Hạnh lấy lại bức thư rồi đứng lên, lẳng lặng rời khỏi cửa hàng ăn. Cả buổi chiều tôi vẫn cố làm việc theo đúng thời khóa biểu, nhưng tối hôm ấy tôi nằm trằn trọc đến gần sáng mới ngủ được. Tôi thấy mình đã quá chủ quan khi nghỉ Mẫn sẽ làm theo lời tôi nói. Tôi thấy thật hối tiếc, lẽ ra tôi phải ở lại Hải Phòng thêm ít hôm để đưa Mẫn đi bỏ thai. Bây giờ mọi chuyện đã thật tồi tệ, tôi sẽ mất tất cả, sự nghiệp đang lên, tương lai rạng rỡ.

Buổi sáng hôm sau nhìn trong gương thấy mặt tôi phờ phạt đến thảm hại. Đã vậy, vừa vào đến công ty thì gặp ngay cô thư ký riêng của ông anh cả của Hạnh đến mời tôi vào gặp mặt. Vẽ thân thiện không còn nữa, người anh cả của Hạnh ngồi chễm chệ trên ghế da và để tôi đứng trước bàn giấy như lần gặp mặt đầu tiên.

Không nói một lời, người anh cả của Hạnh ném lá thư viết tay của lảo quản lý cũ lên bàn viết, ngay trước mặt tôi. Tôi không cần đọc bức thư vì đã biết nội dung, mắt nhìn vào bức  tranh treo ở tường đối diện. Một lúc sau, người anh cả của Hạnh nói, gằn từng tiếng một:

- Đứa bé có phải là con của cậu hay không, gia đình chúng tôi không quan tâm! Nhưng cậu nhận lại đứa con thì đừng nói đến bước vào nhà chúng tôi, ngay cả công ty cậu cũng chẳng có cửa để bước vào!

Xem như đã rỏ ý định của gia đình Hạnh, tôi quay lưng đi mà không nói một lời.

Về đến phòng làm việc, tôi cho thư ký riêng của tôi gác lại tất cả buổi hợp trong ngày. Tôi gọi cho Hạnh, bằng lời lẽ mền mỏng, vừa năn nỉ vừa thuyết phục Hạnh cùng tôi đi Hải Phòng để xem tôi giải quyết vấn đề này.

Xe riêng của gia đình Hạnh đưa tôi và Hạnh đi Hải Phòng ngay trưa hôm ấy. Trên đường đi, tôi nói với Hạnh, dù xét nghiệm y khoa chứng thực đứa bé là con của tôi, tôi sẽ không nhận lại nó. Tôi sẽ thương lượng với gia đình của Mẫn, sẽ gửi tiền cấp dưỡng để gia đình Mẫn nuôi đứa bé và sẽ chấp nhận bất cứ yêu sách nào của gia đình Mẫn đưa ra. Đứa bé không thể chen vào cuộc sống của Hạnh và tôi, vì hạnh phúc của Hạnh và tôi, vì tôi yêu Hạnh hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời nầy. Hạnh chỉ nghe tôi nói và lặng thinh cho đến lúc xe vào thành phố Hải Phòng.

Đến nơi, Hạnh bảo tài xế đỗ xe ở một đoạn xa chợ, rồi cùng tôi đi bộ đến nhà của gia đình Mẫn. Hạnh chỉ để một mình tôi vào gặp gia đình của Mẫn, còn Hạnh sẽ ngồi ở quán nước đối diện con ngỏ để chờ tôi.

Tôi một mình đì vào con ngỏ, như đã từng đi trước kia, một mình bước lên những bậc thang gỗ, như đã từng bước lên trước kia. Cửa nhà của gia đình Mẫn để ngỏ, tôi đẩy cửa bước vào.

Trong nhà đầy những bao tải và rổ thúng đựng nấm khô, táo khô, cũ rể khô. Không khí như trộn lẫn giữa mùi thơm của táo khô và mùi hăng nồng của các loại nấm. Chị của Mẫn chỉ chiếc bàn, ra dấu cho tôi ngồi. Tôi ngồi xuống bàn, nhận một ly trà nóng nghi ngút khói từ tay của chị Mẫn. Tôi quay nhìn về phía góc nhà nơi kê chiếc bàn thờ nhỏ, thấy ảnh của Mẫn, nhưng tôi không dám nhìn lâu.

Khi tôi quay lại, chị của Mẫn đã đứng trước mặt tôi, trên tay bế đứa bé gái khoảng sáu tháng tuổi. Đứa bé không đẹp, có khuôn mặt với chiếc mũi hếch hệt như Mẫn. Chị của Mẫn nói với tôi:

- Trước khi chết, Mẫn nó muốn anh phải một lần tận mắt nhìn thấy mặt đứa bé. Giả như anh không muốn nhận nó thì gia đình chúng tôi sẽ nuôi nó khôn lớn.

Tôi suy nghĩ một lúc, lượng giá những lời vừa nói ra của chị Mẫn, rồi hỏi lại:

- Tôi có thể không nhận nó là con được sao? Phải có điều kiện gì chứ?

Chị của Mẫn lắc đầu:

- Không. Anh nhìn mặt nó một lần là đủ rồi. Mẫn nó chỉ muốn vậy thôi.

Tôi ngờ vực, hỏi lại một lần nữa:

- Chỉ vậy thôi?

Chị của Mẫn gật đầu:

- Mẫn nó không ép anh phải nhận con. Anh không nhận thì gia đình chúng tôi cũng không làm khó anh!

Nói xong, chị của Mẫn đưa đứa bé đến ngay trước mặt tôi. Tôi nhìn mặt đứa bé mà lẽ ra sẽ không hiện hữu trên cõi đời nầy, thấy nỗi sợ hãi dâng lên đến tột độ. Người tôi như đong cứng, hai tay tôi bám chặt lấy thành ghế.

Thấy tôi không có ý định bế đứa bé, chị của Mẫn mang đứa bé đặt vào chiếc giỏ đang bằng mây để ở một góc nhà và nói với tôi:

- Anh có thể đi được rồi đấy!

Đúng rồi, tại sao tôi phải hốt hoãn, phải sợ hãi. Không ai ngăn cấm tôi bước ra khỏi nơi đây với hai tay không và tôi sẽ nói với Hạnh, nói với mọi người, đứa bé không phải là con của tôi. Tất cả là một sự hiểu lầm hay một âm mưu vu cáo của tay quản lý đã bị tôi cho nghỉ việc trước kia. 

Tôi sẽ cùng Hạnh trở về Hà Nội, đám cưới sẽ diễn ra vào cuối tuần như đã dự định, mọi việc sẽ đâu vào đấy, sự nghiệp của tôi sẽ phất lên đúng như lời ông thầy bói mù trước cổng chùa Thầy đã nói năm xưa.

o

Sáu

Sau một buổi tiệc rượu liên hoan kéo dài đến giữa đêm, tôi trở về phòng trọ trong tâm trạng của một người đang vứt bỏ được gánh nặng trên vai.

Sáng mai tôi sẽ trở về Hà Nội, sẽ đích thân vào văn phòng người anh cả của Hạnh, sẽ ném tập báo cáo doanh thu của cửa hàng điện máy chi nhánh Hải Phòng lên bàn giấy của ông ấy. Tôi khoang khoái hình dung ra khuôn mặt khó coi đến thảm hại của người anh cả của Hạnh, khi tôi quay lưng đi mà không thèm nói một lời.

Trước khi đi ngủ, tôi thu xếp hành trang, cũng chẳng có gì nhiều, dồn hết mọi thứ vào túi xách. Tôi lên giường và chìm vào giấc ngủ gần như ngay tức thời.

Sáng hôm sau đồng hồ báo thức vào lúc năm giờ, bên ngoài trời hãy còn tù mù tối. Tôi lặng lẽ xách túi hành trang ra khỏi phòng, khe kẽ bước xuống những bậc thang gỗ như một kẻ trộm.

Nhưng tôi chỉ vừa xuống hết thang thì Mẫn từ trong nhà chạy ra, huỳnh huỵch xuống thang gỗ rồi níu lấy túi hành trang của tôi. Mẫn nói van lơn:

- Anh ơi! Anh đừng đi!

Tôi gạt tay Mẫn ra, xách túi hành trang bước nhanh về đầu con ngỏ. Phía sau lưng, Mẫn đi theo, không nói thêm một lời nào. Đến đầu ngỏ, gặp bác xe ôm đang chờ khách buổi sớm, tôi bảo đi ngay ra bến xe mà không cần trả giá.

Xe chạy, tôi quay lại thấy Mẫn đứng ở đầu ngỏ, đang nhìn theo tôi, một tay đưa lên dụi mắt. Xe chạy thêm một đoạn nữa, tôi quay lại nhìn, Mẫn vẫn còn đứng đấy, rồi bóng Mẫn khất sau những hàng cây.

Tôi ngồi bất động, hai tay bám chặt vào thành ghế gỗ, ly trà nóng nghi ngút khói để trên bàn đã nguội. Một góc nhà, trong chiếc giỏ đang bằng mây, đứa bé ngồi chựng, hai tay bấu chặt vào thành giỏ, bập bẹ vài tiếng non nớt.

Tôi không biết đã ngồi như vậy được bao lâu, cho đến lúc mẹ của Mẫn bước vào nhà, nhìn thấy tôi nhưng không nói một lời nào. Mẹ của Mẫn bới tìm một bao tải, lạo xạo, thở dóc, rồi xóc lên vai, quày quả đi ra khỏi nhà.

Đầu tôi trống rỗng, tai tôi lắng nghe tiếng gõ nhịp của chiếc đồng hồ giây cót cũ kỹ trên tường, tíc tóc đếm đều đặn. Không khí tôi hít thở, hòa lẫn giữa mùi thơm của táo khô và mùi hăng nồng của các loại nấm.

Tôi không biết đã ngồi như vậy thêm được bao lâu, cho đến khi chị của Mẫn đến trước mặt tôi, nhắc lại một lần nữa, đã đến lúc tôi phải rời khỏi nơi đây. Tôi đứng lên, bước lại nhìn tấm ảnh của Mẫn và biết được tôi phải làm gì.

Tôi ra khỏi nhà với đứa bé gái trên tay. Đến đầu con ngỏ, tôi nhìn xuống tay mình, thấy đứa bé đang cười, nụ cười thật gióng Mẫn, chiếc mũi hếch lên và hai mắt nhỏ híp lại. Rồi sau này khi nó lớn lên, tôi sẽ dạy cho nó biết cách bước đi với những bước chân thật khẽ khàn, chứ không như mẹ nó.

Trong quán nước bên kia đường, Hạnh vẫn còn ngồi đấy chờ tôi.

DL Bui Bui © 2017.

o0o
Xin đưa vào thư viện với tên tác giả DL Bui và sửa lỗi chính tả nếu cần thiết . Rất cám ơn BĐH và Ngụy Xưa.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.05.2017 00:43:29 bởi DLBui >

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
Re:Bước Khẽ Thôi Em - DL Bui - 24.05.2017 05:27:25
"Bước Khẽ Thôi Em" đã được mang vào thư viện.
 
Xin cám ơn tác giả DL Bui.

DLBui
  • Số bài : 14
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.01.2012
Re:Bước Khẽ Thôi Em - DL Bui - 25.05.2017 08:33:26
Cám ơn Ngụy Xưa. Chúc Ngụy Xưa luôn vui trong cuộc sống.