Cắt thuế cho người giàu Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt thuế vào 2 giờ sáng thứ bảy 2 tháng 12 vừa qua, với tỷ lệ là 51 – 49. Tất cả các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ gồm 48 người đều bỏ phiếu chống, nhưng 51 Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu thuận, ngoại trừ Thượng Nghị Sĩ Bob Corker của Tennessee chống lại với lý do là tăng thâm thủng ngân sách quá nhiều!
Như vậy sau cùng đạo luật cắt thuế đã được cả 2 viện thông qua, với Hạ Viện đã bỏ phiếu thuận cho một đạo luật một tháng trước đây. Hai đạo luật của Hạ Viện và Thượng Viện tuy giống nhau ở những điểm chính là cắt thuế cho công ty và cho cá nhân, nhưng khác biệt ở nhiều điểm phụ và sẽ cần phải thương thảo giữa hai ủy ban đặc biệt của hai viện để tạo thành một đạo luật thống nhất, trước khi đưa lên cho Trump ký và ban hành.
Điều quan trọng nhất cả Hạ Viện và Thượng Viện cùng đồng ý là sẽ cắt thuế cho các công ty từ 35% xuống còn 20%. Mức thuế nhẹ này Hạ Viện cho áp dụng ngay cho năm 2018 nhưng Thượng Viện bắt đợi một năm đến 2019 và sẽ là mức thuế vĩnh viễn. Lý do cắt thuế cho các công ty vì hiện nay trên thế giới, hầu như chỉ còn Hoa Kỳ là đánh thuế tiền lời các công ty cao ở mức 35%, các quốc gia khác đánh nhẹ hơn nên nhiều công ty Hoa Kỳ tìm cách trốn thuế bằng cách chuyển trụ sở của công ty sang ngoại quốc có mức thuế nhẹ. Thực sự chuyện thuế chỉ là một yếu tố, nguyên nhân chính cho các công ty xuất cảng công việc ra ngoại quốc như Trung Hoa, Ấn Độ, Mexico là vì giá công nhân rẻ, đem lại lợi nhiều hơn. Nhưng đảng Cộng Hòa vốn có giáo điều là cắt thuế nên dùng việc cắt thuế cho các công ty để khuyến khích các công ty ở lại Hoa Kỳ và tạo công việc cho dân chúng.
Hiện nay kinh tế Hoa Kỳ tương đối đã hồi phục gần như hoàn toàn sau kỳ Đại Suy Thoái 2008 và các công ty đã kiếm lời nhiều, vượt mức. Việc cắt thuế cho các công ty thực ra chỉ đem lại lời nhiều hơn nữa và sẽ đổ dồn vào túi của các chủ nhân ông, CEO cũng như giới quản trị, đã giàu lại càng giàu thêm! Trong một buổi họp gần đây của Gary Cohn là cố vấn về kinh tế cho Trump, với nhiều CEO của các đại công ty quan trọng nhất của Hoa Kỳ, Cohn đã hỏi với việc cắt thuế, bao nhiêu công ty sẽ dùng tiền lời nhiều hơn do thuế ít đi, để đầu tư, mở thêm cơ xưởng và mướn thêm nhân công. Rất ít người đã giơ tay là sẽ làm việc đó, đại đa số các CEO đều im lặng không nói gì, có nghĩa các CEO này thấy việc cắt thuế cho công ty sẽ không làm cho họ khuếch trương, đầu tư thêm cũng như không gia tăng số nhân công làm việc.
Kinh nghiệm trước kia cho thấy khi các công ty được cắt thuế, tiền lời do thuế ít sẽ được các CEO của các công ty cho tăng tiền dividend cho các người đầu tư mua stock của công ty, hoặc các CEO này cho mua chính stock của công ty trên thị trường gọi là stock buyback. Khi làm việc này, số lượng stock lưu hành giảm đi làm giá stock tăng lên. Có nghĩa khi chính phủ cho cắt thuế, các công ty được thêm tiền sẽ chuyển hoàn tiền thặng dư cho các người đầu tư mua stock. Mà những kẻ đầu tư trên Wall Street là giới 1%, tức giới giàu có nhất của xã hội, sẽ được hưởng lợi tối đa do việc cắt thuế. Đa số dân chúng tức 99% giới còn lại sẽ không hưởng lợi gì cả hay chỉ tối thiểu!
Ngoài việc giảm thuế corporate tax tức cắt thuế cho các công ty lớn chỉ còn gần một nửa mức cũ, đạo luật của Hạ Viện cắt thuế cho các xí nghiệp nhỏ hơn, gọi là pass-through business. Những xí nghiệp này như của gia đình, hay tổ hợp nhỏ, kiếm lời sẽ phải đóng thuế theo mức cá nhân khi khai thuế, với mức tối đa là 39.6% như hiện nay. Hạ Viện cho cắt mức thuế này xuống còn 25%, Thượng Viện cho khấu trừ deduction tiền lời của xí nghiệp ở mức 23% khi khai thuế. Chưa biết đạo luật sau cùng sẽ theo bên nào, nhưng dù sao đi nữa, đây sẽ là cắt thuế có lợi nhiều cho người giàu. Vì chủ nhân các xí nghiệp này dĩ nhiên cũng thuộc loại 1%, tức những người giàu nhất của xã hội!
Đối với cá nhân, đạo luật của Thượng Viện cho cắt nhiều hơn của Hạ Viện. Cho thuế của cặp vợ chồng, married filing jointly, mức thuế của Thượng Viện từ 10% đến 38.5% với 7 mức thuế. Hạ Viện có 4 mức thuế 12%, 25%, 35%, 39.6%.. Chưa biết sau cùng đạo luật thống nhất sẽ theo mức thuế nào nhưng tựu trung, cá nhân khi khai thuế sẽ thấy có giảm được chút đỉnh! Tuy nhiên đạo luật của Thượng Viện chỉ cắt thuế cho cá nhân cho đến năm 2025, sau đó sẽ trở lại như cũ! Hạ Viện cho cắt luôn, vĩnh viễn!
Lý do Thượng Viện chỉ cho cắt thuế cá nhân chỉ vài năm vì con số thâm thủng ngân quỹ đã lên quá đáng, lên đến 1.5 trillion Mỹ Kim. Và theo qui luật của Thượng Viện, nếu thâm thủng hơn nữa, Thượng Viện sẽ phải cần hơn 60 phiếu để thông qua, không phải chỉ là đa số thường. Nên thủ lãnh Mitch McConnell tính toán là chỉ cho cắt thuế cá nhân tạm thời mới cứu vãn được đạo luật vì chỉ cần đa số của Cộng Hòa để thông qua, không cần đến phiếu của Dân Chủ!
Có nghĩa việc cắt thuế cho cá nhân chỉ là bánh vẽ! Điều căn bản phe Cộng Hòa nhắm vào là cắt thuế cho công ty corporate tax và cho giới người giàu có của các xí nghiệp pass-through, ngoài ra cá nhân lợi tức thấp chỉ cho cắt thuế tượng trưng, tạm thời vài năm để khỏi kêu ca, sau đó là mặc kệ, thuế có lên lại hay không, Thượng Viện không cần biết đến!
Theo một ước tính, trên 80% mức lợi do việc cắt thuế sẽ đổ dồn về cho giới giàu có, với mức lợi tức mỗi năm trên 500,000 Mỹ Kim. Ngoài ra việc cắt thuế cho công ty từ 35% xuống 20% sẽ đem lại lợi lớn cho các công ty, do đó giá stock trên thị trường chứng khoán sẽ tăng vọt. Người giàu có hầu hết đều có tài sản nhờ bất động sản và stock. Cắt thuế sẽ làm giá trị các tài sản này tăng nhiều hơn nữa. Và người giàu lại càng hưởng thêm lợi khi tài sản của mình lên vù vù, nhờ vào đạo luật cắt thuế của Quốc Hội!
Trong khi đó người nghèo hay giới trung lưu thấp, có mức lợi tức mỗi năm dưới 70,000 Mỹ Kim cho cặp vợ chồng, sẽ thấy thuế của mình không thay đổi gì mấy. Lý do là dù mức thuế giảm chút đỉnh, nhưng cũng chỉ vài trăm hay một, hai ngàn Mỹ Kim. Trong khi đó những khấu trừ deductions khi khai thuế bị cắt nhiều. Như trừ thuế địa phương và tiểu bang, local & state tax deductions, trừ tiền phí tổn y tế, giới hạn mức khấu trừ tiền lời trả góp nhà ..v.v..
Ngoài ra trong đạo luật của Thượng Viện còn có khoản bỏ thuế phạt nếu không mua bảo hiểm y tế. Hạ Viện không có điều này. Nếu việc bỏ chuyện phạt này còn giữ lại trong đạo luật sau cùng, ảnh hưởng sẽ lớn lao vô cùng cho Obamacare. Lý do là khi không có chuyện phạt này, những người trẻ, khỏe mạnh không ai mua Obamacare nữa. Lúc đó chỉ còn toàn người lớn tuổi hơn, nhiều bệnh tật hơn mua Obamacare. Các hãng bảo hiểm sẽ tăng tiền premium lên tối đa để gỡ lại nếu không muốn bị sạt nghiệp. Kết quả người dân của giới nghèo và trung lưu thấp sẽ phải đóng tiền bảo hiểm sức khoẻ lên rất nhiều, thêm vài ngàn đô la mỗi năm dễ dàng. Có nghĩa bao nhiêu lợi do cắt thuế lợi tức sẽ tiêu tan hay không đủ để trả tiền tăng cho bảo hiểm sức khoẻ!
Theo một ước tính của cơ quan ngân sách của Quốc Hội, 18 triệu người dân sẽ mất bảo hiểm y tế vì không mua hay vì không đóng nổi tiền chi phí cho bảo hiểm! Có nghĩa với giới nghèo hay giới trung lưu thấp, đạo luật cắt thuế sẽ gây ra tai hại rất nhiều trong những năm đến vì bớt tiền thuế không đáng kể, trong khi mất những quyền lợi khác, nhất là bảo hiểm y tế.
Chưa hết! Hai giáo điều căn bản của đảng Cộng Hòa là cắt thuế và giữ cho ngân sách quốc gia thăng bằng, không bị thâm thủng quá độ làm tăng món nợ quốc gia. Đạo luật cắt thuế một khi thành hình sau cùng giữa Hạ Viện và Thượng Viện và thành luật vào cuối tháng 12 này khi Trump ký, sẽ gây ra thâm thủng ngân sách là 1.5 trillion trong 10 năm đến. Có nghĩa mỗi năm ngân sách quốc gia Hoa Kỳ hao hụt thêm 150 tỷ Mỹ Kim. Số tiền này sẽ phải được cân bằng bằng cách cắt giảm chi tiêu.
Cộng Hòa hiện còn đòi tăng chi tiêu Quốc Phòng nên chỉ có thể cắt việc chi tiêu về xã hội. Thủ lãnh Hạ Viện Paul Ryan đã nói đến chuyện cắt các chi phí cho người nghèo như Medicaid, food stamps, welfare. Cũng như Medicare có thể sẽ phải cắt 200 tỷ Mỹ Kim trong những năm đến. Paul Ryan cũng nói đến chuyện cải tổ Social Security. Dĩ nhiên nói là cải tổ nhưng đối với phe Cộng Hòa, có nghĩa là sẽ cắt giảm. Vì chi tiêu về An Ninh Xã Hội và Medicare là 2 mục lớn nhất cho ngân sách quốc gia Hoa Kỳ và càng ngày càng tăng trưởng!
Như thế sau khi đạo luật cắt thuế được Trump ký cuối tháng 12 này để thi hành cho năm 2018, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tấn công đến những chi tiêu về xã hội để bù lại cho thâm thủng ngân sách do việc cắt thuế. Welfare, food stamps, Medicaid, Medicare sẽ bị thẳng tay cắt giảm với hậu quả rơi vào đầu những người nghèo và cho giới trung lưu thấp.
Trong cuộc bầu cử 2016 vừa qua, giới dân chúng da trắng, nghèo hay trung lưu thấp sinh sống tại các tiểu bang bảo thủ nhất của miền Nam hay những tiểu bang có các nền kỹ nghệ suy đồi của vùng Midwest, Northeast đều bầu cho Trump và cho Cộng Hòa. Nhờ thế Trump thắng cử và phe Cộng Hòa tiếp tục giữ đa số tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện.
Những người này không bao giờ ngờ đến là những hứa hẹn và hô hào của Trump sẽ đưa đến hậu quả là đạo luật cắt thuế hoàn toàn chỉ cho giới giàu có 1% của xã hội. Và họ sẽ phải trả giá quá đắt cho đạo luật cắt thuế này. Không những thế, tất cả những căn bản về An Sinh Xã Hội, về mạng lưới giúp đỡ người nghèo để không rơi vào cảnh khốn cùng, sẽ bị lần lượt phá nát. Và Hoa Kỳ sẽ rơi vào một phân hóa đến tận cùng của cách biệt giàu nghèo.
Chưa bao giờ kể từ thập niên 20’s đến nay, sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội Hoa Kỳ lại trầm trọng như giai đoạn hiện tại. Và với đạo luật thuế mới này, cũng như những chương trình thay đổi về xã hội của đảng Cộng Hòa trong tương lai, những xáo trộn cho quốc gia Hoa Kỳ sẽ không biết đâu mà lường được!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.12.2017 05:42:20 bởi frank >