Cực tả và cực hữu Những chu kỳ cấp tiến và bảo thủ trong xã hội và chính trị của Hoa Kỳ vốn là đặc điểm của xứ này trong nhiều thập niên cận đại, hiện đang thay đổi để trở thành chu kỳ của cực tả và cực hữu.
Lý do là xã hội Hoa Kỳ đã phân hóa đến cực điểm. Trên mọi lãnh vực, thành phần trung dung đứng giữa, ôn hòa, giữ cho xã hội cân bằng và ít thay đổi, biến loạn, gần như không còn nữa. Tất cả đã tách lui dần về phía của hai cực, đối chọi và trái ngược hẳn nhau, khó lòng hòa hợp và ổn thỏa được.
Phe cấp tiến, đưa được Barack Obama lên thành tổng thống da đen đầu tiên, tưởng rằng đã biến đổi được Hoa Kỳ chỉ còn một con đường để tiến tới của dân chủ cấp tiến, đã vỡ mộng khi Donald Trump thắng cử và đưa Hoa Kỳ vào bảo thủ quá khích của cực hữu.
Sau hơn hai năm rưỡi nắm chính quyền, Trump đã biến Hoa Kỳ thành một quốc gia hoàn toàn di chuyển sang điểm nhọn cuối cùng của cực hữu, sẵn sàng rơi vào vực thẳm của phát xít như thời của Mussolini tại Ý và Hitler của Đức Quốc Xã của Đệ Nhị Thế Chiến trước kia.
Bằng chứng rõ ràng nhất cho chiều hướng cực hữu phát xít này là sự bênh vực của Trump đối với nhóm biểu tình white supremacists tại Charlottesville. Các tổ chức Neo Nazi, Ku Klux Klan, đều coi Trump là thần tượng, cho rằng Trump là lãnh tụ để dẫn dắt Hoa Kỳ đi vào con đường của phát xít, kỳ thị như các nhóm này hằng chủ trương.
Những chính sách về di dân và bảo vệ biên giới của chính quyền Trump là biểu tượng cho những xấu xa và tàn ác đối với con người, không còn kể đến lương tâm và lòng nhân đạo, sẵn sàng chà đạp lên phẩm giá của những kẻ di dân khốn cùng.
Những vi phạm nhân quyền này của chính quyền Trump không thua gì những hành động tàn nhẫn của các chế độ độc tài của các quốc gia Phi Châu. Điển hình là những cảnh giam giữ trẻ con, giật những đứa trẻ sơ sinh ra khỏi tay của những bà mẹ, phân tán gia đình để giam riêng coi như tội phạm, những người di dân chỉ có tội là đi tìm đường sống cho gia đình mình bằng cách xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
Điều trái khoáy là Trump thắng cử vì được đa số phiếu của những người Evangelicals, lúc nào mở miệng cũng nói đến chuyện Thượng Đế, chuyện tốt lành, coi tôn giáo là tối thượng. Nhưng như ứng cử viên Pete Buttigieg vạch ra trong buổi tranh luận của phe Dân Chủ tuần qua, khi ủng hộ những chính sách về di dân tàn ác này của Trump, những người nhân danh tôn giáo này đã đánh mất quyền kêu gọi Thượng Đế của mình! Vì Thượng Đế nào chấp nhận cho những việc làm dã man như thế!
Một trong những giáo điều của cực hữu tại Hoa Kỳ là bảo vệ người giàu tối đa bằng cách giảm thuế. Đạo luật cắt thuế của Trump được phe Cộng Hoà ủng hộ tận tình và đưa ra thành luật hai năm trước đã tạo cho giới giàu và các công ty hưởng hơn 90% lợi lộc do việc cắt giảm thuế này. Người nghèo và giới trung lưu không được chút lợi nào. Những người dân trung lưu ở các tiểu bang như California, New York, vốn theo phe Dân Chủ nhiều còn thấy thuế lợi tức phải đóng mỗi năm tăng cao hơn trước!
Trong khi đó, luật cắt thuế này của Trump đã làm thâm thủng ngân sách quốc gia hàng trillion, ngàn tỷ Mỹ Kim, làm món nợ quốc gia tăng nhanh khủng khiếp! Phe bảo thủ cực hữu đòi thăng bằng ngân sách bằng cách cắt giảm hết các tiền giúp người nghèo, chi tiêu về xã hội. Food stamps, Medicaid, các chương trình giúp dân nghèo bị cắt nhiều, kết quả dân nghèo bị thiệt hại thêm, trong khi người giàu càng giàu thêm.
Điểm tệ hại của cực hữu là không phải chỉ muốn giúp người giàu được thêm lợi lộc. Thực sự hiện nay 1% số người giàu nhất của Hoa Kỳ đã chiếm giữ đến 80% tài sản của quốc gia, 99% dân chúng còn lại chia nhau những rơi rớt vụn vặt! Nhưng phe cực hữu chưa vừa lòng! Cho rằng chi tiêu về y tế quá nhiều cho người nghèo, cần phải cắt thêm để có tiền chi tiêu cho quốc phòng và để các công ty đỡ tiền về bảo hiểm y tế, nhờ thế stock mới lên và người giàu có stock sẽ giàu thêm nữa!
Phe cực hữu muốn phá y tế Obamacare, một thành quả của chính quyền Obama đã giúp cho thêm vài chục triệu người có bảo hiểm y tế. Tuy bỏ hẳn Obamacare không thành công tại Thượng Viện khi thượng nghị sĩ quá cố John McCain bỏ phiếu chống, chính quyền Trump tìm cách phá Obamacare cho người nghèo bằng cách hạn chế tối đa, không cho quảng cáo để dân chúng biết quyền lợi của mình. Cũng như cho các hãng bảo hiểm y tế bán những bảo hiểm vô giá trị, bịp bợm, thu tiền nhưng khi có bệnh, không chịu trả tiền!
Những điều này thời Obama đều cấm, nhưng đến Trump vì muốn phá tất cả những gì của Obama để lại, nên cho các công ty làm bậy, mục đích để đổ tội cho Obamacare. Trump tiếp tục phá bằng cách không cho liên bang trả tiền trợ giúp các hãng bảo hiểm để giới hạn cho dân chúng xài Obamacare khó khăn hơn khi mua bảo hiểm này. Có nghĩa tuy không bỏ được luật nhưng Trump tìm đủ cách để ngăn chặn và phá ngầm để dân nghèo không còn hưởng lợi được do Obamacare nữa! Có chết thì ráng chịu!
Tất cả những quá đáng của cực hữu này đều đã được Trump cho thi hành trong hai năm rưỡi qua. Và với một năm rưỡi còn lại, dĩ nhiên Trump sẽ còn nhiều chuyện khác, nhiều đòn khác sẽ tung ra để giúp dân giàu, hại dân nghèo. Cũng như bắt đầu cho ICE, cơ quan cảnh sát bắt di dân lậu đi bố ráp và trục xuất hàng chục triệu dân nhập cảnh lậu, đã sống tại Hoa Kỳ hàng mấy chục năm, vẫn bắt để trục xuất như thường. Dù cho có con cái đẻ tại đây và là công dân Hoa Kỳ, nhưng bố mẹ nhập cảnh lậu, không có giấy tờ vẫn bị bắt và đuổi về Mễ, gia đình phân tán cũng mặc kệ. Cảnh khổ lan tràn cho đám dân này, cũng ráng chịu cho quen!
Dĩ nhiên những quá đáng và tội ác do chính quyền Trump gây ra về chuyện di dân cũng sẽ bị những phản ứng quật ngược. Dân chúng Mỹ có thể nói đa số vẫn nhiều người tốt bụng, có lòng nhân đạo, sẽ không thể nhìn mãi những cảnh tượng vô nhân mà không động lòng trắc ẩn. Tuy dân Mỹ có những kẻ đạo đức giả cũng nhiều, nhưng người tốt cũng không phải ít. Hơn hai năm trời Trump nắm quyền cũng đã làm nhiều người tỉnh ngộ, sáng mắt ra và thấy rằng không thể chấp nhận Trump mãi được, đừng nói đến có thêm nhiệm kỳ 2!
Tuy nhiên như quả lắc đã lên đến cao điểm về cực hữu, động năng lắc lại theo chiều kia sẽ làm xã hội Hoa Kỳ biến thể theo chiều hướng cực tả, tương xứng với những thái quá của cực hữu những năm vừa qua.
Điều này được thấy rõ ràng nhất trong hai đêm tranh luận của các ứng cử viên Dân Chủ tại Miami tuần qua. Vì con số ứng cử viên lên đến hai mươi mấy người, 20 người được chọn để tranh luận, chia làm 2 buổi, mỗi buổi 10 người.
Cả hai đêm 26 và 27 tháng 6, 2019 vừa qua, nổi nhất là các ứng cử viên cực tả. Đêm đầu có thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, chủ trương bảo hiểm y tế công cộng “Medicare for all”, tha hết tiền nợ đi học của sinh viên, đánh thuế nặng dân giàu, bắt các công ty lớn như Apple, Amazon phải chia thành mảnh nhỏ..v.v.. Bà này đưa ra rất nhiều chương trình, đều theo cấp tiến cực tả.
Về di dân, ứng cử viên Castro đòi bỏ luật coi là tội hình những người di dân lậu, mở cửa đón tiếp di dân. Ứng cử viên Cory Booker, thượng nghị sĩ da đen của New Jresey, cũng đưa ra những chương trình cấp tiến và nổi bật.
Đêm sau đặc biệt hơn vì có cựu phó tổng thống Joe Biden, người đang dẫn đầu trong thăm dò dư luận. Biden bị tấn công tơi bời do thượng nghị sĩ Kamala Harris của California, đưa ra những chất vấn Biden vì vụ Biden chống chuyện busing, cho trẻ con đen đi bus tới các trường khu da trắng thời xưa. Biden chống chuyện này trong khi Harris là da đen, lúc nhỏ tham dự vào chuyện busing này. Biden cũng bị Harris tấn công vì Biden khoe là cộng tác thời xưa với hai thượng nghị sĩ miền Nam kỳ thị nặng!
Biden bị chê nhiều vì đối đáp với Harris quá dở. Sau vụ tranh luận này, Biden xuống dốc nhiều, sợ khó lòng giữ được hàng đầu trong cuộc chạy đua.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng nổi nhiều vì đưa ra những chương trình cực tả tối đa, tự nhận mình theo xã hội chủ nghĩa! Dù Sanders được một số ủng hộ nhiệt thành, cũng như lần tranh với Hillary Clinron mấy năm trước, sau cùng bị coi là quá cực tả nên cũng khó thắng.
Ứng cử viên khác cũng nổi nhiều là Pete Buttigieg, thị trưởng thành phố South Bend của Indiana, ra mặt là gay, đồng tính luyến ái, hiện đang được chú ý nhiều.
Tựu trung những ứng cử viên của Dân Chủ sáng giá nhất sau cuộc tranh luận này đều đưa ra những chương trình cực tả. Cũng như thuộc thành phần da màu như Kamala Harris, Cory Booker, hay phụ nữ như Elizabeth Warren, Harris, hay gay như Buttigieg. Joe Biden tuy đang dẫn đầu nhưng bị lu mờ dần, có thể khó thắng nếu Harris hay Warren nổi bật lên hơn nữa.
Tuy nhiên điều quan trọng là việc đánh bại được Trump! Thực ra hiện nay theo hầu hết các thăm dò dư luận, ứng cử viên nào cũng đều trên điểm Trump cả! Có nghĩa hiện nay đa số dân chúng Mỹ đã chán những chuyện scandal của Trump. Cũng như thấy rõ Trump nói láo quá độ! Tờ Wasington Post gần đây cho biết Trump đã vượt mức nói láo hơn 10,000 lần từ khi thành tổng thống. Có nghĩa Trump nói láo mỗi ngày trung bình là 12 lần. Không nói láo, nói bậy, phóng đại, chuyện có nói không, chuyện không nói có, là Trump ăn không ngon, ngủ không yên!
Không còn ai tin tưởng được điều gì Trump nói nữa. Và sự mất tư cách của cả chính quyền Trump đã làm đa số dân chúng Mỹ muốn thay đổi và chờ ngày Trump thất cử và xuống chức! Lúc đó những khó khăn về luật pháp của Trump mới thực sự bắt đầu. Khi công tố viện của tiều bang New York sẽ bằt đầu cuộc truy tố về tội chủ mưu với Michael Cohen làm bậy khi tranh cử năm 2016. Cũng như chuyện ngăn cản công lý cuộc điều tra của Mueller.
Chính vì những khó khăn về tội hình chờ đón nếu Trump thất cử, nên cuộc tranh cử sắp đến sẽ là chuyện sống chết cho Trump. Và chắc chắn cuộc bầu cử kỳ tới sẽ gay cấn gấp bội lần những cuộc tranh cử tổng thống trong lịch sử Hoa Ky từ trước đến nay.
Chúng ta hãy chờ xem!