Lang thang
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 50 bài trong đề mục
frank 18.07.2017 01:39:59 (permalink)
Tình mộng xa xưa
 
Ký ức con người thật kỳ lạ. Một ngày khi đang lái xe, tôi bỗng thấy mình huýt sáo theo một melody lạ. Và đến đoạn chót, tự dưng bắt gặp mình hát mấy chữ "...les anciens rêves d'amour". Tôi cố moi óc để tìm hiểu tại sao lại biết đến bài nhạc này. Rồi sau cùng mới nhớ. Phải đến hơn 50 năm rồi!

Năm ấy tôi còn nhỏ. Một ngày tôi vào phòng đọc sách của ba tôi, để lục lọi món đồ gì đó. Tôi thấy ba tôi ngồi chơi đàn piano và vứa đệm vừa hát. Tôi ngẩn người đứng nghe ông đàn và hát, ít khi nào tôi thấy ông chơi đàn, đừng nói đến chuyện hát một bài hát, chắc phải là một bản nhạc tình bằng tiếng Pháp. Đoạn chót ông hát đi hát lại nhiều lần, tôi chỉ nghe được mấy chữ "les anciens rêves d'amour". Rồi ông gục đầu trên bục đàn, lặng lẽ, rất lâu. Tôi sợ ông quay lại bắt gặp nên rón rén bước chân ra khỏi phòng đọc sách. Không bao giờ tôi được nghe ba tôi chơi đàn và hát bài nhạc đó nữa, từ năm xa xưa ấy, cho đến ngày ông mất.

Tôi biết ba tôi không phải là người lãng mạn. Nhưng tôi có lần nghe bà cô, em kế ba tôi nhắc đến mối tình của ông hồi còn trẻ, lúc chưa lập gia đình. Đẹp, buồn và dang dở vì cái chết của người yêu vì bệnh hoạn lúc mới quen nhau chưa được bao lâu. Ông không bao giờ nói đến chuyện đó và tôi cũng chỉ biết đến qua loa, chỉ vì lần bắt gặp ông hát bài nhạc tình bằng tiếng Pháp "Rêve d'amour". Rồi tôi quên đi, không để ý đến nữa. Bài hát đó tôi cũng không bao giờ biết đến hay nghe ai khác hát. Chắc vì quá xưa, hay cũng không phải là bài nổi tiêng của một nhạc sĩ trứ danh nào, đã đi vào quên lãng hoàn toàn!

Cho đến buổi sáng cách đây mấy hôm lái xe trên con đường quen thuộc, điệu nhạc này bỗng dưng trở lại từ ký ức xa xưa, bất thần, đột ngột, không có nguyên cớ gì, như hồn ma đội mồ sống dậy! Và melody đó như đã chiếm ngự lấy tôi, không rời ra nữa. Tôi hoàn toàn bị ám ảnh vì điệu nhạc này, nhất là những chữ cuối "...les anciens rêves d'amour". Và tôi quyết định phải tìm cho ra gốc gác của bài hát này.

Vào Google đánh chữ Rêve d' amour, chỉ tìm được tên của hai nhạc sĩ cổ điển có bài nhạc với tên này. Một bài của Gabriel Fauré, bài kia của Franz Líszt. dĩ nhiên không phải là bài tôi muốn kiếm. Thay đổi đủ kiểu, thêm vào chữ "anciens rêves d'amour", rồi thêm "french song", mãi sau cùng tôi mới kiếm được bài hát ba tôi đã hát khi xưa. Bài này có tên đúng là "Adieu jolis rêves d' amour" do Tino Rossi, một danh ca của Pháp hát năm 1935, trong phim "Chanson de la jeunesse". Chắc ba tôi đi xem phim này hồi ông ra Hà Nội học, yêu thích bài hát và nhớ mãi cho đến sau này. Sau đây là lời của bài hát:

Adieu jolis rêves d'amour
Du film: La chanson de la jeunesse


Refrain

Aux jolis rêves d'amour
S'il faut que l'on renonce
On a pour les compenser
Les souvenirs du passé
Un mot, un regard
Surpris par hasard
Servent à remplacer un jour
Les anciens rêves d'amour.

Couplet

Lorsque l'on est tout jeune on fait
Pour l'avenir mille et mille projets
Ce jeu exquis n'est plus permis
Quand on a des cheveux gris.


Refrain

Aux jolis rêves d'amour
S'il faut que l'on renonce
On a pour les compenser
Les souvenirs du passé
Un mot, un regard
Surpris par hasard
Servent à remplacer un jour
Les anciens rêves d'amour.


Un mot, un regard
Surpris par hasard

[Servent à remplacer un jour
Les anciens rêves d'amour.
] [bis]



Paroles: Jean Delettre
Musique: Sigmund Romberg
Interprète: Tino Rossi (1935)

http://gauterdo.com/ref/aa/adieu.jolis.reves.d.amour.html

Phải cảm ơn Google đã kiếm cho tôi được bài hát này. Tôi là người technophobe, không thích những chuyện rắc rối của kỹ thuật! Nhưng không có Google, làm sao tôi có thể kiếm ra được tung tích của bai hát và giải toả được nỗi ám ảnh đã chiếm ngự hoàn toàn tâm trí tôi suốt mấy ngày hôm nay!

Thanks again, Google!
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.07.2017 01:55:19 bởi frank >
#16
    frank 02.08.2017 02:11:19 (permalink)
     
    Tình già
     
    Yêu nhau cởi tã cho nhau
    Về nhà con hỏi qua cầu tã rơi


    Người ta bây giờ sống thọ lắm! Sở An Ninh Xã Hội cho biết, nếu sống được đến 65 tuổi, sẽ có hy vọng sống thêm được 18 năm nữa, 83 tuổi mới tịch. Trong số này, cứ 4 người sẽ có một người thọ đến 90. Một trong 10 người mãi đến 95 tuổi mới về quê! Đàn bà sống dai hơn đàn ông, trên trăm tuổi là chuyện thường! Nhưng sống lâu quá, nhiều chuyện lộn xộn sẽ xảy ra. Và chuyện lôi thôi, phiền phức nhất là chuyện tình, tình già!

    Ngày xưa nhà thơ Phan Khôi có viết bài thơ "Tình Già" đăng trên báo Phong Hóa, ngày 24 tháng giêng năm 1933. Bài thơ này lạ lùng, không theo khuôn phép gì cả, nhưng thật là hay! Và còn được nhớ đến bây giờ! Bài thơ như sau:

    Hai mươi bốn năm xưa
    Một đêm vừa gió lại vừa mưa
    Dưới ngọn đèn mờ
    Trong gian nhà nhỏ
    Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
    - Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng
    Mà lấy nhau hẳn là không đặng
    Để đến nỗi, tình trước phụ sau
    Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau

    - Hay! Mới bạc làm sao chớ!
    Buông nhau làm sao cho nỡ!
    Thương được chừng nào hay chừng nấy
    Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
    Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng
    Mà tính việc thủy chung?

    Hai mươi bốn năm sau
    Tình cờ đất khách gặp nhau
    Đôi cái đầu đều bạc
    Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được
    Ôn chuyện cũ mà thôi!
    Liếc đưa nhau đi rồi
    Con mắt còn có đuôi!


    Ông Phan Khôi gọi là Tình Già! Nhưng nếu tính theo tuổi kể trong bài thơ, hai mái đầu xanh than thở, tóc còn xanh thì nhiều lắm cũng chỉ cỡ ba mươi đến bốn mươi là cùng. Rồi 24 năm sau, gặp lại nhau nơi đất khách quê người, đôi đầu đều bạc, nhưng mắt nhìn còn có đuôi. Như vậy chỉ cỡ năm mươi mấy đến sáu mươi thôi! Ngày xưa thời 1933 của cụ Phan Khôi, được coi là già lắm rồi! Nên nhà thơ mới đặt tưạ là Tình Già!

    Bây giờ khác hẳn, tuổi năm mấy, sáu mươi là tuổi trung niên, sung sức, thuộc loại mid-life crisis, tình ái đầy ăm ắp, làm gì chỉ có chuyện nhìn nhau xuông, nheo nheo đuôi mắt, rồi chia tay đường ai nấy đi cho đặng! Thời buổi bây giờ thực tế hơn nhiều, cụ Phan Khôi ơi! Nhưng thôi! Không nên tả chân, phũ phàng quá, hết cả thơ mộng, ông cụ nằm dưới mồ sẽ trăn trở, lộn qua lộn lại! Tội nghiệp cho ổng lắm!

    Tình già bây giờ phải nói đến lứa tuổi 80 hay hơn nữa. Có thể cả lứa tuổi 90 không chừng! Tình bây giờ là hai xe lăn ngồi cạnh nhau trong nursing home, cùng nhau ngắm hoàng hôn rơi, chập choạng trong buổi chiều vàng, mắt mới mổ hạt cườm nên mơ màng nhìn nhau không rõ, chỉ thấy em đẹp như tiên nữ, khi tỏ khi mờ như thơ Quang Dũng: "Thoáng hiện em về trong đáy cốc - Nói cười như chuyện một đêm mơ"! Và nghe tiếng cười em, xa xa, vặn hearing aid lên tối đa mới nghe rõ, như thơ Đinh Hùng khi xưa "Tiếng cười như cõi thiên thu lại - Tiền kiếp xưa nào em hé môi"!

    Rồi nụ hôn đầu, có thể cũng là nụ hôn cuối cùng, vì tim anh đã nghẹt ba bốn động mạch, đập loạn xạ, máy trợ nhịp tim mới mổ gắn trong lồng ngực chưa chạy đều lắm. Đừng để anh hồi hộp quá, em ơi, anh dễ đi luôn lắm! Nhưng nụ hôn của tình già chúng ta thơ mộng lắm. em biết không? Khi hai hàm răng giả chạm nhau, vang lên những tiếng thánh thót như lời ước nguyện ban đầu cho đôi ta vậy!

    Và trao nhau món quà chi để đánh dấu cho mối tình già đầy kỷ niệm này? Chúng ta chẳng còn gì! Ngoài chiếc tã gắn bó với đời ta bây giờ, các cô y tá đã chẳng nói là mặc tã là chuyện quan trọng nhất cho cuộc đời còn lại của chúng ta bây giờ hay sao! Thôi! Chúng ta hãy làm lại chuyện 70 năm về trước, khi anh và em, chúng ta qua cầu gió bay thuở ấy:

    "Yêu nhau cởi áo cho nhau
    Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay"


    Và bây giờ chúng ta hãy hẹn ước với nhau, như những lời thề thốt năm xưa, em nhé:

    "Yêu nhau cởi tã cho nhau
    Về nhà con hỏi qua cầu tã rơi"

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2017 05:45:10 bởi frank >
    #17
      NgụyXưa 03.08.2017 06:26:09 (permalink)
      Chào anh Frank.
       
      Hai câu thơ cuối trong bài thơ Tình Già của cụ Phan Khôi là hay nhất:
       
      Liếc đưa nhau đi rồi 
      Con mắt còn có đuôi!
       
       
      Bài viết của anh đã được mang vào thư viện dưới tên "Tình Già", và tác giả là "Frank". Nếu anh muốn dùng tên thật thay vì bút hiệu xin cho biết để chúng tôi đổi lại.
       
      Cám ơn anh đã đóng góp nhiều bài tham luận cho diễn đàn.
       
      NX
      #18
        frank 04.08.2017 00:08:49 (permalink)
        Chào anh Ngụy Xưa
         
        Cảm ơn anh đã đưa hai bài viết vào thư viện. Nhờ anh đổi lại tên thật là Nguyễn Đình Phùng thay vì Frank cho bài đăng trong thư viện.
         
        NĐP
        #19
          NgụyXưa 04.08.2017 06:57:47 (permalink)
          Chào anh NĐP,
           
          Tên tác giả của các bài viết trong thư viện đã được sửa theo ý anh.
           
          Cám ơn anh đã đóng góp cho diễn đàn.
           
          NX
          #20
            frank 15.08.2017 03:23:12 (permalink)
            Đời Đen Bạc
             
             
            Tôi có nguời bạn lâu ngày không gặp, bữa nọ sang Cali chơi, tình cờ gặp lại bạn hiền trong một quán cà phê. Anh bạn cho biết nay đã trở thành nhà văn, ký bút hiệu là Đời Đen Bạc! Hỏi lý do tại sao lại thành nhà văn và lấy bút hiệu gì mà kỳ quái như vậy, Đời Đen Bạc trả lời:

            "Moa thấy viết văn sướng nhất! Mình cho thằng nào sống là nó sống, bắt ai chết là nó chết, tạo nên thằng này cho nó giầu, cho nó sung sướng, bắt thằng khác phải nghèo, phải đau khổ, lâm ly ai oán mọi đường. Mình tạo dựng mọi sự, có khác gì một loại demi-god đâu? Đằng khác, văn là người! Mình viết văn, cho mình đẹp trai, cao lớn, thông minh, sang giầu, gọi là chàng, tán ai được nấy, gái mê ríu rít, đời hạnh phúc đủ đường, có ai dám phản đối gì đâu?!!!"

            Tôi nhìn chung quanh trong quán cà phê. Thấy ít ra có hai ba bàn, có mấy cô đẹp não nùng, thơm phưng phức, đang thầm thì với nhau, mắt dán vào anh bạn Đời Đen Bạc của tôi, đầy vẻ chiêm ngưỡng thần tượng! Gái đẹp như vậy, hấp dẫn như vậy mà đem lòng mê say anh bạn vàng, vốn xấu trai, lùn, nhỏ, răng vẩu, mắt ti hí đeo cặp kính dầy cộm! Phi lý thật! Và mới nghiệm ra lời bạn nói làm nhà văn quả có phần chí lý! Không còn sai đi đâu nữa cả.

            Hỏi sao lại lấy tên Đời Đen Bạc, hắn cười cười:

            Mày biết tao từ nhỏ mà! Lúc lớn lên, tao lúc nào cũng ăm ắp tình yêu, nhìn đâu cũng thấy tình, gặp em nào cũng có tình. Vấn đề rắc rối là ở chỗ có tình đi mà không có tình lại! Các em ghé mắt nhìn tao từ trên xuống dưới thường lắc đầu mấy cái rồi lạnh lùng quay mặt đi! Tao nhiều chua xót, đau thương tủi hận lắm mày ơi! Làm sao bây giờ? Đã sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu thì phải chịu vậy. 

            Thất tình nhiều lần, tao mới khám phá ra chân lý. Là ai cũng chê tao cả nên tao dại gì mê các nàng soàng sĩnh, sắc đẹp trung bình, duyên dáng vừa phải. Đã thất tình thì phải thất tình cho đáng. Tao bèn chọn một nàng đẹp nhất, quí phái nhất, tài hoa nhất đem lòng mê say. Rồi tao trồng cây si trước cổng trường em lâu đến nỗi mấy tên bán nước rau má, xí muội cũng phải nhờn mặt. Nhà em đi qua đi lại đến mòn mấy đôi giày, chó berger nhà em lâu ngày sủa mãi cũng quen mặt, riết rồi vẫy đuôi mừng!
            Mối tình một chiều ngày càng vĩ đại, tao vun xới, nuôi nấng mãi nên bây giờ trổ hoa thành sự nghiệp văn chương lẫy lừng cho tao, bút hiệu Đời Đen Bạc là như vậy!

            Mày thấy không? Tao nghiệm ra 3 điều này: 

            - Nếu mình là trai "trời bắt xấu", đừng hy vọng các em có tình với mình. Van lơn, cầu khẩn kiểu "Anh xin làm hạt bụi dưới chân em" vô ích. Các nàng thấy bụi là phủi phủi đi ngay, không dính vào được đâu!

            - Nếu số mình phải thất tình, chọn em nào đẹp nhất, ngon lành nhất mà mê. Dại gì mê mấy em vớ vẩn. Trương Chi ngày xưa chọn Mỵ Nương mà mê chứ có mê mấy chị đánh cá khác đâu!

            - Không đẹp trai mà muốn các em mê mình thì phải có tài.Tài gì cũng được nhưng văn chương nghệ thuật là tốt nhất. Nên tập hát có khản cả cổ, lạc cả giọng, đánh đàn có trẹo cả tay, vẽ vời sơn có bắn vào mắt, cũng phải chịu mà thôi! Hãy tự nhủ rằng, cứu cánh của nghệ thuật là các em. Chịu khổ một tí, sau này được các em mê, có phải sướng không. Chỉ phiền một điều! Nhiều khi gần về già mới thành tài, mới nổi tiếng, các em mới mê. Sơ múi chả còn bao nhiêu nữa. Nhưng thôi, cũng đành vậy!

            Tôi nhìn lại bạn. Đời Đen Bạc quả đã già! Lưng đã còng, tay chân run lẩy bẩy, hom hem như thế mà còn nói chuyện gái đẹp mê mình! Không biết lượng sức mình thì chỉ sáu tháng đến một năm là cùng! Điệu này chắc lại sắp mất ít tiền vòng hoa phúng điếu mất thôi! Chán thật!
            #21
              frank 25.08.2017 03:33:10 (permalink)
              Sang sông

              Tôi có anh bạn tên Kha. Biệt hiệu là "Kha sang sông". Sau này bạn bè tặng thêm một chữ Kinh đằng trước thành "Kinh Kha sang sông". Nghe rất hùng tráng. Tráng sĩ Kinh Kha nơi bến sông Dịch Thủy quyết chí diệt bạo chúa Tần Thủy Hoàng, thề một đi không trở lại. Lâm ly ai oán vô cùng! Bạn tôi từ ngày được thêm danh hiệu này đắc chí không thể nào tả nổi, đi đâu mặt cũng vênh vênh váo váo, trông chỉ muốn vả một cái vào mặt!

              Vì bạn tôi tướng mạo không một chút nào oai phong lẫm liệt như Kinh Kha gì cả. Trông có vẻ hèn hèn là đằng khác! Mà chuyện sang sông nghe vậy nhưng không phải vậy. Kinh Kha tự mình sang sông Dịch vào đất Tần làm chuyện thích khách. Còn bạn Kha của tôi không tự mình sang sông nhưng đưa người khác sang sông. Cũng không có được cái lãng mạn, nghệ sĩ như Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:

              Đưa người, ta không đưa qua sông
              Sao có tiếng sóng ở trong lòng
              Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
              Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

              Vì bạn Kha của tôi đưa em sang sông, chỉ vì bị em đá. Có nghĩa em chê bạn tôi xấu trai, lùn, nhỏ, học dốt, nhà nghèo, lại thêm kính cận dày cộm, che cặp mắt ti hí. Nhưng bù lại bạn tôi có tài tán gái giỏi, ăn nói duyên dáng, chỉ mở miệng nói dăm ba câu là các nàng cười lăn cười lóc, bò ra mà cười. Nhưng vui vẻ với bạn tôi thì có, chịu chàng thì không! Có nghĩa các nàng xinh như mộng, thơm như múi mít, đẹp như mơ kia, thich bạn Kha đến nhà chơi, chọc cho các nàng cười, cho các nàng vui vẻ. Rồi các nàng đi chơi với kép khác, đẹp trai, ngon lành hơn bạn Kha nhiều! Để lại bạn Kha tôi phòng không chiếc bóng, gậm nhấm nỗi hận tình!

              Quên kể là bạn tôi có chút tài vẽ. Không lấy gì làm xuất sắc lắm. Nhưng nể bạn, không muốn bạn buồn, tôi vẫn khen dồi: "Mày vẽ được lắm! Cố lên! Có ngày mở triển lãm được!". Không ngờ vì thế làm hại bạn! Anh chàng hứng khởi, ra công vẽ chân dung nàng, mất đến mấy tháng trời.  Rồi khổ công đặt làm bức khung gỗ cầu kỳ, trạm trổ, bóng loáng, đắt tiền vô chừng. Khệ nệ đem đến tặng nàng. Chỉ thấy nàng ngẩn người ngắm nghía một lúc rồi nhỏ nhẹ hỏi bạn tôi:

              "Khung hình này anh mua ở đâu? Đẹp quá nhỉ!"

              Bạn tôi chết điếng. Lại còn nghe lũ em nàng đứng sau phá lên cười hô hố! Bạn Kha tôi cúi gầm đầu, bỏ ra về một nước!

              Rồi một ngày bạn tôi nhận được thiệp hồng của nàng báo tin. Đêm đám cưới, Kha đến nhà tôi, mang cả chục chai bia 33, mắt đỏ ngầu, nằm vật ra. Hồi lâu nghe tiếng chàng nức nở, khóc rưng rức Rồi chàng ngồi dậy, ôm cây đàn guitare, vừa đệm vừa nghẹn ngào hát bài "Tôi đưa em sang sông". Hát đi hát lại cả đêm đó, phải đến vài chục lần là ít!

              Và Kha từ đó được gắn liền với biệt hiệu "Kha sang sông". 

              Sau 75, Kha sang Mỹ thành công với nghề địa ốc, nay đã thành người giàu có. Nhưng Kha vẫn không vợ không con. Gặp lại nhau, anh chàng cười:

              "Cái tên nó vận vào người, mày ạ. Chúng mày đặt cho tao cái biệt hiệu sang sông độc thật. Vì sau lần thất tình đêm đó nằm ở nhà mày, tao đưa các em sang sông thêm 31 lần nữa. Vị chi là 32 phùa đưa các em sang sông. Làm sao có vợ cho nổi!"

              Nhưng mới đây tôi nhận được thiệp mời đám cưới của Kha. Hắn còn bắt tôi tham dự buổi bachelor's party của hắn. Kha thuê hẳn một vũ trường, ban nhạc hay nhất ở đây. Rồi mời cả vài trăm người, bạn bè có, thân chủ có, đầy đủ giới trưởng giả của thành phố. Và mở đầu buổi văn nghệ nhảy đầm, Kha lên hát bài nhạc tủ của mấy mươi năm về trước. Bài "Tôi đưa em sang sông". Và tan buổi dạ vũ, Kha bắt mọi người ở lại để nghe hắn hát hai bài cuối cùng. Một bài tiếng Mỹ của Willie Nelson và Julio Iglesias "To all the girls I've loved before". Và tuyên bố hát lại bài "Tôi đưa em sang sông" lần cuối cùng trong đời. Sẽ không bao giờ bắt ai phải nghe lại bài hát này nữa. 32 lần là quá đủ rồi!!!



              <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.08.2017 03:50:27 bởi frank >
              #22
                frank 01.09.2017 06:08:17 (permalink)
                Ghen
                 
                Tôi có hai anh bạn thuộc loại sợ vợ hạng nặng. Nhưng sợ vợ thì sợ, cả hai anh đều mắc tật thích gái đẹp, thường bắt chước như Tề Tuyên thuở trước, đi đâu cũng hung hăng tuyên bố "Quả nhân hữu tật! Quả nhân hiếu sắc!". Không biết hai anh có sơ múi gì không, những người lớn tiếng phát biểu, thường về nhà im thin thít! Vả lại hai bà vợ đều có máu Hoạn Thư, nên hai anh làm sao ngó ngoáy ho he gì được! 

                Nhưng một anh vẫn tự xưng mình là Casanova, anh kia lấy biệt hiệu là Sở Khanh! Ra cái điều mình tay chơi, sợ vợ thì sợ, nhưng vẫn là loại yêng hùng, hảo hớn, ngán gì ai! Tôi sợ vợ tôi thôi, tôi có sợ vợ các anh đâu! Hai anh vẫn dương dương tự đắc với bạn bè như thế!

                Chúng tôi thường gặp nhau ăn nhậu mỗi tháng một lần. Hôm nọ sau khi nhậu đã đời, cả hai anh Casanova và anh họ Sở đều ngà ngà say, lên mặt giảng giải cho bạn bè về chữ "Ghen":

                Casanova: 

                Đàn bà hay ghen là bậy! Những chuyện đàn ông có lăng nhăng, tán hươu tán vượn cô này cô nọ, hay vợ lớn vợ nhỏ chăng nữa, chẳng qua cũng là chuyện Thượng Đế đã an bài như vậy. Moa có khảo cứu về vấn đề này, mới biết rằng đàn bà khác đàn ông về cơ thể học! Khác những phần hiển nhiên không nói làm gì rồi, riêng về phần quả tim, như chúng mày học hồi trung học, tim chia ra bốn ngăn: tâm thất trái, tâm thất phải, tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải. Điều mà chúng bay không biết rõ là theo những khám phá mới đây, quả tim bốn ngăn là quả tim của đàn ông! Đàn bà quả tim chỉ có một ngăn thôi!

                Thương Đế khi tạo dựng ra con người đã xếp đặt cả rồi: đàn bà có một chồng, còn đàn ông được tạo nên để có thể có 4 vợ được! Tâm thất trái có nhiệm vụ bơm máu quan trọng nhất nên đây là chánh thất. Tâm thất phải ít quan trọng hơn nên được gọi là thứ thất. Hai tâm nhĩ trái và phải được dùng để sơ-cua nên gọi là tả phòng và hữu phòng. Đâu ra đấy cẩn thận! Thượng Đế đã xếp đặt có phải là trò đùa đâu! Đàn bà hay ghen là trái với lòng trời! Khổ nỗi khi họ ghen, trời họ cũng coi như pha nên chúng ta dù có mệnh trời vẫn lâm vào bể khổ là như vậy!

                Sở Khanh:

                Chú em Casanova biết một mà không biết hai! Vảnh tai mà nghe đàn anh giảng giải đây: Tụi bay đứa nào cũng nghe vợ chúng mày bào chữa là có yêu nên mới ghen. Giả nhân giả nghĩa hết! Chúng mày có nghe Antoine de St. Exupéry nói hồi xưa: "Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng" rồi phải không? Vậy nếu gọi là yêu mà hướng của ông chồng là nhìn về một cô khác trẻ đẹp nõn nường thì phải cưới cô ấy về làm vợ bé cho chồng mình thì mới gọi là yêu chứ!

                Tục ngữ mình cũng có câu: "Yêu nhau chín bỏ làm mười". Nếu chồng mình muốn có 9 nàng hầu thì mình vui vẻ, hân hoan kiếm thêm một nàng nữa cho đủ mười. Như vậy mới gọi là yêu chồng chứ. Đăng khác, chồng có bảo hiểm nhân thọ một triệu đô la thì kiếm mười nàng về hầu để chồng mình "đi" sớm, có phải là vui vẻ cả làng không? Quả thật đàn bà khôn mà không ngoan là như vậy. Cứ ghen ầm lên mà không biết tính toán chuyện lợi hại!

                Chúng mày nghe Sở Khanh này và thằng Casanova giảng giải về chuyện ghen của đàn bà, cứ ghi tâm khắc cốt về để dạy lại cho vợ chúng mày nghe thôi nhé. Nhưng chớ có nói lại nửa câu cho vợ tao và vợ thằng Casanova biết nghe không! 

                Khổ lắm chúng mày ơi! Ai có thấu được lòng tao và thằng Casanova. Trời ơi! Sao đời chúng tao khổ đến thế này. Chúng mày ơi!!!
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2017 23:42:02 bởi frank >
                #23
                  frank 02.09.2017 23:38:58 (permalink)
                  Lấy chồng cho vợ
                   
                   
                  Được tin một người bạn bị ung thư, bác sĩ đã chê, cho về nhà nằm hospice chờ chết, tôi vội bay sang tiểu bang bạn tôi đang ở để thăm lần cuối. Đến nhà vào thăm, vợ người bạn đưa ra vườn sau, thấy anh bạn quý đang ngồi một mình uống trà, nhâm nhi từng ngụm ngắm trời, mây, nước, nhà bạn ở sát bờ sông khung cảnh thật hữu tình! Không có vẻ gì một người sắp đi về chỗ ô hô ai tai, chỉ thấy một anh đang vui vẻ an nhàn hưởng đời, không chút sầu bi!

                  Hỏi thăm, anh bạn cười: "Tao chẳng sao cả! Sắp chết thôi! Cũng là chuyện thường tình! Chuyện nhỏ thôi mà!". Bạn tôi vẫn có tính từ thuở xưa. Không coi chuyện gì là quan trọng, cái gì cũng gọi là chuyện nhỏ. Hỏi hắn, thế chuyện lớn là gì? Hắn ngẫm nghĩ một lúc. Rồi lắc đầu: "Chẳng có chuyện gì là lớn trên cõi đời này cả!". Biết tính bạn nên tôi cũng cười theo: "Ừ! Chuyện nhỏ! Thế bác sĩ nói mày còn mấy tháng?". Hắn trả lời: "Ba tháng là cùng! Nhằm nhò gì! Cũng được 2 tháng rồi. Còn những 30 ngày nữa cơ mà! Ngồi xuống đây, uống chút trà với tao. Rồi nói chuyện đời chuyện người cho vui".

                  Trông mặt hắn hơi khác lạ, tôi hỏi: "Mày có uống thuốc gì không? Trông mày hơi là lạ làm sao ấy!". Hắn cười:"Tao đang phê! Uống thuốc giảm đau loại ma tuý. Nên người lâng lâng dễ chịu lắm mày ơi! Đã thật! Mấy anh bác sĩ bảo tao uống nhiều sẽ ghiền! Tao chửi toáng lên: Xin lỗi mấy anh! Mấy anh nói tôi còn ba tháng nữa là tịch! Còn sợ tôi ghiền là nỗi gì! Cầu cho thuốc hiệu nghiệm để tôi không đau, lại sợ phản ứng phụ là làm sao? Mấy anh sợ DEA điều tra rồi bắt tôi phải chịu đau à! Tôi report mấy anh lên State Board bây giờ! Chúng nó nghe moa dọa, sợ quá nên cấp cho moa thuốc giảm đau ma túy hạng nặng, muốn bao nhiêu cũng có! Không làm cho chúng sợ là không xong mày ơi!".

                  Bạn tôi là luật sư! Nên hay dọa chuyện kiện cáo! Bác sĩ sợ cũng phải! Nhưng không hiểu thấy bạn tôi vui vẻ cười nói là do thuốc hay do bản tính cố hữu của hắn. Có lẽ cả hai. Ngồi một lúc, thấy vợ mang bình trà mới ra thay, tên bạn đợi vợ vào trong, nháy mắt bảo: " Mày thấy vợ tao đẹp không? Lại sắp có một triệu tiền bảo hiểm nhân mạng của tao! Tao chết đi, khối đứa sẽ lăm le nhảy vào! Nhưng tao tính toán planning xong xuôi cả rồi!". Bạn tôi vốn là người mưu mô , việc gì cũng sắp xếp, sửa soạn, lập chương trình đâu ra đó, không bao giờ để cho việc bất ngờ xảy ra! Chỉ mỗi chuyện bị ung thư là không plan được!

                  Hắn cười: "Mày còn nhớ thằng Đạt móm không? Nó cũng ở trong nhóm bạn mình chơi thuở xưa. Nó mê vợ tao như điếu đổ. Vợ tao cũng có cảm tình với nó! Cho đến khi tao nhảy vào! Tội nghiệp Đạt móm! Tao hạ nó đo ván. Nói đúng hơn, nó tự lượng sức mình, thấy thua tao quá nên tự động rút lui! Nhưng nó dễ thương quá mức đi. Không một chút giận hờn, thù ghét gì tao. Nó ôm mối thất tình với vợ tao nhưng không lộ ra ngoài, chỉ tao biết, vợ tao cũng tưởng nó nguôi ngoai rồi! Ngày đám cưới tao còn để nó làm phù rể. Trông nó say đắm nhìn vợ tao lúc đó tao cũng thấy mủi lòng thương! Nó sang bên này lấy vợ, làm ăn cũng thành công lắm. Con cái đều khá, thành tài cả. Rồi hai năm trước, vợ nó bị bệnh chết..."

                  Tên bạn nhấp ngụm trà. Hắn chép miệng: "Mọi sự có số cả! Ngày vợ thằng Đạt chết cũng là ngày tao khám phá ra bị ung thư. Tao tưởng với đám bác sĩ giỏi như ở đây, tao có thể đánh bại được ung thư, khoẻ lại như thường. Nhưng sồ trời đã định!". Hắn nói tiếp: "Tao có linh tính trước. Nên đưa đám vợ nó xong, tao nói với nó: "Toa để tang vợ xong, đừng nghĩ đến chuyện lấy ai khác. Nhất là đừng có về Việt Nam rước một em nào sang đây nhé! Toa cũng già rồi! Lấy một em trẻ ở Việt Nam sang, chỉ ba bảy 21 ngày, nó sẽ cắm sừng lên đầu toa tua tủa. Rồi nó có thẻ xanh, sẽ lấy hết tiền của toa đi với thằng khác ngay. Chớ có dại!"

                  "Tao biết nó vẫn còn mê vợ tao như xưa. Nên tuy thoáng có ý nghĩ trong óc tao gạt đi ngay, nghĩ là mình sẽ qua khỏi bệnh. Nhưng giờ đây, sự thật phũ phàng là tao chỉ còn một hai tháng, nên tao plan cho vợ tao và Đạt móm xong cả rồi! Coi như chuyện hậu sự cho vợ tao sau khi tao chết! Cũng là theo chuyện của vợ một anh bác sĩ ở vùng này. Anh ta chết mấy năm trước vì bệnh tim. Bà vợ sau mấy năm vẫn còn xuân tình phơi phới, muốn đi bước nữa nhưng không tìm ra ai thích hợp. Rồi chị ta có người bạn gái thân thiết hồi đi học, lấy chồng cũng là bác sĩ ở một nơi khác. Bà này bị ung thư vú cũng sắp chết, bắt chồng hứa là khi mình chết phải cưới người bạn của mình về! Bây giờ mọi sự êm đẹp cả. Hai người góa sống với nhau cũng hạnh phúc lắm. Tao biết chuyện này nên cũng bắt chước theo thôi!

                  "Tao nói vợ tao. Chỉ để tang tao 3 tháng thôi! Thế là quá đủ rồi! Tao đã book sẵn vé máy bay cho vợ tao và Đạt móm đi du lịch một tour 3 tháng khắp thế giới, những chỗ nào tao chưa đưa vợ tao đi. Rồi về lại đây làm đám cưới hẳn hòi. Tao cũng soạn sẵn prenuptial agreement, người nào tài sản riêng người đó. Con cái tao cũng dạy bảo hết. Không đứa nào được lộn xộn. Đứa nào cũng vợ chồng con cái cả rồi. Để yên cho mẹ chúng mày sống! Rồi vợ tao sang chỗ thằng Đạt ở. Hay nó về ở nhà đây, sao cũng được, tùy hai người! Mày thấy tao tính có hay không?"

                  Tôi nhìn anh bạn thương cảm. Miệng cười nhưng hai hàng nước mắt như mưa. Hóa ra sau cái vỏ tính toán, bất cần đời, cynical của bạn tôi, vẫn là một trái tim mềm yếu, đầy thương yêu người vợ của mình. Chỉ sợ sau khi mình qua đi, vợ cô đơn, đau khổ và cần bàn tay bảo bọc. Nên xếp đặt cho đám cưới của vợ mình và người bạn tình địch cũ. Để khi mình không còn nữa, trên Trời cao nhìn xuống, còn thấy an ủi là vợ mình vẫn tiếp nối được đời sống, thảnh thơi và hạnh phúc, bên cạnh người bạn cũ năm xưa.
                  #24
                    frank 08.09.2017 05:16:00 (permalink)
                    Forever
                     
                    Mấy hôm nay xem một lô ảnh mới chụp. Nhìn mãi mới nhận ra chính mình! Sao trông chán thế này nhỉ? Sao có thể xấu đến thế? Sao già đến như vậy?Ngày xưa trông cũng được. Mà giờ tệ đến vậy cơ à! Vì sao và vì sao?!!! Nhưng nghĩ lại, đây là chuyện thường tình, có gì lạ đâu! Khi đã over the hill, đây là chuyện đương nhiên sẽ phải đến. Như mặt trời mọc rồi lặn. Như trăng tròn rồi trăng khuyết. Như ngày qua đêm đến. Có nghĩa là những định luật của mọi sự, trong đó có đời người.

                    Vả lại, bây giờ nhìn ảnh mình thấy kinh khủng quá. Nhưng 10 năm nữa, nhìn lại có lẽ sẽ tấm tắc tự khen. Hồi đó trông mình cũng còn bảnh đấy chứ nhỉ! Dĩ nhiên 10 năm sau này, ngồi xe lăn, miệng thều thào, tay chân cắm đầy dây nhợ, cổ có ống thọc vào nối với máy thở, xem hình 10 năm trước dĩ nhiên phải thấy đẹp rồi! Nhớ lại những tấm hình của bằng lái xe bao nhiêu năm trước có ai hài lòng với hình mình trong bằng lái đâu. Đàn ông ra đứng đợi mấy tiếng đồng hồ, ai cũng mặt mày quạu quọ, chụp hình trông đầy vẻ criminal. Có lẽ đây là cố tình của văn phòng DMV, nhắn nhủ rằng: "Anh tưởng anh ngon hả? Các anh chỉ là những người sắp sửa phạm tội! Có ngày tù mọt gông!". Đàn bà chụp hình trong bằng lái ai cũng xấu hẳn đi. Vì mấy con mụ làm ở DMV, lương ít xịt lại phải làm quần quật cả ngày, lúc nào cũng giận đời đen bạc. chồng nghiện ngập, con hư hỏng, nợ ngập đầu, phải đổ cái tức của mình cho người đi chụp hình lấy bằng lái xe mới hả dạ. "Đã đẹp, sexy, trang điểm lộng lẫy, còn mặc đồ diện đến đây để chọc tức bà hả? Bà chụp cho xấu hoắc cho mà biết thân!".

                    Người nào đến văn phòng DMV lấy bằng lái xe cũng lắc đầu ngán ngẩm. Sao thấy mình cũng được mà hình bằng lái tệ đến như vậy được! Nhưng khoan! Nhớ lại đi! Sáu năm trước, có phải cũng đã nhìn hình bằng lái rồi lắc đầu quầy quậy không? Bây giờ nhìn lại hình cũ thấy hồi đó cũng được đấy chứ nhỉ! Hình của bằng lái xưa hơn, 12 năm trước, sao hồi đó mình ngon lành như vậy ta! Hay mấy bà: "Cũng sắc nước hương trời hồi đó chứ dỡn à!". Người đã over the hill, sắp ba bốn cái bằng lái xe cũ để cạnh nhau, mới thấy được sự đổi thay của đời người. Rồi ngán ngẩm! Nhưng không sao, đã bảo 10 năm nữa ngồi xe lăn sẽ thấy khác hết chứ sao đâu!

                    Mấy hôm trước mới xem show trên TV tên là "Forever". Nhân vật chính là một bác sĩ giải phẫu tử thi cho cảnh sát, medical examiner, là người bất tử immortal, lúc nào cũng trẻ ở cỡ tuổi 30's, sống với anh con bây giờ là ông già lụ khụ sắp chết! Tuổi 30 là tuổi đẹp nhất của đàn ông, nên bất tử nhưng ở cỡ tuổi này mới đáng sống. Chứ già trên 100, rồi ì ra không chịu chết có lẽ là cực hình, chết cho rồi! Nhưng immortal, không chết được, có là điều thích thú không? Vì bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu khổ đau chồng chất từ bao nhiêu kiếp người, không được giải thoát, đè nặng lên một đời sống bất tử, làm sao chịu cho thấu!

                    Và có phải biết được niềm vui đang có rồi sẽ tàn. Cái hay, cái đẹp đang tận hưởng, chỉ là phù du. Ý thức được điều đó có phải mới đem lại được niềm vui và hạnh phúc thực sự không? Vậy hình đẹp hình xấu đã có sao đâu? Đời người dài ngắn, rồi cũng thế thôi! Thắc mắc mà làm chi, hỡi anh bạn over the hill của tôi ơi!
                    #25
                      frank 12.09.2017 02:19:36 (permalink)
                      Tình đầu
                       
                      Mới đây có dịp được nghe trên YouTube bài nhạc Romance làm tôi nhớ lại cả một thời yêu thích nhạc Tây Ban Cầm cổ điển khi xưa. Năm đó lúc mới lên đại học, tôi bắt đầu thích tiếng đàn guitare classique và được người quen giới thiệu, tôi đi học chơi đàn này tại nhà riêng của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ông Tước dạy ở trường quốc gia âm nhạc, nhưng nhận dạy nhạc riêng tại nhà. Mỗi chiều thứ tư tôi đến nhà ông để học đàn, căn nhà nằm trong một ngõ hẻm, nhưng khá lớn và khang trang. Ông dạy đàn trong căn phòng nhỏ, vừa làm nơi đọc sách vừa để dạy nhạc. 

                      Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lúc đó đã khá lớn tuổi, nhưng trông còn rất phong độ. Thời còn trẻ chắc phải là người đẹp trai! Không lạ gì bà Minh Trang lúc đó là ca sĩ nghe ông sáng tác bài "Đêm Tàn Bến Ngự" mê ông Tước ngay! Bài này là một tuyệt tác của ông, nhưng tôi vẫn thích bài "Bóng Chiều Xưa" và bài "Ngọc Lan" của ông hơn! Tôi ít gặp bà Minh Trang trong nhà, chỉ đôi lần khi đến học nhạc, có chương trình nhạc guitare cổ điển trên TV của Mỹ, bà gọi cả ông Tước và tôi ra để nghe, lúc đó tôi mới có dịp nói chuyện vài câu với bà. Cách đây mấy năm, trước khi bà qua đời, tôi gặp lại bà trong một buổi văn nghệ ra mắt sách tại Quận Cam, nhắc lại thời xưa, bà không còn nhớ rõ lắm, nhớ nhầm tôi ra người khác! Không lạ gì vì ông Tước bao nhiêu học trò!

                      Ông Tước dạy nhạc rất khắt khe. Cuốn sách nhạc Carulli nhập môn của Tây Ban Cầm cổ điển, ông bắt tập đủ mọi bài! Tập hết cuốn này còn cuốc sách nhạc của Fernando Sor, ông dọa bắt học cho đủ, mới cho tập đánh mấy bài nhạc độc tấu! Học được hơn nửa năm chưa hết cuốn Carulli tôi đã chán ngấy mấy bài nhạc giáo khoa, nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn bắt học mấy bài nhạc cổ này, nói để cho có căn bản. Trông vẻ ông đầy nghiêm nghị, khó khăn lúc dạy đàn, tôi không thể tưởng tượng được ông có thể là một nhạc sĩ tài hoa, đa tình, phóng lãng như nhạc của ông! Hơn nữa ông là dòng dõi của nhà thơ Dương Khuê khi xưa, cùng thời và là bạn của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ Dương Khuê là người nổi tiếng trong văn học sử với bài thơ:

                      "Hồng Hồng Tuyết Tuyết
                      Mới ngày nào còn chửa biết chi chi
                      Mười lăm năm thấm thoát có ra gì
                      Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.."

                      Tôi nghỉ học đàn ông Tước chỉ vì bài nhạc Romance. Lần đầu tôi nghe người bạn chơi bài nhạc này, tôi mê ngay. Bạn tôi  là dân chơi! Không cần gì đi học nhạc ở đâu cả, chỉ tự luyện lấy mà chơi nhạc guitare classique thật độc đáo. Bài Romance lại dễ chơi, không khó khăn như mấy bài giáo khoa ông Tước bắt tôi vặn vẹo cả tay, chơi đi chơi lại bao nhiêu lần vẫn không nhuyễn. Bài này không biết tác giả là ai, hình như được sáng tác từ thời thế kỷ 19. Thập niên 50's có cuốn phim "Les Jeux Interdits" có nhạc chủ đề là bài này do danh thủ Tây Ban Cầm Narciso Yepes chơi làm bài này nổi tiếng ai chơi đàn guitare cũng biết đến. Tôi tập chơi bài Romance là bài độc tấu đầu tiên. Và cảm thấy tại sao không tự tập lấy các bài độc tấu khác, cần gì tập tành cực khổ nhạc giáo khoa như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhắn nhủ dạy bảo bấy lâu nay!

                      Sau đó tôi đi theo anh bạn giang hồ, đến nhà một nhạc sĩ nổi tiếng về Tây Ban Cầm khác là Hoàng Bửu. Ông này đúng là loại nghệ sĩ bụi đời, không có phong cách mô phạm như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhưng ông Bửu chơi đàn rất hay, nhất là loại flamenco. Ông còn có tài làm đàn. Nhà ông treo lủng lẳng nhiều cây đàn làm dở dang. Nhưng cây đàn nhạc sĩ Hoàng Bửu cưng nhất là cây đàn đánh verni mầu đỏ rượu chát, ông âu yếm gọi là Tiger! Nghe Hoàng Bửu ngồi lim dim chơi mấy bản nhạc tuyệt vời như Feste Lariane, Recuerdos, ngón đàn trémolo độc đáo của ông làm tôi say mê! Và tôi nằn nì để ông bán cho tôi cây đàn Tiger. Ông Bửu nhìn tôi một lúc rồi ưng thuận bán cho tôi ngay làm đám bạn đi theo đều sững sờ. Không ai tưởng tượng được là nhạc sĩ Hoàng Bửu có thể ưng thuận chia lìa với cây Tiger để bán cho tôi! Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao! Nhưng chỉ biết là tôi sung sướng mang cây đàn Tiger mầu đỏ về và sống chết với cây đàn này cho đến ngày bỏ nước ra đi năm 75! Sau này bên Hoa Kỳ dù tốn bao nhiêu tiền để mua những cây đàn mắc nhất, tôi vẫn không thấy cây đàn guitare nào hay được bằng cây Tiger của nhạc sĩ Hoàng Bửu làm khi xưa!

                      Những bản nhạc làm ta say mê có thể ví như những mối tình! Bài Romance đối với tôi chính là mối tình đầu, không bao giờ quên được. Vì đó là cả một thời xuân xanh, một thời của lãng mạn. Và một thời của tình yêu và tuổi trẻ, đã qua đi. Không còn nữa!
                      #26
                        frank 15.09.2017 23:49:14 (permalink)
                        Mạt chược
                         
                        "M. chết rồi! Trưa nay! Đang ở nhà rồi ngã xuống, đi luôn!"

                        Cách đây mấy hôm, buổi tối đang ở nhà tôi nhận được điện thoại người bạn báo cho biết. Tôi bàng hoàng, không tin đuợc ở tai mình. Vì mới chủ nhật trước, tôi còn xoa mạt chược với anh và hai người bạn khác. Thấy anh có sao đâu, vẫn vui vẻ yêu đời, không có triệu chứng gì báo trước. Tôi biết anh đã hơn hai mươi năm nay. Cùng ở trong một khu, lại nhà nhau chỉ vài phút. Nhưng thân nhất chỉ vì cùng là bạn xoa mạt chược với nhau.

                        Tôi chưa thấy người nào mê mạt chược dữ dội như anh. Bỏ gì thì bỏ, nhưng riêng mạt chược anh không bỏ được. Anh nói với tôi: "Toa biết không? Moa ghét Tàu, ghét dân Tàu, ghét lịch sử Tàu, cả văn hoá của nó, moa cũng ghét. Nhưng chúng nó có được một thứ để nhẹ tội, redeeming phần nào. Là chúng nó chế ra mạt chược! Phải chi mạt chược do dân Việt mình sáng chế ra thì hay biết chừng nào. Thôi đành vậy!"

                        Có lần xoa mạt chược đông người, tôi đứng ngoài nhìn, mới thấy được mức đam mê của anh. Mặt mày anh rạng rỡ, cười nói huyên thuyên, sung sướng tận hưởng khoái lạc khi được canh bài đỏ. Anh tuyên bố: "Moa thà đỏ bạc, đen tình, còn hơn đỏ tình đen bạc! Đàn bà mê nhiều chỉ thêm mệt, thêm khổ, có sướng gì đâu!". Anh lại có tật mê tín, dị đoan! Trước khi ngồi vào bàn xoa, anh làm bùa làm phép đủ thứ để được hên! Dân mạt chược thường kính cẩn gọi thần mạt chược là "Cô", anh vái cô cho anh được đỏ:

                        Cô ơi! Cô ở trên bàn
                        Xin cô một ván khàn khàn không khung
                        Bao giờ đến gió hồng trung
                        Cô cho thêm ván không khung toàn hàng!"


                        Người chơi mạt chược hay có tật riêng. Tật của anh là thích thi phú, ca hát. Ngày trời mưa, bão bùng, anh ngâm nga:

                        "Ngoài trời mưa rơi tí tách
                        Trong này ta xoa lách cách
                        Rồi ta ù toàn hàng sách
                        Đời ôi! Thật là số zách!"

                        Lúc đươc ván bài ù mủn coong xuyên, còn gọi là coong xường phá, anh lên giọng tân nhạc vọng cổ giao duyên liền:

                        "Xuyên lá cành trăng lên lều vải
                        Đời lính chiến thương người đôi mươi
                        Thương những người mạch sống đang khơi..."

                        Anh ngày xưa là sĩ quan cao cấp, thuộc binh chủng loại hào hoa. Đời anh nhiều huyền thoại. Nhưng chuyện vui nhất anh kể cho tôi nghe là hồi la cà các vũ trường ở Sài Gòn. Tối đó anh say khướt với mấy cô ca ve đẹp não nùng, dăm chai Martell lăn lóc trên bàn. Bỗng thấy mọi người đang cười nói đột nhiên im bặt! Nhìn lên, bà xã anh vừa xuất hiện, lạnh lùng ngồi xuống bàn cạnh anh. rồi móc một khẩu súng nhỏ trong ví, dằn cạch một cái trên bàn! Các cô vũ nữ mặt xanh như tàu lá, run rẩy, riu ríu nắm tay nhau bỏ chạy hết. để lại anh và bà vợ, nắm lấy cổ áo anh. Và ra lệnh cho mấy tên lính đi theo hộ vệ xách nách anh lôi ra xe!

                        Anh phân trần với tôi: "Moa đâu có sợ vợ! Nhưng moa kính nể bà ấy lắm! Bà nói gì moa cũng nghe hết. Vì moa biết mình tật xấu nhiều quá mà!". Tuy chỉ có một điều. Bà xã anh cấm anh không được xoa mạt chược. Anh bỏ mấy năm. Rồi sau không nhịn được, anh lại xoa tiếp!

                        Chúng tôi xoa đều đặn đã thành một thứ routine. Tôi, anh và hai người bạn vong niên khác, cứ hai tuần xoa một lần vào ngày chủ nhật. Xoa từ hai giờ chiều đến gần nửa đêm. Chỉ được ba hội vì vừa xoa vừa cười đùa, bàn luận mọi chuyện trên trời dưới biển. Chuyện thời sự, chuyện mới, chuyện ngày xưa, chuyện đời, chuyện người, hầm bà lằng mọi thứ chuyện! Buổi tối đi ăn tiệm, lúc bún bò Huế, lúc phở tái bê, lúc bún măng vịt, lúc cơm âm phủ, cháo hến, lúc canh chua, cá kho tộ, đủ thứ món ăn thay đổi khẩu vị. Rồi thêm chút bia, rượu để về đánh hoa, đánh khung cho thêm can đảm!

                        Cuộc đời cứ thế mà trôi! Nhưng gần đây tôi thấy anh bắt đầu có chuyện! Mấy tháng trước anh kể đi nhảy đầm, đang quay valse bỗng tế xuống. Rồi hồi tỉnh, không phải đi nhà thương. Tôi không hỏi kỹ nhưng thấy anh nói đã đi khám về tim. Và gặp anh cứ mỗi hai tuần thấy vẫn như thường, không thấy than điều gì khác. Và vẫn tiếp tục hưởng đời, vui vẻ! Nhưng cái chết đã đến đột ngột, đúng như điều anh ước muốn. Là xin được "đi" nhanh chóng, không dầm dề chết dở sống dở, thở máy kéo dài vô nghĩa. 

                        Xin thắp nén hương để tưởng nhớ đến anh ngày hôm nay. Là ngày đáng lẽ chúng ta đang ngồi vui vẻ bên chiếc bàn vuông, xoa mạt chược với nhau và cười đùa nói chuyện đời, chuyện người như đã làm từ bao nhiêu năm nay.
                        #27
                          frank 20.09.2017 02:48:09 (permalink)
                          Dại gái
                           
                          "Anh là con gà nuốt giây thung"

                          Trong đời tôi bị thất tình cũng nhiều. Nhưng không lần nào đau bằng lần bị người đẹp giáng cho búa tạ nặng ngàn cân với câu nói trên! Lâu lắm rồi, năm đó là năm tổng thống Thiệu chơi trò dân chủ, cho bầu cử quốc hội. Bao nhiêu liên danh ra tranh cử Thượng Viện, trong đó có liên danh của các đảng phái chính trị, thụ ủy là ông Phan Bá Cầm, biểu tượng là Mặt Trời Mọc hay Gà Gáy Sáng gì đó, tôi không nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ là bích chương hình con gà trống, dương cổ lên gáy!

                          Ông bác họ tôi là người đứng trong liên danh. Ông này là một nhân vật rất đặc biệt. Cả đời ông không làm việc gì, nhưng những người quen biết và trong họ hàng đều thán phục, nói bằng giọng thầm thì, đầy ngưỡng mộ là ông làm chính trị! Thời ngoài Bắc, nghe nói ông bị Tây bắt, rồi Việt Minh bắt. Vào tù ra khám như cơm bữa. Rồi vào Nam, ông tiếp tục làm chính trị, hoạt động đảng phái, chống đối tổng thống Ngô Đình Diệm, tham dự vào cuộc đảo chánh năm 60 hay 63 gì đó. Không bị giam cầm nhưng ông trở thành người bị ruồng bắt, lúc nào cũng phải trốn tránh. Lần nào ông bác đến nhà, tôi cũng thấy ông đến vào lúc sẩm tối hay những buổi chiều mưa, mặc pardessus, đầu đội mũ feutre, đeo kính đen xì dù trời đen nghịt. Trông đầy vẻ bí mật, như điệp viên kiểu James Bond sau này!

                          Bác tôi tiếp tục làm chính trị, lúc nào cũng là người chống đối. Nhưng khi ông Thiệu cho bầu cử quốc hội, ông bác quyết định không chùm trăn làm chính trị salon nữa và ông tham dự liên danh của ông Phan Bá Cầm, như đại diện của đảng phái để ra ứng cử chức Thượng Nghị Sĩ. Ông tâm sự với tôi. Lúc đó tôi còn trẻ, đang là sinh viên đi học, đâu màng đến chuyện chính trị, bầu cử. Nhưng ông bác không hiểu sao lại thích nói chuyện với tôi, đủ mọi chuyện trên trời dưới bể. Và dĩ nhiên chuyện ông thích kể nhất vẫn là chuyện hoạt động chính trị của ông.

                          Ông đứng ngoài sân, rít điếu thuốc lá, rồi tâm sự: "Cháu biết không? Cuộc đời là một sự chấp nhận. Bác cả đời hoạt động chính trị, tranh đấu cho quê hương, cho dân tộc mình. Bác đâu màng đến chuyện có chức tước, địa vị gì! Nhưng bác ra ứng cử kỳ này là vì bác gái! Tội nghiệp! Cả đời làm ăn vất vả, nuôi con nuôi cái, nuôi cả bác lúc bị giam cầm bắt bớ. Không than van đến nửa câu. Nhưng bác biết bác gái cũng muốn được nở mặt nở mày với mọi người. Là đã không nhầm khi lấy bác làm chồng!"

                          Tôi vốn vẫn quý mến ông bác họ này. Dù họ hàng xa, không phải bác ruột nhưng vẫn thân cận. Nghe ông tâm sự lại càng quý ông hơn nữa. Nên tôi hăng hái tham dự vào cuộc vận động tranh cử cho liên danh của ông bác tôi. Và ngày bầu cử năm đó, tôi đi gác thùng phiếu đại diện cho Liên Danh Con Gà tại địa điểm bỏ phiếu trên đường Trương Minh Giảng. Khi vào đến nơi, điều đầu tiên tôi chú ý đến ngay là một liên danh khác đã có đại diện là cả một nhóm bốn năm người, trưởng nhóm là một cô gái đẹp! Cô này đẹp lắm, nhưng trông sắc sảo và dữ ơi là dữ. Cô đứng chỉ huy mấy tên khác trong nhóm, oai như một nữ tướng điểm quân! Và tôi đứng như người bị hớp hồn, không màng gì đến chuyện chính trị chính em, bầu cử bầu kiếc gì nữa. Chỉ biết là đã mê ngay cô gái của liên danh đối thủ. Và bỗng thấy mình như Phạm Thái ngày xưa: 

                          "Chí lớn trong thiên hạ
                          Không đầy mắt mỹ nhân"

                          Chí lớn đã không màng, còn nói gì đến chuyện bầu cử tào lao, tép nhem của ông Thiệu! Nên tôi đâu để ý gì đến chuyện canh thùng phiếu, chuyện vận động những người đến bỏ phiếu nữa. Chỉ dõi mắt theo nàng! Và cô nàng biết ngay có tên mê mình! Đến gần giờ chót, nàng đến sát bên tôi, hỏi han, đon đả. Tôi sướng mê tơi. Đờ đẫn cả người! Rồi nàng kéo tay tôi về góc phòng, xa khỏi thùng phiếu. Nàng nói huyên thuyên, đứng chắn để tôi không còn nhìn thấy thùng phiếu nữa. Thấy tôi ngoái người lại, nàng kéo hẳn người tôi sát vào thân nàng, tóc nàng dài quyện lấy mặt, mùi hương bay ập vào mũi. Tôi như người mê đi nhưng vẫn kịp thấy một tên trong bọn đi theo nàng hình như bỏ một sấp phiếu vào thùng phiếu!

                          Nàng kéo hẳn tôi ra khỏi phòng và gần như ôm chặt lấy tôi. Tôi không còn ý niệm gì về thời gian, không gian nữa. Như người hồn đã bay bổng. Rồi đột nhiên nàng đẩy mạnh người tôi ra. Nàng nhìn tôi, cặp mắt lạnh lùng, đanh đá, dữ dội! Như người chưa hề bao giờ quen biết. Tại sao lại có kẻ dám xâm phạm ôm lấy nàng! Tôi ấp úng hỏi tên nàng, hỏi địa chỉ nàng. Nói muốn đến gặp nàng. Nhưng nàng đã chặn họng ngay sau khi một tên đồng bọn đến gần nói nhỏ mấy câu. Hình như là mọi chuyện đã xong rồi! Nàng nhìn tôi, cong cớn, khinh miệt như một tên thần dân quèn đòi làm thân với nữ chúa quyền uy:

                          "Anh hỏi để làm gì? Anh là con gà nuốt giây thung! Hỏi làm gì!"

                          Liên danh "Con Gà Nuốt Giây Thung" có ông bác tôi tham dự thua nặng. Cả trăm ngàn phiếu gì đó. Nhưng tôi mừng vì đã thua quá xa, không phải chỉ vài trăm hay một hai ngàn lá phiếu. Vì nếu không tôi sẽ ân hận biết bao khi chỉ do mình dại gái, để cho liên danh kia nhét vào thùng phiếu đường Trương Minh Giảng cả ngàn lá phiếu gian lận. Để cho ông bác mất chức Thượng Nghị Sĩ chỉ vì tên cháu mê gái đẹp. Âu cũng còn là may đấy chứ!

                          Và tôi cũng nghiệm ra như lời ông bác nói. Là cuộc đời chỉ là sự chấp nhận! Mê gái đẹp thì phải chấp nhận mình là người dại gái thôi! Đúng lắm rồi bác ạ!
                          #28
                            frank 23.09.2017 00:53:55 (permalink)
                            Giây oan
                             
                            Cách đây ít lâu tôi bay sang tiểu bang khác để thăm người bạn thân, không gặp từ hồi còn ở Việt Nam. Buổi tối hôm đó sau khi đi ăn về nhà, hắn nói:
                             
                             "Tao phải cho mày xem cái này! Để xem mày còn nhớ không?".
                             
                            Hắn lôi ra từ trên kệ sách một cuốn truyện rách teng beng. Và tôi nhận ra ngay. Cuốn "Of human bondage" của W.Somerset Maugham, tôi đã khổ công tìm cho ra cuốn sách này để tăng người bạn thân, đã hơn ba mươi năm về trước.

                            Of human bondage là cuốn truyện nổi tiếng nhất của tác giả này, kể về mối tình đam mê của một chàng bác sĩ với một cô gái điếm! Tình yêu kỳ lạ của một chàng giai cấp quý tộc, nhưng say đắm một người con gái giai cấp thấp kém. Nhưng không hề được cô kia yêu lại, chỉ lợi dụng anh chàng. Sau này cô ta làm điếm nhưng chàng bác sĩ vẫn yêu thương và bảo bọc, cho đến lúc cô này chết vì bệnh giang mai nặng.

                            Tôi tăng bạn tôi cuốn sách này vì câu chuyện tình của hắn, kể cho tôi nghe một buổi tối ở Sài Gòn. Tôi lái xe đưa hắn đi vòng vòng buổi cuối tuần hắn được đi phép từ đơn vị về. Đang đi ngang con đường Tự Do, hắn bỗng kêu lớn:
                             
                             "Dừng xe lại mày!".
                             
                            Tôi thắng gấp, không hiểu chuyện gì! Chỉ thấy một cô gái ăn mặc hở hang, trông như gái điếm, đứng ở góc đường như đợi khách. Bạn tôi mở vội cửa xe, chạy lại gần cô gái, nói gì đó. Cô gái lắc đầu quầy quậy, rồi quay quả bỏ đi. Bạn tôi đi theo, nhưng chỉ được một quãng. Vì cô gái đã đến khoác tay một tên Mỹ cao lớn, như đã hẹn nhau từ trước và lên xe đi mất hút!

                            Bạn tôi trở lại, mặt buồn rười rượi, cạy miệng cũng không nói câu nào. Lâu lắm, hắn mới nói:
                             
                             "Tên nó là Lệ! Mày đừng ngắt lời, tao sẽ kể hết cho mày nghe".
                             
                            Hắn thở một hơi dài và bắt đầu kể: 
                             
                            "Lệ là gái điếm trong xóm của tao. Mày biết nhà tao rồi, trong ngõ hẻm trước bệnh viện Nhi Đồng đó. Ít ra khu đó cũng có vài ba động chứa. Lệ làm điếm từ năm 16 tuổi, nhưng nó đẹp lắm! Chắc phải có máu lai! Nhà tao gần đó nên thấy nó luôn. Và tao bắt đầu mê nó. Mê dữ dội như chưa bao giờ mê ai như vậy. Và sau này chắc cũng chẳng mê ai được như nó! Năm đó tao 17 tuổi, chưa bao giờ biết đàn bà. Nhưng dù biết nó làm điếm, tao vẫn mê say. Và Lệ cũng thích tao. Chắc nó cũng yêu tao lại! Rồi nó rủ tao bỏ nhà đi sống chung với nó! Nó thôi không làm điếm nữa, bỏ tiền ra thuê một chỗ nhỏ và sống với tao như vợ chồng!

                            Nhưng chỉ được một tháng. Vì tao còn đi học, bỏ học, bỏ nhà bố mẹ đi sống với nó, làm gì có tiền! Lệ cũng chỉ sống với tao được chừng đó rồi hết tiền mang theo. Và sau cùng, nó làm điếm trở lại! Dĩ nhiên tao làm sao chấp nhận được nên thôi, về lại nhà bố mẹ sống! Tao nằm trên căn gác hơn hai tháng trời, không ra khỏi nhà, gần như không ăn uống gì, người chỉ còn da bọc xương! Rồi một ngày ngủ dậy, tao chợt quên hết Lệ và như người đội mồ sống dậy, tao ăn uống tẩm bổ, sống lại như cũ! Tao đi học lại, nhảy hai lớp, rồi thi đậu Tú Tài như mày biết, lên học Luật và gặp mày sau đó! Bây giờ thì đi lính, sống chết không biết ngày nào! Nhưng hôm nay gặp lại Lệ, có lẽ là điềm bất tường chăng!"


                            Hắn chợt phá lên cười! Tiếng cười như tiếng khóc. Và hắn nói:
                             
                            "Thôi đi nhậu đi mày! Cho tao quên chuyện đêm nay đi!"

                            Lâu không gặp và không tin tức, tôi tưởng hắn đã chết! Nhưng rồi lại gặp nhau trên đất Mỹ, sau mấy mươi năm. Hắn chỉ tay vào cuốn sách: 
                             
                            "Tao chưa có dịp cảm ơn mày tặng sách. Nhưng tao giữ luôn, đọc tới đọc lui, mới rách bươm ra như thế. Nhưng tao phải kể cho mày nghe. Chắc có duyên gì đó! Vì tao gặp lại mày. Nhưng trước đây 3 tháng, tao gặp Lệ, ngay tại thành phố này! Mày có tin được không?"

                            Tao đang đi trong khu phố người Việt, bỗng thấy có người gọi tên mình. Quay lại là Lệ! Tao nhận ra ngay! Làm sao quên được. Nhưng Lệ bây giờ đẹp lắm. Lại ăn mặc sang trọng như người giàu có. Lệ hỏi thăm tao và mời về nhà chơi! Mày không tưởng tượng được. Lệ đưa tao về bằng chiếc Mercedes loại mắc tiền nhất, về một ngôi nhà lộng lẫy huy hoàng như một dinh thự. Thấy tao ngẩn người trố mắt nhìn, Lệ giải thích cho tao:

                             
                            " Em sẽ kể hết cho anh nghe sau. Nhưng đại khái, em được như ngày nay chỉ vì hai người chồng Mỹ em lấy đều chết sớm cả!"

                            Hóa ra, Lệ lấy một tên Mỹ năm 1974, theo chồng về nước. Nó mua bảo hiểm nhân thọ một triệu đô la đứng tên Lệ thừa hưởng. Và chỉ hai năm sau bị ung thư phổi đi ngay! Lệ tái giá với một tên Mỹ khác. Hắn cũng mua bảo hiểm nhân mạng cho nàng, chắc cũng một triệu hay hơn nữa. Rồi 5 năm sau, bị heart attack đi luôn! Lệ sau đó gặp tên chồng bây giờ, tên này giàu lắm, chủ nhân CEO của một công ty lớn gì đó. Không cần mua bảo hiểm nhân mạng gì cả. Nhưng nếu đi nữa, Lệ sẽ thành người Việt giàu nhất nước Mỹ này!

                            Tên bạn chợt ngưng chuyện kể. Hắn nhìn tôi rồi phá lên cười: 
                             
                            "Mày bỏ cái nhếch mép nửa miệng của mày đi! Trông đểu giả quá! Tao biết mày nghĩ gì. Nhưng tao không như mày nghĩ đâu! Của đáng tôi! Nhà chỉ có mình tao với Lệ. Thằng chồng Mỹ ở văn phòng chưa về. Nó dắt tay tao vào phòng ngủ. Nhưng mày biết không? Tao dằng tay lại. Nói thôi! Tao không phải người tử tế gì. Nhưng tao nghĩ đến Lệ! Nó đổi đời được như thế này là chuyện cực kỳ hãn hữu. Từ một con điếm bây giờ trở thành một phu nhân sang trọng lịch sự, giàu có, đổi xác hoàn toàn. Chỉ trong chuyện thần tiên mới được như vậy. Nó có thể còn yêu tao, tình xưa nghĩa cũ. Nhưng ngủ với nhau một lần để làm gì nữa! Tao biết Lệ! Nó có thể trở lại con đường xưa cũ dễ dàng. Con đường trơn tuột, có thể thành vực thẳm được lắm! Nên tao muốn giữ cho nó! Tao không phải người chính nhân quân tử đâu! Nhưng tao vẫn còn yêu nó! Như ngày đầu! Và tao bỏ ra về chỉ vì vậy!"

                            Tên bạn nheo mắt nhìn tôi: 
                             
                            "Mày đừng thán phục tao vội! Vì tao còn có ý nghĩ khác nữa! Lệ có số sát phu nặng! Hai thằng Mỹ về chầu tiên tổ rồi, tên thứ ba nhiều lắm được vài năm nữa là cùng! Lúc đó tao trở lại với Lệ cũng còn kịp cơ mà! Mà sống được đến bây giờ, mạng tao cũng khá lắm! Mà tao có đi trước Lệ, cũng đã sao. Ít nhất trong vài năm được hưởng đời với cả triệu Mỹ Kim! Cũng đủ xài mày ơi!"

                            Lần cuối cùng tôi điện thoại hỏi thăm người bạn vàng. Hắn vẫn nghèo rớt mùng tơi. Và vẫn còn tiếp tục chờ đợi!
                            #29
                              frank 26.09.2017 00:09:53 (permalink)
                               
                              Chết thì chôn
                               
                              Tôi là dân Bắc Kỳ chính cống nên thích những món Bắc như bún thang, bún ốc. Bữa ăn ở nhà phải có rau muống, thịt kho, giò nạc làm chuẩn! Nhưng món ăn cũng như gái đẹp, không thể phân biệt Nam, Bắc hay Trung được! Có nghĩa món ăn nào ngon là thích, miền nào cũng vậy thôi! Và một trong những món của miền Nam tôi thích nhất là hủ tiếu tôm cua. 

                              Nhắc đến món này là phải nhớ đến hai tiêm chuyên bán hủ tiếu tôm cua nổi tiếng nhất của Sài Gòn thời trước. Đồng Chung và Thanh Xuân. Hai tiệm ở sát nhau trên con đường ở phía sau đường Lê Lợi, bây giờ không nhớ là đường tên gì. Chỉ nhớ gần đó có ngôi chùa hay đến thờ của dân Ấn Độ, trên đỉnh đền thờ có chóp bọc vàng. Dạo còn bé đi ngang qua khu này tôi nghĩ là vàng khối, sau mới biết là không phải!

                              Hai tiệm hủ tiếu Đồng Chung và Thanh Xuân hình như cũng có họ hàng gì với nhau, nhưng cạnh tranh ráo riết. Được cái cả hai tiệm đều ngon. Nên những sáng thứ bảy hay Chủ Nhật đều đầy khách đến ăn, phải đợi lâu mới đến phiên có bàn trống. Cả hai tiệm cho bầy bàn suốt ra ngoài vỉa hè, chiếm hết lối đi. Khách đứng đợi sát ngay bàn, nhìn chăm chăm như muốn dục người đang ăn phải nuốt nhanh lên, ăn cho mau nhường chỗ cho người khác! Bây giờ chắc sẽ không chịu được cảnh này, nhưng thời đó tôi nhớ ai cũng tỉnh bơ, coi là chuyện bình thường. Người ăn mặc kệ, tỉnh queo ăn húp sì sụp tận hưởng khoái lạc món ăn ngon, không nề hà đến cảnh bất lịch sự của những người đứng đợi!

                              Mà hủ tiếu tôm cua hai tiệm ngon thật! Tôi nhớ là Đồng Chung có lẽ ngon hơn một chút. Hủ tiếu làm vừa phải không dai quá, không mềm quá, nước dùng thật ngọt tự nhiên, không có chút bột ngọt nhân tạo như bây giờ thường thấy. Những con tôm bóc vỏ tươi đỏ, chắc nịch. Càng cua lớn, thịt săn, dòn, cắn vào thấy sần sật, nhưng thớ cua vẫn mềm mại, chỉ muốn trôi tuột vào cổ họng. Nhưng phải từ từ nuốt để hưởng hết hương vị của càng cua mới bắt từ tối hôm trước ở vùng biển, đưa suốt đêm về Sài Gòn cho khách sành ăn của đô thị hưởng thụ!

                              Khoảng thời gian tôi mê món hủ tiếu tôm cua này là lúc tôi và tên bạn thân sắp ra đơn vị. Được một hai tuần gì đó ở Sài Gòn trước khi lên đường, tôi và anh bạn sống vội để hưởng đời tối đa! Biết đâu được chuyện gì sẽ xảy đến! Tên bạn thường phán: "Nhằm nhò gì mày! Ai cũng có số cả! Chết thì chôn!" Mỗi sáng tôi và tên bạn ra Đồng Chung hay Thanh Xuân ăn hủ tiếu tôm cua. Ăn xong ra tiệm Prince trên đường Lê Lợi uống cà phê. Nhìn người qua lại! Nhất là nhìn những cô gái đẹp như mơ thướt tha trên con đường đông đảo. Biết rằng còn lâu lắm mới có dịp thấy gái đẹp nhởn nhơ đầy đường như vậy! Tôi về Tây Ninh còn đỡ. Nhưng tên bạn đi một chốn khỉ ho cò gáy, chắc chỉ thấy được mọi! Tên bạn cười ngạo: "Thì tao sẽ sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc thôi mày ơi! Có sao đâu! Chết thì chôn mà!"

                              Nhưng người ta có lẽ có số thật! Tôi không tin vào số mệnh. Nhưng nhìn tên bạn, chắc có lẽ phải có! Vì tướng lộ hầu, mắt thô lố, người như con mắm lêu khêu. Lại còn đi tác chiến. Nhưng số không chết vẫn không chết! Hắn sang Mỹ được ngay từ 75, học hành xong xuôi, làm ăn thành công, đời sống khá giả. Lần cuối gặp lại, hắn cười: "Tao ở Việt Nam đi lính như vậy không chết thì làm sao ở Mỹ này chết sớm được mày ơi! Mày đợi mà xem! Tao sẽ sống đến trên 90 cho mày coi!" Rồi hắn nheo mắt cười đểu: "Nhưng không được! Mày đi trước tao thì làm sao biết được tao thọ trên 90!"

                              Nhưng bạn tôi quên một điều. Là vợ hắn có nốt ruồi trích lệ thương phu. Gò má lại cao quá là cao! Và hắn hút thuốc lá nhả khói như tàu xe hỏa. Bảo bỏ thế nào cũng không nghe! Mỗi lần nghe khuyên bỏ thuốc lá, hắn nhăn mặt: "Chết thì chôn! Khổ lắm! Biết rồi! Nói mãi! Cho tao hai chữ bình an đi mày!"

                              Và hắn được bình an thật! Vì hôm nay là ngày giỗ hai năm của bạn tôi, chết vì ung thư! Chỉ có một điều không được đúng. Là trước khi chết, hắn bắt vợ hắn thiêu xác, không được chôn. Để không nghiệm đúng như câu nói của hắn từ mấy chục năm nay. "Chết thì chôn!" Hắn không muốn thành bộ xương dưới đất, nhưng là tro bụi thảnh thơi trên trời cao, để lúc nào cũng vẫn còn được "sụp nửa mi mắt, nhìn đời khinh bạc!"
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 4 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 50 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9