Lang thang
Thay đổi trang: << < 4 | Trang 4 của 4 trang, bài viết từ 46 đến 50 trên tổng số 50 bài trong đề mục
frank 30.09.2017 02:26:50 (permalink)
 
Tình ngoài
 
Luận về chữ tình có lẽ không bút mực nào có thể tả xiết được cái bao la, khúc mắc của nó được. Cũng như không ai tự cổ chí kim có thể vỗ ngực nhận mình đã thông suốt mọi đường tình, biết đủ các loại tình và hưởng hết mọi thứ tình trên đời này.

Tuy nhiên, không thể thấu triệt được không có nghĩa là không có những thức giả chịu khó tìm tòi, suy nghĩ để cố gắng đạt được mức cao siêu thượng thừa của môn Tình Học. Sự học càng khó khăn chừng nào, kẻ sĩ phu của Tình Học càng khổ công dùi mài để vén màn bí mật của chữ Tình chừng đó. Nghệ thuật là ở chỗ vén, tinh hoa là ở chỗ vén, người học giả chỉ cần vén nhìn là đã thông suốt, thế nên học để vén sao cho giỏi, cho khéo là điều quan trọng lắm!

Một khó khăn thường xảy đến cho những người đeo đuổi môn Tình Học là ở mức cao siêu cuối cùng phải lĩnh hội được những điều bí ảo của một biến thể của chữ Tình: đó là Tình Ngoài! Hiểu được Tình Ngoài mới có thể nhắm mắt an lành mà về chốn ngàn thu với chữ Tình. Có được Tình Ngoài mới có thể lên mặt tự đắc với đời, dù sau đó có tán gia bại sản, thân tàn ma dại lêu bêu đầu đường xó chợ cũng đành.

Vậy Tình Ngoài là gì? Ý nghĩa cao siêu của Tình Ngoài ở chỗ nào mà sao bao người quân tử trượng phu nhất định cố công vén màn bí mật cho được, có thác cũng đành!

Trước hết theo quan niệm triết học mới nhất, Tình Ngoài là một trạng thái tâm thức của bản ngã, chập chờn muốn thoát ra ngoài vòng cương tỏa, phiêu diêu nơi ranh giới của Trong và Ngoài, dùng dằng không biết nên đi hay ở. Trạng thái tâm thức này sau cùng thường tiến đến chỗ điên loạn, mang nặng màu sắc bệnh lý phân tâm học, bản ngã hòa nhập với siêu ngã, sau cùng tiến đến vô ngã, đi về chốn ô hô ai tai!
Quan niệm siêu hình học về Tình Ngoài cao hơn một bực, cho rằng Tình Ngoài là hình thức phản kháng của nội tại, đi tìm ý nghĩa tuyệt đối ở phía bên kia, sau khi được Tình Trong tặng cho vé một chiều trên chuyến tàu suốt, đi về chốn Vĩnh Hằng!

Quan niệm của khoa học khác hẳn với quan niệm nặng màu sắc bi thảm trên. Trước hết, khoa học đã chứng minh bằng những định lý không thể chối cãi được và bằng thực nghiệm chính xác là Tình Ngoài trước giờ và sau này cũng thế, vốn là đặc quyền của đàn ông. Lý do tại sao? Điều này chỉ có Thượng Đế và may ra Einstein biết được. Nhưng khoa học đã phán như vậy ắt phải là như thế!

Điều thứ nhì, Tình Ngoài rất có lợi cho sức khỏe và cho công cuộc tìm hiểu thuật trường sinh. Khỏe hẳn ra và trẻ hẳn ra là những đặc điểm thường quan sát thấy nơi người đàn ông với Tình Ngoài. Chỉ có điều phiền toái là đôi khi Tình Ngoài có thể gây ra phản ứng phụ là bất đắc kỳ tử. Tuy nhiên điều này hiếm xảy ra nếu biết dùng Viagra đúng cách và cẩn thận.

Các kinh tế gia quan niệm thế nào về Tình Ngoài? Hầu hết mọi người đều đồng ý là Tình Ngoài có khuynh hướng gây ra nạn lạm phát. Lạm phát ở đây được định nghĩa là tiền chi ra rất nhiều để đuổi theo hàng hóa, dịch vụ là ân huệ ái tình, ban phát quá ít ỏi! Kết quả là lạm phát phi mã!

Tình Ngoài lại có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Điều này dễ hiểu vì người đàn ông với Tình Ngoài thường ở sở đến trễ về sớm. Ở nhà với Tình Trong lại đi sớm về trễ. Kết quả đương nhiên là năng xuất kém ở sở, thuế thân không đóng ở nhà cho Tình Trong. Thất nghiệp là điều đương nhiên phải xảy ra, không trách ai được!

Các nhà nhân văn học và xã hội học nghĩ thế nào về Tình Ngoài? Theo các vị này, Tình Ngoài là phương cách thần diệu giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất là nạn trai thiếu gái thừa của nhân loại. Điều này giản dị không cần giải thích thêm. Sau đó là nạn tội ác. Không ai muốn làm tội ác nữa vì Tình Ngoài đã cho con người, ở đây là đàn ông, hả hê, sung sướng, thoả mãn đầy đủ rồi, làm ác làm gì nữa! Chiến tranh cũng sẽ không còn trong lịch sử con người. năng lực chiến đấu đã được dành để đối phó với Tình Trong rồi, đàn ông đâu còn hơi sức để gây hấn với đàn ông khác tạo nên chiến tranh làm chi, vô bổ, mất thời giờ!

Như vậy mỗi nghành chuyên môn đều có những quan niệm cá biệt về Tình Ngoài. Những tư tưởng dị biệt trên chỉ là những khía cạnh như nhìn qua lăng kính của khối vĩ đại là Tình Ngoài. Người học giả về Tình Học định nghĩa giản dị và nhìn thẳng vào vấn đề hơn nhiều. Sau đây là tóm tắt của tư tưởng thâm thúy đó:

Tình Ngoài cũng như Tình Trong đều là Tình. Đã có Trong tất phải có Ngoài. 
Khi Tình Trong không biết thì Tình Ngoài là Tình Ngoài. 
Khi Tình Trong đánh hơi được thì Tình Ngoài là Tình Bạn.
Khi Tình Trong vắng nhà mấy hôm thì Tình Bạn lại thành Tình Ngoài. 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2017 04:28:17 bởi frank >
#46
    frank 30.09.2017 02:30:07 (permalink)
     
    Một bà hai ông
     
    Tolstoi có viết trong cuốn Anna Karenina "Gia đình nào cũng có thảm kịch". Câu này được nhiều người nhắc đến. Nhưng tôi thấy không đúng! Tolstoi khổ vì bà vợ quá nên viết tổng quát hóa như vậy trong một cơn uất ức giận vợ! Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng, là một thế giới riêng biệt, có đầy đủ chuyện buồn chuyện vui, có thảm kịch lớn, kịch nhỏ, giận hờn, làm lành, cấu xé, yêu thương... Đầy đủ hỉ nộ ái ố. Nhưng nói chung, gia đình là một sự thỏa thuận, một sự dàn xếp để cùng chung sống. Và thỏa thuận này thường giữa một người vợ và một người chồng, trong bối cảnh của xã hội, hầu hết đều như thế.

    Chuyện một ông hai bà, cũng là chuyện tương đối thường, nhất là trong xã hội Việt Nam! Nhưng một bà hai ông, ít thấy hơn! Và là câu chuyện để ta bàn đến cho vui, trong những lúc trà dư tửu hậu, hay rảnh rỗi không có chuyện gì làm, đem chuyện nguời khác ra để đùa nghịch. Hay để cảm thấy mình hơn người mình nói xấu! Hay để thấy mình được sung sướng, hạnh phúc hơn người có hoàn cảnh không đẹp hay không may, như đúng nghĩa của từ ngữ schadenfreude!

    Chỗ tôi ở có câu chuyện của một người tôi thỉnh thoảng giao thiệp, tương đối cũng là thế giá của nhóm người Việt ở đây. Anh ta góa vợ. Bà vợ chết vì ung thư vú. Anh yêu thương vợ, khóc lóc thảm thiết, thề nguyền sẽ ở vậy suốt đời. Vì không có người đàn bà nào khác có thể thay thế em được. Anh tuyên bố như thế, cho mọi người quen biết, làm chứng cho lời thề của anh. Nhưng anh bạn quên một điều.Người vợ vừa mãn phần của anh có một cô em gái song sinh, giống nhau như hệt. Và câu chuyện trở nên khúc mắc từ đó!

    Vì anh bạn bảo lãnh cho vợ chồng của cô em vợ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ để cô em trông coi và săn sóc cho bà chị lúc đang chữa chạy cơn bệnh ngặt nghèo. Giấy tờ chậm trễ nên khi xong xuôi sang được Hoa Kỳ bà chị đã mất trước đó hai tuần. Vợ chồng cô em sang bên này bơ vơ, tạm ở nhà anh một thời gian trước khi có khả năng để tạo dựng đời sống riêng. Đối với anh bạn, tình trạng trở thành vô cùng phức tạp vì cô em vợ giống người vợ đã mất như đúc, tưởng chừng như vợ anh vẫn còn đó, không phải đã nằm yên ở dưới đáy huyệt sâu. Làm thế nào bây giờ? Vợ anh vẫn đang sống cùng anh, vẫn ở trong một nhà với anh! Vẫn đi qua đi lại, nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc anh như trước. Chỉ khác có một điều là có thêm một tên đàn ông khác ở trong nhà, người anh em đồng hao, cột chèo với anh! 

    Và chuyện phải đến, sau cùng cũng sẽ đến. Đêm đó, anh đang nằm ngủ trong phòng riêng, trên giường hai vợ chồng anh như đã bao năm nay vẫn ngủ như thế, thao thức trằn trọc vì thiếu thốn đàn bà đã mấy tháng nay. Anh bỗng thấy có người nhẹ tay mở cửa vào phòng. Anh mừng rỡ! Ồ! Vợ anh trở về cùng anh, lên giường nằm với anh. Và tình yêu đã trở lại. Như không bao giờ đánh mất, như cái chết đã không thể phân ly, chia cách nhau được! Và niềm vui sau cùng cũng đã trở lại với anh.

    Từ đó anh sống êm đềm, hạnh phúc trong một thỏa thuận mới. Hai vợ chồng cô em vợ anh vẫn ở chung với anh, không hề dọn đi đâu nữa. Cô em vợ anh được anh dẫn đi mọi chỗ, đám cưới, party, các chỗ hội họp, đuợc tự nhiên giới thiệu với mọi người là vợ anh, không cần giải thích. Người nào là bạn anh, thân thiết với anh, những người thông cảm, chấp nhận, anh giao thiệp tiếp. Ai không bằng lòng, dị nghị, anh không gặp nữa. Giản dị, không thắc mắc! Và mọi sự trở thành đâu vào đó, anh tiếp tục cuộc đời của anh, cùng người vợ mới nhưng là cũ, cũ thành mới. Anh không cần biết đến. Và rồi sau cùng mọi người quen đi, cũng đều chấp nhận như vậy cả!

    Tôi không thân với anh, nhưng thán phục anh. Nhất là khi biết thêm được chuyện cô em song sinh này, cùng mang tính cách di truyền chung với bà chị, đã tìm được tương đối sớm là cũng đã bị ung thư vú. Và anh đã làm giấy tờ lại, để cô em vợ có thể dùng bảo hiểm sức khỏe của anh để chữa trị kịp thời. Còn câu chuyện của người anh em cột chèo, chấp nhận việc sống chung một bà hai ông, là chuyện tôi cũng như những người quen khác, không biết rõ. Mỗi người có lý lẽ riêng và có những chấp nhận riêng cho cuộc sống của mình, không ai phán đoán được. Và dù có ai nghĩ gì đi nữa. Cũng đã sao đâu! Cũng chỉ là cuộc đời thôi mà!
    #47
      frank 30.09.2017 02:33:16 (permalink)
       
      Một bà ba ông
       
      Update: người chồng bỏ đi rồi. Chuyện một bà hai ông này bây giờ trở thành chuyện thường tình, một ông một bà. Không còn gì đáng nói nữa! Mỗi hoàn cảnh đều có một arrangement nào đó. Có thể sau cùng rồi mọi sự đều tốt đẹp chăng? Chúng ta không biết rõ nên cũng không nên mất thời giờ để mủi lòng . thương sót cho ông chồng trước. Mỗi người đều có đời sống riêng. Mạnh ai nấy sống!

      Nhưng tiếp tục trong tinh thần schadenfreude, để tôi kể thêm chuyện một bà hai ông khác, chuyện này có hậu hơn! Và đã được tai nghe mắt thấy! Hôm đó đi ăn mì mằn thắn xá xíu ở một tiệm mì ngon nổi tiếng ở đây, nhìn sang bàn bên cạnh bỗng thấy một người quen! Ông này mới ly dị vợ. Nhưng thấy ông cười toe toét, vui vẻ với một bà và một ông khác, rất đầm ấm. Đã nghe trước đó là ông này bây giờ đang sống chung cảnh một bà hai ông với vợ chồng người bạn thân, mới từ một tiểu bang khác dọn về đây ở! Bà vợ âu yếm gọi hai tô mì nước cho hai ông chồng, còn riêng mình ăn mì xào dòn! Cảnh tượng rất hòa thuận, chuyện trò ba người như pháo rang. Gặp người quen nhìn sang, chỉ gật đầu chào lấy lệ, rồi tiếp tục vui đùa nói chuyện ba người với nhau, không cần biết đến ai, không cần tiếng đời dị nghị. Như muốn nhắn nhủ: Đời tôi, tôi sống, đời các anh các anh sống! Dòm dòm cái gì! Muốn đui mắt thì cứ dòm!

      Không hiểu ở bên Hoa Kỳ này đồ ăn thức uống ra sao mà chuyện một bà hai ông nhiều nhan nhản như vậy! Nghe gossip đồn rằng trên Washington, D.C., còn cao siêu hơn, có cảnh gia đình một bà đến ba ông chồng, nhưng sống cũng yêu thương, thuận hòa lắm lắm! Một ông chồng già đầu tiên. Rồi sau đó một ông trung niên và sau cùng là ông chồng trẻ! Đời cứ thế mà vui như Tết!

      Nhưng nghĩ lại không cứ gì bên Mỹ này mới có cảnh gia đình người Việt mình trở lại chế độ mẫu hệ matriarchy như thời Thượng Cổ. Thời xưa ở Việt Nam cũng có chuyện này. Nhà văn Hứa Hoành, chuyên viết về những chuyện lịch sử xã hội miền Nam thời xưa, cho biết có chuyện cô Ba Trà hai chồng thời thập niên 30's hay 40's gì đó. Cô Ba Trà đẹp, son trẻ sống đề huề với hai ông chồng. Dĩ nhiên thời xưa không công khai được, nhưng ai cũng biết! Nhà văn Xuân Vũ dựa theo câu chuyện kể này đã viết cuốn tiểu thuyết Cô Ba Trà rất hấp dẫn. Hay nhất là lúc nhà văn Xuân Vũ kể chuyện cô Ba Trà vất gối vào phòng ngủ. Ba người mỗi người một phòng, khi nào cô Ba Trà muốn ngủ với ông chồng nào, cô vất gối sang phòng anh đó. Để anh tắm rửa, sửa soạn tinh thần để đêm đó hầu người đẹp!

      Nhà văn Xuân Vũ viết tài tình, cốt chuyện lâm ly, đầy lôi cuốn. Văn tả thanh mà tục, tục mà thanh! Cả hai nhà văn Hứa Hoành và Xuân Vũ nay đã ra người thiên cổ. Hai nhà văn này đều chết quá sớm, làm mất đi những cây bút giá trị của văn học Việt Nam tại hải ngoại này! Thật đáng tiếc!
      #48
        frank 30.09.2017 02:40:13 (permalink)
         
        Người xưa
         
        Chủ đề gặp lại người xưa cũ, ngày xưa xinh đẹp, quyến rũ biết bao nhiêu nhưng sau mấy mươi năm trông lại hãi hùng quá! Thực ra chuyện tình cờ gặp người xưa và thất vọng não nề không phải hiếm, nhiều người viết đã khai thác đề tài này, tôi nhớ cũng có đọc ít ra là ba bốn truyện ngắn. Nhưng để lại cảm xúc mạnh nhất, có lẽ là đọc câu truyện về "Lá Diêu Bông" của thi sĩ Hoàng Cầm kể lại. 

        Nhà thơ này thật là đa tình. năm lên 10 đã mê một người con gái hơn mình cả chục tuổi! Vừa thấy đã mê ngay! Nhà thơ tự nhận là mình bị "coup de foudre", rồi hý hoáy làm thơ tặng người đẹp, bỏ vào phong bì giúi vào tay nàng. Trên phong bì đề : "Gửi chị Vinh của em"!!! Hai năm trời cứ đi học về là nhà thơ lẽo đẽo theo sau chị Vinh. Năm lên 12, có lần nhà thơ cùng đám trẻ con đi theo chị Vinh ra đồng, người đẹp đi tìm loại lá gì đó, nhà thơ hỏi, chị Vinh nói đùa: "Tao tìm lá diêu bông, đứa nào tìm được tao gọi là chồng". Rồi một ngày nàng đi lấy chồng thật, để lại nhà thơ đầm đìa nước mắt!

        25 năm sau, bài thơ "Lá Diêu Bông" ra đời và nhà thơ Hoàng Cầm nổi tiếng, nhiều người thích cũng phần lớn vì bài thơ này. Bài thơ như sau:


        Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 
        Chị thơ thẩn đi tìm 
        Đồng chiều 
        cuống rạ 
        Chị bảo 
        Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông 
        Từ nay ta gọi là chồng

        Hai ngày Em tìm thấy lá 
        Chị chau mày 
        đâu phải Lá Diêu Bông 
        Mùa đông sau Em tìm thấy lá 
        Chị lắc đầu 
        trông nắng vãn bên sông

        Ngày cưới Chị 
        Em tim thấy lá 
        Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

        Chị ba con 
        Em tìm thấy lá 
        Xòe tay phủ mặt Chi không nhìn

        Từ thuở ấy 
        Em cầm chiếc lá 
        Đi đầu non cuối bể 
        Gió quê vi vút gọi 
        Diêu Bông hời... 
        ... Ới Diêu Bông... ! 

        Câu chuyện thật đẹp và thi sĩ Hoàng Cầm kể lại thường ngừng nơi đây, để lại người đọc những bồi hồi, ngậm ngùi. Nhưng tháng 9 năm 2004, nhà thơ đã kể thêm về đoạn chót! Là lúc ông đã lớn vừa thi đỗ tú tài xong, một hôm đi dạo thấy có người gọi tên mình. Nhìn bên kia đường là chị Vinh, đứng bán hàng xén, nghèo hèn, cực khổ. Và nhan sắc đã già nua, tiều tụy. Người đẹp ngày xưa kể chuyện đời mình, đi lấy lẽ một tên Quản khố xanh, có con, rồi bị ruồng bỏ. Cuộc sống khó khăn đã làm tàn phai tất cả. Nhưng nhà thơ vẫn chỉ nhìn thấy hình ảnh của nàng thời xa xưa. Và nỗi đau đớn khi nàng lấy chồng vẫn còn đó. 

        Tôi vẫn thích bài thơ "Lá Diêu Bông" của Hoàng Cầm. Nhưng phải chi ông đừng kể thêm đoạn cuối! Thê thảm quá! Nỗi buồn nhẹ nhàng của "Lá Diêu Bông" đã bị kết thúc bi thương làm tội nghiệp thân phận của một người đàn bà! Và muốn giữ cái đẹp, có lẽ nên trốn tránh đi những sự thật não nề hầu như lúc nào cũng có của kết thúc chăng?

        Và lan man nghĩ thêm. Tại sao chỉ có những câu chuyện thực hay truyện dài, truyện ngắn của những cuộc gặp gỡ người tình xưa cũ tàn phai nhan sắc là đàn bà? Mà không có những truyện nàng gặp lại người xưa. Nàng vẫn đẹp như tiên, tuổi tác không thành vấn đề nhờ thẩm mỹ, Botox. Nàng lái Mercedes bóng loáng, chạy vù vù. Nhà nàng trên đồi cao nhìn xuống biển, Malibu hay Pacific Palisades. Và một ngày nàng đi ăn tiệm, bỗng gặp lại người xưa, nay già nua, còm cõi, đầu hói, răng rụng. Mắt lờ đờ, tay run rẩy, nói năng thều thào, chàng nhìn nàng lắp bắp: "Em! Em đấy à!" .
        Và nàng ngẩng đầu nhìn lên thản nhiên như chuyện tình 30 năm về trước chỉ là bóng mây mờ dĩ vãng: "À! Anh ... đấy hả!"
        Rồi nàng tiếp tục cúi xuống
        , húp nước tô phở tái nạm gầu gân vè dòn, như không hề có chuyện gì xảy ra trên cõi đời này!


        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2017 03:00:32 bởi frank >
        #49
          Ct.Ly 02.10.2017 19:25:11 (permalink)
          #50
            Thay đổi trang: << < 4 | Trang 4 của 4 trang, bài viết từ 46 đến 50 trên tổng số 50 bài trong đề mục
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9