Phượng Và Tôi Truyện ngắn, tác giả DL Bui © 2017.
ooo
Ngày tôi ra tù, trời nắng thật đẹp.
Tôi đứng bên đường đón xe về thành phố, người nhẹ tênh, không có hành trang, chỉ có một ít tiền nhận được từ những ngày công tôi làm trong xưởng mộc của trại giam.
Kim Thoa đã dọn về căn nhà mới mua bằng số tiền tôi đã đưa cho trước lúc tôi bị bắt. Tôi đứng trước cổng sắt một căn nhà khang trang, bấm chuông và chờ đợi. Một gã đàn ông lạ mặt bước ra hiên nhà, nhưng thoáng thấy tôi, gã đứng chựng lại. Hẳn nhiên gã phải biết tôi là ai. Rồi Kim Thoa bước ra, nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ và giọng nói còn xa lạ hơn cả ánh mắt:
- Đến đây làm gì?
Tôi nhớ lại lần duy nhất Kim Thoa đã đến trại giam để gặp tôi một năm trước. Kim Thoa đến, không phải để thăm tôi mà để dứt tình. Tôi đã bám thật chặt vào chắn sắt nhà giam, nhìn Kim Thoa bước ra khỏi căn phòng thăm nuôi với dáng đi thật đẹp, lưng thon, hai bờ mông gợi tình. Bây giờ tôi đến đây, để có thể quay lưng đi mà không tiếc nuối.
Tôi không muốn trở lại với việc buôn hàng lậu qua biên giới. Không phải trại giam đã cảm hóa hay răn đe được tôi. Nghìn lần là không. Chỉ vì tôi chán nản và quá mệt mỏi. Tôi không thù, không hận, nhưng tôi đã không còn tin vào đàn bà, nhất là đàn bà đẹp. Không có đàn bà, tôi chẳng cần phải kiếm thật nhiều tiền. Cuộc sống của tôi sẽ bình thản hơn.
Hùng Chột đưa tôi đến một phòng trà ca nhạc, loại sang trọng chứ không phải loại bát nháo trong những khu bình dân. Lảo chủ phòng trà với cái đầu hói bóng nhẵn, nhìn vết sẹo dài trên mặt tôi và những hình xâm gớm ghiếc trên hai cánh tay trần của tôi, gật gù ra vẻ ưng thuận. Như vậy, mỗi tối tôi đến phòng trà sang trọng của lảo, đứng trước cửa như một thứ hung thần, để cảnh báo những kẻ muốn đến gây rối hảy tránh xa. Đụng đến tôi là đụng đến Hùng Chột, là đụng đến một băng đảng bảo kê cả khu vực nầy.
Đám gái hầu rượu không bao giờ nói chuyện với tôi. Những cô ca sĩ lộng lẫy thì càng tránh xa tôi hơn, ngay cả một cái nhìn cũng không có. Có đôi lúc tôi buồn, chận một cô ca sĩ nào đấy để gạ gẩm vài câu vu vơ. Những lời gạ tình của tôi, dù chỉ để giải khuây, làm cho những cô ca sĩ lộng lẫy phải nhờm tởm như đụng phải thứ rác rến bẩn thỉu và hôi thối.
Lảo chủ hói đầu một hôm nói với tôi, đừng đụng đến những cô ca sĩ của lảo và nhắc nhở tôi, việc của tôi là gì. Từ đấy, tôi không còn làm gì hơn là đứng canh cửa, nhìn những cô ca sĩ lộng lẫy khoác tay những người đàn ông giàu có, bước lên những chiếc xe sang trọng để đi đến một nơi nào đấy cho hết đêm vui.
Đến nửa đêm phòng trà đóng cửa, tôi vào ngồi nơi quày rượu. Người bồi rót cho tôi một ly rượu mạnh, loại đắt tiền. Đêm nào tôi thích, tôi có thể ngồi nán lại để uống thêm vài ly chứ không phải chỉ là một. Đây là điều duy nhất lảo chủ phòng trà để yên cho tôi và lảo luôn làm ra vẻ không hề tiếc những ly rượu mạnh cho không ấy.
ooo
Phượng là ca sĩ không có gì thu hút và cũng chẳng còn trẻ trung. Dù Phượng có phấn son thật đậm, vẫn nhạt nhoà ngay cả khi đứng lẫn trong đám gái hầu rượu của phòng trà. Phượng cũng không đến hát thường xuyên như những cô ca sĩ lộng lẫy khác. Phượng đến rất trễ, đi ngang qua tôi, đầu cúi thắp, vào hát thế cho những cô ca sĩ trẻ đẹp và lộng lẫy phải sớm rời phòng trà để đi cùng với những người đàn ông sang trọng.
Bẵng đi một dạo tôi không thấy Phượng đến hát, rồi một đêm Phượng đến lúc phòng trà sắp đóng cửa. Khi phòng trà đóng cửa, tôi vào ngồi bên quày rượu, thấy Phượng ngồi một góc tối bên chiếc bàn nhỏ, hai tay ôm lấy đầu, tóc rủ che kín cả gương mặt. Một lúc sau, Phượng đứng lên đi ra cửa.
Khi tôi ra lấy xe, ngạc nhiên thấy Phượng vẫn chưa về. Phượng đứng nép vào một góc tối bên cạnh chổ để xe máy, có vẻ đang chờ tôi. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, Phượng trông tiều tụy, hai tay gầy ôm trước ngực. Phượng nói nhỏ như sợ người khác nghe thấy:
- Cho em xin chút tiền, đủ để đi xe ôm thôi anh!
Tôi mở ví lấy ra tờ giấy bạc gấp mấy lần một cuốc xe ôm, ấn vào tay Phượng. Ánh mắt Phượng sáng lên như người đuối nước chụp được chiếc phao. Tôi đã quay lưng đi, nhưng rồi quay lại, nói với Phượng:
- Tôi đưa cô về!
Nhà Phượng ở trong xóm nghèo ven sông cách xa thành phố. Đến đầu xóm Phượng đòi xuống xe, nhất định không để tôi đưa vào con ngỏ hẹp. Tôi hỏi, nhưng Phượng chỉ một mực lắc đầu không nói tại sao. Tôi quay xe đi và nghỉ, Phượng cũng có những riêng tư của Phượng.
ooo
Rồi Phượng trở lại hát, gần như mỗi tối nhưng vẫn rất trễ. Khi phòng trà đóng cửa, tôi vào ngồi bên quày rượu cũng là lúc Phượng lặng lẽ ra về. Như vậy, cho đến một hôm tôi không thấy Phượng ra về và cũng chẳng thấy bóng dáng lảo chủ phòng trà. Mỗi đêm sau giờ đóng cửa, lảo luôn lảng vảng quanh quầy rượu, canh chừng như sợ tôi lấy trộm những chai rượu đắt tiền của lảo. Nhưng hôm nay thì không.
Tôi đi ra phía sau phòng trà, vẫn không thấy lảo chủ và cả Phượng. Tôi lần theo bục thang lên lầu. Đấy là giang sơn riêng của lảo chủ phòng trà, là nơi cấm ngặt không cho bất kỳ một ai được bén mảng đến, trừ bà lảo giúp việc. Tôi rón rén đi theo hành lang, đến trước cửa căn phòng đang phát ra tiếng động. Tôi nghe tiếng giường chiếu quen thuộc của những cuộc truy hoan, tiếng lảo chủ cười hằng hặc và tiếng của Phượng rên khe khẽ. Tiếng rên của Phượng, không như một người đàn bà đang hưởng hoan lạc. Tiếng rên của Phượng, như một con thú bị giày xéo và càng lúc càng rỏ hơn, nghe đọa đày đến cùng cực.
Tôi đứng lại trong hành lang cho đến lúc những tiếng động trong căn phòng đóng kín cửa thôi hẳn. Cuối cùng cánh cửa xịch mở, Phượng bước ra nhưng hốt hoảng khi nhìn thấy tôi. Dưới ánh đèn huỳnh quang nhợt nhạt, Phượng đưa tay kéo kín cổ áo. Tôi gở tay Phượng ra. Trên phần da thịt lộ ra của Phượng, một vết cắn còn mới và trên cổ là những vết cào xước da chỉ chực rỉ máu. Tôi nói, tiếng rít qua khẻ răng:
- Thằng khốn nạn!
Tôi chỉ muốn xong vào đập cho lảo chủ hói đầu một trận. Nhưng Phượng giữ tay tôi lại:
- Em lạy anh! Đừng anh ơi!
Tôi đưa Phượng về. Phượng ngồi sau, ôm tôi thật chặt. Tôi không nghe được tiếng nấc của Phượng giữa tiếng máy xe giòn tan, nhưng tôi cảm được người Phượng run lên từng hồi. Đến nơi, Phượng chỉ con ngỏ hẹp cho tôi lái xe vào. Tôi dừng xe trước căn nhà vách gỗ cho Phượng xuống. Tôi vẫn chưa đi, đứng ngoài cửa nhìn theo Phượng bước vào nhà. Đèn mở lên, ánh sáng vàng nhờ nhợ soi rỏ bên trong căn nhà nhỏ và tồi tàn. Trong một góc là tấm nệm đôi đặt ngay dưới nền xi măng. Giữa tấm nệm, người đàn ông chợt trở mình khi ánh đèn sáng lên, kéo gối che lấy mặt. Góc nệm, một đứa bé đang say ngủ. Phượng đứng sau cánh cửa khép nửa chừng, nói khẻ:
- Về đi anh.
Phượng rất cần những khoản tiền lảo chủ phòng trà ném vào mặt Phượng sau những cuộc truy hoan bệnh hoạn của lảo. Phượng đã không còn son trẻ và cũng không đủ gợi cảm để khoác tay những người đàn ông giàu có bước lên những chiếc xe sang trọng như những cô ca sĩ lộng lẫy và trẻ trung. Phượng đang tàn tạ, đang héo úa và chẳng còn gì để lựa chọn.
Những lần Phượng lên lầu với lảo chủ phòng trà, tôi đứng chờ Phượng ở một góc đường để đưa Phượng về. Phượng ngồi sau, vẫn ôm tôi thật chặt nhưng Phượng không còn nấc lên từng hồi nữa. Về đến căn nhà vách gỗ, tôi đứng nán lại, nhìn Phượng bước vào, mở đèn và khung cảnh tồi tàn của căn nhà nhỏ hiện ra dưới ánh sáng vàng nhờ nhợ thật quen thuột, với tấm nệm đôi ở một góc nhà, với người đàn ông trở mình, với đứa bé say ngủ.
Một hôm tôi đưa Phượng về, nhưng không thấy người đàn ông và cả đứa bé ngủ trên tấm nệm ở góc nhà. Phượng đứng sau cánh cửa, ngập ngừng nói:
- Vào đi anh.
Trong căn nhà nhỏ gần như quen thuộc, tôi ngồi xuống tấm nệm, đúng chổ người đàn ông vẫn nằm, nhìn Phượng ra sau bếp lấy nước rửa mặt. Khi Phượng đến ngồi lên tấm nệm cạnh bên tôi, vẽ xanh xao, tiều tụy trên gương mặt không phấn son của Phượng hiện ra rỏ hơn bao giờ hết. Khi tôi cởi hàng khuy áo của Phượng thì Phượng bối rối giữ tay tôi lại. Nhưng rồi Phượng cũng để mặc cho tôi. Tôi mở áo Phượng, nhìn những vết cào xước trên ngực Phượng, vết bầm còn mới trên cánh tay Phượng cho đến lúc Phượng hiểu được ý của tôi. Phướng vội kéo áo che ngực, rồi quay đi. Tôi thấy đôi vai gầy của Phượng run lên từng hồi, nhưng không nghe được một tiếng nào của Phượng, dù chỉ một tiếng nấc thật nhỏ nhoi.
ooo
Người đàn ông của Phượng đã bỏ đi. Đứa con không giữ được gã. Những đồng tiền ít ỏi Phượng kiếm được càng không thể giữ được gã. Nếu không vì đứa con, Phượng đã không đi hát. Đứa bé được hai tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh, có đôi mắt ngơ ngác và luôn tỏ ra sợ hãi trước người lạ. Những tối đi hát, Phượng mang đứa bé gửi cho một người đàn bà lớn tuổi trong xóm. Sáng hôm sau Phượng đến đón đứa bé về, chăm cho nó, chơi với nó đến chiều tối, rồi lại mang nó đi gửi. Chúa nhật, Phượng mặc áo dài trắng, đeo vào sợi dây chuyền có thánh giá bằng bạch kim lấp lánh, bế đứa bé đi lễ ở ngôi nhà thờ gần đấy. Tôi không có đạo và cũng không muốn theo Phượng vào nhà thờ. Khi Phượng hỏi tại sao, tôi nói nếu thực sự có Chúa, Phượng đã không phải sống như Phượng đang sống. Như thế, tôi chờ Phượng trong căn nhà vách gỗ cho đến lúc Phượng đi lễ về. Phượng đặt đứa bé lên tấm nệm, bày ra quanh nó những món đồ chơi bằng nhựa, cởi sợi dây chuyền có thánh giá bằng bạch kim cất vào hộp giấy. Rồi Phượng thay đồ bộ, ra sau bếp để làm buổi cơm trưa.
Rất nhiều lần, Phượng kể cho tôi nghe về một thị xã nhỏ ven bờ con sông rộng mênh mông, ở một nơi nào đấy thật xa xôi đối với tôi. Thị xã nhỏ có một ngôi chợ và hằng ngày Phượng theo mẹ ra hàng cơm phía sau ngôi chợ ấy. Mẹ Phượng bán cơm, Phượng ngồi chơi tha thẩn quanh sạp cơm cùng với một con chó lông vàng ươm. Rồi một hôm trên đường đi ra chợ, chiếc xe tải mất thắng đã lao vào mẹ con Phượng. Phượng mất mẹ và mất cả con chó lông vàng ươm vào buổi sáng hôm ấy. Câu chuyện của Phượng bao giờ cũng kết thúc ở đấy. Dường như tất cả quá khứ của Phượng cũng chỉ có ngần ấy để nhớ lại, để kể ra, dù mỗi lần kể, Phượng thêm bớt một vài thứ. Đến cả ước mơ của Phượng, có lẽ cũng chỉ có ngần ấy mà thôi. Một hàng cơm phía sau chợ ở một thị xã nhỏ ven sông, đứa con ngồi chơi tha thẫn quanh đấy với một con chó lông vàng ươm. Nhưng trong ước mơ của Phượng không hề thấy bóng dáng một người đàn ông. Tuyệt nhiên là không!
ooo
Khi tôi nói với Hùng Chột, tôi cần một số tiền rất lớn thì hắn trợn mắt hỏi:
- Vì một con đàn bà?
Tôi gật đầu.
Trong thế giới ngấm ngầm, được gọi là xã hội đen, kiếm tiền không phải dễ như những người lương thiện vẫn nghỉ. Mỗi tháng Hùng Chột chia cho tôi một khoản tiền, đôi khi không bằng số tiền của cô ca sĩ kiếm được trong một đêm đi ra ngoài với người khách sộp. Muốn có nhiều tiền hơn thế, tôi có thể xách dao đi cướp tiệm vàng, một việc đối với tôi không phải là khó. Nhưng tôi không dám. Vì trong thế giới ngấm ngầm ấy vẫn có những trật tự của riêng nó, vẫn có những luật lệ của riêng nó, được giữ vửng một cách khốc liệt bởi máu và sinh mạng của những kẻ như tôi, như Hùng Chột hay những tên trong băng đảng nào đấy, có hay không có số má.
Vài hôm sau Hùng Chột đưa cho tôi một số tiền và tấm ảnh của một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Hùng Chột nói gọn:
- Đánh cho rệu. Nhưng đừng để sứt mẻ!
Tôi chặng người đàn ông trong bức ảnh, ngay trước cửa nhà hắn trong con ngỏ vắng và đập cho hắn một trận rệu rả. Nhưng tôi không để cho hắn bị sứt mẻ, dù chỉ là một cái móng tay. Khi thấy đã đủ, tôi lôi đầu hắn lên, nhìn vào gương mặt bê bết máu của hắn, nhắn lại một câu mà một người nào đấy muốn hắn phải nghe. Rồi tôi bỏ mặc hắn, đi ra khỏi con ngỏ vắng. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút.
Số tiền Hùng Chột đưa cho tôi thực sự không đủ cho Phượng rời bỏ nơi đây để đến một thị xã nhỏ nào đấy, thực hiện ước mơ của Phượng. Phượng còn phải lo trị bệnh tim cho đứa bé. Tôi muốn đưa cho Phượng một số tiền, ít ra phải bằng như tôi đã đưa cho Kim Thoa hay những người đàn bà đã từng đến rồi đi trong cuộc đời tôi. Dù tôi có đi đánh, đi chém một trăm lần nữa cũng không đủ để có được số tiền ấy, nên tôi nói với Hùng Chột thu xếp cho tôi đi một chuyến hàng lớn, ngay cả hàng độc tôi cũng không ngại. Hùng Chột không nói gì, hắn biết có những việc dù hung hiểm, dù không muốn nhưng người như tôi, như hắn vẫn phải làm, cho nên can ngăn chỉ là vô ích.
Tuần sau tôi gặp Hoàng, một người đàn ông bề ngoài hiền lành, ngoài năm mươi tuổi. Điểm hẹn là một bến xe ồn ào và đông đúc người. Hoàng ngồi trên dãi ghế trong phòng chờ xe, tôi ngồi xuống cạnh bên như một người khách tình cờ thấy được ghế tróng, rồi bắt chuyện vu vơ. Hùng Chột đã cho Hoàng biết về tôi nên cuộc thương lượng thật chóng vánh. Năm phút sau tôi rời khỏi điểm hẹn với những gì cần phải nhớ ghi ở trong đầu. Ba ngày sau như đã thỏa thuận với Hoàng, tôi nhận được một nửa số tiền của tôi, một nửa còn lại tôi sẽ nhận sau khi chuyến hàng đi trót lọt qua biên giới.
Một nửa số tiền tôi nhận trước của Hoàng lớn hơn rất nhiều so với số tiền tôi đã đưa cho Kim Thoa, hay bất cứ người đàn bà nào đã từng đến rồi đi trong cuộc đời tôi. Những người đàn bà ấy, tất cả đều nói yêu tôi tha thiết, yêu đến hơi thở cuối cùng vẫn còn yêu. Những người đàn bà ấy, đã từng mê hoặc tôi, bằng môi hôn nồng cháy, bằng xác thịt nõn nà, bằng tuổi xuân phơi phới. Vì họ, tôi đã phải kiếm thật nhiều tiền bằng mọi cách trong thế giới ngấm ngầm tôi đang sống. Những đồng tiền tôi kiếm được, nhơ bẩn, lem luốt màu máu, nhưng một khi đã qua tay những người đàn bà nói yêu tôi, trở nên trong sạch lạ thường, thánh thiện lạ thường, tưởng chừng như có thể mua được cả thiên đường cho tôi. Nhưng lần nầy tôi không muốn thiên đường, tôi chỉ muốn Phượng có được ước mơ đơn sơ của Phượng.
Tôi gói ghém những cọc tiền trong bao nhựa chóng ẩm, rồi để trong một túi xách cũ mèm. Tôi đến nhà của Phượng, mở túi lấy ra một xấp tiền, hớn hở nói với Phượng, Phượng có thể nghỉ hát, Phượng có thể đưa con đi chửa bệnh tim, Phượng có thể trở lại thị xã nhỏ nơi Phượng đã lớn lên, sang lại hàng cơm phía sau chợ, hay làm bất cứ điều gì Phượng muốn. Và không đợi Phượng lên tiếng, tôi cạy tấm gỗ trên trần nhà để giấu túi xách đựng tiền. Phượng ngồi trên tấm nệm nhìn ra khung cửa đóng kín, chừng như những gì tôi đã nói với Phượng, Phượng không nghe thấy. Tối hôm ấy Phượng vẫn đến phòng trà để hát và những ngày sau đấy, Phượng vẫn đi hát.
Hùng Chột đã cho người đến phòng trà thế chổ cho tôi. Trước khi đi, tôi không muốn gặp Phượng vì tôi hiểu ra một cách đau đớn, Phượng đã từ chối số tiền của tôi.
ooo
Có một sáng chúa nhật Phượng mặc chiếc áo dài trắng tinh, đeo vào sợi dây chuyền có thánh giá bằng bạch kim lấp lánh và nói với tôi:
- Đi lễ vói em, một lần thôi được không?
Lần duy nhất trong đời tôi bước chân vào ngôi giáo đường. Tôi bế đứa bé trên tay, bên cạnh là Phượng, với gương mặt mộc, chút son hồng phớt trên môi. Xung quanh là những cặp mắt hằn học nhìn tôi, nhưng tôi bỏ mặc. Ngay cả người linh mục dan tay chào đón tôi, tôi cũng lơ đi. Tôi đến đây vì Phượng. Tôi chỉ thấy Phượng và chỉ một mình Phượng mà thôi. Trong tiếng nhạc đạo, Phượng như một thiên thần hiện ra với thánh giá bạch kim lấp lánh trên cổ, cười với đứa bé trên tay tôi. Tôi đã đứng bên Phượng, thấy thật bình an cho đến cuối cùng của buổi lễ. Phượng quay sang tôi, làm dấu thánh giá và nói, Chúa sẽ ban phước cho tôi.
ooo
Chuyến hàng của tôi đã qua được biên giới nhưng không trót lọt. Dù đã có nhiều kinh nghiệm và chỉ chuyển hàng lúc đêm tối nhưng tôi vẫn rơi vào ổ phục kích, của lính biên phòng hay của những kẻ muốn cướp hàng, tôi cũng không rõ. Người phu thồ hàng ngã gục ngay ở loạt đạn đầu. Tôi chưa kịp bắn trả thì loạt đạn thứ nhì bắn tới. Tôi biết mình bị trúng đạn, biết không giữ nỗi hàng, chỉ còn cách chạy để thoát thân.
Sáng hôm sau tôi tỉnh lại, thấy mình nằm giữa một trãng cỏ, khẩu súng chưa bắn được một phát nào vẫn còn trong tay. Vết thương của tôi thật nặng, máu ướt bệt cả áo, loang ra đất thành vũng. Tôi nằm ngửa, nhìn xuyên qua những ngọn cỏ cao hút đầu, thấy bầu trời xanh biếc và thấy cả những cụm mây trắng trên cao. Một lúc sau mặt trời lên, ánh nắng chói lòa trong mắt tôi, lấp lánh như ánh bạch kim từ cây thánh giá Phượng vẫn đeo khi đi lễ.
Có những thứ thật bình dị nhưng vô cùng êm ả, như một sáng chúa nhật đi lễ với Phượng và thấy Phượng cười. Nụ cười của Phượng xoa dịu nỗi đau trong tim tôi, sẽ đưa tôi đến một nơi chốn thật bình an, một cỏi thiên đường của riêng tôi.
Tôi nhắm mắt lại. Tia nắng xuyên qua mi mắt, đỏ rực như màu máu của tôi đã loan ra trên đất.
DL Bui © 2017.
ooo
Xin đưa vào thư viện với tên tác giả DL Bui. Rất cám ơn BĐH.
Chúc Ngụy Xưa luôn được mọi điều tốt đẹp .