Kinh Nguyệt
HongYen 06.11.2005 08:18:53 (permalink)
Thứ tư, 2/11/2005, 15:59 GMT+7

Rong kinh rong huyết tuổi vị thành niên

Bệnh lý này phải được điều trị càng sớm càng tốt vì nếu kéo dài, nó không chỉ gây mất nhiều máu mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm cơ quan sinh dục.

Thế nào là kinh nguyệt bình thường?

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu có tính chu kỳ từ buồng tử cung ra ngoài do bong nội mạc tử cung dưới ảnh hưởng của sự tụt đột ngột các hoóc môn sinh dục trong cơ thể. Bình thường, chu kỳ kinh kéo dài 21-35 ngày, ngày hành kinh 2-6 ngày, lượng máu kinh mất 20-60 ml.

Thế nào là rong kinh, rong huyết?

Rong kinh là tình trạng hành kinh kéo dài trên một tuần, còn rong huyết là hiện tượng ra huyết từ bộ phận sinh dục không phải kinh nguyệt, kéo dài trên một tuần. Muốn xác định như thế nào là máu kinh nguyệt, phải dựa vào những đặc điểm như máu kinh không đông, lượng huyết ra nhiều nhất là vào những ngày giữa của đợt ra huyết. Rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày thường biến thành rong huyết, lúc đó gọi là rong kinh - rong huyết.

Cơ chế gây rong kinh, rong huyết tuổi vị thành niên

Trong vòng hai năm đầu tiên sau khi bắt đầu có kinh, các thiếu nữ thường có vòng kinh không đều vì không có phóng noãn. Chu kỳ thường từ 21 đến 40 ngày, lên xuống 10 ngày từ chu kỳ này qua chu kỳ sau. Rong kinh thường gặp hơn rong huyết; đôi khi rong kinh kèm với cường kinh, nhất là khi trước đó có một vòng kinh dài bất thường.

Trong chu kỳ không phóng noãn, estrogen tăng lên kéo dài, không có hoàng thể và cũng không có hiện tượng bong nội mạc tử cung. Nội mạc cứ dày lên mãi trong khi mạch máu không tăng trưởng kịp nên không đủ máu nuôi, dẫn đến hoại tử và bong ra từng mảng, gây ra huyết nhiều và kéo dài.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các em gái dậy thì càng sớm thì hiện tượng phóng noãn càng xảy ra nhanh.

Hậu quả của rong kinh, rong huyết

Rong kinh, rong huyết đều ảnh hưởng đến sức khỏe vì bị mất máu. Ngoài ra, do máu ra kéo dài nên có thể gây viêm nhiễm. Máu là môi trường phát triển tốt của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và có thể lên vòi trứng gây viêm phần phụ, thậm chí gây vô sinh sau này. Vì những lẽ đó nên rong kinh, rong huyết cần điều trị càng sớm càng tốt.

Xử trí rong kinh, rong huyết tuổi vị thành niên

Trước hết cần loại trừ nguyên nhân liên quan đến thai nghén.
Khám lâm sàng: ngực, bụng, màu sắc âm hộ, âm đạo, nên khám qua trực tràng để đánh giá thể tích của tử cung. Siêu âm để xem tình trạng tử cung và hai buồng trứng. Sau khi loại trừ thai, cần nghĩ đến 3 loại nguyên nhân: thực thể (như polyp niêm mạc tử cung, u xơ tử cung), rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết. Điều trị theo nguyên nhân.

Đa số các trường hợp rong kinh, rong huyết ở tuổi này là do rối loạn nội tiết. Cần tùy theo mức độ thiếu máu trên người bệnh để điều trị. Nếu chỉ có rong kinh hay rong huyết nhẹ và không kèm theo thiếu máu thì không cần điều trị, chỉ cần bác sĩ theo dõi. Nếu rong kinh, rong huyết nhẹ có kèm theo thiếu máu thì bắt đầu điều trị bằng các loại thuốc viên tránh thai hỗn hợp 21 ngày với 7 ngày Placebo.

Nếu rong kinh, rong huyết nhiều hơn nhưng chưa cần phải cấp cứu thì bác sĩ thường cho uống thuốc viên tránh thai nhưng liều lượng cao hơn, 2 viên/ngày chia 2 lần (sáng và tối). Các tác dụng phụ có thể gặp là nôn, đau căng vú, ra huyết trong khi uống; lần hành kinh đầu tiên sau điều trị liều cao sẽ ra nhiều máu, phải uống tiếp vỉ thuốc thứ hai ngay khi thấy ra kinh ngày đầu tiên. Thời gian điều trị đến 3-6 tháng sau.

Nếu rong kinh, rong huyết gây mất máu cấp tính, phải nhập viện cấp cứu.

BS Nguyễn Thị Phương Lan, Sức Khỏe & Đời

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/11/3B9E3665/
#1
    HongYen 13.02.2006 04:54:30 (permalink)
    Mãn kinh: Giai đoạn thú vị trong cuộc đời phụ nữ

    Friday, January 23, 2004


    (Theo BBC)

    Nhiều thập kỷ trước, phần lớn phụ nữ thường qua đời trước khi đạt tới tuổi mãn kinh, và số còn lại coi đó là dấu hiệu của tuổi già. Song ngày nay, phái đẹp chỉ coi hiện tượng này là màn mở đầu cho một giai đoạn mới đầy bất ngờ và thú vị trong cuộc đời.

    Mãn kinh thường xảy ra ở độ tuổi 51, song cũng có thể đến ở tuổi 40 hoặc 60. Nó mang đến cho bạn những biến đổi sâu sắc về thể chất. Khi bước vào tuổi mãn kinh, bạn cần bình tĩnh lường trước các triệu chứng và chuẩn bị những kiến thức cơ bản giúp bạn giữ được nét cân đối và sức sống.

    Tại sao cơ thể người phụ nữ thay đổi vào thời kỳ mãn kinh?

    Buồng trứng là nơi sản sinh hoóc môn sinh dục nữ oestrogen - chất cần thiết cho sự rụng trứng. Oestrogen giúp duy trì hoạt động của nhiều bộ phận cơ thể. Khi người phụ nữ già đi, hoạt động sản xuất trứng của buồng trứng dần suy kiệt. Khi đó, sự sản sinh oestrogen cũng mất đi, khiến cho lượng hoóc môn này trong cơ thể sụt giảm đáng kể (mặc dù một số ít bộ phận khác cũng sản sinh oestrogen).

    Sự thiếu hụt oestrogen có thể gây ra:

    + Các triệu chứng ngắn hạn như:

    - Trào huyết và toát mồ hôi về đêm.

    - Khó ngu.Ư

    - Mệt mỏi.

    - Ðau đầu.

    - Suy nhược, dễ thay đổi và cáu giận.

    - Trí nhớ và sức tập trung giảm sút.

    + Một số triệu chứng trung gian như:

    - Da khô và mỏng hơn.

    - Khó chịu trong âm đạo, khô và khó đi tiểu.

    + Những thay đổi lâu dài như dễ mắc bệnh tim, loãng xương, Alzheimer và ung thư ở bộ máy sinh sản.

    Hãy học cách nhận biết các triệu chứng ngắn hạn:

    Ít nhất 70% phụ nữ trải qua những triệu chứng ngắn hạn khi bắt đầu bước vào tuổi mãn kinh.

    a. Hãy tập xác định triệu chứng bằng cách ghi nhật ký về cảm xúc và tình trạng sức khỏe.

    b. Cố nhìn nhận vấn đề như là một việc diễn ra tạm thời.

    c. Tìm kiếm những liệu pháp giúp bạn đối phó với các triệu chứng, từ phương pháp thư giãn cho đến thảo mộc.

    Biết xử lý với những triệu chứng trung gian:

    Hiện nay có vô số giải pháp hạn chế tình trạng khô da và âm đạo. Hãy tham vấn bác sĩ và tham khảo bạn bè. Nếu các triệu chứng không dứt, đặc biệt là tình trạng âm đạo khó chịu và đi tiểu khó, cần đi khám ngay.

    Hãy chú ý đến chứng loãng xương:

    Việc tự phát hiện chứng loãng xương không dễ dàng, chỉ khi xuất hiện các tổn thương nghiêm trọng như giảm chiều cao, đau lưng và dễ bị gãy xương.

    Hãy tự chẩn đoán bệnh dựa vào danh sách sau:

    - Tiền sử gia đình.

    - Mãn kinh sớm (trước 40 tuổi).

    - Qua phẫu thuật cắt tử cung trước 45 tuổi.

    - Sử dụng steroids (để điều trị bệnh hen suyễn...)

    - Rối loạn tiêu hóa triền miên.

    - Có tiền sử gãy xương.

    - Lượng canxi hấp thu thấp ở tuổi trưởng thành.

    - Hút thuốc lá.

    - Ít vận động.

    - Ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

    Nếu phát hiện có dấu hiệu loãng xương, hãy đi chụp xương để xác định chính xác bệnh. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu canxi. Việc này không giúp hạn chế mất xương, song sẽ khiến cho phần xương còn lại trở nên vững chắc hơn. Kiên trì luyện tập những môn thể thao như chạy, đi bộ, nhảy... Tham vấn bác sĩ một số thuốc giúp xương chắc khỏe hơn.

    Cẩn thận với trái tim của bạn:

    Bên cạnh yếu tố mãn kinh, một số yếu tố như hút thuốc lá, có tiền sử bệnh tim trong gia đình, huyết áp cao hoặc béo phì.

    Biện pháp phòng ngừa:

    - Hạn chế tối đa những yếu tố có thể dẫn đến bệnh kể trên.

    - Ăn nhiều rau quả tươi màu đỏ và da cam nhằm bổ sung các chất chống oxy hóa.

    - Tăng cường luyện tập thể thao.

    - Kiểm tra mức độ cholesterol và lipid máu.

    Phòng ngừa các bệnh ung thư liên quan đến bộ máy sinh sản:

    a. Ung thư vú:

    - Cần kiểm tra vú ít nhất một lần/ tháng.

    - Ðừng quên chụp nhũ ảnh ở độ tuổi 50-64.

    b. Ung thư tử cung:

    Chẩn đoán qua hiện tượng chảy máu bất thường.

    c. Ung thư buồng trứng:

    Cần thận trọng nếu bạn có tiền sử ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú trong gia đình, bị vô sinh hoặc đau bụng bất thường.

    d. Ung thư cổ tử cung: Cần làm xét nghiệm kính phết 3 năm một lần để sớm phát hiện bệnh.

    Thận trọng khi dùng liệu pháp hoóc môn thay thế (HRT).

    Liệu pháp hoóc môn thay thế (HRT) giúp bổ sung oestrogen cho cơ thể. Một số nghiên cứu cho rằng liệu pháp này có thể hạn chế được các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh và giảm nguy cơ loãng xương. Song một vài nghiên cứu khác lại khẳng định HRT không có lợi cho tim và có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=490&z=14
    #2
      HongYen 05.03.2006 23:55:40 (permalink)
      Thứ sáu, 3/3/2006, 09:42 GMT+7

      5 dấu hiệu báo động của tuổi trung niên

      .....

      Rong huyết bất thường

      Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, nhiều phụ nữ có dấu hiệu này cho rằng đó là hậu quả của “làm việc nặng”, “đi xe dằn xóc”. Thực ra, đây là một triệu chứng của ung thư cổ tử cung - bệnh ở phụ nữ lập gia đình trên 30 tuổi, thường gặp ở tuổi 40-50, nhất là ở những phụ nữ nhiều con.

      Có nhiều nguyên nhân gây ra rong huyết, nhưng trước hết hãy nghĩ đến ung thư cổ tử cung vì khi phát hiện sớm, bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi.


      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2006/03/3B9E743E/
      #3
        HongYen 02.05.2006 12:35:30 (permalink)
        Thứ Tư, 08/03/2006, 18:07 (GMT+7)

        Đôi điều phụ nữ nên biết về kinh nguyệt


        Tư vấn cho phụ nữ ở Bệnh viện Phụ sản TW

        Người phụ nữ luôn cần ghi nhớ tuổi hành kinh lần đầu (tuổi dậy thì); ngày đầu của kỳ hành kinh cuối; năm, tháng bắt đầu có bất thường về kinh nguyệt (thưa, mau, rong, mất); khám phụ khoa định kỳ...

        Kinh nguyệt là gì?

        - Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu từ buồng tử cung qua âm đạo ra ngoài do bong nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung).

        - Nội mạc tử cung bong khi hành kinh là do tụt các chất hormon (chất nội tiết) estrogen và progesteron của buồng trứng vào cuối vòng kinh.

        Tại sao khi có thai lại mất kinh?

        - Khi có thai, estrogen và progesteron không những không tụt mà còn tiếp tục tăng lên, nên nội mạc tử cung không bong và không chảy máu.

        Khi có thai, tại sao estrogen và progesteron lại tăng?

        - Đó là vì sự xuất hiện rau thai. Rau thai chế tiết ra một chất hormon gọi tắt là hCG, có khả năng kích thích hoàng thể tăng tiết estrogen và progesteron. Bản thân rau thai từ ba tháng sau cũng chế tiết estrogen và progesteron.

        Rong kinh là gì?

        Là hành kinh kéo dài trên 7 ngày, bất kể lượng máu kinh nhiều hay ít.

        Rong kinh do những nguyên nhân gì? Có cần phải điều trị không?

        - Hai nguyên nhân chính là do thiếu progesteron và do có u xơ tử cung.

        - Thiếu progesteron do không phóng noãn kéo dài, hay gặp nhất vào tuổi dậy thì và tuổi tiền mãn kinh. Rong kinh do u xơ tử cung ít gặp hơn.

        - Nguy hiểm vì mất máu, cần phải được khám và chữa sớm.

        Điều trị rong kinh do thiếu progesteron như thế nào?

        - Dùng progestin như duphaston, orgametril vào nửa sau của vòng kinh.

        - Dùng thuốc tránh thai uống loại viên kết hợp vào nửa sau của vòng kinh.

        - Người dưới 35 tuổi nên dùng marvelon, regulon hoặc tương đương. Người trên 35 tuổi có thể dùng rigevidon hoặc tương đương, kinh tế hơn. Tốt nhất là nên nạo tử cung, cầm máu nhanh hơn, lại thử được mảnh nạo xem có gì bất thường không.

        Vô kinh là gì, có cần điều trị không?

        - Bình thường hằng tháng người phụ nữ hành kinh. Nếu mất kinh trên 3 tháng liền thì gọi là vô kinh. Vô kinh nguyên phát là quá 18 tuổi chưa hành kinh lần nào.

        - Vô kinh nói chung hay kèm theo không phóng noãn, dẫn đến vô sinh.

        - Vô kinh cũng có thể do một số nguyên nhân quan trọng như không có buồng trứng, không có tử cung, dính buồng tử cung, suy buồng trứng, suy tuyến yên,...

        - Tất cả những trường hợp vô kinh đều cần được khám sớm, kể cả trường hợp nghĩ đến có thai.

        Vòng kinh nhân tạo là gì?

        - Là gây một vòng kinh bằng thuốc cho người phụ nữ đang bị vô kinh.

        - Đơn giản và hiệu quả nhất là dùng mikrofollin trong nửa đầu và thuốc tránh thai marvelon hoặc regulon trong nửa sau.

        - Bao giờ cũng gây được kinh nguyệt, trừ khi có bất thường về tử cung.

        Mãn kinh là gì?

        Nếu dậy thì là điểm mốc của hoạt động vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng bắt đầu hoàn thiện, làm xuất hiện kinh nguyệt thì mãn kinh là thời gian giảm hẳn hoạt động của buồng trứng dẫn đến thôi hành kinh.

        Trong thời kỳ mãn kinh, thiếu estrogen dẫn đến những tình trạng bệnh lý như loãng xương, bệnh tim mạch, khô teo bộ phận sinh dục.

        Liệu pháp hormon thay thế là gì?

        Là phương pháp điều trị dự phòng đối với những biểu hiện bất thường do thiếu estrogen ở phụ nữ mãn kinh.

        Chủ yếu là dùng estrogen. Loại estrogen dễ dàng sử dụng và ít gây tai biến là estriol (ovestin...).

        Nếu không dùng estriol mà dùng các estrogen khác thì thường phải bồi phụ thêm progestin. Tibolon (livial...) là một progestin vừa có tính chất estrogen, vừa có tính chất progesteron, có thể dùng tốt cho người mãn kinh.

        Phụ nữ mãn kinh nên ăn uống, sinh hoạt thế nào?

        Phương châm chung là ăn uống thực phẩm có estrogen, canxi và kết hợp vận động thường xuyên.

        - Nên ăn các chế phẩm từ đậu nành (có nhiều estrogen thực vật), canh hến, canh xương, (có nhiều canxi)...

        - Về vận động, dễ thực hiện nhất là đi bộ. Có điều kiện bơi được thì càng tốt.

        Người phụ nữ luôn cần ghi nhớ một số mốc thời gian của mình:

        - Tuổi hành kinh lần đầu (tuổi dậy thì).

        - Ngày đầu của kỳ hành kinh cuối.

        - Năm, tháng bắt đầu có bất thường về kinh nguyệt (thưa, mau, rong, mất).

        - Khám phụ khoa định kỳ.

        Theo Sức khỏe & đời sống

        http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=126442&ChannelID=241
        #4
          HongYen 02.05.2006 12:40:27 (permalink)
          Thứ Tư, 26/04/2006, 15:03 (GMT+7)

          Kinh nguyệt: những điều mọi phụ nữ cần biết


          TTO - Từ tuổi dậy thì đến khi mãn kinh, kinh nguyệt là một phần trong cuộc đời người phụ nữ thế mà nghịch lý là nhiều phụ nữ lại hiểu biết rất ít về kinh nguyệt. Vì sao có máu kinh? tại sao đau bụng kinh? hiện tượng tự nhiên này mọi phụ nữ đều nên biết.

          Mỗi lần hành kinh mất bao nhiêu máu?
          Máu kinh từ tử cung chảy ra, do bong lớp nội mạc, lượng máu kinh khác nhau tùy từng phụ nữ và tùy từng tháng, dao động từ 5ml đến 25ml.

          Vì sao có máu kinh?
          Máu chảy ra từ nội mạc tử cung hay nói chính xác hơn là do sự bong lớp nông và có chu kỳ của nội mạc tử cung, là hệ quả của những thay đổi về hormone vào cuối chu kỳ kinh.

          Mỗi chu kỳ kinh có thể có 4 giai đọan rệt.
          Giai đọan đầu gọi là giai đoạn nang noãn. Trong giai đoạn này hormon estrogen được tiết ra với số lượng tăng dần; những hormon này làm cho lớp nội mạc tử cung dầy lên và số lượng các mạch máu cũng tăng lên. Cũng trong thời gian này, một noãn phát triển ở buồng trứng, đạt đến mức trưởng thành và được phóng ra. Giai đoạn này gọi là giai đoạn phóng noãn; noãn di chuyển trong vòi trứng (còn gọi là vòi Fallope), tiến về tử cung, nơi đã có những thay đổi để chuẩn bị đón noãn. Từ khi noãn được phóng ra, lượng hormon estrogen bắt đầu giảm dần trong cơ thể nữ.

          Giai đoạn 3 gọi là giai đoạn hoàng thể hay giai đoạn tiết ra hormon progesterone; có đặc trưng là thể vàng (phần vỏ của nang noãn sau khi noãn đã phóng ra) tiết ra một hormon khác là progesterone. Hormon này cũng có nhiệm vụ chuẩn bị tử cung để trứng làm tổ nếu như noãn được thụ tinh (đã kết hợp với tinh trùng). Để giúp cho sự làm tổ của trứng, tử cung phải ứ máu, phát triển mô, có nhiều chất đường và protein... Nhưng nếu noãn không được thụ tinh trong nững ngày đi qua vòi trứng thì chính hormon progesterone cũng bắt đầu giảm. Cuối cùng noãn không được thụ tinh sẽ tiêu tan và lớp nội mạctử cung dầy lên sẽ bong ra. Toàn bộ chất liệu bong ra được gọi là máu kinh chảy ra ngoài, qua cổ tử cung và âm đạo. Cho nên giai đoạn 4 là giai đoạn hành kinh.

          Sau bao lâu kể từ lúc phóng noãn sẽ ra kinh?
          Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt tương ứng với ngày hành kinh đầu tiên. Và ngày cuỗi của chu kỳ kinh là trước khi kỳ kinh sau diễn ra. Dù số ngày giữa 2 kỳ kinh là bao nhiêu thì các kỳ kinh vẫn xảy ra sau khi phóng noãn được 14 ngày. Ngược lại, quãng thời gian trước khi phóng noãn không cố định.

          Tần suất của chu kỳ kinh và mỗi kỳ hành kinh kéo dài bao lâu?
          Có bao nhiêu phụ nữ thì có bấy nhiêu kiểu chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh có thể thay đổi từ 20-40 ngày (quá 45 ngày gọi là kinh thưa). Đa số phụ nữ có chu kỳ kinh từ 26 đến 34 ngày, khoảng một phần 3 phụ nữ có chu kỳ kinh 28 ngày. Số ngày hành kinh cũng khác nhau tùy từng người và từng tháng, trung bình từ 2 đến 7 ngày.

          Tại sao phụ nữ cảm thấy đau vào những ngày trước và trong khi hành kinh?
          Gọi là kinh đau khi có những cơn đau trước và trong những ngày đầu của hành kinh – nhất là mấy ngày đầu – khi đó một số phụ nữ có những cơn đau quặn ở bụng dưới. Đau là do cơ tử cung co thắt để đẩy noãn không thụ tinh, những tế bào và máu của nội mạc ra ngoài (chính máu đó đã nuôi dưỡng noãn).

          Vận động thể chất đều đặn có thể giúp giảm những cơn đau quặn. Tắm nóng hay chườm nóng (ở bụng hay ở lưng) cũng có thể làm cho giảm bớt sự co bóp cơ. Cũng có thể dùng một số thuốc giảm đau. Tuy nhiên, hành kinh đau cũng có thể có nguồn gốc thực thể (ví dụ như bị lạc nội mạc tử cung...). Cần được thầy thuốc khám và xác định.

          Không thấy ra kinh có đáng lo ngại không? Không thấy ra kinh (còn gọi là bặt kinh) có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết cần nghĩ đến có thai. Khi còn trẻ và mới bắt đầu có kinh thì các chu kỳ kinh có thể không đều; điều đó là bình thường vì những chu kỳ kinh này hãy còn là những chu kỳ không phóng noãn do chức năng sinh lý để kiểm soát hormon chưa hoàn toàn trưởng thành.

          Thời kỳ này có thể kéo dài trong 2 năm. Sau tuổi 45-50, nếu mất kinh đến 2 năm cần nghĩ đến mãn kinh. Nguyên nhân vô kinh có thể là bất thường ở nội mạc tử cung cho đến sang chấn tâm lý quan trọng hoặc do dùng một số thuốc, bị chứng chán ăn...Tốt hơn là nên hỏi ý kiến thầy thuốc.

          Tuổi nào nên dùng tăm-pông?
          Tăm-pông là một loại bấc gạc chưa được dùng nhiều ở nước ta, có thể dùng được cho cả các em gái chưa có quan hệ tình dục. Điều chủ yếu là biết đặt cho đúng và cứ khoảng 4 giờ thay 1 lần. Nếu quên không lấy ra rất dễ gây nhiễm khuẩn âm đạo. Không năng thay băng vệ sinh có thể gây ra nhiễm khuẩn tụ cầu vàng dẫn đến hội chứng choáng nhiễm độc.

          Có thai có còn ra kinh không?
          Không; phụ nữ có thai có thể bị ra máu; không gọi là ra kinh và cần gặp thầy thuốc vì có thể báo hiệu sự bất thường ở thai hay ở nhau.

          Kinh nguyệt có làm thay đổi tính khí không?
          Thay đổi khí chất có thể xảy ra trong vài ngày trước khi có kinh. Một số phụ nữ có thay đổi tính tình ở những mức độ khác nhau nhưng nhiều phụ nữ khác lại không sao. Những triệu chứng và dấu hiệu đó làm nên bệnh cảnh gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt: dễ kích thích, buồn, khó tập trung tư tưởng, có thể nhức đầu, buồn nôn...Ngay trước khi hành kinh, cơ thể có xu hướng giữ nước; vì thế có cảm giác nặng nề, người như to ra và vú cương đau.

          Khi đang có kinh có thể quan hệ tình dục và chơi thể thao không?
          Được, có thể quan hệ tình dục cả khi đang có kinh nhưng nhiều phụ nữ từ chối vì cảm thấy không sạch sẽ. Cũng nên biết rằng một số phụ nữ có chu kỳ kinh không đều chỉ có 14 ngày và phóng noãn cả khi hành kinh nên có thể thụ thai. Với hoạt động thể thao cũng vậy, không cấm khi đang có kinh. Càng vận động nhiều thì phụ nữ càng ít bị đau khi hành kinh. Có người cho rằng nếu bơi lội khi đang có kinh thì nên dùng tăm-pông hơn là băng (hay khăn) vệ sinh.

          BS ĐÀO XUÂN DŨNG




          Xử trí ung thư phụ khoa - (17/04)
          Tràn dịch màng tinh hoàn: dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm - (22/03)
          Cuộc sống căng thẳng hủy diệt ham muốn tình dục - (20/03)
          Một số bài thuốc giúp cải thiện chứng suy giảm tình dục - (14/03)
          Hiểu đúng về bệnh Histêri - (13/03)
          Đôi điều phụ nữ nên biết về kinh nguyệt - (08/03)
          Giới trẻ làm ngơ với bệnh lây qua đường tình dục - (07/03)
          Hồi xuân - sự kéo dài đời sống tình dục nữ - (01/03)
          Bé trai và bé gái - (25/02)
          Hoóc môn: Chìa khoá của mọi bí mật của nam giới - (20/02)

          http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=134712&ChannelID=241
          #5
            HongYen 26.11.2006 22:23:27 (permalink)
            Vào Tuổi Mãn Kinh
             
            BS NGUYỄN Ý ĐỨC
             
            Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
             
            Bài viết là để đáp ứng yêu cầu của một số tỉ muội thắc mắc: chỉ thấy nói về những chuyện ngoại sáu mươi mà chẳng viết gì tới vấn đề nữ giới chúng tôi, sắp có hoặc đang có, khi không còn kinh nguyệt. Ý giả các vị nhắc khéo là nói chút đỉnh về thời kỳ mãn kinh. Vâng, đây là vấn đề gây ra nhiều thảng thốt cho một số tỉ muội, nên xin cùng tìm hiểu.
             
            Mãn Kinh là gì?
             
            Về phương diện sinh lý học, Mãn Kinh (menopause) là một diễn biến bình thường trong chu kỳ tăng trưởng của người phụ nữ. Đó là sự nối dài của giai đoạn có kinh nguyệt mỗi tháng với khả năng sanh đẻ sang thời kỳ mà cả hai chức năng trên đều ngưng. Nó đến tự nhiên khác chi sự có kinh lần đầu của một bé gái 12, 13 tuổi.
             
            Nhưng một số tỷ muội ta coi hết kinh như một dấu hiệu chớm vào già, một khởi đầu của cuộc đời mới. Từ nay ta sẽ không còn đẹp nữa, cơ thể xệ ra, mất vẻ duyên dáng hấp dẫn, lại không còn khả năng tạo ra những nối dõi tông đường. Cánh cửa đã khép lại, không còn tự do lựa chọn có con hay không có con...
             
            Sống trong một thời đại mà hình ảnh son trẻ hấp dẫn thể chất được đề cao thì những thay đổi khi tới tuổi mãn kinh cũng là điều mà nhiều người nữ ưu tư. Tuy nhiên cũng nhiều vị đón nhận mãn kinh với mọi hình tĩnh, thích nghi. Vì, tuổi nào ta sống theo tuổi đó, một cách tích cực.
             
            Trên lý thuyết, thời kỳ mãn kinh được coi như bắt đầu khi kinh nguyệt xuất hiện lần cuối cùng. Nhưng trên thực tế, nó phải diễn ra khi đã mất kinh được một năm với một số thay đổi cơ thể. Trong 90% trường hợp, mãn kinh ở tuổi 51; 10% sớm hơn khi mới 40. Với người được giải phẫu cắt bỏ dạ con và noãn sào, hoặc do biến chứng của hóa trị liệu, thì mãn kinh xẩy ra liền sau đó.
             
            Cơ thể người nữ khi có kinh.
             
            Chu kỳ kinh nguyệt là khoảng thời gian giữa mỗi ngày đầu của hai kinh kỳ nối tiếp nhau, thông thường là28 ngày, đôi khi thay đổi từ 23 tới 35 ngày.
            Vào giữa thời gian này, một trứng trong noãn sào rụng. Túi đựng trứng tiết ra nhiều estrogen hơn, làm niêm mạc tử cung dầy lên với nhiều mạch máu để sẵn sàng đón nhận trứng nếu được thụ tinh. Phải mất sáu ngày trứng mới hoàn tất cuộc di chuyển từ noãn sào xuống dạ con.
             
            Khi không có thụ tinh, niêm mạc dạ con teo tróc, máu và tế bào chảy ra ngoài: người nữ bắt đầu thấy kinh. Đã có một thời kỳ người ta coi kinh nguyệt như một cái gì không trong sạch, là sự trừng phạt của thần linh, hoặc là dấu hiệu một bất hạnh sẽ tới. Muối cà muối dưa mà phụ nữ có kinh đi qua thì dưa cà khú là cái chắc. Các cụ ta nói vậy.
             
            Trong cuộc đời ba bốn mươi năm mầu mỡ, người nữ đã trải qua cả ba bốn trăm lần thấy kinh và nhiều dịp mang nặng đẻ đau. Trong diễn tiến này, buồng trứng tiết ra các kích thích tố estrogen, progesterone mà công dụng là làm cho người nữ trở nên quyến rũ, hấp dẫn cũng như phục vụ các chức năng của cơ thể.
             
            Từ ngày xưa, người ta đã nghĩ là buồng trứng giữ vai trò quan trọng trong đời sống nữ giới.
             
            Bốn mươi năm trước đây, các bác sĩ Edward A. Doisy và Edgar Allen, St Louis Hoa Kỳ, làm thử nghiệm cắt bỏ buồng trứng của chuột cái, thì dạ con của nó teo, tính dục hết. Nhưng khi chích nước chiết trong buồng trứng, thì mọi sự trở lại bình thường. Quan sát cũng thấy là nước tiểu người nữ mang thai chứa một hóa chất có tác dụng tương tự. Từ những nhận xét khoa học, lần lần con người đã chứng minh sự hiện hữu hóa chất đó, gọi nó là kích thích tố và bào chế để dùng trong trị liệu.
             
            Thay đổi ở người nữ khi mãn kinh
             
            Mãn kinh thường bắt đầu vào tuổi 40. Đây không phải là việc xẩy ra đầu hôm sớm mai, mà đi qua một giai đoạn chuyển tiếp với kinh kỳ tháng có tháng không, dài ngắn bất thường, khi đậm khi nhạt. Hai phần ba người nữ chịu đựng nhiều thay đổi, khó chịu:
             
            Vẻ dáng con người vốn thanh tao hấp dẫn, trở thành nới rộng bề ngang với mỡ ở vòng hông, vòng bụng; ngực xệ, da nhăn khô, tóc rụng và cơ thể nặng cân hơn. Tất cả khiến người đẹp đôi khi nghĩ là đã trở nên vô hình trong đám đông. Vì: "Ta già rồi chăng! Ôi đâu còn thời kỳ hấp dẫn của thuở thanh xuân".
             
            Tế bào cơ quan sinh dục rất nhậy cảm với sự giảm thiểu của estrogen: Cửa mình teo ngắn, màng niêm khô gây ra cảm giác đau khi giao hợp khiến bạn gái đôi khi thoái thác. Nhiễm độc đường tiểu tiện cũng thường xẩy ra vì những thay đổi trên cộng với sự thay đổi môi trường sinh học ở âm hộ.
            Mạch máu dãn nở, máu dồn nhiều về mặt, đầu, ngực tạo ra những cơn nóng hừng hực, nhiệt độ trên da tăng đến bẩy tám độ. Cảm giác này kéo dài hai ba phút, đôi khi cả giờ. Nó trầm trọng hơn khi trong người mệt mỏi hoặc dưới ảnh hưởng của căng thẳng tâm-thân. Nhiều người đêm không ngủ được vì bị cơn nóng hành. Lại còn đổ mồ hôi, cứ phải để quạt hoặc chạy máy lạnh tối đa, đôi khi muốn nhẩy vào bồn nươc lạnh ngâm cho giảm cơn bốc hỏa. Thêm vào đó là những cơn nhức đầu như búa bổ, đau bụng ngầm ngầm rất khó chịu.
             
            Có tới 75% người nữ bị cơn hành này, và phải chịu đựng trong dăm ba năm. Điểm đáng lưu ý là phụ nữ Á châu ít bị hành hơn vì trong thực phẩm của họ có hóa chất phytoestrogen, rất nhiều trong đậu nành.
             
            Thay đổi tâm thần cũng đáng kể. Nhiều người có tâm trạng lo âu, buồn chán, không thiết gì đến sự đời. Tính tình trở nên nóng nẩy, dễ bị kích thích, hay gây gổ nhất là với chồng con. Họ thường cảm thấy bồn chồn ngồi đứng không yên.
             
            Hậu qủa xa của giảm thiểu estrogen là nguy cơ loãng xương và bệnh tim mạch.
             
            Loãng xương là một thay đổi thường xẩy trong tiến trình hóa gìa. Bất hạnh là nhiều lão nữ bị chứng này hơn khi đi vào thời kỳ mãn kinh. Xương được tạo nên bởi chất hữu cơ và nhiều khoáng chất, nhất là calcium và phosphate. Estrogen có tác dụng tăng cường phẩm chất, độ cứng của xương và có thể trì hoãn hiện tượng rỗ xương. Vào thời kỳ mãn kinh, xương trở nên sốp, ròn vì calcium tan vào dòng máu. Xương sống lưng, xương đùi rất dễ gẫy khi té nhẹ.
             
            Ngoài ra, giảm thiểu Estrogen ở tuổi mãn kinh sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim. Bình thường, estrogen có tác dụng tăng lượng cholesterol lành HDL và làm giảm lượng cholesterol dữ LDL trong máu.
             
            Ứng phó với khó khăn của mãn kinh
             
            Người nữ trải qua một phần ba cuộc đời với mãn kinh. Thường thì 1/3 quý bà hết kinh rất tự nhiên, an lành. Số còn lại sẽ chịu đựng một vài khó khăn không trầm trọng lắm, ngoại trừ khi có hậu quả xấu như loãng xương. May mắn là khó khăn cũng không kéo dài và người nữ có thể thích nghi được, nếu hiểu rõ vấn đề.
             
            Nhiều nhà chuyên môn nhận thấy thay đổi về tính tình, cảm xúc trong mãn kinh đôi khi là sự tăng thêm cường độ của ưu tư sẵn có. Những ai vốn đã làm chủ được lòng mình thì cũng đối phó được với xáo trộn tâm thần do mãn kinh gây ra. Bằng chứng là khi quý bà bù đầu bận bịu với công việc ngoài đời thì ít bị ảnh hưởng này hơn người làm việc nhà, có nhiều khoảng trống thời gian để nghĩ tới khó khăn.
             
            Một vị thầy thuốc già nhiều kinh nghiệm đã nói: liều thuốc hữu hiệu nhất cho người đàn bà gặp khó khăn vào kỳ mãn kinh là những lời giải thích rõ ràng. Rằng mãn kinh không phải đánh dấu sự chấm dứt của tận hưởng tình dục, hết hấp dẫn; rằng đó chỉ là sự chuyển tiếp sang một giai đoạn mới với thú vui và tình yêu cách khác, có khi lại tốt lành hơn
             
            Điều trị.
             
            Ngày nay, tiến bộ y khoa đã mang tới nhiều phương thức trị liệu để người nữ hết kinh có thể an vui với sự chuyển tiếp này.
             
            1-Kích thích tố thay thế
             
            Nhắc lại là ở nữ giới, estrogen bắt đầu giảm ở tuổi 30. Tới tuổi 40 là thời kỳ tiền mãn kinh, estrogen lên xuống bất thường, niêm mạc dạ con mỏng, đường kinh khi có khi không, lúc nhiều lúc ít. Tới tuổi 50 trở đi là vào thời kỳ mãn kinh, estrogen giảm trông thấy. Cho nên mãn kinh còn được gọi là "trạng thái thiếu thốn" và nẩy sinh ra trị liệu thay thế (Replacement therapy).
             
            Từ lâu, y học đã biết là estrogen có thể làm nhẹ những cơn hừng hực, những thay đổi tính tình của nữ giới vào thời kỳ mãn kinh. Estrogen có thể dùng riêng rẽ hoặc chung với progesteron.
             
            Tuy nhiên kích thích tố thay thế ( Hormone replacement Therapy-HRT) cũng gây ra vài rủi ro nếu dùng lâu, do đó việc sử dụng cần được cân nhắc kỹ cho từng cá nhân. Đồng thời quý bà cũng cần được bác sĩ theo dõi và định kỳ khám phụ khoa, làm Pap Smears và chụp hình nhũ hoa để phát hiện dấu hiệu các rủi ro.
             
            Sau đây là hướng dẫn mới về việc dùng estrogen thay thế:
            a-Nhiều chuyên gia vẫn đồng ý với nhau rằng: estrogen là thuốc công hiệu hiện có để làm dịu cảm giác nóng phừng, nhưng không giúp ích gì cho thay đổi tính tình, trầm cảm , hay quên và giảm ước tình. Thường thường sự nóng phừng này mất dần sau dăm năm.
             
            Estrogen có thể dùng dưới bất cứ hình thức nào như uống, chích, dán trên da. Nhiều người có thể giảm phân lượng thuốc lần lần sau 5 năm dùng. Nếu dùng dưới 5 năm thì ít có nguy cơ bị ung thư vú.
            Không nên dùng estrogen để trị trầm cảm, u sầu vì có nhiều thuốc khác rất tốt cho chứng bệnh này.
             
            b- Chưa có bằng chứng nào xác định là dùng HRT có thể giảm nguy cơ bệnh động mạch vành ở phụ nữ vào tuổi mãn kinh. Hội American Heart Association đã khuyên không nên dùng kích thích tố nữ để ngừa bệnh tim.
             
            c- Estrogen đã được cơ quan Food and Drug Administration chấp thuận cho dùng trong việc ngừa loãng xương chứ không để trị bệnh này. Kích thích tố làm giảm sự tiêu hao xương ở phụ nữ sau thời kỳ hết kinh. So với người không dùng kích thích tố thì những người dùng có thể giảm nguy cơ loãng xương tới 50%.
             
            d-Khi điều trị trong thời gian lâu dài, estrogen làm tăng nguy cơ ung thư vú bằng cách thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào của cơ quan này. Phụ nữ có kinh lần đầu sớm, hết kinh trễ có nhiều nguy cơ bị ung thư vú vì lượng estrogen trong cơ thể của họ nhiều hơn và lâu hơn.
             
            2- Dinh dưỡng tốt giúp bảo trì xương khỏi loãng và giảm nguy cơ bệnh tim Do đó ta cần ăn uống điều độ, cân bằng với đầy đủ loại sinh tố, khoáng chất calcium, phosphate, selenium, ít chất béo. Cũng nên bớt ăn gia vị cay chua để giảm cơn nóng phừng phừng.
             
            3-Tập thể dục đều đặn làm tăng độ cứng chắc của xương cũng như làm phấn khởi tinh thần;
             
            4-Nếu hút thuốc lá thì nên bỏ vì hóa chất của thuốc làm mãn kinh tới sớm, tăng triệu chứng mãn kinh, giảm khối lượng xương, dễ đưa đến tổn thương cho xương.
             
            5-Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi thoải mái; nhà cửa thoáng khí, mát mẻ để làm bớt những cơn bốc nóng.
             
            6-Tâm tình với người cùng cảnh ngộ để chia xẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ lẫn nhau;
             
            7-Lựa một bác sĩ kinh nghiệm, tận tâm để được hướng dẫn cách dùng kích thích tố thay thế cũng như giảm thiểu các triệu chứng khác.
             
            8-Tiếp tục đời sống tình ái, vì hành động này làm tăng máu tuần hoàn và độ ẩm ở âm hộ. Để tránh đau khi giao hợp vì hạ bộ khô mỏng, dùng vài loại kem bán tự do như Replens, K-Y jelly.
             
            9-Về với mẹ thiên nhiên qua các môn thuốc thảo mộc, cỏ cây hoa lá. Dù khoa học chưa chứng minh công hiệu của các chất này, nhưng kinh nghiệm sử dụng lâu năm với kết quả tốt của nhân dân là bảo chứng.
            Quan sát cho thấy thảo mộc có kích thích tố (phytoestrogens), công hiệu như hóa chất estrogen lại ít tác dụng phụ. Phụ nữ Á châu được mô tả có ít triệu chứng mãn kinh vì ăn nhiều sản phẩm của đậu nành, chứa nhiều isoflavones và phytosterols. Các chất này có công dụng như estrogens trong việc bảo trì màng niêm âm hộ, làm bớt phừng mặt, rỗ xương và giảm LDL.
             
            Từ rễ cây củ cải ( Mexican yam ), một loại thuốc nhờn có progesterone đã được chế và có công dụng như trên. Ngoài ra các dược thảo như đương quy ( Angelica sinesis), thăng ma( Cimici fuga), sinh địa ( Rehmania), cam thảo (licorice root) cũng có một vài công dụng trong việc giảm thiểu rối loạn mãn kinh.
             
            Chất béo cá omega 3-6 cũng có những tác dụng tương tự.
             
            Kết luận
             
            Trên đây là một số giải đáp về thắc mắc của vài tỉ muội, hy vọng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi.
             
            Nếu mãn kinh qủa thật là một vấn đề thì qúy phu nhân có rất nhiều bạn đồng cảnh, vì đâu có bà chị nào tránh được nó. Nó không phải là một bệnh hoạn, mà chỉ là một chuyển tiếp vào phần ba cuối cuộc đời. Đây là giai đoạn mà các cảm xúc, hành động của mình không do kích thích tố chi phối, mà là do mình dùng vốn liếng khôn ngoan, kinh nghiệm trường đời của mỗi người để thích nghi với hoàn cảnh.
             
            Mong rằng ai đó khéo vượt qua.
             
            BS Nguyễn Ý-ĐỨC
            Texas-USA
             
            http://www.ykhoanet.com/bsnguyenyduc/nyd083.htm
            #6
              HongYen 26.10.2007 14:09:36 (permalink)







              Thứ tư, 24/10/2007, 11:25 GMT+7




              Giảm đau bụng khi có kinh nguyệt
               





              Ảnh: Inmagine.
              Kỳ kinh là những ngày cực hình đối với nhiều phụ nữ bởi nó đi kèm với những cơn đau bụng ghê gớm. Việc vận động thể chất đều đặn có thể giúp giảm bớt sự khó chịu này.
               
              Ngoài ra, việc tắm nóng hay chườm nóng (ở bụng hay ở lưng) cũng có thể làm giảm bớt sự co bóp cơ.
               
              Nếu bị đau bụng thường xuyên, bạn nên đến bác sĩ phụ khoa khám và tư vấn. Vì rất có thể triệu chứng đau bụng khi có kinh nguyệt lại là dấu hiệu thông báo các bệnh khác như u nang buồng trứng, tắc nghẽn vòi trứng... Việc đến bác sĩ để chẩn đoán bệnh sẽ giúp bạn có phương hướng điều trị sớm để tránh những hậu quả xấu.
               
              Để giảm đau bụng khi hành kinh, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc giảm đau chứa progestagen. Thuốc này có tác dụng làm giãn cơ vòng của tử cung, ức chế sự co bóp, nhờ đó giảm đau đớn.
               
              Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên những người còn trẻ tuổi hay bị đau bụng vào những ngày “đèn đỏ” cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, dinh dưỡng và tâm lý để tránh những sợ hãi, lo lắng không đáng có, nhằm hạn chế mức độ đau bụng.
               
              Nếu đã kết hợp các biện pháp trên mà không mấy hiệu quả, nên nghĩ đến các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, bệnh ở cơ quan sinh dục... và đến bác sĩ khám.
              (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

               
              http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2007/10/3B9FB9A6/
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9