Chiên trong chảo dầu đen ngòm, thế nhưng món bánh tiêu giò chéo quẩy nóng giòn thơm phức cả thế kỷ qua vẫn là món ăn vặt quen thuộc của nhiều người Sài Gòn.
Bánh tiêu – giò chéo quẩy là hai món bánh khác nhau nhưng đều do những người Hoa đến Sài Gòn từ gần trăm năm trước mang đến. Cùng làm bằng bột mì nhưng bánh tiêu sử dụng thêm phần bột nở nhiều hơn. Nguyên liệu kèm theo là vani, muối, dầu ăn, đường, mè trắng.
Bột bánh tiêu sau khi trộn chung các loại gia vị sẽ nắn thành hình tròn bằng quả cam, rắc bột khô bên ngoài để không bị dính.
Phần bột, rắc mè trắng lên một mặt trước khi mang đi chiên. Bánh được cho vào chảo dầu to, dầu đun ở nhiệt độ cao. Khi chiên, bánh phồng to lên, khi bên ngoài vừa ngả màu vàng thì vớt ra để cho ráo dầu.
Bánh tiêu sau chiên to bằng cái chén, ngoài giòn thơm, trong xốp mềm, vị ngọt ngọt mặn mặn. Bánh tiêu thường được người miền Nam ăn kèm với bánh bò khiến cụm từ “bánh bò bánh tiêu” một thời trở thành tiếng reo quen thuộc trên mọi con phố Sài Gòn.
Giò chéo quẩy còn gọi là bánh quẩy. Giò chéo quẩy miền Nam to hơn nhiều lần so với quẩy miền Bắc và mềm xốp chứ không cứng giòn như nhiều loại quẩy vẫn thường ăn với phở ở miền Bắc.
Bột mì là nguyên liệu chính, người làm bánh cũng pha ít bột nở, ít muối để bánh phồng to. Bột bánh tươi được cán mỏng và dài khoảng 30 cm, người làm bánh kẽ giữa để bánh tách làm hai mảnh dính nhau. Giò chéo quẩy cũng được chiên trong dầu nóng.
Sau khi chiên, giò chéo quẩy phồng to, bánh ăn nóng sẽ rất ngon. Người Sài Gòn thường ăn giò chéo quẩy chấm với bạc xỉu nóng (sữa pha cà phê), ăn không lúc vừa mới chiên, hoặc ăn cùng cháo, hủ tíu.
Riêng bánh tiêu thì chỉ ăn không hoặc ăn cùng tách cà phê chứ không ăn kèm các món khác. Giá một cái bánh tiêu hoặc bánh giò chéo quẩy chỉ khoảng 3.000 đồng.
Mr. True/ngoisao.net