THI PHẨM CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG
THƠ NGÃ DU TỬ 20.07.2017 12:27:39 (permalink)
0
Thưa các bạn đọc của VN thuquan.net
Thế là Ngã Du Tử tôi đã in xong tập thứ 5, thi tập nầy có tên CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG viết về thiền thi, XB 2017 do NXB HỘI NHÀ VĂN ấn hành, trong thi tập nầy tôi chia thành 10 chương để độc giả dễ cảm nhận trong từng hoàn cảnh đối đãi, Lời Giới thiệu của nhà thơ Luân Hoán, lời thưa của Ngã Du Tử, lời bạt của các tác giả: Ninh Giang Thu Cúc và Đông Nguyên, còn 2 bài thơ cảm nhận của Miên Trường và Tâm Nhiên, Tôi sẽ lần lượt chuyển lên cho Vnthuquan.net để các bạn yêu thiền thi đọc. 
Kính, NDT
 
TẬP THƠ :CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG của NGÃ DU TỬ
 
GIỚI THIỆU
Nói về Thơ Lục Bát, chúng ta không lạ với những nhận xét quen thuộc, từ đám đông sinh hoạt chữ nghĩa, cụ thể:
1. Thơ Lục Bát là một hồn vía tinh túy từ một dân tộc lạc quan yêu thích thanh bình mà có.
2. Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ lục bát dù có dùng văn tự hay không. 
3. Ngôn ngữ Việt Nam vốn là cội nguồn của dòng thơ câu sáu, câu tám; luôn ẩn hiện, sinh động những cảnh sắc đời thường khởi đi từ dân dã.
4. Thơ Lục Bát là một thể loại dễ làm nhưng khó hay.vân vân ...
Tất cả những nhận xét trên  nghiêm chỉnh và chuẩn mực.
Với nhận xét riêng tôi, điều thứ tư, ngày nay đã được sự giàu có của giáo dục ngôn ngữ đã cải thiện rất nhiều. Có thể nói ngày nay, thơ lục bát hay gần như có mặt trong mọi người viết dùng thể loại này, nhất là các bạn trẻ tuổi. Nhờ thơ lục bát không bị đánh ngã bởi những tiến bộ của thơ Tự Do, thơ Tân Hình Thức... nên chính những người theo đuổi lối thơ giàu trí tuệ này lại có những tay lục bát rất xuất sắc.
Sở dĩ nói nhiều như vậy, chỉ để lót lời giới thiệu chân thành đến các bạn ngọn thơ lục bát của nhà thơ Ngã Du Tử.
Xin nói ngay, tôi sẽ không dám bàn về nội dung của bài thơ dài mà tác giả cho là trường ca, mang tên "Chơi Giữa Thường Hằng". Vui trước tin tưởng, đề nghị của anh, tôi chỉ giới thiệu vài nét đặc biệt trong lục bát của anh.
- Rõ nhất là chữ dùng. Ngã Du Tử thường dùng từ cổ kính nhưng đã khá quen thuộc. Những từ này nhiều khi mang cả điển tích, trước đây trong sách thường có chú thích. Cũng qua cách dùng chữ này, thơ lục bát của tác giả có bóng dáng thức giả, bác học và đường bệ hẳn ra. Những "trăng cổ độ", "giang đầu" "bể dâu" ... hơi xa xưa ấy, vẫn còn thích hợp, nhờ vần điệu và ý tưởng đẹp của bài thơ.
- Không khí cảnh tình trong lục bát Ngã Du Tử, sát rạt với những danh tác văn học Việt Nam, tôi tin mọi bạn đọc đều dễ nhận ra.- Thơ, theo tôi, là sự lặp lại và làm phong phú thêm do đó ý tưởng nhiều khi không mới, nhưng nhờ cách viết khéo ngôn ngữ làm đẹp câu thơ. Dĩ nhiên cái đẹp này phải phát xuất từ cảm nhận có hồn và chân tình của người viết. Những điểm mạnh này không thiếu trong mười bài lục bát Chơi Giữa Thường Hằng, được tác giả cho mỗi bài là một chương. Nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả trình bày, diễn tiến ra sao, mời quí bạn đọc để cảm nhận.
Riêng tôi, đây là một sáng tác hết lòng của Ngã Du Tử, và như vậy đã là tác phẩm tuyệt vời của anh. Anh đang chờ chúng ta đồng tình sau khi thưởng ngoạn. Tôi xin ghi tên tôi vào danh sách bạn đọc yêu thích thơ anh, trong đó có những dòng lục bát mà các bạn đang cầm trên tay.
LUÂN HOÁN 

LỜI THƯA
Thưa các bạn, thưa các độc giả thân mến
Mỗi hành trình một đời người trú ngụ trên trần gian đều chứng nghiệm muôn màu muôn vẻ của sinh lão bệnh tử, của thành trụ hoại diệt cái ấy khái niệm của Phật giáo là thường hằng, như thế thường hằng là hành trình đi của một kiếp người trú ngụ trên trần gian, bao giờ quay về với cõi vĩnh hằng là hết một hành trình, hết thực chứng thường hằng. Như vậy thường hằng là bất biến trong cõi vô thường.
Khi đã giáp một vòng mưa nắng hoa giáp, sự chứng nghiệm của đời người đã khá dày, khá đầy đủ trong cuộc làm người trước dâu bể cuộc đời đa đoan, đa gian nan, và thường họ quay về với cõi tâm linh để tìm cho mình với chốn an bình cho tâm thể. và tôi cũng vậy, với triết lý Phật giáo mênh mông bát ngát mà tôi may mắn dự phần nghiên cứu, nghiền ngẫm, công phu tu tập tôi nhận ra rằng chỉ nương vào diệu pháp ấy là đã nhẹ nhàng cho tâm thức lẫn tâm thể, và cảm thấy thật bình yên trong đối đãi cho từng mỗi mỗi người trong thế gian muôn mặt. Tôi nghĩ rằng thời nào thì sông vẫn chảy, thời nào ngày vẫn trôi, và thời nào mùa cũng đi như nhau, chúng ta hiện hữu trong cõi sinh diệt vô biên làm sao mà cưỡng lại được qui luật vô thường ấy, thù ghét hay giận hờn, oán trách chỉ làm cho ta thêm mõi mệt, phiền trược khổ não mà thôi, chỉ có mở rộng vòng tay đối đãi bằng thương yêu dẫu chưa được trìu mến cũng đem lại lợi lạc và bình yên cho tâm thức và  thể xác " bâng khuâng trên nhánh sông băng/ sao bằng tắm gội thường hằng pháp luân/ diệu thay dưới cội vô ngần" nếu chưa hài lòng với sự đối đãi với ai đó nhẹ tránh sang bên, có ai bảo mình dại dột hay hiền ngu đâu nào và nếu có như vậy cũng chẳng sao " Đi về gặp chuyện bất bình/ tránh qua ai bảo tâm mình hiền ngu" lòng lại nhẹ tênh dẫu có lênh tênh gợn chút sóng buồn, Trường thi CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG được chia ra 10 chương để các bạn và độc giả dễ nhận dạng từng hoàn cảnh đối đãi với tha nhân trong mỗi hành trình gặp nhau, làm sao nói cho hết chuyện đối đãi cuộc đời với cảm xúc đến đâu tôi viết đến đó trong vô cùng vô tận của trần gian vô biên. Dẫu gì thì đây là tập thơ viết về thiền thi, bằng thể loại thuần chất thơ lục bát Việt vẫn còn nhiều điều mà kiến giải của tôi còn hạn chế về thiền đạo, bời vốn nó to lớn quá, mênh mông quá, hy vọng là các bạn hay độc giả khi đọc xong thi tập nầy các bạn cũng có dăm ba phút vui vì lẫn trong những con chữ của thi tập nầy hoàn cảnh của mình hình như cũng được phản chiếu qua sự hiển hiện trong một vài hoàn cảnh nào đó.
Văn chương là thú chơi tao nhã, là nghiệp của mỗi thi nhân và tôi viết CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG như sự trả nghiệp chân thành mà chính mình tự chọn lấy trong hành trình đời sống của trần gian.
Rất mong sự lượng thứ của các bạn và các độc giả vì tình văn nghệ mà hoan hỉ trong cái nhìn thiền thi qua lăng kính ngôn ngữ của bản thân tác giả. 

Kính, NGÃ DU TỬ, SÀI GÒN/ VIỆT NAM
cuối xuân Đinh Dậu 2017
 
CHƠI  GIỮA THƯỜNG HẰNG 
CHƯƠNG MỞ ĐẦU: VƯƠNG VẤN 

Bến tình còn nổi vương mang
Vầng trăng cổ độ vừa ngang giang đầu
Trăng khuya xanh ngát một màu 
Người tìm gieo hạt bên cầu tâm linh 

Phải chăng đối bóng lẫn hình
Dòng sông trực ngộ khi bình minh lên
Rằng quê quán lẫn tuổi tên
Hình như từ ấy lỡ quên mất rồi 

Chiều nào giủ áo ra phơi
Bên đường gặp phải một lời từ tâm
Từ khi trăng đã là rằm
Còn đâu quê quán trăm năm cõi người 

Ta về ngắm khóm vô ưu
Gặp em trên nhánh ưu tư phận mình
Ô hay một nhánh phù sinh 
Còn bao nhiêu mộng phiêu linh rợp ngày 

Nghêu ngao mở lỏng vòng tay
Con chim mộ đạo đậu vào tánh không
Hát vang câu hát phiêu bồng 
Ngàn năm không sắc, sắc không bên trời 

Em từ theo đuổi cuộc chơi
Đuối bao nhiêu mộng bên đời thanh lương
Gặp nhau trong cõi hằng thường
Ai hay trăm nhánh sầu vương tơ vò 
 
Nổi niềm đầy rẫy âu lo
Đã bao nhiêu lệ đẫm pho sử tình
Một đời cay đắng điêu linh
Còn không lối rộng giữa thinh không nầy? 

Trời xanh biết mấy tầng mây
Tầng nào vừa nở chân ngày bước vô
Khoan dung từng bước giang hồ
Giục người khách tục tung hô lên rằng : 

“Bâng khuâng trên nhánh sông băng
Sao bằng tắm gội thường hằng pháp luân
Dịệu thay dưới cội vô ngần
Vui thay nhận ánh hào quang rạng ngời” 
 
NGÃ DU TỬ 
(Còn nữa)
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2017 22:42:35 bởi THƠ NGÃ DU TỬ >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9