THƠ NGÃ DU TỬ
-
Số bài
:
1088
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 26.01.2009
|
Re:THI PHẨM CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG
-
01.09.2017 23:30:14
Sau khi thi phẩm ra đời có nhiều bài viết của anh chị em văn nghệ viết cảm nhận về CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG của Ngã Du Tử, Tôi lần lượt trích để các bạn đọc. Kính, NDT CẢM NHẬN TẬP THƠ “ CHƠI GIỮA THƯỜNG HẰNG” của NGÃ DU TỬ. Mỗi cuộc hạnh ngộ, chia ly trong cuộc đời này đều là do duyên định đoạt. Đúng sai, hư thực, có không , thường biến hay bất biến đều do lẽ trời sắp đặt. Con người, mỗi khi họ nhận ra được lẽ vô thường của số kiếp nhân sinh bởi tạo hóa xoay vần, giữa đôi bờ sinh diệt thì sẽ bừng ngộ, sẽ tiếc nuối và nhiều khi lại dửng dưng bất chấp. Và cứ thế rong chơi cho phỉ ngày tháng tang bồng. Đọc tập thơ “ Chơi giữa thường hằng” của nhà thơ Ngã Du Tử, tôi có cảm nhận như thế. Tập thơ xinh xắn, thiết kế trang nhã, được chia làm hai phần. Phần chính “ Chơi giữa thường hằng" gồm 10 chương tương ứng là 10 bài thơ, chừng hơn 400 câu lục bát, khuynh hướng thiền rõ rệt, phần hai là những bài thơ rời. Ngoài hai phần chính là lời giới thiệu, lời bạt, lời thưa và cảm nhận của chính tác giả và các nhà văn, nhà thơ thân quý. Đây là điều ít khi có của một tập thơ. Tuy nhiên, nhờ những yếu tố này, đã giúp người đọc dễ nhận diện hơn, hiểu hơn cõi lòng thẳm sâu của tác giả để đồng điệu, sẻ chia, để giải mã được những tín hiệu nghệ thuật… từ đấy cảm xúc dễ dàng thăng hoa. Đặc biệt, một khi có sự cộng hưởng, giao thoa thì sự hiểu thấu về những cuộc gặp gỡ tâm hồn như thể định sẵn của duyên nghiệp để cùng say sưa trong từng ý thơ lấp lánh, lung linh, ảo diệu của Phật pháp nhiệm mầu. Để cảm nhận hết điều tác giả gửi gắm trong tập thơ, có lẽ chúng ta phải mất khá nhiều thời gian nghiền ngẫm. Vậy nên, trong khuôn khổ trình bày trong khán phòng này, tôi chỉ xin dành ít phút nêu vài cảm nhận của cá nhân khi đọc tập thơ ngõ hầu tìm sự tri âm, đồng điệu.Thật vậy, giữa cuộc mưu sinh đầy hệ lụy của chốn nhân gian nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng lắm nỗi buồn, bất trắc, đôi khi thực tế bắt con người thỏa hiệp để thích ứng, đối phó và khiến tâm hồn ta trở nên cỗi cằn, chai sạn, suy nghĩ biếng lười, hờ hững. Nhìn thời gian trôi qua một cách dửng dưng, nghe lá rơi chiều, trông bóng hoàng hôn tím chân trời mà không mảy may xúc cảm…Vậy mà, người thơ Ngã Du Tử vẫn làm một cuộc rong chơi giữa thường hằng như một sự bất chấp, trêu ngươi, phá tung sự kiềm tỏa, ngưng trệ để tìm về bản ngã, tìm về những điều thẳm sâu mà chỉ có văn chương mới dẫn lối đưa đường, neo giữ trong trái tim chúng ta những gì đẹp nhất, đáng trân trọng nhất.Đọc tập thơ, nhất là phần đầu, với 10 chương như 10 phân đoạn dù mỗi phân đoạn là một bài thơ lục bát. Nhưng khá hoàn chỉnh, trọn vẹn cả ý lẫn tình. Mỗi bài thơ mở ra theo mỗi hướng nhưng lại nhất quán trong chiều suy tư, trăn trở của tác giả. Nhà thơ, qua từng câu lục bát nhẹ nhàng nhưng lắng đọng như muốn đưa người đọc khám phá, tìm hiểu một cách đa chiều những câu thơ đậm chất thiền nhưng cũng rất đời : "Bến tình còn nỗi vương mang/ Vầng trăng cổ độ vừa ngang giang đầu/ Trăng khuya xanh ngát một màu/ Người tìm gieo hạt bên cầu tâm linh". Có điều gì day dứt qua những vần thơ dẫu biết rằng cuộc đời nhiều hệ lụy, con người ta phải đương đầu nhiều khi vật vã vì cơm áo nhưng văn chương đã cứu rỗi tâm hồn. Như cái duyên, cái nợ không thể dứt. Người thơ ấy vẫn đi về trong suy tưởng, để một hôm nào đó nhận ra rằng không dễ gì dứt áo, buông xuôi. Vẫn còn đây những gì đã cũ, đã qua và lòng vẫn còn những “ Vương vấn” nhất định để mộng mị tâm tư, để trở trăn hoài niệm. Tất cả đã là quá khứ nhưng hiện tại vẫn cứ thôi thúc bắt ta nhớ về. Để rồi: Nghêu ngao mở lỏng vòng tay/ Con chim mộ đạo đậu vào tánh không/ Hát vang câu hát phiêu bồng/ Ngàn năm không sắc, sắc không bên trời. Như nhà thơ nhận định, mà thật vậy đây là tập thơ viết về thiền, âm hưởng thiền đậm đặc trong từng ý, từng lời. Dù biết rằng tìm về thiền đạo, Phật pháp là một quá trình vì nó bao la, rộng lớn. Tuy nhiên những gì tác giả rong "Chơi giữa thường hằng" thể hiện cũng đáng trân trọng, ghi nhận. Chúng ta hãy đọc lại những câu thơ này nhé:"Kể từ định mệnh quá giang/ Nghiệp duyên thuở ấy về ngang tim người" Hay: "Diệu thay dưới cội vô ngần/ Vui thay nhận ánh hào quang rạng ngời".Điều dễ nhận thấy trong những câu thơ trên là tinh thần bát nhã đã hiện hữu. Giữa cuộc tồn sinh của kiếp người, rủi may, được mất là lẽ thường tình. Có lẽ tác giả ngộ ra nên nhiều suy nghiệm, giãi bày. Thật vậy, nếu chúng ta chưa vội đọc hết 10 bài lục bát mà tác giả cho là mười chương, khi đã đọc 10 tựa đề của mười chương chắc chúng ta cũng thấy phần nào tác giả gửi gắm tâm tư những giải bày mà Ngã Du Tử đã chứng nghiệm. Những hình ảnh, câu từ đậm chất thiền phần nào giải mã được góc khuất tâm hồn người thơ đầy trăn trở giữa chốn hỗn độn của kiếp người trầm luân. Ở phần 2 là 17 bài thơ với nhiều đề tài, thể loại khác nhau nhưng là sự gặp gỡ của một tâm hồn nhiều băn khoăn, thao thức trên hành trình của đời sống trần gian của kiếp người hữu hạn. "Sông có lúc phải nghẹn nguồn ghềnh thác/ Đời phong trần đến lúc sẽ hân hoan/ Là yêu mến mở cõi lòng khắp cả/ Thong thả cùng theo lớp sóng ầm vang" Quy luật cuộc đời nghiệp ngã, nhưng khi chúng ta hiểu được thì cũng sẽ rất nhẹ nhàng đón nhận, vượt qua. Yêu thương, chia sẻ và tương trợ cùng tâm thế an bằng trong tâm hồn, vững tin nơi thể chất, mọi khó khăn chẳng là gì trên bước đường xuôi ngược. Tôi xin khép lại phần cảm nhận của mình bằng những câu thơ trong bài “ Gọi gió ngàn lên” như một thông điệp về niềm tin, ước vọng và về sự lạc quan trong cõi đời này : Gọi gió ngàn lên tiếng Ầm ào những đợt xô Rừng lau rung theo gió Như cánh chim tung trời Ngõ cũ hồn đã thức Ngày lên xanh ngập lòng Ai bên trời còn ngóng Gió mới về bên sông. Một vài cảm nhận của riêng mình về tập thơ “Chơi giữa thường hằng” của nhà thơ Ngã Du Tử. Xin cảm ơn nhà thơ, cảm ơn quý vị yêu thơ đã lắng nghe TRẦN ĐỨC SƠN
|