Bán sỉ các loại "sĩ"
-
21.08.2017 10:49:22
Bán sỉ các loại "sĩ"
Cửa hàng ở phố Đông mới mọc lên bỗng chốc khiến cho dân tình qua lại nhốn nháo hẳn.
Trước đây, phố Đông là xứ sở bình yên, chỉ chuyên bán mật ong và đường phục vụ dân sinh. Có thể thấy, khắp dãy phố đều tăm tắp các cửa hàng nhỏ xinh như cái hộp diêm này đều bán cơ man nào là: mật ong rừng, mật ong nhà, mật ong pha nước, mật ong công nghiệp; đường cũng có đường cát, đường phèn, đường trắng, đường vàng, đường nâu, đường công nghiệp và vô số, ti tỉ các loại mật ong cùng đường khác nhau. Người mua và người bán tự lâu đã xem nhau như tri kỷ, đến nỗi mà, có hôm người bán đường cát trong ngõ ốm, cả hội tiêu dùng phố Đông sốt vó rủ nhau đến thăm, chẳng sót lấy một ai. Họ kể chuyện, cửa hàng bán đường cát đóng cửa mấy hôm, con dâu cãi mẹ chồng như chém chả, bố đánh con cứ xơi xơi..., tất cả chỉ vì thiếu đường, thiếu gia vị ngọt ngào cho cuộc sống vốn chỉ có "chanh" và "mắm tôm" của họ.
Ngẫm thiệt là cay, trạng thái yên bình cứ thế lũng đoạn phố Đông một thời gian khá dài. Cho đến một ngày, một hôm, một buổi... cũng chẳng rõ là sáng hay chiều, một gã tai to mặt lớn, vằn ngang sẹo dọc, bụng bự, đầu hói, da vàng, đặt phịch bàn toạ xuống cái ghế nhỏ như vật trang trí trước cửa hàng mà chủ cũ vừa mới chuyển đi hôm chủ nhật. Mấy ngày sau là tiếng ồn ào của thợ đục, đẽo, khắc..., bụi bay mù mịt khắp phố. Tất cả chỉ dừng lại khi tay chủ cửa hàng vừa rít điếu thuốc, vừa cười khà khà nhìn tấm biển hiệu sơn đỏ khắc chữ nổi màu vàng nâu: "DUY - Chuyên bán sỉ - lẻ các loại "sĩ".
Cái biển hiệu thật chẳng giống ai. Khiến ai đi qua cũng phải bàn tán. "Mặt hàng" lạ lùng này trần gian đã ai bán bao giờ. Từ khi nào người ta bán cả "các loại sĩ" vậy? Mà "sĩ" ấy là gì? Thiệt không nén nổi tò mò. Tay chủ cửa hàng quả là bậc thầy về mặt truyền thông. Chỉ chưa đầy vài phút, khi tấm biển hiệu vừa dựng lên, thậm chí tên thợ đục còn chưa phủi bụi xong, người đã đến xếp hàng đông như kiến cỏ. Đến nỗi mà gã chủ còn phải điều cả vợ con, rồi thì cả bà giúp việc ra để tiếp khách.
Người đến với cửa hàng, kẻ cần thì ít mà tò mò, hoài nghi thì nhiều. Một tay phóng viên năng nổ của một tờ báo đã đóng vai một người mua, xếp hàng nhẫn nại từ tận hai giờ chiều tới tám giờ tối để được mục sở thị món hàng độc nhất vô nhị này.
Cuối cùng thì sau rất nhiều chờ đợi, mệt mỏi, nóng bức, sau cái lườm nguýt, cấu véo, xô đẩy của kẻ đứng sau, tay phóng viên đã có được thứ đồ ưng ý. Gã về nhà, rập rình, lén lút, khoá chặt cửa vào, vừa như thằng tự kỷ, vừa như tên ăn trộm, không muốn ai trông thấy mình. Vợ con gã, gã cũng giấu biến. Tất cả là vì tên chủ cửa hàng đã đặc biệt nhắc đi nhắc lại: nhất thiết không được để cho ai trông thấy, không-một-ai mới xong.
Gã mân mê, xoay xoay cái hộp tròn tròn, nở nang, vô cùng gợi tình trong tay, ánh mắt sáng lên rạng rỡ lạ kỳ. Rồi gã mở he hé hộp, hít hà hương thơm vừa vụt bay ra. Ngào ngạt. Gã hồi hộp, rồi tự trấn an mình.
Cái hộp vừa lộ thiên thì hương thơm đã toả lan khắp phòng. Ngan ngát. Quyến rũ. Say mê. Mùi hương này còn nồng hơn cả thứ nước hoa rẻ rúm mà vợ gã hay dùng, khiến gã tưởng tượng, nếu đây là một cô gái, gã sẽ "làm chuyện đó" ngay lập tức.
Bên trong cái hộp, sờ vào thì thấy một lớp bột mịn hơn làn da đàn bà, lại mướt như tấm lụa thượng hạng, xoa vào lòng bàn tay thì nhanh chóng tan biến như bọt biển. Gã thích lắm, say lắm. Gã rướn gọng kính lên, đọc đi đọc lại nhiều lần tờ hướng dẫn sử dụng nhét một cách có ý tứ bên trong vỏ hộp. Ban đầu, gã chỉ định xem thử cái sản phẩm này là gì mà dân tình kéo đến đông như tiền tận thế. Nhưng bây giờ, gã gần như nghiện. Thứ bột mịn màng này còn diệu kỳ hơn cả phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi xoa lên mặt, gã thấy khoan khoái hẳn. Da gã là thứ da dày, đến cọng lông tơ mềm dẻo là thế mà cũng không biết cách nào luồn lách lên được, nữa là mấy tên râu quặp, râu chổi, râu tre. Ấy vậy mà vừa bôi có một lượt, da dẻ đã mịn như trẻ con, rồi thì râu ria đâm ra tua tủa. Tóc gã cũng chực dài ra, mướt như vừa xoa dầu bóng, gã lấy cái dây thun buộc lại gọn gàng sau gáy.
Không ai nhận ra cái gã ưa sạch sẽ, quần áo chỉ vướng tí chút bụi trần cũng bắt vợ đi vò lại, có thể ba ngày không tắm, cả tuần không gội đầu. Gã cả ngày chỉ ngồi trong nhà, thao thức bên cái kiệt tác của gã - một cái thứ loằng ngoằng, khó hiểu của đen và trắng trên cái ô chữ nhật rộng bằng khổ A0.
Đến khi gã bước ra thì vợ con gã mừng như điên:
-Mình à, xong chưa? Ông khách làng bên hôm bữa đặt 2 tỉ hẹn chiều nay qua lấy rồi đấy. Mình xong rồi đúng không?
Gã khe khẽ gật đầu. Vợ con gã hú hét ầm trời. Cái giấc mơ đổi đời của thị sắp thành công rồi. Thị sẽ ăn vận như gái phố, áo phông, quần soọc, đi bar, sàn, rung, lắc, cho thoả những tháng ngày quẩn quanh cơm nước, rượu chè hầu hạ đàn ông nhà thị đi gánh việc giang san. Nghĩ đến đó, thị sướng quá, uống không nổi cốc nước, phun phì phì ra ngoài, phun hết cả vào mặt thằng con đang chơi bắn bi. Thị giật ngay lấy hòn bi trong tay nó, bảo:
-Từ giờ, mày không phải chơi thứ này nữa. Mai tao dẫn mày đến trung tâm ngoại ngữ xịn nhất, học tiếng sang nhất. Mày sẽ được đi nước ngoài, cả thế giới sẽ bao la trước mắt mày, chứ không phải là cái làng Đông tối như cái gầm chạn này nữa.
-Mẹ, con không muốn đi. Con chỉ muốn chơi bi thôi - Thằng bé khóc lóc.
Thị cộc vào đầu nó một cái rõ đau:
-Mày dở hơi thế! Bao nhiêu đứa muốn đi mà không được. Mày con nhà quan mà tính nhà lính là sao?
Rồi thị chép miệng, thoả sức nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng trước mặt. Thị sẽ có một cái nhà lầu, to bằng cái nhà của ông hội đồng, mà hôm trước đi ngang qua đó, thị nhổ một bãi phẹt xuống đất:
-Thổ tả! Giàu gì mà giàu thế!
Giờ thì cái đất nhà thị chuẩn bị lại có kẻ qua phỉ nhổ rồi. Thị mơ màng sung sướng.
Còn chồng thị, ờ, gã, là cái kẻ mà cũng lâu lâu lắm rồi, hai cụ thân sinh lúc còn sống, không cho gã được theo nghiệp vẽ vời. Họ bảo, đó là thứ khoa trương, không thiết thực, không mang lại cơm áo gạo tiền. Họ cho rằng, làm cái nghề gì mà bốc được thức ăn cho vào mồm ấy. Thế là gã đi làm chuyên gia ẩm thực cho một tờ báo có tiếng. Chủ tờ báo thấy gã có vẻ nhanh nhẹn, đánh hơi nhanh hơn loài chó, lại đẩy đi làm chuyên gia săn tin giật gân: cướp, hiếp, giết, đại loại như thế.
Lăn lộn bao nhiêu năm trong nghề, rốt cuộc, gã cũng chưa có được căn nhà "nằm nghe mưa nắng" đàng hoàng đúng nghĩa, chỉ có những lần bị người ta sỉ vả, rượt cho bạt mạng khi lỡ may tung tin nhà người "treo đầu dê, bán thịt chó", "ông ăn chả, bà ăn nem".
Chán chường, nhưng sống thì vẫn phải sống thôi. Nhiều lúc buồn, gã lại nghĩ đến cái ước mơ được làm hoạ sỹ đã theo chân gã như nhân tình tri kỷ từ thuở còn tiểu học. Hồi ấy, cô giáo giao bài vẽ chân dung con chó nhà hàng xóm. Trong khi lũ bạn hí ha hí hoáy, vẽ con cầy tơ tròn lăn như ấm tích, béo như cục bột, thì gã lại vẽ chú cẩu nằm trong nồi, da bọc lấy xương, ốm nhay ốm nhắt. Cô giáo cả giận, bắt gã đứng co chân suốt buổi học. Nhưng gã chẳng lấy thế làm buồn. Gã có lý tưởng riêng của gã. Và gã vẫn vẽ cho đến trước khi lấy vợ.
Thoáng chốc đã qua bao nhiêu năm. Giấc mơ ngày nào tưởng đã xanh cỏ từ lâu, ai ngờ, chỉ cần có cơ hội là đội mồ sống dậy.
Vợ gã nhìn bức tranh:
-Mình ơi, đây là gì thế?
Gã liếc:
-Mình không thấy à? Đúng là đồ đàn bà, chẳng biết gì. Rồng đấy!
-Tranh trừu tượng có khác! Em thấy giống y con giun đất - Vợ gã cười - Nhưng thôi không sao. Miễn ông khách chi 2 tỷ kia thấy đẹp là được.
Qua buổi chiều, ông khách nọ đến lấy bức tranh, tấm tắc khen lấy khen để. Gã mát mặt lắm.
Sau khi gã bán được tranh với giá cắt cổ, thì một đồn mười, mười đồn trăm, người đặt hàng tranh gã chắc phải ngang ngửa dân của nửa phố Đông.
Gã cứ thế giàu lên nhanh chóng.
Nhưng gã đã quên một chuyện. Thứ bột mà gã mua không phải là vạn năng. Nó có giới hạn và phải được trả giá. Đó là điều mà tay chủ cửa hàng đã nói loáng thoáng trước khi gã ra khỏi đó, song lúc ấy, gã vội nên cũng quên khuấy mất. Dùng được vài ba ngày thì mặt gã bắt đầu ngứa ngáy, rất khó chịu. Da lại dày lên, phồng rộp. Gã thậm chí đã lấy phấn của vợ đánh phủ lên, nhưng cũng che không hết.
Gã bứt rứt lắm, những khi ngồi nói chuyện với khách hàng mà tay gãi mặt liên hồi. Nhưng ông khách cũng không lấy làm phiền, tưởng rằng đấy là thói quen khác người của mấy tay nghệ sỹ. Chỉ có gã là muốn phát điên, vì càng gãi càng ngứa.
Giờ gã mới để ý. Từ lúc tay chủ cửa hàng đến đây, phố Đông dường như kỳ kỳ sao ấy. Mụ vợ gã hôm trước còn ông ổng hát bài ca của tên bán tiết canh đầu làng, giờ đã thành Nhạc sỹ: "Ăn đi em, tiết canh thịt gà, là là lá la là la là...". Còn thằng em hay chơi đề đầu ngõ sáng nay bỗng đọc thơ của chàng Thi sỹ vẫn bán keo dính chuột dạo: "Một là bắt được chuột ngay/ Hai là không phải thò tay mình vào/ Chả phải dễ quá hay sao/ Keo hay như thế con nào chẳng sa... ". Tên chích heo ngày nào cùng học tiểu học với gã giờ cũng đã thành Nha sỹ, bác sỹ răng - hàm - mặt của bệnh viện Chợ Đông. Vợ gã hôm bữa cho thằng út đi nhổ răng sâu, là vì dạo trước, nó ăn nhiều đường quá, răng sâu lại chạm đúng vào dây thần kinh, rồi chẳng biết tên nha sỹ chích heo nhổ ra kiểu gì, suýt méo mồm. Từ đó, thị cạch, không cho đi nhổ nữa. Có nhổ cũng ra nước ngoài mà nhổ, có chết cũng thấy sang. Thị nói độc mồm độc miệng.
Rồi thì cái thằng pê đê, hay ăn quỵt tiền nhà lão bán phở, lại khoe khoang đã đi làm Ca sỹ. Gã gặp hắn ở hàng nước chiều nay, lúc hắn đi ngang qua lả lướt với thằng nhân tình rõ đẹp trai.
Cả làng Đông hình như ai ai cũng vui sướng vì đã thực hiện được ước mơ của mình. Chỉ có điều, thứ bột này xoa lên mặt, đúng là lưu lại thứ hương mê hoặc thiệt, nhưng sao lại ngứa một cách điên cuồng. Gã thấy năm thằng ngồi uống rượu với nhau thì có đến bốn thằng gãi mặt, bụi rơi lả tả vào đĩa dồi non, khiến bà bán hàng bị đổ oan, đổi đi đổi lại mấy lần. Sau tiếc của, bà đi rình, thấy hoá ra chẳng phải dồi của bà có vấn đề, mà là tại mấy thằng kia cứ liên tục gãi, bà mắng té tát:
-Cha mẹ chúng mày, ham danh hám "sĩ" cho lắm vào rồi ngứa cho rách mặt, còn đứng đấy mà đòi đổi. Đổi đổi cái l... Có tin là bà đào mả chúng mày lên không. Cút ngay!
Rồi bà vừa lấy dép vừa đuổi lũ kia chạy bán sống bán chết. Gã đang cười khành khạch bỗng chột dạ, toan về.
Mặc dù càng ngày càng ngứa, da mặt càng lúc càng sần sùi, rỗ mục như tổ ong, nhưng gã thực sự vẫn điên dại chưa muốn dừng lại. Gã sợ, nếu một ngày bột kia hết tác dụng, gã sẽ lại trở về với cái nghề cũ, đói nghèo, tranh của gã sẽ chẳng ai mua, cái ước mơ thành hoạ sỹ của gã lại đành gác bỏ. Vâng, chẳng ai mua tranh của một kẻ hoang tưởng và bất tài như gã. Như cô giáo dạy Mỹ thuật thuở thiếu thời của gã từng nói: "Tranh của cậu chẳng có nghệ thuật gì sất. Chúng quá ngu ngốc và an toàn. Cậu sẽ chờ đợi người ta nhìn thấy con rồng từ con giun đất cậu vẽ ư? Không thể nào. Trừ khi cậu là một hoạ sỹ lừng danh". Bây giờ, gã mới thấy cô giáo nói đúng.
Hư danh là thứ thật phù phiếm.
Gã chỉ đang đau đầu vì thời hạn của loại bột này là ba năm. Nghĩa là chỉ ba năm mà thôi. Gã băn khoăn có muốn mua tiếp hay không, hay là bỏ cuộc? Chỉ là càng dùng lâu thì cơn ngứa sẽ không khỏi lan ra khắp người. Trước đây, gã là cái thằng vốn ưa sạch sẽ, chưa bao giờ bị ngứa, giờ cơn ngứa kéo đến, khiến gã hoàn toàn không chịu nổi.
Nghe đâu hình như có mấy ông như gã, không chịu nổi ngứa nên đã đến đập cửa nhà tay chủ cửa hàng mua nước tẩy trang. Đó toàn là mấy ông sợ chết. Nước tẩy trang cũng chẳng phải là rẻ. Và sẽ làm trôi sạch mọi vinh quang trước đây họ có.
Gã ngập ngừng, gã không muốn thế.
Một hôm, tay gã không thể vẽ được nữa. Cơn ngứa đã bắt đầu phá huỷ đến lục phủ ngũ tạng. Vợ gã vội đi mời thầy lang giỏi nhất đến khám. Rồi gã uống bao nhiêu là loại thuốc nóng trong, dùng không biết bao kem bôi da cũng không thấy xi nhê gì.
Gã ngày càng kiệt quệ, đến nỗi không ăn được cả cơm. Nhưng gã vẫn cố gắng vẽ. Cho đến ngày, gã nằm liệt một chỗ.
Vợ gã tra hỏi mới biết gã dùng kem bôi của tay chủ cửa hàng. Vội vàng, vợ gã đem cáng khiêng gã đến, ăn vạ và đòi bồi thường.
Đến nơi thì thấy tay này vừa bị công an bắt, trong tiếng reo hò vui vẻ của đám con nít. Hắn bị bắt vì sử dụng chất cấm trong kem dưỡng da. Khi trông thấy gã nằm im như xác chết trên cáng cạnh mụ vợ chanh chua chỉ chực chửi đổng, hắn cười khẩy một cái rất duyên rồi nhìn cái còng số 8 trên tay, ngoan ngoãn lên xe. Mọi người phố Đông ai cũng xỉa xói:
-Đáng đời tên lưu manh chết tiệt!
Tiếng còi cảnh sát hú lên một lúc rồi mỗi lúc một xa dần.
Ôi chết rồi! Còn nước tẩy trang! Hắn bị bắt rồi thì biết mua ở đâu? Gã gọi vợ gã muốn giữ tay kia lại, nhưng không thể cất được tiếng, chỉ thều thào như gió thoảng bên cạnh mụ vợ vẫn rủa xả không ngừng.
Phố Đông từ đấy lại được bình yên.