Vạch trần các loại ngụy tác trong Phật Giáo
Quê Hương Mến Yêu 03.09.2017 22:59:43 (permalink)
Trước hết tôi xin có vài lời muốn nhắc nhở "một vài" vị trước khi đọc bài này. Bài này không phải là do kẻ ngoại đạo viết để đả kích hay chia rẽ Phật Giáo, và càng chẳng phải để suy tôn ai và hạ thấp kẻ nào, dù kẻ viết này cũng là một kẻ VÔ MINH như bao chúng sinh khác, chỉ khác chút xíu ở chỗ có tí duyên với Pháp và Luật của Như Lai. Xin hãy "bình tĩnh" đọc để có cái nhìn khách quan và tránh để tâm khởi sân loạn động.
 
 
      I.Tổng quan:
      Từ những năm gần đây khi nền văn minh nhân loại được ổn định và trên đà phát triển, mọi thứ học thuật đều được người ta chú trọng nghiên cứu. Phật giáo cũng không đi ngoài khuynh hướng ấy, vì rằng là đạo của Giác ngộ, giáo lí thật vô cùng phong phú, để phù hợp cho việc truyền bá tư tưởng Phật-đà đến cho mọi người không thể không có sự tham cứu nghiền ngẫm trong pháp học cũng như pháp hành để giúp cho đạo thuật ngày càng lôi cuốn, khuyến khích cho kẻ tu học cũng như người mới biết đạo thấy được cái hay trong Phật Pháp mà năng nổ quy y giáo phụng hành. Như thế mới thật là lợi lạc quần sinh, tốt đẹp lắm thay! Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị chân chính của Phật Pháp thật còn có những thứ “rơm rác” làm hoen ố bẩn thỉu đi bức bình phong mỹ lệ của đạo Giác. Chúng ta gọi những thứ ấy là các loại tà pháp ngụy điển lẫn lộn trong Kinh Phật, những luồng tư tưởng tà vạy sai trái của người đời sau này do không ý thức giác ngộ Phật Pháp mà sinh ra những lí luận quá ư đi lệch với quỹ đạo của nhà Phật. Hình thức bề ngoài những loại ngụy kinh này tuy cũng giả làm Kinh Phật, trình bày cấu trúc cũng như Kinh thật vậy, nội dung cũng đề cập chuyện Phật Trời Tăng đạo, kẻ không biết thì ngỡ là Phật nói, kì thực đều là Ma lộng cả thôi!
        Trước tác này viết nên nhằm mục đích vạch trần cho quý vị về danh sách của tất cả các loại ngụy kinh tà pháp bị lẫn lộn với Kinh Phật, là khuôn thước để cho người tu học nên cảnh giác khi cầm hay xem qua những loại ngụy tác giả tạo này để tránh sa vào tà kiến lầm lạc trong đường tu.
        Từ những năm độ khoảng nửa sau thế kỷ XX cho đến thời gian đầu thế kỷ XXI này, các nhà học giả cũng như các bậc tôn túc tăng ni đổ vào nghiên cứu thẩm định Kinh Pháp rất nhiều, vấn đề ngụy kinh không còn là chuyện mới mẻ chi nữa. Trước tác này cũng không nhằm nói nhiều về vấn đề ấy, chỉ bình phẩm trên phương diện khái lược tổng quan, là cây cầu để dẫn dắt người đọc dần dần bước vào nội dung chính sẽ trình bày ở phần sau.
        Ở đây, chúng ta không cần phân tích dông dài, vì vấn đề này đã được phổ cập trong nhiều bài viết nghiên cứu về Kinh nghi ngụy. Có người đặt ra câu hỏi như:
        - Kinh điển Đại Thừa có phải là ngụy tạo chăng?
        Nhiều bài viết đã trả lời cho điều này. Đứng trên phương diện chủ quan của những người tu hành theo các hệ phái Phật giáo Nam Tông, điển hình là Theravāda, tất nhiên họ không phải lúc nào cũng công nhận sự tồn tại của Kinh điển Đại Thừa như là những gì chân chính mà Phật thuyết, có khi coi đó như điển tịch của ngoại đạo vậy, chỉ tôn sùng vào hệ thống Tam Tạng nguyên thủy Pāli. Nhưng, đứng trên phương diện khách quan của các nhà nghiên cứu một cách nghiêm túc, Kinh điển Đại Thừa là hệ thống các trước tác do những đệ tử Phật biên tập về sau này, có những tư tưởng mới khác và mới mẻ hơn so với Kinh điển Nikaya Nam truyền. Chúng là kinh thư được phát triển ở đời sau, tuy được biên chép thành văn bản mãi đến 500 năm sau khi Phật nhập diệt mới có mặt, vì thế nghi ngờ Kinh điển Đại Thừa vẫn có một số luận cứ; song, rốt lại thì quan điểm cho rằng Kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo thật không thể đứng vững. Không ít bài viết đã đưa ra luận cứ với những lí lẽ hùng hồn để bảo hộ biện minh cho Kinh điển Đại Thừa, xác chứng đó không phải là “thứ hàng nhái”, “hàng giả mạo kém chất lượng” như nhiều người Phật tử họ cho là "bảo thủ" suy nghĩ đến.
        Trong bài viết này, tác giả cũng không bàn luận nhiều về vấn đề ấy. Việc tranh luận về tính xác thực của Kinh điển Đại Thừa đã có nhiều bài nghiên cứu đưa ra chứng minh, vì thế không đề cập ở đây. Tuy nhiên, tác giả cũng đưa ra quan điểm của mình khi viết về chủ đề này. Rõ ràng, tác giả cũng như nhiều ý kiến khách quan không thể mặc nhiên gán cho toàn bộ hệ thống Kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo được. Bởi vì sao? Nếu toàn bộ Kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo, là giả dối, vậy thì đâu cần phải có bài viết này làm gì, thống kê danh sách các ngụy kinh làm chi, cứ việc “chụp mũ” rồi phán rằng Kinh Đại Thừa là giả tạo hết cả thôi. Nhưng đó là một phán quyết hời hợt vô trách nhiệm, cái nhìn hết sức chủ quan thiên kiến và hẹp hòi. Quả thật, trong cái đúng cũng có cái sai, trong cái sai cũng có cái đúng, mọi sự vật hiện tượng đều chỉ mang tính tương đối mà thôi, dù ngay cả Kinh Phật cũng như vậy. Dẫu nói Kinh điển là pháp vô vi đưa đến Niết-bàn, nhưng đã là pháp vô vi thì làm gì có vật chất văn tự nào diễn tả nổi, thế mà Kinh điển đã ghi ra giấy mực chữ viết thì chính những quyển Kinh đó cũng chỉ là pháp hữu vi mà thôi. Chấp vào văn tự kinh điển, tự cho rằng cái mình đúng còn cái của người là sai, đó cũng là kẻ chấp vào pháp hữu vi vậy, chẳng xứng đáng là đệ tử nhà Phật dù họ luôn "tự hào" nói lên rằng: “Tôi mới thật là Phật tử, tôi tu hành theo giáo lí thuần túy nhất, chính xác nhất của Phật dạy. Ai mà đi khác đường với tôi, bất đồng ý kiến với tôi thì nhất loạt đều là tà ngụy”. Lời nói của họ thật là đại ngôn! Đại ngôn của những kẻ ngu si chấp pháp!
        Thông qua bài viết này, không nhằm mục đích đả kích một tông phái hay một hệ tư tưởng nào trong Phật giáo cả, vì bất kỳ sự phán xét nào nếu không cẩn thận đều sẽ là lời nói cuồng vọng theo một ý kiến chủ quan phiến diện, không có cái nhìn toàn thể bao quát được các nền tư tưởng Phật giáo đã tồn tại khách quan lâu đời. Nội dung chủ yếu ở đây là liệt kê, vạch mặt tất cả những loại tư tưởng sai trái, những dạng ngụy kinh, ngụy tác giả mạo làm Kinh Phật với những giáo lí sai lầm, xuyên tạc lời dạy của đức Phật, gây nguy hại cho những ai thụ trì đọc tụng những thứ ngụy điển này lắm.
        Các loại ngụy kinh này chủ yếu là thanh lọc trong các văn hệ Tạng Kinh của Phật giáo Bắc truyền. Thanh lọc như thế nào?Hoặc là truy tìm nguồn gốc xuất xứ của Kinh, hoặc kiểm duyệt nội dung có phù hợp với tư tưởng nguyên thủy mà đức Phật giảng dạy hay không. Thông qua đó, chúng tôi nhận thấy có hai loại hình thức Kinh nghi ngụy như sau:
        1) Kinh nghi ngụy nằm ngay trong chính Đại Tạng Kinh, hoặc cũng được nhiều đời xem là Kinh Phật chính hiệu. Song khi tra xét xuất xứ của Kinh cũng như nội dung, có thể thấy nhiều quan điểm lệch lạc, mâu thuẫn với giáo lí gốc của Phật, cũng như dịch giả hay soạn giả không rõ ràng minh bạch. Loại trước tác giả tạo này thường là do chính các vị xuất gia – là hàng đệ tử trong cửa Phật – nhưng lại dám to gan cùng mình. Có thể, những vị xuất gia này khi có được thành tựu đôi chút trong việc tu hành, họ phát kiến ra những tư tưởng mới và cho rằng tư tưởng của mình hay hơn cả những gì Phật thuyết, vô minh còn mang phủ dày đặc, thế mà mạo danh đức Phật để "thuyết" Kinh rồi cho ghi chép lại để "truyền" cho hàng hậu học, hoặc cũng có sao chép một số tư tưởng đúng đắn trong Kinh thật rồi lồng ghép vào những tư tưởng sai lệch, cũng có khi là tự tiện trình bày hết tất cả tư kiến cá nhân của mình rồi đóng mác "Lời Phật dạy". Đôi khi, có những kẻ tiếng là đệ tử Phật, mới tu gặt hái được chút ít công hạnh, đã vội cho rằng mình đã Giác ngộ, có thể sánh ngang hàng với Phật, thậm chí giỏi hơn cả Phật, lòng đại kiêu mạn bùng phát mạnh mẽ, dám cả gan tạo dựng Kinh ngụy. Ngoài ra, còn có một số Kinh điển do những pháp sư người Trung Hoa ngụy tác, chúng rất nhiều chứ chẳng phải ít, một phần đã bị phát giác là giả mạo, nhưng một phần vẫn được đưa vào Đại Tạng Kinh chỉ vì chúng có lợi ích nhất định cho giai cấp thống trị Trung Hoa, nhằm mục đích bóp méo tư tưởng Phật giáo phục vụ cho chính trị phong kiến ngu dân áp bức.
        2) Kinh nghi ngụy do dân gian lưu truyền. Loại hình trên thì do những người xuất gia Phật giáo giả tạo, có thể được chép bằng tiếng Sanskrit, bằng tiếng Hán... Song, đối với loại hình thứ hai này thì chắc chắn là ngụy tạo, do một cá nhân nào đó pha tạp giữa tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian tạo thành. Đa số những loại kinh này được viết bằng chữ Hán, nhưng không phải tất cả đều do người Trung Hoa tạo ra, ngay cả ở Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản cũng có vậy. Chúng ta nên biết cả ba quốc gia này đều ảnh hưởng bởi nền văn hóa Hán học, cho nên việc họ sử dụng chữ Hán để ngụy tạo kinh điển cũng là chuyện bình thường. Đọc các loại văn bản Kinh ngụy dân gian này, quý vị hoàn toàn có thể thấy có "mùi" địa phương và phong tục tín ngưỡng ở những vùng miền khác lạ, không phải là giáo lí của đạo Phật Ấn Độ. Tiêu biểu như một số kinh giả ở Việt Nam, tuy nội dung cũng có nói về Phật Bồ-tát hay nhân quả luân hồi chi chi đó, nhưng lại lấy nhân vật trung tâm là bà Mẫu chẳng hạn, thì đó hoàn toàn là kinh ngụy tạo, không phải Kinh Phật mà là của ngoại đạo (Đạo Mẫu), người Phật tử chân chính chớ nên phụng trì mà uổng công tốn sức ở hiện tại và vị lai.
        Thiết nghĩ, trước tác này thật vô cùng lợi ích cho người tu hành. Vì sao thế? Vì với nội dung sắc bén, tượng trưng như lưỡi kiếm vô tình chém nát hết tất cả ma ngoại. Trước tác này nhằm phá giải ngụy điển, bài bác tà pháp, nhằm vén màn u ám mà mở ra Chính-kiến cho người tu. Trong Bát Thánh Đạo, Chính-kiến đứng đầu, rất là quan trọng. Người tu học Phật không tin vào Chân Kinh, lại đi thụ trì tin tưởng vào Kinh ngụy, tất không tránh khỏi mê lầm tà kiến ngoại đạo, ắt phải sa đường lạc lối mà thôi.
        Dẫu biết rằng viết ra bài này ra có thể động chạm đến không ít những kẻ cương cường hiểm ác. Chỉ trích tà kiến, phơi bày Chính-pháp, đó là công việc hộ pháp phải trực diện đối đầu với Ma Vương, chắc chắn khiến cho oán tặc căm phẫn, ác nhân ác quỷ đều phồng mang trợn má, tìm cách mưu hại tiêu hủy hoặc xuyên tạc phê phán lắm chứ. Vâng! Lời nói của tác giả hoàn toàn là nói chân thật, không mảy may giả dối lường gạt, nên mới khuyên quý vị nếu ai đã đọc xem qua bài này cũng cần trân trọng mà lưu truyền đến nhiều người được biết, đó là bậc người hộ pháp chân chính của Phật giáo vậy. Bằng như quý vị đã không tin tưởng, còn phỉ báng khinh chê, cho rằng trước tác này nói sai sự thật, lộng chân thành giả, động chạm đến các kinh đã có từ lâu đời và những bậc Tổ đã tạo nên chúng, bảo rằng chúng tôi chia rẽ Phật giáo, nói xằng nói bậy, công kích chê bai, ấy thực là các vị vẫn còn bướng bỉnh vậy thôi! Kẻ bướng bỉnh không tin lời thật, a dua theo những lời hứa hẹn hão huyền của ngụy kinh, gây ra sai lầm cho biết bao nhiêu người, đấy là mang tội với Phật Pháp vậy, còn dám mạnh miệng mà xưng làm Phật tử nữa ư?
 
        II. Danh sách và phân giải các loại Kinh nghi ngụy:
        1. “Phật thuyết Cao Vương Quán Thế Âm Kinh”:
        Còn có nhiều tên gọi như “Cao Vương Quán Thế Âm Chân Kinh”, “Đại Vương Quán Thế Âm Kinh”, “Cứu Sinh Quán Thế Âm Kinh”, “Tiểu Quán Thế Âm Kinh”, “Phật thuyết Quán Thế Âm Chiết Đao Trừ Tội Kinh”. Kinh này được thâu vào trong Nghi ngụy bộ của “Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh”. Ngụy kinh này có thể là được lấy nguồn ở “Phẩm Phổ Môn” của Kinh Pháp Hoa và “Kinh Mười Câu Quan Âm”, do một danh sĩ nào đó đã theo đấy mà biên tập, ra đời vào trong khoảng triều Lưu Tống? Hoặc có thể trước đó là triều Bắc Ngụy?
        Loại kinh này ra đời do tín ngưỡng mãnh liệt của dân gian vào hình tượng cứu khổ cứu nạn của Quán Thế Âm Bồ Tát, dùng phương tiện tụng niệm để biên tập, nhằm nhấn mạnh khả năng ban phát ơn huệ cứu rỗi của vị Bồ Tát này.
        Về nguồn gốc của kinh này, có ba thuyết, trong đó thuyết được chấp nhận nhiều nhất thì cho rằng bản kinh này là của Tôn Kính Đức soạn tác:
        - Căn cứ “Tục Cao tăng truyện” của luật sư Đạo Tuyên ghi chép, kinh này ra đời trong niên hiệu Thiên Bình (534 – 537) dưới thời vua Hiếu Tĩnh Đế triều Bắc Ngụy, có một vị quan giữ kho tàng là Tôn Kính Đức, bị dính vào oan khiên hạ ngục. Khi bị tra khảo, ông đành phải nhận mình có tội, bị phán cho án tử sắp bị đem giết. Ở trong tù, ông không ngừng tụng niệm “Phẩm Phổ Môn” cầu nguyện Quán Thế Âm, sau nằm mơ thấy một vị Sa-môn dạy ông tụng niệm một nghìn biến “Cứu Sinh Quán Thế Âm Kinh”. Tỉnh dậy rồi, ông bắt đầu tụng niệm kinh này. Đến khi ông bị giải ra pháp trường, lạ thay, lưỡi đao chém xuống bị đứt gãy, thân thể không bị tổn thương. Chuyện lạ này đến tai quan Tể tướng Cao Hoan, Tể tướng bèn dâng sớ xin tha tội chết cho ông, và yêu cầu triều đình phải phân bố kinh này khắp toàn quốc, khuyên người tụng niệm. Kinh này về sau được gọi là “Cao Vương Quán Thế Âm Kinh”, bắt đầu lưu truyền trong dân gian. Trong bộ “Đại Đường nội điển lục” cũng có ghi chép tương tự, chuyện này còn được ghi trong bộ “Pháp Uyển Châu Lâm” và “Khai Nguyên Thích giáo lục”.
        - Còn theo hai bộ sử là “Ngụy Thư” và “Bắc Sử” ghi nhận, kinh này là do Lư Cảnh Dụ truyền bá. Trong khoảng năm Thiên Bình triều Bắc Ngụy, người anh họ của Lư Cảnh Dụ là Lư Trọng Lễ nổi quân phản kháng Cao Hoan bị thất bại, Lư Cảnh Dụ bị liên lụy phải hạ ngục. Ông bèn thành tâm tụng kinh, khóa sắt tự nhiên vỡ tung ra. Đương thời có người bị tội phải chịu giam trong ngục chờ xử chết, mộng thấy một vị hòa thượng giảng nói Kinh Phật, người này bèn tỉnh dậy ráng nhớ lại rồi chép kinh ra một nghìn biến, đến khi bị lôi ra chém thì đao bỗng đứt gãy. Người chủ quản sau đó được lệnh xá tội cho ông ta. Từ đó về sau kinh này bắt đầu lưu truyền. Học giả người Nhật Bản là Mục Điền Đế Lượng cũng cho rằng đây là trước tác của Lư Cảnh Dụ.
        - Theo sách “Phật Tổ thống ký” của Chí Khánh triều Nam Tống ghi chép lại cố sự của Tôn Kính Đức, nhưng tình tiết có điểm bất đồng. Niên hiệu Hà Thanh thứ hai (563) triều Bắc Tề, Vũ Thành Đế Cao Trạm tạo tượng Quán Thế Âm. Nhân phạm tội sắp tử hình, sau khi tụng niệm kinh này một nghìn biến, khi lâm hình đao bị đứt làm ba đoạn, do đó khỏi chết. Chí Khánh cho rằng kinh này là do Vương Huyền Mô (388– 468) nhà Lưu Tống soạn truyền. Năm Nguyên Gia thứ 27 (450), Vương Huyền Mô nhận lệnh Bắc phạt, thảm bại, giam vào ngục sắp giết đi, tụng niệm kinh này mà khỏi chết.
        Như vậy về nguồn gốc xuất xứ ta đã biết, tác giả của quyển kinh này có ba thuyết cho là ba người khác nhau: Tôn Kính Đức, Lư Cảnh Dụ hoặc Vương Huyền Mô. Điểm giống nhau giữa ba người này là đều bị tội hạ ngục, tội nhân viết kinh cầu thoát chết, và quả thật người đời cho rằng nhờ họ tụng kinh cầu Quan Âm mà khi đao chém phải gãy, không gì tổn hại được. Tuy nhiên, đứng trên phương diện học thuật, kinh này chắc chắn không phải do Phật thuyết, mà là tác giả nằm mộng mị rồi nhớ ra viết lại. Căn cứ trên xuất xứ hoàn toàn có thể kết luận đây là “Ngụy Kinh”.
        Dưới đây, xin tạm trình bày nội dung của ngụy kinh này, quý độc giả thưởng thức xem:
        Quán Thế Âm Bồ Tát!
        Nam mô Phật,Nam mô Pháp, Nam mô Tăng!
        Nước Phật có duyên, Phật Pháp tướng nhân, thường lạc ngã tịnh, có duyên Phật Pháp. Nam mô Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật! Đại thần chú này! Nam mô Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật! Đại thần chú này! Nam mô Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, là Vô-thượng-chú! Nam mô Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật! Là Vô-đẳng-đẳng-chú:
        Nam mô Tịnh Quang Bí Mật Phật, Pháp Tạng Phật, Sư Tử Hống Thần Túc U Minh Phật, Phật Cáo Tu Di Đăng Vương Phật, Pháp Hộ Phật, Kim Cương Tạng Sư Tử Du Hý Phật, Bửu Thắng Phật,Thần Thông Phật, Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Phật,Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Phật; bảy Phật quá khứ, nghìn Phật vị lai Hiền kiếp, một nghìn năm trăm Phật, một muôn năm nghìn Phật, năm trăm Hoa Thắng Phật, trăm ức Kim Cương Tạng Phật, Định Quang Phật.
        Danh hiệu sáu Phật sáu phương: Đông phương Bửu Quang Nguyệt Điện Nguyệt Diệu Tôn Âm Vương Phật, Nam phương Thụ Căn Hoa Vương Phật, Tây phương Tạo Vương Thần Thông Diễm Hoa Vương Phật, Bắc phương Nguyệt Điện Thanh Tịnh Phật, Thượng phương Vô Số Tinh Tiến Bửu Thủ Phật, Hạ phương Thiện Tịch Nguyệt Âm Vương Phật, vô lượng chư Phật, Đa Bảo Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật, Di Lặc Phật, A Súc Phật, Di Đà Phật.
        Trung ương nhất thiết chúng sinh, kẻ ở trong thế giới Phật, hành trụ ở trên đất, và ở trong hư không, từ ưu với tất cả chúng sinh, thảy khiến yên ổn nghỉ ngơi, ngày đêm tu trì, tâm thường cầu tụng kinh này, hay diệt sinh tử khổ, tiêu trừ các độc hại.
        Nam mô Đại Minh Quán Thế Âm! Quán Minh Quán Thế Âm! Cao Minh Quán Thế Âm! Khai Minh Quán Thế Âm!
        Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Lương Bảo Sơn Ức Vạn Bồ Tát, Phổ Quang Vương Như Lai Hóa Thắng Bồ Tát. Niệm niệm tụng Kinh này.
        Bảy Phật Thế Tôn, liền nói chú rằng:
        ‘Li-bà-li-bà-đế, Cầu-ha-cầu-ha-đế, Đà-la-ni-đế, Ni-ha-ra-đế, Tỳ-li-ni-đế, Ma-ha-già-đế, Chân-lăng-càn-đế. Sa-bà-ha!’. (bảy biến)
                                                Mười phương Quan Thế Âm,
                                                Tất cả các Bồ Tát,
                                                Thệ nguyện cứu chúng sinh,
                                                Xưng danh thảy giải thoát.
                                                Nếu có người trí tuệ,
                                                Ân cần vì giải thoát,
                                                Chỉ là có nhân duyên,
                                                Tụng đọc miệng không ngớt;
                                                Tụng kinh mãn nghìn biến,
                                                Niệm niệm lòng chẳng tuyệt,
                                                Lửa đốt không thể hại,
                                                Đao binh liền đứt gãy.
                                                Thù hận sinh hoan hỷ,
                                                Người chết trở thành sống,
                                                Chẳng nói đây là hư,
                                                Chư Phật không nói dối.
                                                Chư Phật nói chẳng giả,
                                                Bởi vậy nên đảnh lễ,
                                                Trìt tụng mãn nghìn biến,
                                                Tội nặng đều tiêu tan,
                                                Phước dày kẻ tin vững,
                                                Chuyên công thụ trì kinh.
 
        Quý vị xem! Chúng ta xét về mặt nội dung kinh này. Hoàn toàn không hề có sáu loại thành tựu, tức là không có mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy” hay “Như vậy tôi nghe” để chứng minh là ngài A-nan nói. Không có thời điểm, không có trú xứ, càng không rõ ai thuyết kinh này. Chẳng nhắc tới chuyện Phật ở đâu nói kinh, mới mở đầu vào đã nói huyên thuyên không rõ ràng. Không có Tỳ-khưu chúng hội, chẳng có ai hoan hỷ vâng làm. Tác giả soạn kinh này dường như không phải là người chuyên giỏi về cách thức trình bày Kinh Phật để ngụy cho giống. Có bịa đặt cũng phải làm sao cho người khác tin chứ! Người có trí vừa cầm quyển kinh này liền có thể biết là kinh ngụy, nội dung ngắn ngủn, chẳng có bố cục đầu đuôi. Còn văn phạm giáo nghĩa thì viết lung tung, không đề cập gì tới đạo lí, chẳng dạy những lí thuyết nhà Phật như Tứ Thánh Đế, Bát Chính Đạo, Duyên khởi, Ba-la-mật v.v... gì cả. Toàn kinh văn chỉ liệt kê ra một dãy các vị Phật, mà trong khi đó chỉ có 6 vị là Phật Dược Sư, Phật Đa Bảo, Phật Thích Ca,Phật Di Lặc, Phật A Súc, Phật Di Đà thì có Kinh điển ghi chép, còn lại các vị Phật kia chẳng biết đào ở đâu ra, không hề có tài liệu kinh điển nào truyền lại cả. Phải chăng tác giả còn dám bịa tên Phật?
        Ngụy kinh nào cũng tự đề cao mình, luôn hứa hẹn rằng ai tụng niệm kinh sẽ được thứ lợi này niềm vui nọ kì diệu kia. Bản kinh này cũng thế, bảo rằng tụng niệm thì sẽ: lửa đốt không cháy, đao binh vỡ tan, oán thù tháo gỡ, thậm chí là chết đi sống lại, tội nặng mấy cũng tiêu tan... Còn dặn đây là lời Phật chẳng giả dối. Kì thực vẫn là giả, vì đây không phải là lời Phật! Đức Phật Thích Ca theo một hình mẫu nguyên thủy và thuần túy, Ngài không bao giờ dạy tín chúng đi quỵ lụy van xin ơn phước cứu rỗi của một đấng thiêng liêng nào cả. Ngài đã dặn dò mọi người rằng: “Tự mình làm ngọn đèn cho chính mình”. Lấy Chính-pháp của Phật y giáo phụng hành, tự mình giải thoát, có lí nào đi cầu van kẻ khác, nói rằng nhờ họ mà dù lửa dao cũng không giết được, hay là chết rồi sống dậy... lời nói huyền hoặc chẳng thể tin được!
        Bản thân chúng ta là những người Phật tử chân chính, đối với Ngụy kinh phải cực lực phản đối, không nên để cho chúng tiếp tục tồn tại mà gây ra sự hiểu lầm của người đời đối với đạo Phật. Kiểu kinh như thế này, chả trách sao lắm kẻ hủy báng thóa mạ nhà Phật là cuồng loạn mê tín, nói xằng để mê hoặc phù phiếm người ngu! Thật ra thì những thứ kinh này nào có phải của nhà Phật đâu, cũng do bọn ngu xuẩn cao ngạo trong dân gian tự tiện viết ra rồi gán cho nhà Phật. Nhiều vị không hiểu, lại mắng Phật đạo là mê tín, là huyễn dối, thế có phải là oan ức lắm sao? Tội nghiệp lắm sao?
        Vì vậy, từ nay trở đi, quý Phật tử khi gặp những loại Kinh ngụy như thế này, cần nên có những biện pháp như sau:
        (1) Truy tìm nguồn phân phát, dùng tiền tài để mua lại hết số lượng kinh giả đang phát hành rồi đem tiêu hủy hết đi;
        (2) Xét ra ai đã chủ mưu lưu hành kinh giả này, nên có biện pháp cảnh cáo họ, nếu cần thiết thì sẵn sàng dùng đến pháp luật nhà nước về tội tuyên truyền văn hóa phẩm mê tín dị đoan;
        (3) Rộng khuyên mọi người, những ai có niềm tin vào Phật Pháp, chỉ cho họ biết Kinh thật Kinh giả. Khuyên răn mọi người chớ nên đọc tụng, lưu hành, ấn tống những loại kinh như thế này. Nếu gặp phải kinh giả, không cần phải e dè sợ mang tội làm chi, cứ việc xé bỏ, hoặc đốt đi,... đừng để tồn tại mới phải.
        QUYẾT TÂM KHÔNG DÙNG KINH GIẢ! BÀI TRỪ NGỤY KINH! ĐỀ CAO CHÍNH PHÁP! TIÊU HỦY KINH GIẢ LÀ HỘ TRÌ PHẬT PHÁP, CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG!
        2. “Địa Mẫu Chân Kinh”:
        Kinh này còn gọi tắt là Kinh Địa Mẫu, tương truyền là do Diêu Trì Kim Mẫu cơ bút mà có. Kinh này không hề có trong danh mục Đại Tạng Kinh, chẳng phải là kinh nhà Phật mà pha tạp các yếu tố về đạo Mẫu, đạo Nho và đạo Lão, khi truyền bá ở Việt Nam thì được đạo Cao Đài chấp thuận như kinh điển của mình.
        Đạo Cao Đài là ngoại đạo, chẳng phải thuộc đạo Phật. Mặc dù họ đề xướng “Ngũ chi quy giáo”, là Nho – Thích – Lão – Gia – Hồi năm tôn giáo hiệp làm một do một “Đấng Chí Tôn” (Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát) thống lĩnh. Tuy nhiên, nhà Phật không chấp nhận lí thuyết này, việc họ xưng tuyên thế nào chẳng quan trọng vì đó chỉ là lí luận của tôn giáo khác mà thôi. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng khác, tác giả không nhằm xúc phạm đạo Cao Đài, nhưng không thể nào thừa nhận việc họ xem thường và đánh giá đức Phật quá thấp, cho rằng Phật chỉ đứng dưới Cao Đài Thượng Đế, trong khi hình tượng đó chỉ mới được tạo dựng chưa đầy một trăm năm.
        Kinh Địa Mẫu là kinh ngoại đạo, nội dung không hề đề cập gì đến lí thuyết đạo Phật cả. Nhân vật trung tâm của kinh chính là Diêu Trì Tây Vương Mẫu, đạo Cao Đài tự tôn nhân vật này là Kim Mẫu, Tiên Mẫu, Phật Mẫu, Đại Từ Tôn, hợp hòa cùng với đức Ngọc Hoàng Cao Đài Thượng Đế chưởng quản tam giới, là cha mẹ chúng sinh. Nguồn gốc của sách này có lẽ xuất phát từ tiên đạo và được viết ra qua các buổi hầu bút và chịu ảnh hưởng bởi lưỡng cực âm dương của Đạo giáo. Bản Kinh này được viết bằng chữ Hán, sáng tác vào ngày 9 tháng 1 năm 1829 tại tỉnh Thiểm Tây, phủ Hán Trung, thành Cố Huyện. Miếu Địa Mẫu, người nhập đàn truyền "kinh" có tên là Phi Loan. Như vậy, kinh này ra đời trong thế kỷ XIX, do một người đàn bà viết nên, người đời gọi bà ta là hóa thân của Phật Mẫu Diêu Trì.
        Kinh Địa Mẫu sử dụng rất nhiều yếu tố Phật giáo, có thể khiến cho những người Phật tử sơ cơ nhầm lẫn đây là kinh Phật. Khi lưu hành ở Việt Nam, kinh này trình bày bìa là Bồ Tát Quán Thế Âm nhưng lại chú là Diêu Trì Kim Mẫu, đây là điều hoàn toàn sai lầm! Mở đầu kinh cũng có Tịnh pháp giới, Tịnh tam nghiệp, Phổ cúng dường, xướng lễ Phật – Pháp – Tăng, tuy nội dung không phải là kính lễ Tam Bảo của Phật giáo nhưng cũng khiến cho những người chưa mấy am tường về Tam Bảo nhầm lẫn. Đặc biệt Phật A Di Đà và Phật Di Lặc (hai vị Phật được đề cập trong Phật giáo Bắc truyền) cũng được kinh này xưng danh hiệu và kính lễ.
        Sau phần chính văn của kinh, có đoạn thơ viết rằng:
                                                “Nam mô Địa Mẫu ân độ sanh vô lượng
                                                Ân bảo trì cứu tử lại vô biên
                                                Mẹ của nhân gian, mẹ Thánh mẹ Hiền
                                                Hàng Phật tử chúng con nguyền ghi nhớ”.
        Rồi:
                                                “Nam mô Địa Mẫu xin mẹ ban ân lành
                                                Cho Việt Nam Phật giáo thịnh hành
                                                Được tôn nghiêm mầu nhiệm với viên thành
                                                Cho con mẹ bốn phương đều kính mẹ”.
        Có đề cập đến “Phật tử” và “Việt Nam Phật giáo”, vậy là đã đề cập trực tiếp đến nhà Phật rồi. Tuy nhiên, trong Tạng Kinh Phật chẳng hề có ghi truyền vị Bồ Tát hay Phật Mẫu là Diêu Trì Địa Mẫu cả. Ở đây có một sự gán ghép hết sức khiên cưỡng, thiếu thành ý và không thể chấp nhận của người biên soạn Kinh Địa Mẫu này.
        Bà “Phật Mẫu” Diêu Trì kia là ai? Bà ta nguyên là Tây Vương Mẫu trong tín ngưỡng Đạo giáo Trung Hoa. Trong thời cổ đại, khi người Tàu còn thờ phụng to tem (linh vật), Tây Vương Mẫu lúc đó vốn là một vị nữ thần mình cọp đầu người, hình dạng hung dữ. Song đến thời Tần Hán thì đổi lại là một người đàn bà hiền lành. Ngay trong sách thần thoại của Trung Hoa cổ là “Sơn Hải Kinh” và “Mục Vương truyện” có kể về bà nữ thần này. Theo ghi chép ấy thì Tây Vương Mẫu là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vườn cung Diêu Trì là nơi bà ta sinh sống và có trồng những loại cây bàn đào trường thọ. Việt Nam vốn dĩ là nước nông nghiệp có truyền thống tín ngưỡng đạo Mẫu, đề cao vai trò của người Mẹ, cho nên khi hình tượng Tây Vương Mẫu sang Việt Nam đã bị đạo Cao Đài xuyên tạc gọi đó là Phật Mẫu Diêu Trì, là mẹ của các Thần Thánh Tiên Phật? Một sự nhào trộn giữa tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo và Phật giáo lại với nhau, hết sức mâu thuẫn, phi lí, không còn ra thể thống gì nữa. Một nữ thần thấp kém, chỉ mớ tưởng tượng của người Tàu vậy mà lại đưa vào làm Phật Mẹ với chả Phật Bà, tôn sùng hết sức sai bậy lắm! Nếu Diêu Trì là Phật Mẫu, vậy tại sao Ngọc Hoàng chỉ là Đại Bồ Tát? Hóa ra chồng mà chức thua cả vợ sao? Thật hết sức đảo điên!
        Văn hóa Việt Nam nước ta tín ngưỡng đạo Mẫu, từ xưa đã có nhiều truyền thuyết về Mẫu ra đời, như Phật Mẫu Man Nương, Thượng Ngàn Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh v.v... đó là những hình tượng đượm nhuần chất Việt. Trong khi đó, Ngọc Hoàng và Diêu Trì xuất phát từ Trung Hoa,khi sang Việt Nam lại bị biến cải, dây cà ra dây muống, ngẫm lại thật vô cùng nực cười làm sao! Chẳng biết kẻ nào tà kiến ngu si, lại đem người đàn bà thần thoại này mà dám cho là Mẹ của tất cả chư Phật được sao? Phật giáo không bao giờ chấp nhận điều này! Tư tưởng này đích thị là tà kiến, cần phải nên bài trừ lập tức.
        Và một điều nữa càng nên chỉ trích kinh này, đã là kinh ngoại đạo thì chớ nên lộng giả thành chân, đem cả hình thức của Phật giáo lồng vào. Ở trước kinh đã tự tiện thêm những nghi thức trì tụng của Phật giáo Bắc truyền, ở sau lại còn có cả “Bát-nhã tâm kinh” và “Chú Vãng Sinh” là thế nào?
        Cuối kinh còn có đoạn viết rằng:
                                                “Chúng Thích tử kiền thành xưng tán
                                                Đấng Mẫu nghi vô lượng lợi sanh”.
        Chúng Thích tử nghĩa là những người con của Phật Thích Ca, chỉ cho những người xuất gia và tại gia của Phật giáo. Quy nguyện của đạo Phật rõ ràng đã nói: “Quy y Phật! Không quy y trời, thần, quỷ vật”. Từ xưa tới giờ đệ tử nhà Phật chỉ quy y xưng tán đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và đạo lí giác ngộ giải thoát của Ngài thôi, chẳng ai “điên dại” mà đi xưng tán “Đấng Mẫu nghi” Diêu Trì nào cả. Rõ ràng tác giả viết bài kinh này với dụng tâm hết sức bẩn thỉu, đê hèn, xuyên tạc Phật Pháp, đem ma chướng ngoại đạo hòng phá hủy Chính-pháp, gây ra sai lầm tai hại cho nhiều hàng Phật tử!!!
        Thông qua đây, tác giả muốn khẳng định: Kinh Địa Mẫu  là tà kinh ngụy điển, chẳng phải Phật Pháp. Kinh này từ bên Tàu đưa sang Việt Nam, bị sự thêm thắt nên càng biến chất, không cầu tự lực giải thoát giác ngộ Niết-bàn, không giảng trí tuệ giáo pháp Như Lai, lại đi khuyên nhủ con người đi tôn thờ van lạy một đấng Mẫu tưởng tượng không hề có thật. Khi gặp những loại kinh sách thế này, chẳng nên ngại ngùng lo sợ mang tội mắc nghiệp chi cả, chỉ việc xé nát đốt bỏ đi thôi! Phải nên biết, hủy diệt kinh này là công đức vô lượng, phước báu tràn đầy, vì đó là các vị chống đối Ma Vương, đối nghịch với tà kiến, quyết không đi chung đường với kẻ ngu xuẩn ngoại đạo. Thế mới đích thực là con nhà của đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni vậy!
 
(Vẫn còn tiếp. Mời quý vị đón xem phần sau)
 
https://www.facebook.com/...880561770/?pnref=story


 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9