PHẢN BÁC LUẬN THUYẾT: “DÙNG NHO VÀ ĐẠO THAY THẾ TIỂU THỪA TU HỌC” CỦA PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG.
Quê Hương Mến Yêu 03.09.2017 23:06:58 (permalink)

Trước tiên quý vị nào chưa hiểu căn nguyên vì sao viết bài này thì xin hãy xem 2 video do Pháp sư Tịnh Không thuyết rồi hẳn đọc bài dưới:

-- Dùng Nho dùng Đạo để làm nền tảng tu học: http://youtu.be/MdMJ3yA_Jto

-- Dùng Nho và Đạo thay cho Tiểu Thừa Tu Học , Thành Tựu Đức Hạnh: http://youtu.be/tLvCrR4e-2c
     Trong suốt một thời gian dài có thể đối với Phật tử Việt Nam vẫn chưa được hiểu rõ ràng về cái gọi là Đại Thừa và Tiểu Thừa, trong khi điều đó đối với Phật giáo Trung Quốc luôn có sự phân biệt chúng như hai khái niệm nhị nguyên đối lập nhau. Từ bao đời nay nhiều bậc tổ sư Trung Hoa đã vạch ra đường lối cho nền Phật giáo của họ là: “đè nén Tiểu Thừa, đề cao Đại Thừa”. Thậm chí họ bỏ luôn không bao giờ giới thiệu đến cho đại chúng về cái gọi là “giáo lí Tiểu Thừa” mà thay vào đó lại xuất hiện lí luận là dùng Nho giáo và Đạo giáo để đặt nền tảng đi lên tu học “Đại Thừa Chính Tông”. Thật không ngờ thứ lí luận đó vẫn còn lưu truyền cho đến tận ngày nay thông qua lời giảng của một vị pháp sư mà chắc hẳn khá nhiều người trên thế giới này biết đến, nhất là những tín đồ Tịnh Độ có thể nói là phần lớn đều xem vị pháp sư đó như là một “idol” (thần tượng) hoặc là hóa thân của một Bodhisatta (Bồ-tát). Vâng, đó chính là pháp sư Tịnh Không!
     Trong một bài giảng pháp âm video dài tập có tên gọi là Tịnh Độ Đại Kinh giải diễn nghĩa của vị “Bồ-tát” này, vâng,có thể nói là dung lượng của nó dài không kém gì các phim ảnh Đài Loan, Hàn Quốc, hứa hẹn sản xuất ra những tập giảng mới để cho đám tín đồ ngóng cổ háo hức trông đợi vị pháp sư này “diễn xuất Phật Pháp”. Trong một mớ tập giảng dài loằn ngoằn ấy có một trích đoạn của vị pháp sư này được đặt dưới một cái tên giống như những gì đã nói ở trên: “Dùng Nho và Đạo thay cho Tiểu Thừa tu học,thành tựu đức hạnh”. Trước khi đưa ra phân tích và phản biện đối với lí luận này, xin được trích ra nguyên văn lời giảng của Tịnh Không ở dưới đây:
     Do có rất nhiều người hỏi tôi: ‘Thưa pháp sư Tịnh Không! Vì sao thầy đề xướng và ? Những thứ ấy đều chẳng phải là Phật giáo’. Họ không biết, từ giữa đời Đường trở đi, Phật giáo Trung Quốc không học Tiểu Thừa.Trong kinh điển, đức Phật đã dạy: "Phật tử không học Tiểu Thừa trước, sau đó học Đại Thừa, chẳng phải là đệ tử Phật", Phật không thừa nhận. Cớ sao quý vị chẳng làm theo quy củ của đức Phật?
     Các kinh luận Tiểu Thừa được dịch sang tiếng Hán vô cùng đầy đủ, tôi chẳng chú tâm nghiên cứu, nhưng Chương Gia đại sư bảo tôi, đối chiếu Tam Tạng của Nam Truyền Tiểu Thừa với Tứ A Hàm trong Hán Tạng, tạng Nam Truyền chỉ nhiều hơn các kinh điển Tiểu Thừa trong Hán Tạng năm mươi mấy bộ. Gần ba ngàn bộ kinh điển mà chỉ nhiều hơn năm mươi mấy bộ,có thể thấy Tứ A Hàm đã được phiên dịch khá hoàn bị. Phật giáo sau khi được truyền đến Trung Quốc, đúng là trước học Tiểu Thừa, sau học Đại Thừa, đặt vững cơ sở nơi Tiểu Thừa; vì sao từ giữa đời Đường trở đi chẳng cần nữa? Hai tông Tiểu Thừa, tức Thành Thật Tông và Câu Xá Tông, chẳng còn nữa, hiện thời ngay cả tên gọi cũng chẳng nghe nói tới. Tổ sư đại đức Trung Quốc dùng Nho và Đạo để thay thế Tiểu Thừa vẫn được! Quý vị thấy một ngàn bảy trăm năm qua, trải các đời, bao nhiêu cao tăng đại đức, bao nhiêu vị tổ sư xuất hiện, cũng có nghĩa là dùng Nho và Đạo để thay thế bèn tốt đẹp, càng thân thiết hơn nữa. Hơn nữa, tâm lượng của Nho và Đạo rộng rãi hơn Tiểu Thừa, chẳng thua kém Tiểu Thừa. Chúng ta phải hiểu chuyện lịch sử này, hiểu sự dụng tâm của tổ sư đại đức, dùng Nho và Đạo để thực hiện phước thứ nhất trong ba phước, phước thứ nhất là căn cơ. Có ba căn bản ấy, đức hạnh của quý vị sẽ thành tựu, có đức hạnh bèn có phước báo thật sự. Không có đức hạnh, phước báo ấy là giả, chẳng thật, thường là giống như hoa Đàm thoáng hiện! Do vậy, ngạn ngữ có câu: "Phú bất quá tam đại" (chẳng ai giàu ba đời), đạo lý là ở chỗ này, vì sao? Kẻ đó thiếu căn cơ. Phải có căn cơ thì mới có thể kéo dài đời đời kiếp kiếp. Kẻ ấy biết tích công lũy đức, dẫu phú quý vẫn tu đức, tiếp tục tu không ngừng, đời đời kiếp kiếp hưởng thụ chẳng cùng, những điều này đều là thật”.
     Xin quý vị Phật tử chú ý những chữ in đậm ở trên, chúng sẽ lần lượt theo chỗ in đậm ấy để đặt làm đề mục cho bài phản biện này. Thật sự sau khi xem qua bài giảng này khiến chúng tôi vô cùng bàng hoàng, cảm thấy rằng cần phải viết một bài lí luận để vạch trần bóc lột thứ luận điệu “ghê tởm” này, vì không khéo nếu người Phật tử nào nghe qua mà chấp nhận điều ấy thật là điều thảm họa cho Phật Pháp! Các vị muốn biết thảm họa như thế nào ư? Xin mời bước vào phân tích dưới đây.
 
    1) Nho gia và Đạo gia là gì?
    Thật ra không phải chỉ có pháp sư Tịnh Không mới đề xướng và , trước đó đã có không ít những tổ sư Phật giáo Trung Hoa truyền xướng hai loại sách này. là sách của Nho giáo, còn có tên gọi đầy đủ là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên - sản phẩm của Đạo giáo. Và tất nhiên chúng không phải là sản phẩm của đạo Phật! Nhiều nhà sư Bắc tông Trung Hoa lấy lí do từ giữa thời Đường, Trung Quốc không học Phật giáo Tiểu Thừa mà lại dùng hai loại sách này tượng trưng cho Nho và Đạo để thay thế. Trong một đoạn trích khác là Dùng Nho dùng Đạo để làm nền tảng tu học, chính Tịnh Không pháp sư còn nói: “Do đó, người xuất gia, và cư sĩ tại gia ở Trung Quốc, không ai không đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, mọi người đều đọc sách của Lão Trang: Lão tử, Trang tử. Họ đã dùng cái cơ sở này, để học Đại thừa Phật giáo, cho nên một chút chướng ngại cũng không có”.
     Chúng ta thử tìm hiểu và là gì? Nho giáo và Đạo giáo là thế nào mà dám bảo có thể thay thế được “Tiểu Thừa”?
     * Nho giáo: là một loại hình hệ thống triết lí giáo dục và đạo đức do Khổng Tử (551 – 479 TCN) sáng lập, chủ trương xây dựng một xã hội quân chủ thịnh trị lấy “lễ nhạc” và “đức trị” làm đầu. Khổng Tử tức là Khổng Khâu, tên chữ Trọng Ni, người nước Lỗ thời Xuân Thu bên Trung Hoa, được xem là “Bổn sư” của Nho giáo cùng với vị “Á sư” là Mạnh Tử sau này,truyền bá Nho học với lịch sử đã hơn 2500 năm cũng đồng giai đoạn với Phật giáo tại Ấn Độ do Đức Thế Tôn Bổn Sư khai lập. Giáo lí đạo Nho chia con người ra làm hai hạng là: quân tử và tiểu nhân, trong đó đề xướng “quân tử” như là hình mẫu con người lí tưởng. Mục đích mà Nho giáo hướng tới là gì? Xin thưa, đó là đào tạo con người trở thành “quân tử” để có thể thực hiện xây dựng một xã hội trật tự và thịnh vượng. Nói chung, đây không hẳn được xem là một tôn giáo vì không hướng con người đến việc tôn thờ một đấng siêu nhiên mà gần như toàn bộ là hướng về đời sống thế tục, mặc dù cũng có tin vào thuyết Thiên Mệnh. Để trở thành người “quân tử” thì cần phải tu thân. Tu thân thì phải thực hiện “tam cương” (quân thần, phụ tử, phu thê) và “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín).
     Nho giáo đề ra tư tưởng được ghi qua sách Đại Học rằng: “Đời xưa, muốn làm sáng đức trong thiên hạ thì trước hết phải trị quốc; muốn trị quốc thì phải tề gia; muốn tề gia thì phải chính tâm; muốn chính tâm thì phải thành ý; muốn thành ý thì phải có tri thức xác đáng (chính kiến); tri thức xác đáng ở chỗ xét kỹ mọi sự vật”. Có kẻ cho rằng đoạn tư tưởng này của Nho giáo ngang hàng với cả Bát Chính Đạo của Phật giáo?
     Thật buồn cười! Thế ra đạo Nho cũng có “Tám Đường Chính” cho nên nghiễm nhiên có thể thay thế được Bát Chính Đạo của Phật giáo Nguyên Thủy bị kết án là “Tiểu Thừa”!!! “Tám Đường Chính” của Nho gia bao gồm:
     (1) Quán sự; (2) Chính kiến; (3) Thành ý; (4) Chính tâm; (5) Tu thân; (6) Tề gia; (7) Trị quốc; (8) Bình thiên hạ.
     Còn Tám Thánh Ngành (Bát Chính Đạo) của Phật giáo là: (1) Chính kiến; (2) Chính tư duy; (3) Chính ngữ; (4) Chính nghiệp; (5) Chính mạng; (6) Chính tinh tiến; (7)Chính niệm; (8) Chính định.
     Thật không hiểu tại sao có kẻ ngốc nghếch nào lại có thể cho rằng tám con đường của Nho gia không kém gì so với Tám Thánh Ngành của Phật giáo, có thể thay thế cho “Tiểu Thừa”? Đang khi các vị đều biết, Bát Chính Đạo là xuất phát từ Đạo Đế trong “Bốn Sự Thật Cao Quý” (Tứ Diệu Đế) – là giáo lí căn bản của Phật Pháp, mục đích nhằm hướng hành giả tu tập đến sự giải thoát giác ngộ, chứng đắc Thánh quả Arahant  (A-la-hán), vượt thoát khỏi sự ràng buộc hữu lậu của tam giới: Dục – Sắc – Vô sắc. Còn mục đích của Nho giáo thì ngược lại, thay vì đi tìm sự giải thoát giác ngộ thì họ chỉ cần sự chính trực và tôn ti lễ tiết, hướng thẳng về những giá trị của thế tục nhân gian nhằm thỏa mãn những ước muốn bị bó buộc trong Dục giới. Rõ ràng hai mục đích khác nhau: Phật giáo muốn đưa đến xuất thế giác ngộ chấm dứt sinh tử luân hồi, diệt bỏ bản ngã và vô minh; trong khi Nho giáo lại hướng đến nhập thế cầu vọng công danh sự nghiệp, tăng trưởng bản ngã và phân biệt giai tầng trên dưới theo mô hình xã hội phong kiến. Chỉ xét về mục đích thôi đã quá đủ thấy sự khác biệt lớn lao như thế nào, một bên thì hướng về giá trị cao thượng, bên kia hướng về giá trị thế tục, liệu có thể thay thế cho nhau chăng? Đáng tiếc là tầm nhìn thiển cận làm che mắt kẻ ngu si, đưa ra một mớ lí luận tầm phào, lấy lông con quạ cắm mình con công. Giống như một câu chuyện tiếu lâm của phương Tây: hai nhà triết học tranh cãi nhau về định nghĩa con người. Nhà triết học A cho rằng: “Con người là loài động vật hai chân đứng thẳng, cơ thể trụi nhẵn không có nhiều lông như loài thú vật”. Thế là nhà triết học B bèn chạy về nhà bắt một con gà vặt trụi hết lông của nó rồi đem lên trình với ông A và chỉ vào con gà trụi đó mà bảo: “Thưa ông, đây chính là con người, theo lời ông tả!”. Thực sự đem lí luận của nhà Nho gán ghép với Bát Chính Đạo của Phật Pháp cũng hệt như câu chuyện ấy vậy.
     Điển tịch của Nho giáo chính là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tứ Thư gồm: Đại HọcTrung DungLuận Ngữ và Mạnh Tử. Ngũ Kinh gồm: Thi,ThưLễDịchXuân Thu. Chúng ta không cần giới thiệu về những tác phẩm này, chỉ biết rằng qua những gì mà pháp sư Tịnh Không đã nói thì chắc là chín bộ điển tịch Nho giáo này có giá trị tương đương với và của cái gọi là “Tiểu Thừa”???
     Vậy còn là thế nào? Nguyên gốc tên thật của nó là Huấn Mông Văn - một trong những loại sách biên soạn giáo dục Nho học, tác giả của cuốn này là một vị tú tài sống vào thời vua Khang Hy nhà Thanh tên là Lý Dục Tú, sau đó được Tào Tồn Nhân tu chính cải biên mà thành ra cuốn ngày nay, viết theo lối ba chữ một câu. Nội dung quyển sách ấy chia ra làm 8 mục: (1) Tổng tựa; (2) Nhập tắc hiếu; (3) Xuất tắc đễ; (4) Cẩn; (5) Tín; (6) Phàm ái chúng; (7) Thân nhân; (8) Dư lực học văn. Với phương châm là: “Đệ tử vào thì hiếu, ra thì đễ, cẩn mà tín, luôn yêu mọi người, mà thân nhân, thực hành còn chút sức thì để học văn”.
     Thoạt nhìn qua thì cuốn sách này hàm chứa nhiều đạo lí hay có thể tóm gọn như sau:
     1- Hiếu thảo. Ví dụ trong đó có câu: “Phụ mẫu giáo, tu kính thính; phụ mẫu trách,tu thuận thừa” (Cha mẹ dạy, cung kính nghe; cha mẹ rầy, phải thừa nhận); hoặc có câu: “Thân sở hảo, lực vi cụ; thân sở ố, cẩn vi khứ” (Cha mẹ thích, tận lực làm; cha mẹ ghét, phải trừ bỏ).
     2- Hòa đễ. Ví dụ như câu: “Huynh đạo hữu, đệ đạo cung; huynh đệ mục, hiếu tại trung” (Anh thương em, em biết kính; anh em hòa, là hiếu kính).
     3- Cẩn thận. Ví dụ như: “Đối ẩm thực, vật giản trạch; thực thích khả, vật quá tắc” (Khi ăn uống, đừng chọn lựa; ăn vừa no, chớ quá nhiều).
     4- Tín nghĩa. Ví dụ: “Phàm xuất ngôn, tín vi tiên; trá dữ vọng, hề khả yên” (Khi nói năng, trước giữ tín; không lừa gạt, phải xác đáng).
     5- Bác ái. Ví dụ: “Phàm thị nhân, giai tu ái; thiên đồng phúc, địa đồng tải” (Phàm là người, đều phải thương; chung một cõi, một địa cầu).
     6- Thân nhân (gần gũi và hiền từ). Ví dụ:“Quả nhân giả, nhân đa úy; ngôn bất húy, sắc bất mị” (Người nhân đức, mọi người kính; họ không dối, không nịnh hót).
     7- Học văn. Ví dụ: “Khoan vi hạn, khẩn dụng công; công phu đáo, trệ tắc thông” (thời gian dài, gắng dụng công; công phu đủ, liền thông đạt).
     Hãy khoan nói về vội, chúng ta sẽ nói tiếp về Đạo giáo và Thái Thượng Cảm Ứng thiên.
     *Đạo giáo: là một tôn giáo và cũng là một nền triết học phát xuất từ Trung Hoa, thuộc về hệ thống đa thần giáo. Trên danh nghĩa thì Đạo giáo cho rằng người sáng lập ra tôn giáo của họ là Lão Tử (khoảng 600 – 470 trước Công nguyên?), được tôn vinh là Thái Thượng Lão Quân, vì thế mà cũng gọi tôn giáo này là Lão giáo. Lão Tử là “bổn sư” và kế tiếp có Trang Tử là “á sư”, cũng giống như Khổng Tử và Mạnh Tử bên Nho giáo vậy, thế thì Đạo giáo đã được ra đời vào thế kỷ thứ IV trước Tây lịch. Tuy nhiên về thực tế theo các học giả, học thuyết của Lão – Trang chưa hẳn đã là sáng lập ra Đạo giáo mà đúng hơn chỉ là triết lí khuyên con người thuận theo tự nhiên để đạt cuộc sống nhân sinh giản dị, thế nhưng được các nhà phương thuật sử dụng rồi nhào nặn bóp méo theo ý muốn hướng về cúng bái thần minh và phù thuật huyền bí. Chính chiều hướng này đã tạo ra giáo phái Hoàng Lão vào thời Tây Hán, thông qua các điển tịch: “Hoàng Đế Nội Kinh” của vị vua huyền thoại Hiên Viên Hoàng Đế, “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, “Trang Tử” và “Nam Hoa Chân Kinh” của Trang Tử v.v… và theo các học giả Âu Mỹ, người có lẽ là “tổ sư” chính xác cho tôn giáo gọi là Đạo giáo chính là Trương Đạo Lăng (34 – 156 hoặc 178), người sáng lập ra “đạo năm đấu gạo” thời Đông Hán. Cho nên, nếu tính về lịch sử Đạo giáo trên danh nghĩa thì cũng hơn 2500 năm, có một điều thú vị là nếu như vậy thì 3 tôn giáo: Nho – Phật – Lão cùng ra đời trong một thế kỷ, trong lúc Đức Phật Bổn Sư chúng ta đang hoằng hóa ở Ấn Độ thì đồng thời bên Trung Hoa có Khổng Tử và Lão Tử cũng đang du thuyết. Tuy nhiên, nếu tính về thực tế theo quan điểm của các nhà trí thức phương Tây thì Đạo giáo bắt đầu từ Trương Đạo Lăng, đã được hơn 1800 năm rồi.
     Về giáo lí, Đạo giáo lấy chữ “Đạo” làm tâm điểm, chữ ấy mang ý nghĩa là: con đường, nguyên lí, phương pháp. Đạo là đơn vị tối sơ, nguyên lí của vũ trụ và là cái tuyệt đối. Vạn vật từ Đạo mà sinh ra, nhưng Đạo không phải là một sinh thể gọi là Thượng Đế mà thực ra nó vô danh vô tướng. Tư tưởng này đã xuất hiện trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Đạo xung, nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề, tự vạn vật chi tông” (Đạo trống không, nhưng đổ vào mãi mà không đầy. Sâu thẳm, dường như là tông tổ của vạn vật). Đạo sinh ra Thái Cực và âm dương, từ đó sản sinh vạn vật, dùng Đức để nuôi dưỡng vạn vật phát triển. Vì thế mà sau này lấy chữ Đạo và chữ Đức ghép lại thành tác phẩm Đạo Đức Kinh, và cũng là khái niệm nguyên sơ của từ “đạo đức” nguồn gốc chính tại đây. Lão Tử khuyên con người sống giản dị, đừng sa vào bả vật chất mà nên chú ý về tinh thần, tu dưỡng nội tâm an tĩnh và hòa hợp với tự nhiên, chứ không hề bàn gì về Thượng Đế, thần linh, thiên đường, địa ngục… gì cả. Từ Lão Tử đến Trang Tử lại chủ trương thuyết “Vô vi” lấy nguyên lí là: không cầu mong, không tranh giành, không đoạt chiếm, không chấp trước. Chính vì học thuyết Lão – Trang có vẻ cao thâm nên người đời sau ít ai hiểu được, vì thế mà bọn phương thuật sĩ xuyên tạc học thuyết này, kết hợp với tín ngưỡng dân gian Trung Quốc mà hình thành nên việc tu tiên dưỡng chân, luyện đơn để cầu trường sinh bất lão, rồi tôn thờ hệ thống đa thần phức tạp lên. Những đấng tôn thờ trong Đạo giáo có rất nhiều như: Tam Thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thái Thượng Lão Quân và Linh Bảo Thiên Tôn), Tứ Ngự (Tử Vi Đại Đế, Trường Sinh Đại Đế, Câu Trần Đại Đế và Hậu Thổ Hoàng Địa Kì), lại còn có những vị thần rất quen thuộc với người Việt Nam: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Diêu Trì Tây Vương Mẫu, Thái Bạch Kim Tinh, Táo Quân, v.v…
     Có một sự kiện này mà ít người hiện nay biết được, nó đã từng xảy ra trong lịch sử và đã kịp thời được “bịt miệng” lại. Sự kiện đó xảy ra trong mối tương giao giữa đạo Lão và đạo Phật. Khi Phật giáo lan tràn vào Trung Hoa với những giáo lí từ căn bản là luật nhân quả báo ứng, Tứ Đế, Duyên khởi, Thiền định cho đến tịch tĩnh Niết-bàn, Chân như, Phật tính v.v…gây nên sự thu hút không chỉ từ quần chúng mà còn cả sự tò mò của giới trí thức vì Phật giáo có cả một kho tàng giáo lí đồ sộ có hệ thống, cho nên ngay từ đầu đặt chân vào Trung Hoa đã nhận được sự hoan nghênh và tìm tòi nghiên cứu của người Trung Hoa lúc bấy giờ. Bởi vì Phật giáo có một vài điểm hao hao giống với Đạo giáo cho nên đã phát sinh ngộ nhận giữa hai tôn giáo này, đó là: Đạo giáo lầm tưởng Phật giáo là “anh em cùng mẹ khác nơi” của mình. Những đạo sĩ Lão gia cũng lao vào nghiên cứu Phật Pháp và họ lí giải Phật Pháp theo sở kiến của Đạo giáo, vì thế mà có những thuật ngữ và khái niệm của đạo Phật bị suy diễn sai lạc đi, đến sau này mới chỉnh sửa. Nhưng quan trọng hơn cần nói ở đây, Đạo giáo cho rằng Phật giáo với mình có “quan hệ họ hàng”, và cũng bởi lòng tự tôn đối với tôn giáo của mình cho nên đã ngụy tạo ra một học thuyết nói rằng: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực ra chính là Lão Tử qua Tây Trúc biến hóa thành”. Và như thế thì đạo Phật là “đàn em” của đạo Lão. Đây là học thuyết “Lão Tử hóa Hồ”, bảo rằng: Lão Tử về cuối đời cưỡi trâu sang phương Tây, đến Thiên Trúc Ấn Độ thì hóa làm người Hồ gọi là Thích Ca Mâu Ni rồi đi giáo hóa bảy bảy bốn mươi chín năm “ra lò” đạo Phật. Đến thời Tây Tấn ở Trung Quốc, có một đạo sĩ tên là Vương Phù là tế tửu của Thiên Sư đạo, ngụy tạo ra một cuốn kinh điển gọi là Lão Tử Hóa Hồ Kinh, trong đó nói rằng: Lão Tử tên là Lý Nhĩ, tự Bá Dương, đời Chu làm chức quan chép sử, từng hội đàm với Khổng Tử, sau đó bỏ sang phía Tây gặp một vị quan giữ ải ở nước Tần tên Doãn Hỷ cung kính đón tiếp, xin ông ở lại viết sách. Lão Tử bèn viết Đạo Đức Kinh, sau đó cưỡi trâu qua Tây Trúc đầu thai làm con nhà vương giả họ Thích Ca chính là Đức Phật. Vua nước Hồ đến gặp “Thích Ca” Lão Tử vấn đạo rồi muốn hại ông, dùng đủ kế lửa thiêu nước dìm mà không chết. Cuối cùng vua Hồ sợ hãi đem toàn bộ trai gái cả nước theo học hỏi thụ đạo với “Thích Ca” Lão Tử, tôn ông là Phù-đồ (Buddha), sau dịch là Phật. Rồi 500 năm sau, đạo Phật lại quay về “cố hương” Trung Hoa để “đoàn tụ” với “người anh” Đạo giáo đang “mỏi mắt chờ em”.
      Các quý vị Phật tử thuần thành nghe câu chuyện trên có thấy buồn cười đến ra nước mắt chăng? Ngay đến đạo Phật khởi sinh từ Ấn Độ, vậy mà người Tàu vẫn có thể nói thác là đạo Phật có nguồn gốc từ Trung Hoa, do ông Lão Tử biến hóa thành, nên suy ra Phật giáo là “chi nhánh” của Đạo giáo. Không những vậy, Đạo giáo còn bịa ra các sách tịch khác như: Huyền Diệu Nội Thiên, Xuất Tái Ký, Quan lệnh Doãn Hỷ truyện, Văn Thủy Nội Truyện, Lão Quân Thiên Khai Kinh v.v… để chứng minh rằng đạo Phật là “hàng nhái” của đạo Lão. Phía Phật giáo cũng không vừa, các nhà sư bịa ra các kinh điển như: Chu Thư Dị Ký, Hán Pháp Bản Nội Truyện v.v… nói rằng Phật Thích Ca đã từng “bay nhảy” sang Trung Hoa dạy đạo cho hai gã học trò chính là Khổng Tử và Lão Tử, cho nên nghiễm nhiên đạo Phật phải là “sư phụ” của Nho và Đạo. Chiến tranh bằng bút và khẩu này diễn ra suốt cả nghìn năm, cho đến thời nhà Đường, bà nữ hoàng Vũ Tắc Thiên từng ra lệnh cấm lưu hành Lão Tử Hóa Hồ Kinh nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Mãi đến thời Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt nhà Nguyên, từ khoảng năm 1259 – 1282, phe Phật giáo luận chiến thắng lợi, Đạo giáo ngụy biện đại bại, Lão Tử Hóa Hồ Kinh đã bị tiêu hủy, và thuyết đó ngày nay không còn nữa.
      Tuy nhiên, Đạo giáo trong quá trình giao lưu với Phật giáo đã “vay mượn” giáo lí của nhà Phật không phải ít, thậm chí những kinh điển Đạo giáo sau này cũng bắt chước theo lối của giáo lí nhà Phật. Ví dụ như cuốn Cao Thượng Ngọc Hoàng Bản Hạnh Tập Kinh của Đạo giáo là “ăn theo” với bộ Phật Bản Hạnh Tập Kinh của nhà Phật. Mặc dù như thế, một số tông phái Đạo giáo cũng rất trơ trẽn nói rằng Phật giáo là “sản phẩm” của họ, giáo lí nhà Phật “ăn cắp” từ giáo lí Đạo gia mà ra, mà dĩ nhiên, Đạo giáo là “anh cả” của Phật giáo, anh em giống nhau là chuyện bình thường!!! Và cũng ghê gớm thay, những giáo lí rất cơ bản của đạo Phật như lí về luân hồi, nhân quả, thiện báo, vô thường, vô ngã, khổ, v.v… bị Đạo giáo thu thập lấy rồi “thêm bớt gia vị” cho có vẻ giống với triết lí đạo mình hơn. Vì thế, không ít những Tăng-già Phật giáo từ giữa đời Đường về sau ngộ nhận Đạo giáo cũng giống Phật giáo căn bản, thay vì đọc tụng những “giáo lí Tiểu Thừa” thì thà đọc kinh sách của Đạo giáo còn dễ hiểu hơn mà lại chẳng thua kém gì, thế thì có thể dùng Đạo để thay thế mà học “Đại Thừa”. Đây là sai lầm “chết người” của tăng ni Phật giáo Trung Quốc!!! Phủ nhận kinh điển cơ bản mà bị gọi là “Tiểu Thừa”, coi nhẹ nó còn hơn cả sách vở của ngoại đạo. Họ không biết rằng đó là ngoại đạo “ăn cắp” giáo lí của mình mà lại lầm tưởng cho rằng giáo lí ngoại đạo hay hơn giáo lí gốc của nhà Phật. Loại tà kiến này kéo dài thật dai dẳng, mà đến ngày nay có còn tồn tại qua “cửa khẩu” của ngài pháp sư Tịnh Không, khi tuyên bố rằng: có thể dùng Nho và Đạo thay thế cho Tiểu Thừa tu học. Chao ôi, thật là tai hại! Tai hại!
      Nói tới đây cơ bản đã lột tả dược nội dung phần thứ nhất này rồi. Còn tác phẩm Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chỉ xin giới thiệu sơ lược. Cuốn sách này không rõ ai là tác giả, mặc dù có kẻ nói đó là Thái Thượng Lão Quân truyền xuống, nhưng có thể người sáng tác cuốn này là Cát Hồng (284 – 343) sống vào thời Đông Tấn, là một loại sách khuyến thiện của Đạo giáo. Sách này có những đoạn răn dạy con người ta hành thiện tích đức, chớ gây tạo tội ác, tin vào nhân quả báo ứng. Ví như có đoạn viết: “Họa phúc không có cửa, chỉ do người tự vời.Báo ứng thiện ác như bóng theo hình”, “Cho nên trời đất có các vị thần quản tội lỗi của người. Căn cứ tội nặng nhẹ mà giảm bớt tuổi thọ, giảm thọ ắt phải nghèo khổ, hao tổn, thường gặp hoạn nạn, sầu khổ…”, “…Đường đúng thì đi tới, đường sai thì tránh lui…”, “…Phải có lòng từ bi thương xót muôn loài; phải hết lòng với người, có hiếu với cha mẹ, anh em thương nhau; tự sửa mình rồi hãy dạy người; thương xót cứu giúp cô nhi và quả phụ…”.
      Tựu trung mà nói, và tự bản thân chúng cũng là sách thiện, không có gì để phê phán chỉ trích. Nhưng điều đáng chỉ trích bài bác ở đây chính là việc cho rằng nội dung của hai quyển sách này cao quý hơn cả giáo lí căn bản thuần chất của đạo Phật. Tịnh Không pháp sư nói rằng thời Đức Phật tại thế vì có “Phật Pháp Tiểu Thừa” cho nên mới có nhiều người đắc đạo. Còn Trung Quốc từ giữa đời Đường trở đi không thèm học “Tiểu Thừa”, chỉ cần dùng hai cuốn sách trên thì đã vượt hơn cả các Thánh hiền thời Phật rồi sao??? Giáo lí Nguyên Thủy dựa trên nền tảng của nhân quả, Tứ Đế, Duyên khởi, với “tam pháp ấn”: Khổ (Dukkha), Vô thường (Anicca), Vô ngã (Anattā)…Mục tiêu là hướng chúng sinh đến đạo quả giải thoát giác ngộ, chấm dứt luân hồi đầy đau khổ, đạt được thành tựu Thánh quả A-la-hán: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa” (D.N). Còn trong khi đó, mục đích của Nho giáo là trở thành người quân tử, chỉ có giá trị phục vụ cho cuộc sống phàm tục theo lí tưởng lễ nghĩa nhân trị chứ không hướng về giải thoát giác ngộ; mục đích của Đạo giáo còn huyễn hoặc hơn, muốn trở thành trường sinh bất tử, tu tiên tự tại. Thử hỏi ai có thể trường sinh bất tử với cái thân xác giả tạm hợp từ “tứ đại” này? Vậy mà có thể đánh giá Nho và Đạo hơn hẳn cả giáo lí gốc của nhà Phật được sao. Chẳng lẽ ngay chính cả Đức Phật Thích Ca cùng các bậc Thánh Tỳ-khưu trong thời đại Chính Pháp tuyên lưu, triết lí mà các vị ấy chứng đắc và truyền dạy cũng không bằng hai ông Lý Dục Tú và Cát Hồng chăng? Các bậc Thánh A-la-hán dùng “Tiểu Thừa” để tu học, trình độ và tu chứng cũng không bằng mấy vị tổ sư bên Tàu về sau hay sao? Hay các vị tổ sư Tàu vỗ ngực tự xưng rằng mình đã bằng với A-la-hán, hay thậm chí là đòi ngang hoặc hơn cả Phật? Tại sao pháp sư Tịnh Không lại có thể xuất khẩu cuồng ngôn đến như thế. Ông ta có còn xem mình là đệ tử nhà Phật hay không???
 
    2) Vì sao Phật giáo Trung Quốc không học “Tiểu Thừa”?
    Các vị có biết Phật giáo Phát Triển (Đại Thừa) dùng từ Tiểu Thừa để chỉ cho ai chứ? Thực ra ban đầu, Tiểu Thừa là từ ngữ mà những giáo đồ Phật giáo Đại Thừa dùng để quy kết cho những ai tín hành Phật Pháp nhưng lại theo chiều hướng tự tư tự lợi, chỉ muốn giác ngộ cho bản thân mà coi nhẹ lợi ích với chúng sinh, tự chính từ “Tiểu Thừa” (Hīnayāna) có nghĩa là “cỗ xe nhỏ”, hàm ý chỉ cho những giáo lí cấp thấp. Về sau Phật giáo Đại Thừa lại dùng nó để chỉ cho nền Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Bộ phái, rồi lại dần dần mở rộng hơn chỉ cho hàng Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa.
     Theo như lời của pháp sư Tịnh Không, cũng như quan niệm của nhiều người theo tín ngưỡng Phật giáo Đại Thừa, “Tiểu Thừa” là chỉ cho cái gì thấp kém, “chỉ biết sống chết của bản thân mà không ngoảnh chuyện sinh tử của người khác”. Và theo thành kiến của họ, cái gọi là “Phật giáo Tiểu Thừa” là giành cho Phật giáo Nam truyền bao gồm Thượng Tọa bộ (Theravāda) và Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sabbatthivāda). Vì sao? Có lẽ vì họ cho rằng hệ Phật giáo này chỉ hướng đến Thanh Văn Thừa mà quả vị cao nhất là A-la-hán (Arahant), trong khi đó tư tưởng Đại Thừa lại rất khinh chê Thánh quả này, cho đó là thấp kém. Ở đây chúng tôi không phân tích về vấn đề Đại Thừa và Tiểu Thừa nên chỉ lướt qua! Danh từ “Tiểu Thừa” vì mang hàm ý khinh chê, mà dù ngày nay giả sử có dùng không phải với ý đó nhưng nó vẫn gợi nhắc về thời quá khứ khi có kẻ đã gán lên Phật giáo Nguyên Thủy với ý nghĩ là còn kém thua, còn bảo thủ. Cũng vì để tránh nói như vậy mà thông thường hiện nay chúng ta có sự thay thế: Phật giáo Nam truyền Thượng Tọa bộ thay vì trước đây bị cho là “Tiểu Thừa” nay được gọi là Phật giáo Nguyên Thủy hay Phật giáo Sơ Kỳ; còn Phật giáo Bắc truyền Đại Thừa gọi là Phật giáo Phát Triển.
      Đau lòng nhất là quan niệm “Tiểu Thừa thấp kém” từ nghìn xưa đã tiêm nhiễm vào đầu của những người tín ngưỡng theo hệ thống Đại Thừa ở Trung Quốc. Việc hết sức sai lầm khi họ cho rằng những giáo lí gốc và nguyên thủy thuần chất của Đức Phật là “Tiểu Thừa”, không đáng để học hỏi, chính điều này đã dẫn đến sai lệch, lạc hướng cho đến tận ngày nay. Tịnh Không pháp sư dùng “Kinh điển Tiểu Thừa” để chỉ cho Thánh điển A Hàm và Kinh tạng Nikaya Nam truyền. Ông ta có nói rằng: “Các kinh luận Tiểu Thừa được dịch sang tiếng Hán vô cùng đầy đủ, tôi chẳng chú tâm nghiên cứu, nhưng Chương Gia đại sư bảo tôi, đối chiếu Tam Tạng của Nam Truyền Tiểu Thừa với Tứ A Hàm trong Hán Tạng, tạng Nam Truyền chỉ nhiều hơn các kinh điển Tiểu Thừa trong Hán Tạng năm mươi mấy bộ. Gần ba ngàn bộ kinh điển mà chỉ nhiều hơn năm mươi mấy bộ, có thể thấy Tứ A Hàm đã được phiên dịch khá hoàn bị”.
      Về sự đối chiếu Kinh tạng Nikaya của Nam truyền với A Hàm bộ trong Hán Tạng thì pháp sư Tịnh Không nói không sai, theo lời của một tăng nhân Mật giáo Tây Tạng là Chương Gia đại sư nói rằng Tạng Nam truyền chỉ hơn năm mươi mấy bộ so với Tứ A Hàm. Nhưng buồn cười ở chỗ là câu nói “Các kinh luận Tiểu Thừa được dịch sang tiếng Hán vô cùng đầy đủ, tôi chẳng chú tâm nghiên cứu...”, chưa nghiên cứu mà dám kết luận đây là Kinh điển Tiểu Thừa, lại còn mang dụng ý chê bai, cho rằng dùng Nho và Đạo có thể thay thế được. Như ngài Ấn Thuận đại sư(1906 – 2005) ở Đài Loan đã từng dùng ngòi bút của mình đả phá những vọng thuyết tà kiến tồn tại “thâm căn cố đế” trong nền Phật giáo Đại Thừa Trung Hoa, nhất là Tịnh Độ Tông, và có nhiều nghiên cứu đối với Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo sơ kỳ Đại Thừa. Ngài Ấn Thuận sau khi tham cứu về Kinh điển A Hàm đã từng cho rằng đây là kinh điển đáng nên đọc và nghiên cứu. Đối với lối tu hành chỉ chuyên hướng mỗi pháp tu Tịnh Độ niệm A Di Đà Phật là đủ mà thầy trò Lý Bỉnh Nam và Tịnh Không đề cao, Ấn Thuận đại sư tỏ ra không bằng lòng mà chủ trương là phải học Phật từ những giáo lí Nguyên Thủy cơ bản rồi mới học tập “Đại Thừa”, cũng cho rằng tư tưởng Đại Thừa tức là chỉ niệm Phật cầu vãng sinh của Lý Bỉnh Nam và Tịnh Không là không hẳn chính xác, làm “nghèo nàn” đi giáo lí Đức Phật. Ngay đến bậc trưởng bối của Phật giáo Đài Loan - Ấn Thuận đại sư – còn chưa dám khinh thường Kinh điển A Hàm, thậm chí trong bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản biên tập còn xếp đứng đầu tiên, để tỏ được tầm quan trọng của Phật Pháp Căn Bản. Vậy mà, Tịnh Không pháp sư chỉ mới đọc qua những kinh điển Tịnh Độ, liếc sang vài bộ kinh Đại Thừa khác, đối với giáo lí căn bản chưa bao giờ dụng tâm học đến, vậy thì ông ta lấy tư cách gì mà dám phán xét Thánh điển A Hàm và Kinh tạng Nam truyền là tâm lượng không rộng rãi bằng triết lí của Nho và Đạo? Ông ta có biết mình đang nói gì không? Chưa chú tâm nghiên cứu A Hàm bao giờ mà dám lộng ngôn xằng bậy, khinh chê giáo lí căn bản của Đức Phật, dùng điển tịch của ngoại đạo để xiển dương, vậy mà vẫn dám khoác áo cà-sa mà tự nhận mình là đệ tử nhà Phật được sao?
      Thực ra không phải chỉ có riêng Tịnh Không pháp sư mà còn khá nhiều người xuất gia trong hệ Phật giáo Đại Thừa có tư tưởng như thế. Bài viết này khẳng định rõ ràng: sự miệt thị Kinh điển gốc là “Tiểu Thừa” rồi cho rằng dùng ngoại đạo thay thế vẫn được là điều hết sức sai lầm, chẳng phải là lời nói của một người xuất gia Phật giáo chân chính!!!
      Có người đã từng đặt ra câu hỏi rằng: “Không biết lí do gì mà Phật giáo Trung Hoa lại khinh miệt tư tưởng gốc của Đức Phật là Tiểu Thừa? Ai là kẻ đã đánh giá “Kinh A Hàm” là Tiểu Thừa, không đáng học?”.
      Chúng tôi không ngần ngại mà hôm nay trả lời cho quý vị biết, mặc dù điều này có thể gây ra sự phẫn nộ cho nhiều kẻ cố chấp, mê muội của Bắc Tông. Sở dĩ tăng ni Phật giáo Trung Quốc hiểu lầm Kinh điển A Hàm là Tiểu Thừa, cũng vì giao thông đương thời với Ấn Độ bất tiện, không có điều kiện nghiên cứu tư liệu để hiểu rõ. Kinh điển Nguyên Thủy được truyền bá vào Trung Hoa đồng thời với lúc Kinh điển Đại Thừa cũng du nhập ồ ạt vào đó. Một số tư tưởng Đại Thừa cho rằng không nên xiển dương Phật Pháp Tiểu Thừa vì nếu thế là phụ bạc kỳ vọng của Như Lai Thế Tôn. Người Trung Quốc đã “chụp mũ” rằng Kinh A Hàm là Tiểu Thừa, nên coi thường không thèm học đến. Hai kẻ đầu têu cho việc miệt thị Kinh điển A Hàm và tư tưởng căn bản của Phật là Tiểu Thừa không ai khác, chính là Thiên Thai Trí Giả đại sư đời nhà Tùy và Hiền Thủ Pháp Tạng đại sư đời nhà Đường. Hai người này đã cho rằng Kinh điển A Hàm là loại giáo lí nên giấu đi chứ không nên lưu truyền rộng rãi, và đã xếp nó vào hạng “Tiểu giáo”, khiến cả sau này trong hơn một nghìn hai trăm năm, tín đồ Phật giáo Trung Quốc rất ít coi trọng “Kinh A Hàm”.
      Hai vị đại sư trên đối với Phật giáo Bắc Tông đều coi là những bậc cao tăng kỳ cựu. Thiên Thai Trí Giả đại sư gọi là Trí Nghĩ (538 – 597), tên tục là Trần Đức An, người ở Kinh Châu đời nhà Tùy. Ông này trên thực tế chính là người sáng lập ra Thiên Thai Tông ở Trung Quốc, mà đứng trên danh nghĩa là tổ đời thứ tư. Trí Giả đại sư đương thời rất sùng bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, xem đó là báu vật, chỉ cần đọc tụng nghiền ngẫm mỗi Kinh này là đủ, vì thế nên Thiên Thai Tông cũng được gọi là Pháp Hoa Tông. Đây là hệ quả “tồi tệ” của Phật giáo tổ truyền, vị tổ này chỉ coi trọng mỗi một quyển Pháp Hoa, cho rằng chỉ cần tụng Pháp Hoa là thâu tóm hết Tam Tạng Thánh giáo nhà Phật. Còn đối với Hiền Thủ Pháp Tạng đại sư (643 – 712), nguyên họ Khang, xuất gia từ năm 17 tuổi, chính là sơ tổ kiến lập Hoa Nghiêm Tông ở Trung Quốc. Ông này cũng y như Thiên Thai Trí Giả, người trước thì thích tụng Pháp Hoa, còn ông thì thích chuyên tụng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, chính vì thích Kinh Hoa Nghiêm nên đó cũng lấy làm tên cho tông của mình. Một ông chủ trương chỉ tụng Pháp Hoa là đủ, ông kia thì cho rằng tụng Hoa Nghiêm là đủ chứng đạo. Ông tổ có cái nhìn “thiển cận” khiến bọn đệ tử hậu học sau này cũng sai lầm theo nốt, học những thứ giáo lí “như mây như trời”, đã vậy đối với giáo lí căn bản thì “dốt đặc cán cuốc” mà dám mỉa mai đó là “Tiểu Thừa thấp kém”!!!
      Chính những bọn tội đồ Phật giáo ấy mà làm đoạn mất Chính tri kiến của giáo đồ đạo Phật tại Trung Hoa, khiến cho Phật giáo Hán truyền suốt mấy nghìn năm nay trở nên lầm lạc, “bỏ gốc lấy ngọn”, rồi lại đem cái đầu Phật giáo mà miễn cưỡng gắn với cái thân Nho giáo và Đạo giáo, trông như một thứ hình dạng kỳ quái, mà nói thẳng ra rất đau lòng là một thứ “Phật giáo bệnh hoạn”, gần như phản bội lại đường lối chỉ dạy của đấng Đạo sư Thích Ca Mâu Ni.
      Bọn chúng ví như một tên học trò dốt nát, học trước quên sau, trở nên mất gốc, không hiểu gì về kiến thức căn bản.Thế là hắn bèn tự mày mò tìm những thứ cho là kiến thức nâng cao rồi cố gắng nhồi nhét vào đầu, sau đó hắn bảo rằng những kiến thức căn bản chỉ là kiến thức giáo khoa sáo rỗng, thấp kém, không có lợi ích cho việc học. Thay vào đó đưa những thứ khác thay thế cho kiến thức căn bản này, ví như: chơi điện tử có thể thay cho môn Tin học, nói tục chửi thề có thể thay cho môn Văn cơ bản, học ngôn ngữ tuổi “teen” có thể thay cho môn Ngoại ngữ cơ bản v.v... và v.v... Các vị có thấy buồn cười hay không! Rốt cuộc đó là học sinh gì đây? Một học sinh xuất sắc, hay là một học sinh điên rồ ngu xuẩn??? Theo như sách “Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận” của nhà nghiên cứu người Nhật Bản là Kimura Taiken đã nói: “...muốn hiểu rõ đặc chất của Phật giáo Đại Thừa, trước hết ta phải hiểu qua về Nguyên Thủy Phật giáo và Bộ phái Phật giáo”. Các vị muốn học Phật Pháp, nếu không học Kinh điển và giáo lí Nguyên Thủy làm căn bản, chắc chắn rằng các vị cũng không bao giờ hiểu được Kinh điển và giáo lí Phát Triển. Nếu dùng phương pháp suy luận của Logic học thì có thể nói: không hiểu tư tưởng triết lí Nguyên Thủy (bị gán là “Tiểu Thừa”) thì suy ra cũng không biết gì về triết lí Phát Triển (Đại Thừa). Ví như ngôi nhà không có cái móng nhà thì chẳng lẽ cái nóc nhà có thể đứng vững được sao? Cho nên chúng tôi không ngần ngại mà tuyên bố: Tịnh Không pháp sư và những kẻ cố chấp mù quáng của Phật giáo Bắc Tông, họ không biết gì về giáo lí Phật Pháp căn bản mà họ gọi là “Tiểu Thừa”, và họ không hiểu gì về Phật Pháp Đại Thừa. Không có cái này thì cũng không có cái kia, chúng chẳng hiểu bất cứ điều gì cả, những điều chúng biết chỉ là một mớ thiên kiến sai lầm lai tạp giữa đạo Phật và những đạo khác. Một bọn tu hành “dở dở ươn ươn”, thật vô cùng tởm lợm!
 
     3. Tổng kết:
     Tóm lại, thông qua bài viết này nhằm đả kích luận thuyết: “Có thể dùng Nho và Đạo thay thế cho Tiểu Thừa tu học”. Thời Đức Phật chưa hề có sự phân biệt Đại Thừa hay Tiểu Thừa, chứ không giống như lời ông Tịnh Không nói: “Khi xưa Phật ở Ấn Độ, người thời đó tại sao tu dễ thành công? Vì lúc đó có Tiểu Thừa, có Tiểu thừa Phật giáo”. Chính lời nói này lộ ra cái “dở” của vị pháp sư ấy, cho thấy ông ta chẳng biết nghiên cứu về Phật Pháp một cách rộng rãi và có khoa học! Ông ta chỉ là hạng người học những thứ kiến thức một chiều phiến diện của những tổ sư Phật giáo Tịnh Độ truyền lại, một con người ôm một mớ tầm hiểu biết hạn hẹp ví như “ếch ngồi đáy giếng” trong thời đại Phật giáo thế kỷ XXI này!
     Trong phần thứ nhất, giới thiệu qua về Nho giáo và Đạo giáo, cũng như ĐệTử Quy và Cảm Ứng Thiên. Các vị thấy đấy, giáo lí của họ không hề hướng tới giải thoát giác ngộ Niết-bàn, không có Bát Chính Đạo, không có Tứ Niệm Xứ, không có tu tập Thiền định quán chỉ,... như thế thì chẳng hướng con người đến quả vị Thanh Văn được, cùng lắm chỉ khiến sinh vào nhân loại hoặc chư Thiên. Năm xưa Đức Phật đã dạy: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo, thời ở đấy không có đệ nhất Sa Môn, ở đấy không có đệ nhị Sa Môn, cũng không có đệ tam Sa Môn, cũng không có đệ tứ Sa Môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh Đạo thời ở đấy có đệ nhất Sa Môn, đệ nhị Sa Môn, cũng có đệ tam Sa Môn, cũng có đệ tứ Sa Môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không Sa Môn. Này suhadda, nếu những vị Tỳ kheo này sống chân chánh, thời đại này không vắng những vị A La Hán”. (trích “Kinh Đại Bát Niết-bàn”: Maha-Parinibbana Sutta, Trường Bộ Kinh số 16).
     Thử hỏi, ngài Tịnh Không đã từng biết đến lời dạy trên của Đức Phật chưa? Nếu đã biết và hiểu rõ thì chắc ông ta không dám ngông cuồng mà nói bậy rằng có thể dùng đạo khác để thay thế cho giáo lí gốc gọi là “Tiểu Thừa” đâu nhỉ?! Nhưng vì ông ta chẳng biết gì, đem cái nọ gắn cái kia, không tuân theo di mệnh của Phật Bổn Sư, tự theo ý riêng của tông phái mình. Thà như ông là tu sĩ ngoại đạo, ông muốn nói gì cũng không sao, đó là chuyện của tôn giáo khác chẳng đả động gì đến Phật đạo. Nhưng tự đã khoác áo tu hành, cạo bỏ râu tóc, tự xưng là sa-môn nhà Phật mà lại nói năng thiếu suy nghĩ như vậy ư? Nếu có kẻ cuồng ngôn nói rằng: “Có thể dùng Kinh Thánh Tân Ước, Kinh Qu’ran để thay thế cho pháp môn Tịnh Độ tu học”, ông ta có nhịn được nổi chăng?
     Chúng tôi viết ra những lời này, không phải để mong pháp sư Tịnh Không đọc được, vì ông ta đâu biết tiếng Việt! Qua đây chính là để khuyên các vị Phật tử, Nam Tông thì không nói, nhưng cần nhắc nhở Phật tử Bắc Tông, nên cẩn thận với loại tà kiến này! Bọn ô đạo sa-môn dùng những thứ lí luận sai lệch, đưa ngoại đạo trà trộn vào Phật Pháp, đó là nhằm phá vỡ con mắt Chính kiến của chúng ta, dẫn đến tư duy sai lầm, lời nói và hành động cũng trở nên băng hoại tiêu cực, từ đó đánh mất giá trị đạo Phật nguyên chất đi, biến Phật Pháp chỉ còn là cái vỏ rỗng, còn bên trong thì đã mục ruỗng cả rồi. Thực đúng như câu nói: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” (trùng của con sư tử ăn thịt con sư tử). Chính bọn tăng ni ô đạo này thực là “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng đã không còn là đệ tử Phật mà đích xác là bạn của Ma Vương rồi.
     Nếu như một ngày nào đó, có kẻ khoác y cà-sa đầu trọc, mang hình tướng của một Sa-môn nhà Phật lại đi tuyên bố rằng: có thể dùng lí luận tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ thay thế cho Bát Thánh Đạo! Có thể dùng tu tiên dưỡng chân sinh về tiên cảnh thay cho tu thiền giải thoát Niết-bàn! Có thể dùng lí luận thần minh cai quản duyên định thay thế cho thuyết Duyên khởi! Vô cầu, vô tranh, vô chấp có thể thay thế cho “tam pháp ấn”: Vô thường, Khổ, Vô ngã v.v... Ôi chao! Lúc đó còn đâu là đạo Phật nữa? Quý vị còn không tỉnh thức mà nhìn nhận sự thật ư? Tương lai của Phật Pháp nên trông cậy vào đâu?









 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9