MỘT CHUYỆN TIẾU LÂM
-
15.09.2017 16:36:53
MỘT CHUYỆN TIẾU LÂM Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
Triệu Cao là một tên quan hoạn rất độc ác thời nhà Tần, bên nước Tầu. Khi Tần Thuỷ Hoàng qua đời, Triệu Cao đồng mưu với Thừa tướng Lý Tư, làm giả mật thư, phế truất Thái tử Phù Tô, đưa Hoàng tử Hồ Hợi lên ngôi Hoàng đế. Rồi cậy công, Triệu Cao ra sức áp bức người dân, vơ vét của cải, làm mưa làm gió…Triều thần ai tỏ ý phản đối, đều bị y xúi giục vua, khiến nhiều đại thần lão tướng bị giết hại.
Một hôm, Triệu Cao sai dắt một con lừa vào giữa triều đình. Y bảo đó là con ngựa. Rồi lớn tiếng hỏi các quan đây là con gì? Các quan lấm lét nhìn nhau…Nếu ai dám bảo là con lừa thì bị chém đầu ngay. Cho nên vì mạng sống, tất cả đều phải công nhận đó là con ngựa.
Tuy nhiên, sự đổi trắng thay đen hết sức trắng trợn đó của Triệu Cao cũng không phải là kết quả hoàn hảo. Vì y chỉ đạt được khẩu phục, chứ không đạt được tâm phục. Mà cái tâm mới là quan trọng!
*
* *
Đọc truyện Triệu Cao, bỗng tôi lại nhớ ở ta, ngày Cải cách ruộng đất (1956). Tại một cuộc đấu tố địa chủ ở đình làng P.C., do một “cố nông - cốt cán” mới được Đội cải cách đào tạo (lúc bấy giờ người ta gọi là bồi dưỡng), và lần đầu tiên cho ngồi ghế Chủ toạ, điều hành cuộc đấu.
Trong quá trình “bồi dưỡng”, cán bộ Đội luôn luôn nhắc nhở “cốt cán” phải tâm niệm rằng: bọn địa chủ rất độc ác, nhiều âm mưu và thủ đoạn. Cho nên những lời chúng khai, hoặc nhận tội, ta phải xem xét, tra vấn xem trong đó chúng có âm mưu gì không?...
Cuộc đấu tố bắt đầu. Một bà “khổ chủ” được mời lên “tố khổ”:
- Này! Cái thằng mặt dầy kia! (vừa nói bà vừa xỉa tay vào mặt tên địa chủ) Mày hẵng mở to mắt ra mà rìn, giỏng tai ra mà nghe đây: Mày đã hiếp tao bao nhiêu nần rồi mày có nhớ không? Hay mày, mày áp bức bóc nột nông dân được nhiều tiền nhiều của, mày ăn cho nắm vào rồi mày nú ruột nú gan, thì tao nhắc để cho mày nhớ cái tội của mày đây:
- Một nần mày hiếp tao ở (…)
- Một nần mày hiếp tao ở (…)
- Một nần mày hiếp tao ở (…)
- Một nần chập tối, tao đang rút rơm cho trâu ăn, thì mày mò đến mày đè tao ra ngay chân đống rơm, mày có nhớ không? Hở cái thằng mặt trơ trán bóng kia!
“Khổ chủ” vừa dứt lời chưa kịp tố tiếp, thì “bốp bốp”, ông Chủ toạ liền đập bàn đứng bật dậy, với thái độ hết sức căm giận kẻ thù giai cấp, ông lớn tiếng quát:
- Thằng Kèo! Mày hiếp bà ấy nhằm mục đích gì?
- Thưa quý Đội, thưa các ông nông dân, thưa các bà nông dân con hiềp bà ấy là nhằm mục đích để cho cái thân con nó sướng ạ!
Sau câu hỏi vừa buồn cười vừa ngớ ngẩn ấy, chắc ông Chủ toạ cũng biết là mình hớ. Nhưng như cái rô bốt đã lập trình, ông bèn quát để trấn áp
- Náo! Đả đảo địa chủ ngoan cố!
Và ngay lập tức hàng trăm cánh tay cùng vung lên, và hàng trăm cái miệng cùng thét vang:
- Đả đảo địa chủ ngoan cố!
- Đả đảo địa chủ ngoan cố!
- Đả đảo địa chủ ngoan cố!
Có lẽ phần lớn những người tham dự cuộc đấu tố ấy, ai cũng biết tên địa chủ đã trả lời thẳng thắn và đúng sự thật. Nhưng phù thịnh chứ chẳng ai phù suy, trong cuộc đấu tranh quyết liệt, long trời lở đất ấy, chẳng ai dại gì mà thừa nhận tên địa chủ nói thật. Cho nên người ta hô “đả đảo”, tức là bảo cái thật là cái giả. Cũng như Triệu Cao hơn hai nghìn năm trứơc bảo cái giả là cái thật!
Nhưng từ nghìn đời xưa cho đến muôn đời sau, sự thật mãi mãi vẫn là sự thật, chẳng bao giờ thay đổi./.
TP Uông Bí, ngày 24/9/2016
Tạ Hữu Đỉnh