XIN RA KHỎI HỌ
Anh cu Đức mới cất nhà hồi năm ngoái.
Phía hồi nhà bên trái, đống đất xúc lên lúc đào móng chưa kịp dọn đi cao lù lù như một cái đụn rạ.
Trong nhà, bề bộn những thứ đồ cũ nát anh tha về sau mỗi chuyến ve chai.
Tủ chè không còn kính, tủ quần áo đã mất cánh cửa hay ổ khoá cái nào cũng rỗng ruột, lèo tèo vài bộ quần áo bở bục.
Còn quạt, la liệt là quạt đứng, quạt ngồi, quạt nằm. Cái thì vỡ lồng cánh, cái thì đã long công tắc, nhiều cái đã bị cháy. Anh cu Đức treo chúng trên tường, trên trần nhà hoặc quăng bừa bãi trên nền nhà, thậm chí vất chỏng chơ trong gầm giường.
Cả xe nữa, ngoài con xe máy Trung Quốc thay chân anh chạy ve chai, hai mẹ con chị cu Đức cũng có tới năm chiếc xe đạp. Dĩ nhiên, bốn chiếc vất dưới bếp chỉ để cho anh tháo phụ tùng thay dần vào chiếc xe vốn đã cọc cạch mà vợ và con gái anh vẫn thay nhau dùng đi chợ kiếm thêm chút rau mắm vặt.
Nghe chị cu phàn nàn, làm nhà xong, anh cu Đức gánh nợ tới gần hai chục triệu. Có làm lấm mặt cũng phải vài năm mới mong giũ hết được. Khổ cho cái thân anh, được tiếng mà phải bỏ miếng. Từ đầu năm tới nay, lấy cớ yếu dạ, ăn cứ ợ hơi chua, anh bỏ hẳn bữa sáng. Sạch ruột thế cho người nó khoẻ, chạy xe không bị tức bụng!
Ở làng Phúc Hạ, anh cu Đức là trai đinh thuộc chi thứ năm, đời hai mươi bảy họ Nguyễn Phúc, một dòng họ đời nào cũng có người thi đậu tới tiến sĩ. Tuy nhiên, như một định mệnh, các tiến sĩ họ Nguyễn đều chỉ ra làm quan vài ba năm rồi tự cởi mũ áo, xin được lui về quê vui với việc chài lưới, ruộng vườn. Có thể vì thế mà họ này nghèo nhất làng chăng?
Bằng chứng rõ nhất là cái từ đường họ ở phía hồi phải nhà anh cu Đức. Ngày nay, so sánh như thế thì tội chết, anh cu Đức vẫn lẩm bẩm trong bụng, nó chỉ nhỉnh hơn cái bếp nhà anh một tí. Đó là một căn nhà ngang kiểu cổ, chạm trổ rất thô, chiều ngang dài chín mét, chiều sâu áng chừng chỉ khoảng ba mét. Nhà chia làm ba gian, mỗi gian xây một cái ban thờ cách nhau vừa đủ một thân người đi lọt, trên đó xếp kín các bài vị lớn nhỏ, cao thấp. Phía ngoài, tính từ bậu cửa bằng gỗ lim nhìn lên mái là một bức hoành phi nền đen, chữ sơn son thếp vàng. Nhìn ngang về hai bên cánh gà là một đôi câu đối cổ, các con chữ nho vuông vức đã được đắp đi đắp lại nhiều lần bằng vôi vữa, nay đang rụng tróc từng mảng. Chái nhà lát gạch tàu, mặt gạch hầu như không viên nào còn lành lặn. Riêng cái sân, nghe nói được sửa chữa từ thời Minh Mệnh, giờ tự nhiên lún xuống cả tấc, trời vừa mưa đã biến thành một cái ao nhỏ.
Từ đường thờ cúng tổ tiên như thế, con cháu làm sao không mạt vận? Tuy nhiên, tự thẳm sâu trong lòng, anh cu Đức vẫn tin chắc rằng, vào cái thời này, người làm rạng danh tổ tông chính là thằng Dục, con trai anh. Vợ chồng anh khoai lúa bao nhiêu thì thằng Dục càng thanh cao bấy nhiêu. Vầng trán nó cao vời vợi như có ánh hào quang chiếu rọi tới từ cõi vô hình, mắt nó sáng lấp lánh, môi nó mỏng và đỏ như son, miệng nó nói mà nghe như đang hát. Từ lớp một tới lớp tám, các bài kiểm tra của thằng bé chỉ có một loại điểm, ừ, điểm mười. Lớp chín nó đi thi học sinh giỏi toán cấp huyện, cấp tỉnh rồi cả cấp quốc gia, lần nào cũng đạt giải nhất. Tới cấp ba, thằng Dục được một trường đại học gọi ra thủ đô, cho vào lớp chuyên toán, nghe đâu đây là lớp luyện gà nòi toán để đi đấu quốc tế. Rồi được tuyển thẳng vào đại học, nó chọn trường luật vì nghĩ ngay cả trong bát cơm nó sẽ ăn, cái áo nó sẽ mặc, cái ghế nó sẽ ngồi, nó sẽ làm dân hay làm quan, sẽ giàu hay nghèo, sẽ sang hay hèn đều có luật, do luật quyết định. Dục học rất giỏi. Chỉ cực nỗi vợ chồng anh cu Đức phải gò lưng lo tiền cho nó thuê nhà, đóng học phí, ăn uống, sinh hoạt. Năm trăm ngàn đồng dành nuôi một người con ăn học đại học đối với những người khá giả không ảnh hưởng gì, nhưng với vợ chồng anh cu Đức, số tiền ấy tương đương với thu hoạch của bốn sào ruộng khoán sản trong một vụ! Suốt năm, phải nhịn ăn, nhịn mặc, bấm bụng làm ngơ tiền ông khóc bà cười anh chị mới chắt bóp được ít tiền chu cấp cho con! Ô hay, thế mà thằng Dục vẫn được đi học, lại chẳng hề kém chúng kém bạn như ai mới lạ chứ! Anh cu Đức cười mãn nguyện, nghĩ anh nên biện một cái lễ để tạ ơn ông tổ nghề ve chai đã phù hộ cho anh mạnh chân khỏe tay, mồm năm miệng mười, mua rẻ bán đắt để có tiền nuôi vợ nuôi con mới phải.
Vừa lúc đó, cái máy điện thoại cũ anh thuê để thỏa thuận giá cả trước với bạn hàng mỗi khi đi đổ ve chai kêu lên tít tít. Móc điện thoại ra nhìn vào màn hình, mắt anh cu Đức bỗng nhiên tối lại. Không phải người ta hỏi có ve chai bán chưa mà là tin nhắn của thằng Dục. Đã một tháng nay, mối mua mối bán đều ế ẩm, anh cu Đức chẳng dư nổi vài trăm chứ đừng mơ có cả triệu để gửi cho con. Biết làm sao bây giờ, anh cu Đức thở dài, ngồi phệt xuống cái phản gỗ mít có từ hồi còn sống ma ông nội anh. A, hay là bán quách mấy cái xe đạp đi. Vị chi năm chục một cái, cả thảy cũng được hai trăm rưởi. Thiếu thì cho mớ quạt nát đi ở non tiếp, cũng thêm được hơn chừng đó một chút. Chí ít thì cũng trang trải được một số nợ cho con, thiếu nhiêu tính đó, chứ bây giờ có giết anh đi cũng chả đào đâu ra được ngần ấy tiền. Nghĩ tới đó, miệng anh cu Đức bất chợt nở một nụ cười méo xệch. Tiện tay, anh với cái điếu bát, vê một viên thuốc lào nhét vào nõ, rồi khoan thai nâng xe điếu lên miệng, châm lửa, rít một hơi dài. Nước điếu sôi lên tong tóc. Tuy chưa bị say nhưng anh cu Đức vẫn ngửa mặt lên trần nhà, mắt lim dim, miệng từ từ nhả ra từng ngụm khói thuốc cay xè.
Bỗng có tiếng ho húng hắng từ ngoài ngõ vọng vào. Anh cu Đức nhướng mắt nhìn ra sân và nhận ra người vừa đánh tiếng là cụ trùm họ Nguyễn Phúc. Anh cu nhổm dậy, lật đật chạy ra sân:
- Con chào cụ trùm ạ!
- Phải!
- Mời cụ vào nhà xơi nước ạ!
- Phải!
Dắt cụ trùm tới chiếc phản ngồi, anh cu Đức rót nước mời:
- Cụ dùng tạm, con chỉ quen dùng loại chè bồm này thôi ạ.
- Phải! Không sao!
- Thưa, nắng thế này, cụ cất công tới con chắc có việc hệ trọng?
Cụ trùm không trả lời anh cu Đức ngay mà lại hỏi:
- Anh đi ve chai, nay tỉnh Thanh mai xứ Nghệ, kiếm cũng được chứ?
- Dạ, đủ rau cháo qua ngày thôi cụ ạ! - Anh cu xoa hai tay vào nhau phân bua, miệng cười trừ.
- Tốt! Ông cụ khen.
Rồi đổi giọng, hặc:
- Nhưng anh vô tình với tổ tiên quá. Hỏng! Người như thế là hỏng!
Cu Đức ngạc nhiên:
- Cụ nói thế là có ý gì, con nghe chưa thủng!
- Thì đấy, cả họ cả hàng họp, việc đại sự thế mà anh vẫn mũ ni che tai, lại còn hỏi có ý gì thì không quá vô tình sao?
Anh cu Đức hạ thấp giọng:
- Xin cụ thương bỏ qua mà dạy bảo cho con cháu!
- Thôi được, anh đã nói thế thì tôi không vòng vo nữa. Đại sự là như thế này, đại ý là... Anh biết đấy, họ ta là một họ vẻ vang. Có bao nhiêu truyền thống quý hóa trong thiên hạ dồn tụ cả vào họ ta. Thế mà cái từ đường họ, cả trăm năm nay chưa có ai phát tâm đứng ra tu sửa. Thử hỏi con cháu nào mà không cảm thấy áy náy? Tôi hỏi thật, ý anh thế nào?
- Dạ! - Anh cu thở dài, chậm rãi nói - Riêng con thì con đang lo mình sẽ phải đắc tội với tổ tiên đây. Tiện cụ hỏi con mới phô, việc học hành của các cháu thời này tốn kém lắm cụ ạ. Cháu nghĩ, thằng Dục nhà cháu mà được như ngày nay cũng chỉ là nhờ được nương vào phúc ấm của tổ tiên. Chã nhẽ bây giờ tổ tiên lại mong nó phải bỏ học ngang?
Nghe anh cu nói chướng tai quá, cụ trùm phẩy tay, ra ý không muốn nghe chuyện ngãng ra nữa. Cụ nghiêm mặt đứng dậy, bước ra cửa.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa, anh cu Đức vừa tiếp cụ trưởng chi cả xong lại phải trò chuyện ngay với cụ trưởng chi thứ, vừa nghe mấy ông bác vận động lại đã phải căng tai bởi ông chú giải thích vì sao phải đóng góp gấp tiền. Người thì đánh tiếng xa, người thì nói toạc móng heo ra rằng, từ đường họ ta sắp khởi công tu sửa rồi, ai không đóng tiền thì chỉ còn nước phải đeo mo nang lên mặt mà ra đường thôi. Ừ, nhà anh hai suất đinh, vị chi mới có một triệu, anh chỉ phẩy tay một cái là xong, dây dưa làm gì mấy đồng tiền lẻ cho tai tiếng anh cu nhỉ.
Hôm thứ ba, anh cu Đức nhận được tin Dục nói tình thế gấp lắm. Cho dù thuộc diện được thi tuyển làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngay sau khi có bằng cử nhân, nhưng nếu nó không thanh toán các khoản nợ nhà trường trước hạn, chắc chắn sẽ không được bảo vệ luận văn tốt nghiệp trong thời gian tới. Người ta sẽ xóa tên nó? Tương lai nó sẽ ra sao? Anh cu Đức mới tưởng tượng tới đó mà đã toát mồ hôi hột.
Nhưng tự nhiên anh lại cười. Đã thế vừa cười lại vừa lắc đầu. Rồi anh bậm môi, nhấc máy, gọi tới vựa ve chai. Rằng, anh sẽ bán cái này, cái kia. Rằng, anh đang có việc cần nên để giá mềm như vậy. Rằng, nhớ nể mặt nhau một chút, chứ ép nhau lúc này là tệ lắm đấy...
Một lát sau, đại lý ve chai cho một cái xe ba gác máy tới.
Lúc nổ máy rời nhà anh cu Đức, chiếc xe chất ngất bốn cái xe đạp nát, hai chục cái quạt điện hư, vài cái bàn là hỏng và hàng tạ giấy vụn... Anh cu Đức đưa tay thấm nước bọt, cẩn thận đếm lại từng tờ bạc, rồi đút nhanh vào túi quần sau.
Đi đi lại lại trong nhà một lát, anh với tay lấy cây bút máy và một tờ giấy trắng, nằm bò trên cái phản gỗ mít mà viết. Anh viết những gì chỉ một mình anh biết. Rồi anh bỏ tờ giấy vào cái bì thư, dán lại, lấy xe, nổ máy, chạy bon bon thẳng tới Bưu điện Phúc Thượng gửi cho Dục một triệu đồng. Tần ngần một lát, anh rút cái bì thư từ túi áo ra, mua hai con tem dán lên và bỏ vội nó vào cái thùng thư màu vàng...
Mấy hôm sau thì cụ trùm họ nhận được lá thư ấy.
Đọc xong, ông cụ phá lên cười. Cụ ra ngay bưu điện đánh dây thép cho ai đó. Người ta loáng thoáng nghe ông cụ nói câu được, câu mất: “ Ờ, ờ, cháu nói thế ông vỡ ra rồi... Phải, tức là phải viết đơn gửi tới Sở Tư pháp phải không. Mà thôi… Rồi ông sẽ bàn riêng với cháu… Ừ, cháu cứ về đi, ông cho tiền tàu. Thôi, ông chờ nhé!”.
Sau hai ngày, cụ trùm sai thằng cháu đi gọi anh cu Đức tới để hỏi cho rõ ngọn ngành.
Anh cu vừa ngồi xuống ghế cụ đã dồn:
- Người họ ta khác thường thật. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy có người dám viết đơn xin ra khỏi họ Nguyễn Phúc đấy!
Anh cu Đức run run:
- Con quẫn nên đã làm liều. Giờ nghĩ lại, mong cụ bỏ qua cho các cháu nhờ!
- Anh mới gửi cho con một triệu, phải không?
- Dạ.
- Vậy anh đúng là người có hiếu với con cái nhất rồi!
- Thưa, không dám ạ.
- Tôi nói thật, như vậy cũng là đại hiếu với tiên tổ! Chỉ tiếc rằng...
- Cụ dạy sao ạ?
Cụ trùm họ nheo mắt:
- Anh mới chỉ nghĩ một mà chưa suy hai. À, mà anh có thằng con khéo thật! Nó nói thủ tục xin ra khỏi họ rườm rà lắm, anh phải nạp đơn cho cơ quan nhà nước, lại phải cất công tới chỗ này chỗ kia cũng mất vài ba tháng. Nhưng thằng cu lại nói với tôi, bố nó không góp được của thì góp công, góp thứ khác chứ việc gì phải bỏ họ, bỏ hàng? Nghe cũng được đấy chứ...
Nghe ông cụ nói, anh cu tái mét mặt, người gai gai như sắp bị sốt. Chuyện nhỏ thành chuyện nhớn rồi! Đi hầu cơ quan nhà nước vài tháng, có nghĩa là phải nghỉ ve chai, và như vậy tức là chết đói! Tay vân vê cái mép phản, miệng anh lí nhí:
- Vâng, con tối dạ, xin cụ cứ mở mắt cho!
Ông trùm họ cười khẽ, khoan dung bảo:
- Thôi, đi về mà hỏi thêm đống đất bên hồi nhà xem nó nói gì với anh đã. Rồi mau mau lại đây mà lấy lại cái đơn!
- Vâng!
Về tới ngõ, anh cu Đức thấy thằng Dục đang đứng tần ngần bên đống đất.
Thằng bé về bao giờ nhỉ? Về làm gì cho tốn tiền tàu xe cơ chứ?
Thấy bố, Dục đon đả chào rồi hồn nhiên gợi ý:
- Bố ơi bố, cụ trùm bảo...
- Cụ bảo sao?
- Có đống đất này mà tôn nền từ đường lên thì tiện nhỉ!
Anh cu Đức giật thót cả người nhưng vẫn cố cười gượng:
- Ừ, cũng đỡ được cả triệu mua cát đội từ đầu làng về đấy!
Nói xong, anh quay ngoắt lại, chạy một mạch tới nhà cụ trùm.
Rồi vừa thở hổn hển, anh vừa khoe với ông cụ:
- Người ta cho cháu nó được thi rồi cụ ạ...
Cụ trùm vuốt râu, giọng xa xăm:
- Ừ, dòng họ ta lại sẽ có một tiến sĩ...