Bức tranh vẽ trăng và bộ trường kỷ
lâm chiêu Đồng 20.10.2017 05:50:40 (permalink)


 
Ngôi làng có đến bảy tám trăm nóc gia nằm dọc sông Tiền! Một ngôi làng thật trù phú. Do thói quen nên ít ai gọi tên ấp tên xã mà chỉ gọi xóm trên, xóm dưới và xóm giữa. Ở nơi này hầu như nhà nào cũng có khu vườn bao bọc quanh nhà, nhờ có lớp trầm tích phù sa dày do được bồi đáp từ bao đời mà cây cối luôn bốn mùa xanh tốt. Làng nằm cạnh bờ sông, ba mặt còn lại được bao bọc bởi cánh đồng rộng ngút ngàn.
Ở xóm giữa có nhà Tư Thạnh chuyên cho vay và nhận cầm cố đất hoặc những đồ vật quý giá! Vì làm ăn theo lối quê nên không cần treo bảng hiệu nhưng thỉnh thoảng vẫn có người trong làng tìm đến mỗi khi bức bách về tiền nong.Tư Thạnh có 2 người con đều ở Sài Gòn! Đứa lớn đã ra trường và có chỗ làm ổn định, đứa nhỏ, đứa sắp ra trường. Nên xứ này nếu nói về sự vẻ vang và nhàn nhã thì không ai hơn nổi vợ chồng Tư Đạt, vì có vài nguồn thu đáng kể nên dù có nhiều ruộng nhưng vợ chồng Tư Đạt vẫn không cần phải động móng tay, mà cho người khác thuê để đến lúc họ thu hoạch sẽ trả lúa theo thoả thuận.
Cách nhà khoảng hai mươi phút đi bộ là nhà của Sáu Kế! Nhà Sáu Kế có cổng rào xây kiên cố nên nhìn bề ngoài trông rất bề thế! Tuy nhiên căn nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương có nền rất cao này là của ông bà nội xây dựng từ lâu lắm rồi, nhưng đến thời cha mẹ của Sáu Kế thì gia cảnh bắt đầu ngày càng đi xuống! Lâu nay thỉnh thoảng Tư Thạnh vẫn ghé vào chơi cờ tướng với Sáu Kế. Tư Thạnh mê bộ cờ làm bằng ngà voi của Sáu Kế lắm, nên mỗi khi ghé chơi vẫn cứ gạ gạ, gièm gièm mong sở hữu được bộ cờ nhưng Sáu Kế vẫn cứ tảng lờ đi, có lẽ vì bộ cờ bằng ngà đã lên nước vàng bóng là vật gia bảo nên dù có túng thiếu đến mấy Sáu Kế vẫn cố gìn giữ nó. Nhưng rồi gia cảnh Sáu Kế ngày càng sa sút đến thảm hại! Vụ mùa năm nay thất nặng nên hai đứa con đến lúc phải lên tỉnh học mà nhà lại không tiền để lo cho chúng, vợ lại bệnh nặng mà chỉ biết hốt thuốc Nam uống nên không thuyên giảm.
Đang bối rối tình cờ sáng nay Tư Thạnh lại ghé qua định rủ chơi cờ, nhưng thấy vẻ mặt Sáu Kế có vẻ không ổn cho lắm nên chỉ hỏi thăm qua quýt! Mang hai cái tách và bình trà đựng trong cái vỏ trái dừa khô bày ra bàn, rót trà vào tách mời Tư Thạnh, bằng một giọng rụt rè Sáu Kế nói – Không giấu gì anh hiện gia cảnh tôi đang rất khó khăn nên định nhờ anh giúp cho phen này! Tôi định thế cho anh bộ trường kỷ cẩn ốc xà cừ để lấy ít tiền trang trải rồi đến vụ mùa sau tôi sẽ chuộc lại! – Anh định thế bao nhiêu? – Tôi cần khoảng 15 ngàn để lo cho sắp nhỏ nhập học trên tỉnh lỵ và đưa bà nhà tôi lên đó chữa bệnh anh à! 
Nghĩ đây là cơ hội tốt để có được bộ cờ nên Tư Thạnh giả bộ ra chiều đăm chiêu! –Bộ trường kỷ mà thế tới 15 ngàn coi bộ hơi nhiều. Hay là anh kèm luôn bộ cờ rồi khi nào chuộc sẽ chuộc về luôn một thể! – 15 ngàn không nhiều đâu anh! Ba tôi nói bộ trường kỷ này hồi trước ông nội tôi phải mua bằng giá của trên 2.000 giạ lúa đó! Hơn nữa trước sau gì tôi cũng sẽ chuộc lại mà! Bộ cờ tôi muốn giữ lại để thỉnh thoảng anh ghé anh em mình đấu với nhau cho vui nha! 
Thầm nghĩ Sáu Kế lâm vào tình cảnh này thì sớm muộn gì đồ đạc trong nhà cũng phải đổi chủ, mà chủ mới không là mình thì còn ai vào đây?! Nên bèn gật đầu chấp thuận mà không kỳ kèo thêm câu nào! – Thôi được rồi! Anh lau chùi và gom bộ trường kỷ để sẵn, chiều nay bà xã tôi sẽ đem tiền qua cho anh. 
Sau thời gian dài điều trị trên tỉnh, bệnh tình vợ Sáu Kế đã đỡ nhiều, nhưng từ hôm xuất viện về đến nay cũng không làm nổi việc gì dù là việc nhỏ, chỉ đi tới đi lui trong nhà đã mệt thở không ra hơi! Sáu Kế vừa lo cơm nước giặt giũ vừa tưới tắm vườn tược và lo cho bầy gia súc. Hai đứa con học và ở nội trú vì thấy gia cảnh đang lúc quá khó khăn nên phải vài tháng mới dám thay nhau về thăm gia đình một lần! Vì mỗi lần về đều phải tốn tiền xe, tiền đò. Riêng phần Sáu Kế mỗi tháng đều đặn gửi chút tiền còm cỏi theo chuyến đò dọc cho các con chi phí hòng duy trì việc học hành! Cuộc sống nhà Sáu Kế chỉ dựa vào mảnh vườn là chính! Cứ năm mười hôm bán đi một vài cặp gà, khi bán đôi ba con vịt xiêm! Rồi thì dăm quài chuối hoặc buồng dừa. Cuộc sống trôi qua một cách lắt lay
Thỉnh thoảng Tư Thạnh cũng có ghé rủ chơi một vài ván cờ! Nhưng Tư Thạnh chơi để tiêu khiển và giết thời giờ. Phần Sáu Kế biết mình không có đủ thời gian làm việc để duy trì cuộc sống hàng ngày thì lấy thời gian đâu để mà giết? Cho nên việc chơi cờ bây giờ chẳng qua là để lấy lòng Tư Thạnh mà thôi chứ chẳng màng việc thắng hay thua! Vì trong cuộc sống thực Tư Thạnh đang là người thắng đậm và Sáu Kế ngày càng thảm bại đến te tua…
Vụ mùa vừa rồi lại gần như thất trắng do lũ năm nay dâng cao nên cả cánh đồng lúa bị dìm trong biển nước mênh mông. Mong ước sớm chuộc lại bộ trường kỷ ngày càng trở nên xa vời! Thật ra chính bộ trường kỷ đó mới là thứ quý báu và thiêng liêng nhất đối với gia đình Sáu Kế, vì có thể nói cả làng này và cả nhiều làng khác quanh vùng cũng không thể tìm ra bộ thứ 2, nên nếu để mất nó thì suốt phần đời còn lại Sáu Kế sẽ phải ray rứt mãi vì cảm giác đắc tội với cha mẹ, ông bà. Mặc dù lâu lâu Sáu Kế lại phải đem một thứ gì đó lên tỉnh để bán cho tiệm của chú Tiều. Khi thì cặp đèn dầu có chân đế bằng đá màu bịt đồng, lúc lại bán đi đôi liễng cẩn ốc, tháng vừa rồi lại phải bán đi cái bình sứ ngũ sắc cao 3 gang tay mà Sáu Kế nghe người lớn nói là có từ thời vua Càng Long bên Tàu. Chiều hôm bán chiếc bình sứ đó trên đường về Sáu Kế có mua ít quà tặng cho Tư Thạnh và năn nỉ hãy giữ bộ trường kỷ đó và khoanh nợ lại để sau này Sáu Kế còn chút hy vọng có được cơ hội chuộc lại. Không ngờ Tư Thạnh lạnh lùng cho hay! Bộ trường kỷ đó từ lúc anh cầm đến nay đã khá lâu, nên lãi đẻ lãi cho đến hiện tại đã bằng gấp 3 số tiền 15 ngàn mà anh đã nhận, vậy xem như bây giờ nó đã là bộ trường kỷ của nhà tôi rồi
Thất thểu quay về với cõi lòng buồn rười rượi! Lâu nay Sáu Kế vẫn thầm ước Tư Thạnh là người có tâm nên sẽ không cạn tàu ráo máng với mình, bởi dù sao cũng là tình làng nghĩa xóm. Nhưng giờ mới chợt nhận ra người có tâm đâu ai lại chọn nghề đó bao giờ?
Kể từ hôm nói cho Sáu Kế biết bộ trường kỷ không còn thuộc chủ cũ thì không thấy bóng dáng Tư Thạnh léo hánh đến nhà nữa! Có lẽ do cảm thấy ái ngại cũng nên? Trưa hôm qua tình cờ gặp Tư Thạnh gần bên đò Sáu Kế giả lả đánh tiếng.- Sao lâu quá không thấy anh ghé chỗ tôi chơi cờ? Hay là sáng mai ghé nhà tôi đấu một trận nha! Tư Thạnh vốn thích được vân vê mấy quân cờ bằng ngà mát lạnh trên 3 ngón tay nhưng vì ngại nên lâu nay còn lưỡng lự! Nay được Sáu Kế tỏ ra không mấy bận tâm chuyện cũ mà đã có lời mời thì cảm thấy hoan hỷ trong lòng lắm! –Được rồi sáng mai tôi sẽ ghé nhà anh chơi! 
Hai người ngồi đánh cờ đến gần giữa trưa thì nghỉ! Nhìn lên vách thấy có bức tranh nên Tư Thạch lấy làm lạ và hỏi! – Bức tranh này lấy đâu ra mà lúc trước đến đây hoài tôi không nhìn thấy? –Bức tranh này có từ thời ông nội tôi, vì lâu nay không có vách trống để treo nên vẫn cứ để trong kho, tháng trước túng quá phải bán đi cái tủ cẩm lai khiến chỗ đó trống trải quá nên lấy bức tranh treo lên cho đỡ trống anh à! 
Giã biệt chủ nhà trên đường về Tư Thạnh nghĩ ngợi miên man về gia cảnh của Sáu Kế! Người xưa vẫn nói Trăng có tuần, nước có vận và người có thời! Khi con người không còn thời thì dù có ruộng có vườn cũng chưa chắc đã dễ có được cái ăn. Như gia đình Sáu Kế chẳng hạn! Và rồi chợt nghĩ đến bức tranh treo trên vách nhà Sáu Kế! Ai đời vẽ cảnh đêm mà lại vẽ ánh trăng lưỡi liềm khiến cho cảnh đêm trở nên âm u và buồn tẻ vô cùng. Không gian chỗ đặt bức tranh lại không đủ ánh sáng khiến chúng càng thê lương hơn…
Vì bầu không khí đã trở lại tự nhiên, Tư Thạnh không còn cảm thấy nhột nhạt nữa nên mới cách một tuần mà Tư Thạch lại mò đến rủ Sáu Kế chơi cờ! Thỉnh thoảng sau vài lần liếc nhìn bức tranh trong lòng Tư Thạnh cảm thấy có một điều gì đó rất khác thường từ bức tranh mà không hiểu đó là gì? Hôm đó cuộc cờ kết thúc sớm hơn mọi khi vì đầu óc Tư Thạnh không tập trung cho lắm! 
Đêm đã khuya, vợ Tư Thạnh đã ngủ tự bao giờ vậy mà Tư Thạnh vẫn không sao chợp mắt. Bức tranh lúc ban sáng chỗ Sáu Kế bỗng lại hiện về xâm chiếm tâm trí Tư Thạnh! Và rồi Tư Thạnh bỗng choàng dậy miệng lẩm bẩm đúng rồi! Hèn chi…Có lẽ Tư Thạnh đã phát hiện ra điều mà từ sáng tới giờ vẫn cứ thắc mắc trong lòng. Tư Thạnh nhớ lần đầu nhìn ánh trăng trong tranh là ánh trăng lưỡi liềm khiến mọi vật trong tranh trông mờ mờ ảo ảo. Vậy mà rõ ràng sáng này thấy ánh trăng đó lại là trăng bán nguyệt, và cảnh vật trong tranh nhìn cũng có phần sáng tỏ hơn
Lâu lắm rồi hôm nay nhà Sáu Kế mới có đươc một ngày vui như thế này! Hai đứa nhỏ nhận được thứ hạng cao sau đợt thi cử nên cùng về thăm gia đình. Biết con mình có được thành tích tuyệt vời này chúng đã phải nỗ lực biết bao nên thương lắm! Sức khoẻ vợ Sáu Kế giờ cũng đã hồi phục nhiều, nên hôm nay nhân dịp cả nhà được đoàn viên bên nhau chị ta muốn cả nhà có được bữa tiệc bánh xèo.Đứa con gái phụ mẹ xay bột lặt tép, Sáu Kế và con trai cũng xúm vô lăt rau. Tuy không nói gì nhiều với nhau nhưng nhìn vẻ mặt ai cũng toát lên nét hân hoan vô cùng…
Vừa đến cổng giọng Tư Thạnh đã oang oang cất lên! Quởn không? Làm vài ván cho vui anh Sáu ơi! Bước lên thềm miệng đang còn réo mà mắt đã dán chặt lên bức tranh trên vách, suýt nữa thì không che giấu được vẻ bàng hoàng bởi hôm nay ánh trăng trong tranh đã tròn vành vạnh tự bao giờ. Từ nhà sau bước lên Sáu Kế hỏi – hôm nay rằm không đi chùa sao ghé tôi vậy anh Tư? –Hôm nay thấy uể oải trong người nên làm biếng cuốc bộ quá! Muốn ghé anh làm vài ván rồi về thôi! 
Vừa về đến nhà Tư Thạnh liền ngồi thừ xuống chiếc ghế xích đu! Không được rồi! Phải mau chóng có được bức tranh bằng mọi giá trước khi tay Sáu Kế cù lần phát hiện ra điều kỳ diêu từ bức bức tranh của y. 
Sáng sớm hôm sau Tư Thạnh mang theo bộ lư xuống đò đi lên tỉnh! Tiệm chú Tiều nằm trên dãy phố thưa vắng, đó là nơi thỉnh thoảng Tư Thạnh vẫn tìm đến bán hoặc đổi chác một vài món đồ xưa. Làm nghề cầm đồ nên có nhiều món đồ xưa rất quý mà khách đem cầm rồi không có khả năng chuộc lại, những món đó đều trở thành của Tư Thạnh, nếu lâu lâu không gom bán bớt thì chỗ đâu mà chứa? Dắt Tư Thạnh vào gian phòng bên trong chú Tiều hỏi – Hôm nay mang đến món gì mà thấy nặng vậy? Tư Thạnh bèn lấy trong bao ra từng món rồi sắp ra trước mắt chú Tiều bộ lư mắc tre, trên những cành lá tre là chi chít những chú chim với đủ tư thế trông thật tinh xảo. Đó là bộ lư được gọi là Bách Điểu Quy Sào (Trăm chim về tổ) Có lẽ do người xưa muốn nhắc nhở con cháu là dù có phiêu bạt phương nào thì những ngày giỗ tết cũng phải tìm về sum hợp. Vì biết chú Tiều sẽ rất hài lòng khi mua được món hàng độc nên Tư Thạnh đã phải lấy bộ lư mà chính Tư Thạnh cũng cảm thấy thích đem bán, hòng khai thác được thông tin cần thiết từ chú Tiều. 
Cuộc bán mua diễn ra chóng vánh và tiền bạc cũng đã thanh toán xong xuôi! Ngồi vào bàn trà Tư Thạnh hỏi – Có bao giờ chú nghe qua bức tranh có vầng trăng biết tự thay đổi trạng thái chưa? Tức là nếu đêm nay trăng trên trời khuyết thì trăng trong tranh cũng sẽ khuyết theo! Còn như những đêm rằm hay cận rằm ánh trăng trong tranh cũng sẽ sáng trong vằng vặc. – Chuyện này tôi đã từng nghe người đi trước kể lại! Vị vua thời nhà Tống bên Tàu được một hoạ sĩ thiên tài dâng tặng bức tranh như anh vừa miêu tả! Nhưng tôi biết đó chỉ là truyền thuyết mà thôi! Chứ nếu thật sự có một bức tranh như vậy thì dù có bán hết mười gia sản của tôi cũng không mua nổi bức tranh đó đâu! 
Những lần trước khi rời khỏi tiệm chú Tiều, Tư Thạnh có thói quen đi rảo một vòng quanh chợ! Nhưng chuyến này Tư Thạnh quày quả quay lại bến đò để về quê ngay. Phải mất vài tiếng đò mới đến nơi, trên đò Tư Thạnh nghĩ ra được nhiều phương kế để lấy cho được bức tranh vô giá mà hiện tại chủ nhân của nó vẫn còn mê muội không nhận ra sự vô giá của nó
Sáng hôm đó Tư Thạnh ghé nhà Sáu Kế giả bộ rủ đánh cờ nhưng kỳ thật là để thực hiện âm mưu của mình! Đi được vài nước cờ Tư Thạnh buột miệng nói – Anh em mình quen biết nhau đã lâu! Càng tới lui chơi cờ với anh, càng hiểu anh là người cần cù chất phác nên tôi cũng cảm thấy mến anh! Tôi biết anh rất quý bộ trường kỷ nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên phải đem gán nó cho tôi! Tôi định đem trả lại bộ trường kỷ đó cho anh mà không kèm theo điều kiện nào hết, miễn sao anh chị vui thì vợ chồng tôi cũng sẽ vui! – Thật vậy sao anh Tư? – Thật! Chút nữa tôi sai tụi nhỏ khiêng bộ trường kỷ đến! Phần anh chỉ cần tặng tôi bức tranh đó làm kỷ niệm thôi có được không? Vừa nói Tư Thạnh vừa chỉ tay về phía bức tranh. – Được chứ anh! Đừng nói là bức tranh, nếu được anh thương tình cho lại bộ trường kỷ thì anh thích bất cứ món gì trong nhà tôi cũng đều sẵn lòng anh à! Hơn nữa tôi hứa sẽ không để anh thiệt đâu! Sau này tụi nhỏ làm có tiền tôi kêu chúng nó góp nhặt từ từ để bù đắp lại cho anh mà!
Cầm bức tranh trong tay Tư Thạnh cảm thấy sướng như đang cầm trong tay kho báu! Vừa ra tới cổng Sáu Kế chạy theo gọi với và trao cho Tư Thạch chiếc hộp đựng bộ cờ tướng bằng ngà! Anh giữ bộ cờ để chơi nha! Giờ tôi không còn hứng thú với môn chơi này nữa anh à! 
Đã mười ngày trôi qua mà ánh trăng trong tranh vẫn trắm trơ trắm trất! Không còn kiên nhẫn được nữa Tư Thạnh quyết đến gặp Sáu Kế để hỏi cho ra lẽ! Vừa đặt chân lên thềm nhà Sáu Kế, Tư Thạnh đã phải tròn mắt há hốc miệng ra! Bức tranh anh đã tặng nó cho tôi rồi mà vẫn còn bức tranh này nữa là sao? - Anh không hiểu thật sao? Thật ra tôi có tới năm bức tranh giống nhau, chúng chỉ khác chút chỗ ánh trăng thôi anh à! Tặng anh một bức tôi vẫn còn lại bốn bức đó! Nên cứ năm sáu hôm tôi lại thay bức khác cho nó sinh động thêm thôi mà! 
Kiếu từ anh bạn chất phác ra về, Tư Thạnh lẩm bẩm…Thằng này đúng là Sáu Kế.
Vĩnh Long 13/10/2017
Lâm Chiêu Đồng
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.11.2017 00:25:38 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9