CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI
-
21.10.2017 11:57:01
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI
Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
Từ ngày Quốc hội đổi mới phương thức làm việc, lần họp nào cũng có các buổi đại biểu Quốc hội chất vấn các vị Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ, về các vấn đề mà cử tri cả nước đang quan tâm. Và buổi chất vấn nào cũng được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước được nghe, được thấy.
Về nội dung trả lời của các vị Bộ trưởng, tuy còn không ít trường hợp vòng vo, né tránh. Nhưng nói chung đều thẳng thắn, đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri, cho nên ai cũng phấn khởi, lạc quan và tin tưởng.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV vừa qua, có vị đại biểu chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Xin Thủ tướng cho cử tri biết ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài bằng cách nảo? Có cá nhân hay tổ chức nào giúp đỡ mà ông ta trốn được trót lọt và mau lẹ như vậy?”. Người hỏi vừa dứt lời, thì bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đứng lên nói: “Vấn đề đại biểu vừa hỏi, xin để Thủ tướng sẽ trả lời sau bằng văn bản”.
Thế là cuộc chất vấn đột ngột bị cắt ngang. Thủ tướng tự nhiên mất quyền trả lời (hay không phải trả lời). Người đưa ra câu hỏi không được nghe và cả hàng triệu cử tri đang theo dõi cuộc chất vấn qua truyền hình cũng không được nghe câu trả lời của Thủ tướng. Còn sau đó Thủ tướng có trả lời bằng văn bản hay không, thì chỉ một mình vị đại biểu có câu hỏi biết, chứ cử tri thì chẳng bao giờ được biết.
Cách làm đó chẳng biết có sai phạm gì về quyền tự do ngôn luận của các vị đại biểu Quốc hội hay không? Nhưng chắc chắn cách đó đã làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa dân chủ của việc chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng thời cách làm đó cũng cho cử tri có thể hiểu rằng: Ở nghị trường quan trọng này của cơ quan Lập pháp, chắc có quy định về nghi thức giao tiếp, tranh luận và chất vấn. Cho nên khi thấy câu hỏi của đại biểu chạm vào vấn đề nhậy cảm, hay thuộc phạm vi bí mật quốc gia, thì người đứng đầu cơ quan Lập pháp được quyền đưa ra quyết định đột ngột như vậy. (Việc ông Trịnh Xuân Thanh chạy trốn có phải là bí mật quốc gia không, xin sẽ bàn sau). Và cũng chính vì quy định đó (nếu có), cho nên người đứng đầu cơ quan Hành pháp phải im lặng chấp hành.
Song đó là ở trong nghị trường. Còn ở ngoài xã hội, trong cuộc sống dân giã thì lại khác. Theo tập quán cổ truyền: Khi người ta đang chuyện trò, trao đổi với nhau, dù ở trong nhà, hay ngoài đường, ngoài chợ mà bị người khác chen vào cắt ngang câu chuyện của họ, thì người đó sẽ bị coi là vô duyên, là bất nhã, bất lịch sự, thậm chí còn có thể sinh sự sự sinh…
Xin được trở lại việc ông Trịnh Xuân Thanh chạy trốn có phải là bí mật quốc gia không?
Chẳng biết các vị đại biểu Quốc hội quan niệm vấn đề này thế nào? Còn người dân thì cho rằng việc đó không phải là bí mật quốc gia.
Ông Trịnh Xuân Thanh, khi còn tại vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Rồi Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Tuy là cán bộ cao cấp của Đàng và Nhà nước, nhưng ngay từ lúc ông ta vứt bỏ cái khuôn vàng thước ngọc là “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, để nhúng tay vào tham nhũng, làm cho PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, thì ngay lúc đó chính ông ta đã làm cho mình trở thành một kẻ lưu manh rồi. Vậy thì chuyện một thằng ăn cắp chạy trốn pháp luật là chuyện tự nhiên, bình thường, chứ có gì là bí mật quốc gia đâu.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhờ công nghệ phát triển mà con người được quyền coi cả thế giới đều là láng diềng của mình. Thế mà trước những vấn đề có tính tiêu cực ta vẫn còn che đậy, giấu giếm thông tin, khiến xã hội nhiễu loạn thông tin, và rất thiếu những thông tin minh bạch.
Ta thử nhìn sang Thái Lan xem, cựu Thủ tướng của họ, bà Yingluck Sinawatra cũng vừa chạy trốn, vì sợ bị đi tù, bị tịch thu tài sản. Nhưng khi phát hiện ra vụ việc, cảnh sát nước họ đã cung cấp thông tin để báo chí đăng tải cho mọi người đều biết. Thậm chí giới truyền thông Thái còn cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ nước này, ông Anupong Paochida đứng đằng sau kế hoạch đào tẩu của bà Yingluck. Và ông Paochida đã bác bỏ: “Tôi khẳng định không liên quan gì đến việc bà Yingluck chay trồn. Do đó, tôi sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này”. (Minh Phụng – theo Bangkok Post). Đấy, người Thái họ có cho vụ đào thoát của bà cựu Thủ tướng nước họ là bí mật quốc gia đâu?
Tất nhiên ta là một quốc gia độc lập có chủ quyền, ta có toàn quyền quyết định mọi công việc của nước mình theo cách của ta, không phải phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Nhưng ta cũng cần phải học tập những cách làm hay, những kinh nghiêm tốt của bạn bè, để xây dựng, kiến thiết và bảo vệ đất nước mình vững chắc hơn và phát triển mau chóng hơn
*
* *
Sau thời gian dư luận xôn xao, khi chuyện ông Trịnh Xân Thanh trốn ra nước ngoài đang chìm dần vào quên lãng, thì bỗng một hôm vào đầu tháng 8 vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: “Ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước và đến Trực ban hình sự Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú”. Trên màn hình ti vi các gia đình có cả ảnh chân dung và một phần lá đơn đầu thú của ông ta. Chẳng biết “sếp to” được học hành đào tạo ở đâu, mà chỉ có mấy dòng đã mất đến hai lỗi chính tả, trốn tránh, lại viết là “chốn chánh”! Và chắc rằng cả lá đơn bị quá nhiều lỗi, cho nên hiện nay trên mạng Internet, người ta cắt bỏ phần giữa lá đơn, chỉ để phần đầu tiêu đề và phần cuối có chữ ký của đương sự ghép lại với nhau, để chứng minh lá đơn là có thật.
Rồi sau đó trên ty vi lại thấy người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rất lấy làm tiếc về lời tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Cộng hoà Liên bang Đức”. Nhưng bà Lê Thị Thu Hằng lại không cho người xem truyền hình biết nội dung lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức là gì?...
Cũng trong thời gian đó, trên các trang mạng xã hội nổi cộm lên rất nhiều thông tin: “Bộ Ngoại giao Đức nói với phóng viên BBC rằng, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ công viên Berlin”. Hãng tin Reuter – Anh cũng đưa tin, Ngoại trưởng Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam tại Berlin đến làm việc chiều hôm qua 1/8/2017…
Dưới đây xin trích vài đoạn trong bản tuyên bố của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức được công bố hôm 2/8/2017:
“Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Eđerer, ngày hôm qua đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức.
Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm pháp luật Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ…
…Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer ngày hôm qua đã trình bày rất rõ ràng quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ rằng Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.
Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức sẽ bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức…”.
Thế là câu hỏi trước của đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp thứ 2 Qốc hội XIV, hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Ông Trịnh Xuân Thanh chạy trốn ra nước ngoài bằng cách nào? Có cá nhân hay tổ chức nào giúp đỡ mà ông ta trồn được trót lọt và mau lẹ như vậy?”. Cử tri cả nước chưa nhận được thông tin gì về câu trả lời bằng văn bản của Thủ tướng. Thì nay cử tri lại có thêm một câu hỏi nữa là: “Có phải ông Trịnh Xuân Thanh về đầu thú không, hay bị bắt cóc?”. Và câu hỏi này, tại kỳ họp sắp tới, liệu có vị đại biểu Quốc hội nào thay mặt cử tri chất vấn Thủ tướng Chính phủ không?./.
TP. Uông Bí, ngày 13/9/2017
Tạ Hữu Đỉnh