Hãy đi đi! truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn
Cỏ Răng Cưa 10.11.2017 11:25:16 (permalink)
Hãy đi đi!
 Tác giả Đặng Chương Ngạn  
 Rút từ tập truyện ngắn : THIẾU NỮ XA LẠ  nhà xuất bản Văn Học - năm 1996


Một đêm đang ngủ say, Thạch bỗng nghe tiếng gõ cửa. Ban đầu anh tưởng đấy chỉ là tiếng cành cây trước nhà va quyệt vào nhau khi bị gió lay. Nhưng những tiếng gõ tiếp đấy xua tan ý nghĩ ấy của Thạch: nó vang lên rõ, đều, từng chặp một. Kẻ gõ cửa tỏ thái độ kiên nhẫn đến cùng.
Cố cưỡng lại giấc ngủ, Thạch vùng dậy, quờ chân tìm đôi dép, bước ra. Anh kéo chốt, mở tung cánh cửa. Không một bóng người. Thạch bước mấy bước, nhớn nhác nhìn quanh rồi quay lại. Ngay lúc ấy,  một mảnh giấy hình chữ nhật dính trên cánh cửa đập vào mắt anh : nét chữ to,  xiên xiên, màu mực xanh:
“Hãy đi đi!”
“Lại trò nghịch oái ăm của ông bạn nào đây!”, Thạch lẩm bẩm, bước nhanh theo hành lang xuống lối đi lát đá dẫn ra cái cổng sơn trắng. Đêm hạ tuần, ánh trăng mờ mờ, chiếu qua vòm lá. Một người đàn ông đang bước trên những phiến đá gập ghềnh. Người đàn ông cao, gầy, vai ngang, khoác chiếc áo màu xám, mà hình như không phải màu xám mà là màu sẫm, một thứ màu thật khó phân định. Người đàn ông bước đi hơi cúi xuống có vẻ chậm rãi nhưng Thạch chạy theo hồng hộc vẫn không kịp. Khi Thạch đến cổng, người đàn ông hoàn toàn biến mất. Hai cánh cổng vẫn còn rung rung, kêu kèn kẹt vì bị xô mạnh. Con đường chạy qua trước nhà Thạch vắng tanh, vắng ngắt, im ắng đến đáng ngại. Cứ như một trò ma quái.
Quay trở lại căn phòng, đưa tờ giấy trắng lên sát ngọn đèn, soi rõ từng nét chữ, Thạch lạnh toát cả người, tim chỉ chực nhảy ra ngoài lồng ngực : không một người bạn thân, mà cả những kẻ anh gặp đâu đó một lần, có nét chữ như thế này : nó không hẳn viết tay, không hẳn chữ in, trông rất tháu nhưng rõ ràng chuẩn xác. Thạch đặt tờ giấy xuống mặ bàn, ngồi im lặng trên giường, người cứ run lên.
 
Û
 
Û         Û
 
Gẩn sáng, Thạch mới lại thiếp đi được. Anh tỉnh dậy rất muộn, chỉ còn ít phút nữa là đến giờ làm việc. Mảnh giấy để trên bàn không còn thấy đâu nữa. Có lẽ, gió đã cuốn bay mất. Tất cả sự việc xảy ra đêm qua như không thật, chỉ là cơn mộng mị.
Gấp vội chăn màn, bỏ bữa ăn sáng thường lệ, Thạch uể oải đi đến nơi làm việc, một cái phòng chật chội, nóng bức, ken đặc bàn ghế. Những chiếc bàn qua mấy đời công chức mối mọt gặm lỗ chỗ, mộng long xộc xệch, cứ rít lên ken két khi có người động đến.
Thạch đến nơi, đồng nghiệp đã đủ mặt ở đấy. Ngồi quanh ấm trà vẫn chừng ấy khuôn mặt quen thuộc với những dáng điệu đã quá quen thuộc. Hai ông già biên chế vào phòng để hàng tháng lĩnh lương, chờ đến tuổi nghỉ hưu. Một phó tiến sĩ gầy gò trong lúc chưa kiếm được công việc phù hợp với chuyên môn đành nhận chân can vẽ, công việc của một tay trung cấp, chờ đợi cơ hội khả năng của mình sẽ được dùng tới. Cuộc chờ đợi ấy cứ kéo dài mãi, vô vọng… Hà, một kỹ sư, mặt lúc nào cũng dài thượt, thiểu não. Anh ta đã ngán đến tận cổ cái gọi là công việc nhố nhăng, vô bổ ở cơ quan này, nhưng chẳng thóat ra được. Ngày ngày vẫn  phải đem cái thân con lừa cày xới đồng hồ sơ sặc mùi cứt dán để nhận mấy chục ngàn bạc lương chết đói, rồi mỗi khi ngồi cạnh đồng nghiệp lại thở hắt ra, lại lẩm bẩm một câu đã quá nhàm : “Sống thế này chẳng ra con người nữa!”…
Khi Thạch ngồi vào bàn, ấm trà đã nhạt, câu chuyện cũng đã nhạt : Lại chuyện về sếp : sếp bất tài, sếp bần tiện... Chẳng hiểu sao một kẻ bần tiện như vậy lại được làm sếp nhỉ? Thời buổi này nó thế!  Lại chuyện về vụ đánh ghen giữa vợ gã kế toán trưởng và cô kế toán, gã trưởng phòng kinh doanh sắp xuất ngoại, gã B bên vật tư, gã C vừa mới tậu nhà. Tiền đâu lắm thế? Ăn cắp? Ở cái cơ quan này, cả đống cả mớ bọn ăn cắp, bọn lừa đảo, bọn xỏ lá, bọn nịnh bợ… người cứ phải sống với quỷ… Rồi ai đấy gióng lên : “Vẫn chưa có lương nhỉ?”. “ Lương với lậu, một giọng cáu bẳn, chán nản, gần hết tháng rồi, biết sống bằng gì bây giờ?”… Mọi người ngọ nguậy trên ghế. Chẳng còn ai hứng thú gì những câu chuyện đã được nhắc đi, nhắc lại hàng nghìn lần nhưng vẫn yên vị ở đấy tra tấn lẫn nhau. Hình như họ sợ phải bước ra khỏi căn phòng chật chội, ngột ngạt này, bởi cứ bước ra khỏi cánh cửa sơn xanh của căn phòng làm việc họ lại mất phương hướng, chẳng biết đi đâu, làm gì nữa. Ở nơi khác, họ trở thành một người lớ ngớ, cứ ngơ ngác như một lũ gà công nghiệp xổng chuồng.
Thạch ngồi im lặng, xoay xoay chén trà trong tay, đưa mắt dò xét từng đồng nghiệp như muốn tìm ở họ mối liên hệ với sự kiện đêm qua. Không, hoàn toàn chẳng có dấu hiệu nào cả. Cái nhìn trượt đi trên những khuôn mặt ngao ngán.
Hết tuần trà thứ tư, thứ năm gì đấy, nghĩa là lúc bã trà đã bị vắt đến cùng kiệt, chàng phó tiến sĩ lặng lẽ trở về bàn mình từ từ lôi tập bản vẽ ra. Hai ông già chờ nghỉ hưu vớ được tờ báo cũ, chia đôi người một nửa và chú mục nào đó. Chàng kỹ sư Hà dịch ghế ngồi đối diện với Thạch, đầu tựa xuống cánh tay gầy ngẳng. Hà lại lẩm bẩm rồi thở hắt ra. Khác với mọi hôm, khi nghe tiếng thở dài đó Thạch không im lặng nữa, bỗng nhiên anh thốt lên:
- Hãy đi đi!
Hà đang gục xuống, ngửng phắt, nhìn chằm chằm vào Thạch:
- Cái gì?
- Hãy đi đi!
Cặp mắt Hà mở to:
- Đi đâu?
Thạch lúng túng, buột miệng bật ra:
- Nơi nào đó.
“Nơi nào đó!”, anh kỹ sư nhắc lại lời Thạch, cười, rồi im lặng. Thạch cũng im lặng. Ừ, đi đâu? Thì chính Thạch bao lần đã tự hỏi mình như thế.
 
Û
 
Û         Û
 
 
Thạch đã dần quên người đàn ông, sự kiện lạ thường của đêm nọ. Nhưng, một đêm, lại một đêm hạ tuần trăng sáng nhờ nhờ, Thạch đang ngủ say mê mệt, bỗng có tiếng ai đó chõ vào tai mình : “Chuẩn bị! Ngày hai tư lên đường! Chúng tôi sẽ đến đón!”. Giọng nói đó, Thạch chưa bao giờ nghe, giọng nói của một người phụ nữ, cao, âm sắc thanh thoát. Thạch vùng dậy, mồ hôi túa ra ướt đầm. Anh bật đèn, mở tung cánh cửa đánh rầm. Dọc hành lang và quanh đấy không một bóng người. Thạch  lao xuống lối đi ra cổng. Đoạn đường lát đá cũng vắng ngắt.
“Ma quái! Ma quái thật!”, Thạch lẩm bầm người run lên, tay chân sởn gai ốc.
“Ma quái! Ma quái thật!”, những ngày sau Thạch luôn lẩm bẩm điều đó. Anh không dám kể cho ai nghe những gì xảy ra đêm hôm ấy, cả với đám đồng nghiệp, cả những lúc câu chuyện đã nhạt miệng lưỡi ngứa ngáy. Ai tin. Người ta sẽ đổ mình là gã tâm thần. Thạch thấy mình đang sống trong một tâm trạng khác hẳn, chờ đợi, chờ đợi. Mặc dù anh luôn bảo mình đấy chỉ là trò chơi của tâm linh, ma quỷ, trạng thái bất thường của tâm thần.
Ngày hai tư đến, ngay từ sáng, gần như vô thức, Thạch thấy mình sốt sắng chuẩn bị cho chuyến đi : tắm giặt, gấp quần áo vật dụng bỏ vào va li, đốt nhật ký, những thư từ cũ. Anh diện bộ quần áo nghiêm chỉnh nhất, đi giầy, đội mũ, ngồi lặng im chờ đợi giờ lên đường. Thạch nhìn từng đồ vật, căn phòng với con mắt của một người sắp đi xa vĩnh viễn, không bao giờ còn trở lại, từ bỏ hẳn nơi này.
Thạch ngồi chờ đợi, thời gian qua đi, cái người đàn ông cao gầy, vai ngang của đêm hôm trước; người phụ nữ có giọng nữ cao của đêm hôm sau không thấy xuất hiện. Chờ đợi, chờ đợi khắc khoải. Cả những ông bạn thân vật vờ, lang thang thường đường đột  ghé qua phòng Thạch cũng không có mặt.
 Khi chiều xuống, Thạch xách va li ra trước cổng. Đứng phân vân một lúc, anh đẩy cổng đi ra đường. Anh lững thững theo đường phố trong ánh hoàng hôn nhập nhòa. Những ngọn đèn đường đã bật sáng. Ánh sáng bị bao trong sương mù yếu ớt, vàng ệch.
- Đi đâu vậy ông bạn? sao chiều nay không đến lĩnh lương?
Thạch ngoảnh lại. Ông bạn kỹ sư “chán lắm” đã đứng sát cạnh anh, thở dài, rồi túm lấy áo Thạch kéo vào lề đường. Ở đấy, mấy ông bạn đồng nghiệp đang ngồi rũ ra quanh chiếc bàn mặt cóc gặm với chai rượi đã cạn và mấy quả cóc.
 
                                                                             Năm 1990.
                                                                 ( In trên báo Thanh Niên 1990)
                              (in trong Tập truyện ngắn Thiếu nữ xa lạ - xuất bản 1996)
                                             Đ.C.N
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9