MƯỜI HAI BẾN NƯỚC - truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn ( sưu tầm)
Cỏ Răng Cưa 10.11.2017 11:33:51 (permalink)
Mười hai bến nước
Đặng Chương Ngạn
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng, hạt ra ngoài đồng”
Ca dao (dị bản)
 
 
Làng Đông không có bến sông, chỉ có một bến xe ôm nằm gần Ủy ban xã nhưng ba năm nay cô con gái đầu lấy chồng xóm bên đã không về thăm nhà. Ngày cưới nó, đón dâu cũng bằng xe ôm.Chín chiếc xe ôm tất cả: Ba chiếc chở mâm quả, sáu chiếc chở người nhà chú rể. Hôm đó, nếu không có bà, chắc đám xe ôm đã gây lộn đánh nhau với thằng con rể. Cũng chỉ là chuyện tiền nong hơn thiệt… Bà phải năm nỉ, níu kéo mấy gã râu ria bặm trợn mãi mới yên chuyện. Hai đứa lấy nhau hoàn toàn tự nguyện, chúng quen biết nhau đâu đó trong những lần họp thanh niên xã, tập tành văn nghệ. Chú rể mang tiếng là người cùng xã nhưng tận trước ngày cưới bà mới tường mặt. Nó qua nhà xin phép bà được tổ chức lễ hỏi và đám cưới vào luôn một ngày cho giản tiện. Rằng gia đình bên đó cũng khó khăn nên xin đám đưa dâu bên nhà gái in ít người. Nghe giọng nói nhát gừng, Nhìn đôi mắt lờ đờ như mắt cá của nó… và cái cách thấm nước miếng vào tay khi vấn thuốc, bà thấy không an lòng. Chết rồi con gái ơi, con có mắt mà như mù: Thằng chồng con là loại nát rượu, họ hàng với bác thằng bần. Hắn sẽ uống sạch cả nhà cửa, hắn sẽ uống sạch cả vợ, cả con… Bà muốn ngăn cản cuộc hôn nhân lại nhưng bà biết tất cả đã muộn, hơn nữa, chúng nó đã gắn bó với nhau, chúng đã tìm hiểu nhau mấy năm rồi. Một cuộc hôn nhân vì tình yêu… Bà chỉ sang xóm bên thăm con gái có một lần vào dịp nó sinh đứa con đầu lòng. Bà ở lại hai ngày nhưng trong hai ngày đó bà chẳng nói chuyện được với người con rể một câu nào. Hôm bà đến, nó đang uống rượu cùng đám thanh niên trong xóm. Nó say líu cả giọng, chẳng còn nhìn ra mẹ vợ. Tỉnh rượu nó biến mất, trở về thì đã lại say mèm. Chính bà phải mang chậu cho thằng rể ói mửa vàcởi bỏ bộ quần áo ướt lấm lem đất sình cho nó nữa. “Ngày nào cũng uống, cũng say… ngày nào cũng la hét chửi con mẹ ạ!” – Con gái thì thầm với bả bằng giọng nhẫn nhục, cam chịu.
Thời gian đầu mới lấy chồng, cô con gái nhiều lần về thăm bà bằng xe ôm. Lần nào cũng vậy, giúi vội vào tay bác tài mấy đồng tiền lẻ nhàu nát, nó nhào ngay vào nhà, ôm lấy bà và khóc tức tưởi. Khóc chán, xuống bếp nấu một bữa cơm đạm bạc ăn cùng mẹ và hai em rồi ra về. Khi lên xe ôm nước mắt vẫn còn rơi lã chã. Lần nào bà cũng đếm được trên lưng nó hàng chục vết bầm. Những gì bà linh cảm về thằng rể đầu quả không sai, không những thế nó còn là một gã đàn ông vũ phu: Đánh vợ như két. Ngày nào hắn cũng đánh, buồn vui ở đâu hắn cũng mang về nhà đổ lên đầu cô con gái của bà. “Bỏ nó đi con ạ!”. “Không được mẹ ơi, con sắp sinh đứa thứ hai rồi, chúng sẽ mất cha… Hắn thì hắn sẽ lấy vợ mới, thân gái hai con còn ma nào rước…”. Rồi thở dài: “Đàn ông trong xóm đều say xỉn như chồng con cả…” Phải, nó không thể bỏ chồng. Đàn ông bây giờ vơ váo đâu cũng được vợ nhưng đàn bà… Thời buổi nữ thừa nam thiếu… Ba năm nay, cô con gái đầu không trở về thăm nhà. Bà nhớ nó nhưng bà cảm thấy yên lòng: Ừ, có thể cuộc sống của nó đã ổn. Hoặc nếu không ổn nó cũng quen chịu đựng sự đối xử tồi tệ của thằng chồng. Nó không muốn phiền lòng mẹ nữa.
Bà cũng có một bến xe ôm, chỉ cần vài ngàn tiền xe thôi bà đã có thể về quê bên ngoại. Mấy năm sau khi lấy chồng, bà cũng không về thăm lại mẹ mình. Câu ca dao xưa day dứt trong lòng bà mãi: “Chiều chiều ra đứng bên sông - Muốn về quê mẹ mà không có đò”. Bà luôn rơi nước mắt cho người phụ nữ trong câu ca xưa ấy: Chao ơi sông ngắn tày gang mà không thể về thăm mẹ vì không có đò. Bến xe ôm đầu thôn rất nhiều xe, có thể gọi xe bất cứ lúc nào. Bà không “sang sông” vì không muốn mẹ nhìn thấy những vết bầm trên khuôn mặt của mình. Hồi đó, bà lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Một người phụ nữ cùng thôn lấy chồng qua bên này mối manh giúp chủ rể. Đến ngày về nhà chồng bà mới nhìn rõ mặt ông ấy. Hôm nhà trai sang làm lễ hỏi, bà chỉ dám liếc nhìn qua khi mang nước ra tiếp khách: Một tấm lưng cánh phản, đôi vai rộng vững chắc. Bà thấy vững tâm khi nghĩ mình có thể nương tựa vào đôi vai đàn ông vững chãi đó. “Sang sông”, bà có vài lần về thăm mẹ, đấy là thời gian mới lấy chồng. Khi bà sinh đứa con gái đầu, thỉnh thoảng ông ấy đánh bà. Đứa con gái thứ hai ra đời, việc chồng đánh bà đã trở thành cơm bữa. Đứa con gái thứ ba vừa thôi nôi, chồng đã bỏ nhà ra đi không trở về nữa. Người dì đi chợ phiên về thì thầm: “Ông ấy đang sống với một người đàn bà làng chài cuối sông”. Bà đã đánh đường xuống chợ phiên để nhìn mặt kẻ cướp chồng: Một người phụ nữ đen đúa, gầy gò, có bộ răng cào mả, so với nhan sắc của bà một trời một vực. Chỉ có điều, bà ta sinh cho ông ấy một đứa con trai…Mọi người giục bà đi đánh ghen, người ta xúi bà đi kéo chồng về, bà chỉ ư hử nghe rồi không làm gì cả. Hồi ấy, bà nghĩ khác: người đàn ông đã không còn thương mình thì chẳng nên níu kéo lại làm gì nữa, bà sẽ sống cho tương lai ba đứa con gái của mình. Bà sẽ nuôi chúng khôn lớn, sẽ gả chồng cho chúng những nơi xứng đáng, bà sẽ có ba thằng con rễ đàng hoàng. Về già bà sẽ nương nhờ vào chúng…
Hết hy vọng vào cô con gái đầu, bà dồn tất cả niềm tin vào cô con gái thứ hai. Nó giống bà hồi trẻ như đúc: Eo thon, người mảnh, long mày lá liễu. Nó khác bà ngoài nước da, trắng chứ không nâu như màu đất. Đấy có thể là chút hồi môn người chồng bội bạc của bà đã để lại cho cô con gái. Da của ông ấy trắng và không hề bắt nắng. Mặc dù từ trường về, nó phải cùng ra đồng với bà, nhưng năm nào nó cũng lên lớp đều, năm học nào nó cũng là học sinh tiên tiến của trường. Mỗi lần họp phụ huynh, các thầy cô giáo đều khuyên bà nên tạo điều kiện cho nó học tập, nó sẽ có tương lai, nó sẽ có sự nghiệp… Bà chăm lo, cung cấp cho nó không thiếu một thứ gì. Sách vở, giấy bút, tiền trường, tiền học thêm… chỉ cần nó mở lời bà tìm cách đáp ứng ngay dù phải vay mượn. Bà quyết tâm nuôi nó thành người. Năm con bé vào lớp mười hai, bà bắt con út khi đó vừa tốt nghiệp cơ sở phải nghỉ học vì bà không thể kiếm đủ cơm áo cho cả hai đứa cùng đến trường. Tất cả dành cho con chị, ngôi sao tương lai sẽ tỏa sáng, niềm hy vọng của gia đình bà.Nó là đứa con gái thứ ba trong xóm Đông này thi đậu đại học, và là đứa duy nhất của cả thôn trúng tuyển trong kỳ thi năm đó. Bà phải bán đi cặp heo mới đủ tiền cho con gái lên thành phố nhập học. Con bé viết rất nhiều thư cho bà trong những năm đầu.Cam kết của lá thư nào cũng có nội dung gần giống như nhau: “Con đang cần tiền, mẹ gửi ngay cho con nhé!” Những năm sau, nó không mấy khi gửi thư cho bà. Còn bà thành thói quen, cứ đầu mỗi tháng lại đánh đường lên bưu điện thị trấn gửi tiền cho nó. Năm học cuối cùng trước khi ra trường, nó về thăm bà cùng với một người con trai thành phố. Chỉ mới nhìn người con trai bà đã thấy ưng rồi: Cao ráo, trắng trẻo, ăn mặc rất lịch sự. Lại nhanh nhẹn và hoạt bát nữa. Bà làm việc gì nó cũng chạy theo đòi giúp một tay, lại một tiếng gọi mẹ, hai tiếng gọi mẹ nghe thật ngọt. Hai đứa cứ gật gù bên nhau như chim cu vậy. Cô con gái không hề hỏi ý kiến mẹ, mà nếu nó hỏi bà cũng sẽ đồng ý cả hai tay về thằng con rễ đó. Đám cưới của chúng bà không có mặt. Chúng không báo cho bà biết. Chỉ sau đám cưới một tuần con bé mới viết thư về… Nó bảo đường sá xa xôi sợ mẹ mệt, hơn nữa đám cưới cũng chỉ tổ chức hình thức thôi, không vẽ vời gì cả… Thực ra bà biết, nó không muốn người mẹ nhà quê vung về xuất hiện trong đám cưới. Nó đã nhờ một ông giám đốc làm đại diện cho nhà gái để tương xứng với nhà trai người thành phố và đều là kỹ sư bác sĩ. Bà rất tiếc không được chứng kiến ngày con gái lên xe hoa, nhung bà không trách móc gì nó. Ngược lại, bà rất vui vì cô con gái đã lấy được một người chồng xứng đáng. Con bé sẽ hạnh phúc.
Hình như nữa năm sau nó mới trở về nhà. Hồi đó đâu như vào tháng ba, bà nhớ rõ như vậy, vì chiều đó khi ra thăm đồng về bà thấy hoa thầu đâu rơi đầy lối ngõ. Con bé bảo nó cần gấp hai mươi triệu đồng góp vào việc kinh doanh của nhà chồng. Hai mươi triệu đồng, lần đầu tiên bà nghe đến một số tiền lớn như vậy. Cả đời bà chưa bao giờ cầm trên tay qúa hai triệu đồng. Bà bảo với nó mẹ làm gì có số tiền lớn như thế, cũng chẳng có ai quen biết để có thể vay số tiền đó, hơn nữa, những món nợ vay lo việc học hành của nó mấy năm trước vẫn chưa trả hết. Nó hỏi bà trong nhà còn gì có thể bán không. Bà chỉ chiếc giường gỗ long chân mà bà và cái út vẫn ngủ, cười mếu: “Đấy là thứ có giá nhất con ạ, có bán cũng chỉ bán được mấy chục ngàn”. Nó ngồi im rồi bỗng reo lên: “Còn đất, mẹ ơi! Đất!...” Bà giật mình ngơ ngác, không tin vào tai mình: Nó định bán đất ư, những miếng đất bao nhiêu năm qua đã nuôi sống bà với chúng nó, những miếng đất mà với bà chính là máu thịt. “Không! Không được! Bán đất mẹ và cái út lấy gì mà sinh sống?...” – “Con chỉ bán mấy đám ở Đồng Cao thôi, mẹ và em vẫn còn đất ở các cánh đồng khác để sản xuất mà… Mẹ có thể đi làm thuê cho những nhà khác… Nếu chúng con kinh doanh được, ít năm nữa mẹ và em lên thành phố sống cùng chúng con”. Bà kiên quyết không đồng ý. Cái út còn phản đối quyết liệt hơn. Nó khóc toáng lên: “Mẹ ơi, con không muốn làm khó dễ gì mẹ và em út. Nhưng nếu không mang được tiền về thì con không thể bước chân vào nhà chồng…” . Nó khóc nghe thê thảm lắm… Cuối cùng bà cũng phải bán đất. Bà nhớ đôi mắt nó đỏ hoe, đầy nước mắt khi bước lên xe. Chắc nó ân hận lắm, nhưng hoàn cảnh ngặt nghèo bắt nó phải xử sự như vậy. Nó không nói nhưng bà đoán có thể nó, chồng nó, hoặc nhà chồng đang gặp cảnh khó khăn… Sau lần ra đi đó, mãi ba năm sau cô con gái mới quay về.
Nó về vào ban đêm, lặng lẽ vào nhà như một bóng ma. Tay bế đứa con mới mấy tháng tuổi, tay xách túi quần áo. Gầy, tóc xơ xác, trong thiểu não như một người đàn bà vừa ốm dậy. Nó ở lại một tuần, quanh quẩn vào ra, nhưng chẳng tâm sự với bà điều gì. Gặng hỏi cũng không nói. Rồi một buổi sáng bồng con, chào bà, nó đột ngột ra đi. Chân bước vội, hai mắt long lên như dại, nó hẳn đang toan tính một điều gì ghê gớm. Rồi nó trở về sau đó hai tháng, ngả vào lòng bà khóc nức nở: “Thằng đó bỏ con rồi mẹ ơi! Nó đi theo gái… bắt ép con phải ký đơn ly dị”. Khóc chán, ngồi dậy gạt nước mắt, giọng cay nghiệt: “Hắn đừng tưởng bỏ được con. Con này mà ra đường thì hắn cũng phải sống dở chết dở”. Bà tìm mọi cách an ủi nó, vỗ về nó, nhưng bà biết mình bất lực. Bà biết khuyên răn nó thế nào cho phải. Bà chưa bao giờ bước chân ra khỏi mấy xóm miền quê này, chưa bao giờ đặt chân lên thành phố. Không học hành, không hiểu biết bằng chúng nó, bà biết khuyên giải thế nào đây…
Nó về với bà rồi ra đi. Ra đi rồi trở về. Lần cuối cùng thì biến mất hẳn, không nhắn nhe gì cho bà nữa. Một vài người từ thành phố về bảo nó đã ly dị, đã đến sống với một người đàn ông khác. Rằng người ta đã gặp nó trên phố, tay dắt một đứa, tay bồng một đứa. Trông ăn mặc cũng sang lắm…
Bà thương nó, đau khổ vì nó, nhưng bà bất lực không biết làm gì cho nó nữa. Cuộc sống của nó, cũng như con chị cả đã nằm ngoải tầm tay với của bà. Buồn, thương, lo lắng chẳng giúp ích được gì. Niềm hy vọng lớn lao nhất của bà, ngôi sao của lòng bà đã tắt. Thời gian sau đó, bà sống âm thầm cùng cô con gái út. Bây giờ, con bé cũng đã bước qua tuổi hai mươi. Nó không khỏe mạnh, đằm thắm như cô chị cả; không rực rỡ, yểu điệu như cô chị kế. Nhưng hình thức nó cũng không quá bình thường. Khuôn mặt nó dễ nhìn. Một khuôn mặt luôn mang vẻ nhẫn nhục, đợi chờ. Năm năm trước bà đã hy sinh việc học tập của nó cho sự nghiệp của cô chị kế dù rằng nó học chẳng kém gì. Nó phụ việc ruộng nương với bà quanh năm tất bật nhưng chẳng hề ca thán. Ngay từ nhỏ, nó đã quen sống vì người khác. Từ năm nó 17 tuổi trở đi, bà luôn thấy không yên lòng: Hình như con út sống không bình thường, đấy là bà muốn nói về quan hệ bạn bè, trai gái.Con út vẫn tham gia các buổi sinh hoạt thanh niên trong thôn, tham gia các phong trào văn nghệ văn gừng, nhưng đi về với nó chỉ là đám bạn gái. Chưa bao giờ thấy nó đi đâu với một thanh niên trong xóm. Khi có ai đánh tiếng mối manh, nó đều bảo bà tìm một lý do nào đấy để từ chối. Năm kia, có một đội xây lắp điện kéo đường dây qua xóm bà. Đội toàn thanh niên thành phố, ai cũng to cao, đẹp trai cả. Bắt gặp ánh mắt nó nhìn theo anh chàng tổ trưởng tổ kéo dây, bà đã mừng thầm. Bà biết nó để ý anh ta. Mắt con gái nhìn ai cứ xoay xoáy như vậy là lòng đã mê mẩn. nhưng mỗi khi anh ta ghé vào nhà thì nó đều trốn qua nhà hàng xóm hoặc lánh vào buồng. Rồi đám công nhân ra đi, nó buồn rười rượi mấy tháng. Nhiều hôm bà thấy nó ngẩn ngơ đi như mộng du dọc theo tuyến đường dây như kiếm tìm ai. Bà bảo nó: “Con muốn đi gặp Hải không? Mẹ có địa chỉ của nó đấy”.
- Không mẹ ạ, cái bọn thành phố ấy chúng chẳng chung thủy gì đâu.
- Con đừng vận chuyện chị ba vào mình, thành phố cũng có người này người khác…
Nó im lặng chẳng nói gì. Sau đấy bà cũng không  bao giờ nhắc tới chuyện đó nữa. Nó cứ sống âm thầm, nó sợ hôn nhân, xa lánh đàn ông… Thời gian qua đi, nó thành gái quá lứa khi nào không hay.
Rồi một hôm nó nói với bà:
- Con sẽ đi lấy chồng.
- Lấy ai? – Bà ngạc nhiên.
- Con sẽ lấy một người Kao Teng, Kao Tiếc gì đó mẹ ạ. Đâu như ở miền núi Hàn Quốc, Đài loan . Con cũng không biết nữa…
- Làm sao con quen anh ta?
- Mẹ ơi! Con đã gặp đâu. Đó là mụ Bảy nói vậy.
Bà hốt hoảng:
- Trời ơi! Con điên rồi sao!? Con mụ Bảy chuyên môn buôn người qua Đài Loan, Hàn Quốc con ơi. Con nghĩ mẹ có thể bán con sao?
- Chúng ta đòi tiền khi bà mối hỏi nhưng con sẽ trả lại nhà trai vào hôm làm lễ cưới. Con chỉ đi lấy chồng thôi.
Nó thì thầm vào tai bà: “Người ta nói bên đó mỗi nhà chỉ sinh được một con, nhà nào cũng đẻ con trai thành ra nam thừa nữ thiếu phải lặn lội sang bên này tìm vợ. Hiếm, chắc họ sẽ rất quý phụ nữ… người ta nói bên đó cười vợ rồi họ đâu dám bỏ…”. Nó còn cười rúc rích: “Phụ nữ mì chính cánh mẹ ơi, không như bên mình ba đồng một mớ đàn bà…”. Bà thấy quyết định của nó không ổn, không bình thường, nhưng bà chẳng có lý lẻ nào để bác lại nó cả. Năm nay nó đã hai mươi bảy tuổi rồi. Ở quê, cái tuổi đó chẳng còn ma nào muốn rước. Tiền bạc không, nghề ngỗng cũng không… Mà nghĩ cho cùng cả hai người chị nó - đứa lấy chồng cùng thôn, đứa lấy chồng thành phố, có học đấy mà cuối cùng đâu có ra gì. Ngày hôm sau thì mụ Bảy đến thật. Một con mẹ nửa tỉnh nửa quê, béo ục béo ịch, tay đeo đầy xuyến, mặt trang điểm xanh xanh vàng vàng, không thể đoán tuổi. Miệng dẻo quẹo, ngọt xớt: Rằng qua bên đó con gái mình thành tiên, rằng hôm nay gả con gái đi, hôm sau tiền về xây nhà lầu bà chị ạ… Con út mặc cả rạch ròi: Người đàn ông phải lành lặn, không câm điếc, không tâm thần, nhà trai phải chồng đủ 1.000 đô, phải cho gặp mặt trước mới quyết định chính thức. Con mẹ Bảy giãy nảy: “Cô ơi, cô tưởng mình là tiên là công chúa hay sao mà yêu sách ghê gớm vậy? Khối cô gái xinh đẹp hơn cô, mơn mởn hơn cô cũng không đòi giá đấy…”. Bà ta ngúng nguẩy bỏ về, ra ngõ nói vóng lại một câu: “Nếu đổi ý thì đến gặp dì nhé, nhé!”. Ngúng nguẩy vậy, nhưng chỉ hai ngày sau mụ Bảy đã tìm tới nhà bà, chấp nhận tất cả các yêu cầu của con út và hẹn nó ngày lên thành phố xem mặt chú rể. Sau đấy mọi việc diễn ra dồn dập đến chóng mặt. Nó đi thành phố, về, rồi đi. Thủ tục đăng ký kết hôn, giấy tờ hộ chiếu gì đấy, mụ Bảy lo tất. Rồi mụ tới nhà đưa cho bà mười lăm triệu đồng với một tờ giấy cam kết bắt bà phải ký, hẹn ngày làm đám cưới đưa dâu. Mụ ta nói: “Vì bên trai phải về gấp nên ngày sau ngày cưới con gái bà sẽ cùng chú rể  lên máy bay về bên ấy”. Đêm trước ngày cưới, con út ngủ với bà, mặt đầm đìa nước mắt. Nó ôm chặt bà trong tay: ‘Mẹ ơi, con biết số tiền kia rất lớn nhưng ngày mai mẹ trả lại cho nhà trai mẹ nhé. Con muốn nhà trai sẽ coi việc con lấy họ vì hôn nhân lâu dài chứ không phải là chuyện mua bán. Nếu sau này, người ta thương con, chắc có nhiều dịp con sẽ gửi tiền về giúp mẹ. Bằng không, nếu con phận bạc thì mẹ ơi, số tiền kia nào có đáng gì…”. Ngày hôm sau, chính bà đã tận tay đưa lại cho nhà trai số tiền đó, sau khi con út nhờ một người Hoa thông dịch rõ lời bà: “Bà không nhận tiền vì bà sống cũng tạm đầy đủ rồi. Đây là món quà của bà cho chú rể. Bà mong con gái của bà sẽ sống hạnh phúc”.
Con út ra đi rồi, nhiều đêm bà không sao chợp mắt. Hai cô con con gái đầu khi gặp chuyện đều có thể trở về ngã vào lòng bà để khóc. Bà có thể an ủi chúng. Còn con út… Từ cái xứ Kao Teng… xa lơ xa lắc ấy về xóm Đông này biết bao nhiêu là bến sông, là đồi núi, đâu chỉ một bến xe ôm vài ngàn đồng. Khi mới đến nhà chồng, con út có viết cho bà mấy dòng, sau đó chẳng thấy thư từ gì nữa. Bà luôn mong nó sẽ gửi cho bà một món tiền nhỏ, rất nhỏ thôi, không phải bà cần tiền mà điều đó cho bà biết cô con gái đang sống hạnh phúc, nó được nhà chồng đối đãi tử tế.
Một năm nữa trôi qua, lối ngõ lại phủ đầy hoa thầu đâu vẫn chẳng có người bưu điện nào ghé qua nhà bà. Chao ơi, những đứa con gái của bà… Chúng đều là những đứa tự đi làm cho mình hạnh phúc. Vậy mà… Lá thư đầu tiên của con út, bà đã đọc đến nhàu nát. Nó viết có mấy dòng… Nó bảo thời tiết rất lạnh. Nó sang ít hôm thì có mưa tuyết - lần đầu tiên nó thấy mưa tuyết… À là mưa như ở bên mình nhưng từ trời rơi xuống không phải là những hạt nước mà là những bông tuyết. Ừ có lẽ người ta gọi là “tuyết sa”… Hàng triệu bông tuyết may ra chỉ vài mươi đôi bông rơi vào vườn hoa, giếng nước, chín chín chín… bông còn lại sẽ sa ra ngoài đồng. Tuyết sa xuống đồng sẽ tan ra làm cho lúa, cho khoai, cây cỏ xanh tươi. Như vậy cũng chẳng đến nỗi nào, như vậy vẫn có ích, vẫn tốt… Thân phận bà, cô con gái đầu, cô con gái thứ hai là những bông tuyết xấu số, những bông tuyết không sa xuống được vườn hoa, cũng chẳng sa được xuống vườn cà, cũng chẳng ra được ngoài đồng, chúng chỉ  là những bông tuyết sa xuống bùn lầy…Bà chỉ ước ao bông tuyết cô gái út sẽ sa xuống cánh đồng. Chỉ cánh đồng thôi cũng được…
Tháng 8.2001
Đ.C.N
 
Đã in trong tập : TRUYỆN NGĂN HAY BÁO THANH NIÊN – NXB Văn Nghệ - năm 2003
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9