Cầu An
***
Nhà kế bên mấy hôm nay có mèo hoang động tình kêu nghe rờn rợn… Chú chó nhà tôi nhát bóng tru suốt trong đêm. Còn ông Tư cạnh nhà bị bệnh bất kham hoành hành rên la thảm thiết… Buồn. Tôi xem tin mạng… Thiên tai cùng nhiều hình ảnh tang thương của miền Trung hiện lên đau nhói, khắc khoải, ai oán…
Có rất nhiều biến động xảy ra trong khu phố, sinh hoạt nội thành và các thông tin vui buồn đan xen vào nhau, khiến con người trong đời sống hiện đại phải tự biết lo thân – sàng lọc thông tin để loại bỏ rác rưởi…
Anh Sang nhà bên, có thể vì những thứ xảy ra quanh quẩn đời thường nên sinh ra mộ đạo. Thiện tâm của anh xuất hiện cũng lâu rồi, từ ngày vụt giàu nhanh, thăng quan tiến chức ồ ạt…
Có thể tôi còn những lo toan về sinh hoạt gia đình. Ông Tư thì lo tiền thuốc. Con chó nhà, vì bất bình cúp điện nên sủa bóng trăng… Còn con mèo của ai đó, sinh ra vốn đã xấu ma ghen quỷ hờn nên không kiếm nổi một bạn tình, cứ gào thét mãi… Nhưng! Anh Sang lại khác… Với anh, nếu mưa bão cuốn mất một căn nhà thì có thể xây ngay một ngôi nhà khác. So sánh hơi kỳ khôi chút xíu, anh đâu như con mèo giở thói khát tình khi hằng đêm có khối mối quan hệ sẵn sàng rủ nhau “chập ba”, “xả stress”, chẳng mất tiền. Nhà anh đâu mất điện, khiến con chó phải sủa trăng. Và cuối cùng những trăn trở của gia đình ông Tư đối với anh quả là chuyện nhỏ xíu…!
Giàu thì đã giàu rồi. Cơ ngơi thì đâu ai kiểm tra được! Đi nước ngoài như cơm bữa… Chức cao ngất nghểu chẳng nhìn thấy con kiến bò. Thế nhưng anh cũng có lúc hồi tâm, tích đức, vui cảnh chùa chiền. Nghĩ cũng tốt nếu một con người hướng thiện… Và những người như anh Sang, có cơ hội giúp ích cho bao kẻ lầm than, vất vưởng chợ đời…
Mùng 8, đêm rằm… anh Sang đến chùa… Anh đi ngang qua nhà ông Tư, gần nơi cây cột đèn “ba trợn” lúc cháy lúc tắt, khiến con chó nhà tôi bất bình. Ngang qua khu đất còn bỏ trống với đống rác cao ngất mà lũ mèo hoang “mặc định” là giang sơn của mình… Anh đi chùa. Chỉ có vậy!...
Một trong những thói quen của vợ tôi là: Đi chùa cầu an. Thế là tôi cũng hóa thành tâm cùng vợ đến chùa, mặc dù chủ yếu muốn thoát khỏi cảnh xô bồ cuộc sống diễn ra nhan nhản hằng ngày…
Vợ chồng tôi đi chùa. Gia đình anh Sang cũng đi chùa. Trong khu phố nhiều Phật tử cũng đi chùa. Chuyện đâu có gì lạ!...
Rút tỉa kinh nghiệm bản thân, tôi suy ngẫm sự đời và tự hỏi: Con người đến chùa để “cầu” những gì? Câu trả lời chắc chắn đã có sẵn ở mỗi người, nhưng biết đâu vẫn có ngoại lệ… Rồi tôi thắc mắc: Như anh Sang thì đến chùa để cầu gì? Anh có tất cả mọi thứ của một người thành đạt, ngay cả địa vị xã hội cũng được tôn trọng. Vậy tất nhiên anh đến chùa là để Cầu An…
Ông Tư không đi chùa được thì người nhà đến chùa cầu an với hy vọng bệnh tình thuyên giảm. Và nhân tiện, có thể gia đình nghèo này cầu thêm chút thuận lợi trong cuộc chiến mưu sinh…
Con chó nhà tôi nếu được nói lên ước nguyện chắc là muốn cây cột đèn trước nhà luôn cháy sáng hằng đêm, để khỏi mỏi mòn sủa bóng lúc tối trời…
Con mèo cái hoang tất nhiên ao ước có bạn tình…
Chung quy, mỗi người, mỗi vật, đều có cái để cầu và… hy vọng…
Có lúc vợ bận, anh Sang đi chùa một mình. Và tôi cũng vậy!...
Hai người đàn ông thắp hương giữa nơi tôn nghiêm, với những mong cầu khác biệt… Tôi theo thói quen điên khùng từ bộ não thích phân tích, suy diễn, chứng minh… bắt đầu thay đổi nguyện ước của mình. Tôi không cầu an nữa… mà muốn biết anh Sang đang cầu điều gì?
Ôi trời… Một ước muốn viễn vông, cho dù hỏi trực tiếp đối tượng cũng khó mong câu trả lời…
Cái suy nghĩ kỳ quái cứ theo tôi mỗi lần viếng chùa. Và dĩ nhiên câu trả lời là “muôn thuở”…
Tại sao người ta đi “cầu an”?
Có lẽ cuộc sống có quá nhiều bất an, khiến con người hướng đến một đức tin nào đó nhằm ru ngủ chính mình, tạo ra chút niềm tin về tương lai…
Thất nghiệp. Ế ẩm. Bệnh đau. Tai nạn. Mất ghế. Phá sản v.v… Có nhiều thứ mà con người cần phải giữ. Ngay cả chú Rum chạy ba gác máy đầu ngõ, cũng cầu một ngày đắt hàng để đủ phí trang trải… mặc dù chú ấy không đến chùa. Biết đâu chú cầu trong sâu thẳm lòng mình với nỗi u buồn chất chứa trong thứ ánh sáng không hứa hẹn về tương lai… Cầu và hy vọng trong yên lặng…
Đối với chú Rum, tôi lý giải được ước muốn…
Còn… với anh Sang tôi mãi mãi không có câu trả lời!...
Có hôm chú Rum nhậu trước nhà, thấy tôi ngang qua kéo lại cho có bạn. Vị tình hàng xóm mấy khi có tiệc, tôi vào hùa. Nhậu vào lời ra… Và nhất là những người như chú nghĩ sao thì nói vậy. Cuộc nhậu hai người có nhiều chuyện để nói, nhưng rồi cũng hết… Lúc có rượu, mạnh miệng, tôi nêu lên thắc mắc vốn âm ỉ từ lâu trong lòng: Anh Sang cầu gì?
Chú Rum nhìn tôi như người “sao hỏa”…
“Thế anh thật không biết những người quyền cao chức trọng, sống trong biệt phủ, họ cầu gì à?”
Tôi không tin lắm vào câu trả lời, nhưng thật tình muốn nghe…
Chú Rum cười khà khà…
“Lịch sử xưa nay, biết bao con người quyền cao đỉnh đỉnh, nhưng đâu chịu ngồi yên. Họ được một lại muốn hai. Có lợi thì lại muốn danh. Khi bao gồm đủ hết, biết đâu… muốn sánh ngang với… với… Chúa trời, Thích Ca, Khổng Tử… chẳng hạn. Không phải nhiều cá nhân tìm mọi cách tô hồng hình ảnh như huyền thoại hay sao?...”
Tôi nhìn vào ly rượu trước mặt, cảm thấy choáng vì hơi men. Tôi say rồi. Hoặc giả không vì rượu mà vì thứ khác… Miền Trung có lũ. Biệt phủ cao vợi chắc không sao rồi… Người ta đến chùa cầu an, có khi nào gửi gắm “thỉnh nguyện thư” cho đồng bào bị nạn tai, hay… chỉ mỗi bản thân mình…?
Chếnh choáng cơn say, tôi ngang qua nhà anh Sang về nhà. Anh Sang vừa đi lễ chùa về, ngang qua bãi đất trống có con mèo khát tình vẫn réo gọi. Tôi đi qua cây cột đèn tối thui mà con chó vốn căm ghét, xen lẫn tiếng rên xiết của chú Tư bị bệnh tật giày vò…
Tôi muốn say để không phải nghĩ, nhưng… câu nói của chú Rum còn đó… Biết đâu là ngoại lệ…
Saigon 11.11.2017
MacDung
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2017 17:56:51 bởi macdung >