Thoáng cảm nhận về bài thơ: “Cuối Đường Em Đi” của Thi Sĩ Hư Vô. Tùy bút Sương Lam.
Huvo 25.11.2017 04:13:39 (permalink)
Khi học phổ thông bọn tôi chuyền nhau chép một câu danh ngôn mà lúc đó thật sự tôi không hiểu gì hết “Tình yêu ở xa là một viên kim cương, khi lại gần là một giọt nước mắt”, thú thật ngày ấy tôi không biết tình yêu là gì, câu nói ấy cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi và phải rất lâu, rất lâu sau tôi mới hiểu (theo cách hiểu của riêng tôi) Khi chưa yêu người ta thường khao khát được yêu, một lần được yêu trong đời nhưng khi có được tình yêu thì bắt đầu xuất hiện ý niệm khổ đau. Khổ đau vì những nghi ngờ, là những lo lắng không thể có một kết thúc trọn vẹn, là không còn yêu nhau trở thành xa lạ thậm chí thù hận…
 
Khi tôi biết thơ Hư Vô, tôi đọc khá nhiều bài thơ của thi sĩ, tôi chợt nhận ra một sự đồng cảm trong tình yêu đó là nỗi đau của một tình yêu không trọn vẹn:
 
Cuối Đường Em Đi
 
Có trèo qua dốc núi
Chưa chắc tới đỉnh sầu
Thì dầu gì đi nữa
Mình cũng nợ nần nhau.
 
Chỗ anh vào nương náu
Em cất giấu muộn phiền
Giữa trái tim khập khiễng
Là ngàn nỗi oan khiên.
 
Đất có dài hơn biển
Cũng đâu nối liền bờ
Anh lần mò mê mải
Vẫn ở ngoài bến mơ.
 
Lối anh đi không đến
Chỗ em về tai ương
Chưa qua khỏi nghiệp chướng
Biết còn nhau cuối đường?
 
Thêm một lần thất hứa
Để em biết bạc tình
Từ trái tim rướm máu
Còn ngọt ngào dấu đinh.
 
Đóng anh vào quá khứ
Cho đời em thênh thang
Bước ngang qua giọt lệ
Nhỏ xuống ngọn nến tàn…
 
Hư Vô
 
Tôi thích thơ ngũ ngôn, lục ngôn vì nó phù hợp với kết cấu của một câu chuyện, nó giống như một lời tự tình miên man như một dòng chảy của tâm trạng không có điểm dừng, như dòng suối, như một thác ghềnh và là những dòng lệ trào tuôn.
 
Khổ thơ đầu bài thơ “Cuối Đường Em Đi” làm tôi nhớ đến một câu hát trong “Đời Đá Vàng” của Vũ Thành An: “Ta một mình leo mãi, không qua được vách sầu. Ta tìm một tiếng yêu chỉ toàn là sầu đau”, Hư Vô cũng trèo qua đỉnh núi để tìm kiếm dốc sầu của cuộc tình buồn:
 
Có trèo qua dốc núi
Chưa chắc tới đỉnh sầu
 
Nhưng Vũ Thành An đã chạm tới đỉnh của nỗi sầu. Hư Vô thì không bởi vì:
 
Thì dầu gì đi nữa
Mình cũng nợ nần nhau.
 
Một tâm trạng dùng dằng muốn và không muốn, kết thúc và không kết thúc, không phải vì còn yêu, còn mê mà còn nợ nần nhau. Nợ thì trước sau gì cũng phải trả; không trả trước thì phải trả sau, không trả được kiếp này thì phải trả kiếp tới, đường tình trở thành đường không lối, quẩn quanh, bế tắc, muộn phiền, oan trái, đớn đau:
 
Chỗ anh vào nương náu
Em cất giấu muộn phiền
Giữa trái tim khập khiễng
Là ngàn nỗi oan khiên.
 
Tình yêu làm người ta yêu đời và trần gian trở thành thiên đường, những người yêu nhau họ thấy trái tim luôn trỗi dậy những bài tình ca với niềm hân hoan, chất ngất. Chàng đã tìm được thế giới tình yêu của mình nhưng hoan lạc vắng không, thiên đường không có hoa thơm cỏ lạ mà chỉ những “muộn phiền”. Sự nương náu để tìm sự đồng cảm, yêu thương chỉ có “nỗi oan khiên”. Ý thơ làm tôi chợt nhớ đến bài thơ “Xa Cách” của thi sĩ Xuân Diệu:
 
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
 
Có lẽ cái mà tôi cho rằng không thể vượt được trong tình yêu chính là sự xa cách của hai tâm hồn không đồng điệu. Yêu đấy nhưng không hiểu nhau, yêu đấy nhưng không sẻ chia, yêu đấy nhưng chỉ muốn chiếm hữu tất cả…và cũng từ đấy sự xa cách đã bắt đầu xuất hiện trong tình yêu- Sự xa cách không dễ gì nhận ra và nếu có nhận ra đôi khi đã quá muộn màng. Không thể nói với nhau nên nỗi muộn phiền chỉ riêng em mang lấy, muộn phiền che lấp mất anh, trái tim không còn dành cho anh tất cả và thế là cứ ngày một xa.
 
Gần trong gang tấc mà xa nhau muôn trùng. Tình yêu không còn giới hạn trong “lòng anh, lòng em” nữa mà đã trở thành đại dương mênh mông:
 
Đất có dài hơn biển
Cũng đâu nối liền bờ
Anh lần mò mê mải
Vẫn ở ngoài bến mơ.
 
Cái lạnh của không gian bắt đầu chiếm lĩnh “anh”, khoảng cách giữa hai con người gần như một lại thành hai, hai đến diệu vợi. Khổ thơ như một nỗi tuyệt vọng, một kết thúc không thể cứu vãn. Có biển là có bờ, có bờ là có bến, có anh thì phải có em nhưng tất cả đã không theo qui luật vốn có của nó, tất cả đã ngoài tầm với, “Anh lần mò mê mải/ vẫn ở ngoài bến mơ”, hạnh phúc xa tầm với, tình yêu không chờ đợi anh, cuộc đời xô đẩy đành lạc mất nhau.
 
Lối anh đi không đến
Chỗ em về tai ương
Chưa qua khỏi nghiệp chướng
Biết còn nhau cuối đường?
 
Cái không thể vượt qua chính là định mệnh. Hai con người vì duyên mà yêu nhau và vì không duyên lại xa nhau. Tình yêu kết thúc có khi là kết thúc luôn cả cuộc đời là về với thế giới không còn nỗi đau; có khi kết thúc lại là một ám ảnh khó quên, nhói một góc lòng và cũng có thể bắt đầu từ đấy trái tim băng giá không còn có thể yêu thêm lần nữa…
 
Khi còn trẻ, có lẽ ai yêu cũng muốn được sống với người mình yêu đến bạc đầu nhưng bây giờ tôi lại không nghĩ như vậy bởi vì chắc gì ở đến trăm năm vẫn cứ còn yêu. Tình yêu dở dang sẽ làm người ta nhớ mãi, nhất là những lúc cuộc đời nghiêng ngã, ê chề, trong chúng ta (có tôi) cũng muốn được nương tựa vào một mối tình quá khứ không có kết thúc trong cuộc đời. Nó sẽ là một dòng sông tưới mát cuộc ta trong những còn mất của đời người. Phải chăng điều đó đã trở thành khát khao trong tim của những con người chỉ có mất mát và cô đơn trong đời. Tình hết và những lời lý giải vì sao ta xa nhau trỗi dậy trong một khổ thơ đa thanh trắc, giọng thơ vút lên những âm thanh khô khốc, những âm vực thăm thẳm đến tái tê:
 
Thêm một lần thất hứa
Để em biết bạc tình
Từ trái tim rướm máu
Còn ngọt ngào dấu đinh.
 
Tôi đến để yêu em và cũng chính tôi rời xa em nhưng sự rời xa ấy không phải vì tôi không còn yêu mà nó còn là biểu hiện sâu đậm, nồng nàn hơn bao giờ hết. Em cứ trách, cứ giận, cứ hờn kẻ bạc tình. Chỉ có tôi mới biết sự lìa xa làm trái tim tôi rướm máu, dấu đinh mãi hằn nơi trái tim không thể nguôi ngoai, nỗi đau và hoan lạc đan trùng khít. Đoạn thơ dường như là sự giải bày tự trách nhưng không tự hối bởi vì trong tình yêu không có đúng sai được mất mà chỉ có duy nhất sự ngọt ngào, dấu tích của một thuở yêu thương. Tôi cảm nhận bài thơ có nhiều cung bậc của hạnh phúc, của dịu dàng, của thống khổ, của đam mê và tận cùng là sự nuối tiếc, của sự biết ơn, biết ơn em đã cho anh đến với tình yêu, cho anh nếm trái hạnh phúc dù chỉ là phút thoáng qua trong đời. Tình là một ý niệm khổ đau, tình đóng đinh vào quá khứ, vào cảm xúc, vào trái tim. Trái tim tan vỡ, tình tan vỡ và đằng sau tan vỡ là sự lãng quên:
 
Đóng anh vào quá khứ
Cho đời em thênh thang
 
Tôi cảm nhận nỗi bi tình thống thiết đang tỏa khắp không gian làm thinh không rơi lệ. Tôi đã từng có cảm nhận “Lệ trần gian một thuở chia lìa”. Nếu ai đã từng yêu, từng mất mát thì mới thấy câu thơ mà cung bậc của nỗi đau từ cao vút đột ngột xuống thấp chỉ còn lại những vang âm thật nhẹ của những thanh bằng “Cho đời em thênh thang”.
Quên anh đi, cuộc đời em cánh cửa vẫn còn rộng mở những bước thênh thang và có người sẽ chờ đợi em cuối con đường. Câu thơ gợi ra hai ý nghĩa: mong em hạnh phúc/ lòng anh nát tan. Dường như thi sĩ đang mâu thuẫn với chính mình. Thi sĩ muốn níu giữ nhưng cũng muốn buông tay nhưng cuối cùng sự chọn lựa vẫn là sự mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu thương. Nếu anh không thể cho em điều hạnh phúc thì chỉ có một cách là rời xa:
 
Đóng anh vào quá khứ
Cho đời em thênh thang
Bước ngang qua giọt lệ
Nhỏ xuống ngọn nến tàn…
 
Nước mắt tuôn chảy, ánh sáng tắt lịm. Câu thơ chỉ còn những giọt lệ và bóng tối phủ vây. Thi sĩ như chết đuối trong nỗi đau chất ngất. Tứ thơ làm tôi nhớ đến “Những Giọt Lệ” của Hàn Mặc Tử:
 
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
 
Giọt lệ của Hàn Mặc Tử là những hạt châu long lanh của những tiếc nuối, thống hận của một người một đời khát khao mà chỉ là hư ảo, giọt lệ của Hư Vô thật nhẹ rơi xuống tắt nốt những ánh sáng cuối cùng còn sót lại của ngọn nến, của tình yêu. Kết thúc. Khép lại. Nhưng lại mở ra một biển tình mênh mông, một khát khao mong người con gái tôi từng yêu mãi mãi hạnh phúc.
 
Bài thơ với tôi lạ: Tình buồn- Nỗi đau- Mất mát nhưng lại thấm đậm đến da diết một tình yêu lãng mạn- Yêu không có nghĩa là chiếm hữu, yêu không có nghĩa là được, yêu là hãy đem đến cho người mình yêu yên bình và hạnh phúc. Hãy chọn cho mình một cách yêu tôi nghĩ đó là thông điệp ở Cuối Đường Em Đi mà nhà thơ muốn nói và cách yêu của thi sĩ không phá cách- nó nằm trong tiêu chí của lãng mạn cổ điển thấm đẫm chất nhân văn của người Việt Nam từ nghìn xưa- Yêu là hy sinh.
 
Sương Lam
15.11.2017
(Kính tặng nhà thơ Hư Vô)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9