Màu của yêu thương
Một buổi chiều, Hà Nội vào thu. Nắng vàng rực rỡ như suối tóc bồng bềnh, giăng mắc khắp chốn. Nước chiều yên ả, sóng vỗ nhẹ êm ru.
Anh hoạ sỹ, lẽ ra giờ này, phải ngồi nhà cầm cây cọ phơi bày mối tình với thu quyến rũ trên trang giấy trắng. Nhưng không hiểu vì nhã hứng gì, anh lại chịu xé vỏ tằm, bước ra ngoài chốn tấp nập của nhân gian để nghe thiên hạ nói cười, chửi bới và yêu đương. Tâm hồn anh lãng đãng theo cánh chim chiều, theo từng cụm mây trắng thong dong như gã bộ hành lãng tử.
Đi một đoạn chừng đã mỏi chân, anh dừng lại, ngồi xuống một chiếc ghế đá. Chiếc ghế này đặt ven hồ, dưới bóng những cành lộc vừng loà xoà, theo gió đưa hương ngọt mát từ những loài hoa không tên. Xa xa, sau lưng anh là Tháp Rùa, biểu tượng của một thời lịch sử sơn son thếp vàng, nơi Vua Lê ngày xưa trả gươm báu. Anh cũng từng vẽ Tháp Rùa một vài lần, nhưng chưa có bức nào thực sự ưng ý, chưa có bức nào đáng để lưu danh sử sách hay xứng tầm với sự tích ngàn đời này. Mặc dù đã tốt nghiệp khoa Mỹ thuật với tấm bằng xuất sắc, anh hoạ sỹ vẫn cho rằng cái thứ nghệ thuật mình tạo ra vẫn nhạt toẹt như một gã chán đời, không còn thiết đến sống.
Mấy năm qua, anh vẽ và vẽ. Có bức tranh trinh nữ ngây thơ về một cô gái anh quen từ thời tiểu học. Có bức về người mẹ già đau khổ vì đứa con nghiện rượu. Lại có bức về một cặp vợ chồng cãi cọ nhau trong lúc giận dỗi. Nghệ thuật của anh dù khá gắn bó với cuộc sống, anh vẫn cho rằng mình thiếu một thứ gì đó mà lâu nay vẫn chưa tìm thấy được. Một vài bức tranh theo phong cách siêu thực của anh được người ta tung hô bằng cái giá cao ngất ngưởng. Nó khiến anh ngất ngư vì men say danh vọng trong một khoảng thời gian khá dài. Anh sắp xếp các hình thù một cách rối beng trên trang giấy, song chỉ có một vài bức ngẫu nhiên được đánh giá cao, còn lại thì bị giới phê bình thẳng tay quăng vào sọt rác. Khoảng thời gian sau đó là một khoảng chông chênh như một kẻ mù đường. Anh hoạ sỹ đành từ bỏ cái cao siêu để về với cái giản dị của cuộc sống thường ngày. Chỉ có điều, bức tranh mẹ già có con nghiện rượu đã treo đó mốc meo mấy năm rồi mà vẫn chẳng có ai mua.
Với một người sống chết vì nghệ thuật như anh, quả đáng buồn. Vì lẽ gì mà bức tranh anh đặt vào đó nhiều tâm huyết, nhiều say mê lại không ai thèm ngó ngàng đến. Anh hoạ sỹ nén tiếng thở dài nhẹ nhàng như thu rồi mà vẫn chưa thấy cảnh đìu hiu đến tìm.
Anh ngồi buộc lại dây giày. Dù chưa đi bộ nhiều nhưng những gập ghềnh sỏi đá đã qua trên con đường nghệ thuật cũng khiến anh cảm thấy lỏng chân và cần buộc chặt lại. Trong cái mơ màng của buổi chiều dịu ngọt hơn cả những thỏi sô cô la tặng người tình, anh hoạ sỹ ngước nhìn lên vầng mặt trời ở phía xa. Nhưng hình như chói loá quá, mắt anh lại hạ xuống mặt đất, nơi ngọn nguồn của sự sống đang âm thầm trỗi dậy từ những búp lá non thì bị phủ đầy bởi thảm lá vàng tuyệt đẹp. Dẫu trời không nổi gió thì lòng anh cũng đã xao xác không yên rồi. Huống gì lúc này lại đang có cơn gió mạnh lướt tới khiến lá cờ đỏ trước mặt anh tung bay phần phật, khiến nỗi muộn sầu không bờ bến lại càng muốn ra khơi hay nổi sóng trong lòng.
Anh hoạ sỹ nhắm mắt cho lòng yên tĩnh lại, rồi từ từ mở ra. Trước mặt anh đang bày ra một cảnh tượng giản dị. Một cô bé với đôi mắt tinh anh và làn da ửng hồng vì nắng đang phụ giúp một người đàn ông mù chọn màu vẽ. Người đàn ông này dáng vẻ khắc khổ, những ngón tay gầy guộc cầm cọ đang lướt rất nhanh trên trang giấy giống như đang trong một bức ký hoạ. Kỳ lạ thật! Anh hoạ sỹ ngẩn người trong đôi phút. Vì lẽ gì mà người đồng nghiệp mù của anh có thể vẽ nhanh đến thế, trong khi một bức tranh anh phải ngâm ít nhất tới một tháng trời, thậm chí có bức về Dinh Độc Lập tốn mất của anh vài năm mà vẫn còn dang dở. Dường như, anh hoạ sỹ có nhếch mép cười nhẹ.
Nghệ thuật với anh thực sự quá cao quý. Anh không vẽ với mục tiêu vì tiền. Anh vẽ là để thoả lòng đam mê, dẫu cho đam mê ấy cần kiếm được ra tiền thì mới có thể trụ vững. Anh suy nghĩ, anh vẽ rất lâu, kỳ công vô cùng, còn tỉ mỉ và trân trọng hơn cả người thợ kim hoàn đối xử với viên kim cương vô giá. Nhưng nghệ thuật thì vẫn kiêu kỳ và đỏng đảnh, mặc cho anh đã hết lòng yêu thương.
Song cái nhếch mép cười nhẹ kia đã tan thành làn sương mù, đồng thời thay thế bằng sự sửng sốt khi anh chợt nhận ra nét rạng rỡ và hài lòng trên gương mặt khách hàng đang nhìn người đồng nghiệp không may bị đời lấy đi đôi mắt. Đó là một người đàn bà giàu có, phấn son dày dặn trên khuôn mặt, ngón tay đeo đầy những nhẫn, mà theo tưởng tượng của anh thì đó hẳn là một goá phụ cô đơn. Bà ấy nhờ hoạ sỹ mù vẽ lại hình ảnh người chồng quá cố. Khuôn mặt bà quả cũng có nét tang thương.
Trí tò mò đã thôi thúc anh tiến lại gần hơn thay vì đứng từ xa theo dõi. Đứng cách hoạ sỹ mù đang hoàn thành tác phẩm một vài bước chân, anh hoạ sỹ của đại học chính quy dừng lại.
Bức tranh đẹp quá! Lại tự do và phóng khoáng vô cùng. Anh không kìm được lòng mình đến nỗi suýt nữa thì thốt lên. "Trời đất! Sao lại có thể chứ?". Trong bức tranh là hình ảnh một anh bộ đội với mái tóc như vừa mới cắt, vận chiếc áo màu xanh lá mạ đã bạc vì khói thuốc súng. Nét mặt anh theo như miêu tả của goá phụ thì vừa nghiêm nghị lại vừa như đang mỉm cười. Dù là vẽ kiểu truyền thần nhưng lại rất có hồn. Hơn nữa, bà quả phụ cũng phải thốt lên. "Chao ôi! Giống quá! Giống quá đi mất! Tôi cảm thấy như anh ấy đang ở trước mặt tôi vậy, dù đã bốn mươi năm trôi qua rồi. Cảm ơn anh!". Anh hoạ sỹ tần ngần đứng ngắm họ một hồi lâu cho đến khi bà goá phụ rút ví ra trả tiền. Một bức tranh không đắt giá nhưng lại lấy được lòng của công chúng, của người thưởng thức, và hơn hết, nó khiến cho một phụ nữ xúc động vì được gặp lại những ký ức của một thời tưởng đã nhoè mờ theo bụi thời gian mà trong khoảnh khắc lại hiện lên rõ nét đến lạ.
Lại có một bác cựu chiến binh nhờ hoạ sỹ mù hoạ một trận chiến mà mình từng tham gia, trên nòng súng và xác máy bay phía xa thấp thoáng một loài hoa đỏ rực nở
dịu dàng. Cô bé bên cạnh tất bật chọn và pha màu vẽ. Người hoạ sỹ cứ vẽ đến đâu là lại chặn tay lại bên cạnh để đánh dấu điểm bắt đầu của phần còn dang dở. Sau khi hoàn thành xong bức thứ ba cho một cô gái trẻ hình ảnh anh chàng trong mộng để đem tặng người yêu, trời cũng đã gần tối. Bóng tối nhập nhoạng chiếm sóng trên trời, không khí không phải quá kinh dị nhưng cũng khiến loài chim hoảng sợ bay về tổ.
Trong khi cô bé đang thu dọn đồ vẽ thì một người phụ nữ có đôi gò má cao, ăn vận có đôi chút tầm thường đi tới dìu người đàn ông mù lặng lẽ đi cùng mình. Anh hoạ sỹ nhìn họ trong làn sương chiều mờ ảo đang dần buông cho đến khi bóng họ xa khuất dần. Lòng anh đã vỡ vạc ra được điều gì đó, nhưng đó là điều gì thì chính anh cũng không rõ.
Hôm sau, anh hoạ sỹ đến sớm hơn, lại lặng yên quan sát người đàn ông mù vẽ tranh. Nhưng có vẻ như nãy giờ người đồng nghiệp của anh đã thấm mệt, nên chỉ hoạ được một bức, đã thấy một người phụ nữ ra dìu gã về nghỉ. Vẫn chưa thấy cô bé kia dọn đồ, anh nghĩ chắc thảo nào hoạ sỹ mù cũng sẽ vẫn còn ra. Thấy cô bé gục lên đầu gối thiu thiu ngủ, anh mỉm cười. Đúng là trẻ con.
Cô bé dụi dụi mắt thấy anh đứng trước mặt thì khá bất ngờ, sau đó xen lẫn với vui sướng.
-Chú ơi, chú đến vẽ tranh phải không ạ? Chú ngồi xuống chờ tí xíu thôi. Lát bố con từ nhà ra ngay đấy ạ.
-À, ờ - Anh hoạ sỹ gãi đầu - Lát bố con ra ngay phải không? Vậy chú chờ một chút vậy.
Trong khi chờ đợi người mình muốn gặp, anh ngồi trò chuyện với bông hoa bé nhỏ. Anh hỏi cô bé, hai bố con đã vẽ ở đây lâu chưa. Cô bé ngây thơ trả lời, cũng được nửa năm rồi ạ. Ừ nhỉ, nửa năm qua, anh chỉ trốn trong cái ốc đảo riêng của tâm hồn mình. Anh dâng hiến cả trái tim cho nghệ thuật, để những buồn vui chỉ xoay quanh một tờ giấy mỏng manh mà anh đã trải hết lòng ra ở đó. Anh đâu có ra ngoài để thấy cuộc sống ngoài kia thay đổi và sôi động đến chừng nào.
Anh hoạ sỹ cười gượng gạo, cảm thấy mình như người vừa mắc lỗi và đang cầu xin được khoan hồng. Anh hoạ sỹ khen những lời có cánh nhưng thật lòng, chú đã xem qua tranh của bố con, chúng còn sáng hơn cả những kẻ còn đôi mắt nhưng lại đi sai đường ấy, không biết bố con đã học vẽ ở đâu vậy. Cô bé trầm ngâm như muốn giấu đi nỗi buồn. "Bố con học một ông giáo già sau khi bị mù ạ, ông ấy trước kia cũng là một hoạ sỹ, chú ạ".
"Vậy ư? Vậy bố con bị như thế từ bao giờ? Con có biết không?". Anh hoạ sỹ sợ mình là người xa lạ mà lại hỏi quá sâu vào câu chuyện nên chỉ dám cất tiếng rất nhẹ.
Cô bé khẽ gật đầu. Trẻ con thường không biết nói dối. Cô bé thật thà kể lại tai nạn của bố mình vào năm năm trước. Khi ấy, bố em đang làm công nhân cho một công ty hoá chất. Một vụ nổ lớn xảy ra trong khu xưởng khiến cho rất nhiều người bị thương, họ chủ yếu bị thương ở chân tay, duy chỉ có bố em bị hoá chất nổ vào mắt, phá huỷ toàn bộ giác mạc và bị mù vĩnh viễn. Sau tai nạn lao động ấy, bố em nghỉ làm, trở về trong giày vò và đau đớn. Thậm chí bố em đã từng nghĩ đến tự tử. Cũng may là mẹ em đã tới ngăn cản kịp thời và đưa đi viện điều trị. Sau lần đó, bố uống rượu rất nhiều vì chán chường. Hơi rượu lúc nào cũng nồng nặc trong phòng, em thường xuyên phải đi thu dọn vỏ chai lăn long lóc. Mẹ em đi buôn đồng nát, nhưng lời lãi cũng chẳng là bao. Sau được bà dì thu xếp vào làm việc cho một quán phở quen ở gần nhà. Mẹ cũng khéo tay nên khách đến ăn cũng đông đúc lắm.
Vậy mà có hôm, mẹ đang làm phở thì có người hàng xóm báo tin bố em bị mảnh vỏ chai cứa vào tay, đang nằm giữa một vùng be bét máu. Mẹ vội vàng chạy về nhà, khóc ngất lên ngất xuống. Mẹ em nghĩ hẳn bố thấy mình vô dụng nên bố buồn. Kinh tế nhà cũng đâu có dư giả gì, bố chỉ là gánh nặng thêm cho hai mẹ con. Chợt nhớ ra có lần bố bảo bố rất thích vẽ nhưng không có thời gian để đi học, mẹ liền đến năn nỉ một ông giáo già trước đây là hoạ sỹ để dạy bố học vẽ. Mỹ thuật đối với một người nghiệp dư còn sáng mắt đã khó hơn lên trời rồi. Vậy mà bố em lại còn mất đi đôi mắt nữa. Cũng may là nhờ sự kiên trì của cả thầy và trò nên kết quả cũng không đến nỗi nào. Bố em đã mất ba năm chỉ để làm quen với tỉ lệ và các vị trí sẽ vẽ hình trên trang giấy, đã xé đi không biết bao nhiêu tờ tranh với những nét vẽ nghuệch ngoạc mà thậm chí trên đó còn chưa kịp phối màu. Những năm đầu của bố em, bố đã vẽ từ những điều đơn giản nhất, từ con gà, cây cau, cho đến cơ thể người...
Anh hoạ sỹ chăm chú lắng nghe, mắt mờ đi nhưng lòng lại sáng ra. Anh thấy bóng hình mình từ những ngày đầu tập vẽ trong đó. Và khi đã đạt đến cái đỉnh cao của vinh quang thì anh lại bắt đầu ngủ quên, quên đi những xúc cảm ngây thơ, trong trẻo và trinh nguyên của một thời.
Anh hoạ sỹ để ý nãy giờ cô bé con cũng đang hí hoáy phác hoạ thứ gì đó trên trang giấy. Cứ mỗi khi định vẽ thứ gì đó, cô bé nhắm mắt lại đôi giây để tưởng tượng rồi sau đó mới vẽ tiếp. Những màu sắc nổi lên trên trang giấy đơn giản quá, chỉ có màu vàng của mặt trời, màu đỏ của lá và màu xanh của đại dương. Nhưng có gì đó trong trẻo và đáng yêu vô cùng. Anh hoạ sỹ mỉm cười.
-Con cũng tập vẽ à?
Cô bé ngẩng lên, hơi ngượng:
-Dạ vâng, bố cũng dạy con mấy hôm nay thôi. Bố bảo con phải nhắm mắt tưởng tượng ra đã rồi hãy vẽ, nếu như không có vật mẫu bên cạnh.
Cô bé chợt phát hiện ra điện thoại của anh hoạ sỹ rung rung trong túi áo. Cô bé bảo:
-Chú ơi, chú có điện thoại kìa!
Anh hoạ sỹ ngẩn người ra:
-À ừ, cảm ơn con. Để chú nghe điện thoại đã nhé!
Cuộc gọi đến làm anh hoạ sỹ hoảng hốt, nghiến chặt răng. Anh nói vội vàng với cô bé, chú có việc gấp phải về ngay, mai chú quay lại nhé.
Về đến nơi thì đống tranh của anh đã biến thành tro tàn. Bà chủ nhà cất tiếng đầy đau khổ, kêu gọi anh mãi mà không được. Hoá ra, anh chàng vừa đi một lát thì mẩu thuốc anh hút dở vứt gần đống tranh bắt lửa. Lửa cháy bùng bùng. Bà chủ nhà phát hiện được, vội vàng gọi thợ phá khoá, và lấy bình xịt cứu hoả nhưng không kịp. May mà đồ đạc trong phòng ở xa nên không sao. Chỉ có chỗ tranh, cái đã mốc lên, cái chưa ráo mực, cái còn dang dở là hoàn toàn bị thiêu rụi. Anh hoạ sỹ ôm đầu đau khổ. Bao nhiêu tâm huyết của anh bấy lâu nay đã tan thành sương khói. Vừa rồi, có một nhà sưu tầm tranh hẹn sang xem. Đêm ấy, anh không ngủ được. Lòng day dứt, trằn trọc, trách cứ thói đời đen bạc với mình, còn nghệ thuật thì cứ mãi đỏng đảnh và kiêu sa. Bây giờ, anh sẽ phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Liệu anh có thể đủ can đảm để bước lên từ tro tàn của lối mòn cũ?
Anh hoạ sỹ nhận ra mình đi sai đường, liền rẽ ngược lại đường cỏ đi về phía trước. Bước chân anh có phần chùng chình. Hôm nay, hai bố con người hoạ sỹ mù tới muộn. Họ vừa mới dọn màu và bảng vẽ ra được vài giây. Trông thấy anh hoạ sỹ, cô bé reo lên hớn hở. "Chú ơi! Bố cháu đây này. Hôm nay chú có vẽ không ạ?". Anh cười gượng. "Ừ. Chú có!".
Người hoạ sỹ mù cất tiếng. "Không biết anh muốn vẽ gì ạ?". Anh hoạ sỹ chần chừ, suy nghĩ một hồi rồi bảo. "Anh vẽ cho tôi chân dung của cô nàng nghệ thuật được không?".
Hình như hoạ sỹ mù có thấy đôi chút kỳ lạ. Nhưng rồi anh cũng lặng yên đáp ứng yêu cầu của vị khách đồng nghiệp với mình.
Anh hoạ sỹ chốc chốc lại thở dài, chờ đợi cho đến khi gã xong bức vẽ. Chắc độ khoảng một tiếng, hay hơn một tiếng sau gì đó, anh hoạ sỹ được nhận bức tranh. Anh nhìn say sưa rồi cuộn lại mỉm cười.
Vừa về đến nhà, anh bày bảng và lôi màu ra trước mặt. Nhưng anh không vẽ luôn mà nhắm mắt lại. Những màu sắc từ từ hiện ra từ trong sắc đen, đồng thời có một luồng sáng lướt qua tuyệt đẹp vô cùng.
Anh hoạ sỹ lại bắt đầu vẽ say sưa như cái thuở ban đầu. Bên cạnh anh là bức vẽ một hoạ sỹ đang nhắm mắt lại, một tay để lên tai để lắng nghe sự đời, còn tay còn lại nâng niu một nàng tiên bé nhỏ và vô cùng mong manh đang ngồi trên cây cọ vẽ.
Anh nhớ đến lời của thầy giáo anh đã dạy từ hồi Đại học. Nghệ thuật không phải là cái gồng mình lên, nghệ thuật là điều đơn thuần và đẹp đẽ, gọi tên cảm hứng của tình yêu thương.