CHỮ LỄ
tahuudinhqn 28.11.2017 16:37:08 (permalink)
CHỮ LỄ
                                                                                                                Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
 
                  “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”
Thuở bé tôi học ở trường làng. Thày giáo là một vị Hương sư do huyện bổ nhiềm về. Vâng lời thày, buổi học nào chúng tôi cũng đứng xếp hàng ở sân trường, đồng thanh, lớn tiếng đọc hai lần khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn” rồi mới vào lớp học.
Sang thời ta, ngành Giáo dục cách mạng đã bỏ khẩu hiệu đó không sử dụng nữa. Nhưng từ ngày đổi mới, có nhiều cái cũ lại được phục hồi. Kể cả ngành Giáo dục. Có lần, trên ty vi nhà mình, tôi đã trông thấy mặt tiền của một trường đại học nào đó ở Hà Nội, đắp hàng chữ nổi khá lớn: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Nhưng rất tiếc cho đền bây giờ, các thày giáo của tôi (kể cả ông thày là sách báo), cũng chưa có ai bảo cho tôi biết: từ bao giờ, và do ai đã phát minh ra câu phương châm giáo dục bất hủ đó?
Và cả giai thoại sau đây cũng vậy. Không biết tôi đọc được ở đâu, hay nghe ai đó đã kể rằng: Một hôm Khổng Tử và người học trò yêu của ông là Hứa Do, ngồi trên xe bò đang đi, bỗng thấy một đứa trẻ đứng ở bên đường chắp tay vái chào Kổng Tử. Khổng Tử cũng chắp tay chào lại đứa trẻ. Hứa Do tỏ vẻ không bằng lòng, ông bảo: ”Nó là đứa trẻ con, sao thày lại phải giữ lễ như vậy?”. Khổng Tử bảo: “Nó là đứa trẻ mà đã biết giữ lễ như vậy, nếu ta không giữ, chẳng hoá ra ta không bằng nó hay sao?”…
Ơ… thế ra cái nghi thức giao tiếp giữa con người với nhau, từ 2500 năm trước ở nước Tầu, nơi đã sản sinh ra bộ Kinh lễ, cũng có những quan điểm trái ngược nhau. Căn cứ vào câu nói của Hứa Do, ta có thể hiểu quan điểm của ông cho rằng, người lớn tuổi, bề trên hay cấp trên thì không cần phải giữ trọn lễ với người dưới, cấp dưới. Trong trường hợp trên, Khổng Tử chỉ cần đáp lại đứa trẻ bằng một cái gật đầu, hay một cái vẫy tay cũng đủ, chứ không cần phải chắp tay vái lại như vậy.
Còn Khổng Tử, qua câu trả lời Hứa Do, ta có thể hiểu quan điểm của ông là “nhận” và “cho” hoàn toàn sòng phẳng. Mình được nhận bao nhiêu, thì đáp lại đúng bấy nhiêu, bất luận đối tượng tiếp xúc là kẻ trên hay người dưới, quân tử hay tiểu nhân. Quan điểm đó rõ ràng là dân chủ hơn, công bằng hơn và cũng văn minh hơn.
Lại nhớ, ngày nào tôi được đi học một lớp quân chính ngắn ngày. Gọi là “quân chính”, vì lớp học cả quân sự và chính trị. Giáo viên quân sự là một cán bộ Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn Mạnh Hùng đang trú quân ở địa phương, được cử về giảng dạy. Trong bài học “Lễ tiết quân sự”, đại ý thày giảng: “Người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đang đứng trong hàng quân, khi nghe thấy cấp chỉ huy gọi đến hay nhắc đến tên mình, thì ngay lập tức người chiến sĩ đó phải đập gót giầy, chuyển sang tư thế đứng nghiêm, để nghe cấp chỉ huy nói”…
Còn trường hợp cấp dưới báo cấo trực tiếp bằng lời với cấp trên, thì không thấy thầy giảng lúc đó cấp trên có phải đứng nghiêm để nghe cấp dưới nói không? Chắc kà không. Nếu đúng như vậy, thì rất có thể tác giả bài học “Lễ tiết quân sự” đó cũng cùng quan điểm về chữ lễ với tiên sinh Hứa Do chăng?
                                                          *
                                                       *     *
Vừa có tập sách “Người hàng xóm đáng yêu” được in, tôi gửi tặng ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh một cuốn để báo tin vui, hay gọi là để báo cáo thành tích thì cũng được. Vừa là cũng muốn lấy lòng ông, để ông ký duyệt cho cái đơn tôi xin được hỗ trợ kinh phí công bố tác phẩm, như thông lệ hằng năm Hội đang thực hiện. Sách gửi theo dịch vụ chuyển phát nhanh của Bưu điện. Chắc chắn không bị thất lạc. Nếu vì lý do gì đó không có người nhận, thì sách lại được trả về, chứ khôg thể mất được. Thế mà chẳng biết tại sao, đến nay đã gần hai tháng, vẫn chưa thấy hối âm?
Chắc nhận được rồi. Nhưng vì cái chữ “lễ” trong giao tiếp cổ lỗ sĩ kia, ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh tôi lại tán thành quan điểm với tiên sinh Hứa Do của nước Tầu. Cho nên, là cấp trên, ông ấy chẳng cần phải giữ lễ với tôi là kẻ dưới. Nhưng thiết nghĩ: bất luận quan điểm của ông “Do” ông “trấu” thế nào thì theo tâp quán ứng xử của người Việt, ông Chủ tịch Hội VHNT tỉnh vẫn còn nợ tôi một lời cảm ơn.
Chưa hết. Vẫn chuyện về cuốn sách. Hôm lên Hà Nội lấy sách về mệt quá. Tôi phải nằm mất đúng một ngày. Sáng hôm sau, mới năm giờ tôi đã trở dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng xong, liền ngồi vào bàn, lòng tràn đầy khấp khởi viết tặng bạn bè. Rồi nhân ngày Hội VHNT thành phố Uông Bí họp sơ kết sáu tháng đầu năm (2017), tôi lễ mễ ôm bọc sách đến trụ sở, và tranh thủ mấy phút ngắn ngủi trước giờ họp, đưa tặng mỗi người một quyển.
Nhận sách, anh chị em ai cũng vui mừng, bắt tay chia vui với tôi. Nhưng khi tôi đi sang bên kia dẫy bàn, đến chỗ nhà thơ Xuân Phong đang ngồi trước tờ báo Hạ Long để trên mặt bàn (tôi xin nhấn mạnh là để trên mặt bàn). Và ở đây cũng xin mở thêm một cái ngoặc đơn nữa để chua rằng: (Tôi gọi ông là nhà thơ, vì cái danh xưng đó đối với ông là “oách” nhất, chứ không phải ông chỉ biết làm thơ thôi đâu. Trái lại, ông là cây bút đa tài, cầm kỳ thi hoạ đủ mùi. Cho nên, nếu gọi ông là hoạ sĩ, là văn sĩ, là kịch sĩ cũng đều đúng cả). Tuy nhiên, từ ngày vào hội đến nay, khoảng trên dưới vài ba chục năm. nhưng cũng chưa thấy gallery tranh nào của ông được mở cửa, và ông cũng chưa cho in tập sách nào. Nhưng nghe đâu như ông vẫn đang rất tích cực sản xuất thơ, vẽ tranh, sáng tác truyện và soạn thảo kịch bản sân khấu…
Do vội vàng, khiến tôi sơ ý để luôn cuốn sách lên tờ báo, nói: “ Tặng anh cuốn sách!”. Nhà thơ chẳng nói năng gì, nét mặt tỉnh khô, ông lặng lẽ cầm cuốn sách bỏ đánh “xạch” ra bên ngoài tờ báo. Rồi cặp kính trắng ngồi thoi loi trên sống mũi ông lại thản nhiên soi lên mặt báo, coi như chưa hề có chuyện gì xẩy ra.
Mặt tôi bỗng nóng bừng lên. Vừa thẹn, vì biết mình vô ý, vừa giận con người nhỏ nhen, thô thiển. Thái độ đó, liệu có phải là phản ứng của ông ta trước sự vô ý của tôi? Hay đó chính là “Con trâu buộc, ghét con trâu ăn”, “Đời, không ai muốn cho ai khá”. Anh cố nông, trong tay không có một tấc đất cắm dùi, cho nên căm ghét tất cả những ai có ruộng cấy trâu cày. Chứ chẳng phải nhà thơ chỉ ghét một mình tôi.
Lúc đó tôi chỉ muốn kêu lên: “Ôi trời đất! Sao cái nghiệp văn chương chữ nghĩa này lại lắm gian truân đến thế!”. Biết bao ngày đêm căm cụi, lao tâm khổ trí, lựa chọn, kiếm tìm từng ý, từng lời, từng chữ. Chi li, cẩn trọng từ cái dấu chấm câu, đến cái dấu phẩy…Viết đi sửa lại không biết bao nhiêu lần, rồi mới thành ra bản thảo. Đem đi gõ cửa các nhà xuất bản. Nếu được nhận, ban biên tập đọc, chắc chắn rồi lại phải sửa. Rồi chánh phó Giám đốc NXB đọc. Dù không còn sai phạm gì, nhưng cũng chưa được duyệt in. Vì còn phải chờ Công ty phát hành sách đọc bản thảo, nếu thấy chất lượng sách có thể bán được, họ mới nhận phát hành. Và cái “gật đầu” đó mới chính là “cái lệnh” sách được in.
Tập sách “Người hàng xóm đáng yêu” được in trong điều kiện là, tác giả phải nhận tiền nhuận bút bằng sách, 130 cuốn trên tổng số in 1000 cuốn. Và tác giả phải mua cho NXB 100 cuốn, tiền chỉ phải trả 60% theo giá bìa, còn 40% được tính cho phí phát hành.
Thế là tôi phải bỏ ra hơn bốn triệu đồng, để được nhận về 230 cuốn sách. Suy đi tính lại mãi. Tuy rất tiếc công sức của mình, nhưng tôi cũng chỉ đem về 150 cuốn, (trong đó 130 cuốn là tiền công viết và 20 cuốn phải mua) để tặng bạn bè. Còn 80 cuốn, dù đã trả tiền rồi, nhưng cũng đành phải “kính biếu” NXB. Vì, đem về cả cũng chẳng biết bán cho ai. Nếu đem ra cổng chợ Trung tâm tặng các bà, các chị nội trợ mỗi người một cuốn, cũng chưa chắc đã có người muốn nhận. Mà rất có thể họ sẽ bảo nhau: “Khổ nhỉ, chắc ông lão này điên to rồi!”.
Thưa không! Rất may là tâm thần tôi vẫn đang mạnh khoẻ. Nhưng bỏ mồ hôi, công sức của mình ra để viết, rồi lại phải bỏ tiền ra để mua sản phẩm của mình về biếu không người đời, mà lại bảo đó là một cái nghề thì quả thật ở nước ta chẳng có cái nghề gì lại lẩm cẩm đến mức buồn cười như vậy. Chả trách, ngày xưa nhà thơ Nguyễn Vỹ đã phải kêu lên rằng “Nhà văn An Nam khổ như chó!”. Ơ mà không! Nếu được phép so sánh đời sống của các nhà văn với những chú “cún cưng” của các ông chủ, bà chủ đang dẫn chúng đi dạo chơi ngắm cảnh ở Hồ Tây, Hà Nội kia, thì nhà văn An Nam làm gì được sung sường bàng chó!
Tôi vốn là thợ ảnh, sinh sống bằng nghề chụp ảnh, có tham gia viết lách tí chút là để cho bản thân và bạn bè mình cùng vui. Như người trồng cây chờ ngày hoa nở. Chứ biết mình tài hèn phận mỏng, không dám lấy văn chương chữ nghĩa để lập thân. Và càng không giám ước mơ mình sẽ “Phải có danh gì với núi sông” như cụ Nguyễn Công Trứ đã dạy. Tuy nhiên, nếu biết cơ sự văn chương chữ nghĩa lại lắm gian truân đến thế, và nhất là, nếu biết câu thơ đã trở thành danh ngôn nổi tiếng của Viên Mai: Lập thân tối hạ thị văn chương”, thì rất có thể tôi đã bỏ bút từ lâu rồi./.
                                              TP. Uông Bí, ngày 3/9/2017 

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9