lamongthuong
-
Số bài
:
290
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 09.12.2016
|
Re:MẢNH VỤN SUY TƯ
-
13.12.2017 12:16:55
. ĐÀN ÔNG CÓ NÊN RỬA CHÉN KHÔNG? Hỏi gì kỳ vậy làm bà xã tôi càm ràm đến nhức nhối cả con tim, điếc luôn cặp tai "xâu sắc". Chỉ mỗi chữ "nên" mà một buổi tối thơ mộng đi đứt. Bình thường ăn tối xong, tôi "nên," đoạn đánh rửa sạch sẽ chiếc ly cối, tráng đi tráng lại dăm bẩy lần nước sôi để nguội, nhẹ nhàng nâng niu ép một ly cam vắt nguyên chất, lau chùi thêm lần nữa những gì trông không đẹp mắt làm mất thẩm mỹ bên ngoài ly nước, và cẩn thận nhẹ gót bưng ra đặt nơi chiếc bục nhỏ kế bên salon nhà tôi đang ngồi vắt chân "chữ ngũ" coi tivi kèm theo lời mời êm ái "mình dùng ly nước cho thanh thản ngọc thể." Tivi có hôm chẳng ra gì, tôi lại phải "hai chân ba cẳng" lồng lên xe, vù đi trong tích tắc thuê cuốn phim tình tứ, rồi lại hết tốc lực xông về trình chiếu hầu nhà tôi. Khi nhà tôi đã bắt mùi tivi hoặc phim, tôi mới kiếm ghế hạ bàn tọa ké bên chăm sóc lỡ nhà tôi có mệnh hệ gì còn kịp thời giúp đỡ. Thường thì nhà tôi thư thái đưa tay ngọc nâng ly nước cam vắt "ô-ri-rin" hớp từng ngụm nhỏ ý chừng muốn để cho những sợi nước tinh chất ấy thấm dần vào cơ thể, lan tới từng làn da thớ thịt cho thêm phần tươi mát dung nhan. Dĩ nhiên, dù chương trình tivi có hay mấy hoặc phim có mùi mấy chăng nữa thì cũng có lúc chấm dứt. Lúc đó ly cam vắt đã cạn và cũng là thời điểm tôi ẵm nhà tôi lên giường. Nghĩ mà tức ơi là tức, tôi ẵm nhà tôi lên giường còn được phương chi rửa chén. Nào có chi đâu! Tôi ẵm nhà tôi thì nhà tôi ẵm con tôi. Tôi nâng niu nhà tôi thì con tôi được chiều chuộng, đâu có thiệt gì! Tôi thương con tôi nên mến nhà tôi, thương con đành chiều vợ nào có sai trái chi! Tôi muốn con tôi có hiếu với bố nó do đó tôi đành phục vụ nhà tôi. Không hiểu mấy người mũi lõ nghĩ thế nào mà vẽ voi vẽ chuột "Không nên đánh đàn bà dù chỉ là với bông hồng." Cần gì phải đánh với bông hồng, tay không mới tình! Tôi không dám đánh, tôi chỉ đấm thôi, đấm nhà tôi mỏi cả tay, mệt cả người mà còn chưa thấm gì. Có hôm, tôi vừa đấm vừa ngủ gật. Số là tối hôm ấy, nhà tôi không được khỏe, cảm thấy biếng ăn nhưng đồ ăn ngon nên nàng hơi quá chén, chỉ quá hai chén, không hơn. Thế là nàng bỏ cả coi tivi, không uống cam vắt và "nhờ tôi tí chuyện." Nàng nhờ tôi đấm, đấm lưng! Tình chưa? Tôi đấm đến nỗi rụng rời cả tay chân cho tới khi mệt quá, quên hết mọi sự, lăn quay ra cạnh nàng ngủ luôn tới sáng. Dù tôi đã đấm nhà tôi đến độ mệt không còn hơi sức, quên hết mọi sự mà còn chưa ăn thua gì, phương chi chỉ dùng bông hồng. Tôi có hiếu với nhà tôi như thế nên đôi khi cũng cảm động được lòng nàng do đó có khi nàng thương hại tôi đôi chút. Chuyện xảy ra như sau, tôi hay bị phong chạy; một lần không hiểu ra sao mà ngón cái chân phải sưng u lên như hột vịt, đau đớn quá chừng, đau "đêm quên ăn, ngày quên ngủ." Mặc dầu biếng ăn vì đau đến độ gầy xỏm đi mà ngón chân cái cũng chẳng xẹp bớt chút nào, nó cứ sưng kềnh càng và không chịu chui vào đôi giầy. Đi lang ta, lang tây, dăm bảy ông lang mà không hết, đau cứ còn đau, đau đến độ không đủ sức hầu hạ nhà tôi. Suốt hai tuần lễ chỉ ôm chân rên, nhà tôi mới động tình đề nghị để lang nhà thử chữa. Cỡ đến ba mươi mấy phút, nàng bảo tôi ngồi ghế salon và dùng dầu nóng xoa bóp ngón chân và những vùng phụ cận. Bàn tay tươi mát ngà ngọc nhà tôi đụng đến đâu là phong chạy khỏi nơi đó. Sung sướng, tôi cảm ơn nàng và đứng dậy đi ngay được. Lang nhà thật tuyệt vời, tôi cảm khoái! Đoạn ẵm nhà tôi lên giường như thông lệ. Thiệt là phiền, khi tôi vừa ẵm nhà tôi lên, tôi mới nhận ra phong đã được đuổi chạy từ ngón chân cái lên tới chỗ giữa hai đùi ráp nối với thân mình. Dầu thế, tôi vẫn cố ẵm nhà tôi vô phòng. Nàng thương tôi hết chỗ chê, vậy mà chỉ vì chữ "nên" quái ác của câu hỏi "Đàn ông có nên rửa chén không," tôi đã bị đạp ra khỏi phòng tối ấy. Lạnh lùng salon đơn chiếc làm tôi bực với câu nói vô tình, sai luật lệ, không hợp lý, chẳng hợp tình, lại thiếu rõ ràng. Vớ vẩn, tại sao lại "đàn ông có nên rửa chén không?" Đàn ông là thế nào? Ông nào mà có nên với không nên. Chẳng lẽ ông nào đó, không có vợ hoặc vợ đã bỏ đi sang bên kia thế giới, ăn xong lý luận đàn ông không nên rửa chén rồi cứ để ngập lên mặt, đồ ăn thừa bốc mùi um lên thì sao chịu nổi. Ai rửa cho đàn ông này mà nên với không. Lại nữa, chẳng lẽ vợ ông hàng xóm, coi có mòi sạch nước cản, ăn xong bày biện ra đấy và rồi đàn ông nhà mình nên qua rửa chén ư! Tức thì thôi chứ! Đàn ông nào mà nên rửa chén dùm vợ tôi, tôi thưa hắn ra tòa. Tòa không xử được, tôi đóng cửa không cho hắn qua rửa chén. Nếu vợ tôi mở cửa cho hắn, một là tôi chạy đi nơi khác, không thì chạy đi mua súng. Nếu đã có súng mà quên mua đạn, tôi sẽ chạy đi mua đạn, và rồi khi hắn qua rửa chén dùm, tôi sẽ bắn. Tôi không bắn trần nhà đâu, cũng không bắn cột, bắn kèo hay tường vách chi hết. Tôi dứt khoát bắn hắn. Bắn hắn không được, tôi bắn nhà tôi, và nếu vì quá thương nhà tôi mà không nỡ bắn nàng thì tôi bắn chính tôi. Đàng nào tôi cũng bắn. Tuy nhiên, để tránh những phiền phức xảy đến với gia đình, tôi nghĩ không nên dùng tiếng "Đàn ông" mà dùng chồng có nên rửa chén không, hoặc dư giả văn chương hơn thì "ông chồng" hay "đức ông chồng." Tôi không đồng ý dùng văn chương trong những vấn đề hệ trọng ảnh hưởng đến tình nghĩa chăn gối vợ chồng như trường hợp này, do đó tôi không đồng ý dùng những tiếng "ông chồng" hay "đức ông chồng". Ông chồng thì sao mà còn có thể sống để rửa chén cho cháu dâu khi cháu dâu đã bẩy mươi mấy tám chục; đức ông chồng cũng thế, chẳng sống được thọ như vậy nên phải dùng tiếng "chồng." Chồng có nghĩa đặt lên trên, không để dưới, hoặc nằm trên, không dưới mà cũng không ngang. Vì thế câu "Đàn ông có nên rửa chén không" nên đổi thành "Chồng, người nằm trên, có nên rửa chén không" cho đúng, cho danh chính ngôn thuận. Đến đây, càng nói càng thấy nhiều rắc rối, càng đặt câu hỏi, càng lắm chuyện lôi thôi. Nếu nói rằng "Chồng, người nằm trên, có nên rửa chén không" rõ ràng hơn vẫn chưa đủ. Chưa đủ vì vẫn còn bị dây dưa tới những chuyện xốn ruột, lộn gan nơi quí chị em "liền bà." Tôi nói liền bà để tránh chữ "đàn," lại có thêm chút xíu khác biệt bởi quí chị em đâu phải gà, ngỗng mà gọi đàn như đàn voi. Đồng ý rằng cũng có chị em "nhỏ" như voi hoặc xinh xắn như gà nhưng dù nhỏ hay xinh xắn thế nào mà gọi là đàn cũng "chăm phần chăm" mích lòng; vả lại tôi không muốn làm mích lòng ai hết nhất là bà xã, nên đành gọi "liền." Liền có nghĩa "chung một," "làm một," dính với người mình muốn dính và tách rời khỏi người mình không muốn đụng tới. Sự rắc rối, mích lòng, chưa được rõ ràng còn lại không phải nơi "đàn ông" mà là rửa chén nào, của ai! Vấn đề được đặt ra như sau: Chồng mình nên rửa chén nhà mình, hay chén nhà người khác, hoặc chén của "cái con ngựa" nào đó? Chi tiết nhỏ này coi bộ không ra gì nhưng lại còn quan trọng gấp mấy lần "đàn ông" nào rửa chén. Giả sử có đàn ông nào rửa chén tại nhà tôi, chỉ có mình tôi lộn ruột, ghen tương. - Không sao! Bà xã tôi vuốt nhẹ là huề vì mình cưng bà xã mà! Bả nói là mình "phải" nghe! Nhưng chồng mình mà rửa chén nhà chị em khác thì không xong! Trăm lần không xong, vạn lần không yên! Chú rể họ tôi, "đàn ông không thích rửa chén nhà mình" nhưng lại xung phong rửa chén nhà một "con ngựa." Chẳng những rửa chén không mà thôi, chú ấy lại còn rửa luôn cả con ngựa nữa. Cô tôi biết được, thế là một màn xếc xy sống động được diễn ra ngay trên con lộ trước chợ. Không biết cô tôi thuê đâu được ba bà hộ pháp, một buổi sáng, chờ con ngựa tới chợ, xé phăng hết những gì không thuộc làn da trời sinh trên người trước mặt bàn dân thiên hạ. Ông đi qua, bà đi lại ai cũng nói là đáng đời cái tội đàn bà lười rửa chén. Đàn ông nên rửa chén sinh hậu quả thế đấy quý bà ơi! Bởi vậy, câu "Đàn ông có nên rửa chén không" chẳng những nên mà phải đổi thành "Chồng mình có nên rửa chén nhà mình không?" Hoặc là "Đàn ông hàng xóm có nên rửa chén nhà mình không?" cho rõ ràng. Hơn nữa, từ thuở tạo thiên lập địa, nói theo Kinh Thánh, Thượng Đế tiên vàn tạo dựng trời đất, cây cối, muông chim, súc vật, đầy đủ mọi sự rồi mới tạo dựng con người, mà người đầu tiên là đàn ông. Đàn ông chứ không phải thanh niên giống đực cũng chẳng phải thằng con trai. Xét theo hành trình tạo dựng, đàn ông tự nhiên đã được sẵn cỗ ngồi vào. Nếu đặt vấn đề đàn ông phải làm, tại sao Thượng Đế không tạo dựng đàn ông trước tiên để bắt "đàn ông" này nặn ra trái đất mà ở, chế biến ra cây cối hay súc vật, rau cỏ để ăn hay làm thịt. Như vậy, đàn ông tự bản chất đã được ưu đãi do chính Đấng Tạo Thành vũ trụ. Dù cho bất cứ ai có dốt mấy chăng nữa thì cũng có thể lật Kinh Thánh ra mà đọc nơi sách Khởi Nguyên đoạn I câu 26 trở đi. Theo bản Kinh Thánh do linh mục Nguyễn Thế Thuấn, đoạn này viết: "Và Thiên Chúa đã phán: Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta... Trị trên cá biển và chim trời, và trên súc vật và mọi loài mãnh thú..." Chỉ mỗi bản dịch tiếng Việt dùng chữ "người" chung chung nhưng các bản dịch tiếng Mỹ dùng chữ "man" rõ ràng, nghĩa là đàn ông được tạo dựng giống hình ảnh của Thượng Đế để cai trị mọi loài, chim bay trên trời, mãnh thú, cầm thú nơi đất, và cá tôm đủ loại nơi biển cả sông ngòi... Cũng theo Kinh Thánh, Thượng Đế lại đã tạo dựng nên giống cái của "người", "man" và đó là đàn bà, lấy từ xương sườn cụt của đàn ông mà ra (KN. 2: 21b). Sự tạo dựng đàn bà xét như thế không có trong ý định của Thiên Chúa theo Kinh Thánh vì trong sách Khởi Nguyên đoạn 2 câu 2 viết: "Và ngày thứ bảy Người (Thiên Chúa) đã nghỉ mọi công việc Người làm." Thật rõ ràng, dễ hiểu, khi Thượng Đế đã hoàn thành công trình của mình, cần nghỉ, Ngài tạo dựng đàn ông lo lắng, coi sóc công trình của Ngài và Ngài nghỉ. Như thế, cho tới khi Thượng Đế thấy mọi sự đã toàn hảo, Ngài vẫn chưa tạo dựng đàn bà mà Ngài nghỉ; có lẽ đàn bà không cần thiết bởi: "Thiên Chúa đã hoàn tất công việc người làm." Đọc tiếp tới câu 21 đoạn 2, "Và Yavê Thiên Chúa đã giáng xuống trên người (đàn ông) một giấc tê mê... và Người đã rút lấy một xương sườn của nó và lấp thịt vào..." Cứ theo con mắt trần và đơn sơ mà hiểu thì đàn bà được tạo dựng trong sự tê mê của người đàn ông, ngoài ý định của Thượng Đế tự nguyên thủy. Có lẽ chính vì trong lúc "tê mê" của đàn ông, đàn bà được tạo dựng từ xương sườn cụt cho nên khi đàn ông gần kề bên xương sườn cụt của mình đều cảm thấy tê mê. Đến đây câu hỏi tại sao Thượng Đế lại phải dựng đàn bà có lẽ đã rõ ràng và ai cũng có thể tự trả lời bằng nhiều cách. Chẳng hạn: Đàn bà để phụ giúp đàn ông trong việc cai quản thế giới. Nếu hiểu theo ý này, thế ra thời nay luân thường đảo ngược, "rế lên trên nồi!" Đàn bà lại đặt vấn đề "Đàn ông có nên rửa chén không." Trở lại Kinh Thánh, bất cứ ai kiên nhẫn, bỏ thời giờ đọc từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, không sót dù một chút sai sót của nhà in, đều không thấy Kinh Thánh nói tới đàn ông rửa chén mà chỉ thấy câu "Ta sẽ làm cho nó cái gì trợ giúp tương đối với nó!" Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dùng chữ "Cái gì trợ giúp" có lẽ cũng phải có lý do. Hơn nữa, Kinh Thánh không dạy điều sai ngoa. Cứ theo câu này, đàn bà chỉ là "cái gì," hơn nữa lại "trợ giúp tương đối." Ai cũng hiểu rằng đã là tương đối thì không thể ngang bằng, chỉ là một phần nhỏ. Đó cũng là lý do tại sao, có thể nói, Socrate đã quan niệm "đàn bà không có linh hồn." Chuyện về Socrate kể lại rằng bà vợ ông ta quá dữ dằn. Một hôm, có khách đến chơi, hai người đang ăn uống và nói chuyện, không hiểu bà vợ Socrate tức chuyện gì, hất luôn mâm cơm hai người đang ăn. Socrate bình tĩnh nói với người bạn đại khái như sau: Nếu chúng ta đang ăn mà có một con gà mái nhảy vào mâm cơm bới tung tóe, chúng ta có tức với con gà ghẹ đó chăng. Socrate là một nhà hiền triết Tây Phương; sau này thêm Aristote, Platon, cả ba ảnh hưởng mạnh mẽ nơi tư tưởng, óc não lớp người mũi lõ mắt xanh mà còn cho rằng đàn bà không có linh hồn, thứ gà mái ghẹ, thì chữ "cái gì" và "tương đối" có lẽ được hiểu rõ hơn chút đỉnh. Mà đã không có linh hồn tức là nhiều thứ không có kèm theo; thế cho nên chẳng lạ gì tại sao có cảnh luân thường đảo ngược mà ông bà ta gọi là "tôm chà." Lý do tạo dựng đàn bà ngoài ý muốn của Thượng Đế cũng có thể với mục đích để đàn bà phục vụ đàn ông chẳng hạn như rửa chén, quét nhà, nấu ăn, sinh con đẻ cái v.v... Lẽ đương nhiên, trở lại Kinh Thánh, Thượng Đế còn nghỉ nữa là "đàn ông" được tạo dựng do Ngài. Bình thường suy đoán, đàn bà được tạo dựng để phục vụ đàn ông thì rửa chén, quét nhà, dọn phòng là những chuyện bình thường đương nhiên. Vậy còn vấn đề "Đẻ..." Xin thưa, chuyện đàn bà đẻ cũng là chuyện đương nhiên vì đàn ông không bao giờ đẻ từ khi có đàn bà. Còn chuyện tiếp theo chuyện "đẻ..." thì không ai có thể thay thế được. Không ai có kinh nghiệm làm dùm chuyện này và cũng không sách vở nào viết về vấn đề này ngoại trừ truyện tiếu lâm "Vua Thành Thái cắm cờ cấm..." mà thôi. (Hơn nữa, đó chỉ là truyện tiếu lâm, các bà các ông muốn biết, viết thư hỏi, người viết sẽ trả lời vì viết ra đây không lợi ích chi.) Nếu đặt vấn đề đẻ cũng quan trọng và cần thiết vì, như huyền thoại Trạng Quỳnh - Đoàn thị Điểm đối sứ Tầu: ai cũng ở đó mà ra, thì vấn đề khác lại được đặt ra. Thiết nghĩ Thượng Đế đã không có ý định tạo dựng đàn bà thì dĩ nhiên đàn bà không cần thiết. Nếu lấy lý do tạo dựng đàn bà để sinh con đẻ cái thì lại càng phi lý hơn vì Thượng Đế đâu có dựng nên cây chuối cái đâu thế sao vẫn có cây chuối con. Có thể, nếu không có đàn bà để trợ giúp đàn ông, đàn ông cũng đẻ con như cây chuối đâu đã chết ai. Xét như vậy, sự đẻ của đàn bà không cần thiết nếu không có đàn bà. Có đàn bà chỉ để "trợ giúp tương đối" mà thôi, và đã trợ giúp tương đối thì cũng chỉ như "có rế đỡ nóng tay" mà chớ. Có thêm đàn bà để phục vụ mà lại đặt vấn đề "Đàn ông có nên rửa chén không" xét ra lại càng thêm nghịch lý với chữ "trợ giúp" của Kinh Thánh. Hơn nữa thử hỏi như vậy có rế đỡ nóng tay hay càng bị nóng hơn? Thử đặt vấn đề thế nào là "trợ giúp tương đối." Viết đến đây, người cầm bút đành lật vài cuốn Kinh Thánh bản dịch tiếng Mỹ xem chữ "trợ giúp... tương đối" Tây Phương quan niệm thế nào. Ít nhất 6 cuốn dùng 5 chữ tương đương trong sách Genesis đoạn 2 câu 18: "I will make him an aid fit for him" (The Anchor Bible, Genesis, E.A. Speiser; p.15; Double Day, New York.) "I will make a suitable companion to help him" (Good News Bible, Today's English Version, p.3; American Bible Society; New York 1978.) "I will make a suitable partner for him." (New American Bible; Saint Joseph Edition, p.5; Catholic Book Publishing Co.; New York 1986.) "I will make him a helper fit for him." (The New Oxford Annotated Bible, Revised Standard Version, p.3; Oxford University Press; New York 1977.) "I will make him a helper like himself." (The Holy Bible; Good Counsel Publishing Co., p.2; Chicago, Ill. 1963.) "Let us make him a help like unto himself." (The Holy Bible; Genesis 2:18; Catholic Press Inc.; Chicago, Ill. 1950.) Qua 6 bản dịch khác nhau, khác thời điểm, những chữ được dùng để chỉ đàn bà: an aid fit for him, companion to help him, suitable partner for him, a helper fit for him, a helper like himself, a help, chỉ mang nghĩa trợ giúp và không bản dịch nào viết Thượng Đế gọi đàn bà là vợ đàn ông mà chỉ nói đàn ông gọi đàn bà là vợ. Hơn nữa, theo quan niệm Do Thái, người đặt tên có toàn quyền trên kẻ bị đặt tên. Đó cũng là lý do tại sao Kinh Thánh được viết rằng Adam đặt tên cho mọi loài, điều này có nghĩa mọi loài dưới quyền thống trị của con người. Đàn ông đặt tên cho đàn bà là Eve cũng trong nghĩa này mà chớ, cũng như quyền đặt tên và trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ trên con cái chẳng những của người Việt mà của mọi dân tộc trên thế giới. Hiểu ý nghĩa về sự đặt tên như thế, đàn ông cất nhắc đàn bà lên làm vợ chứ thực ra, theo Kinh Thánh, đàn bà chỉ là "trợ giúp... tương đối" mà thôi. Bạn có chiếc xe, bạn o bế chiếc xe là chuyện bình thường, nào lau chùi, nào đánh bóng, hút bụi, sơn sửa v.v... Đàn ông có trợ giúp là đàn bà thì đàn ông o bế đàn bà đâu có sao. Chỉ có một điều hơi trái sự thường, mà còn có vẻ bất thường nữa: chiếc xe không bao giờ dám đặt vấn đề bạn chạy, chiếc xe cỡi lên bạn mà lái. Trái lại đàn bà được đàng chân, lân đàng đầu, được o bế nên đặt vấn đề chiếc xe lái người. Nói cách khác, muốn đàn ông trở thành trợ giúp, con hầu đầy tớ của bà chủ để rửa chén, quét nhà v.v... nên đưa ra vấn đề "Đàn ông có nên rửa chén không." Lý do tại sao người viết nói đàn bà đưa ra vấn đề đàn ông có nên rửa chén không rất dễ hiểu vì nếu người nghĩ tới vấn đề này là đàn ông, đâu cần gì phải nói. Muốn rửa thì rửa, không rửa thì quăng thùng rác chứ có gì mà nên với không. Chẳng lẽ mua chén bát còn được mà quăng chúng vào thùng rác khó khăn lắm sao. Chuyện đơn giản chỉ có thế nên người đặt vấn đề rửa chén nhất định là người ở phía đàn bà, và dù không phải đàn bà "chăm phần chăm" thì cũng mang tính chất đàn bà, "trợ giúp tương đối." Dĩ nhiên chúng ta tôn trọng quyền làm người của bất cứ ai dù được tạo dựng trước hay sau hoặc người đó to lớn hay bé nhỏ, ngay cả cho dù cao sang hay thấp hèn. Tuy nhiên, trời đất này còn có thứ tự, mặt trời soi sáng ban ngày thì trăng sao đành chấp nhận bị ánh sáng mặt trời che lấp chứ nếu trăng sao tranh đấu với mặt trời về khả năng soi sáng ban ngày thì muôn đời cũng chỉ là đêm. Thử tiếp tục đọc Kinh Thánh, vấn đề tương tự "Đàn ông có nên rửa chén không" đã xảy ra từ thời tạo thiên lập địa rồi chứ đâu phải bây giờ mới được đề cập tới. Đoạn 2 câu 24 sách Khởi Nguyên viết: "Bởi thế mà người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình..." Nói cách khác theo kiểu câu 21 đoạn 2 thì người đàn ông tê mê với đàn bà quên cả cha mẹ; âu đó cũng là nguyên nhân mọi sự khốn khổ và rắc rối của cuộc đời bởi cái ham vui tê mê của đàn ông mà ra. Nghĩ thật cũng đáng cho cái thói đời ham hố. Chính sự tê mê của đàn ông đối với đàn bà sinh ra lắm thứ mà quí cụ ngày xưa gọi là "Thấy chồng hiền (thương) xỏ chân lỗ mũi, hoặc "được đàng chân lân đàng đầu." Những chuyện tương tự cũng đã xảy ra đầy đầy chan chan trong lịch sử với những câu kết luận: "Vua nghe vợ mất nước." Có những nhà thâm nho sâu sắc hơn thì dùng tiếng "Chó nhảy bàn độc." Đoạn 3 của sách Khởi Nguyên đại khái kể lại: Người đàn bà được cưng chiều, được cho đủ mọi sự cũng như quyền hành giống người đàn ông do thói đam mê yêu vợ của anh chàng ngốc nghếch đầu tiên như đàn ông chúng ta bây giờ cưng vợ, mụ Evà mới ăn no rực mỡ, tưởng rằng những gì đàn ông có được là mụ cũng có thể tranh đấu để tương đồng. Văn vẻ hơn chúng ta gọi là "nam nữ bình quyền." Thế là mụ tìm mọi cách để "cỡi cổ" tên đàn ông ngốc nghếch chồng mụ. Mụ không thèm nhận định vị thế của mình, bởi có linh hồn đâu, ăn trái cây biết trước biết sau với hy vọng cầm đầu anh chồng khờ vì thương vợ. Và kết quả là mụ đã biết trước biết sau rõ ràng, biết mình chẳng có gì ngoài bộ đồ da để ra đến độ xấu hổ phải che lá đa. Tệ hơn nữa, chính ngay khi vừa giành giựt được điều mong muốn, mụ đã đổ thừa ngay cho con rắn câm có cái miệng biết ăn nhưng không biết nói. Có lẽ, nếu mụ đổ cho anh chồng mê vợ thì bây giờ đàn bà đẻ, đàn ông mang bầu không chừng. Và thế rồi ra sao chúng ta chẳng lạ gì, từ ngày mụ biết trước biết sau chỉ được một tí bằng trái táo, luân thường đảo ngược, trật tự bị rối ren, ngay cả mụ đẻ chồng mụ cũng bị đau bụng nữa; đôi khi lây đến ông hàng xóm đau bụng mới cả là vấn đề tai hại. Chúng ta cũng thấy rõ hơn, tại các nước Cộng Sản, lý thuyết nam nữ bình quyền bị lạm dụng khiến chó nhảy bàn độc, tên ngu dạy đời, đàn bà mê muội đàn ông, do đó dân chúng đói rách lầm than. Khi mà bà chủ ra lệnh cho tên "chồng hầu" rửa chén thì cuộc đời trở nên tai hại như thế đó. Đàn bà mới chỉ muốn bình quyền, nhân loại từ ông tới cha, con tới cháu đã lầm than, bới lông đất mới có miếng mà ăn thì khi đàn bà mà làm chủ để đức ông chồng rửa chén có lẽ thiên hạ sẽ đại loạn, đại loạn vì "vua nghe vợ mất nước," đàn ông nghe đàn bà tan tác gia phong, luân thường đảo ngược. Dù cho cả thế giới này không ý thức được sự tai hại của tính chất "được đàng chân lân đàng đầu" hay nói khác hơn lạm dụng lòng thương mến của chồng để hò chồng rửa chén, người Việt ta vẫn còn có sẵn nề nếp gia phong sống hòa hợp trong thứ bậc, vai trò nào, tôn ty ấy. Có lẽ ông cha ta đã khôn ngoan nhận ra sự tai hại này từ bao đời trước nên đã để lại nào tam tòng tứ đức, nào đạo vợ chồng, nào những lời khuyên răn làm trai không nên nghe vợ. Mới chỉ một mụ đàn bà đòi bình đẳng mà cả thế giới muôn đời đau khổ thì cái gọi là "Đàn ông rửa chén" phải được dẹp tan ngay từ trong trứng nước. Nếu không, đại loạn, hoặc quí vị sẽ bị trắng mắt như người viết được biết một số trường hợp, mụ vợ hành hạ ông chồng tàn bạo quá chừng!
|