MẢNH VỤN SUY TƯ
NỖI NIỀM THẦM KÍN QUA
"VẾT THƯƠNG TUỔI TRẺ"
(Người Luân Đôn)
Thật ra, khi vừa đọc xong luận đề "Vết Thương Tuổi Trẻ" của tác giả Lã Mộng Thường, khó có mấy ai thuộc lớp người lớn tuổi giữ cho lòng bình thản. Một thoáng bất bình, bất như ý trỗi dậy. Tưởng còn nhẹ. Dễ thường đã có người phải nổi giận. Giận lắm. Họ đều muốn truy nguyên xem người viết đích thật là ai? Sao có thể "quá lời," hung hãn phóng bút đến như vậy? Phản ứng tâm lý này, về một mặt nào đấy, cũng phải thôi. Thế thì nội dung đề tài kia đã nói gì, những gì, khiến cho một phần dư luận phẫn nộ nhường ấy? Tạm xin nói ngay - nó chẳng khác một cuộc "nổi dậy," một cuộc "tổng phản công" về chính kiến, tư tưởng, đạo lý, văn hóa của giới trẻ nhằm vào lớp "đàn anh" hay xa hơn thế, có trách nhiệm gần xa trong việc mất còn của Miền Nam, của Việt Nam Cộng Hòa ở ngày qua. Và lại chỉ không giới hạn ở sự phê bình, hài tội bóng bẩy, tác giả hầu như đã còn muốn phản ảnh tiếng vọng tâm tư, tâm tình, tâm sự chán chường về cung cách sống của những người lớn tuổi trong thực trạng xã hội lưu vong ngày nay. Lòng khinh khi đẩy đến chỗ không còn một chút tín nhiệm, tin cậy. Dưới mắt tác giả - nghĩa là theo cái nhìn của thế hệ thanh thiếu niên - mọi giá trị nhân bản, tư cách, sĩ khí cùng thái độ làm người ở các đẳng cấp huynh trưởng đã hoàn toàn tan biến. Suốt hai mươi năm trôi qua, và cũng chính cái chu kỳ ấy có triển vọng kéo dài lê thê chưa biết đến bao giờ với hằng hà sa số nghịch cảnh, những điều ngang tai chướng mắt, những hành động vì dân vì tương lai đất nước chỉ toàn là tiếng phèng la ồn ào vọng động làm tan nát niềm tin lẫn tình người đồng chủng máu đỏ đầu đen. Mọi sự ấy đã là đầu mối của đề tài nẩy lửa vừa bùng lên! Thiết tưởng, cứ cần phải luận rõ nguyên nhân sự kiện thì rồi ra có luận bàn, có tranh cãi gì - điều đó mới giúp cho người đọc vốn quá bận rộn với cuộc sống thường nhật có thể theo dõi dễ dàng hơn, và cũng dễ dàng trở thành những nhà trọng tài đánh giá đúng mức những vấn đề cực kỳ khúc mắc, phức tạp đeo đẳng mọi người chúng ta từ ngày mất nước 75 cho đến nay. Bài viết tuy không nói lên một cách rõ ràng, cụ thể, song đã bàng bạc, hàm chứa cả một trời u uất liên quan đến nhận định vừa được đặt ra ở lớp người trẻ sinh ra và lớn lên tại xã hội Tây Phương. Hay khi phải bỏ nước ra đi tìm tự do, họ đang trong tuổi thanh thiếu niên, và bây giờ đã thực sự trưởng thành, vào đời. Nhiều người trong bọn họ lại xuất thân khoa bảng đại học Âu Mỹ. Khá nhiều người vẫn giữ được dòng máu nước Việt, tâm hồn dân Việt. Họ thiết tha gắn bó với quê hương, đồng chủng. Chính vì thế mà họ đau khổ, đau đớn nghiền ngẫm lại vấn đề - những vấn đề không mấy đẹp xoay quanh trong tập thể lưu vong, hàng ngày hiện trước mắt họ, gây nhiều đáng tiếc đôi khi đến độ phi lý, phi nhân. Tâm hồn họ cởi mở, chân thành, thẳng thắn và hồn nhiên. Tuy hờn mát thốt ra lời chua chát, tự vứt bỏ mình đi, họ lại không chấp nhận và càng không thể im hơi lặng tiếng trước đầy rẫy những hành động tiểu xảo cùng thủ đoạn quay quắt đổi thay chỉ trong một chiều hôm ban mai. Lòng họ ví như mảnh ruộng vừa được cầy bừa tươm tất, cỏ dại không còn đất sống, chỉ chờ gieo mầm vãi hạt, hứa hẹn một vụ mùa phì nhiêu. Cho nên, họ thắc mắc, bực bội, phẫn nộ nếu như ai kia định tâm bôi đen tâm hồn trong trắng ở họ. Họ vẫn mong muốn, ước ao được các bậc trưởng thượng hiền lương chỉ dạy cho họ. Song lại không cho phép bọn điếm đàng, chuyên nghề khua môi múa lưỡi phỉnh phờ dư luận lên tiếng dạy đời, dạy thanh niên. Họ nổi giận đặt bút viết ra, cũng như một số người lại đã vội "phẫn nộ" khi thoạt vừa đọc những điều giới trẻ buộc lòng đề cập đến. Thế cho nên, công luận cần bình tĩnh, khách quan duyệt xét lại vấn đề. Và chỉ bình tĩnh, khách quan - vẫn chưa đủ! Phải loại bỏ mọi xúc động cấp kỳ, mọi mặc cảm tự cao tự đại. Vì, suốt trong quá khứ dài, chỉ toàn những ai với ai kia "lên tiếng." Thế hệ trẻ Việt Nam chưa hề bao giờ cất lên tiếng nói của họ. Ngày nay họ mới mạnh mẽ tỏ bầy chính kiến. Tưởng nên xem đấy là một hiện tượng khích lệ, đáng mừng hơn đáng lo, đáng vui hơn là trách móc, dè bĩu, đáng lạc quan hơn là chuốc lấy bi quan. Đừng tìm cách "Cả vú lấp miệng," chận đường chận ngõ. Nếu có sợ, chỉ sợ "người thanh niên" tiếp tục thờ ơ, bình chân như vại trước mọi vấn đề dân tộc, sợ họ bàng quan, vong bản. Họ còn biết đau, biết tủi hờn, còn biết uất hận và nổi sùng, còn muốn đem tâm sự riêng đặt vào tâm sự chung của hàng triệu người dân Việt đang sống cuộc đời lưu lạc vật vờ ở các xã hội tư bản coi nặng tiền tài hơn tinh thần, hay, đã muốn xem nhẹ sự hưởng thụ vật chất để còn biết thế nào là tu dưỡng hạnh kiểm, gìn giữ đạo lý, đặt lại cho đúng việc bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam cực kỳ tế nhị như giờ đây thì như vậy tại sao chúng ta lại không lấy đấy làm điều mừng rỡ? Nhìn lại gần một thế kỷ về trước, xã hội Việt Nam chìm đắm trong gọng kìm ngoại lai, tinh thần vọng ngoại lan tràn khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, thế mà vẫn đã vang lên lời thống thiết: "Tiếng Việt còn, dân Việt còn! Nước Việt còn!" Thì ngày nay, cho dù xứ sở tơi bời tan nát dưới bàn tay thống trị của bọn người vô tổ quốc, vô thần, vô gia đình - và cho dù một phần dân tộc thất thế, nổi trôi sống thân tầm gửi, mọi người chúng ta vẫn còn tất cả niềm kỳ vọng. Vì, "Tiếng nói bao hàm truyền thống tổ quốc Việt Nam ở thế hệ trẻ Việt Nam còn, tương lai dân Việt tất phải còn!" Chúng ta chỉ vừa thua "một trận chiến." Chúng ta nhất định không thua một "cuộc chiến" dành đoạt lại đất nước - đất nước của tiền nhân Hùng Vương lập quốc! Qua nội dung "Vết Thương Tuổi Trẻ," khuyết điểm nếu có, chỉ là ở chỗ người trẻ quá nóng (cái nóng nẩy tất nhiên của tuổi trẻ) để rồi thiếu đi sự rào đón, cẩn trọng né tránh, khiến mắc vào lầm lỗi kỹ thuật đặt bút! Tác giả đã không phân biệt "cái hay" bên cái dở đáng truy kích, đập phá, tận diệt. Tác giả đã vô tình quên đi, không hề nhớ đến, biết đến một số không ít những tâm hồn dân tộc đáng quý, đáng nể trọng đã đóng góp, đã hy sinh cho Tổ Quốc hoặc cho nền văn hóa văn hiến đất Việt. Tác giả đã vơ tất cả vào một mối. Tất cả đều "cá mè một lứa." Chỉ vì tác giả dựa vào sự ăn nói hồ đồ, nông cạn ở một số cá nhân bất xứng; dựa vào hành động rác rưởi của những tên hề sâu khấu chính trị và văn hóa chưa đủ trình độ "thành nhân" đã vội rêu rao việc đội đá vá trời, tự khoác cho mình cái thiên chức hướng dẫn, dắt dẫn, chỉ đạo giới trẻ! Tưởng nên hiểu rằng, lịch sử đất nước từ ngàn trước đến ngàn sau là một tiếp nối không ngừng, có tốt, có xấu, có huy hoàng, có đen tối, có lúc suy vi, có thời hưng thịnh. Đành rằng, khi mạt vận, kẻ hèn, kẻ hư hỏng nhiều như lá rụng mùa thu, nhưng lại chưa hề thiếu đi những phần tử xứng đáng, hào hùng. Hãy cứ xem chốn ao tù nước đọng, bùn lầy xình úng thật đấy, song nào cánh sen kia đâu mãi chịu tàn úa để bị tuyệt giống, để không thể nở rộ ngay trong hôi tanh? Định luật thời gian đào thải, hủy diệt con người. Nhưng rồi lớp già nào đã tan biến hẳn? Vẫn hài hòa hiện diện bên mái đầu xanh, gần gặn người tuổi trẻ. Tạo hóa có âm dương, thì kiếp người không thể thiếu đi sự có mặt của hai thế hệ "trẻ" và "không còn trẻ nữa." Bảo cầm súng lao mình ra mặt trận, người lớn tuổi đành chịu. Nhưng bảo rằng truyền thống đạo lý, văn hóa của một dân tộc không nằm trong tay thế hệ cao niên thì lại khó đúng. Hơn thế, nó đúng đến độ tuyệt vời, như khi người ta bàn đến sự luân hồi của nhà Phật. Kiếp luân hồi chưa hẳn thấy ở những người chưa mấy tin, nhưng rõ ràng, hiện tượng luân hồi "từ trẻ bước sang già" thì ngời tỏ như ánh sáng mặt trời, và lại có ngay trong cuộc sống của một kiếp người! Nó quyện lẫn với nhau như tiếng đàn tiếng sáo hòa hợp với lời ca trầm bổng trữ tình. Văn hóa cũng thế, không phải tự nhiên mà một dân tộc có ngay nền văn hóa làm mẫu mực cho linh hồn của giòng giống. Nó cứ phải bắt nguồn từ thuở xa xưa, tiến triển, phong phú hóa hết đời này sang đời khác. Ở thời điểm văn minh tiến bộ ngày nay, người Tây Phương lại đã biết "cách mạng hóa" tư tưởng văn hóa. Họ gạn lọc, bảo tồn những nét văn hóa dân tộc cùng lúc lại du nhập những nguồn văn hóa đa dạng từ bốn phương, bất cứ là ở quốc gia nào trên hoàn vũ. Cho nên, có gì để thế hệ trẻ Việt Nam phải quá băn khoăn, giật mình soát lại cái gốc văn hóa của mình? Những điều thực tế, nào là, "được vun xới nơi cánh đồng Mỹ và lớn lên bởi bắt rễ từ hoa mầu Mỹ, thở không khí Mỹ, học bằng tiếng Mỹ, nói bằng tiếng Mỹ..." như giới trẻ vừa nêu, tựu chung tưởng như là mọi sự đến với họ từ môi trường Mỹ Quốc - và cho dù thế, chưa hẳn là điều nguy hại trầm trọng. Và cũng đừng vội kết luận mọi sự kiện kia sẽ cho phép họ lột xác, hoàn toàn đoạn tuyệt với cái gốc văn hóa "thật" ở mình - "Văn hóa Việt Nam"! Đúng thế. Văn hóa là một điều gì mang tính chất siêu phàm lắm. Nó tiềm tàng, ẩn chứa nhiều phần. Phần lĩnh hội từ thực tế mà đến. Và phần khác, đến một cách siêu hình, có thể cảm nhận được ngay từ giòng máu "huyết thống nòi giống." Đừng quá câu nệ, tốn nhiều công tìm kiếm cho hai tiếng "Văn Hóa" một định nghĩa từ chương. Như, lao mình phân tích, giải thích "Văn" là gì và "Hóa" phải là gì! Hãy trả lại điển tích của chữ nghĩa cho điển tích chữ nghĩa của một thời đã qua, ở các nhà nho sính hán học. Chúng ta không còn nhiều thì giờ nữa, ở vào thời điểm sắp mở đầu một thế kỷ tân kỳ. Làm sao để mọi người, nhất là giới trẻ Việt Nam vốn bị xa vời ngữ Việt hiểu được cái nghĩa tổng quát của nó tưởng đã là quá đủ. Để dễ hiểu hơn, xin đơn cử một hình ảnh dung dị: Nếu có người hỏi chúng ta "Văn hóa, văn hiến Việt Nam" là đâu và từng diễn ra như thế nào? Xin thưa ngay: Trải bốn ngàn năm lập quốc, người Việt từ thuở sinh ra chỉ biết bú mớm từ bầu sữa mẹ. Trong dòng sữa ấy đã có ngay "tình mẫu tử," "tình người"! Họ không uống sữa của loài thú vật - loài bò để khôn lớn, để sống! Có lẽ vì thế, trong chất văn hóa Việt đào tạo nên "người có văn hóa" không chấp nhận thú tính: Con cái không thể ngoảnh mặt quay lưng với cha mẹ, đến một tuổi nào, đủ lông đủ cánh bay đi, sống cuộc đời riêng biệt, không mấy khi còn đếm xỉa đến bố mẹ, bệnh tật, sinh sống ra sao, còn mất, cũng không cần hay, biết! Đã là một sinh vật có hồn, người Việt ghê tởm sự loạn luân, đặt nhục dục lên hàng đầu của sự sống, và không thể nhân danh tự do đến mức độ đàn ông công khai kết hôn với đàn ông, đàn bà lấy đàn bà, thật thản nhiên như là người ta uống... sữa bò vậy! Lỡ đã sinh ra làm kiếp người Việt Nam thì đố cao chạy xa bay cho đừng là người Việt Nam! Không cần nói đâu xa và cũng không cần dài dòng, chỉ nội một việc thật nhỏ nhoi mà đầy đủ ý nghĩa nhất: "Tại sao đã 20 năm qua, được đào tạo, bắt rễ sâu vào lòng đất Mỹ Quốc đến thế, vậy mà hôm nay, những người trẻ Việt Nam vẫn do một động lực thiêng liêng thúc dục, đã phải cầm đến bút biện bạch cho mình, đồng thời xác định nguồn gốc tinh thần "văn hóa" của mình?" Nếu quả thực, giới trẻ Việt bị Mỹ hóa, nhất định họ đâu cần phải có phản ứng! Càng không can cớ gì phải "thổn thức" đặt thành vấn đề như họ đã đặt! Phải chăng, họ chỉ muốn mượn hình thức này để "vạch mặt chỉ tên" những kẻ quen thói ăn trên ngồi trốc ở những ngày Miền Nam chưa mất - nhờ vào ngọn gió phất phơ của thời cuộc đảo điên đưa đẩy đến địa vị vàng son, hay nhờ nước đục thả câu thì cũng thế. Chứng nào tật nấy, ví như ngựa quen đường cũ, nay sống giữa xã hội lưu vong mà chúng vẫn mơ màng, vẫn quay quắt tìm đủ mọi cách tô son trát phấn để mong được tái xuất hiện trong một vở tuồng "cười ra nước mắt" thuộc về lịch sử mất nước. Đọc những điều người trẻ viết ra trên giấy trắng mực đen, cảm thông sâu xa với họ, những người Việt có tâm hồn bỗng thấy buốt nhói trong tim. Ngậm ngùi và xót xa cho thế hệ đang muốn vươn lên, đang muốn thực sự được là người Việt Nam! Trong dòng máu luân lưu ở cơ thể họ, từ hồn đến xác - vẫn ấp ủ một biển trời văn hóa Việt, truyền thống Việt. Họ thất vọng đấy mà vẫn đang kỳ vọng đấy! Hãy nghe họ tâm tình: "Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó"! Còn mãi mãi biết ghi tạc trong đáy lòng lời tục ngữ của tiền nhân, lớp trẻ Việt Nam ở trên khắp các nẻo đường tự do vẫn còn đầy đủ danh dự, vẫn là những giá trị tinh thần ngời sáng trong tâm hồn nhiều người bỏ xa tuổi họ - những người mà mỗi sáng mai hay chiều hôm đến, nhìn bóng hoàng hôn tỏa xuống, đã chợt cảm thấy hơi sương lạnh bên bờ vai, thế nhưng chưa hề quên đi nỗi sầu vong quốc. Vâng, xin hãy cứ tìm lại niềm tin, hỡi những người bạn trẻ! Đất nước là của chung. Thế nhưng đất nước Việt lại không thể còn là của những kẻ lỗi thời, vị kỷ, hễ mở miệng là cao ngạo tuyên xưng: ...đã "nguyên" là thế này, thế khác... Bụi thời gian, thời thế, đã phủ kín những cái "nguyên" đầy hào nhoáng mà giả tạo kia rồi! Đất nước giờ đây tùy thuộc các bạn. Tùy thuộc tuổi trẻ. Và xã hội tị nạn cần được lành mạnh hóa cũng bởi từ lòng nhiệt huyết, ý chí quả cảm của các bạn. Nếu như những người trẻ đã có lý, không chấp nhận trở thành "những đợt sóng sau đổ theo ngọn sóng trước ô nhiễm" thì cứ lại phải nhớ thêm rằng những người muôn năm trước đã từng có dặn: "Sóng xa sóng đổ vào bờ"... Bờ đây là... bến bờ Việt Nam! Hễ còn là người Việt, còn biết hướng về đất Việt ngàn xưa, tuổi trẻ Việt Nam còn tất cả hy vọng dựng nước! Để rồi còn viết lại trang sử văn hóa hào hùng... Người Luân Đôn. 10-1994
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: