MẢNH VỤN SUY TƯ
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 16 trên tổng số 16 bài trong đề mục
lamongthuong 13.12.2017 12:23:10 (permalink)
.
THÁI  ĐỘ  VÀ  TÂM  TRẠNG
 
Coi trên TV, những vị lãnh đạo quốc gia, những người có địa vị cao, nắm quyền hành lớn lao trong tay, họ xuất hiện rất từ tốn; thái độ của họ bình thản và kiên nhẫn. Những dịp may nào đó, bạn gặp những nhà lãnh đạo, bạn cũng có những cảm giác về từng người khác nhau. Gặp người này, có thể bạn cảm thấy được thông cảm và tin rằng những chuyện bạn cần nhờ họ sẽ được giúp đỡ mau chóng và tận tình. Gặp người khác, bạn cảm thấy sợ hãi bởi lối đối xử của họ như đe dọa bạn hay kiếm cách trấn áp bạn. Hoặc đối với người khác nữa, bạn cảm thấy họ rất bình thường, khiêm tốn, và thân thiện. Thái độ của họ như khuyến khích bạn trở nên tự nhiên. Bạn không cảm thấy bị gò bó hoặc "hớp hồn".
 
Khi nói chuyện với những người chung quanh cũng thế, có những người bạn không muốn bàn luận bất cứ vấn đề gì với họ vì bạn không chấp nhận được thái độ của họ khi nói chuyện. Ngược lại số người mà bạn muốn bàn luận hoặc chia xẻ những ưu tư, hay tính toán công chuyện làm ăn với thì rất hiếm. Thường thường, khi gặp chuyện cần bạn mới phải tìm kiếm người để nhờ vả. Lẽ đương nhiên, bạn sẽ chạy đến những người mà bạn cảm thấy có thể thông cảm hoặc sẵn sàng giúp đỡ hay cộng tác với bạn giải quyết những vấn đề nan giải bạn muốn nhờ.
 
Qua những cảm nhận trên, tôi muốn đặt vấn đề về nguyên nhân tạo nên thái độ của một người. Ông bà ta có câu: "không có lửa sao có khói," chúng ta nhận thấy và chấp nhận như vậy. Tuy nhiên, đối với thái độ của một người, đôi khi lửa khói không hòa hợp với nhau. Lửa một đàng và khói một nẻo. Lý do tạo nên thái độ của một người thường không đơn giản như chúng ta nhận thấy nơi bình diện bên ngoài của họ mà bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố này có thể là do sự giáo dục, ảnh hưởng bởi môi trường hoàn cảnh sống, cá tính riêng từng người, hoặc bởi điều mơ ước hay thiếu sót nơi tâm tư của họ. Một yếu tố không ngờ nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất nơi thái độ của một người là chính tâm trạng của người đó thế nào. Thái độ bên ngoài có thể phản ngược lại với sự nhận thức về chính con người của họ. Đây cũng là chủ đề của bài viết này.
 
Tâm lý bình dân có câu: "Điếc hay hóng, ngọng hay nói." Ai cũng biết và không muốn mình giống câu này. Tuy nhiên, có thể mình không muốn "hay nói" vì mình ngọng bởi vì mình đã ngọng; do đó mình lại càng hay nói. Xét về tâm lý, thái độ của một người cũng thế, những người tỏ ra oai quyền, hống hách, lại cảm thấy chính mình chẳng có giá trị gì. Bởi muốn cảm thấy mình là cái gì nên thường có khuynh hướng tỏ ra mình là một cái gì để người khác nể, để cảm thấy oai. Dĩ nhiên, con người chỉ muốn những gì mình chưa có hoặc cảm thấy có chưa đủ. Những người càng mang nặng tự ti mặc cảm mình chẳng ra gì lại càng muốn tỏ ra quan trọng. Điều này ngược hẳn với thái độ của những người có quyền hành và nhận ra quyền hành của họ. Vì họ biết họ có quyền hành, lời nói của họ có kẻ nghe và phải vâng theo, họ đâu cần nổ, đâu cần giương oai hay tỏ ra oai quyền. Vì thế, người nào càng tỏ ra quan trọng, oai quyền bao nhiêu, càng chứng tỏ mình bị tự ti mặc cảm bấy nhiêu. Điều này có nghĩa họ càng không nhìn ra giá trị con người của họ. Thái độ hống hách chỉ biểu dương một tâm trạng cảm thấy mình chẳng ra gì.
 
Câu điếc hay hóng, ngọng hay nói còn mang thêm một ý nghĩa khác. Người nào càng không rành rẽ về vấn đề gì, càng tỏ ra mình thông thái về vấn đề đó. Những người học võ từ mười năm trở lên, họ không nói về võ biền. Họ chạy trốn đánh lộn. Đối với họ, thà rằng chạy trốn còn hơn giơ tay giơ chân bởi họ biết cái giơ tay giơ chân của họ có thể chết người. Chỉ có những người nào học được dăm ba miếng võ quèn mới thích chứng tỏ ta đây có võ. Đúng là ngọng hay nói!
Trong cuộc sống thường ngày, thái độ của mỗi người chúng ta cũng tương tự như thế. Nếu mình không nhận ra giá trị và thực tài của mình, mình sẽ cảm thấy thèm khát được người khác coi trọng, kính nể. Thử để ý một vấn đề đơn giản: đi dự tiệc tùng hay đám xá. Chiếc ghế ngồi và vị trí chiếc ghế có thể làm cho người ngồi trở thành quan trọng được không? Theo tôi nghĩ, người quan trọng thì ngồi ghế nào cũng quan trọng. Người ngồi làm chiếc ghế quan trọng chứ không phải vị thế chiếc ghế làm cho người ngồi quan trọng. Thế mà những chuyện vớ vẩn lỉnh kỉnh đã và đang xảy ra: ông phải ngồi chỗ này, bà phải ngồi chỗ kia. Nào là mâm nhất, mâm nhì, nào là "ăn đưa xuống, uống đưa lên." Cứ mỗi lần gặp chuyện xếp chỗ ngồi trong đám xá, tiệc tùng, tôi lại nhớ tới chuyện phiếm Trạng Quỳnh ăn vỏ chuối.
 
Nhìn lại chính mình, mỗi người được ban cho những khả năng khác nhau. Đôi khi những khả năng này chỉ được nhận ra khi mình ở trong một vai trò và môi trường nào đó. Nếu bạn sống với những người không biết đọc, không biết viết, dù bạn có khả năng viết lách văn chương, bạn cũng không thể phát triển khả năng của bạn được. Ngược lại, dù bạn là người bình thường về mọi phương diện trong một đoàn thể, nếu bạn bị bầu làm "chủ tịch," hoặc "đại diện," hay "trưởng ban chấp hành," có thể rằng những khả năng bình thường của bạn có cơ hội phát triển để rồi nhận ra biệt tài riêng nào đó của bạn về lãnh đạo. Thử xét một thí dụ: Giả sử Giáo Hoàng hay Tổng Thống Mỹ hút bụi văn phòng của họ, có lẽ truyền hình, báo chí sẽ làm rùm beng lên nào là khiêm nhường, chịu khó, đơn giản, bình dân v.v... ôi đủ thứ tốt lành được gán ghép. Đã bao nhiêu lần bạn và tôi làm những chuyện bình thường như thế, nào có ai coi ra gì đâu. Vị thế của một người có thể làm cho công việc thường tình của họ quan trọng hơn.
 
Xét cho cùng, có thế nào chăng nữa, mình cũng chỉ là mình. Dù có gọi mình là thứ gì hoặc gán vào trăm thứ nhãn hiệu nghe cho kêu, mình cũng không oai hơn hoặc được trọng vọng hơn. Vấn đề chính yếu là khả năng của mình thế nào và mình có nhận ra giá trị của mình hay không. Người nào thèm được trọng vọng hơn, thèm được gán ép thêm những biệt hiệu hay những danh xưng đao to búa lớn, người đó đang chứng tỏ mình mang tự ti mặc cảm nặng nề hơn. Chỉ có người đói mới thèm ăn, người no, có ăn thêm cũng không nuốt được. Người không nhận ra giá trị của mình thèm được đề cao cho oai, thích nổ cho người khác nể. Chẳng lạ gì, cuộc đời này hay cuộc đời xưa cũng thế, ông bà ta đã có câu "Thùng rỗng kêu to" kể cũng chẳng sai chút nào. Thái độ của mình đang chứng tỏ tâm trạng mình ra sao.
 p36
#16
    Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 16 trên tổng số 16 bài trong đề mục
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9