MÂY BAY VỀ NGÀN
lamongthuong 06.12.2017 13:32:33 (permalink)
 
 
MÂY  BAY  VỀ  NGÀN
 
Cẩn chú: Xin chân thành cảm nhận cảm nghiệm của quý bậc thức ngộ và ghi ơn quý tác giả, dịch giả mà những câu nói được trích từ các tác phẩm:

ACHB: Ai Cập Huyền Bí; nguyên tác: A Search in Secret Egypt; Nguyễn Hữu Kiệt phỏng dịch; Xuân Thu; CA, USA; 1988.
BRTS: Bên Rặng Tuyết Sơn; Nguyên Phong phóng tác từ tác phẩm (?) của Swami Amar Jyoti; Làng Văn; Ontario, Canada; 1998.
CCCTN: Cái Cười của Thánh Nhân; Nguyễn Duy Cần; Đại Nam; CA, USA; (?).
CD: Chu Dịch; Phan Bội Châu; Xuân Thu; CA, USA; (?).
CDHG: Chu Dịch Huyền Giải; Nguyễn Duy Cần; Tủ Sách Thu Giang; (?).
CNCĐ: Chấp Nhận Cuộc Đời; Luise Rinser; Nguyễn Hiến Lê dịch; Sài Gòn, VN; 1971
CTC: Chí Tôn Ca; Bhagavad Gità; Quang Hoa dịch; Center for Cultural Development; Saigon, VN; 1971.
DGLPCN: Du Già Lục Pháp của Naropa; Garma C. C. Chang; Ni sư Trí Hải dịch; Trì Minh Thất ấn tống; TX, USA; 1997.
ĐĐK1&2: Đạo Đức Kinh I&2; Lão Tử; Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch. Xuân Thu; Houston, TX; USA; ?
DKYC: Dịch Kinh Yếu Chỉ; Nguyễn Văn Thọ; Tác giả xuất bản; USA; 1997.
DTCN: Dược Tính Chỉ Nam; Hạnh Lâm Nguyễn Văn Minh; Xuân Thu; (?).
ĐBCT: Đôi Bạn Chân Tình; Hermann Hesse; Vũ Đình Lưu dịch; Ca Dao, SàiGòn, VN; 1969.
ĐMQXT: Đường Mây Qua Xứ Tuyết; Anagarika Govinda; Nguyên Phong dịch; Làng Văn; Ontario, Canada; 1994.
ĐPHB: Đông Phương Huyền Bí; Nguyễn Hữu Kiệt dịch; Xuân Thu; CA, USA; 1988.
ĐPVPP: Đức Phật và Phật Pháp; Narada Maha Thera; bản dịch Phạm Kim Khánh; Xuân Thu; CA, USA; 1971. Viết Tắt: ĐPVPP.
ĐTNN: Đông Tây Ngụ Ngôn; Ôn Như Nguyễn văn Ngọc; Xuân Thu; California, U.S.A; (?).
ĐTPG: Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận; Kimura Taiken; Thích Quảng Độ dịch; Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh; VN; 1969.
EM: Encyclopedia of Mysticism and Mystery Religions; John Ferguson; Crossroad; New York, U.S.A; 1982.
GLTH: Biện Chứng Giải Thoát Trong Giáo Lý Trung Hoa; Nghiêm Xuân Hồng; Xuân Thu; CA, USA; 1991.
GTTLT: Giải Thoát Trong Lòng Tay I & II; Pabongka Rinpoche; Thích Nữ Trí Hải dịch; Xuân Thu; CA, USA; 1998.
HTTT: Huyền Thuật và các Đạo Sĩ Tây Tạng; Mystiques et Magiciens du Thibet; Alexandra David Neel; 1929; Nguyên Phong phỏng dịch; Làng Văn; Toronto, Canada; 1992.
HTVPĐ: Hành Trình về Phương Đông; Nguyên Phong dịch; Người Việt; CA, USA; 1993.
JOL: The Jewel Ornament of Liberation; Sgam.Po.Pa.; Herbert V. Guenther dịch sang Anh ngữ; Shambala Publications, Inc. CA, U.S.A; 1971.
KCGL: Kim Cang Giảng Luận; Thích Thanh Từ; Thành Hội Phật Giáo; TP Hồ Chí Minh, VN; 1993.
KCĐĐ: Kim Cang Đại Định; Nawami; Thuần Tâm dịch; Xuân Thu; CA, USA; 1989.
KLGTÂ: Kinh Lăng Già Tâm Ấn; Thiền Sư Hàm Thị; Thanh Từ dịch; Tu viện Chơn Không; Vũng Tàu; VN; 1975.
KPBĐ: Kinh Pháp Bảo Đàn; Lục Tổ Huệ Năng; Thích Minh Trực dịch; Phật Học Viện Quốc Tế; CA, USA; 1987.
KPMKD: Những Khám Phá Mới về Kinh Dịch; Đào văn Dương; Microseis Technologies, Inc.; Houston, Texas, U.S.A; 1994.
KT: Kinh Thánh; Nguyễn Thế Thuấn, DCCT dịch; Dòng Chúa Cứu Thế, Việt Nam; 1975.
KTG: Kitô Giáo Dưới Mắt Một Phật Tử; Đại Sư Buddhadàsa; Nguyễn Văn Tùng & Nguyễn Bá Tùng dịch; Định Hướng Tùng Thư; USA; 1996.
KTTP: Kiến Tính Thành Phật; cassette tape; HT Thích Thanh Từ; Pearland, TX, USA; (?).
KVG: Kinh Viên Giác; Thích Thanh Từ; Thiền Viện Trúc Lâm, Đà Lạt, VN; 1997.
LDĐP: Những Ngày và Những Lời Dạy Cuối Cùng của Đức Phật; Thích Minh Châu dịch; Ban Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành 1967; Xuân Thu; CA, USA; 1997.
LĐGLPG: Vài Luận Đề Về Giáo Lý Phật Giáo; Dalai Lama; Nguyên Châu dịch; Xuân Thu; CA, USA; 1997.
LTĐĐK: Lão Tử Đạo đức Kinh; Hạo Nhiên Nghiêm Toản dịch; Đại Nam; (?;?).
MCTĐT I: Ma Chướng Trên Đường Tu I; Nghiêm Xuân Hồng; Xuân Thu; CA, USA; 1998.
MGTT: Cơ Sở Mật Giáo Tây Tạng; Trần Ngọc Anh dịch; Thế Giới; CA, USA; 1995.
NTGG: Nguồn Thiền Giảng Giải; Thích Thanh Từ; Xuân Thu; CA, USA; 1997. 
NHK1&2: Nam Hoa Kinh I&2; Lão Tử; Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch. Xuân Thu; Houston, TX; USA; ?
NTNH: Nguồn Thiền Như Huyễn; Nghiêm Xuân Hồng; (???); U.S.A.
NVTH: Nẻo Vào Thiền Học; Nhất Hạnh; Lá Bối; Sàigòn, VN; 1971.
OM: Oriental Mysticism; Edward Stevens; Paulist Press; New York, Paramus, Toronto; U.S.A; 1973.
PBĐK: Pháp Bảo Đàn Kinh; Mai Hạnh Đức dịch; Hội Phật Giáo BaLamật; Houston; TX, USA; 1989.
PG: Phật Giáo; Tuệ Quang Nguyễn Đăng Long; Trường Sơn; Sài Gòn, VN; 1963.
PHTH: Phật Học Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Đại Nam; CA, USA; (?).
PXH: Phép Xuất Hồn; Đỗ Thuần Hậu; Đại Nam; California, U.S.A; 1994.
SCTT: Sáu Cửa Thiền Thất; Bồ Đề Đạt Ma; Trúc Thiên dịch; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản; CA, USA; 1987.
TBS: Tâm Bất Sinh; Thiền sư Bankei; Thích Nữ Trí Hải dịch; Thanh Văn; California, U.S.A; 1997.
TCM: The Catholic Myth; Andrew M. Greeley; Collier Books; New York, U.S.A; 1991.
TĐĐT: Thập Đại Đệ Tử; Thích Tinh Vân; Như đức dịch; Ấn Tống; CA, U.S.A; 1997.
THĐHĐP: Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương; Nguyễn Duy Cần; Tủ Sách Thu Giang; (?), Việt Nam; 1972.
THTL: Thần Học Thiêng Liêng I & II; Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý, S.J.; Thời Điểm; CA; USA; 1997.
TL: Transformed by the Light; Melvin Morse, M.D.; Ballantine Books; New York; 1994.
TLPTC: Triết Lý Phật Thích Ca; Ngọc Liên; Tri Thức; Xuân Thu; (?).
 TTÂĐ: Biện Chứng Giải Tht trong Tư Tưởng Ấn Độ; Nghiêm Xuân Hồng; Xuân Thu; CA, USA; (?).
TTHB: Tây Tạng Huyền Bí; Lạt Ma Lobsang Rampa; Nguyễn Hữu Kiệt dịch; Xuân Thu; USA; 1988.
TTNHK: Trang Tử Nam Hoa Kinh; Nguyễn Duy Cần; Tập Iⅈ Đại Nam; California, U.S.A; 1994.
TTSC: Tạng Thư Sống Chết; Sogyal Rinpoche; Xuân Thu; CA, USA; 1996..
TTTH: Trang Tử Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Đại Nam; California, U.S.A; (?).
TTTT: Tử Thư Tây Tạng; Padma Sambhava; Hoàng Thái dịch; Xuân Thu; CA, USA; 1997.
TTvNHK: Trang Tử và Nam Hoa Kinh; Nguyễn Hiến Lê; Văn Hóa; (?).
: Tân Ước; Một nhóm dịch giả; Tòa Tổng Giám Mục Giáo Phận TP HCM, Việt Nam; 1994.
VĐLN: Vân Đài Loại Ngữ; Quế Đường Lê Quý Đôn; Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải; Tự Lực; (?).
VNVT: Vô Niệm Viên Thông; Thích Minh Hiền; CA, USA; 1995.
XDNSQ: Xây Dựng Nhân Sinh Quan; Nghiêm Xuân Hồng; Đại Nam; California, U.S.A; (?).

 
- Phật cáo tu bồ đề: chư bồ tát ma ha tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng, phi vô tưởng, ngã giai linh nhập. Vô dư niết bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biến chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu bồ đề, nhược bồ tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi bồ tát... (KCGL; Tr.22-23).

Hưng ngồi ghế đầu dãy bàn dài, lim dim cặp mắt, dường như để tâm trí bay bổng nơi cõi hư vô; chiếc đầu theo thân mình nhẹ nhàng chuyển động hòa cùng lời kinh tiếng Hán pha lẫn Phạn buông lơi từ cửa miệng chẳng khác chi nhà sư đang cầu siêu. Gần nửa tiếng đồng hồ nghe mà chỉ những giọng ngân nga loại ngôn ngữ tối mù, tiếng Việt không ra Việt, Tàu không ra Tàu, nói gì những sắc sắc, vô vô, nhược nhược, phi phi, khiến cái đầu Sỹ quay quay mà vẫn chưa thấy gì về điểm chính yếu của Phật học. Hắn nổi cơn bực:
- Thôi, thôi, thôi! Đủ rồi, đủ rồi, cái giọng ông giống như sư cụ tụng niệm cầu siêu! Kinh sách thì kiếm đâu chẳng có; ai đọc không được, và dẫu có đọc cả đời cũng không hết. Ông làm ơn nói một câu thôi, chỉ cần cho chúng tôi biết mục đích hay ý chính của Phật học là gì. Bộ ông tưởng chúng tôi không biết chữ hay sao nên cần gom tụ về đây nghe ông nhai lại những điều đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen!
- Tôi giảng kinh Kim Cang. Dẫu đang ê a cố lấy giọng tụng kinh, Hưng đã vội phát ngôn thành lời kẻ cả của diễn giả. Bộ ông không biết Lục Tổ Huệ Năng nghe lóm được một câu kinh Kim Cang khi đi ngang nhà một bà già đang tụng niệm mà thành chánh quả sao? (GLTH; Tr.162). Giảng kinh thì phải trình bày kinh cho đúng với lề lối nhà Phật. Giảng kinh mà không tụng kinh thì tụng điều chi? Cầu Trời khấn Phật ai không biết; ngược lại, nào ai nhận ra mình chỉ cầu điều không biết hoặc chẳng nên, ấy là chưa nói đến cầu những điều làm mình luẩn quẩn trong vòng vô minh!
- Không chánh quả, phụ quả chi hết! Chúng tôi chỉ cần ông nói điểm chính yếu của nhà Phật chứ ông đã chánh quả đâu mà đòi giảng kinh. Kinh Phật còn đó, ai tụng không được! Xin ông làm ơn dẹp cái giọng nghênh ngang, lè nhè của ông đi cho chúng tôi nhờ.
Thế là nhóm họp trở nên ồn ào như vỡ chợ bịt cả miệng giảng viên. Kẻ nói câu này, người chêm lời diễu khác chẳng ai để ý vì ai cũng thích nói. Cuối cùng Sỹ hô lên:
- Yêu cầu im lặng, mọi người nên im lặng để nhà con đòi hỏi diễn giả tóm tắt sự khôn ngoan nơi kinh Phật. Đoạn hướng về phía Hưng, Sỹ thao thao ra lệnh. Ông nên nhớ, người ta nói "kinh nhà đạo, gạo nhà chùa," chứ đâu phải kinh nhà Phật mà ông cố ù lì cò cưa mất giờ ăn nhậu. Cho ông một phút, chỉ một phút thôi, vì nếu một phút mà ông không nói được điều muốn nói thì cả đời cũng chẳng nói được. Nếu ông đã biết thì nói toạc móng heo cho đỡ mất giờ, không biết dẫu cho lè nhè cách mấy cũng chẳng nói được gì. Nói lẹ, nói gấp, nếu không yêu cầu hội đồng tuyên án phạt.
Nét mặt Hưng vẫn lộ vẻ nhỡn nhơ, chừng như không để ý đến những lời nói và thái độ hùng hổ do "đến cơn" thèm nhậu của Sỹ "nhà con" được phụ họa bởi sự ồn ào nơi mười mấy cái mỏ bàn ra tán vô, rình cơ hội có người đề nghị tuyên án phạt để vào hùa, cùng cổ võ cho cái công lý nơi tòa án bạn bè tự do phát biểu theo kiểu dân chủ, đa số thắng tiểu số; mặc dầu lý lẽ nhiều khi chẳng đâu vào đâu miễn sao có kẻ lên tiếng yêu cầu hội đồng tuyên án, do biết rõ, cả hai bên bị cáo và nguyên cáo lúc nào cũng sẵn sàng tuyên dương công lý bằng cách cùng bàn nhậu nhoẹt; vì nay anh, mai tôi, dân nhậu là thế, nào có lọt đi đâu mà e ngại thiệt thòi. Biết vậy, Hưng thầm nghĩ cách gài Sỹ bị phạt làm bữa nhậu tới, bèn giơ tay ra hiệu cho mọi người bớt ồn ào đoạn lấy giọng nghiêm trang lên tiếng:
- Tôi có lời yêu cầu chủ tịch hội đồng giải thích về sự luận xử kẻ gây rối lúc diễn giả đang giảng kinh khiến khán thính giả bị đình trệ cơ hội thức ngộ.
- Lúc này không phải là lúc giải thích, giải yêu, hay giải bùa, mà là tuyên án về tội lè nhè uổng phí thời giờ và làm chậm trễ cơ hội thức ngộ của mọi người. Nhà con cực lực yêu cầu hội đồng ra lệnh phạt. Sỹ bất chấp, chỉ nằng nặc kiếm cớ gây án nhậu, lại dùng ngay ngôn từ "thức ngộ" thường được Hưng nhấn mạnh lúc nói kinh Phật với ý đồ dùng gậy ông đậy lưng ông.
 
Sỹ hay dùng tiếng "nhà con" mang đầy vẻ lễ độ, khách sáo, nhưng ý nghĩa ám chỉ ngang bằng phải lứa anh, tôi, vì danh xưng "nhà con" là tiếng người Bắc hay dùng để chỉ người phối ngẫu khi nói chuyện với những bậc trưởng thượng. Trong khi nói chuyện với bạn bè, Sỹ dùng ngôn từ này với ý chỉ chính mình nên có biệt danh là "Sỹ nhà con". Hơn nữa, nơi vùng bờ biển nhỏ bé chẳng được bao nhiêu gia đình Việt Nam cư ngụ mà có những ba người tên Sỹ; bởi vậy, khi nói đến tên, người ta nhắc kèm danh hiệu cho dễ phân biệt. Một Sỹ mang danh hiệu "Trùm" vì ngày xưa, hồi còn trẻ, cụ trùm này nói tục văng mạng nên được gán cho biệt danh "trùm tục." Một Sỹ khác có biệt hiệu "Sỹ gáy." Ngữ này nổ tào lao thiên tướng. Nói chuyện về bất cứ vấn đề gì hắn ta cũng tỏ ra đã thừa biết, dầu chẳng biết gì ngoại trừ tên câu truyện vừa được nhắc tới. Hắn ta hay dùng câu "tớ đã biết thừa" nên cũng được gọi là "Sỹ biết thừa;" sau này mấy người quen đổi thành "Sỹ gáy." Gáy là tiếng lóng có nghĩa như nổ nên biệt hiệu của hắn thay đổi cũng chẳng lạ gì. Sỹ nhà con đã nhiều lần kiếm cớ và thường được mọi người hưởng ứng nên cố nhấn mạnh "lệnh phạt."

Thế là cả bọn khán giả đồng loạt to miệng a-rua, phạt, phạt, phạt, kèm theo những tiếng vỗ tay nhịp nhàng cổ võ ý kiến tuyên án. Nói rằng cổ võ mới đúng, vì nào ai lạ gì, bạn bè lại sắp có thêm cơ hội, hè nhau chia sẻ tiết canh vịt hoặc vịt nấu chao, tái ngan hay nhúng giấm, cá gỏi, cá hấp, đâu dễ chi được họ bỏ lỡ. Thế nên, cứ vung vít hùa theo, kẻ cổ võ lại đứng vào phe nguyên cáo, đàng nào cũng có lợi, bởi đúng, sai, phải, trái, đâu không biết, nhưng bên nào bị phạt họ cũng đều được vinh quang tham dự, ly anh, chén tôi cùng nâng cao tuyên dương công lý của kẻ to miệng.
- Tôi không chống án nhưng tôi chỉ yêu cầu hội đồng xét xử cho công bình, hợp lý, hợp tình, tránh điều oan ức cho bất cứ ai. Tất nhiên, án phạt đã được quyết định; vấn đề chỉ là ai phải thi hành án phạt mà thôi. Hưng lại giơ tay, nói rõ từng tiếng lấy lại trật tự.
- Tuyên án, tuyên án. Mời chủ tịch hội đồng lên tiếng. Dăm cái mỏ thúc giục.
- Hãy khoan, tôi chưa nói xong. Nguyên cáo Sỹ dám thách thức tôi tổng kết sự khôn ngoan của lời kinh Phật trong vòng một phút. Tôi sẽ thực hiện với chỉ một câu. Vậy nếu tôi thi hành chu toàn nhiệm vụ này, phỏng án phạt có được trao cho kẻ to miệng phá đám làm mất thời giờ của hội đồng không? Tôi chỉ muốn được xét xử cho công bằng; kẻ gây rối phải được trị tội và đồng thời cũng là cơ hội nêu cao công lý ngăn ngừa ý đồ nước đục thả câu. Xin ông chủ tịch phát biểu.
- Không cần chủ tịch lên tiếng, nhà con dám thách đố, nếu diễn giả chỉ nói một câu có thể gom tóm sự thức ngộ kinh Phật, nhà con bằng lòng chịu phạt không ý kiến, không kêu nài chống án.
- Ý kiến hay, ý kiến hay. Hoan hô Sỹ nhà con. Chỉ một câu thôi, nếu nói câu thứ hai sẽ bị phạt. Hoan hô, lại những tiếng vỗ tay khuấy vào cảnh ồn ào như vỡ chợ được phụ họa với những nét mặt tươi rói. Bia bung tiếp tục thi nhau lách tách nổ chào mừng công lý sắp sửa hạ màn kiến tạo cơ hội. Thế là chắc như bắp, chẳng Hưng thì Sỹ phải thi hành án phạt; mọi người đều cảm thấy phấn khởi vì sắp có thêm dịp nhậu. Chính lúc ấy, trưởng hội "mới bị ép buộc" chẳng đặng đừng phải nhận lãnh trách nhiệm, đành đứng dậy giơ hai tay đàn áp cảnh ồn ào.
- Nhân danh chủ tịch hội đồng, yêu cầu mọi người im lặng chuẩn bị tuyên bố án lệnh. Trước hết, bị can diễn giả thi hành chức vụ với một câu nói để hội đồng nhận định tùy cơ quyết định. Mời diễn giả lên tiếng.
- Tỳ kheo thân mến, đây là điểm rốt ráo của nhà Phật.
- Hết một câu. Yêu cầu hội đồng tuyên án. Sỹ nhà con vội lên tiếng chụp cơ hội.
- Tôi chưa nói hết câu, đây mới chỉ là phần mở đầu giới thiệu.
- Một câu là một câu, không cần biết giới thiệu, quảng cáo chi hết. Sỹ nhà con lý luận.
- Ngày xưa đức Thích Ca sau bốn mươi chín năm giảng lẽ Phật học mà vẫn chưa nói gì, thì tôi đã nói chi đâu! Yêu cầu chủ tịch cho ý kiến.
- Đã hết phần giới thiệu, bây giờ đến câu nói tổng kết kinh Phật. Bị can diễn giả được phép nói. Ông Thung giơ tay dàn xếp.
- Trong Lâm Tế Lục có câu, phá hết, bỏ hết, "Gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ" (NVTH; Tr.63), gặp pháp bỏ pháp, không tin ai nói, không để kẻ nào hay bất cứ sự khôn ngoan hoặc lý thuyết nào đánh lừa, mê dụ.
 
Mọi người đang kiếm cách phá đám, chê trách diễn giả lòng thòng rắc rối làm mất thời giờ thưởng thức món rùa rang muối đã được thông báo trước khi nghe giảng kinh Phật thì lại chợt ngỡ ngàng vì câu nói của cũng anh chàng diễn giả lè nhè khiến những chiếc mũi như bị tịt, quên cả mùi sả cháy lẩn quất lan vào không khí được bốc ra từ lò nướng nơi nhà bếp lan tới.
- Ông nói sao? Gặp Phật giết Phật thì còn gì để nói? Gặp pháp bỏ pháp sao trở thành Phật? Phải phạt! Không thể châm chước! Yêu cầu hội đồng dự thính phạt ông thầy lè nhè này năm két bia vì dám lộng ngôn xúi bậy. Hiểu hay không chẳng cần biết, Sỹ nhà con mượn cớ dùng lẽ cả vú lấp miệng em cố gán ép cho Hưng phải làm bữa nhậu.

Câu nói vừa thoát ra từ cửa miệng Hưng khiến mọi người cảm thấy bàng hoàng vì không ngờ hắn dám bạo miệng như thế. Mới đầu ê a kinh Phật mà đến khi tóm tắt lại phá hết, bỏ hết, giết cả Phật, cả tổ thì còn thói phép nào bậy hơn! Bao nhiêu người xưa nay không dám dẫu chỉ nói diễu về Phật, nhất là đạo Phật, vì nói đụng đến tôn giáo là điều tối kỵ bởi phần nào mang tính cách khinh khi niềm tin của kẻ khác. Đàng này, Hưng nói về kinh Phật mà câu nói còn quá người chống báng, chế diễu, khiến một vài người cảm thấy máu nóng bốc lên tạo thành tâm trạng khó chịu, bực bội với kẻ nói câu ngang ngược. Và mấy cánh tay giơ lên tỏ ý muốn phát biểu. Ông Thung cũng cảm thấy bối rối không kém.
 
Không ngờ Hưng dám bạo mồm miệng đến như thế! Mà nào hắn đã uống bao nhiêu đâu, mới có hai chai Heineken thì làm sao có thể khiến đầu óc cái thùng chứa ấy bị ảnh hưởng sinh sự lộn xộn được. Mấy người giơ tay có vẻ bị đụng chạm tự ái, mặt nào mặt nấy lộ nét căng thẳng. Phải dẹp cái miệng chú này thế nào đây, âu cũng tại mình đưa ra đề nghị khiến giờ bị bối rối; ông thầm nghĩ mà cảm thấy lòng ruột nhộn nhạo, miệng lưỡi luống cuống không biết ăn nói kiểu nào để có thể xoa dịu mấy cánh tay đang giơ cao vì tự ái tôn giáo bị tổn thương.

* * *

Trưởng hội đồng dáng người vừa tầm, hơi có chút da thịt, và dễ thương, độ chừng năm mươi mấy, gần sáu chục. Một người khắc kỷ như ông Thung mà giữ chức quan tòa quyết định việc thưởng phạt của hội đồng nhố nhăng vô trật tự, được phụ họa bằng những cái mỏ coi trời bằng vung, kể cũng là chuyện hiếm có. Mấy năm trước kỳ mới quen những người trong nhóm nhậu, ông Thung rất ít nói, ngược lại, khi nào lên tiếng chỉ luôn luôn đưa ra những nhận định đúng, sai, phải, trái, nên thế này, chẳng nên thế kia liên hệ tới vị thế người phát biểu. Ông ít nói có lẽ vì nhận thấy quá nhiều người nói những điều theo ông nghĩ chẳng nên nói nơi vai trò của họ. Vẻ bên ngoài nghiêm trang, kín đáo, thêm phần chừng mực tạo nơi lòng người đối diện với ông sự kính nể, tôn trọng, đồng thời không tránh thoát nỗi e dè. Tuy nhiên, từ khi quen với Hưng nhân một hôm hai người tham dự đám cưới, dần dà ông bị cuốn hút đàn đúm với nhóm to miệng này. Sự thay đổi bản chất khắc kỷ và nhãn quan eo hẹp đến với ông kể cũng chua cay nhưng đem lại lợi ích cá nhân lớn lao xét về phương diện ý thức. Nguyên nhân gây nên sự thay đổi lại chính là Sỹ nhà con to mồm, ông ổng phát ngôn giữa bàn nhậu về giá trị sự sống nhân lúc mọi người đã ngà ngà.
- Đời đáng sống hay không đáng sống thì nói làm quái gì! Đâu phải tự mình muốn được sinh ra mà đặt vấn đề giá trị hay không! Tôi hỏi các ông, mẹ các ông đâu bao giờ hỏi ý kiến các ông có muốn chui ra khỏi bụng mấy bà ấy hoặc được phép nằm lỳ đến lúc nào chán thì bò ra đâu! Thế nên, mình được sinh ra, nói cho đúng, bị sinh ra để sống thì cứ sống. Hơn nữa, trước khi đặt vấn đề giá trị sự sống thì mình đã và đang sống. Do đó chúng ta chẳng phải trở nên cái quái gì cả! Bộ không làm được ông nọ bà kia chẳng lẽ mình chỉ là những xác chết biết thở? Tôi nghĩ, ai muốn làm ông nọ bà kia hãy coi chừng có ngày lãnh thẹo chứ hay ho gì mà cũng tốn hơi bàn luận.
 
Sỹ nhà con xưa nay ồn ào, náo động ngược lại ít bị phản đối vì hắn có lối lý luận trộn lẫn những ý tưởng đang bàn thảo và thực tại coi bộ ngây ngô nhưng nghe hợp tình, hợp lý, đồng thời lắm lúc đưa lên mặt trái của những vấn đề thường tình khiến người nghe thấy ngạc nhiên, thích thú. Hắn lại thích diễu, dám nhảy xổ vào bất cứ câu chuyện nào dù quan trọng, trang nghiêm hay nhàn đàm, bẻ quặt bẻ quẹo ý nghĩa của lời vừa được nói theo chiều hướng khác với ý định của kẻ phát biểu, khiến đôi khi người nói bị mang vạ chẳng ngờ để rồi đành chấp nhận bị phạt bằng bữa nhậu. Tất nhiên, rượu vào, lời ra, mà khi đã chếnh choáng hơi men giữa đám bạn bè quen biết, mấy ai để ý đến lời nói. Có chăng, giới xồn xồn lúc xỉn xỉn chỉ kiếm cách nói cho vui, càng phá ngang nhiều càng tốt vì càng bới ra lắm chuyện để nói. Khổ nỗi, dẫu đàn đúm với nhóm nhậu, ông Thung lại không biết uống bia. Có lần bị ép quá, ông ráng cầm hơi, nín thở chịu đựng nửa lon bia, và chỉ mấy phút sau nằm lăn ra salông để cho trời đất xoay vần. Sỹ nhà con ngay hôm ấy thêm vào tên ông một chữ thị, "Thị Thung." Đã thế, hắn vẫn không tha, cứ kiếm cách này, lý kia bắt Thị Thung thực tập đức tính "nam nhi tri chí" theo ý riêng biện luận dựa vào câu, "Nam vô tửu như kỳ vô phong." Trước khi nhậu chưa thanh tẩy lòng ruột thì chưa được gắp, hắn tự bày ra luật nhậu bắt Thị Thung phải làm một hớp, mượn cớ không súc miệng bằng hơi men sẽ làm giảm phẩm chất món nhậu, và như vậy là khinh thường, bôi bác công lao nấu nướng của đầu bếp. Thỉnh thoảng trong lúc nhậu, hắn lại kiếm cớ nọ, nguyên nhân khác phạt một hơi bia. Mới chỉ qua mấy lần gặp gỡ ly anh chén tôi, Thị Thung tiến bộ trông thấy, đã đưa cay được một lon "bất oai." Lần tiếp theo nhân có thằng bé vừa đúng năm tuổi, Sỹ nhà con làm tiệc mời nhóm họp mượn cớ khai tâm cháu nhỏ. Chẳng hiểu bị lây hay ngứa miệng thế nào mà Thị Thung hôm ấy, lúc sắp nhập tiệc, lên tiếng hỏi nghi thức khai tâm. Và thế là Sỹ mượn cớ, lôi ngay chai Napoléon ra khui, miệng cười vui vẻ, liến láu bàn về chữ khui cũng có nghĩa là khai để tạo nghi thức. Lấy trong tủ chén chiếc ly nhỏ làm mẫu mực ăn đồng chia đều kèm theo câu "Tửu bất khả ép, mà đã ép thì bất khả từ, và nếu từ tất bị phạt," tướng nào tướng nấy vui vẻ nâng ly mừng khai tâm cháu nhỏ. Thật tội cho Thị Thung, trong khi cháu nhỏ chẳng thấy đâu chỉ thấy người uống rượu vừa khui. Rồi ly rượu vẫn phải cạn, Thị Thung nín hơi nhăn mặt thi hành nhiệm vụ kết quả lỡ ngứa miệng nhắc tới nghi thức khai tâm mà mắt nổ đom đóm. Và cũng từ đó, hình như chất rượu nặng mới thử một lần đã thấy công hiệu giúp con tì con vị Thị Thung làm quen với bia dễ dàng hơn.

Vào thời buổi này ông Thung xóa được tên đệm "thị" vì đã có thể thanh toán những ba lon bia mỗi lần nhậu. Lẽ đương nhiên "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng," đàn đúm với nhóm nhậu lâu dần thành quen; vả lại, khi men bia thấm nhập, người nghiêm chỉnh đến mấy cũng khó mà để ý về lời ăn tiếng nói của mình. Sau mấy lần uống ngà ngà, ông Thung có những câu lỡ lời. Dĩ nhiên, đã lỡ lời, dẫu ăn năn thì cũng quá muộn; sự kiện này giúp ông nhận ra phần lợi ích của lầm lỗi nơi mọi người; chính những gì không nên không phải được gọi là lầm lỗi đã trở thành điều kiện, nói đúng hơn, thày dạy mình chấp nhận lầm lỗi nơi những người chung quanh thay vì phê bình, lên án. Đàng khác, ngoại trừ nố ham mê chè chén say sưa đến độ mất ý thức nhân phẩm, khi chếnh choáng, con người dám sống thật với lòng mình. Có lẽ đây cũng là cơ hội cho ông Thung tự nhận chân nhiều hơn, và cũng có thể bởi có cơ hội nói chuyện nhiều với những người quen biết không cần để ý đến hình thức phát biểu nên ông trở nên cởi mở hơn.
 
Bữa nhậu đã nửa chừng, ông Thung vừa mới thanh toán xong chai bia thứ hai nên hơi sừng sừng, nghe Sỹ nhà con lý luận loanh quanh, lái đàng nọ, quẹo đàng kia bèn đế vô,
- Chú mày nói thế thì cần gì phải sắm nhà lầu, mua xe tốt, và mặc quần áo cho đẹp. Và nếu nói được sinh ra để sống thì cứ sống, tất nhiên chuyện ông nọ bà kia làm sao mà có thể tránh được nơi một xã hội rừng rú, mạnh được yếu thua.
Mọi người nơi bàn nhậu ngỡ ngàng vì không ngờ ông Thung dám đế vô đấu với cái mỏ Sỹ nhà con. Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật. Chẳng những thế, ông ta lại dám ngầm hiểu ý nghĩa câu nói theo kiểu truyện Trạng Quỳnh, về chuyện ông nọ bà kia.
- Phép lạ xảy ra, phép lạ xảy ra. Tình lên tiếng, phỏng chốn dương gian mấy ai có thể hiểu.
- Thế mới biết "Gừng càng già càng cay." Xưa nay tôi cứ nghĩ câu "Ao rậm thì lắm cá trê" ít nhất đã có chỗ không áp dụng được. Anh cả coi bộ lầm ngầm coi chừng đấm chết voi lúc nào không biết. Bởi nhiều tuổi nhất trong nhóm, ông Thung được Hưng gán cho biệt danh "Anh cả."
- Ai không có một con heo đang ngủ nơi lòng mình? Sỹ nhà con lại oang oang. Có điều kẻ nào khéo giả hình giả chước ra bộ đạo mạo che mắt thiên hạ thì được coi là đứng đắn. Các ông không nhớ người xưa có câu, "Hơn nhau tấm áo manh quần, nếu đem lột trần ai cũng như ai" sao! (Ca Dao). Nói cho đúng, chiếc áo không làm nên thày tu thì hình thức chỉ có thể đánh lừa được những tâm hồn non dại, ngờ nghệch mà thôi.
 
Miệng Sỹ nhà con đưa ra nhận thức chân thành nhưng khi lọt vào tai anh cả lại chẳng khác gì trái nổ ngầm chứa sức công phá mãnh liệt. Có điều, qua những lần nhậu, ông Thung hiểu được Sỹ nhà con ăn nói không mang ác ý mà thực ra đó là những ý nghĩ hiện thực, lột trần bản chất con người một cách táo bạo, không rào đón hoặc nể nang, thương xót, hay nhường nhịn kẻ nghe. Chẳng thế mà ít ai dám đấu lý với hắn bởi ai cũng ngại nói đến mặt trái thị dục tận đáy lòng mình. Thực ra, qua vài lần ăn năn bởi lỡ miệng lúc hùa theo tán gẫu với những người bạn nhậu trẻ hơn, ông Thung cảm nhận được một điều, và đó là những phiền hà nơi tâm tưởng do sự ăn năn tự mình nhận thức chứ đâu ai để ý gì. Người ta không cố chấp, xét nét mà mình lại cứ như gà chọi, chọi người chán quay lại chọi chính mình. Ông chợt hiểu câu nói ngớ ngẩn đã có lần Tình lè nhè khi say bí tỉ, "Lửa nào có nóng, chỉ tại mình cảm thấy nó nóng mà thôi." Lời chân thành, hiện thực, trở nên xóc óc cho những kẻ không dám đối diện với con người thực của mình do đó cố giả hình, tự dối lòng mong được người đời chiêm ngưỡng một cách tầm thường và thế là thỏa mãn, tưởng mình quan trọng bởi được coi là ông nọ, bà kia. Đúng, lửa không nóng, lời nói của người khác không thưởng không phạt ai mà mình cảm thấy ray rứt, nhột nhạt, chỉ tại mình. Nghĩ như thế, ông mới nhận ra câu dân gian thường quan niệm, "Có tật giật mình" mang ý nghĩa thâm sâu, không ngờ đã bao lâu nay ông coi thường. Ông chợt nhớ có lần cũng tên Sỹ nhà con trong lúc đấu láo oang oang phát biểu khi một người trong nhóm bàn về sự phê bình thất thiệt, "Có gì đâu mà mấy ông để ý đến những lời bình phẩm ba xu cho mệt, kẻ đeo kiếng đen thì nhìn cái gì mà không tối mù. Những nhận định của họ chẳng khác gì các thày bói lòa coi voi mà thôi. Nhà con nghĩ, thế nào cũng có thày bói rờ trúng của ấy bị nó đá cho văng mạng thì lại hùng hồn tuyên truyền rằng đã gặp được voi chúa có quyền lực di sơn, đảo hải khiến mình mới đến gần đã bị tung lên." Đàng khác, dạo mới quen, ông Thung có cảm nghĩ sao mấy người bạn trẻ này họ vô tư, sung sướng đến thế. Nhậu sứa sứa vào rồi thì tha hồ ăn nói bạt mạng, tào lao thiên tướng, mang đủ mọi hạng người làm đề tài diễu trong khi ông phải đắn đo, cố gắng tỏ ra chừng mực. Chẳng hạn một hôm, Hưng chê Tình ốm yếu nên giả tỉnh giả say hỏi,
- Vì đâu chú mày ăn như hổ, uống như rồng cuốn mà ốm nhom ốm nhách, nếu làm thịt không được vài cái gắp vậy?
- Sao ông dốt thế, mập hay ốm tùy lúc còn nhỏ có được chăm nom đầy đủ chất bổ dưỡng để các tế bào phát triển ngay từ đầu hay không chứ đâu phải cứ ăn nhiều uống lắm là có thể mập được!. Dẫu đang ngà ngà mà Tình làm bộ nghiêm trang, tỏ ra thông hiểu, và trả lời phù hợp với lý luận khoa học đoạn bỏ lửng, ngụ ý chê người hỏi là dốt, nâng ly bia làm một hơi.
- Tôi hỏi tại sao chú mày ăn nhiều mà vẫn cứ ốm chứ không cần biết nguyên nhân ốm với mập.
- Thưa ông, tôi còn đang thấm giọng; banh tai ra mà nghe, ngày xửa ngày xưa, thời xưa lắm rồi, lúc mà tôi mới chào đời, bố tôi giành hết phần của tôi rồi còn đâu.
 
Câu trả lời không ai có thể dám nghĩ tới mà Tình lại oang oang vung vít ra bộ đắc chí lắm. Họ là thế, trẻ không tha, già không thương, dám đem chính bản thân ra mà diễu. Tuy vậy, mặc dầu coi bộ ồn ào, ăn nói lộn xộn qua những lời lẽ bông cợt, tào lao, ý tứ lại ngầm chứa sự suy nghĩ thâm trầm, phanh phui, nhạo báng hình thức rởm hoặc bộ mặt trái của con người dựa nơi những điều mắt thấy tai nghe tạo nên cái cười ngỡ ngàng.
Ông Thung còn đang thầm nhận định thái độ và ý tứ câu nói của Tình thì Sỹ nhà con phang tiếp,
- Thế mới là con người, lên án những gì mình thấy thích thú khi thực hiện để gia tăng giá trị của sự vụng trộm.
- Chẳng có gì được gọi là vụng trộm mà thực ra chúng lại là những chiếc gương soi chính mình, Phủ đặt vấn đề, vì dù che giấu cách mấy không cho người khác biết thì mình đã biết. Bởi vậy, sự vụng trộm là điều nghịch với chính lòng mình mà thôi. Phỏng nếu lương tâm mình không giao động khi làm những chuyện chẳng nên tại sao e ngại người khác biết, tại sao phải vụng trộm? Muốn cho người khác không biết nào khó chi, đừng làm thì ai biết, đâu cần che giấu.
- Nói như vậy còn gì thú vị để vụng trộm? Tình nêu câu hỏi.
- Thưa ông, Phủ nhại lối ăn nói ra vẻ quan trọng của Tình, có câu nói "Muốn nếm được niềm hoan lạc thực sự của gian dâm phải là một kẻ kính thành đạo đức" (Anatole France). Ông không thấy rằng người ta lên án những quyển sách vô luân vì chúng lôi ra bộ mặt thật của con người sao? Như vậy, chính những gì được gọi là tội lỗi lại là điều mình thích, và chúng hàm chứa sự hấp dẫn tuyệt vời.
- Thế sao người ta phải che giấu?
- Vì con người không dám đối diện với chính mình, e nhận biết mình chẳng ra gì do đó phải che giấu, chẳng những thế lại đóng thêm bộ mặt mô phạm hầu đánh lừa mọi người chung quanh, đặc biệt những kẻ được coi là xấu miệng.
- Như vậy phải biết ơn kẻ xấu miệng mới đúng, Tình trở giọng ngang.
- Đó là lẽ đương nhiên và cần thiết.
Vừa định nói câu phá đám thì lại được ủng hộ, đồng ý khiến Tình cảm thấy ngỡ ngàng,
- Ông nói chi? Phải biết ơn mấy người xấu miệng dám lôi ông bà ông vải, bới lộn tùng phèo con tẩy bạt của ông lên hay sao mà cho là lẽ đương nhiên và cần thiết?
- Không biết ơn họ thì lấy ai vạch điều chẳng nên cho mình sửa. Cuộc đời thay đổi, con người thay đổi mà mình không thay đổi sao đáng sống. Không có kẻ xấu miệng sao có thể nhận ra điều rởm nơi mình. Ông phải nhớ, phương pháp tuyệt vời nhất để tiêu diệt kẻ thù là để cho nó sống.
- Để cho nó sống và giết mình thay vì tự tử? Ông nói chi lạ!
- Rõ dốt nhưng không biết dựa cột để nghe lại cứ chẩu cái mỏ vô. Để nó sống bới móc mình cho biết đường mà sửa. Đây là tự học khôn, tự thăng tiến dựa trên cái dại của người đối lập. Ông nên biết, kẻ bới móc mình là đứa dại vì trong khi mình biết được mặt trái của mình do nó phanh phui, tất nhiên mình phải sửa đổi, và sửa đổi không ngừng thì càng ngày mình càng thăng tiến hơn; trong khi kẻ bới móc mình chết chìm với cái ngu dại của nó, cái dại chỉ đường cho hươu chạy.
 
Mấy câu nghịch luận của Phủ khiến ông Thung bừng tỉnh. Những cái mỏ bán trời không văn tự này phát thanh lắm điều bổ ích, ông thầm nghĩ. Đã bao lâu nay ông thường phải e dè bởi muốn tránh những lời bình phẩm của thiên hạ, thay vì nhận ra điều kẻ khác nói không ra gì về mình, lại là cơ hội chỉ đường thăng tiến. Sự so sánh về tuổi tác tự động tan biến giúp ông mở rộng lòng hòa đồng cùng những người trẻ tuổi hơn, phá tan chướng ngại tạo nên bởi nhận định nghịch luận, điều mà xưa nay ít khi ông dám tham gia bàn thảo hoặc đã nhiều lần cố tránh hầu tâm tư không phải suy nghĩ hay giao động. Cũng bởi đó, ông hiểu được câu nói ngược, "Kẻ khôn ngoan tự lừa dối; người ngu đần nghịch với cái thuận và thuận với điều nghịch." Thế mới biết, “Cùng tột của thông minh lại chẳng khác gì ngu đần,” ông Thung thầm nghĩ mà lòng dâng dâng niềm cảm khoái.
Từ đó ông nhận ra giá trị của sự nghịch luận dẫu xưa nay ông luôn dè dặt vì biết rõ, dù chỉ lời nói nghi ngờ sự chính đáng của qui ước một tổ chức cũng làm những người trong tổ chức đó phẫn nộ. Lời nói nghịch, những câu hỏi ngược lại, mới thoạt nghe thật chối tai nhưng mang giá trị làm sáng tỏ mặt trái của vấn đề. Bình thường, có nhiều trường hợp những lý thuyết một chiều chợt nghe rất xuôi tai, lại hợp lý, hợp tình, nhưng nếu đặt câu hỏi ngược lại, thực thể vấn đề được phơi bày không đơn giản theo thói quen nhận định mà đòi hỏi suy luận liên hệ tới hoàn cảnh lệ thuộc. Sự kiện tự nó độc lập nhưng tùy môi trường diễn tiến để rồi được coi là đúng sai, phải trái, hoặc nên hay không nên. Điều này khuyến khích tự nhận định, và không thể nào lấy sự suy tư, nhận định của kẻ khác làm căn bản cho suy luận của mình; bởi cùng một sự kiện có thể giải thích nhiều lối khác nhau tùy quan điểm của người nhận định. Ông Thung còn nhớ, có lần Phủ đem mấy câu thơ ra đố,
- Anh cả nghĩ gì về kết luận của đoạn thơ này, "Một chiếc cầu, một chiếc cầu, và một chiếc cầu, chồng lên nhau. Hỏi tại sao?"
- Thì ba cây cầu nối liền ba con đường khác nhau được làm chồng bên trên nhau chứ có gì đặc biệt đâu mà chú mày hỏi.
- Em muốn nói câu kết phải thêm vào thế nào?
- Tôi chịu thôi vì có biết thơ văn là gì mà thêm với nếm!
- Anh thử nghe coi lạ không; tác giả viết tiếp, "Chúng tranh đua xem cái nào cao!"
Mấy câu thơ coi bộ ngớ ngẩn, mới nghe qua tưởng tác giả khùng; thế mà nó đã làm cho ông Thung suy nghĩ loanh quanh luẩn quẩn suốt ba ngày trời mới nhận ra điều ngớ ngẩn tác giả nêu lên ám chỉ lối nhìn phiếm diện của con người, chưa kịp suy tư đã vội chấp nhận hay xét đoán dữ kiện. Cũng chính mấy câu thơ ngớ ngẩn này gợi lại câu nói của một nhà tư tưởng nào đó mà ông không nhớ tên, "Cái ngu nhất của con chuột bị mắc bẫy là không ăn được miếng mỡ đã đánh lừa nó vào cạm." Ông chợt nhận ra sự ngu nhất cho người muốn thăng tiến là tin và làm theo những gì người khác nói mà không tự nghiệm xét. Bởi vậy, những lối nhìn chật hẹp, độc đoán phải là con đẻ của sự dốt nát thiếu suy tư, hành trình vô ý thức chỉ thấy ở những xác chết biết thở. Nghĩ đến đây, ông thầm đùa với chính mình vì chợt nhận ra đã bao lâu nay ông đã trãi qua những ngày tháng như một xác chết còn biết cử động.

Và thế là họ cao hứng đưa ra ý kiến xung phong làm diễn giả, diễn thật nơi một chầu nhậu cuối tuần. Lúc sứa rồi, ông nào cũng hay, tướng nào cũng giỏi, cứ to miệng ba hoa chẳng ai nói ai nghe; do đó cần có người làm trọng tài phân xử. "Trọng tài là cha mẹ," Tình đề nghị khi ông Thung bị ép buộc đưa ra nhận định trong lúc vấn đề ngừa thai đang được bàn cãi, tất nhiên phải xỉn xỉn đấu hót mới hăng. Thực tâm, e ngại mấy cái mỏ bạ đâu phang đó, ông Thung cố chối từ sợ mang họa vì biết chỉ một câu vô tình không hợp tai sẽ bị cả bọn lúc ngà ngà hạ thủ không nương tay mà có chăng lại dùng lý luận quay cho như quay dế bất kể phe phái. Hơn nữa, càng người cùng phe càng bị đấu nặng bởi bị gán cho ý đồ phản thùng, tạo cơ hội để phe bên kia thừa thắng xông lên làm hao hụt vị thế thông thái cao trọng của phe mình.
- Cho tớ đứng ngoài vòng pháp luật, không dám đụng chạm đến mấy cái mỏ của quý ông. Thôi thôi, tớ xin hàng vô điều kiện.
- Tửu bất khả ép, và đã ép bất khả từ. Chuyện gì cũng vậy, phải có đầu có đuôi. Công lý phải có quan tòa xét xử và hội đồng giám định, nhất là ở đất nước tự do dân chủ. Nhà con đề nghị chúng ta đề cử rồi bầu cử, đa số thắng tiểu số. Nhà con xin đề cử ông Thung làm trọng tài.
- Tôi đồng ý.
- Tôi cũng đề cử anh cả.
- Có ai đề cử người khác nữa không?
- Bầu bán gì nữa, bất chiến tự nhiên thành đâu cần phải bầu.
- Phải bầu để mọi người có cơ hội chứng tỏ quyền dân chủ của mình. Ai đồng ý bầu anh cả làm trọng tài xin giơ tay.
Lại có dịp cho những cái mỏ rối lên vào hùa với nhau tạo thành thứ công lý dân chủ ép buộc. Thế mà họ lại ra bộ nghiêm trang giơ những hai tay một lúc.
- Anh cả bị bầu, tôi xin lỗi, anh cả được mọi người trang trọng bầu làm trọng tài. Xin cho một tràng pháo tay. Hưng cổ võ, và tràng pháo tay đã nổ. Xin nâng ly chúc mừng anh cả trọng tài, và những phần bia dang dở trong ly lại được cạn để có phần trống cho những chai bia đang đợi chờ.
 
Đến nước này thì kẻ bị ép buộc cũng đành chấp nhận được bầu. Ông Thung tập tành mãi để tiêm nhiễm thêm thái độ lè phè lại phải đóng bộ mặt trang trọng giơ tay có ý kiến.
- Xin cho tôi nói.
- Im lặng, nghe trọng tài phát biểu. Giọng Tình hô to và kéo dài. Đang nhốn nháo mượn cớ chúc mừng để ngốn thêm bia mà những cái loa phóng thanh vô trật tự ngưng mấp máy kể cũng lạ.
- Nếu lúc đưa ra nhận định phân xử mà anh em không thèm đếm xỉa chi tới quyết định thì có trọng tài mà làm gì. Mấy anh em quen thói ăn nói bạt mạng xưa nay, sao cố làm khó dễ tớ vậy?
- Trọng tài là cha mẹ, ai cãi lại trọng tài là bất hiếu sẽ bị phạt. Tình cướp lời, vung vít đưa ra dự luật.
- Đồng ý, đồng ý! Cãi lại trọng tài sẽ bị phạt.
Bia chúc mừng quyền hành trọng tài tiếp tục cạn. Cứ có cớ để ồn ào chúc mừng và nốc bia là vui rồi, đâu ai cần biết chuyện gì sẽ phải đến. Khổ nỗi, bia chúc mừng dẫu đầy dẫy mà nào trọng tài có sức đâu để uống, ngược lại, niềm vui bị ép buộc chưa kịp triển nở thì khốn khó đã kề cận do mấy cái mỏ không chịu ăn da non.
 
- Công việc cần thiết bầu bán đã xong. Bây giờ xin trọng tài phân xử những ý kiến bất đồng về ngừa thai. Phủ gợi lại cuộc bàn cãi dang dở chưa ngã ngũ lúc nãy.
- Trọng tài ra lệnh, phe quan niệm nên ngừa thai chọn một người đại diện trình bày. Phe cấm ngừa cũng cần có một người biện minh cho lý do tại sao cấm. Ai dám coi thường cử tọa chen vào phá rối lúc người đại diện đang thuyết minh, dù ở phe mình hay phe đối thủ, lập tức bị ghi sổ chờ ngày thực hiện lệnh phạt. Biết sự khốn khó sắp đến, ông Thung đành chấp nhận lên giọng ngăn ngừa những cái mỏ phát ngôn bừa bãi có thể kiếm cớ dồn ông vào nước bí. Đã vậy, Sỹ nhà con vẫn không tha,
- Nhà con xin hỏi trọng tài, có được uống bia lúc nghe không hay cũng phải nín uống.
- Uống thì được nhưng không được làm mất trật tự.
- Uống mà không được nói cho hả hơi bia thì cũng giống như chuyện Trạng Quỳnh, cho làm điều này cấm sự kia.
- Trọng tài đã tuyên bố điều luật rõ ràng. Chú mày nên nhớ, trọng tài là cha mẹ, không vâng lời sẽ bị phạt. Bây giờ, mời đại diện phe cho là nên ngừa thai trình bày lý do.
- Nhà con xin đại diện phe nên. Sỹ nhanh nhẩu giơ tay đứng lên muốn nói, e người khác nói sớm hết phần mình.
- Chưa bầu, chưa có đại diện, ngồi xuống, ngồi xuống. Phủ kéo Sỹ ép ngồi xuống ghế.
- Chỉ có ông với tôi một phe mà tôi không đại diện được hay sao; nếu ông muốn đại diện thì nói đi.
- Tôi xin có ý kiến cho phe nên. Chúng tôi chỉ có hai người không thể bầu được vì ai cũng muốn làm đại diện; do đó, tôi đề nghị xin cho mỗi người nói một nửa. Yêu cầu trọng tài minh định.
- Được, chú biết phép tắc, cho chú nói trước.
- Bầu trọng tài này là bầu búa tạ rồi bà con ơi! Sỹ bép xép.
- Chú Sỹ chưa được phép nói mà đế vô sẽ bị phạt. Kể từ giờ phút này trọng tài sẽ thẳng tay làm việc. Ông Thung ra bộ chủ tọa rành nghề.
 
Cho dù người nào người nấy đã chịu chấp nhận bị phạt hết lượt, ngoại trừ trọng tài, thế mà lắm lúc vẫn đông người nói, chẳng ai nghe. Đại khái, phe nhận định nên ngừa thai nêu lên những trở ngại thực tại, nhất là sống nơi xã hội nhố nhăng không thể nào giáo dục con cái theo truyền thống và bản chất của dân tộc mình. Chẳng những thế, đời sống kinh tế khó khăn khiến con mình chẳng được như con người sẽ tạo nên mặc cảm thua kém phát sinh bất mãn trở thành nguyên nhân dẫn đến lòng ham muốn vật chất kiến tạo tâm thức nô lệ cho quyền lực, tiền bạc. Nhận thức đau lòng nhất của "phe nên" đưa ra là thà rằng ít con mà mình đủ sức lo cho chúng nên người còn hơn nhiều con mà vì thiếu thốn đã khiến chúng trở thành những bộ máy chạy theo vật dục sau này. Đây là lối giết người một cách vô ý thức và quá độc hại, trong khi người bị hại lại chính là những đứa con của mình.
 
Nghe những nhận định rất thực tế nhưng chưa bao giờ nghĩ tới khiến ông Thung bàng hoàng. Tuy đã đứng tuổi và chỉ được bốn người con đã ăn riêng ở tây nên sang đến bên này, ông không phải lo nghĩ về nỗi khó khăn của các bậc cha mẹ đang phải đối diện với thực tế. Ở Việt Nam nào có ai bao giờ nói đến chuyện đàn bà con gái, ngừa hay ngưng; thế mà bên đây người ta đưa lên TV, báo chí, làm nhốn nháo cả lên. Xưa nay, ông chỉ quan niệm sống theo tự nhiên, sống sao cho hòa thuận với mọi người, tránh điều ong tiếng ve và nhất là tránh lời ra ý vô có thể trở nên đề mục cho người đời đàm tiếu. Bởi vậy, nghe sự giãi bày hợp tình, hợp lý của những người coi bộ ăn nói tào lao trong nhóm nhậu, ông lại thấy cần phải có nhận định đứng đắn về thực trạng cuộc sống, và nên có suy tư chín chắn hòa hợp thái độ trực diện vấn đề chứ không thể chỉ nghĩ hoặc cho rằng điều gì hay đường lối nào nên để rồi cứ vậy mà theo là đủ. Lâu nay, nghe người ta kháo láo nhiều về chuyện này nhưng nó không phải là chuyện của ông; do đó ông tránh tham luận hầu khỏi bị đưa ra làm đề tài vì mấy câu nói của mình. Nào ai lạ gì miệng người đời, dù nói hay, nói dở, lối nào cũng bị mổ xẻ bởi ý người nói một đàng trong khi kẻ nghe có quyền nghĩ theo ý họ. Điều khiến ông ngạc nhiên nhất, là những người trong nhóm nhậu coi bộ chẳng có giá trị gì nơi vẻ bên ngoài, sao lại có những ý nghĩ và lối nhìn trung thực đồng thời am hiểu vấn đề như vậy. Tại sao thái độ họ mang đầy vẻ bất cần, nhiều khi đến độ ngạo đời, đôi lúc dám tự ngạo; vì hơi men đã thấm ngà ngà, mà lúc để ý giãi bày vấn đề hóc búa, họ lại có thể trình bày cách thông suốt chứng tỏ đó là kết quả của những suy tư minh mẫn.

Phe chống ngừa thai nhấn mạnh giá trị sự sống. Điểm chính yếu họ đưa lên là sự sống không thuộc quyền lực của con người. Để bổ xung cho lý lẽ, họ đặt vấn đề giả sử những người mẹ ngừa thai, sao có họ đang ngồi nhậu để bàn luận về nên hay chẳng nên ngừa. Bởi thế, những gì không tùy thuộc quyền lực con người, chúng ta không có quyền và cũng không được phép đụng chạm đến. Mang thí dụ nơi sự phát triển và sinh sản của loài vật, chúng không biết ngừa thai nhưng không có loài nào phát triển quá độ, có chăng chỉ đang dần mòn mất đi. Chẳng hạn như loài o­ng, loài kiến. Con o­ng chúa đẻ trứng hàng loạt theo tự nhiên mà có sao đâu. Để kết luận, họ đưa ra nhận định nên tuân theo luật tự nhiên; vì thiên nhiên đã tự có luật điều hòa, và con người không nên nhúng vào làm xáo trộn.

Bên nào cũng có lý và dữ kiện được đem ra chứng minh đều hợp tình. Phe nên có hai cái mỏ chĩa mũi dùi vào giá trị nhân bản. Phe chống biện hộ cho quyền lực hiện hữu, nhiều lúc ồn ào, gay cấn khiến trọng tài tiến thoái lưỡng nan. Suy luận về điểm thiết yếu bên này thì lại phải đối diện thực trạng chẳng đặng đừng bên kia. Cho rằng nên cũng không xong, mà chẳng nên lại kẹt nhiều trường hợp. Ông Thung nhận ra không thể đứng hẳn về một phe, mà giữ vị thế trung lập thì chẳng khác gì kẻ đi giữa hai lằn đạn, không rõ ràng, không làm hài lòng được ai. Xét về thực tế, cái mỏ nào có cuộc sống tương đối khá hơn, muốn có thêm con nhảy vào phe bảo vệ sự sống theo luật tự nhiên. Hai cái mỏ Sỹ nhà con và Phủ, người nào người nấy hơn kém cả tá tất nhiên đứng chung phe điều hòa sinh sản. Hơn nữa, dẫu bàn về vấn đề quan trọng mà thực tại được trình bày đã khiến mọi người cười đau cả bụng; chẳng hạn trường hợp Phủ nêu lên điều được gọi ngoài ý muốn về sự áp dụng ngừa thai tự nhiên,
- Thì tôi cũng để ý lắm chứ, nhất là bà ấy. Thế mà chẳng hiểu sao, đến lúc nó phình ra thì chuyện đã rồi, chỉ còn nước nhìn nhau mà cười chứ làm chi được nữa.
- Thì đừng khều khều nữa. Tình đế vô.
- Tớ đâu có khều, chỉ dại chút xíu à. Ông không nhớ câu, “Khôn ba năm, dại một giờ” sao!
- Làm sao có thể dại được những một giờ?
- Tớ chỉ lặp lại lời tiền nhân. Muốn biết sao có thể dại được những một giờ, đào mồ, lôi mấy ông ấy lên mà hỏi.
 
Và chuyện đến vẫn phải đến, lỡ chấp nhận làm trọng tài sao tránh khỏi màn phân xử, ông Thung thầm nghĩ.
- Trước hết, tôi muốn hỏi quý vị, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây đã ai mang bầu bao giờ chưa? Trọng tài bất đắc dĩ mở màn hỏi lăng nhăng kiếm lối thoát.
- Tôi làm sao có bầu được mà mang!
- Chẳng riêng gì anh, là đàn ông tất nhiên không thể mang bầu được. Thế thì tại sao chúng ta bàn về chuyện chẳng bao giờ thực hiện nổi?
- Trọng tài đổ bùn sang ao, kiếm đường tránh né giải đáp. Phủ lên tiếng.
- Nhiệm vụ trọng tài là phân xử đúng sai chứ không đưa ra giải đáp vì chỉ người trong cuộc mới có được giải đáp đúng đắn. Nếu đặt vấn đề nên hay không nên thì bên nào cũng có những trường hợp có lý và những trường hợp khó mà chịu đựng nổi. Vấn đề nào cũng đều có ít nhất hai phương diện đối nghịch. Bởi vậy, nói rằng nên ngừa thai thì làm gì có chúng ta ngồi nơi đây bàn chuyện nên hay không. Bảo phải theo luật tự nhiên thì cố theo đấy nhưng mới dại chút xíu nó đã phình ra rồi biết tính sao đây! Như vậy, trước hết, chỉ những người có thể mang bầu mới có quyền nói. Kẻ nào không thể mang bầu, hoặc muốn có bầu mà không được, tốt nhất nên banh tai ra mà nghe vì mọi ý kiến, mọi nhận định phiếm diện đều láo lếu. Đàng khác, những ý kiến láo lếu tạo nên kết quả tai hại không đo lường được. Chẳng hạn, mấy người làm ghe có nên nghe lời đề nghị phải làm thế nào trên biển của kẻ không biết gì về nghành nghề đánh tôm bắt cá không? Bởi vậy, nếu muốn biết rõ thực thể vấn đề nên hay không nên ngừa thai, tại sao không mời mấy bà vợ của các ông trình bày sự việc. Tôi không có bầu nên không có quyền lên tiếng bảo các bà ấy phải thế nào cho có bầu hoặc không có bầu.
- Anh cả nói như thế tức là không thể phân định được nên hay không nên ngừa thai, Hưng nêu ý kiến! Tôi nghĩ, cần có một luật chung làm căn bản để lấy đó làm mẫu mực cho những quyết định.
- Tôi chỉ là trọng tài nêu lên nhận xét của hai phe về thực thể ngừa thai chứ không có quyết định bảo nó là đúng hoặc là sai. Các chú thấy rõ hơn tôi vì các chú đang phải đối diện với vấn đề này. Tôi đồng ý với phe cấm vì sự hiện hữu của con người không tùy thuộc quyền hạn của bất cứ ai. Không ai có quyền giết người; không ai có quyền ngăn cản sự triển nở quyền lực sự sống nơi con người cho dù ở vị thế nào. Tuy nhiên, trong trường hợp con người không đủ khả năng bảo vệ sự sống thì sao có thể nói chi. Chúng ta không có đôi cánh như chim nên không bay được như chim. Do đó, tôi nghĩ, những người có đủ năng lực, tương đối được đời ưu đãi hơn, nên và cần tiếp tay với những người thiếu điều kiện hoặc bị rơi vào trường hợp chẳng đặng đừng. Như vậy, vấn đề cần được nêu ra, đó là phỏng những người chủ trương cấm ngừa thai có thực hiện bất cứ gì để bảo vệ và giúp đỡ những đứa trẻ được sinh ra trong những điều kiện thấp kém hay chưa? Thực ra, khi mình không ở trong trường hợp khốn khó của kẻ khác, mình không có quyền nói nhăng, nói cuội, rống cái mỏ lên mà ba hoa chích choè. Các chú thấy rõ, phét lác thì ai cũng nói được nhưng thực tế chứng minh, phỏng những người có của ăn của để, những người thèm khát có con mà không có được đã thực hiện những gì để giúp ai đó rơi vào tình trạng thiếu điều kiện nuôi dưỡng và giáo dục con cái chưa? Tôi thách đố các chú trong phe cấm ngừa thai tự kiểm thảo về phương diện này. Nếu chưa ai giúp đỡ gì cho người khác nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em kém may mắn, làm ơn câm ngay cái họng lại. Cuộc đời này nhiều ý kiến tốt lành quá rồi, và chúng ta đang phải đương đầu với những ý kiến tốt lành nhưng ngu xuẩn bởi cho rằng những gì tốt đối với người này cũng tốt cho người khác. Tôi ăn được ớt và không có ớt nhậu mất phê; tất nhiên ớt tốt và cần thiết đối với tôi. Các chú nhai thử trái ớt hiểm như tôi xem nó có tốt lành không thì biết. Thực tâm tôi nghĩ, vấn đề ngừa thai tùy thuộc từng trường hợp chứ không thể nào có luật cố định được coi như khuôn mẫu cho mọi người cứ đấy mà thi hành. Bởi đó, điều mà chú Hưng đòi hỏi gọi là luật chung làm căn bản thì lại chẳng có gì chung. Tự bản chất của ngừa thai không thể nói đúng hay sai mà khi áp dụng tùy trường hợp mới có thể đưa ra nhận định nên hay không. Giả sử, chú Phủ và chú Sỹ có tiền rừng bạc bể; con cái các chú muốn gì được nấy; phỏng hai chú có thấy cần ngừa, cần chặn gì không? Các chú khác chủ trương không nên ngừa, hãy giúp hai chú Sỹ và Phủ thực hiện chủ trương không nên là điều tốt nhất. Bởi vậy, không cho là đúng, chẳng nói rằng sai mà tự xét hoàn cảnh và lối sống thế nào trong trường hợp của mình mới có thể có câu trả lời đúng đắn nhất và chỉ riêng cho trường hợp đó mà thôi. Ai có ý kiến thực tiễn nào yêu cầu phát biểu. Tuy nhiên, chỉ bàn ra, tán vô cho có chuyện để nói hoặc phê bình theo kiểu thiển cận một chiều, sẽ bị phạt gấp đôi.
- Hoan hô trọng tài! Có lý, có lý, xin mọi người cho một tràng pháo tay. Lẽ dĩ nhiên, tiếp theo tràng pháo tay phải là màn nâng ly chúc mừng. Cũng may, ông Thung mới uống hai chai.
Mấy người cảm thấy thỏa mãn vì lời giải đáp, dù không thể đưa ra được luật chung nhưng ít nhất đã làm sáng tỏ vấn đề để mọi người có nhận định trung thực hơn. Họ tiếp tục bàn luận về ý này hay, câu nói kia trung thực. Lại có người tỏ ý không ngờ trọng tài có nhận xét thâm sâu như thế. Riêng ông Thung, uống một hơi bia để tự trấn an mà lòng vẫn còn run, ảnh hưởng cả đến tay chân. Tim ông đập thình thịch dội lên tới màng tang. Ông cảm thấy quá liều, nhất là trong lúc nói, một áp lực nào đó đè nặng nơi tâm trí khiến ông liều mạng phải để nó thoát ra bằng lời nói văng mạng. Ông còn có thể gợi lại câu nói mà lúc vừa buông ra khỏi miệng chính ông phải giật mình, "Tôi thách đố các chú trong phe cấm ngừa thai tự kiểm thảo về phương diện này. Nếu chưa ai giúp đỡ gì cho người khác nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em kém may mắn, làm ơn câm ngay cái họng lại." Ông nhớ rất rõ, lúc ấy ông cảm thấy những đề nghị tốt lành một chiều, vô ý thức, phát xuất từ những đầu óc thiên kiến, hạn hẹp, đầy thị dục, làm ông bực muốn điên lên; đồng thời phát sinh mối thương cảm cho những người đơn sơ, không may bị rơi vào thế chẳng đặng đừng không còn phương cách nào xoay xở. Ông đã gọi những người bạn trẻ là "các chú" bởi phần nào đó, đưa ra ý hướng bảo vệ sự sống ngầm chứa sự lạm dụng lý luận chỉ cố sao chứng minh quan niệm của mình là đúng, là chân lý bất khả di dịch. Ông run vì lần đầu tiên trong đời dám liều, bất chấp tai tiếng có thể xảy tới sau này. Đàng khác, ông run bởi mừng rỡ đã dám nói thực lòng những gì ông cảm nhận được thay vì e ngại lỡ lời. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên ông dám suy nghĩ theo ý mình trong khi phải đối diện với thực trạng hóc búa mà nếu đứng về phe nào cũng không ổn thỏa. Ông cảm thấy mình hình như đã lột xác khỏi con người xưa nay nhút nhát, e dè, nói cho đúng, lo ngại bị người khác hiểu lầm. Thuận hay nghịch với ý nghĩ, nhận xét của người khác là điều không thể tránh nhưng dám suy nghĩ theo nhận định trung thực nơi mình mới tạo nên giá trị con người đích thực của mình. Không ngờ, tự nơi lòng trí ông đã tiềm ẩn giá trị mà đây là lần đầu tiên ông nhận ra. Niềm vui chợt đến khiến ông cảm thấy hãnh diện vì mình là chính mình, không phải theo ai khác, và cũng chẳng cần cố gắng trở thành bất cứ gì.
 
- Nhưng sao mấy linh mục giảng nơi nhà thờ nếu ngừa thai thì có tội? Minh lên tiếng hỏi mà lòng cảm thấy bất an. Anh là người Công giáo, đạo gốc, tốt lành, sùng đạo, tuân giữ những lời giảng dạy của các cha một cách cẩn thận. Bởi thế, anh có thái độ hiền hòa, chấp nhận, tránh hơn thua, đôi khi cố nín nhịn về những lời giỡn hơi quá đáng của bạn bè. Anh được bạn bè gán cho danh hiệu Minh bụt. Bụt là tiếng dân quê miền Bắc dùng để chỉ tượng Phật, chẳng hạn bụt ốc, ông bụt, "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy." Anh khoảng chừng bốn mươi tuổi; chị vợ lanh chanh, vui vẻ, hai người thành hôn đã hai mươi năm và có được sáu người con. Đứa lớn nhất, mười tám tuổi, thân xác to hơn bố. Chị Minh sắp cho ra đời cháu thứ bảy khiến hai vợ chồng bối rối vì hoàn cảnh không được sung túc cho lắm. Có lần hai vợ chồng không hiểu nghe ai nói, đã gọi điện thoại xin gặp đức giám mục trình bày tự sự vì bác sĩ đề nghị cột buồng trứng, nhưng giám mục trả lời cần có giấy bác sĩ chứng nhận nếu tiếp tục sinh sản nữa sẽ nguy hại cho sức khỏe người mẹ. Và thế là đôi vợ chồng đành âm thầm chịu đựng gánh nặng được tạo thành bởi hai áp lực, sinh kế khó khăn nơi gia đình nhiều con và lề luật đạo phải giữ mà không biết giải quyết cách nào. Nghe những lời nhận định của ông Thung khiến anh càng thêm bối rối vì nhận ra trách nhiệm và quyết định cuối cùng tùy thuộc chính người đang phải đối diện từng trường hợp. Anh theo đạo, giữ đạo chứ nào có tạo nên đạo đâu do đó làm sao dám phạm luật đạo. Hơn nữa, các cha giảng dạy những điều đúng mà giáo dân nên theo để được phần rỗi. Phạm vào những điều cấm trong đạo khác nào đã tự mình đi vào con đường tội lỗi thì sao được cứu, nhất là quyết định phạm luật lại tự ở nơi mình; trách nhiệm này sao trốn tránh được với một lương tâm luôn luôn dằn vặt. Khổ nỗi, cố gắng ăn ở theo luật đạo cho lương tâm thanh thản thì anh lại phải chịu đựng cảnh khốn khó nơi cuộc sống. Bạn bè, ai cũng có nhà riêng, có người mua căn nhà hơn hai trăm ngàn. Mấy cái xe mới, nước sơn bóng lộn phản chiếu ánh sáng khiến người mới chợt nhìn đã thấy xây xẩm cả mặt mày. Nào người thì than phải đóng tiền cho con đi học nơi trường nọ, trường kia nổi tiếng hết chục ngàn này đến chục ngàn khác, lại có cả xe riêng cho con về thăm nhà cuối tuần. Kẻ khác bàn tán đưa gia đình đi Hawaii, Florida nghỉ hè, nghỉ mát, suốt cả tuần mà chưa đi hết vòng Disney World. Gia đình anh phải chui rúc nơi "housing" muôn ngàn sự phiền hà nói ra không thể xiết. Nhiều khi anh cảm thấy con người được sinh ra đã tự bị tròng vào cổ những gánh nặng quá sức. Mặc dầu thương vợ con và đã cố gắng bội phần để lo cho gia đình nhưng lắm lúc ý nghĩ "biết vậy ngày xưa đừng lấy vợ" tạo nơi anh những tiếng thở dài! Điều này có lẽ phần nào là nguyên nhân thúc đẩy anh tham gia nhóm nhậu hầu tìm được những giây phút tránh phải đối diện với nỗi lòng của một người trưởng gia đình không được đời run rủi ưu đãi. Tương lai các con anh sẽ thế nào? Câu hỏi cứ chập chờn đe dọa mà chưa bao giờ anh dám nghĩ tới phải trả lời ra sao. Có những lúc chán nản vì bắt được ít tôm cá, anh thở dài lẩm bẩm một mình, "Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào" có lo chi lắm cũng chẳng giải quyết được gì.
- Mấy ông linh mục đặt luật cấm ngừa thai thì mấy ông ấy phải giữ chứ việc gì chú phải lo. Sỹ nhà con vừa nghe thấy Minh hỏi đã tơm tớp lên tiếng bất chấp quy luật vì đàng nào cũng đã bị phạt. Hắn không trả lời câu hỏi mà bẻ quặt câu nói mang ý ám chỉ câu hỏi về linh mục cấm ngừa thai ngầm minh chứng hắn nói có lý, với chủ đích nói cho có nói. Hắn xưa nay vẫn thế, kẻ nào không để ý sẽ bị lôi vào tròng phạt.
Đã quá quen với lối ăn nói của Sỹ nhà con, Minh vẫn điềm đạm,
- Tôi muốn nói các cha bảo nếu ngừa thai thì có tội chứ tôi đâu nói các cha cấm.
- Ông cha nói thì ông cha phải giữ chứ việc chi mình phải giữ. Thế tại sao các mục sư, các đại đức, thượng tọa không nói gì? Thử hỏi, đạo nào không là đạo mà cũng cùng một vấn đề, đạo này cho là tội, đạo khác không bao giờ nói đến! Anh phải có nhận định về trường hợp của anh, không thể nào sống theo người khác bảo mình phải thế nào, Phủ chen vô. Phủ theo đạo Công giáo nhưng tâm tình phóng khoáng hơn và đôi khi nếu gặp người cùng tôn giáo nói về lề luật, anh thường nêu ra những khác biệt khi đem so sánh Phúc Âm với những lời các cha giảng dạy.
- Bộ anh làm ra luật pháp hay sao mà anh vẫn phải giữ và không tuân theo sẽ bị phạt. Anh có giỏi bắt mấy con rùa biển hay cá víc về nhậu thử xem anh dám sống theo ý mình hay theo người khác bảo mình phải thế nào! Minh dùng luật đánh cá để đối lại với Phủ.
- Luật pháp là điều chung cho mọi người tuân theo vì có ảnh hưởng liên hệ đến cuộc sống những người khác. Vấn đề ngừa thai không liên hệ, đụng chạm đến ai nên tùy thuộc quyết định cá nhân; do đó không ai ra luật cho ai được, Hưng lên tiếng. Chúng ta cần biết phân biệt rõ rệt luật pháp và luật tôn giáo vì có những sự phạm pháp bị luật pháp kết án nặng nề; trái lại tôn giáo chỉ đặt vấn đề sám hối; đồng thời có những luật tôn giáo quá khắt khe trong khi luật pháp không nói gì đến. Thế nên, luật pháp sở dĩ được đặt ra vì sự liên hệ cuộc sống giữa con người với con người trong khi luật tôn giáo chỉ nói đến phần tinh thần, khuyến khích con người sống ý thức tâm linh và không có sự trừng phạt theo kiểu luật pháp. Có thể nói, luật tôn giáo đặt nền tảng trên niềm tin của con người trong tổ chức vì ai không thuộc về tổ chức tôn giáo nào đó sẽ không bị luật lệ tôn giáo đó ràng buộc. 
 
- Anh nói như thế thì người vô thần sẽ không phải theo luật tôn giáo nào hết?
- Tôi không hiểu chữ vô thần phát sinh từ đâu ra và có từ bao giờ, Hưng giải thích. Tuy nhiên, tôi không thể nghĩ được có ai thực sự vô thần ngoại trừ những con vật vì chúng không được sinh ra với khả năng tâm linh; chẳng khác gì cây cối không được sinh ra với khả năng di chuyển của con vật nên không đi lại được. Bất cứ ai cũng mang ít nhất ý thức đặt vấn đề về giá trị con người của họ. Dẫu người dám thực hiện mọi điều họ muốn thì cũng kiêng kỵ một số vấn đề nào đó. Sự kiêng kỵ này chứng tỏ họ không vô thần.
- Nhưng họ không theo đạo nào tất nhiên vô thần vì người vô thần không có đạo.
- Ai dám nói người không theo đạo nào thì vô thần. Tôi e rằng chính người có đạo vô thần; mà người không theo đạo nào chưa chắc đã vô thần. Nếu người nào theo đạo mà chỉ có niềm tin vào những ngẫu tượng thì sao có thể nói được là họ hữu thần mà có chăng chỉ là sự thờ phượng ngẫu tượng. Tôi đưa ra thí dụ, một điêu khắc gia nào đó khiêng về nhà hòn đá đã bao năm tháng lăn lóc bên đường, đẽo gọt thành tượng Phật mang ra chợ bán. Và thế là có người mua về đặt lên bệ thờ, đốt nhang đèn, hương khói tùm lum rồi xì xụp lạy. Đó là lý do tại sao dân gian có câu, "Hòn đất cất nên ông bụt." Khi còn là hòn đất, nào ai biết đâu những chuyện gì có thể xảy ra trước đó, nhưng khi cất nên ông bụt thì lắm kẻ lạy sói cả đầu. Biết bao cây gỗ trong rừng sao không ai cúng tế, mà cũng chính phần nào đó của cây gỗ được xẻ ra, ráp nối lại thành hình thập tự, tại sao bao nhiêu người theo đạo Thiên Chúa lại kính nể, tôn thờ? Vậy người hữu thần lạy lục, tôn kính điều gì nơi những hình tượng đó? Đức Thích Ca có ra lệnh cho ai khắc tượng ngài để lạy như tế sao không? Người chết có còn cái miệng để nhai đâu mà người ta cúng nào hoa quả, nào cơm, nào trứng, lại còn tốn tiền mua hương, đốt nhang, đèn cù, đèn giấy. Có điều lạ, người ta mua tiền giấy đốt cúng ông bà ông vải đã chết mà không đốt tiền thật. Phỏng tiền thật không thiêng nơi cõi vô hình, hay vì tiền giấy đánh lừa được các bậc trưởng thượng đáng kính nơi giòng họ mình? Đặt vấn đề như vậy, chưa chắc những người theo tôn giáo đã hữu thần mà coi chừng vô thần cả đám. Cái miệng của Hưng nói trơn như bôi mỡ kèm theo dẫn chứng hợp lý liên quan đến thực tại khiến người nghe cảm thấy tối tăm mắt mũi.
- Vậy đạo Phật dạy gì mà anh nói đức Phật không bắt người ta tạc tượng để trên bệ thờ? Định lên tiếng.
- Anh hỏi câu đó thì nói bao giờ mới xong nên tôi không trả lời. Có điều, sự thực hành tôn giáo là sản phẩm của lý thuyết bắt nguồn từ nhận thức tâm linh phối hợp với những hình thức tỏ bày bên ngoài được phát triển theo thời gian trãi qua các thời đại, và lâu dần tạo nên nghi lễ, nghi thức. Những nghi thức này diễn tả ý định ẩn chứa qua hình thức thờ phượng. Chẳng hạn, một người lạy trước tượng Phật; họ đâu lạy phần đất hoặc gỗ khắc nên bức tượng mà tỏ lòng tôn kính vị nào đó được thể hiện qua hình ảnh của bức tượng. Tuy nhiên, con người vì lười lĩnh hoặc thiếu hiểu biết nên chỉ học theo nghi thức để tưởng rằng cứ làm như thế thì được giải thoát, được cứu rỗi. Hơn nữa, bất cứ thói quen nào khi đã thâm nhập, con người đều bị lệ thuộc và vì quá lệ thuộc những tục lệ, nghi thức nên cảm thấy hài hòa và cho rằng phải và chỉ có thế là đủ, thành ra e sợ không dám đặt vấn đề tại sao mình phải làm vậy. Đàng khác, có những người còn đưa lên quan niệm những nghi thức hoặc luật lệ do thần linh đặt ra cho mình theo, không làm theo thì thần linh không phù hộ. Tôi nghĩ, nếu người nào đó đã chẳng biết họ thờ điều gì ẩn chứa qua nghi thức phụng thờ thì chắc chắn có lạy đến sói trán cũng không được ơn ích gì, có chăng chỉ để tự trấn an mà thôi.
 
Những lời phân tích của Hưng tựa hàng loạt mũi tên bắn vào lòng ruột người nghe khiến những chiếc miệng quen thói huênh hoang, tay sai của những đầu óc chếnh choáng mang nặng chất men phải nín lặng, kèm theo vẻ mặt đượm nét trầm tư. Nói sao đây khi thực tại nội tâm đã bao lâu nay dồn đọng nỗi khắc khoải do lòng khao khát tâm linh tựa những ung nhọt căng đầy máu mủ bị chiếc gai vô tình khêu toạc ra chẳng còn cách nào che đậy khiến ai cũng phải trực diện với lòng mình. Mọi người bỗng im lặng bởi cảm thấy hình như có sự thôi thúc nào đó được truyền qua lời nói của Hưng gây áp lực nhận định tìm cách giải quyết nhu cầu tâm linh. Xưa nay, qua những lần đàn đúm ăn nhậu khi đến độ sừng sừng, đâu ai trong bọn họ biết kiêng nể điều gì. Thế mà giờ đây tất cả im tịt tạo nên bầu không khí nặng nề, dường như khó thở. Chính Hưng cũng không thể ngờ những điều anh nói ra lại gây căng thẳng nơi đầu óc mọi người như thế. Mà cũng không hiểu mình nói với mục đích gì, Hưng thầm nghĩ, chỉ biết vào lúc đó cái miệng cứ trơn tru xổ liên tục, muốn tới đâu thì tới.
- Tôi đề nghị, ông Thung lên tiếng sau mấy phút thinh lặng, chúng ta nên và cần suy nghĩ cùng tìm hiểu nhiều hơn về tôn giáo. Những nhận định của chú Hưng không ngờ đã lột trần lòng ruột của tôi từ bao lâu nay. Thực ra, chính tôi vẫn cảm thấy mù mờ không hiểu tôn giáo dẫn chúng ta đi tới đâu vì đã nhiều lần suy tư về tôn giáo và những sự thực hành tôn giáo, tôi thấy nhiều điểm loanh quanh luẩn quẩn, cố theo chiều này lại phản chiều kia mà chiều nào thì tôn giáo cũng khuyến khích. Theo tôi cảm nhận được, hình như chính những nhà rao giảng tôn giáo họ cũng không thông suốt điều họ đề xướng. Đây là đề nghị thực tình, anh em nghĩ thế nào?
- Anh đề nghị như vậy có lẽ chỉ anh mới thực hiện nổi. Tụi em uống thì được chứ nói về tôn giáo thì nào biết chi. Đến ngay những nhà thuyết giảng tôn giáo mà anh còn thấy nói loanh quanh luẩn quẩn thì ai trong chúng ta ở đây có thể nói được, Hưng đặt vấn đề.
- Thực lòng mà nói, từ ngày hay ăn nhậu với anh em, tôi đổi khác rất nhiều. Đây là chuyện thực tình, anh em đừng chế nhạo tôi mới nói được. Số là tôi rất ngại bị người khác phê bình vì những lần lỡ lời đã cho tôi kinh nghiệm. Người ta phê bình tôi thì ít mà chính tôi dằn vặt, ăn năn thì nhiều nên sinh ra e dè, nhút nhát, phải đóng bộ mặt giả mạo nghiêm trang, không dám theo người đàn đúm hoặc ăn nói bạt mạng. Cũng chính vì thế, tôi đã trở nên giống như con nhím, luôn luôn giương gai châm chọc người khác bằng cách phê bình lời ăn tiếng nói cũng như thái độ của họ. Từ ngày quen biết anh em, tôi dần dần nhận ra, sỡ dĩ phê bình gay gắt những người khác vì tôi đã tự khinh, đã không nhận ra giá trị con người của mình. Chính hôm mà chú Sỹ đặt vấn đề đời đáng sống hay không đáng sống, và thực thể mỗi người có một con heo đang ngủ trong lòng, liên quan đến sự giả hình, tôi mới nhận thức được điều này. Thực ra, nào ai thừa hơi để ý đến mình, có chăng chỉ tại mình đang chiến đấu với con heo nội tâm rồi quay cắn quàng sinh ra muôn sự rắc rối, hết chọi người quay lại chọi mình. Và cũng từ đó tôi nhận ra mỗi người tự đã có giá trị làm người và có sự khát khao hướng thượng, nhưng ít ai dám đặt vấn đề để thăng tiến. Vừa rồi qua những lời của chú Hưng, tôi cảm thấy bị thôi thúc cần phải tìm hiểu, may ra ít nhất phần nào đó thỏa mãn lòng khát vọng nơi tâm hồn mỗi người. Tôi nghĩ, không biết thì hỏi, học thêm nơi người khác, hoặc đọc sách. Vấn đề còn lại chỉ là mình có thực sự muốn để dám làm hay không.
- Anh cả nói như thế cũng có lý nhưng như vậy ai muốn thì tự tìm hiểu, tự đọc sách là đủ đâu có gì cần được đặt thành vấn đề. Hưng đưa ra nhận định.
- Tôi nghĩ, nếu một người mò mẫm tự tìm hiểu thì cuối cùng cũng vẫn loanh quanh luẩn quẩn. Tôi muốn sử dụng cá tính thông thường nhưng đặc biệt của anh em hầu mong có thể giải quyết thắc mắc.
- Anh cả nói cá tính đặc biệt nào mà có thể giải quyết thắc mắc? Tụi tôi chỉ có cá tính xỉn xỉn vào rồi là ăn nói lung tung, trên trời dưới biển, coi ai cũng như ai nhiều khi lại còn đem thần thánh ra mà diễu thì hòng chi tìm hiểu bất cứ gì!.
- Đặc tính ăn nói văng mạng, coi trời bằng vung của anh em khi uống vào dăm chai bia vẫn có giá trị riêng của nó.
- Thế sao! Sỹ nhà con đế vô. Thử hỏi khi những cái loa phát thanh này nổi cơn lên chẳng ai nói ai nghe thì có gì mà hòng giải quyết được?
- Vậy lý do gì mọi người bây giờ đang xỉn mà vẫn còn người nghe, nhất là khi chú Hưng vừa nói xong tại sao mọi người im lặng? Xưa nay có câu "Ông bẩy mươi học ông bẩy mốt," mà tôi lại dám đương đường chấp nhận ông bẩy mốt học ông năm chục thì anh em nghĩ sao? Chính tôi, tuổi lớn hơn hết phải học nơi anh em đức tính ngay thẳng, dám ăn nói thật lòng mà không e ngại bị hiểu lầm hay bị phê bình. Tôi cảm thấy, nếu chuyện gì đã là sự thật thì chẳng cần gì che giấu, cũng chẳng cần bào chữa. Người khác hiểu hay không, và dẫu cho họ phê bình thế nào chăng nữa thì mình vẫn là mình. Người ta có cho rằng mình là ông nọ bà kia mà mình đã tự khinh thì coi chừng còn khốn khổ hơn ăn tục nói phét nhưng lòng chân thành, ngay thẳng.
- Cũng có lý, thế anh định đề nghị phương pháp nào về chuyện đọc và hỏi, anh làm ơn nói nghe coi? Phủ lên tiếng đoạn nâng chai bia tu một hơi, giọng đã có vẻ ngang tàng trở lại.
- Có sao xài vậy, nhưng tôi hy vọng ít nhất chúng ta cũng có thể phần nào đó đặt vấn đề để có cái nhìn rõ ràng hơn, vì một cây làm chẳng nên non.
- Ba chai bia lạnh anh còn than chi. Sỹ đế vô.
- Theo tôi nghĩ, cả bao nhiêu ngàn năm rồi tôn giáo vẫn như thế thì có suy nghĩ thêm cũng chẳng làm được chi. Hưng nói.
- Tôi không đặt vấn đề cứu nhân độ thế nên chẳng có ước muốn làm được chi. Tôi chỉ muốn từng người có nhận định rõ ràng hơn về tôn giáo hầu giải tỏa những khúc mắc, khắc khoải tiềm ẩn nơi mỗi người mà chưa bao giờ có cơ hội nói lên. Anh em thấy rõ, đã bao lâu rồi mình thao thức vì nỗi khát khao nào đó được thể hiện qua lối thực hành tôn giáo mà chưa có cơ hội đặt vấn đề. Đâu phải vô tình chú Hưng nêu lên những điểm liên hệ giữa nghi thức cúng bái, tôn thờ của con người, mà tôi nghĩ, chú đã suy tư về nó và tìm hiểu khá lâu rồi. Thế nên, tôi đề nghị, nếu được, chú Hưng nói về Phật giáo, sau đó người khác nói về đạo của mình. Ai thích thì xung phong, không thích thì thôi. 
Bàn xuôi, tán ngược, cuối cùng, ông Thung bị gán cho nhiệm vụ trọng tài. Chẳng những thế, ông còn được bầu làm trưởng hội nhậu, để rồi người đề nghị gọi ông là hội trưởng; kẻ khác kêu chủ tịch nhóm. Hội chẳng ra hội, nhóm không thành nhóm mà cứ rối lên như bố vợ bị đấm chỉ vì cái danh hiệu nên đặt cho người khác thế nào. Mấy cái mỏ này sinh lắm sự phiền nhưng cũng dám phát biểu nhiều điều mới lạ, ông Thung thầm nghĩ, mặc ai muốn tào lao thế nào tùy ý vì ông hiểu dù nói thêm chi lúc này với đầu óc sửng sửng thì cũng chỉ là cớ cho họ hè nhau ép mình bị phạt.  
 
* * *
 
- Chú Hưng, chú nên nhớ một điều. Đạo Phật là đạo minh triết; tại sao chú lại nói giết Phật, giết tổ, bỏ pháp thì nghĩa lý nằm ở chỗ nào? Bất chợt bị lúng túng trước câu nói ngổ ngáo đến độ chói tai, khó thể chấp nhận đồng thời cảm thấy một vài người chuẩn bị phản ứng vì câu nói xúc phạm tới tôn giáo của họ, ông Thung đành đưa ra câu hỏi lần lữa chờ kiếm đường giải quyết, hy vọng sự căng thẳng vừa bùng lên có đủ thời gian giảm bớt.
- Người minh triết vô minh, kẻ vô minh minh triết. Đã không thèm để ý đến lòng tốt của ông Thung khi nêu câu hỏi cũng như sự tức giận của những người đang giơ tay, Hưng phang thêm câu nói mới thoạt nghe mang đầy vẻ xỉ vả con cháu nhà Phật.
Thế là mấy người đang giơ tay nhao nhao lên, và một người không thể nhịn được nữa,
- Ông nói gì kỳ dzậy? Ông muốn bảo rằng người theo đạo Phật đều vô minh hết sao?
Hưng ăn nói quá láo lếu, dám mượn cớ nói về Phật học để đưa ra đề nghị chói tai. Giết Phật, giết tổ, bỏ pháp thì còn gì đạo Phật! Xưa nay, minh triết là niềm hãnh diện của những người thành tâm tìm hiểu Phật pháp. Đâu phải vô lý hoặc cứ cho rằng ta đây minh triết thì mọi người chấp nhận mình giỏi giang, thông suốt; mà sự minh triết nhà Phật đã phải trải qua bao thời gian thử thách. Theo truyền thống nhà Phật, trãi dài từ thời đức Thích Ca qua hai mươi bẩy vị tổ nơi thiền môn ở Ấn Độ, tới đời tổ thứ hai mươi tám là đức Bồ Đề Đạt Ma đã sang Trung Hoa rao giảng Phật pháp tạo thêm năm tổ Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoàng Nhẫn, Huệ Năng. Rồi nào Bắc Tông của Thần Tú, nào các học phái Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, nào tiệm ngộ, đốn ngộ, nào tiểu thừa, đại thừa, nào không luận, hữu luận, trung luận, nào cấp tiến, tự do, khoan đại, nào hơn một ngàn bẩy trăm công án, nào những nhân vật lừng danh tạo dựng nên những tông phái như Tịnh Độ tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm tông, Thành Thực tông, Mật tông, với những nền giáo lý của mỗi tông phái mang các điểm đặc sắc riêng biệt tùy theo căn cơ người tu đạo để dẫn dắt chúng sinh tới chỗ liễu ngộ tâm thể, mang ảnh hưởng sâu rộng và phát sinh những kỹ thuật giảng dạy độc đáo tạo cho thế giới Phật giáo muôn màu muôn vẻ không cách nào có thể kiểm chứng được. Thế mà Hưng vô tình dám phát ngôn bừa bãi, những lời nói vừa thoát ra từ cửa miệng hắn chẳng khác gì ngọn giáo cùn cụt nhỏ bé nơi tay anh hề mãi võ quảng cáo thuốc dán Sơn Đông đòi càn quét thế giới kiên vững nhà Phật, cội rễ sâu rộng thấm nhuần bao ngàn năm nơi cõi nhân sinh. Con người có thể lấp sông, phá núi nhưng không thể nào xóa được Phật pháp nơi tâm hồn chúng sinh. Con nhà này sao hôm nay ăn bậy nói bạ đến thế, ông Thung than thầm vì tâm không an, cứ thấy lòng ruột muốn nhẩy ra khỏi thân mình. Thêm vào đó, lời nói đầy giận dữ của Tùy con càng làm ông hoảng. Phải gỡ cách nào, quân khỉ này đang không ép ông phải đứng vào vị thế trọng tài, phong làm anh cả, chủ tịch, chủ hội, chủ nhóm, chủ cái củ thìu biu, để bây giờ cứ như thằng ngọng tắc cổ, muốn nói không được, cầu hòa không xong. Còn đang xốn lên, Sỹ nhà con đã bất chấp luật lệ lên tiếng,
- Ông phét lác vô căn cứ! Mới giết Phật, giết tổ giờ lại cho rằng mọi người vô minh. Ông biết được những gì về Phật giáo mà dám miệt thị thiên hạ như thế. Nhà Phật có cả trăm ngàn cuốn sách; ông đọc cả đời không hết vài cuốn sao dám coi cả thiên hạ vô minh.

Loạn to, loạn to, ông Thung thầm nghĩ. Đến nước này, không hy vọng gì ai nói ai nghe mà có thể xảy ra ẩu đả vì tự ái tôn giáo. Chú Hưng này ăn với nói, chúa ẩu. Sỹ nhà con đã nhào vô khuấy động. Kiểu này coi chừng khốn khó đến nơi.
 
MBVN 02

- Chẳng những kinh sách nhà Phật, tất cả các kinh sách của các tôn giáo dưới nhãn quan thức ngộ của nhà Phật đều không bằng chỉ một tờ giấy trắng. Ông không biết rằng Đạt Ma Sư Tổ nói, "Lãnh hội được Phật tánh nơi mình không thể học được" (GLTH; Tr.205). Đã không học được tâm Phật thì đâu cần kinh sách. Nơi khác ngài cũng nói, "Có ích gì sự cúng kiến, sự hoằng pháp, nhiệt thành giữ giới, bố thí, cầu kinh, đọc kinh và tất cả những thứ khác? Chỉ có một điều duy nhất là nhìn thấy Phật nơi mình" (GLTH; Tr.202). Hơn nữa, Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ nói "Kiến tính thành Phật" (GLTH; Tr.184) chứ đâu phải đọc kinh sách mới có thể trở nên Phật. Như vậy, nếu tất cả các kinh sách nhà Phật hoặc bất cứ kinh sách nào chỉ bằng được một tờ giấy trắng thì công trạng đã lớn lắm rồi. Tuy nhiên, dẫu chỉ như tờ giấy trắng vẫn chưa vô, chưa huyễn; mà chưa vô, chưa huyễn thì vẫn còn dục. Như vậy, còn dục, còn muốn trở thành Phật vẫn chưa là Phật, có chăng chỉ hợp với câu "Kẻ muốn làm thánh lại biến thành thú" (Pascal). Hưng vẫn mang vẻ điềm tĩnh, thêm phần nào ngang tàng, thách đố, coi cử tọa như không ra gì nên nổi bật nét cao ngạo của kẻ chiếm thượng phong.

Ông Thung nghe vài lời ngông nghênh lý luận, phân tích đưa ra nhận xét chứa đựng tính chất khinh thế ngạo vật, dùng lời nói của Đạt Ma Sư Tổ và Lục Tổ Huệ năng đem tờ giấy trắng so sánh với kho tàng minh triết kinh sách mà bỗng giật mình. À thì ra hắn nắm được nguyên lý nào đó nên dám chọc chơi thiên hạ. Sỹ nhà con coi chừng bị hố to phen này. Lòng ông mừng như mở hội, tự nghĩ, mình có tuổi rồi mà vẫn không điềm đạm bằng Hưng, lại còn nông nổi, chưa kịp suy nghĩ đã rối lên vì lo sợ. Thêm một bài học cho xứng với tuổi trời, ông thầm nhủ.
- Ông nói sao, tờ giấy trắng mà còn chưa vô, chưa huyễn, ngược lại vẫn là thú tính?
Thế mới biết, coi bộ vậy nhưng không phải vậy, Sỹ nhà con bắt được ý, thú tính khiến đám khán thính giả thuộc loại dân nhậu hơi cảm thấy ngỡ ngàng vì còn đang bị hoang mang bởi Hưng dám so sánh kinh sách nhà Phật với tờ giấy trắng; chẳng những thế, hắn dám đưa ra mẫu người được tuyệt đối trọng vọng để ngang bằng với loài thú. Lòng ai nấy nhẹ hẳn! Ý nghĩ bực tức về mấy câu nói của Hưng chợt đổi thành niềm tôn trọng nên họ để ý nghe, để ý chỉ vì hai tiếng thú tính.
- Những sách viết về Phật học chỉ minh chứng tất cả là huyễn. Tôi hỏi anh em, nếu tất cả đã là huyễn cần gì phải nói đến; hãy để nó là huyễn vì nói về cái huyễn vẫn chỉ là huyễn. Thế nên, thay vì để nó là huyễn lại nhận chìm con người nơi ý nghĩ về huyễn, nơi văn tự viết về huyễn, và như vậy đã móc nối khiến ý nghĩ con người không thoát khỏi ranh giới hữu vi. Phỏng như vậy không thua tờ giấy trắng sao. Con người đã tự hàm chứa tâm Phật, nói cho đúng đã là Phật mà cứ bắt Phật nghe, đọc, nuốt những giải thích lòng vòng về cái huyễn thì chẳng khác gì khuyến khích họ biến thành thú bởi những người viết sách chạy theo thú tính muốn giúp mọi người thành Phật trong khi không biết Phật tính là gì!

Hèn chi hắn dám to miệng! Ông thung thầm nghĩ, chỉ một vài câu lý luận loanh quanh luẩn quẩn không những hắn giải tỏa tất cả nóng giận con đẻ bởi thiếu hiểu biết nên không đủ khả năng suy tư đồng thời lấy lại lòng khâm phục của cử tọa. Không hiểu hắn học được ở đâu! Ông Thung nhớ lại hôm đưa ra đề nghị những người trong nhóm nhậu chia nhau nói chuyện về tôn giáo mà cảm thấy hãnh diện, quên bẵng mối lo sốt vó khiến lòng ruột xốn xang mấy phút trước. Lòng hãnh diện khiến ông buột miệng nêu câu hỏi,
- Nếu nói như vậy, theo chú nghĩ kinh sách nhà Phật để làm gì?
- Nếu nói theo Đạt Ma Sư Tổ hoặc Lục Tổ Huệ Năng, kinh sách chẳng những phá kiến tính mà còn là phương tiện cho tổ chức huyễn lạm dụng được gọi là tôn giáo. Dưới con mắt vô vi, qua nhận định của người minh triết, tôn giáo chỉ là tổ chức thế tục, một loại tổ chức bàn về cái huyễn. Chẳng những thế, nếu nói theo Phật học, mọi tôn giáo cũng chỉ là huyễn mà thôi!
- Huyễn là không có thật mà con người vì vô minh cho là thật nên phải diễn giải để dẫn về giác ngộ. Ông Thung muốn làm sáng tỏ vấn đề nên đưa thêm lời giải thích đối nghịch.
- Bàn về huyễn tức là đã chấp nhận sự có được gọi là huyễn để rồi muốn xóa bỏ nó thì vẫn còn là dục. Nguyên tắc thực tiễn của lý thuyết Phật giáo là diệt dục, diệt bất cứ sự ham muốn nào dù tư tưởng, hành động, hay vật thể, và như thế, muốn diệt dục thì đã là dục sao có thể thức ngộ được. Cho nên, tất cả những tổ chức, thuyết minh, kinh sách, hoặc bất cứ gì còn mang bất cứ ý hướng nào cũng đều là dục, vẫn ngăn cản nếu không muốn nói là chận lối không để cho con người thức ngộ. Tôi thử hỏi quý vị, một người được coi là xấu, năm bảy vợ, hút xách, bài bạc. Nếu người đó muốn trở nên tốt phải làm gì?
- Phải tu thân, tích đức, phải làm việc thiện, phải ăn ở ngay lành. Tùy con, tên vừa nóng giận lúc nãy lên tiếng.
- Xin thưa, để trở nên tốt lành ông ta không phải làm gì hết. Chỉ không làm những chuyện được coi là xấu xa, ông ta tự động trở nên tốt lành. Nếu tu thân, tích đức, làm việc thiện, ăn ở ngay lành mà cứ dan díu năm bảy bà, cứ hút xách, bài bạc thì chẳng thể nào gọi là tốt lành được. Bởi vậy, còn muốn trở nên tốt lành thì đã chẳng tốt lành, vẫn là dục.
- Như vậy ý ông muốn nói con người đã tự tốt lành?
- Ông không bao giờ nghe câu "Nhân chi sơ, Tính bản thiện" ở Tam Tự Kinh của đức Khổng Phu Tử sao?
- Chứ lý do gì ông nói giết Phật bỏ pháp? Đã tự thiện rồi sao phải giết, phải bỏ; tính đã bản thiện cần chi minh triết hoặc vô minh!
- Trước khi trả lời câu này, Hưng nhấn mạnh từng lời nói gây sự chú ý của mọi người với chủ đích gài Sỹ nhà con nhận phạt, tôi yêu cầu anh cả và hội đồng tuyên án kẻ phá rối vì tôi đã hoàn thành trình bày sự khôn ngoan kinh Phật bằng một câu nói.
- Ông chưa nói hết. Nếu ông nói hết tất nhiên mọi người đã thức ngộ, đã minh triết, đã thành Phật. Bằng chứng rõ ràng, mọi người vẫn mu ti mù tịt, vẫn vô minh thì dù câu nói của ông có hết cũng chẳng đem lợi ích gì.
- Vấn đề thức ngộ không phải chỉ nghe, hiểu rồi để đó mà đạt tới được. Thử hỏi, tôi ăn ông có no không; tôi uống bia ông say hay tôi say? Thức ngộ không thuộc về lý trí nhưng cần lý trí. Không phải người minh triết chắc chắn có được sự giải thoát mà cần có căn cơ mới đạt đến giải thoát. Ở đây, tôi nói về Phật học chứ không nói về đạo Phật cũng không nói về thức ngộ.
Sỹ nhà con lại nhào vô đấu lý lộn tùng phèo, ông Thung nghĩ, cần phải khóa miệng tên này mới được. Nhưng không để hắn hỏi lung tung sao moi ra được những điều bổ ích bất ngờ, đàng nào cũng hay mà cũng dở. Thôi thì giải quyết lệnh phạt trước, chuyện đến đâu hay đến đó nên ông giơ tay ra hiệu đoạn nói,
- Chú Sỹ đã tự động xung phong đãi anh em một chầu khuyến khích và thưởng công chú Hưng đã có thể gom tóm sự khôn ngoan kinh Phật bằng một câu nói ngay từ đầu. Như thế, sự kiện đã tự nó giải quyết nên không cần tuyên án. Nói cho đúng, đây chỉ là sự trùng hợp giải thích ý nghĩa lời dân gian thường dùng "Gậy ông đập lưng ông."

Những tiếng vỗ tay vang dội hòa với những nét mặt tươi rói khiến người quan sát tưởng cảnh ồn ào chợt nổi dậy sẽ không bao giờ dứt. Bia tiếp tục cạn hầu sẵn sàng cuốn trôi niềm vui vừa lóe, chờ đợi màn ngộ nghĩnh sắp đến. Dẫu được giải thích xung phong hay khuyến khích hoặc thế nào chăng nữa thì cũng bị phạt, Sỹ nhà con đã bị nhiều lần, thêm vào đó, bản tính thích vui nên không tỏ vẻ gì ăn năn hối tiếc nhưng vẫn cố vớt vát.
- Cho ông thắng và tôi bằng lòng chịu phạt; thế tại sao tính đã bản thiện mà còn phải giết Phật, bỏ pháp.
- Phật pháp là pháp vô; vô Phật, vô pháp, vô niệm, vô chủng, vô loại, vô tâm, vô thức, vô thuyết, vô sinh, vô tử, vô ngôn, vô, đủ mọi thứ vì tất cả đều là huyễn. Nếu ai không nhận biết tất cả chỉ là huyễn tất nhiên vẫn theo thị dục.
- Bộ ông nói lặp hay sao mà vô với ra lắm thế. Nếu đã là huyễn thì nói làm gì!
- Bởi đó, Phật đâu mà giết, pháp không có lấy chi bỏ! Đã không giải thích, mở miệng nói ra lại ngang như cua, Hưng lên tiếng một cách tửng tửng khiến Sỹ nhà con sùng máu.
- Ông nói thế nào? Không có Phật thì người ta cúng bái cục gỗ, hòn đá hay sao? Không có pháp thế ông đang nói gì vậy. Tào lao!
- Đã biết tào lao sao còn hỏi! Như vậy ai là người tào lao?
- Bay nói như,
Sỹ nhà con bắt đầu nổi đóa. Trọng tài đành phải nhào vô!
- Khoan, khoan, ông Thung nói lớn tiếng; chú Sỹ, để tôi nói. Việc của chú Hưng nói theo kinh Phật thì hãy để chú Hưng giải thích; đâu phải việc chú bảo đúng hay sai! Nếu chú đã biết là đúng hay sai thì nghe làm chi. Trọng tài là cha mẹ, yêu cầu chú im lặng.

Không còn cách nào giải thích lối trả lời ngang bướng của Hưng, ông Thung phải chỉa mũi dùi vào nhận định Sỹ nhà con vừa mới đề xướng về câu nói ngang tàng nghịch hẳn thực tế, "Phật đâu mà giết, pháp không có lấy chi bỏ!" Ông nghĩ, nếu không có Phật sao có Phật giáo! Những lời dạy nơi kinh sách nhà Phật cả đời người đọc không hết được gọi là pháp mà Hưng đã dám cho rằng không bằng tờ giấy trắng, bây giờ lại nói không có pháp thì quả là quá ẩu dẫu hắn đã biện luận tất cả chỉ là huyễn. Tuy nhiên, ông cũng thấy Hưng có lý ở điểm "Còn muốn trở nên Phật vẫn chưa là Phật." Mà đã ai là Phật đâu nên lại cần pháp để học hỏi. Đàng này, hắn muốn xóa luôn cả pháp, nhưng cái miệng của hắn quá lắm, chắc chắn có điều cốt yếu gì nên cứ tơn tơn chọc chạch thiên hạ bằng lối lý luận nghịch thường được mở đầu với những câu nói bạt mạng, ngang ngược. Nhận xét như vậy, ông lên tiếng ngăn chặn Sỹ đoạn thách thức Hưng giải thích. Thế chú lấy gì minh chứng. không Phật không pháp?
- Phật là mình và pháp nơi mình sao có thể giết, sao có thể bỏ, có gì mà minh, có gì mà chứng, có chăng vô minh. Tất cả Phật học chỉ bao gồm trong hai chữ "kiến tính." Thế nên, gặp Phật giết Phật, gặp tổ giết tổ, gặp pháp bỏ pháp có nghĩa trong tiến trình tu chứng, hành giả không theo đuổi bất cứ gì cũng chẳng dựa theo phương pháp nào. Nói nôm na hơn cho có vẻ dư giả văn chương được gọi là yếu ngôn, lục tổ Huệ Năng đã diễn giải bằng bốn câu, "Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tính thành Phật" (GLTH; Tr.184).
- Đã vô Phật, vô pháp, lại còn bày ra giáo ngoại, giáo nội, văn tự, ngôn tự rồi trực tâm, trực lòng, kiến tính, Phật tính. Ông nói gì lung tung! Nếu tất cả đều là vô, đều là huyễn, tâm đâu mà trực, tính đâu để kiến. Vậy thế nào là kiến tính? Kiến là gì, tính là gì vì tất cả đều huyễn! Phủ bất chợt lên tiếng. Từ lúc Hưng nói, Phủ im lặng nghe và nhận thấy hình như Hưng nói về một thực thể nào đó chứ không thèm đá động gì về Phật giáo. Ngược lại, hắn có phần bác bỏ những lề lối cúng kiến, lạy lục, bác luôn lý thuyết nhà Phật, dám to miệng cho rằng tất cả kinh sách không bằng tờ giấy trắng. Phải có lý do gì, Phủ nghĩ. Xưa nay, Hưng ăn nói tương đối chừng mực ngay cả trong lúc say hoặc diễu. Thế sao lúc này hắn mang vẻ ngạo đời đến thế! Bởi vậy, Phủ dùng ngay những lời Hưng vừa nói thách đố hắn phân biệt.
- Nói vậy nghe được. Kiến tính là trạng thái thức ngộ độc nhất vô nhị trong hành trình tu chứng nhà Phật, được gọi là thiền. Thiền bắt nguồn từ đạo Bà La Môn bên Ấn Độ. Thực ra, phản ứng chống lại hệ thống giáo điều và tổ chức quyền hành quá khắt khe cũng như lý thuyết Bà La Môn đã là nguyên nhân phát triển Phật học. Khi Phật học truyền qua Trung Hoa do đức Bồ Đề Đạt Ma, thường được gọi là Đạt Ma sư tổ, hòa lẫn với Lão học, lại truyền qua Nhật tạo nên phương pháp tu chứng gọi là Zen. Căn bản tu chứng nhà Phật chỉ là kiến tính. Kiến là thị kiến, nhận biết, đạt tới. Thế nên, minh triết giúp thị kiến, nhận biết, tức là thức và kiến cũng là ngộ. Tính có nghĩa bổn lai diện mục, thực thể, tâm thể của mình. Nói cách khác, tính là Chân Như, Chơn Như, Cội Nguồn Hiện Hữu, Cội Nguồn Biến Chuyển, Biến Dịch, mà Nguyễn Duy Cần gọi là Thực Tại Siêu Việt ở mọi tạo vật. Theo Phật học, khởi đầu là Chân Như, vẳng lặng, tuyệt đối tĩnh tịch, vô thủy, vô cùng; thế rồi khởi niệm hay vọng niệm phát sinh tạo thành nghiệp. Nghiệp chồng chất biến chuyển thành muôn vật. Như vậy, muôn vật chỉ là sự biến chuyển, tiến trình thay đổi, hay biến dịch của Chân Như. Vì thế, kiến tính là kiếm lại bản thể thực, tự thể của mình, tức là ngộ Chân Như. Bởi vậy, muốn hiểu rõ tính phải minh triết vô thức nhà Phật. Hưng xổ một thôi khiến bà con đầu óc quay cuồng chỉ còn biết ngồi há miệng nghe.
- Ông nói gì đâu lộn tùng phèo. Nếu Chân Như đã tuyệt đối tịnh, vô thủy, vô chung, vẳng lặng, thì sao có vọng niệm. Vậy vọng niệm ở đâu ra chứ nếu vọng niệm tự nhiên phát sinh thì sao Chân Như có thể vô thủy, vô chung.
- Đây là lý thuyết nhà Phật về Chân Như được gọi là Duy Thức hay Vô Thức Luận. Vọng niệm khởi nguyên ở đâu tôi không biết vì thời kỳ đó mẹ tôi chưa có bầu; bố tôi cũng chưa có. Quý ông muốn biết, chỉ còn cách thực hiện tu chứng bởi tôi chỉ nói Phật học chứ không nói được gì về tu chứng. Ông chứng, ông biết, và chỉ ông biết mà thôi. Nói ra không được mà càng diễn giải càng lộn tùng phèo. Các ông nên nhớ bốn câu yếu ngôn, "Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tính thành Phật." Đã giáo ngoại biệt truyền sao có thể nói. Không thể nào diễn giải do đó bất lập văn tự thì sao có sách đọc. Thế nên, những sách nhà Phật cũng chỉ nói về cảm nghiệm tu chứng, mà người đọc vì không có cảm nghiệm tu chứng đã biến kinh sách trở thành sự ngăn cản đường tu chứng mà thôi. Nếu ông nào lười suy nghĩ, chỉ cần nhớ hai chữ "kiến tính" để tu chứng là đủ. Vì thế, bất cứ câu hỏi nào các ông đưa ra cũng chỉ hỏi lung tung không cần thiết bởi chúng chỉ là huyễn nên càng không cần biết.
- Không biết mới hỏi vì đã biết sao cần hỏi. Tuy nhiên, không biết sao có thể hỏi vì đã hỏi là đã biết điều mình không biết. Biết điều mình không biết tức là đã biết sao gọi là không biết. Và như vậy, hỏi điều mình không biết đâu có thể gọi là hỏi lung tung!
Mọi người vỗ tay hoan nghênh, vỗ tay vì Phủ dùng lý luận ngược xuôi để biến sự không biết thành sự đã biết. Mượn cơ hội, Sỹ nhà con lại chen vô,
- Nói như thế, thực sự biết thì tất cả chỉ là huyễn và nếu đã là huyễn tất nhiên không cần biết. Do đó, biết điều mình không biết mới thực sự là minh triết.
- Sao có thể nói được biết điều mình không biết vì nếu đã là điều mình không biết thì sao biết được. Như vậy, kẻ nào không biết điều mình không biết mới là minh triết và những người cho rằng họ biết điều không biết mới là vô minh.
- Đã vô minh sao có thể biết được điều không biết?.
- Trong cuộc đời này thiếu gì điều mình không biết; thế nên biết mình còn nhiều điều không biết mới thực sự là minh triết!

Và thế là đề tài được chuyển qua biết và không biết để rồi kẻ ý này, người ý kia rối um lên như đám o­ng mất chúa. Không cần biết người khác quan niệm thế nào, những cái mỏ thi đua bày tỏ nhận định của mình. Và ai cũng chỉ thấy lý của mình là đúng đến nỗi có người mặt đỏ tía tai biện minh cho cái biết của mình nhào nháo với bốn ý niệm biết, không biết, minh triết, và vô minh. Họ vậy đó, ăn nhậu đã hăng và bàn luận cũng hăng, hăng tới độ tưởng trở thành gây gỗ đến nơi. Nhiều khi ngôn ngữ phát ra nơi cửa miệng không thuận chiều hoặc diễn tả thiếu chính xác ý muốn nói, tạo thành áp lực đẩy văng cả những lời chẳng nên buông theo ý nghĩ. Bởi vậy, nếu chưa quen với kiểu cách ăn nói của hội nhậu xồn xồn, người dự thính khó có thể phân biệt được họ đang cãi nhau hay đang bàn luận, và cũng không hiểu họ đang bàn luận những điều được cho rằng biết hoặc không biết. Thêm vào đó, hình như cái mỏ nào cũng thích nói ngược. Những lý luận thao thao bất tuyệt chồng chất diễn giải biết là vô minh và không biết là minh triết. Mà có lẽ họ không biết thật! Họ đang uống bia nhưng không biết mình đang uống lại cứ dồn tâm tưởng vào cái biết vô minh và điều không biết minh triết, biết hay không chẳng biết, chỉ thấy bia cứ mở, người cứ uống! Nào ai hiểu người uống bia hay bia đang uống người!

Nhân dịp này, Hưng mở chai bia thứ ba, nhàn hạ nhấm nháp chất đắng Heineken, mặc cho mọi người xôn xao tranh luận bởi biết rõ họ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của mấy công án nhà Phật. Anh thầm nghĩ, những lời nói của Đạt Ma Sư Tổ và Lục Tổ Huệ Năng đâu phải chuyện để người ta bàn tán suông, và nếu cứ lời ra tiếng vô mà có thể thức ngộ được thì ai cũng có thể trở thành sư tổ, cần gì tu chứng. Cứ để họ nói, nói cho đã, nói lung tung sẽ tự nhận ra ngõ bí và lúc đó mới hy vọng họ chấp nhận được phần nào điều nghịch lý nhưng lại là căn bản trong hành trình tu chứng nhà Phật. Những cái mỏ này xưa nay đã quá quen với lối nhìn hữu vi, đối đãi, có người, có ta, lệ thuộc suy tư nhĩ ngã và trở thành nô lệ đến độ không thoát ra được thì sao có thể hiểu thấu những câu nói cảm nghiệm thiền viện. Đã là sư tổ đời thứ hai mươi tám bên Ấn Độ, thế mà khi sang tới Trung Hoa, đối diện với Lão học, Bồ Đề Đạt Ma cần đến những chín năm ngồi quay mặt vô tường tu chứng thì sao kẻ nhân gian chỉ nghĩ suông mà có thể thấu suốt được nét thâm trầm nhưng tinh tế nơi câu nói quá ngắn gọn mang đầy mâu thuẫn với thực tế của ngài. Lối nhìn hữu vi không cách nào giải thích tiến trình tâm linh phương chi những đầu óc quen thói lý luận thị dục đòi am hiểu kết quả tu chứng cửa Phật! Đồng ý rằng hành trình và thời điểm thức ngộ của mỗi người khác nhau; hơn nữa, có kẻ được sinh ra để thức ngộ và đa số con người chẳng bao giờ có thể đạt tới, nhưng phương pháp, nguyên tắc cần phải được phổ biến. Khổ nỗi, nguyên tắc tâm linh thì chẳng thấy đâu mà chỉ những cổ võ tổ chức nhân sinh, hình thức bên ngoài che lấp thao thức, khát vọng tận đáy tâm hồn mỗi người. Tu chứng nhà Phật đâu cần cúng kiến, cầu khẩn, thế mà người ta cứ đua nhau rước Phật Bà, tế Quan Âm! Làm gì có Phật bà, Phật ông. Phật chính là Chân Như nơi mỗi người mà cũng chia ra ông bà, chắc sau này họ sẽ bới thêm Phật con, Phật mẹ. Con người dùng lối nhìn thế tục bày ra lắm chuyện, và không có người tin theo tất nhiên sẽ bị tàn tạ nên càng phải bới bèo ra bọ tạo nền tảng và cơ sở vững chắc sao cho đông tín đồ, lắm thiện nam tín nữ, càng nhiều người cúng kiến thì càng nổi tiếng, càng oai vọng.

Hưng thở dài; nỗi ngậm ngùi nào đó chợt dâng lên. Con đường tu chứng bị bịt kín mà người nào đạt đến thì miệng như ngậm hạt thị và có nói ra, lời nào lời ấy chói tai thiên hạ, còn không, lại mang đầy vẻ ngông cuồng. Hèn chi tổ chức tôn giáo phát triển mạnh, mạnh nhưng luẩn quẩn nơi bến mê! Đến tội cho con người! Đức Thích Ca chẳng viết mà có chăng khuyến dụ môn sinh, "Lời ta nói như chiếc bè," "Ngón tay ta chỉ mặt trăng nhưng ngón tay ta không phải mặt trăng." Thế mà con người mãi mê với giáo pháp, giáo lý, triết lý, sách này, kinh kia loạn lên, tưởng rằng cứ tụng, cứ chất đầy suy tư triết lý của kẻ khác vào đầu là sẽ được giải thoát. Giải thoát đâu không thấy mà chỉ những nô lệ của những kiến giải được gọi là minh triết. Đã minh nào cần triết, nên càng triết chỉ càng vô minh. Mấy người anh em đây cũng vậy, mới chỉ có chữ “Biết” lại đã thêm vào chữ “Không” cho đủ phần đối đãi và quay cuồng với ý niệm cho có vẻ minh triết. Đúng là chuyện thị dục làm phiền hà hành trình thức ngộ của con người! Minh đâu không thấy chỉ luẩn quẩn. Nghĩ đến đây, Hưng thở dài, tâm trạng mang phần nào chán nản, nâng chai bia làm một hơi, sau đó không cần hiểu thiên hạ bàn luận đến đâu, anh giơ tay yêu cầu mọi người im lặng, buông thêm câu nói,
- Biết hay không biết cũng chỉ là không! Minh triết hay vô minh cũng chỉ là vô. Nào lợi ích gì mà bàn tán, tốn bia, tốn nước bọt.
- Thế sao ông nói người minh triết vô minh, kẻ vô minh minh triết?
- Tôi chỉ nói theo kinh Kim Cang mà thôi, "Nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp" (KCGL; Tr.70) thì minh triết hay vô minh cũng chẳng phải là minh triết và cũng chẳng phải là vô minh. Mà vì nó không phải là minh triết nên gọi là minh triết, vì nó không phải là vô minh nên gọi là vô minh.
- Tôi chỉ muốn hỏi tại sao ông lại nói người minh triết vô minh, kẻ vô minh minh triết chứ tôi không hỏi tại sao gọi là minh triết hay vô minh.
- Sao ông thông thái thế! Người nào càng nhận thức được sự vật nhiều bao nhiêu, càng nhận ra còn nhiều thứ mình không hiểu bấy nhiêu nên biết mình vô minh. Kẻ nào nhận thức chỉ bằng cái lông con rận nên cho rằng tất cả sự khôn ngoan nơi thiên hạ chỉ có thế, tất nhiên tự cho rằng mình minh triết. Chỉ vậy thôi mà không chịu suy nghĩ, cứ la lối om xòm. Thực ra, câu ấy như thế này, người minh triết cảm thấy mình vô minh, và kẻ vô minh dương dương tự đắc minh triết. Thế mà cũng đòi bàn luận biết với không rối lên!
- Diễn giả lên nước! Ừ thì cho ông hay, ông giỏi. Chúng tôi vô minh ngồi nghe ông minh triết. Phủ lại chọc thêm một câu. Dẫu biết Phủ nói kháy nhưng Hưng tảng lờ bởi có đấu lý thêm cũng chẳng đi tới đâu nên nói tiếp,
- Nguyên tắc căn bản của Phật học là tu chứng chứ không phải học thức. Điểm cuối cùng của Phật học là kiến tính, nhận ra tự thể hay thực thể của mình. Tự thể, thực thể này được gọi là Tâm Phật hay Tâm Chân Như; đó là Chân Như nơi con người. Danh từ nhà Phật gọi là Phật tính hoặc tâm Phật. Thế nên, tu chứng để nhận ra Phật tính hay Chân Như hoặc tự thể, thực thể mới là điểm rốt ráo của nhà Phật. Mọi sự bàn luận, hiểu biết được gọi là minh triết hay vô minh chỉ xoay quanh điểm này. Ai chưa kiến tính, thức ngộ đều là vô minh. Chỉ kẻ nào ngộ rồi mới được gọi minh triết. Đó là lý do tại sao tôi đã nói chỉ cần nhớ hai chữ “Kiến tính.”
- Sao ông bày ra lắm thứ thế! Nào kiến tính, Phật tính, Chân Như, tự thể, thực thể, minh triết, vô minh, lại còn thức với ngủ, mà không thấy nói gì về niết bàn, luân hồi? Bao nhiêu người theo Phật giáo lập công đức để tránh nghiệp luân hồi hầu đạt tới niết bàn, bộ họ sai hết sao? Ông nói về Phật học chỉ thấy kiến với bọ, lại còn cho rằng Phật giáo là tổ chức huyễn. Nếu Phật giáo là huyễn sao có Phật Bà Quan Âm, sao có Phật Di Lặc, sao có Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng, vậy thử hỏi ông đã kiến tính chưa?
- Tôi đã trình bày rõ ràng; tôi không nói về Phật giáo mà chỉ nói về Phật học. Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, tất cả chỉ là tổ chức của con người bày tỏ lòng khát khao tâm linh; đạo học diễn giải cảm nghiệm tâm linh. Dẫu tôn giáo bắt nguồn từ đạo học nhưng tôn giáo bị ham muốn của con người chồng chất quá nặng nề nên có thể nói tôn giáo phần nào ngăn chận tiến trình tâm linh của con người. Căn bản Phật học là kiến tính chứ không cầu khẩn, không thờ phượng, cúng tế, cầu siêu, cầu an, chẳng bái lậy ai vì Phật tính ở nơi mọi người. Tâm là Phật và Phật là tâm. Thân xác con người chỉ như chiếc đò chở tâm, chở Phật trong hành trình thức ngộ, giải thoát. Đời người quá ngắn nên ta phải tự giải thoát bằng cách tự khám phá Phật tính nơi mình tức là kiến "bổn lai diện mục" của mình nếu nói theo ngôn từ của lục tổ Huệ Năng. Chính vì tưởng tượng Phật là người nào hay đấng nào mình muốn trở thành nên con người bày ra những kinh sách, phương pháp cúng bái, cầu khẩn nhờ đấng nào đó giúp mình mà quên mất Phật tại tâm, Phật nơi chính mình. Vì vậy, phải nhìn vào tâm mình chứ không nhìn ra ngoài, phải tự tu chứng để nhận ra Phật tính nơi mình. Tự tìm ra mình, tìm ra Phật tánh nơi mình được gọi là kiến tính và chỉ có một điều duy nhất này mà thôi. Đây cũng là phương pháp đạt tới niết bàn, phương pháp phá vòng luân hồi, con đẻ của vô minh tạo thành nghiệp chướng. Bởi vậy, không có kinh sách nào có thể chỉ đàng dẫn lối cho bất cứ ai đạt tới tâm Phật mà phải là chính mình tu chứng, chính mình nghiệm xét, hay cảm nghiệm. Không có lối tu khổ hạnh nào có thể giải thoát con người ra khỏi vòng luân hồi vì kinh sách, sự khổ hạnh không thể nào giúp ta nhận ra bổn lai diện mục. Thế nên, chúng chỉ là điều phù phiếm, chỉ là kiến thức không đem lại lợi ích gì trong hành trình kiến tính. Nơi Phật học, tất cả chỉ là kiến tính mà muốn kiến tính phải tu chứng, và chỉ tu chứng mới thấy Phật nơi tâm. Chỉ kiến tính là điều duy nhất đáng làm và đáng học. Hơn nữa, muốn tu chứng cần định tâm. Sự định tâm có nhiều phương pháp để đạt tới. Do đó kinh sách chỉ viết để giảng giải cho người ta hiểu tất cả đều là huyễn hầu dễ dàng định tâm. Khổ nỗi, họ đã lầm, thay vì biết để đạt tới định tâm, người ta bày ra các nghi thức dẫn tới định tâm khiến kẻ thiếu hiểu biết tưởng những nghi thức này sẽ giải thoát họ hoặc là phương tiện nhờ thần thánh cứu giúp để được giải thoát.
- Ông nói rằng Phật ở nơi mình, Chân Như ở nơi mình thì khi mình phạm tội tất nhiên Phật nơi mình cũng phạm tội sao? Và nếu như thế, mọi người cũng như nhau vì Phật đã ở tâm mọi người nên đâu cần cầu cứu, cúng bái bất cứ thần thánh nào! Hơn nữa, chỉ tu chứng mà có thể kiến tính thì đâu ai có thể giúp ai, đâu vị nào có thể giúp mình được, và dù minh triết hay vô minh thì có chi khác biệt. Phật đã ở nơi tâm mình, Chân Như nơi mình thì làm gì cần đến Phật pháp, đâu cần giữ luật lệ. Và nếu mọi người đã là Phật thì Phật đâu có thể sa ngã nên sao có thể phạm tội được. Phỏng thế có nghĩa tất cả những gì một người làm đều là động tác của tâm Phật, của Chân Như nơi người ấy. Như vậy thì, hà  hà, tha hồ ăn chơi, chẳng gì là tội, chẳng cần cúng kiến, tụng kinh, chỉ xỉn và xỉn sẽ tới niết bàn, khỏi cần diệt dục, cầu siêu, và tất cả mọi người đều là Phật, Phật tôi, Phật anh, Phật bố, Phật mẹ, Phật đẹp, Phật xấu, Phật tứ lung tung. Sỹ nói một hơi.
- Những điều ông vừa nêu lên đức Bồ Đề Đạt Ma đã nói rồi (GLTH; Tr.202-203). Tôi không muốn lặp lại. Và đức Đạt Ma sư tổ cũng nói thêm là chỉ có một tội duy nhất đó là tội vô minh, tội không nhận ra Phật tánh nơi mình. Tội lỗi này rất nặng vì nó giữ ta trong cõi vô thường (GLTH; Tr.203). Hành hạ thân xác, miệt mài chạy theo ham muốn thị dục để rồi tạo thêm nghiệp chướng chồng chất ngày càng nặng nề thêm nào được ích gì!
- Nếu tâm là Phật, là Chân Như thì tất cả đều từ tâm phát sinh ra đúng không?
- Đúng, đó là thuyết nhà Phật.
- Vậy cứ thử thò tay vô lửa xem cái tâm phát sinh nó nóng thế nào. Ông nói giỡn!
- Thực ra, chữ huyễn nơi nhà Phật có nghĩa chóng qua, sẽ qua đi, nhưng thường bị hiểu lầm là không có thật. Dẫu vô thức luận của nhà Phật nói về diễn trình vô hình, ngược lại không hiểu sao các kinh sách nhà Phật thường dùng chữ "không hiện hữu" hay "vô hiện hữu." Đây là điểm trúc trắc của dịch thuật mà người ta đã không để ý hoặc không dám sửa đổi. Nhà Phật nói tất cả đều là "không," là "hư vô." Nếu đã không có, không hiện hữu sao ai có thể biết. Do đó chữ “Không” cũng như chữ “Vô” trong kinh sách nhà Phật mang nghĩa không nhìn thấy bằng con mắt thịt, tức là vô hình. Đồng thời, chữ “Hiện hữu” phải được hiểu là hình hài. Đàng khác, nhà Phật không nói về hiện tượng luận hữu hình nhưng bàn về kết cục cũng như cứu cánh của mọi sự vật, sự việc. Tất cả được phát sinh từ Chân Như do khởi niệm hay vọng niệm nên tất cả đều nằm trong trạng thái biến chuyển của Chân Như và được gọi bằng nhiều tên khác nhau theo ngôn từ tùy thuộc các nhà trước tác kinh sách. Vì vậy, Chân Như, Phật tính, tâm, Phật, tự thể, thực thể, bản thể, bổn lai diện mục, cũng chỉ là một. Khi dùng tới chữ có và không nơi kinh Phật, chữ không thường mang nghĩa vô hình, chẳng nhìn thấy; chữ "có" mang nghĩa hiện hữu dù hữu hình hay vô hình. Đàng khác, vì tất cả đều là hiện thể của Chân Như, của Phật tính, những chữ có, không, vô, huyễn đều đồng một nghĩa. Cho dẫu dùng cách nào thì cũng chỉ nói về hiện thể của Chân Như, dù vô hình hay hữu hình, dù cho rằng thật hay huyễn. Đọc kinh Phật mà không để ý điểm này, các ông sẽ lạc vào mê hồn trận của ngôn từ. Thí dụ về chữ "thường" nơi kinh Phật. Chữ thường có hai lối dùng mang hai nghĩa thường hằng và biến chuyển, thay đổi, liên tục diễn tiến hàm ý chuyện bình thường phải như vậy. Trong câu nói cuộc đời biến chuyển vô thường thì chữ thường đây có nghĩa biến đổi không thể nói hết được, không đo lường được. Tuy nhiên, nơi Lão học có câu, "Đạo khả Đạo phi thường Đạo" thì chữ thường mang nghĩa chính xác, thực thể. Lục tổ Huệ Năng dùng chữ thường theo nghĩa thường hằng, bất biến. Nếu ai đọc truyện Hạ Xương sau khi gặp lục tổ Huệ Năng nói, "Người chấp vô thường tánh, Phật nói hữu thường tâm (GLTH; Tr.240) sẽ hiểu rõ hơn điểm rắc rối của chữ thường nơi kinh Phật. Thực ra, kinh sách nhà Phật cũng như nhiều kinh sách khác, mỗi vị trước tác đều dùng ngôn từ theo ý nghĩa riêng. Đây cũng là điểm khó khăn chung của mọi người trong tiến trình tìm hiểu các đạo học.
- Ông không trả lời câu tôi hỏi mà nói lung tung về kinh sách. Điều tôi muốn nói là nếu mọi vật, mọi sự từ tâm phát sinh, tại sao ông không dám cho tay vào lửa? Tình cảm thấy đắc ý khi nêu câu hỏi bởi chủ đích dùng kinh nghiệm cảm giác ngũ quan thách đố Hưng giải thích nhận thức tâm linh.
- Hỏi như thế ông đã không hiểu gì về lý thuyết nhà Phật và càng không hiểu câu nói mọi vật từ tâm sinh ra. Theo nhà Phật, chúng ta biết được mọi vật chung quanh nhờ giác quan. Thế nên, nếu không có giác quan, tất cả chỉ là không và như thế chúng ta không thể biết sự vật như chính nó mà qua trung gian của giác quan. Nhà Phật đặt vấn đề tìm hiểu thực thể sự vật chứ không nói về sự phiếm diện của sự hiện hữu nhất thời nơi sự vật. Ông đã bao giờ nghe câu, "Lửa không nóng nhưng vì chúng ta cảm thấy nó nóng chưa?" Ông có hiểu câu này ý nghĩa thế nào không mà cứ nói nhăng nói cuội. Phật học không xét về hiện tượng vật chất mà chỉ đặt vấn đề nguồn gốc mọi hiện tượng dẫn đến sự giải thoát. Mọi sự trong cuộc sống hữu hình rồi cũng qua đi, tất cả chỉ hiện hữu trong giai đoạn thời gian, dù một vài ngày hay cả triệu triệu năm thì cuối cùng vẫn đi vào thế giới vô hình, nhà Phật gọi là hư vô. Cội nguồn của tất cả mọi sự hiện hữu, hữu hình và vô hình chính là Chân Như. Thế nên, Chân Như cũng là tâm Phật nơi mọi người, và cũng là tự thể, thực thể, hay bản thể của con người, bản thể của mọi sự. Đó là lý do tại sao nói mọi vật từ tâm phát sinh. Tâm là Chân Như, lửa cũng như thân xác, mọi vật đều là biến thể của Chân Như. Bởi vậy, khi nói về lửa phải so sánh nó với những sự vật hữu hình chứ không thể ráp nối lộn xộn với tâm vì tâm vô hình. Thân xác là biến thể của tâm Chân Như bị lửa, biến thể của tâm Chân Như đốt. Ừ thì nó đốt vì lửa phải nóng và nó đốt mọi sự hữu hình nhưng không đốt được tâm. Tôi nói vậy thôi, hiểu hay không cũng chẳng lợi ích gì vì kiến thức đâu có đem lại giải thoát. Vấn đề chỉ là ông có nhận ra cái tâm của ông là gì không; ông có kiến tính được hay không mà thôi!
- Ông nói, mọi người là Phật; tôi đã là Phật rồi đâu cần phải kiến tính!
- Kẻ nào còn thấy mình là gì vẫn còn vô minh, và muốn là gì cũng vẫn vô minh!
Hưng phang một câu khiến Sỹ tối tăm mặt mày. Tưởng rằng dùng chính lời nói của Hưng lúc nãy để phá ngang, ai ngờ bị đương đường cho rằng vô minh.
- Chính ông nói mọi người là Phật, và một vị Phật thì không thể phạm tội được. Thế sao thấy mình là Phật vẫn vô minh? Ông ăn nói luẩn quẩn.
- Người nào thấy mình luẩn quẩn mới thực sự dợm bước vào ngưỡng cửa minh triết. Người nào còn cho mình là thế này, không là thế kia, vẫn còn đang luẩn quẩn nơi giới hạn ngôn ngữ. Chẳng có Phật, chẳng có Chân Như, chẳng có pháp, chẳng có gì ráo trọi. Gọi là Phật vì không có Phật nên gọi là Phật. Đàng này cho mình là Phật thì chỉ là dục mà chớ. Bởi vậy, giảng về Phật chẳng những giết chết Phật mà giết luôn người nghe giảng. Không thể giảng về Phật vì Phật là Chân Như. Phật là tính của Chân Như nơi mọi người, mọi vật thì sao còn thấy Phật hoặc cho rằng là Phật. Điều nên nói chỉ là kiến tính hoặc thực hiện cách nào để kiến tính. Đó là hành trình thức ngộ, tu chứng. Mà tu chứng, chính ông phải thực hiện chứ không ai nói cho ông được. Và như vậy, minh triết không phải là gom góp kiến thức cảm nghiệm của người khác đem nhồi nhét vào đầu mình và lặp đi lặp lại mà phải là kết quả của chứng nghiệm, chiêm nghiệm, tu chứng. Ông nên khép cái mỏ lại là tốt nhất và cần suy nghĩ. Nếu sau bẩy ngày suy nghĩ vẫn còn u mê chưa hiểu mới nên hỏi.
- Ông láo khoét, đã suy nghĩ cần gì hỏi! Muốn trở thành Phật phải tu luyện chứ đã là Phật thì tu luyện làm gì!
- Còn muốn là Phật vẫn không thể thành Phật. Vấn đề là thức ngộ Phật nơi chính mình. Đó là kiến tính. Tôi đã phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà ông không chịu hiểu. Chỉ muốn, chỉ tu thì ơn ích gì, làm sao có thể giải thoát. Ông làm ơn nhớ cho, muốn tức là dục nên còn muốn, thì còn dục. Chạy theo cái dục sao có thể kiến tính.
- Ông cứ lải nhải mãi hai tiếng kiến tính! Vậy muốn kiến tính phải thế nào? Nói được mà không làm được cũng như cuội!
- Muốn kiến tính phải tu chứng. Muốn tu chứng phải hàng phục tâm. Muốn hàng phục tâm phải định tâm. Muốn định tâm phải diệt dục. Muốn diệt dục phải nhận ra tất cả chỉ là huyễn. Muốn nhận ra huyễn phải minh triết. Muốn minh triết phải biết khép cái mỏ lại, mở rộng tâm hồn để suy tư, nhận định, điều gì hay thì giữ lấy, điều gì không hợp với mình phải suy nghĩ cho tới cùng cái lý của nó. Và điều kiện để suy tư là phải nhận biết sự vật như chính nó. Tất cả mọi vật, mọi sự chung quanh trong cuộc sống đều là cơ hội. Không biết sử dụng cơ hội để tu chứng đó là vô minh.
- Vô minh hay hữu minh không cần biết! Ông nói về Phật học mà không nhắc chi tới đức Phật Thích Ca, chỉ những kiến tính, định tâm, minh triết thì minh triết ở chỗ nào, và lấy gì làm căn bản để kiến tính? Ông nên nhớ câu, "Không thày đố mày làm nên." Không có đức Phật Thích Ca làm sao có đạo Phật, làm sao có Phật học, làm sao kiến tính, định tâm?
- Gọi danh hiệu đức Phật Thích Ca đã phần nào tự ngăn cản hành trình thức ngộ. Phật là người đã thức ngộ, đã kiến tính. Tại sao không gọi đức Phật Bồ Đề Lạt Ma, đức Phật Lục Tổ Huệ Năng, đức Phật Thung, đức Phật Sỹ, đức Phật Phủ, đức Phật Hưng? Phật tính ở mọi người vì tâm là Phật, Phật là tâm, mà chỉ gọi đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Lặc? Từ cách dùng ngôn từ, chúng ta đã tự giới hạn hành trình thức ngộ, tự che lấp tâm Phật nơi chính mình. Ông không nhớ nhà Phật có câu, "Buông dao đồ tể là trở thành Phật" sao? Ai cũng có tâm Phật nên ai cũng là Phật; vấn đề còn lại là mình có dứt được khuynh hướng theo đuổi vô thường tánh hay không, hoặc ngược lại, mình có nhận ra tâm Phật nơi mình hay không. Sự nhận ra này gọi là kiến tính. Đó là lý do tại sao tôi chỉ nhấn mạnh về kiến tính mà không nhắc gì tới đức Thích Ca. Gọi đức Phật Thích Ca phần nào tự che lấp tâm Phật nơi mình để rồi chỉ nghĩ đức Thích Ca là Phật và mình thì không thể kiến tính. Ông nên nhớ, "Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật," chỉ đơn giản có thế.
- Không có đức Phật Thích Ca sao có đạo Phật?
- Kiến tính không cần đức Thích Ca. Ông không nhớ câu nói của đức Thích Ca sao, "Lời ta nói như chiếc bè." Khi đã hiểu rồi phải bỏ lời nói đó đi mà tiếp tục cảm nghiệm. Trong hành trình thức ngộ chúng ta không làm nô lệ cho bất cứ cuốn sách hay cá nhân nào mà phải hoàn toàn tự do thực hiện ý chí, mở mang kiến thức và phát triển trí tuệ cho đến khi chính mình đắc quả vì tâm Phật ở trong tất cả mọi chúng sanh (ĐPVPP; Tr.286). Đức Thích Ca cũng như các tổ thiền nhà Phật chỉ giải thích về cảm nghiệm trong hành trình kiến tính chứ không bảo phải khất thực, khất ẩm, hoặc ngồi kiết già, kiết non, hay lễ chùa, lạy Phật, mà tất cả chỉ dồn vào hành trình thức ngộ tâm Phật tức là nhận ra Phật tại tâm. Đó là lý do tại sao đạo Phật được gọi là đạo minh triết. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số người ta chỉ có triết chứ không minh.
- Thế sao sách vở viết đức Phật Thích Ca vì thấy nhân loại đau khổ trong vòng sinh, bệnh, lão, tử, nên tìm đường giải thoát cho mọi người?
- Nói như vậy ông phải tự hỏi đức Thích Ca đã giải thoát cho ông chưa hay ông vẫn còn phải bấn lên những khi vợ đẻ, con đau, làm lụng cực khổ mà lắm lúc tiền điện, tiền phôn không đủ trả tạo nên ưu tư, phiền não. Đã bao nhiêu năm, bao nhiêu lần ông cầu cùng đức Thích Ca, đức Bà, đức Chúa sao vẫn còn lận đận, luẩn quẩn thì ai đã giải thoát cho ông? Giải thoát không có nghĩa ông đang nghèo hèn, bốc ông bỏ vào cuộc sống vương giả, uy quyền, tiền đầy bạc đống tha hồ ăn chơi đàng điếm, khỏi phải lo nghĩ vật lộn với cuộc đời. Giải thoát là kết quả của kiến tính, tự nhận ra tâm Phật, những trắc trở, lo âu, hay vui sướng, nhàn hạ trong cuộc sống thế nhân đều nhất thời, chóng qua vì tất cả đều là huyễn, và mình với Chân Như thực sự là một; mình đang trong hành trình biến chuyển của Chân Như, quyền lực cội nguồn phát sinh mọi sự hiện hữu, vô hình cũng như hữu hình, nhất thời cũng như vĩnh cửu. Chính sự nhận thức này giúp con người thoát khỏi tham sân si, những ham muốn con đẻ của vô minh.
- Thế sao có những vị bồ tát trở lại giúp con người giải thoát?
- Ông nói vớ vẩn, đã có những vị bồ tát giúp con người giải thoát thì ông đã được giúp chưa? Chẳng có bồ tát thì sao có thể trở lại, sao có thể giúp.
- Ông nói gì láo lếu! Sách vở nhà Phật nói vậy chứ bộ tôi bới ra sao mà nói không có bồ tát?
- Thì ông hãy đợi vị bồ tát nào đó đến giải thoát cho ông, cần gì phải tìm hiểu Phật học, cần gì phải ăn, phải uống, phải làm lụng vất vả, phải lạy Phật, cúng dường! Nói đến giải thoát mà có biết giải thoát là gì và giải thoát khỏi cái gì thì nói làm chi mà vẫn cứ hỏi! Chỉ một điều nên nhớ, ý định cứu giúp người, giải thoát người khỏi những lo âu phiền não vẫn chỉ là dục. Mà đã là bồ tát thì hoàn toàn đã diệt dục theo lý thuyết nhà Phật sao còn có thể giúp ai giải thoát. Vì vậy, nếu nói rằng đức Thích Ca vì thấy con người trầm luân khốn khổ trong vòng sinh, bệnh, lão, tử, mà kiếm đường giải thoát cho họ, quả là sự bôi nhọ lớn lao tới danh phận của ngài vì còn muốn giải thoát chính mình hay giải thoát cho người vẫn còn là dục. Chạy theo dục, theo ước muốn dù tốt hay xấu cũng không hòng gì kiến tính, sao có thể thức ngộ. Ông nên nhớ, "phàm chỗ có tướng đều là hư vọng" (KCGL; Tr.41); đã không có tướng sao còn ý niệm, ước muốn, nói chi đến trở đi với trở lại.
- Nhưng những vị bồ tát làm việc, giúp đỡ vô cầu, vô công, vô danh sao gọi là dục?
- Thì đó là việc của Phật tính, của Chân Như đang làm nơi mọi sự sao còn gọi bồ tát! Thế Chân Như, Phật tính đang làm việc nơi ông sao ông còn đợi hay muốn đức Phật hoặc bồ tát nào giải thoát?
- Nói như vậy, theo ông đức Phật Thích Ca giảng giải điều gì trong suốt bốn mươi chín năm mà ông dám nói không cần ngài?
- Khi tôi giảng kinh Kim Cang thì quý ông rối lên phá đám. Theo kinh Kim Cang, đức Thích Ca nói như thế này, "Các vị bồ tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tướng hoặc không tướng, ta đều khiến vào vô dư niết bàn mà được diệt độ. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Nầy Tu Bồ Đề, nếu bồ tát còn có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải bồ tát" (KCGL; Tr.23). Đại khái những lời kinh này có nghĩa bất cứ một niệm nào dấy lên thì đó là một sự phát sanh dù thuộc loại nào. Ý niệm, ý nghĩ, tư tưởng, ước muốn, ước mơ tự nó là một thực thể trong vô hình. Thế nên, dấy niệm thì phát sanh, và như vậy, ý niệm, ước muốn đều là dục. Chủ điểm của Phật học là diệt dục để trở về nguyên bản với thực thể của mình, trở về với Chân Như được gọi là kiến tính. Bởi vậy, đức Thích Ca dạy rằng, một niệm dấy lên là có một chúng sanh, do đó cần phải hàng phục tâm nghĩa là diệt niệm. Vì vậy, muốn hàng phục tâm thì hãy để tất cả những ý niệm, ý nghĩ, ước muốn vào chỗ không còn sanh diệt được gọi "vô dư niết bàn." Niết bàn chỉ về trạng thái không còn sanh diệt. Vô dư có nghĩa không còn tướng mạo. Bởi vậy, muốn kiến tính phải hàng phục tâm, và sự thực hành để hàng phục tâm là ngưng ý niệm, diệt dục, không mơ ước bất cứ điều gì dù tốt lành hay xấu xa. Như thế, khi đã không có ý niệm tất không sanh, không tạo thành nghiệp, không tạo thành chúng sanh thì có chúng sanh đâu mà chịu khổ ải. Đây là điểm nói ngược của nhà Phật. Không tạo thành chúng sanh tức là độ tất cả chúng sanh. Buông hết vọng tưởng tất nhiên giải thoát những chúng sanh ngay từ khi chưa được tạo lập trong ý niệm. Mà đã là người, chúng ta có vô vàn vô số ý niệm, ý nghĩ, ước muốn, ước mơ. Và như thế, khi buông hết vọng niệm đâu cần đức Thích Ca hay đức bồ tát nào giúp giải thoát; tự mình đã giải thoát muôn ngàn chúng sanh thì đó là công đức giải nghiệp. Và tất nhiên, nếu bồ tát mà còn có tướng, còn ý niệm thì không phải bồ tát sao có thể nói giúp giải thoát hay bất cứ điều gì.
- Ông nói gì luẩn quẩn, không có chúng sanh sao giải thoát chúng sanh?
- Nếu ông suy nghĩ tạo ra ý niệm, vọng niệm tức là tạo ra chúng sanh. Kinh Kim Cang có nói, "Các ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế nầy: Ta sẽ độ chúng sanh. Nầy Tu Bồ Đề, chớ khởi nghĩ thế ấy. Vì cớ sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ đó. Nếu có chúng sanh Như Lai độ đó thì Như Lai ắt có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả" (KCGL; Tr.241). Bởi đó, ngừng suy nghĩ ông sẽ không tạo ra chúng sanh nào để chịu khổ tức là đã độ. Như vậy, còn muốn độ tức vẫn tạo nghiệp, và ngược lại, diệt độ chính là độ.
- Tại sao bồ tát còn tướng, còn ý niệm thì không phải bồ tát? Và diệt độ lại là độ?
- Bồ tát mà còn tướng thì còn chấp giữa tướng và không tướng. Bồ tát còn niệm thì còn tạo thành chúng sanh vì một niệm dấy lên tức là đã có sự chấp ngã trong đó. Đây cũng là ý nghĩa tại sao được gọi là bồ tát vì không có bồ tát nên tạm gọi là bồ tát. Tất cả chỉ là Chân Như nơi tiến trình biến chuyển. Hơn nữa, theo nhà Phật, ước muốn cũng là ý niệm, là dục mà muốn độ tức vẫn là dục. Không muốn độ ai hay diệt độ cũng thế, tất nhiên ý niệm độ chúng sanh phát sinh bởi ước muốn. Tôi chỉ giải thích vậy thôi, dứt khoát không trả lời về hàng phục tâm vì nói cũng bằng thừa bởi chẳng có gì đáng nói, chỉ có một điều nên nói là chẳng nên nói điều gì.
- Thôi ông ơi, ông khinh chúng tôi vừa thôi chứ.
- Có gì mà khinh với chẳng trọng, nói cũng vô ích vì càng nói càng chẳng nói được gì thì khinh ai; chẳng thà câm cái họng lại còn lợi ích hơn. Ông muốn nói, đến đây ngồi mà nói. Rõ thực, không cho nói thì khóc, cho nói thì mếu mà vẫn thích nói.
- Chú nói thế nghe được. Tui tưởng chú ra bộ ta đây chứ không ngờ chú nói không được. Thôi, tui thành thực xin lỗi. Nhưng ít ra, dẫu chú nói không được thì cũng giúp tui sáng ra thêm chút ít chứ không phải nói cũng như không. Chú thấy không, nếu tui không hỏi lăng nhăng thì sao biết được niệm và dục cũng như nhau. Tuy nhiên, chẳng lẽ con người cố gắng sống tốt lành, làm việc thiện để được giải thoát cũng như không hoặc có thể tạo thêm nghiệp thì, thì, thì...
- Thì cái gì?
- Nó kỳ quá, hiểu nhưng muốn nói ra không sao diễn tả.
- Có phải ông muốn nói thà để tiền của ăn chơi cho đã vì đàng nào cũng là dục phải không? Và như vậy càng giúp, càng cố gắng sống tốt lành càng tạo nghiệp?
- Cũng không phải hoàn toàn vậy mà mới có một phần nhỏ; bởi nếu nói như thế chẳng khác gì thiện ác như nhau. Đến đời cũng không chấp nhận được phương chi là đạo.
- Thôi, thôi, tôi hiểu rồi! Đây là cái ngu của tôi làm phiền đến các ông bởi tôi cứ nghĩ các ông cũng hiểu như tôi! Đời là đời, là huyễn trong hành trình biến chuyển của Chân Như do nghiệp tạo thành thì thiện và ác cũng như nhau, chỉ là huyễn, là biến dịch nhưng do vô minh con người cho là thật. Đối với những ai đã kiến tính thì không còn bị trói buộc bởi bất cứ hệ lụy nào nên mọi hành động của thể xác cũng không thể làm ô uế tâm Phật. "Một kẻ phàm tục có gia đình và làm nghề đồ tể cũng có thể là một vị Phật. Kẻ nào đã lãnh hội được Phật tánh thì không còn tạo nghiệp nữa, dù làm bất cứ một hành động nào bởi kẻ ấy đã giác ngộ" (GLTH; Tr.206).
- Ông nói mọi hành động của thể xác cũng không thể làm ô uế tâm Phật thì đó là lối khuyến khích con người vô luân sao?
- Dẫu vô luân hay hữu luân thì hỏi cũng vô ích, bởi tôi đã nói là tôi ngu mà ông còn cứ hỏi để tôi phải nói ngu. Đức Đạt Ma sư tổ trong bài giảng thuyết đầu tiên tại Trung Hoa có nói, "Cả thế giới được nghĩ trong tâm. Tất cả chư Phật, quá khứ và vị lai đã và sẽ được tạo thành trong tâm" (KCGL; Tr.201) thì thiện và ác, đúng và sai, cũng bởi tâm mà ra; thế nên vô luân hay hữu luân cũng nơi mình mà chớ. Thôi, thôi, ông làm ơn đừng hỏi nữa và chỉ nên biết rằng mục đích duy nhất mà mỗi người phải đạt tới là sự giác ngộ, kiến tính, vì kẻ nào kiến tính, kẻ nào thấy rằng mình hoàn toàn hòa nhập với Chân Như tất nhiên là một vị Phật dù kẻ ấy không được học hành, nửa chữ nhất không biết. Phật là người thức ngộ, thấy được Phật tánh nơi mình, nơi tâm mình gọi là tâm Phật. Như vậy phải kiến tính chứ đừng muốn kiến tính vì còn muốn thì còn chưa đạt tới mà vẫn chỉ là dục. Trong ngôn ngữ nhà Phật bây giờ gọi là tu chứng.
- Thế sao có nơi đức Phật Thích Ca bảo "Không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nếu bồ tát bố thí mà chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường?" (KCGL; Tr.34)
- Ông định mang kinh Kim Cang ra mà lòe tôi sao! Nhưng ít nhất là ông đã đọc và để ý suy nghĩ, đó cũng là một điều hay. Mọi người đều rõ, bố thí tiền bạc, của cải là làm điều thiện chớ không phải tu hành (KCĐĐ; Tr.91). Hơn nữa, đem tiền bạc bố thí cho kẻ nghèo uống rượu, xì ke ma túy thì lại là điều ác chứ thiện sao được. Đức Thích Ca không dạy việc bố thí tài vật bên ngoài mà sự bố thí tài vật bên ngoài chỉ là giúp phương tiện sơ khởi để tu hành. Đức Thích Ca chỉ nói về pháp thí vì bồ tát chỉ có pháp thí chứ mọi sự là huyễn thì sao có thể đặt vấn đề bố thí tài vật. Hơn nữa, nếu chỉ đặt vấn đề bố thí tài vật tất nhiên do bị ý nghĩ cho rằng đức Thích Ca thương xót con người trong cảnh khốn khổ sinh bệnh lão tử, vẫn bị lệ thuộc vào ý dục, trong khi đức Thích Ca chỉ khuyến khích thức ngộ, giải thoát, diệt dục. Đương nhiên, nghĩ như thế đã tự gán cho đức Thích Ca theo đuổi ước muốn, theo đuổi thị dục. Đại khái câu nói "Nếu bồ tát bố thí mà chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường" có nghĩa nơi hành trình kiến tính không trụ vào bất cứ gì. Đây là pháp an trụ tâm, buông hết, bỏ hết không đâu là điểm tựa, chẳng đâu là điểm tới, không dính dáng gì đến lục dục, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (KCGL; Tr.36). Nơi kinh Kim Cang có chỉ rõ, "Không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp. Ta nói Pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ huống là phi pháp. (KCGL; Tr.52). Vì vậy, Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn dạy rằng, "Không biết tự tâm thì học đạo vô ích. Nếu biết tự tâm, thấy được tự tính, đấy là kẻ đại trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật" (GLTH; Tr.170). Và Lục Tổ Huệ Năng nói rõ hơn: "Không nên ngưng vào chỗ nào mà nẩy ra tâm ấy. Hết thẩy hiện tượng không rời tự tính. (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Nhất thiết vạn pháp bất ly tự tính) (GLTH; Tr.169). Ông thử nhớ lại coi, nơi kinh Kim Cang có đoạn nói đức Thích Ca hỏi Tu Bồ Đề, "Nầy Tu Bồ Đề, nay ta bảo thật với ông, nếu có người thiện nam, thiện nữ đem bẩy châu báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát những sông Hằng kia ra bố thí thì được phước nhiều chăng? Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu người thiện nam thiện nữ, đối trong kinh nầy cho đến thọ trì bốn câu kệ vì người khác giảng nói, phước đức nầy nhiều hơn phước đức trước" (KCGL; Tr.98). Ông làm ơn để ý điểm này, Phật học là một trong những đạo học, mà tất cả các đạo học đều không nói về luân lý, tâm lý, xã hội, hay bất cứ gì nơi điều kiện sống liên hệ đến con người nhưng chỉ giãi bày cảm nghiệm tu chứng. Nói theo Lục Tổ Huệ Năng là "Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật."
- Ông cứ lải nhải nhắc đi nhắc lại kiến tính, tu chứng, mà không đưa ra được bất cứ đường lối hay phương pháp phải thực hiện cách nào! Ông có giỏi nói cho mọi người biết ông đã kiến được gì, tu bao lâu, và chứng hay tật được những thứ chi!
- Lúc trước tôi đã nói, muốn kiến tính phải tu chứng, muốn tu chứng phải hàng phục tâm, muốn hàng phục tâm phải định tâm, muốn định tâm phải diệt dục, muốn diệt dục phải minh triết, muốn minh triết phải mở rộng tâm hồn để suy tư, muốn suy tư phải nhận biết thực thể sự vật để xóa vô minh. Nói cho gọn chỉ tu chứng mới kiến tính. Do đó, tất cả những điều kiện một người phải trải qua đều thuộc về hành trình tu chứng. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ được gọi là đốn ngộ không thể nói được.
- Tôi muốn hỏi ông tu đến đâu, ông chứng được chỗ nào, mà có thể nói lắm thứ vậy?
- Dạ tôi nghe, nhưng xin ông làm ơn khép cái mỏ lại dùm. Tôi đã nói từ lâu, ai chứng người ấy biết mà ông không thèm hiểu lại cứ để cái mỏ đi trước cái đầu. Vừa rồi, ông hỏi tôi phải thực hiện cách nào để kiến tính nên tôi mới nêu lên những điều kiện trong hành trình tu chứng. Ông không tu chứng thì có nói đến mấy cũng như cuội vì nếu chỉ cố gắng tìm hiểu thì cùng lắm được gọi là minh triết, mà người minh triết vô minh, kẻ vô minh minh triết thì chẳng hòng đạt tới cái quái gì cả.
- Tại sao ông không giải thích những điều kiện tu chứng.
- Nói vậy nghe được! Tuy nhiên, các ông muốn tôi nói ngược hay nói xuôi, nói tới hay lui, hoặc nhào nháo lộn tùng phèo, hay hỏi và trả lời?
- Sao ông bày ra lắm kiểu nói kỳ cục, đã ngược lại còn xuôi, thêm cả thứ lộn tùng phèo là thế nào? Chúng tôi chỉ muốn biết đối với hàng dân giả, thoạt tiên phải làm gì? Tại sao đã kiến tính thành Phật mà lại còn phải tu chứng?
- Kiến tính thành Phật tức là nhận chân được Phật tính nơi mình. Nói cách khác, nhận ra bổn lai diện mục của mình, nhận ra mình là Chân Như đang biến chuyển chứ không phải là mình vì chẳng có gì thực sự là mình nhưng tạm gọi là mình vì chẳng phải là mình.
- Hãy... khoan...! Tùy con đột nhiên lên giọng cải lương. Ông nói gì kỳ cục! Thế nào là "Tạm gọi là mình vì chẳng phải là mình?" Không có mình thì lấy mả thánh để tạm gọi là mình hay sao? Tất nhiên, ít nhất ý niệm nào đó phải có trong ý nghĩ mới có thể gọi được là gì vì nếu đã không có thì không thể nghĩ tới được. Như vậy, mình đã có vì đã có thể nghĩ tới một thực thể nào đó thì sao có thể nói chẳng có gì thực sự là mình?
Mọi người vỗ tay reo theo sau câu lý luận của Tùy con. Ít ra phải như thế. Không có mình lấy gì đặt vấn đề suy tư, tu chứng, và căn bản nào đòi kiến tính. Nếu tất cả chỉ là huyễn thì kiến tính cũng là huyễn bởi gốc của kiến tính tức là người suy nghĩ đã là huyễn. Mình cũng huyễn thì suy tư là lấy cái huyễn nghiệm những sự huyễn, tu chứng cũng là hành trình diễn tiến của huyễn tiếp nối chồng chất, và như vậy, sao cái thực có thể nẩy sinh từ cái huyễn.
- Nói vậy nghe được, Hưng lên giọng kẻ cả, vì ít nhất đã dám suy tư, dám đặt vấn đề để giải quyết vấn đề. Đây là hành trình minh triết. Ngôn từ tu chứng nhà Phật thường nhắc tới có, không, huyễn, thực, vô minh, minh triết, kể ra chẳng xiết. Tuy nhiên, các tác giả trước tác kinh sách dùng những văn từ này tùy thuộc ý niệm riêng không dựa trên bất cứ ý niệm căn bản nào vì vào những thời buổi đó chẳng có gì được gọi là mẫu mực ý niệm chung, không nói ngày xưa, ngay thời buổi bây giờ cũng thế, cho nên người đọc kinh sách kiếm đường tu chứng thường hay gặp phải những câu nói rắc rối quanh quẩn do ý nghĩa của mấy chữ có, không, huyễn, khiến sự suy tư và nhận định của họ bị đảo lộn lung tung tạo nên lòng chán nản. Theo thiển kiến qua kinh nghiệm hiểu biết và cảm nghiệm đọc kinh sách nhà Phật, chữ hoặc lời "có" mang nghĩa thấy được bằng mắt. Chữ "không" mang nghĩa không thấy được bằng mắt. Chữ "huyễn" có nghĩa chóng qua. Thường thì tùy theo từng cuốn sách mấy chữ này được hiểu thêm về tính chất hữu hình và vô hình ám định một cách nào đó theo ý tác giả. Chúng ta có thể nhận định như thế này, có những "cái có" hữu hình và cũng có những "cái có" vô hình. Không nhìn thấy chưa chắc đã không có mà có những "cái không" hữu hình đồng thời cũng có những "cái không" vô hình. Thêm vào đó, huyễn là những thoáng qua dù vô hình hay hữu hình, có thể là vật chất, có thể là ý nghĩ.
- Tại sao đã không lại còn không hữu hình và không vô hình?
- Cái có thể nhìn thấy bằng mắt, rờ bằng tay, nhưng được gọi là không vì đối với quan niệm nhà Phật, cái có, cái thực là cái trường cửu. Thế nên, cái có giai đoạn, hữu hình bây giờ mà một triệu năm sau không ai biết đến nữa vẫn là không. Đọc kinh sách nhà Phật cần để ý điểm này, vì bình thường, chúng ta chỉ nhắc tới cái không, cái có giai đoạn, được gọi là huyễn theo nhà Phật mà quên rằng bất cứ gì không trường cửu đều bị nhà Phật gọi là không, cái không khi tận cùng. Và như vậy, bất cứ gì cũng là không, không nhìn thấy cũng không, nhìn thấy cũng không. Chả thế mà trong kinh Kim Cang có những câu, "Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng. Vì sao? Vì lìa tất cả tướng giả tức gọi là chư Phật" (KCGL; Tr.120); "Phật nói Bát Nhã Ba La Mật tức không phải Bát Nhã Ba La Mật, ấy gọi là Bát Nhã Ba La Mật" (KCGL; Tr.109); "Như Lai Nói 32 tướng tức không phải 32 tướng, ấy gọi là 32 tướng" (KCGL; Tr.110). Đàng khác, dẫu nhà Phật cho rằng tất cả sự vật, ý niệm đều là không nhưng lại cũng là có vì "cái có" ở đây mang nghĩa đó là những biến chuyển của Chân Như, chẳng khác gì những ngọn sóng nơi đại đương. Bảo rằng có ngọn sóng thì vừa mới nói xong, nó đã biến chuyển khác trước; bảo rằng không có sóng, cứ leo lên ghe chạy ra biển trong cơn giông bão sẽ biết ngay. Quý vị đã bị lộn tùng phèo cái đầu chưa? Coi chừng kẻo chân lên đàng đầu và đầu xuống dưới chân với chỉ hai chữ có và không nơi cửa Phật. Vì vậy, không và có nơi Phật học mang nghĩa như nhau. Một sự vật bảo có cũng đúng, bảo không cũng đúng nhưng đúng theo ý niệm nào. Cũng một chữ đúng nhưng chia ra hai nhận thức nơi hai môi trường ý niệm đối nghịch lẫn nhau.
- Ông nói như thế một sự vật hay ý niệm có thể hiểu bốn trường hợp, hai đúng, hai sai?
- Không những bốn trường hợp mà nhiều hơn bốn nữa.
- Tại sao hơn bốn trường hợp?
- Còn có ý niệm thì còn phát sinh trường hợp. Thí dụ, có, không, đúng, sai, phải, trái, giả, thực, từng cặp đối nghịch và mỗi cặp lại đi kèm với lẽ đúng sai. Chẳng hạn chai bia hoặc ý niệm về chai bia, bảo có cũng đúng, không có cũng đúng; có cũng sai, không có cũng sai; thực cũng đúng, giả cũng đúng; thực cũng sai, giả cũng sai. Thế nào cũng đúng và cũng sai tùy ý niệm của người nói.
- Nếu vậy thà đừng có ý niệm nữa thì chẳng gì phát sanh.
- Đây là lý do tại sao gọi là huyễn. Lẽ đúng, sai, thực, giả, có, không, được phát sanh từ ý niệm nên nếu không có ý niệm thì lại chẳng có gì được nói đến. Gốc nhận thức cần được để ý vì nó phát sinh từ tính chất này.
- Vậy nếu không có mình sao có ý niệm? Và như thế, phải có mình mới có huyễn.
- Ông lạc vào mê hồn trận có không của nhà Phật rồi. Nếu đặt vấn đề có mình hay không có mình thì ông trở lại điểm khởi đầu, vòng luẩn quẩn có không của ý niệm, mà đã có ý niệm tức lại phát sanh.
- Thì phải có mình mới có ý niệm và ý niệm là một thực thể nên mình mới có thể nghĩ tới được. Nếu không có ý niệm sao ông có thể nghĩ tới nó?
- Tôi vừa mới nói ông lạc vào mê hồn trận có không lại vẫn cứ gân cổ ra mà lý luận. Tôi chỉ hỏi ông, những con sóng trên mặt biển có hay không? Nói có cũng đúng và cũng sai, nói không cũng đúng và cũng sai thì ông nói làm sao? Cãi đi, chứng minh coi; đâu phải cứ to miệng mà không có sóng, hoặc có sóng. Nó vậy đó, luẩn quẩn với lẽ có, không nào được ích gì!
- Thì con sóng phát sinh bởi sự luân chuyển của nước hòa hợp với áp lực gió thổi nên được hiện ra và vì thế gọi là có. Con sóng có trong giai đoạn theo những điều kiện thiên nhiên bởi vậy được gọi là có.
- Ông vừa nói con sóng có trong giai đoạn. Biển thì vẫn là biển. Khi nước luân chuyển tùy theo hấp lực của mặt trăng cộng hưởng với áp lực của gió tạo thành sóng. Sự kiện này nói lên những ngọn sóng được tạo thành bởi nước biển và những điều kiện phụ thuộc. Như vậy, nước là gốc của những ngọn sóng. Sự luân chuyển của nước và áp lực gió là những điều kiện. Hãy lấy biển và sóng làm thí dụ điển hình để diễn giải quan điểm nhà Phật. Tất cả mọi sự kiện, sự việc, dù ý niệm hay bất cứ vật gì đều phát sinh từ Chân Như. Chân Như là cội nguồn phát sinh mọi sự kiện hữu hình và vô hình chẳng khác gì biển là gốc của mọi con sóng. Vì mọi sự kiện được phát sinh từ Chân Như chỉ trong giai đoạn ngắn hạn hoặc dài hạn do đó được gọi là huyễn. Đó là những cái có trong giai đoạn mà xét theo thực thể Chân Như, chúng là không như những ngọn sóng so với biển. Thế nên, ngọn sóng được coi là có giai đoạn hữu hình đồng thời cũng được coi là không vô hình trong diễn trình trường cửu của Chân Như.
- Tại sao bỗng nhiên ông lại bày ra Chân Như trong khi đang nói về có không của sóng biển. Lại còn thêm vào hữu hình và vô hình. Chỉ hai tiếng có, không chưa đủ rắc rối sao?
- Chân Như hay Chân Không là ý niệm nhà Phật dùng để chỉ cội nguồn của mọi sự hiện hữu hữu hình và vô hình. Vì không có cách nào để ám chỉ nên tạm gọi là Chân Như hay Chân Không. Tôi muốn dùng ngôn từ Cội Nguồn Hiện Hữu nhưng e chỉ vẽ rắn thêm chân nên tạm dùng ngôn từ nhà Phật để nói. Đồng thời, các ông cũng thấy, cái bàn, cái ghế, chai bia, cũng như thân xác con người là vật thể hữu hình. Ý tưởng, ý niệm, không khí, tất cả những gì không thấy được bằng mắt nhưng chúng ta có thể biết hoặc nhận định được tạm gọi là hiện hữu vô hình. Như vậy, gốc của mọi sự vật, sự kiện hữu hình và vô hình là Chân Như. Gốc của cái có là cái không.
- Nếu ông đã dùng hiện hữu hữu hình và hiện hữu vô hình thì dùng luôn cho dễ phân biệt, việc chi lại bới bèo ra bọ, chêm nếm gốc của cái có là cái không.
- Nói như thế mới ra vẻ Phật học.
- Không cần biết vẽ hay sơn, chúng tôi chỉ cần biết cách nào, và dựa trên nguyên tắc nào để tu chứng đạt tới kiến tính như ông đã nói. Làm ơn dẹp cái hình thức dổm cho đỡ rắc rối.
- Ông đề nghị như thế nghe được. Xin các ông làm ơn nhớ cho mấy tiếng căn bản này là Chân Như hay Chân Không có nghĩa cội nguồn hiện hữu dù vô hình hay hữu hình, và cũng được gọi là Quyền Lực Hiện Hữu, hoặc Thực Tại Siêu Việt, tương đồng với những danh hiệu Tạo Hóa, Hóa Công, hoặc bất cứ ngôn ngữ ám định nào khác để chỉ về cội nguồn hay quyền lực tối cao phát sinh mọi sự. Sự vật, sự kiện tạm chia ra hai phần, hữu hình và vô hình, để dễ nói chuyện.
- Chân không là khoảng không gian không có không khí, không có gì hết.
- Đấy là danh từ vật lý mang ý nghĩa vật chất. Thì thôi, không dùng tiếng chân không nữa, nhưng nếu nghe nói đến nó trong ngôn từ nhà Phật thì quý ông làm ơn hiểu cho đó là Chân Như, Cái Không chân thực, Quyền Lực Hiện Hữu tối cao.
- Qua cầu, bây giờ tiếp tục với Chân Như.
- Tạm gọi Chân Như là Quyền Lực Hiện Hữu vì tất cả mọi sự dù hữu hình hay vô hình, dù được hiện hữu trong bất cứ giai đoạn nào, mang sự hiện hữu, đều phải có quyền lực này. Không có quyền lực hiện hữu ngự trị sẽ không có sự hiện hữu. Quý ông chấp nhận được không?
- Xin thưa chấp nhận. Bất chợt mọi người đồng loạt lấy giọng thưa bẩm chẳng khác gì trẻ em lớp mẫu giáo. Họ là thế, có những cái mỏ bán trời không văn tự lúc rượu bia phát biểu, và đôi khi thái độ giả bộ đơn sơ như trẻ em để diễu giúp bầu khí bớt căng thẳng trong những trường hợp có chuyện rắc rối xảy ra. Có điều, bởi năng gặp gỡ ăn nhậu, bàn luận, điểm chung nơi họ là tấm lòng không xét nét, chấp nhất, mà biết mở rộng tâm hồn tìm hiểu.
- Cái bàn, chiếc ghế, chai bia là sự vật hữu hình tất nhiên hàm chứa hay được hiện hữu bởi quyền lực hiện hữu thể hiện thành hữu hình. Quyền lực hiện hữu hữu hình và vô hình ẩn tàng nơi con người. Thân xác hữu hình. ý nghĩ, ý định, ước muốn, ước mơ vô hình. Con người còn có thêm quyền lực sáng tạo, biến ý định, ý nghĩ từ vô hình thành hữu hình. Từ nhận thức này, nhà Phật nói "Tâm sinh vật và vật sinh tâm." Như vậy con người, các vật chung quanh, không khí, cây cối là hiện thể của Chân Như. Quyền Lực Hiện Hữu. Tóm lại tất cả vật thể, sự kiện là những biến thể của Chân Như, của Quyền Lực Hiện Hữu.
Chiêu ngụm bia thấm giọng, Hưng tiếp,
- Đây là gốc gác Phật học. Tu chứng là hành trình đạt đến nhận thức này. Kiến tính là thời điểm thực sự đạt đến trạng thái này. Bởi thế, Phật học quan niệm mình không phải là mình mà chính là Chân Như hiện thể trong diễn trình biến chuyển. Nói cách khác, tất cả mọi sự, mọi vật, mọi ý niệm, ước muốn, toan tính chỉ là những biến chuyển của Quyền Lực Hiện Hữu liên tục. Đó cũng là lý do tại sao nhà Phật có những câu nói khó hiểu, chẳng hạn, "Nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp" (KCGL; Tr.70). Tất cả các sự kiện, sự vật được nhà Phật gọi là pháp, và pháp là hiện thể của Chân Như nên Phật pháp không phải là Phật pháp mà chính lại là Chân Như.
- Như vậy, nếu tất cả là Chân Như trong diễn trình hiện thể theo từng giai đoạn thì đâu có chi là tội, đâu có chi là phúc, chẳng gì đúng, chẳng gì sai. Sao mà lôi thôi rắc rối, rồi nào Phật tính, nào kiến tính, nào niết bàn, nào luân hồi, nào chúng sanh, chúng tử lắm thứ vậy?
- Đó là lý do tại sao tôi chỉ nhấn mạnh tới kiến tính. Đạt Ma sư tổ đã nói thế; Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ nói thế. Những vấn đề biến chuyển thế nào của Chân Như, có, không, Phật pháp, bồ tát, tu chứng, niệm Phật, tụng kinh, sách vở, mọi sự chỉ luẩn quẩn trong cõi ta bà ý niệm mà thôi. Hơi ngập ngừng, Hưng tiếp, có điều, khi con người còn chưa nhận chân sự nhất nguyên giữa thực thể và hình tướng thì vẫn còn luẩn quẩn nơi cõi vô minh. Tất cả mọi sự hiện hữu dù vô hình hay hữu hình đều là tướng của thể. Không có tướng ngoài thể và chẳng có thể ngoài tướng. Nói cách khác, vạn pháp là hiện tướng của thực thể Chân Như; ngoài Chân Như không có pháp và ngoài vạn pháp không có Chân Như. Cũng có thể diễn giải rằng mọi sự hiện hữu đều chất chứa Cội Nguồn Hiện Hữu và ngoài Cội Nguồn Hiện Hữu tất nhiên không có gì hiện hữu. Như vậy, tất cả mọi sự biến chuyển của vạn vật chính là sự biến chuyển của Cội Nguồn Hiện Hữu. Nói theo nhà Phật, vạn pháp là sự biến chuyển của Chân Như và tất cả mọi hiện thể đều thuộc về thực thể cũng như biển và sóng chỉ là nước. Sóng là hình tướng; biển cũng là hình tướng giống như vạn pháp, cả hai đều thuộc về hình tướng mà Chân Như là nước. Ngoài nước, không có gì là sóng, chẳng có gì là biển. Bởi vậy, ngoài Chân Như không có vạn pháp mà nếu đã nhận ra vạn pháp lại cần được nhận ra gốc của vạn pháp chính là Chân Như. Tôi chỉ có thể nói được như thế và cũng biết rõ, càng nói thêm càng chẳng nói được gì. Ai có tai thì nghe (Mt. 11:15), ai hiểu sao thì hiểu. Nhưng thực sự, hiểu cũng vô ích vì hiểu biết chẳng giúp ích gì cho hành trình kiến tính; vấn đề chỉ là tu chứng. Những ai không chịu tu chứng mà cứ đòi hiểu thì chẳng thể nào hiểu được, vì dù hiểu biết lợi ích của nước đến mấy, không uống vẫn còn khát, dù hiểu bia ngon ngọt đếu đâu, không uống chẳng thể say. Quả thật, nói với những người không tu chứng chẳng khác gì dạy kẻ yếu đánh vật hoặc bàn luận với kẻ vô minh, sẽ bị họ khinh dể nét tinh tế của lời mình nói (Cn. 23:9). Giọng Hưng trầm buồn, nhỏ dần mang đầy vẻ thao thức tạo nơi lòng người nghe nỗi khát khao đượm phần khắc khoải mông lung. Và thế là mọi người lại nhao nhao lên,
- Ông coi tụi tui ngu xuẩn đâu có được.
- Con nhà này được sinh ra trùng phải giờ vạ miệng.
- Nói vậy không được, quá láo lếu.
- Phạt, Sỹ nhà con oang oang đề nghị. Yêu cầu trưởng hội đồng trừng phạt diễn giả một cách đúng đắn vì dám khinh dễ mọi người.

* * *

Nơi bộ salông, cụ Tài im lặng theo dõi diễn tiến của nhóm nhậu. Cụ là anh bố của Hưng nên được mọi người gọi bằng bác. Là thứ hai nơi một gia đình mười người con mà thân sinh của Hưng đứng vào hàng thứ chín, ngày còn nhỏ, cụ được theo Nho học nhưng vì khoa bảng lận đận lại trúng vào thời kỳ đất nước nhiều biến đổi, chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Hán đồng thời quan niệm vật dục xâm lấn, chuyển biến lòng người khiến những ai còn chút liêm sỉ đều bị dồn vào cảnh bất đắc chí. Khom lưng luồn cúi hoặc mưu mô thủ đoạn tạo dựng danh vọng hay chạy theo tiền tài đã trở thành ngón đòn thù đập thẳng vô lòng ruột những tâm hồn được huấn luyện trong gương mẫu kẻ sĩ. Theo Hán học, tất nhiên những tư tưởng nho phong thấm nhuần đậm đà nơi cách ăn nết ở, chẳng những thế, cụ hâm mộ đạo học nên tha thiết kiếm tìm nơi sách vở về Phật, Lão, Trang, và sau này cụ có cơ may đọc về Ấn học và Kinh Thánh. Chính lòng say mê đạo học đã dẫn dắt cụ đến quyết định sống độc thân mặc dầu khi tới tuổi trưởng thành, quyết định này đã làm khổ cụ không ít nơi môi trường của một gia đình nho phong. Thế rồi thời buổi đẩy đưa, những tháng năm dài lính tráng sắp đặt cụ tới cương vị thiếu tá mấy năm trước khi hưu trí. Sỡ dĩ cụ lận đận trên đường quan hoạn cũng chỉ vì mối sĩ khí do nhận thức về đạo học đã ngăn cản lòng chiều theo bản chất bình thường của một con người khi đối diện với thế quyền và vật dục. Cũng chính vì vậy, những bạn lính hoặc sĩ quan đã gọi cụ là thày tu không chùa.

Dẫu cách sống bề ngoài tốt lành được hướng dẫn bởi một nội tâm công thẳng, và dẫu được người chung quanh nhận định có tâm hồn quang minh chính đại, nhưng tận đáy lòng, cụ Tài phải đối diện với những trận chiến giữa tâm linh và tham vọng thế tục nhiều khi khiến cụ muốn buông tay xuôi chiều hầu có cuộc sống vật chất và những giây phút thoải mái hơn. Nghe bạn bè kể lại những thành công, những hãnh diện đắc thắng trên trường đời do mưu mô, thủ đoạn như sự khôn ngoan thiên bẩm, cụ nhận ra mình đã sẵn dư thừa khả năng nếu không muốn nói có thể hơn để lập mưu chước thế tục, chẳng những đem lại lợi ích trên đường quan hoạn mà còn được thêm tiền tài, danh vọng, được mọi người kính nể, e sợ. Tuy nhiên, khi đối diện với lòng trong những giây phút nghiệm xét tâm linh, cảm nghĩ tựa lời nói vô hình vô sắc nào đó luôn luôn nhắn nhủ cụ xuôi chiều theo đường hướng thiện. Câu nói nơi Lão học, "Không làm gì nhưng không việc gì không làm" giữ một vai trò quan trọng điều hành mọi dự định cũng như đè bẹp muôn ham muốn nội tâm. Chữ "dục" nơi Phật học bao hàm hoàn toàn những phương diện ước ao hữu vi. Dù ý tốt lành cũng là dục vì đó chính là sự ham muốn. Đâu đó ý tưởng "Chẳng làm điều thiện thì không tạo điều ác" nhiều lần đã khiến cụ phải cố gắng dẹp cõi lòng sôi động thực hiện những việc được coi là tốt lành trong tầm tay, dành thời giờ đặt vấn đề hầu có nhận thức tiên kiến về hậu quả điều tốt mình muốn thực hiện. Chữ "Thời" nơi Dịch học mới ghê gớm làm sao! Một đàng Dịch học nêu lên người lãnh đạo phải xử lý cho có đạo đức, dùng phương thức chính trị giải quyết vấn đề nhưng phải có thời. Đàng khác, tạo thời lại chính là chạy theo thị dục nên đã chắc gì tạo thời là điều tốt cho sức sống tâm linh! Hơn nữa, có ở trong chăn mới biết chăn có rận; đã chắc gì những điều mình mơ ước đem lại lợi ích cho giá trị cuộc đời, và nào ai biết hành trình thức ngộ của mình phải trải qua những trường hợp nào, bài học nào cần thiết, bài học nào chỉ là kết quả chạy theo thị dục! Bởi vậy, đã nhiều lần cụ tự nhủ, nếu mình được sinh ra để hoàn thành phận sự nào hầu đạt đến đẳng cấp chi trong hành trình tâm linh, tất nhiên, mọi sự việc đã được chuẩn bị sẵn đúng thời điểm dẫn mình bước tới. Không nhận thức được điều này, chẳng thể am tường câu nói "Không làm gì nhưng không việc gì không làm." Sự việc đáng lý sẽ xảy đến theo lẽ phải xảy ra, cung ứng cơ hội thăng tiến mà mình cố tình xía vô theo ý muốn, vô tình làm trệch dữ kiện, chắc chắn chỉ kéo dài diễn trình cơ hội phát triển tâm linh của mình. Thế nên, tưởng là hay lại hóa nên dở, tưởng là thi thố tài năng, thực hiện điều tốt nơi lối nhìn hạn hẹp, sản phẩm của lòng ham muốn thế tục lại trở thành sự ngăn cản việc phải xảy đến đúng thời đúng lúc. Có thể nói, cụ tự nhủ, coi chừng lòng tốt con đẻ của vô minh là nguồn gốc tạo nên muôn vàn sự khốn khó cho con người. Phỏng chữ dục nơi nhà Phật chỉ về ý muốn được gọi tốt lành đã trở thành vị kỷ. Thế nên, chẳng lạ gì có câu nói, "Bất cứ ai không nhận thức được sự việc mình làm chỉ là cho chính mình, mà chỉ cho rằng làm việc cho người khác, hoặc mang lợi ích cho người khác, hay kiến tạo cơ hội cho người khác, kẻ đó tất nhiên là người bất hạnh, đáng bị chán ghét, và cô độc" (Robert Baldick). Khổ nỗi, càng nhận ra những náo động thực hiện cho chính mình thì lại càng nhận thức rõ đang chạy theo thị dục. Phỏng mấy ai ngờ, cái tĩnh là gốc cái động, và cái tĩnh cũng là sự khôn ngoan ngăn cản những cái động thị dục.
 
Thời điểm này, cụ đã tám mươi bảy tuổi. Hơn hai mươi năm trước lúc đất nước đổi chế độ, một người bạn trung tá an ninh vì hiểu biết tấm lòng vô cầu nơi cụ, nên mấy hôm trước ngày ba mươi tháng tư đã nói dối muốn bàn thảo chuyện cần khi cụ và Hưng, thời đó đã mười sáu tuổi, đang đi dạo vào buổi chiều, dàn xếp cho cả hai bác cháu lên chuyến bay rời bỏ quê hương cùng với gia đình ông ta. Qua mười năm sống trên đất nước người, Hưng đã lấy xong cấp bằng Master xã hội học, cũng một tay cụ lo vợ cho cháu đồng thời một già và đôi vợ chồng trẻ tiếp tục từ ngày đó ở chung cho tới nay. Hưng đã được bốn cháu, hai trai, hai gái, chán cảnh "sáng cắp ô đi tối cắp về" đem thân làm thuê nơi văn phòng như một thông lệ buồn tẻ; hơn nữa, qua gần hơn mười năm làm việc, vợ chồng Hưng do tằn tiện đã để dành được số vốn kha khá, lại nhờ bác có tiền già, chia sẻ điện nước nên Hưng quyết định làm ghe đánh tôm, nửa mùa vật lộn với sóng nước ngoài khơi, nửa mùa thảnh thơi cùng thú điền viên, quanh quẩn vùng sông ngòi hưởng niềm vui câu cá để có nhiều giờ gần gũi dạy dỗ con cái. Nhờ trời, mới hai năm làm ghe, anh đã sắm được căn nhà năm phòng ngủ, không sang lắm nhưng thoải mái vì không phải vay công, mượn nợ. Dĩ nhiên, làm nghề "đâm Hà Bá" thì tôm cá không bao giờ thiếu; do đó, món nhậu đã sẵn, bia bung, rượu chè cũng chẳng đáng là bao, nên Hưng thường mời bạn bè tới nhậu, ít nhất cũng hai tuần một lần. Chị Hưng có lần tỏ vẻ khó chịu vì e ngại con cái học đòi sau này sinh hư, nhưng Hưng lý luận có khách khứa tới lui, mình có cơ hội tập tành cho con cái biết đối xử lễ độ với kẻ trên, người dưới. Vấn đề trẻ hư hay không tùy thuộc sự giáo dục của bố mẹ.

Lòng cụ Tài tương đối thanh thản; mặc dầu có tuổi, nhờ trời cụ vẫn khỏe mạnh nên đôi khi đi ghe với Hưng để thay đổi không khí, và thường hay dẫn các cháu đi câu vào buổi chiều tránh cơ hội chúng đua đòi với những bạn bè chẳng nên cùng lứa. Nhiều lần hai bác cháu bàn luận chuyện đời rất tương đắc. Bác thâm nho, cháu là người được ăn học nên dễ am hiểu và cảm thông, kiến tạo đôi tâm hồn rộng mở chấp nhận cuộc đời; lâu dần, nhận thức đạo học được đem ra chia sẻ. Cụ Tài đã để ý theo dõi và thăm dò tâm thức người cháu độc nhất này, nhưng năm tháng dần trôi, mãi hai năm trước đây, Hưng mới có thể đạt được phần nào lối nhìn về thực thể sự vật. Thế rồi, bỗng một hôm tháng trước, Hưng ôm về cả chồng sách nhà Phật, lại nhân mùa lạnh rảnh rỗi công việc, anh chúi mũi đọc nhiều khi quên ngủ. Cụ Tài cảm thấy hơi lạ, mặc dầu để ý nhưng vẫn âm thầm theo dõi.

Đã nhiều lần cụ được mời tham dự những bữa nhậu của giới thanh niên xồn xồn này tại nhà Hưng; tuy nhiên, dẫu được mọi người cảm mến và tôn trọng, cụ chỉ ngồi ăn uống với họ chừng nửa giờ, đến khi các tướng đã bắt đầu thấm hơi men, cụ lặng lẽ rút lui về phòng ngủ. Thực ra, cụ nghĩ, dẫu mình không chấp nhất hoặc cảm thấy phiền hà vì những lời nói vô tình của nhóm "người trẻ" thuộc hàng con cháu bởi thái độ của họ đối với cụ rất lịch sự, nhưng sự hiện diện của mình có thể khiến họ phải giữ kẽ từng lời ăn tiếng nói tạo nên thái độ mất tự nhiên, lâu dần ảnh hưởng, sẽ biến họ thành những con người không dám sống chân thật. Đàng khác, kiến thức của những người trẻ này được đào luyện để hội nhập và làm việc nơi một xã hội tiên tiến nặng phần kỹ thuật, tuy chất chứa nhiều yếu tố phổ thông, nhưng dẫu sao, sự nhận thức vẫn bị lệ thuộc nguyên tắc đối đãi nhị nguyên, hoặc là đúng, hoặc là sai, hợp hay không hợp, hãy còn quá xa vời với nhận thức đạo học khiến cụ khó bề nói chuyện theo chiều hướng nhận chân thực thể cuộc đời hầu mong giúp họ thêm phần ý thức tâm linh. Lắm khi cụ nghĩ, dẫu muốn giúp họ mà chưa tới thời điểm cho họ thức ngộ, có thể chỉ làm họ thêm phiền. Hơn nữa, còn muốn làm điều gì vẫn chỉ chạy theo thị dục, cụ âm thầm tự nhủ hầu an lòng chờ đợi.

Và dịp may đã đến, đồng thời cụ nhận ra nguyên nhân Hưng chăm chỉ đọc sách mấy tuần nay. Tuy nhiên, cụ kiên nhẫn theo dõi và lắng nghe những điều Hưng trình bày về nhận thức Phật học. Đã đôi lần cụ định lên tiếng xen vô nhưng cố dằn lòng mỗi khi Hưng dồn khán thính giả vào đường cùng do dùng những câu nói của mấy vị tổ thiền. Đồng ý rằng những câu nói này là những công án nhà Phật, tự mang năng lực khuyến khích sự thức ngộ tâm linh hoặc công phá màn chắn vô minh bao trùm nhận thức con người, tuy nhiên, luận đàm cách ấy, chỉ những ai có tâm thức đã đạt đến trình độ nào đó mới có thể chấp nhận hoặc nhận thức nổi. Hưng còn quá hăng hái và ngay thẳng, còn muốn soi sáng cho những đầu óc đã bị ảnh hưởng quá nặng nề chiều hướng hoặc lối nhìn thế tục. Tham vọng chọc thủng màn tối vô minh của con người dẫu sao cũng chỉ là thị dục, và như vậy, còn mang nặng ý hướng được coi là tốt lành mong muốn khai tâm người khác nên đã tự động tạo thành phản ứng bất lợi; còn muốn làm điều thiện theo nhãn quan thế tục thì vẫn còn tạo điều ác cho chính mình mà thôi. Hưng cố gắng cho trẻ sơ sinh ăn tái bò thay vì cho chúng uống sữa, chẳng những hại cho chúng mà lại khốn khổ cho mình do sự áp dụng hoàn toàn đối nghịch với câu Kinh Thánh, "Của thánh đừng cho chó." Hơn nữa, sự diễn giải quá ngắn gọn do dùng những công án nhà Phật, phần nào đó, đòi hỏi người nghe phải có ý nghĩ và nhận thức tương đương với mình. Hưng phạm ngay vào lỗi lầm căn bản ít người để ý, và đó là người ta chỉ bị khốn khổ bởi lòng thành thực hiện những việc tốt lành, và như vậy vẫn còn chạy theo thị dục.
 

MBVN 03
 
Thực ra, chỉ cần đôi phút nhận thức, câu Kinh Thánh được nhắc lại từ cửa miệng Hưng bày tỏ nỗi ăn năn minh chứng sự nhận thức đến với anh một cách bất ngờ sau khi đã tốn công sức giải thích Phật học. Tuy nhiên, thực tại lại ngược ngạo, nào ai đạt được tiềm lực nhận thức này khi chợt nghe câu nói mang đầy vẻ khinh bỉ của người đối diện. Mấy công án nhà Phật đòi hỏi căn bản thức ngộ và nếu ai không đủ trình độ sẽ bị đảo lộn tâm tư không biết đường hướng nào làm căn bản nhận định, không thể hiểu điều gì muốn được nói, và cùng lắm chỉ khiến người nghe cho rằng diễn giả nói cuồng hoặc cố tình lòe thiên hạ. Đàng này, lời Kinh Thánh mới thoạt nghe đượm vẻ khinh thị đối với những tâm hồn thiếu ý thức tâm linh. Lời nói chẳng khác chi đem vũng bùn khổng lồ tạt vào mặt người nghe, bắt phải câm miệng, và lại mang tính chất coi kẻ đối diện thuộc thành phần đốn mạt đáng bị chặn họng không cho phép nói, dù lời nói thuộc loại nào!

Cụ Tài đằng hắng hơi lớn cố tình gây sự chú ý của mọi người, đoạn đứng dậy, từng bước chậm rãi tiến đến đầu bàn đối nghịch với vị trí Hưng đang ngồi.
- Xin phép anh em cho tôi được chen vào câu chuyện. Giọng cụ nhẹ nhàng đượm vẻ nghiêm trọng khiến ai nấy nhận ra có điều gì bất thường.
Đã nhiều lần ngồi đồng bàn, nào ai lạ gì cụ Tài, tuy cao tuổi trời nhưng thái độ đối xử với những người hậu bối luôn luôn nhã nhặn, thông cảm, nếu không muốn nói là am hiểu. Trong những lúc nhậu, đôi khi người nào đó vô tình nói câu quá trớn cụ cũng không chấp nhất, chẳng bao giờ tỏ vẻ khó chịu mà chỉ nhẹ nhàng đưa ra lời giải thích mang ý nghĩa nhắc khéo mọi người tránh sự xét xử khắt khe trong mọi trường hợp vì đã chắc gì những điều không lọt tai luôn luôn mang tính chất không nên, ngược lại coi chừng chính là cơ hội giúp kẻ nghe mở rộng lòng nhìn lại chính mình. Nếu vội xét đoán, tâm trí sẽ bị đóng khung, gò bó trước khi suy nghĩ, và như vậy, đương nhiên đã bỏ lỡ cơ may thăng tiến nhận thức.

Lúc này, một người già cả được ai nấy tôn trọng bao lâu nay lên tiếng xin phép làm họ ngỡ ngàng dẫu hơi men đã đến lúc có tác dụng ảnh hưởng.
- Vâng, vâng, mời bác. Bác dùng tiếng xin phép làm chúng cháu khó ăn khó nói quá. Sỹ nhà con nhanh miệng xí xóa, che lấp cõi lòng sôi động.
- Ngồi nơi salông nghe anh em bàn luận từ đầu tới giờ khiến tôi muốn có đôi ý kiến. Tuy nhiên, lời thật bao giờ cũng mất lòng; vì vậy, nếu anh em chấp thuận cho tôi nói với lòng chân thành và đồng thời chấp nhận nghe mà không xét đoán hoặc chấp nhất, tôi mới có thể nói được.
- Thưa bác, không sao, có bao giờ bác thấy tụi cháu phản đối lời bác nói đâu. Tình chen ngang.
- Anh Tình, hãy để tôi nói hết, cụ Tài đưa tay ra hiệu. Tôi nghĩ, những điều tôi sắp nói có thể đụng chạm mạnh đến tự ái của anh em mặc dầu tôi không có ý như thế. Thực ra, tôi chỉ muốn nói lên nhận định của một người già cả, có thể là lỗi thời, nên mong anh em rộng lòng hiểu cho.
- Vâng, vâng, mời bác; xưa nay chúng cháu hiểu bác quá mà. Mời bác cứ nói, cháu sẵn sàng yêu cầu mọi người lên án phạt nếu người nào lộn xộn làm phiền đến bác.
- Ngoại trừ ông Thung đây, vì mới quen, tôi không được biết rõ mấy. Tuy nhiên, qua những lần nghe chuyện với anh em, tôi cảm phục ông có được một tâm hồn cởi mở và sự nhận thức sâu xa từ những thực tại nhỏ nhặt đang xảy ra nơi cuộc đời. Còn những anh em khác, chẳng hạn anh Hưng, có bằng master, ở Việt Nam người ta gọi là cao học. Anh Sỹ, dù con cái đông mà sang đến đây vẫn cố gắng lấy được bằng chuyên nghiệp hai năm đại học. Anh Phủ, kỹ sư điện ngông nghênh để khoảng trống chiếc răng sất ngạo đời. Đại khái anh em thuộc vào thành phần có học thức; tôi có lời cảm phục. Tuy nhiên, khi đề cập đến một tín ngưỡng tức là đụng vào chiều sâu tâm hồn, tư tưởng của con người, do đó anh em cần phải dùng những ngôn từ nghiêm chỉnh để đàm đạo hay trình bày. Những lời phát biểu của anh em dẫu rất chính xác về sự nhận thức thức ngộ, nhưng đối với những tâm hồn còn quá thiển cận bởi chưa thoát khỏi vòng vô minh, những điều chính đáng phát xuất từ cửa miệng anh em đã trở nên quá ư cao ngạo. Anh em nên nhớ; đối với những trẻ em mới sinh được một hai tháng chỉ nên cho chúng ăn sữa chứ không ai đem những món tái bò hay lòng heo hoặc vịt nấu chao, dẫu tuyệt vời đối với mình, mà ngược lại chỉ làm khốn khổ bộ lòng ruột những trẻ còn thơ ấu ấy. Thế nên, đối với những tâm hồn non nớt nơi hành trình thức ngộ tâm linh của đạo học, lời của các anh đã bị coi như thiếu tư cách, đã tự hạ nhân phẩm và được coi như không biết chút gì về tôn giáo, và còn có thể bị hiểu lầm là cố ý bài bác kinh sách hoặc khinh khi những người có niềm tin. Đồng ý với anh em, nhất là anh Hưng, anh em không bàn về Phật giáo mà là Phật học.
 
Chợt ngưng nói một chút và với giọng hơi đắn đo, cụ tiếp,
- Tôi xin lưu ý, như tôi vừa nhận định, các anh là những người tạm được gọi là có học. Tuy nhiên, đối với những kẻ thiếu hiểu biết, hoặc những người ỷ lại trong phương diện suy tư, những gì các anh bàn luận về Phật học sẽ rất dễ bị ngộ nhận thành sự chỉ trích tôn giáo. Khi ấy, một tai hại đáng tiếc sẽ ập tới, và việc nhỏ sẽ đẻ ra trái núi, lòng chân thành do nhận thức sáng suốt về đạo học hướng dẫn nhưng thiếu khôn ngoan về cách trình bày sẽ tạo nên muôn vàn phiền phức. Dẫu cụ Tài cố lấy giọng chậm rãi và nhẹ nhàng nhưng những lời nói phát xuất từ cửa miệng vẫn mang nặng vẻ nghiêm trọng khiến mọi người cảm thấy căng thẳng.
- Tôi không dám phủ nhận sự hiểu biết sâu rộng của anh Hưng về Phật học, đồng thời tôi cũng nhận rõ những điều anh trình bày lại quá xa lạ với Phật giáo nếu không muốn nói là hầu như chống nghịch với những sự thực hành cúng kiến hay nghi thức của các tôn giáo. Trên thực tế, điều này đúng với mọi đạo học và tôn giáo, vì đạo học trình bày về cảm nghiệm thức ngộ tâm linh trong khi tôn giáo chỉ là tổ chức thế tục được kiến tạo do lòng khao khát tâm linh của đại đa số quần chúng. Xét như thế, có thể nói, tôn giáo là tổ chức của con người mong muốn đạt tới sự thức ngộ hầu giải thoát khỏi màng lưới vô minh, mong chứng ngộ quyền lực siêu hình, quyền lực hiện hữu đang hoạt động nơi mình. Và như vậy, thực ra, nhiệm vụ của các tôn giáo chính thức phải là phương tiện dẫn dắt con người trên hành trình thức ngộ, giải thích cảm nghiệm thức ngộ, và trình bày diễn tiến thức ngộ.

- Tuy nhiên, ba nhiệm vụ chính này đã không được bất cứ tôn giáo nào nhắc tới mà có chăng, chỉ được nói đến nơi đạo học. Cũng có thể thời điểm thức ngộ tâm linh cho đại đa số quần chúng chưa tới; cũng có thể vì con người còn quá chìm sâu trong vô minh nên chưa muốn nhận biết về thức ngộ tâm linh; cũng có thể những người có bổn phận, chức vị nơi tôn giáo chưa đạt đến sự thức ngộ tâm linh nên vẫn còn bị luẩn quẩn nơi nghi thức, thực hành theo lý thuyết sùng bái và chỉ lo phát triển tổ chức tôn giáo. Có điều đáng buồn, không hiểu tại sao những bậc thức ngộ nơi các tôn giáo lại cứ âm thầm thinh lặng. Phỏng vì họ biết dẫu nói ra cũng không giúp ích gì bởi con người chưa đáng được nghe, hoặc vì những đầu óc con người trong tổ chức tôn giáo còn quá non nớt không đáng họ đếm xỉa tới, hoặc vì cảm nghiệm tâm linh khi được phát biểu sẽ có vẻ nghịch lại với tôn giáo nên họ tránh trở nên cớ vấp phạm cho mọi người, hoặc họ không muốn bị phiền hà vì sẽ bị đối diện với những lời kết án như sản phẩm từ những đầu óc thiển cận vô minh chăng.

- Điều tôi muốn nói là, cho dẫu sự hiểu biết cũng như thức ngộ của anh em đến thế nào chăng nữa, nếu có gì đáng bàn tới, xin anh em cứ nêu lên vì đây là quyền tối thượng của con người trong hành trình thức ngộ, nhưng xin anh em đặt vấn đề một cách thẳng thắn, nghiêm túc hơn. Nói thì nói thế, nhưng nếu đứng vào vai trò của anh Hưng, chính tôi cũng không biết phải ăn nói thế nào cho có vẻ nghiêm túc hơn; chỉ một điều chắc chắn tôi cảm nhận được, và đó là những phát biểu về thức ngộ tâm linh nơi Phật học qua những lời dạy của các tổ thiền nhà Phật đã từ lâu và cho đến bây giờ vẫn đối nghịch với tất cả những sự thực hành mọi tôn giáo, không riêng gì Phật giáo. Có lẽ, các nhà thức ngộ tâm linh cảm nghiệm rõ cảnh phiền toái của thực tại thị dục con người cũng như lời khôn ngoan răn dạy nơi Kinh Thánh anh Hưng vừa nhắc tới nên chấp nhận âm thầm nhìn những cảnh nhố nhăng mà đau lòng thương xót vì chuyện phải thế nên đành chấp nhận như thế, chẳng còn cách nào hơn. Thực ra lời Kinh Thánh và đặc biệt nơi Phúc Âm, có những câu khinh thị đầu óc u mê chạy theo thế tục không lý gì đến thực thể tâm linh nơi mình. Chẳng hạn nơi Matthêu có nói, "Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo kẻo chúng dày đạp mất và quay lại chúng cắn xé các ngươi" (Mt. 7:6). Phỏng các vị thức ngộ của các tôn giáo cũng vì thế mà đã tránh lên tiếng chăng!.. Ngừng một chút, cụ tiếp,
- Tôi rất thành tâm khi nói những lời này với ý định có tính cách báo động và đưa ra một cảnh giác thân tình. Thiển nghĩ chẳng nên nói hơn vì có nói gì thêm chăng nữa sẽ rờm tai anh em. Có điều, tôi mong anh em hiểu cho tôi. Tôi triệt để tôn trọng tín ngưỡng dù chưa bao giờ được vinh dự là một con chiên Công giáo hoặc là một Phật tử. Tôi vốn chỉ dám là một kẻ hết lòng trân quý tổ tiên, ông bà cha mẹ mình thôi. Cái vốn học và hiểu biết của tôi về đạo giáo còn quá kém cỏi. Nếu cho rằng tôi có được chút khả năng nào thì hoàn toàn ở lãnh vực tìm tòi và tự nhận thức mà thôi. Thực ra, nếu có thể nói thêm cho rõ, thì xin thưa với anh em, suốt từ sau 1954 đến 1975, tôi chưa hề có một cơ hội nào bén mảng đến khuôn viên Việt Nam Quốc Tự. Và tôi đã thực sự thấm thía buồn khi quan sát việc người ta rước Phật xuống đường! Tôi đã sống qua những thời buổi ấy, còn đang sống bây giờ và sẽ từ giã cõi đời trong phiền muộn nơi cái lốt "muỗi người" nhỏ bé khốn khổ của mình.

Cụ Tài nói một hơi, giọng chất chứa nỗi buồn man mác và thái độ tỏ rõ lòng chân tình. Ra hiệu cho Hưng lấy ly trà nơi chiếc bàn nhỏ, cụ chiêu ngụm trà cho thấm giọng đoạn tiếp,
- Anh em cũng cần phải để ý nếu không muốn nói là học khôn từ những thái độ nông nổi đó của đa số quần chúng. Thử hỏi, nơi thế giới Phật giáo rộng lớn ấy được bao nhiêu người thực hành tu chứng? Lẽ đương nhiên, đâu phải cứ tu chứng là đã thức ngộ; hơn nữa, cái bã quyền hành, tham vọng thế tục mang quyền lực ảnh hưởng con người kinh khủng như thế nào, chính nó được gọi là quỷ như trong Kinh Thánh đề cập tới; thế nên trong số ít ỏi những người tu chứng ấy, được bao nhiêu người thực sự thức ngộ! Thực trạng này chứng tỏ rõ ràng sự thiếu hiểu biết tâm linh hoặc tham vọng thế tục vẫn còn tràn lấp, che mờ tâm trí con người. Cũng có thể con người không được sinh ra để đạt tới thức ngộ vì còn bị nghiệp chướng nặng nề làm mù quáng, nói theo ngôn từ nhà Phật tức là vô minh.

- Nhưng tôi biết chắc chắn một điều đó là hầu hết mọi người chưa được nghe rao giảng, hoặc được trình bày rõ ràng phải thực hành tu chứng như thế nào. Sự thức ngộ không phải chỉ lòng thành mà có thể đạt tới nhưng cần thực tập. Sự thực tập tu chứng cũng giống như ăn uống, suy nghĩ; không ai có thể ăn dùm, uống dùm cho mình thì cũng không ai có thể suy nghĩ, nhận thức, và thực hành tu chứng cho mình. Không thế mà đức Đạt Ma sư tổ cũng như Lục Tổ Huệ Năng của nhà Phật đã có những lời nghe đến chói tai mà anh Hưng nhắc đi nhắc lại và đó chỉ là kiến tính mà thôi. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, ngay như trường hợp của tôi, đã bao năm dài kiếm tìm cho rõ hơn, sách vở không nói, những vị thuyết giảng Phật học cũng chỉ giải nghĩa, hoặc phân tích kinh sách theo phương diện nhận thức chứ không ai nói lên được phương pháp thực tiễn nào để định tâm trong hành trình tu chứng. Có thực nghiệm tu chứng mới thấy, nếu không biết cách định tâm, con đường tu chứng sẽ trở thành vô tưởng. Người ta rao giảng về thiền, về các thế ngồi, về những mức độ đạt tới nhưng chúng chỉ là sự thực hành bên ngoài khó áp dụng cho đại đa số quần chúng. Hơn nữa, ngồi kiết già, hoa mai mà trí óc, tâm tưởng suy nghĩ lung tung thì hoàn toàn vô ích và còn có thể trở nên phương tiện cho những kẻ lười lĩnh dùng cửa Phật để ăn bám, tiêu phí cuộc đời một cách nhàm chán; chính tâm trạng này tạo nơi lòng dạ kẻ lạm dụng mặc cảm tội lỗi. Bởi thế, Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn đã nói rằng "Không biết tự tâm thì học đạo vô ích." (GLTH; Tr.170). Đây cũng là lý do tại sao Lục Tổ Huệ Năng khuyến cáo mọi người phải chấp lao tác vụ và thực hành thiền trong công việc. Ngài nói, "Ngồi xếp bằng tròn mà như cái cây khô, thì có ích gì đâu!" (GLTH; Tr.183)… Cụ Tài ngừng nói, chiêu ngụm trà.

- Thưa bác, Tùy con vội lên tiếng, Kinh Thánh là lời Chúa sao lúc nãy bác nói khinh thị con người?
- Bàn luận khơi khơi về đạo học thì dễ mà đâu được ích chi! Vào thời điểm nào đó, nếu có ai trong anh em thăng tiến được một chút nơi hành trình tâm linh, anh em sẽ thấy rõ, sự thức ngộ tâm linh nung đốt con người tạo thành lòng xót thương đối với những ai còn đang mê mãi nơi cõi vô minh. Chẳng thế mà đức Thích Ca đã ví sự mê muội của vô minh giống như cảnh cháy nhà, con người cần gấp rút thoát ra ư! Tuy nhiên, nếu xét theo phương diện giáo hóa, chớ dạy người ta những điều thái quá hay bất cập. Nếu dạy người những điều thái quá thời người không thể tới nơi; nếu dạy người những điều bất cập thời người học không tiến bộ. Do đó, anh em nên nhớ một điều, vào thời điểm chập chững hành trình thức ngộ, nếu ai muốn chỉ dạy cho người, cần phải được nhập tâm chữ "Trung" trong Dịch học. Nếu chỉ dạy chẳng đúng thời, người thụ giáo chẳng vui nghe, mà công dạy cũng uổng (Chu Dịch I; Tr.153). Đàng khác, xét về phương diện tâm linh, những lời nói phát xuất từ cảm nghiệm như chọc vào lỗ tai kẻ nghe vì họ không thực nghiệm tu chứng nên không thể cảm nhận được. Thế nên chẳng trước thì sau, kẻ nào hung hăng theo kiểu ngựa non háu đá, khoe giấm khoe mẽ, chưa dầy công tu chứng đã vội tìm danh vọng thế tục qua danh hiệu tâm linh, chẳng sớm thì chầy sẽ bị lộ tẩy tham sân si. Nhân tiện, tôi cũng xin có lời khuyên anh em và đó là khi bàn luận về đạo học, chẳng nên dùng tự ái tôn giáo, bởi như anh em nhận thấy nơi thực tại, dẫu tôn giáo bắt nguồn từ lòng khát khao tâm linh của con người nhưng tôn giáo chỉ là tổ chức nhân sinh dùng lề luật, nghi thức phần nào đó giúp những tâm hồn còn quá thấp kém xa lánh lối sống nguy hại cho hành trình thăng tiến tâm linh.
Ngưng lại đôi phút dường như cố ý để người nghe có cơ hội thấm nhuần lời mình nói, cụ Tài tiếp,
- Anh em có thể nhận thấy rõ ràng nơi thực tế, dẫu tôn giáo là tổ chức phát sinh từ lòng khao khát tâm linh, nhưng vì áp dụng cho đại đa số quần chúng thiếu thực hành tu chứng, thiếu cơ hội hiểu biết về tâm linh, và thường không muốn bị bận tâm do phải đối diện với nhu cầu sinh sống phiền toái hằng ngày nên thường ỷ lại vào những lời giảng giải của những người có cuộc sống tu trì. Họ cứ tưởng rằng nghe giảng giải là biết hết mọi sự, hoặc hiểu được điều gì là mình đã đạt tới để rồi yên tâm đã được giải thoát hoặc cứu độ. Họ có kinh nghiệm sống, nhưng không bao giờ thử đặt vấn đề đem những kinh nghiệm ấy áp dụng vào hành trình thăng tiến tâm linh. Tôi muốn nêu lên một thí dụ điển hình, anh em đang uống bia, phỏng ai có thể dùng bất cứ ngôn từ hay thái độ hoặc cách nào để giải thích, trình bày cho tôi cảm nhận được thực sự bia ngon ngọt như thế nào không? Ai cũng hiểu rõ, dầu với bất cứ phương cách nào và cho dù thời gian kéo dài bao lâu, một người trong anh em cố gắng đem hết khả năng giải thích hoặc minh chứng thì tôi cũng không bao giờ có thể cảm nhận được miếng bia thực sự ra sao. Chỉ có một cách nhanh nhất, hoàn hảo nhất và thật đơn giản, đó là tôi nâng ly bia uống một ngụm. Ngoài ra, sự cảm nhận về ngụm bia nơi miệng của tôi không thể giống với cảm nhận của bất cứ anh em nào, và chỉ mình tôi biết. Tương tự như thế, sự thức ngộ trong hành trình tu chứng cũng vậy; không ai có thể truyền đạt cho ai, và dẫu có ai đó, với thiện ý, càng cố gắng diễn giải thì cũng chẳng thể nào giúp ích được cho ai mà chỉ càng không nói lên được gì. Tôi e rằng càng nói chỉ càng làm hại người mình muốn giúp mà thôi vì càng giải thích lại càng khiến người nghe lạc vào vòng phiền toái của ý niệm. Bởi vậy, nếu nhận xét kỹ càng, đạo học chính là ý thức dẫn tới minh triết cho người tu chứng. Ai chưa bao giờ thực hành tu chứng sẽ không thể nào cảm nghiệm được những công án nhà Phật, không thể nào hiểu được kinh điển vì công án chỉ là phương tiện các tổ thiền dùng để giúp môn sinh thức ngộ, và kinh điển giãi bày cảm nghiệm tu chứng.

Dẫu thái độ không biểu lộ chút nào mệt mỏi, cụ Tài lại ngưng nói, nhẹ khép đôi mắt chừng vài giây, hình như có điều gì khiến cụ suy nghĩ lung lắm, đoạn lên tiếng.
- Như vậy, muốn thăng tiến tâm linh tất nhiên phải tự mình tu chứng vì không tu chứng sẽ không cảm nghiệm được bất cứ điều gì. Tu chứng là phương pháp thực hành cảm nghiệm tâm linh cũng giống như hành động của con người khi đói ngồi trước các món ăn. Cho dù thực phẩm gồm các món sơn hào hải vị sắp xếp đầy bàn mà cứ ngồi nghe người nào đó giảng thuyết món này bổ béo ra sao; món kia giúp con tì con vị thế nào; món khác làm đẹp da, sáng mắt, bổ óc, bổ thận, thì dẫu nghe đến cả giờ, thực khách vẫn hoàn đói. Nếu kiên nhẫn ngồi nghe cả ngày, có lẽ những món ăn tuyệt vời đó chỉ còn nước đổ đi trong khi dạ dầy rỗng không. Nghe giảng thuyết cũng vậy, nếu không thực hành tu chứng thì dẫu cầu khẩn cách mấy cũng như không. Bởi vậy, vì không tu chứng nên không có cảm nghiệm, nhưng con người tự bẩm sinh luôn luôn thấy thao thức điều gì đó hầu khỏa lấp nỗi khát vọng tâm linh nên dễ chiều theo nghi thức cúng kiến, thờ phượng được gọi bằng ngôn từ đẹp đẽ thực hành tôn giáo. Lẽ đương nhiên, muốn có được mối an tâm do sự thực hành tôn giáo bằng những nghi thức lễ bái, thờ phượng, con người tìm cách kêu gọi sao cho có đông kẻ khác làm theo mình như một trắc nghiệm tâm lý chứng tỏ mình đã thực hiện được gì để thỏa mãn nỗi khát vọng tiềm ẩn này. Thế rồi, thay vì phát triển tâm linh, tham vọng phát triển tổ chức tôn giáo đem lại danh vọng, uy quyền, và muôn sự kèm theo nếu có, và như vậy, thực thể khao khát tâm linh nơi con người đã bị lạm dụng để cổ võ cho những tổ chức tôn giáo đề cao ước muốn giải thoát, cứu độ. Có điều, nếu ai dám suy nghĩ và đặt lại vấn đề sẽ nhận biết rõ ràng, càng ước muốn giải thoát hoặc cứu độ thì càng nhận ra chắc chắn chưa được giải thoát, chưa được cứu độ. Kinh nghiệm sống ai không biết, còn ước muốn khỏi đói bụng thì vẫn đói. Thực ra, con người biết kiếm thực phẩm để ăn khi đói mà vẫn chỉ ước muốn được giải thoát thay vì thực hiện hành trình sao cho đạt tới giải thoát. Nhưng khổ nỗi, nếu đã không biết hành trình thực hiện cách nào, không biết phương thức thực tiễn nào để thăng tiến tâm linh, sao con người dám yên lòng tin tưởng theo đuổi! Những lý thuyết, những sự giảng giải kinh điển không đem lại chứng minh cụ thể điều kinh điển ghi chép. Cũng có thể rằng thực thể tâm linh được nói đến trong kinh điển quá cao, cần cảm nghiệm tu chứng lâu ngày do đó khó ai lĩnh hội được. Cũng có thể chính diễn giả chưa đạt tới mức độ tâm linh thì cho dù luận lý hay giải thích cách mấy vẫn chỉ làm đình trệ trình độ minh triết kẻ nghe. Đã nhiều lần tôi suy nghĩ, đâu phải vô lý kinh sách ghi chép những sự lạ lùng xảy đến như những minh chứng hùng hồn cho lời giảng của những vị sáng lập các xu hướng tâm linh; mà thường khi đọc đến những dữ kiện được ghi chép này, chúng ta đều có cảm nghĩ đó là những chuyện không tưởng hay phép lạ. Thế nên, cho rằng những sự kiện đó không tưởng hay phép lạ thì con người đã tự hạn chế ý định thử nơi mình. Lẽ đương nhiên, hạn chế ý định thử tức là hạn chế sự thực hành tu chứng. Ngừng lại một chút, cụ Tài kết thúc, đến đây, tôi nghĩ, tôi không còn gì để bày tỏ với anh em vì đã nói hết những điều cần phải nói. Tôi nhấn mạnh, đây là những điều tôi phải nói vì đã lỡ được nghe lóm anh em bàn luận mà thôi. Xin cảm ơn anh em đã cho tôi cơ hội tỏ rõ nỗi lòng của mình.

Nói đoạn, cụ Tài xoay người định dời gót. Tình chợt lên tiếng,
- Thưa bác, thế kinh sách nhà Phật nói về những gì sao mà nhiều đến thế, và mục đích của đạo học là gì nếu không phải là cứu nhân độ thế?
- Tôi nghĩ anh em bàn luận đã hơi lâu vì bây giờ đã là chín giờ, cụ đưa tay nhìn đồng hồ. Suốt từ năm giờ chiều, vị chi bốn tiếng bàn luận, hơn nữa, anh em còn phải ăn uống, có lẽ để lúc khác tôi trả lời vì câu hỏi bao hàm quá rộng rãi.
- Xin bác nói mấy phút nữa thôi, được nghe thêm chút nào hay chút ấy. Sỹ nhà con miệng năn nỉ lằng nhằng, kiểu của hắn xưa nay vẫn vậy, trong khi đứng dậy kéo ghế. Mời bác ngồi cho đỡ mỏi, ban thêm cho chúng cháu đôi lời.

Còn gì phấn khởi hơn gặp được người muốn tìm hiểu về tâm linh, cụ Tài cảm thấy nguồn hứng khởi chợt trào dâng. Bao ngày tháng chồng chất kiếm tìm và chiêm nghiệm về đạo học, cụ đã đối diện với nỗi cô độc tuyệt đối; đó là khó có người muốn nghe và có thể chấp nhận được những suy tư tâm linh. Giờ đây, ít nhất những lời nói trung thực từ cảm nghiệm tâm linh của những vị tổ thiền, hoặc từ những công án nhà Phật được Hưng nhắc lại như khởi điểm đã làm đảo lộn lối nhìn nhị nguyên tạo thành khao khát muốn tìm hiểu, một cách nào đó, mở rộng tâm hồn mấy người anh em này hầu chấp nhận mọi khía cạnh của vấn đề được nhận định thay vì thiên kiến.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.12.2017 14:05:18 bởi lamongthuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9