BẮP VÀNG BẮP BẠC- tác giả Lê Quốc Hùng

Tác giả Bài
Lê Quốc Hùng
  • Số bài : 14
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.02.2007
BẮP VÀNG BẮP BẠC- tác giả Lê Quốc Hùng - 24.01.2018 22:17:16
BẮP VÀNG BẮP BẠC
 
 
Ngảy ấy, ở Phong Khê có đôi bạn học cùng một lớp, ngồi chung một bàn, rất thân nhau. Một bạn họ Lương tên Thực, con nhà làm ruộng thích trồng cây. Bạn kia họ Kim tên Thương, con nhà buôn, ưa nhiều tiền bạc.
Một hôm hai bạn ngạc nhiên nghe thầy giáo kể:
-Phía Tây Nam kinh thành Phong Châu, trên bờ sông Đà có núi Ba Vì còn gọi là núi Tản Viên. Núi có ba chòm tựa cây đinh ba dựng ngược giữa trời. Một chòm thấp thoai thoải ra bờ sông Đà. Một chòm bên cao hơn. Chòm giữa vừa to vừa cao vút thắt cổ bồng. Trên có tán, dưới là cổ đá dựng đứng, choàng khăn mây trắng bay. Mỗi chòm một ngôi đền cổ có tuổi trên 4000 năm. Từ dưới lên có Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng. Người đời kể rằng Đền Thượng có Tiên ở nên gọi là Đền Thượng Tiên hay Đền Tiên. Ba đền đều thờ 501 vị Thần Núi có tên chung là Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh và 501 bà vợ các Thần đều có tên chung là công chúa Ngọc Hoa con gái của 18 đời các Vua Hùng nước Văn Lang xưa. Ta có thể kể Sơn Tinh Tản Viên Thánh đầu tiên là Hùng Út con trai thứ 100 của Lạc Long Quân – Âu Cơ theo cha xuống biển nhưng nhớ mẹ lại lên ngàn, có vợ là Mị Nương Ngọc Hoa Công Chúa con gái vua Hùng Quốc Đệ Nhất. Sơn Tinh Tản Viên Sơn Thánh cuối cùng là Nguyễn Tuấn còn gọi là Ngột Tuấn, Tuấn Tùng con bà Đinh Thị Hoa quê ở động Lăng Xương và mẹ nuôi là bà Ma Thị ở động Mường Ba Vì. Vợ của Ngài là công chúa Ngọc Hoa con gái vua Hùng Duệ Vương thứ 18. Sở dĩ như vậy là do thần tích Núi Tản đắp dày huyền thoại và Thánh Tản cũng đầu thai đời đời hiện thân. Đời vua Hùng nào cũng gả con gái có tên là Ngọc Hoa cho Thánh Tản bảo quốc Văn Lang của triều đại mình. Nếu các vua Hùng kế nhau hiện thân 18 đời thì công chúa Ngọc Hoa cũng vậy mà thôi. Nhờ có chiếc gậy đầu sinh đầu tử và quyển sách ước làm bảo bối mà gia đình Thánh Tản có phép tiên trường sinh bất tử trẻ mãi không già trên đỉnh chòm cao nhất. Trên ấy quanh năm là mùa xuân, có đền Tiên, giếng Tiên, vườn Tiên, cái gì cũng có, thỏa mãn mọi nhu cầu của cuộc sống thánh thiện. Chẳng hạn muốn có tiên thì có tiên. Muốn có tiền thì có tiền...Đất nước ngàn xưa thăng trầm, binh lửa,núi vàng biển ngọc mất mát nhiều, nhưng riêng Đền Tiên vẫn nguyên vẹn tinh hoa vật chất và tinh thần con Hồng cháu Lạc. Ai có đức tin và tài năng thì lên được Đền Tiên!
Thời ấy vừa trải qua nạn hồng thủy, nạn đói hoành hành, đời sống vô cùng khốn khổ. Ra trường đã lâu, Thực và Thương vẫn chưa thành đạt gì. Nhớ lời thầy xưa, hai bạn rủ nhau đi tìm Đền Tiên trên núi Ba Vì để cầu hạnh phúc, cứu khổ cứu nạn. Họ kiếm thẻ nhang vào miếu làng cúng Thành Hoàng thắp hương khấn vái, tung hai tiền chinh, một tiền sấp, một tiền ngửa, được quẻ. Rồi mỗi người đeo một bị gạo cốm, nhằm hướng Nam mà đi. Ngày trèo đèo lội suối. Đêm leo lên cây to ôm ngủ phòng thú dữ. Ngày ăn ba bữa sáng trưa chiều, mỗi bữa một hạt cốm. Không có nước suối uống thì liếm hạt sương trên ngọn cỏ. Khát thì bẻ cây chuối rừng nhai hít nước hoặc nhấm hạt giềng cay. Vắt bám thì nhổ nước bọt vào, nó lăn ra, cầm vứt đi. Muỗi đốt thì đập cành màng tang xua đuổi. Mỗi người đã ăn hết nửa bị gạo cốm vẫn chưa thấy núi Ba Vì. Đến một hôm mỗi bị đã hết hai phần ba, thì tới dòng sông trong xanh. Sừng sững đứng bên bờ trước mặt là một trái núi lớn ba chòm. Bác tiều phu cho biết đây là sông Đà núi Tản. Thực và Thương mừng như mở cờ trong bụng. Trả công cho bà lái đò hai bát cốm thì được sang ngang. Leo dốc một ngày họ tới Đền Hạ. Sau khi khấn vái cầu Ngài Thánh Tản và công chúa Ngọc Hoa, xin âm dương được thuận, họ rất vui, hỏi thăm ông Từ đền:
-Bẩm thầy!Chúng con muốn lên Đền Tiên thì đi như thế nào?
Ông Từ trố đôi mắt ngạc nhiên nói:
-Hai chàng định lên Đền Tiên hả? Thôi được! Thanh niên có chí khí! Cứ lối mòn này xuống suối leo đèo hai ngày đường thì tới Đền Trung. Lên đó cúng bái rồi hỏi thăm tiếp!
Họ càm ơn ông Từ rối rít rồi hăm hở lên đường. Khát nước họ chui vào hang đá, tìm vú nước hứng giọt cầm hơi. Mỗi người ăn hết 9 hạt cốm thì tới Đền Trung. Lối mòn vào đền rêu mọc xanh rì, trơn tuồn tuột. Sau khi khấn vái Thánh Tản và công chúa Ngọc Hoa, xin âm dương được quẻ thuận, họ lui ra hỏi thăm cụ Từ nẻo lên Đền Tiên. Cụ Từ râu tóc bạc phơ kinh ngạc nói:
-Ta nhậm chức từ đền tự ngày còn để chỏm, chưa thấy ai hỏi thăm lên Đền Tiên cả! Ta cũng chỉ nghe nói, chưa biết có Đền Tiên hay không? Có vài người leo núi hướng lên ngọn cao vút có tán kia nhưng chưa bao giờ thấy họ trở về qua lối này! Ta chúc hai chàng trai phiêu lưu thành công, khi về hãy qua đây cho lão mừng!
Họ cảm ơn lão Từ rồi ra đi. Ngày đầu còn lối mòn.  Ngày sau hết lối đi. Chốc chốc phải trèo lên ngọn cây cao để xác định mục tiêu Núi Tản. Vừa sang một cánh rừng rậm thì vang tiếng hổ gầm. Trông xung quanh chỗ nào cũng có cọp quắc mắt nhe nanh giơ vuốt vừa như chào lại như đe dọa. Thương ôm chặt lấy Thực, chân giẫm lên những sọ đầu lâu mà ngất xỉu. Thực đỡ bạn dậy, cõng đi tiếp. Lại tới cánh rừng già đầy rắn rết. Rắn lục xanh lăm le chĩa mỏ rợp cành. Hổ mang bạnh ngợp đất phun phì phì. Tất cả cũng như nạt nộ lại như đón mừng. Thương lại kêu rú lên khi giẫm phải những bộ xương trắng đã hóa thạch tự bao giờ. Thực lại dìu Thương vượt qua.
Thực bảo bạn :
-Cứ an tâm! Chết đã có số! Ta đã xin âm dương một miếu hai đền đều thuận. Ngài đã ưng nên hổ xà không hại ta đâu mà sợ!
Mối người ăn hết 9 hạt cốm thì tới cổ bồng núi Tản. Vách đá dựng ngược cao thăm thẳm. Trên đúng là cái tán tròn xoe như cái nấm lục khổng lồ ẩn hiện trong mây. Dưới chân cổ núi ngổn ngang những khối đá như bát trận đồ, như từ trên trời ném xuống, đè lên những bộ xương hóa thạch của những loài thủy tộc: cá sấu, thuồng luồng, giao long, cá kình, ốc biển... Thực nói:
-Thương ơi! Đây chính là bãi chiến trường Sơn Tinh đánh Thủy Tinh một thời tranh cướp vợ đó. Thật là khủng khiếp còn  lưu lại bãi tha ma giặc nước. Ngày ấy, nước biển dâng lên đến tận đây! Ghê quá!
Thương bồi hồi chưa hết lo sợ:
-Đúng ... vậy...Ngoài rừng cọp gầm, rừng rắn rết, nhiều bộ xương người,  chắc hẳn là bãi tha ma giặc Ân, Mũi Đỏ, Thục... cũng nên.
Thực bảo :
-Cũng có thể còn là đầu lâu những kẻ bạo ngược tham lam xúc phậm Ngài!
Nói rồi, họ đi vòng quanh cổ núi tìm đường lên mất ba ngày trời mới  trở về chỗ xuất phát. Không tìm được lối nào. Đói mệt chán ngán. Thương sờ vào bị chỉ còn một bát con gạo cốm. Không đủ cầm hơi trở về. Thế là chàng òa khóc như con nít. Trong đầu ám ảnh  nắm xương tàn như những thủy quái kia! Thực đang nằm ngửa nhìn lên tán núi  tìm cách trèo. Thực nghĩ giá mà  có một giây thừng thật dài và một sức mạnh ném lên  cái thòng lọng thút nút mỏm đá kia, tay nắm chặt đầu giây chân bước lên cổ núi mà lần lần đi tới. Bỗng một con đại bàng khổng lồ bay đến đậu trên tảng đá gần đấy và kêu:
-Ăn một nắm cơm nóng cõng một người lên Đền Tiên!
Nghe chim nói Thương nín khóc miệng lẩm bẩm:
-Ở đây làm gì có lửa có nồi mà có cơm nóng, thật nhiêu khê!
Thực nghe tiếng chim sáng mắt lên, bảo Thương vơ cỏ khô làm bùi nhùi kiếm củi cành. Thực lần xuống khe lấy lá khoai mon rừng túm lại đựng nước mang lên.Trên đường đi tìm được hòn đá quí bỏ vào túi áo. Thực dốc bị của mình còn đủ nấu một nắm cơm nhỏ. Chàng cho gạo cốm vào túi lá khoai đựng nước buộc túm lên một đầu cái que là một đoạn cây tươi. Dùng bùi nhùi và hai hòn đá đánh vào nhau tóe lửa nhóm bếp. Lửa cháy làm sôi túi lá khoai mon gạo. Thương reo lên rạng rỡ cả khuôn mặt:
-Ồ! Thế mà không cháy ra than có tài không?
Thực vỗ vai bạn:
-Lời thầy dạy quả là không sai! Thủy khắc hỏa mà!
Chẳng mấy chốc cơm chín. Khói thơm ngào ngạt. Thực mang nắm cơm nóng mời Đại bàng ăn. Chim vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Ăn xong chim nói:
-Xin mời một chàng lên lưng!
Thương càu nhàu:
-Phải mời hai chàng lên lưng chứ!
Chim vẫn nói:
-Xin mời một chàng lên lưng!
Thực bảo  chim không kham nổi hai người thì Thương hãy lên Đền Tiên trước. Thương nhảy tót lên lưng chim khoác theo cả bị gạo cùa mình. Thực gọi với:
-Ấy để gạo lại nấu nồi thứ hai!
Thương như không nghe thấy tiếng. Thực phải lao theo giật về. Đại bàng ung dung cất cánh bay lên đỉnh Núi Tản. Thực dốc số gạo cốm của bạn nấu nắm cơm tiếp. Cơm vừa chín tới thì đại bàng đã hạ cánh. Thực đưa cơm mời chim xơi. Vừa ăn chim vừa kể chuyện đã đưa anh bạn đến cổng Đền Tiên ngồi chờ. Ăn xong chim chép miệng thèm ăn nữa:
-Cơm gạo cốm người ốm ăn khỏi!
Nói rồi chim cõng Thực bay lên trời xanh. Loáng một cái, qua làn mây trắng. Chim hạ cánh xuống cổng Đền. Thực cảm ơn chim. Chim chào Thực bay đi. Quay vào thấy Thương đang hí hoáy cạy tường cổng đền. Thì ra đó là cái cổng bằng vàng nạm kim cương ngọc thạch. Thật là nguy nga đồ sộ. Thực bước đến lúc nào Thương không hay. Cổng đền từ từ mở đôi cánh vàng chạm rồng. Con hổ trắng đàng hoàng bước ra mời hai bạn vào. Con đường lên đền rát vàng đi giữa vườn xum xuê  cành vàng lá ngọc trái kim cương muôn màu sắc lung linh. Thương chùn bước đi sau cùng, tranh thủ nhảy lên vin cành hái quả hồng ngọc.  Nhưng không thể nào vặt được, vội buông ra. Đến sân gạch vàng hoa văn ngọc rực rỡ, từ đền vàng tỏa ánh hào quang, âm vang sáo đàn dìu dặt, bay bổng những câu ca xoan ghẹo trữ tình, hai nàng tiên xiêm y tha thướt, mặt hoa da phấn, cổ ngọc tay ngà bưng hai mâm vàng ngọc cho đôi bạn trẻ. Thương cứ nhìn chằm chằm vào mâm vàng ngọc, không chào, không cảm ơn, cứ thế mở bị ra hứng cho nàng tiên trút vàng ngọc vào, đầy tràn rơi cả ra ngoài. Thương lắc bị. vội nhặt nhét vào, nén chặt, khoác bị lên vai, còng lưng lui nhanh ra về. Thực hết nhìn phong cảnh đền đến dung nhan các nàng tiên mà ngây người sung sướng. Đúng là Bồng lai tiên cảnh đến thơ ca và tiểu thuyết cũng không mô tả nổi. Cô tiên mời Thực lấy vàng ngọc thì chàng khẽ lắc đầu. Biết ý cô tiên bưng mâm vàng ngọc trở vào, rồi bưng ra một mâm ngô vàng ngô bạc, nửa mâm chín khói thơm ngào ngạt, nửa mâm sống óng ánh vàng, lóng lánh bạc. Thực từ tốn nói:
-Thật là quí hóa quá! Xin đa tạ Tản Viên Thánh và công chúa Ngọc Hoa! Xin đa tạ Nhà Đền và các Tiên Cô! Đây là món quà cứu tinh giúp con Hồng cháu Lạc thoát  nạn đói sau đại hồng thủy vừa qua. Xin đa tạ! Đa tạ!
Nói xong, Thực nhặt một bắp vàng chín thơm, một bắp vàng sống, một bắp bạc sống, bỏ lọt thỏm vào bị. Rồi tay vái chân lui ra cổng. Con hổ trắng tiễn họ ra ngoài, hai cánh cửa vàng từ từ khép lại. Thực vừa đi vừa ngoái cổ  nhìn chào từ biệt toàn cảnh khu Đền Tiên rực rỡ ánh sáng trăm màu. Ra đến mép tán núi, Thương ngó xuống vực sâu thăm thẳm, bồng bềnh mây bay mà rùng mình rợn tóc gáy. Làm thế nào để xuống núi được bây giờ?
Đám mây qua. Thực mở to đôi mắt thu vào muôn trùng nước non đẹp như tranh vẽ. Bên đây là núi cha Ba Vì, bên kia là núi mẹ Tam Đảo nổi trên mây sóng, chầu về Nghĩa Lĩnh xanh biếc, xung quanh một trăm núi voi qui phục, tượng Bách Hùng vọng mẹ Âu bố Lạc, ông Kinh Dương Vương bà Long Nữ, cụ Đế Minh. Ba dòng sông Thao sông Lô sông Đà, một tấm lụa đào hai tấm lụa xanh hội về Ngã Ba Hạc như ba con rồng lớn quây quần ấp ôm Đất Tổ. Làng xóm xa thăm thẳm như những con tằm xanh nằm trong cái nong khổng lồ trắng mờ sương khói thanh bình. Trời đã về chiều, những vệt nắng vàng lưu luyến trải dài trên đồi núi đồng ruộng mênh mông. Thực đang thả hồn vào thiên nhiên kì thú cảm thấy nao lòng. Bỗng nghe tiếng đại bàng hạ cánh:
-Ăn một hạt bắp, cắp một người xuống núi!
Thương làu bàu trong miệng:
-Lại hạt bắp! Có xơi hạt ngọc thì đây cho!
Thực bẻ hai hạt ngô chín. Một hạt đưa cho bạn, một hạt đưa cho chim ăn. Thương chê ít không muốn chén. Thực vỗ vai bạn nói:
-Hạt vàng dinh dưỡng  thần tiên, đủ nuôi sống một ngày làm việc cật lực. Bạn buộc thắt lưng cho chặt chẽ để chim  đưa xuống trước!
Thực mừng rơn làm ngay. Đại bàng dùng mỏ cắp dây lưng Thương, vỗ cánh ba lần mới bay lên được. Vừa rời khỏi mép tán núi, thì đầu mỏ cổ chim cắm thẳng xuống vực. Hai cánh giang cứng đờ, không vỗ được, cứ thế vùn vụt nhảy dù, có nguy cơ  chim không mang nổi, nhả Thương ra là tan xác ngay. Bỗng mất hút trong biển mây làm Thực lo mất vía bắc loa tay gọi với:
-Thương ơi! Vứt bớt vàng ngọc đi!
Thương có nghe tiếng bạn nhắc nhở nhưng cứ tảng lờ làm thinh mặc kệ đại bàng lao đầu vun vút. Nhìn theo mỏi mắt, lâu lâu Thực mới thấy một chấm đen nhỏ, lớn dần lên. Đôi cánh đại bàng hiện ra uể oải vỗ. Đáp xuống bên Thực, đại bàng nói chẳng ra hơi:
-Ôi!... Bạn chàng lấy làm chi nhiều ngọc vàng thế? Chỉ một tí nữa, tôi không chịu nổi, buông mỏ ra  thì đi đời rồi...
Thực cảm ơn chim đã có tinh thần trách nhiệm cao và bón cho ăn ba hạt bắp chín. Đại bàng nói:
-Ăn một hạt bắp cắp một người xuống núi!
Biết chim không tham thực là một đức tính quí, Thực không ép nài. Ăn xong, đại bàng cắp dây lưng chàng đưa xuống núi. Chim nhẹ nhàng vỗ cánh một lần là được, đàng hoàng bay cùng mây trắng lững lờ. Lại một lần nữa, Thực được ngoạn cảnh non Tản sông Đà hổ phục long chầu kì thú. Chẳng mấy chốc, đại bàng đặt Thực xuống chỗ nấu cơm ban sáng. Thực cảm ơn chim. Đại bàng chào  từ biệt bay đi. Thực bắc loa tay hú gọi Thương. Gọi đến khản cổ mỏi miệng không thấy bạn đáp lời. Thực tìm Thương quanh chân cổ núi suốt chiều qua đêm cũng không thấy dấu hiệu gì. Cuối cùng đành tìm đường vào để trở ra. Vừa chạy vừa gọi bạn. Núi gọi hộ lên phía trước, cũng chỉ thấy tiếng vọng về của chính mình. Chàng đã ăn ba hạt bắp rồi mà vẫn chưa thấy đấu vết của Thương lưu lại. Thực lo cho Thương đói bụng, ăn phải trái cây độc thì chết mất.
Thương vừa chạm đất thì vội vàng cắm cổ chạy về phương Bắc. Thương có nghe tiếng Thực gọi nhưng cắn răng không đáp, không chờ, đói mệt vã mồ hôi, vẫn cố cõng bị vàng ngọc mà đi. Vấp phải đá quàng phải dây cũng mặc kệ. Nếu gặp hổ xà cũng coi như không biết. Trong đôi mắt Thương loa lóa cảnh vợ chồng sai việc cho con ở, trong một tòa lầu đồ sộ nguy nga, một siêu thị lớn nhất nhì kinh đô. Không đếm tiền bằng tay mà bằng máy. Lại nghe tiếng Thực theo gió đưa tới, nhưng Thương gắng ngậm miệng, cố lê chân, để không bao giờ cho Thực đuổi kịp. Thương lẩm bẩm một mình:
-Mẹ kiếp! Hơi đâu mà chờ thằng ngù ngờ gàn hấp. Châu báu vàng bạc không lấy, chỉ háu ăn đi lấy mấy bắp ngô tầm thường. Vàng bạc đâu mà chia phần cho thằng ngốc. Đừng có hòng...
Thế rồi đói lả. Trán vã mồ hôi nhớt. Thương ngất xỉu bên gốc cây ngõa rừng.Thương gối đầu trên bị ngọc vàng mê man như chết. Thương thấy hiện lên cha mẹ vợ con cùng với mình hỉ hả ăn tiệc cơm Tàu trong lầu Tây bên những nàng hầu Nhật Bản  chăm sóc. Nhưng môi Thương lại  có vị  ngọt bùi của hạt bắp mà Thực đã cho. Tỉnh ra chàng thấy quả ngõa chín rụng kề môi. Thương cầm lấy ăn ngấu nghiến rồi khỏe dần. Nhặt thêm dăm quả bỏ túi, lại tiếp tục đi. Đã mười ngón tay mặt trời rụng rồi mà đi quanh quẩn thế nào  vẫn chưa tới khu rừng rắn rết, rừng cọp gầm? Có lẽ đi lạc đường rồi chăng? Đêm xuống Thương tìm sao Bắc Đẩu để định hướng cho ngày đi.
Thực ăn 20 hạt bắp chín rồi vẫn chưa thấy bạn, cũng chưa tới rừng rắn rết rừng cọp gầm. Đến ngày ăn hạt bắp thứ 25 thì chàng gặp một đàn quạ đen kêu quà quà bay về một phía.Thực liền đi theo chúng, xơi ba hạt bắp nữa thì tới cánh rừng quạ kêu ran. Chúng đậu đen một cây cổ thụ. Vừa tới nơi đã lừng mùi hôi tử khí. Trước mắt Thực là một thây ma, gối đầu lên bị vàng ngọc rơi vễ vãi. Không còn rõ mặt mũi vì quạ rỉa. Bụng lép kẹp vì quạ moi lòng gan chén hết rồi. Trong túi áo tử thi còn mấy nấm đỏ và quả máu chó giống như mận Tam Hoa. Thì ra Thương đã xơi phải thức ăn độc mà ra đi, bỏ lại chốn này ngọc vàng với hài cốt. Thật đáng thương hại. Thực gục đầu xuống khóc thương bạn một hồi lâu. Chàng tự trách mình để bạn xuống núi trước nên xẩy ra sự cố này. Chàng có biết đâu Thương đã trọng của hơn người? Tình tử nghĩa tận. Thực kiễm cây nhọn đá sắc đào huyệt đưa bạn về đất. Thực nhặt vàng ngọc vào bị, toan định mang về cho gia đình Thương, song lại nghĩ đi đường dễ bị bọn lục lâm đạo tặc giết người cớp của, chàng đành để đáy huyệt cho bạn gối đầu làm vốn buôn bán nơi địa phủ. Thực bẻ lá cây liệm cho bạn rồi lấp đất, vác đá xếp thành một nấm mồ to. Thực mài nhẵn một tảng đá mềm , lấy đá sắc khắc tên bạn  thay bia. Xong việc mai táng, thực đặt 5 hạt ngô vàng chín cúng bạn, chào vĩnh biệt rồi tìm đường về.
Chưa biết đi hướng nào, thì thấy con chim sẻ cắp mồi bay qua. Chàng nghĩ chim sẻ thường làm tổ ở mái nhà, cây cau. Chàng đi theo hướng chim bay  đến một ngôi đền thì ra đó là Đền Trung. Chàng đặt hai bắp vàng bắp bạc lên đĩa cúng Thần Linh tạ ơn. Cúng xong biếu cụ Từ một bắp vàng. Cụ nói:
-Cháu về được đây là lão mừng rồi! Nhờ Tổ Tiên run rủi, cháu đã có vinh hạnh tới được Đền Tiên. Vậy là cả đời lão trông nom đền miếu Thánh Tản không uổng công. Bắp này cháu hãy mang về làm giống trồng trọt lấy  lương thực  cứu nạn đói  đang lâm nguy  giúp gia đình và đồng bào ở quê nhà. Thật may cho cháu là bọn lục lâm vừa từ đây đi ra. Chúc cháu trở về vạn sự bình an!
Về tới Đền Hạ, Thực lại bày hai bắp vàng bạc lên đĩa cúng Thần Linh tạ ơn. Cúng xong Thực biếu ông Từ một bắp bạc. Ông Từ nói:
-Cảm ơn tấm lòng thơm thảo của cậu! Đó là lộc Thánh Tản cho cậu mang về làm giống cấy trồng trước tiên là cứu đói cho quê hương sau là làm giầu nguồn lương thực cho cả nước. Sự thành công của cậu đem lại cho tôi niềm hạnh phúc vô giá. Nó củng cố đức tin của tôi đối với Thánh Tản xin an tâm trọn kiếp hầu thờ Ngài. Rất may cho cậu, bọn đạo tặc vừa ở đây đi ra. Chúc cậu lên đường thượng lộ bình an!
Vượt dẫy núi đá chông, vừa ra khỏi cửa rừng, thì năm tên cướp vung dao găm ập tới, rí vào ngực chàng:
-Ê! Có gì bỏ ra đây!
Thực giơ hai tay cho chúng khám xét lục lọi sờ nắn các túi và cạp quần. Phanh miệmh bị lép kẹp ra xem chỉ có ba bắp ngô, một bắp chuột gặm quạ rỉa nham nhở. Một tên ném bị vào tay Thực:
-Đồ mọi! Cút!
Một tên khác đá theo đánh bịch vào mông:
-Xéo về với con mẹ của mày! Thế mà cũng đòi lên Đền Tiên?
Ăn hạt ngô vàng chín cuối cùng thì Thực về đến nhà. Chàng lên miếu cúng Thành Hoàng tạ ơn. Sau đó đến nhà Thương báo tin buồn cho gia đình biết rõ sự cố chẳng may. Rồi về nhà mình hưởng niềm vui đoàn tụ.
Từ hôm đó Thực phát cỏ bãi soi phơi khô. Được ngày nắng chàng đốt ra tro. Đao canh hỏa trủng. Chàng vạt cây nhọn đâm lỗ tra hạt. Tất cả được 501 cây bắp vàng và 501 cây bắp bạc, nở mầm xanh mũi mác. Chẳng bao lâu ngô tốt bời bời. Rồi một hôm  cờ ngô phấp phới vàng ngả trắng. Mỗi cây 12 bắp to như bắp chuối. Hạt vàng hạt bạc to bằng đầu ngón tay. Chàng cho thu hoạch vẽ ra được 36 thúng bắp vàng 36 thúng bắp bạc. Thực đem một đấu hạt rang không cháy, bung một ngày hai đêm không nở, đem bỏ vào cối giã không tan. Thì ra đó là những hạt vàng hạt bạc mà Tản Viên Thánh và Công chúa Ngọc Hoa ban cho. Thực cho làng nước làm giống 36 thúng, 20 thúng phát chẩn bần cứu đói cho đồng bào, cho nhà một thúng, còn lại bán lấy tiền, mộ dân khai hoang, mở trang trại, lập làng mới, xây dựng một miền quê giầu có thịnh vượng cho muôn đời sau.
          Từ ấy cây bắp vàng bắp bạc được trồng khắp đất nước Đại Việt.
                             _____________________________________      
 
 

Ct.Ly