Giới thiệu" Giai thoại làng văn" của Bích Nhãn Hồ
THƠ NGÃ DU TỬ 12.02.2018 19:38:36 (permalink)
GIỚI THIỆU GIAI THOẠI LÀNG VĂN
CỦA BÍCH NHÃN HỒ
 
Những ngày giáp tết Mậu Tuất ( 2018) ai cũng tất bật từ việc trang trí, dọn dẹp lau chùi, bàn thờ tổ tiên, đến sửa sang nhà cửa, hoặc lo vài cây bông cho có sinh khí trong ngày đầu xuân, còn các bà thì ôi chao bận rộn trăm bề, nói tóm lại là cố gắng trong hoàn cảnh nhà mình mà lo toan để mong một năm mới bình an, hanh thông mọi chuyện.
Tôi xong mọi việc mở máy tính đọc lại bài viết của nhà thơ, nhà giáo Bích Nhãn Hồ có bài mang tính chất giai thoại làng văn cũng ngộ và vui, vì vây viết mấy dòng coi như giới thiệu với các ace bạn đọc. Mời quý vị cũng mua vui được vài mươi phút. 
Thân, NDT
BÍCH NHÃN HỒ VÀ NHỮNG BÀI THƠ LINH NGHIỆM
Cái ông Bích Nhãn Hồ này, miệng ăn muối ăn mắm (dù mắm chay) nói rất thiêng, ông nói cái gì thì y như rằng xãy ra cái đó, điềm lành cũng như điềm gở.
Giao thừa Tết Tây, cuối thiên niên kỷ thứ hai bước sang thiên niên kỷ thứ 3, anh em Văn Nghệ đón giao thừa ở nhà Ngã Du Tử, có Bích Nhãn Hồ, Đoàn Văn Khánh, Thương Thương Ấn, Phạm Thanh Tuyền ( Vĩnh Long), Đoàn Hoàng, Phan Hoài Châu. Mọi người lì xì bé Miky con gái út của Ngã Du Tử. Cô Sáu Thanh Trà, chị kế của Ngã Du Tử nói đùa: “ Mấy bác lì xì Miky, có lì xì Cô Sáu của Miki không?” Liền lúc đó Bích Nhãn Hồ vọt miệng nói: “ Sẽ lì xì cho em một thằng chồng” vì Sáu Thanh Trà năm ấy đã 44 tuổi nhưng vẫn còn nguyên vẹn, chưa có một tấm chồng lận lưng. Lúc đó, Thanh Trà “đôi mắt long lanh như bầu trời trong xanh” quét một vòng qua các bác, thấy bác nào cũng vợ con đùm đề, lại còn đeo những sợi tình lủng lẳng. Chỉ có Đoàn Hoàng là sáng sủa, sạch sẽ hơn cả,51 tuổi vẫn sống cảnh phòng không bóng chiếc, thiếu chăn thừa chiếu, lại có nhà riêng nữa chứ. Có lẽ lời hứa của Bích Nhãn Hồ đúng giờ “ hung thần trực nhật” nên 2 người tình trong như đã mặt ngoài còn e, xáp vào trả nợ cho nhau. Bích Nhãn Hồ xúi:
Thì cứ coi là món nợ
Vay nhau kiếp nảo kiếp nao
Trả nhau đi em, đừng sợ
“Cấn” nhau cho đến bạc đầu
Cuối năm thì đám cưới linh đình, Đoàn Văn Khánh làm đạo diễn. Có bài thơ bốn người cùng làm tặng vợ chồng Đoàn Hoàng- Thanh Trà:
Thanh Trà: Hôm nay một tháng giêng
Nguyễn Thị Dung : Kỷ niệm ngày gặp gở
Bích Nhãn Hồ: Lời chúc đúng giờ thiêng
Đoàn Văn Khánh: Thế là nên chồng vợ
Đó là điềm lành.Điềm gở Bích Nhãn Hồ nói cũng ứng. Hình như ông nhạy cảm hay có giác quan thứ sáu. Ông hay quan tâm đến những bậc đàn anh Văn Nghệ mà ông ngưỡng mộ. Giữa năm 1998, thấy Bùi Giáng sức khỏe có vấn đề, ông bèn tế sống Bùi Giáng 1 bài trên Báo Giác Ngộ số 101 tháng 5 năm 1998 bài “ Hành trình của Hạt Cát”:
Ban sơ là hạt cát vùi
Dưới lòng biển cả ngàn đời ngủ yên
Rồi một hôm bỗng trồi lên
Bay bay bay mãi tới miền bể dâu
Thỏng tay đánh cược bao đào
Hòa tan thành lệ rót vào thiên thu
Chảy qua sa mạc thâm u
Lạc vùng gió xoáy mịt mù tử sinh
Xác trai hồn khách biên đình
Hóa thân làm gã độc hành rong chơi
Ngàn năm thơ thẩn bên đời
Coi như chưa…… “đã một thời viễn du”.
Phạm Thiên Thư cầm tờ báo Giác Ngộ đến thăm Bùi Giáng. Phạm thi sĩ nói: “ thằng Bích Nhãn Hồ tặng thơ cho ông trên báo Giác ngộ đây!” Bùi tiên sinh hỏi: “ Bích Nhãn Hồ là thèng mô?. Mi đạc tô nghe cua”. Phạm thi sĩ chậm rãi đọc, nghe xong Bùi tiên sinh phán một câu “ thơ chi như con kẹc”
Ba tháng sau vào dịp Trung thu Bùi Tiên Sinh giả từ cuộc lữ. Kim quan quàng ở Vãng Sanh Đường Chùa Vĩnh Nghiêm, đủ mặt quần hùng “xiển giáo” cũng như “triệt giáo”. Đoàn Văn Khánh đọc bài “ Kim Nhật Đại Hoan Hỉ” do anh vừa cảm tác:
…. Ba đêm liền Vĩnh Nghiêm vui như hội
Lễ hội sáng danh chi ca, vinh hiển chân tình….
Chỉ có 2 người khóc, nhưng cách khóc khác nhau. Võ Minh Trang mặc nguyên bộ đồ bệnh viện, quì lạy khóc sướt mướt, ai cũng nhìn thấy. Còn Mịch La Phong tức Ngô Nguyên Phi hỗn danh “ Phi uống rượu” ra quán cốc lề đường kêu một xị đế, uống và khóc một mình. Cô chủ quán ngạc nhiên vì Phi uống rượu lúc nào cũng ồn ào, hôm nay sao im lặng và khóc. Cô hỏi: “Anh làm sao vậy?” Phong giật mình đứng dậy hét to: “ Bùi Giáng chết rồi!, hu hu hu” rồi đá bàn đá ghế bỏ đi…….
Hai cách khóc khác nhau một đằng là tướng khóc một đằng là tâm khóc. Kinh Kim Cang nói “ Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”
Đối với Ngân Giang Nữ Sĩ, Bích Nhãn Hồ một lòng kính ngưỡng. Hôm cụ vào Sài Gòn thăm con gái Hoài Anh, thì Bích Nhãn Hồ đang bệnh thập tử nhất sinh nằm ở bệnh viện Thống Nhất. Ngã Du Tử đến thăm và báo: “ tối nay Vũ Ban-Hoài Anh tổ chức đêm thơ Ngân Giang ở nhà văn hóa thanh niên, anh có đi dự được không?”. Yếu quá, Bích Nhãn Hồ không dự được nhưng viết tặng cụ bốn câu chữ Hán. Ngã Du Tử nhiệt tình đánh máy vi tính, mua khung kiếng đến tặng cụ.
NGÂN GIANG NỮ SĨ
NGÂN hà tự cổ ái chi phân
GIANG ngạn kim dư nhân đãi nhân
NỮ sắc bổn như hoàng hạc khứ
SĨ phu hà cố thái vô tâm
銀 江 女 士
銀 菏 自 古 愛 之 分
江 岸 今 餘 人 逮 人
女 色 本 如 黄 鹤 去
士 夫 何 故 太 無 心
(*Vi tính chữ Hán: Đoàn Hoàng.)
Dịch nghĩa: Sông ngân hà tự ngàn xưa là ranh giới chia cắt tình yêu/ Bên bờ sông bây giờ một người đang đợi một người/ Nhan sắc thời con gái vốn như chim hoàng hạc đã bay rồi không bao giờ trở lại/ Kẻ sĩ ( Bắc Hà) tại sao vô tâm đến như thế.
Khi xuất viện, Bích Nhãn Hồ đến thăm cụ ở nhà Hoài Anh. Cụ nói: “ người tặng thơ cho Ngân Giang rất nhiều, nhưng người cảm được nỗi đau của Ngân Giang là Hồ đấy”. Cụ giới thiệu quán thơ của cụ ở Hà Nội, Ngân Giang Thi Quán, Hồ liền tặng cụ bốn câu lục bát:
NGÂN GIANG THI QUÁN
NGÂN kim lọ dễ tình hoài
GIANG hồ khí cốt miệt mài càn khôn
THI đàn gió dập sóng dồn
QUÁN khuya dừng bước sưởi hồn lãng du.
Đó là lần gặp cụ sau cùng. Cụ đã về bên bến sông Ngân, đợi ô thước bắc cầu.
Mộng Bình Sơn là dịch giả uyên bác, Bích Nhãn Hồ rất tôn trọng, tự nhận mình là học trò. Một Nhà Xuất Bản mời cụ viết sách giới thiệu “100 năm thi ca Việt Nam”, đặt cọc 5 triệu ( 1997).Khi xem mục lục danh tính các nhà thơ, Nhà Xuất Bản đề nghị bỏ một số người và thêm một số người khác. Cụ từ tốn trả lời: “ Cậu chịu trách nhiệm trước một chế độ. Còn tôi, tôi chịu trách nhiệm trước lịch sử”. Nói xong, cụ hoàn lại tiền đặt cọc.Bích Nhãn Hồ vô cùng cảm kích, tặng cụ bài thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán:
ĐẠI MỘNG BÌNH SƠN TIÊN SINH NGÔN KỲ CHÍ
Sinh bất phùng thời tu ẩn cư
Thị trung một diện độc Kinh- Thư
Mang mang thiên địa thùy tri kỉ
Thỉnh đáo đồng tâm luận thực hư 
代 夢 平 山 先 生 言 其 志
生 不 逢 时 須 隐 居
市 中 歿 面 讀 經 書
茫 茫 天 地 谁 知 己
請 到 同 心 論 實 虛
(*Vi tính chữ Hán: Đoàn Hoàng)
Tô Kiều Ngân dịch:
Sống chẳng gặp thời nên ở ẩn
Chợ đời che mặt đọc Kinh- Thư
Vô cùng trời đất ai tri kỷ
Mời đến cùng ta luận thực hư.
Sau đó thấy cụ yếu quá, Bích Nhãn Hồ tế sống cụ bằng bốn câu lục bát chữ Hán:
MỘNG chung SƠN bất nại BÌNH
Bút trung huyết lệ tận tình lưu miên
Cái văn quân tử vô triền
Càn khôn độ , bát nhã thuyền đãi quân
夢 终 山 不 耐 平
筆 中 血 淚 盡 情 流 緜
蓋 聞 君 子 無 纏
乾 坤 渡 般 若 船 逮 君
(*Vi tính chữ Hán: Đoàn Hoàng)
Dịch nghĩa: Mộng tàn mà Núi chẳng Bình/ trong ngòi bút của ông máu và nước mắt tận tình chảy mãi/ trộm nghe người quân tử không để mình bị ràng buộc/ bến càn khôn thuyền bát nhã đang đợi ông.
Mấy tháng sau, Mộng Bình Sơn lên thuyền Bát Nhã, đáo bỉ ngạn.
Trương Quân là nhà văn lão thành, tác giả tập “ Trăm đồng xu của mẹ” năm đó đã 95 tuổi. Các con cụ đều đã trưởng thành và thành đạt trong và ngoài nước. Cụ thường tụ hợp anh em Văn Nghệ chơi ở Cà Phê Hồng ( đường Lê Văn Sĩ) và Cà Phê Đặng Văn Ngữ gần nhà cụ. Đặc biệt không bao giờ cụ để cho ai trả tiền, anh em lén trả tiền cho chủ quán, chủ quán không nhận và nói: “ Cụ đã dặn rồi không được lấy tiền của ai cả”. Thấy cụ yếu, Bích Nhãn Hồ tặng cụ bài thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, thầy Thích Thông Tánh ( Ban Mê Thuộc) viết thư pháp hán tự, Cao Sơn viết thư pháp chữ quốc ngữ và Đào Diễm tặng khung, kiếng.
TẶNG TRƯƠNG QUÂN TIÊN SINH
Thư phòng thử dạ nguyệt lai hiên
Đối ẩm hàn huyên dữ bảo miên
Xuân phát ái quân bất bạch tận
Thùy trung thiên hạ cửu thanh niên
贈 張 君 先 生
書 房 此 夜 月 來 轩
對 飲 寒 喧 與 抱 眠
春 髮 愛 君 不 白 藎
谁 中 天 下 久 青 年
(*Vi tính chữ Hán: Đoàn Hoàng)
Dịch nghĩa: Phòng sách đêm nay trăng đến bên hiên/ cùng ông đối ẩm tâm sự ,ông và trăng ôm nhau ngủ/ mái tóc thời trai trẻ vì thương ông mà không bạc hết/ trong thiên hạ ai là người trẻ mãi đâu?.
Cụ rất cảm động, khi đọc đến câu “ Xuân phát ái quân bất bạch tận” cụ rơm rớm nước mắt. Vài tháng sau, cụ ra đi, có lẽ bây giờ cụ đang cùng trăng đối ẩm, hàn huyên và ôm nhau ngủ.
Cứ hễ Bích Nhãn Hồ tặng thơ cho ai là y như rằng người đó lên đường, không chóng thì chầy. Nhiều anh em nói đùa: “ Ông đừng tặng thơ cho tui nhé”. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Người được ông tặng thơ vẫn sống nhăn mà lại khỏe ra nữa chứ. Đơn cử vài trường hợp:
Tặng Thầy Thích Nhuận Tâm ( Chùa Lá- Gò Vấp) bài:
ĐỘC HÀNH
Mênh mang một vùng sương bạc
Mây bay gió quyến lưng đèo
Thảo đường kết từ khói núi
Ráng chiều nhuộm áo tỳ kheo 
Người đi men theo ánh lửa
Vầng trăng còn mãi chưa về
Hành trang một vành gương vỡ
Độc hành hướng nẻo Tào Khê
Ra đi kể từ vô thỉ
Đâu là điểm hẹn vô chung
Dấu hài ngàn năm yên nghỉ
Bổng dưng nở đóa chơn thường.
Tặng thầy Tấn Tuệ Đinh Hồi Tưởng 
(trụ trì chùa Đây, suối Đó La Gi) bài:
SUỐI ĐÓ CHÙA ĐÂY
Thầy đã về bên Suối Đó
Chùa Đây vẫn dáng hao gầy
Văng vẳng đâu đây khúc gió
Lời kinh nhiếp dẫn mây bay
Dấu hài ấm hồn rêu cỏ
Suối trong lặng lẽ chau mày
Đêm nay có người ở đợ
Nhà mình mà, chẳng hề hay.
Tặng Tường Linh bài :
ĐÊM NGUYỆT THỰC NHỚ NGƯỜI QUI ẨN
Vầng trăng qui ẩn đêm nay
Chỉ còn ta với cơn say độc hành
Lang thang cuối bãi đầu gành
Đi cho tàn cuộc tử sinh trót mời.
TẾ SỐNG Phạm Thiên Thư:
Trở về đảo hỏa sơn
Lục lại chồng Kinh cũ
Chữ bạc, gáy đã sờn
Phật nhập diệt trên nương
Thiền Sư đâu không thấy
Thiền Sư vẫn còn đây
Trong hài nhi tinh thể
Ta cúi đầu đảnh lễ
Rồi vội vàng làm thơ
Con chữ vút bay lên
Hóa thân làm cánh bút
Hỏi thăm vành trăng khuyết
Bảo: Về làm thơ đi
Hỏi mặt trời phát tiết
Bảo: về làm thơ đi
Lời thơ thành thi kệ
Trì tụng đến ngàn sau
Hóa phẩm kinh nhiệm mầu
Ta bà ưu đàm nở
Phẩm kinh thành công án
Công án thành thoại đầu
Đột phá vào “ hầm sâu”
Vỡ toang màn đen tối
Pháp thân vụt hiển bày.
Bốn vị Thích Nhuận Tâm, Thích Tấn Tuệ, Tường Linh và Phạm Thiên Thư vẫn thân tâm an lạc, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, căn lành tăng trưởng, sẽ đồng đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Long Hồ Nhân


 







 
#1
    THƠ NGÃ DU TỬ 02.01.2019 19:15:47 (permalink)

    CHIỀU CUỐI NĂM TÂY LỊCH










    Buổi chiều ngày cuối năm, chiều xanh trong như ngọc bích, như lòng người đang xanh mộng khát khao cho thành phố nầy vươn dài theo ý niệm tiến bộ cùng loài người văn minh, tôi lang thang khắp phố Sài Gòn may ra kiếm một tấm hình ưng ý nhất, thế nhưng trong suốt hành trình chẳng chộp được tấm nào ưng ý bèn quay về ngồi ở cafe mộc, quán khá dễ thương ven đường đơn giản mà thơ mộng, bài trí nhẹ nhàng nhưng ấn tượng, khá ngăn nắp từ trên tường đến cả dãy ghế ngồi một băng dài áp sát tường và phía bên kia bàn ghế nhỏ vừa đủ hai người ngồi khá xinh xắn. Tiếng nhạc nhỏ nhưng đủ nghe bài ca XUÂN NẦY CON KHÔNG VỀ giọng tỉ tê và đục khàn của một nam danh ca của Nam Việt Nam một thời làm nứt lòng các chiến sĩ cũng như giới bình dân miền Nam nhưng sao tôi nghe thê thiết trong chiều. Ngày trước có nhiều người bảo rằng: " Duy Khánh ca bài nầy chiến sĩ ngoài mặt trận không bỏ súng về nhà là may", thời ấy quá tự do về tư tưởng nên chuyện kiểm duyệt không khắt khe có lẽ vậy nên miền Nam sau 75 là chấm hết một chế độ tự do. Mọi kết thúc đều có duyên phận của nó, thôi một thời đã qua.
    Dòng người ngoài phố cứ ngược xuôi hối hả hình như ở đô thị lớn người ta rất vội trong ý thức sống, cuống cuồng vô tổ chức trong đi đường và rồi dòng xe kẹt lại, tiếng còi inh ỏi mặc dù bản thân người đi đường vẫn biết chẳng thể nào đi được, trên hành lang đường, xe cũng đầy ắp đạc quánh khói mù. Trông cảnh tượng nầy thấy mỏi mệt cho đời sống quá xô bồ, ngồi góc cafe để thư giản nhưng đâu được và thôi cũng đành ấy cũng là duyên.
    Dẫu sao chính quyền cũng đã nổ lực trong việc nâng cấp mở rộng có thể các nẻo đường trên toàn thành phố song ý thức của người đi đường cứ thấy trống là nhét vào dù biết bên kia phần đường là lối đi của người bên ấy thử hỏi làm sao không kẹt xe.
    Còn vài ngày nữa là hết năm Tây lịch, tôi vẫn hy vọng và có lẽ ai trong thành phố nầy cũng thế, càng ngày càng sẽ trở nên dễ chịu bởi lẽ mọi sự sẽ tịnh tiến về văn minh loài người mà thành phố nầy cũng phải hướng tới tiêu điểm ấy.
    Ngoài phố, dưới ánh đèn đường đã bật sáng từ lúc trời tắt nắng, mùa đông ngày ngắn hơn hạ, trên nền trời xanh vẫn những đám mây lang thang nhẹ nhàng ngao du trong không gian vô biên của bầu trời cuối năm,
    Khi đường đã thông tôi về nhà, một ngày lại trôi qua đứa cháu ngoại ra mừng rở, tôi ôm vào lòng nựng nịu và quên mất cảnh tượng lúc chiều, chỉ có vuông nhà của mình là tuyệt nhất của đời người với đầy đặn yêu thương.
    Tôi bình an chi lạ.
    NDT



     
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9