HỒN QUÊ
sen dat 17.02.2018 19:59:12 (permalink)
HỒN QUÊ - truyện ngắn

Tác giả Nguyễn Minh Trân

Ánh chiều đã lui tới tận cuối phòng nhưng mọi người ai nấy đều ngồi im chăm chú nghe ông Nhân đọc báo cáo phía trên bục cao. Giọng ông sang sảng uy nghiêm không tỏ vẻ gì mệt mỏi hay đuối sức. Một vết sẹo dài sần sùi gồ ghề đen tím hằn rõ trên khuôn mặt, cắt dọc một đường thẳng từ thái dương xéo một bên má, xuống tận cằm như một đường xới trên mảnh đất bằng phẳng.
Cuối cùng ông cũng ngừng đọc xếp tờ giấy lại.
Vừa dứt bản báo cáo không cần phải ai vỗ nhịp khởi xướng, phía dưới đồng loạt nổi lên những tràng pháo tay không ngớt, thật đều, thật mạnh, dồn dập, hưng phấn.
Rồi căn phòng bắt đầu nhao nhao kẻ nói qua, người nói lại khiến cho không khí cuộc họp ngày càng gay gắt quyết liệt. Đứng phía trên nhìn xuống ông Nhân nói qua micro:
- Anh chị em cứ trình bày ý kiến, ta cùng nhau bàn luận, tìm ra những phương án nhanh gọn để giải quyết dứt điểm tình hình trật tự trong khu chợ này sắp tết đến noi rồi!
Vừa dứt lời phía dưới có người đứng lên phát biểu:
- Dạ thưa anh, chúng ta là những người làm việc ở chợ theo giờ hành chánh, nghĩa là phần lớn chỉ có mặt ở chợ vào tầm khoảng bảy giờ sáng đến bốn giờ rưỡi chiều. Thường thì nói tới chợ là nói đến cảnh sinh hoạt mà giờ cao điểm phải là buổi sáng nhưng chợ chúng ta lại có thời gian sinh hoạt rất lạ. Đó là chỉ đông đúc vào năm giờ chiều đến khuya, im ắng được một lúc rồi sau đó lại tiếp tục nhốn nhaó từ tầm ba giờ đến sáu giờ sáng. Còn từ đó trở đi lại thưa thớt người mua kẻ bán…
Một giọng khác ở đâu đó cắt ngang: “Có gì lạ đâu! Thì đó là những giờ không có mặt đội quản lý chợ của chúng ta! Muốn ngồi đâu chả được, muốn chặt chém khách, hét giá cắt cổ cũng chả có ai phạt thì sướng qúa đi chứ!. Tôi nghĩ đội trưởng nên ra chợ vào khoảng sáu giờ chiều để xem xét thì mới thấy được hết sự phức tạp. Những gánh hàng rong, những nhóm ăn xin, bán đồ quảng cáo, bọn hát rong lấy tiền, có đứa bị tê bại toàn thân nhưng có chút giọng cũng ngang nhiên chiếm một chỗ nằm dài ra hát rỉ rả thê thảm khơi gợi lòng trắc ẩn của khách qua đường. Mọi người thi nhau chiếm lòng đường gây ách tắc giao thông ngăn lối đi, không cho khách vào được những quầy hàng phía trong làm phiền lòng các chị em buôn bán hợp pháp phải trả thuế ở đó. Có đứa còn níu khách du lịch xin tiền. Rồi còn cái cảnh bắt đền khách vì làm đổ bể hư hỏng hàng hóa trong khi chính tụi nó giăng những gánh những mâm hàng như một cái bẫy để trong khi chen chúc khách vô tình va quệt vào. Cũng vì vậy mà có người còn bảo rằng khu chợ này là chợ âm phủ ...
Nghe chưa hết câu ông Nhân đã chỉ tay ra phía ngoài cửa nơi các nhân viên chợ được phân công dọn dẹp ca chiều đang ì ạch đẩy những chiếc xe thu gom rác đầy ứ tập trung vào một chỗ để chờ xe vệ sinh thành phố tới lấy rác hất hàm nói:
- Anh chị thấy gì ngoài đó không?. Cách đây ba tháng không ai nghĩ chúng ta, những người chỉ giữ trật tự khu chợ có thể làm tốt luôn cả việc thu gom rác. Chuyện công ty vệ sinh làm khó dễ đòi tiền vệ sinh chợ hàng tháng quá cao vậy mà chúng ta đã giải quyết ra sao nào? Chúng ta đã chia nhóm ra làm việc, mỗi nhóm chịu trách nhiệm trong từng khâu một, tự chia phiên quét rác trong những ngóc ngách, lối đi vào chợ. Ngoài ra còn bắt tất cả những ai có sập, quầy hàng hay gánh hàng phải trang bị một cái chổi và đồ hốt rác, chịu trách nhiệm vệ sinh nơi mình buôn bán. Chúng ta đã đi tuần quanh chợ liên tục. Hết giờ quét chợ chỗ nào lại có rác phạt ngay người ngồi chỗ đó... Mọi việc quá trôi chảy đã vậy chúng ta còn hưởng được mức lương cao hơn nhờ không phải trả phí cho công ty vệ sinh! Vậy thì từ hôm nay ai làm trật tự ngoài giờ sẽ được tăng thêm thu nhập. Tôi cũng vừa nghe các mẹ các chị ở khu chợ phía sau than vãn. Họ bảo rằng sẽ trả thuế chợ cao hơn nhưng với điều kiện là phải có đường thông lối thoáng cho khách vào tới nơi mua hàng

Phía dưới một giọng nam vang lên:
- Ôi chao ơi! anh cũng biết đó, mình huýt còi, đường này khai thông được thì mấy gánh hàng rong lại túa ra chỗ khác giống như kiểu bắt cóc bỏ dĩa vậy đó!
Ông Nhân nói thật to cương quyết:
- Nếu mình dẹp không xong trong những giờ cao điểm tôi sẽ liên lạc báo cáo với các anh công an làm trật tự đường phố để họ giúp một tay!
Phía dưới lại tiếp tục kể lể : " Chắc phải vậy chứ có những đứa ngang ngược, chuỵên nghề hành hung đe dọa mệt quá!
Ông Nhân vặn lại:
- Hành hung gì? Đe dọa gì?
- Dạ có hôm em đang làm trật tự đuổi con nhỏ bán đậu que vậy mà nó dám trừng mắt hăm he em, nó nói "Mày mà thu giữ gánh hàng của bà, bà nói anh bà ra chặt chân mày đó!”
- Rồi cậu sợ sao?
Cả phòng họp cười ồ lên.
- Đâu phải chỉ có vậy đâu sếp. Dạo này còn có những nhóm bán quảng cáo kèm hát rong, tụi nó thâu sẵn tiếng hát vào trong máy rồi cứ thế mà mở loa lên. Tụi này không lấy được tiền thiên hạ nên cách tuần mới xuất hiện một lần không đáng ngại. Nhưng em muốn lưu ý xếp có một nhóm mới, rất đặc biệt, ca sĩ hát sống chỉ có cái đàn bầu thôi, vậy mà mỗi lần tụi nó hiện diện tụi em muốn điên cái đầu luôn. Bản thân em chen không nổi vào, cứ bị đám đông phía trước đẩy ra. Tụi nó hát om sòm trời đất, nhưng em có bao giờ thấy rõ mặt ca sĩ đâu chỉ loáng thoáng! Nói thật anh nha! Dẫu cho có cố len vào đến nơi nhưng chưa kịp làm gì dám đã nghẹt thở xỉu rồi cũng nên, nói gì đến giải tán mọi người cho đường thông hè thoáng? Đây cũng là thời điểm bọn ăn cắp móc túi hoành hành..
Ông Nhân nhìn xuống hất hàm:
  - Bộ tụi nó hát hay lắm sao mà đông vậy? Chắc tụi miền tây lên ca cải lương vọng cổ chứ gì? Hay là cũng mê coi hát rồi quên làm nhiệm vụ?.Chúng ta là những người giữ trật tự cho khu chợ. Chợ thì phải ồn ào nhộn nhịp, phải tấp nập người mua kẻ bán nhưng không thể bát nháo được! Phải chia ca làm việc đêm thôi! Phải đi tuần liên tục. Ai ngồi bán lộn xộn mất trật tự, hay có những hoạt động làm ách tắc che chắn lối đi cũng như xả rác bậy bạ, mang xe lại hốt hết cho tôi. Hàng nhiều quá thì cứ tịch thu cái bàn cân nộp phạt làm kiểm điểm rồi mới hoàn trả. Hôm nay tôi bận việc nhà, nhưng bắt đầu từ chiều mai đúng ngày thứ bảy, lượng xe chở hàng và du khách sẽ túa lên rất đông, tôi xung phong là người trực ca đầu tiên rồi sẽ tìm cách xử lý luôn nhóm hát đặc biệt này để xem ra sao? Còn bây giờ cuộc họp kết thúc mọi người có thể ra về.
Nghe giọng chắc nịch đầy thách thức của người thương binh già, một lần nữa không ai bảo ai mọi người lại vỗ tay đều nhịp rôm rả. Mặc dù rời bỏ quân ngũ đã lâu nhưng có lẽ những năm tháng lăn lộn sống còn trên chiến trường, nơi con người buộc phải luôn có phản xạ nhanh, quyết đoán, không được sai sót, khiến cho ông có đủ nghị lực và kinh nghiệm, không ngại khó, không e dè bất cứ điều gì.
Từ ngày đội quản lý chợ có ông về làm việc, mọi thứ đều đâu ra đó...Chỉ có khoảng chừng hơn nửa tháng nay khi bắt đầu mùa cao điểm lễ tết lượng người dồn về thành phố đột biến, mọi sinh hoạt trong chợ dường như quá tải, bị đảo lộn, do đó chiều nay ban quản lý chợ mới phải mở một cuộc họp khẩn cấp.

Ông Nhân đẩy cánh cửa bước vào nhà. Tiếng kẽo kẹt phát ra trong không gian yên ắng nghe rờn rợn. Bên ngoài trời vẫn còn sáng nhưng bên trong hiu hắt. Ông đưa tay tìm công tắc điện. Một tiếng "cách" khô khan. Vẫn không có gì sáng sủa hơn. Ông lẩm bẩm: "Lại cúp điện để chuẩn bị trữ điện cho Tết đây!"
Mò mẫm vào được phòng bếp, lúc này mắt đã quen với ánh sáng lờ mờ trong nhà, ông lật đật bật bếp ga rồi đặt nồi nước lên, vo nắm gạo bỏ vào. Lúi húi nhặt rau rửa thịt...Loay hoay một hồi, khi nghe thấy mùi gạo sôi ông giật mình quay lại, mọi vật đã chìm trong bóng tối chỉ có đốm lửa bếp ga là bừng lên xanh biếc.
Ông lục tìm cái đèn dầu. Nhìn dầu cạn đáy ông mới chợt nhớ đã hết, quên mua. Thây kệ thắp đỡ mươi mười lăm phút nữa rồi cũng sẽ ra khỏi nhà. Bấc lửa đã bén cháy lập lòe. .Vừa ngước lên ông đã vội cúi đầu, tay ôm trán, tránh không nhìn bóng mình in trên vách. Cách đây hơn mười năm khi còn ở quê nhà ông thích nhất buổi tối. Ở quê ông không có điện. Bù lại có cây đèn dầu được mẹ ông thắp treo lơ lửng trên cái quang gánh, tỏa ra một thứ ánh sáng dịu dàng ấm áp lạ thường. Nó soi bóng cái gia đình nhỏ bé, nghèo mà vô cùng hạnh phúc của ông. Một thời bóng ông hòa với bóng mẹ, bóng vợ ngồi trên cái sạp tre cùng với con gái và đứa con trai bụ bẫm tập nói bi bô. Giờ sao chỉ có mình ông? Ông đã làm nên tội lỗi gì mà giờ đây phải chứng kiến hạnh phúc cứ dần mất đi, ngày một lụi tàn để rồi chỉ còn mình ông ngồi một đống như thế này?
Hình như bất hạnh khởi nguồn từ sự qua đời đột ngột của mẹ. Rồi sự biến mất kỳ lạ của đứa con gái mới lên năm bé bỏng. Nó thường theo bà nội hơn là theo cha, có lẽ do nó ngại vết sẹo xù xì làm biến dạng khuôn mặt của ông thì phải?.
Ngày xảy ra sự cố đau lòng này vợ ông đi hội diễn văn nghệ cấp tỉnh nhân dịp lễ quốc khánh. Ông bận tụ họp với anh em thương binh nên nhờ cô em vợ trông dùm hai cháu. Nhân lúc dì mãi đưa võng thằng em, con chị tha thẩn ra ngõ rồi biến mất không dấu vết. Kể từ đó hạnh phúc gia đình ông cứ bị gặm mòn dần.
Qua bao năm tháng, tìm đủ mọi phương cách, kể cả khi phải nhờ đến lực lượng công an và các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, việc tìm kiếm vẫn vô vọng. Có người bắn tin nói rằng nó bị bán sang Trung quốc, có người lại nói nó bị bọn nghiện trong làng dụ dỗ bắt đi bán lấy tiền hút xách...Lùng sục khắp miền bắc, lần dò theo sự chỉ bảo, gia đình ông bán hết cơ ngơi mở rộng sự tìm kiếm, xuôi dần về miền nam hy vọng sẽ tìm được đứa con gái.
Nghe phong phanh nơi nào có" phong trào xây dựng làng trẻ em bất hạnh" hay nuôi dưỡng giáo dục trẻ em bị ruồng bỏ, côi cút, vợ chồng ông đều tìm tới nhưng đều không có kết quả.
Thấm thoát đã hơn mười năm, giờ có gặp lại làm sao có thể nhận ra con sau từng ấy thời gian?. Nó không có tì vết gì trên mặt, trên người để ông có thể chắc chắn đó là con mình. Lúc ra đi mới năm tuổi giờ hơn mười năm rồi còn gì?. Ông chỉ nhớ khuôn mặt nó đẹp lắm, sáng như trăng rằm, môi đỏ như son. Phải chi nó xấu, có tì vết tật nguyền gì đặc biệt thì giờ may ra ông có thể dựa vào đó mà nhận biết. Ông cũng chẳng nhớ lắm những kỷ niệm về nó ngoài tiếng cười trong trẻo hồn nhiên khi nằm cùng với bà nội nghe bà hát ru. Có lúc trên bước đường tha hương, tiền bạc cạn dần, hy vọng tìm con gái ngày càng trở nên mong manh ông đã từng có ý muốn trở về quê để được sống trong tình làng nghĩa xóm với sự che chở của họ hàng thân quen.
Thế rôì tai nạn giao thông bất ngờ lại cướp luôn đứa con trai út của ông trong khi đạp xe đi học. Thế là khát khao phải tìm cho ra đứa con gái lại bừng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Mùi cháo nhừ bốc lên thơm ngào ngạt. Ông bừng tỉnh đứng lên lục tìm túi xách sửa soạn cặp lồng để sẵn trên bàn. Ông qua phòng thờ lặng lẽ thắp nén nhang. Nén nhang cháy đỏ thả những sợi trắng mong manh. Mắt ngấn lệ ông khấn con, giọng lạc hẳn đi: "Con trai yêu quý của bố!Con sống khôn thác thiêng phù hộ cho mẹ con mau khỏe trở lại và gia đình sớm gặp lại chị Cả nhé con. Con ra đi đột ngột bố mẹ đau đớn quá! Giờ chỉ còn chị con là niềm hy vọng cuối cùng, là liều thuốc duy nhất có thể cứu mẹ con qua cơn bệnh trầm kha này! Thôi con trông nhà, giờ bố phải vào viện thăm mẹ con đây! Con phù hộ cho bố có đủ nghị lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé! Bố đi đây!.”

Ông Nhân đứng lấp ló bên ngoài ngần ngại chưa muốn vào. Đứa con trai bị tai nạn qua đời đến nay đã được hơn tháng. Vợ ông cũng nằm viện ngót nghét hơn ba tuần rồi!. Trong bộ đồ bệnh viện rộng thùng thình, tóc tai dã dượi bà đang ngồi co hai chân, kê cái gối lên trên, vùi mặt vào đó, hai vai run lên bần bật. Thỉnh thoảng lại ngước lên trần mếu máo lảm nhảm.
Mấy phút trôi qua ông vẫn đứng yên tại chỗ lặng lẽ chứng kiến sự đau khổ của vợ một cách bất lực. Bàn tay khẽ chạm vào cặp lồng cháo nóng, ông giật mình quầy quả bước vào phòng, vội vàng múc cháo ra chén, tiến lại từ sau lưng bà, đặt tay lên ve vuốt bờ vai gầy gọi nhỏ: _"Mình ơi! Tôi đưa cháo vào cho mình đây! Hôm nay tôi có cuộc họp kéo dài nên giờ này mới vào thăm mình được, trễ rồi mình cố gắng ăn tí nhé! "
Vợ ông quay lại ngơ ngác, khuôn mặt thất thần ướt đẵm nước mắt. Trời! hôm nay sao bà gầy thế! Thảm thế! Hai má hóp,cằm nhọn hoắt vêu ra. Nỗi đau khổ không bao giờ vơi, thường xuyên tuôn thành dòng trên khuôn mặt xanh xao của bà khiến bất chợt ông cảm thấy tinh thần gần như bị vắt kiệt, mệt mỏi lạ lùng!.
Ông khẽ thở dài, bàn tay bỗng dưng lóng ngóng, chén cháo run rẩy, ông vội đặt xuống, định thần lại. Phải một lúc sau ông mới từ từ múc thìa cháo kề tận môi vợ dỗ dành: "Mình ăn cháo đi rồi còn uống thuốc".
Hứa hẹn vỗ về đủ điều vợ ông mới chịu há miệng nuốt cháo. Cứ thế nhẫn nại đút cho đến thìa cuối cùng. Vừa xong ông vội đứng lên nói nhỏ:_ Tôi chưa ăn bữa tối giờ ra kiếm gì lót bụng đã rồi trở lại ngay với mình nhé!.
Cánh cửa phòng vừa khép lại sau lưng ông chạy lại bên chiếc ghế chờ trống trải. Lúc này đêm tối nên bệnh viện vắng tênh. Hai tay bưng lấy mặt ông gục xuống. Hơn ai hết ông biết tình trạng vợ ông đang trở nặng nếu cứ thế này chắc rồi cũng bị chuyển đi bệnh viện tâm thần. . Các con ơi cha mẹ phải làm sao để có lại các con trong vòng tay đây! Lẽ nào gia đình ta lại bất hạnh vậy?.
Thật ra ngoài việc kiếm gì ăn, đây cũng là cái cớ để ông tránh không phải chạm vào ánh mắt dò hỏi không thể giải đáp được của vợ. Bác sĩ chẩn đoán bà đang có triệu chứng tâm thần phân liệt. Hết cháo lại đến thuốc ngày nào cũng thế ông phục vụ hết mình. Lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng cho vợ kề vai, dựa dẫm với một mong mỏi đừng bị nhìn với ánh mắt đó! .Mình ơi xin mình thứ lỗi cho tôi, đừng nghĩ tôi hờ hững. Suốt bữa ăn mình không thốt một lời nào. Ánh nhìn cứ dán chặt vào tôi như chờ đợi. Tôi biết mình đang đau đớn như thế nào nhưng phải làm sao bây giờ?. Tôi cũng đâu mạnh mẽ gì hơn mình? Tôi không thể nói dối không thể hứa viễn vông nên đành phải tránh né phải câm lặng để rồi đêm đêm cũng gặm nhấm nỗi đau mất con như mình mà thôi!.
Mình còn hy vọng chứ tôi thì tuyệt vọng lắm rồi!. Mình ơi! chắc tôi không thể chịu đựng thêm được nữa rồi! Đầu óc sắp nổ tung! Tôi chưa bao giờ lâm phải tình trạng bi đát như thế này!
Ngay cả những năm tháng binh lửa khốc liệt, khi ở trên bờ vực của sự sống, bị thương phải nằm lại bên một bờ mương, giữa đồng không mông quạnh kiến bâu đầy vết thương, đầu óc vẫn sáng suốt kiên cường, vẫn ráng không nhúc nhích nằm bất động rất lâu, tránh bị địch phát hiện . Sau đó ráng lết thân ẩn mình trong bùn, cố giành giật lấy từng giây từng phút sự sống chứ đâu có buông xuôi ?. Đã bao lần xông pha nơi chiến trận hiểm nguy, tiếng bom đạn tiếng súng địch trút như mưa ông có bao giờ nao núng?. Vậy mà ngày hôm nay...Tiếng xe cứu thương rú lên cắt đứt dòng suy tưởng, tiếng người lao xao, bóng blu trắng với chiếc giường đẩy vụt qua, khuất dạng ở cuối hành lang.
Tất cả lại chìm vào im lặng. Hai dãy ghế chờ trống trải của bệnh viện vẫn chỉ một mình ông . Ông không cảm thấy đói, chẳng buồn đứng lên. Ông ngồi lại trong hành lang sâu hút tối mờ tựa đầu vào thành ghế. Nước mắt ứa ra thành dòng, lan dần, len lỏi theo vết sẹo gồ ghề ngưa ngứa lăn tăn.

Mới hơn 4 giờ chiều, khu vực suốt dọc con đường chính đi vào khu chợ đã bắt đầu nhốn nháo. Xe hàng xe khách rầm rập túa về không ngớt. Đường vào bến lại bị tắc nghẽn, tài xế không có lối để lách xe tìm chỗ đỗ, bắt đầu văng tục cãi cọ om sòm. Khách buộc phải xuống xe với những túi xách lễ mễ lếch thếch, đứng ngơ ngác vì không tài nào gọi được taxi, lại bị con buôn chèo kéo, hốt hoảng la ơi ới.
Con đường ăm ắp nào là xe bán trái cây, sữa đậu nành, bánh mì kẹp thịt, xe bán bánh bao, xôi. Tất cả đậu ngang đậu ngược, cùng với những gánh hàng rong bày la liệt đang tranh nhau chào mời khách. Phiên chợ đêm rõ ràng đang bắt đầu khi chợ chiều vẫn chưa kịp tan. Không ai nhường ai, mạnh ai nấy bán, giở chiêu đoạt khách khiến cho không khí càng bức bối căng thẳng.
Giữa lúc đó những tiếng còi huýt lên lanh lảnh kéo dài.... Một chiếc xe jeep mui trần của quản lý chợ đang tiến vào. Trên xe chất đầy những thứ hàng vừa bị tịch thu. Xe đi tới đâu đường mở ra tới đó rồi chỉ một loáng những gì nhô ra lấn chiếm lổn nhổn bỗng nhiên thụt vào, trong chốc lát lòng đường đã bắt đầu lưu thông trở lại mặc dù hai bên lề vẫn đông nhưng đã bớt nhốn nháo.
Ông Nhân nhảy xuống xe đi dọc đường, phùng má lên thổi còi liên tục. Ông xuất hiện tới đâu đường ngay hàng thẳng lối tới đó. Đang đi bỗng thấy vướng víu ông giơ chân lụi liền mấy cái, có tiếng kêu lên"Ui da sếp ơi! Để từ từ em kéo thúng cà chua vào mà!"
Mọi người răm rắp sắp xếp lại chỗ ngồi, lấm lét nhìn ông. Vừa đi vừa liếc nhìn những gánh rau bán ế buổi sáng giờ tranh thủ bán buổi chiều, mướp bầu bí rau muống gì mà héo queo! Chả bù với quê ông rau quả đu đưa xanh mướt trong vườn!. Ông thở dài rảo bước thật nhanh rồi ngừng lại trước bến xe nơi chỉ mới đây đông nghẹt, giờ thoáng hẳn. Lại đưa còi lên huýt, tay chỉ trỏ ra hiệu liên tục. Xe bắt đầu chạy từ từ vào. Các bác tài mặt mày tươi rói thò đầu ra cửa xe, kính cẩn chào ông. Giữa đám đông kẻ mua người bán, vết sẹo dài hằn lên lì lợm một bên mặt, cái mũ lưỡi trai lấp lánh huy hiệu ngôi sao vàng, trang phục hao hao như một quân nhân ông khiến đám đông nể nang, còn những tay anh chị lì lợm nhất chợ dù có ghét cay ghét đắng cũng phải chịu khuất phục. Khi mọi thứ có vẻ vào nề nếp, một đồng nghiệp từ bên kia đường chạy sang vỗ vai ông nói: "Cám ơn anh. Bữa nay có anh là mọi việc khác ngay! Mới khởi động đã đâu vào đó hiệu quả ra phết!. Thôi anh về văn phòng nghỉ chút lấy lại sức, để tụi em đi tuần được rồi!
Có gì tụi em lại gọi. Hình như anh từ bệnh viện ra đây luôn phải không? Kiếm gì ăn trước chứ chút nữa là đi tuần khùng luôn, chợ sẽ đông gấp mấy lần bây giờ đó anh! Rồi còn phải tinh toán sắp xếp chỗ cho bà con khắp nơi chở hàng lên bán Tết. À mà chị nhà đỡ tí nào không anh?".
Ông uể oải lắc đầu:"Đỡ gì đâu, bệnh tình có vẻ nghiêm trọng! Thôi! Đang làm việc công không nói chuyện tư! Giờ tôi đi đây!. Có gì thì điện thoại, tôi sẽ ra ngay!" .
Ông Nhân vừa gặm xong khúc bánh mì, tính đi kiếm miếng nước uống bỗng chuông điện thoại reo vang. Ông nhấc máy. Một giọng khẩn cấp hổn hển vang lên: "Sếp phải không? Sếp ra nhanh nhanh lên tụi nó đang tụ lại sửa soạn bán quảng cáo và hát đó anh! nhanh nhanh lên! Tụi em chờ anh đây!".
Ông Nhân gằn giọng: " Làm gì mà quýnh lên thế! Cứ để cho tụi nó hoạt động đi, bất thình lình tao ra bắt trọn ổ hiểu chưa?".
Từ xa ông đã nhìn thấy một đám đông đen đặc. Xe cộ phải vòng đi ngã khác. Tiếng rao hàng quảng cáo oang oang qua loa phóng thanh, tiếng ca sĩ thử giọng...Tiếng cười nói huyên thuyên. Ông rút cái còi thổi những tràng dài thị oai, nhưng hình như thiên hạ điếc hết thì phải? Tiếng còi lanh lảnh bị nuốt chửng mất hút giữa một biển âm thanh chợ búa đang dâng lên không ngớt.
Vùng vẫy trong cái mớ chằng chịt những người là người, ông muốn nghẹt thở khi cố gắng lách vào để có thể tiếp cận những đối tượng. Xoay xở một lúc tưởng đã có thể đưa còi lên phùng má thổi lại một lần nữa bỗng có cánh tay ai quạt ngang cùi chỏ húc mạnh còi bị hất ra khỏi miệng, đám đông ùn đẩy lên phía trước. Trong nháy mắt ông bị vây kín bốn mặt không sao cục cựa, kẹt cứng tại chỗ. Ông thoáng thấy gương mặt của người ca sĩ hát rong nhưng rồi lại bị che khuất bởi hàng hàng lớp lớp những cái đầu.
Đang loay hoay bỗng một giọng ca trong vắt cất lên.. Ông đứng ngây người ra, điệu hát vang lên hòa vào lòng miên man cuốn ông về một miền xa, nơi có dòng chảy khi lững lờ khi cuồn cuộn xóay vòng. Xung quanh mọi âm vang rộn rã mọi gấp gáp chợt lắng xuống, giọng ca lâng lâng đẩy đưa, bập bềnh trôi nhè nhẹ. Hồn vía ông Nhân bám theo điệu ca, lắng đọng về nơi se se heo mây, thoảng mùi rơm rạ, lơ lửng khói chiều. Quê hương vời vợi từ lâu tưởng đã nhạt nhòa trên bước đường lưu lạc tha phương đang như thật gần. Giọng người ca sĩ lâu lâu lại ngắt quãng như tiếng nấc, hạ thấp ghèn nghẹn rồi lại buông ra như tiếng thở dài, lặng đi một lúc, bật lên trở lại ngân dài lê thê. Cảnh vật trước mắt dường như không còn hiện hữu, ông Nhân quên mình đang đứng giữa phố chợ đông người, ông đang nhìn thấy cái ao bèo dập dềnh, cánh đồng xanh bát ngát quê ông, đàn cò trắng chao nghiêng đến tận chân trời. Mắt ông rưng rưng lệ, ngậm ngùi thương cho kiếp phù du hợp tan chìm nổi, phận bèo giạt mây trôi . Giai điệu bài hát rất quen thường nghe hát ra rả trong mọi ngóc ngách của thành phố nhưng qua giọng hát của người ca sĩ nó bỗng nhiên lạ lẫm đến bất ngờ.
Mọi người xung quanh đều im lặng dõi theo. Có người lẩm bẩm hát theo nhưng không kịp, đứng ngẩn tò te rồi lại há hốc mồm say sưa thưởng thức giai điệu. Điệu hát đang da diết mỏi mòn bỗng người hát chuyển sang những đoạn ầu ơ . Một lần nữa tâm hồn ông lại chao nghiêng giữa một khung trời mênh mang. Nhịp võng đưa hòa với mùi sữa thân quen ruột rà cứ đậm dần ngọt dần lên. Ông đang cảm nhận mạch sống thân quen nuôi ông từ khi còn là bào thai để rồi được bám vào, níu chặt, được âm thầm lớn lên cho đến khi nguyên vẹn hình hài. Những nỗi niềm buồn thương trắc trở, những ngậm ngùi khó nói chất chứa trong lời ca một thời ru ông tròn giấc, nuôi ông lớn lên. Rồi lại tiếp tục biến thành lời tỉ tê nựng nịu những đứa con bé bỏng của ông.
Có những câu hát người ca sĩ hát như ru, cứ lơ lửng kéo dài, ứ nghẹn giọng tự nhiên chân chất không luyến láy như các ca sĩ trong đoàn văn công chuyên nghiệp nhưng lại rất đặc biệt đến mức khó lẫn lộn.
Tại sao lời ca đau đáu đến lịm hồn một thời của mẹ ông lại đột ngột vang lên giữa phố chợ này?. Giọng hệt như mẹ ông ngày nào! Ông Nhân như người vừa ra khỏi cơn mê ông húc đầu vào đám đông dùng hết sức mở đường xông lến phía trước.
Người ca sĩ đã đứng trước mặt ông. Cô vẫn đang say sưa hát. Nhìn rõ nghe rõ lòng ông Nhân tê điếng, trái tim đập muốn vọt ra khỏi lòng ngực rồi ông bất chợt rú lên gọi thật to: "Con ơi! Bông Bụp của bố đó phải không con! ôi giời ơi là giời!."
Cô gái đang hát nghe có người gọi, cô quay phắt người lại. Ánh mắt cô chạm ngay vào vết thẹo hằn lên rất rõ trên khuôn mặt đang trong cơn xúc động của ông Nhân. Nhìn trừng trừng một thoáng, rồi không một chút ngần ngại cô bé lao về phía ông đang giang rộng vòng tay, cô lắp bắp: Con đây! Bụp đây!.
Ông Nhân ôm con trong vòng tay cứ ngỡ là giấc mơ. Ông lẩm bẩm: "Con đó phải không Bụp. Ngày con sinh bông Bụp nở đỏ bờ giậu nhà mình. Sao con bỏ bố mẹ mà đi bao năm trời đầy đọa cha mẹ đi tìm hả con?"
Trong tiếng lao xao của đám đông ông nghe tiếng con gái vừa khóc vừa dụi đầu áp má cà cà mặt vào cái sẹo sù sì trên mặt ông thì thầm: "Bố ơi! ngày còn bé con sợ cái thẹo của bố nhưng sao giờ con mừng quá vì thấy lại "nó" đó bố ơi! Nhờ nó con nhận ra ngay bố." Đám đông xúc động im lặng nhìn sự đoàn tụ của hai cha con. Cô bé sụt sịt kể lể: "Ngày đó có một người thanh niên tới nhà, gặp con trước ngõ, anh ta nói mẹ sai anh ấy về mang con lên xem mẹ hát trong hội diễn. Con tin nên đi theo hình như họ bị công an bắt trên chuyến tàu đi nam trong lúc con ngủ gục, con thì khi xuống bến đứng chơ vơ rồi được mẹ nuôi nhận về, mẹ mất đã năm năm nay, giờ con theo cha nuôi hát rong bán hàng quảng cáo..." .
Ông Nhân ôm xiết con vào lòng vui quá đến nghẹn cả lời. Đường vào chợ đen đặc tắc nghẽn nhưng ông không bực mình tức tối như thường lệ, ông quên hẳn cái còi lủng lẳng trước ngực, lòng ông bỗng dưng nhẹ thênh thênh phơi phới thông suốt đến lạ kỳ. Mọi người mọi vật xung quanh đều đáng yêu vô ngần!. Lần đầu tiên giữa phố chợ tha phương lòng ông ấm lại khi thấy những chiếc xe ba gác xếp hàng chở lá dong gói bánh chưng len lỏi tìm đường vào chợ. Hồn quê phảng phất lẩn quất đâu đây. Ôi tết đang đến thật gần. Như người vừa thoát khỏi cơn mê ông buông con gái ra và nói thật nhanh: "Mẹ con đang trong bệnh viện bố con mình vào đưa mẹ về nhà vì bố biết mẹ thấy con sẽ hết bệnh ngay con à, và tết này sẽ là cái tết đoàn viên của cả nhà ta! "

HÊT
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.02.2018 10:51:20 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9